Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

20220202. CHUYỆN NĂM CŨ KHÓ BỎ QUA

  ĐIỂM BÁO MẠNG

NẾU VTV TỬ TẾ THÌ BIẾT XIN LỖI TÔI

MẠC VĂN TRANG/ TD 24-1-2022

Năm 2021, ít nhất VTV đã 3 lần nêu đích danh, đưa cả bài viết lẫn hình ảnh tôi lên VTV để “đấu tố” trước bàn dân thiên hạ, theo đúng nghĩa đen. Cả 3 vấn đề họ đưa ra đấu tố thì tôi đều viết đúng, còn họ đều sai và tự “vả vào mồm mình”!

Thực ra có rất nhiều người góp ý với Chính phủ về chống dịch Covid-19, như BS Nguyễn Văn Tuấn, BS Lương Trường Sơn v.v… Bác sĩ Lương Trường Sơn hay chia sẻ bài viết với tôi, nhưng tôi không biết về chuyên môn y tế, nên chỉ góp ý ở góc độ TÂM LÝ – XÃ HỘI. Có lẽ VTV thấy tôi viết nhiều về những vấn đề “nhạy cảm”, nên lôi ra “đánh dằn mặt” và nói cạnh khoé những người khác. Nhìn lại càng thấy VTV không chỉ sai mà “hỗn” quá!

1. “Đấu tố” vì góp ý chống dịch ở Sài Gòn

VTV1 trong chương trình “Đối diện” (tôi xem qua rồi cũng chẳng ghi nhớ làm gì!) đã “đấu tố” chuyện tôi viết, không thể “chống dịch như chống giặc, truy cùng diệt tận” con covid được, mà “phải sống chung với dịch”; Không thể “ngăn sông, cấm chợ, mỗi phường xã một pháo đài” như “tiêu thổ kháng chiến” được! Xã hội như một cơ thể sống, trong đó các hệ thống đều phải được vận hành, chỉ cần ách tắc một hệ thống là gây rối nhiễu cơ thể; Việt Nam kháng chiến thành công chính là không để hệ thống xã hội ách tắc, đó cũng là bài học…; Tuyên truyền chống dịch đừng làm nhân dân hoảng loạn, vì yếu tố tâm lý, bình tĩnh, tự chủ, tự tin của người dân rất quan trọng…

Đặc biệt là góp ý, không thể “thần tốc xét nghiệm toàn thành phố được”; “Không nên bắt F1 đi tập trung cách ly, vì rất nguy hiểm”; “Nên hướng dẫn F0 điều trị tại nhà chính”… Và bản thân tôi khi bị F0 đã kiên quyết không chấp nhận việc Y tế và công an bắt đi tập trung, mà điều trị tại nhà, vẫn thường xuyên liên hệ với y tế…

Điều trớ trêu là sau khi VTV “đấu tố” tôi có luận điệu “phản động”: “Ông thích sống chung với dịch thì ông cứ sống chung; ông đừng có ngồi nhà nói lảm nhảm, cản trở quyết tâm “chống dịch như chống giặc” của Đảng, Chính phủ và toàn dân ta”, thì nửa tháng sau, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói “Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối được“…

Những bài tôi viết trên Facebook, có liên quan việc VTV “đấu tố”, như:

Ngày 15/7/2021: “Xin đừng hốt hoảng” (đừng tuyên truyền phóng đại làm dân hốt hoảng, sợ hãi…);

Ngày 24/7/2021: “Góp ý với Anh Chính” (Thủ tướng không cần chạy đôn chạy đáo, áo đẫm mồ hôi như vậy, cần một bộ tham mưu giỏi, ngồi hoạch định chiến lược, giải pháp… như Đại tướng Võ Nguyên Giáp có cần ra chiến hào Điện Biên Phủ đâu…);

Ngày 3/8/2021: “Thư ngỏ gửi lãnh đạo TP Hồ Chí Minh” góp ý về mua vaccine cho dân…;

Ngày 9/8/2021: “Như tiêu thổ kháng chiến” (Nói về chống dịch “quá tả”, ngăn sông cấm chợ, rào chắn khắp nơi…;

Ngày 22/8/2021: “Không có dân cứu nhau thì sẽ ra sao?” (Nói về dân Sài Gòn làm thiện nguyện cứu nhau, chứ trông vào hệ thống cứu trợ của Nhà nước thì rất nguy…);

Ngày 31/8/2021: “Bộ đội và Dân qua một thử nghiệm” (Nói về đưa bộ đội đi chợ giúp dân, thật bi hài);

Ngày 4/9/2021: “Tại sao Sài Gòn”? (Vì sao Sài Gòn “bung”, “toang” vì covid-19);

Ngày 30/9/2021: “Thấy gì qua vụ cưỡng chế test covid”? (Phê phán hành động bất nhân, vô pháp của chính quyền cơ sở trong chống dịch”; …

Những bài viết trên đều phản ánh thực tế chân thành, phê phán nhẹ nhàng, ôn hoà, góp ý có trách nhiệm… Nhưng VTV lại cố tình moi móc, bóp méo để bôi nhọ.

2. “Đấu tố” vì góp ý với Hà Nội chống dịch

Còn nhớ, cuối năm 2020, Hà Nội vẫn tự hào lắm. Ông Chủ tịch Hà Nội còn phát biểu rất lạc quan, hài hước: “Hà Nội mà bung, mà toang, hứa với các đồng chí tôi chịu trách nhiệm, mà chả hứa gì tôi cũng chịu trách nhiệm hì hì”…! (Clip này rất hài hước, xem rất vui). Nhưng đến cuối tháng 7/2021, khi Hà Nội mới có vài chục ca F0 thì chống dịch “như chống giặc”, duy ý chí, làm loạn xạ…

Từ kinh nghiệm của Sài Gòn, tôi có viết 2 bài phê phán, góp ý:

– Ngày 1/8/2021: Tôi đăng bài “Góp ý với Hà Nội về chống dịch” trong đó nói từ kinh nghiệm của Sài Gòn, Hà Nội mới có vài chục F0 thì bao vây, dập dịch được, nhưng phải tính trước, nếu một ngày hàng 1000 ca F0 thì xử lý ra sao? Phải để F1 cách ly tại nhà, F0 điều trị tại nhà là chính… Phải có một nhóm chuyên gia giỏi đề ra chiến lược chống dịch một cách khoa học, chứ không thể để các cán bộ phường làm tùm lum như hiện nay được!…

– Ngày 1/9/2021: có bài “Phải chăng không biết hình dung trước”! Bài này có nhắc đến câu của K. Marx, đại ý: bằng việc xây dựng những ngăn tổ sáp của mình, con ong còn làm cho một số nhà kiến trúc phải hổ thẹn. Nhưng điều ngay từ đầu phân biệt nhà kiến trúc tồi nhất với con ong giỏi nhất là trước khi xây dựng những ngăn tổ ong bằng sáp, nhà kiến trúc đã xây dựng chúng ở trong đầu óc của mình rồi. Từ đó phê phán lãnh đạo Hà Nội không biết hình dung trước, nên phát ngôn và ra những quyết định rất cảm tính, ấu trĩ, không biết “hình dung trước”, những quyết định đó sẽ dẫn đến hậu quả ra sao, nên cứ: Quyết định =>Sai => Sửa =>Sai => Sửa…

Thế là VTV lại lôi ra “đấu tố”: Ông nghiên cứu tâm lý- giáo dục, biết gì về chống dịch mà dám phê phán, góp ý. Tốt nhất ông im đi, đừng có gõ bàn phím mà gây rối xã hội. Ông già rồi, đừng nói nhảm hoà vào luận điệu của thế lực thù địch nữa, hãy để yên cho chính quyền và nhân dân chống dịch…

Mấy tháng nay thì Hà Nội “bung”, “toang” thật rồi, mà những điều tôi hình dung trước cho Hà Nội thì đúng như vậy.

3. “Đấu tố” vì khuyên giáo viên chớ biến mình thành dư luận viên

Chuyện một số địa phương bắt giáo viên làm dư luận viên là có thật. Nhà giáo Thái Hạo đã đăng một bài, nói về chuyện mấy giáo viên kể với ông là họ rất mệt mỏi, vì tối nào cũng phải thực hiện nhiệm vụ DLV, đánh phá một số bài nào đó trên mạng, đến 10 -11 giờ đêm mới xong… Tôi đã chia sẻ bài viết đó, và lên án việc làm nguy hại này. Sau đó bài viết này cả trên FB của Thái Hạo và của tôi đều bị xoá, không đọc được nữa.

Nhân 20/11/2021, ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi viết một dòng chữ lớn trên FB: “Hậu 20/11, khuyên các Giáo viên: chớ có làm dư luận viên, vì Nhà giáo phải dạy học sinh SỰ THẬT, TÌM TÒI CHÂN LÝ”…

Chỉ có thế thôi, nhưng VTV 24h cũng đem “đấu tố”, gạch chéo dòng chữ trên và đưa hình tôi kèm theo. (Bạn gửi cho clip này, tôi xem rồi bỏ qua, nay tìm lại thì clip này trên mạng đã bị xoá).

VTV “đấu tố” với lý lẽ: Đừng âm mưu xuyên tạc, bôi nhọ các giáo viên; giáo viên luôn là những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, giáo dục, tuyên truyền đường lối đúng đắn của Đảng… Chỉ có thế lực thù địch phản động, chống phá Nhà nước mới xuyên tạc những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước…

Nay tôi xin nhắc lại: người giáo viên có nhân cách nhà giáo chân chính không được biến mình thành dư luận viên, vì dư luận viên thường giấu mặt, toàn chửi bậy, nói tục, đánh phá bất kỳ ai viết trái ý đảng, chính quyền. Ngay một bà mẹ học sinh đăng tin, nhà trường bắt học sinh đóng các khoản tiền quá nhiều, quá đáng… cũng lập tức bị đe doạ, đánh phá… Một giáo viên tối hôm trước đi làm chuyện xấu xa, dối trá, sáng hôm sau lên lớp dạy học sinh Chân, Thiện, Mỹ sao được!

TÓM LẠI, tôi nêu trường hợp của bản thân để thấy báo chí nói chung, và VTV nói riêng, rất nhiều lầm lỗi trong việc phê phán nặng nề những người dám lên tiếng phản biện xã hội; những phản biện đó phần nhiều là đúng đắn, ích lợi cho nhà nước, cho xã hội, nếu biết khiêm tốn, chân thành lắng nghe.

Hãy chấm dứt kiểu “đấu tố” to mồm, nói lấy được của truyền thông độc tài! Hãy “để dân mở miệng ra” tiến tới một xã hội có Tự do ngôn luận, Tự do báo chí thì xã hội mới phát triển lành mạnh được.

_______

Một số hình ảnh:

    

GIÁO DỤC VÀ SỰ 'BẤT ĐẮC DĨ KHÁCH QUAN'

XUÂN DƯƠNG/ GD 1-2-2022

GDVN- Có phải chuyện đời sống nhà giáo là chuyện buồn nhất trong những câu chuyện buồn về nghề dạy học?

Xuân sang, người người háo hức, nhà nhà háo hức đón chào năm mới nhưng có một “nhà” có vẻ như hơi bị lạc lõng so với khung cảnh rộn ràng xung quanh, đó là “nhà giáo”.

Mọi năm viết bài đón xuân tự thấy phải nhẹ nhàng, tươi sáng.

Năm nay trước thềm năm mới, đọc được ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về những tồn tại, bất cập của công tác phòng, chống tham nhũng nên không còn muốn “theo đường cũ”.

Cảm nhận của người viết là từ trước đến nay, chưa bao giờ và chưa có ai nói về phòng, chống tham nhũng cụ thể, mạnh mẽ, không né tránh như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biết là bốn tồn tại mà Tổng Bí thư đã nêu: [1]

“1. Mặc dù các hành vi tham nhũng, tiêu cực vừa qua đã bị xử lý nghiêm, nhưng vẫn xuất hiện nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực rất lớn, tinh vi hơn, vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn (như báo cáo các đồng chí đã nêu rất đầy đủ). Điều đó cho thấy, công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của chúng ta vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của chúng ta còn lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực...

2. Các hành vi tham nhũng hiện nay ngày càng tinh vi hơn, không chỉ ở trong một số người, trong một bộ phận nhỏ mà đã xuất hiện sự liên kết, liên thông ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Chỉ cần một vụ tham nhũng đã có thể làm tha hoá cả một hệ thống với số lượng lớn cán bộ, thậm chí có thể làm cho các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng.

3. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn là vấn đề nhức nhối, gây dư luận xấu khi mà vẫn có một số cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, ngành tư pháp... (kể cả cán bộ cấp cao) bị xử lý. Chính vì vậy mà Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì xây dựng chuyên đề "Quy định về giám sát quyền lực trong các cơ quan nội chính".

4. Về tiến độ, chất lượng xử lý một số vụ án, vụ việc, việc giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo vẫn còn chậm tiến độ; hiệu quả chưa cao...”

Vấn đề đầu tiên mà Tổng Bí thư đề cập là về “quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên” và đó cũng là điều tâm đắc với những người tiếp cận phát biểu của ông bởi Tổng Bí thư đã nói thẳng một sự thật mà lâu nay không ít người ngại đề cập, đó là:

“Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của chúng ta vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của chúng ta còn lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực...”.

Công tác cán bộ, nói rộng ra là vấn đề đào tạo đội ngũ, đào tạo con người.

Đào tạo nhân sự cho hệ thống chính trị nói chung và cơ quan nhà nước nói riêng có thể chia làm ba giai đoạn: “Học chữ - Học nghề - Học làm cán bộ”.

Học chữ là giai đoạn từ mầm non đến hết trung học phổ thông, học nghề từ sau phân luồng trung học đến khi học xong trình độ tiến sĩ.

(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Riêng chuyện học làm cán bộ thông thường chỉ được thực hiện sau giai đoạn học nghề; tuy nhiên có một sự thật là không ít trường hợp người ta làm cán bộ trước rồi … học văn hóa sau, chẳng hạn một bài đăng trên Phapluatplus.vn ngày 29/12/2021 viết:

“Theo các đại biểu Quốc hội, hàng loạt cán bộ sử dụng hay mượn bằng tốt nghiệp THPT để thăng quan tiến chức là băng hoại về đạo đức, pháp luật, cần xử lý nghiêm để răn đe”. [2]

Cuối cùng thì cả hai phân nhánh “học làm cán bộ” này đều phải ngồi chung với nhau để tiếp tục học, để được cấp các loại bằng cấp chứng chỉ lý luận chính trị, quản lý nhà nước,… Thiếu các loại văn bằng này, khó có thể được quy hoạch dù chỉ là cán bộ lãnh đạo cấp xã, phường.

Nói đến “học chữ” theo truyền thống, trước hết phải nói đến nhà giáo, theo tư duy khoa học cũng phải nói đến vai trò của nhà giáo và cuối cùng, đòi hỏi xây dựng một đất nước hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu cũng phải nói đến vai trò của nhà giáo.

Chuyện quá khứ, chuyện những câu vè “nhất Y, nhì Dược…” hay “Sư phạm bỏ qua, Nông lâm vứt xó…” không nhắc lại thì sự nhức nhối “một thời để nhớ” ấy vẫn là chuyện thời sự được nói đến bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi nào vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.

Gần Tết Nhâm Dần (2022), báo chí viết:

“Thưởng tết giáo viên: Cố gắng để có nồi thịt kho, bộ đồ mới”. [3]

“Thưởng Tết cho nhà giáo: Niềm vui và những ngậm ngùi”. [4]

“Những giáo viên không trông chờ thưởng Tết”. [5]

“Giáo viên ở TP.HCM: Nghĩ tới thưởng Tết ai cũng buồn, nhiều nơi còn không có”. [6]

“Thưởng Tết – món quà “xa xỉ” với giáo viên, "năm Covid" lại càng xa vời”. [7]

Chọn năm bài viết đã là quá đủ để thấy tình hình tết của nhà giáo bởi không khó tìm tiếp hàng loạt bài khác trên các trang báo, tạp chí chính thống.

Tình trạng chung đều là nhà giáo “ngậm ngùi” mỗi khi năm hết, tết đến!

Gần chục năm trước, bài báo “Một biểu hiện vô cảm” đăng trên báo Hanoimoi.com.vn - Cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội - có đoạn:

“Việc để cả xã hội phải nghe quen về nỗi niềm Tết nghèo của nhà giáo trong bối cảnh như vậy, thì phải chăng là chúng ta đang rất vô cảm với những người giữ vai trò quan trọng trong việc định hình các thế hệ tương lai của đất nước?”. [8]

Sao chép từ màn hình ngày 25/01/2022 tại địa chỉ http://hanoimoi.com.vn/ban-in/Luan-ban-Hanh-dong/657731/mot-bieu-hien-vo-cam

Cụm từ “chúng ta” trong đoạn văn nêu trên là một cách dùng “uyển ngữ” người viết bài khéo dùng bởi không phải “tất cả chúng ta” đều “vô cảm” mà chỉ là “một bộ phận” chúng ta.

Vậy thì “một bộ phận” chúng ta ấy là bộ phận nào?

Vậy thì nhà giáo ở đâu trong lịch sử phát triển của ngành giáo dục và đào tạo nước nhà?

Vậy thì nghề dạy học sẽ ra sao trong vòng 20 năm nữa, đến năm 2045 - kỷ niệm lần thứ 100 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?

Ba câu hỏi “Vậy thì …” nêu trên đưa đến câu hỏi thứ tư:

Vậy thì với thực trạng hiện nay, nhà giáo có vai trò gì trong việc “định hình các thế hệ tương lai của đất nước”?

Với bốn “vậy thì” đặt ra vào ngày đầu xuân năm 2022 này dẫn tới bốn câu hỏi:

Có phải đây là câu chuyện không thể nói một lần mãi mãi không cần nhắc lại kể cả khi đã có Nghị quyết 29-NQ/TW?

Có phải không có bất kỳ nghề nào ngoài nghề dạy học giữa những lời ca ngợi và thực trạng lại cho thấy sự tương phản đến khó tin, giống như mọi người đều nhìn thấy bầu không khí ô nhiễm bao phủ toàn bộ một thành phố hào nhoáng nhưng lại bất lực đứng nhìn?

Có phải chuyện đời sống nhà giáo là chuyện buồn nhất trong những câu chuyện buồn về nghề dạy học?

Và câu hỏi cuối cùng, có phải đây chỉ là “sự bất đắc dĩ khách quan” mà giáo dục nước nhà phải chấp nhận trong một giai đoạn lịch sử chứ không phải do khiếm khuyết chủ quan?

Và khi kinh tế tạo dựng được một vị thế nhất định thì sẽ đến lúc nghĩ lại, đến lúc trả giáo dục về đúng vị trí vốn có của nó.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/ket-luan-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-hop-thu-21-cua-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-10222012020244664.htm

[2] https://www.phapluatplus.vn/doi-song/can-bo-dung-bang-gia-de-treo-cao-ky-luat-xu-ly-nhu-tang-qua-se-khien-nguoi-dan-khong-dong-tinh-d173725.html

[3]https://thanhnien.vn/thuong-tet-giao-vien-co-gang-de-co-noi-thit-kho-bo-do-moi-post1422682.html

[4] https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/thuong-tet-cho-nha-giao-niem-vui-va-nhung-ngam-ngui-kfmmDX1ng.html

[5] https://vnexpress.net/nhung-giao-vien-khong-trong-cho-thuong-tet-4414091.html

[6] https://vtc.vn/giao-vien-o-tp-hcm-nghi-toi-thuong-tet-ai-cung-buon-nhieu-noi-con-khong-co-ar657525.html

[7] https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/thuong-tet-mon-qua-xa-xi-voi-giao-vien-nam-covid-lai-cang-xa-voi-d175035.html

[8] http://hanoimoi.com.vn/ban-in/Luan-ban-Hanh-dong/657731/mot-bieu-hien-vo-cam

Xuân Dương

NGUYỄN PHÚ TRỌNG VẪN NGÔ NGHÊ HAY GIẢ VỜ VỀ CHỐNG

 THAM NHŨNG

HIẾU CHÂN/ NGƯỜI VIỆT 25-1-2022

Chuyện tham nhũng ở Việt Nam là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi,” giờ chẳng ai quan tâm nữa, nhưng câu hỏi của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) kiêm trưởng Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Tham Nhũng Tiêu Cực, khiến người ta buồn cười.

Truyền thông trong nước cho hay, tại phiên họp thứ 21 của ban chỉ đạo này hôm 20 Tháng Giêng vừa qua, ông Trọng đặt câu hỏi: “Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó? Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không?”

Tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn,” càng chống càng lan tràn như khối ung thư di căn người dân ai cũng thấy, cũng ngán ngẩm, mà sao bây giờ ông Trọng vẫn còn thắc mắc? Câu hỏi mà ông nêu lên trước hội nghị có thể chân thành, thật thà, nhưng nó bộc lộ sự kém hiểu biết đến kinh ngạc của một nhà lãnh đạo chính trị hoàn toàn xa rời thực tế cuộc sống.

Cái gốc sinh ra tham nhũng không phải là lòng tham của con người mà là quyền lực. Là người, ai cũng ít nhiều có lòng tham nhưng không phải ai cũng có thể tham nhũng. Tham nhũng gắn liền với quyền lực, người không có quyền lực thì không thể tham nhũng dù rất muốn. Mà ở Việt Nam, quyền lực gắn liền với tấm thẻ đỏ của đảng viên Cộng Sản; không là đảng viên CSVN, không có thẻ đảng trong túi thì đừng mơ tới chuyện có quyền dù chỉ là chút quyền cỏn con cấp thôn xã. Quyền lực sinh ra tiền, tiền lại mua chuộc quyền lực, tạo ra sự câu kết chặt chẽ giữa đám quan chức của đảng và đám trọc phú đỏ, thành một hệ thống tội phạm thống trị và bóc lột người dân Việt Nam tới tận xương tủy.

Nói đâu xa, ngay trong thời gian dịch COVID-19, đã diễn ra những vụ tham nhũng có quy mô phạm vi và tác hại khủng khiếp như vụ bộ xét nghiệm của công ty công nghệ Việt Á hoặc chương trình tổ chức những “chuyến bay giải cứu” với giá trên trời để bắt chẹt những người Việt Nam xa quê cần trở về nhà. Tội phạm trong những vụ này – mà nhiều người cho rằng mới chỉ là phần nổi của tảng băng tham nhũng khổng lồ trong cơ thể của chế độ – không ai khác hơn là đám quan chức cao cấp trong guồng máy cầm quyền; không có quyền thì chúng không thể lũng đoạn nhà nước như vậy.

Ông Trọng thắc mắc sao bọn tội phạm ấy “không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra.” Ô hay, ông tự xưng là nhà lý luận về chủ nghĩa Cộng Sản, hẳn ông không quên câu nói của Karl Marx, ông tổ của chủ nghĩa này: “Nếu lợi nhuận lên đến 300% thì có treo cổ nhà tư bản lên, họ cũng sẽ làm.” Marx viết câu đó cách đây 170 năm, vào buổi bình minh của chủ nghĩa tư bản; bây giờ thì các nhà tư bản đã phải nhường thành tích bóc lột cho các quan chức Cộng Sản nhưng câu nói đó vẫn đúng ở chỗ khi có lợi nhuận cao thì người ta sẽ không từ thủ đoạn nào, bất kể tư bản hay Cộng Sản. Các quan chức “thẻ đỏ, tim đen” ở Việt Nam đang vơ vét lợi nhuận không chỉ 300% mà cao hơn gấp nhiều lần thì có treo cổ họ thì họ vẫn không chùn tay trước sức quyến rũ của đồng tiền.

Một ví dụ, công ty Việt Á nhập lậu bộ test-kit của Trung Quốc giá chỉ 21,500 đồng (95 cent) nhưng được độc quyền bán lại cho các cơ sở y tế trong cả nước giá 470,000 đồng ($20), lợi nhuận hơn 2,000%. Một vé máy bay từ Mỹ về Việt Nam, bình thường dao động trong mức $500-$700, chính quyền của ông cấm các hãng máy bay nước ngoài để độc quyền đặt ra cái gọi là “chuyến bay giải cứu” với đủ thứ thủ tục nhiêu khê, bán vé giá $2,000-$5,000 thu lợi khoảng 400-800%. Lợi nhuận cao chất ngất như vậy thì làm sao họ xấu hổ, làm sao họ không “trơ” ra được? Chưa kể những vụ thông đồng cưỡng chế thu hồi đất của dân oan với giá bồi thường ngang với giá vài bát phở rồi bán lại cho các tư bản đỏ giá vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ bạc mỗi mét vuông như vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm mới đây, thì dù có bị tru di tam tộc thì các quan chức Cộng Sản cũng không ngán.

Do kém hiểu biết, không nhận ra cái gốc của tham nhũng là quyền lực không kiểm soát nên ông Trọng rất nhiều lần đề cao cái gọi là “tu dưỡng đạo đức,” “phê và tự phê [bình],” “học tập và làm theo tấm gương đạo đức…” như là giải pháp chính. Tại cuộc họp nói trên, ông giải thích tình trạng tham nhũng lan tràn là do “công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của chúng ta vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của chúng ta còn lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực…” Từ đó, “tổng bí thư yêu cầu cần phải có quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, bài bản hơn, hiệu quả hơn, năm mới phải quyết tâm mới, khí thế mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.” Ông Trọng đã không biết, hay giả vờ không biết đảng của ông càng quyết tâm thì tham nhũng càng dữ dội, giống như xoa dầu cù là để chữa bệnh ung thư trong gan ruột.

Ông phát động chiến dịch “đốt lò” từ năm 2016. Nhưng mấy năm qua, cái lò của ông lúc cháy lúc tắt, chỉ đốt được những nhánh củi bé bé, xử được một số quan chức tham nhũng cấp thấp và thực tế đã bị lạm dụng vào cuộc thanh trừng phe phái, loại trừ những ai không cùng vây cánh với ông và bao che cho những đồ đệ biết nịnh hót, cung phụng. Cái lò của ông đỏ hay tắt phụ thuộc vào tình trạng đấu đá tranh giành chức quyền giữa các phe nhóm chính trị hay nhóm lợi ích trong việc ăn chia quyền tham nhũng mà bị lộ ra cho công chúng thấy.

Ông ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết buộc cán bộ phải kê khai tài sản nhưng trong một guồng máy đã mục nát vì đồng tiền chẳng ai thi hành chỉ thị của ông, tất cả đều bị vô hiệu hóa. “Chống tham nhũng là ta đánh ta, khó lắm,” chính ông cũng phải thừa nhận như vậy.

Hầu như quốc gia nào cũng có nạn tham nhũng, ít hay nhiều, nhưng không đâu tham nhũng là quốc nạn thâm căn cố đế như ở Việt Nam. Ở các nước, người ta xử lý tham nhũng từ cái gốc của nó: phân chia và kiểm soát quyền lực sao cho người làm việc công không thể lạm dụng chức quyền để trục lợi cho bản thân, gia đình và phe cánh. Không ở đâu – trừ các nước Cộng Sản – chống tham nhũng bằng “quản lý giáo dục cán bộ đảng viên” như lời chỉ đạo của ông Trọng.

Có lúc, dường như được các thầy dùi chỉ bảo, ông hùng hồn tuyên bố phải đưa ra “cái lồng nhốt quyền lực.” Nhưng cái lồng nào nhốt được quyền lực tuyệt đối của đảng CSVN – một đảng chính trị đứng trên luật pháp, cương lĩnh của đảng đặt cao hơn cả hiến pháp của đất nước như lời ông Trọng. Ông trông cậy vào vai trò “giám sát” của Quốc Hội, của cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc. Nhưng Quốc Hội bù nhìn có tới 95% thành viên là đảng viên CSVN, hầu hết là quan chức cao cấp của chính quyền từ các bộ ngành xuống các địa phương, thì giám sát được ai. Mặt Trận chỉ là tập hợp những đoàn thể vô công rỗi nghề tiêu tốn vô số tiền thuế của dân mà chẳng ích lợi gì ngoại trừ làm bung xung cho đảng CSVN trong mỗi kỳ bầu cử. Cuối cùng, cái lồng nhốt quyền lực của ông Trọng chỉ là một sản phẩm hoang tưởng, mị dân, không hề có trong thực tế.

Chuyện “quyền lực có khuynh hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối sinh ra thối nát tuyệt đối” (power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely) như nhận định của sử gia Lord Acton thì ai cũng biết. Nhân loại đã tốn biết bao công sức tìm ra cơ chế kiểm soát quyền lực để ngăn chặn tha hóa, biến chất mà người làm chính trị như ông nhất thiết phải biết. Có điều, qua cách phát biểu và hành xử của người đứng đầu đảng CSVN, người ta thấy ông càng ngày càng xa rời thực tiễn của đất nước và dấn sâu thêm vào mớ giáo điều lạc hậu của chủ nghĩa Cộng Sản.

Để kiểm soát quyền lực người ta đã đặt ra thể chế tam quyền phân lập – ba nhánh lập pháp, tư pháp và hành pháp độc lập với nhau, kiềm chế lẫn nhau để không một nhà độc tài nào thâu tóm được quyền lực tuyệt đối mà tự tung tự tác. Đã có thể chế nhà nước pháp quyền trong đó tất cả mọi công dân, mọi tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật. Và có cả một hệ thống các quyền tự do dân sự, trong đó quan trọng nhất là quyền tự do ngôn luận để người dân thực hiện quyền giám sát của họ qua hệ thống truyền thông độc lập không bị kiểm duyệt theo ý đồ của nhà cai trị.

Cho đến bây giờ đảng CSVN vẫn tự đặt mình lên trên pháp luật, vẫn nắm quyền lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối,” những ai bất đồng, có ý kiến khác với đảng lập tức bị đàn áp, bắt bớ, giam cầm, tra tấn một cách man rợ. Không chấp nhận phản biện, chỉ nhắm mắt đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin giáo điều và mô hình chuyên chế của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đảng CSVN ngày càng tham nhũng và hủ bại.

Một ổ tham nhũng như vậy đòi chống tham nhũng thì cũng như người tự nắm tóc để nhấc mình lên khỏi mặt đất, thật hoang tưởng! [qd]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét