Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

20181116. NGOÀI LỀ VỤ ÁN ĐÁNH BẠC QUA MẠNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUYỀN VỚI THÔNG TIN

THIÊN TƯỜNG/ TBKTSG 15-11-2018

(TBKTSG) - Có lẽ, mãi đến khi theo dõi báo chí tường thuật phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc ngàn tỉ qua mạng đang diễn ra, nhiều người mới biết bị cáo có một quyền là quyền được “yêu cầu giữ bí mật một số thông tin theo quy định của pháp luật”. Diễn tiến của việc này, theo báo Tuổi trẻ, như sau: Tại phiên xét xử sáng 12-11, chủ tọa phiên tòa đã hỏi các bị cáo về việc có đồng ý công bố bản án lên mạng hay không và bị cáo Phan Văn Vĩnh đã từ chối. Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa - cho biết chỉ cần một người trong vụ án không đồng ý thì bản án sẽ không được công bố lên mạng.
Lực lượng chức năng dẫn giải bị cáo Phan Văn Vĩnh vào tòa xét xử hôm 14-11. Ảnh: TTXVN
Giải thích sau đó về “quyền” này, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng triết lý của vấn đề nằm ở chỗ bản án có thể chứa đựng thông tin liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Tuy nhiên, các ý kiến lại không thống nhất về việc dù có như vậy thì chủ tọa phiên tòa cần quyết định như thế nào - công bố hay không công bố bản án lên mạng. Một số ý kiến cho rằng bị cáo có thể yêu cầu nhưng chủ tọa phải xem yêu cầu đó có hợp lý không, khái niệm “quyền” ở đây là quyền... yêu cầu chứ không phải là quyền đương nhiên.
Thật ra thì những việc này đều đã được quy định trong Nghị quyết 03 năm 2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án và Công văn số 144/TANDTC-PC cũng trong năm 2017 về việc thực hiện Nghị quyết 03. Nghị quyết 03 có quy định không công bố bản án trong trường hợp bản án “có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa được mã hóa...”. Theo Công văn 144, “các bản án, quyết định của tòa án đã được mã hóa... thì các thông tin liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được bảo đảm và việc công bố bản án, quyết định đó trên cổng thông tin điện tử không vi phạm quy định về bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình”. Việc mã hóa như thế nào thì đã được Nghị quyết 03 và Công văn 144 hướng dẫn tương đối cụ thể, nôm na là thay đổi tên, địa chỉ, một số thông tin của bị cáo theo kiểu viết tắt. Như vậy, có thể hiểu quyền của bị cáo trong trường hợp này chỉ giới hạn trong phạm vi... được mã hóa thông tin trong bản án trước khi nó được công bố.
Nhưng dù sao thì đó cũng là... quyền, và may mắn là bị cáo có thể biết được quyền này của mình thông qua thủ tục tố tụng chặt chẽ. Theo Công văn 144 nói trên, khi phổ biến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, chủ tọa phiên tòa phải thông báo cho họ biết bản án, quyết định giải quyết vụ việc mà họ là người tham gia tố tụng thuộc diện được công bố trên cổng thông tin điện tử của tòa án và quyền của họ được yêu cầu giữ bí mật một số thông tin theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc sử dụng quyền được yêu cầu giữ bí mật một số thông tin có mâu thuẫn với quyền “tiếp cận thông tin” của người dân không. Quốc hội đã rất nỗ lực ban hành nguyên một “Luật Tiếp cận thông tin”. Theo đó, có 14 loại thông tin công dân được công khai tiếp cận từ ngày 1-7-2018. Các cơ quan có trách nhiệm đã công khai các thông tin đó tới đâu? Ai trong chúng ta biết tường tận mình được quyền tiếp cận loại thông tin nào? Biết mà không được đáp ứng thì phải làm sao? Một trong những loại thông tin phải công khai là “thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn”. Trên thực tế, các “điểm nóng” xã hội hiện nay tập trung trong lĩnh vực đất đai, nếu việc công khai thông tin liên quan được thực hiện tốt, tình hình có thể hạ nhiệt và ngược lại. Bài học rút ra không chỉ ở việc phải đảm bảo thực thi quyền của người dân mà còn ở hiệu quả quản lý nhà nước thông qua sự đảm bảo này.
Tới đây lại có câu hỏi nếu như khi nào việc thực thi quyền liên quan đến thông tin của cá nhân (như quyền giữ bí mật đời tư, bí mật gia đình) ảnh hưởng đến quyền của số đông (quyền tiếp cận thông tin), thì giải quyết vấn đề này như thế nào? Thật ra bản án không nằm trong danh mục công dân được công khai tiếp cận theo Luật Tiếp cận thông tin. Nhưng ngay trong tên gọi của mình, mục đích của Nghị quyết 03 nói trên chẳng phải là để người dân tiếp cận các bản án hay sao? Cho nên, có thể xem quy định về việc “mã hóa” là một giải pháp. Trên thực tế, quyền tiếp cận thông tin của người dân bị giới hạn bởi “bí mật nhà nước”, tập hợp bí mật này càng nhỏ thì quyền của người dân càng mở, vì vậy không nên lạm dụng nó. Đây là điều mà Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (đang trong quá trình xây dựng) cần hướng đến. Trong nhiều trường hợp, quyền tiếp cận thông tin của người dân bị giới hạn bởi chính Luật Tiếp cận thông tin, khi luật được thiết kế theo cách đưa ra danh mục thông tin người dân có thể tiếp cận, việc liệt kê như vậy dễ dẫn đến chưa đầy đủ hay khó cập nhật mới. Hiện nay, việc mở rộng không gian tiếp cận thông tin của người dân tùy thuộc vào những sáng kiến chính sách như Nghị quyết 03.

CỜ BẠC VÀ QUYỀN LỰC:  CÂU CHUYỆN THIỆN, ÁC, TÀ 

NGUYỄN HỒNG LAM/ BVN 16-11-2018

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, kính mắt và cận cảnh 
1. Tháng 8 - 2008, tại khách sạn Caravelle TP Hồ Chí Minh, một buổi hội thảo quốc tế về khả năng hợp pháp hóa thị trường cá cược và các hình thức đánh bạc khác đã diễn ra, có sự tham dự của quan chức Bộ VHTT, Bộ Tài chính, Bộ Công an và CA TPHCM. Những con số khảo sát thống kê mà Hãng cá cược Ladbrokes (Anh) đưa ra đã khiến tất cả cử tọa có mặt phải sửng sốt. Nó là những số tiền quá khổng lồ nằm ngoài hình dung của tất cả mọi người, kể cả những người máu me và liều lĩnh nhất.
Theo nghiên cứu của Ladbrokes, đến cùng thời điểm, mỗi năm người dân Việt Nam chi 4.8 tỷ USD cho riêng các khoản cá cược và cờ bạc, phần lớn là cá độ bóng đá, từ V.League cho đến các trận đấu quốc tế. Tất cả các hoạt động cá cược, bài bạc này đều bị xem là bất hợp pháp. Bất chấp mọi sự cấm đoán và trừng phạt của luật pháp, số tiền chi cho đỏ đen vẫn không hề giảm, chỉ tăng tịnh tiến theo thời gian.
Bằng kinh nghiệm tổ chức kinh doanh cá cược lâu năm, Ladbrokes cho biết, chỉ xấp xỉ 40% số tiền con bạc bỏ ra cá cược quay trở lại túi dân chơi thắng cược. Trong điểu kiện luật pháp cấm đoán, khâu trung gian nhiều, chi phí tăng, số tiền chi cho mọi khâu dịch vụ, đến tận người phát hành “phơi” (ghi nhận đặt cược)… cùng lắm cũng chỉ chiếm 20% tổng số tiền. Nếu tổ chức tốt, nhà cái sẽ ẵm gọn 40% tổng số tiền đặt cược dưới mọi hình thức.
Để tối ưu hóa lợi nhuận, các hãng cá cược cả quốc tế lẫn đám ma đầu hang cùng ngõ hẻm đều dùng một chiêu thức giống nhau: đẻ ra càng nhiều hình thức cá cược càng tốt. Nhà cái sẽ hưởng lợi nhuận nhiều vòng hơn từ tỷ lệ chiết khấu. Một trận đấu, từ trước khi bóng lăn đến phút mãn cuộc, tổng cộng Ladbrokes có 42 loại kèo khác nhau. Đến tận áp giây cuối cùng của quả pennalty cuối cùng trong loạt sút luân lưu của trận cuối cùng tranh chức vô địch giải đấu, dân cá cược vẫn có thể tiếp tục bắt kèo với hy vọng đã thắng cược, họ lại tiếp tục thắng thêm kèo nữa. Cứ cho là tỷ lệ thắng thua là 50 - 50, nhà cái vẫn hưởng thêm được 5-10% hoa hồng cho kèo “hốt cú chót” này, móc ra từ hầu bao của những người thắng cuộc. Tuy nhiên, nhiều khả năng, những kèo “nhả ăn xương”, “bẻ kèo”, “ngược kèo”, “đảo lai (like - chọn)” cuối trận, dân thắng cược trước đó sẽ nướng hết số tiền mà họ đã thắng và dân thua kèo trước thì sẽ thua thêm kèo nữa, rồi kèo nữa…
Một ít trong số tiền khổng lồ rụng lại ở các khâu trung gian cò con, gọi là tiền tráng nhựa hoặc tiền lót đường. Một số khác, không nhỏ về con số, nhưng rất nhỏ nếu so tỷ lệ được gọi là bôi trơn để những gì là bất hợp pháp trở nên vô thanh và vô hình, để đường dây hình gân lá của trò cá cược cứ thế mà lan khắp mọi hang cùng ngõ hẻm.
Nhà nước không thu được một xu, trong khi lại phải tốn không ít thời gian, công sức, tiền bạc… để dẹp cờ bạc và cá cược, bị xem như tệ nạn và phạm pháp. Lợi nhuận quá lớn nên chặt vòi này, giác hút khác lại mọc ra. Đồng hành với nó là vô số tệ nạn khác, thậm chí là tội ác, từ cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, đến bắt cóc tống tiền v.v…
Không cấm được, tại sao nhà nước không cho phép hợp pháp hóa cá cược và một số hình thức đánh bạc có quản lý, vừa phòng tránh được nhiều tệ nạn, ổn định hơn về an ninh trật tự, lại thu được một khoản thuế không nhỏ lên đến cả tỷ USD/năm? Ladbrokes cho rằng, nếu luật pháp Việt Nam cho phép, nhiều hãng cá cược sẽ sẵn sàng hợp tác với nhà nước để đầu tư cùng khai thác, theo tỷ lệ 50-50 trên tổng số lợi nhuận mà họ cam kết là từ 30-40% tổng mức đặt cược, trong khi nha nước không phải bỏ vốn. Chưa kể, nhà nước còn thu thêm được một khoản không nhỏ thuế thu nhập từ người thắng cược, giả định chiếm khoảng 40% tổng số tiền cờ bạc và cá cược.
Tuy nhiên, đề án “hợp pháp hóa cờ bạc” này vẫn không được chấp nhận, ngoại trừ một số nhỏ các môn thể thao với hiệu suất khai thác không đáng kể. Phản đối đề án hợp pháp hóa cá cược và một số hình thức cờ bạc chủ yếu đến từ ngành công an. Trong cả quan niệm đạo đức lẫn luật pháp XHCN, cờ bạc, cá cược luôn được định nghĩa là những hoạt động tệ nạn, phi đạo đức và phản văn hóa. Tất nhiên, nhà nước pháp quyền XHCN không cho phép thừa nhận, quản lý và khai thác một tệ nạn xã hội để xem như một nguồn thu tài chính. và còn nhiều vấn đề chính trị nhạy cảm khác nữa. Tất nhiên, người dân bình thường sẽ không bao giờ biết đủ lý do tại sao.
Hoạt động cờ bạc, cá cược bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Và đó chính là cơ hội, cũng là nguyên nhân dẫn những người lẫy lừng một thời như Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa nhảy ra thao túng và vướng vòng lao lý.
2. Nổi tiếng trong cả ngành công an lẫn trên giang hồ, cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh được xem như một khắc tinh lừng lẫy của giới tội phạm. Vào sinh ra tử nhiều, công lao không ít, nhưng tướng Vĩnh danh nổi như cồn lại chủ yếu nằm ở cách đánh án không giống ai. Trong nhiều trường hợp, thậm chí người ta còn cho rằng ngay từ trẻ, Phan Văn Vĩnh đã dám dùng chiêu thức giang hồ để trị giang hồ, khi cần thì sử dụng cả những phương pháp đánh án rất lạm quyền, không thể gọi là hợp pháp, nếu không nói là sẵn sàng gác các quy định pháp luật sang một bên.
Cách đây đúng 20 năm, dư luận đầy cảm tính đã kê ra 4 cái tên điều tra viên đánh án thuộc hàng nhất nước, cùng thời đều mang quân hàm trung tá. Trên CQĐT Bộ Công an có Trung tá Nguyễn Hữu Ngọc (Ngọc “điếu” - người bắt Năm Cam lần thứ nhất năm 1995). Thành Nam Định có Trung tá Giám đốc CA tỉnh Phan Văn Vĩnh, chết danh Vĩnh “chột” vì dính mảnh lựu đạn trong một vụ là bảo kê tiệm vàng năm 1991, phải múc bỏ mắt trái. Ở Quảng Nam có Trung tá Huỳnh Đức Cường, Phó phòng PC16 tỉnh, nổi tiếng vì phá nhanh hàng chục vụ trọng án trên Quốc lộ 1 và hàng chục vụ khác ở vùng vàng Phước Sơn. Đất Sài Gòn có Trung tá Nguyễn Mạnh Trung, cũng Phó phòng CSĐT, nổi tiếng vì khả năng đánh trọng án trong phố và vươn ra khắp nước…
Trước Phan Văn Vĩnh, cả ba trung tá đồng thời, dù danh nổi như phao, dù đều đang ngập nghé danh hiệu Anh hùng LLVTND, đều có hậu vận không mấy tốt trong sự nghiệp công an. Suốt gần 30 năm cuối đời (mất cuối năm 2017, thọ 67 tuổi) Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc phải sống chung với hàng loạt căn bệnh nan y do nhiễm phóng xạ uranium từ tang vật mà ông vô ý cất giữ cẩn thận trong… tủ hồ sơ tại phòng làm việc. Trung tá Huỳnh Đức Cường thì bị dính một vụ lãng xẹt. Khai cung thừa nhận xong 2 vụ giết người, một nghi phạm ở Thăng Bình, Quảng Nam đã lăn đùng ra chết tại chỗ, trong khi biên bản khai cung vẫn chưa ký đủ số tờ. Cấp dưới lấy cung, khi vụ việc xảy ra ông Cường không có mặt. Lúc đó ông đang ngồi làm việc với chính tác giả bài viết này tại trụ sở PC 16, Công an tỉnh Quảng Nam. Cho dù sau đó, giám định pháp y độc lập đã kết luận nghi can chết vì nhồi máu cơ tim cấp do quá sợ bị trừng phạt, vụ việc cũng vẫn ồn ào một thời gian dài. Huỳnh Đức Cường, cấp trên trực tiếp chỉ đạo đánh án, bị kỷ luật, chuyển sang giữ chức Phó phòng Cảnh sát PCCC Công an Quảng Nam ngồi chơi xơi nước, đến tuổi thì về hưu với quân hàm đại tá trong im lặng. Người cuối cùng, Trung tá Nguyễn Mạnh Trung thì chôn vùi sự nghiệp bằng một bản án đầy nghi vấn vì bị cáo buộc dính líu đến băng nhóm tội phạm Năm Cam.
Một mình Phan Văn Vĩnh, tay… giang hồ nhất là gặt hái đủ mọi thành công, trở thành Anh hùng LLVTND, Trung tướng Tổng cục trưởng TCCS. Xem như hưởng đủ.
Nhưng tham vọng, nhất là tham vọng quyền lực thì biết bao nhiêu gọi là đủ. Ở tầm quyền lực và trách nhiệm bao trùm, chắc chắn ông Vĩnh không khó gì mà không nhận ra thị trường cờ bạc, cá cược khổng lồ đang vô chủ. Mà ông lại là người quen thao túng quyền lực hơn là phục tùng nó, cho dù “nó” có là quy định luật pháp đi chăng nữa.
3. Bắt bạc cũng như bắt mại dâm, cứ phải quả tang, ngay tại trận. Mà ngay cả như vậy thì việc xử lý con bạc cũng rất vô chừng, gần như chỉ phụ thuộc vào “sự vận dụng” của những người làm án vốn chuộng “cơ chế thoáng” chứ khó có thể trưng đúng bằng chứng hay dựa đủ căn cứ luật pháp.
Trên báo chí, người ta đã quá quen với thông tin kiểu bắt bạc “khủng” ngay tại sòng, có hàng chục, cả trăm con bạc tham gia, tiền đậu chến mỗi ván từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu đồng. Thế nhưng tang vật thu tại chỗ thường chỉ lên đến vài ba trăm triệu là cùng. Nghĩa là, mỗi con bạc, tiếng là dân chơi khủng cũng chỉ mang theo đủ tiền để đặt chừng... 1 hay 2 nước bạc! Bị điệu ra tòa cùng lắm cũng chỉ 1/5 số kẻ bị bắt. Không một ai trong số chúng dám và ngu đến mức la lên là tôi mang theo cả trăm triệu đồng, sao cáo trạng lại ghi tôi chỉ thua vài ba triệu hay dăm triệu. Vì sao, bạn tự hiểu.
Đánh bạc trên mạng máy tính càng khó bắt, khó xử lý hơn, tiền chi cho cờ bạc càng kinh khủng hơn. Nếu ai đó còn hoài nghi thì cứ đọc hồ sơ vụ án tổ chức đánh bạc trên mạng mà tòa Phú Thọ đang xử. Chỉ trong hơn 8 tháng hoạt động, mạng cờ bạc của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam đã thu hút được 43 triệu tài khoản con bạc, thu lãi bất chính 9.800 tỷ, trả lương và nộp thuế hơn 3.700 tỷ, chia nhau 4.700 tỷ…
Hợp pháp hóa không được, bắt cũng không dễ xử lý, hẳn là một người tự phụ quyền lực như ông Vĩnh không thể ngồi khoanh tay xem bọn oắt con thu tiền ngàn tỷ mà mình chẳng được gì, cũng chẳng thể làm gì. Vậy là, thay vì lập chuyên án triệt phá cờ bạc, tống tội phạm vào tù, thu tiền về cho nhà nước, ông ra tay tế độ, biến chúng thành kẻ phục vụ mình. Công ty cờ bạc của Dương, Nam được Nguyễn Thanh Hóa, theo chỉ đạo của ông Vĩnh, biến thành “Công ty bình phong” của C50, tha hồ cho chúng mày móc túi quần chúng máu đỏ đen, mang tiền về đây cung phụng. Riêng tiền rượu cho các sếp tiệc tùng, tiếp khách đã lên đến cả chục tỷ đồng thì đó không còn là chuyện đơn giản thấy lợi mờ mắt, sa ngã và chết vì “đạn bọc đường” như dư luận ngây thơ bàn tán và lên án nữa. Với Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, đó là canh bạc quyền lực siêu khủng mà họ cố ý đánh đổi bằng cả sự nghiệp. Và thật sự, họ đã nghĩ có thể lấy tay che mặt trời, quyền lực đủ mạnh để bảo đảm hành vi phạm tội nghiêm trọng của họ không bao giờ bị phát giác và xử lý. Hoàn toàn không thể coi việc phạm tội của họ là một cú sẩy chân dính bùn. Gọi thế e rẻ rúng tư cách và năng lực của những kẻ phạm tội uy quyền một thuở quá.
Chỉ với một vụ này thôi cũng đủ chỉ ra rằng: cấm tiệt cờ bạc, nhất là trên mạng, là điều không thể. Trên TV, trên báo chí, trước mỗi trận đấu trong những giải đấu lớn, tỷ lệ cá cược (kèo) vẫn được công khai ra rả. Không chơi được với mạng trong nước thì con bạc đặt cược với nhà cái nước ngoài, sát phạt nhau qua mạng cờ bạc quốc tế. Bắt bạc chỉ là biện pháp bắt cóc bỏ dĩa. Đã đến lúc, vấn đề nghiên cứu lộ trình hợp pháp hóa thị trường cờ bạc, cá cược, đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của luật pháp cần được đặt ra, không chỉ dừng lại ở chuyện nghiên cứu, tìm hiểu mà phải đi đến giải pháp khả thi. Hợp pháp hóa cờ bạc, cá cược... trong sự tổ chức, quản lý chặt chẽ, không những nhà nước sẽ có thêm được một nguồn thuế không nhỏ để góp vào phát triển xã hội. Điều này còn giúp giảm thiểu cho xã hội không ít tệ nạn, tội lỗi và tội ác. Làm được điều đó mới thật sự là chính trị tích cực.
N.H.L.
Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10210488756655242&set=a.1049057366732&type=3&permPage=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét