Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

20181103. BÀN VỀ NHỮNG HIỆN TƯỢNG VÔ LIÊM SỈ

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHI NGƯỜI LÃNH ĐẠO VÔ LIÊM SỈ
ÁNH LIÊN/ VNTB/ BVN 2-11-2018
Vợ của một Chủ tịch phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) có nhà cao 4 tầng nhưng vẫn được vay vốn thoát nghèo. Một Bộ trường Bộ giáo dục, người từng phát biểu “Cán bộ địa phương (điều giáo viên đi tiếp khách) cũng là vì vui vẻ thôi”, có số tín nhiệm thấp nhất (137 phiếu) trong số 48 chức danh nhưng vẫn không chịu từ nhiệm.
Từ thấp đến cao, từ tổ chức đảng cho đến chính quyền nhà nước của Việt Nam hiện nay không thiếu gì ngoài hai chữ liêm sỉ. Sở dĩ như vậy là vì, bản thân những con người này sinh ra từ dối trá, và được dung dưỡng bởi dối trá, vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại liên tục đến mức một ngày, phẩm giá con người được bán đi với giá rẻ mạt, kể cả sự liêm sỉ.
Vô liêm sỉ không phải là cách nói đối với một cá nhân, mà đôi khi nó nhân lên thành thể chế.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu chính phủ xã hội chủ nghĩa của một nước cộng sản độc tài, trong một phát biểu bên ngoài lãnh thổ đã tuyên bố: “Việt Nam là một quốc gia dân chủ, chúng tôi lên án mọi chế độ độc tài.”

https://1.bp.blogspot.com/-__ebYZn0wxk/W9nXJo01GJI/AAAAAAAACcw/wQdOJ10WIYc09ycKTQgVAeJpFG_eG1yDQCLcBGAs/s640/119.jpg
Ảnh minh họa.
Thực ra, ông Phúc cũng chỉ là nói theo ý đồ của nhóm lãnh đạo trong nước mà thôi, ở nơi đó, mọi quan điểm và chỉ thị đều phải rập khuôn, nơi trắng thành đen và ngược lại.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN kiêm Chủ tịch nước Việt Nam từng bày tỏ trước cử tri rằng, “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp”. Nhưng chính ông giờ đây kiêm nhiệm cả 2 chức vụ đứng đầu đảng lẫn nhà nước, vậy ai kiểm soát, làm thế nào kiểm soát? Thậm chí, Đảng do ông đứng đầu cũng ra Quy định cấm bàn về xã hội dân sự, tam quyền phân lập vì lo sợ chế độ tự diễn biến, tự chuyển hóa. Bên cạnh đó, Đảng của ông tiếp tục ban hành Luật an ninh mạng, Luật bảo vệ bí mật nhà nước với mục tiêu tối cao là ‘bảo vệ chế độ’, mà nói thẳng ra là bảo vệ Đảng CSVN trường tồn lãnh đạo, độc tài chân lý và quyền lực.
Nếu ai phản ứng lại quan điểm của ông hay những người lãnh đạo trong nhóm Bộ Chính trị, lập tức bị chụp mũ ‘suy thoái đạo đức, tự diễn biến, chuyển hóa’ để rồi với đảng viên thì bị ‘đề nghị kỷ luật’ như với trường hợp GS Chu Hảo; với thường dân thì bị chụp mũ ‘bôi nhọ lãnh đạo’ và cửa nhà tù được mở ra.
Mới đây, một nhóm an ninh đến làm việc với ông Đại tá công an về hưu Nguyễn Đăng Quang với lời đe dọa “đi đâu, gặp những ai và bàn những chuyện gì, bọn em biết hết và biết rất cụ thể”, đồng thời đề nghị vợ ông Đại tá về hưu phải khuyên bảo chồng không nên làm bốn điều, trong đó có tham gia biểu tình; lên tiếng, trao đổi những vấn đề tế nhị; không viết bài bình luận, phản biện những vấn đề nhạy cảm; không trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài. Những ‘đề nghị’ nêu trên của anh trung tá an ninh nếu đặt trong một bài học về nhân quyền và lập pháp tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội, thì có lẽ anh đã phải nhận hàng tá sự phản đối kịch liệt lẫn chửi bới, bởi quan điểm ‘an ninh chế độ’ mà có anh dùng quyền uy để trao đổi nó không chỉ phi nhân quyền, mà phi cả về mặt pháp luật. Nó không khác gì việc các anh ngồi xổm trên pháp luật hay lót bản Hiến pháp CHXHCN Việt Nam 2013 dưới mông.
Thế nhưng mọi sự trơ trẽn, không biết xấu hổ vẫn cứ diễn ra, vợ ông Chủ tịch phường vẫn nhận sổ hộ nghèo đến anh trung tá an ninh ngồi xổm pháp luật hay một ông lãnh đạo cấp cao của ĐCSVN vẫn cứ lên tiếng về một ‘Việt Nam dân chủ’. Đó là sự tai hại, là hệ quả từ thói tư duy áp đặt bằng bạo lực đã duy trì hơn 70 năm qua, cái thói quen ưa quyền lực này khiến cho phẩm giá con người mất đi, nhận thức lý tính về tình hình thực tiễn và mối quan hệ giữa con người với lập pháp quốc gia trở nên mơ hồ và lỏng lẻo. Nhưng không sao, ‘ĐCSVN muôn năm và vô địch’, nơi nguồn ngân sách vẫn cấp đều cho các đảng viên ‘trung thành và im lặng’ sẽ tiếp tục thực thi cái gọi là giữ bằng được quyền lực và sự độc tôn lãnh đạo của ĐCSVN, bất chấp những quy luật tự nhiên, bất chấp nó đúng hay sai về đường đi, thậm chí nếu đường đi đó có dẫn đến sự diệt vong của chính chính đảng này.
Liêm sỉ có giá trị rất hay, nó là sợi dây vô hình để đảm bảo con người ứng xử tốt hơn, hợp tình và hợp lý, và khi không còn liêm sỉ, thì con người phá cách, nỗi loạn và u mê, họ hành xử không còn đúng giá trị con người của hiện đại và văn minh, hoặc thậm chí không còn tính người bên trong. Thế nên mới có chuyện, dàn lãnh đạo thành phố HCM nhắn tin từ thiện giả bị nhà báo Trương Châu Hữu Danh vạch trần, hay những kẻ chiếm đất định cư của bà con Thủ Thiêm để bán 144,6 hecta 'bán lại' cho 51 công ty (văn phòng, khu vui chơi giải trí,...), sau đó đền bù cho người dân ở mức giá rẻ mạt  so với vị trí mà các hộ dân Thủ Thiêm đang ở. Ai không đi, liền bị cưỡng chế, cắt nguồn nước - điện sinh hoạt, ai tìm cách bám trụ thì tìm mọi thủ đoạn để buộc họ rời đi, theo thông tin từ Facebooker Nguyễn Thùy Dương (một người đang theo đuổi công lý cho dân oan Thủ Thiêm) cho hay trong một livestreams ngày 31.10. Điều đáng nói, sự vụ dây dưa đến mức có lúc tưởng chìm xuồng, ông Tất Thành Cang, ông Lê Thanh Hải, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vẫn 'trơ mặt' với công lý và nỗi đau thương của người dân xứ đất này.
Do đó, khi ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “Việt Nam là quốc gia dân chủ”, hay “Cương lĩnh quan trọng hơn hiến pháp” thì nó cũng chẳng khác lắm với tuyên bố của một ông Phó thủ tướng về việc, “Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai, thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Và Thủ Thiêm hay nhiều sự oan khuất khác trên cả nước cũng sẽ được giải quyết như vậy dưới mái che của Cương lĩnh đảng. Và báo chí đảng vẫn ngợi ca: Vận nước đang lên với vai trò lãnh đạo của đảng.
Một sự vô liêm sỉ đến rợn người.
A.L. VNTB gửi BVN
CHUYỆN TRÊN CHỐN NGHỊ TRƯỜNG
LÊ VĂN LUÂN/FB Luân Lê/ BVN 2-11-2018
Các bạn có thể tin không, ba đại biểu quốc hội phát biểu làm tôi hoảng hốt và cả sợ hãi.
Một nhà sư nói ngọng, đọc giấy, cốt yếu có hai việc: đó là đảm bảo tiền công đức không bị chính quyền địa phương quản lý; và hai là ca ngợi ông Tổng Bí thư mới nhận chức Chủ tịch nước là vì “trời đã lựa, dân đã chọn, nên hy vọng Ông có thể trở thành một vị như Bác Hồ để tiêu diệt hết bè lũ tham nhũng”. Tôi thấy sự nịnh bợ và phụ thuộc vào minh quân, trong khi chính ông ta đang là đại biểu quốc hội, đại diện cho nhân dân ở cơ quan lập pháp, nhưng phát biểu không có một chút trách nhiệm hay hiểu biết nào.  Nghe mà thấy cám cảnh cho nước nhà.
Tiếp theo, một đại biểu nữ là phó giám đốc sở giáo dục ở Đăk Lăk, lên tiếng bênh vực ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo một cách thô thiển và kệch cỡm. Giáo dục nước nhà rơi vào những thảm trạng mà đến nay người ta không còn ngôn từ nào để mô tả về nó nữa: bạo lực học đường; chạy chọt biên chế; đổi tình lấy điểm hay đổi tình lấy công việc giảng dạy; giáo viên đi tiếp khách làm nhiệm vụ chính trị; giáo viên bạo hành trẻ em hay học sinh; gian lận thi cử ở nhiều tỉnh, thành; giáo dục đại học ngày càng suy thoái; bằng cấp giả từ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ; tình trạng học thêm và lạm thu diễn ra ở khắp nơi; chương trình học quá nặng lại thay đổi liên tục nhưng vẫn tụt hậu so với thế giới cả hơn nửa thế kỷ; bệnh thành tích và dối trá trong học đường… tôi không thể nào liệt kê ra thêm nữa.
Vậy mà vị đại biểu này dám mở miệng ra để bênh vực và không ngớt lời khen nền giáo dục này lại còn cho rằng toàn dân đều trưởng thành từ nền giáo dục này mà ra. Nhưng chúng ta đã thấy, đạo đức xuống cấp là vì không có kinh phí... Bà ta còn dám lên tiếng để phản bác lại một đại biểu nữ khác khi chất vấn ông Bộ trưởng đầy tai tiếng vì dính tố cáo về việc nguỵ khoa học trong việc phong hàm Giáo sư, cũng như đưa ra dự thảo “sinh viên bán dâm lần 4 thì bị đuổi học”. Bà ta không còn biết liêm sỷ và sự nhục nhã là gì nữa. Vậy bà ta đại diện cái gì cho dân khi nói năng lấp liếm và thản nhiên như thế?
Cái đáng buồn hơn nữa là, một vị đại biểu lại lo cho việc bảo vệ Bộ trưởng bằng cách hỏi: có xử lý được người dân khi họ xúc phạm người đó trên mạng xã hội hay không? Tôi tự hỏi ông đang đại diện cho ai ở nghị trường? Bộ trưởng ăn lương của dân, phải chịu sự giám sát và trách nhiệm trước nhân dân, nên khi không hoàn thành nhiệm vụ hoặc trở nên tồi tệ thì mỗi người dân đều có quyền lên tiếng chỉ trích, phê phán và bằng cả sự giận dữ như một người chủ thực sự của quyền lực nữa chứ.
Hơn thế là nếu quan chức chính phủ mà để xảy ra nhiều sai sót hoặc thiếu trách nhiệm thì phải tự biết tủi hổ mà từ chức chứ đừng để người dân lên tiếng mới là một con người có phẩm cách và cũng là đúng đắn với sự vận hành của một thể chế chính trị khoa học, văn minh. Đằng này đại biểu quốc hội, về nặt danh nghĩa là đại diện cho dân, lại đi tìm cách xử lý dân và đe doạ dân. Quả thực là chua xót cho thân phận người dân khi đổ mồ hôi sôi nước mắt đóng thuế nuôi kẻ đã quay lại phụ bạc mình.
Tôi không còn lời nào để tả xiết cho sự cám cảnh và đau đớn này của tôi khi chứng kiến cảnh hội họp và phát biểu trên nghị trường.
Nguồn: FB Luân Lê

KHI 'BÙA ĐẢNG' HẾT 'LINH'


“Lá bùa Đảng” - tấm thẻ đảng viên - từng một thời uy phong và ẩn chứa đầy quyền lực.

“Lá bùa Đảng” - tấm thẻ đảng viên - từng một thời uy phong và ẩn chứa đầy quyền lực.
Bỏ thời gian và kiên nhẫn đọc hàng chục bài viết trên các trang thuộc hệ thống tuyên truyền Đảng, từ tạp chí Ban tuyên giáo Trung ương (tuyengiao.vn), Ủy ban kiểm tra Trung ương (ubkttw.vn), Tạp chí Cộng Sản (tapchicongsan.org.vn), đến các bài viết trên báo Nhân Dân, mới thấy được sự “khổ tâm” của Đảng như thế nào, trước hiện tượng “diễn biến hòa bình” xảy ra “phức tạp” và “gay gắt” trong hàng ngũ Đảng. Tình trạng Đảng mất “nguồn cán bộ” hay chính xác hơn là có một cuộc “tháo chạy” âm thầm khỏi Đảng thật ra đã diễn ra từ nhiều năm nay…
“Gần đây, dư luận trong đảng và nhân dân tại nhiều địa phương băn khoăn, thậm chí bất bình về hiện tượng một số đảng viên sau khi nghỉ hưu không tham gia sinh hoạt Đảng ở địa bàn cư trú. Nhiều ý kiến cho rằng điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh người đảng viên, cũng như uy tín của Đảng và phần nào thể hiện sự suy thoái về chính trị, tư tưởng của một bộ phận đảng viên như Nghị quyết TW4, khóa XII đã chỉ rõ. Đáng lo ngại hơn là hiện tượng này ngày càng phổ biến tại nhiều nơi” – đây là đoạn trích bài viết trên trang tin Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ngày 31-10-2017. Trước đó, một ghi nhận “đau lòng” cũng đã đăng trong Sổ tay xây dựng Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phát hành tháng 2-2014, rằng: “Gần đây, có một số đảng viên tuyên bố “bỏ Đảng”, “công khai ra khỏi Đảng”… Điểm chung của họ là công bố việc ra khỏi Đảng trên các trang mạng, tự xem mình không còn là đảng viên trước khi được cấp ủy có thẩm quyền quyết định… Họ không chỉ phủ định mục tiêu, lý tưởng của mình khi đứng vào hàng ngũ của Đảng mà còn phủ định sự lãnh đạo của Đảng. Đó là một sự phản bội”.
Như vậy là “sự phản bội” đã diễn ra từ lâu, âm thầm làm Đảng suy yếu, bởi những đối tượng “suy thoái đạo đức”, “biến chất”, mang tư tưởng “diễn biến hòa bình” và “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ đảng viên. Có điều, chỉ thấy Đảng than thở, oán trách, đổ thừa, giận lẫy và thậm chí cay cú nhưng không thấy Đảng “phê và tự phê”, cũng như thẳng thắn nhìn nhận và đặt ra câu hỏi rằng tại sao Đảng trở nên mất sức hấp dẫn và không chỉ bị “quần chúng” xa rời mà cả đảng viên cũng ngoảnh mặt thề một đi không trở lại, mà “trong số những đảng viên sau khi nghỉ hưu bỏ sinh hoạt Đảng có cả một số đồng chí nắm giữ cương vị lãnh đạo cấp vụ, cấp sở ở các cơ quan trung ương và địa phương” – theo ông Nguyễn Văn Định, Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương (VOV, 31-10-2017).
“Lá bùa Đảng” - tấm thẻ đảng viên - từng một thời uy phong và ẩn chứa đầy quyền lực. Muốn thăng quan tiến chức phải có “bùa Đảng”. Điều này vẫn còn đúng nhưng “bùa Đảng” ngày càng mất thiêng, đến mức bây giờ ít đảng viên nào dám khoe mình đang thủ thẻ đảng. Một thời, vào Đảng là niềm tự hào và hãnh diện (người viết bài này từng nghe không ít câu chuyện về nhân vật này hay nhân vật kia trong làng báo đã ôm lá cờ Đảng khóc rưng rức trong buổi lễ kết nạp Đảng). Muốn vào Đảng không dễ: phải bị xét lý lịch gay gắt, được hai đảng viên chính thức giới thiệu, và phải có “đơn tự nguyện xin vào Đảng” – nêu rõ “động cơ đúng đắn” vào Đảng; có “giác ngộ” chính trị; phải tán thành quan điểm, đường lối xây dựng CNXH; không ủng hộ đa nguyên, đa đảng; không phủ định chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; và còn phải là “người ưu tú” và được “nhân dân tín nhiệm”… Sau khi được giới thiệu, đối tượng còn phải trải qua thời kỳ thử thách để “rèn luyện”, “tu dưỡng đạo đức cách mạng”…
Những điều này trong thực tế chỉ tồn tại trên lý thuyết. Đảng đang tuyển mộ khá thoải mái cho “đầu vào”. Lực lượng nòng cốt của Đảng vẫn là đoàn viên, công an, quân đội, viên chức chính quyền cơ sở nhưng việc phát triển xây dựng Đảng cũng đang nhắm vào số lượng hơn là giới hạn trong thành phần “người ưu tú”.
Điều 21 trong chương V (“Tổ chức cơ sở Đảng”) trong Điều lệ Đảng ghi: “Tổ chức cơ sở Đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị cơ sở”. Nói cách khác, Đảng phải phát triển từ cơ sở đi lên. Cơ sở phải mạnh thì cơ cấu tổ chức Đảng mới cứng. Điều này được thực hiện ở cấp cơ sở bằng các chiến dịch “thi đua”. Cơ sở nào tổ chức “tuyển mộ” càng nhiều thì càng được đánh giá “cơ sở chi bộ có chất lượng sinh hoạt Đảng tốt”. Đảng viên nào càng giới thiệu được nhiều “nhân tố mới” thì càng được “điểm” cao và có cơ hội thăng tiến.
Riêng Sài Gòn, có lẽ không ít người trong giới báo chí không biết các chiến dịch xây dựng “hạt nhân chính trị cơ sở” bằng việc tuyển nhân viên bảo vệ, nhân viên giữ xe, nhân viên căntin… (tại cơ quan nhà nước) vào Đảng. Xây dựng “đảng bộ vững mạnh” bằng việc tuyển “vét” đã trở nên “khốc liệt” trước cơn sốt đoạn tuyệt rời bỏ Đảng hoặc bỏ sinh hoạt Đảng. Một trong những thời điểm mà Sài Gòn chứng kiến sự bùng nổ “háo hức” gửi “đơn tình nguyện” vào Đảng nhiều nhất là giai đoạn mà Trường Cán bộ TP.HCM (sau đổi thành “Học viện cán bộ TP.HCM”) nằm dưới sự điều hành của “Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ” Trương Thị Hiền. Cho đến trước khi bà Hiền nghỉ hưu cuối năm 2014, “năm nào trường cũng nhận được cờ thi đua của Chính phủ cũng như UBND TP”. Dưới thời bà Hiền, gần như không cơ quan nhà nước nào ở Sài Gòn, đặc biệt báo chí-truyền hình, dám chống lại yêu cầu đưa cán bộ-nhân viên đến Trường Cán bộ để “tập huấn” về việc “xây dựng phát triển cơ sở Đảng”, với việc “đào tạo, bồi dưỡng” đội ngũ đảng viên mới, trong đó có cả nhân viên bảo vệ, nhân viên gửi xe, nhân viên kỹ thuật, nhân viên văn phòng…! Khó có thể phớt lờ yêu cầu của “đồng chí” Hiền, vì chồng của “đồng chí” ấy là một người “hét ra lửa, xịt ra khói” thời điểm đó: bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải.
Tờ Tuyên Giáo (23-10-2018) đã viết về cái gọi là “sự sống còn của Đảng”, trước “tình hình mới”, “vận hội mới” và “khó khăn mới”. Bài báo đã phân tích về nguy cơ suy thoái của không ít đảng viên. Bài báo cũng nhắc lại Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Bài báo cũng cho thấy Bộ Chính trị đã… tỉ mỉ “đếm” được 27 biểu hiện suy thoái, “trong đó, có 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”… Giải pháp của Đảng là gì?
Một là, đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị; đấu tranh bảo vệ, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị…
Ba là, gắn thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết 26-NQ/TW khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”…
Bốn là, chủ động phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân...
Năm là, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên sai phạm, làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước…
Các giải pháp này liệu có thể cứu Đảng? Liệu có thể cứu được con tàu trong khi ngày càng có nhiều thủy thủ nhảy ra khỏi, trước khi nó đắm vỡ bục ra bởi va vào chính tảng băng ý thức hệ chính trị khô cằn và lạc hậu? Bằng vào các bài viết báo động liên tục về nguy cơ suy thoái nội bộ, có thể thấy Đảng đang quan tâm đến sự sống chết của Đảng còn hơn sự sống còn quốc gia. Đảng đang rất cuống cuồng. “Bùa Đảng” đã hết “linh”. Niềm tin cho Đảng đã cạn. Không ai còn nghĩ con tàu cũ nát “kiên định đường lối Marx-Lenin” này có thể về được đến cái đích tưởng tượng của nó.

CÓ THÀNH CƯỜNG QUỐC, ĐẠO ĐỨC VẪN XUỐNG CẤP NẾU...

TRÚC NGUYỄN/ TVN 3-11-2018

Mới đây, trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội về vấn đề đạo đức, vị bộ trưởng phụ trách lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch thừa nhận, sự xuống cấp của đạo đức xã hội hiện diễn biến rất phức tạp với nhiều biểu hiện. Và theo ông, nguyên nhân thì có nhiều nhưng chốt lại, sự sa sút xuất phát từ “kinh tế là cái gốc”.
Tiền có mua được đạo đức?
Nội hàm từ “kinh tế” khá rộng, có những khía cạnh của kinh tế ảnh hưởng lên đạo đức. Ví dụ, giải Nobel Kinh tế năm 2018 được trao cho hai nhà nghiên cứu người Mỹ William Nordhaus và Paul Rome về những khám phá của họ giúp đạt được tăng trưởng kinh tế toàn cầu bền vững lâu dài cũng là cách đề cao yếu tố đạo đức trong phát triển kinh tế.
Nhưng nói kinh tế theo nghĩa là gốc của đạo đức là cách đặt vấn đề cần phải được tranh luận cho tỏ tường.
Báo chí không ít lần đề cập chuyện có những người ăn vận sang trọng ngồi xế hộp mà lại quăng bịch rác ra đường, một số thanh niên vẻ ngoài sang chảnh nhưng lại có hành vi thiếu chuẩn mực nơi công cộng…
Trên bình diện quốc gia, GDP nước ta trước đây trên dưới 1.000 thì nay là trên 2.400 USD, vậy nếu tính sơ sơ một cách cơ học, đạo đức ít ra phải cao… gấp đôi so với trước chứ? 

Có thành cường quốc, đạo đức vẫn xuống cấp nếu…
Vì sao đạo đức xuống cấp là một câu hỏi được đặt ra nhiều lần. Ảnh minh họa
Nhiều vấn đề tôi gặp trong đời sống cũng cho thấy sự tréo nghoe giữa đồng tiền và đạo đức, văn hóa.
Một sáng cuối tuần tôi ra chợ gần nhà mua trái cây. Khi xách bịch quýt đi chục mét thì thấy chị bán hàng chạy theo tay cầm hai trái quýt nhét vào bịch của tôi, hỏi lý do thì chị không trả lời. Sau này mua quen rồi hỏi chuyện, chị nói: Đi chợ mua đồ thì phải trả giá, đây nói giá cao chút để khách trả xuống bán là vừa, anh không trả giá làm cho tui bán mắc... À ra thế, ở giữa chợ đời có người bán mắc cho khách 5-7 ngàn là run tay, thấy lòng bất an!
Cũng gần khu chợ này có tiệm cơm bình dân thỉnh thoảng tôi ghé ăn. Anh chủ quán là người ruột để ngoài da, cơm thêm, trà đá không tính tiền, rau sống ăn thoải mái, mọi yêu cầu của khách đều được đáp ứng với nụ cười thân thiện. Một hôm ăn xong tôi không có tiền nhỏ đưa tờ 500 ngàn, chủ tiệm không có tiền thối. Anh nói: để đó lần sau ra ăn rồi tính.
Tôi qua bên đường có siêu thị nhỏ mua mấy món đồ lấy tiền trả thì anh tỏ vẻ không vui, nói: "bộ chê tui nghèo không có tiền cho anh thiếu vài bữa hay sao"? Nhìn bịch nấm linh chi tôi đang cầm, anh dặn "cái đó đi mấy bước ra chợ mua cho rẻ, trong đó bán mắc". Thì ra ngoài tính tình rộng rãi, anh còn là người biết lo việc của người khác! Tiệm cơm của ông lúc nào khách cũng đông vui chắc một phần cũng từ cái tâm của chủ tiệm.
Dì Sáu bán bánh lọc trong con hẻm nhỏ, tôi thích ăn vì gia vị giống món bánh lúc sinh thời mẹ tôi làm. Nhưng cái hẻm dì ngồi bán khá nhỏ, có lúc đi công việc về bằng ô tô thèm mà ghé ăn không được. Nghe tâm sự, dì cho tôi số điện thoại, nói: "khi mô đi xe to thì đứng đầu đường gọi dì cầm ra cho". Một lần tôi gọi, chốc sau thấy dì tất tả cầm hộp bánh chạy ra, ngoài tiền bánh tôi gởi thêm chút tiền công dì dứt quyết không lấy: "Mi bắt tau lấy thì lần sau gọi tau không đem ra mô"... Cái giọng Huế thần thánh cứ vẳng bên tai mỗi khi tôi có dịp đi qua con đường này!
Tôi có thể kể cả chục câu chuyện tương tác dễ thương của tôi với những người lao động bình dân, những người ăn bữa mai lo bữa hôm nhưng cư xử tự trọng, tình nghĩa như thế, họ nghèo mà đạo đức không hề thấp! Chị bán trái cây, ông chủ tiệm cơm, dì Sáu bánh lọc... là một phần nguyên nhân làm tôi yêu cuộc sống, khiến những đứa con tha hương dù thành ông này bà nọ, ở xa cách mấy cũng muốn quay về, nếu chưa về được thì trong lòng đau đáu hai chữ quê hương!
Nhưng tôi cũng còn những niềm đau đáu khác. Tôi đã đọc một tài liệu về "Những tên tội phạm cổ cồn trắng" (White - colour crimes) nói về sự phạm pháp của tầng lớp có địa vị cao trong xã hội như chính trị gia, giám đốc tín dụng ngân hàng, nhà môi giới chứng khoán nổi tiếng, chuyên gia đa cấp... Những thành phần trang phục bóng bẩy đi xế đắt tiền, ngồi phòng máy lạnh... họ có nhiều cơ hội chỉ dạy người khác, thậm chí rao giảng đạo đức. Nhưng ở góc độ tội phạm học, vi phạm của họ gây tán gia bại sản không biết bao nhiêu gia đình, có thể gây đình trệ một nền công nghiệp của xã hội, người bị liên lụy đến hàng chục hàng trăm...
Thời gian qua ở nước ta loại tội phạm này nổi lên khá nhiều và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đó là những Huyền Như, Vũ Nhôm, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Dương Chí Dũng...,
Dẫn những câu chuyện này ra không phải bởi tôi “kỳ thị” người giàu có. Sự giàu có chính đáng trong xã hội, thời đại nào cũng đáng trân trọng và cần được trân trọng. Ở đây, tôi chỉ muốn chia sẻ một khía cạnh mà tôi tán đồng trong phần tranh luận của vị đại biểu với ông Bộ trưởng trên nghị trường, đó là: Tiền không thể mua được đạo đức xã hội.
Củng cố nền tảng đạo đức xã hội
Trong một lần chờ xe đi sân bay, tôi vào tiệm sách ở ga Tokyo, tranh thủ đọc mấy trang sách viết về lòng trắc ẩn. Khi xe đến, trên đường đi những điều tôi vừa đọc được chứng thực qua cái cách xã hội Nhật quan tâm người khuyết tật như vỉa hè đi bộ, chỗ ngồi ưu tiên trên xe, nhân viên xã hội xuất hiện khi xe đến trạm... 

Có thành cường quốc, đạo đức vẫn xuống cấp nếu…
Thiết kế vỉa hè đi bộ thể hiện sự quan tâm đối với người khuyết tật. Ảnh: Trúc Nguyễn
Một lần khác khi thấy một anh công dân Nhật dùng chiếc máy xúc lên từng xới đất dưới rãnh sâu gần 3m nhặt những viên xà bần nhỏ cỡ nắm tay trẻ em lẫn trong đất để riêng ra, thấy tôi ngạc nhiên thì được giải thích: sắp hạ đặt hệ thống cống nên phải tìm cho hết các cục xà bần lẫn trong đất để khỏi gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Anh nói thêm, nước ngầm vùng này nổi tiếng độ tinh khiết... 
Tôi tự nhủ "làm việc không đâu, nước ngầm mà nói tinh khiết ai kiểm chứng"... Nhưng trên chuyến bay của hãng ANA (All Nippon Airways) tôi được cô tiếp viên phát chai nước ngoài nhãn ghi: "Nước đóng chai được lấy từ nguồn ở thị trấn Nuyzen", tên vùng đất trong câu chuyện tôi vừa kể trên.
Vậy đó, tôi thầm nghĩ, khi lời nói, sách vở, và thực tế cuộc sống khớp nhau hài hòa như thế thì người dân có lòng tin, coi trọng sách vở, và ý thức giữ gìn văn minh kỷ luật xã hội sinh ra một cách tự nhiên thành nền tảng đạo đức.
Thiết nghĩ, văn minh xã hội, đạo đức con người là tổng hòa của nhiều yếu tố mà kinh tế chỉ là một, còn tựu trung nhất phải kể đến yếu tố văn hóa giáo dục, pháp luật nghiêm minh, sự gương mẫu của ba giềng mối là nhà trường, gia đình và xã hội. Và nhìn sâu xa, các giềng mối trên phải được xây dựng trên một cái nền chính trị liêm chính. Lòng tin của người dân vào thể chế, ý kiến của người dân phải được tôn trọng, chính khách nói phải đi đôi với làm, người tài đức phải được trọng dụng, pháp luật phải công bằng nghiêm minh, người làm công vụ phải trong sạch minh bạch tài sản v.v... là những điều cần củng cố để xây dựng đạo đức văn minh xã hội.
Lương không đủ sống mà một số cán bộ xây dinh cơ biệt phủ rồi nói tài sản do buôn chổi nuôi heo mà có. Tài sản quốc gia lọt vào tay các nhóm lợi ích hoặc những cá nhân biến chất, v.v… Những chuyện nghiêm trọng như thế mà không xử lý nghiêm khắc, đến nơi đến chốn thì dẫu Việt Nam có vươn lên thành cường quốc kinh tế thế giới e cũng không giải quyết được vấn đề đạo đức, văn hóa xuống cấp.
Trúc Nguyễn
VÌ SAO TÔI KHÔNG VÀO ĐẢNG ?
THẢO VY/VNTB/ BVN 3-11-2018

“Đảng” ở đây được hiểu một cách mặc định là ‘đảng cộng sản Việt Nam’. Nhân việc tuyên bố rời khỏi đảng của giáo sư Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc…, câu hỏi được xới lại với nhóm thân hữu của người viết, vốn từng là những nhà báo – hiểu theo nghĩa có Thẻ Nhà báo do Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) cấp.

Tôi đâu đến nỗi nào tệ, sao lại phải xin vào đảng?

Đây là ‘khẩu khí’ nửa đùa, nửa thật của vị nguyên là Trưởng Văn phòng đại diện miền Nam của báo Đời sống và Pháp luật, trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
Tờ Đời sống và Pháp luật ngay lúc chuẩn bị nhân sự để ‘khai sinh’ [trên nền tảng nhân sự của tòa soạn Kinh doanh và Pháp luật, ấn phẩm phát hành hàng tuần (đã đình bản, chuyển manchette cho Hội Marketing Việt Nam) trực thuộc tạp chí Pháp Lý, Hội Luật gia Việt Nam], ông nhà báo này được chọn vào vị trí Trưởng Văn phòng đại diện miền Nam. Trước đó, ông là Trưởng Văn phòng đại diện tạp chí Pháp Lý tại TP.HCM.
Ngay lúc ban đầu lắm điều ra tiếng vào liên quan ‘trình độ chính trị’ của ông nhà báo có gia thế từng bị ‘đánh tư sản’, thân phụ ‘đi học tập cải tạo’. Ông tổng biên tập (vốn là sĩ quan an ninh quân đội) nói rằng chẳng có quy định nào để làm trưởng văn phòng cơ quan báo chí, buộc người đó phải là đảng viên.
https://1.bp.blogspot.com/-uKs9h-0ivwo/W9r83-HddoI/AAAAAAAACeY/tbgZouCLvFEnlLr_VG_3nyaHuF_3oUaJQCLcBGAs/s640/knd3.jpg
Ảnh minh họa. 
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khi ấy là cựu chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Phạm Hưng (1927-2018) cùng quan điểm với vị tổng biên tập. Tư cách là cơ quan chủ quản, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam còn ký luôn một quyết định bổ nhiệm ông nhà báo không đảng viên đó vào chức vụ trưởng văn phòng đại diện, phụ trách khu vực từ Đà Nẵng đến Cà Mau. (Thường thì quyết định bổ nhiệm chỉ cần người ký là tổng biên tập).
Thời gian ngắn sau, ông tổng biên tập gọi điện nói ông nhà báo ở miền Nam ấy, là thu xếp ra Hà Nội một tuần lễ để học lớp đối tượng đảng. Đã có 2 đảng viên giới thiệu ông cho các thủ tục liên quan.
“Hồi mới chập chững vào nghề ở tờ báo thuộc Thành đoàn, các anh, chị nơi đó dặn rằng nếu mai này có cử đi học lớp báo chí hay gì đó ngoài Bắc, nhớ là kiếm cớ từ chối và cũng khéo léo đừng… làm đảng viên. Vì hễ học qua lớp đó, rồi nếu được kết nạp đảng thì sẽ phải viết báo theo lệnh của ông, bà bí thư chi bộ, chứ không phải… Vậy là…”. Ông nhà báo này kể lưng chừng kiểu nhiều dấu chấm lững.
Vài năm sau, một sếp lớn đương chức ở Ban Nội chính Trung ương về thay ông Phạm Hưng. Ông tổng biên tập cũng rời tờ báo. Đương nhiên là ông trưởng văn phòng nói trên cũng giã từ tòa soạn sau đó. Toàn bộ phóng viên, nhân viên ở trụ sở tại TP.HCM nhanh chóng xin chuyển sang nơi khác.
Cũng may là tay nghề không tệ, đặc biệt là ‘không đảng viên’ nên ông nhà báo kể trên được ‘rủ rê’ vào làm trưởng ban Kinh tế - Chính trị ở một tạp chí chuyên ngành có vốn đầu tư của tư nhân. Một tạp chí chuyên ngành khác thuộc Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, tiếp tục giữ chân ông nhà báo này trong vai trò bếp núc của nghề thư ký.

Phải vào đảng để không bị ức hiếp!

Đây là ý kiến của vị nhạc sĩ, giảng viên khoa Nha của trường Đại học Y Dược TP.HCM. Thời gian ông còn giữ chức vụ tổng biên tập báo Sóng Nhạc (Hội Âm nhạc TP.HCM), ông nói rằng trong bệnh viện nơi ông làm việc rất bè phái, nên ông phải vào đảng để có thể ‘tay đôi’ nói chuyện sòng phẳng với các vị trong chi bộ đảng.
Về sau, khi trà dư tửu hậu với đồng nghiệp báo chí ở trụ sở 81 Trần Quốc Thảo, Sài Gòn, ông nha sĩ – nhạc sĩ – tổng biên tập này chua chát nhận ra rằng dù đang có nhiều con én, nhưng vẫn chưa làm nỗi mùa xuân. Đó là những năm đầu 2000. Nói thêm, ông nhạc sĩ này nằm trong nhóm Những Người Bạn được thành lập vào ngày 8-3-1991 với 7 nhạc sĩ nổi tiếng: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Thanh Tùng.
Cùng góp chuyện, một luật sư xuất thân là phóng viên ảnh, từng tu nghiệp ở Cộng hòa dân chủ Đức về, nói rằng đúng là cần vào đảng để không bị ức hiếp. Thế nhưng có vào rồi mới thấy điều này dễ là một hoang tưởng. Nếu may mắn có ông, bà bí thư chi bộ thật sự giỏi dang, có trình độ chuyên môn và không ngại ngần phản biện, đấu tranh tới cùng cho sự tử tế, thì những đảng viên trong chi bộ đó sẽ giúp nơi đây thành mùa xuân.
Còn ngược lại thì đó là hỏa ngục của đấu tố, của chụp mũ và của tranh giành quyền lực ở lắm kẻ bất tài, xu nịnh, cơ hội. Câu chuyện khi ông trưởng văn phòng đại diện của báo Đời sống và Pháp luật rời nhiệm sở đã nói ở trên là một ví dụ.
“Đoàn Luật sư TP.HCM từng có một thủ lĩnh đúng chất anh Hai Sài Gòn. Là đảng viên từng đổ máu cho lá cờ lực lượng dân tộc giải phóng miền Nam của chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, vị luật sư khả kính ấy đâu ngán ngại những đảng viên xu nịnh đang nhân danh Ban Nội chính Thành ủy để chụp mũ ông… Thế nhưng rồi khi mà đàn cừu vẫn còn quá đông đúc, nên vị luật sư ấy đành chịu ‘chết’ lãng nhách bởi những đồng chí ‘kết bè kết phái’ của mình. Chẳng đâu vào đâu khi đảng cộng sản thật sự không chính danh”. Vị luật sư từng tu nghiệp nghề nhiếp ảnh ở Đông Đức thời Erich Honecker, chua chát nhận xét.
Tính chính danh mà ông luật sư muốn nói đến ở đây tương tự với cách hiểu của ông Chu Hảo khi ra tuyên bố từ bỏ đảng. Theo đó, một trong những lý do khiến ông bỏ đảng là “đảng không có chính danh để lãnh đạo”.

Sao đảng lại không chính danh?

“Chính danh” trong chính trị có thể có thể được hiểu như là sự “hợp pháp” hay “hợp hiến” của một sự việc, hay một hành vi liên quan đến việc sử dụng quyền lực chính trị. Mà ai cũng biết, tính từ năm 1930 đến nay mặc dù trải qua nhiều thăng trầm với các tên gọi khác nhau, song tới giờ này đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa có một luật ‘danh chính ngôn thuận’ cho các hoạt động; ngoại trừ vài dòng mơ hồ, thiếu minh định pháp lý ở “Lời nói đầu” và Điều 4 của Hiến pháp 2013.
“Khi tuyên bố rằng “đảng không có chính danh để lãnh đạo”, giáo sư Chu Hảo chính thức không nhìn nhận tính hợp pháp của mọi hành vi chính trị, mọi quyết định chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc này hàm ý ĐCSVN lãnh đạo “nhà nước và xã hội” hiện nay chỉ là sự “tiếm danh” và “lạm dụng”. Bởi vậy nên ngẫm nghĩ lại hồi đó từ chối ra Bắc tuần lễ là sáng suốt đó chứ?. Mình đâu có tệ để mà phải quỵ lụy kiếm cái ghế từ chuyện xin xỏ vào đảng!”. Ông nhà báo (nói ở phần đầu bài viết), tưng tửng kết luận.
Ông nhà báo đã có phần quá đáng, và ít nhiều ‘phản động’. Bàn tay có ngón dài, ngón ngắn. “Tuyệt đối không tham vọng quyền lực”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành hẳn một quy định số 90-QĐ/TW, ngày 04-8-2017 với nội dung như vậy kia mà [tải văn bản này tại http://bit.ly/2JycFXy]. Đảng viên đâu phải ai cũng xấu xí, ai cũng tham quyền cố vị, ai cũng khoái ‘vừa bồng em, vừa xay lúa’, ‘một chân đạp luôn hai xuồng’, bất chấp việc đã quá tuổi về vườn từ lâu lắm rồi kia chứ (!?).
Th. V.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét