Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

20170626. NỖI KHỔ 'VIẾT SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM' VÀ NGHỊ ĐỊNH 56/2015/NĐCP

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHÂN VIÊN PHỤC VỤ BÀN CŨNG LÀM SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM?

NGUYỄN CAO/GDVN 26-6-2017
                                                      
Hình ảnh minh họa về sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Từ lâu, chúng ta đã nghe nhiều về chuyện giáo viên làm sáng kiến kinh nghiệm, về những bất cập trong việc viết, chấm và công nhận giải. Những bất cập ấy, đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: "từ năm học 2017 - 2018, ngành sẽ không lấy sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chí thi đua".
Các giáo viên chưa thực sự phấn khởi bởi, dù sao vẫn phải viết vì Nghị định 56 đang còn hiệu lực và quy định rõ: không có đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến…là không hoàn thành nhiệm vụ.
Thực hiện Nghị định 56 của Chính phủ mỗi năm tất cả công, viên chức đều phải có sáng kiến kinh nghiệm, một cải tiến…và điều này đã được thực hiện từ mấy năm qua.
Nhưng, chúng tôi vẫn phải bất ngờ khi nghe một cậu học trò cũ hiện đang làm phục vụ ở một nhà hàng phải viết sáng kiến kinh nghiệm để được công nhận là hoàn thành nhiệm vụ trong năm.
Trong một lần uống cà phê sáng, tình cờ, chúng tôi gặp lại cậu học trò cũ nên đã có dịp hàn huyên sau mấy năm không gặp nhau. Thầy trò hỏi nhau sức khỏe, công việc.
Bất ngờ, cậu học trò cũ hỏi tôi: “Thầy có phải viết sáng kiến kinh nghiệm hàng năm không?" Tất nhiên, câu trả lời của tôi là có. Bởi, đây là quy định bắt buộc mấy năm nay rồi.
Đột nhiên, em gượng gạo cười và nói với tôi: “bên em cũng phải viết thầy ạ”. Tôi ngạc nhiên vì em đang làm phục vụ bàn cho một nhà hàng thì viết sáng kiến kinh nghiệm để làm gì. Thế nhưng, đó lại là câu chuyện thật đang hiển nhiên tồn tại.
Cậu học trò nói: “Em làm phục vụ bàn nhưng vì nhà hàng thuộc sự quản lí của Tỉnh ủy nên tạm gọi chúng em là người “nhà nước”. Vì thế, lãnh đạo nhà hàng yêu cầu tất cả các cán bộ, nhân viên nhà hàng đều phải viết sáng kiến kinh nghiệm.
Chúng em đều mới đi làm, mà công việc là phục vụ bàn. Chẳng lẽ, chúng em viết sáng kiến kinh nghiệm về chuyện khách mời uống rượu, uống bia. Khách gọi gì thì có quản lí và nhà bếp làm. Chúng em chỉ bưng ra cho khách và dọn dẹp khi khách ăn xong. Vậy lấy gì để viết sáng kiến kinh nghiệm?
Bên em, mấy đứa con trai cứ đùa với nhau rằng: con gái còn được khách mời uống bia nên có các kĩ năng từ chối, hoặc các mẹo uống để không say; còn mấy thằng con trai thì mấy khi được khách mời mà có kinh nghiệm để viết…sáng kiến!
Chuyện viết sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục hay một số ngành nghề khác đối với công, viên chức nhà nước với chúng ta không còn lạ lẫm nhưng chuyện nhân viên phục vụ bàn viết sáng kiến kinh nghiệm thì đúng là mới nghe lần đầu.
Những người quản lí nhà hàng, những người làm việc lâu năm trong một lĩnh vực chuyên môn thì yêu cầu viết sáng kiến kinh nghiệm nghe còn có lý.
Mấy em phục vụ bàn viết sáng kiến kinh nghiệm thì có ích lợi gì và cần thiết không? Bởi, nhân viên phục vụ bàn yêu cầu đầu tiên phải là trẻ và có ngoại hình nên các em chỉ làm một vài năm rồi chuyển hoặc phải nghỉ bởi không có nhà hàng nào tuyển và sử dụng người lớn tuổi làm phục vụ.
Hơn nữa, phải nói rằng: phần nhiều nhân viên làm phục vụ bàn là những em chỉ tốt nghiệp lớp 12 thậm chí là trình độ thấp hơn. Hoặc, một số em học cao đẳng, trung cấp ra trường nhưng chưa xin được việc nên mới đi làm thêm.
Vậy, yêu cầu viết sáng kiến kinh nghiệm có phải là điều khiên cưỡng? Bởi, ngoài kinh nghiệm trong quá trình làm việc thì mỗi sáng kiến kinh nghiệm cũng yêu cầu về ngôn ngữ, về tính khoa học trong các đề tài thực hiện.
Mỗi năm, nước ta có hàng triệu sáng kiến kinh nghiệm ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề của những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Rõ ràng, đây không chỉ là áp lực của người viết mà áp lực với cả người chấm và ngân sách chi trả cho người chấm và người được giải.
Nên chăng, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại Nghị định 56 của Chính phủ về tính hiệu quả và cả những bất cập đang tồn tại trong việc quy định công, viên chức phải có sáng kiến kinh nghiệm hàng năm.                                                                                     
Nguyễn Cao
CỨ LÀM VÀ CHẤM ĐỀ TÀI, SÁNG KIẾN NHƯ HIỆN NAY THÌ...NÊN BỎ !
SÔNG TRÀ/ GDVN 3-4-2017
Việc làm và chấm sáng kiến giảng dạy chỉ mang tính hình thức. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Theo qui định của nhà nước, ngành giáo dục thì ở từng năm học, mỗi cán bộ quản lý, mỗi giáo viên, giảng viên từ bậc mầm non đến đại học, cao đẳng đều có ít nhất một công trình khoa học, đề tài, đề án hoặc sáng kiến. 
Sản phẩm này được xem là một tiêu chí bắt buộc trong đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.
Đồng thời, đây cũng là điều kiện cần để công nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng như chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp bộ...
Xét về mặt mục đích, ý nghĩa và những yêu cầu, đòi hỏi mang tính chất ràng buộc của cấp trên về nhiệm vụ trên đối với cán bộ quản lí, đội ngũ thầy, cô giáo là rất đúng đắn và cần thiết.
Bởi lẽ làm công tác giáo dục, quản lý ở các cơ sở giáo dục cần được đúc kết, luôn phải đổi mới, sáng tạo không ngừng, chẳng những phục vụ cho mình mà còn có ích cho người khác khi được đem ra thảo luận, chia sẻ, học tập lẫn nhau. 
Để có được một cái sáng kiến theo đúng nghĩa đích thực của nó, người làm phải tốn khá nhiều thời gian công sức và tâm huyết.
Vì càng ngày việc đề tài nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến không được chú trọng mấy, chỉ mang tính hình thức, đối phó nên tình trạng xào xáo, sao chép ở tài liệu này, sách kia hoặc nhờ cậy lẫn nhau để hoàn thành công trình "sáng kiến" là chuyện khá phổ biến trong cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên lâu nay. 
Mặc dù cuối phần tập đề tài, sáng kiến thường có mục cam kết của người viết “Tôi xin cam đoan đây là đề tài nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến bản thân thực hiện, không sao chép nội dung của người khác, nếu vi phạm chịu xử lý theo quy định" (theo một mẫu quy định, hướng dẫn làm đề tài nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến của một Sở Giáo dục và Đào tạo). 
Thậm chí có lãnh đạo Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo còn “dọa” sẽ bêu tên những thầy cô giáo vi phạm bản quyền trên trang mạng nội bộ, gọi danh sách về đơn vị… 
Nhưng khi chấm, thẩm định, các giám khảo lại phát hiện khá nhiều “sản phẩm” giống tuyệt đối 100% từ internet, google….

Thực tế, chỉ có rất ít giáo viên, cán bộ quản lý tâm huyết, cố gắng và say sưa với tự làm, tự thể hiện những điều mình ấp ủ, thai nghén. 
Hằng năm, mỗi trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo ở từng địa phương thu nhận được hàng nghìn, hàng vạn sáng kiến của các giáo viên gửi lên cùng các bản báo cáo thành tích, thi đua. 
Mỗi sáng kiến là cả tập, cỡ từ mười mấy trang đến bảy, tám chục trang, lại được đóng tập, in ấn vi tính, bìa bọc rất đẹp đẽ, nhìn vào đủ thấy mê. 
Có lẽ, do số lượng sáng kiến quá nhiều, vả lại các trường, phòng, sở giáo dục cũng chẳng có mấy người đâu dỗi hơi, dỗi việc mà ngồi đọc và nhận xét tất cả thứ ấy được. 
Người làm ra nó là thầy cô giáo, cán bộ quản lí cấp dưới khi nộp lên thì cũng rất mong đợi đứa con tinh thần của mình được sự đánh giá, trân trọng của cấp trên, nhưng theo thời gian, cấp trên có nói gì đâu, thậm chí không hề lật, mở ra xem nó có mấy trang, như thế nào.
Hằng năm, tất cả sáng kiến ấy, người ta lặng lẽ cho nó vào trong tủ hồ sơ cất giữ hoặc bán giấy vụn, không bao giờ nhắc tới nó nữa. 
Thầy cô giáo, cán bộ quản lí ở các cơ sở giáo dục bắt đầu hoài nghi, chán nản trước sự hờ hững của cấp quản lí mình, nên làm, nộp lên phần nhiều theo dạng đối phó, làm cho có. 
Có người cho rằng, nên bỏ làm và nộp sáng kiến đi, vì lãng phí thời gian, công sức và lại hết sức vô bổ. Ý kiến cực đoan như vậy, không phải không có cơ sở. 
Theo nhiều giáo viên, quy định ở Nghị định 56-CP, hằng năm mỗi công chức, viên chức ở lĩnh vực giáo dục nói riêng đều phải có ít nhất một đề tài, sáng kiến thành tiêu chí, căn cứ để đánh giá, phân loại từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên là khó khả thi, không phù hợp với đặc thù ngành giáo dục, cần có một số điều chỉnh về thời gian và đối tượng thực hiện. 
Bởi vì, sản phẩm đề tài, sáng kiến của đội ngũ nhà giáo thường “vô hình”, rất khó kiểm định, đánh giá, khác với những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang tính chất “hữu hình”, cụ thể, dễ kiểm nghiệm trong các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất. 

Muốn duy trì và phát huy tốt sáng kiến trong mọi hoạt động giáo dục thì các cấp quản lý cần sớm đổi mới, cải tiến cách làm và sử dụng sáng kiến, đề tài. 
Trước hết, không chạy đua theo số lượng, không cần thiết năm nào cũng phải có.

Nên nới rộng thời gian làm sáng kiến, đề tài, cứ 3 năm một lần thì mỗi giáo viên phải có cho một sản phẩm.
Thời gian như vậy để họ có điều kiện đầu tư, suy nghĩ làm cho thật tốt, đem lại hiệu quả cao nhất, có tác dụng tích cực thiết thực đối với công tác quản lý và giảng dạy của chính họ và đồng nghiệp. 
Mặt khác, các đơn vị từ cấp trường cho đến cấp sở cần phải tổ chức thẩm định, đánh giá, công nhận một cách nghiêm túc, khoa học, bài bản, tránh lối đánh giá, ghi điểm qua loa chiếu lệ cho lấy có;
Kiên quyết loại bỏ, không cho điểm đạt yêu cầu đối với sáng kiến kém chất lượng, có dấu hiệu vi phạm bản quyền;
Đồng thời phải có hình thức khen thưởng thỏa đáng những cá nhân, đơn vị làm tốt, làm có chất lượng đem lại tác dụng lớn cho nhiều người học tập. 
Cứ hai, ba năm ở cấp Phòng, cấp Sở Giáo dục và Đào tạo, kể cả cấp Trung ương cũng nên có hội nghị tổng kết đánh giá, khen thưởng và có chương trình triển khai vận dụng những sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn cao. 
Làm được như vậy chắc chắn tất cả các giáo viên cán bộ quản lý cũng đều đồng tình hưởng ứng và làm theo.

Còn không thay đổi, giữ lề lối như hiện nay, theo chúng tôi nên khai tử hoạt động đề tài, sáng kiến. Nó hình thức, lãng phí và vô bổ, gây nhiều nỗi bức xúc trong giáo viên có tâm huyết và dư luận xã hội.
Sông Trà
NGÂN SÁCH ĐANG TIÊU TỐN MỘT SỐ TIỀN LỚN CHO SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
NGUYỄN CAO/ GDVN 26-1-2017
Giáo viên vỡ mộng vì tưởng "thoát" sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Thực hiện Nghị định 56 của Chính phủ thì mỗi năm ngành giáo dục có hàng triệu sáng kiến kinh nghiệm. 
Chưa biết tính hiệu quả của những sáng kiến kinh nghiệm này đến đâu nhưng mỗi năm ngân sách nhà nước đang phải chi một số tiền vô cùng khủng khiếp cho phong trào này. 
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích rõ sự tốn kém.
Tháng 6/2015, Nghị định 56 của Chính phủ được ban hành. Tại Điều 25 của Nghị định này đã qui định rõ:
Nếu công-viên chức muốn được xét công chức cuối năm từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên phải có một đề tài, một sáng kiến, một cải tiến…
Từ sự chỉ đạo của cấp trên, nên dưới cơ sở phải thực hiện theo Nghị định bởi không ai muốn bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ. 
Vì thế, trong các đơn vị trường học chỉ mình Hiệu trưởng là không phải viết sáng kiến, còn lại từ Phó hiệu trưởng xuống đến nhân viên đều phải viết…
Vì, phần lớn là viết đối phó, viết để không bị xếp là “không hoàn thành nhiệm vụ” nên phần lớn các giáo viên, nhân viên trong nhà trường viết cho có lệ. 
Chỉ một phần rất nhỏ giáo viên có đầu tư nghiêm túc còn lại họ lên mạng lấy vài cái đề tài rồi cắt dán hoặc có người thân, bạn học ở địa phương khác thì xin rồi thay tên, đổi trường là xong. 
Trong Nghị định 56 cũng đã nêu rõ là những sáng kiến được cấp cơ sở công nhận, mà cấp cơ sở thì lẽ nào lại không xếp giải cho cho giáo viên, nhân viên trường mình. 
Vì thế, khi đã viết là có giải, không giải A thì cũng được giả B, rất hiếm có giải C. Những giải A thì tiếp tục được gửi lên cấp cao hơn để chấm. 
Còn giải B, C thì yên phận nằm lại thư viện nhà trường và coi như đó đã là có sáng kiến kinh nghiệm và cũng là tiền đề để cuối năm xét thi đua.
Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm học là nhà trường phát động viết sáng kiến kinh nghiệm và ấn định thời gian nộp. 
Khi các giáo viên nộp xong là nhà trường bắt đầu thành lập Hội đồng chấm giải. Cũng chủ tịch, các phó chủ tịch, thư kí và các thành viên. 
Mỗi sáng kiến kinh nghiệm có hai giám khảo chấm độc lập, có phiếu đánh giá nhận xét có phiếu xác minh kết quả cho từng đề tài sáng kiến. 
Vì vậy, đề tài sáng kiến kinh nghiệm dù hay dù dở, dù dài dù ngắn cũng đều phải phân công giám khảo chấm và tất nhiên đều phải chi tiền kinh phí cho mỗi đề tài như nhau.
Nơi tôi đang công tác, mức chi cho việc chấm, xác minh cho một sáng kiến kinh nghiệm hiện nay tương đối cao. Đối với cấp trường là 300.000 đồng/1 sáng kiến kinh nghiệm/ 2 giám khảo. 
Đó là chưa kể tiền cho chủ tịch, phó chủ tịch và thư kí của Hội đồng chấm. 
Khi các sáng kiến kinh nghiệm được cấp trường chấm đạt giải A thì gửi lên cấp huyện (các trường do Phòng Giáo dục quản lí), cấp tỉnh (các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên – dạy nghề) thì mức độ chi để chấm 1 sáng kiến kinh nghiệm càng cao lên. 
Khi các sáng kiến kinh nghiệm đạt giải thì mức độ chi tiền thưởng cũng rất lớn.
Đối với cấp tỉnh là 800.000 đồng giải A, 600.000 đồng giải B và 400.000 đồng giải C. 
Mức thưởng của sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện cho 3 mức A,B,C là 400.000 đồng, 300.000 đồng và 200.000 đồng.
Còn đối với cấp trường thì tùy thuộc vào kinh phí mà Ban giám hiệu thưởng. 
Và, chỉ cần nhìn chỉ cần vài cái click chuột vi tính, bạn đọc cũng tìm thấy rất nhiều những hướng dẫn về việc chi cho việc chấm và phát thưởng sáng kiến kinh nghiệm. 
Những sáng kiến vô thưởng vô phạt ở cấp cơ sở không đạt giải cũng đã chi vài ba trăm ngàn đến những giải cao nhất là giải cấp tỉnh vài ba triệu đồng. 
Hàng triệu sáng kiến kinh nghiệm thì mức chi sẽ là một số tiền khổng lồ… nhưng tính hiệu quả của nó thì lại là một câu chuyện dài...
Sau khi những giáo viên đạt giải sáng kiến kinh nghiệm thì được rất nhiều những quyền lợi khác là thưởng tiền và ưu tiên trong xét các danh hiệu thi đua. 
Bởi khi có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là đủ tiêu chí và có nhiều ưu thế để xét danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh; Bằng khen cấp tỉnh... 
Trong các danh hiệu thi đua này chỉ trừ danh hiệu Lao động tiên tiến là thưởng mấy trăm ngàn, còn các danh hiệu còn lại đều thưởng trên 1 triệu đồng. 
Đó là chưa kể một số cá nhân được đề nghị xét Bằng khen của Bộ giáo dục, của Thủ tướng, thậm chí còn cao hơn nữa…
Ngoài những quyền lợi cá nhân thì các đơn vị có giáo viên đạt sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh được xét danh hiệu đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… phải nói là vô vàn quyền lợi cho cá nhân và tập thể khi những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao. 
Một sự thật đã và đang tồn tại trong ngành giáo dục nhiều năm qua là để đánh giá quá trình giảng dạy, công tác, ghi nhận công lao người thầy không phải là kết quả giảng dạy, là sự trưởng thành và thành đạt của học trò mà là một sáng kiến kinh nghiệm vô hồn, chấm và công bố giải xong thì không biết những đề tài đó đi về đâu!
Trong các văn bản về xét thi đua, khen thưởng hiện nay của ngành giáo dục đã và đang quá đề cao về sáng kiến kinh nghiệm. 
Ví dụ, theo Thông tư 35 thì muốn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua phải có sáng kiến kinh nghiệm hoặc các thành tích khác qui đổi thành sáng kiến kinh nghiệm như các bài báo khoa học chuyên ngành, bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên giỏi…
Đến khi xét Bằng khen cấp Bộ phải có 2 sáng kiến kinh nghiệm liên tục, Bằng khen của thủ tướng Chính phủ phải có 5 sáng kiến kinh nghiệm liên tục. 
Chính vì những qui định như thế nên nhiều người họ sẵn sàng tìm mọi cách để thực hiện và đạt giải sáng kiến kinh nghiệm.
Bởi đây là một phong trào đầu tư ít về công sức, thời gian nhất mà độc lập so với các phong trào khác như Ôn thi học sinh giỏi hay thi giáo viên giỏi… phải có sự cộng hưởng từ nhiều người.
Ngân sách của nhà nước đang phải chi một lượng tiền vô cùng lớn cho việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm không chỉ ngành giáo dục mà hàng triệu công-viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước ở cả các ngành khác. 
Có lẽ, sau khi ban hành và thực hiện Nghị định 56 đến nay, chúng ta đã nhìn ra rất nhiều bất cập. 
Nên chăng, các cấp có thẩm quyền cần nhìn nhận lại vấn đề một cách khách quan để điều chỉnh những điều chưa phù hợp trong việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao được chất lượng mà giảm gánh nặng cho ngân sách từ một phong trào đang bộc lộ rất nhiều những bất cập.
Nguyễn CaO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét