Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

20170616.QUANH VỤ KHỞI TỐ ĐỒNG TÂM

ĐIỂM BÁO MẠNG
XÃ LUẬN: KHỞI TỐ VÀ LỜI KÊU GỌI THƯỢNG TÔN MỘT THỨ PHÁP LUẬT BẤT CÔNG

VI YÊN/ BVN 16-6-2017

clip_image002
Ảnh: VnExpress - Zing.

ý kiến cho rằng, lời hứa của tướng Nguyễn Đức Chung không có giá trị pháp lý, và ông cũng không có thẩm quyền trong các hoạt động điều tra để có thể quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân Đồng Tâm, rằng để đảm bảo tiêu chí của một nền pháp quyền, cơ quan điều tra cần phải độc lập khỏi sự chi phối của cơ quan hành pháp, và rằng hành động truy tố của CA Hà Nội lần này là đúng đắn theo các nguyên tắc pháp quyền.
Song cách lập luận như thế liệu có thực sự chính đáng? Và có nơi nào mà pháp quyền sinh ra là để bảo vệ cho chính quyền không? Hay, một cách tổng quát hơn, thế nào là một nền pháp quyền?
Thế nào là một nền pháp quyền chính đáng
Một thể chế được coi là có pháp quyền thì phải đảm bảo cả tiêu chuẩn hình thức lẫn thực chất. Xét về mặt hình thức, nhà nước và cá nhân phải tuân thủ theo các thủ tục pháp luật. Song, bản chất của nền pháp quyền chính là nhằm ngăn chặn sự tùy tiện của chính quyền, qua đó bảo vệ lợi ích của người dân. Quan trọng nhất vẫn là tiêu chuẩn về thực chất, vì rốt cuộc thì thủ tục chẳng qua chỉ để đảm bảo cho chính cái bản chất ấy được thực thi.
Một thể chế dù thực hiện khắt khe các tiêu chuẩn hình thức song không đảm bảo tiêu chuẩn thực chất, thì không nên nói rằng nó sở hữu một nền pháp quyền. Thậm chí ta có thể hiểu rằng thể chế này đang sử dụng cái mỹ từ “pháp quyền” như một đôi găng nhung để bảo vệ cho bàn tay sắt giấu bên trong nó.
Ở Việt Nam, rõ ràng toàn bộ quyền lực nằm trong tay đảng Cộng sản: Đảng có địa vị tối cao, đứng trên luật, và sử dụng pháp luật để cai trị. Các cơ quan khác nhau – như hành pháp, lập pháp, tư pháp – chỉ là các công cụ được Đảng thiết lập nhằm phục vụ các chức năng mà Đảng giao cho. Một nền chính trị như vậy, dù có đảm bảo tiêu chuẩn hình thức đến mấy, thì vẫn không thể được coi là một nền pháp quyền.
Tại sao có thể tuyên bố chắc nịch như vậy? Bởi cái tính hình thức đó được sinh ra nhằm phục vụ cho lợi ích của Đảng, chứ không phải là để kiểm soát quyền lực của giới cai trị và bảo vệ các quyền và lợi ích của người dân. Nó hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần pháp quyền rằng, một nhà nước pháp quyền phải đảm bảo người dân có khả năng chống lại sự tuỳ tiện của chính quyền.

clip_image004
Đảng Cộng sản Việt Nam hiện diện trong mọi ngõ ngách của đời sống chính trị và pháp lý Việt Nam. Ảnh: Viện Kiểm sát Bắc Giang.
Đồng Tâm: Bất công chồng lên bất công
Quay lại trường hợp ở Đồng Tâm, chúng ta có thể thấy rằng người dân có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi bắt giữ một số người của chính quyền khi phải tự bảo vệ chính họ trước bạo quyền. Và cũng có thể cho là ông Chung đã lạm quyền khi cam kết một điều không thuộc thẩm quyền của ông. Như vậy, giao dịch giữa ông Chung và người dân đã vi phạm tiêu chuẩn về hình thức. Vậy thì để đảm bảo thủ tục pháp quyền, ông Chung phải bị luận tội lạm quyền, còn người dân phải bị khởi tố.
Song câu hỏi đặt ra là: Liệu tuân theo thủ tục pháp quyền như thế có thực sự đảm bảo tính công bằng hay không? Và có đáng để chúng ta đấu tranh cho một thứ pháp quyền thuần túy hình thức như thế?
Thứ nhất, như lập luận ở trên, chúng ta đã thấy rằng Việt Nam không sở hữu một nền pháp quyền chính đáng. Người dân luôn ở thế yếu hơn và không có khả năng chống lại sự tùy tiện của các cơ quan công quyền: họ còn biết trông cậy vào công cụ nào để bảo vệ chính mình khi mà kẻ đẩy họ vào đường cùng lại là những người có thừa quyền năng để đem họ ra truy tố?
Thứ hai, quan trọng hơn, chính là về những nguồn cơn đã dẫn đến hành vi của người dân Đồng Tâm. Đó là quá trình đối xử bất công kéo dài xâm phạm các lợi ích của họ, là những hành vi bạo lực đối với họ khiến họ phải phản kháng. Rõ ràng ở đây họ là người bị hại trước nhất, không một thứ “thủ tục pháp quyền” nào được thực thi ngay từ đầu, và rồi họ phải phản kháng để tự bảo vệ mình, vì vậy mà họ bị coi là có tội. Điều này là hoàn toàn bất công. Và một nền pháp quyền giả tạo như vậy hoàn toàn không đáng cho chúng ta theo đuổi.

clip_image006
Nên hay không nên ủng hộ thực hiện lời hứa của ông Chung? Ảnh: Zing.

Cần áp dụng tinh thần pháp quyền thực chất
Để tạo dựng một nền pháp quyền chính đáng, chúng ta nên ủng hộ thực thi bản cam kết của ông Chung. Có như vậy mới đảm bảo được tiêu chuẩn thực chất của pháp quyền.
Khi mà quyền lợi của người dân bị xâm phạm, chính quyền giải quyết không công bằng, thậm chí còn sử dụng đến bạo lực, thì người dân có quyền nổi dậy để bảo vệ chính họ. Trong trường hợp này, chính quyền đã xâm phạm tới quyền lợi của người dân trước tiên, do đó chính quyền mới là phía sai trái, mới đáng bị kết tội.
Việc ông Chung đại diện cho chính quyền đưa ra cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân cho thấy rằng quyền lực của chính quyền đã bị giới hạn khi gặp phải sức phản kháng của người dân. Thêm vào đó, các quyền lợi của người dân được bảo toàn. Đó mới chính là tinh thần của pháp quyền: kiểm soát sự cai trị, giới hạn quyền lực nhà nước, và bảo vệ lợi ích của người dân.
Vụ việc lần này ở Đồng Tâm khá giống với tinh thần của giới quý tộc Anh cách đây hơn 800 năm. Khi bị chính quyền đối xử tùy tiện, giới quý tộc Anh đã nổi dậy, ép vua Anh phải ký kết Đại Hiến chương Magna Carta – ghi rõ cam kết bảo vệ các quý tộc và cá nhân không bị bắt giam. Nội dung chính của bản Hiến chương nêu lên tinh thần tôn trọng các quyền không thể xâm phạm của con người, và đây chính là nền tảng của nền pháp quyền Anh.
Điều này cũng tương tự như khi nước Mỹ còn là thuộc địa của Anh. Do bị đối xử bất công, người Mỹ đã nổi dậy chống lại luật pháp Anh, và tuyên bố trở thành quốc gia độc lập với tuyên ngôn nổi tiếng:
“Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ”.
Dù thủ tục tố tụng có được thực thi khắt khe đến thế nào thì chúng vẫn là thứ vô ích và không đáng được bảo vệ khi mà chính quyền hãy còn giữ thế độc tôn nắm giữ quyền lực, và lợi ích của người dân hãy còn bị xâm phạm đến mức họ phải chống lại luật pháp để bảo vệ chính mình. Muốn gầy dựng một nền pháp quyền chính đáng, thứ chúng ta cần theo đuổi chính là tinh thần của nó.
Như vậy, trường hợp ở Đồng Tâm với cam kết giữa người dân và ông Chung, hay nói rộng hơn là thỏa ước giữa người dân và chính quyền, là một bằng chứng cho thấy dấu hiệu của pháp quyền. Và việc thực thi bản cam kết này chính là một bước tiến để bắt đầu hiện thực hóa tinh thần pháp quyền thực chất.
V.Y.

NẾU TÔI LÀ CHỦ TỊCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 16-6-2017

Việc công an Hà Nội khởi tố bà con Đồng Tâm làm nổi lên 2 luồng dư luận:
1- Cho rằng đây là âm mưu, thủ đoạn của ông Chung vì ông là người cầm đầu chính quyền. Việc này ông tự chủ trương rồi lệnh cho CA thi hành hoặc ông được biết rõ và đồng ý để CA thực hiện.
2- Cho rằng đây là việc của bên Tư pháp, mà ông Chung là bên Hành pháp, hai bên độc lập với nhau. Việc ông Chung ký với bà con Đồng Tâm cam kết không truy cứu là không đúng chức năng và bây giờ CA khởi tố không liên quan gì đến ông.
Tôi xin đặt mình vào vị trí của ông Chủ tịch thành phố để xem nên như thế nào.
Sau khi đối thoại với bà con ở Đồng Tâm về, tôi xin phô tô bản cam kết để trình lên Thành ủy và ông bí thư Hoàng Trung Hải để xin được ủng hộ và tìm biện pháp thi hành. Đồng thời làm báo cáo lên Bộ Chính trị để nhận được chỉ đạo. Nếu ông Hải và Bộ chính trị buộc không được thi hành cam kết, buộc phải khởi tố thì tôi sẽ công khai thông báo lại cho bà con và công luận biết, tôi sẽ về lại Đồng Tâm, gặp lại bà con để cùng nhau tìm biện pháp khác. Tôi sẽ không im lặng tìm thủ đoạn đối phó. Bây giờ sự việc đã ra thế này, biết làm sao.
Trường hợp (1), khi việc khởi tố là do tôi chỉ đạo hoặc đồng ý thì tôi đã làm một việc quá ngu dại, quá đểu cáng, đã tự bóc trần mặt nạ, đã làm mất hết danh dự. Một người như vậy, nếu còn chút lương tri, còn biết trọng danh dự thì làm sao còn dám chường mặt ra để thiên hạ nhìn thấy. Có thể là vì áp lực của Đảng mà tôi phải làm như thế. Vậy thì trước khi giấu mặt đi phải nói ra cho nhân dân biết để cầu xin một sự thông cảm và tha thứ. Có thể việc làm như vậy sẽ dẫn đến hậu quả bị thi hành kỷ luật đảng. Đã ngu dại rồi có bị kỷ luật tôi cũng cố chịu để vớt vát một chút liêm sĩ đã đổ đi.
Trường hợp (2), nếu bên CA, lấy quyền độc lập về tư pháp để khởi tố mà không báo cho tôi biết thì khác gì chúng nó nhổ vào mặt tôi. Thế mà tôi chịu được à! Tôi sẽ lên tiếng. Trước hết tôi báo cho ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy. Đảng lãnh đạo toàn diện mà. Chuyện này có thể tôi không được biết trước, nhưng ông Hải thì chắc phải được biết chứ. Tôi sẽ báo và khiếu nại lên Bộ Chính trị, Thủ tướng chính phủ và Quốc hội vì bị bọn CA, không biết được ai chống lưng đã trát cứt lên mặt Chủ tịch thành phố. Khi mà tôi không được ông Hải, Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội đồng tình, họ cho tôi phạm sai lầm trong việc cam kết với bà con thì tôi sẽ ngay lập tức xin từ chức và về Đồng Tâm xin bà con tha tội. Đối với tôi làm một người trung thực, biết trọng danh dự quan trọng hơn chức Chủ tịch thành phố. Làm Chủ tịch là để lo cho dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân chứ không phải để lừa dối dân.
*
Vài lời với ông Hoàng Trung Hải và ông Nguyễn Phú Trọng.
Sự việc Đồng Tâm vừa qua và gần đây các ông biết cả chứ. Quan điểm của các ông thế nào khi việc này trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín của Đảng? Phải chăng các ông làm ngơ, kệ cho ông Chung và CA Hà Nội làm gì thì làm? Không được. Các ông chủ trương Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Trong việc này tôi thấy lờ mờ bóng của các ông đàng sau lưng CA. Có thế nào các ông nên có ý kiến công khai để dân còn biết đường xoay xở.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

NGUỒN CƠN NÀO KHIẾN HÀ NỘI TRỞ MẶT VỚI ĐỒNG TÂM ?

PHẠM CHÍ DŨNG/BVN 16-6-2017

clip_image001
Một cảnh sát lạy tạ dân làng Đồng Tâm hôm 22 tháng Tư sau khi được phóng thích. (REUTERS/Kham)

Một cán bộ hưu trí hơn 50 tuổi đảng ở Sài Gòn thở ra với tôi: “Nếu Công an Hà Nội đè dân Đồng Tâm ra mà khởi tố, thằng Chung sẽ cạn ráo uy tín, sẽ mất mặt hết. Đảng cũng mất mặt luôn. Lúc đó thì bọn tao còn biết tin vào ai nữa?”.
‘Phản bội’!
“Thằng Chung” mà người cán bộ hưu trí nói đến là Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Chỉ cách đây chưa đầy hai tháng, chính ông hưu trí này còn hồ hởi khi nhìn thấy bản cam kết viết tay và ký tươi không truy tố nhân dân Đồng Tâm của ông Chung: “Phải thế chứ! Ít gì trong đảng còn có những tay như Nguyễn Đức Chung. Dân mình vẫn còn tin đảng lắm!”.
Từ lâu nay, tiếng nói của người cán bộ hưu trí trên vẫn được những người cùng giới coi là “trung kiên”, chỉ biết, chỉ nghĩ đến một đảng, tuyệt đối không có đảng thứ hai. Tất cả những tồn tại đều phải “còn nước còn tát”…
Nhưng còn bây giờ, câu hỏi thống thiết bật ra đối với số phận cuối cùng của đảng là nếu những người lý tưởng và trung thành nhất còn phải bật ngửa trước hành động trở mặt một trăm tám mươi độ của chính quyền Hà Nội với người dân Đồng Tâm, các giới khác - vốn ít hoặc chẳng hề tự nguyện “trung với đảng” - sẽ cảm thán đến thế nào!
Một đảng viên đã có đến 56 tuổi đảng như cụ Lê Đình Kình - nạn nhân của một nhóm nhân viên công an vật gãy xương đùi cụ và sau đó bắt cóc cụ - đã phải thốt lên rằng Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã “phản bội ý kiến và danh dự của chính ông ấy” và khiến “người dân phẫn nộ, Đồng Tâm lại trở thành điểm nóng”.
Sau cú bội phản trên của chính quyền Hà Nội, không ít đảng viên dày tuổi đảng đã phải ngửa mặt lên trời “Bác Trọng làm sao chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực được nếu cứ khư khư chế độ một đảng như thế này! Một đảng cho nên muốn làm gì thì làm, muốn trở mặt lúc nào cũng được!”.
“Rửa nhục”
Kinh nghiệm xương máu của những cuộc “khởi nghĩa” trong dĩ vãng té ra vẫn còn quá giá trị nơi hiện tại.
Thọ Ngọc, Thanh Hóa năm 1989 và Quỳnh Phụ, Thái Bình năm 1997 - người nông dân cũng bước đầu giành thắng lợi như cái cách của người dân Đồng Tâm năm 2017. Nhưng sau đó không lâu, Thọ Ngọc và Quỳnh Phụ đã bị những đòn chơi bẩn của chính quyền và công an nhấn chìm trong lao tù.
Một kinh nghiệm đắt giá đã được nông dân các vùng đúc kết: thông thường, công an sẽ chờ vài ba tháng sau vụ việc để xoa dịu sự phẫn nộ dân chúng và khiến bầu không khí lắng lại, rồi tổ chức khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kể cả “bắt nguội”. Kinh nghiệm cay đắng đã là quá nhiều ở Dương Nội, Văn Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận... và nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Có nhiều lý do cho thấy vào năm 2017, công an nhất quyết muốn ăn thua đủ với dân. Trong những vụ Thọ Ngọc và Thái Bình trước đây và Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh những năm gần đây, số cán bộ chính quyền và công an bị dân bắt chỉ 4-5 người là cao. Nhưng ở Đồng Tâm, người dân đã dám bắt đến cả một trung đội cảnh sát cơ động trong cả thảy 38 cán bộ và nhân viên công lực được dân đưa vào quy chế “trao đổi tù binh”. Đó chính là một sự sỉ nhục chưa từng có đối với ngành công an vốn chỉ biết lấy số đông đánh người mà chẳng mấy khi bị người đánh lại.
Đó cũng là nguồn cơn thiết thân mà đã khiến Công an Hà Tĩnh tung ra liên tiếp ba lệnh khởi tố vụ án về “gây rối, bắt người trái phép tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh” vào tháng 4/2017. Chi tiết rất đáng phiếm đàm trong những lệnh khởi tố này là có đến vài ngàn người dân có thể rơi vào dạng “bị can”, nhiều đến mức không chỉ Công an Hà Tĩnh mà có huy động hết các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an cũng không “làm” xuể.
Tuy nhiên, cho đến nay cả ba lệnh khởi tố trên của Công an Hà Tĩnh đều hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Thậm chí một người dân “bị can” khi bị triệu đến làm việc với Cơ quan điều tra còn kéo thêm hàng trăm người dân khác đi cùng, tất cả cùng đòi được vào phòng hỏi cung và đều đòi được hỏi cung. Cứ vui như trảy hội…
Còn bây giờ sau khi “nuốt nhục”, Công an Hà Nội có dám và có đủ sức để khởi tố đến hàng ngàn người dân Đồng Tâm, trong khi cơ quan này đã quên phắt những thủ phạm đã hành hung đến thương tật cụ Lê Đình Kình?
Đến đây, một lần nữa lại xảy ra trò chơi xảo chữ.
Không bắt toàn thể mà “cá thể hóa”!
Một số dư luận viên của đảng và công an một lần nữa, sau khi đe dọa trong vài tháng qua, đã tung ra lập luận cùng lúc với quyết định khởi tố ngày 13/6/2017 của Công an Hà Nội:
“Ông Chung có hứa "sẽ không truy cứu trách nhiệm đối với toàn thể dân Đồng Tâm". Và xem chừng 2 tội danh (“Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (theo điều 123 BLHS) và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (theo điều 143 BLHS) được cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội thực hiện sẽ không bao hàm tất cả người dân Đồng Tâm mà nó đã được cá thể hóa. Theo đó, cơ quan điều tra sẽ tính toán khởi tố bị can, tập trung điều tra làm rõ đối với một số cá nhân đóng vai trò cầm đầu, tổ chức và có hành vi quá khích... Vì thế, xét dưới khía cạnh logic hình thức thì lời hứa của ông Chung hoàn toàn không dẫm đạp lên động thái mới này!”.
Lập luận quá xảo ngôn và đầy sắc máu trên cho thấy quyết định khởi tố ngày 13/6 vừa qua có thể là một động tác “ném đá dò đường”, để nếu người dân Đồng Tâm không phản ứng, hoặc phản ứng không đủ mạnh, công an sẽ “tỉa từng em” - theo lối nói cợt nhả quen thuộc của lực lượng “vì dân” này, và cuối cùng sẽ dập tắt hoàn toàn “phong trào khởi nghĩa Đồng Tâm”, đồng thời rửa mặt cho nỗi nhục bị dân bắt giữ.
Để thực hiện được ý đồ trên, cựu tướng công an Nguyễn Đức Chung lần thứ hai phải chấp nhận tình trạng “khổ nhục kế”. Nếu như vào tháng 4/2017, ông Chung phải chịu cắm mặt trước dân Đồng Tâm mà ký cam kết, thì nay một lần nữa cắm mặt trước một sức ép, một thế lực chính trị trong đảng đang trùm lên đầu ông. Bởi nếu không, Nguyễn Đức Chung có thể mất chức chủ tịch Hà Nội.
Thực ra, tình trạng an nguy chính trị của Nguyễn Đức Chung đã râm ran từ khi nổ ra vụ Đồng Tâm. Khi đó có dư luận cho biết nếu ông Chung không giải quyết “êm” vụ này thì ông ta tất phải chịu trách nhiệm về điều hành yếu kém và phải bị thay thế tại Hội nghị trung ương 5 của đảng - diễn ra vào tháng 5/2017.
Nhưng cho dù đã phải cúi đầu cam kết với dân, hoạn lộ của Nguyễn Đức Chung vẫn chưa kết thúc. Hình như vẫn âm thầm đâu đó một thế lực chính trị muốn “bế” ông Chung khỏi cái ghế chủ tịch Hà Nội ngồn ngộn quyền và lợi. Đây có thể là nguyên nhân - nguồn cơn thứ hai mà đã khiến người dân Đồng Tâm một lần nữa phải mất ngủ vì sôi sục, trong khi lẽ ra chính quyền có thể tạm yên tâm trong không khí hoàn toàn ôn hòa và “tạm tin đảng” của nông dân thôn Hoành.
Song trên tất cả, nguồn cơn sống còn nhất - nguồn cơn thứ ba - là lợi ích kinh tế. Không chiếm được lợi ích này, kẻ mất ngủ không phải là dân mà sẽ là Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) cùng những quan chức theo đóm ăn tàn. Không đoạt được ít nhất vài chục ha đất của nông dân, toàn bộ chiến dịch “đánh Đồng Tâm” sẽ không còn ý nghĩa gì.
Hãy thử hình dung một kịch bản từ giới quan chức: dân Đồng Tâm muốn thanh tra đất đai, ừ thì thanh tra. Đã qua 45 ngày thanh tra và chỉ còn chưa đầy 30 ngày nữa để công bố kết quả. Thế là song song với quá trình thanh tra là lệnh khởi tố của Công an Hà Nội như một cách gây sức ép để kết quả thanh tra được “thuận thảo” hơn cho nhóm lợi ích. Khi đó, dân Đồng Tâm có muốn phản ứng cũng khó vì công an đã “nắm đầu” những người chủ chốt của phong trào…
Làm sao vượt được cái kết Ô Khảm?
“Chiếm đất”, “rửa nhục” và “tranh ghế” nhiều khả năng là “ba trong một” - ba nguồn cơn khiến lại bùng cháy ngọn lửa phẫn nộ và quyết đấu của một tinh thần Đồng Tâm.
Kịch bản đã, đang xảy ra ở Đồng Tâm, quay quắt thay, lại giống hệt với những gì ở Ô Khảm 6 năm về trước.
Năm 2011, làng Ô Khảm ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Cũng từ cuộc đấu tranh chống tham nhũng và trưng thu đất đai vô lối mà 13 ngàn người dân làng này đã giành thắng lợi trong một cuộc đấu tranh “rào làng kháng chiến”, bắt buộc chính quyền Bắc Kinh thời Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải đàm phán và để cho Ô Khảm trở thành làng đầu tiên trong cả Trung Quốc được bầu cử tự do, với kết quả trưởng làng là một người được dân làng bầu lên chứ không phải là quan chức được chính quyền ấn xuống.
Nhưng chỉ sau vài năm, chính người trưởng làng đó đã bị chính quyền trả thù bằng việc vu tội và bắt giam ông. Quy chế tự do bầu cử của Ô Khảm đã bị chính quyền vùi dập ngay sau đó.
Giờ đây, bi kịch thực tại ở Việt Nam là cuộc đấu sống mái giữa các nhóm quyền lực và lợi ích trong đảng, xen kẽ bởi những mũi giáo nhọn hoắt của các nhóm này đâm thẳng vào trái tim dân chúng.
Sự tráo trở của chính quyền đang khiến những đại biểu quốc hội muốn ru ngủ dân theo cách “pháp luật luôn công bằng đại lượng”, hay “bà con Đồng Tâm cần bình tĩnh hợp tác với cơ quan điều tra”, trở thành một trò cười lố bịch và ti tiện.
Chỉ người dân mới tự quyết định được số phận của mình. Nếu không, họ sẽ phải đứng trước một vành móng ngựa đã mục nát và bị xô lệch từ lâu.
Tinh thần Đồng Tâm sẽ giúp cho người dân nơi đây tránh được cái kết bế tắc của Ô Khảm.
P.C.D.

TRUY TỐ ĐỒNG TÂM: CỨU CÁNH BIỆN MINH CHO PHƯƠNG TIỆN

KÍNH HÒA/RFA/BVN 16-6-2017

clip_image002

Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP photo
Ngày 13 tháng sáu năm 2017, cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố điều tra vụ Đồng Tâm xảy ra hồi giữa tháng Tư năm 2017, dù trước đó ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã ký cam kết không truy tố với người dân Đồng Tâm.
Ngày 14 tháng Sáu năm 2017, báo Tuổi Trẻ trong nước phỏng vấn một số đại biểu Quốc hội về việc này. Đa số các đại biểu cho rằng hành động ký cam kết của ông Chung là một giải pháp tình huống, là phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ.
Cứu cánh biện minh cho phương tiện
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự sống ở Hà Nội cho rằng cái cách nói rằng việc ký cam kết không truy tố người dân Đồng Tâm của ông Nguyễn Đức Chung là một giải pháp tình thế, chứng tỏ rằng trong não trạng của những người cầm quyền hiện nay, họ luôn cho rằng họ đúng với bất cứ vấn đề gì. Ông nói thêm:
“Đấy là một lối nói mà nếu các đại biểu quốc hội nào, nói theo ý như vậy, hoặc là ông Chung ông ấy nói theo ý như vậy, thì đấy thực sự là một sự lật tẩy bộ mặt của họ. Tức là không thể tin được họ. Họ có thể dùng bất kể biện pháp gì, dẫu là biện pháp lừa dối bằng cách ký.
Những cái thủ đoạn, hay những mưu mô phục vụ cho những mục đích, cái cứu cánh mới là cái chính, thì như vậy tất cả mọi thứ nó lộn đầu đuôi hết”.
Ngay sau khi có tin cơ quan công an Hà Nội khởi tố vụ người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 nhân viên cảnh sát và cán bộ chính quyền, một người dân Đồng Tâm là ông Lê Đình Kình nói với hãng tin BBC rằng ông đã gọi điện thoại cho ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, và được ông Chung trả lời rằng bảng cam kết ông Chung ký với dân Đồng Tâm hôm 22 tháng Tư chỉ có chữ ký chứ không có con dấu, và việc điều tra là của cơ quan công an chứ không phải của ông.
Đấy là một lối nói mà nếu các đại biểu Quốc hội nào, nói theo ý như vậy, hoặc là ông Chung ông ấy nói theo ý như vậy, thì đấy thực sự là một sự lật tẩy bộ mặt của họ. Tức là không thể tin được họ.
-TS Nguyễn Quang A
Chúng tôi có gọi điện thoại cho ông Nguyễn Đức Chung để hỏi về vụ việc nhưng không liên lạc được.
Giải thích hành động của chính quyền thành phố Hà Nội, đi từ việc ký cam kết không truy tố, cho đến phát lệnh truy tố, nhà văn Thùy Linh, hiện sống ở Hà Nội nói rằng:
“Chắc là họ muốn tháo cái ngòi nổ lúc đó, để làm sao nó không xảy ra những sự cố bạo lực, mà lại an toàn cho các phía. Họ chỉ cần cái trước mặt thế. Nhưng trong thâm tâm chắc họ đã dự tính dù có thế nào thì họ cũng vẫn sẽ khởi tố những người dân Đồng Tâm. Đấy là một sự lừa đảo, đấy là lừa dân. Nghe cái này nhiều người rất xúc động, xúc động một cách uât ức”.
Sự uất ức mà nhà văn Thùy Linh đề cập có thể cảm nhận trên không gian mạng xã hội. Một người hoạt động xã hội là anh Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang facebook của mình rằng:
clip_image004

Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đối thoại với người dân bên trong hội trường UBND xã Đồng Tâm sáng thứ Bảy 22/4/2017. Courtesy of VTC online
“Chữ ký chưa ráo mực đã vội lật lọng.
Đừng nói người lãnh đạo cộng sản tráo trở, bởi không tráo trở, và không cực kỳ tráo trở thì làm sao trở thành lãnh đạo đảng cộng sản cho được?
Lịch sử đảng cộng sản cầm quyền khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, là một chuỗi những tráo trở liên tục của những người lãnh đạo đối với nhân dân lẫn đồng chí của họ. Chỉ khác một điều là trong quá khứ sự tráo trở có thể bị giấu nhẹm nhờ vào bưng bít thông tin, thì ngày nay, trong một bối cảnh truyền thông cởi mở hơn, nó công nhiên xuất hiện giữa bàn dân thiên hạ.
Một số người thì nói rằng chuyện hứa hẹn với dân làng Đồng Tâm làm họ nhớ tới những ngày tháng Tư năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, nhà cầm quyền mới đã nói với các sĩ quan binh sĩ của chế độ cũ là họ chỉ phải đi học tập cải tạo trong vài ngày, nhưng cuối cùng rất nhiều người đã phải sống đằng đẳng hàng chục năm trong trại tù cải tạo khắc nghiệt.
Não trạng cầm quyền không thay đổi
Sau khi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký được bản cam kết với dân làng Đồng Tâm, vào ngày 22 tháng Tư, vài ngày sau chúng tôi có đặt câu hỏi với một nhà quan sát chính trị Việt Nam là Tiến sĩ Vũ Tường, hiện dạy khoa chính trị tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, rằng phải chăng nhà cầm quyền Việt Nam đã thay đổi cách hành xử cũng như quan niệm của họ về chính sách đất đai, Tiến sĩ Tường cho biết ông không nhận thấy điều đó:
“Tôi nghĩ là họ không có những thay đổi lớn. Vừa qua họ chỉ thay đổi cách xử lý một vụ việc cụ thể, còn họ có nhận thức được rằng vụ việc này phản ảnh một vấn đề lớn hơn thì tôi chưa thấy dấu hiệu họ nhận thức được ra điều đó, nhất là những người lãnh đạo tối cao”.
Tuy nhiên có nhiều người đã có hy vọng sau khi ông Nguyễn Đức Chung và người dân Đồng Tâm ký được bản cam kết, giải quyết được chuyện cầm giữ con tin. Một trong những người đó là nhà văn Thùy Linh. Bà nói với chúng tôi sau khi biết rằng nhà cầm quyền sẽ khởi tố điều tra vụ bắt con tin tại Đồng Tâm:
“Tôi không ngạc nhiên, nhưng người ta thì cũng cứ nuôi một hy vọng gì đấy, một đổi thay nào đấy. Bản thân mình cũng nuôi một chút hy vọng gì đấy. Cuối cùng hóa ra vẫn như cũ”.
Cách giải quyết những vấn đề xã hội
Trong một xã hội thì có nhiều lợi ích khác nhau, những chính kiến khác nhau, và cái cuộc ở Đồng Tâm thực sự là một cuộc đấu với các lợi ích khác nhau.
-TS Nguyễn Quang A
Nhận định bản chất của cuộc khủng hoảng Đồng Tâm từ góc độ một nhà hoạt động xã hội dân sự, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng:
“Trong một xã hội thì có nhiều lợi ích khác nhau, những chính kiến khác nhau, và cái cuộc ở Đồng Tâm thực sự là một cuộc đấu với các lợi ích khác nhau: các lợi ích của quân đội, các lợi ích của chính quyền, các lợi ích của người dân, và trong cuộc đấu này, không có cách nào khác hơn là thỏa hiệp với nhau, nhìn thấy cái gì đúng, thỏa hiệp lựa theo cái đúng ấy, dựa theo dân mà làm. Đấy là con đường tự nhiên của một đời sống lành mạnh của một xã hội”.
Sau khi các thông tin về việc truy tố vụ Đồng Tâm được loan tải trên báo chí chính thống lẫn mạng xã hội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A so sánh vụ việc này với cái cách mà nhà cầm quyền tuyên truyền về những cộng đồng Công giáo tại Nghệ An, Hà Tĩnh biểu tình phản đối nhà máy Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung. Ông cho rằng đó là cách tuyên truyền gây chia rẽ:
“Một cái cách như vậy nó chỉ dẫn đến sự đối đầu hơn, một sự chia rẽ hơn, và cái đó không tốt cho ai cả. Và tôi nghĩ là không tốt nhất là cho chính những người đương quyền này. Cho nên thực sự tôi khuyên họ nên tĩnh lại, họ phải tĩnh táo và suy nghĩ lại, để họ sống với dân, chứ còn cái cách này của họ là đẩy người dân sang phía phải chống lại họ. Xét về mặt chính trị, thì xử lý những vấn đề xã hội thì không có cái cách nào ngốc hơn cái cách họ đang làm”.
Tiến sĩ Ngô Đức Thọ, nguyên trưởng Ban Văn học của Viện nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội thì viết trên trang facebook của ông rằng không phải là chỉ Hà Nội, mà cả đảng và nhà nước trung ương đã bỏ lỡ cơ hội vàng để lấy điểm với dân.
Ông Lê Đình Kình thì nói với hãng tin BBC rằng cho đến giờ phút này, ông vẫn tin vào Đảng, có Đảng là có tất cả, nhưng nếu cứ tiếp tục để những kẻ tham ô không bị xử lý mà lại đi xử lý người dân tố tham ô thì Đảng có nguy cơ mất quyền lãnh đạo.
K.H.

AI ĐÃ 'HÂM NÓNG' ĐỒNG TÂM ?

BBC/BVB 15-6-2017

Ông Lê Đình Kình nói với BBC hôm 14/6 rằng Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung "phản bội ý kiến và danh dự của chính ông ấy" và khiến "người dân phẫn nộ, Đồng Tâm lại trở thành điểm nóng" sau khi thành phố quyết định khởi tố vụ án bắt 38 cán bộ tại xã này.
Tối 13/6, việc khởi tố vụ án được công bố "nhằm điều tra làm rõ các hành vi bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 và hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự".
Hôm 15/4, người dân Đồng Tâm đã bắt giữ hơn 30 người gồm cán bộ, cảnh sát cơ động để đòi giới chức thả chín người dân bị công an bắt, đồng thời xử lý các khiếu nại đất đai.
Hôm 14/6, trả lời BBC qua điện thoại từ thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ông Lê Đình Kình nói: "Tối hôm qua, sau khi có tin Ban An ninh Công an Hà Nội quyết định khởi tố vụ án bắt 38 cán bộ ở Đồng Tâm, tôi có gọi điện ngay cho ông Chung.
Đến giờ phút này, tôi vẫn tin vào Đảng, có Đảng là có tất cả, nhưng nếu cứ tiếp tục để những kẻ tham ô không bị xử lý mà lại đi xử lý người dân tố tham ô thì Đảng có nguy cơ mất quyền lãnh đạo.


ông Lê Đình Kình
"Ông Chung nói rằng bản cam kết mà ông ấy ký hôm 22/4 về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm là ông ấy ký chứ không có con dấu."
"Ông ấy nói là quyền khởi tố là của cơ quan pháp luật chứ không phải của ông ấy."

'VẪN TIN VÀO ĐẢNG'

"Nhưng ông Chung quên rằng, bản cam kết tuy không có con dấu nhưng ông ấy có lăn tay vào đó, và việc điểm chỉ còn đảm bảo hơn vì không ai có vân tay trùng nhau trong khi con dấu nào thì cũng có khả năng bị làm giả được."
Người được cho là dẫn dắt người dân Đồng Tâm trong vụ việc này, nói thêm: "Mọi sự khởi đầu từ 59 ha đất nông nghiệp tại Đồng Tâm mà phía chính quyền muốn người bên ngoài hiểu rằng đó là đất quốc phòng và người dân tại đây đang cản trở việc thực thi pháp luật."
"Trong vụ này, người dân Đồng Tâm chỉ vì muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và đối xử tốt, nuôi ăn uống với những cán bộ bị tạm giữ mà đã bị đánh đập, bắt cóc, rồi bây giờ lại bị thổi phồng sự việc, ghép tội hủy hoại tài sản và bắt giữ người trái pháp luật."
"Xin nhớ rằng chúng tôi đang giữ trong tay bản tường trình viết tay của những cảnh sát cơ động rằng họ được Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội điều động về đàn áp người dân."
"Bản thân tôi năm nay 82 tuổi, 56 tuổi Đảng mà đến hôm nay, sau vụ bị bắt cóc và đánh đập vẫn chưa hồi phục hẳn, phải nằm ngồi trên giường chứ chưa đi lại được."
"Lẽ ra hôm 20/6 này là đến hạn công bố kết quả thanh tra vụ việc như cam kết của ông Chung thì lại có tuyên bố hoãn việc này đến 23/8."
"Việc thanh tra kéo dài như vậy nhằm cố tình gây bức xúc, khống chế quyền lợi của người dân."

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung không có quyền quyết định tất cả hay dẫm đạp lên thẩm quyền của người khác. Về mặt uy tín với dân, sau vụ khởi tố này, có vẻ như ông Chung đang mất rất nhiều.


luật gia Nguyễn Đình Hà
"Tôi khẳng định là sau khi có quyết định khởi tố hôm qua, người dân Đồng Tâm kiên quyết đấu tranh đến cùng trước việc chính quyền định cướp không 59 ha đất nông nghiệp."
"Chúng tôi đề nghị ông Chung đình chỉ việc khởi tố, công bố kết luận thanh tra về đất đai trước đã, khi đó ai vi phạm gì thì hãy xử lý."
Ông Lê Đình Kình cũng nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt rằng "Đến giờ phút này, tôi vẫn tin vào Đảng, có Đảng là có tất cả, nhưng nếu cứ tiếp tục để những kẻ tham ô không bị xử lý mà lại đi xử lý người dân tố tham ô thì Đảng có nguy cơ mất quyền lãnh đạo."

'TƯ DUY XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG'

Cùng ngày, Luật gia Nguyễn Đình Hà bình luận với BBC từ Hà Nội: "Dưới góc độ pháp lý, ngay từ khi ông Nguyễn Đức Chung ký vào bản cam kết với người dân Đồng Tâm, tôi đã nói ngay đó là văn bản không có giá trị pháp lý."
"Trên nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, ai có tội thì sẽ phải chịu trách nhiệm, chứ không có ngoại lệ - bởi điều đó là tiền lệ xấu, bất bình đẳng."
"Tuy nhiên, tôi đánh giá văn bản cam kết của ông Chung có ý nghĩa về mặt truyền thông và chính trị."
"Nó giúp giảm căng thẳng giữa người dân và chính quyền khi đó."
"Xét về nhiều khía cạnh khác, tôi cho rằng, nội bộ chính quyền Hà Nội có nhiều "phe" và ông Chung chỉ là một."
"Do đó, ông Chung không có quyền quyết định tất cả hay dẫm đạp lên thẩm quyền của người khác. Về mặt uy tín với dân, sau vụ khởi tố này, có vẻ như ông Chung đang mất rất nhiều."
"Còn về vụ án mà cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố, đó mới chỉ là bước đầu, giống như ném đá dò phản ứng, sau đó còn có thể có nhiều kịch bản khác nhau."
"Nếu "happy ending" (kết thúc có hậu) thì sẽ không có khởi tố bị can, đình chỉ điều tra vụ án và kết luận người dân Đồng Tâm làm vậy trong thế phòng vệ, bất khả kháng. Còn khả năng xấu nhất, vài người bị bắt và kết án."
"Nhưng nhìn chung lại, mọi chuyện phụ thuộc vào tư duy xử lý khủng hoảng và thái độ chính trị mà các bên dành cho nhau."
"Nếu văn bản ông Chung ký với người dân Đồng Tâm là một bản thỏa thuận chính trị, hai bên cùng ký và người ký về phía chính quyền lẽ ra phải là Chủ tịch Trần Đại Quang, thì khi đó may ra người dân Đồng Tâm mới không bị truy cứu trách nhiệm hình sự."
Hôm 14/6, BBC gọi điện cho ông Nguyễn Đức Chung nhiều lần nhưng ông không nghe máy. Lần gần nhất liên quan vụ Đồng Tâm, ông bắt máy và nói với phóng viên: "Tôi đang bận họp" rồi cúp máy.(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét