Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

20170602. QUANH NHỮNG ĐỀ XUẤT SỬA BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUỐC HỘI ĐANG RA LUẬT ĐỂ NGĂN XÃ HỘI CHỈ 
TRÍCH, PHÊ BÌNH LÃNH ĐẠO ?
PHÙNG NGỌC HOÀI&CHU MỘNG LONG/ BVN 31-5-2017
Kết quả hình ảnh cho phê bình và tự phê bình
Đại biểu Quốc hội chưa nắm luật mà đi xây dựng luật thì gay go lắm. Đã có điều luật về tội danh “vu khống” rồi. Công dân bình đẳng trước pháp luật nghĩa là công dân thường bị vu khống cũng bị tổn hại ngang bằng lãnh đạo Đảng nhà nước bị vu khống.
Mấy hôm nay nghị trường Quốc hội xuất hiện mấy vị đại biểu hăng hái đề nghị bổ sung tội “bôi nhọ lãnh đạo Đảng nhà nước” vào Luật hình sự. Trước hết mấy vị này quên rằng cử tri bầu họ đứng ra đại diện cho quyền lợi dân chúng, cụ thể là quyền tự do ngôn luận. Họ lại nhầm lẫn đi tìm cách trừng phạt dân chúng nhằm bảo vệ lãnh đạo!
Sao lại bày ra tội riêng để ưu tiên bảo vệ Lãnh đạo?
Làm chính trị thực chất là làm ngôn ngữ.
Quốc hội lập pháp bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Quốc hội cần có chuyên gia Việt ngữ học làm đại biểu.
Các vị cần phải xác định “bôi xấu” hoặc “bôi nhọ” nghĩa là gì.
Các từ ngữ “chỉ trích, phê phán, phê bình” đều có ý nghĩa rõ ràng, xác định.
Từ ngữ “bôi nhọ, nói xấu” là cách nói dân gian, có nghĩa rằng: một khuôn mặt sạch sẽ bị kẻ xấu bôi nhọ lên, đối tượng không xấu mà bị “nói cho ra xấu”. Vậy, thực chất đó là tội vu khống đã có trong luật. Đối tượng bị “bôi nhọ, bôi xấu, nói xấu” cứ việc đi khiếu kiện.
Quốc hội còn bàn bạc chi nữa cho tốn thì giờ?
Ông Võ Văn Thưởng thông báo rằng Đảng đang chuẩn bị tổ chức “đối thoại”, chắc chắn đảng phải đối diện với sự chỉ trích, chắc hẳn ông Thưởng cũng mong có người nhận lời đối thoại.
Vậy mà Quốc hội lại đang tìm cách ngăn chặn dư luận trái chiều trong đó có chỉ trích.
Nhân việc phê bình chỉ trích được gọi chuyển nghĩa mập mờ thành “bôi nhọ” trên nghị trường Quốc hội, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của TS ngữ văn Chu Mộng Long để rộng đường bàn bạc.
Chỉ trích và tiến bộ xã hội
Khái niệm “chỉ trích”, tiếng Anh criticize, censure, tiếng Việt còn gọi là phê bình, phê phán.
Ông cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ là người đặt ra vấn đề chỉ trích trong nội bộ Đảng như một học thuyết về sự tồn tại và phát triển của một tổ chức chính trị. Nhưng rất tiếc, cương lĩnh ấy chỉ dừng lại ở “tự chỉ trích” và duy trì cho đến bây giờ bằng sự giảm thiểu ở mức độ “tự phê bình”, theo phép nói giảm của tiếng Việt.
“Tự chỉ trích” phù hợp với thời Đảng hoạt động bí mật và có ý nghĩa lịch sử của nó. Với hoạt động bí mật, Đảng phải tự biết nhược điểm của mình mà tự chỉ trích để tồn tại và phát triển, nếu không sẽ bị tiêu diệt trong trứng nước. Đảng đã từng làm được cái việc vĩ đại ấy để có Cách mạng tháng Tám và kháng chiến kiến quốc thành công.
Nhưng khi hoạt động công khai và tự đặt vào lòng dân, “tự chỉ trích” trở thành mất hiệu lực, đặc biệt khi đã giảm thiểu mức độ thành “tự phê bình”. Bởi vì về mặt tâm lí, một là, khi có quyền lực trong tay, kẻ sở hữu quyền lực rơi vào sự tự kiêu với "đỉnh cao trí tuệ", khả năng “tự chỉ trích” không còn; hai là, do tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”, kẻ sở hữu quyền lực thích trấn áp người khác hơn là “tự chỉ trích”, "tự phê bình".
Ba là, quan trọng hơn, thời cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, đảng viên có mục tiêu lí tưởng rõ ràng để làm thang bậc giá trị mà “tự chỉ trích”. Bây giờ, “một bộ phận không nhỏ” vào Đảng không có mục tiêu lí tưởng rõ ràng (mà có thì chỉ là đầu môi chót lưỡi) nếu không nói là cơ hội, trục lợi, họ không biết đâu là thang bậc giá trị để “tự chỉ trích”.
Khi mất khả năng “tự chỉ trích” họ rất sợ bị chỉ trích. Nuôi tất cả mầm bệnh của thói cơ hội, trục lợi, cho nên họ rất sợ bị người khác chỉ trích, và như một quy luật tất yếu của tâm lí, họ biến những kẻ chỉ trích thành thù địch.
Chỉnh đốn Đảng theo phương pháp “tự phê bình” hiện nay là bất khả, nếu không nói càng ngày càng sa lầy vào đạo đức phê bình giả.
Theo tôi, đến lúc Đảng và chính quyền phải có bản lĩnh cho phép, thậm chí khuyến khích dân tự do chỉ trích, phê bình Đảng và chính quyền. Đó không là mối nguy hiểm mà là lối thoát. Chỉ trích hay phê bình từ phía người dân là một sự tương tác từ bên ngoài để chuyển hóa vào bên trong nội bộ của Đảng, làm cho cán bộ Đảng và chính quyền thức tỉnh giấc mộng đỉnh cao trí tuệ, đỉnh cao quyền lực, giải quyết được các tệ nạn mà Đảng và chính quyền không thể tự giải quyết. Đó mới là cách trao quyền tự do dân chủ cho dân đúng nghĩa, như Lenine trong chống chủ nghĩa cơ hội và thói kiêu ngạo cộng sản, Hồ Chí Minh trong chống bệnh quan liêu, cửa quyền. Các lãnh tụ đã nói, đã hứa nhưng chưa làm được.
Chỉ trích, phê bình không đồng nghĩa với thù địch, chống phá mà là xây dựng. Bởi vì nếu chỉ thù địch, người ta chỉ biết bạo loạn, lật đổ chứ không chỉ trích, phê bình làm gì nữa.
Mà cũng phải nói rõ điều này: ngay cả khi bạo loạn, lật đổ xảy ra cũng là chỉ vì do sự chỉ trích, phê bình không có hiệu quả.
Cho nên, để không xảy ra bạo loạn, lật đổ, tốt nhất Đảng và chính quyền nên biết phát huy hiệu quả của sự chỉ trích hơn là trấn áp bằng bạo lực. Bạo lực chỉ nuôi mầm mống và gia tăng bạo lực.
Bạo lực phản ánh tình trạng quan trí lẫn dân trí, nhưng trước hết, phản ánh trình độ và bản lĩnh của quan chức.
Không thể phủ nhận những năm gần đây, nhờ tương tác của mạng xã hội, của báo chí và dư luận với Đảng và chính quyền, xã hội đã có những tiến bộ rõ rệt. Chính quyền không muốn nghe cũng phải nghe, không muốn tự điều chỉnh cũng phải điều chỉnh. Nhiều sự vụ đã được giải quyết nhanh và xã hội ngày một minh bạch hơn, kể cả duy trì sự ổn định.
Chắc chắn Đảng và chính quyền hiểu điều đó. Hiểu nhưng thực hiện thiếu tự giác.
Vì thiếu tự giác, cho nên hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc giữa Đảng, chính quyền với người dân, trong đó “mặc cảm thù địch” là bức tường rõ nét nhất. Mặc cảm này nằm ở cả hai phía. Người dân mất niềm tin nên một bộ phận không nhỏ bộc lộ hằn thù bằng chửi bới, kích động, trong khi một bộ phận không nhỏ trong Đảng và chính quyền thì nhìn đâu cũng thấy thù địch.
Hố sâu thù địch đạt tới ngưỡng nào đó sẽ bùng nổ thành bạo loạn và hậu quả là sự tàn phá thay vì xây dựng.
Thời đại hiện nay, mâu thuẫn giữa nhà nước và nhân dân mới là mâu thuẫn căn bản chứ không phải giai cấp hay cái gì khác. Các cuộc biểu tình lớn trên thế giới đều là biểu tình chống nhà nước. Nhà nước không khôn ngoan giải quyết quan hệ này, chính nhà nước đã đào hố sâu thù địch và tự chôn mình. Tôi đã nói to điều này khi đi học lớp chính trị cho các quan hiểu nhưng nhiều người cố tình không hiểu.
Phải giải mặc cảm thù địch mới có thể làm quen được với sự chỉ trích. Điều này tùy thuộc vào dân trí lẫn quan trí.
Ở các nước văn minh, cách giải mặc cảm thù địch rất đơn giản là tạo hành lang pháp lí cho sự chỉ trích. Pháp luật chế định người dân có quyền tự do chỉ trích cán bộ lãnh đạo; ngược lại, cán bộ lãnh đạo bất luận trường hợp nào cũng không có quyền trấn áp, đe dọa và sử dụng bạo lực, thậm chí chỉ trích người dân. Lãnh đạo chỉ có quyền lắng nghe người dân, đối thoại, xin lỗi và... từ chức.
P.H.N. & C.M.L.
VNTB gửi BVN
ÉP LUẬT SƯ TỐ CÁO THÂN CHỦ: HIẾM CÓ/KHÓ 
TÌM  TRÊN THẾ GIỚI
QUỲNH VI/ BVN 1-6-2017
clip_image002
  Luật sư trong một vụ án hình sự. Ảnh: VietPress.
Nếu chúng ta nhìn vào các hệ thống luật pháp trên thế giới hiện nay thì quan điểm ép Luật sư phải tố cáo hành vi phạm tội của thân chủ tỏ ra rất lạc lõng và phi lý, nhưng cũng có một số ngoại lệ rất hiếm hoi.
Những người ủng hộ quan điểm này muốn luật hoá nó trong Bộ luật Hình sự 2015, lồng nó vào tội không tố giác tội phạm.
Tội không tố giác tội phạm (misprision) đã từng nằm trong các bộ luật hình sự của hệ thống thông luật  (common law) Anh - Mỹ, và là một tội tiểu hình (misdemeanor).
Hệ thống luật dân sự (civil law) của châu Âu cũng có điều luật tương tự. Và đúng như đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đã phát biểu, điều luật này vốn thường được áp dụng với các tội phản quốc (treason) vào thời Trung cổ và dưới các chế độ quân chủ. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nó đã bị xóa bỏ hoặc được thay thế bằng các điều luật khác, ví dụ như tội đồng phạm (conspiracy) hoặc che giấu tội phạm một cách cố ý (active concealment).
Điều đó có nghĩa là, tại các nước pháp quyền (rule of law), không một ai, kể cả Luật sư, có nghĩa vụ phải tình nguyện tố giác tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự khi không làm điều đó.
Trong khi đó tại Việt Nam, phạm vi áp dụng của Điều 19, BLHS 2015 – Tội không tố giác tội phạm – lại rất rộng. Và nó bao gồm tất cả chúng ta.
Khoản 1 của Điều 19 quy định bất kỳ ai nếu biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm.
Khoản 2 của Điều 19 quy định, ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải tố giác các tội đặc biệt nghiêm trọng và các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Tương tự như khoản 2, khoản 3 Điều 19 quy định (là điều khoản đang gây tranh cãi tại Quốc hội), Luật sư phải tố giác các tội đặc biệt nghiêm trọng và các tội xâm phạm an ninh quốc gia của thân chủ mà họ biết được khi thực hiện nghĩa vụ bào chữa.
Việc một người không tố cáo tội phạm hoàn toàn khác với hành vi giúp đỡ, che giấu người phạm tội. Vì người biết về hành vi phạm tội của một người khác không đồng nghĩa với việc họ cũng tham gia và giúp đỡ tội ác được thực hiện hay cố ý che giấu.
Do đó, Điều 19 áp đặt một cách không thỏa đáng lên người dân một nghĩa vụ pháp lý thừa thãi và lỗi thời vì BLHS vốn đã có quy định về đồng phạm (Điều 17) và che giấu tội phạm (Điều 18).
clip_image004
  Luật sư nhân quyền Amal Clooney (trái), đại diện cho người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange trong vụ kiện dẫn độ của ông này tại Anh năm 2011. Ảnh: Yui Mok PA Archive/PA Images.
Đặc quyền của mối quan hệ giữa Luật sư và thân chủ
Những ý kiến của các đại biểu phản đối quan điểm của bà Nguyễn Thị Thuỷ tập trung phần lớn vào vấn đề đạo đức nghề nghiệp của Luật sư, cũng như các định chế về nghề luật dựa theo Hiến pháp.
Theo đó, ngay khi Điều 19 vẫn được ban hành thì Luật sư vẫn không nên là đối tượng bị áp dụng.
Các đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, cùng với đại biểu Trương Trọng Nghĩa của TP.HCM đã nhấn mạnh, khoản 3 của Điều 19 sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc của các Luật sư, và có thể khiến họ không thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong các vụ kiện.
Quan điểm này dựa trên hai nguyên tắc:
Một, nghĩa vụ im lặng của Luật sư xuất phát từ quyền im lặng của bị can, bị cáo. Vốn dĩ bị can, bị cáo không phải khai báo bất kỳ điều gì về bản thân, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra. Bị can, bị cáo cần Luật sư, trong hầu hết các trường hợp là thuê luật sư, để bảo vệ quyền của mình, chứ không phải để Luật sư đem thông tin đi nói cho người khác biết.
Hai, mối quan hệ giữa Luật sư và thân chủ được bảo vệ bởi đặc quyền về bảo mật thông tin (confidentiality), bất kể là vụ án hình sự hay dân sự. Đây cũng là vấn đề nguyên tắc đạo đức của nghề Luật sư, được các Luật sư đoàn quy định.
Luật sư và thân chủ cần có đặc quyền về bảo mật thông tin, vì đó chính là điều kiện tối cần thiết để thiết lập sự tin tưởng tuyệt đối giữa họ.
Trước hết, một Luật sư muốn làm tròn trách nhiệm biện hộ thì cần có đầy đủ tất cả thông tin liên quan đến hồ sơ vụ án, đặc biệt là những thông tin từ chính người mà mình bào chữa.
Đặc biệt, trong các vụ án hình sự, nghi phạm sẽ không thể nào tin tưởng nhân viên điều tra để chia sẻ tất cả thông tin, vì họ sợ sẽ có thông tin gây bất lợi cho họ. Vì thế, Luật sư biện hộ chính là người mà nghi phạm phải tin tưởng nhất.
Vậy thì làm thế nào để khiến một người tin tưởng và chia sẻ tất cả với Luật sư, kể cả những thông tin mang tính bất lợi hay có thể gây ra tranh cãi?
Trong các hệ thống tư pháp trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ, thông tin trao đổi giữa Luật sư và khách hàng được bảo vệ bởi “đặc quyền của mối quan hệ giữa Luật sư và thân chủ” (attorney-client relationship). Đặc quyền này bắt buộc Luật sư phải bảo vệ thông tin của người khách một cách tuyệt đối.
Nguyên tắc bảo vệ tuyệt đối bí mật (confidentiality) về thông tin của khách hàng còn là một quy tắc đạo đức của nghề Luật sư.
Để đảm bảo được nguyên tắc này, khi được thân chủ chia sẻ những thông tin trong phạm vi mối quan hệ Luật sư-thân chủ (attorney-client relationship), thì Luật sư không bị bắt buộc phải tố cáo thân chủ và không phải chịu trách nhiệm hình sự về việc biết mà không tố giác tội phạm.
Mà ngược lại, Luật sư có nghĩa vụ phải giữ bí mật tuyệt đối về những thông tin đó. Nếu Luật sư phá vỡ nguyên tắc này thì có thể phải đối mặt với việc bị Luật sư đoàn kỷ luật hoặc bị thân chủ khởi kiện dân sự.
Luật sư có thể tự giác tố cáo, chứ không bị ép buộc
Ở Mỹ, đặc quyền giữa Luật sư và thân chủ chỉ có thể bị phá vỡ trong một số trường hợp rất hãn hữu mà không bị coi là vi phạm đạo đức nghề nghiệp và không bị Luật sư đoàn khai trừ hay phải chịu trách nhiệm dân sự.
Trường hợp thứ nhất, theo Điều 1.6 (b)(1) của Bộ quy tắc nghề nghiệp Luật sư do Luật sư đoàn Hoa Kỳ (American Bar Association) soạn thảo, thì Luật sư có thể tự giác thông báo đến cơ quan chức năng những thông tin về hành vi phạm pháp của thân chủ, khi Luật sư biết khả năng rất cao là nó sẽ chắc chắn xảy ra. Chúng ta có thể tham khảo một ví dụ được Luật sư đoàn Hoa Kỳ đưa ra.
Nếu một Luật sư biết chắc thân chủ của mình – là một tập đoàn lớn – có hành vi xả thải trái phép vào một nguồn nước gây tác hại đến cho người dân và môi trường trên một diện rộng, thì có thể báo với chính quyền mà không bị quy là vi phạm đạo đức nghề nghiệp và phá vỡ nguyên tắc bảo đảm bí mật của thân chủ.
Tuy nhiên, nếu Luật sư đó không báo với chính quyền thì cũng không thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội không tố giác hành vi phạm tội của thân chủ. Luật pháp chỉ truy cứu nếu luật sư là đồng phạm và thật sự tham dự vào hành vi phạm pháp.
Chẳng hạn như trong ví dụ vừa nêu, nếu Luật sư cùng bàn bạc và vạch ra kế hoạch xả thải trái phép cùng với người khách của mình, thì lúc đó, Luật sư là đồng phạm và phải chịu chế tài của pháp luật.
Trường hợp thứ hai thường được gọi là “ngoại lệ nhằm ngăn ngừa tội phạm” (crime-fraud prevention exception) trong Điều 1.6 (b)(2) của Luật sư đoàn Hoa Kỳ. Khi Luật sư, thông qua mối quan hệ Luật sư và thân chủ mà biết được người thân chủ của mình đã lên kế hoạch chuẩn bị phạm tội hình sự hoặc một tội lừa đảo, thì có thể phá vỡ nguyên tắc bảo đảm bí mật thân chủ và khai báo hành vi này với chính quyền.
Nguyên tắc “ngoại lệ nhằm ngăn ngừa tội phạm” thông thường được áp dụng trong những trường hợp của các tội đại hình (felony) đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người khác. Và nó cũng chỉ là một ngoại lệ (exception to the rule) cho nguyên tắc bảo mật chung của mối quan hệ Luật sư-thân chủ.
Những ví dụ cho những thông tin mà Luật sư có thể áp dụng ngoại lệ này để thông báo với chính quyền có thể là tin tức về một nạn nhân đang bị mất tích trong một vụ án, hay khi thân chủ đưa ra lời lẽ đe dọa đến tính mạng của người khác, nhân viên điều tra, hay thẩm phán, nhân chứng của vụ án, v.v.
Trường hợp thứ 3 cũng dựa trên nguyên tắc “ngoại lệ nhằm ngăn ngừa tội phạm”. Luật sư trong quá trình đại diện, có thể tình cờ biết được thân chủ mình đã từng thực hiện một tội hình sự hoặc lừa đảo nào khác, không nằm trong khuôn khổ của mối quan hệ Luật sư-thân chủ.
Ví dụ như đang nhận bào chữa một vụ án kinh tế nhưng Luật sư lại biết được thân chủ của mình đã mướn người mưu sát đối thủ thương trường của mình, và vụ án mưu sát đó đã không có manh mối trong vài năm.
Tương tự như trên, nếu việc báo với chính quyền sẽ giúp giảm thiểu thương vong hay thiệt hại cho nạn nhân hay thân nhân của họ, thì Luật sư có thể làm điều này mà không bị cáo buộc là đã phá vỡ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Trách nhiệm của Luật sư trong những trường hợp kể trên, theo kiến nghị của Luật sư đoàn Hoa Kỳ, là phải khuyến cáo thân chủ từ bỏ ý định phạm tội, kết thúc hợp đồng đại diện nếu thân chủ kiên quyết không từ bỏ, và tuyệt đối không được phép đưa ra lời khuyên hay giúp đỡ thân chủ thực hiện hành vi phạm pháp.
Trong cả ba trường hợp được nêu, việc tự giác thông báo đến chính quyền từ phía Luật sư đều không đồng nghĩa với việc Luật sư có nghĩa vụ phải tố giác như Điều 19 BLHS 2015.
clip_image002[1]
Cô Đoàn Thị Hương, nghi phạm ám sát anh trai của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un, và Luật sư người Malaysia của cô. Ảnh: Zing.
Ngoại lệ: Luật sư có thể bị ép buộc khai báo trong những tình huống rất ngặt nghèo
Tòa án cũng có thể sử dụng trát tòa (subpoena) để yêu cầu Luật sư đưa ra lời khai liên quan đến thông tin của thân chủ. Trong trường hợp đó, Luật sư có thể đưa ra thông báo với tòa (motion to the court) là thông tin mà mình cung khai có thể nằm trong phạm vi của đặc quyền Luật sư-thân chủ. Thẩm phán của phiên xử đó sẽ phải đưa ra một phán quyết (ruling) là luật có cho phép Luật sư đưa ra lời khai hay không.
Nếu là có cho phép, Luật sư phải tiếp tục thông báo đến người thân chủ của mình vì thân chủ có quyền kháng cáo lên tòa cấp cao hơn (seeking judicial review of an appeal court). Chỉ khi tất cả các thủ tục pháp lý đã được sử dụng và đều được tòa phán là Luật sư có thể phá vỡ nguyên tắc bảo mật trong trường hợp này, thì Luật sư có thể đưa ra lời khai. (Xin xem thêm tại Điều 1.6 (b)(6) về Quy tắc nghề nghiệp của Liên đoàn Luật sư Hoa Kỳ).
Nếu đã có lệnh (order) của tòa yêu cầu đưa ra lời khai, mà Luật sư vẫn kiên quyết không cung cấp thông tìn về thân chủ, thì Luật sư có thể phải đối mặt với việc bị tòa phạt vạ vì đã “miệt thị tòa án” (contempt of court).
Tuy nhiên, vì nguyên tắc của nghề luật là phải đảm bảo bí mật của khách hàng, trường hợp tòa án đưa ra phán quyết là Luật sư có thể phá vỡ nó để khai ra thông tin bất lợi với thân chủ cũng là việc rất hy hữu và phải có lý do hết sức nghiêm trọng, ví dụ như tính mạng của một hoặc nhiều người đang gặp nguy hiểm.
Thông thường, thẩm phán chỉ cho phép Luật sư đưa ra lời khai khi nội dung của nó nằm trong phạm vi của “ngoại lệ nhằm ngăn ngừa tội phạm”.
Ngoài ra, khi người thân chủ cũ và Luật sư có tranh chấp dân sự liên quan đến một vụ việc mà Luật sư đã đại diện trong quá khứ, thì Luật sư cũng có quyền được phá vỡ đặc quyền bảo mật (Điều 1.6(b)(4),(5) về Quy tắc nghề nghiệp của Liên đoàn Luật sư Hoa Kỳ).
Nguyên tắc bảo mật thông tin của khách hàng cũng không phải chỉ được áp dụng riêng ở Mỹ.
Dựa trên báo cáo cập nhật của ngài D.A.O. Edward, QC gửi đến Uỷ ban Luật gia của Liên minh châu Âu năm 2003, các nước châu Âu (và ngay cả các nước không nằm trong Liên minh Châu Âu – EU) đều có những điều luật bảo vệ bí mật của thân chủ tương tự như Mỹ.
Bảo vệ bí mật của thân chủ được các hệ thống tư pháp trên xem là một yếu tố quyết định sự sống còn của mối quan hệ giữa Luật sư và thân chủ của mình.
clip_image004[1]
Hơn một thập kỷ qua, Luật sư VN vẫn vướng khả năng bị tội không tố giác tội phạm khi bào chữa cho thân chủ (Ảnh: Báo PL TPHCM tháng 2/2004)
Qua những phiên tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội trong những ngày vừa qua, chúng ta có thể thấy tính cấp bách của việc cần phải xác định những tiêu chuẩn và quy tắc cho mối quan hệ giữa Luật sư và thân chủ tại Việt Nam.
Đặc quyền bảo mật không chỉ là một khái niệm pháp lý của Tây phương, và cũng không phải là điều xa lạ ở châu Á.
Trung Quốc đã tiến hành cải cách tư pháp trước Việt Nam, và mở lại trường luật từ năm 1978. Mô hình của hệ thống tư pháp Trung Quốc khá giống với Việt Nam. Thế nhưng, Trung Quốc đã có không ít nghiên cứu rất nghiêm túc về đặc quyền bảo mật của những thông tin được trao đổi giữa Luật sư và thân chủ. Hiện nay, theo nghiên cứu của Giáo sư Luật Leah Christensen của Đại học Luật Thomas Jefferson đưa ra vào năm 2011, Trung Quốc đã bắt đầu có những dự thảo luật được đề xuất nhằm bảo vệ quy tắc bảo mật các thông tin đó.
Không có đặc quyền bảo mật giữa Luật sư và thân chủ thì họ không thể xây dựng được sự tin tưởng cần thiết để việc bào chữa có thể thực hiện một cách hữu hiệu nhất. Nếu người dân không được hưởng quyền được bào chữa một cách tốt nhất thì các bản án oan sai vẫn và sẽ tiếp tục xảy ra.
Đây chính là một sự bất cập khác mà khoản 3 của Điều 19, BLHS 2015 mang lại, và đó là lý do điều này phải được sửa đổi, hoặc tốt hơn hết, là xóa bỏ.
Tài liệu tham khảo:
Q.V.
NỖI TỦI HỔ
LS LÊ VĂN LUÂN/ BVN 2-6-2017
Điều tôi thấy xấu hổ và tủi thẹn là khi đọc những dòng viết, sự lên tiếng phân tích và phản đối của một người Nhật Bản về vấn đề buộc Luật sư tố giác thân chủ của mình tại Điều 19 khoản 3 Dự thảo BLHS 2015 mà nó đang gây choáng váng không chỉ cho những người hành nghề yêu nghề trong nước mà còn gây ra sự bàng hoàng cho cả những chuyên gia quốc tế nữa.
Tôi thấy tủi hổ vì một người của quốc gia khác đã lên tiếng liên tiếp trước sự phi lý của một điều luật của một đất nước khác. Và anh ấy cho rằng, đừng phân biệt anh ấy là người Nhật Bản hay người Việt Nam, mà là vì anh ấy chỉ lên tiếng bởi đó là quyền con người cần được bảo vệ. Đó là những lời nói càng khiến tôi thấy xấu hổ vô vàn, và tôi hiểu vì sao đất nước họ trở thành cường quốc thế giới, tại sao đất nước Nhật mỗi người dân Nhật lại là một "quốc dân Nhật". Vì đi đâu, ở đâu và với ai, họ cũng biết hành động để bảo vệ những giá trị của và thuộc về con người.
Tôi tủi thẹn vì ngay cả những người Việt Nam, những người hành nghề luật là người Việt Nam, cũng tỏ ra thờ ơ và không mấy mảy may hay băn khoăn gì đối với điều khoản này trong BLHS mà sắp được bấm bút thông qua vào 20/06/2017 tới đây.
Tôi tủi thẹn vì thấy một người Nhật lại lên tiếng và bằng sự hiểu biết, bằng tấm lòng của mình, không chỉ với điều luật nhỏ mọn đó, mà là lên tiếng bảo vệ công lý, lẽ quân bình và quyền con người khi thấy một điều luật xâm phạm vào mà có xu thế tước bỏ nó đi. Anh ấy là người Nhật, và đương nhiên chẳng quan trọng đối với anh ấy nếu điều luật này được thông qua [ở Việt Nam]. Nhưng anh ấy lên tiếng với nghĩa vụ của lương tri và lòng trung thành với luật pháp văn minh, với việc bảo vệ quyền con người mang tính phổ quát. Đó là điều làm nên Nhật Bản như bây giờ.
Ông Fukuzawa và nhóm trí thức cách nay gần 150 năm đã có công lớn khiến cho quốc gia mặt trời mọc này trở thành một cường quốc mà thế giới luôn phải trầm trồ học hỏi như ngày nay. Họ xây dựng nền tảng văn minh đó từ thời Minh Trị, vào cuối những năm 1870s của thế kỷ 19. Và thành quả bây giờ đã hiện hữu, không gì có thể quý giá và đáng nói hơn những lời thán phục.
Hirota Fushihara, tôi xin mạn phép được tag tên anh vào trong bài viết này để tỏ lòng quý trọng với anh. Mặc dù anh không có nghĩa vụ phải lên tiếng đối với luật pháp nước tôi, nhưng anh đã làm ngược lại, anh đã khiến tôi hổ thẹn vô cùng khi đứng trên đất nước mình trong sự chứng kiến những tiếng kêu yếu ớt và thưa thớt, gần như chẳng có chút trách nhiệm nào từ phía người dân, từ phía những người hành nghề mang danh Luật sư, luật gia hay những người nghiên cứu, giảng dạy luật.
Xin hãy nhận của tôi một lời trân kính và cả nỗi tủi hổ riêng của tôi dành cho Ông. Xin cảm ơn ông đã luôn đồng hành và lên tiếng cùng chúng tôi trong vấn đề quan trọng này.
Nguồn: FB Luân Lê
LUẬT SƯ TỐ GIÁC THÂN CHỦ- ĐỪNG LOAY HOAY 
GIỮA NHỮNG NGỤY BIỆN
BÙI PHÚ CHÂU/ BVN 2-6-2017
Hãy bắt đầu từ những mô hình cơ bản
Chắc không cần mô tả nhiều về cuộc tranh luận đang sôi nổi giữa Quốc hội của chúng ta những ngày này. Cuộc tranh luận nhiều khi bị ngôn từ và trạng thái tâm lý của những người tranh luận đẩy đi quá xa bản chất của nó. Tóm gọn lại trong một câu hỏi mà những nhà lập pháp đang muốn trả lời: Nếu anh cho rằng thân chủ của mình có dấu hiệu phạm tội, là Luật sư, anh có tố cáo không?
Câu trả lời là không. Chắc chắn là không.
Hãy bắt đầu từ những nguyên tắc lập quốc cơ bản của chúng ta. Nhà nước được nhân dân dựng nên. Được nhân dân trao cho phối hợp thực hiện các quyền, trong đó có quyền tư pháp – (hiểu đơn giản là công tố – đưa công dân ra xét xử). Cùng với đó, Hiến pháp được Quốc hội – những đại biểu của nhân dân soạn ra để giới hạn quyền lực của bộ máy nhà nước, không để Nhà nước vượt quá quyền hạn, xâm phạm vào những quyền con người cơ bản của công dân. Và như thế – một hệ thống quan hệ Nhà nước - nhân dân ra đời, hoạt động với một mục đích đơn giản nhất: phục vụ nhân dân – những người đã dựng nên Nhà nước.
Tất nhiên, mô hình này tạo ra tính cân bằng cần thiết giữa Nhà nước và toàn thể nhân dân nói chung. Nhưng, với mỗi cá nhân nói riêng, tính cân bằng đó không còn nữa. Trước quyền lực to lớn của Nhà nước, nếu bị Nhà nước thực hiện quyền công tố, mỗi cá nhân không hề có cách gì kháng cự. Và vì thế, chế định Luật sư ra đời.
Về bản chất, Luật sư phải được đặt ở vị trí đối trọng với quyền công tố của Nhà nước. Nếu Luật sư đứng cùng phía với Nhà nước trong quá trình công tố thì trước hết Luật sư không cần phải tồn tại làm gì. Và quan trọng hơn, nguyên tắc lập quốc cơ bản cũng đã bị phá bỏ, tính cân bằng Nhà nước - Nhân dân không còn, bởi thay vì lập nên Nhà nước để phục vụ quyền lợi của mình, nhân dân đã lập nên một cơ chế có thể tước bỏ quyền của mình bất kỳ lúc nào.
Là luật sư – là công dân
Những người ủng hộ việc Luật sư tố cáo thân chủ của mình đã dựa trên một khái niệm rất cao cả: «Nghĩa vụ công dân».
Xin hãy nhớ rằng, «công dân» là để chỉ trạng thái tồn tại của cá nhân trong quan hệ Nhà nước - Nhân dân, như đã nói ở phần trên. Có nghĩa là, «Nghĩa vụ công dân» tức là nghĩa vụ làm đúng vai trò của mình trong quan hệ Nhà nước - Nhân dân. Đối với công dân nói chung, nghĩa vụ đó có thể là nghĩa vụ bầu cử – lập ra Nhà nước của mình, nghĩa vụ giám sát – giám sát Nhà nước của mình hoạt động. Còn với tư cách Luật sư, làm đúng «nghĩa vụ công dân» là phải luôn luôn giữ mình đúng với vai trò Luật sư, luôn luôn ở thế đối trọng với quyền công tố của Nhà nước. Nếu đứng về phía Nhà nước trong quá trình công tố thì chính Luật sư đang vi phạm nghĩa vụ công dân mà nhân dân đã giao cho mình.
Quay lại với thực tế hoạt động Luật sư, «thân chủ của tôi vô tội» luôn luôn là kết luận và tâm niệm của một Luật sư chân chính. Bởi vì chỉ một giây Luật sư buộc tội thân chủ của mình, thì có nghĩa anh đã không còn là Luật sư nữa rồi.
An ninh quốc gia?
An ninh quốc gia bị xâm phạm, trước hết phải hiểu là những giá trị lập quốc cơ bản của chúng ta bị phá bỏ. Hay nói thẳng vào vấn đề: Khi Luật sư tố cáo thân chủ của mình – đó chính là an ninh quốc gia bị xâm phạm. Bởi lúc đó không còn ai bảo vệ Nhân dân trước sức mạnh công tố của Nhà nước nữa và hệ thống tư pháp sẽ chỉ hoạt động với một quy trình duy nhất: công tố – kết tội – hành hình!
«An ninh quốc gia» lại là một khái niệm cao cả nữa mà những người tranh luận nhắc tới. Cảm giác nguy hại mà nó tạo ra là vô cùng lớn. Và như thế, thật dễ dàng để buộc tội Luật sư nếu : «bởi vì Luật sư không tố cáo thân chủ mà an ninh quốc gia bị xâm phạm».
Nhưng hãy nghĩ lại, Nhân dân đã trao cho Nhà nước quyền lực quân đội, quyền lực công an, quyền lực công tố bao gồm cả bắt giữ và nếu chẳng may, «an ninh quốc gia» bị xâm phạm, lại là lỗi của Luật sư? Phải nói thật rằng, thực tế hoạt động không cho Luật sư nhiều thông tin hơn những gì cơ quan điều tra ghi và công tố ghi trong hồ sơ. Những gì Luật sư biết thêm là từ lời khai của thân chủ, và thật ấu trĩ khi chỉ từ những lời khai đó mà bắt Luật sư phải tư duy để kết luận thân chủ đang phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, đang chuẩn bị xâm phạm an ninh quốc gia. Và thật buồn cười làm sao khi Luật sư cứ nghe được bất kỳ điều gì từ thân chủ (ví dụ như một thân chủ ranh ma và thích đùa!) lại lon ton chạy đi báo cho cơ quan công tố!
Và ngụy biện ở đây là những người tranh luận đã đưa ra một khái niệm to tát «an ninh quốc gia» để dễ dàng buộc tội Luật sư và che giấu đi bản chất thật sự «an ninh quốc gia» đang bị xâm phạm là gì? Nghĩa là chúng ta rõ ràng là đang đánh đổi, cố công bảo vệ một khái niệm mơ hồ để xâm phạm chính những điều thực tế đáng ra là quan trọng nhất.
Và cuối cùng, người viết bài này tin rằng, để bảo vệ «an ninh quốc gia», để «an ninh quốc gia» không bao giờ có thể bị xâm phạm, trước hết, Nhà nước bao gồm toàn bộ bộ máy của mình phải làm đúng với những nguyên tắc lập quốc cơ bản: Phục vụ Nhân dân. Để không có kẽ hở nào cho những kẻ có ý đồ xấu lợi dụng, và quan trọng hơn, lúc đó chính Nhân dân với sức mạnh to lớn của mình, đứng lên bảo vệ Nhà nước.
B.P.C.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét