Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

20170625. QUANH ĐỀ TÀI QUÂN ĐỘI KHÔNG LÀM KINH TẾ

ĐIỂM BÁO MẠNG
PHÁT TÍN HIỆU VỀ VIỆC QUÂN ĐỘI SẼ 'CHẤM DỨT MỌI HOẠT ĐỘNG KINH TẾ'

YẾN THANH / VNF 23-6-2017
Phát tín hiệu về việc quân đội sẽ 'chấm dứt mọi hoạt động kinh tế'
Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

(VNF) - Tại buổi làm việc về tình hình KTXH - an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm của TP. HCM, một lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã đề cập đến việc quân đội đang xem xét chấm dứt mọi hoạt động kinh tế.

Cụ thể, theo Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, việc chấm dứt hoạt động kinh tế của quân đội là một chủ trương mới đặc biệt quan trọng mà Bộ Quốc phòng đang xem xét.
“Quân đội không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Tất cả các doanh nghiệp quân đội phải cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển ra ngoài hết, còn cái nào là phục vụ quốc phòng chứ không để làm kinh tế” – Thượng tướng Chiêm cho biết.
Đây có thể coi là một tín hiệu chính sách rất quan trọng liên quan đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế cũng như tái tổ chức lại quân đội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Liên quan đến vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, Thượng tướng Lê Chiêm nói đây “là vấn đề nổi cộm”. “Chấp hành ý kiến của Chính phủ, hiện Bộ Quốc phòng đã ra lệnh dừng tất cả các dự án tại đây. Ngày mai sẽ họp toàn bộ Bộ Quốc phòng để chuẩn bị văn bản báo cáo Thủ tướng. Chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm theo quy hoạch của Chính phủ”.
“Dự án này từ năm 2007 được 8 bộ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cái này là do lịch sử để lại, vấn đề là chúng ta giải quyết như thế nào. Quan điểm của Bộ Quốc phòng là ưu tiên phát triển hàng không dân dụng”, Thượng tướng Chiêm cho hay.
Cũng theo ông hiện quỹ đất quốc phòng tại TP. HCM rất lớn, tuy nhiên còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, do đó tới đây Bộ sẽ thanh tra toàn bộ. Việc thanh tra là để xác định chỗ nào cần sử dụng, chỗ nào không cần thì sẵn sàng bàn giao cho TP để phát triển kinh tế. “Đây là quan điểm của Thường vụ, Quân ủy Trung ương”, ông nói.
Theo một báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới sắp xếp doanh nghiệp quân đội, từ năm 2002 đến năm 2013, Bộ Quốc phòng đã triển khai cổ phần hóa các doanh nghiệp quân đội theo 4 giai đoạn, hoàn thành cổ phần hóa 26 công ty độc lập, 5 công ty thành viên của tổng công ty và 24 đơn vị hạch toán phụ thuộc để hình thành 55 công ty cổ phần. Có 2 doanh nghiệp hình thành từ cổ phần hóa trong giai đoạn này đã thoái hết vốn Nhà nước.
Còn trong giai đoạn 2013 - 2016, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành cổ phần hóa 7 doanh nghiệp; đã phê duyệt phương án cổ phần hóa đối với 2 doanh nghiệp, đang chuẩn bị phát hành cổ phiếu; đã hoàn thành xác định giá trị 11 doanh nghiệp; đang thẩm định xác định giá trị 5 doanh nghiệp; đang triển khai xác định giá trị 12 doanh nghiệp.
Về công tác thoái vốn nhà nước, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành thoái vốn ở 3 doanh nghiệp; thoái vốn đợt 1 được 2 doanh nghiệp; phê duyệt phương án để triển khai bán vốn Nhà nước tại 9 doanh nghiệp. Nhìn chung, hoạt động của các doanh nghiệp quân đội sau cổ phần hóa đạt hiệu quả cao hơn trước.

QUÂN ĐỘI KHÔNG LÀM KINH TẾ- BÀI HỌC TỪ TRUNG QUỐC

HỒNG THỦY /GDVN 25-6-2017
Thượng tướng Lê Chiêm thăm Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, ảnh: Báo Quân đội Nhân Dân.
Theo Báo điện tử infonet.vn ngày 23/6, cùng ngày tại thành phố Hồ Chí Minh, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã phát biểu về sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và việc Quân đội sẽ chỉ đạo các đơn vị làm kinh tế sẽ dừng các hoạt động này, tập trung vào nhiệm vụ chính trị trung tâm
Những thông điệp được tướng Lê Chiêm nêu ra tại buổi làm việc về tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2017, khi được Thủ tướng chỉ định phát biểu:
“Chấp hành ý kiến của Chính phủ, hiện Bộ Quốc phòng đã ra lệnh dừng tất cả các dự án tại đây.
Ngày mai sẽ họp toàn bộ Bộ Quốc phòng để chuẩn bị văn bản báo cáo Thủ tướng. Chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm theo quy hoạch của Chính phủ.
Các đồng chí yên tâm.
Dự án này từ năm 2007 được 8 bộ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cái này là do lịch sử để lại, vấn đề là chúng ta giải quyết như thế nào. Quan điểm của Bộ Quốc phòng là ưu tiên phát triển hàng không dân dụng.
Để xác định chỗ nào cần sử dụng, chỗ nào không cần thì sẵn sàng bàn giao cho thành phố để phát triển kinh tế. Đây là quan điểm của Thường vụ, Quân ủy Trung ương.
Quân đội không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân.
Tất cả các doanh nghiệp quân đội phải cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển ra ngoài hết, còn cái nào là phục vụ quốc phòng chứ không để làm kinh tế.”. [1]
Nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng có lẽ đã hoàn thành vai trò lịch sử
Cá nhân người viết cho rằng, chủ trương này của Thường vụ Quân ủy Trung ương là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với lòng dân cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực quốc phòng an ninh mà thực tế hiện nay đặt ra.
Chúng tôi thấy rằng, có lẽ việc các đơn vị quân đội tham gia làm kinh tế đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Sau khi kết thúc 4 cuộc kháng chiến vệ quốc, từ giành độc lập cho đến bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trước các cuộc xâm lăng, đến cuối thập niên 1980 chúng ta đã duy trì một đội quân thường trực rất lớn.
Trước tình hình mới hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước, một số đơn vị quân đội đã được giao nhiệm vụ mới, làm kinh tế kết hợp thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Người viết cho rằng, không thể phủ nhận trong những năm tháng khó khăn sau chiến tranh, đất nước bị bao vây cấm vận, các đơn vị kinh tế - quốc phòng đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức lao động, tăng gia sản xuất, ổn định đời sống.
Khi đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập mạnh mẽ, một số doanh nghiệp quốc phòng đã nhanh chóng khẳng định được thương hiệu, vị thế và chỗ đứng trên thị trường trong nước cũng như khu vực.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã thay đổi, đặc biệt là cấu trúc an ninh địa chính trị, địa chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng đang có những diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.
Lúc này cần hết sức nâng cao cảnh giác, tăng cường sức sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng cho quân đội, trong tình huống độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia bị xâm phạm.
Đó là bài học từ suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cũng như từ những sự kiện đã tác động mạnh đến cấu trúc an ninh khu vực và an ninh quốc gia của Việt Nam hiện nay, nhất là trong vài năm trở lại đây.
Những bài học từ Trung Quốc
Channel News Asia, Singapore ngày 23/6 đăng bài bình luận của Giáo sư Ng Ka Po từ Đại học Niigata cho rằng, chiến lược cải cách quân đội Trung Quốc đang giúp ông Tập Cận Bình chiếm thế thượng phong trong Đại hội 19, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay.
Ông Tập Cận Bình thăm lực lượng phi công huấn luyện cất hạ cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh, ảnh: SCMP.
Giáo sư Ng Ka Po cho rằng, chiến lược cải cách quân đội đang giúp các lực lượng vũ trang Trung Quốc tiến kịp các nước phương Tây, đồng thời chứng tỏ quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong vai trò "lãnh đạo cốt lõi" của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Năm 2012 khi tiếp quản quyền lực sau Đại hội 18, Chủ tịch Tập Cận Bình lập tức bắt tay vào thực hiện kế hoạch cải tổ quân đội.
Một tháng sau khi được bầu làm Chủ tịch Quân ủy trung ương, ông đã ban hành các quy định mới, bắt đầu cuộc chiến chống tham nhũng.
Hơn 50 sĩ quan và cựu sĩ quan cấp cao quân đội Trung Quốc đã bị truy tố vì tham nhũng, bao gồm 2 viên Thượng tướng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, một động thái chưa từng có tiền lệ.
Năm 2014, ông Tập Cận Bình quyết định hủy bỏ chế độ họp Quân ủy Trung ương mở rộng.
Chủ tịch Trung Quốc thành lập một nhóm lãnh đạo nhỏ trong Quân ủy Trung ương để thúc đẩy cải cách quân sự và loại trừ sự tham dự của các cựu tướng lĩnh.
Sau hội nghị cải cách Quân ủy Trung ương vào mùa thu 2015, ông Tập Cận Bình quyết định cắt giảm 300 ngàn quân.
Đồng thời dưới sự chỉ đạo quyết liệt của ông, quân đội Trung Quốc đã nhanh chóng tái cấu trúc 7 đại quân khu thành 5 chiến khu, giải thể Bộ Tổng tham mưu - Tổng cục Chính trị - Tổng cục Hậu cần - Tổng cục Trang bị. [2]
Thay vào đó, Trung Quốc thành lập 15 cơ quan chuyên môn trực thuộc Quân ủy Trung ương do ông trực tiếp chỉ huy, quản lý 5 chiến khu, 4 quân chủng đến trực tiếp các đơn vị tác chiến.
Khác hoàn toàn với trước đây, sau khi tái cấu trúc, mệnh lệnh chỉ huy, diễn tập, tác chiến được ra trực tiếp từ Quân ủy Trung ương xuống thẳng Tư lệnh chiến khu / Tư lệnh quân binh chủng rồi xuống đơn vị tác chiến, không qua nhiều khâu trung gian như trước.
Đặc biệt lực lượng hải quân, không quân và tên lửa chiến lược được Trung Quốc ưu tiên phát triển cao độ. 
Bản thân Giáo sư Ng Ka Po cùng không ít nhà quan sát quốc tế thường tập trung vào khía cạnh chính trị nội bộ của hoạt động cải tổ này và dùng nó làm lăng kính đánh giá các động thái cải cách của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Tuy nhiên, cá nhân người viết cho rằng, đối với các nước láng giềng chịu tác động ảnh hưởng trực tiếp từ sự tăng cường sức mạnh quân sự Trung Quốc, đặc biệt là trên biển, trên không và lực lượng tên lửa chiến lược, cần có những nghiên cứu, đánh giá hết sức nghiêm túc.
Chúng tôi nhận thấy, mô hình quân đội Trung Quốc đang xây dựng gần giống với mô hình tổ chức và chỉ huy tác chiến của quân đội Hoa Kỳ.
Điều đáng nói là, mặc dù công khai họ vẫn tuyên truyền chống Mỹ và các giá trị phương Tây, nhưng Trung Quốc đang là nước "sao chép" chủ động và hiệu quả những gì làm nên sức mạnh quân sự Hoa Kỳ.
Hơn nữa, họ không muốn các nước láng giềng như Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác với Mỹ - Nhật, nhất là về an ninh, quốc phòng.
Quay trở lại với mô hình mới của hệ thống chỉ huy quân đội Trung Quốc, chúng tôi cho rằng việc cải cách này có nhiều cái lợi cho họ.
Nó không chỉ đảm bảo mệnh lệnh chỉ huy, tác chiến và tiến hành các hoạt động quân sự chiến lược được phát đi rất nhanh chóng và thông suốt từ người đứng đầu nhà nước mà không bị cản trở bởi hệ thống quan liêu, phức tạp, cồng kềnh như cũ.
Quan trọng hơn, một hệ thống chỉ huy và tác chiến tinh gọn, hiệu quả, tập trung quyền lực vào lãnh đạo nhà nước thay vì một số tướng lĩnh quân đội, còn giảm thiểu tối đa các nguy cơ đảo chính quân sự như thỉnh thoảng vẫn thấy tại một số quốc gia.
Sức mạnh quân sự được đảm bảo sử dụng một cách thống nhất, hiệu quả và thể hiện ý chí của nhà nước, chứ không phải cá nhân tướng lĩnh.
Bên cạnh bài học tái cấu trúc quân đội và chống tham nhũng, Trung Quốc còn cho chúng ta thấy khả năng thay đổi và thích ứng rất nhanh của họ trước tình hình mới.
Trung Quốc tái cấu trúc quân đội để đáp ứng với yêu cầu của tác chiến hiện đại, nhiệm vụ hiện đại, mặc dù "nhiệm vụ" đó có thể bao gồm những hoạt động bên ngoài lãnh thổ của họ, thậm chí vượt giới hạn bảo vệ quyền lợi chính đáng, mà chủ yếu phục vụ cho mục đích trở thành siêu cường, bá chủ toàn cầu.
Thập niên 1980 Trung Quốc duy trì một đội quân thường trực rất lớn và chi phí nuôi đội quân này trở thành gánh nặng cho ngân sách.
Ông Đặng Tiểu Bình khi đó quyết định thực thi chính sách "dùng quân nuôi quân, mỡ nó rán nó" để bổ sung nguồn ngân sách nuôi quân đội.
Ngày 4/5/1985, Quân ủy Trung ương và chính phủ Trung Quốc phê chuẩn Quy định tạm thời về việc các đơn vị quân sự tham gia sản xuất, kinh doanh và thương mại.
Hoạt động này đã phần nào giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách nuôi đội quân thường trực. 
Nhưng sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa, những đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tham gia làm kinh tế đã làm xuất hiện ngày càng nhiều sĩ quan, quân nhân không lo huấn luyện, chỉ thích làm ăn và còn tranh giành quyền lợi với dân chúng. 
Tham nhũng hủ hóa bắt đầu từ đây, đội ngũ cán bộ chỉ huy quân đội nước này ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp thoái hóa, biến chất. 
Khi ông Giang Trạch Dân thay ông Đặng Tiểu Bình làm Chủ tịch Quân ủy, đã quyết định thu hẹp dần số lượng các đơn vị vũ trang làm kinh tế.
Tháng 3/2016, Quân ủy Trung ương Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đã có Thông báo dừng toàn bộ các hoạt động dịch vụ sinh lời của các đơn vị quân đội và cảnh sát vũ trang. [3]
Ngày 2/6 vừa qua, ông Trương Cao Lệ, Phó Thủ tướng và là 1 trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ đạo hội nghị về việc đẩy mạnh công tác dừng toàn bộ dịch vụ sinh lời trong các đơn vị quân đội, cảnh sát vũ trang. [4]
Ngày 23/6, tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đăng bài phỏng vấn một quan chức lãnh đạo Văn phòng Tổ lãnh đạo công tác dừng các dịch vụ sinh lời trong quân đội và lực lượng vũ trang Trung Quốc, vị này cho biết:
"Bước tiếp theo là phải đình chỉ tất cả các dự án mà đại đa số có vốn đầu tư lớn, liên quan nhiều đến dân sinh, lợi ích đan xen phức tạp. 
Cho nên tình hình mỗi ngày một phức tạp hơn, mức độ khó khăn tăng lên rõ rệt, nhiệm vụ rất nặng nề, cần có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các đơn vị với lãnh đạo chính quyền địa phương.". [4]
Qua truyền thông, chúng tôi được biết ông Tập Cận Bình giao trực tiếp cho người đứng đầu các tỉnh thành, Bí thư hoặc Chủ tịch tỉnh trực tiếp chỉ đạo việc dừng toàn bộ hoạt động dịch vụ sinh lời của các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn.
Chúng tôi không bàn đến khía cạnh chính trị nội bộ trong việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp xếp lại bộ máy nhân sự, đặc biệt là các lực lượng vũ trang.
Nhưng rõ ràng việc cải cách quân đội Trung Quốc rất đáng quan tâm bởi hai lẽ.
Thứ nhất, các nước trong khu vực có thể học hỏi được nhiều điều trong tư tưởng, cách nghĩ, cách làm của nhà lãnh đạo Trung Quốc để phát triển một đội quân tinh nhuệ và hạn chế tối đa tham nhũng, hủ bại.
Thứ hai, quan trọng hơn nữa, Việt Nam là một nước láng giềng có thể chịu ảnh hưởng, tác động trực tiếp bởi sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc khi hai bên còn tồn tại những tranh chấp, bất đồng, chúng ta càng phải tìm hiểu kỹ về họ.
Người viết thiết nghĩ việc tìm hiểu thực lực quân sự và ý đồ chiến lược của Trung Quốc quan trọng hơn rất nhiều những đồn đoán mang màu sắc bè phái chính trị, thanh trừng nội bộ.
Trong quá trình ấy, chúng ta cũng có thể học được nhiều bài học kinh nghiệm quý từ Trung Quốc trong việc nâng cao sức chiến đấu cho quân đội, mà trước mắt là giải pháp dừng tất cả các dịch vụ sinh lời, tập trung và huấn luyện, tác chiến mà quân đội Trung Quốc đang làm.
Với khuôn khổ một bài viết, chúng tôi xin được nêu vấn đề để cùng quý bạn đọc quan tâm rộng đường nghiên cứu trao đổi, ngõ hầu có những ý kiến thiết thực đóng góp cho việc tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, trong đó có quốc phòng.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủy


'ĐÁNG LẼ QUÂN ĐỘI PHẢI NGƯNG LÀM KINH TẾ TỪ LÂU RỒI!'

pv LƯƠNG KIỆT/ DV 25-6-2017

(Dân Việt) "Tôi rất ủng hộ chủ trương quân đội không làm kinh tế nữa qua phát biểu của thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Lẽ ra việc này cần phải làm sớm hơn chứ không nên để kéo dài", ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nhận định như vậy với Dân Việt.


 “dang le quan doi phai ngung lam kinh te tu lau roi!” hinh anh 1
Ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội. (Ảnh: VPQH)

Có thời gian công tác tại Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, ông thấy việc quản lý đất quốc phòng cũng như việc quân đội tham gia làm kinh tế nảy sinh những vấn đề bất cập nào?
- Khi còn tham gia Quốc hội khóa XIII, chúng tôi đã đi khảo sát tình hình quản lý và sử dụng đất quốc phòng - an ninh trên phạm vi cả nước để chuẩn bị tham gia xây dựng Luật đất đai (sửa đổi). Qua khảo sát chúng tôi cũng đã nhìn ra vấn đề, cá nhân tôi cũng nêu ý kiến băn khoăn về chuyện đất được giao để sử dụng vào mục đích quốc phòng lại chuyển giao cho các doanh nghiệp (DN) của quân đội làm kinh tế. Nếu so sánh với các DN dân sự thì DN dân sự phải đi thuê đất và phải thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, còn DN quân đội thực hiện nghĩa vụ đó thế nào?
Qua tìm hiểu trong thời gian khoảng giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tôi cũng được biết: Lúc đó việc giao đất quốc phòng cho doanh nghiệp được thí điểm với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (trực thuộc Quân chủng Hải quân và Viettel), còn các DN khác của quân đội thì không. Nếu như vậy rõ ràng không bình đẳng. Khi đã làm kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì mọi thành phần kinh tế, các DN phải bình đẳng trước pháp luật về quyền lợi và nghĩa vụ.
Việc này nếu được duy trì quá lâu (ưu đãi các DN quân đội-PV) sẽ làm méo mó những nguyên tắc kinh tế, nghĩa là mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh phải bình đẳng trước pháp luật từ việc sử dụng tài nguyên của đất nước, đến nghĩa vụ thuế.
Quân đội làm kinh tế cũng có những đóng góp nhất định cho ngân sách. Nhưng vấn đề là sự công khai, minh bạch tất cả những nguồn lực đã được sử dụng để cho các DN quân đội hoạt động chưa được thể hiện rõ ràng. Liệu như vậy có sự sòng phẳng với DN dân sự không?
Ngoài việc bất bình đẳng với DN dân sự, khi quân đội tham gia làm kinh tế ông thấy còn nảy sinh những bất cập nào khác?
- Quốc gia láng giềng của chúng ta cũng đã nhận ra những mặt trái khi để quân đội tham gia làm kinh tế. Tôi chưa nói đến những mặt trái sâu xa, chỉ nói những mặt trái có thể thấy được. Thứ nhất, như đã nói là sự không bình đẳng giữa DN quân đội với DN dân sự trên một số lĩnh vực.
Thứ hai, nó tạo ra sự không bình đẳng trong đội ngũ cán bộ, sĩ quan. Cụ thể, các cán bộ, sĩ quan ở các đơn vị trực tiếp quản lý các lữ đoàn, sư đoàn, trung đoàn, anh em sĩ quan phải rèn luyện quân ngày đêm vất vả chỉ hưởng lương theo cấp bậc quy định của nhà nước.
Còn đối với sĩ quan cũng đeo quân hàm như vậy nhưng làm ở các DN, ngoài việc hưởng lương theo cấp bậc họ còn hưởng cả lương kinh doanh nữa. Không những thế, những sĩ quan công tác ở đơn vị kinh doanh có khi lại được đánh giá cao hơn các sĩ quan ở đơn vị bình thường.
Tôi kể lại câu chuyện lúc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi đó có ý kiến nói rằng hàng năm Viettel đóng thuế cho nhà nước đến 20.000 tỷ đồng, lãnh đạo ở đó cần phải được quân hàm thiếu tướng, trung tướng (?)
Chúng tôi mới lập luận lại, nếu như DN đó đóng thuế lên tới 50.000 tỷ đồng/năm thì chúng ta có phong hàm lên đại tướng không. Nguyên tắc quân hàm là để lãnh đạo, chỉ huy chứ không phải theo cách tính toán đóng góp bao nhiêu tiền.
Nhưng rõ ràng khi quân đội tham gia làm kinh tế, họ cũng đã ít nhiều có những đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng năm, thưa ông?
Hãy thử đặt DN quân đội và DN dân sự ở cùng vạch đích với những điều kiện, yếu tố như nhau, cùng hướng tới một cái đích trên đường đua. Sau khoảng thời gian nhất định, nếu DN quân đội chạy được 100m, còn DN dân sự chỉ được 50m thì đúng là quân đội làm kinh tế giỏi hơn. Tôi đã đặt câu hỏi này ra nhưng không thấy ai trả lời.
- Tất nhiên, việc quân đội làm kinh tế cũng có đóng góp cho ngân sách. Tuy nhiên nói về mức độ thì chúng tôi thấy việc đóng góp đó chưa nhiều. Tôi nhớ có lần có luồng ý kiến cho rằng quân đội làm kinh tế hiệu quả, khi đó tôi tranh luận lại: Nếu hiệu quả như vậy tại sao chúng ta không chuyển hết các DN nhà nước để quân đội quản lý?
Đúng là quân đội làm kinh tế cũng có những đóng góp nhất định cho ngân sách. Nhưng vấn đề là sự công khai, minh bạch tất cả những nguồn lực đã được sử dụng để cho các DN quân đội hoạt động chưa được thể hiện rõ ràng. Liệu như vậy có sự sòng phẳng với DN dân sự không?
Hãy thử đặt DN quân đội và DN dân sự ở cùng vạch xuất phát với những điều kiện, yếu tố như nhau, cùng hướng tới một cái đích trên đường đua. Sau khoảng thời gian nhất định, nếu DN quân đội chạy được 100m, còn DN dân sự chỉ được 50m thì đúng là quân đội làm kinh tế giỏi hơn. Tôi đã đặt câu hỏi này ra nhưng không thấy ai trả lời.
Nếu quân đội không làm kinh tế nữa theo như phát biểu của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, điều này liệu có góp phần làm tinh gọn bộ máy lực lượng quân đội?
- Khi quân đội không còn làm kinh tế nữa, các vấn đề sẽ rất lành mạnh, minh bạch, không có sự so bì giữa lực lượng làm kinh tế và lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Thứ hai, điều này cũng sẽ góp phần quan trọng làm giảm áp lực về quân số. Bởi trong các DN quân đội có bộ phận sĩ quan (hay gọi sĩ quan có số), có bộ phận quân nhân chuyên nghiệp, có bộ phận là viên chức và công nhân quốc phòng. Tất cả đều được tính vào biên chế, làm cho biên chế tăng lên vì thế khó lòng cải thiện được chế độ tiền lương, trợ cấp cho đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ của các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu.
Khi giảm số lượng kể trên, những đơn vị liên quan đến hoạt động kinh tế sẽ ra ngoài thị trường hoạt động sản xuất, kinh doanh như các DN dân sự. Như vậy rõ ràng quân đội sẽ giảm được lượng biên chế khá lớn. Từ đó lực lượng quân đội tập trung lấy đủ quân số cần thiết theo kế hoạch.

 “dang le quan doi phai ngung lam kinh te tu lau roi!” hinh anh 2

Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Bộ Quốc phòng đã có chủ trương quân đội không làm kinh tế nữa. (Ảnh: VNE)
Trong cuộc gặp với Thủ tướng tại TP.HCM vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Lê Chiêm cho biết sẽ thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở TP.HCM. Tuy nhiên thời gian qua nhiều nơi cũng nảy sinh nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến đất quốc phòng. Theo ông có cần phải kiểm tra, thanh tra trên phạm vi toàn quốc không?
- Tôi cho rằng, cùng với chủ trương quân đội thôi làm kinh tế thì cũng cần phải kiểm tra, rà soát lại toàn bộ việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng, thực hiện càng nhanh càng tốt.
Thực ra đất quốc phòng luôn là vấn đề nhạy cảm không phải bây giờ mà trước đây cũng vậy. Từ Quốc hội khóa IX, khi đó làm thư ký cho lãnh đạo Quốc hội tôi đã thấy có nhiều vấn đề trong việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Chẳng hạn, việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ chỗ này sang chỗ kia, cán bộ cấp trung đoàn trở lên cũng có quyền ký cấp đất… Những việc làm đó không tuân theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến đất quốc phòng thời gian qua xảy ra những chuyện này, chuyện khác khiến dư luận rất quan tâm. Nhân dịp này, theo tôi cần kiểm tra, thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng trên phạm vi cả nước để có cơ sở chấn chỉnh lại, làm sao sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực (đất đai) vốn có hạn.
Xin cảm ơn ông (!)
"Tôi kể lại câu chuyện lúc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi đó có ý kiến nói rằng hàng năm Viettel đóng thuế cho nhà nước đến 20.000 tỷ đồng, lãnh đạo ở đó cần phải được quân hàm thiếu tướng, trung tướng (?)
Chúng tôi mới lập luận lại, nếu như DN đó đóng thuế lên tới 50.000 tỷ đồng/năm thì chúng ta có phong hàm lên đại tướng không. Nguyên tắc quân hàm là để lãnh đạo, chỉ huy chứ không phải theo cách tính toán đóng góp bao nhiêu tiền", ông Lê Việt Trường.


NHÂN PHÁT BIỂU CỦA TƯỚNG LÊ CHIÊM, THỬ SOI BỨC TRANH KINH TẾ QUÂN ĐỘI

YẾN THANH/ VNF 25-6-2017
Nhân phát biểu của tướng Lê Chiêm, thử soi bức tranh kinh tế quân đội
Viettel vẫn là "chim đầu đàn" trong lĩnh vực kinh tế quân đội.

(VNF) - Như VietnamFinance đã đưa tin, tại cuộc làm việc về tình hình KTXH - an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm của TP. HCM, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết việc chấm dứt hoạt động kinh tế của quân đội là “một chủ trương mới đặc biệt quan trọng mà Bộ Quốc phòng đang xem xét”.

“Quân đội không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân. Tất cả các doanh nghiệp quân đội phải cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển ra ngoài hết, còn cái nào là phục vụ quốc phòng chứ không để làm kinh tế”, Thượng tướng Lê Chiêm cho biết.
Phát biểu của tướng Lê Chiêm đã làm nóng công luận những ngày cuối tuần vì nếu ý tưởng này được thúc đẩy, một nguồn lực khá lớn về vốn, đất đai, con người đang do quân đội quản lý có thể được "dân sự hóa", qua đó hỗ trợ cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về sự việc, VietnamFinance xin giới thiệu những nét chính trong bức tranh kinh tế của quân đội nhân dân Việt Nam
Theo Đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng được phê duyệt từ năm 2013, lực lượng kinh tế quân đội khá hùng hậu. Và toàn bộ khối doanh nghiệp quân đội này hiện đang được quản lý bởi Cục kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng.
Quy mô lớn nhất trong khối doanh nghiệp quân đội chính là Tập đoàn Viettel. Báo cáo kinh doanh của Tập đoàn này cho thấy mặc dù năm 2016 là một năm tương đối khó khăn tuy nhiên Viettel vẫn tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trên thị trường viễn thông trong nước về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách.
Theo báo cáo, doanh thu của Viettel năm 2016 đạt 226.558 tỷ, hoàn thành 100% kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế của nhà mạng đạt 43.200 tỷ, hoàn thành 101% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 40.396 tỷ, hoàn thành 105% kế hoạch; Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/Vốn chủ sở hữu 34,1%, hoàn thành 100,4% kế hoạch.
Trong năm 2016, nhà mạng Viettel tăng thêm 7,4 triệu thuê bao, lũy kế toàn mạng 90 triệu thuê bao (Trong nước 62,3 triệu; nước ngoài 27,7 triệu thuê bao).
Một chi tiết đáng chú ý là từ năm 2006, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã có ý kiến đồng ý việc cổ phần hóa Công ty điện thoại di động Viettel (Viettel Mobile) thuộc Viettel (khi đó mới là Tổng công ty), mặc dù Nhà nước vẫn sẽ giữ cổ phần chi phối Viettel Mobile. 
Tuy nhiên, theo Đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng được phê duyệt năm 2013, không chỉ Viettel Mobile mà toàn bộ Viettel được xác định vẫn sẽ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Bên cạnh Viettel, lực lượng kinh tế quân đội có tới 17 Tổng công ty khác do Nhà nước giữ 100% vốn bao gồm Tổng công ty Kinh tế - kỹ thuật công nghiệp quốc phòng; Tổng công ty Hợp tác kinh tế; Tổng công ty 15; Tổng công ty 789; Tổng công ty 319; Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô; Tổng công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC; Tổng Công ty Thành An; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn; Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn; Tổng công ty 28; Tổng công ty Thái Sơn; Tổng công ty Xăng dầu Quân đội; Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng; Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân; Tổng Công ty Đông Bắc; Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam.
Các tổng công ty này đều có quy mô hoạt động khá lớn, chẳng hạn như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn năm 2016 đã đạt doanh thu trên 17 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 2.000 tỷ đồng. Lưu ý rằng đến thời điểm hiện tại thì một số đơn vị hoặc công ty con của các đơn vị trên cũng đã và đang được cổ phần hóa.
Ngoài 1 tập đoàn và 17 công ty trên, quân đội cũng đang quản lý hơn 70 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác theo mô hình công ty TNHH 1 thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực như cơ khí, điện, điện tử, thương mại…
Ngoài các doanh nghiệp trên, có hai doanh nghiệp khá lớn khác đã và đang được cổ phần hóa gồm Công ty mẹ - Tổng công ty 36 và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Trường An.
9 doanh nghiệp khác đã và đang được thoái vốn nhà nước (quân đội) gồm Công ty cổ phần Phú Tài; Công ty cổ phần Hương Giang; Công ty cổ phần NPK; Công ty cổ phần An Bình; Công ty cổ phần Thanh Bình HCM; Công ty cổ phần Thanh Bình HN; Công ty cổ phần Misoft; Công ty cổ phần Hà Đô; Công ty cổ phần Đông Đô.
Còn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hai cái tên đáng chú ý nhất là Ngân hàng Quân đội (MB) và Tổng công ty bảo hiểm Quân đội (MIC), đều có cổ phần của các doanh nghiệp quân đội.
Tuy nhiên, một thực tế là các thông tin, đặc biệt là thông tin về tình hình tài chính của các doanh nghiệp quân đội được giữ khá kín. Phải tới cuối năm 2016 vừa qua, Bộ Quốc phòng mới có chủ trương công bố công khai, minh bạch tình hình hoạt động và thông tin tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu.
Theo Thông tư 182 (2016) do Bộ Quốc phòng ban hành, mục đích công khai thông tin tài chính các doanh nghiệp quân đội là để đảm bảo sự minh bạch, trung thực và khách quan tình hình tài chính của doanh nghiệp quân đội; cũng như để phát hiện kịp thời hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính, chế độ kế toán của doanh nghiệp.
Đồng thời, công khai tài chính các doanh nghiệp quân đội là để thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước, người lao động trong việc giám sát, kiểm tra và thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
YẾN THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét