Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

20170608. QUANH ĐỀ TÀI 'KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA'

ĐIỂM BÁO MẠNG
SỨC THUYẾT PHỤC CỦA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
TRƯƠNG MINH TUẤN/ ND 5-6-2017
Các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam hiện nay
Các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam hiện nay
Từ khi lý luận về “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được nghiên cứu và triển khai ở Việt Nam đến nay, đã có nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí có ý kiến còn phê phán, bác bỏ. Nhưng các thành tựu phát triển đất nước trong các năm qua đã chứng minh thể chế kinh tế của chúng ta là đúng đắn, là phù hợp với mục đích của cách mạng Việt Nam, phù hợp với con đường đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn.
Trong một số cuộc trao đổi học thuật và trên một số diễn đàn, nhiều người cho rằng kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) chưa có tiền lệ trong lịch sử, khó tránh khỏi sai lầm, vấp váp, cho nên phải “dò đá qua sông”. Có người thì nói, kinh tế thị trường mang giá trị phổ quát của nhân loại, không cần thiết phải thêm “cái đuôi” XHCN. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, chủ nghĩa xã hội (CNXH) và KTTT không thể dung nạp lẫn nhau nên gắn KTTT với CNXH là khiên cưỡng… Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không tranh luận về học thuật, mà chỉ đề cập đến các vấn đề thực tiễn trong quá trình phát triển của đất nước, và sự tiếp nhận của cuộc sống người dân, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với KTTT định hướng XHCN.
Trước hết, đối với Đảng ta, CNXH không phải một giáo điều xơ cứng mà chính là nhu cầu của cuộc sống. Ngay từ khi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Quốc tế III và Người nói, sở dĩ Người có sự lựa chọn này vì Quốc tế III đề cập đến con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức. Người nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, Tập 1, H.2006, tr.112). Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ mong muốn và nhận thức đó, cũng là mong muốn và sự nhận thức của cả dân tộc ta trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một cách giản dị về mục tiêu của cách mạng: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” (Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.81). Có thể nói, lời của Bác Hồ đã đưa ra chấm phá đầu tiên về mục tiêu của KTTT định hướng XHCN, bởi xét đến cùng thì không có kinh tế thị trường thì người đủ ăn khó có thể “khá giàu”, người giàu khó có thể “giàu thêm”. Và nếu không có định hướng XHCN, thì chắc chắn người nghèo khó có thể “đủ ăn”.
KTTT tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi người, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng trước rủi ro, tức là cơ hội để thành đạt ngang nhau, và nếu có tai biến thì việc chịu rủi ro cũng ngang nhau. Trong cơ hội và rủi ro ngang nhau đó, ai nhạy bén nắm bắt được cơ hội thì trở nên giàu có, ai không nắm bắt được cơ hội thì nghèo vẫn hoàn nghèo; ai biết lo xa đề phòng rủi ro người ấy giữ được thành quả, ai không đề phòng được rủi ro người ấy có thể trắng tay. Để bảo đảm KTTT vận hành đầy đủ, không thể không có nhà nước pháp quyền với hệ thống luật pháp minh bạch xây dựng trên tinh thần pháp trị, ở đó mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng khi trong xã hội còn những người yếu thế, người bất hạnh không thể tự mình vươn lên nắm bắt cơ hội,… thì cần có chính sách thích hợp để họ không bị thiệt thòi, không bị bần cùng hóa. Nhà nước tư bản phương tây vẫn tỏ ra quan tâm tới các nhóm yếu thế thông qua chính sách an sinh xã hội. Nhưng việc họ áp dụng mức thuế cao, vay nợ để thực hiện “công bằng xã hội” xét đến cùng không dành cho các thành phần yếu thế bất hạnh mà chủ yếu phục vụ tầng lớp trung lưu với mục tiêu sâu xa là thu hút phiếu bầu. Điều này là kết quả tất yếu của nền dân chủ với thể chế đa nguyên, đa đảng luôn bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, và các chính sách được ban hành thường là sự thỏa hiệp giữa các nhóm đa số có thế lực, khó có thể đáp ứng lợi ích các nhóm yếu thế, thậm chí còn xâm phạm lợi ích chính đáng của các nhóm này. Công bằng xã hội chỉ là trên danh nghĩa, thực tế là nhà nước phình to ra song tình trạng bất công vẫn diễn ra gay gắt.
KTTT định hướng XHCN vẫn hội đủ các yếu tố của KTTT, nhưng có các thiết chế để bảo vệ các nhóm yếu thế, tạo điều kiện cho họ vươn lên tiếp cận các cơ hội của thị trường, giúp họ đối phó với các rủi ro nghiệt ngã mà tự họ không có khả năng đối phó. Trong bối cảnh cụ thể ở nước ta, các nhóm yếu thế này chính là đông đảo nhân dân lao động, cùng những người bất hạnh, các gia đình bị thiệt thòi do phải hy sinh xương máu và của cải cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, nông dân ít ruộng đất, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp... Và việc quan tâm đến lợi ích của họ là thực hiện điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Trong một thời gian dài (miền bắc sau năm 1954, cả nước từ năm 1975 đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước) chúng ta áp dụng kinh tế kế hoạch hóa, và một số người đã phê phán, coi đó là cơ chế kinh tế đã để lại một số di hại với quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, trước khi phê phán lại cần nhớ rằng, kinh tế kế hoạch hóa được áp dụng trong bối cảnh hai cuộc chiến tranh xâm lược của nước ngoài và cuộc cấm vận kinh tế tai ác kéo dài nhiều năm sau năm 1975; hơn thế nữa, chính kinh tế kế hoạch hóa đó đã bảo đảm hậu cần cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và thắng lợi của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc, biên giới tây nam, đồng thời duy trì được tiềm lực của đất nước đủ sức vượt qua cấm vận, khủng hoảng để sau năm 1986 có thể hồi sinh nhanh chóng. Phê phán kinh tế kế hoạch hóa phải đặt trong bối cảnh lịch sử đó, nếu không sẽ không hiểu vì sao Đảng ta đã khởi xướng, tổ chức, lãnh đạo công cuộc Đổi mới và Đổi mới từ đâu tới.
Đổi mới không phải là một lý thuyết “nhập cảnh”, không phải do “sức ép” bên ngoài mà là sự đáp ứng yêu cầu từ sự chuyển động nội tại của đất nước. Không phải ai khác, chính những người cộng sản Việt Nam đã khởi xướng công cuộc Đổi mới, chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế KTTT định hướng XHCN. Không phải bắt đầu từ Nghị quyết Đại hội VI, mà từ trước đó rất lâu, những mầm mống của KTTT đã được những người cộng sản chân chính nuôi dưỡng, khuyến khích ngay trong “gọng kìm” kế hoạch hóa. Chúng tôi gọi “gọng kìm” kế hoạch hóa vì cơ chế tập trung quan liêu đã ăn sâu vào cấu trúc xã hội, thành định chế, thành nếp nghĩ, muốn tháo bỏ không hề dễ dàng. Các đảng viên cộng sản đã phải thực hiện “khoán chui”, phải “vượt rào” để thoát rào cản về cơ chế. Giữa lúc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc bị phê phán gay gắt do thực hiện “khoán chui” ở Vĩnh Phúc, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đến thăm và động viên ông (Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 4-4-2017). Nhiều Bí thư Tỉnh ủy, được sự hậu thuẫn của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Trung ương Đảng, đã “vượt rào” xóa ngăn sông cấm chợ, xóa bao cấp, bảo vệ cách làm ăn mới ở cơ sở, mở đường cho sự vận hành của thị trường theo quy luật của nó. Nghị quyết Đại hội VI đánh dấu sự chuyển biến căn bản trong toàn Đảng, hướng kinh tế cả nước vận hành theo cơ chế thị trường. Như vậy, Đảng ta không khư khư “công thức” của CNXH theo truyền thống quốc tế, mà thực hiện CNXH theo Tư tưởng Hồ Chí Minh với mục tiêu: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” với phương châm “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Để bảo đảm định hướng XHCN đạt tới mục tiêu, trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta, doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Có không ít ý kiến bài bác hoặc tranh cãi tư biện về sự chủ đạo này. Trong khi về đường lối và trong thực tiễn, chúng ta có một lộ trình giảm dần số lượng doanh nghiệp nhà nước bằng nhiều hình thức thích hợp, như: cổ phần hóa và giao, khoán, bán, cho thuê. Thực tế số doanh nghiệp nhà nước đã giảm rất mạnh theo lộ trình và theo các hình thức đó. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là chỉ giữ lại 100% vốn Nhà nước tại một số ngành kinh tế trọng yếu và những ngành mà tư nhân chưa đủ khả năng tham gia, như doanh nghiệp công ích, với mục đích bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và giữ vai trò điều tiết để ngăn ngừa bất ổn, khủng hoảng kinh tế, cũng là để bảo vệ sự an lành môi trường làm ăn, cuộc sống của mọi người dân. Đó là ý nghĩa của vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước. Vai trò này hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Phương châm của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động kinh tế là: Nhà nước chỉ làm những gì người dân không làm được, nói cách khác, Nhà nước đã và sẽ lùi dần khỏi các lĩnh vực mà người dân và các thành phần kinh tế khác có thể làm. Việc cổ phần hóa một số ngành có liên quan đến an ninh quốc gia như hàng không, an ninh năng lượng như xăng dầu,… mới đây là nằm trong xu hướng đó.
Yếu tố quan trọng nhất của định hướng XHCN trong KTTT của chúng ta là vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Nhà nước pháp quyền XHCN. Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc, Đảng không có lợi ích của riêng mình. Bởi vậy, sự lãnh đạo của Đảng là sự bảo đảm để loại trừ các nhóm lợi ích chi phối quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, đó là sự bảo đảm cho sự hiện hữu của tinh thần pháp trị. Trong Nhà nước pháp quyền XHCN của chúng ta, các đạo luật được ban hành không phải là kết quả của quá trình vận động và thỏa hiệp giữa các nhóm lợi ích chi phối cơ quan lập pháp, mà xuất phát từ nhu cầu phát triển đất nước và lợi ích phổ quát của người dân, trong đó có lợi ích của các nhóm yếu thế, nghĩa là không có chính sách hoặc đạo luật nào phục vụ cho lợi ích của người giàu mà đánh mất cơ hội của người nghèo.
Thực tế cho thấy hơn 30 năm vận hành của KTTT định hướng XHCN đã tạo ra sự phát triển ngoạn mục của đất nước. Công cuộc Đổi mới nhanh chóng đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, duy trì tốc độ tăng trưởng vào hàng cao trên thế giới. Năm 1988, quy mô GDP chưa tới 5,5 tỷ USD, GDP đầu người chỉ đạt 86 USD; đến năm 2016, GDP đã đạt 205,32 tỷ USD, tăng hơn 37 lần, GDP đầu người đạt 2.215 USD, tăng gần 27 lần so với năm 1988, rút ngắn đáng kể khoảng cách thu nhập so với các nước trong khu vực. Theo dữ liệu so sánh của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1990, GDP bình quân đầu người của Thái-lan là 1.508 USD (tính tròn), con số tương ứng của Việt Nam là 98 USD, khoảng cách chênh lệch tới 15,3 lần. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Thái-lan lên 5.815 USD, con số tương ứng của Việt Nam là 2.111 USD, khoảng cách rút ngắn còn 2,7 lần. Với Phi-li-pin năm 1990, GDP bình quân đầu người cao gấp 7,3 lần so với Việt Nam (715 USD/98 USD), khoảng cách này đến năm 2015 còn chưa tới 1,4 lần (2.904 USD/2.111 USD). Với Ấn Độ năm 1990, GDP bình quân đầu người cao gấp 3,8 lần so với Việt Nam (375 USD/98 USD), đến năm 2015 Việt Nam đã vượt Ấn Độ (2.111 USD/1.593 USD). Thành tựu ngoạn mục nhất là công cuộc xóa đói giảm nghèo: năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước chiếm tới 58%, đến cuối năm 2016 đã giảm chỉ còn 8,38% (theo chuẩn nghèo mới). Theo dữ liệu so sánh của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tỷ lệ người nghèo so với dân số của Việt Nam năm 2015 ở mức 9,8%, thấp xa so với con số tương ứng của Phi-li-pin (25,2%), Ấn Độ (21,9%), và thấp hơn cả Thái-lan (12,6%), In-đô-nê-xi-a (11,3%).
Trên đây không phải là những con số tuyên truyền của Việt Nam về tính ưu việt của KTTT định hướng XHCN, mà là sự ghi nhận khách quan của cộng đồng quốc tế. Dĩ nhiên, KTTT định hướng XHCN của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để thị trường có thể vận hành nhịp nhàng, đồng bộ với sự lựa chọn con đường phát triển, từ đó thúc đẩy nhanh hơn quá trình “người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” như mong muốn của Bác Hồ. Vì vậy, việc trao đổi về thể chế KTTT định hướng XHCN là cần thiết, thậm chí cần có những tranh luận, phản biện để làm sáng rõ những vấn đề về lý luận, nhưng nếu không xuất phát từ đặc điểm lịch sử và thực tiễn của Việt Nam, thì mọi sự trao đổi, tranh luận, phản biện đều sa vào tư biện, không hữu ích cho cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cho quá trình phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.
TRƯƠNG MINH TUẤN
HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀO NĂM 2030 ?
VOA 6-6-2017
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành nghị quyết số 11 về ‘hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN)’ hôm 3/6, nhưng các chuyên gia nói rằng mô hình này vẫn lặp lại những bế tắc, mâu thuẫn nội tại.
Từ Sài Gòn nhà báo An Dân nói với VOA – Việt ngữ rằng mô hình “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN” không có gì mới, tư duy cũ và ngay trong nhận thức của giới lãnh đạo Việt Nam, cũng có vấn đề:
“Nghị quyết mới nhưng vẫn là ‘tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường theo định hướng XHCN’. Rõ ràng là ngay trong nhận thức của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, của Đảng, cũng có vấn đề - về việc chọn mô hình, đường lối phát triển kinh tế.”
Rõ ràng là ngay trong nhận thức của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, của Đảng, cũng có vấn đề - về việc chọn mô hình, đường lối phát triển kinh tế.
Giới lãnh đạo Hà Nội đinh nghĩa ‘nền kinh tế thị trường định hướng XHCN’ là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu ‘dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’”.
Khái niệm ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ được định nghĩa trong nội dung dự thảo Báo cáo chính trị đại hội 12, Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 3/2015. Khái niệm này đã được đưa ra lần đầu tiên ở Việt Nam trong thập niên 1990.
Nghị quyết mới của Ban chấp hành Trung ương Đảng còn nhấn mạnh mục tiêu là đến năm 2030, phải “hoàn thiện đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN” ở Việt Nam, và trước mắt đến năm 2020, sẽ “hoàn thiện một bước đồng bộ hơn” hệ thống thể chế này.
Giới lãnh đạo Việt Nam cũng từng đề ra mục tiêu tương tự là đến năm 2020, sẽ trở thành “một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại,” nhưng vào năm ngoái, họ đành nhìn nhận là sẽ “không đạt được” mục tiêu này.
Đại hội Đảng tại Thủ đô Hà Nội
Đại hội Đảng tại Thủ đô Hà Nội
Nhà báo An Dân nói rằng khái niệm ‘kinh tế thị trường định hướng XHCN’ chỉ dùng trong nước, còn đối với quốc tế, Việt Nam không quảng bá khái niệm này.
Nhà báo độc lập này nhận xét rằng khi công du nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không hề đề cập đến “kinh tế thị trường định hướng XHCN” mà chỉ nói đến “nền kinh tế thị trường” mà thôi:
“Ở cấp thủ tướng mà ông ta không nhắc tới kinh tế thị trường định hướng XHCN khi tiếp xúc với báo đài, với chuyên gia nước ngoài, và cả chuyến công du đi Mỹ.”
Giáo sư Nguyễn Phước Tương, một nhà nghiên cứu xã hội học được nhiều người biết đến, cũng chia sẻ nhận định trên, ông nói khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” chỉ để sử dụng trong nước:
“Khi ra nước thì ông Thủ tướng, cũng như ông Tổng Bí thư Trọng trước đây đến Mỹ có nói một câu nào về kinh tế thị trường định hướng XHCN đâu. Nhưng mà khi về Việt Nam, và trên tất cả các văn kiện của Việt Nam, bao giờ họ cũng nhấn mạnh “kinh tế thị trường định hướng XHCN.”
Việt Nam vẫn mong đợi được Hoa Kỳ cấp “quy chế kinh tế thị trường.” Chính vì thế, trong tuyên bố chung về tăng cường đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, công bố sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump hôm 31/5, có nêu: “Phía Hoa Kỳ ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam muốn đạt quy chế kinh tế thị trường và hai bên đồng ý tiếp tục tham vấn một cách hợp tác và toàn diện thông qua việc đẩy mạnh nhóm làm việc song phương.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Tòa Bạch Ốc, ngày 31/5/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Tòa Bạch Ốc, ngày 31/5/2017.
Giáo sư Nguyễn Phước Tương phân tích rằng giới lãnh đạo Hà Nội vẫn cương quyết đeo đuổi “định hướng XHCN” vì quyền lợi và “cái ghế” của họ, dẫu biết rằng hai khái niệm “kinh tế thị trường” và “định hướng XHCN” triệt tiêu lẫn nhau:
“Thực chất khi giải thích về ‘cái đuôi’ XHCN thì XHCN triệt tiêu thể chế kinh tế thị trường theo cách văn minh và như cách thế giới mong muốn. Một mặt thì đòi hỏi thế giới công nhận Việt Nam có một nền kinh tế thị trường thực thụ và đầy đủ, nhưng mặt khác, trong nước thì nhấn mạnh ‘định hướng XHCN’. Đấy là một sự mâu thuẫn, bế tắc, và bị động, mà chính bản thân người ta cũng thấy là nó vô duyên. Có những người có trách nhiệm đã nói thẳng ra rằng ‘làm gì có XHCN’ mà định hướng, nhưng người ta không thể không làm vì nó gắn liền với cái ghế của người ta đang ngồi.”
Có những người có trách nhiệm đã nói thẳng ra rằng ‘làm gì có XHCN’ mà định hướng, nhưng người ta không thể không làm, vì nó gắn liền với cái ghế của người ta đang ngồi.
Nghị quyết mới của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam “kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn đổi mới ở nước ta.”
Nghị quyết mới nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng để đảm bảo đúng định hướng, vì đây là một vấn đề “quan trọng”: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị. Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.”
Nhân dịp nghị quyết này được ban hành, hôm 6/6 báo Thanh Niên trích lời Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn, nói rằng: “Từ khi lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN được nghiên cứu và triển khai ở Việt Nam đến nay, đã có nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí có ý kiến còn phê phán, bác bỏ. Nhưng các thành tựu phát triển đất nước trong các năm qua đã chứng minh thể chế kinh tế của chúng ta là đúng đắn, là phù hợp với mục đích của cách mạng Việt Nam, phù hợp với con đường đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn.”
Tuy nhiên, trong bài viết có tựa đề “Kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo ra phát triển ngoạn mục cho đất nước” trên báo Thanh Niên, ông Tuấn nhìn nhận một thực tế rằng: “Trong một số cuộc trao đổi học thuật và trên một số diễn đàn, nhiều người cho rằng kinh tế thị trường - KTTT định hướng XHCN chưa có tiền lệ trong lịch sử, khó tránh khỏi sai lầm, vấp váp, cho nên phải “dò đá qua sông”. Có người thì nói, KTTT mang giá trị phổ quát của nhân loại, không cần thiết phải thêm “cái đuôi” XHCN. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, CNXH và KTTT không thể dung nạp lẫn nhau, nên gắn KTTT với CNXH là khiên cưỡng…”
KINH TẾ THỊ TRƯỜNG KIỂU VIỆT NAM CÓ GIÚP PHÁT TRIỂN 'NGOẠN MỤC'
LAN HƯƠNG/RFA/ BVN 8-6-2017
clip_image002
Một góc Hà Nội chụp ngày 12/8/2016. AFP photo
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, kiêm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trương Minh Tuấn vừa có bài viết đăng trên báo Thanh Niên hôm 6/6 nói rằng kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã tạo ra những phát triển ngoạn mục cho đất nước. Giới quan sát nghĩ gì về nhận định này?

Phát triển là nhờ KTTT định hướng XHCN?

Trong bài viết, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định:
Thực tế cho thấy hơn 30 năm vận hành của KTTT định hướng XHCN đã tạo ra sự phát triển ngoạn mục của đất nước. Công cuộc Đổi mới nhanh chóng đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, duy trì tốc độ tăng trưởng vào hàng cao trên thế giới.
Ngoài ra, người đứng đầu bộ Thông tin Truyền thông còn đưa ra số liệu cho thấy GPD Việt Nam tăng 37 lần, từ 5,5 tỉ USD năm 1988 lên 205,32 tỉ USD năm 2016.
Cũng theo ông, từ năm 1993 đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 58% xuống chỉ còn 8,38% và thấp xa hơn các nước trong khu vực như Philippines, Ấn Độ, và thấp hơn cả Thái Lan, Indonesia.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã giải thể công nhận rằng sự nền kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua đạt được một số bước phát triển mà ông đánh giá là khá. Nhưng ông không cho rằng đó là công lao của nền KTTT định hướng XHCN:
Toàn bộ cái gọi là công cuộc đổi mới trong thời gian vừa qua thực chất không có gì là đổi mới cả. Mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã buộc phải trả lại cho người dân một số quyền về kinh tế của họ, nhưng không phải là tất cả. Đấy là động lực chính cho sự phát triển kinh tế trong thời gian 30 năm qua ở Việt Nam. Hay nói cách khác là tiềm năng, lòng hăng say của người dân Việt Nam đã bị tước đoạt một thời gian dài. Đến khi họ nhận thấy rằng nếu tiếp tục như vậy thì bản thân họ không còn đường mà sống nên họ trả lại cho người dân những quyền làm kinh tế, từ nông nghiệp cho đến quyền làm kinh doanh.
Trong bài viết của mình, ông Trương Minh Tuấn nói rằng yếu tố quan trọng nhất của định hướng XHCN trong KTTT là vai trò lãnh đạo của Đảng. Theo ông, Đảng đại diện cho lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân và không có lợi ích của riêng mình.
Tuy nhiên trong một bài viết có tựa “Cần hiểu đúng để không làm sai” đăng trên VietnamNet hôm 05/5/2017 nhưng hiện đã bị dỡ xuống, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó ban Tuyên giáo TW nói:
“Sự lãnh đạo và quản lý chưa thể là một đặc điểm của nền kinh tế. Đặc điểm của nền kinh tế sẽ hình thành trong thực tế một cách khách quan, nó không phải là sự lãnh đạo và quản lý của ai, mà là kết quả của sự lãnh đạo và quản lý ấy thế nào”.
Ông nói rõ vai trò của Nhà nước trong nền KTTT không phải là để kinh doanh, cũng như không để các cơ quan hành chính tham gia kinh doanh. Mà theo ông, nhiệm vụ của Nhà nước là:
“Việc chính của nhà nước là tạo điều kiện cho mọi chủ thể trong xã hội được kinh doanh thuận lợi, bình đẳng thật sư, không bị thị trường ngầm, không có buôn gian bán lậu, càng không để cho cán bộ của nhà nước tham gia hoạt động trong và cho các “nhóm lợi ích”.

“Tốt khoe ra, xấu xa che lại”?

clip_image004
Hai người đàn ông đi xe máy kéo một lượng rác tái chế trên đường phố Hà Nội vào ngày 12 tháng 8 năm 2016. AFP photo
Ông Trương Minh Tuấn đánh giá cao vai trò kinh doanh của nhà nước mà đại diện là khối doanh nghiệp nhà nước. Ông nói: “Để bảo đảm định hướng XHCN đạt tới mục tiêu, trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta, doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Cũng trong bài viết này, ông Trương Minh Tuấn chỉ nói chung chung rằng KTTT định hướng XHCN của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện mà không nêu rõ đó là những vấn đề gì hay hoàn thiện bằng cách nào.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những “vấn đề” lớn nhất của KTTT định hướng XHCN chính là việc các doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo mà theo ông là một đường lối sai lầm của Việt Nam:
Khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo đã được ghi trong đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam. Và điều đó ngầm định Nhà nước dùng các doanh nghiệp này để điều tiết nền KTTT định hướng XHCN.
Và nó đã gây ra những hậu quả tai họa cho đất nước này. Không biết bao nhiêu cái gọi là tập đoàn kinh tế nhà nước đã thật sự phá sản. Chuyện Vinashin, Vinaline bây giờ đã vào quên lãng nhưng còn hàng chục các tập đoàn với hàng chục các dự án mười mấy ngàn tỷ do Nhà nước làm chủ đều đang sắp phá sản.
Cho nên việc lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo là một đường lối sai lầm của Đảng. Khu vực quốc doanh này chỉ tạo ra khoảng 25-26% GDP nhưng rất đáng tiếc là doanh nghiệp nhà nước lại sử dụng đến khoảng một nửa nguồn lực của đất nước. Đó là những tài nguyên thiên nhiên như hầm hỏ, đất đai,…và chèn ép các doanh nghiệp tư nhân mà đáng lẽ phải đóng vai trò chủ đạo.
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước lần thứ nhất diễn ra sáng 26/4, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ông Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo việc làm cho trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế. Tỷ trọng đóng góp GDP của kinh tế tư nhân luôn lớn hơn so với các thành phần kinh tế khác và duy trì ổn định ở mức 39-40% từ năm 2003 -2015.
Như vậy tỷ trọng đóng góp GDP của kinh tế Nhà nước hiện tại đã đứng sau kinh tế tư nhân mặc dù nhiều năm doanh nghiệp nhà nước được đánh giá là nòng cốt của nền kinh tế.
Ngay sau khi bài viết về vai trò của KTTT định hướng XHCN mang lại những phát triển ngoạn mục của ông Trương Minh Tuấn được đăng tải, trên các trang mạng xã hội, dư luận ngay lập tức có các ý kiến phản biện. Chúng tôi ghi nhận quan điểm của Facebook Nguyễn Thông như sau:
Tôi muốn hỏi ông Trương Minh Tuấn Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông: thế nào là ngoạn mục? Người cộng sản nắm quyền cai trị ở nước này tới nay đã 42 năm. Suốt nửa thế kỷ độc tôn cầm quyền mà đất nước vẫn còn nghèo đói, chậm phát triển như hiện nay thì ngoạn mục ở chỗ nào?
Hãy nhớ rằng, các nước Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... với chừng ấy năm, hoặc chỉ 1/4 chừng ấy năm thôi thì họ đã đi được bao nhiêu?
Xin nhắc lại, KTTT định hướng XHCN là tên gọi một cơ chế quản lý kinh tế được Đảng Cộng sản Việt Nam tạo ra và triển khai tại Việt Nam từ thập niên 1990. Tuy nhiên cho đến nay, chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận rằng chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà chỉ có giải thích nguyên lý chung rằng đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
L.H.
QUỐC TẾ MUỐN GIÚP VIỆT NAM, NHƯNG HỌ KHÔNG THỂ GIÚP VIỆT NAM ĐI THEO MÔ HÌNH MÀ HỌ KHÔNG HIỂU
FB THƠ PHƯƠNG/ BVN 8-6-2017
Quốc tế đều muốn giúp VN nhưng họ không thể giúp VN đi theo mô hình mà họ không hiểu đó là mô hình “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Mới đây đây nhiều tờ báo lớn tại VN đồng loạt cho đăng bài của một ông Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho đăng đồng loạt bài với lời tựa: “Sức thuyết phục của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa“, hay “Kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo ra phát triển ngoạn mục cho đất nước“. Đó là hành vi “đầu cơ tin tức”, hay “tẩy não tin tức”, hay “news brainwashing”. Đó là bởi vì ông này là một quan chức kiểm duyệt truyền thông, là Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,…
Lãnh đạo VN đi đâu cũng rêu rao quốc tế giúp đỡ hội nhập vào nền kinh tế thị trường, và mong quốc tế nâng đỡ giúp đỡ và công nhận VN là thị trường và hội nhập, nhưng khốn nỗi ở VN thì còn sót lại một vài kẻ không theo kịp thị trường. Vì sợ đào thải nên họ bám vào lý thuyết của Chủ nghĩa Marx-Lenin, và bám vào lý thuyết mà họ phát minh ra mà bắt toàn dân phải đi theo và tiến lên dù rằng cái học thuyết đó họ cũng chả biết hình đáng nó ra sao, đó là học thuyết “kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Vì mải mê đi theo mô hình kinh tế lấy yếu tố của sản xuất thuộc sở hữu của “tất cả mọi người” (everyone), là huy động vốn của toàn dân. Đó là họ đó là họ dựa vào nền kinh tế chỉ huy cao độ, là nơi mà chính quyền trung ương tập trung quyền hành, làm cho tất cả các quyết định kinh tế của Bộ Chính trị. Hầu hết trong điều hành kinh tế, Chính phủ sở hữu độc quyền kinh doanh trong các ngành công nghiệp được coi là đốt xương sống cần thiết cho các mục tiêu của nền kinh tế. Họ phát minh ra sáng kiến các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ sở hữu và điều hành cũng như bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo. Họ tập trung hết các hệ thống tài chính tín dụng vào tay Nhà nước quản lý, bằng phương tiện của một ngân hàng nhân dân (VN gọi là Ngân hàng Nhà nước) với vốn Nhà nước quản lý và độc quyền nhiều lĩnh vực bao trùm nền kinh tế của đất nước này.
Kết cục là đẩy nền kinh tế này rơi vào tình trạng là phải đổi tiền nhiều lần trong quá khứ vì tạo ra nạn lạm phát phi mã. Ngày nay vẫn thế, là họ đẻ ra cái mô hình kinh tế quái thai “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, lập ra các quả đấm thép làm đầu máy kéo nền kinh tế đi lên, kết cục nhiều quả đấm thép đang chất lên đó một gánh nợ khổng lồ cho đất nước này là không biết bao giờ phải trả hết được nợ, và hậu quả đẩy nền kinh tế rơi vào nợ nần là không thể kiếm ra vốn lớn để đầu tư cho kinh tế nữa mà họ chỉ biết đi vay vốn tài trợ ODA mất chủ quyền và quan chức VN đi đâu ra nước ngoài cũng xin vay tiền, đó là mới đây ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhờ Nhật giúp đỡ cho VN vay 1003 tỷ JPY, tức là nếu cho vay chẵn 1 tỷ $ thì vay 109,5 tỷ JPY để trả nợ cho nó đẹp đúng con số 1 tỷ $.
Hãy nhớ rằng, điểm nhấn quan trọng là nếu đi theo “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” thì không thể có nghiệp vụ là các hoạt động của các thị trường vốn (thị trường chứng khoán và lĩnh vực tài chính). Vì lĩnh vực này chỉ có nền kinh tế tư bản họ mới có nó và chuyên sâu về nó.
Đó là họ dễ dàng phát hành cổ phiếu gọi là đầu ra công chúng (IPO), hay đầu tư cổ phiếu đã có sẵn trên thị trường chứng khoán, hay trái phiếu, tiền tệ, và hàng hóa thông qua các quy luật cung cầu. Đó là nó có thể cho phép các công ty để huy động nguồn vốn lớn để mở rộng kinh doanh, hoặc phân phối lợi nhuận cho các chủ sở hữu (kể cả chủ sở hữu tư nhân), nhà đầu tư, hoặc các cổ đông góp vốn,...
Trong khi những người đi theo Chủ nghĩa xã hội họ cũng học tắt làm nghiệp vụ đầu tư này, và hầu như đều thất bại và rất kém nghiệp vụ là mâu thuẫn quá lớn. Chính vì thế nền kinh tế VN chỉ trông cậy vào “huy động vốn toàn dân”, nhưng mà người dân thì hết tin tưởng thì họ cầu viện vốn vay bên ngoài mờ ảo và mờ ám, là đi đâu cũng nhờ thị trường và quốc tế trợ giúp vốn tài chính. Thậm chí mới đây Tổng thống Mỹ là Donald Trump cũng đề cập về “thị trường”, là VN cần rõ ràng về nó thì Mỹ hay các nước khác mới có thể trợ giúp VN hội nhập vào thị trường là tự phát triển thị trường vốn cho mình mà đi lên thay vì chỉ nghĩ đến chuyện đi vay và trợ giúp của quốc tế. Mà vay cái gì hay vay ở đâu thì kết cục vẫn do người dân VN phải trả thay qua thuế phí, hay lạm phát, như làm mất giá tiền tệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét