Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

20170603.BÀN VỀ QUẢN LÝ NỢ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

ĐIỂM BÁO MANG
'GẠT' NỢ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC RA KHỎI NỢ CÔNG ĐỂ TRÁNH Ỷ LẠI
MAI ANH/ GDVN 3-6-2017
Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) được thảo luận trên nghị trường Quốc hội thu hút sự quan tâm của dư luận - ảnh minh họa/ nguồn Báo Tuổi Trẻ.
“Gạt” nợ doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi nợ công
Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) không chỉ là vấn đề nóng trên nghị trường Quốc hội những ngày qua mà còn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Sở dĩ nợ công nhận được sự quan tâm lớn bởi con số nợ công chúng ta đang ngày một phình to, kèm theo đó là gánh nặng trả nợ.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính đến cuối năm 2016, nợ công nước ta ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu Ngân sách Nhà nước.
Nguyên nhân khiến nợ công nước ta ở mức cao và gia tăng do Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài, đến khi doanh nghiệp thua lỗ, Chính phủ buộc phải đứng ra trả nợ.
Vấn đề được quan tâm hiện nay là việc: Có nên “gạt” nợ doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi nợ công?
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Tôi nhất trí với quan điểm không đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công để doanh nghiệp Nhà nước phải tự chịu trách nhiệm.
Đồng thời tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế thị trường cũng như hạn chế tính ỷ lại vào Chính phủ của doanh nghiệp Nhà nước khi làm ăn kém hiệu quả hay thua lỗ”.
Nợ doanh nghiệp Nhà nước hiện nay đang mức cao, báo cáo ngày 11/1/2015 của Chính phủ cho thấy, nợ nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lên đến hơn 300 nghìn tỷ đồng. 
Trong đó, vay ODA của Chính phủ 117.986 tỷ đồng, vay lại nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 124.104 tỷ đồng và các tập đoàn tổng công ty tự vay tự trả là 91.879 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ bảo lãnh rất cao.
Tiến sĩ Hồ phân tích, doanh nghiệp Nhà nước có nhiều vấn đề dẫn tới làm ăn không hiệu quả cần phải cải cách. Tiêu biểu là 12 dự án thua lỗ yếu kém của ngành Công Thương. Trong 12 dự án hiện nay 6 dự án đã dừng lại rồi, 6 dự án đang phải xử lý. 
Yếu kém của doanh nghiệp Nhà nước như vậy nếu đưa nợ của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công đồng nghĩa hàng năm Chính phủ phải chi thêm ngân sách để trả nợ.
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ảnh: H oàng Lực
“Trong Luật quản lý nợ công (sửa đổi) cần quy định không đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công, điều đó có nghĩa từ nay về sau doanh nghiệp Nhà nước phải tự vay phải tự trả, Chính phủ không trả nợ thay. 
Trường hợp doanh nghiệp cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm đồng thời tính đến phá sản, bán tài sản của doanh nghiệp để trả nợ. Trong trường hợp bán tài sản vẫn không đủ trả nợ Nhà nước mới vào cuộc xử lý.  
Tuy nhiên với khoản vay tồn tại từ trước đây do chưa quy định rạch ròi nên cũng cần phải tính toán trách nhiệm của nhà nước ở trong đó”, Tiến sĩ Hồ cho biết. 
Giảm bảo lãnh Chính phủ
Cũng liên quan đến vấn đề dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng khoa Chính sách công (Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Trong bối cảnh nợ công ngày càng cao và vấn đề quản lý nợ công còn nhiều bất cập thì việc Quốc hội thảo luận tiến tới ban hành Luật quản lý nợ công (sửa đổi) rất cần thiết. Trong đó cần phải quy định rõ không đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công”.
Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ cho rằng, nợ doanh nghiệp Nhà nước hiện đang ở mức báo động, sắp xếp như thế nào trong bối cảnh nợ công quốc gia tăng, ngân sách eo hẹp là vấn đề không dễ giải quyết.
Theo Phó Giáo sư Thọ hiện đang có hai quan điểm: Thứ nhất, “gạt” nợ doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi nợ công để giảm nợ công quốc gia, giảm gánh nặng trả nợ;
Thứ hai, doanh nghiệp Nhà nước đều do Nhà nước quyết hết từ nhân sự cho đến chiến lược sản xuất kinh doanh thậm chí còn phải làm nhiệm vụ chính trị - xã hội... Cho nên hiệu quả kinh doanh ra sao Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm.
“Hai quan điểm mỗi cái đều có lý lẽ riêng, tuy nhiên cần phải phân tách các khoản nợ doanh nghiệp Nhà nước từ trước đến khi Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) ra đời và sau khi luật chính thức ban hành để xử lý giải quyết.
Theo tôi với khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước trước đây do không rạch ròi trách nhiệm trả nợ nên khi “con vay” – tức doanh nghiệp Nhà nước đi vay thì cuối cùng “bố, mẹ” - chính là Nhà nước vẫn phải lo lắng. 
Trong việc xử lý khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước trước đây cần làm rõ và xử lý trách nhiệm cá nhân đứng đầu doanh nghiệp, trách nhiệm của bộ, ngành quản lý doanh nghiệp.
Khi xử lý nợ nên phân loại khoản nợ và căn cứ vào tình hình của doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, dự án quá yếu kém nên tính đến cho phá sản, thanh lý tài sản để trả nợ.
Riêng với khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước từ nay về sau, trừ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh còn lại doanh nghiệp phải tự vay, tự trả, Chính phủ không có trách nhiệm trả nợ thay”, Phó Giáo sư Thọ cho biết.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng khoa Chính sách công (Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - ảnh: Hoàng Lực.
Theo Phó Giáo sư Thọ, sở dĩ nợ công quốc gia tăng vì Chính phủ đang bảo lãnh vay nợ nước ngoài cho doanh nghiệp Nhà nước quá nhiều.
Báo cáo của Bộ Tài chính ngày 1/3/2017 cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2015, tổng trị giá cấp bảo lãnh Chính phủ đạt 568,5 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp, ngân hàng chính sách tiếp cận được với các nguồn vốn vay dài hạn trong và ngoài nước thực hiện chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư lớn. 
Phó Giáo sư Thọ chỉ rõ, hầu hết các dự án đầu tư mà Chính phủ bảo lãnh thời gian qua đều là những dự án của doanh nghiệp Nhà nước. Trong khi đó, rất nhiều dự án của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, thua lỗ lớn.
Điển hình như việc Chính phủ phải bảo lãnh nợ Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC - tiền thân của Vinashin) dự kiến nợ dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới lên tới 63,2 nghìn tỷ đồng.
Tương tự là dự án bột giấy Phương Nam, sau 10 năm đầu tư số tiền gần 3.000 tỷ đồng đầu tư trong đó bao gồm vốn vay trong nước 1.952 tỷ đồng và vốn vay nước ngoài là 968 tỷ đồng - do Bộ Tài chính bảo lãnh đến nay dự án không có khả năng thu hồi vốn và Chính phủ đang phải trả nợ thay cho dự án.
Bên cạnh việc gây ra nợ công tăng cao, bảo lãnh nợ còn cho doanh nghiệp Nhà nước còn tạo nên sự bất công bằng trong cộng đồng doanh nghiệp, mất công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
“Bên cạnh quy định không đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) cũng cần quy định để giảm tối đa bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp Nhà nước đi vay vốn”, Phó Giáo sư Thọ nói.
Mai Anh

VỀ QUẢN LÝ NỢ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

VŨ QUANG VIỆT/ viet-studies 1-6-2017

Dự án Luật Quản lý Nợ Công nếu chỉ tập trung vào nợ chính phủ thì cũng tốt, nhưng thế nó chỉ mới xem xét một phần nhỏ của một tảng băng chìm có thể đưa nền kinh tế tới khủng hoảng lớn trong tương lai.   Tảng băng chìm (thật ra là nổi) là nợ của DNNN, nợ của Qũy bảo hiểm xã hội và Qũy bảo hiểm y tế và các quỹ tài chính khác, nợ của các đơn vị sự nghiệp công, tức là thuộc chính phủ như trường học, nhà thương, v.v.. đều là nợ tự vay tự trả của các đơn vị trên không thuộc ngân sách. Vậy nó có thuộc  trách nhiệm của nhà nước không? Và nếu là thuộc trách nhiệm thì phải làm sao để những khoản nợ của chúng không thể là các khoản tự quyết như của tư nhân?
Dự án cho rằng định nghĩa nợ công như trên là theo thông lệ quốc tế, và trích dẫn hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới  cho rằng  chỉ tính nợ tự vay tự trả của DNNN vào nợ công nếu thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện (i) Chính phủ sở hữu trên 50% vốn của doanh nghiệp; (ii) hoạt động thu chi của DNNN được kết cấu trong dự toán NSNN hàng năm; và (iii) Chính phủ cam kết trả nợ thay trong trường hợp các doanh nghiệp mất khả năng trả nợ.
Đúng như thế, cho đến năm 2008, trước khi Hệ Thống Tài khoản Quốc gia ra đời, khu vực công (public sector) và nợ công (public debt) đã được nhìn nhận như là khu vực chính phủ và nợ chính phủ, và do đó chỉ tính nợ tư mà chính phủ bảo lãnh vào nợ chính phủ.  Hệ thống Tài khoản quốc gia của LHQ mà Ngân hàng Thế giới cũng tham gia soạn thảo vẫn chưa áp dụng nguyên tắc mới và NHTG đã quên chữ đã ký. Do đó, cái mà Việt Nam vẫn tiếp tục thực chất vẫn chỉ là nợ chính phủ, chứ không phải nợ công. Tại sao nếu chưa áp dụng định nghĩa mới về khu vực công thì cũng nên gọi cho chính danh: đó chỉ là nợ chính phủ và chính phủ bảo lãnh.
Ở các nước, DNNN rất nhỏ bé, thậm chí không có. Nhưng ở Việt Nam thì cực kỳ lớn và nhận được nhiều ưu đãi cho nên cần phải có cơ quan theo dõi chúng, có thông tin minh bạch, về hiệu quả kinh doanh và về nợ. Vậy thì cơ quan nào có trách nhiệm báo cáo thường xuyên và đầy đủ về khu vực DNNN?
Có thể nói, hiện nay vẫn không có một báo cáo chính thức nào về nợ của toàn khu vực DNNN ở Việt Nam, cũng không thấy có thông tin minh bạch về tín dụng ngân hàng cung cấp cho khu vực này.  Ta hãy thử xem xét thông tin về khu vực DNNN này.
Nợ Doanh Nghiệp Nhà Nước
Các tuyên bố của giới chức nhà nước chưa bao giờ cho thấy tổng số nợ của DNNN. Thông tin mới nhất có thể tìm thấy là bài đăng trên Thời báo Tài chính (24/10/2016) có nói là theo Báo cáo của Chính phủ cho Quốc hội, nợ của DNNN năm 2015 là 1.5 triệu tỷ đồng, nhưng đây chỉ nợ tính cho 103 TĐ, TCT.  Và nếu cộng thêm cả công ty con của các TĐ, TCT trên thì theo báo cáo lên tới 2.8 triệu tỷ, tức là cao hơn con số thường được nói tới là 87%.  Đây có lẽ là lần đầu con số nợ của công ty con được cộng vào.
Con số nợ như thế là quá nhỏ, so với tổng số nợ dựa vào Điều tra Doanh nghiệp của  Tổng cục Thống kê cho thấy nợ của DNNN ngay trong năm trước đó là năm 2014 đã là 4.9 triệu tỷ, tính ra là 231 tỷ US, bằng 125% GDP.
Cộng thêm nợ của chính phủ và nợ của DNNN theo tôi ước tính lên đến 200% GDP, đó là chưa kể nợ của doanh nghiệp tư nhân.
Tín dụng và trái phiếu
Dựa vào các nguồn khác như tín dụng ngân hàng, vay nước ngoài và trái phiếu cũng có thể tính được nguồn chính số nợ của DNNN, tất nhiên là khó tính được các khoản phải thu cần phải tính thêm vào. Theo ông Phó Thống đốc ngân hàng, tín dụng cho DNNN chỉ còn 15-17%, tin tốt đến mức khó tin như thế chứng tỏ rằng NH đã cấp đến 85% tín dụng cho tư nhân, một vấn đề mà NHNN bị chỉ trích là ưu đãi DNNN, thế thì tại sao không công bố chính thức và thường xuyên? Không thể tìm thấy thông tin về tín dụng trên mục Thống kê của NHNN.
Thông tin thường xuyên về tín dụng ngân hàng, đặc biệt là tín dụng cung cấp cho  DNNN,  doanh nghiệp tư nhân, cá nhân và chính phủ là cần thiết để theo dõi chính sách. Mà đây là trách nhiệm của NHNN. NHNN có cung cấp cho Ngân hàng châu Á nhưng muộn 1 năm và cũng không chi tiết về tín dụng cho DNNN, nhưng thế vẫn còn đầy đủ hơn nhiều so với thông tin do NHNN phổ biến cho người VN.      
Tại sao cần biết về nợ của mọi khu vực trong nền kinh tế?
Bất cứ người làm ăn hay nhà kinh tế nào cũng biết rằng khi nợ quá đáng, người đi vay đàng hoàng sẽ ngần ngại đầu tư mới và cần tập trung dùng thu nhập để trả nợ, Nền kinh tế Nhật bị đình đốn cả hai chục năm nay cũng chỉ vì tỷ lệ nợ trên GDP quá cao, hiện nay vẫn là 250%.  Một số nước khác cũng đang rơi vào hoàn cảnh này đó là Greece 183%. Mỹ cũng có lúc rất khó khăn lớn và vẫn còn khó khăn vì phải tăng nợ nhà nước để cứu khu vực ngân hàng, dù hiện nay đã giảm xuống 100% GDP. Lời khuyên chuyên gia là không nên để nợ cao hơn 90%. Lý do rất dễ hiểu là nếu như GDP tăng 5% mà nợ bằng 100% GDP thì giả thiết không có lạm phát,  lãi suất là 5% thì phần tăng GDP chỉ đủ để trả lãi nợ, trừ trường hợp dùng biện pháp lạm phát phi mã để xóa nợ. Nếu chỉ là nợ trong nước thì việc trả nợ là lấy tiền người này bỏ túi người kia mà thôi. Tuy nhiên người được tiền bỏ túi thường là giới tài chính trung gian.   Họ giầu lên trong khi người lao động bình thường nghèo đi. Đó là điều đã xảy ra trên khắp thế giới, nhất là từ 1990 đến nay. Đó là cuộc phân phối lại lợi tức chưa từng có sau thế chiến thứ hai. Lý do dân lao động Mỹ không có việc phản kháng bỏ phiếu cho Trump cũng vì thế.
Có thể thấy tình hình nợ của Việt Nam trên 200% là đã đến mức báo động. Chính phủ quyết DNNN là tự vay tự tiêu, nhưng có thật không? Và khối ung nhọt này cần được theo dõi kỹ thì việc minh bạch thông tin, và việc giao trách nhiệm công bố nợ và hiệu quả của toàn khu vực DNNN là cần thiết.     
Lời nói thêm về kỹ thuật
Vấn đề thứ nhất:  Thật khó hiểu về câu viết này: ”Các khoản nợ hoàn thuế GTGT và nợ tạm ứng xây dựng cơ bản là nợ phát sinh trong năm hoặc trong điều hành ngân sách thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Theo thông lệ quốc tế, đây không phải là khoản vay nợ vì không có bên vay, bên cho vay và không phát sinh nghĩa vụ phải hoàn trả của đối tượng sử dụng vốn. Vì vậy, không tính các khoản tạm ứng và khoản nợ tạm thời này vào nợ công.”  Thật lạ, trừ trường hợp người viết hiểu sai, thông lệ kế toán là khoản phải trả mà chưa trả là nợ và phải ghi là nợ. Đã xây dựng xong, mà nhà nước chưa trả thì phải ghi là phải trả, chứ không phải ghi vào khoản chuyển sang năm sau giải quyết.
 Vấn đề thứ hai:    Quĩ bảo hiểm xã hội là “quỹ ngoài ngân sách, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước.” Ở đây không phải chỉ nói tới loại vấn đề thứ nhất, là nếu không đủ tiền trả, mà Qũi bảo hiểm xã hội mượn để  trả, thì phải ghi là nợ của Quĩ không phải của ngân sách. Lạ thật. Khi người ta đi làm việc, đặc biệt là nhân viên hành chính quân đội, đóng bảo hiểm, và có hợp đồng rõ ràng là được hưởng lương dựa vào số năm làm việc và lương những năm cuối cùng trước khi về hưu (có thể lên tới 75% lương) thì nhà nước phải trách nhiệm, trách nhiệm này kéo dài cho đến khi người nghỉ hưu mất.  Đây là vấn đề mà nhà nước Mỹ lo sốt vó vì số nợ này quá lớn. Thế mà VN không muốn ghi.  Nguyên tắc là chỉ không ghi nếu Quĩ bảo hiểm là hoàn toàn độc lập, người đóng hay không là quyền của họ, và tiền chi ra chỉ dựa vào số tiền thu được và lợi nhuận khi đem số tiền đóng góp ra đầu tư. Đây là quĩ hưu trí tư nhân chứ không phải quĩ bảo hiểm xã hội.
 TRONG THỰC TẾ CHƯA CÓ KHOẢN NỢ NÀO CỦA DNNN MÀ NHÀ NƯỚC KHÔNG PHẢI TRẢ
MINH QUÂN/ BVN 3-6-2017
 

Thảo luận tại tổ về vấn đề nợ công trong Luật quản lý nợ công (sửa đổi) chiều ngày 30/5, theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội đã tiết lộ một sự thật mà trước đây, đặc biệt dưới thời Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, chưa bao giờ hé môi.
Ông Nguyễn Đức Kiên lấy ví dụ Vinashin vay của Credit Suisse hơn 600 triệu USD hồi năm 2007-2008, nhưng sau đó Nhà nước lại phải trả dù khi vay là theo cơ chế doanh nghiệp nhà nước vay và trả. Vấn đề nói là vậy nhưng trong thực tế chưa có khoản nợ nào của doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không phải trả. Ngay như vụ ở Xi măng Cẩm Phả cũng không trả được phải chuyển cho Viettel để Viettel trả. Hay như các dự án vay của ngân hàng trong nước thì cũng phải trả, vì đó là tiền ngân hàng huy động của dân.
Cần lưu ý, Nguyễn Đức Kiên dù là một quan chức nhưng có sự khác biệt khá nhiều với đại đa số quan chức khác, nghĩa là thỉnh thoảng ông có được một số phản biện có ý nghĩa về tình trạng tài chính - ngân sách.
Nhìn lại thời gian từ năm 2011 đến năm 2015 - thời điểm kết thúc sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng, đà vay mượn nước ngoài tăng tiến không ngừng nghỉ đã khiến nợ công tăng vọt và nợ vay của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng tăng chóng mặt.
Dưới thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc Chính phủ bảo lãnh cho tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay vốn của nước ngoài diễn ra tràn lan và vô tội vạ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, có ít nhất 30% số doanh nghiệp nhà nước luôn phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Về sau này, chính các cơ quan Chính phủ và Quốc hội đã phải xác nhận rằng tốc độ tăng nợ công từ 2010- 2015 tăng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Vào thời điểm sát Đại hội XII cuối năm 2015, Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn cố “khuôn” nợ công quốc gia chỉ khoảng 59% GDP, để từ đó vẫn đưa ra những lời hô hào “còn dư địa để vay nước ngoài”, vẫn tiếp diễn những ca khúc về các dự án khổng lồ “đường sắt cao tốc Bắc Nam” với vốn đầu tư lên đến hơn 50 tỷ USD, “đường bộ cao tốc Bắc Nam” với giá trị ban đầu lên đến 10 tỷ USD, và cả nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với giá trị đầu tư phát sinh tuy chưa làm gì cả đã lên đến 20 tỷ USD…
Chỉ đến sau Đại hội XII, khi ông Nguyễn Tấn Dũng bất ngờ “ngã ngựa”, không những bị loại khỏi Bộ Chính trị mà còn chẳng trụ nổi trong Ban Chấp hành trung ương đảng, làn sóng “mở miệng” của giới quan chức “còn đảng còn mình” mới thấp thoáng. Theo đó, tỷ lệ nợ công quốc gia dần được “điều chỉnh” nhích lên và gần đây nhất là đã “sát ngưỡng nguy hiểm 65% GDP”.
Nhưng theo một phân tích mới nhất của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ Chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ công năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.
Tình thế đã thê thiết đến mức vào đầu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã lần đầu tiên phải dùng đến một cụm từ đặc biệt nhạy cảm chính trị mà trước đó không một cấp lãnh đạo nào dám sử dụng: “sụp đổ tài khóa quốc gia”.
Tiết lộ của ông Nguyễn Đức Kiên về “nhà nước trả nợ thay” một lần nữa xác nhận tình trạng Chính phủ thời Nguyễn Tấn Dũng đã sử dụng vô tội vạ ngân sách - tiền đóng thuế của dân - để cứu vớt nhiều doanh nghệp “ăn của dân không chứa thứ gì”. Thậm chí vào cuối thời Nguyễn Tấn Dũng còn phát sinh luận điệu từ Ngân hàng nhà nước (nơi cựu Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã trở thành ủy viên bộ chính trị - Trưởng ban Kinh tế trung ương) về “dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.
M.Q.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét