Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

20181123. BÌNH LUẬN VỀ TÌNH HÌNH CHỐNG THAM NHŨNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỐT LÒ' CHUYỂN SANG GIAI ĐOẠN BA ?

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 22-11-2018

Có phải một ai đó đang nhắm đến nhân vật ngồi hàng sau bên tay trái - Lê Thanh Hải?
Có phải một ai đó đang nhắm đến nhân vật ngồi hàng sau bên tay trái - Lê Thanh Hải?
Mùa thu năm 2018, vài dấu hiệu bất thần nổi trội cho thấy chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng có thể đang chuyển sang giai đoạn 3.
Không còn ‘vùng cấm thời gian’
11 tháng sau vụ khởi tố bắt giam Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào tháng Mười Hai năm 2017, vụ án ‘MobiFone mua AVG’ được ‘xới’ lại sau một thời gian im ắng bất thường. Vào lần này, Cao Duy Hải - cựu Tổng giám đốc MobiFone - và cựu cấp phó của MobiFone là Phạm Thị Phương Anh đã cùng chung số phận với một cựu Tổng giám đốc khác của MobiFone là Lê Nam Trà đã bị khởi tố và bắt giam trước đó ít tháng.
Có một độ chênh khác hẳn nhau trong 11 tháng qua: vụ bắt Đinh La Thăng xảy ra sau Hội nghị trung ương 6 và kỳ họp Quốc hội tháng 11/2017, còn vụ ‘bắt thêm’ ở MobiFone lại diễn ra cùng lúc với kỳ họp Quốc hội tháng 11/2018.
Độ chênh đó có ý nghĩa gì?
Phải chăng sau khi chính thức trở thành Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018, Nguyễn Phú Trọng muốn phát đi thông điệp ‘không có vùng cấm thời gian’?
‘Vùng cấm’ là khái niệm mà giới quan chức được xem là ‘chống tham nhũng’ thường hô hào về tâm thế ‘quân pháp bất vị thân’, nhưng thực tế của những vụ án lớn lại rất thường chỉ dừng ở việc xử lý cấp cán bộ trung và thấp mà ít đụng chạm được số cán bộ cao cấp, hoặc có tỏ ra ‘pháp luật nghiêm minh’ như đối với trường hợp Đinh La Thăng thì lại mang dáng dấp một vụ ‘đốt củi rừng’ chứ không phải là ‘củi nhà’.
Còn ‘vùng cấm thời gian’ là quan niệm không phải được đưa ra bởi giới ‘đốt lò’ mà bởi giới quan chức tham nhũng. Những quan chức ăn đậm này, cùng với đội ngũ dư luận viên của họ, đã tuyên truyền theo cách rỉ tai nhau rằng chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng không thể làm liên tục mà phải tránh những sự kiện chính trị quan trọng của đảng như các hội nghị trung ương và các kỳ họp Quốc hội…
Nhưng vào lần này, vụ ‘bắt thêm’ ở MobiFone rõ ràng đã phạm vào ‘vùng cấm thời gian’. Họp cứ họp, bắt vẫn bắt.
Cùng lúc, dư luận xã hội rộ lên một số đồn đoán có cơ sở ‘biện chứng lịch sử’ về khả năng sắp tới, thậm chí ngay trong thời gian Quốc hội còn họp, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son - kẻ bị cho là đã ăn đậm đến hàng ngàn tỷ đồng trong vụ AVG - sẽ phải tra tay vào còng. Đồng thời, vụ ‘ăn đất Thủ Thiêm’ đang có chiều hướng ‘cẩu đầu trảm’ đối với một số quan chức cao cấp ở Sài Gòn như Tất Thành Cang, Lê Thanh Hải. Chỉ ít ngày sau vụ ‘bắt thêm’ ở MobiFone, một cựu Phó chủ tịch chính quyền TP.HCM là Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố thêm tội danh, còn Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận sai phạm ‘rất nghiêm trọng’ - tín hiệu chính thức mở màn cho chiến dịch ‘đốt lò’ ở thành phố này.
Không biết vô tình hay hữu ý, toàn bộ những động thái mới mẻ và ngày càng sôi sục trên diễn ra chỉ khoảng 2 tháng sau cái chết đột biến của nhân vật Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Thời ‘Hậu Quang’ có vẻ đang bắt đầu. Sau ‘tang thương’ là đắc thắng.
‘Hậu Quang’
Gần hai năm trước là thời ‘Hậu Dũng’, sau cái đại hội 12 đã trở nên trọn vẹn đến khó ngờ và quá khó tả cho kịch bản nhân sự ‘bất cứ ai trừ Nguyễn Tấn Dũng’ và cho riêng Nguyễn Phú Trọng.
Vào thời ‘Hậu Dũng’, có thể nhận rõ là giai đoạn “chống tham nhũng” đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng - có thể được tạm đặt cái tên là “Việc cần làm ngay” - đã mất một khoảng thời gian gần một năm rưỡi, từ tháng Sáu năm 2016 đến tháng Mười một năm 2017, khá lặng lẽ và nhu nhược, chủ yếu là hô hào về chủ trương mà thiếu hẳn hành động cụ thể và quyết liệt. Chẳng khác gì một kẻ bất lực.
Chỉ sau Hội nghị Trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017 mà đã bị nhiều cựu thần và cách mạng lão thành lên tiếng chỉ trích về não trạng “đập chuột sợ vỡ bình”, “nói không đi đôi với làm” và “nhát gan”, Nguyễn Phú Trọng mới có hành động đột biến chỉ đạo bắt giam Đinh La Thăng vào tháng Mười hai năm 2017. Thời điểm đó cũng có thể được xem là mốc khởi đầu cho giai đoạn 2 của chiến dịch “chống tham nhũng” mang tên “Đốt lò”.
Nhưng nếu chiến dịch “chống tham nhũng” của ông Trọng có hai tên gọi thì cũng có hai giai đoạn bị chùng xuống một cách bất ngờ và khó hiểu: Khoảng thời gian sau Hội nghị Trung ương 5 - từ tháng Sáu đến tháng Mười năm 2017, và khoảng thời gian gần Hội nghị Trung ương 7, tức là tháng Năm năm 2018.
Tại Hội nghị Trung ương 7 đã không có bất kỳ xử lý một quan chức nào, thậm chí kết quả này còn tệ hơn cả Hội nghị Trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017, khi hội nghị này còn kỷ luật và loại khỏi Ban chấp hành Trung ương nhân vật Bí thư của Đà Nẵng là Nguyễn Xuân Anh.
Còn Hội nghị Trung ương 8 vào tháng Mười năm 2018 thì có thể ‘không tính’ về độ chùng của ‘đốt lò’, bởi hội nghị này trong khi không xử lý được quan chức đáng giá nào thì còn phải lo toan một việc lớn hơn nhiều: làm thế nào để Tổng bí thư Trọng trở thành Chủ tịch nước một cách ngọt ngào mà ít gây phản ứng nhất về hành vi ‘tham vọng quyền lực’, cho dù cách gọi trước đó có là ‘hợp nhất hai chức danh’ hay ‘nhất thể hóa’, hoặc ‘giải pháp tình huống’ như chính ông Trọng biện bạch sau đó.
Thực ra, thời ‘Hậu Quang’ đã có thể chính thức ‘có hiệu lực’ vào tháng Tám năm 2018, ngay từ khi Trần Đại Quang vừa hoàn tất chuyến công du ‘xin tiền’ ở Nhật Bản và vẫn còn sống sờ sờ với lịch làm việc khá dày đặc - chi tiết cho thấy ông ta thậm chí còn tự tin với lịch sống thêm nhiều năm nữa của mình. Khi đó, Nguyễn Phú Trọng đã giành được một thắng lợi không chỉ quan trọng mà là đặc biệt quan trọng trên bàn cờ nhân sự nội bộ: ngày 10/8/2018, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đặt bút ký hai quyết định liên tiếp bổ nhiệm chức danh Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; và bổ nhiệm chức danh Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đối với Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an.
Có thể cho rằng đó là một lần hiếm hoi cấp Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp mang chức trách thủ trưởng cơ quan điều tra. Lại càng hiếm hơn nữa khi cả hai Thứ trưởng Bùi Văn Nam và Lê Quý Vương - được giới quan sát chính trị đánh giá là ‘cận thần’ của Tổng bí thư Trọng - cùng lúc tiếp quản hai ghế thủ trưởng của hai cơ quan điều tra xương sống của Bộ Công an.
Hai cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra được xem là hai cục đặc biệt quan trọng trong Bộ Công an, mang quyền ‘sinh sát’ đối với các bộ ngành khác và khối các tỉnh thành ở Việt Nam. Đặc biệt từ khi chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng chính thức chuyển sang giai đoạn ‘đốt lò’ từ tháng Tám năm 2017 với hàng loạt vụ bắt bớ nhiều quan chức ngành dầu khí, đại gia ngân hàng Trầm Bê và gây chấn động bởi vụ bắt Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã lập nhiều ‘chiến công vang dội’ - như cách mô tả của ‘báo ngành’ Công an Nhân dân.
Với việc chiếm lĩnh được hai cứ điểm lợi hại trên, đây là thắng lợi thứ tư của Tổng bí thư Trọng trong quy trình ‘tiếp quản’ ngành công an tính từ tháng Mười năm 2016. Khỏi phải nói, ông Trọng đã nắm gọn trong tay hai thanh kiếm sắc bén và cả sắc máu, để nếu cần, hoặc luôn luôn cần trong tình thế nước sôi lửa bỏng hiện thời, thì tiến hành ‘cách mạng chuyên chính vô sản’.
Cũng khỏi phải nói, việc chiếm lĩnh hai cứ điểm trên cùng hỏa lực tiềm tàng còn ẩn giấu trong hai cứ điểm này sẽ tác động đến phần lớn mặt trận chính trị Việt Nam. Vào năm 2017 và đầu năm 2018, khi chưa ‘nắm’ được Bộ Công an mà ‘đốt lò’ còn làm hoảng loạn giới quan chức tham nhũng đến thế, thì sắp tới tình cảnh than khóc sẽ dậy trời đến thế nào!

clip_image002
Nếu đốt lò dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng, ông Trọng có sẽ thỏa mãn?
Ngay sau đại hội 12, đã xuất hiện một giả thiết về tương lai lục đục chính trị giữa tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang và người đang có ý đồ ‘nhất thể hóa’ là Nguyễn Phú Trọng. Đến năm 2017, đà ‘chống tham nhũng’, mà chủ yếu là thế tiến công vào ‘cánh Ba X’, của ông Trọng bị khựng lại với một trong những nguyên do mang tính giả thiết là ‘lực cản Trần Đại Quang’. Khi đó, đã xuất hiện những thông tin không chính thức về một mối quan hệ gần gũi nào đó giữa Trần Đại Quang và Nguyễn Tấn Dũng. Rồi đến khi nổ ra vụ Vũ ‘Nhôm’ - kẻ được đồn đoán mang họ tên Trần Đại Vũ mà chẳng thấy Bộ Công an cải chính, những giả thiết trên xem ra đã có tính thực tế chứ không đến nỗi hoang đường.
‘Bắt, bắt nữa, bắt mãi’
Còn giờ đây, ‘lực cản’ - nếu có thể gọi như thế, đã cùng với Trần Đại Quang ra đi mãi mãi. Chính trường Việt Nam cũng đã biến mất thế lực đối trọng đáng kể cuối cùng trong cuộc chơi với Nguyễn Phú Trọng.
Một lần nữa sau một cơn suy trầm, Tổng bí thư Trọng lại vươn lên thế thượng phong trước các đồng chí của ông. Cùng với việc chiếm lĩnh được hai cục công an ‘bắt, bắt nữa, bắt mãi’ là Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra kể từ tháng Tám năm 2018, ông Trọng sẽ tha hồ đánh đông dẹp bắc trong nội bộ đảng.
Giờ đây, ‘Đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng đang khiến nhiều quan chức bậc trung cấp hay cao cấp đau đầu, quá dễ tăng huyết áp và trụy tim mạch. Một cựu quan chức mô tả về tâm thế của những quan chức trên theo một cách rất tâm thần học: co rúm lại bởi những cơn ám ảnh xuất hiện ngay cả trong giấc ngủ.
Dĩ nhiên loại quan chức nhiều tiền lắm của luôn lo sợ chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng lặp lại những gì của Tập Cận Bình mà sẽ đốt ráo trọi đủ thứ củi, và chẳng ưa ông Trọng đến mức có lẽ chỉ cầu mong ông này bị đột quỵ hoặc bị… ám sát.
Nhưng cả hai khả năng xấu tệ trên đều chưa có hơi hướng nào sẽ xảy ra. Cho đến giờ và khi cuộc chiến “chống tham nhũng” của “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” (một cách ví von không thể tưởng tượng nổi của vài nhân văn cận thần đặc tả về Tổng bí thư Trọng) đang lao vào khu rừng đầy yêu tinh ma quái, không ít cán bộ đang ngạc nhiên bởi vẻ hồng hào vẫn lồ lộ trên gương mặt của ông ta, cho dù ai cũng biết giới lãnh đạo cao cấp, nhất là những người đã “thất thập cổ lai hy” rất thường dùng thủ pháp hóa trang để “trẻ mãi không già”.
Những quan chức nhúng chàm nhưng không muốn gột rửa cũng chẳng mấy hy vọng việc Tổng bí thư Trọng bị một sát thủ vô hình bắn hạ như cảnh vẫn diễn ra trong phim Mỹ. Sau vụ “cả ba bị bắn” ở Yên Bái vào tháng Tám, 2016, nghe nói quân số bảo vệ các ủy viên bộ chính trị và đặc biệt cho Tổng bí thư đã tăng gấp đôi gấp ba nên quá khó để ông Trọng bị thế này thế nọ, thậm chí cả bị đe dọa cũng chưa thấy.
Vậy là ít ra trên mặt báo đảng, ông Trọng vẫn khỏe như vâm và đang thể hiện một cơn “say máu” chưa từng có trong cuộc đời 6 năm làm Tổng bí thư của ông, không chỉ về “chống tham nhũng” mà còn giương cao ngọn cờ tập quyền như những gì mà Tập Cận Bình đã dâng cao vời vợi ở Trung Quốc. Cả hai yếu tố này, khi gộp lại, mới chính là thảm họa đối với những kẻ còn chưa kịp “ra đi tìm đường cứu nước”.
Nếu chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng được tiến hành theo từng đợt và có thời gian xả hơi giữa hai đợt, giới quan chức tham nhũng vẫn còn hy vọng sẽ lợi dụng khoảng giải lao quý báu ấy để hoặc kịp tẩu tán tài sản phi pháp, hoặc bạo gan tổ chức phá rối hay phản công lại Tổng bí thư của mình, hoặc nếu không cải thiện được tình thế và cũng chẳng lật đổ được Tổng bí thư thì tận dụng thời gian để “ra đi tìm đường cứu nước” - như những Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy…
Nhưng đến giờ thì đã rõ ràng: vụ bắt Đinh La Thăng vào ngày 8 tháng Mười Hai năm 2017 là thời điểm cần được xem là mốc mở màn cho “chống tham nhũng giai đoạn 2” của ông Trọng, để chiến dịch này nhiều khả năng sẽ “phát triển liên tục” chứ không có khoảng “giải lao”, để nếu đúng là ‘đốt lò’ đã chính thức chuyển sang giai đoạn 3 thời ‘Hậu Quang’ vào tháng Mười Một năm 2018, khoảng thời gian cuối năm 2018 chính là một cơn sóng lừng báo hiệu cho cả năm 2019 cuồng nộ bão tố trên biển cả chính trường Việt Nam.
Giai đoạn 3 và sau đó?
Một hệ quả chắc chắn đang và sẽ xảy ra là vào thời ‘Hậu Quang’, một phần lớn, nếu không nói là toàn bộ ê kip trước đây từ thời Trần Đại Quang còn là Bộ trưởng Công an sẽ được đặt trên ‘đầu ruồi’ của Văn phòng Chủ tịch nước. Tất cả những kẻ nào chưa kịp ‘ra đi tìm đường cứu nước’ đã và sẽ phải chịu chung số phận tê tái.
Sau khi đã thành công khá lớn với chiến dịch tái cơ cấu, mà thực chất là ‘thay máu’ Bộ Công an vào đầu năm 2018, để từ đó đến nay đã ‘loại khỏi vòng chiến đấu’ khoảng một chục tướng công an được phong dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng một cách nào đó đang làm thay một phần việc của đương kim Bộ trưởng Công an Tô Lâm, đặc biệt về khâu nhân sự. ‘Cánh Quang’ cũng bởi thế sẽ chỉ còn quá ít cơ hội để vùng vẫy.
Còn sau đó, ‘đường đi’ của ông Trọng là gì?
Sau hai chiến dịch ‘thay máu’ Đà Nẵng và Bộ Công an, từ quý hai năm 2018 đến nay đã xuất hiện ngày càng nhiều những dấu hiệu và biểu hiện cho thấy ông Trọng chọn địa bàn TP.HCM như một mục tiêu tiến công tiếp theo - mục tiêu chiến lược nằm trên sơ đồ tổng thể Nam Bộ, đặc biệt là khu vực các tỉnh thành ở miền Tây Nam Bộ, nơi mà ‘người Bắc có lý luận’ như ông Trọng muốn ‘trấn Nam’.
Sau khi một Đinh La Thăng - người của Nguyễn Tấn Dũng ‘cài’ vào Bộ Chính trị và đã khiến ông Trọng phải hao tâm tổn trí để thanh loại nhân vật này khỏi cái ghế Bí thư thành ủy TP.HCM, một Nguyễn Thiện Nhân nói gì nghe đó được đặt vào cái ghế này sẽ tạm giúp cho Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ‘dẹp loạn’ tư bản đỏ ở miền Nam - tạo nên một hố khác biệt với cả một thế giới tư bản đỏ mại bản ở miền Bắc và dày đặc nhất tại Hà Nội.
Bàn cờ giai đoạn 3 của ‘đốt lò’ cũng bởi thế nhiều khả năng sẽ tập trung vào TP.HCM và một số tỉnh thành miền Tây Nam Bộ, và giai đoạn này có thể sâu hiểm nhất, sắc máu nhất, kể cả tàn nhẫn nhất kể từ đầu chiến dịch ‘đốt lò’. Nhiều quan chức Nam Bộ sẽ chính thức vào ‘lò’ và làm ‘bạn chăn kiến’ với Đinh La Thăng.
Giai đoạn 3 có thể kéo dài từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2019, hoặc đầu năm 2020, để sau đó chủ nhân của ‘lò’ còn phải dành thời gian quán xuyến công việc quan trọng hơn: ‘cán bộ cấp chiến lược’ cho đại hội 13.
Giai đoạn 3 ‘đốt lò’ cũng có thể sẽ là giai đoạn cuối của chiến dịch ‘đốt lò’. Nếu giai đoạn này được hoàn tất với lộ trình dẫn thẳng đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng, có lẽ Nguyễn Phú Trọng sẽ đủ thỏa mãn - như tính ông ta vốn thế, mà không cần phải ‘chống tham nhũng’ hơn nữa. Thêm vào đó, vấn đề sức khỏe của ông Trọng có lẽ đủ tế nhị và đủ âu lo mà không cho phép ông ta kéo dài lâu hơn cuộc chiến đấu của mình. Một kịch bản có thể xảy ra là Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ ‘nhường’ bớt cái ghế Tổng bí thư cho một nhân vật khác, mà Trần Quốc Vượng đang là cái tên được nói đến nhiều nhất, để ông Trọng yên vị làm ‘thái thượng hoàng’ trên cái ghế còn lại và nhàn nhã hơn nhiều là Chủ tịch nước, nhưng vẫn cố gắng nhằm khiển được tân Tổng bí thư và đương nhiên cả với Thủ tướng Phúc.
Khoảng thời gian còn lại cho đến đại hội 13, nếu còn có đại hội đó và nếu không bị phản bội bởi tuổi tác và độ minh mẫn, Nguyễn Phú Trọng sẽ biết cách làm cho hình ảnh của ông được tôn lên như một Tập Cận Bình độc bá về quyền lực và thậm chí độc tôn về tư tưởng theo phương châm ‘uy quyền đến lúc chết’.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN


VÌ SAO ĐẢNG 'ĐÁNH' VỢ LÊ THANH HẢI ?

THƯỜNG SƠN/ VNTB/ viet-studies  22-11-2018

(VNTB) - Số phận Lê Thanh Hải “gia tộc Lê Thanh Hải” đang lộ ra những dấu hiệu khá rõ về sự sụp đổ trong một ngày không còn xa nữa...
Học viện Cán bộ TP.HCM là cơ sở đào tạo duy nhất ở Việt Nam bị giáng một đòn choáng váng đúng vào 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam - năm 2018.
Và nhân vật được xem là ‘nhà giáo Việt Nam - bà Trương Thị Hiền - đã bị cho ‘lên thớt’.
“Có dấu hiệu ‘thông đồng’ gói thầu hàng trăm tỉ tại Học viện Cán bộ TP.HCM” - báo Thanh Niên giật tít như thế và còn chú thích rằng bà Trương Thị Hiền là phu nhân của cựu ủy viên bộ chính trị, cựu bí thư thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải. Tuy nhiên, sau đó đoạn chú thích này đã biến mất, còn tựa đề được đổi thành “Hủy bỏ kết quả đấu thầu tại Học viện Cán bộ TP.HCM”.
Theo bài báo trên: “Kết luận thanh tra khẳng định Tư vấn quản lý dự án có dấu hiệu ‘thông đồng’ với Tư vấn đấu thầu trong việc triển khai xây dựng gói thầu hàng trăm tỉ tại Học viện Cán bộ TP.HCM”.
Giám đốc và Phó giám đốc Học viện được phân công phụ trách tại thời điểm phát sinh vụ việc. Vào thời điểm đó, giám đốc là PGS-TS Trương Thị Hiền…
Thanh Niên cũng là một trong vài tờ báo đầu tiên ‘nổ súng’ theo ý chỉ của đảng vào tháng Tư năm 2017 về vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, để sau đó dẫn tới kết cục bi thảm 31 năm tù giam dành cho Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng.
Còn việc đăng bài về Học viện Cán bộ TP.HCM và Trương Thị Hiền như một cách ‘tôn vinh’ Ngày nhà giáo Việt Nam thì ý tưởng đó có lẽ chỉ xuất phát từ những cái đầu thâm nho Bắc Hà hoặc những ‘người Bắc có lý luận’.
Với trường hợp Trương Thị Hiền, cho đến nay đảng đã đụng chạm đến hầu hết những người thân của Lê Thanh Hải, thít chặt hơn nữa vòng vây đối với cựu quan chức cao cấp có tục danh ‘Hải Heo’.
Kẻ đầu tiên trong ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ bị đảng ‘làm lông’ là Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) và là em ruột của Lê Thanh Hải. Vào tháng Ba năm 2018, Thanh tra TP.HCM bất chợt công bố kết luận thanh tra về việc Lê Tấn Hùng đã “chi khống 13,3 tỉ đồng” - một dấu hiệu hầu như chắc chắn là nếu không ‘biết điều’, Lê Tấn Hùng sẽ đi thẳng vào nhà giam.
Chỉ 5 ngày sau vụ Lê Tấn Hùng, đến lượt con trai cựu bí thư Lê Thanh Hải là ông Lê Trương Hải Hiếu - Thành ủy viên, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 - bị Ủy ban Kiểm tra thành ủy TP.HCM công khai thi hành kỷ luật. Theo đó, ông Lê Trương Hải Hiếu “đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức”. Ban Thường vụ Quận ủy Quận 12 đã quyết định kỷ luật ông Lê Trương Hải Hiếu bằng hình thức khiển trách.
Lê Thanh Hải từng được một số dư luận đồn đoán là “một trong những quan chức cộng sản giàu nhất Việt Nam”. Đặc biệt là mối quan hệ “đặc biệt” giữa ông Hải và bà Trương Mỹ Lan của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Lê Thanh Hải cũng từ lâu bị xem là ‘tội phạm’ ghê gớm trong vụ ‘ăn đất’ Thủ Thiêm mà đã đẩy hàng chục ngàn gia đình ở khu vực này vào cảnh bị cướp đất, màn trời chiếu đất và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, hàng chục năm trời rồng rắn kéo nhau đi khiếu nại tố cáo từ Nam chí Bắc.
Vào thời gian này và đặc biệt sau cái chết của Trần Đại Quang, những nước cờ tuần tự và có vẻ khá chắc chắn của Nguyễn Phú Trọng đang áp sát cựu bí thư Lê Thanh Hải, tương tự những nước đi của ông Trọng đối với “gia tộc Nguyễn Tấn Dũng”.
Chiến thuật trên đang khá tương hợp với đồn đoán trước tết nguyên đán 2018 về “từ sau tết đến Hội nghị trung ương 7, Lê Thanh Hải sẽ bị “đánh””.
Với vụ ‘nhà giáo Việt Nam’ Trương Thị Hiền được công khai trên báo chí nhà nước, trong khi những đàn em của Lê Thanh Hải là Nguyễn Hữu Tín bị bắt, Tất Thành Cang và Nguyễn Thanh Tài có thể bị bắt, số phận Lê Thanh Hải “gia tộc Lê Thanh Hải” đang lộ ra những dấu hiệu khá rõ về sự sụp đổ trong một ngày không còn xa nữa, để cá nhân Lê Thanh Hải gần như chắc chắn phải được kết thúc như một công đoạn đầu tiên để dẫn tới cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng.

'LÒ' VÀ 'CỦI' ĐANG CHẤT TRƯỚC CỬA NHÀ LÊ THANH HẢI ?

PHẠM CHÍ DŨNG / VOA 23-11-2018

Chưa bao giờ trong triều đại gần hai chục năm trời thống trị Sài Gòn và nổi lên cầu vồng chính trường như một ngôi sao mập ú mang tên ‘Hai Đê’ (Đất - Đô), phe nhóm chính trị của cựu ủy viên bộ chính trị, cựu chủ tịch và cựu bí thư thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải lại rớt xuống sát với mặt đất để gần với vực thẳm hơn bao giờ hết vào năm 2018 này.
‘Hải Heo’
Không biết vô tình hay hữu ý, nhưng lại rất cần được chú ý phân tích về mối tương quan xung đột nội bộ, vụ ‘Hải Heo’ (một tục danh mà nhiều người dân Sài Gòn và nhất là tầng lớp dân oan Thủ Thiêm đặt cho Lê Thanh Hải) cùng bộ sậu ‘đệ ruột’ của ông ta đang hầu như chắc chắn tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc vào ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng sau cái chết đột ngột và đầy nghi vấn của Trần Đại Quang vào tháng Chín năm 2018.
Thời ‘Hậu Quang’, với ngày càng nhiều tín hiệu và chỉ dấu về một cuộc tổng công kích lớn và hầu như không hoài nghi sẽ diễn ra của ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng vào Sài Gòn nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung mà gần như không còn gặp lực cản phá đáng kể nào. Tình cảnh của phe nhóm quan chức miền Nam vừa ăn ngập mặt vừa ‘thiếu lý luận’ giờ đây có thể được mô tả như ‘thân ai người đó lo, hồn ai người đó giữ’, hay nói trắng ra thì chẳng còn tồn tại phe nhóm nào - một hình ảnh tan rã và phân hủy tự nhiên lẫn cay đắng rất đặc trưng của hình thái chất thải so với thời oan liệt ‘còn bạc còn quyền còn đệ tử’ của nó cách đây ba năm.
‘Nạn nhân’ mới nhất của ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ có thể bị tống vào ‘lò’ là Trương Thị Hiền - một thời đệ nhất phu nhân Sài thành.
Vợ
“Có dấu hiệu ‘thông đồng’ gói thầu hàng trăm tỉ tại Học viện Cán bộ TP.HCM” - báo Thanh Niên giật tít như thế đúng vào 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2018. Theo bài báo này: “Kết luận thanh tra khẳng định Tư vấn quản lý dự án có dấu hiệu ‘thông đồng’ với Tư vấn đấu thầu trong việc triển khai xây dựng gói thầu hàng trăm tỉ tại Học viện Cán bộ TP.HCM”. Giám đốc và Phó giám đốc Học viện được phân công phụ trách tại thời điểm phát sinh vụ việc. Vào thời điểm đó, giám đốc là PGS-TS Trương Thị Hiền…
Báo Thanh Niên còn chú thích rằng bà Trương Thị Hiền là phu nhân của cựu ủy viên bộ chính trị, cựu bí thư thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải. Tuy nhiên, sau đó đoạn chú thích này đã biến mất, còn tựa đề được đổi thành “Hủy bỏ kết quả đấu thầu tại Học viện Cán bộ TP.HCM”.
Động thái đăng bài về Học viện Cán bộ TP.HCM và Trương Thị Hiền như một cách ‘tôn vinh’ Ngày nhà giáo Việt Nam thì ý tưởng đó có lẽ chỉ xuất phát từ những cái đầu thâm nho Bắc Hà hoặc những ‘người Bắc có lý luận’.
Có thể sơ kết rằng cho đến nay đảng đã đụng chạm đến hầu hết những người thân của Lê Thanh Hải, thít chặt hơn nữa vòng vây đối với cựu quan chức cao cấp có tục danh ‘Hải Heo’.
Con, em và đệ
Trước Trương Thị Hiền, kẻ đầu tiên trong ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ bị đảng ‘làm lông’ là Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) và là em ruột của Lê Thanh Hải. Vào tháng Ba năm 2018, Thanh tra TP.HCM bất chợt công bố kết luận thanh tra về việc Lê Tấn Hùng đã “chi khống 13,3 tỉ đồng” - một dấu hiệu hầu như chắc chắn là nếu không ‘biết điều’, Lê Tấn Hùng sẽ đi thẳng vào nhà giam.
Chỉ 5 ngày sau vụ Lê Tấn Hùng, đến lượt con trai cựu bí thư Lê Thanh Hải là Lê Trương Hải Hiếu - Thành ủy viên, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 - bị Ủy ban Kiểm tra thành ủy TP.HCM công khai thi hành kỷ luật. Theo đó, ông Lê Trương Hải Hiếu “đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức”.
Cũng vào tháng Mười Một năm 2018, một quan chức được xem là ‘cánh hẩu’ của Lê Thanh Hải là cựu phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an khởi tố thêm tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và chính thức bị bắt, dù đã bị khởi tố hai tháng trước đó và dường như đã xảy ra một cuộc điều đình ngầm kín nào đó trong thời gian qua.
Vụ khởi tố đầu tiên đối với Nguyễn Hữu Tín vào tháng Chín năm 2018 là sự liên đới mật thiết việc ông Tín đã tiếp tay cho Vũ ‘Nhôm’ mua với giá rẻ mạt nhiều lô đất vàng ở Sài Gòn. Vũ ‘Nhôm’ - hay người còn có tên là Trần Đại Vũ - lại được rất nhiều dư luận cho rằng có mối quan hệ ruột rà với Trần Đại Quang.
Cũng có dư luận cho rằng vụ khởi tố Nguyễn Hữu Tín là giọt nước tràn ly khiến Trần Đại Quang ‘lên máu’ và ‘đi’ luôn.
Dù chưa có bất kỳ cơ quan chính quyền nào xác nhận hay phản ứng đối với các luồng dư luận trên, nhưng điều hiển nhiên là chính vào lúc này Nguyễn Hữu Tín đã không còn ‘bức tường’ nào che chắn cho ông ta. Trong khi đó, cả hai cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra của Bộ Công an đã thuộc về người của Nguyễn Phú Trọng kể từ tháng Tám năm 2018.
Vụ Nguyễn Hữu Tín đã bị khởi tố thêm tội danh là một tín hiệu rất quan trọng cho thấy vụ án của ông ta và những quan chức đồng phạm không chìm xuồng mà sẽ mở rộng và phát triển với khung án tù giam có thể tương đương với mức án tù ban đầu của Vũ ‘Nhôm’ là khoảng một chục năm.
Nhưng vụ khởi tố và bắt Nguyễn Hữu Tín không chỉ được coi là có liên quan đến Trần Đại Quang, mà một cách thiết thân nhất, vụ này đang và sẽ móc xích với nhân vật được xem là ‘bố già’ ở Sài Gòn: Lê Thanh Hải.
‘Điểm sáng’ rõ nhất trong phần lớn thời gian công tác của Nguyễn Hữu Tín có lẽ là giai đoạn ‘trưởng thành cách mạng’ suốt từ những năm 2000 đến năm 2015 trùng với thời kỳ ngự trị của ‘Anh Hai’ Lê Thanh Hải ở Sài Gòn.
Nếu trước khi trở thành chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, Lê Thanh Hải từng là bí thư quận 5 - một quận giàu có với nhiều người Hoa sinh sống và làm ăn, thì Nguyễn Hữu Tín cũng có thời được đưa về làm bí thư quận 5.
Từ khi Lê Thanh Hải còn tại vị như một ‘bố già’ ở Sài Gòn và kể cả sau khi ‘Anh Hai’ mất chức bí thư thành ủy TP.HCM vào cuối năm 2015, Nguyễn Hữu Tín được rất nhiều dư luận xem là ‘đệ ruột’ của ông Hải, và tuy không được đánh giá có tài sản cá nhân ‘mập’ như Lê Thanh Hải, nhưng Nguyễn Hữu Tín cũng được xem là một trong những quan chức giàu có đến độ có thể chẳng nhớ nổi nhà đất và kim ngân của mình tích góp hay vơ vét được từ những phi vụ nào.
Trong khi đó, Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang - kẻ mới bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận với mức độ sai phạm ‘rất nghiêm trọng’ - chắc chắn sẽ bị mất chức ở Thành ủy và mất luôn cái ghế ủy viên trung ương.
Với nhiều dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng, và đặc biệt là thuộc ‘cánh Lê Thanh Hải’ mà Nguyễn Phú Trọng có vẻ chưa bao giờ có thiện cảm, Tất Thành Cang đang có nhiều triển vọng ‘theo chân’ Đinh La Thăng.
‘Thu hồi tài sản tham nhũng’
Một khi những ‘đệ ruột’ gần gũi nhất của Lê Thanh Hải như Nguyễn Hữu Tín và có thể sắp tới cả Tất Thành Cang - đương kim phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM, Nguyễn Thành Tài - cựu phó chủ tịch TP.HCM… rơi vào vòng lao lý, liệu số phận Lê Thanh Hải còn giữ được uy danh ‘bố già’ trên đất Sài Gòn?
Lê Thanh Hải không chỉ được đồn đoán là một trong những ‘tư bản đỏ’ kếch xù nhất trên rẻo đất chữ S quằn quại đau thương của hàng triệu dân oan đất đai, mà có lẽ còn là cái tên ngự ngay ở tốp đầu trong bản ‘danh sách tử thần’ của Nguyễn Phú Trọng: danh sách những quan chức mà nếu bị ‘mổ’ theo cách không kịp và không thể tẩu tán tài sản cá nhân thì đảng của ông Trọng sẽ có thể ‘thu hồi tài sản tham nhũng’ từ 3 đến 5 tỷ USD mỗi năm - một thành tích không quá tệ so với việc Tập Cận Bình đã từng xử chung thân và tịch thu tài sản của ‘bạn’ của Lê Thanh Hải là Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang, cùng lúc trám bớt vào cái lỗ trống toang hoác của nền ngân sách Việt Nam đang lao vào thời kỳ hộc rỗng đen tối.
Song vẫn còn một nguồn cơn khó nói khác: muốn tiến thẳng đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng để ‘đạp cửa xông vào liều mình như chẳng có’, cần phải vượt qua một chướng ngại lớn không thể không vượt qua là Lê Thanh Hải.
Chừng đó lý do sẽ đủ để vào một ngày đẹp trời nào đó, ‘Hải Heo’ sẽ nối gót đàn em để không chỉ ‘của thiên trả địa’, mà có khi còn phải thốt lên một triết lý chấn động ‘tâm thức cộng sản’ như Đinh La Thăng đã từng: “Hãy đối xử với bị cáo như một con người!”.


CHIẾC LÒ VĨ ĐẠI CỦA TỔNG BÍ THƯ CÓ THẬT VĨ ĐẠI ?

BBC 20-11-2018

https://news.files.bbci.co.uk/include/vjeastasia/176-corruption_crackdown/assets/app-project-assets/img/portraits/bg_800.png?v=1.3.0
Hình portrait minh họa Nguyễn Phú Trọng
Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy - Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam
Trong suốt hai năm qua, truyền thông trong nước đã không ngừng đưa tin về các vụ đại án tham nhũng và cố ý làm trái gây chấn động như vụ Ngân hàng Đại dương Oceanbank, Vụ Tập đoàn Dầu khí PVC-PVN, vụ đường đánh bạc công nghệ cao Rikvip v.v…
Kéo theo đó là những tên tuổi của hàng loạt các quan chức cấp cao, xử lý cả một thành viên trong Bộ Chính trị - một nhóm hội đồng tưởng chừng như ‘không để đụng đến’.
Đây là những vụ đại án, những khúc củi to nhất trong chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư và nay Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Kể từ khi khởi động vào sau Đại hội Đảng thứ 12 vào cuối 2016, với sự ra đi của đối thủ chính trị Nguyễn Tấn Dũng, có thể nói ông Trọng đã đạt được thế thiên thời địa lợi nhân hòa để tiến hành một trong những chiến dịch chống tham nhũng quy mô nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chiến dịch ‘đốt lò’ này được các nhà quan sát cho là một nỗ lực của Đảng trong việc giành lại quyền lực và uy thế cũng như củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền và sự dẫn dắt sáng suốt của Đảng.
Truyền thông trong nước không ngừng ca ngợi về quy mô về sự thành công của chiến dịch chống tham nhũng vẫn đang tiếp diễn một cách mạnh mẽ.
Nhưng liệu chiến dịch này đã thực sự thành công trong việc giải quyết vấn nạn tham nhũng, cũng như thực sự phục hồi được tính chính danh của Đảng Cộng sản trong mắt cộng đồng quốc tế cũng như niềm tin của người dân?
Dựa trên một số số liệu thu thập được qua truyền thông Việt Nam, BBC đã tổng hợp lại một số vụ đại án chính trị lớn nhất trong vòng hai năm trở lại đây để xem xét quy mô vi phạm cũng như mức độ xử lý các cá nhân tổ chức vi phạm để đánh giá chiến dịch chống tham nhũng một cách tổng quan nhất.
Tổ chức Đảng và Đảng viên bị kỷ luật vì vi phạm từ 2013-2018. 2013 (Không có số liệu tổ chức Đảng bị kỷ luật, và dựa trên báo cáo hôm 21/8), 1.580 thành viên Đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái, 19.542 thành viên Tổ chức Đảng. Giai đoạn 2014-2016 (Theo báo cáo công bố hôm 25/6/2018), 1.420 thành viên Đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái, 23.120 thành viên Tổ chức Đảng, 350 tổ chức Đảng viên. Giai đoạn 2016-2018 (Theo báo cáo công bố hôm 25/6 và 21/8,2018), 1.300 thành viên Đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái, 35.000 thành viên Tổ chức Đảng, 490 tổ chức Đảng viên.
Hai dữ liệu gần đây nhất được thu thập dựa trên hai báo cáo vào tháng Sáu và tháng Tám, 2018 do chính Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc công bố.
Từ giai đoạn 2014-2016 đến giai đoạn 2016-giữa 2018, có thể thấy số lượng đảng viên bị kỷ luật đã tăng lên đáng kể, gần 7000 đảng viên, tổ chức Đảng bị kỷ luật cũng tăng lên 140 tổ chức.
Số đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái chênh lệch không quá nhiều.
Tuy nhiên để nói đây là chiến dịch chống tham nhũng trong hai năm qua là lớn nhất về quy mô và số lượng đảng viên bị kỷ luật thì có lẽ không chính xác.
Nếu xét với số liệu năm 2013 (trừ ra từ số liệu 2013-2018 và 2014-2018), thì thực tế số lượng đảng viên bị kỷ luật, nhất là vì tham nhũng, cố ý làm trái vào hai giai đoạn sau đều không bằng.
Chỉ riêng 2013, đã có tới 19.542 đảng viên bị kỷ luật, trong đó có 1.580 người bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái.
Cũng vẫn theo Trưởng Ban Nội chính TW Phan Đình Trạc, tổng số đảng viên bị kỷ luật trong 5 năm qua là 77.662 trên tổng số khoảng 4,9 triệu đảng viên, tức chỉ chiếm 1,6%. Trong đó có 4.300 bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái, tức chỉ 0,09%.

https://news.files.bbci.co.uk/include/vjeastasia/176-corruption_crackdown/assets/app-project-assets/animation/iceberg_mobile/0100.png?v=1.3.0
Con số này có thực sự phản ánh thực tế? Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS thì “thiên về quan điểm cho rằng đó chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm”.
Có một thực tế phải là tất cả số liệu trên do phía chính quyền công bố mà không có bất kỳ một tổ chức nào có thể đứng ra kiểm chứng một cách độc lập, hầu hết chỉ mang tính chất tham khảo.
Trong những năm qua, các số liệu về chiến dịch chống tham nhũng được công bố một cách rời rạc, không nhất.
“Với một hệ thống tương đối là đóng và không có trách nhiệm giải trình, không minh bạch về con số báo cáo, con số hệ thống, thì rất khó để định giá xem là liệu con số đảng viên bị kỷ luật là lớn hay nhỏ”, Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VERP nói.
Tuy nhiên cần phải chỉ ra rằng nhiều đảng viên không nắm giữ vị trí lãnh đạo, tức ít cơ hội cũng như điều kiện để tham nhũng, cố ý làm trái.
Các vụ án tham nhũng, cố ý làm trái và một số đối tượng nổi bật
* Nhiều vụ án vẫn đang tiếp tục xét xử, như vụ việc Vũ Nhôm, Rikvip, Mobifone-AVG … khiến hình thức xử lý, kỷ luật các cán bộ đảng viên dựa trên thông tin có được vào thời điểm bài viết được đăng. BBC sẽ tiếp tục cập nhật thông tin các vụ việc.
Oceanbank
Chân dung của Hà Văn Thắm
Hà Văn Thắm
Từ 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm 20% cổ phần Oceanbank. Đến 2013, số vốn của Oceanbank lên đến 5.350 tỷ đồng.
Nhưng tới tháng 3/2014, nợ xấu của Oceanbank đạt 14.000 tỷ đồng
Theo truyền thông trong nước, Oceanbank đã huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Đinh La Thăng thay mặt Hội đồng Thành viên ký thỏa thuận 9634 về việc góp vốn với Oceanbank là trái với thẩm quyền.
Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank: Hôm 4/5, bị tuyên án Chung thân theo tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Cố ý làm trái, Lạm dụng chức vụ quyền hạn, Tham ô tài sản.
Nguyễn Xuân Sơn, Nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank (2008-2011): Hôm 4/5, bị tuyên án Tử hình vì tội Tham ô, Lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái.
Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐTV PVN (2008-2011): 18 năm tù vì tội Cố ý làm trái.
Hơn 20 bị cáo là nhân viên của Oceanbank cũng bị kết án từ 5 năm đến 22 năm tù giam.
Thất thoát: 2000 tỷ đồng
PVC-PVN
Chân dung của Đinh La Thăng
Đinh La Thăng
Đinh La Thăng
Vào thời điểm 2011-2013, Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) đã thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.
Nhưng lãnh đạo PVN ban hành nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu giá trị lớn cho phép PVC miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng công trình tại Nhà máy nhiệt điện Thái bình 2.
Và đồng thời cho công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) miễn bảo lãnh hợp đồng thiết kế mua sắm xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất (EPC).
Ông Thăng đã ký hợp đồng EPC số 33, cấp 6,6 triệu USD và hơn 1000 tỷ cho PVC.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã “rút ruột” gây thất thoát trên 119 tỷ.
Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN (2008-2011): 13 năm vì Cố ý làm trái.
Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch PVC: Chung thân vì Tham ô tài sản, Cố ý làm trái (14 năm).
Phùng Đình Thực, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, TGĐ PVN (2011-2014): 6 năm tù vì Cố ý làm trái
Thất thoát: 2200 tỷ đồng.
AVG-Mobifone
Chân dung của Trương Minh Tuấn
Trương Minh Tuấn
Vào tháng 1/2016, Mobifone ký kết mua 95% cổ phần AVG với giá hơn 8.900 tỷ đồng.
Nhưng theo bản Kết luận Thanh tra, giá trị vốn sở hữu của AVG là 1.900 tỷ, tức phi vụ Mobifone AVG đã gây thất thoát khoảng 8000 tỷ đồng cho ngân sách.
Đến tháng 5/2018, nhóm cổ đông thông báo sẽ hoàn trả 8.500 tỷ cho Mobifone. Vụ việc liên quan đến:
Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT-TT: Thôi giữ chức Bí thư BCS Đảng, Bộ trưởng Bộ TT-TT, về làm Phó trưởng ban Tuyên giáo TW.
Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV Mobifone: Bị khai trừ Đảng, bị khởi tố, bắt tạm giam cùng Phạm Đình Trọng
Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng TT-TT: Bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng TT-TT.
Thất thoát: Khoảng 8000 tỷ đồng
Rikvip
Chân dung của Nguyễn Thanh Hóa
Nguyễn Thanh Hóa
Vào tháng 4/2015, đường dây đánh bạc bắt đầu hoạt động thông qua website Rikvip.com, rikvip.vn. Đường dây này sau phát triển tới 13 tỉnh thành với 25 đại lý, với hai máy chủ một tại Hà Nội, một tại nước ngoài.
Hoạt động đánh bạc do Nguyễn Nam Dương và Nam cầm đầu và được Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã tạo điều kiện cho đường dây đánh bạc này hoạt động.
Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an: Bị khởi tố, bắt tạm giam và bị đề nghị truy tố
Nguyễn Thanh Hóa, cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm Công nghệ cao: Bị khởi tố, bắt tạm giam và bị tước danh hiệu “Anh hùng công an”.
Vũ Tuấn Dũng, Phó cục trưởng C50, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao: Tự tử
Ngoài ra vụ án còn khởi tố khoảng 90 bị can, với bảy tội danh Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền, Đưa hối hộ, Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Còn khởi tố thêm 4 bị can thuộc VNPT.
Sai phạm: 9853 tỷ đồng
Vũ Nhôm
Chân dung của Phan Văn Anh Vũ
Phan Văn Anh Vũ
Tháng 12/2017, Bộ Công an khởi tố ông Phan Văn Anh Vũ thì tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước.
21/1/2018, Phan Văn Anh Vũ bị phát hiện vi phạm Luật di trú Singapore và bị dẫn giải về Việt Nam.
Liên quan đến đầu tư vào Ngân hàng Đông Á (DAB), ông Vũ bị cáo buộc ký chứng từ nộp khống 200 tỷ đồng để công ty Bắc Nam 79 mua cổ phần, hưởng lợi 3,2 tỷ tiền lãi.
Giám đốc DAB Trần Phương Bình muốn Bắc Nam 79 của Vũ Nhôm mua cổ phần với giá 600 tỷ để tăng vốn điều lệ.
Vũ thế chấp 220 lô đất để vay DAB 400 tỷ, Bình DAB xuất cho Vũ 200 tỷ.
Tăng vốn không thành, DAB vẫn trả lại 600 tỷ cho Vũ kèm lãi, sau đó Vũ vẫn mua 50 triệu cổ phần DAB với 500 tỷ, giữ lại 100 tỷ.
Liên quan đến mua bán nhà đất công sản, ông Vũ đang bị cáo buộc tội mua bán 31 nhà, đất công sản và 9 dự án tại Đà Nẵng. Cụ thể có căn nhà số 45,49 Nguyễn Thái Học, nơi cư ngụ của gia đình ông Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng.
UBND Đà Nẵng đã bán nhiều nhà công sản cho các công ty của Vũ “nhôm” với giá rẻ, không thông qua đấu giá.
Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch HĐQT công ty CP xây dựng Bắc Nam 79, sĩ quan Trung tá Quân đội: 9 năm tù vì Cố ý làm lộ bí mật nhà nước và đang bị khởi tố thêm Lợi dụng chức vụ và Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, cũng như Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.
Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc TMCP Đông Á (DAB): Bị khởi tố tội Cố ý làm trái và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: Bị khởi tố Vi phạm quy định gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai
Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng: Bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng khóa 12.
Bùi Văn Thành, Trung tướng, Thứ trưởng Công an: Bị cách chức tất cả chức vụ trong Đảng và giáng cấp bậc hàm
Phan Hữu Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an: 7 năm tù tội Cố ý tiết lộ bí mật nhà nước.
Nguyễn Văn Thanh, Trung tướng, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy QCPKKQ và Phương Minh Hòa, Thượng tướng, nguyên Tư lệnh QCPKKQ: bị đề nghị kỷ luật cảnh cáo vì Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Thất thoát: Ít nhất 3000 tỷ đồng
Út trọc
Chân dung của Đinh Ngọc Hệ
Đinh Ngọc Hệ
Trong thời gian từ 2011 đến 2016, Đinh Ngọc Hệ “Út trọc” đã lợi dụng danh nghĩa là người của Bộ Quốc phòng để báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty cổ phần Thái Sơn, mạo nhận chức năng, nhiệm vụ phục vụ kinh tế quốc phòng để xin thi công các công trình, dự án như dự án cầu Việt Trì.
Ông Phùng Danh Thắm ký văn bản cho Hệ mua xe bằng vốn, trang bị và đăng ký biển. Đinh Ngọc Hệ mua 38 ô tô và đăng ký biển xanh, biển đỏ, được miễn nhiều tỷ đồng thuế, trong đó có 29 xe cho thuê xe và thu lợi 6 tỷ. Gây thất thoát hơn 3 tỷ thuế trước bạ.
Thắm cũng bổ nhiệm Hệ làm Phó Tổng Giám đốc Công ty (2009-2016) dù Hệ không có đóng góp gì.
Ông Hệ cũng làm giả giấy tờ để tránh bị xử phạt khi 20.000 lít xăng dầu kém chất lượng. Út 'trọc' cũng mua bảng điểm và bằng tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân vào năm 2000 với giá 2,5 triệu đồng.
Đinh Ngọc Hệ, Thượng tá Quân đội, nguyên Phó TGĐ Tổng công ty Thái Sơn: 12 năm tù gồm 10 năm Lợi dụng chức vụ quyền hạn và 2 năm tội Sử dụng giấy tờ giả.
Phùng Danh Thắm, Đại tá, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái sơn: 24 tháng cải tạo không giam giữ vì tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Bùi Văn Tiệp, Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, QCPKKQ: 24 tháng tù treo vì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn
Thất thoát: 10,5 tỷ đồng
Sai phạm lớn, xử lý nhỏ?
Nhìn trên biểu đồ trên, không phải bong bóng lớn nào cũng nằm trong hạng mục tù giam hay hạng mục tử hình. Nói lên một điều rằng không phải sai phạm lớn, hình thức xử lý, kỷ luật cũng tương đương.
Cụ thể các vụ sai phạm trong vụ Mobifone-AVG, gây thiệt hại khoảng 8000 tỷ đồng, gấp 4 lần vụ Oceanbank, tuy nhiên chưa một quan chức, cán bộ nào chịu hình phạt xử lý hình sự.
Trong khi đó, cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đã chịu tổng cộng 31 năm tù giam cho hai vụ án tham nhũng cố ý làm trái liên quan đến PVN.
Cựu chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm chịu bản án chung thân còn Nguyễn Xuân Sơn thì chịu hình phạt cao nhất là tử hình, với vai trò của ông là Tổng Giám đốc Oceanbank trong vụ Oceanbank.
Một mũi tên trúng hai đích?
Không ít trong các vụ đại án tham nhũng trên liên quan đến những cái tên “được cho là tay chân thân cận” của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, trong 10 năm cầm quyền, ông Dũng cũng có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế Việt Nam nhưng trong đó, ông cũng đã để lại nhiều di sản không tốt cho đất nước.
Như ngoài các gánh nặng nợ nần, các doanh nghiệp kém hiệu quả, một vấn đề khác là tình trạng tham nhũng nảy nở lan rộng từ 2006-2016, diễn ra tình trạng sự liên kết giữa các chính trị gia và doanh nghiệp để bòn rút các tài sản công của nhà nước, hay là các công ty sân sau của các lãnh đạo, qua đó nhiều quan chức sa ngã vào các hoạt động phạm pháp.
“Trong chiến dịch, vừa rồi có nhiều quan chức có thể được xếp là có quan hệ gần gũi với ông Dũng đã ‘ngã ngựa’, trở thành nạn nhân của chiến dịch này.

Chân dung của Lê Hồng Hiệp
Đập chuột là chống tham nhũng, không vỡ bình là để không làm sao ảnh hưởng đến sự cầm quyền của ĐCS VN. Chống tham nhũng quyết liệt quá thì bộ máy sẽ sứt mẻ, dẫn đến sự mất đoàn kết, gây ra chống đối làm ảnh hưởng đến sức mạnh của nhà cầm quyền. - Lê Hồng Hiệp, Nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS.
“Tiêu biểu là ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính trị, giờ đã lĩnh án tù tương đối dài.
Thứ hai là các vụ việc ở tập đoàn Mobifone với AVG cũng có những quan chức được coi là thân thiết với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…”, ông Hiệp nói.
Nhưng theo ông Hiệp, cũng nên thận trọng không nên kết luận rằng chiến dịch chỉ nhắm vào tay chân đồng minh thân tín của ông Dũng mà các vụ án còn có các đối tượng bị truy tố, xét xử đa dạng như quan chức chính phủ, doanh nhân, tướng lĩnh quân đội công an đến các quan chức ở các cấp độ ở trung ương đến địa phương...
“Có bằng chứng xác lập rằng những người này đã có các vi phạm tham nhũng thực sự.
“Tôi nhận định đây là một cuộc chiến có động cơ chủ yếu giảm mức độ tham nhũng trong bộ máy… Đương nhiên, trong quá trình có mục tiêu thứ yếu hơn là tìm cách để thanh lọc loại bỏ các đối thủ chính trị và củng cố quyền lực cho ông Trọng và đồng minh”.
“Một mũi tên trúng hai đích, đích quan trọng nhất vẫn là giảm tình trạng chống tham nhũng trong Đảng”, ông Hiệp đánh giá.
Liệu có đã khắc phục được lòng tin?
Các nhà quan sát nhận định nhìn chung chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng có đạt được một số thành công đáng kể, đặc biệt là lần đầu tiên trong lịch sử một ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Giang nói phần lớn mức kỷ luật cộm cán chủ yếu ở cấp Trung ương, cấp tỉnh.
“Một vấn đề cũng khá quan trọng đó là việc xử lý kỷ luật cán bộ cấp sở, cấp xã cấp huyện, đây là những người trực tiếp tác động đến người dân.
“Có thể quy mô tham nhũng ở cấp dưới không lớn như cấp cao, tuy nhiên trực tiếp tác động lâu dài và mang tính tiêu cực đến cảm nghĩ của người dân về Đảng”.
“Trong thời gian xử lý các cán bộ cấp cao thì nên minh bạch, đẩy mạnh xử lý các lãnh đạo cấp cơ sở, kết hợp cả hai để tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh”.
Có thực sự giải quyết được vấn nạn tham nhũng?
Các nhà quan sát đều cho rằng chiến dịch tham nhũng tuy quy mô, đạt một số thành công nhưng vẫn chưa thể thực sự khiến hệ thống minh bạch hơn.
“Theo quan điểm tôi thì chiến dịch chống tham nhũng tạo ra một bàn đạp rất là lớn, từ đó các cấp lãnh đạo đưa ra đề xuất, cải cách, giải pháp cho hệ thống, đảm bảo cái tính minh bạch”, Nguyễn Khắc Giang nói.

Chân dung của Zachary Abuza
Trung Quốc và Việt Nam không thực sự cam kết muốn loại trừ tham nhũng, vì tham nhũng chính là nhiên liệu giúp vận hành hệ thống chính trị của họ. - Zachary Abuza, nhà nghiên cứu Đông Nam Á từ National War College, Hoa Kỳ.
“Chiến dịch này chỉ thành công dài hạn nếu nó đảm bảo rằng thể chế sẽ tự chạy hệ thống chống tham nhũng sẽ tự chạy, và nó cần có sự giám sát của người dân, của các hội, các cơ quan kiểm tra độc lập và với cơ chế đóng hiện tại thì rõ ràng không thể thực hiện được”.
“Nếu nhìn vào thảo luận của Quốc hội thì Quốc hội cũng đang hướng tới điều này, tức là tăng cường nhiều mạnh hơn việc các bên thứ ba, qua tổ chức xã hội và qua người dân. Nếu chỉ chống bằng con đường từ trên xuống, bằng bàn tay thép thì tôi nghĩ là không hiệu quả lâu dài”.
Trong khi đó, chuyên gia Abuza Zachary, National War College thì nói rằng ông “không thấy chiến dịch chống tham nhũng này thành công trong việc biến đổi nền kinh tế Việt Nam và giải quyết tình trạng tham nhũng”.
“Trung Quốc và Việt Nam không thực sự cam kết muốn loại trừ tham nhũng, vì tham nhũng chính là nhiên liệu giúp vận hành hệ thống chính trị của họ”.
“Chừng nào nhà nước còn có quá nhiều sự kiểm soát đối với nền kinh tế, đối với tài sản công, khả năng tiếp cận vốn, với đất đai... chừng nào mọi quyết định về kinh tế vẫn còn tùy thuộc vào sự ảnh hưởng của Đảng thì, anh vẫn sẽ có tham nhũng.
“Chừng nào anh không cho phép một nền báo chí tự do điều tra các vụ việc tham nhũng và kiểm duyệt mạng xã hội, chừng nào cái chế độ luật lệ hà khắc đối với việc phản đối ôn hòa nơi công cộng thì anh sẽ vẫn còn tham nhũng.
“Đó là lý do tại sao tôi rất hoài nghi rằng bất cứ điều gì ông Trọng đang làm là thực sự để làm sạch tình trạng tham nhũng trong nền kinh tế chính trị của Việt Nam”.
Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ tiếp tục
Vào 23/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam, sau khi đạt được tỷ lệ phiếu bầu 99,79% từ các đại biểu Quốc hội.
Điều này có thể thay đổi hoàn toàn thế cục của cuộc chiến chống tham nhũng với trong khi mọi tham vọng quyền lực đang hướng về Đại hội Đảng lần thứ 13.
“Sau khi được bầu giữ chức chủ tịch nước, ông Trọng càng có nhiều quyền lực hơn và cấu trúc quyền lực dưới sự lãnh đạo của ông cũng mang tính tập trung hơn”, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói.
“Điều này ở một mức độ nhất định có thể có lợi cho cuộc chiến chống tham nhũng, nhất là khi người lãnh đạo cuộc chiến đó lại chính là ông Trọng”,
Cụ thể hơn là theo ông Nguyễn Khắc Giang, giờ đây với tư cách chủ tịch nước, ông Trọng sẽ phần nào nắm bắt được hoạt động của bên hành pháp và lập pháp.

Chân dung của Nguyễn Khắc Giang
Chưa thể đánh giá được quy mô và mức độ xử lý, nhưng các sự việc trong hai năm qua cho thấy ông Trọng giữ lời hứa trong việc nói ‘không có vùng cấm’ trong chống tham nhũng. - Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VERP.
Quyền lực hiến định của Chủ tịch nước - cùng với chức danh Tổng Bí thư - cũng cho phép ông Trọng củng cố ảnh hưởng trong quân đội và công an.
Trong khi đó Abuza Zachary cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng chắc chắn sẽ được tiếp tục nhưng là để củng cố quyền lực của Đảng, cụ thể là của phe ông Trọng.
“Ông Trọng và các đồng minh của ông ta đang sử dụng nó cực kỳ hiệu quả để loại bỏ các đối thủ trong Ủy ban Trung ương.
“Ông Trọng đang ở một vị trí không thể đánh bại trong bối cảnh hướng tới Đại hội Đảng lần thứ 13, và ông ta sẽ muốn đảm bảo rằng người học trò của mình, Trần Quốc Vượng, tiếp nối mình”.
“Tôi chắc chắn Trọng đã không thúc đẩy cho việc sáp nhập hai vị trí nếu ông ta không tự tin về điều này”.
Có lẽ mức độ thành công của chiến dịch này tới đâu thì cần phải xem xét thêm, nhưng không thể phủ nhận Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra một hình ảnh, có hành động rất cụ thể để diệt trừ tham nhũng trong bộ máy, những bản án được đưa ra cho thấy một chiến dịch thực chất chứ không chỉ là khẩu hiệu sáo rỗng.
Nhưng có xây dựng được một cơ chế mà nó sẽ thành công, sẽ tiếp tục với một vị lãnh đạo khác hay không, có lẽ tất cả vẫn sẽ vẫn phải chờ xem.
BBC

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/resources/idt-1a9d5151-f77e-45c4-9dfe-c19c663be8df

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét