Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

20220219. ĐẦU NĂM 2022 CÓ 28 CUỘC ĐÌNH CÔNG !

 ĐIỂM BÁO MẠNG

28 CUỘC NGỪNG VIỆC TẬP THỂ XẢY RA TRÊN CẢ NƯỚC

 TRƯỚC VÀ SAU TẾT

THU HẰNG/ THANH NIÊN 15-2-2022

Trong 6 tuần đầu năm 2022, trên cả nước đã xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến doanh nghiệp chi trả lương, thưởng tết thấp.

Ngày 15.2, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, giảm 7 cuộc so với cùng kỳ năm 2021.

28 cuộc ngừng việc tập thể xảy ra trên cả nước trước và sau tết  - ảnh 1

Hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Vienergy tại Ninh Bình đình công ngày 11.2

GIA NGƯ

Mặc dù tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể không phức tạp, song nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người lao động chưa đồng tình với việc thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp; doanh nghiệp trả thưởng thấp hơn so với tết 2021, điều kiện trả thưởng…

Điển hình như cuộc ngừng việc tập thể kéo dài 4 ngày, xảy ra trước tết tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, có trụ sở tại tỉnh Đồng Nai, có tới 16.158 lao động ngừng việc tập thể do không đồng ý việc công ty giảm tiền thưởng cuối năm 2021 so với năm 2020 là 30%.

Những ngày sau tết, 3 cuộc ngừng việc tập thể liên tiếp xảy ra tại Công ty TNHH Viet Glory (sản xuất giày, dép) tại Nghệ An; Công ty TNHH Vienergy (Đài Loan, sản xuất giày, dép) tại Ninh Bình và tại Công ty TNHH Phúc Mậu tại Thái Bình...

Nguyên nhân là do người lao động yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ độc hại; bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ hỗ trợ cho người lao động mắc Covid-19; phản ánh việc trả lương tháng thứ 13 theo thời gian làm việc chưa công bằng. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân thái độ của một số quản lý người nước ngoài không đúng mực với người lao động…

Ngoài các nguyên nhân trên, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN, cho hay để xảy ra mâu thuẫn còn do chủ sử dụng lao động không tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp đối với người lao động; không công khai, minh bạch các chế độ của người lao động, thông tin của doanh nghiệp; tiền lương, tiền công, thu nhập thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca kém...

Trước tình hình trên, tổ chức công đoàn phối hợp cùng với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết. Với sự vận động, thuyết phục, hỗ trợ của tổ chức công đoàn cùng các cơ quan chức năng, toàn bộ người lao động tại các công ty đã quay trở lại làm việc.

Theo ông Phan Văn Anh, trong năm 2022, với chủ đề năm của công đoàn Việt Nam là "Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; các cấp công đoàn sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của người lao động; tổ chức thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động, trong đó quan tâm nội dung việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp.

TIN LIÊN QUAN


MẤY CẢM NHẬN TỪ NHỮNG CUỘC ĐÌNH CÔNG ĐẦU NĂM 2022

MẠC VĂN TRANG/ BVN 18-2-2022

“Ngày 15.2, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, giảm 7 cuộc so với cùng kỳ năm 2021” (1)

Tuy “giảm 7 cuộc so với cùng kỳ năm 2021” nhưng tính chất các cuộc đình công dường như có khác. Từ các thông tin trên báo chí chính thống cho thấy đôi điều.

1. Các cuộc đình công có tính “TỰ PHÁT" (chưa có Nghiệp đoàn độc lập), còn Liên đoàn Lao động (công đoàn) thì bị động, sau khi sự việc diễn ra mới đến “tuyên truyền vận động" và cùng các bên hữu quan họp bàn giải quyết… Tuy “tự phát" nhưng các công nhân đã biết TỰ TỔ CHỨC cuộc đình công khá tốt: Đoàn kết, nhất loạt ngừng việc; không gây ra bạo lực; các yêu sách đưa ra hợp lý, hợp tình; thương lượng ôn hòa nhưng kiên quyết đạt mục tiêu…, ví dụ:

- Công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã đình công từ ngày 7/1 đến hết ngày 12/1/2022, sau khi đạt được yêu cầu “Thưởng Tết" hợp lý mới trở lại làm việc. Thống nhất hành động của khoảng 16.500 công nhân của Công ty TNHH Pouchen đâu có dễ? (2)

- Cuộc đình công của hơn 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory đóng tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An diễn ra từ ngày 7/2 đến 12/2, trải qua 6 ngày thương lượng khá căng thẳng, phức tạp với đại diện các bên liên quan, nhưng luôn có ĐẠI DIỆN CÔNG NHÂN- LAO ĐỘNG của công ty, và kết quả cuối cùng là 11 yêu cầu đều được giải quyết thỏa đáng, nhất là vấn đề tăng lương cơ bản đã vượt khung quy định của Chính phủ… (3) và (4)

- Ngày 11/2 hơn 5.000 công nhân tại Công ty TNHH Vietnergy Việt Nam đóng tại Khu công nghiệp Phúc Sơn, Xã Ninh Phúc, Thành phố Ninh Bình, đã đồng loạt ngừng việc tập thể và đưa ra 21 kiến nghị (không biết có do ảnh hưởng cuộc đình công của công nhân Công ty Viet Glory không?).

Đến chiều tối ngày 12.2, Công ty TNHH Vietnergy Việt Nam đã ra thông báo về việc giải quyết các kiến nghị của người lao động, hầu hết các kiến nghị của người lao động đều được chấp thuận, nhất là đồng ý tăng 6% lương cho người lao động đang làm việc tại công ty. (5)

2. Thành công nhờ hài hoà “ba lợi ích”

Công nhân đấu tranh chỉ mong giới chủ bớt lợi nhuận, đối xử tử tế, chia sẻ, cải thiện đời sống người lao động để công ty cùng phát triển. Không còn chuyện “đấu tranh giai cấp một mất một còn", “giành nhà máy xí nghiệp về tay công nhân làm chủ"...Nghĩa là chả có “bỏ qua chủ nghĩa tư bản tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội" gì cả!

Công nhân đã biết đấu tranh tốt nhất là đấu tranh ôn hoà, phi bạo lực, có lý, có tình, kiên trì, kiên quyết mới thành công. Các ban ngành đoàn thể cũng “ăn theo" nguyên lý này để chứng tỏ “lý do tồn tại"!

Công an thì không phải dùng dùi cui, hơi cay, áo giáp, khiên đỡ… Công ty vẫn hoạt động, Chính quyền vẫn thu được thuế…Vậy là “hài hoà ba lợi ích".

May mà công nhân “tụ tập đông người" đã không hát Quốc tế ca. Nếu mà hàng ngàn công nhân gào lên … “Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn… Sục sôi nhiệt huyết trong tim đầy chứa rồi… Quyết phen này sống chết mà thôi”… thì đảng cộng sản cũng hết hồn!

Thôi đi, đừng tuyên truyền “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt nữa"!

3. Pháp luật vẫn gây khó cho công nhân, lợi cho giới chủ

Hiện mức lương cơ bản mà doanh nghiệp trả cho người lao động 3.670.000 đồng/tháng là khó sống, vì giá cả mọi thứ đều tăng. Nhưng chủ doanh nghiệp có lý, khi chứng minh rằng, “mức lương đó cao hơn mức lương tối thiểu vùng 3.070.000 đồng/tháng đối với vùng IV được quy định tại Nghị định 90/2019”.

(Nghị định 90/2019/NĐ-CP Qui định Mức lương tối thiểu Vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động) (6)

Không chỉ CÔNG NHÂN gặp khó, chịu thiệt trước giới chủ, mà NÔNG DÂN cũng khốn khổ, khi mất đất được đền bù với giá bèo bọt để quan chức ăn chặn và giới chủ tư bản thuê đất rẻ mạt…

Không biết giai cấp Công - Nông đã thấm đòn và NGỘ ra chưa?

4. Báo chí Cách mạng còn “lập trường Công - Nông" không?

Mấy sự kiện công nhân đình công lớn như vậy nhưng VTV không thấy đưa tin (hay có đưa tin mà tôi không biết?); các báo chí đều đưa tin hời hợt, giống nhau; không thấy bài phóng sự điều tra hay tường thuật trực tiếp nào tại cơ sở một cách chi tiết, cụ thể. Hầu hết nội dung tin, bài giống nhau, do phía Công ty hay Chính quyền hoặc Công đoàn cung cấp. Ngay 11 yêu cầu của công nhân Công ty Viet Glory là gì? 21 yêu cầu của công nhân Công ty Vietnergy là gì? cũng phải tìm mãi mới ra…

Ngay cái từ “Đình Công"- báo chí Cách mạng cũng không dám gọi đích danh mà nói chệch đi là “ngừng việc tập thể"! Các nhà báo có còn “lập trường Công - Nông" không? Các anh đứng về phía nào?

TÓM LẠI:

- Những cuộc “ngừng việc tự phát" của công nhân diễn ra như nói trên may mà êm thấm, càng cho thấy công nhân mỗi cơ sở cần có Nghiệp đoàn Độc lập để những cuộc đình công “tự phát" thành “tự giác" có tổ chức, diễn ra đúng trình tự pháp lý, hài hoà lợi ích…;

- Chính quyền cần rà soát lại hệ thống Luật pháp để tạo điều kiện cho công nhân có lợi thế khi thương nghị với giới chủ để đòi quyền lợi chính đáng của mình;

- Báo chí Cách mạng hãy xem lại mình, xem có còn chút “cách mạng” nào không?

Chú thích nguồn tài liệu

1. https://thanhnien.vn/28-cuoc-ngung-viec-tap-the-xay-ra...

2. https://vov.vn/.../cong-nhan-cong-ty-tnhh-pouchen-viet...

3. https://tuoitre.vn/nghe-an-hon-5-000-cong-nhan-giay-da...)

4. https://suckhoedoisong.vn/cong-ty-tang-luong-gan-5000...

5. https://laodong.vn/.../cong-ty-tang-6-luong-hon-5000-cong...

6. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-dinh​​-90 -2019-ND-CP-muc-luong-toi-thieu-vung-418807.aspx

M.V.T.

16/2/2022

Tác giả gửi BVN

NGHIÊM KHẮC XỬ LÝ HÀNH VI KÍCH ĐỘNG NGỪNG VIỆC TẬP THỂ VỚI ĐỘNG CƠ XẤU

QUANG ĐẠI/ LĐO 17-2-2022

Nếu đình công, ngừng việc tập thể lan rộng sẽ gây nên những thiệt hại, hệ lụy tiêu cực đối với doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế.

Đình công là một hình thức đấu tranh rất bình thường để đòi quyền lợi chính đáng cho công nhân, vậy mà tác giả bài báo lại đòi: “Nghiêm khắc xử lý hành vi kích động ngừng việc tập thể với động cơ xấu.”
Động cơ xấu gì? Lương không tương xứng với công sức bỏ ra thì công nhân phải đấu tranh, trước khi đình công, họ cũng phải cân nhắc hơn thiệt. Không đấu tranh tập thể mà đấu tranh đơn lẻ thì làm sao có được sức mạnh chung?
Công đoàn đáng nhẽ là do công nhân bầu ra, nhưng ở Việt Nam công đoàn là do giới chủ và chính quyền đặt ra, thay vì đấu tranh cho quyền lợi công nhân thì cũng vào hùa với giới chủ để đặt gông lên người lao động.
Báo Lao Động là báo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đáng nhẽ phải bênh quyền lợi của công nhân nhưng đăng một bài báo như thế này thì cũng chỉ là một công cụ để bắt nạt công nhân mà thôi.
Nói như cậu phóng viên này thì đơn giản quá: “Nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật, nhà nước sẽ xử lý. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động, công nhân có thể phản ánh, kiến nghị, khởi kiện. Hoặc đơn giản nếu thấy không thích, có nơi làm việc khác tốt hơn, thì công nhân có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.”
Thử hỏi người công nhân lấy tiền đâu, thời gian đâu để phản ánh hay khởi kiện cái sai của doanh nghiệp. Khởi kiện được hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để tìm công ty khác thì con cái của họ chắc chết đói cả rồi.
Cậu phóng viên viết thế này là có ý chụp mũ cho những người vận động đình công là vi phạm pháp luật, như vậy là không công bằng. Đình công là một hình thức đấu tranh dân sự rất phổ biến, tại sao lại nâng lên thành một hành động vi phạm pháp luật?
Một bài báo tử tế là phải phỏng vấn hai chiều, hỏi công nhân tại sao đình công? Rồi phỏng vấn chủ doanh nghiệp để có hướng giải quyết, có câu trả lời cho công luận. Đằng này chỉ phán mấy câu chụp mũ xanh rờn, không hề có thông tin gì. Nói đúng thì cả bài báo chỉ là một câu doạ dẫm.
Hãy tự vấn lương tâm của mình trước khi viết. Viết để làm gì, viết có đúng không? Viết thế có ảnh hưởng đến quyền lợi của ai không? Có công bằng không? Có tác dụng khai trí cho người dân không?
Và không chỉ là vấn đề của một phóng viên, của một bài báo. Xin hỏi vị tổng biên tập của báo Lao Động có cảm thấy bài báo này đúng đắn không?
***
P.S:
Đây là phần bình luận của bạn Cam Ha: Chương 19 của Hiệp đinh CPTPP mà Việt Nam tham gia quy định rõ: Mỗi Bên (gồm Việt Nam) sẽ thông qua, duy trì và thực hiện các đạo luật và quy định những quyền sau đây:
(a) tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể;
(b) chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc;
(c) loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất;
(d) chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp;
Các cuộc đình công gần đây là một biểu hiện cụ thể của quyền thương lượng tập thể (quyền a) mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện. Tác giả bài báo chưa tìm hiểu kỹ nên đã chụp mũ việc thương lượng tập thể là có động cơ xấu, đi ngược lại với những cam kết do Chính phủ đưa ra. Người bị tổn hại thanh danh là Chính phủ ạ, chứ người lao động vất vả lắm, họ chẳng có thời gian đọc báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét