Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

20170619. QUANH DỰ THẢO LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
VŨ SỸ CƯỜNG/ TBKTSG 19-6-2017

Một ngôi nhà công vụ tại Hà Nội
(TBKTSG) - Trong hầu hết các quốc gia, tài sản công luôn chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong tổng tài sản quốc gia, là nguồn lực kinh tế quan trọng. Vì vậy, việc tiếp tục sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (luật sửa đổi đổi tên thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) là rất cần thiết.
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đang được Quốc hội thảo luận đã có nhiều điều mới so với trước đây. Dự thảo luật đã cụ thể hóa nhiều vấn đề về nguyên tắc quản lý tài sản, tách bạch quản lý tài sản của các cơ quan nhà nước với các tài sản sử dụng kinh doanh, bao quát được các tài sản theo nguyên tắc quản lý. Dự thảo cũng quy định rất rõ về cơ chế quản lý, cơ quan quản lý tài sản công, phân loại tài sản công. Những điểm mới của dự thảo luật được kỳ vọng sẽ cải thiện hiệu quả sử dụng tài sản công trong tương lai. Tuy nhiên, để có thể áp dụng luật này, trong thực tiễn quản lý, vẫn có một số thách thức cần giải quyết.
Trong dự thảo luật, tài sản công được định nghĩa “là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Điều đó cho thấy những tài sản chung khác của cộng đồng nhưng không do Nhà nước đại diện chủ sở hữu thì không áp dụng luật này. Nói cách khác thì tài sản của các hiệp hội, tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động vì cộng đồng hay các tổ chức công khác không phải là Nhà nước vẫn cần có luật riêng để điều chỉnh.
Cho dù vậy, phạm vi điều chỉnh của luật cũng là quá rộng, trong khi mỗi loại tài sản lại có những đặc điểm kinh tế - kỹ thuật khác nhau, đòi hỏi mô hình tổ chức quản lý và thực hiện khác khau. Hệ quả là sẽ cần rất nhiều các văn bản hướng dẫn thực hiện dưới luật và cũng sẽ cần tham chiếu nhiều luật chuyên ngành khác khi thực thi. Điều này dẫn đến nguy cơ chồng chéo khi thực hiện luật với các luật chuyên ngành khác nếu không có những rà soát thật kỹ lưỡng.
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có tham vọng quá lớn khi muốn quản lý mọi tài sản thuộc về Nhà nước theo nghĩa rộng. Điều này sẽ đặt ra nhiều thách thức không nhỏ cho cơ quan hành pháp khi phải triển khai luật vào thực tiễn.
Bên cạnh các nguồn hình thành tài sản công từ việc Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật hoặc giao ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, dự thảo luật còn bổ sung quy định cho phép sử dụng nguồn quỹ khấu hao tài sản và nguồn kinh phí hợp pháp khác để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản hoặc đi thuê tài sản. Đặc biệt, đơn vị sự nghiệp công lập được phép huy động vốn, nhận góp vốn, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật. Dự thảo luật cũng quy định cụ thể tám hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công, bao gồm: giao quyền sử dụng tài sản; cấp quyền khai thác tài sản; cho thuê tài sản; chuyển nhượng quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản; góp vốn, liên doanh, liên kết; sử dụng tài sản công để thanh toán các nghĩa vụ của Nhà nước.
Việc áp dụng quy định này vào thực tiễn sẽ gặp những thách thức không nhỏ vì nguyên tắc kế toán của khu vực công hiện nay vẫn có những khác biệt đáng kể so với khu vực doanh nghiệp. Hơn nữa, dữ liệu về quản lý tài sản và định giá tài sản công còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để tính đúng, tính đủ giá trị tài sản công, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập, để đảm bảo việc khai thác hiệu quả nguồn lực này sẽ không dễ dàng.
Dự thảo luật bổ sung quy định về huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập. Điều 57 của dự thảo quy định đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao được huy động vốn của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản khi đáp ứng đủ các điều kiện gồm: có dự án đầu tư mua sắm tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Nhà nước không bố trí hoặc bố trí không đủ vốn cho việc đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản; có phương án huy động và hoàn trả vốn; đơn vị sự nghiệp công lập tự chịu trách nhiệm về việc hoàn trả vốn huy động. Tuy nhiên, trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ (ví dụ, trường đại học mang một phần đất được giao trong khuôn viên trường để làm tài sản bảo đảm khi thực hiện vay vốn, huy động vốn, nhận góp vốn, liên doanh, liên kết) nhưng sau đó lại rơi vào tình trạng khó khăn thì xử lý tài sản công này như thế nào cũng là thách thức trong thực tiễn.
Dự thảo luật quy định rõ hơn các yêu cầu bắt buộc khi khai thác, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết; đồng thời bổ sung bốn yêu cầu mới, gồm: được cấp có thẩm quyền quy định tại luật này cho phép; không làm mất quyền sở hữu về tài sản của Nhà nước; tính đủ khấu hao tài sản cố định và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Việc tính đủ khấu hao tài sản cố định sẽ làm giá dịch vụ công trong các đơn vị sự nghiệp tăng lên đáng kể. Đây cũng là vấn đề cần tính tới để đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ người yếu thế.
Cuối cùng, dự thảo luật chưa có những quy định cụ thể về chế tài khi thực hiện trong khi lại đặt ra rất nhiều yêu cầu. Điều này khiến cho việc triển khai luật trên thực tế dễ rơi vào tình trạng hình thức.
Tóm lại, dù có rất nhiều điểm tích cực, song dường như dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có tham vọng quá lớn khi muốn quản lý mọi tài sản thuộc về Nhà nước theo nghĩa rộng. Điều này sẽ đặt ra nhiều thách thức không nhỏ cho cơ quan hành pháp khi phải triển khai luật vào thực tiễn.

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC: THỬ BÀN MỘT CÁCH TIẾP CẬN MỚI

MỸ LỆ/ TBKTSG 19-6-2017

Luật sư Nguyễn Tiến Lập
(TBKTSG) - LTS: Ngày 29-5-2017, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) với nhiều ý kiến khác nhau. Theo kế hoạch, ngày 21-6-2017, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua luật này. Cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập(*) cho thấy một cách tiếp cận khác về vấn đề quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện nay, TBKTSG xin giới thiệu với bạn đọc.
TBKTSG: Vấn đề nổi cộm trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (tài sản công) là sự thất thoát, lãng phí. Theo ông, chúng ta nên nhìn nhận căn nguyên của việc này như thế nào, để từ đó mới có biện pháp giải quyết từ gốc?
- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Có thể nói đất nước đang có nhiều vấn đề “nổi cộm” mà “thất thoát, lãng phí” chỉ là một. Nhìn vào căn nguyên, trước hết là căn bệnh về đạo đức và thứ hai là căn bệnh của cơ chế. Ở nhiều nước như chúng ta biết, ai đó làm thất thoát hay lãng phí bất cứ tài sản gì, chưa nói là tài sản công, thì trước hết bị xã hội lên án về đạo đức. Ở nước ta, nạn lãng phí thất thoát tài sản nhà nước bắt đầu từ cơ chế lãnh đạo, quản trị.
Về học thuật, người ta gọi đó là cơ chế tập thể và đồng thuận đa số. Mặt phải của cơ chế này là tạo được sự ủng hộ chung cho mọi quyết sách, nhưng mặt trái của nó là không có khả năng quy trách nhiệm cho ai cả, lâu dần dẫn đến vô trách nhiệm trên phạm vi đại trà. Một cá nhân có đạo đức sẽ biết giữ gìn và tiết kiệm tài sản công, bởi đó là tôn trọng công lao, sức lực của mọi người khác. Nhưng trong khi tôi làm điều đó mà những người khác cứ phá tán và lại không bị sao cả, thì tôi có giữ gìn và tiết kiệm mãi được không?
Do đó, một khi nhìn nhận nghiêm túc rằng nếu cứ “thất thoát và lãng phí” mãi như thế này thì đất nước ta sẽ không bao giờ giàu có lên được thì theo tôi phải xử lý cả hai vấn đề: tiếp tục giáo dục về đạo đức và thay đổi cơ chế. Nếu chỉ thực hiện một trong hai việc đó, hay tiến hành không đồng thời và đồng bộ thì các căn bệnh và vấn nạn nói trên sẽ không bao giờ chấm dứt được.
TBKTSG: Dưới góc nhìn trên, ông bình luận như thế nào về những sửa đổi thể hiện trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) hiện nay?
- Nhìn vào các nỗ lực của Quốc hội trong việc sửa đổi, ban hành luật để xử lý nạn thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước thì ta thấy sự bức xúc lớn từ các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, câu hỏi là sửa đổi và ban hành luật hay sử dụng biện pháp lập pháp nói chung có giải quyết được vấn đề không?
Trước hết là tham vọng và kỳ vọng quá lớn với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, từ quản lý trụ sở, trang thiết bị và phương tiện của các cơ quan, tổ chức nhà nước đến toàn bộ các tài sản thuộc sở hữu toàn dân, bao gồm cả công trình kết cấu hạ tầng và tài nguyên, đất đai. Cá nhân tôi rất nghi ngờ về cách tiếp cận mới này, bởi nó thiếu sự phân định đối tượng, mục tiêu và phương thức quản lý một cách rành mạch.
Ngoài ra, với việc luật trước đây có đối tượng tài sản hẹp và rõ hơn mà còn chưa quản lý hiệu quả thì nay mở rộng ra, đồng nghĩa với tăng tính phức tạp lên, thì liệu có cách nào để bảo đảm tính thực thi?
Về nguyên lý, công cụ luật pháp luôn luôn có giới hạn của nó, đặc biệt trong điều kiện của nước ta, khi cả kỷ cương và văn hóa tôn trọng và tuân thủ pháp luật đã cơ bản bị phá vỡ. Chưa nói tới một thực tế là nhiều năm trước đây, khi không có một đạo luật riêng về quản lý, sử dụng tài sản công mà chỉ có các văn bản dưới luật thì tình trạng thất thoát, lãng phí vẫn không nghiêm trọng hơn so với thời gian gần đây, kể từ khi luật năm 2008 được ban hành. Bên cạnh đó, về phương diện kỹ thuật, đọc dự thảo luật lần này, chúng ta thấy bóng dáng của rất nhiều luật chuyên ngành khác, vốn đã và đang được áp dụng cho các cơ chế quản lý về tài sản đặc thù và khác nhau như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, Luật Đầu tư công... Điều này e rằng sẽ dẫn đến một hệ quả khó tránh là luật mới này sẽ trở thành một “luật ống” và “luật khung”, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ngày trước đã cảnh báo, và như vậy khó đi vào cuộc sống.
Từ góc độ người dân đóng thuế, tôi tin rằng điều người dân quan tâm nhất hiện nay không phải là các tài sản công được quản lý thế nào mà làm sao giảm được tỷ lệ chi ngân sách quá lớn tới mức phi lý để nuôi bộ máy công bộc của mình, thay vì chi cho phát triển quốc kế dân sinh vì lợi ích của chính họ.
Xin lưu ý rằng để soạn thảo, ban hành một đạo luật có thể chỉ mất thời gian tính bằng tháng nhưng để tổ chức thực thi được nó thì phải cần tới nhiều năm. Do đó, cách tiếp cận của việc xây dựng luật mới với phạm vi quá rộng và phức tạp như vậy, giống như việc phá bỏ căn nhà cũ để xây lại, sẽ có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí hơn nữa đối với các tài sản thuộc sở hữu nhà nước, vốn còn lại đến nay không nhiều.
TBKTSG: So với trước đây, dự thảo luật có điểm mới là cho phép khai thác nguồn lực sẵn có từ tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội để cùng với Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác nguồn lực tài sản công. Quá trình này đặt ra yêu cầu quản lý rất mới, với nhiều thách thức nếu nhìn lại những vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Ông hình dung việc quản lý quá trình này sẽ như thế nào?
- Về thực chất, các giải pháp nói trên trong dự thảo luật là tạo ra cơ sở pháp lý cho đồng quản lý, đồng sở hữu hay nói một cách khác là tình trạng hỗn hợp trong cả sở hữu và quản lý các tài sản công, đặc biệt là các tài sản hữu hình như trụ sở và phương tiện phục vụ hoạt động quản lý nhà nước và các công trình kết cấu hạ tầng. Trong phạm vi nhất định, điều này là hợp thức hóa hiện trạng trong một số lĩnh vực và ở một số địa phương hay cơ quan, tổ chức đã triển khai.
Tuy nhiên, nếu đi theo xu hướng này, các cơ quan nhà nước cần lường trước các thách thức không nhỏ, xét cả về phương diện quản lý tài sản cho mục tiêu bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình để chống thất thoát, lãng phí, cũng như các rủi ro tiềm tàng về pháp lý. Đối với các đối tượng tài sản công cụ thể, một khi có sự tham gia của sở hữu tư nhân thì một khung pháp luật khác sẽ được áp dụng, thay cho các cơ chế quản lý hành chính, và e rằng mức độ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến quyền quản lý, sở hữu và hưởng lợi có thể sẽ tăng lên. Do đó, cần hỏi là trong bối cảnh năng lực quản trị công của bộ máy nhà nước đang yếu kém như hiện nay thì về phương diện lập chính sách, có nên mở ra hướng đi này trong luật mới hay không?
TBKTSG: Vậy, từ góc độ nghiên cứu về pháp luật và thể chế, ông đưa ra đề xuất chính sách gì để cải thiện tình trạng quản lý và sử dụng tài sản nhà nước (tài sản công) hiện nay nhằm chống thất thoát, lãng phí? Ví như người dân là chủ thì phải ứng xử với bộ máy công bộc là nhà nước trong khía cạnh này như thế nào?
- Quan điểm của tôi khác với cách tiếp cận của dự thảo luật. Trước hết cần phân biệt rành mạch giữa tài sản công (tức mọi tài sản của quốc gia do nhà nước tức cơ quan chính quyền các cấp làm đại diện quản lý) và các tài sản vật chất cụ thể của các cơ quan, tổ chức của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị có nguồn gốc ngân sách nhà nước và thuộc sở hữu của các cơ quan, tổ chức này.
Loại tài sản thứ nhất đã và đang được quản lý theo các luật chuyên ngành như đã nói ở trên, bởi nó gắn với các cơ chế bảo vệ đặc thù. Loại tài sản thứ hai cần được coi là một phần của tổng chi phí ngân sách để tài trợ cho chính bộ máy nhà nước. Mức chi phí này cần được khống chế theo tỷ lệ phần trăm nhất định trên GDP hoặc tổng ngân sách và trong phạm vi đó, các cơ quan, tổ chức nhà nước được toàn quyền quyết định phương án sử dụng nguồn lực được giao để bảo đảm thực thi chức năng và nhiệm vụ của mình.
Với cách tiếp cận như thế, tại sao không thể để các cơ quan, tổ chức nhà nước đi thuê trụ sở hoạt động thay vì cứ phải tự đầu tư, xây dựng, sở hữu và quản lý? Từ góc độ người dân đóng thuế, tôi tin rằng điều người dân quan tâm nhất hiện nay không phải là các tài sản công được quản lý thế nào mà làm sao giảm được tỷ lệ chi ngân sách quá lớn tới mức phi lý để nuôi bộ máy công bộc của mình, thay vì chi cho phát triển quốc kế dân sinh vì lợi ích của chính họ.
(*) Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, trọng tài viên VIAC

QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC: TIẾP TỤC NỬA VỜI TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

LAN NHI/TBKTSG 19-6-2017

Chỉ tính riêng trong phạm vi quản lý của Bộ LĐTB&XH, cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 1.337 cơ sở là công lập, với gần 91.000 người làm việc tại các cơ sở này, trong đó gần 72.000 người (78%) thuộc biên chế. Ảnh: MAI LƯƠNG

(TBKTSG) - Đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) trên toàn quốc hầu hết sống bám vào bầu sữa ngân sách, hầu hết không tự chủ được hoàn toàn hoặc tự chủ theo kiểu nửa vời. Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), có tên mới là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đang được lấy ý kiến tại Quốc hội, có một chương quy định riêng về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị kiểu này nhưng vẫn để ngỏ nhiều cánh cửa cho ĐVSNCL tiếp tục bám vào Nhà nước.
Thúc giục đổi mới nhưng thực trạng không khác gì thời bao cấp
Để chuẩn bị cho Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống ĐVSNCL trình Hội nghị Trung ương 6 thảo luận vào tháng 10-2017, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã có hàng loạt cuộc làm việc với các bộ, ngành và UBND các tỉnh nhằm rà soát, kiểm tra thực trạng của các ĐVSNCL và tìm hướng nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị, giảm áp lực ngân sách. Từ nhiều cuộc làm việc đã diễn ra, có thể thấy một thực trạng chung đã tồn tại nhiều năm nay là các đơn vị chủ yếu vẫn sống dựa vào tiền Nhà nước cấp, có tự chủ được tài chính một phần nhưng do chưa có sức ép thật mạnh và tâm lý ỷ lại nên ít thay đổi.
Như tại cuộc làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tuần trước, ông Huệ đề nghị bộ này đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động của các ĐVSNCL thuộc bộ, ví dụ như các trung tâm dạy nghề thuộc các hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội, nhất là các trung tâm dạy nghề cấp huyện (vì đây là địa chỉ gây nhiều lãng phí, xây ra để đấy, nếu còn tồn tại thì còn phải rót kinh phí). Phó thủ tướng nhận định các ĐVSNCL cơ bản không khác gì thời bao cấp, thậm chí còn phình to ra.
Chỉ tính riêng trong phạm vi quản lý của Bộ LĐTB&XH, cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 1.337 cơ sở là công lập, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng. Gần 91.000 người làm việc tại các cơ sở này, trong đó gần 72.000 người (78%) thuộc biên chế. Thế nhưng, chất lượng đào tạo học viên tại các cơ sở dạy nghề lại không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, của xã hội.
Hà Nội đã giao quyền tự chủ tài chính cho 2.596 đơn vị từ năm 2016 song hiện chưa có đơn vị nào tự chủ được hoàn toàn (đảm bảo cả chi thường xuyên và chi đầu tư), chỉ có 70 đơn vị đảm bảo được chi thường xuyên và 1.353 đơn vị đảm bảo một phần chi thường xuyên và chi đầu tư. Nghĩa là Nhà nước đang phải nuôi gần 150.000 người tại các đơn vị này, đồng thời phải cung cấp tài sản, cơ sở làm việc và các điều kiện làm việc đi kèm do nguồn thu chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu chi thường xuyên.
Hai ví dụ như trên cho thấy, ngay tại các thành phố lớn, các bộ ngành mà điều kiện xã hội hóa được khuyến khích cao, việc tự chủ tài chính đối với các ĐVSNCL, một yêu cầu tất yếu, đã không thể thực hiện được hoặc bản thân các ĐVSNCL không muốn thực hiện vì nhiều lý do khác nhau.
Quá trình tự chủ tài chính của các ĐVSNCL chuyển động rất chậm chạp, không đồng đều vì không có áp lực nào quá lớn buộc các đơn vị phải tiến hành nhanh hơn, mạnh hơn và triệt để hơn để cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân.
Phải gỡ bỏ những quy định “chống lưng”
Để các ĐVSNCL chịu và có thể tự chủ như một doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, không có cách nào khác hơn là phải tiến hành cổ phần hóa các đơn vị này, để chúng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Xét nguyên nhân sâu xa, sự ỷ lại và nguy cơ phình to của các ĐVSNCL xuất phát từ hai chỗ dựa mà các nhà quản lý ở nhiều đơn vị dạng này không muốn từ bỏ: được quản lý, sử dụng tài sản nhà nước với cơ chế khá thoáng và được ngân sách nhà nước cấp để hoạt động, nuôi bộ máy.
Điều đó cho thấy, muốn thực sự đưa các ĐVSNCL hoạt động tự chủ, rời bầu sữa ngân sách, nhất là trong điều kiện bội chi ngân sách cao do chi thường xuyên quá lớn, chỉ còn cách đưa các đơn vị thoát ly dần hai chỗ dựa nêu trên.
Nhưng việc ban hành các văn bản, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gần đây lại chưa phối hợp tốt với chủ trương lớn mà Đảng và Chính phủ đang hướng tới này. Trong khi muốn các ĐVSNCL tự chủ dần đến tự chủ hoàn toàn, rồi cổ phần hóa thì dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) lại giữ lại rất nhiều chỗ dựa cho các ĐVSNCL.
Điểm mới của dự thảo luật này là đã đặt mục tiêu tính đúng, tính đủ giá trị tài sản nhà nước tại các ĐVSNCL khi các đơn vị này đưa chúng vào kinh doanh để tránh lãng phí, thất thoát và có thể xảy ra tham nhũng. Dự thảo luật yêu cầu các ĐVSNCL đủ điều kiện kinh doanh và hạch toán kế toán chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Song quy định này chủ yếu hướng tới các đơn vị cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng (nhà khách, khách sạn), vốn đang hoạt động theo cơ chế thị trường. Các đơn vị này đã thực hiện cơ chế riêng được cho là chưa hợp lý (khoán 5% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu, 5% thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu và 30% lợi nhuận được trích về đơn vị chủ quản). Chưa có con số thống kê chính thức nào cho thấy cả nước có bao nhiêu khách sạn, nhà hàng đang được các ĐVSNCL như các hiệp hội, tổ chức công đoàn... kinh doanh hoặc liên kết với các đơn vị bên ngoài để kinh doanh theo cơ chế này.
Ngoài điểm tiến bộ ở trên, các điểm mới được đưa ra hoặc bổ sung, sửa đổi chưa giải được bài toán: việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân thủ theo cơ chế thị trường, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Lấy ví dụ, dự thảo luật quy định tài sản được đầu tư từ ngân sách để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao mà không sử dụng hết công suất thiết kế (trước và sau khi dự luật này có hiệu lực) thì được phép kinh doanh dịch vụ để lấy nguồn nuôi bộ máy, tiến dần tới tự chủ. Bản chất lớn nhất của quy định này vẫn là cho phép các ĐVSNCL được cho thuê nhà đất và không khó để tìm ví dụ hàng chục ngàn cơ sở ĐVSNCL trên toàn quốc như nhà xuất bản, nhà hát... sẵn sàng thu gọn trụ sở làm việc (thực chất do không dùng hết), dành các vị trí đẹp cho tư nhân kinh doanh. Thậm chí nhiều nơi cho đây là nguồn thu chính của các ĐVSNCL được nhà nước giao đất giá rẻ, cho thuê lại với giá cao.
Số tiền thu được, theo quy định hiện hành và theo quy định sửa đổi sắp tới, được dùng để chi trả các chi phí có liên quan, nộp thuế. Phần còn lại trích lập các quỹ tại đơn vị, nếu còn thì nộp ngân sách nhà nước. Nhưng thực tế, ngân sách chỉ thu được thuế. Phần chênh lệch khác rất khó quay lại ngân sách vì ĐVSNCL chủ yếu trông chờ vào nguồn này. Như vậy, mục tiêu cho khai thác tài sản công tạo điều kiện cho các đơn vị tự chủ ngày càng cao hơn hoặc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp còn lâu mới đạt được.
Đáng chú ý là điều 53 của dự thảo luật quy định ĐVSNCL không được sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn, huy động vốn vì tài sản này thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, nhưng lại cho phép ĐVSNCL nào trả tiền thuê đất một lần (tiền trả không có nguồn gốc từ ngân sách) được phép dùng phần đất đó để thế chấp, góp vốn. Quy định tưởng chặt chẽ (vì các nhà soạn thảo nghĩ rằng nhiều ĐVSNCL không có tiền chi thường xuyên và chi đầu tư thì lấy đâu ra tiền thuê đất trả cho thời gian dài) lại hóa ra lỏng. Bởi lẽ, nếu được sử dụng nhà, đất ở vị trí đắc địa, ĐVSNCL hoàn toàn có thể “bắt tay” với các đơn vị liên doanh, liên kết để các bên liên doanh góp vốn bằng cách hợp thức hóa việc chi trả tiền thuê đất một lần, giúp ĐVSNCL có thể dùng những tài sản ở vị trí đắc địa đó mang ra kinh doanh, thế chấp, góp vốn mà vẫn đúng quy định của pháp luật.
Vì vậy, để các ĐVSNCL chịu và có thể tự chủ như một doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, không có cách nào khác hơn là phải tiến hành cổ phần hóa các đơn vị này, để chúng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp như các đơn vị khác; tránh dùng tài sản nhà nước với những cơ chế đặc thù có thể phát sinh tham nhũng, lách luật.

QUAN CHỨC VỀ HƯU VÀ CHUYỆN TRẢ NHÀ CÔNG VỤ

TS NGUYỄN SĨ DŨNG/ TVN 19-6-2017

Quan chức,Nhà công vụ,Bộ trưởng Hà Hùng Cường,Dịch vụ công,Quốc hội,Hội đồng nhnhnhân dân
Chuyện quan chức về hưu vẫn giữ nhà công vụ đang được dư luận quan tâm. Ảnh minh hoạ
Ở Thụy Điển có một dinh thự dành riêng cho Thủ tướng, nhưng hầu như không một Thủ tướng nào chịu vào đó ở cả. Họ phần lớn vẫn sống trong căn hộ của mình, và nhiều người hàng ngày vẫn đến cơ quan làm việc bằng tàu điện. Ở Hà Lan, Thủ tướng thậm chí hàng ngày đi làm bằng xe đạp, không có xe dẫn đường cũng không có người bảo vệ. Chi phí cho hoạt động điều hành chính phủ ở Thụy Điển và Hà Lan nhờ đó được cắt giảm rất nhiều.
Hoạt động điều hành chính phủ, cũng như các hoạt động quản lý nhà nước khác suy cho cùng cũng chỉ là những dịch vụ công. Đây là những dịch vụ cần thiết để bảo đảm công lý, trật tự, pháp luật và thúc đẩy sự phát triển.
Tuy nhiên, đây là những dịch vụ mà giá cả của chúng chủ yếu nằm ngoài quy luật cạnh tranh của thị trường. Về bản chất, giá cả của những dịch vụ công này được quyết định bởi biên chế, tiền lương và chế độ, chính sách. Trong quá trình hội nhập quốc tế, yếu tố biên chế và yếu tố tiền lương đang ngày càng trở nên minh bạch hơn.
Và chúng ta đã có cơ hội nhận biết không ít những bất hợp lý rất lớn ở đây. Ví dụ, như số lượng công chức của Việt Nam ta là quá lớn so với nhiều nước trên thế giới hay lương trả cho các công chức, đặc biệt là các công chức mới được tuyển dụng là quá thấp. Riêng yếu tố chế độ, chính sách thì lại đang ít minh bạch hơn rất nhiều.
Nhà công vụ là một phần cấu thành thành của yếu tố chế độ, chính sách. Nhà công vụ càng nhiều thì tất nhiên giá cả của các dịch vụ công nói trên càng đắt đỏ.
Điều đáng nói hơn, nếu quan chức đã về hưu vẫn còn tiếp tục được ở nhà công vụ, thì những người dân vẫn đang phải tiếp tục chi trả cho những người chẳng còn cung cấp dịch vụ gì cho mình nữa cả. Đây là một thứ chi phí hết sức bất hợp lý mà thị trường sẽ không bao giờ chấp nhận, thế nhưng, rất tiếc, trong lĩnh vực công thì lại rất dễ được cho qua. Lý do, thì như đã nói ở trên, không hề có cạnh tranh trong lĩnh vực công.
Thực ra, không có cạnh tranh không phải là khiếm khuyết duy nhất. Một khiếm khuyết rất đáng lưu tâm khác là: khách hàng không có khả năng mặc cả. Khách hàng của các dịch vụ công tất nhiên là nhân dân. Và nhân dân thường không có cách thức nào để thương lượng về mức chi phí thế nào là hợp lý cho các dịch vụ công.  
Để bảo đảm một sự công bằng nhất định ở đây, các chế độ, chính sách cho các quan chức nên được đưa ra thảo luận Quốc hội và Hội đồng nhân dân và phải được Quốc hội và Hội đồng nhân dân phê chuẩn. Thôi thì khách hàng không có điều kiện mặc cả, thì ít nhất những người đại diện cho khách hàng phải làm được điều này.
Cuối cùng, nếu chế độ, chính sách là những chi phí góp phần nâng cao chất lượng của các dịch vụ công, thì có lẽ chi trả thêm cũng là hợp lý. Tuy nhiên, các quan chức cũng cần tìm cách chứng minh cho công chúng thấy rõ đó là những chi phí thật sự hợp lý hay nói như trong dân gian là hoàn toàn “đáng đồng tiền, bát gạo”.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
...
Sáng 17/6, trao đổi với VietNamNet, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, thứ 2 tới (19/6) ông sẽ làm thủ tục trả nhà công vụ.

Như VietNamNet đã đưa tin, mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản thông báo gửi ông Hà Hùng Cường – nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc bàn giao lại căn hộ nhà ở công vụ cho đơn vị quản lý vận hành nhà theo quy định.

Theo đó, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường hiện đã được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ nên đã hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ, cụ thể là căn hộ tại nhà chung cư CT1-CT2 khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét