Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

20170613. 'ĐẤT QUỐC PHÒNG' VÀ NHÓM LỢI ÍCH QUÂN ĐỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
SÂN BAY & SÂN GOLF

HUY ĐỨC/ BVN 13-6-2017

sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải

Thanh Niên là tờ báo đầu tiên phản đối việc xây dựng sân golf trong sân bay nhưng Tuổi Trẻ đã chọn đúng điểm rơi để đưa vấn đề trở lại. Đây là nỗ lực tốt để "hệ thống chính trị" phải đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của nó. Tuy nhiên, theo tôi, sân golf và sân bay không phải lúc nào cũng chỉ là một vấn đề, nếu không tách bạch chưa chắc đã có thể đưa ra được chính sách đúng.
Sân golf là vấn đề tham nhũng và sự tích lũy hoang dã của các nhóm tư bản thân hữu, liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất quân đội. Sân bay là vấn đề dự báo chiến lược liên quan đến tương lai của vùng tam giác phát triển Sài Gòn - Đồng Nai - Vũng Tàu. Tôi không phải là một người nghiên cứu về hàng không để có thể đưa ra một đánh giá đúng về việc xây dựng sân bay Long Thành hay mở rộng Tân Sơn Nhất. Tôi chỉ xin nhắc lại vấn đề đất quân sự, đề tài mà tôi đã viết từ năm 1989 và dành hẳn một tiểu mục trong Bên Thắng Cuộc.
Ngày 20-4-2017, nhân sự kiện Đồng Tâm, nhà báo Dương Đức Quảng đã có một bài rất hay về đề tài ĐẤT QUỐC PHÒNG. Trong thập niên 1990, nhà báo Dương Đức Quảng là Giám đốc Trung tâm Thông tin Báo chí của Văn phòng Chính phủ. Ông chứng kiến những nỗ lực cả về chính sách và chính trị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhằm thuyết phục Quân đội bàn giao phần đất mà họ đang nắm giữ để sử dụng sao cho mang lại lợi ích cho quốc gia lớn nhất.
Hãy đọc ví dụ sau đây của nhà báo Dương Đức Quảng để thấy "đất quốc phòng" từng được quan niệm và đang được sử dụng thế nào: "Trong chiến tranh chống Mỹ, một đơn vị pháo phòng không Hà Nội đã bố trí trận địa ngay trên hồ Trúc Bạch để bảo vệ bầu trời thủ đô. Kết thúc chiến tranh, đơn vị pháo phòng không này đã không còn, các cán bộ, chiến sĩ đã chuyển sang các đơn vị khác, song trận địa cũ của đơn vị này vẫn tồn tại và bây giờ là đất quốc phòng. Hà Nội muốn thu hồi mảnh đất giữa hồ này nhưng không thu hồi được chỉ vì đây là đất quốc phòng. Và bây giờ chỗ trận địa pháo cũ ấy đã trở thành một nơi kinh doanh ăn uống và làm dịch vụ tổ chức sự kiện, cưới xin… do một đơn vị làm kinh tế của quân đội quản lý".
Không chỉ có "những trận địa pháo" ở Trúc Bạch, sau năm 1975, Quân đội tiếp nhận hầu hết các cơ sở quân sự của VNCH. Trước 1975, VNCH là phần lãnh thổ chiến tranh nên nguồn lực chính, trong đó có đất đai, phần lớn được dùng phục vụ cho bộ máy chiến tranh. Lẽ ra sau 1975, đặc biệt là sau 1989, đất nước bắt đầu có hòa bình, Quân đội phải giao những phần đất không còn thực sự dùng cho quốc phòng nữa và yêu cầu Nhà nước làm tốt chính sách cho quân nhân (nếu chuyển đất đó sang thổ cư thì đối tượng ưu tiên phải là những người đã và đang phục vụ trong quân đội). Việc tiếp tục chiếm giữ hoặc lấy đất chia cho các quân nhân không bắt đầu từ một chính sách chung của nhà nước đã tạo ra sự bất bình đẳng ngay chính trong quân đội. Rất nhiều người xứng đáng được cấp đất nhưng hàng vạn người lính đã hy sinh, đã trải qua nhiều năm trong chiến tranh khác đã không hề được hưởng những ân huệ đó.
Thời "Tam Nhân Phân Quyền", ông Võ Văn Kiệt không đủ sức mạnh chính trị để vượt qua đại tướng Lê Đức Anh, thuyết phục Quân đội chuyển giao đất quốc phòng. Thời kinh tế thị trường, các ông lớn "dân sự hóa" đất vàng trong các thành phố lớn âm thầm và nhẹ nhàng như móc cái chìa khóa từ trong túi quần ra - ngay cả những căn cứ quân sự khổng lồ như trận địa pháo của F367 trong Tân Sơn Nhất, như Ba Son, Tân cảng và nhà máy đóng tàu Sông Thu (Đà Nẵng)...
Sân golf xây trong Tân Sơn Nhất cho công luận một cơ hội lớn để lên tiếng. Không chỉ là mở rộng TSN hay không mà vấn đề chính là cần buộc các cơ quan quyền lực phải tuân thủ quyền lực nhà nước. Quân đội cần bao nhiêu đất để phục vụ cho mục đích quốc phòng thì dân sẵn sàng và nhà nước phải đáp ứng liền. Cần có chính sách cho sỹ quan quân đội, tại ngũ thì có khu gia binh; phục vụ bao nhiêu năm thì được cấp đất hay căn hộ và lâu dài là tinh, chuyên nghiệp hóa để lương có thể thuê hay tích lũy để mua nhà, căn hộ... Phần đất nào không còn phục vụ cho mục đích quốc phòng thì phải trả lại.
Nếu muốn sân golf không còn xây trong sân bay, cao ốc không còn mọc ra sau các bức tường quân sự, Chính phủ nên căn cứ Điều 65 của Luật Đất đai & Nghị định số 09/CP (Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 12-2-1996) để tuyên vô hiệu một số hợp đồng chuyển mục đích và chuyển nhượng đất trái thẩm quyền của một số đơn vị quân đội cũng như của các cơ quan quyền lực khác. Và, từ nay phải nghiêm cấm các đơn vị công an, quân đội, các cơ quan công quyền khác chuyển quyền sử dụng đất hay tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất (từ doanh trại, trận địa, trụ sở... sang đất phục vụ cho các nhu cầu dân sự).
Các đại biểu Quốc hội không chỉ lên tiếng mà nên ngồi lại soạn thảo một nghị quyết nhằm ngăn chặn tiến trình "dân sự hóa" một cách khuất tất đất quân đội và các loại đất chuyên dùng khác.
H.Đ.

THUẬT NGỮ QUÂN SỰ MỚI: NHÀ HÀNG, SÂN GOLF LÀ 'LÁ CHẮN PHÒNG THỦ'

THIỀN LÂM/ BVN 13-6-2017

(VNTB) - Vụ “sân golf trong sân bay” ở Sài Gòn đang đầy ắp dấu hiệu “nhiệm vụ quốc phòng an ninh” như lối ngụy biện trấn áp dân trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Đồng Tâm ở thủ đô của Bộ Chính trị.
Đầy đến nỗi, nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết trên báo Dân Việt phải mỉa mai rằng không thể viện “quốc phòng an ninh” để xem nhà hàng, khách sạn, sân golf là “lá chắn phòng thủ” ở khu vực Tân Sơn Nhất.
clip_image002

Thuật ngữ quân sự mới: Nhà hàng, sân golf là ‘lá chắn phòng thủ’!

Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017, hẳn nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất và Bộ Quốc phòng đã bị bất ngờ bởi một làn sóng “đấu tố” quyết liệt từ đại biểu Quốc hội về nạn “sân golf trong sân bay”.
Đến nỗi, lần đầu tiên đã hiện ra một viên tướng quân đội - Thiếu tướng Lâm Quang Đại, Phó chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, phát ngôn thay cho Bộ Quốc phòng: “Bộ Quốc phòng thống nhất sẽ thu hồi sân golf trong Tân Sơn Nhất bất cứ thời điểm nào khi có nhu cầu về quốc phòng hoặc khi có chỉ thị của cấp trên”.
Không hiểu ông Lâm Quang Đại có được viên tướng Bộ trưởng Quốc phòng là Ngô Xuân Lịch ủy quyền hay không? Hoặc nếu được ủy quyền để phát ngôn như vậy thì khi nào mới có “nhu cầu về quốc phòng”?
Nhưng dù gì, phía quân đội vẫn chỉ viện dẫn “nhu cầu quốc phòng” mà cố tình bỏ qua một thực tế khốn quẫn là nhu cầu về dân sự của một sân bay Tân Sơn Nhất không còn chỗ len chân, trong khi sân golf Tân Sơn Nhất có thể đủ để làm cả một sân bay mới.
Gần đây, “người phát ngôn Bộ Quốc phòng” Lâm Quang Đại còn cố gắng bao biện cho nhóm lợi ích quân đội: “Tôi nghĩ sân golf chiếm diện tích nhỏ thôi, chỉ 132 ha trong số 157 ha. Còn giai đoạn 2 xây dựng một số hạng mục liên quan đến thể thao thì vẫn chưa triển khai”, đồng thời chỉ ra “giải pháp”:  “Sự tồn tại của sân bay hiện nay tôi thấy đã vô lý rồi. Nếu xảy ra sự cố hàng không, chuyện về chiếc máy bay là đương nhiên, nhưng ở mặt đất tai nạn sẽ khôn lường”.
Cái cách ông Đại nói là “vô lý” của sân bay hiện hữu cũng chính là “giải pháp” của nhóm lợi ích đã vận động chính phủ thời Nguyễn Tấn Dũng, Quốc hội để thông qua dự án sân bay Long Thành lên đến 18 tỷ USD.
Vào tháng 3/2017, một bài viết trên Facebook Chống quan tham còn nêu ra một khả năng cực kỳ đáng lo ngại: một khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động và toàn bộ hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chuyển về sân bay Long Thành, 800 ha đất vàng của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ rơi vào tay một đại gia của nhóm lợi ích quân đội là ông Dương Công Minh.
Còn nhớ vào cuối năm 2015, hoàn toàn ngược pha với cơn bức xúc của nhiều đại biểu Quốc hội về gánh nợ công quốc gia chồng chất như núi, hàng loạt sóng PR từ mặt báo, hội thảo đến “vận động hành lang” nơi nghị trường cho việc thông qua dự án sân bay Long Thành đã trở nên dồn dập và hết sức lộ liễu. Nhiều lý do “lợi ích kinh tế” và kể cả “ích lợi dân sinh” được nhóm PR dàn dựng, trong đó luôn nhấn mạnh đến nguyên nhân “sân bay Tân Sơn Nhất quá tải” và do đó cần phát triển hướng mới sang sân bay Long Thành.
Cũng trong thời gian trên, sân bay Tân Sơn Nhất “vô tình” bị liệt vào một trong 10 sân bay tệ nhất thế giới, được báo chí Việt Nam vừa vô tình vừa hữu ý ồn ào lan tỏa. Dù từ lâu đã bị cảnh “sân golf lấn sân bay,” nhưng chưa bao giờ trong lịch sử của mình, Tân Sơn Nhất lại bị hắt hủi rẻ rúng đến thế.
Đến sát thời điểm Quốc hội chuẩn bị “bỏ phiếu” về dự án sân bay Long Thành, vụ sập nguồn ở sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ nổ tung.
Ngay lập tức, một luồng dư luận bùng nổ, đề cập đến một âm mưu có thể đã được những bàn tay ma quái và tàn nhẫn nào đó sắp xếp nhằm biến sân bay Tân Sơn Nhất thành một hệ quả không thể không thay thế, bất chấp tai nạn hàng không tang thương hoàn toàn có thể xảy ra do sự cố mất điện.
Chỉ sang năm 2016 mới lộ hẳn vụ Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh đã chiếm dụng 157 ha đất của sân bay dân sự Tân Sơn Nhất từ nhiều năm qua. Dự án sân golf trong sân bay này cũng do Tập đoàn Him Lam làm chủ đầu tư…
Câu chuyện “lá chắn phòng thủ” chính là như thế.
T.L.
VNTB gửi BVN

TƯỚNG LÂM QUANG ĐẠI: 'SẼ THU HỒI SÂN GOLF KHI CÓ LỆNH CẤP TRÊN"

P.THẢO /DT 12-8-2017

Thiếu tướng Lâm Quang Đại trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 12/6.
Thiếu tướng Lâm Quang Đại trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 12/6.
- Nhiều ý kiến cho rằng diện tích sân golf hiện tại nếu thu hồi sẽ xây dựng được một đường băng ngắn và hạ tầng nhà ga quốc nội cho sân bay Tân Sơn Nhất. Ông cũng từng cho biết, Bộ Quốc phòng sẽ thu hồi sân golf trong Tân Sơn Nhất bất cứ lúc nào để phục vụ việc này?
- Tôi không phải là dân thiết kế nên những vấn đề chi tiết đó tôi không nắm. Vấn đề hiện tại thực ra là, Tân Sơn Nhất đã có 2 đường băng, giờ cái thiếu là đường lăn và sân đỗ.
Như tôi được biết, vừa qua, Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đã có thảo luận về vấn đề này. Từ đó, chúng tôi đã có bàn giao 21ha đất quốc phòng ở phía Nam cho sân bay để tiếp tục mở rộng nhà ga và sân đỗ máy bay, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Việc này, tới đây sẽ mở ra một hướng mới là mở rộng giao thông sân bay sang bên đường Cộng Hoà.
Tức là phần lấy từ diện tích đất quốc phòng 21ha mà thực tế Bộ Quốc phòng đã thực hiện bàn giao này là để giải quyết bức xúc hiện nay của sân bay Tân Sơn Nhất. Phần đất này không liên quan gì đến chỗ sân golf vì đây là khu đất ở phía Nam trong khi khu sân golf là ở phía bắc sân bay.
- Sẽ làm được những gì với 21 ha đất đã bàn giao này?
- Sẽ xây được sân đỗ mới, 1 nhà ga hàng không lưỡng dụng mới và 1 hệ thống đường giao thông đi ra đến đường Hoàng Hoa Thám, theo tôi được biết là thế. Hiện phía Bộ Quốc phòng mới sơ bộ bàn giao đất cho Bộ GTVT.
- Nhưng những hạng mục công trình này được cho là không thể giúp giải quyết căn cơ vấn đề quá tải của Tân Sơn Nhất khi sân bay sẽ lại sớm đầy tải chỉ trong thời gian ngắn. Phần đất do Bộ Quốc phòng quản lý ở phía Bắc sân bay thì thế nào, thưa Thiếu tướng?
- Ở phía Bắc sân bay thì hiện còn có 11 đơn vị của quân đội đóng quân ở đó, gồm các đơn vị pháo của quân chủng phòng không không quân, các đơn vị ra đa…
- Quan điểm lấy nốt cả 157ha đất sân golf để nâng cấp, mở rộng, giải cứu cho Tân Sơn Nhất được cho là khả thi, mang lại thay đổi đột phá cho sân bay. Ý kiến của ông về việc này thế nào, nếu thực hiện, việc này có làm ảnh hưởng gì đến hoạt động an ninh quốc phòng?
- Thực ra 157ha này là đất dự phòng của Quốc phòng, để bảo vệ TPHCM và bản thân sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày trước, đây là khoảng đất trống. Như các bạn đã biết, tại phiên thảo luận tại tổ đầu kỳ họp, tôi cũng có trả lời một số kiến nghị của cử tri là hiện tại Bộ Quốc phòng nhất quán quan điểm chỉ sử dụng đất quốc phòng nhàn rỗi để phát triển kinh tế, lấy một nguồn kinh phí để củng cố quốc phòng, để xây dựng các doanh trại quân đội.
Còn quan điểm thứ 2, nếu có nhu cầu về quốc phòng, Bộ Quốc phòng sẽ thu hồi vô điều kiện diện tích đất này khi có mệnh lệnh của cấp trên và liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng.
- Ý kiến của nhiều người cho rằng việc tổ chức sân golf ở vị trí này không hợp lý, không đảm bảo an toàn vì sân nằm rất gần đường băng, sân bay?
- Là đơn vị quản lý của quân chủng Phòng không không quân quản lý tại đây, tôi biết rất rõ việc này. Thực ra, khu vực sân golf, trước khi sang đến phần diện tích của sân bay thì còn qua một vành đai, phần của các đơn vị quốc phòng đang đóng tại đó do quân chủng chúng tôi quản lý, như các đơn vị đại đội pháo phòng không bảo vệ sân bay chứ không phải liền kề với đường băng.
- Như ông nói, sân golf này thuộc đất dự phòng quốc phòng nhưng thực tế khi triển khai kinh doanh, nhà đầu tư thậm chí đã có kế hoạch làm và rao bán các hạng mục công trình như biệt thự, căn hộ cao cấp, trường học ở đây với thời hạn sử dụng đất tới 50 năm. Điều này có mâu thuẫn với nguyên lý là đất phục vụ quốc phòng?
- Khi có mục đích quốc phòng phát sinh thì kể cả là đất được giao sử dụng làm gì, xây nhà, làm trường học, trong hạn 50 năm hay bao nhiêu đi nữa thì cũng phải thu hồi, vô điều kiện. Đó là quan điểm đã được nhất quán.


Từ hướng đường Tân Sơn, phóng tầm mắt qua khu sân A của sân golf VIP này có thể nhìn thấy máy bay hạ cánh... (Ảnh: Nguyễn Quang)

Từ hướng đường Tân Sơn, phóng tầm mắt qua khu sân A của sân golf VIP này có thể nhìn thấy máy bay hạ cánh... (Ảnh: Nguyễn Quang)
- Doanh thu từ sân golf hiện tại thế nào, thực tế có đóng góp được nhiều kinh phí để đầu tư lại cho các hoạt động quốc phòng như ông nói? Lợi ích mang lại từ việc này, nếu có, so với lợi ích cao hơn là lợi ích quốc gia, để “giải cứu” Tân Sơn Nhất thế nào. Đó là còn chưa tính tới những lo ngại sân golf hiện thu hút lượng khách hầu hết là người nước ngoài đến, không có lợi gì với hoạt động quốc phòng an ninh?
- Thực ra sân golf này đã mở ra hướng ra bên ngoài, không liên quan đến các đơn vị quân đội trong sân bay. Ở đây có các hợp phần hợp tác giữa các đơn vị quốc phòng với phát triển kinh tế.
Còn doanh thu của sân golf thì tôi không nắm được. Tôi chỉ nói về những gì mình biết với tư cách một đơn vị quản lý đất sân bay. Còn để thực hiện sân golf này, tôi biết có tới 133 văn bản các cấp. Mình chỉ hiểu, đây là đất quốc phòng, còn để chuyển mục đích sử dụng đất thì cần có những quyết định cao hơn từ Bộ Quốc phòng.
- Có ý kiến băn khoăn, việc giao cho một đơn vị của Bộ Quốc phòng làm đơn vị tư vấn, xây dựng các phương án giải cứu Tân Sơn Nhất là không khách quan. Vậy nên phương án mở rộng sân bay về phía Bắc với phần đất lấy của sân golf được vẽ ra đầy khó khăn, bất khả thi. Ông kiến giải gì về vấn đề này?
- Tôi không có ý kiến về việc này.
- Liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng, sau vụ việc ở xã Đồng Tâm liên quan đến đất tại sân bay Miếu Môn vừa qua, có ý kiến cho rằng, cần phân biệt rõ đất dùng cho mục đích quốc phòng và đất giao cho các đơn vị quốc phòng quản lý vì hiện có chuyện lẫn lộn giữa những khái niệm này khiến người dân không nhất trí?
- Đất quốc phòng trước hết phải sử dụng cho mục đích quốc phòng. Như tôi đã nói, quan điểm của Bộ Quốc phòng, chỉ khai thác đất này vào mục đích kinh tế trong thời kỳ đất còn nhàn rỗi để có một nguồn kinh phí quay lại phục vụ hoạt động quốc phòng, củng cố các doanh trại quân đội. Sau nữa, đất có thể thu hồi bất cứ khi nào thời điểm nào, vô điều kiện khi có mục đích sử dụng quốc phòng, khi có lệnh của cấp trên nếu việc sử dụng đất đó ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng.
Còn đối với sân bay Tân Sơn Nhất, nếu có ý kiến cho là sân golf ảnh hưởng đến yêu cầu đảm bảo an toàn hàng không thì hai bên (Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng – PV) sẽ thảo luận, trrao đổi và có ý kiến lên. Còn các vấn đề thu hồi hay không thì không phải là trách nhiệm của tôi.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét