Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

20220215. VŨ KHÍ CỦA THỜI VUA QUANG TRUNG

  ĐIỂM BÁO MẠNG


SIÊU VŨ KHÍ CỦA VUA QUANG TRUNG

QUỐC PHONG-THÁI AN/ TVN 4-2-2022

Quân đội Tây Sơn, dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung, sở hữu 2 loại vũ khí khủng khiếp, đó là phốt pho trắng và chất lỏng đặc biệt.

Hai loại vũ khí này, với sức nóng đến 2.000 độ C, lập tức trấn áp được kẻ địch, đồng thời gây mất ô xy trên diện rộng khiến số lượng lớn quân thù chỉ trong chốc lát chết ngạt trong vòng 2 phút.

Vua Quang Trung vừa là người nghiên cứu sản xuất các loại vũ khí nêu trên, đồng thời là người tổ chức quân đội Tây Sơn. Quân Tây Sơn ít hơn so với kẻ thù nhưng được trang bị những vũ khí sát thương hàng loạt vượt thời đại hàng trăm năm để luôn chiến thắng.  

Nhân lễ hội gò Đống Đa (mùng 5 Tết), kỹ sư Vũ Đình Thanh, người trực tiếp tham gia nghiên cứu chế tạo các vũ khí mới cho một số tập đoàn vũ khí nhà nước tại châu Âu, hiện làm việc cho Cơ quan Nghiên cứu và sản xuất Almaz (tập đoàn Almaz-Antey - Nga) đưa ra góc nhìn khác biệt về chiến công đại phá quân Thanh của vua Quang Trung năm 1789.

Lời khẳng định của đức vua

Được biết, ông đã dẫn đồng nghiệp là các chuyên gia nghiên cứu và sản xuất tên lửa châu Âu thăm lễ hội gò Đống Đa?

Đúng vào Tết cổ truyền cách đây hơn 10 năm, tôi dẫn các đồng nghiệp là các chuyên gia nghiên cứu và sản xuất tên lửa số 1 châu Âu thăm lễ hội gò Đống Đa và giới thiệu chiến công hiển hách của quân đội Việt do vua Quang Trung chỉ huy khi quét sạch 29 vạn quân Thanh.

Các chuyên gia vũ khí thắc mắc khi nhìn vũ khí của quân đội Việt trong lễ hội chỉ là gươm giáo. Sử sách nhà Thanh ghi rõ 5.000 quân chết trong chốc lát, gần 14 vạn quân chết trong nửa ngày thì không thể do gươm giáo. Họ khẳng định, khoảng thời gian ngắn ngủi gây nên cái chết của hàng nghìn quân, rồi trong nửa ngày xác chất thành gò đống chứng tỏ sự chết tức thời.

Lần theo sử sách nhà Thanh, tôi thấy ý kiến của các chuyên gia hoàn toàn có cơ sở. Sử nhà Thanh chép: “Từ cửa ải Nam Quan trở về Bắc, trai gái già trẻ bồng bế dắt díu nhau chạy trốn, suốt vài trăm dặm, lặng ngắt không còn bóng người”. Điều này chứng tỏ đội quân xâm lược nhà Thanh phải gặp một vũ khí gì đó thật khủng khiếp, bị thương vong cực lớn mới khiến hàng triệu người tại khu vực biên giới rộng lớn giữa Trung Quốc và Việt Nam sợ mất mật bồng bế nhau chạy như thế.

Tìm hiểu thêm thì bóng dáng của vũ khí sát thương hàng loạt lại càng rõ nét. Khi hành quân ra đến Thọ Hạc (Thanh Hóa), vua Quang Trung long trọng tổ chức lễ thệ sư. Người tuyên bố: “Bớ chư quân, phàm ai bằng lòng chiến đấu thì hãy vì ta giết sạch quân giặc. Nếu ai không muốn thì hãy xem ta giết vài vạn tên trong một trận, đó không phải là chuyện hiếm lạ đâu”.

Nguyên cớ đâu mà vua Quang Trung lại tuyên bố có thể tiêu diệt “vài vạn tên”? Rồi tại lễ khao quân ăn Tết sớm, vua tuyên bố: “Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến sang Xuân ngày mồng 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng thế không”.

Siêu vũ khí của vua Quang Trung
Ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Thân, Hoàng đế Quang Trung khao quân ăn Tết sớm. Ngài hẹn với ba quân sẽ ăn Tết tại kinh thành Thăng Long vào ngày mùng 7 Tết Kỷ Dậu năm 1789. Ảnh: Phạm Hải (chụp tại lễ hội gò Đống Đa)

Lời khẳng định chỉ cần vài ngày để tiêu diệt một đội quân xâm lược nhà nghề khổng lồ từng mở rộng Trung Quốc lên gấp đôi là chứng minh rõ ràng việc vua Quang Trung phải có một thứ vũ khí khủng khiếp trong tay, rồi cách lên kế hoạch của vua chia làm 5 mũi tấn công thẳng vào đồn lũy kiên cố của 29 vạn quân xâm lược và thực tế chiến thắng sau đó.

Lấy ít địch nhiều

Vì thế theo ông, quân đội Tây Sơn đã không ngại ngần đối địch?

Từ trước tới nay, trong sách vở có ghi vua Quang Trung đánh bất ngờ, quân Thanh phè phỡn ăn chơi ngày Tết nên bị thua. Thực tế hoàn toàn không phải vậy. Tất cả sử sách đều ghi lại việc vua tổ chức duyệt binh rầm rộ tại Nghệ An, tuyển quân quy mô lớn, nâng quân số lên gấp đôi 41 ngày trước khi tấn công. Chả nhẽ do thám nhà Thanh và của Lê Chiêu Thống không biết?

Rồi lễ thệ sư tại Thanh Hóa và đặc biệt cả bức thư của vua gửi thẳng cho Tôn Sĩ Nghị trước trận đánh gần 1 tháng, trong đó nói Tôn Sĩ Nghị là Tôn Điên chả nhẽ không gây bất cứ sự chú ý nào của quân giặc? Vua Càn Long, ông vua giỏi giang nhất trong lịch sử Trung Hoa cử 1 triệu quân sang Việt Nam cùng các tướng lĩnh giỏi nhất, chắc chắn để xâm lược nước ta chứ không phải là một chuyến du lịch như nhiều nhà sử học mô tả.

Sử sách nhà Thanh ghi lại hàng loạt đồn lũy kiên cố như Ngọc Hồi, Hạ Hồi, Khương Thượng được quân Thanh xây dựng gấp rút trong những ngày quân Tây Sơn ra đến Nghệ An, nghĩa là quân Thanh trong những ngày Tết không hề phè phỡn ăn chơi. Rồi thư từ của Tôn Sĩ Nghị gửi vua Càn Long để tăng thêm quân, vua Càn Long liên tiếp thư từ chỉ dụ cho Tôn Sĩ Nghị chứng minh rõ ràng quân Thanh không hề coi thường quân Đại Việt, mà ngược lại đánh giá rất cao.

Cần lưu ý một điều đặc biệt, đó là trong lịch sử giữ nước hàng nghìn năm từ thời Thánh Gióng, lần đầu tiên quân đội Việt với quân số ít hơn nhiều lần đối phương (10 vạn trong đó hơn một nửa là quân mới tuyển tại Nghệ An còn chưa qua luyện tập) tấn công trực diện 5 mũi bao vây một đội quân xâm lược khổng lồ 1 triệu quân.

Siêu vũ khí của vua Quang Trung
Sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30/1/1789), quân Tây Sơn tấn công đồn Ngọc Hồi với thế xung trận mạnh như triều dâng, phá hủy các chiến luỹ và toàn bộ trận địa phòng thủ phía Nam của đồn. Ảnh chụp tại lễ hội gò Đống Đa. Ảnh: Phạm Hải 

Những gì diễn ra sau khi quân Tây Sơn đại phá 29 vạn quân Thanh chỉ trong 5 ngày lại còn kỳ lạ hơn nữa. Nhà Thanh phải hủy bỏ ngay tục cống người Vàng từ đời nhà Minh, rồi sau đó nhà Thanh phải cung phụng chu đáo phái đoàn của người đóng giả vua Quang Trung.

Vua gửi thư sang nhà Thanh với lời lẽ kiêu ngạo, còn đòi gả công chúa và đòi đất Lưỡng Quảng. Còn bại tướng Tôn Sĩ Nghị sau này được thăng lên chức tương đương Bộ trưởng Quốc phòng nhà Thanh chứng tỏ vua Càn Long tin dùng và đánh giá rất cao năng lực của Tôn Sĩ Nghị.

Thứ vũ khí sát thương hàng loạt

Ông chứng minh ra sao khi nói quân Đại Việt có loại vũ khí sát thương hàng loạt, đã dùng để tiêu diệt dễ dàng quân Thanh?

Phốt pho trắng chính là thứ mà vua Quang Trung đã sử dụng để tiêu diệt quân Thanh.

Ý kiến tôi nêu có thể gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của một số nhà sử học. Nhưng thực tế là, người Việt hàng nghìn năm đã chiến thắng những siêu cường quốc như quân Tần đang bình cả thiên hạ, rồi đế quốc Mông Nguyên chiếm cả thế giới, nhà Thanh Trung Quốc khi mở lãnh thổ lên hơn gấp đôi, bằng siêu vũ khí của chính mình.  

Siêu vũ khí của vua Quang Trung
Trang bị của quân Tây Sơn nhìn bề ngoài đơn giản nhưng có hỏa lực đủ để tiêu diệt cả ngàn quân giặc

Trước tiên phải nói về phốt pho trắng để mọi người hiểu được bản chất thứ vũ khí mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Khi bom phốt pho trắng nổ thì có những hiệu ứng: Tốc độ cháy rất nhanh vì phốt pho trắng tác dụng trực tiếp với oxy trong không khí; Nhiệt độ cháy lên đến 2.000 độ C, gây vết thương đặc trưng rất sâu tới tận xương; Gây ra hiện tượng co thắt dẫn tới tắc đường hô hấp.

Hiệu ứng nguy hiểm nhất khi bom phốt pho nổ là đốt hết ô xy trong không khí trên diện rộng, khiến rất nhiều người bị chết ngạt. Nếu không chết ngạt thì khi nồng độ ô xy xuống thấp lập tức xa xẩm mặt mày như bị tai biến mạch máu não và tất nhiên là mất sức chiến đấu ngay tức thì.

Khi quân Thanh tràn vào nước ta, chúng đã nghiên cứu kỹ vũ khí của quân Việt. Điều này được ghi rõ trong quân lệnh của quân Thanh: “Một loại vũ khí đặc biệt của người An Nam là hỏa cẩu. Đó là khối kim khí rỗng ruột nhét đầy thuốc súng, miếng sắt cùng lưu huỳnh, trên đầu có ngòi. Lính của chúng sẽ đốt ngòi nổ và ném về phía ta, nếu thấy hỏa cẩu thì chỉ cần né tránh là không việc gì cả”.

Và: “Quân Nam không có sở trường gì khác, toàn dùng thứ ống phun lửa làm lợi khí, gọi là hoả hổ. Khi hai quân giáp nhau, trước hết họ dùng thứ đó đốt cháy quần áo người ta, buộc người ta phải lui”. Theo mô tả trong quân lệnh nhà Thanh, quân đội Đại Việt được trang bị chủ yếu là hỏa hổ và hỏa cầu với mục đích đốt người.

Mô tả của chính sử nhà Thanh về hỏa cầu của quân Việt trong các trận Ngọc Hồi - Đống Đa: “Đại doanh ta vỡ, bị đội voi chiến đốt cháy, vì trên lưng mỗi con voi có 3-4 tên lính chít khăn đỏ, ngồi ném, tung hỏa cầu lưu hoàng ra khắp mọi nơi, đốt cháy cả người nữa. Hỏa tiễn hỏa châu bắn tới tấp”.

Siêu vũ khí của vua Quang Trung
Quân Tây Sơn vận chuyển phốt pho đặt dưới nước trong các thuyền nhỏ, hai người khiêng một thuyền, trước khi sử dụng lấy khối phốt pho ra, đút thuốc nổ đen (như quả pháo cối) vào, tạo thành hỏa cầu phốt pho trắng sẵn sàng chiến đấu, rất đơn giản nhưng uy lực chỉ sau vũ khí nguyên tử

Chúng ta hãy xem xét kỹ mô tả khi hỏa cầu phát nổ từ mô tả của tướng nhà Thanh - Trần Gia Ôn - trong một trận chiến giáp lá cà với quân Tây Sơn đã hốt hoảng về tâu lên hoàng đế nhà Thanh rằng: "Nó (chỉ hỏa hổ - hỏa cầu) nhanh như sấm chớp, nóng như thò tay vào vạc dầu. Quân có tinh nhuệ đến mấy cũng không thể nào tránh, chống đỡ được. Gặp vũ khí này thì gươm đao cũng thành vô hiệu, các dụng cụ công thành, khiên mác cũng hóa vô dụng”.

Căn cứ vào các ghi chép này của sử sách nhà Thanh, các chuyên gia vũ khí trên thế giới đều nhìn thấy những đặc trưng của vụ nổ phốt pho như mô tả trên. Đó là:

Nhanh như sấm chớp: Phốt pho không cần mồi lửa vì tác dụng trực tiếp với ô xy trong nhiệt độ thường khiến cảm giác vụ nổ nhanh như sấm chớp.

Nóng như thò tay vào vạc dầu: Đây là dấu vết đặc trưng của vụ nổ phốt pho vì vết bỏng phốt pho y hệt như cho tay vào vạc dầu sôi với vết bỏng lộ xương và trợt hết cả da thịt.

Chỉ trong chốc lát 5.000 quân bị giết: Đặc trưng tiếp theo của vụ nổ phốt pho là gây ra sự chết ngạt, hoặc tắc đường thở rồi chết.

Vua Quang Trung có một cải tiến nhỏ với vũ khí hỏa cầu. Vua thay lưu huỳnh bằng phốt pho trắng. Khi lõi hỏa cầu là thuốc nổ đen nổ tung phốt pho trắng vào không khí, phốt pho trắng lập tức tự cháy với tốc độ cực nhanh. Đây mới là siêu bí mật mà quân Thanh từ thời Càn Long không hiểu vì sao quả hỏa cầu của Đại Việt lại khác biệt và nguy hiểm đến vậy.

Tất nhiên khi sử dụng vũ khí phốt pho trắng, vua Quang Trung phải có giải pháp cho việc vận chuyển. Đó là hình ảnh khi hành quân, hai chiến sĩ Tây Sơn có gánh một thuyền nhỏ, trong thuyền chính là phốt pho trắng đặt chìm dưới nước để không gây phát nổ và vận chuyển được.

Trước trận đánh, khối phốt pho trắng được lấy ra và quân Tây Sơn đặt khối thuốc nổ đen vào giữa. Việc này cũng được các giáo sĩ phương Tây ghi lại - đó là hình ảnh quân Tây Sơn biết pha chế thuốc súng.  


Những lý luận của kỹ sư Vũ Đình Thanh là có căn cứ và logic. Để chứng minh, cần tìm thêm một số căn cứ như: vết cháy từ quần áo binh lính, dụng cụ khí tài sử dụng trong chinh chiến, hồ hoặc bể chữa cháy khi quân ta dính chất cháy từ phốt pho.

Siêu vũ khí của vua Quang Trung
Kỹ sư Vũ Đình Thanh (phải) và nhà báo Quốc Phong. Ảnh: Lưu Hương

Một điều quan trọng nữa là phốt pho tồn tại khá lâu, nên quân giặc dính phốt pho chết thành đống thì khi ban đêm, trời quang (khô) sẽ có hiện tượng phát quang mạnh từ hơi phốt pho thoát lên từ xác quân thù (ta vẫn gọi là ma trơi ở các khu nghĩa địa khi trời lặng gió). Vậy, có nơi nào sử sách ghi lại hiện tượng này không?

(TS Trần Thúc Nam, chuyên gia ứng dụng toán lý vào dự báo khí tượng phục vụ quân sự, Trưởng phòng Khí tượng, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng)


Quốc Phong - Thái An

CÁCH DÙNG SIÊU VŨ KHÍ VÀ CON MẮT PHÁT SÁNG TRONG ĐÊM CỦA VUA QUANG TRUNG

QUỐC PHONG, THÁI AN /TVN 5-2-2022

Con mắt phát sáng trong đêm là 1 bằng chứng nữa cho thấy vua Quang Trung biết rất rõ về phốt pho. Nhưng vua học được công nghệ sản xuất phốt pho từ phương Tây hay tự biết?

Ở phần 2, kỹ sư Vũ Đình Thanh, người trực tiếp tham gia nghiên cứu chế tạo các vũ khí mới cho một số tập đoàn vũ khí nhà nước tại châu Âu, hiện làm việc cho Cơ quan Nghiên cứu và sản xuất Almaz (tập đoàn Almaz-Antey - Nga) phân tích cách sử dụng vũ khí sát thương hàng loạt để đại phá quân Thanh của vua Quang Trung năm 1789.

Chế tạo phốt pho

Ông có thể nói rõ hơn về phốt pho?

Phốt pho được nhà giả kim người Đức Hennig Brand tìm ra năm 1669, trước chiến thắng Đống Đa cả trăm năm. Khi ẩm, phốt pho phát ra ánh sáng lạnh (không có nhiệt). Ban đầu, ông có ý định sử dụng phốt pho để thắp sáng nhưng khi phốt pho khô đi thì lập tức bắt cháy với nhiệt độ rất cao.

Ngay sau đó, ông mang bán cho giới quý tộc để họ bôi phốt pho ẩm vào quần áo khiến quần áo phát sáng xanh trong đêm, bôi vào mắt để con mắt phát sáng.

Cách dùng siêu vũ khí và con mắt phát sáng trong đêm của vua Quang Trung
Phốt pho có nhiều trong phân dơi, gây ra hiện tượng ma trơi, trong văn học nổi tiếng với tác phẩm Con chó săn của dòng họ Baskerville - con chó có mắt phát sáng trong đêm vì bôi phốt pho

Giới nghiên cứu hoá học cho rằng, chỉ có phốt pho là hóa chất có thể sử dụng để bôi vào mắt khiến con mắt phát sáng trong đêm vì nước mắt giữ cho phốt pho ẩm và phát ra ánh sáng lạnh. Đây là lý do vì sao con mắt của vua Quang Trung đã phát sáng xanh trong đêm mà rất nhiều sử sách đều ghi chép.

Trong "Tây sơn thuật lược" có miêu tả: "Tóc Huệ quăn, có một con mắt nhỏ, nhưng mà cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu...".

Như vậy, con mắt phát sáng trong đêm của vua Quang Trung là 1 bằng chứng hiển nhiên nữa về việc vua biết rất rõ về phốt pho. Nhưng liệu vua học được công nghệ sản xuất phốt pho từ phương Tây hay là tự biết?

Một điều chắc chắn là người Việt đã biết sản xuất phốt pho từ hàng nghìn năm trước.

Có nhiều thông tin là người Arập biết chưng cất phốt pho từ thế kỷ 12. Người châu Âu từ năm 672 đã sử dụng hợp chất phốt pho là Calcium Phosphide trong hợp chất “lửa Hy Lạp huyền thoại”.

Trở lại với phát minh về phốt pho trắng của ông Hennig Brand, phốt pho trắng là hóa chất cực kỳ nguy hiểm nhưng lại được chưng cất từ nước tiểu, đơn giản là chưng cất và ngưng đọng nước tiểu.

Phốt pho có sẵn ở Việt Nam?

Tôi đã đọc một phóng sự của VTC về huyền thoại hang dơi lớn nhất miền Bắc: “Tên gọi hang Cháy xuất phát từ việc người dân lên hang lấy đất đá về nấu thành chất dễ cháy vì nơi này có rất nhiều phân dơi. Nước tiểu dơi lâu ngày ngấm vào nên hàm lượng phốt pho rất cao”.

Có nghĩa là người Việt vùng cao cạnh các hang dơi khổng lồ nơi nhà Tây Sơn khởi nghĩa đã chế tạo chất dễ cháy (phốt pho) từ hàng nghìn năm trước. Và vua Quang Trung có sẵn phốt pho trắng cho cải tiến của mình.

Ngoài phân dơi, Việt Nam có hàng loạt đảo với lượng phân chim khổng lồ có hàm lượng phốt pho còn hơn cả trong phân dơi. Vua Quang Trung chỉ cần làm như những người dân cạnh hang dơi. Đó là nung phân dơi, phân chim với đất cát, than củi là có được nguồn phốt pho trắng vô tận. Đây là lý do để vua tự tin tuyên bố giết 3 vạn người trong một trận và tự tin chiến thắng cả một đạo quân nhà nghề khổng lồ chỉ trong vài ngày.

Theo thông tin từ tổ chức y học thế giới, những người tiếp xúc lâu dài với phốt pho, khi nồng độ phốt pho trong không khí đạt 0,1ppm thì đều có hiện tượng tủy xương bị hủy hoại, giảm huyết sắc tố trong máu gây ra hoa mắt, xây xẩm mặt mũi, bị ngất rồi có thể chết, mất răng, hoại xương hàm, viêm lợi rất đau đớn… Đó là tất cả những gì vua Quang Trung mắc phải trước khi băng hà mà người xưa gọi là chứng huyễn vựng.

Có thông tin là Nội hầu tướng quân Phan Văn Lân chết vào năm 1793 ở Bắc Thành. Tình trạng cũng khá giống vua Quang Trung. Điều này cho thấy chỉ có ít người thân cận với vua được cùng vua bào chế phốt pho trắng. Cái chết của vua Quang Trung được mô tả trong sử sách hoàn toàn trùng hợp với triệu chứng của những người bị bệnh khi bào chế phốt pho trắng. Vua đã hy sinh vì đất nước.

Hỏa cầu và hỏa hổ

Vũ khí chính của quân Tây Sơn là gì, theo ông?

Quân luật của nhà Thanh mô tả rõ vũ khí của quân Tây Sơn chủ yếu là hỏa cầu và hỏa hổ. Vua Quang Trung đã tập trung chế tạo tất cả các loại vũ khí tạo ra lửa với nhiệt độ cực lớn để tiêu diệt đối phương. Cách đánh này hiệu quả bởi quân tập trung một khối, hoặc trong thành trì hoặc trong tàu thuyền.

Cách dùng siêu vũ khí và con mắt phát sáng trong đêm của vua Quang Trung
Các phương thức sử dụng hỏa cầu: Ném hỏa cầu phốt pho từ trên mình voi, bắn hỏa cầu phốt pho từ súng thần công trên voi, bắn hỏa cầu phốt pho từ súng thần công, phóng pháo thăng thiên với phốt pho từ hỏa hổ

Quân Tây Sơn sở hữu hỏa cầu có chứa phốt pho, được dùng như đầu đạn bắn từ súng thần công và sử dụng như đầu nổ trong tên lửa sơ khai (một dạng pháo thăng thiên to). 

Súng thần công và tên lửa sơ khai đã có từ trước thời Quang Trung. Tuy nhiên, việc sản xuất hỏa cầu phốt pho trắng không hề đơn giản nên sau khi chiến thắng quân Thanh, quân Tây Sơn đã hết hỏa cầu, không quay vào Nam tiêu diệt quân nhà Nguyễn. Thêm nữa, những nhân vật chủ chốt của vua Quang Trung đều đồng loạt bị bệnh vì phơi nhiễm phốt pho.  

Tổng hợp lại, hỏa cầu của vua Quang Trung là một quả cầu kim loại rỗng ruột hoặc bằng giấy quết nhựa bên ngoài, to cỡ quả bưởi, lõi là thuốc nổ đen, bên trong có phốt pho trắng nguyên chất. Khi nổ, thuốc nổ đen tung phốt pho trắng vào không khí, phốt pho trắng lập tức tác dụng với ô xy gây cháy với nhiệt độ lên tới 2.000 độ C.

Hỏa cầu có thể được bắn bằng súng thần công, bằng pháo thăng thiên, hoặc ném vào quân địch.

Một quả hỏa cầu cỡ quả bưởi tiêu diệt ngay lập tức toàn bộ người trong vòng 600m2 bất kể là 1 người hay 1.000 người trong diện tích đó nếu họ không dịch chuyển.

Vua Quang Trung còn có siêu vũ khí rất uy lực thứ hai là hoả hổ. Chính sử nhà Nguyễn ghi lại:

“Các đội quân Trịnh thấy mũi giáo Tây Sơn quá sắc liệu không chống nổi, cố sức lấy súng lớn bắn ra, quân Tây Sơn đều cúi đầu tránh đạn mà nhảy vào. Chúa Trịnh mặc nhung phục, đứng trên voi phất cờ hồng thúc các quân. Quân Tây Sơn lấy ông hỏa hổ tung ra, quân Trịnh đều tan vỡ, vứt gươm, bỏ giáo, xô nhau chạy trốn thể như núi đổ, chồng chất đạp lên nhau mà chết”.

“Tháng Sáu năm thứ 51 (tức năm Bính Ngọ 1786), Nguyễn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ công thành, nghe nói có đến hơn 5 vạn quân, khí giới của chúng phần lớn là giáo mác và hỏa đồng còn có tên là hoả hổ, có bầu lớn, dài chừng một thước (khoảng 30cm), khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy”.

Sử ký của nhà Nguyễn ghi: “Tây Sơn dùng nhựa cây trộn với dầu mỏ chế ra loại hỏa dược cháy lâu và không thể dập tắt”. Và trong quân luật của quân Thanh ghi: “Quân Nam không có sở trường gì khác, toàn dùng thứ ống phun lửa làm lợi khí, gọi là hoả hổ. Khi hai quân giáp nhau, trước hết họ dùng thứ đó đốt cháy quần áo người ta, buộc người ta phải lui”.

Như vậy đã rất rõ ràng. Quân Tây Sơn được trang bị đại trà một loại vũ khí là hỏa hổ, đơn giản chỉ ống đồng có hai khoang, một nhỏ một dài như hình sau đây:

Cách dùng siêu vũ khí và con mắt phát sáng trong đêm của vua Quang Trung

Loại vũ khí này có từ thời nhà Trần, thuốc nổ đen được nhồi vào phần tròn tròn có ngòi dẫn ra ngoài, phần dài sẽ nhồi các mảnh sắt hoặc chất gây cháy hoặc mũi tên. Khi thuốc nổ đen nổ thì tống sắt hoặc mũi tên hoặc chất cháy ra gây sát thương và gây cháy.

Cải tiến nhỏ thành vĩ đại

Loại vũ khí thông thường tại sao trong tay quân Tây Sơn lại thành siêu vũ khí tiêu diệt mọi kẻ thù?

Vua Quang Trung cải tiến tưởng chừng nhỏ nhoi nhưng lại rất vĩ đại biến hỏa hổ trong tay quân Tây Sơn thành thứ siêu vũ khí. Vua thay bằng hỏa dược của riêng mình mà theo mô tả của nhà Nguyễn thì là chất lỏng tự cháy, bám vào quân giặc, không dập tắt được, làm từ nhựa cây và dầu mỏ.

Chất lỏng này theo mô tả “trúng phải đâu, lập tức bốc cháy” chứng minh rõ ràng trong đó phải chứa phốt pho. Loại chất này khi cháy đạt 1.200 - 2.000 độ C, nghĩa là còn hơn napan tự cháy ngày nay.

Cải tiến tiếp theo với hỏa cầu, đó là phương thức phóng chất lỏng (hỏa dược) tự cháy. Vua sử dụng 2 nguyên lý pháo hoa và tên lửa sơ khai. Cụ thể:

Sử dụng nguyên lý pháo hoa để bắn gần đến 50m: Cách bắn này dùng cho cận chiến và sử dụng nguyên lý y hệt như pháo hoa, chỉ khác là thay các hạt sáng tạo màu bằng chất lỏng đặc biệt nêu trên và bắn ngang chứ không bắn lên trời. Khi đập vào mục tiêu, khối cầu này vỡ tung, nhờ có phốt pho nên tự động bốc cháy với nhiệt lượng cực lớn, bám vào quân địch và không dập tắt được như sử sách mô tả.

Còn nếu không đập vào mục tiêu thì y hệt như pháo hoa, nhờ ngòi nổ đến tầm nhất định sẽ nổ tung ra và tung chất lỏng đặc biệt này khắp nơi. Chất lỏng sẽ tự cháy và biến toàn bộ quân thù thành bó đuốc sống. 

Quân Việt được trang bị ống hỏa hổ, kèm theo là hàng chục quả pháo hoa chứa chất lỏng đặc biệt, khi chiến đấu chỉ cần cắm quả pháo hoa vào ống hỏa hổ, chĩa về phía địch và châm ngòi đốt. Cách làm này của vua Quang Trung dựa theo các công nghệ sẵn có hàng nghìn năm, rất dễ làm.

Rất có thể vua Quang Trung còn có cải tiến đáng kể nữa là không cần đốt ngòi nổ quả pháo hoa (vì như vậy trong thực chiến sẽ lâu) mà có động tác tung hỏa hổ lên phía trước. Trong hỏa hổ có nạp quả pháo hoa, pháo hoa giật lại đập hạt nổ, mồi cho khối thuốc đen nổ và bắn quả cầu với chất lỏng đặc biệt lao về quân giặc.

Trong khoảng cách 30-50m thì vũ khí hỏa hổ của Tây Sơn không có đối thủ. Chi tiết như các hình vẽ minh họa sau đây:

Cách dùng siêu vũ khí và con mắt phát sáng trong đêm của vua Quang Trung

Sử dụng nguyên lý pháo thăng thiên (tên lửa): Hỏa hổ được gắn vào đáy cán giáo và giáo được cắm vào đất. Lúc này, hỏa hổ sẽ như ống phóng cho pháo thăng thiên với phần đầu được thay thế bởi chất lỏng đặc biệt hơn cả napan hoặc phốt pho trắng. Bằng cách đốt ngòi pháo (tên lửa sơ khai) với phần đầu nổ là chất lỏng hơn napan hoặc là phốt pho trắng, pháo thăng thiên này bay khỏi ống hỏa hổ tới mục tiên xa tới 300-500m.

Khi tới mục tiêu, đầu nổ sẽ nổ tung phốt pho trắng gây cháy đồng loạt, thiêu và làm chết ngạt quân thù. Hình vẽ mô tả sau đây:

Cách dùng siêu vũ khí và con mắt phát sáng trong đêm của vua Quang Trung

Nhà khoa học thời cận đại

Sử sách nhà Nguyễn lúc thì ghi quân Tây Sơn chế tạo ra loại chất cháy từ nhựa thông, lúc thì ghi là từ nhựa cây. Tại đất Tây Sơn, chất cháy đó là dầu chai, một loại nhựa cây dầu có nhiều ở rừng núi Tây Sơn.

Dù là nhựa thông hay dầu chai hay nhựa cây, rõ ràng chất lỏng đó có nhiệt lượng cực cao và có khả năng bám chặt vào quân địch khi phóng ra. Khi cháy, chất lỏng này không thể dập tắt được vì có pha phốt pho và có nhiệt lượng rất lớn tương tự như bom napan tự cháy hiện đại. Đây chính là chìa khóa sức mạnh vô địch của quân đội Tây Sơn. 

Cách dùng siêu vũ khí và con mắt phát sáng trong đêm của vua Quang Trung

Tất nhiên quân Tây Sơn còn có thể nhồi dung dịch đặc biệt nêu trên vào bình đất, vào đoạn tre rồi ném vào quân thù như lựu đạn ngày nay. Bình đất hoặc đoạn tre vỡ tung ra, dung dịch tự bắt cháy và thiêu quân thù.

Các trận chiến đấu chủ yếu thường được tiến hành vào nửa đêm và kết thúc trước khi trời sáng, quân Tây Sơn dành thời gian ban ngày cho việc trú quân kín đáo và chuẩn bị đánh lúc nửa đêm.

Tuy vậy, vũ khí của quân Tây Sơn có điểm yếu là quân địch phải ở trong tầm bắn, phải tập trung thành một cụm thì lửa của nhiều loại vũ khí mới tạo được nhiệt độ siêu cao. Nhà Nguyễn sau nhiều lần chiến đấu với quân Tây Sơn đã biết. Từ trận chiến Rạch Gầm Xoài Mút, quân Nguyễn đã giãn cách xa khỏi tầm tác chiến của hỏa lực Tây Sơn.

Sau này, nhà Nguyễn có sử dụng vũ khí Pháp có tầm bắn hơn xa tầm bắn của các loại vũ khí của quân Tây Sơn, quân khi tiến lên thì có độ giãn cách lớn, cộng thêm việc nhà quân sự, nhà khoa học vĩ đại vua Quang Trung mất đi nên không tìm ra đối sách hiệu quả.

Toàn dân ta đều biết vua Quang Trung là nhà quân sự, chính trị lỗi lạc nhưng trước hết, vua là nhà khoa học Việt Nam giỏi nhất thời cận đại, làm việc đến hơi thở cuối cùng vì đất nước. Đó là sự thực mà toàn thể dân Việt ai cũng nên biết.  

Quốc Phong - Thái An

TƯỚNG HIỆU NÓI VỀ 'VŨ KHÍ CỦA VUA QUANG TRUNG...'

TRÊN VIETNAMNET

DIỆU THÚY/ TVN 8-2-2022

"Tôi rất hoan nghênh VietNamNet đã đăng bài viết chi tiết về các vũ khí của vua Quang Trung trong chiến thắng lịch sử mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 đập tan quân xâm lược chỉ trong 5 ngày".

Khi bài viết đăng tải có rất nhiều ý kiến phản hồi, để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. 

Tướng Hiệu nói về bài viết 'Vũ khí của vua Quang Trung...' trên VietNamNet
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Chúng ta chiến thắng là nhờ có thiên tài quân sự - vua Quang Trung cùng nhân dân đồng lòng ủng hộ

Nghệ thuật chỉ huy luôn gắn liền với kỹ thuật quân sự 

Thưa Thượng tướng, ông đánh giá thế nào về chiến thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789? 

Chiến thắng mùa Xuân Kỷ Dậu đã bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước. Chiến thắng này còn thêm  giá trị ở chỗ, đất nước ta trải qua 200 năm chia cắt, nội chiến liên miên, sức người sức của bị suy kiệt trong khi nhà Thanh thịnh trị dưới thời Càn Long. 

Chúng ta chiến thắng là nhờ có thiên tài quân sự - vua Quang Trung cùng nhân dân đồng lòng ủng hộ. Như tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, xuất phát từ kinh nghiệm chiến đấu chống Mỹ: nghệ thuật chỉ huy luôn luôn gắn liền với kỹ thuật quân sự. Vũ khí thế nào sẽ có cách đánh tương ứng như thế.

Trong kháng chiến chống Mỹ, khi nhận được tên lửa chống tăng có điều khiển B72, chúng tôi đã tiêu diệt hàng loạt xe tăng Mỹ, nhanh hơn nhiều so với lúc chưa có loại vũ khí hiện đại này. 

Và thiên tài quân sự Quang Trung cũng vậy. Vua có cách đánh giặc của mình tất nhiên dựa trên trang bị vũ khí sẵn có. Theo hịch của chủ tướng quân Thanh, giặc có tới 50 vạn quân và mỗi tên quân có một tên phu. Như vậy là tổng có 1 triệu quân. Để tiêu diệt đạo quân xâm lược đó trong 5 ngày với đồn bốt kiên cố, chắc chắn không thể là gươm giáo - đúng như thông tin bài báo đã đưa. 

Tôi cũng hoàn toàn đồng tình với bài báo khi nêu lên ý kiến rằng, quân Thanh hoàn toàn không bị bất ngờ như những gì sử sách viết. Vua Quang Trung tổ chức tuyển quân, duyệt binh rầm rộ, tuyên bố tiêu diệt gần 3 vạn địch trong một trận, chỉ vài ngày đánh tan quân xâm lược, chắc chắn phải khiến quân Thanh đề phòng. Lịch sử cũng chứng minh rõ ràng là trong những ngày tết, quân Thanh gấp rút xây một loạt đồn bốt. 

Còn về vũ khí mà vua Quang Trung đã sử dụng để dẹp tan quân Thanh như đã nêu trong bài báo, thưa Thượng tướng? 

Từ trước tới nay, ta đưa ít thông tin về vũ khí của quân đội Việt, chủ yếu chỉ nói về gươm giáo. Trong khi đó, chính sử sách nhà Thanh nêu quân lệnh thời đó ghi rõ ràng về hỏa hổ, hỏa cầu, về việc quân Việt bắn hỏa tiễn, hỏa châu tới tấp, ngồi trên voi ném hỏa cầu. 

Bài báo của VietNamNet đề cập tới  cấu trúc, cách sử dụng hỏa hổ, hỏa cầu - hai vũ khí chính của quân Việt mà sử nhà Thanh mô tả rõ ràng nhiều lần và khẳng định rằng, quân Thanh thua vì hai vũ khí này. 

Vũ khí trong bài báo hoàn toàn trùng hợp với những hiện vật là hỏa hổ và hỏa cầu ở các bảo tàng trên khắp Việt Nam. Hai vũ khí này chắc chắn phải rất uy lực thì vua Quang Trung - vị tư lệnh của chiến dịch mới có thể lên kế hoạch tác chiến rồi sau đó thực hiện thành công kế hoạch đó trong thời gian rất ngắn với số quân ít hơn rất nhiều quân địch. Thêm nữa, quân địch lại phòng thủ trong đồn lũy kiên cố. 

Tôi hoàn toàn đồng tình với bài báo là quân Thanh không bị bất ngờ. Quân Việt có hai vũ khí vô cùng uy lực hay như cách dùng từ của VietNamNet, đó là siêu vũ khí thì mới có được chiến thắng chóng vánh trước đội quân xâm lược nhà nghề đông gấp nhiều lần quân ta. Chắc chắn hỏa hổ, hỏa cầu của quân Việt phải khác biệt, có uy lực đặc biệt mà nhà Thanh không hề tính tới. 

Vụ nổ phốt pho 

Thượng tướng chia sẻ thế nào khi bài viết nêu thông tin về việc hỏa hổ, hỏa cầu sử dụng phốt pho? 

Về thông tin báo nêu là hỏa hổ, hỏa cầu sử dụng phốt pho và chất lỏng hơn cả napan ngày nay, theo tôi, chúng ta cần mở hội thảo, thực hiện thử nghiệm và thu thập thêm bằng chứng để củng cố giả thuyết này.  

Là một vị tướng trải qua chiến tranh từng đối phó với bom phốt pho của Mỹ ở chiến trường Quảng Trị, tôi thấy rằng các thông tin mà sử sách nhà Thanh mô tả về vụ nổ hỏa cầu hoàn toàn trùng hợp với vụ nổ phốt pho. Vết bỏng như thò tay vạc dầu là đặc trưng của bỏng phốt pho, rồi cái chết hoặc mất sức chiến đấu trong chốc lát của quân Thanh mà sử Thanh mô tả cũng trùng hợp với hiệu ứng không có ô xy của bom phốt pho mà chính tôi đã gặp phải trong chiến tranh.

Tướng Hiệu nói về bài viết 'Vũ khí của vua Quang Trung...' trên VietNamNet
Tướng Hiệu nói về bài viết 'Vũ khí của vua Quang Trung...' trên VietNamNet
Sáng mùng 5 Tết Nhâm Dần 2022, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng đoàn cựu chiến binh dâng hương tại gò Đống Đa (Hà Nội) nhân kỷ niệm 233 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa 

Cũng không có gì lạ là thời đó quân Thanh không có biện pháp hữu hiệu để đối phó với bom phốt pho và tất nhiên phải rất hoảng sợ vũ khí này đúng như sử sách đã mô tả. 

Bài báo cũng mô tả một cách có trình tự việc vận chuyển phốt pho đựng trong các thùng nước, thùng nước đặt trong thuyền nhỏ phù hợp với hình ảnh khi hành quân của quân Tây Sơn, rồi khi chiến đấu tra thuốc nổ vào khối phốt pho lấy từ nước ra cũng hoàn toàn hợp lý. 

Sử sách nhà Thanh mô tả quân ta ném hỏa cầu từ trên voi đang di chuyển mà không đề cập đến việc ném hỏa cầu từ quân lính, điều này lại càng khẳng định hỏa cầu đó chính có chứa phốt pho. Báo chưa đề cập đến một việc mà tôi nhận thấy trong sử sách có ghi lại là, quân Tây Sơn khi tấn công có tính đến hướng gió thổi và điều này lại càng khẳng định là họ biết đến hiệu ứng thiếu ô xy của vũ khí phốt pho gây ra. 

Tôi thấy rằng cách lý giải về việc sản xuất phốt pho trong bài báo là có cơ sở.

Từ việc sản xuất phốt pho rất đơn giản nhờ cách chưng cất nước tiểu của ông Hannig Brand năm 1669 - trước vua Quang Trung cả 100 năm, rồi việc phân dơi tích tụ trong các hang từ hàng nghìn năm có thành phần phốt pho cao hơn rất nhiều lần nước tiểu của người, tới việc chỉ cần cải tiến nhỏ là thay lưu huỳnh trong thiết kế hỏa cầu cũng là cách dẫn dắt có cơ sở. 

Chi tiết xoa phốt pho vào mắt, nhờ độ ẩm của phốt pho giữ cho phốt pho không cháy mà chỉ phát sáng trong đêm nếu kiểm chứng và thử nghiệm đúng như trong báo mô tả về mắt của vua Quang Trung thì đây là một chi tiết rất thú vị, chứng minh rõ ràng vua Quang Trung biết đến phốt pho.

Tôi cho rằng, việc vua Quang Trung sản xuất được phốt pho cũng không có gì lạ vì nhiều thông tin đưa rằng, phốt pho đã được pha vào dầu đèn trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng và các lăng mộ cổ Trung Quốc từ rất lâu rồi. 

Người chỉ huy kiệt xuất 

Còn cách thức sử dụng vũ khí hỏa hổ ra sao, thưa Thượng tướng? 

Về giả thuyết quân Tây Sơn có chất lỏng hơn napan ngày nay thì theo tôi, thế giới đã có chất lỏng Lửa Hy Lạp từ lâu, mà chất lỏng này còn hơn cả napan. Công thức chế tạo Lửa Hy Lạp đến nay đã thất truyền nhưng cả thế giới đều biết về sự tồn tại và uy lực của nó. Chất lỏng của quân Tây Sơn thì được chính sử nhà Nguyễn ghi lại. 

Về mô tả cách sử dụng vũ khí hỏa hổ dựa trên nguyên lý pháo hoa, pháo thăng thiên là hoàn toàn có cơ sở. Vì, pháo hoa và pháo thăng thiên đã có từ rất lâu và vua Quang Trung chỉ thay phần lõi mà thôi. Rất  thuyết phục khi các hình ảnh hỏa hổ, các tư thế sử dụng hỏa hổ trùng hợp với mẫu vật hỏa hổ của quân Tây Sơn trong các bảo tàng. 

Hàng năm vào ngày mùng 5 Tết tôi đều đến dâng hương ở di tích gò Đống Đa. Bản thân tôi luôn coi vua Quang Trung là hình mẫu của người chỉ huy mà tôi đã nhập tâm từ khi bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy trong kháng chiến chống Mỹ. 

VietNamNet có sự ủng hộ tuyệt đối của tôi cùng các nhà khoa học trong việc tìm hiểu sự thật về người chỉ huy kiệt xuất này. Báo nên tiếp tục để mọi người tâm phục khẩu phục về thiên tài chỉ huy, thiên tài kỹ thuật quân sự của vua Quang Trung. 

Diệu Thúy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét