Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

20170605. TÂM SỰ VỚI BẠN GIÀ CỦA GS NGUYỄN ĐÌNH CỐNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
TÂM SỰ VỚI BẠN GIÀ
GS NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 4-6-2017
Kết quả hình ảnh cho giáo sư nguyễn đình cống
GS  Nguyễn Đình Cống
Đã tâm sự nhiều với bạn trẻ và sẽ còn tiếp tục. Hôm nay bỗng nghĩ tới các bạn già. Vừa qua trong buổi lễ của Hội Người cao tuổi chúc thọ các bậc trên 80, tôi nói với vài cụ: Chúng ta bây giờ ngoài việc quan tâm đến sống như thế nào còn nên quan tâm hơn sẽ chết như thế nào. Tưởng nói đùa cho vui, không ngờ các cụ hưởng ứng và hỏi lại: Thế ông đã chuẩn bị được gì. Tôi trả lời đã chuẩn bị nhiều thứ.
Ở quê tôi, khi bố mẹ ngoài 60, các con lo tìm gỗ tốt đóng cỗ hậu sự và tìm đất xây Quách. Các bạn tôi ở thành phố phần lớn đã mua được đất ở Công viên Vĩnh hằng, đã xây tường bao và thiết kế lăng mộ. Cả hai thứ đó tôi đều chưa có và thấy không cần chuẩn bị. Tôi mong ước thi hài được đốt. Tìm trong tro tàn, may ra có được một vài hạt cứng để cất riêng làm kỷ niệm. Bỏ tro vào vài cái lọ, con cháu đặt đâu cũng được.
Bàn về các cụ, nghe đâu từ Câu lạc bộ Ba Đình có đưa ra phương châm: “Sống khỏe, chết nhanh. Ít của để dành. Nhiều người thương tiếc. Phương châm này được nhiều người ca ngợi, truyền tụng, nhưng tôi chỉ tán thành được dưới 50%. Tôi hỏi: Có biết làm như thế nào để sống khỏe chết nhanh không. Nhiều cụ trả lời không biết, chỉ là mong đợi và nhờ Trời. Điều kiện “Ít của để dành, nhiều người thương tiếc” được nhiều cụ mơ ước thì tôi lại cho rằng đó là tâm lý quá tầm thường.
Trước hết bàn về Sống khỏe, sống vui, sống có ích. Nhiều cụ chăm lo luyện tập thân thể. Đó là việc tốt. Sẽ còn tốt hơn khi biết chăm lo đến đời sống tình cảm và tinh thần để có được trạng thái thoải mái. Biết quên đi tuổi tác và bệnh tật, xóa hết mọi lo lắng, thù hận, bỏ hết mọi tranh giành. Trả hết mọi nợ nần. Nợ có nhiều thứ. Nợ tiền bạc, nợ tình nghĩa, nợ dự định về công việc và mong ước, nợ vì đã phạm tội ác hoặc làm việc xấu xa, v.v…
Để sống có ích, trước khi làm được những việc theo năng lực thì cần làm gương trong các vấn đề về giữ gìn nếp sống có văn hóa, có đạo đức, trung thực. Tiếp đến là tránh được các thói xấu thường tình, đó là sự áp đặt và tâm lý cam chịu. Tuổi già thường tự cho mình khôn ngoan, có nhiều kinh nghiệm sống hay nên áp đặt quan điểm cho con cháu dưới danh nghĩa dạy bảo. Việc này nếu làm không khéo dễ tạo ra mâu thuẩn giữa các thế hệ. Chỉ nên trình bày các điều hay lẽ phải để con cháu tham khảo mà không nên áp đặt. Ngoài ra người già cũng cần tham khảo ý kiến của lớp trẻ để tiếp tục hoàn thiện mình và sống hòa đồng..
Các cụ, phần đông  thấy được các tệ nạn trầm trọng của xã hội, biết được nguyên nhân nhưng không dám nói ra, chấp nhận tình trạng cam chịu. Vì sao? Chủ yếu vì sợ. Thường thì không sợ cho bản thân  mà sợ cho con cháu bị phân biệt đối xử. Các cụ không biết rằng nếu không cải thiện được tình hình mà cứ để kéo dài tình trạng như hiện nay, để đất nươc rơi vào tình thế nơm nớp Bắc thuộc, bị độc tài thống trị, thì rồi cháu chắt các cụ sẽ gánh chịu tai họa thảm khốc hơn. Tệ hơn khi các cụ ngăn cản hoặc khuyên bảo con cháu cũng cam chịu, không dám thực hiện tự do tư tưởng, chỉ tìm cách dối trá để sinh tồn. Nguy hơn nữa khi một số ít cụ khăng khăng giữ nguyên những nhận thức sai lạc, đã được tuyên truyền từ trên dưới nửa thế kỷ nay rồi vội vàng quy kết cho bạn bè, con cháu là phản động khi mới chỉ nghe nói người ta có ý kiến gì đó hơi khác. Nhiều cụ biết sự bế tắc của xã hội nhưng không muốn, không dám nghĩ tới việc phải thay đổi lại theo hướng khác. Vì sao. Vì tiếc. Tiếc rằng thế hệ cha, anh và bản thân đã bỏ ra bao công sức và xương máu để tạo lập nên nó. Mặc dầu có được một ít thành quả thì bị bọn Lợi ích nhóm chiếm đoạt, nhưng nếu thấy sai mà bỏ đi thì vẫn cứ tiếc. Không tiếc cái hiện thực xã hội mà cứ tiếc cái công sức đã bỏ ra. Đó là một tâm lý vô cùng tai hại.
Bàn về chết nhanh.Trước hết cần có nhận thức: chết chưa phải là hết mà chỉ là chuyển giai đoạn, chuyển trạng thái. Không mong ước nhưng không sợ chết. Chết nhanh theo kiểu đột tử vì tai nạn hoặc tai biến thì khỏe cho người chết nhưng để lại một số khó khăn cho người thân, tránh được thì tốt. Chết chậm theo kiểu sống thực vật hoặc nằm liệt hàng năm thì khổ cho cả con cháu và bản thân. Cái chết đáng mong ước là có lý do chính đáng ví như hy sinh cho một việc cao cả, như bị bệnh mà bình thường khó chữa khỏi hoặc thân thể đã quá suy kiệt, khó hồi phục, là có chuẩn bị hoặc báo trước một thời gian vừa phải. Có chuẩn bị để người ra đi kịp dặn dò người ở lại, để bàn giao những điều cần thiết. Tôi đã chứng kiến khá nhiều trường hợp chết đáng mong ước như thế và nghiên cứu các điều kiện để thực hiện được như vậy.
Nhân đây xin chép  bài thơ về Chết:  “Dù không muốn nhưng ai rồi cũng chết/ Định lệ chung cho cả loài người/ Chỉ một lần và một lần thôi/ Ai cũng chết và đố ai tránh khỏi/ Đến lúc chết có muôn ngàn đường lối/ Chết làm sao cho khỏi tủi vong linh/ Vì ốm đau là cái chết thường tình/ Già nua chết, lẽ trời sinh phải chết/ Chết vì tình là đốn đời mạt kiếp/ Chết vì ăn là cái chết ươn hèn/ Vì giang sơn Tổ quốc là cái chết thiêng liêng cao cả/ Một cái chết để muôn ngàn thủa được vinh danh/ Cái chết này thiên hạ phải nghiêng mình”.
Chết nhanh nhất là tự rử, nhưng như thế phạm vào tội ác về tâm linh, rất không nên. Người ta muốn chết nhanh để tránh cái cảnh phải nằm liệt lâu ngày, sống mà không khác gì đã chết, lại còn tệ hơn. Có lần được tin bố của người bạn vừa qua đời. Ông ra đi sau khi nằm liệt trên 5 năm. Mọi người đến nói lời chia buồn, riêng tôi đến chúc mừng. Anh bạn nắm chặt tay tôi và nói : “Anh nói đúng, chúng em mong việc này xẩy ra càng sớm càng tốt, nhưng không ai dám hành động gì cả mà cứ chờ đợi theo tự nhiên”.
Để đề phòng cảnh phải nằm lâu ngày trong trạng thái: “chết được sớm ngày nào hay ngày ấy” thì phải chuẩn bị từ lúc còn mạnh khỏe. Trước hết là nhận thức cho mình và người thân, rằng ốm đau không chữa được mà chết là bình thường, không muốn chết nhưng không sợ chết. Sống mà không còn tác dụng gì tích cực cho đời, lại gây phiền não và tốn kém thì chết đi càng sớm càng tốt. Quan trọng là quyết định của mình được các người thân đồng tình vì lúc đó có thể mình không hoàn toàn chủ động, mà ý kiến của người thân thì bất đồng hoặc không dám nói ra. Như vậy phải chuẩn bị từ trước, khi còn mạnh khỏe hoặc còn tỉnh táo. Tôi đã biết nhiều trường hợp như vậy.
Tôi cũng đã chứng kiến cảnh con cháu nuôi người bệnh chờ chết bằng cách cho ăn no các chất béo bổ với hy vọng sổng thêm lúc nào hay lúc ấy. Đó là người thân thể hiện tình thương, mà cũng do người bệnh muốn thế. Trong trường hợp như vậy, nếu người bệnh không muốn kéo dài tình trạng thì đơn giản nhất là ngừng ăn. Nhưng đến lúc đó mới chủ động ngừng ăn thì khó vượt qua được cảm giác đói. Đói làm người ta khó chịu. Vậy lúc đang khỏe mạnh bình thường nên luyện tập phương pháp Phiên Lang Công, đó là PP thở nhanh kết hợp thót bụng lại khi hít vào, phình bụng khi thở ra (ngược với cách thở bụng theo Yôga). Chỉ bằng cách thở đúng PP trong một vài phút mà loại trừ đước càm giác đói khi nhịn ăn lâu ngày.
Bàn về câu: “Ít của để dành, nhiều người thương tiếc”. Tôi cho đây là tâm lý quá tầm thường. Người ta sợ để lại nhiều của thì con cái tranh giành. Cái gốc rễ của việc tranh giành nằm ở chỗ khác, nhiều của chỉ là lý do phụ. Khi cha mẹ giữ được đức độ, con cháu được giáo dục đạo nghĩa, tiền của kiếm được một cách chính đáng, lại biết chi tiêu vào những việc tốt đẹp thì rất khó xẩy ra sự tranh giành, lúc này càng có nhiều tiền càng tốt chứ sao lại mong có ít của để dành. Mong có ít của để tránh sự tranh giành của con cháu phải chăng là ý của ông chủ kém tự tin, là mong ước của gia đình kém giáo dục về lòng nhân nghĩa, tình huynh đệ.
Mong ước được nhiều người thương tiếc là rất phổ biến, nhưng nó tầm thường ở chỗ để cho niềm sung sướng, hạnh phúc của mình phụ thuộc vào người khác. Đành rằng thượng tiếc  là tích cực, tốt đẹp, nhưng không phải từ bên trong mà đến từ bên ngoài. Người ta có thể làm điều tốt đẹp: a- vì bản chất bên trong hoặc:  b- muốn được thể hiện ra để được người khác khen ngợi. Người ta có thể phải chú ý lắng nghe người khác để: a- nhận biết những chỗ thiếu sót của mình mà khắc  phục; hoặc: b- để làm theo ý người ta, làm vừa lòng người ta. Cái kiểu muốn được nhiều người thương tiếc hình như là nặng về phương án b, đó là phương án thiếu tự tin. Người theo phương án a, mặc dầu có thể bị một số người nào đó không tán thành, thậm chí chống đối, nhưng họ tự tin, có bản lĩnh, không cần đến sự khen chê theo lối phụ họa hời hợt của người đời.
Trong quá trình dạy học tôi thường nghe yêu cầu: “ Học sinh, sinh viên phải kính trọng thấy cô giáo”. Tuy thế tôi chưa bao giờ đề ra yêu cầu ấy. Tôi thể hiện tình yêu thương và tôn trọng sinh viên, giảng dạy hay và giỏi, đánh giá công bằng. Thế rồi sinh viên kính trọng tôi đến mức nào hoặc không là quyền của họ. Tôi không bao giờ đặt yêu cầu được kính trọng  lên hàng đầu. Khi được tin tôi chết chắc cũng có người thương  tiếc và cũng có nhiều DLV tiễn đưa bằng những lời nguyền rủa, nhưng không sao cả. Tôi sống và hoạt động theo nhận thức của mình chứ không nhằm thu nhận lời khen và tránh lời phản đối. Mong sao các cụ cũng có được lòng tự tin như thế và cao hơn.  
Hà Nội ngày 31 tháng 5/ 2017
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN


Tuần trước tôi có tâm sự về phương châm “Sống khỏe chết nhanh, Ít của để dành, Nhiều người thương tiếc”. Nay xin tâm sự tiếp vài điều.

Nên tránh áp đặt

Tuổi già thường vướng một nhược điểm là áp đặt con cháu. Người A áp đặt quan điểm của mình cho B là việc làm gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ, tuy vậy vẫn thường xẩy ra. Trong gia đình A là ông bà, cha mẹ, B là con cháu. Người ta áp đặt vì cho rằng quan điểm của họ là hay, là đúng, còn đối với B, họ cho rằng B không biết gì, hoặc nếu có quan điểm khác thì đó là dở, là sai. Hơn nữa A cho rằng việc bắt B làm theo ý mình là xuất phát từ lòng tốt, là lời dạy bảo chân thành.
Khi tìm hiểu sự giáo dục ở gia đình và nhà trường giữa A (cha mẹ, thầy cô) và B (con cháu, học trò) tôi nhận được ý kiến sau: “A dạy cho B những điều đúng”. Trong khái niệm “đúng” ở đây bao hàm cả tính chất hay, tốt. Nhiều người tưởng “A dạy cho B những điều đúng”, đó là chân lý, nhưng có lẽ đã nhận nhầm. Trong mệnh đề trên động từ DẠY và điều ĐÚNG có thể được hiểu theo các cách khác nhau. Dạy, nếu chỉ dừng ở “Bảo cho biết” thì mang tính HƯỚNG DẪN, còn nếu “Bắt phải công nhận” thì đó là ÁP ĐẶT. Dù sao thông thường DẠY có mang tính áp đặt, không nhiều thì ít. Còn điều ĐÚNG, là cho ai, đối với ai. Liệu một điều A cho là đúng thì đối với B có phù hợp không. Biết đâu A cho là hay, là tốt, nhưng không hợp với B thì sao. Vì vậy trong giáo dục tôi tán thành với phương châm sau: “A hướng dẫn để B tìm học những điều đúng”.
Một điều mà A cho là đúng, hay, tốt thường là do bản thân rút ra từ trong cuộc sống, đã chiêm nghiệm. Đặc biệt là những A đã có thành công ít nhiều trong cuộc đời, đã từng được nhận xét là giỏi, là khôn, họ thường có xu hướng bảo thủ, cho rằng cách làm của họ thường đúng hơn, hay hơn người khác. Nhưng khổ thay cuộc sống biến đổi, tâm lý và hoàn cảnh mỗi người khác nhau. Mình thấy hay thì cứ phổ biến cho người ta, có thể vận động người ta, nhưng không bao giờ nên áp đặt người ngoài. Trường hợp B làm việc theo sự chỉ huy của A lại là chuyện khác. Lúc này A có thể ra lệnh cho B làm theo ý mình và phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh đó. Còn B phải cân nhắc các hậu quả của việc làm theo hay không.
Xin kể 2 câu chuyện. Chuyện 1- Gia đình tứ đại đồng đường, con cháu sống quây quần. Ông bà, cha mẹ hãnh diện, tự hào vì vẫn giữ được không khí hòa thuận, kính trên nhường dưới. Mỗi ngày bữa ăn sáng và ăn tối toàn gia đình sum họp, quây quần. Con cháu muốn đi đâu, làm gì đều phải xin phép. Mỗi mệnh lệnh, mỗi ý muốn do ông bà phát ra con cháu phải răm rắp thi hành. Tuy thế đó chỉ là cái vỏ hòa thuận bên ngoài. Bên trong chứa đầy mâu thuẫn mà các cụ không biết, các cụ vẫn cứ tưởng các cháu ngoan ngoãn. Ngờ đâu các cháu, đặc biệt là cháu dâu thấy cuộc sống không khác gì trại tù, chỉ mong sớm được giải phóng, dọn nhà đi nơi khác, để được tự do thể hiện, được sắp xếp cuộc sống theo ý mình.
Chuyện 2- Ông bạn tôi có 2 con trai cách nhau 8 tuổi. Ông đã khảo sát, rút kinh nghiệm dạy con của một số gia đình để vận dụng cho mình. Với thằng đầu ông áp dụng phương pháp giáo dục cứng rắn, áp đặt và theo ý ông là rất thành công. Ông rất tự tin, đem phương pháp đó áp dụng cho thằng thứ 2 thì thất bại, gặp phải sự chống đối, ban đầu còn ngấm ngầm, sau bùng nổ đến mức làm ông nổi khùng, cho là thằng con mất dạy, bất hiếu, đồ vô dụng. Thế rồi không may, ông bị bệnh nặng, qua đời. Từ đó thằng con thứ hai, nay đã lớn, được tự do phát triển theo khả năng, trở nên người thành đạt.
Thực ra sự áp đặt cũng có lúc thành công khi mà A đã có suy nghĩ chu đáo và B là người bản lĩnh kém, quen sống dựa dẫm. Khi gặp phải B có trí tuệ và bản lĩnh cao, có tính cách cứng cỏi, sẽ rất khó áp đặt, nếu cố tình sẽ gây nên xung đột, nhiều khi dẫn tới đổ vỡ. Sẽ nguy hiểm hơn khi tự A cũng chưa khẳng định được điều hay, điều tốt mà chỉ nói lại theo ý người khác, làm theo người khác.
Dù là trong gia đình hay ngoài xã hội, sự áp đặt về nhận thức, về tư tưởng làm hủy hoại tự do, làm cản trở tiến bộ. Mà khổ thay, một số bậc cao tuổi lại hay áp đặt kinh nghiệm của mình cho con cháu. Khi áp đặt thành công thì tự hào, phấn khởi. Khi áp đặt bị chống đối thì tức giận, làm huyết áp tăng lên và tạo ra sự bất hòa trong gia đình.
Xin đề cao việc hướng dẫn, giảm bớt đến loại bỏ mọi sự áp đặt. Đó mới là quan hệ tốt đẹp giữa các thế hệ.

Sống vui

Phương châm sống vui đối với các cụ rất quan trọng. Sống vui làm quên tuổi già, quên bệnh tật, quên mọi lo nghĩ tầm thường để đạt tới sự thanh thản của tâm hồn, làm tăng tuổi thọ. Để sống vui trước hết phải làm người tử tế. Truyền hình VTV1, lúc ngoài 18 giờ 45 hàng ngày có chương trình “Việc tử tế”, biểu dương những tấm gương đẹp. Đó là những điển hình. Không ai đòi hỏi các cụ làm việc tử tế theo các điển hình đó, mà chỉ cần là người tử tế một cách bình thường. Dân gian dùng cụm từ “sống biết điều” để chỉ người tử tế. Khổng Tử căn dặn trong 8 chữ “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (điều ta không muốn chớ làm cho người).
Để làm người tử tế một cách bình thường không có gì khó, không cần cố gắng quá sức. Chỉ cần từ bỏ một vài thói xấu như sự áp đặt, tính tham lam, ích kỷ, từ bỏ những ý nghĩ và việc làm ích mình hoặc ích cho con cháu mình mà hại đến người hoặc con cháu người, không tranh giành phần hơn thua, bỏ hết mọi hận thù, đố kỵ. Đối với mọi người thì thương yêu, tôn trọng, có lòng độ lượng, bao dung, xem con cháu người cũng như con cháu mình. Khi có bất đồng với bất kỳ ai về vấn đề gì thì không che giấu mà công khai tìm cách giải quyết trên cơ sở tôn trọng nhau, lắng nghe người khác với thái độ thân thiện và bình tĩnh tìm xem trong các ý kiến của họ có ý nào đúng, liệu trong các ý của mình có cái gì sai không. Để làm người tử tế, một trong những cách có hiệu quả trong quan hệ với mọi người là “Phương pháp thế vai”. Đó là khi có mâu thuẩn hoặc bất đồng với ai đó thì tưởng tượng biến mình thành người ấy, ở vào vị trí, hoàn cảnh của người ấy để hiểu người ta.
Để sống vui còn cần tránh xa những nỗi buồn, những khó chịu do mình tự gây ra hoặc những phản ứng bất lợi đối với tác động từ bên ngoài mà chủ yếu là của con cháu. Khi có một tác động từ bên ngoài, ta thường có phản ứng trở lại. Phản ứng đó là dương tính hay âm tính, là tích cực hay tiêu cực là do ta tự do lựa chọn. Thí dụ đứa cháu đang chơi, làm vỡ cái ấm chè. Bạn có thể có các phản ứng sau: 1-Bạn cười và nói: Thôi, thằng cu vô ý làm vỡ cái ấm của ông rồi; 2- Bạn quá tiếc cái ấm, mắng cháu là đồ này, đồ nọ; 3- Bạn tức giận, đánh cháu và đuổi nó đi.
Ta chọn phản ứng nào thường là lập tức mà ít khi trải qua suy nghĩ. Tuy vậy nó phản ảnh tính cách của ta, tâm trạng của ta. Một người xem tình cảm trọng hơn của cải, hàng ngày vẫn thực hiện lòng tốt và sự bao dung sẽ lập tức chọn phản ứng 1 mà không suy nghĩ gì cả. Ngược lại người khó tính, thường hay cau có sẽ lập tức có phản ứng 2 hoặc 3. Vậy càng già nên trở thành người dễ tính mà cố tránh việc trở thành người khó tính. Việc dễ tính với người này và khó tính đối với người kia còn do thành kiến “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Tôi đã từng khó khăn lắm mới hòa giải được những vụ xich mích giữa những người trong một số gia đình chỉ vì hiểu nhầm một việc làm, một câu nói mà gốc gác của sự hiểu nhầm là do thiếu tình yêu thương chân thành.
Xin kể câu chuyện. Tôi sang chơi nhà hàng xóm ở quê. Bà chủ tiếp tôi với tâm trạng nặng nề. Hỏi ra được biết bà đang tức giận con dâu khi bà ra vườn định chăm sóc luống rau thì: “bị con dâu đuổi vào, không cho làm”. Hỏi ra thì chỉ là sự hiểu nhầm. Cô con dâu không hiểu, đối với bà được làm việc là một niềm vui chứ không phải là sự cực nhọc. Vì lòng tốt không phù hợp mà cô cắt mất nguồn vui của bà. Ngược lại cô cũng không vừa lòng khi bà hay kể chuyện cho hàng xóm những việc bà đã làm, mà hình như nếu bà không làm thì cô con dâu không làm được, việc đó làm mất uy tín cô. Hàng ngày bà hay xét nét cô. Giữa hai mẹ con không có lòng yêu thương chân thành, Tôi hình dung việc không cho bà chăm sóc rau, nếu do con gái yêu của bà chủ trương thì phản ứng của bà sẽ khác.
N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét