Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

20181107. CẦN LẮM MỘT CƠ CHẾ 'XIN TỪ CHỨC'

ĐIỂM BÁO MẠNG
CẦN LẮM MỘT CƠ CHẾ 'XIN TỪ CHỨC'

LÊ TRIẾT/ TBKTSG 6-11-2018

(TBKTSG) - “Từ chức”, cụm từ lâu nay được xem là khá nhạy cảm, mới đây đã được người đứng đầu Đảng và Nhà nước đề cập một cách trực diện, thẳng thắn. Báo chí đưa tin, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trong các nội dung liên quan, có nội dung: “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.


Kết quả hình ảnh cho từ chức


Có rất nhiều nội dung mà cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện, nhưng nội dung “chủ động xin từ chức” ít nhiều gây chú ý bởi động thái này từ trước đến giờ vẫn còn khá “xa lạ” trong sinh hoạt chính trị lẫn trong văn hóa hành xử của những người được giao trọng trách. Tổng bí thư, và hiện nay còn là Chủ tịch nước, nhấn mạnh vai trò nêu gương trước hết ở các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nhưng có lẽ cần thấy rằng văn hóa từ chức nên hình thành trong mọi cấp, trong mọi cơ quan đơn vị mà ở đó các chức trách lớn-nhỏ do Đảng và Nhà nước bổ nhiệm.
Nói cho công bằng, không phải tất cả những người mang trọng trách đều “chây ì”, phớt lờ dư luận, hoặc thiếu dũng khí để lên tiếng xin từ chức. Mà sự “dùng dằng” ở đây có phần nào là do thiếu một cơ chế, một quy trình minh định để họ thanh thản “cởi áo từ quan” hay mạnh dạn “nhường ghế” khi cảm thấy mình không còn đủ năng lực, uy tín đảm nhiệm trọng trách.
Chưa bàn đến các vị trí cấp cao ở trung ương, nơi mà mọi quyết định “xin từ chức” và “chấp thuận việc từ chức” cần được cân nhắc nhiều mặt bởi không chỉ liên quan đến sinh mệnh chính trị cá nhân mà còn tác động xáo trộn có thể có trong hoạt động điều hành Chính phủ, Nhà nước. Chỉ nói đến các cấp địa phương, thậm chí tại các doanh nghiệp nhà nước hay các đơn vị sự nghiệp, thực tế lâu nay vẫn có một sự lúng túng cho cả người bổ nhiệm lẫn người được bổ nhiệm khi cần thiết phải “xin từ chức”.
Lúng túng, bởi lâu nay hầu như chỉ có một quy trình xuôi, đó là một quy trình bổ nhiệm vốn rất chặt chẽ, phải qua nhiều bước, phụ thuộc nhiều cấp. Một cá nhân trước khi được bổ nhiệm vào một vị trí lãnh đạo hầu như phải trải qua một quá trình quy hoạch lâu dài, được đào tạo và phải kinh qua một số thử thách. Đến khi được đề bạt, người đó phải được cơ quan đảng và chính quyền cấp trên phê chuẩn. Một quy trình quy hoạch-bổ nhiệm như vậy phần nào có ý nghĩa tuân thủ, người được bổ nhiệm hiểu rằng họ được giao trọng trách và bổn phận của họ là phải hoàn thành. Cũng vì vậy mà khi một người muốn từ chức, về mặt tâm lý có vẻ có khó khăn cho cả hai phía: người bổ nhiệm không muốn mang một cảm giác rằng mình chọn người không phù hợp; còn người được bổ nhiệm lại cứ tâm niệm rằng đó là một nhiệm vụ chính trị được cấp trên tin tưởng giao phó, và khi mình xin từ chức thì đồng nghĩa với việc né tránh, thoái thác nhiệm vụ.
Song, một sự “dùng dằng” như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động lãnh đạo và điều hành công việc. Vì tâm lý như nói trên mà cả hai phía đều không muốn thay đổi, trong khi thực tế công việc đã đến lúc đòi hỏi một con người mới với cách làm mới. Mặt khác, tâm lý đó cũng có thể là chỗ dựa “chính đáng” cho một số người không còn đủ năng lực nhưng không muốn rời ghế, với lý lẽ rằng “phải tuyệt đối chấp hành nhiệm vụ mà cấp trên tin tưởng giao phó”.
Tất nhiên, cùng với một quy trình bổ nhiệm chặt chẽ thì một cơ chế để từ chức có lẽ không đơn giản. Trước một nguyện vọng xin từ chức, có khi các cấp ủy đảng sẽ phải họp nhiều cuộc để xem xét và có ý kiến. Với các chức vụ do bầu cử mà có thì còn phải căn cứ kết quả biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm. Mặc dù vậy, một cơ chế cho vấn đề này đã đến lúc cần được hình thành, và nên càng đơn giản càng tốt để thuận lợi cho người muốn từ chức, và thể theo nguyện vọng của số đông, đặc biệt khi người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã phát đi tín hiệu. 

PHẢN BIỆN QUY ĐỊNH NÊU GƯƠNG

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 7-11-2018

Ngày 25/10/2018, BCH TƯ  ĐCSVN ban hành Quy định số 08-QĐ/TW: QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, TRƯỚC HẾT LÀ ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, ỦY VIÊN BAN BÍ THƯ, ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG.
QĐ có 4 điều. Điều 1 - Trách nhiệm thi hành. Điều 2 - UV BCT, UVBBT, UV BCH TƯ phải gương mẫu đi đầu thực hiện (gồm 8 mục). Điều 3 - UV BCT, UV BBT, UV BCHTƯ  phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống (8 mục). Điều 4 - Tổ chức thực hiện (3 mục).
Trước đây, về nêu gương đã có Quy định số 101 ngày 7/6/2012 và số 55 ngày 19/12/2016.
Từ BCH TƯ khóa 10 trở về trước không thấy có QĐ nêu gương. Có lẽ những QĐ kiểu này là sản phẩm trí tuệ riêng của ông Nguyễn Phú Trọng.
Sau khi Quy định số 08-QĐ/TW được ban hành, đã có nhiều người hết lời ca tụng, tâng bốc. Trong khi đó Phạm Trần viết bài “Làm gương đầu voi đuôi chuột” (Danlambao, ngày 01/11/2018). Chắc cũng còn nhiều người biết và phê phán các khía cạnh khác nhau. Riêng tôi, sau khi đọc qua thì buồn cười và thấy được nỗi lo của lãnh đạo, sau khi xem kỹ lại phát hiện ra trình độ kém của người soạn văn bản, nên viết phản biện này.
Nỗi lo của lãnh đạo ở chỗ thấy rõ và không còn giấu giếm được sự kém  phẩm chất của đội ngũ cán bộ (CB) các cấp, đặc biệt là cấp cao. Thật đau đớn khi buộc phải nói ra, nhưng vì không còn cách gì giấu nổi. Toàn dân đã thấy rõ, biết rõ. Chỉ trong vòng 6 năm (2012-2018) phải lần lượt ra 3 QĐ về nêu gương.
Một số người cho rằng “Phẩm chất CB bị giảm sút”.  Giảm sút nghĩa là ban đầu đã có. Tôi nghi ngờ rằng ban đầu đã không có hoặc quá kém. Đa số những CB leo lên được cấp cao chủ yếu nhờ vào thủ đoạn đu bám, nhờ mưu ma chước quỷ, nhờ thế lực, bè phái… chứ không nhờ vào thông minh, sáng tạo, trung thực, liêm khiết.
Ca dao có câu: Bầu ơi thương lấy bí cùng… Nhiều người ca ngợi, cho rằng câu đó nói lên tình cảm thắm thiết, sâu đậm. Có ngờ đâu đó là một lời khuyên nghe rất não lòng. Những QĐ về nêu gương cũng là những lời khuyên như thế. Nói theo kiểu ông Trọng: Chất lượng của các loại Ủy viên kém đến thế nào mới phải ra QĐ về nêu gương chứ.
Trình độ kém của người soạn thảo thể hiện cả ở nội dung và cách thể hiện.  Trước hết không tìm đúng nguyên nhân cơ bản tạo ra tình trạng CB kém phẩm chất. Người ta cho rằng do một số người thoái hóa biến chất. Đó chỉ là sự vuốt đuôi. Thực ra nguyên nhân cơ bản là đường lối của ĐCS, dựa vào Chủ nghĩa Mác Lê, là sự độc đoán, chuyên quyền và dân chủ giả hiệu, là sự lừa bịp quá tinh vi trong bầu bán.
Đã có rất nhiều văn bản về trách nhiệm, nghĩa vụ của đảng viên và CB các cấp, về kỷ luật và những điều cấm. Tại sao không lo đôn đốc thực hiện mà lại làm thêm QĐ mới? Phải chăng làm thì khó, ra QĐ dễ hơn nhiều? Ra được một QĐ, chẳng biết nó hay dở thế nào, chỉ biết là đã có cái để kể thành tích.
Không phải ra được một QĐ thì rồi CB và UV các cấp sẽ tích cực nghiên cứu để thấm nhuần và thực hành nêu gương. Có ra thêm vài chục, vài trăm QĐ tương tự mà không có thay đổi về bản chất thì  đâu vẫn hoàn đó.
Một số nội dung của QĐ số 08 là những điều để huấn luyện đối tượng kết nạp đảng chứ không phải là bài học cho UV cấp cao, một số nội dung khác lại chứa đựng những điều phản tiến bộ (Phạm Trần cho là ‘ trung thành với xác chết’)  hoặc là những khẩu hiệu rỗng tuếch. Những điều liên quan đến chức trách, quyền hạn không có gì mới, đã được nêu ra trong các văn bản khác về xây dựng và kỷ luật đảng hoặc là những việc đương nhiên.
Việc ra QĐ với các nội dung “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” ẩn chứa phong cách trịch thượng, thích dạy khôn cho người khác. Có biết đâu các loại UV còn khôn hơn rận, sẽ nghĩ ra và dùng nhiều mưu ma chước quỷ để qua mặt mọi QĐ nêu gương.
Liệu rồi sau QĐ số 08 của Đảng, Bộ Giáo dục có học theo để ra QĐ nêu gương dùng cho các thầy cô, Bộ Văn hóa ra QĐ nêu gương dùng cho ông bà cha mẹ? Ra những QĐ kiểu này chỉ làm tốn công sức, tốn thời gian, tốn giấy mực chứ hiệu quả rất thấp, hại nhiều hơn lợi.
Để kết thúc tôi mượn câu của Phạm Trần (bài đã dẫn): “Hay là ông Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng muốn làm trò cười cho thiên hạ mà không hay, hoặc cái đầu ông thật sự là “có vấn đề”.
N.Đ.C. Tác giả gửi BVN

LẠI BÀN VỀ CÁN BỘ CẤP CHIẾN LƯỢC

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 6-11-2018

Ngày 4/11/2018 BCT ĐCSVN họp, cử ra Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược giai đoạn 2021-2026, gồm 6 người: Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính, Tòng Thị Phóng,  Trương Hòa Bình, Trần Cẩm Tú. Lại có bộ phận giúp việc 12 người. Họ có nhiệm vụ làm quy hoạch, lập danh sách những người được họ lựa chọn để các Đại hội bầu. Lại xuất hiện một Ban chỉ đạo quái gở, một địa chỉ cho các cuộc chạy chức chạy quyền.
Thời  quân chủ, thường có chuyện chọn thái tử trong các hoàng tử hoặc hoàng thân quốc thích. Khi thái tử còn nhỏ cần phải cử thái phó, làm thầy dạy. Đó là kiểu quy hoạch và bồi dưỡng cán bộ cấp đại chiến lược của chế độ cha truyền con nối đã bị chôn vùi. Ngày nay trong các nước dân chủ văn minh hình như không còn đảng cầm quyền nào làm cái trò quy hoạch và bồi dưỡng cán bộ kiểu như vậy. Nếu đảng cầm quyền mà quy hoạch cán bộ thì Mỹ không có Trump, Pháp không có Macron,  Malaysia không bầu Mahathir, Bonsonaro không thắng cử ở Brazil, v.v.
Mới xem qua cách mà Ban chỉ đạo sẽ làm thấy rất hay. Nào là “phải thận trọng, chặt chẽ, tập trung, dân chủ, công tâm khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, giữ gìn kỷ luật thông tin, bước đi phải chặt chẽ, bởi đây là công việc phức tạp, hệ trọng…, cần chú ý đào tạo, bồi dưỡng nhiều hơn những cán bộ có trình độ, hiểu biết về xây dựng Đảng, luật pháp, các trí thức tiêu biểu, các nhà văn hóa, nhà khoa học có uy tín… Dứt khoát không đưa vào Quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực,… Nếu phát hiện cán bộ nào có vấn đề sẽ đưa ra khỏi quy hoạch ngay…”.
Chỉ những người có tên trong quy hoạch mới hy vọng được đề cử để bầu bán.
Đã có khá nhiều bài ca tụng việc làm quy hoạch cán bộ, nhưng xem ra chỉ là những lời phụ họa ngây ngô, sáo vẹt. Tôi viết Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ là quái gở vì cách làm là phản tiến bộ. Người ta định thắp đuốc lên giữa ban ngày để tìm người hiền tài trong giới tinh hoa, đưa ra làm lãnh đạo, nhưng cách làm, đặc biệt là tiêu chuẩn lựa chọn chỉ có thể tìm được những kẻ có nhiều mưu ma chước quỷ, là tinh ma chứ không phải tinh hoa. Đã một số lần tôi phát biểu: “ Cách lựa chọn cán bộ của ĐCSVN là sai từ gốc”.  Sẽ có người phê phán: “ Ông bảo người ta sai, sao chỉ biết phê phán mà không nói ra cách làm đúng”. Thưa rằng, tôi đã vài lần góp ý kiến nhưng vì chất kiêu ngạo cộng sản mà họ không nghe. Còn cách làm đúng không phải tìm đâu xa, chỉ cần từ bỏ độc tài toàn trị, tôn trọng quyền của người dân và chịu khó suy nghĩ một chút là sẽ tìm được.
Vì kém trí tuệ, vì bảo thủ mà BCT ĐCSVN lập ra Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược thì xin hãy  quy hoạch riêng cho Đảng mà thôi. Những cán bộ thuộc hệ thống Nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng và các thành viên chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các nghị sĩ, Chủ tịch các UBND các cấp… xin hãy để cho Nhân dân được dân chủ bầu chọn. Trước hết là hãy để bầu ra một Quốc hội thực sự đại diện cho dân chứ không phải là bù nhìn của đảng.
Dựa vào điều 4 của Hiến pháp do một Quốc hội bù nhìn thông qua, ĐCSVN cướp quyền của Dân, trong đó có quyền thiêng liêng được chọn người đại diện cho mình trong đời sống chính trị. Quyền ấy bị ĐCS cướp và giao vào tay một nhóm người, gọi là Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ. Bộ chính trị đã công bố địa chỉ để chạy chức chạy quyền. Một cuộc chạy không phát động, không trống giong cờ mở, chỉ ngấm ngầm, nhưng rất quyết liệt đã bắt đầu.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

LUẬT AN NINH MẠNG THÁCH THỨC UY TÍN CHÍNH TRỊ CỦA THỦ TƯỚNG VÀ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

TRƯƠNG HUY SAN/FB.Osinhuyduc /BVN 7-11-2018

+ Có Hai Bộ Công An?
Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể sẽ đi vào lịch sử nếu như Nghị quyết 112 có hiệu lực trên thực tế. Cũng như việc bãi bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh, Nghị quyết này là một trong những hành động thiết thực dân cần chứ không phải là những tuyên bố cải cách to tát nói rồi để đấy. Tuy nhiên, Dự luật An Ninh Mạng có thể sẽ nhận chìm uy tín chính trị của ông (và cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân), đặc biệt, là uy tín trước cộng đồng quốc tế.
CHỦ QUYỀN QUỐC GIA & TỰ DO CỦA NGƯỜI DÂN
Không có gì quá ngạc nhiên khi một số nhà báo, trí thức... ngạc nhiên khi Google, Facebook... chưa phản ứng Dự luật đòi Google, Facebook... phải đặt máy chủ ở VN mà người trong nước đã nêu ý kiến. Các bạn trí thức này đã tư duy trên nền tảng chủ quyền quốc gia truyền thống, họ ý kiến trên tâm thế "Nhà nước" (cho dù tôi biết nhiều người không phải là người nhà nước) chứ không trên tâm thế của những người dân được hưởng lợi từ Google, Facebook...
Nếu như, điều kiện đặt máy chủ tại VN đối với Google, Facebook... chủ yếu đặt họ trước các bài toán kinh doanh khi phải bỏ thêm tiền lắp đặt thêm các "server", thì đối với người VN là vấn đề tự do. Chính quyền sẽ dễ dàng gây sức ép với các nhà cung cấp dịch vụ như email, youtube, Facebook... buộc áp dụng điều 9, điều 10 của Dự thảo gỡ bỏ các bài viết của người dân khi họ đặt máy chủ tại VN thay vì tại Hongkong hay Singapore như hiện nay.
Theo Dự thảo và theo tuyên bố mới đây của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì mối quan tâm ưu tiên của Dự luật này không phải là để bảo vệ các cơ sở dữ liệu liên quan đến an ninh quốc gia và bí mật cá nhân của người dân (đặc biệt là sau khi có "cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư") mà là những thông tin "tuyên truyền chống chế độ".
Mạng xã hội (MXH) chỉ là công cụ, nó cũng như con dao, thái rau hay gây án là tùy người dùng. Bộ Luật Hình sự có đủ tội danh để chính quyền bắt bớ những ai trái ý.
Chỉ có vài quốc gia còn hình sự hóa quyền chỉ trích chính quyền của người dân và VN là một trong số ít đang có quá nhiều điều luật để buộc tội những hành vi mà ở các quốc gia tiến bộ coi là quyền tự do của dân chúng (ngôn luận và bày tỏ chính kiến). Lẽ ra, chính quyền VN đã phải đủ trưởng thành để nhận thức rằng, chính mình đã mạnh lên rất nhiều, bộ máy đã bớt nhũng nhiễu đi rất nhiều kể từ khi có internet và người dân có thể dùng MXH để lên tiếng.
Chủ quyền quốc gia liệu còn ý nghĩa gì không khi mà trong đó người dân được sống với ít tự do hơn. Chính Hồ Chí Minh - người sáng lập ra chế độ này - cũng đã tuyên bố, "Nước có độc lập mà dân không có tự do thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa". Một khi buộc được các nhà cung cấp dịch vụ đặt máy chủ trong nước, đắc chí vì thấy họ phải tuân theo điều mà vài người tưởng là chủ quyền quốc gia, quyền tự do của người dân sẽ bị can thiệp. Chỉ chiếu theo các tiêu chí của Hồ Chí Minh thôi, đã thấy đòi hỏi chủ quyền kiểu đó là vô nghĩa.
CÓ HAI BỘ CÔNG AN
Trong hai năm đầu của mình, Bộ trưởng Tô Lâm đã làm được rất nhiều việc, cả về chống tham nhũng trong hệ thống và cải cách trong ngành. Nghị quyết 112 rõ ràng mang đậm dấu ấn của ông. Nếu Nghị quyết này triển khai thành công theo hướng - người dân không bị đặt trong tình trạng "bất hợp pháp" chỉ vì thiếu các thủ tục hành chánh và không còn bị CSKV đe dọa quyền tự do đi lại & tự do cư trú chỉ vì thiếu tờ KT3 hay tờ hộ khẩu - thì ông Tô Lâm và ông Trần Tuấn Anh có thể được coi là hai thành viên tiên phong cải cách của Nội các; việc làm của hai ông cho dân chúng lờ mờ thấy nội hàm của "Chính phủ kiến tạo".
Nhưng, Nghị quyết 112 & Dự luật An Ninh Mạng tuy cùng xuất phát từ Bộ Công An đã cho thấy hai cách tiếp cận khác xa nhau. Một bên Bộ sẵn sàng từ bỏ quyền lực, một bên Bộ lại thể hiện cách tiếp cận như thời VN chưa có internet. Nếu những điều luật đi ngược lại xu thế của thời đại trong Dự luật An Ninh Mạng thành hiện thực, rất khó để tin rằng, hiện chỉ có một Bộ Công an của ông Tô Lâm.
THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC & CHỦ TỊCH NGUYỄN THỊ KIM NGÂN
Cho dù có mấy Bộ Công an thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc & Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Nếu người dân không còn công cụ để giám sát bộ máy thì những nỗ lực bãi bỏ hộ khẩu, giấy phép con, điều kiện kinh doanh... sẽ dần dần bị vô hiệu hóa bởi chính những quan chức (mặc sức) tha hóa nằm trong bộ máy.
Nghiêm trọng hơn, nếu ông bà cho phá vỡ các cam kết quốc tế của những người tiền nhiệm - không buộc nhà cung cấp các dịch vụ mạng phải đặt máy chủ tại VN - thì không những uy tín chính trị của ông bà trên trường quốc tế sẽ bị thách thức mà ông bà có thể sẽ trở thành những nhà lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản để lọt một đạo luật thắt chặt không gian tự do nhất kể từ khi VN đổi mới.
T.H.S.
Nguồn: https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/1442417385793438

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét