Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

20170620. PHẢN BIỆN BÀI BÁO CỦA HOÀNG LỆ/ TBVN TP.HCM

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGHIÊN CỨU - PHÊ BÌNH - TRAO ĐỔI

Viện Phan Chu Trinh – một tổ chức đáng nghi ngờ

HOÀNG LỆ/ TBVN TPHCM 9-6-2017



Viện Phan Chu Trinh vừa được thành lập ngày 7/2/2017 thì ngay lập tức, Phạm Chí Dũng – quản trị của Hội nhà báo độc lập đã lên tiếng phê phán và được VOA đăng tải công khai ngày 22/2 với tiêu đề “Viện Phan Chu Trinh có hướng đến tinh thần Phan Chu Trinh”. Và cũng ngay lập tức, Bùi Minh Quốc – một “nhân sĩ trí thức” có nhiều bài đăng tải với ý vị chống Nhà nước trên các trang như Bauxite Việt Nam, Văn Việt… đã vội lên tiếng bênh vực “Viện Phan Chu Trinh, Nguyên Ngọc, tôi tin”. Thông qua cuộc tranh cãi này, ta có thể thấy không chỉ có phe dân chủ vô học đang đánh nhau mà cả dân chủ có học cũng đang thanh trừng nhau. Nhưng sự việc không chỉ dừng ở đây. Liên tục trên các mạng xã hội và những bài viết trên blog, các phát biểu trong các video clip, nhiều vấn đề của Viện Phan Chu Trinh do ông Nguyên Ngọc và Chu Hảo cầm đầu đã được dư luận phân tích, làm rõ sự nguy hiểm đối với trật tự xã hội của nó.

Buôn bán cổ nhân
Phan Chu Trinh là một chí sĩ yêu nước của Việt Nam vào hồi đầu thế kỷ XX, tuy nhiên cần phải nói rõ, việc buôn bán tư tưởng của nhà yêu nước Phan Chu Trinh cho những mục đích xấu xa không phải bây giờ mới có. Trước đây vài năm, lớn tiếng tuyên bố khai giảng khóa đầu của trường Đại học Phan Chu Trinh do ông Nguyên Ngọc làm hiệu trưởng, ông Chu Hảo làm hiệu phó như một mô hình đào tạo mới, tự do và dân chủ, hai ông đã tưởng đó sẽ là một nơi đào tạo cán bộ đấu tranh của hai ông. Ai ngờ, mô hình này thất bại thảm hại vì lượng sinh viên quá ít, chương trình học không thực tế và gặp nhiều vấn đề về tài chính dù đã bỏ không ít công sức đi ngửa tay xin tiền các bên trong và ngoài nước. Và ngay trong năm 2016, trường Đại học Phan Chu Trinh đóng cửa, mặt bằng bị thu hồi. Trường Đại học Phan Chu Trinh đã đóng cửa, thay vào đó hóa thân thành Viện Phan Chu Trinh để tiết kiệm tài chính và các nguồn lực nhân sự, lại vẫn được tiếng tốt là tổ chức học thuật. Quảng bá Viện Phan Chu Trinh chẳng qua chỉ để xóa đi cái sự kiện đau lòng đối với Nguyên Ngọc và Chu Hảo, đó là ngôi trường đã bị đóng cửa.
Cùng với trường Đại học Phan Chu Trinh, Quỹ Phan Chu Trinh cũng là một trò về buôn bán tên tuổi nhà yêu nước. Quỹ Phan Chu Trinh là một quỹ trao giải cho các sách hay được xuất bản hàng năm liên quan đến chủ đề nghiên cứu học thuật. Thế nhưng, quỹ này đa phần không trao hay khuyến khích các nghiên cứu học thuật có tính khoa học mà chỉ trao cho các nghiên cứu học thuật mang tính chính trị (có thể là bản thân công trình hoặc tác giả) mà toàn là các nhà chính trị “có vấn đề” với lịch sử cách mạng. Thông qua việc trao giải thưởng này, quỹ đã tác động đến giới học thuật, lái hướng nghiên cứu sang phục vụ các mục đích chính trị mà nhóm nhân sĩ trí thức này đề ra.
Nói thẳng, những hoạt động này chính là để làm sống lại cái thây ma IDS, tập hợp các trí thức bất đồng với chính quyền, viết bài trên báo chí và Internet để tạo dư luận nhằm thúc ép chính quyền theo những yêu sách họ đưa ra. Viện IDS bị giải thể do hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam. Sau đó, nhóm nhân sĩ trí thức này đã cùng nhau cổ vũ nhóm Bauxite Việt Nam, thành lập Quỹ Phan Chu Trinh để kêu gọi tiền tài trợ, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc nhưng thực ra là để gây hỗn loạn, thành lập Diễn đàn Xã hội dân sự, thành lập Văn đoàn độc lập… và đến giờ là thành lập Viện Phan Chu Trinh. Vẫn là những con người ấy, tư tưởng ấy, cách thức hoạt động ấy mà sân nào cũng đá một tí, cứ mỗi lần thất bại lại “ve sầu thoát xác”, đội lên cái lốt mới với cái tên gọi mỹ miều hơn.
Phan Chu Trinh là một chí sĩ yêu nước của Việt Nam vào hồi đầu thế kỷ XX, thế nhưng sang đầu thế kỷ XXI, cái tên của ông được nhắc đi nhắc lại như một tấm bình phong cho phong trào dân chủ ở Việt Nam với khẩu hiệu khá quen thuộc “nhân quyền”, “dân quyền”, “khai dân trí”… Để dựng lên một thần tượng thu hút quần chúng, việc chọn cụ Phan đáng kính cho thấy rõ mưu đồ tạo vỏ bọc mà chính quyền và người dân khó có thể lên án, nhằm thúc đẩy một mô hình dân chủ cải lương hay còn gọi thẳng ra là ngụy dân chủ. Cách thức này không khác mấy phong trào chống dự án Bauxite của nhóm ông Huệ Chi cũng núp dưới ủng hộ ý kiến của tướng Võ Nguyên Giáp để thúc đẩy hình thành phong trào đối lập vậy. Đi đầu trong phong trào ngụy dân chủ này là các trí thức thuộc Viện IDS cũ.
Quỹ Phan Chu Trinh là bước đi đầu tiên của chiến lược này. Quỹ này hỗ trợ học thuật chỉ là vỏ bọc, trên thực tế chủ yếu làm 2 mục đích. Mục đích thứ nhất là tạo biểu tượng Phan Chu Trinh gắn liền với công cuộc “khai dân trí” (thực chất thúc đẩy đi theo mô hình dân chủ phương Tây). Mục đích thứ hai là hợp lý hóa ngân sách để nuôi một đội ngũ trí thức chống đối chính quyền. Nếu nhìn lại danh sách các trí thức được giải của Quỹ Phan Chu Trinh, ta sẽ thấy rằng họ đều công khai hoặc ngầm ẩn tỏ thái độ bất bình với chính quyền. Quỹ Phan Chu Trinh còn hỗ trợ các nhóm “chém gió” trẻ tuổi tổ chức các sự kiện tại VUSTA 53 Nguyễn Du do ông Chu Hảo dìu dắt để truyền bá tư tưởng chống đối, mạo nhận là tinh thần Phan Chu Trinh.
Khi đã tập hợp được một lượng trí thức chống đối đông đảo, dù không thật sự giỏi chuyên môn nhưng rất giỏi chém gió, một loạt những hoạt động ồn ào khác được dấy lên. Nào là sự ra đời của Diễn đàn Xã hội Dân sự, nào là Ban vận động Văn đoàn độc lập, hết góp ý Hiến pháp không dựa trên cơ sở lý luận khoa học, lại vận động bầu cử phi pháp, rồi lại đến xuất bản sách ngoài luồng… Những trí thức này không bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để kêu gọi một đám đông gắn mác “nhân sỹ trí thức” (không ít chẳng có tí chữ nghĩa nào cũng như chưa bao giờ hành nghề liên quan đến trí thức) để gây sức ép với chính quyền, ép chính quyền phải thực hiện các yêu sách của họ, ép chính quyền cho họ ngang nhiên nhận tiền của các thế lực chính trị nước ngoài. Họ tự thành lập một “thinktank”, nhưng “thinktank” này không đặt quyền lợi quốc gia làm trọng mà chủ yếu dùng để chống đối chính quyền, và quan trọng hơn, dễ dàng thu hút các nguồn đầu tư của nước ngoài cho họ nhiều hơn. Đáng nói hơn, gắn với tên ông Nguyên Ngọc còn có Văn đoàn độc lập hay là nơi tụ tập của kẻ bất mãn, bọn chống phá, lũ chiêu hồi. Lướt qua 61 gương mặt nhà văn trương tên lần đầu trong tổ chức này, ta thấy ít nhất là 15 người đã từng vào tù vô khám vì lý do làm gián điệp cho nước ngoài, tham nhũng, lợi dụng tự do để viết bậy, vài người là chiêu hồi chạy trốn đang sống lưu vong ở nước ngoài, 12 người là gốc Việt có quốc tịch nước ngoài. Hầu hết họ đều là những người có ân oán với Dân tộc! Những nhà văn nói trên trừ Nguyên Ngọc chẳng ai có gương mặt sáng sủa và có tác phẩm nào đáng giá để cho công chúng đọc. Nếu có chăng là một vài tác giả vì “nhận thức lại” đã bị khai trừ khỏi Đảng như Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh, Hoàng Hưng… Đằng sau tất cả những điều ấy là một mưu đồ làm chính biến của những trí thức nửa vời mà Quang A, Nguyên Ngọc là tiên phong, còn Chu Hảo ở trong màn trướng chỉ huy.
Mượn danh người đã khuất để làm chính trị, núp bóng những lãnh đạo Đảng là con cháu cụ Phan đã nghỉ hưu, đây quả thực là một thứ chính trị ký sinh. Tức là sao? Tức là tự bản thân nó không sống được, phải tạo vỏ bọc, không danh chính ngôn thuận, không dám thể hiện đúng “bản chất” của mình. Bản chất của những người núp bóng cụ Phan không hề thực tâm khai dân trí, không mang lại nhân quyền, dân quyền, họ chỉ muốn biến người dân thành công cụ cho mưu đồ đen tối.
Hoàng Lệ
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 452

VĂN VIỆT/ BVN 16-6-2017

Bài [trên] đây đáng lưu giữ làm tư liệu như một bằng chứng cho thấy “cảnh sát tư tưởng” có thể bịa chuyện và vu cáo trắng trợn như thế nào. Như nói IDS “bị giải thể do hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam” trong khi thực ra Viện không bị ai giải thể, mà là tuyên bố tự giải thể (và đến nay, thủ tục giải thể vẫn chưa xong), không phải vì vi phạm pháp luật, mà là vì phản đối quyết định số 97/2009/QĐ-TTg buộc các tổ chức nghiên cứu khoa học có phản biện ngược với chính sách của Chính phủ không được công bố. Như nói sau khi IDS giải thể, nhóm nhân sĩ trí thức của IDS mới thành lập Quỹ Phan Châu Trinh, trong khi Quỹ Phan Châu Trinh thực ra thành lập năm 2006 dưới tên Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh, đến năm 2008 được đổi tên thành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mà Chủ tịch là bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, một năm trước khi IDS tuyên bố tự giải thể. Như nói Quỹ Phan Châu Trinh được thành lập là “để kêu gọi tiền tài trợ, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc”, “hợp lý hóa ngân sách để nuôi một đội ngũ trí thức chống đối chính quyền”. Như nói trong số 61 thành viên của Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam, có những người “đã từng vào tù vô khám vì lý do làm gián điệp cho nước ngoài, tham nhũng”. Như nói Mai Thái Lĩnh, Hoàng Hưng bị khai trừ khỏi Đảng trong khi hai người chưa bao giờ là đảng viên. Vân vân và vân vân.
Điều đáng nói không phải là một kẻ nói bậy, mà là lời nói bậy đó được đăng đàng hoàng trên báo chính thống mang danh tổ chức văn nghệ của TP.HCM (http://tuanbaovannghetphcm.vn/vien-phan-chu-trinh-mot-to-chuc-dang-nghi-ngo/). Nhan đề bài báo cho thấy tác giả của nó tập trung tấn công vào Viện Phan Châu Trinh – một tổ chức được thành lập hợp pháp do nhà văn Nguyên Ngọc làm Chủ tịch và bà Nguyễn Thị Bình là Chủ tịch danh dự. Qua đó, tác giả còn kết án Viện IDS, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, trang mạng Bauxite Việt Nam, Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam. Sau lời tuyên bố “không sợ đối thoại” của ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên Giáo, bài này cho thấy thực sự người ta sợ đối thoại như thế nào và không ngần ngại dùng những thủ đoạn cũ rích để bịt mồm những ai có ý kiến riêng. Nếu “đối thoại” được hiểu là buộc tất cả phải nói theo đúng sự áp đặt của nhà cầm quyền, thì “đối thoại” chỉ là “đối thọi”. Có nên nhắc một bài học  kinh nghiệm chăng? Ngày xưa, trước khi xảy ra vụ án Nhân Văn – Giai phẩm, Đảng học tập ông anh Trung Quốc, phát động phong trào “bách hoa tề phóng” (trăm hoa đua nở), kết quả nói như cụ Phan Khôi, cái vườn tưởng có trăm hoa, chỉ nở ra tuyền một loại cúc vạn thọ!
Văn Việt

TUẦN BÁO VĂN NGHỆ TP.HCM: ĐẤU TỐ CỤ PHAN 

CHÂU TRINH, XÚC PHẠM NHÂN PHẨM TRÍ THỨC

ANH VĂN/ VNTB/ BVN 19-6-2017

Kết quả hình ảnh cho bồi bút

Vào ngày 9/6/2017, Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh đã đăng tải bài viết: ‘Viện Phan Châu Trinh – một tổ chức đáng ngờ’ của tác giả Hoàng Lệ*.
Bài viết có gì?
Bài viết áp đặt rằng, ông Nguyên Ngọc đang ‘buôn bán cổ nhân’ thông qua Viện Phan Châu Trinh. Với lý do là ông từng là người sáng lập ra ĐH Phan Châu Trinh – một mô hình ‘đào tạo mới, tự do và dân chủ’; Quỹ Phan Châu Trinh là ‘một trò buôn bán tên tuổi nhà yêu nước’ khi không trao giải các nghiên cứu học thuật có tính khoa học mà ‘chỉ trao cho các nghiên cứu có tính chính trị - bản thân công trình hoặc tác giả’. Và Viện Phan Châu Trinh vẫn là ‘những con người ấy, tư tưởng ấy, cách thức hoạt động ấy’.
Tác giả cho rằng, các tổ chức trên dựng lên hình tượng cụ Phan nhằm ‘tạo vỏ bọc mà chính quyền và người dân khó có thể lên án, thúc đẩy một mô hình dân chủ cải lương hay còn gọi thẳng là ngụy dân chủ’.
Tác giả còn nhấn mạnh rằng, các tổ chức này tập hợp một ‘lượng trí thức chống đối đông đảo, không thực sự giỏi chuyên môn, nhưng rất giỏi chém gió’, và dẫn chứng là sự ra đời của Văn Đoàn độc lập’; góp ý Hiến pháp ‘không dựa trên cơ sở lý luận khoa học’; ‘xuất bản sách ngoài luồng’.
Tác giả cũng tranh thủ ‘đá’ nhóm trí thức nêu trên bằng cách, cho rằng, ‘một đám đông gắn mác nhân sĩ trí thức – không ít chẳng có tí chữ nghĩa nào cũng như chưa bao giờ hành nghề liên quan đến trí thức’ để gây sức ép với chính quyền, lập Viện nghiên cứu chiến lược (thinktank) là nhằm chống đối chính quyền, đồng thời các tổ chức này ngang nhiên nhận tiền từ các thế lực chính trị nước ngoài.
Tác giả cũng nhắm vào ông Nguyên Ngọc và Văn đoàn độc lập, khi cho đây là nơi ‘tụ tập của kẻ bất mãn, bọn chống phá, lũ chiêu hồi’ khi lướt vào danh sách thì có 15/61 người từng vào tù vô khám, và đây là nhóm người ‘có ân oán với dân tộc’.
Sự ‘lồng lộn’ về ngôn ngữ của một Tuần báo Văn nghệ
Tôi buộc phải sử dụm cụm từ ‘lồng lộn’ về ngôn ngữ, bởi nó là sự điên cuồng đến mất lý trí trong nhận định, thậm chí tôi nhìn thấy trong bài viết những ngôn từ của thời kỳ cả dân tộc mê mệt đấu tranh giai cấp (chiêu hồi, cải lương, ngụy dân chủ, chống phá,…).
Tác giả cho rằng, ông Nguyên Ngọc và những người bạn của ông ấy ‘buôn bán cổ nhân’, nhưng cách hành bài của tác giả thì không khác gì một ‘con điếm về chính trị lẫn ngôn ngữ’, khi xúc phạm và bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động xã hội dân sự về mặt giáo dục, văn học và nghệ thuật. Thậm chí, đó là những ngôn từ ‘bốc mồ mả’ cụ Phan Châu Trinh (nhà cách mạng xã hội, nhà văn hóa, người khởi xướng cho phong trào Duy Tân (đầu thế kỷ XX), người đã thúc đẩy phong trà giảm sưu thuế Trung kỳ (1908); người đặt nền móng cho vấn đề độc lập dân tộc ở một tầm vóc với: phát triển dân tộc cơ bản và trên hết người khởi xướng chủ nghĩa Dân quyền ôn hòa) để hồi tố cụ về tội: ngụy dân chủ, dân chủ cải lương.
Liệu rằng tác giả có đủ nhận thức không khi nhận định ‘một đám đông gắn mác nhân sĩ trí thức và chưa bao giờ hành nghề liên quan đến trí thức’. Tôi tự hỏi ai sẽ đủ tư cách là nhân sĩ trí thức nếu ông Nguyên Ngọc (từng là Phó Tổng thư ký Hội nhà Văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ); ông Chu Hảo (từng là Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ); ông Nguyễn Sự (từng là Bí thư thành ủy Tp. Hội An); ông Vũ Ngọc Hoàng (từng là nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam); ông Vũ Thành Tự Anh (giảng viên Đại học Fullbright); bà Nguyễn Thị Bình (từng là Phó Chủ tịch nước); ông Bùi Minh Quốc (từng là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng – Đà, TBT Tạp chí Đất Quảng); ông Đào Tiến Thi (nhà ngôn ngữ học, công tác NXB Giáo dục Việt Nam); ông Hà Sĩ Phu (từng là Viện phó Phân viện Đà Lạt của Viện Khoa học Việt Nam); ông Đỗ Trung Quân (nhà thơ, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp thị), ông Hoàng Hưng (từng là Phóng viên, Biên tập viên báo Người giáo viên Nhân dân);… với các tác phẩm để đời của họ (mà tác giả có thể dễ dàng tìm ra trên Google hoặc nhà sách) lại không đủ tư cách đó?!
Và những việc làm hiện tại, những công việc mà họ trải qua, những sản phẩm mà họ đưa ra cho xã hội là gì nếu không phải là lao động trí óc? Liệu tác giả có hiểu ra rằng, sản phẩm trí thức của họ không những được ứng dụng trong thực tiễn (khoa học và trí thức ứng dụng) mà cao hơn cả, chính họ là những người làm đặc sắc tính chất trí thức thông qua sự phản biện một cách độc lập ngày hôm nay, hay nói đúng hơn, họ là những người thuộc ‘cơ quan nhận thức của cơ thể xã hội’ thay vì một cái loa phát ngôn hay một công cụ ‘hành nghề’ của Đảng.
Chính vì không công nhận vai trò ngang hàng của tri thức trong ứng đối với chính quyền, quen một lề lối là công cụ, là sự luồn cúi mà tác giả quy nạp rằng, những ai đi ngược (hoặc khác) với quan điểm chính quyền – dù là một quan điểm đúng xuất phát từ tư duy biện chứng khoa học cũng đều thuộc thể loại ‘chống đối’ và lập ra để ‘chống đối’. Với cách nhìn này, tác giả vỗ mặt ông Võ Văn Thưởng (Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) và Ban Tuyên giáo Trung ương khi lên tiếng đối thoại với các cá nhân/ quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật nhà nước
Thứ hai, tác giả cho rằng, họ ‘không thực sự giỏi chuyên môn’, thế hóa ra, bao năm qua, nhà nước Việt Nam đã tận dụng một ‘tập hợp’ vô dụng để xây dựng nên một chính quyền như hiện nay? Và chính quyền hiện nay, được dựng lên từ những tập hợp ‘giỏi chém gió’? Nguy hiểm hơn, tác giả hoàn toàn không ý thức được khi cho rằng, góp ý Hiến pháp, xuất bản sách ngoài luồng, ra đời Văn đoàn độc lập là ‘không dựa trên cơ sở lý luận khoa học’.
Vậy làm thế nào để đảm bảo được cơ sở lý luận khoa học khi mà quyền Hiến pháp không được thực thi? Khi việc thực hiện theo Điều 25 Hiến Pháp – Điều tối cao liên quan đến quyền tự do ngôn luận (góp ý Hiến pháp và tự do xuất bản); tự do lập hội (thành lập văn Đoàn độc lập) bị đả kích và phê phán? Thậm chí, với quan điểm cho rằng, tự do lập Hội – xuất bản hay phê phán/ góp ý Hiến pháp là không dựa trên cơ sở lý luận khoa học, vậy thì Chủ trương ‘Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra’ mà ĐCSVN thường xuyên tôn vinh, nhắc nhở trong các nghị quyết là tờ giấy lộn vứt xó? Hay đúng hơn Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18/2/1998 ‘Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở mà Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành là thứ hoàn toàn ‘không dựa trên cơ sở lý luận khoa học’?
Thứ ba, tác giả cáo buộc, việc lập các ‘thinktank’ là nhằm gây sức ép với chính quyền, để chống đối chính quyền, ngang nhiên nhận tiền từ các thế lực chính trị nước ngoài. Vậy thì tại sao Chính quyền Việt Nam không tiến hành dẹp ngay từ đầu mà lại cấp phép? Bởi các yếu tố mà tác giả vạch ra nêu trên đủ để hình thành cái gọi là ‘tổ chức chính trị đối lập’. Trong khi đó, quan điểm cứng nhắc từ trước đến nay của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam là hoàn toàn không cho phép điều đó xảy ra - ngay từ trong trứng nước (gần đây nhất là vào năm 2014 - ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã căn dặn lực lượng Công an như vậy). Sẽ là một câu chuyện cười đến mức phi lý khi dựa vào quan điểm rằng, ‘vì có sử dụng tên cụ Phan’ nên Chính quyền sợ! Vậy ra, chính quyền sợ một người từng bị đấu tố là ‘dân chủ cải lương’ ư? Sợ cái tên ấy đến nỗi, buộc phải cấp phép, rồi cho hoạt động, thậm chí cho phép báo chí thông tin về sự kiện ra mắt (như Viện Phan Châu Trinh),…? Tôi e rằng, cái lý luận ấy là thứ lý luận ‘khoai lang’ nhất, kết tinh của sự ‘lộng ngôn’ và sự bí bách về mặt lý luận có thể tuôn ra!
Ngoài ra, tác giả nhận định, ông Nguyên Ngọc và Văn đoàn độc lập, là nơi ‘tụ tập của kẻ bất mãn, bọn chống phá, lũ chiêu hồi’ bởi ‘khi lướt vào danh sách thì có 15/61 người từng vào tù vô khám, và đây là nhóm người ‘có ân oán với dân tộc’. Tôi đồ rằng, thứ ngôn ngữ ‘chiêu hồi/ chống phá’ đầy tính miệt thị vào thời chiến tranh nội bộ của thế kỷ XX nên bị tống khứ và phê phán kịch liệt nhất trong thời đại hiện nay. Bởi nó biểu hiện cho tư duy ngôn ngữ vẫn bị co cụm trong cái vòng đấu tranh giai cấp, chính thứ ngôn ngữ này đã triệt tiêu tinh thần dân chủ, tự tôn, đổi mới - đưa đất nước vào cái vòng khủng hoảng kinh tế - chính trị cũng trong thời gian ấy. Nhưng nguy hiểm hơn nữa, với cái ngôn ngữ ‘ân oán dân tộc’ kiểu này, tác giả Hoàng Lệ đã nhổ toẹt vào chủ trương ‘hòa giải dân tộc’ của Đảng và Nhà nước Việt Nam đang gầy dựng bấy lâu nay. Nhổ toẹt vào lời phát biểu của ông ĐBQH Trương Trọng Nghĩa khi cho rằng ‘hòa bình trên 42 năm rồi, việc khai thác, phổ biến các tác phẩm văn hóa trước 1975 là rất cần thiết vừa đáp ứng nhu của dân vừa hòa hợp dân tộc.’
Cuối cùng, tác giả cho biết, ông Nguyên Ngọc đang ‘buôn bán cổ nhân’ vì các công trình liên quan đến các tổ chức nêu trên không trao giải các nghiên cứu học thuật có tính khoa học mà ‘chỉ trao cho các nghiên cứu có tính chính trị - bản thân công trình hoặc tác giả’. Với quan điểm này, tôi nhận ra sự thật rằng, tác giả chỉ là tên bồi bút, với mớ ngôn ngữ cảm tính, hoàn toàn không nhận thức được khoa học là gì, tính chính trị trong nghệ thuật – đời sống – học thuật là gì. Làm sao có thể thoát ra khỏi tính chính trị khi mà yếu tố này được nhìn nhận như một hiện tượng khách quan trong đời sống của xã hội loài người, và chính Chủ nghĩa Mác- Lenin, cũng nhấn mạnh nó xuất hiện khi xã hội có giai cấp, với logic phát triển nội tại – độc lập – khách quan (hữu cơ). Chính nó đảm bảo cho khoa học – nghệ thuật có tính biện chứng nhằm nắm bắt sự vận động xã hội, dự báo các tình thế của xã hội và cách mạng. Do đó, việc đòi hỏi loại trừ yếu tố chính trị ra khỏi khoa học, nghệ thuật là một hội chứng chủ quan, giáo điều không hơn không kém.
Riêng về quan điểm cho rằng việc lên tiếng của TS. Phạm Chí Dũng (IJAVN) là thanh trừng, tôi tin rằng - trong mắt và suy nghĩ của tác giả chưa bao giờ tồn tại một quan điểm gọi là: phản biện.
Kết
Với sự manh mún và phản tư duy nêu trên của tác giả Hoàng Lệ, một lần nữa Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh đang tự đánh mất tính ‘nghiên cứu lý luận – phê bình văn học – nghệ thuật’ của mình. Thay vào đó là những ngôn ngữ ‘chợ búa’ đầy tính chất mạt sát nhân phẩm, danh dự người khác; đi ngược lại tính khách quan trong phát triển xã hội và chính trị; phủ nhận sự phát triển và đóng góp của các yếu tố đối thoại trong xã hội Việt Nam (xã hội dân sự); đấu tố cổ nhân. Trở thành một Tuần báo nồng nặc ngôn ngữ ‘đấu tranh giai cấp’, và chủ trương ‘vô sản hóa giáo dục - nghệ thuật’ trở lại một lần nữa.
Đây là sự đáng báo động, mà ông Tổng biên tập Nguyễn Chí Hiếu cần phải nghiêm túc nhận thức lại. Bởi sự dễ dãi và có phần lệch lạc về mặt tư duy (hoặc tư duy một chiều) đã khiến những bài viết – đáng lý ra chỉ nên nằm ở một blog, thì nay đã ‘đàng hoàng’ nằm một cách ‘chiễm chệ’ trên một cơ quan ngôn luận thuộc Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Tôi cho đó là điều đáng tiếc (nếu không muốn nói là khốn nạn) và thể hiện tư duy đi ngược chiều phát triển!
A.V.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét