Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

20220226. KHỦNG HOẢNG XĂNG DẦU Ở VIỆT NAM

 ĐIỂM BÁO MẠNG

THỦ TƯỚNG YÊU CẦU ĐIỀU HÀNH CÂN ĐỐI CUNG CẦU, KHÔNG ĐỂ THIẾU 

HỤT NGUỒN CUNG XĂNG DẦU

T.H/ KTSG 22-1-2022

(KTSG Online) – Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đây là nội dung chính của Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22-2-2022 vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông; Tổng Thanh tra Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nêu rõ:

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao. Ở trong nước, có tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân tại một số địa phương.

Để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 04/TB-VPCP ngày 28-1-2022, số 36/TB-VPCP ngày 10-2-2022, số 07/TB-VPCP ngày 22-2-2022 và các văn bản có liên quan.

Thủ tướng ngày 22-2 đã có công điện về bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung, cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan để xác định cam kết sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước thời gian tới, làm cơ sở cho việc nhập khẩu xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan chủ động điều hành giá xăng dầu theo thẩm quyền, quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1086/VPCP-KTTH ngày 18-2-2022, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình sản xuất, nhập khẩu, phân phối xăng dầu, điều hành giá xăng dầu, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, đồng thời công khai các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, biện pháp xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và doanh nghiệp biết, tạo sự ổn định của thị trường xăng dầu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28-2-2022 theo đúng chỉ đạo tại văn bản số 486/VPCP-KTTH ngày 21-2-2022 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Công an tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và phân phối xăng dầu.

Thanh tra Chính phủ bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2022 về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu nhằm kịp thời phát hiện các sơ hở, bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chủ động thực hiện các biện pháp, giải pháp theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm không bị gián đoạn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu…; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.

Liên quan đến công tác xử lý vi phạm về kinh doanh xăng dầu, TTXVN dẫn lời ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành giám sát, kiểm tra hơn 16.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước.

Qua kiểm tra, bước đầu, lực lượng phát hiện có trường hợp các cây xăng đóng cửa, treo biển không bán hàng, như trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Quảng Bình…

Theo ông Trần Hữu Linh, trong quá trình kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường đã kiên quyết kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vì sao không bán. Cùng với đó, lực lượng cũng tiến hành kiểm tra tận bồn chứa, đo mực xăng, nếu còn xăng bán được mà không bán, lập biên bản, xử lý ngay.

Mặt khác, lực lượng đã kiến nghị chính quyền địa phương các tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng rút giấy phép kinh doanh của một số cửa hàng xăng dầu không bán hàng vì lý do không chính đáng.

Nêu một số nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh của một số cửa hàng xăng dầu, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, trước hết là do nguồn cung thiếu, không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối.

Ngoài ra, nhu cầu hàng hóa tại nhiều nơi trong cùng một địa điểm nên hệ thống xe chuyên chở không kịp phục vụ; do nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.

Một nguyên nhân nữa là nhiều cửa hàng xăng dầu không có đủ nhân lực để kinh doanh. Ngoài ra, còn do ảnh hưởng dịch Covid-19, các chủ cửa hàng, nhân viên bán hàng nhiễm bệnh. Hay nhiều cửa hàng tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, sang nhượng cửa hàng; tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn, không đủ vốn để đặt hàng, nhập hàng…

NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA LỌC DẦU NGHI SƠN

HỒNG HẠNH/ ND 22-2-2022


Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), tháng 1/2022. Ảnh: LÊ HOÀNG

Dù được hưởng ưu đãi chưa từng có so với nhiều dự án trọng điểm quốc gia, nhưng hoạt động của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (lọc dầu Nghi Sơn - NSRP) vẫn lỗ chồng lỗ, đẩy thị trường xăng dầu trong nước vào cảnh “nước sôi lửa bỏng” thời gian vừa qua. Thực tế, đơn vị này đảm nhiệm vai trò bảo đảm nguồn cung dầu thô cho quốc gia, cung ứng 35% thị phần xăng dầu trong nước. Trước thông tin về nguy cơ dừng hoạt động khiến thị trường xăng dầu lao đao, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đưa ra lý do là khó khăn nghiêm trọng về tài chính, bắt nguồn từ việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chưa “bù lỗ” theo cam kết của Chính phủ. Tuy nhiên, một số thông tin lại cho thấy có những bất thường trong khoản lỗ của doanh nghiệp này khi có vị trí nhận lương cả triệu USD một năm…

Lỗ hơn 61.000 tỷ đồng sau ba năm vận hành thương mại

Lọc dầu Nghi Sơn được thành lập tháng 4/2008 với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD vận hành thương mại ngày 14/11/2018. Cổ đông gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 25,1% vốn; Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait 35,1%; Công ty Idemisu Kosan Nhật Bản 35,1% và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản 4,7%. 

Theo thỏa thuận giữa Chính phủ do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư, PVN sẽ là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn, với giá bán buôn tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu, cộng thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...).

Trong 10 năm (đến năm 2028), nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này. Bên cạnh đó, lọc dầu Nghi Sơn cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm đầu và nhiều ưu đãi thuế khác. Trên thực tế, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), với xăng từ năm 2023 thuế nhập khẩu sẽ xuống 5% và từ năm 2024 là 0%. Diesel và mazut là 0% từ năm 2016. Còn theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel từ năm 2016 là 5% và từ năm 2018 là 0%, riêng mazut từ năm 2016 thuế nhập khẩu đã là 0%.

Do vậy, đã phát sinh mâu thuẫn giữa các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với cam kết Nghi Sơn khi lộ trình giảm thuế nhanh hơn rất nhiều. PVN cho biết, trong 10 năm kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5 - 2 tỷ USD để bù thuế cho dự án. Chưa kể, số tiền thiệt hại thêm cho ngân sách quốc gia hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng khi áp dụng ưu đãi thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trọn đời của dự án; cán bộ, công nhân viên làm việc trong Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân; trong bất cứ tình hình thị trường quan hệ cung cầu ra sao thì Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng, dầu do nhà máy sản xuất ra tại cổng nhà máy...

Dù được nhận “siêu ưu đãi” nhưng sau ba năm đi vào hoạt động, mức lỗ của lọc dầu Nghi Sơn tổng cộng đã lên đến 61.200 tỷ đồng. Như vậy, vốn chủ sở hữu đã âm hơn 11.000 tỷ đồng. Doanh thu năm 2019 của đơn vị đạt 86.675 tỷ đồng thì năm 2020 chỉ còn 74.848 tỷ đồng. Trong khi, thực tế cho thấy, ở Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, việc được giữ lại 3 - 7% thuế nhập khẩu (giữ lại được 3.305 tỷ đồng vào năm 2010, năm 2011 là 1.836 tỷ đồng, năm 2012 là 5.122 tỷ đồng), đã giúp tổng số lỗ ba năm đầu giảm xuống còn 3.829 tỷ đồng, từ mức lỗ 14.092 tỷ đồng. Điều này thể hiện việc được bù thuế là một đặc quyền rất lớn cho doanh nghiệp.

Những vấn đề của lọc dầu Nghi Sơn -0
Thị trường trong nước rơi vào cảnh “nước sôi lửa bỏng” thời gian vừa qua. Ảnh: VOV.VN 

Lương triệu đô trong doanh nghiệp thua lỗ?

Lãnh đạo một nhà máy lọc dầu cho biết, Nghi Sơn lỗ do một số nguyên nhân: Thứ nhất là chi phí tài chính (vốn vay đắt); thứ hai là do giá dầu thô đầu vào đắt bởi nhà đầu tư liên danh cấp đầu vào (theo bản cam kết của Chính phủ, Kuwait Petroleum Corporation - một liên danh, sẽ bán dầu thô cho NSRP để dùng cho dự án NSRP - PV); lý do thứ ba là chi phí nhân sự lớn khi chi trả lương cho các chuyên gia nước ngoài rất cao. Được biết, lương của giám đốc nhà máy khoảng 1 triệu USD/năm - đây là mức lương cao khủng khiếp, cao hơn mức lương hoạt động của cả nhóm chuyên gia ở nơi khác.

Còn lý do nữa là chi phí vận hành, bảo dưỡng thiết bị máy móc cao (ngưỡng 900 tỷ đồng mỗi năm) và khó tránh khỏi sự quản lý lỏng lẻo khi có nhiều liên danh, nhiều nước. Từ việc nhiều mối, việc mua sắm cũng khó quản lý... thêm gánh nặng cho PVN và Chính phủ khi phải gánh lỗ của cả hệ thống… Tuy nhiên, vị này cũng đặt dấu hỏi về “kịch bản lỗ” liên tiếp, giống với một số liên doanh trước đó mà điển hình là Coca Cola.

PVN cũng nêu ra hàng loạt lý do vì sao Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Trong đó, PVN bày tỏ việc tập đoàn chỉ nắm hơn 25% cổ phần, nên công tác quản trị do phía nước ngoài điều hành còn nhiều bất cập cũng đã góp phần vào các khó khăn về tài chính hiện nay của NSRP.

Tương tự, một chuyên gia công tác lâu năm trong ngành công thương khẳng định, lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp vấn đề là mối nguy lớn đối với thị trường xăng dầu Việt Nam. Vị này phân tích, khi doanh nghiệp lỗ sẽ thiếu hụt dòng tiền, dẫn đến giảm công suất. Giảm công suất thì hoạt động kinh doanh càng không hiệu quả. Lúc này, doanh nghiệp không phải vốn nhà nước, họ sẽ đóng cửa khi không nhìn thấy hướng có lãi. Còn với tỷ lệ nắm giữ vốn của PVN thấp, phía Việt Nam không quyết định được trong điều hành và biểu quyết trong hội đồng cũng chỉ có ý nghĩa đồng thuận tuyệt đối hay không...

“Năm 2021, sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước khoảng 20,5 triệu tấn, trong đó nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn, tương đương khoảng 34%, tức là xăng dầu trong nước tự cung cấp được tới 75%. Trong khi đó, Nghi Sơn cung ứng tới 35% thị phần xăng dầu trong nước.  Do vậy, dù có nâng công suất lên hơn 100% thì đơn vị còn lại là lọc dầu Dung Quất cũng không thể “cứu vãn” nếu tình huống xấu của Nghi Sơn xảy ra”, vị này nhận định.

SẼ TÁI CẤU TRÚC LỌC DẦU NGHI SƠN

Trước tình hình hiện nay, PVN cho biết đang trong giai đoạn đàm phán với các bên góp vốn nước ngoài về nội dung tái cấu trúc tổng thể lọc dầu Nghi Sơn. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết thêm, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ là cơ quan chủ trì, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công thương sẽ góp ý.

GIÁ XĂNG VIỆT NAM RẺ THỨ 65 THẾ GIỚI, SAO DÂN VẪN KÊU ĐẮT ?

LƯƠNG BẰNG/ VNN 23-2-2022

Dữ liệu thống kê của quốc tế cho thấy giá xăng ở Việt Nam thuộc hàng rẻ so với nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhưng một số liệu khác cho thấy việc người dân kêu xăng đắt là có lý.

Theo số liệu của Global Petrol Prices ngày 14/2/2022, giá xăng RON95 của Việt Nam thấp thứ 65 thế giới ở mức 1,096 USD/lít, tương đương 25.000 đồng/lít (dữ liệu chưa cập nhật kỳ điều hành ngày 21/2). Venezuela có giá xăng rẻ nhất với chỉ 0,025 USD/lít, còn Hong Kong có giá đắt nhất thế giới là 2,709 USD/lít.

Vậy giá xăng của Việt Nam ở đâu so với nhóm G7 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Ý, Nhật?

Dữ liệu của Global Petrol Prices cho thấy, giá xăng Việt Nam ở mức 25.000 đồng/lít chỉ cao hơn Mỹ (1,013 USD/lít, tương đương 23.045 đồng/lít), thấp hơn 6 nước còn lại.

Italia có giá xăng cao thứ 10 thế giới (2,075 USD/lít, tương đương 47.206 đồng/lít), Pháp (1,992 USD/lít, tương đương 45.318 đồng/lít), Anh (2,004 USD/lít, tương đương 45.591 đồng/lít), Đức (1,977 USD/lít, tương đương 43.611 đồng/lít), Canada (1,387 USD/lít, tương đương 31.554 đồng/lít), Nhật Bản (1,45 USD/lít, tương đương 32.987 đồng/lít).

Giá xăng Việt Nam rẻ thứ 65 thế giới, dân vẫn kêu đắt là sao
Giá xăng Việt Nam thấp hơn rất ít so với các nước G7

Song, đây là những nước có GDP bình quân đầu người cao hơn nhiều Việt Nam.

Giá xăng Việt Nam rẻ thứ 65 thế giới, dân vẫn kêu đắt là sao
GDP bình quân đầu người của các nước G7 cao hơn hẳn Việt Nam.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tính theo sức mua tương đương (PPP) GDP bình quân đầu người của Mỹ là 63,414USD/người/năm. Italia là 31,714USD/người/năm. Nhật Bản là 40,193 USD/người/năm. Pháp là 39,030 USD/người/năm. Đức là 46,208 USD/người/năm. Canada là 43,258 USD/người/năm. Anh là 41,125 USD/người/năm. Trong khi, của Việt Nam chỉ là 2,786 USD/người/năm.

Như vậy, nếu giá xăng của Việt Nam thấp hơn chưa đến một nửa của hầu hết các nước G7 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam lại thấp hơn hàng chục lần

Giá xăng Việt Nam rẻ thứ 65 thế giới, dân vẫn kêu đắt là sao

Còn trong khu vực Đông Nam Á, giá xăng Việt Nam ra sao?

Ở Đông Nam Á, giá xăng một số nước thấp hơn Việt Nam. Đó là Malaysia 0,489 USD/lít (tương đương 11.124 đồng/lít), Indonesia 0,887 USD/lít (20.179 đồng/lít)

Còn lại các nước có giá xăng cao hơn Việt Nam là Campuchia 1,153 USD/lít (tương đương 26.230 đồng/lít), Philippines 1,213 USD/lít (tương đương 27.575 đồng/lít), Thái Lan 1,342 USD/lít (tương đương 30.530 đồng/lít), Lào 1,342 USD/lít (tương đương 30.530 đồng/lít), Singapore 1,986 USD/lít (tương đương 45.181 đồng/lít).

Các nước còn lại là Timor Leste, Myanmar, Brunei không được Global Petrol Prices cập nhật dữ liệu giá xăng.

Giá xăng Việt Nam rẻ thứ 65 thế giới, dân vẫn kêu đắt là sao
Trong khu vực Đông Nam Á, giá xăng của Việt Nam cũng không phải là rẻ.

Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á năm 2020 chỉ hơn Philippines (3.299 USD/người/năm, Lào (2.630 USD/người/năm), Campuchia (1.513 USD/người/năm), Timor Leste (1.381 USD/người/năm), Myanmar (1.400 USD/người/năm).

GDP bình quân đầu người Việt Nam thấp hơn nhiều so với Singapore là 59.798 USD/người/năm; Brunei là 27.443 USD/người/năm; Malaysia là 10.412 USD/người/năm; Thái Lan là 7.189 USD/người/năm còn Indonesia là 3.870 USD/người/năm.

Giá xăng Việt Nam rẻ thứ 65 thế giới, dân vẫn kêu đắt là sao
GDP bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn nhiều nước Đông Nam Á

Điều này có nghĩa, người Việt Nam phải bỏ ra lượng tiền nhiều hơn trong tổng thu nhập để mua 1 lít xăng so với các nước G7 hay các nước ASEAN. Nói cách khác, tiền xăng đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong thu nhập của người dân Việt Nam nếu so với nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực.

Giá xăng trung bình trên thế giới theo dữ liệu của Global Petrol Prices là 1,26 USD/lít. Tuy nhiên, tổ chức này lưu ý có sự khác biệt đáng kể về giá giữa các quốc gia. Theo nguyên tắc chung, các nước giàu hơn có giá xăng dầu cao hơn, trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ có giá thấp hơn đáng kể. Một ngoại lệ đáng chú ý là Hoa Kỳ, một quốc gia kinh tế tiên tiến nhưng có giá khí đốt thấp.

“Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. Tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế, nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau. Do đó, giá bán lẻ xăng dầu có sự chênh lệch”, Global Petrol Prices chú thích thêm.

Theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45-60% (ngoại trừ một số nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn), trong khi đó, đối với nước ta, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%.

Lương Bằng

NÓI GIÁ XĂNG TRONG NƯỚC CÒN DANG RẺ HƠN MỘT SỐ NƯỚC CHỈ LÀ NGỤY BIỆN

VŨ CHƯƠNG/ DV 24-2-2022

Mỗi khi bị điểm kém, các em học sinh thường tìm ngay được một người bạn nào đó có điểm thấp hơn mình để chứng minh mình vẫn là điểm cao, mình vẫn ổn. Đó là nguỵ biện. Cái cách mà Bộ Tài chính nói giá xăng Việt Nam dù liên tục tăng cao nhưng vẫn thấp hơn một số nước hệt như vậy.

Vừa qua, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) chuyển sang, phản ánh hiện nay, Bộ Tài chính áp dụng cơ cấu tính giá xăng dầu đưa vào các loại thuế, phí quá cao như: Thuế nhập khẩu 10%, VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.800-4.000 đồng/lít. Bốn loại thuế chiếm 38% giá xăng dầu. Chi phí khác như chi phí vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn chiếm 62%, dẫn đến giá xăng dầu trong nước cao, chỉ số giá tiêu dùng CPI cao.

Trả lời vấn đề này, trên trang web chính thức của mình, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu của nước ta hiện đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực. 

Bộ này viện dẫn số liệu của Global Petrol Prices ngày 31/1/2022, giá xăng của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc là 26.611 đồng/lít, Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít. Trong khi tại Việt Nam, giá xăng E5 RON92 bán ra trên thị trường trong nước ngày 7/2/2022 là 23.590 đồng/lít và xăng RON95 là 24.360 đồng/lít, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng giá xăng chung của các nước trong khu vực cũng như mức bình quân trên thế giới (28.062 đồng/lít).

Ngay sau đó, đến ngày 21/2, giá xăng trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng cao nhất trong lịch sử, lên đến 26.287 đồng/lít (RON95).

Cách trả lời của Bộ Tài chính chỉ là nguỵ biện vì viện dẫn không hề đầy đủ. Việc lựa chọn quốc gia để so sánh như vậy là không thỏa đáng.

Theo bảng đánh giá trên chính trang Global Petrol Prices mà Bộ Tài chính viện dẫn, tại thời điểm ngày 22/02/2022, giá xăng của Việt Nam xếp thứ 104/168 quốc gia theo thứ tự từ đắt nhất đến rẻ nhất. Tức là giá xăng Việt Nam hiện tại cao hơn 64/168 nước. Có nhiều quốc gia có giá xăng rẻ hơn chúng ta cần phải được nêu tên như: Mỹ, Mông Cổ, Indonesia...


Ảnh chụp thống kê giá xăng trên trang Global Petrol Prices sáng ngày 24/02. Giá xăng Việt Nam đã cao hơn nhiều nước và vùng lãnh thổ như Campuchia, Đài Loan...

Giống hệt như một học sinh bị điểm kém, Bộ Tài chính đã tìm ngay ra được các quốc gia có giá xăng đắt hơn mình để "an ủi" rằng giá xăng của chúng ta vẫn còn rẻ chán.

Trong một sự logic rất "thị trường", giá xăng trong nước còn rẻ thì còn có thể tăng giá trong tương lai.

Chưa rõ Bộ Tài chính có sẽ tiếp tục để xăng tăng giá nữa hay không nhưng cách trả lời của Bộ này thực sự khiến người dân lo lắng. Giá xăng tăng dẫn đến chi phí vận tải hàng hóa tăng, đương nhiên kéo theo giá cả thị trường cũng tăng. Cuối cùng, gánh nặng vẫn là người dân. Mọi mặt hàng đều tăng giá, chỉ trừ lương là không thay đổi.

Vai trò của Bộ Tài chính là quản lý về giá, là điều tiết giá cả thị trường để đảm bảo cuộc sống cho người dân. Các thắc mắc mà Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đưa ra về giá xăng là mang theo cả kỳ vọng về sự quản lý điều hành, đưa ra giải pháp để bình ổn giá xăng, chứ không phải đợi chờ một lí do để hợp lí hóa chuyện giá xăng tăng cao kỉ lục. 

Vừa rồi, giá xăng tăng 4 lần liên tiếp trong vòng 2 tháng mà không hề thấy Bộ Tài chính có phương án gì để xử lý. Nếu chỉ nêu lí do là giá xăng tăng theo thị trường thế giới thì câu hỏi đặt ra là vai trò của Bộ Tài chính ở đâu? Cũng đã có những lần giá xăng thế giới giảm mà giá xăng trong nước có giảm đâu? Một khi Bộ Tài chính đã đánh mất vai trò điều tiết của mình thì trong thời gian ngắn tới, chắc chắn giá xăng sẽ lại tăng vì "chúng ta vẫn rẻ hơn nhiều nước".

Ở một diễn biến khác, ngay khi có điều chỉnh tăng giá xăng từ Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã ngay lập tức có văn bản xin ý kiến về việc bán đấu giá hơn 101 triệu lít xăng RON92 thuộc danh mục tài sản quốc gia.

Khi Bộ Tài chính còn đang loay hoay với giá xăng kỉ lục trong nước mà vẫn thấp hơn nhiều nước khác thì Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi đến một loạt bộ ngành về chuyện xăng dầu. Công điện nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Tại công điện, trong hàng loạt các biện pháp yêu cầu các bộ, ngành thực hiện, Thủ tướng giao Bộ Tài chính cùng Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu và báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.

Yêu cầu này của Thủ tướng rất hợp lòng dân, đúng như mong mỏi và kỳ vọng mà kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) chuyển sang Bộ Tài chính.

Trở lại ví dụ về cậu học sinh điểm kém cố thanh minh bằng cách lấy ví dụ có bạn điểm kém hơn mình, thường ngày, sự ngụy biện này kiểu gì cũng bị phụ huynh bực tức, thậm chí bị phạt roi. Bởi vì ai cũng hiểu rằng muốn tiến bộ, muốn phát triển thì phải luôn nhìn lên trên, nhìn về phía trước.

PHÓ THỦ TƯỚNG: GIÁ XĂNG Ở MỨC 'CHỊU ĐỰNG ĐƯỢC'

HOÀI THU/ ZING 25-2-2022

So sánh với giá xăng dầu trên thế giới, Phó thủ tướng nhận định chính sách điều hành giá linh hoạt đã giúp giá xăng trong nước tăng thấp hơn khu vực và ở mức chịu đựng được.

Ngày 25/2, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để nghe báo cáo về kết quả công tác điều hành giá 2 tháng đầu năm và giải pháp trong những tháng còn lại.

Nhấn mạnh khó nhất là vấn đề giá xăng dầu, đại diện các bộ ngành đề xuất một số giải pháp quan trọng về quản lý giá và bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng liên tục, tăng rất cao.

LO NGẠI BUÔN LẬU XĂNG DẦU QUA BIÊN GIỚI

Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu thực tế vừa qua giá xăng dầu tăng rất cao, kéo theo tăng giá năng lượng. Ngày 24/2, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/1 thùng. Chỉ trong hơn một tháng từ 11/1 đến 21/2, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng 15,45-20,88%.

Về điều hành giá, đặc biệt với mặt hàng xăng dầu, Phó thủ tướng nhấn mạnh đây là mặt hàng thiết yếu, chịu tác động rất lớn của giá cả thị trường thế giới. Từ ngày 11/1 đến ngày 21/2, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu tăng 15,45-20,88%, nhưng giá trong nước chỉ tăng 9,59-14,04%. “Điều này chứng tỏ chúng đã điều hành giá linh hoạt, giá tăng ở mức độ chịu đựng được, thấp hơn các nước trong khu vực”, ông Khái nhận định.


Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Khái cũng cảnh báo việc giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu một số nước láng giềng có thể dẫn tới tình trạng buôn lậu mặt hàng này qua biên giới. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.

Trước tình trạng một số cơ sở kinh doanh xăng dầu găm hàng, Phó thủ tướng nói đây không phải là hiện tượng phổ biến. Ví dụ TP.HCM có 458 đầu mối nhưng chỉ có 8 cơ sở găm hàng, ngừng bán…

Ông Khái cho rằng hiện tượng này xảy ra không phải là do thiếu nguồn cung, hay doanh nghiệp cố tình găm hàng để đẩy giá lên (vì giá xăng do Nhà nước định giá theo kỳ điều hành, niêm yết theo quy định) mà là do nhận thức của người kinh doanh.

“Đây là hành vi kinh doanh không đúng quy định của pháp luật. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người kinh doanh, khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi sai phạm hoặc phát hiện thông qua phản ánh của báo chí sẽ phải xử lý nghiêm”, Phó thủ tướng nêu quan điểm.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục triển khai giải pháp bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay các hành vi sai và công khai thông tin để dư luận nắm được.

LƯỜNG TRƯỚC TÌNH HUỐNG XẤU ĐỂ XÂY DỰNG KỊCH BẢN ĐIỀU HÀNH GIÁ

Về dự báo tình hình trong quý II và 10 tháng còn lại năm 2022, Phó thủ tướng nhận định áp lực lạm phát tăng cao, cần phải theo dõi chặt chẽ, phân tích, đánh giá và đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp.

Theo Phó thủ tướng, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá, tuy nhiên, các kịch bản này chủ yếu xây dựng theo giá dầu thô (dưới 100 USD/thùng).

Hiện nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/thùng và các dự đoán giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thêm. Vì thế, Bộ Tài chính cần xây dựng thêm kịch bản, lường trước tình huống xấu hơn để có giải pháp ứng phó phù hợp.


Một cơ sở kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Ông Khái đặc biệt lưu ý các cơ quan theo dõi sát diễn biến tình hình xăng dầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá, bảo đảm cân đối cung - cầu, không thể để thiếu hàng. Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đầu mối nhập khẩu để nhập khẩu hợp lý, tiết kiệm ngoại tệ, bảo đảm nhu cầu trong nước.

Về giá, cần tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế.

Đối với mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, vừa qua, mặt hàng kit xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiện tượng khan hiếm và tăng giá cục bộ ở một số thời điểm. Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch đã được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương triển khai giải pháp để bảo đảm đầy đủ nguồn cung, triển khai các biện pháp quản lý giá, bình ổn giá, nhất là mặt hàng kit xét nghiệm Covid-19.












THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA TPHCM DIỄN BIẾN THẾ NÀO KHI XĂNG DẦU

 LIÊN TỤC TĂNG GIÁ ?

HOÀNG TRANG/ TP 24-2-2022

TPO - Giá xăng dầu liên tục leo thang khiến người dân lo ngại nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ “té nước theo mưa” trong những ngày tới. Tuy nhiên, ghi nhận tại thị trường TPHCM, hiện giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn ổn định do sức mua yếu.
TIN LIÊN QUAN:
-Doanh nghiệp vận tải lao đao vì giá xăng dầu tăng cao ngất ngưởng -Giá xăng dầu liên tục tăng mạnh: Chuyên gia tài chính tiền tệ lên tiếng

Theo khảo sát của PV Tiền Phong tại các chợ bán lẻ ở TPHCM như chợ Bình Thới (quận 11), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10),…giá mặt hàng rau, củ, quả những ngày qua vẫn ổn định. Cụ thể bí xanh vẫn giữ giá 25.000 đồng/kg, cà chua 25.000 đồng/kg, khổ qua 25.000 đồng/kg,…

Không chỉ rau củ quả, các loại thực phẩm tươi sống cũng giữ giá ổn định: Thịt heo ba rọi có giá 130.000 đồng/kg, thịt vai và thịt cốt lết có giá 100.000 đồng/kg; thịt bò phi lê 300.000đồng/kg, thịt bò đùi 250.000 đồng/kg; thịt gà mái ta làm sẵn 130.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp làm sẵn có giá 80.000 đồng/kg, thịt vịt làm sẵn 120.000 đồng/kg; cá lóc nuôi bè 70.000 đồng/kg, cá diêu hồng 60.000 đồng/kg,…

Thị trường hàng hóa TPHCM diễn biến thế nào khi xăng dầu liên tục tăng giá? ảnh 1

Dù giá xăng dầu tăng mạnh nhưng giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn ổn định do sức mua yếu.

Ông Đỗ Phước Tiến, Phó ban quản lý chợ Bình Thới (quận 11) cho biết, hiện giá cả tại chợ tương đối ổn định, chỉ có một vài mặt hàng rau củ Đà Lạt có dấu hiệu tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg, nguyên nhân do nhiều nhà vườn ở Đà Lạt giảm diện tích gieo trồng cùng với chi phí vận chuyển tăng so với trước.

Ông Tiến cho biết thêm, hiện nay, sức mua của người tiêu dùng tại chợ giảm nhiều nên các tiểu thương vẫn giữ mức giá ổn định để giữ khách, thậm chí giảm giá để bán được hàng.

Thị trường hàng hóa TPHCM diễn biến thế nào khi xăng dầu liên tục tăng giá? ảnh 2

Mặt hàng tăng giá hiện nay chủ yếu là các loại rau củ Đà Lạt.

Tương tự, ông Phan Thanh Hà, Trưởng ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cũng cho biết, nhìn chung ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu chưa ảnh hưởng rõ nét đến giá cả các mặt hàng tại chợ.

"Hiện, lượng hàng về chợ vẫn dồi dào, ổn định và sức mua giảm sâu nên không có sự tăng giá đột biến, chỉ có một số mặt hàng rau củ Đà Lạt có dấu hiệu tăng nhẹ", ông Hà nói.

Thị trường hàng hóa TPHCM diễn biến thế nào khi xăng dầu liên tục tăng giá? ảnh 3

Không chỉ rau củ quả, các loại thực phẩm tươi sống cũng giữ giá ổn định

Theo đánh giá của các tiểu thương, sức mua trong thị trường chưa tăng cao nên khó xảy ra tình trạng tăng giá. Dẫu vậy, trong thời gian tới nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng thì không tránh khỏi tình trạng hàng tiêu dùng sẽ có mức điều chỉnh giá bán.

Bà Phạm Hoàng Oanh, tiểu thương tại chợ Bình Thới (quận 11) cho biết, từ đầu Tết đến nay, sức tiêu thụ mặt hàng rau củ tại chợ giảm khoảng 40%, nguyên nhân là nhiều gia đình, bà nội trợ thắt chặt chi tiêu do thu nhập bị ảnh hưởng.

"Giá hàng hóa do người bán sỉ quyết định, tôi chưa nhận thông báo về việc điều chỉnh mức giá trong thời gian này nên vẫn giữ mức bán cũ, có khi lại giảm giá để giữ khách", bà Oanh nói.

'XĂNG TĂNG GIÁ KHÔNG NGỪNG, LÒNG NHƯ LỬA ĐỐT': KHÓ CẦM CỰ ĐƯỢC NỮA

TRẦN CHUNG/ VNN 25-2-2022

Nếu như giá xăng, dầu vẫn giữ ở mức cao như hiện nay, doanh nghiệp vận tải có ý định cắt giảm chuyến, tuyến hoặc tạm dừng hoạt động. Phương án tăng giá cước đã được tính đến.

"Chúng tôi đang hoạt động cầm chừng, trong tình trạng chạy phải bù lỗ. Nếu như giá xăng, dầu vẫn giữ ở mức cao như hiện nay, thời gian tới sẽ không cầm cự được nữa sẽ phải cắt giảm chuyến, tuyến hoặc tạm dừng hoạt động", anh Trần Cường - chủ nhà xe An Phú (TP.HCM) chán nản.

Nhà xe này có 6 xe chạy tuyến TP.HCM - Quy Nhơn và chủ DN đang đứng ngồi không yên khi chi phí nhiên liệu chiếm phần lớn lợi nhuận. Để duy trì hoạt động trong thời gian bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng, nhà xe thực hiện cắt giảm tối đa chi phí, dừng hoặc giảm chuyến, tuyến không cần thiết. Đồng thời, mong muốn cơ quản quản lý nhà nước có chính sách ổn định giá xăng dầu dài hạn.

'Xăng tăng không ngừng, lòng tôi như lửa đốt': Khó cầm cự được nữa
Giá nhiên liệu tăng khiến các đơn vị kinh doanh vận tải đang "đau đầu" (ảnh: Trần Chung)

Chiều 21/2, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng mạnh. Đây là lần thứ 4 tính từ đầu năm, và là lần thứ 5 liên tiếp mặt hàng xăng dầu tăng giá. Hiện tại, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 25.530 đồng/lít; RON 95 là 26.280 đồng/lít; dầu diesel 20.800 đồng/lít, dầu hỏa 19.500 đồng/lít; dầu mazut 17.930 đồng/kg.

Các đơn vị kinh doanh vận tải cho rằng, họ chưa kịp phục hồi sau thời gian dịch Covid-19 tàn phá thì giờ phải đối mặt với khó khăn khi giá nhiên liệu cao ngất ngưởng.

Chị Bùi Thị Huy Viễn - chủ nhà xe Tư Viễn chạy tuyến Sài Gòn - Hà Nội - Quảng Ninh tại bến xe Miền Đông cho biết, đội xe khách trước dịch có 4 chiếc nhưng nay chỉ còn 1 chiếc duy trì hoạt động. Đơn vị này lo lắng vì phải đối mặt với khó khăn trong cân nhắc bài toán thu chi sau khi giá xăng tăng.

Đại diện nhà xe thông tin, dù hoạt động vận tải đã trở lại nhưng lượng khách đi xe rất ít. Trong khi, giá xăng dầu, các chi phí liên tục tăng. Mỗi chuyến xe xuất bến, DN chỉ mong thu được 3-5 triệu đồng. Thậm chí, nhiều chuyến xe hòa vốn hoặc lỗ nhưng vẫn phải chạy để giữ khách.

'Xăng tăng không ngừng, lòng tôi như lửa đốt': Khó cầm cự được nữa
Một số đơn vị vận tải đã lên phương án tăng giá cước nếu chi phí xăng dầu ở mức cao (ảnh: Trần Chung)

Là đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển và các giải pháp logistics cho đối tác, khách hàng DN trên toàn quốc, ông Nguyễn Văn Tú - TGĐ Nhất Tín Logistics chia sẻ, “giá xăng tăng không dừng, lòng tôi như lửa đốt”. Giá nhiên liệu tăng gây áp lực lớn đến chi phí vận hành trực tiếp tại đơn vị bởi chi phí xăng dầu cho đội xe tải hơn 450 chiếc bị đội lên từ 5-7%, trong khi đó, giá cước công bố vẫn giữ nguyên như hợp đồng đã thống nhất với khách hàng. 

Theo ông Tú, nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của việc giá xăng dầu leo thang, DN phải trao đổi với nhân viên về ý thức vận hành xe cũng như cách có thể tiết kiệm nhiên liệu tốt nhất. Dẫu vậy, nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang trong tương lai, DN có khả năng phải thực hiện điều chỉnh giá cước nhằm duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hành khách liên tỉnh và Du lịch TP.HCM - ông Lê Trung Tính nhận định, hoạt động kinh doanh của ngành vận tải nói chung, vận tải hành khách nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông cho rằng, nhiều đơn vị vận tải đã lên phương án tăng giá cước trong thời gian tới. Tuy nhiên, các DN sẽ không tăng giá ngay lập tức mà tăng có lộ trình để “giữ chân” khách hàng và đưa ra mức giá mới có tính cạnh tranh trên thị trường.

Trần Chung

XĂNG

NGUYỄN TIẾN TƯỜNG/ TD 23-2-2022



“Giá xăng vẫn rẻ so với thế giới” là câu nói cửa miệng của nhiều quan chức, nhiều đời bộ trưởng tài chính. Ngay mỗi đợt giá xăng tăng sốc, báo chí lại đồng loạt hát rền bài ca con cóc này.

Đây là một lối so sánh khập khiễng và thậm chí nguỵ biện. Bởi vì một thường dân bình thường cũng hiểu được rằng so với thu nhập người dân thế giới, tỷ lệ giá xăng trên thu nhập của người dân Việt Nam sẽ ở đỉnh cao chót vót.

Lại nữa, khi lấy giá tiền nước sở tại quy ra tiền Việt để tính giá xăng so sánh là trật lất, bởi vì tỷ giá hối đoái biến động từng giờ. Lấy đồng USD đổi ra tiền Việt so sánh trên mỗi lít xăng cũng tương tự như việc so sánh độ ngon của rượu cuốc lủi với whisky vậy, hổng có bà con.

Suy cho cùng, xăng là một mặt hàng như bao mặt hàng khác và phép so sánh nên so sánh tỷ lệ đánh thuế so với thu nhập bình quân của người dân.

Đừng nhìn sắc thuế 50%, 60% của người Mỹ, người Hàn vì dân họ thu nhập cao. Sắc thuế 38-40% đối với người dân Việt Nam có thể xem là… tận diệt.

Ngay bên trong thuế đối với giá xăng, cũng có nhiều vô lý:

– Xăng nhập về có giá thành 14.930đ/lít, nhưng cõng thêm tới 11.168đ/lít tiền thuế.

+ Thuế nhập khẩu 10% = 1.493đ. Thuế tiêu thụ đặc biệt 10% = 1.493đ.

+ Thuế tiêu thụ đặc biệt đã đánh 10% nhưng thuế tiêu dùng VAT vẫn đánh 10%.

+ Xăng chịu thuế bảo vệ môi trường 4.000đ/lít trong khi chất lượng môi trường tệ hại ra sao thì đã rõ.

+ Đó là chưa tính quỹ bình ổn xăng dầu 300đ/lít, chi phí kinh doanh 1.050đ/lít, lợi nhuận định mức 300đ/lít được cộng vô giá thành bán ra nữa.

Điều vô lý nhất là người dân chịu các khoản phí này nhưng vẫn không được bảo vệ về giá trước mỗi đợt biến động xăng dầu. Không chỉ chịu giá tăng cao mà còn khan hiếm. Công dân một nước nhiều dầu nhưng mua xăng vẫn rất trần ai.

Chính phủ đã giao Bộ Tài chính và Công thương cắt giảm các sắc thuế, phí để kéo giảm giá xăng cho người dân. Đây là một việc đúng và khẩn thiết trong bối cảnh dân tình lao đao vì dịch bệnh.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc xin đừng hát bài ca “giá xăng rẻ hơn thế giới” nữa, hãy làm gì đó khác biệt so với những người tiền nhiệm của ông.

Thời nào rồi còn bắt dân làm AQ!

Nguyễn Tiến Tường

CÂY XĂNG 3 NGÓN TAY, ĐIỀU HÀNH KIỂU NGÓN TRỎ

ANH ĐÀO /NLĐ 19-2-2022


Vì thiếu hụt nguồn cung trong khi "bán là lỗ", nhiều cây xăng đã tự đưa ra hạn mức bán xăng dầu. Ảnh: HT

Ở đầu tàu kinh tế TPHCM, nhiều cây xăng đã chỉ bán theo hạn mức “3 ngón tay”, có nghĩa là chỉ 30.000 đồng. Bởi “xăng nhiều là báo nói chớ cây xăng không có nói”.

Xăng dầu lên đến mức kỷ lục đang tạo ra sức ép cực kỳ lớn lên nền kinh tế, nhất là đối với vận tải, thuỷ sản - những ngành mà xăng dầu như là máu vậy.

Báo Nghệ An dẫn tính toán của ngư dân Hồ Văn Đại (ở xã Tiến Thuỷ, Quỳnh Lưu) rằng; Với con tàu công suất 400 CV, mỗi chuyến ra khơi 7 - 9 ngày phải bơm khoảng 60 triệu đồng tiền dầu, cùng hàng nghìn cây đá lạnh. Với giá dầu đã tăng lên ngót 20.000 đồng/lít như hiện nay thì tính ra mỗi chuyến tàu sẽ đội chi phí “đi nghề” thêm 15 -17 triệu đồng.

Và thế là ở Quỳnh Lưu, huyện có số lượng phương tiện tàu thuyền lớn nhất tỉnh Nghệ An với gần 1.200 chiếc, từ ra Tết đến nay, đội tàu xa bờ vẫn “nằm bờ”.

Ngắc ngoải vì xăng dầu tăng sốc là một lẽ. Cái lẽ thứ hai là ngay cả khi giá chót vót cũng khó để mà mua đúng nhu cầu.

Hôm qua (18.2), hình ảnh những “cây xăng 3 ngón tay” tràn ngập báo chí và mạng xã hội. Có nghĩa là giờ khan hàng, giờ bán lỗ đến mức cây xăng đưa ra “hạn mức” chỉ bán 30.000 đồng cho mỗi lần.

Ủa sao kỳ vậy ư! Sao thấy báo nói xăng nhiều lắm ư! “Xăng nhiều là báo nói chớ cây xăng đâu có nói”.

Mà đó là thực tế ở TPHCM. Mà TPHCM lại là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Còn ở Hà Nội, một đầu mối xăng dầu bày tỏ: Hiện không nhận được một đồng chiết khẩu nào khi nhập xăng dầu. Và trong khi giá xăng dầu tăng, chính các đầu mối cũng mất thêm chi phí vận chuyển. “Chúng tôi đã phải bù lỗ khoảng 700-800 đồng/lít”.

Cần phải nói thẳng: Kiểu điều hành khiến ngay các đầu mối xăng dầu phải bù lỗ lớn chính là nguyên nhân xảy ra câu chuyện bi hài “cây xăng 3 ngón tay”.

Hôm qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản nêu đích danh hai bộ: Công Thương, Tài chính phải có trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Việc giá xăng dầu tăng tác động đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân như thế nào cũng được yêu cầu đánh giá kỹ.

Như vậy là trong vài ngày, hai Phó Thủ tướng đã phải có ý kiến.

“Muốn thịt lợn rẻ lên tivi mà mua”, “Xăng nhiều là báo nói chớ cây xăng không có nói”… Những câu thoại thực tế này đã trở thành một thứ tiếu lâm thời @. Không chỉ phản ánh thái độ của dân, nó còn cho biết thực tế “điều hành kiểu ngón trỏ” khiến thực tế luôn khác… báo cáo.

Và để chấm dứt, chẳng có cách nào khác là ràng buộc trách nhiệm những bộ ngành cụ thể, những tư lệnh cụ thể.

ANH ĐÀO
VỤ NGHI SƠN: TẠI SAO PHẢI... CHỊU TRÁCH NHIỆM ?
TRÂN VĂN/ BVN 12-2-2022

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, Việt Nam.

Đứng đầu... chính phủ hồi mời gọi đầu tư vào NSRP và phê duyệt dự án này là ông Nguyễn Tấn Dũng. Truy cứu trách nhiệm của ông Dũng không dễ vì những dự án kiểu như Dự án Xây dựng NSRP đâu chỉ có một mình ông Dũng quyết định.

Sau sự kiện Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (NSRP) ở Thanh Hóa tuyên bố... “cắt giảm công suất” do... “khó khăn tài chính” khiến xăng dầu khan hiếm (1), nhiều cây xăng ở phía Nam của miền Nam Việt Nam hoặc đóng cửa, hoặc bán cầm chừng (2) nhưng Bộ trưởng Công Thương vẫn khẳng định... “không thiếu xăng dầu” (3) và yêu cầu hệ thống công quyền gia tăng kiểm tra - phạt - rút giấy phép kinh doanh nếu chủ các cây xăng không... “hoạt động bình thường”, bất kể họ sẽ thua lỗ bởi phải mua vào với giá cao, song khi bán ra phải thu tiền với... giá được ấn định,... cuối tuần vừa qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội đã đăng lại ý kiến của ông Trần Quang Chiểu hồi tháng 11 năm 2020...

Vào thời điểm đó, ông Chiểu (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Việt Nam khóa 14) thắc mắc: Tại sao không có ai chịu trách nhiệm về chuyện một số cá nhân hữu trách, nhân danh chính quyền Việt Nam cam kết với các doanh nghiệp ngoại quốc tham gia liên doanh thực hiện NSRP (Công ty Dầu Kuwait - góp 35,1% vốn, Công ty Hóa chất Idemitsu Kosan - góp 35% vốn, Công ty Hóa chất Mitsui - góp 4,7% vốn), cho dù những cam kết này khiến chính quyền Việt Nam phải rút tiền từ công khố... bù lỗ cho NSRP từ 36.700 tỉ đến 47.800 tỉ, thậm chí nếu giá dầu trên trên thị trường thế giới thay đổi, khoản... bù lỗ này có thể lên tới 88.100 tỉ (4)?

Đầu thập niên 2000, nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo phải thận trọng khi mời gọi đầu tư Dự án xây dựng NSRP, không nên hứa hẹn thực hiện các ưu đãi như: Giảm một nửa thuế thu nhập doanh nghiệp, chỉ thu... 10% trong suốt... 70 năm, đồng thời giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với tất cả những người làm việc cho NSRP. Bao tiêu toàn bộ sản phẩm (các loại xăng, dầu, khí hóa lỏng – LPG). Dành cho NSRP quyền định giá bán bằng với giá nhập khẩu sản phẩm cùng loại cộng với 7% thuế nhập cảng xăng dầu, 5% thuế nhập cảng LPG, 3% thuế nhập cảng sản phẩm hóa dầu... bởi những ưu đãi đó không những không mang lại lợi ích nào mà còn tạo ra thua thiệt về đủ mọi mặt!

Tuy nhiên tất cả những phân tích thiệt - hơn đều bị bỏ ngoài tai. Kết quả, tính từ lúc NSRP bắt đầu vận hành thương mại (2018), sau khi trừ số thu được nhờ cho thuê đất và các loại thuế, phí, trong mười năm, Việt Nam phải lấy công quỹ bù thêm cho các doanh nghiệp ngoại quốc tham gia liên doanh NSRP... 36.730 tỉ đồng. Do chất lượng sản phẩm của NSRP không đạt tiêu chuẩn Việt Nam, sản phẩm của NSRP bị... ế, đầu năm 2020, PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) – doanh nghiệp đại diện nhà nước Việt Nam tham gia liên doanh NSRP đã đề nghị chính phủ Việt Nam cấm nhập cảng xăng dầu để tiêu thụ cho hết sản phẩm của NSRP (5) nhằm chu toàn cam kết... “bao tiêu toàn bộ sản phẩm”!

***

Không cần phân tích cũng có thể mường tượng những... cam kết của một vài cá nhân, nhân danh chính quyền Việt Nam đối với các doanh nghiệp ngoại quốc trong liên doanh NSRP gây thiệt hại thế nào đến kinh tế, xã hội. Làm sao có thể giảm giá xăng dầu để nâng cao khả năng cạnh tranh? Làm sao tránh được thua thiệt khi thực thi các hiệp định thương mại tự do, trong đó có những điều khoản liên quan đến giảm thuế nhập cảng xăng dầu? Rồi vài chục ngàn tỉ lẽ ra có thể dùng để thực thi chính sách an sinh, nâng đỡ các thành phần yếu thế, gia tăng phúc lợi công cộng lại được dùng để... bù lỗ cho NSRP và vài chục ngàn tỉ khác sẽ còn tiếp tục được dùng để... bù lỗ thêm trong năm, bảy năm nữa.

Ở kỳ họp Quốc hội hồi cuối 2020, ông Chiểu nhấn mạnh: Không phải riêng ông mà rất nhiều người băn khoăn, tại sao không xử lý nghiêm minh khi một số người trong chính phủ tiền nhiệm gây ra thiệt hại rất lớn như vậy? Bây giờ là 2022! PVN vừa cam kết bơm thêm tiền cho NSRP để liên doanh này không... “làm mình, làm mẩy” khiến “an ninh năng lượng” của Việt Nam chao đảo! Những viên chức hữu trách trong Chính phủ Việt Nam chỉ có thể dọa... “chặt đầu, lột da” những doanh nhân và thương nhân trong nước không chịu... lỗ khi kinh doanh xăng dầu chứ không dám đụng đến những doanh nghiệp ngoại quốc vì sẽ bị kiện và tất nhiên sẽ phơi áo do vi phạm... cam kết!

Giống như cách nay gần hai năm, NSRP là... chuyện đã rồi. Dẫu phi lý thế nào và hậu quả có trầm trọng ra sao thì cũng phải ráng mà chịu. Việt Nam vốn có vô số... chuyện đã rồi, thêm một vài hay hơn nữa cũng không được... bận tâm! Đứng đầu... chính phủ hồi mời gọi đầu tư vào NSRP và phê duyệt dự án này là ông Nguyễn Tấn Dũng. Truy cứu trách nhiệm của ông Dũng không dễ vì những dự án kiểu như Dự án Xây dựng NSRP đâu chỉ có một mình ông Dũng quyết định. Những dự án kiểu đó phải thông qua Bộ Chính trị. Bộ Chính trị giai đoạn nào cũng... “tài tình, sáng suốt”, không bao giờ... sai lầm nên không bao giờ xin lỗi, tại sao lại phải... chịu trách nhiệm?

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/loc-hoa-dau-nghi-son-thieu-tien-giam-san-xuat-nguy-co-thieu-xang-dau-can-tet-20220125125924066.htm

(2) https://thesaigontimes.vn/nhin-xa-hon-su-co-nghi-son/

(3) https://laodong.vn/thi-truong/bo-truong-cong-thuong-neu-bao-cao-la-dung-thi-dau-thieu-xang-dau-1002762.ldo

(4) https://thanhnien.vn/dbqh-truy-van-trach-nhiem-cua-chinh-phu-tien-nhiem-o-dai-du-an-loc-dau-nghi-son-post1009245.html

(5) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/pvn-hoa-toc-de-nghi-cam-nhap-xang-dau-phan-cam-797292.ldo

T.V.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét