Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

20220220. VAI TRÒ CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRƯỜNG ? (2)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


HỘI ĐỒNG TRƯỜNG CÓ QUYỀN 'TO NHẤT', NHƯNG PHÁT HUY THẾ NÀO?

TÙNG DƯƠNG/ GDVN  17-2-2022

GDVN- Trong một cơ sở giáo dục thì Hội đồng trường có quyền to nhất, nó thiết thực và có hiệu quả nếu như người lãnh đạo nhà trường biết vận dụng và phát huy.

“Chúng tôi đã thành lập Hội đồng trường từ những năm học trước, tôi thấy mọi hoạt động của hội đồng này diễn ra gần giống như chức năng của hội đồng liên tịch, chỉ khác là phải làm thêm một bộ sổ sách, hồ sơ tài liệu.

Thành phần Hội đồng trường của trường chúng tôi hiện nay gồm ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn, tổ trưởng chuyên môn, 1 đại diện của cha mẹ học sinh, 1 đại diện của chính quyền địa phương, 1 đại diện của học sinh. Mọi người hàng ngày vẫn hoạt động chuyên môn theo công việc của mình, khi nào cần thì sẽ triệu tập để họp.

Trong khi đó ở hội đồng liên tịch gồm các thành phần như ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn, 5 tổ trưởng chuyên môn, giáo viên tổng phụ trách, kế toán. Không có đại diện địa phương, đại diện học sinh và phụ huynh.

Hiện tại, chúng tôi chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ cho Hội đồng trường và mọi người đều làm trên tinh thần tự nguyện, mỗi năm họp 3 lần vào đầu năm học, cuối học kì 1 và kết thúc năm học” đó là ý kiến của Thạc sĩ Quản lí Giáo dục Nguyễn Thị Thuần – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) khi chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thạc sĩ Quản lí Giáo dục Nguyễn Thị Thuần – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo cô Thuần: “Theo tôi, mọi quyết định của Hội đồng trường cũng không chi phối nhiều tới phương hướng hoạt động của nhà trường, bởi thành phần cũng gần như Liên tịch của nhà trường.

Tuy nhiên Hội đồng trường có sự phối, kết hợp tốt hơn bởi có đại diện cha mẹ học sinh, học sinh và chính quyền địa phương. Hiện tại, nếu có vấn đề gì, chúng tôi sẽ báo cáo với chính quyền địa phương và đều nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình, tất cả mọi công việc liên quan đến giáo dục đều được chính quyền địa phương rất quan tâm hỗ trợ, từ các hoạt động hè, hoạt động ngoài giờ học,… đều được chỉ đạo sát sao".

Cũng theo cô Thuần: "Trước khi có Hội đồng trường thì mọi hoạt động thường xuyên của nhà trường cũng vẫn nhận được sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương và đại diện cha mẹ học sinh. Điều này cho thấy không có sự khác biệt nhiều trong hoạt động của Hội đồng trường nếu không muốn nói là chức năng khá chồng chéo.

Còn việc có đại diện học sinh tham gia vào Hội đồng trường, khi họp bàn thì các em nghe chứ hoàn toàn không thể quyết định một vấn đề gì bởi các em chỉ là một thành viên. Tuy nhiên, các em có quyền tham gia phát biểu những đề xuất của học sinh, lúc này Hội đồng trường lắng nghe, với những đề xuất tốt, hợp lí thì đáp ứng nhưng trong phạm vi điều kiện cho phép. Mọi việc được quyết trong tập thể Hội đồng trường sẽ theo số đông.

Theo trình tự, ban giám hiệu nhà trường sẽ đề ra phương hướng, mục tiêu phát triển nhà trường và những việc này sẽ được họp trước thông qua khi Hội đồng giáo dục nhà trường họp, mọi người sẽ cùng bàn và quyết. Rồi vẫn những nội dung đó sẽ được họp bàn với Hội đồng trường, lúc này nếu có ý kiến hay hơn thì nhà trường sẽ theo, còn nếu không có ý kiến gì thì mọi việc sẽ theo liên tịch nhà trường.

Thông thường, mọi việc khi đã được ban giám hiệu, liên tịch nhà trường bàn và quyết thì khi họp vấn đề đó với Hội đồng trường đều nhận được sự ủng hộ, như vậy có thể nói những định hướng mà liên tịch hội đồng giáo dục nhà trường là chuẩn. Nhưng theo tôi có Hội đồng trường cũng tốt, đây là nơi phụ huynh, học sinh có quyền tham gia đóng góp ý kiến, cũng như đề xuất tâm tư, nguyện vọng, như vậy cũng bài bản hơn. Còn nếu liên tịch thì chỉ có quyết định của riêng các thầy cô mà thôi”.

Người hiệu trưởng phải có tinh thần cầu thị

Cũng về vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Chức năng hoạt động của Hội đồng trường cũng giống như hoạt động của hội đồng liên tịch.

Chỉ khác là Hội đồng trường được quy định rất rõ trong thông tư, chính danh và phân quyền rõ ràng cho các thành phần tham gia, thời hạn, nhiệm kì,…

Theo tôi, khi quy định rõ như vậy thì điều đầu tiên người lãnh đạo nhà trường sẽ phải sử dụng quyền của Hội đồng trường, dựa vào đó để xây dựng những chiến lược phát triển, mục tiêu nhà trường cần đạt được, những việc to nhất trong mỗi nhà trường cần phải được Hội đồng này thông qua. Mặc dù đã được thông qua nhưng sau mỗi năm học cũng cần được rà soát lại những định hướng đó, hoặc thay đổi mục tiêu thì cũng cần phải được thông qua Hội đồng trường.

Có thể nói, trong một cơ sở giáo dục thì Hội đồng trường có quyền to nhất. Nó thiết thực và có hiệu quả nếu như người lãnh đạo nhà trường biết vận dụng và phát huy. Nhưng có lẽ suốt một thời gian dài chúng ta quen với liên tịch, hơn nữa “văn hóa” trong mỗi nhà trường cũng chưa được khai thác hết.

Ví dụ: Thành phần Hội đồng trường có đại diện phụ huynh học sinh, có học sinh khi 2 thành phần này góp ý nếu được tiếp thu sẽ giúp lãnh đạo nhà trường có phương án điều chỉnh lại về công tác quản lí.

Nếu nói có Hội đồng trường có tốt không thì tôi thấy rất tốt, nhưng mỗi nhà trường đã phát huy, khai thác hết vai trò của các thành phần trong Hội đồng trường hay chưa thì đó mới là câu chuyện đáng phải bàn”.

Theo cô Nhiếp: "Nếu nói có tốt không thì bản thân tôi thấy rất tốt, nhưng mỗi nhà trường đã phát huy, khai thác hết vai trò của các thành phần trong Hội đồng trường hay chưa? Đó mới là câu chuyện đáng phải bàn, đó mới là việc lớn”. Ảnh: NVCC.

Hội đồng trường có học sinh và phụ huynh chỉ là hình thức?

Theo cô Nhiếp: “Tôi không đồng ý với ý kiến của một số người cho rằng thành phần trong Hội đồng trường có học sinh chỉ là hình thức bởi lãnh đạo nhà trường nên hỏi học sinh: Các em thấy kế hoạch của các thầy cô đang triển khai thế nào, có chỗ nào thấy chưa hợp lí? Theo tôi quan trọng là cách thầy cô đặt vấn đề, làm sao để học sinh thấy tin tưởng và dám nói ra hết.

Bản thân tôi cũng đã làm rất nhiều buổi đối thoại trực tiếp với học sinh trong nhà trường, đây là dịp học sinh nói ra những tâm tư, nguyện vọng, và vượt lên tất cả là lãnh đạo nhà trường phải lắng nghe những điều học sinh nói, nhiều lúc các thầy cô cứ nghĩ là mình đúng hết, nhưng không phải như vậy. Khi nghe học sinh nói mới thấy mình phải điều chỉnh cái này, cái kia chứ không phải lúc nào mình cũng đúng.

Hội đồng trường là ý tưởng hay và thế giới họ đã làm như vậy, chỉ khác ở chỗ văn hóa ở các nước sẽ cởi mở hơn, học sinh được quyền phản biện lại thầy cô, còn ở mình nếu như người hiệu trưởng nhà trường, các thầy cô “khó khăn” sẽ không cho học sinh được ý kiến.

Điều này thuộc về văn hóa, bản thân phụ huynh học sinh nhiều khi rất ngại góp ý với nhà trường, nhưng nếu người hiệu trưởng cởi mở, lúc này cha mẹ học sinh sẽ góp ý, về cơ bản thì hầu như họ đều góp ý xây dựng nhà trường".

Trên tinh thần cầu thị, cô Nhiếp rất mong mời được những phụ huynh học sinh có tính chất phản biện vào tham gia Hội đồng trường.

Tuy nhiên, cô Nhiếp băn khoăn về nhiệm kỳ của Hội đồng trường là 5 năm trong khi đại diện học sinh, phụ huynh được lựa chọn từ lớp 10 thì cùng lắm cũng chỉ hoạt động được 3 năm.

Tùng Dương
THÊM MỘT CHỨC DANH QUẢN LÝ-CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRƯỜNG
 LÀ THỪA !
VIỆT DŨNG/ GDVN 18-2-2022

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Thông tư này dự kiến sẽ được thay thế cho Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017.

Điều đáng nói, theo dự thảo của thông tư này thì dự kiến sẽ có thêm 1 vị trí lãnh đạo nữa trong các trường phổ thông công lập đó là chủ tịch hội đồng trường.

Chức danh chủ tịch hội đồng trường là thừa

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vũ Thị Ngọc Dung – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chủ tịch hội đồng trường nên là một thành viên trong ban giám hiệu nhà trường, có thể là hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng, hoặc chủ tịch công đoàn.Tuy nhiên, tốt nhất thì hiệu trưởng nên kiêm nhiệm luôn chức danh này.

Cô Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (ảnh: NTCC)

Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân cho hay, theo quy định thì hội đồng trường sẽ quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng như chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch và mục tiêu phát triển của nhà trường, các dự án trong từng giai đoạn và năm học, cùng rất nhiều vấn đề quan trọng khác trong nhà trường.

Thế nhưng, trên thực tế thì hiện nay, hội đồng trường trong các trường phổ thông vẫn chưa phát huy được hết sức mạnh do đó khi quyết định những vấn đề quan trọng, có tầm nhìn chiến lược của trường chủ yếu vẫn là cấp ủy, các thành viên trong Ban Giám hiệu, các thành viên cốt cán của trường học.

Cũng đồng quan điểm này, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, dự thảo của thông tư này cho thêm một chức danh lãnh đạo mới trong nhà trường phổ thông công lập là chủ tịch hội đồng trường là rất thừa.

Thầy Huỳnh Thanh Phú giải thích, đã từ nhiều năm nay, chức danh chủ tịch hội đồng trường chủ yếu chỉ là “hữu danh vô thực”.

Trong trường phổ thông công lập, hiệu trưởng sẽ là cán bộ quản lý đứng đầu nhà trường hay là chủ tịch hội đồng trường? Nếu giáo viên trúng cử chức danh chủ tịch hội đồng trường thì cũng cần phải làm rõ tiêu chuẩn của giáo viên làm chủ tịch hội đồng trường.

“Nếu chủ tịch hội đồng trường là người hoạch định chính sách, chiến lược phát triển cho nhà trường, còn hiệu trưởng chỉ là người thực hiện. Vậy khi hiệu trưởng triển khai để xảy ra sai phạm thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?” – thầy Huỳnh Thanh Phú đặt vấn đề.

Thông thường, trong các nhà trường phổ thông hiện nay thì hiệu trưởng làm theo các nghị quyết của chi bộ, nếu có thêm chủ tịch hội đồng trường thì sẽ thực hiện vai trò gì?

Ngoài ra, cũng cần phải có quy định rõ thêm chủ tịch hội đồng trường được ký, đóng dấu văn bản nào, trường hợp nào?

Thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, khi có thêm một chức danh lãnh đạo trong trường phổ thông công lập thì cần phải làm, hiểu “đến nơi đến chốn”, và thuận lợi nhất vẫn là “hiệu trưởng kiêm luôn chủ tịch hội đồng trường”, còn nếu giáo viên kiêm chức danh này thì cần làm rõ ai là người hoạch định chính sách, chiến lược phát triển cho trường học.

Cuối cùng, thầy Huỳnh Thanh Phú đề xuất, nên để mô hình chủ tịch hội đồng trường áp dụng cho các trường ngoài công lập, trường quốc tế thì tốt hơn, mà ở những nơi này người ta vẫn thường gọi là chủ tịch hội đồng quản trị.

“Không thể đem mô hình của trường ngoài công lập áp dụng cho trường công lập. Nếu chúng ta không có chế độ chính sách, cơ sở pháp lý cụ thể thì có thể gây mất đoàn kết nội bộ trong nhà trường” – thầy Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh.

Nếu hiệu trưởng kiêm chủ tịch hội đồng trường sẽ xảy ra chuyên quyền

Một giáo viên ở trường trung học phổ thông Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh sau khi đọc xong dự thảo của Thông tư này khẳng định rằng, nếu hiệu trưởng kiêm chủ tịch hội đồng trường thì sẽ xảy ra tình trạng độc đoán, chuyên quyền, và trường phổ thông công lập dần dần sẽ biến thành trường ngoài công lập.

Một giáo viên khác ở trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cũng đồng tình quan điểm nói trên, và cho rằng bao nhiêu chức vụ chính trong trường phổ thông công lập hiện nay đều do hiệu trưởng kiêm nhiệm hết.

Nếu hiệu trưởng kiêm luôn chủ tịch hội đồng trường thì việc thực hiện nhiệm vụ của hội đồng trường thường cũng do hiệu trưởng quyết hết, vai trò của các thành viên khác rất mờ nhạt.

Kể cả việc hội đồng trường buông lỏng giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, dẫn đến việc hiệu trưởng sẽ tự tung tự tác.

Việt Dũng
ĐỪNG NGHĨ HỌC SINH THÌ BIẾT GÌ MÀ VÀO HỘI ĐỒNG TRƯỜNG!
TÙNG DƯƠNG/ GDVN 18-2-2022
GDVN-Ý kiến của học sinh trong một số trường hợp cũng rất quan trọng, qua đó hội đồng trường xem xét các khía cạnh để quyết định điều chỉnh áp dụng cho phù hợp thực tế.

Hội đồng liên tịch và hội đồng trường với chức năng, nhiệm vụ, thành viên hoàn toàn khác nhau và thực hiện công việc cũng khác nhau. Nếu hội đồng trường quyết định chủ trương đường lối, tầm nhìn dài hạn thì hội đồng liên tịch bao gồm những người thực hiện và nhiệm vụ cụ thể.

Thành phần của hai hội đồng cũng không giống nhau. Ở hội đồng liên tịch gồm các thành viên trong cơ sở giáo dục như ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên, tổ trưởng,... thực hiện những nhiệm vụ cụ thể để đạt mục tiêu do hội đồng trường vạch ra. Hội đồng liên tịch họp theo tuần, theo tháng để bàn biện pháp thực hiện.

Còn hội đồng trường gồm tổ chức đảng, đại diện nhà trường, đại diện giáo viên, đại diện địa phương, đại diện cha mẹ học sinh và học sinh.

Nói như vậy để thấy, hội đồng trường có các thành phần đại diện cho tổ chức trong và ngoài nhà trường để góp tiếng nói đa chiều trong chiến lược phát triển nhà trường”, Nhà giáo Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Hội đồng trường đưa ra những quyết sách lớn

Theo cô Yến: “Việc thành lập hội đồng trường phải qua rất nhiều khâu và người ra quyết định là giám đốc sở giáo dục và đào tạo, còn hội đồng liên tịch là do hiệu trưởng quyết định. Với hội đồng trường có đầy đủ các thành phần trong và ngoài nhà trường, với nhiều góc nhìn về sự phát triển của nhà trường.

Nếu công việc do một người quyết định có thể sẽ không có cái nhìn toàn diện, nhưng khi các thành phần phụ huynh, giáo viên, học sinh, đại diện chính quyền địa phương,…thì chắc chắn những quyết định đó sẽ phù hợp.

Với những quyết sách lớn thì hội đồng trường rất quan trọng, ví dụ: Thay đổi tầm nhìn chiến lược nhà trường trong kế hoạch 5 năm hoặc 10 năm, việc này không phải nhà trường quyết định, mà cần xin ý kiến hội đồng trường, từ đó có kế hoạch và lộ trình rõ ràng”.

Về vấn đề có thành viên hội đồng trường là học sinh, cô Yến cho biết: “Nếu nói các em không có đóng góp gì thì cũng không đúng. Thứ nhất phải xem vấn đề cần được đóng góp ý kiến đó là gì. Thứ hai, cần lựa chọn và đánh giá năng lực học sinh đó đến đâu thì mới mời vào hội đồng trường.

Ý kiến của học sinh trong một số trường hợp cũng rất quan trọng, qua ý kiến đó hội đồng trường xem xét các khía cạnh phù hợp để áp dụng vào thực tế. Ví dụ: Chúng ta đang lấy ý kiến để xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động có liên quan đến học sinh, tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi,…thì những ý kiến đóng góp của các em trong trường hợp này sẽ rất thiết thực.

Vì vậy, trong quy định đưa nhiều thành phần tham gia hội động trường, để tùy vào mỗi nội dung mà cần đầy đủ các thành viên (9 người) hay chỉ cần 7 người đưa ra ý kiến. Tức là có thể với việc này thì thành viên này quan trọng, nhưng với thành viên khác có thể là không.

Ví như về chuyên môn thì phụ huynh học sinh không thể cho ý kiến sát được bằng thầy cô, nhưng, còn nếu về việc xây dựng cơ sở vật chất thì chắc chắn ý kiến phụ huynh sẽ tốt hơn thành phần là đại diện giáo viên. Còn nếu vấn đề liên quan đến hoạt động của học sinh thì những ý kiến từ phía các em cũng sẽ là một lựa chọn quan trọng”.

Cô Yến nhấn mạnh: “Việc thành lập hội đồng trường đã có từ lâu, tuy nhiên nó có hoạt động tốt, hiệu quả, đều đặn hay không thì lại phụ thuộc vào chủ tịch hội đồng trường, họ đánh giá vai trò tầm quan trọng của hội đồng này như thế nào, biết cách phát huy hết khả năng của các thành viên trong hội đồng ra sao,…đó mới là việc quan trọng đáng phải bàn”.

Hiệu trưởng tự quyết thì đôi khi vẫn mang tính chủ quan

Cũng về vấn đề này, thầy Nguyễn Duy Bỉnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “Trường tôi đã thành lập hội đồng trường, và mọi chủ trương, hoạch định chiến lược phát triển giáo dục đều được thông qua từ đây. Còn việc chỉ đạo và triển khai thực hiện trực tiếp thì vẫn từ cấp ủy và ban giám hiệu nhà trường.

Nói về hội đồng trường, cơ bản chúng tôi vẫn hoạt động theo quy định, tuy nhiên mọi việc vẫn phải chung về một mối đó là hiệu trưởng nhà trường, mặc dù thành phần tham gia có khác nhau, nhưng đều phải thực hiện chung về nhiệm vụ giáo dục".

Thầy Nguyễn Duy Bỉnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo thầy Bỉnh: "So với thời gian chưa thành lập hội đồng trường, chúng tôi vẫn phải thực hiện đúng mọi quy trình, vẫn phải đảm bảo dân chủ công khai thì sau khi thành lập đây là nơi để họp bàn, để quyết bởi trong hội đồng trường có nhiều thành phần hơn và đặc biệt là có đại diện chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh, đại diện học sinh. Theo tôi đây là những thành phần rất quan trọng đóng góp tiếng nói vào sự nghiệp giáo dục của địa phương.

Có thể nói, hai thành phần tham gia hội đồng trường là cha mẹ học sinh, học sinh đã có nhiều ý kiến đóng góp nhiệt huyết, sát thực và phù hợp, đặc biệt là trong vấn đề tổ chức các hoạt động cho học sinh, cũng như về vấn đề xây dựng và phát triển cơ sở vật chất nhà trường.

Trước đây, trong mọi cuộc họp quan trọng của nhà trường, bao giờ chúng tôi cũng mời thêm phụ huynh học sinh tham gia, cũng là để xin ý kiến đóng góp bởi họ cũng có cái nhìn bao quát hơn. Ban giám hiệu và đại diện là người hiệu trưởng cũng cần phải nghe và tham khảo nhiều ý kiến đa chiều, từ nhiều nguồn, làm giáo dục là phục vụ người dân thì cũng nên tham khảo ý kiến từ cha mẹ học sinh”.

Thầy Bỉnh nói: “Tùy từng cơ sở giáo dục và đại diện là chủ tịch hội đồng trường nếu chịu khó lắng nghe ý kiến của từng cá nhân tham gia, với những thành viên đã mạnh dạn đóng góp ý kiến, họ là người có nhiệt huyết, có năng lực để đóng góp thì mọi kế hoạch, phương hướng phát triển nhà trường sẽ có kết quả tốt. Còn nếu người đứng đầu nhà trường cứ giữ quan điểm bảo thủ thì mọi việc sẽ có kết quả ngược lại.

Nếu để so sánh thì hội đồng trường có ưu điểm hơn hẳn hội đồng liên tịch. Hội đồng trường có những quyết sách và định hướng dài hơi. Còn hội đồng liên tịch là để nhà trường tổ chức các hoạt động, hoặc định hướng ngắn hạn, cũng như thông qua những quyết sách trực tiếp của ban giám hiệu nhà trường”.

“Quy định các trường phải có hội đồng trường, theo tôi đây là việc làm cần thiết giúp cho quá trình làm việc tại các cơ sở giáo dục đạt hiệu quả cao hơn. Có những quyết sách hoặc định hướng nếu không thực hiện qua hội đồng trường theo đúng quy định chức năng nhiệm vụ thì đôi khi vẫn có tính chủ quan, còn nếu có hội đồng trường thì đương nhiên mọi chuyện sẽ được công khai, dân chủ và tiếp nhận thêm được nhiều ý kiến đóng góp đa chiều”, thầy Bỉnh nhận định.

Tùng Dương
TÔI THẤY THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG TRƯỜNG PHỔ THÔNG LÀ THỪA, KHÔNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ GÌ
TÙNG DƯƠNG/ GDVN 19-2-2022
GDVN- Nhà trường đã có đội ngũ lãnh đạo và hiệu trưởng có quyền to nhất, rồi đến các tổ bộ môn, các đoàn thể,…thì cần gì phải sinh ra thêm một bộ máy lãnh đạo nữa?

“Cùng một nội dung định hướng phát triển các hoạt động giáo dục vừa được đem ra bàn, nhất trí và thông qua tại Hội đồng giáo dục nhà trường, và một lần nữa vẫn nội dung này được người hiệu trưởng cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng trường mang ra bàn và thông qua tại cuộc họp của Hội đồng trường. Như vậy việc "bày" ra Hội đồng trường cho có mà thôi chứ xét về chức năng thì chẳng khác Hội đồng giáo dục là bao.

Trong nhà trường, Hiệu trưởng có quyền to nhất, Hiệu phó hỗ trợ công việc cho Hiệu trưởng. Tiếp đến các tổ bộ môn, công đoàn, đoàn thể,…thì cần gì phải sinh ra thêm một bộ máy lãnh đạo nữa. Bây giờ dùng một hình thức xã hội hóa lấy ý kiến cha mẹ học sinh, học sinh, đưa đại diện chính quyền địa phương vào Hội đồng trường, tôi thấy cũng chỉ là hình thức”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô L.N.H – Phó hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở tại quận nội thành Hà Nội đã chia sẻ như vậy.

Học sinh trong giờ thể thao. Ảnh minh họa: T.D.

Theo cô H: “Trong một cơ sở giáo dục nên để Hội đồng giáo dục nhà trường phát huy hết khả năng lãnh đạo là sát sao nhất, còn các Hội thay mặt cho những ý kiến chung, ví dụ: Hội cha mẹ học sinh, hội học sinh,…thì cứ để các hội này hoạt động và những ý kiến đóng góp từ các hội này ban giám hiệu nhà trường cứ việc tiếp thu, đánh giá và tự quyết định có áp dụng hay không. Người hiệu trưởng cũng tự chịu trách nhiệm cụ thể, chứ không thể đổ lỗi cho tập thể hội đồng, như vậy là trốn tránh trách nhiệm.

Giờ lại đưa tất cả các thành phần vào Hội đồng trường nhưng thử hỏi một học sinh nào đó làm sao đại diện được cho tất cả học sinh toàn trường để đưa ra ý kiến. Ngay như cha mẹ học sinh cũng không thể đại diện cho tất cả phụ huynh trong trường, chắc chắn các bậc phụ huynh trong trường cũng không đồng thuận hết các ý kiến, nay lại đưa họ vào để làm hình thức là có đại diện rằng đã lấy ý kiến và thống nhất thu khoản này, khoản kia cho nhà trường.

Một em học sinh cũng chỉ học trong trường từ 3 đến 4 năm, nếu một học sinh từ năm lớp 6 thì còn quá non, học sinh lớp 7, lớp 8 thì thời gian còn học trong trường không nhiều, vậy đóng góp ý kiến gì đây? Vậy suốt ngày Hội đồng trường cứ đi bầu kiện toàn tổ chức hay sao? Tôi thấy thành lập Hội đồng trường không giải quyết được vấn đề gì.

Khi thành lập một tổ chức, người đứng đầu tổ chức đó cần phải biết lắng nghe, biết tập hợp mọi ý kiến từ các thành viên thì các hoạt động mới có hiệu quả thật sự, còn không mọi chuyện vẫn do người đứng đầu tổ chức đó quyết thì thành lập thêm hội đồng cũng chỉ là hình thức mà thôi”.

Cô H nói thêm: “Nếu bộ máy lãnh đạo nhà trường quản lí chặt, cá nhân phải đưa ra giải pháp, phải chịu trách nhiệm. Có điều gì xảy ra trong nhà trường thì đương nhiên hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, vai trò đó cần được thông suốt từ trên xuống dưới. Cũng như vậy, giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm mọi việc trong lớp mình phụ trách.

Tất cả mọi chủ trương đường lối trong nhà trường cần được tham khảo ý kiến đông đảo của giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh tán thành ủng hộ, vì tất cả những việc đó đều xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng của họ, có như vậy mọi việc mới thực sự có hiệu quả.

Muốn nghe được những ý kiến từ phụ huynh, từ học sinh thì người hiệu trưởng cần phải nghe nhiều ý kiến trực tiếp từ họ, chứ không phải thông qua đại diện nói mấy câu “vui vẻ”.

Một em học sinh ngồi trong Hội đồng nói rằng đây là ý kiến của học sinh toàn trường. Như vậy là nói sai, và thực chất em đó cũng không nói được gì cả, có chăng chỉ là “nói lại” những lời đã được Hội đồng viết sẵn. Và như vậy lại phản giáo dục, gieo vào đầu các em từ bé một sự phụ thuộc, tinh thần thiếu trách nhiệm trong công việc. Điều này xảy ra trong môi trường giáo dục là cực kì nguy hiểm.

Thiện ý của những người đưa ra chủ trương này là tốt, muốn cho mọi công việc trong nhà trường được công khai dân chủ, có hiệu quả, được các thành phần nhất trí ủng hộ, phát huy tiềm lực to lớn của toàn xã hội.

Vậy nên chăng, thiết thực nhất là các lãnh đạo nhà trường cần đối thoại, lắng nghe ý kiến trực tiếp của cha mẹ học sinh, của học sinh bởi tất cả những chủ trương, phương hướng phát triển nhà trường đều mang lại lợi ích cho những người này, cho xã hội chứ không phải để Chủ tịch Hội đồng trường nhận công lao, nhận bằng khen.

Hãy để bộ máy lãnh đạo vốn có của nhà trường phát huy hết năng lực, làm thật tốt trách nhiệm được giao chứ không cần phải thành lập thêm “bộ máy” nào nữa trong cùng một nhà trường”.

Theo thầy Bảo: " việc chính của các em lúc này là học và học tập cho thật tốt, chứ không phải đến trường học là để tham gia hội đồng này, hội đồng kia". Ảnh minh họa: T.D.

Khi thực hiện kế hoạch nếu sai phạm thì ai chịu trách nhiệm?

Cũng về vấn đề thành lập Hội đồng trường, thầy Nguyễn Văn Bảo – Tổ trưởng bộ môn tại một trường trung học cơ sở và trung học phổ thông (quận Long Biên, Hà Nội) bày tỏ suy nghĩ:

“Vấn đề ở đây là ai sẽ làm Chủ tịch Hội đồng trường, nếu Hiệu trưởng kiêm luôn Chủ tịch thì cũng dễ xảy ra hiện tượng chuyên quyền, và nếu Hội đồng trường có đưa ra phương hướng thế nào đi nữa thì người chỉ đạo triển khai vẫn là hiệu trưởng nhà trường cho dù hiệu trưởng chỉ là ủy viên trong hội đồng. Nếu Phó hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng trong khi về mặt Đảng thì người hiệu trưởng là Bí thư chi bộ, vậy thì quyết định sao đây?

Hoặc nếu Tổ trưởng chuyên môn là Chủ tịch thì mọi quyết định vẫn phải “nhìn” Hiệu trưởng nhà trường chứ thực tế làm sao dám tự quyết. Còn nếu các thành viên quyết thì vai trò Chủ tịch ở đâu, Bí thư chi bộ ở đâu? Khi thực hiện kế hoạch nếu sai phạm thì ai chịu trách nhiệm?.

Theo tôi, mô hình thành lập Hội đồng trường ở cấp phổ thông công lập không thực tế và sẽ không có hiệu quả, hay nói cho đúng chỉ là hình thức mà thôi. Chúng ta đều biết trong một cơ sở giáo dục thì Hiệu trưởng là người có chức danh cao nhất, và thường là Bí thư Đảng ủy, và sự lãnh đạo cao nhất của Đảng. Vậy chúng ta lại đưa thêm một bộ máy lãnh đạo nữa vào nhà trường để làm gì trong khi ban giám hiệu nhà trường vẫn làm tốt công việc từ trước đến nay?..”.

Thầy Bảo băn khoăn: “Ngay việc trong thành phần Hội đồng trường có thêm phụ huynh học sinh, cũng như đại diện học sinh, theo tôi cũng chỉ là hình thức".

Thầy Bảo nêu ví dụ một trường trung học phổ thông có 1.500 học sinh, không phải cha mẹ học sinh nào cũng đồng thuận với mọi ý kiến của nhà trường, chưa nói các phụ huynh toàn trường có khi trong 3 năm học cũng chưa từng gặp mặt nhau, họp phụ huynh của một lớp cũng chưa chắc đã đủ mặt, vậy thì làm sao một phụ huynh học sinh lại có thể tập hợp và đưa ra tiếng nói đại diện được hết cho phụ huynh trong toàn nhà trường, đây là điều không thể.

Hoặc nếu vị đại diện phụ huynh kia có đưa ra góp ý, nói là ý kiến đại diện nhưng chắc chắn đó chỉ là ý kiến cá nhân của vị phụ huynh đó mà thôi, hoặc có thể là những ý kiến “phụ họa” vào cùng với ý kiến của người hiệu trưởng nhà trường, bởi nếu nói ngược lại cũng không có lợi gì, mà suy cho cùng cũng chỉ là một thành viên trong Hội đồng trường và có gặp được phụ huynh toàn trường đâu mà bảo là ý kiến đại diện.

Và học sinh đại diện cho các bạn toàn trường lại càng nhỏ bé hơn trong Hội đồng trường, đang tuổi ăn tuổi học, đã có cái nhìn bao quát tổng thể đâu mà có thể đưa ra ý kiến, việc chính của các em lúc này là học và học tập cho thật tốt, chứ không phải đến trường học là để tham gia hội đồng này, hội đồng kia. Chắc chắn rằng những ý kiến của em học sinh này đưa ra cũng chỉ là “nói lại”, chứ làm sao dám đưa ra ý kiến hay góp ý gì được. Ngay như các thầy cô giáo tham gia vào hội đồng trường phổ thông vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình thì hi vọng gì ở học sinh?”.

“Liệu có phải đây chỉ là hình thức công khai cho có hay không, khi mà các thầy cô lại đặt lên vai học sinh một khối lượng quá với sức nâng của các em, hay chỉ cho vào cho có đủ thành phần, cho có? Nếu nhà trường muốn nghe tâm tư, nguyện vọng thật của học sinh thì theo tôi mỗi một học kì, nhà trường nên tổ chức đối thoại trực tiếp với học sinh toàn trường, hoặc đối thoại với riêng từng khối, như vậy sẽ hiệu quả và thực tế hơn”, thầy Bảo kiến nghị.

Tùng Dương
GIÁO DỤC THAY ĐỔI DIỆN MẠO NHỜ HỘI ĐỒNG TRƯỜNG BIẾT PHẢN BIỆN, GIÁM SÁT
TÙNG DƯƠNG/ GDVN 21-2-2022
GDVN- Chủ tịch hội đồng trường phải là người biết lắng nghe, phân tích, biết tập hợp những đóng góp của các thành viên, và từ đó đưa ra những chiến lược phù hợp nhất.

“Hiện nay tôi đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kì 2019 – 2024, trước đây gọi là hội đồng liên tịch gồm những bộ phận cốt cán trong nhà trường, còn bây giờ hội đồng trường hoạt động theo quy chế và nguyên tắc, họp bàn đưa ra những chỉ đạo, đường hướng phát triển của nhà trường. Có thể nói hội đồng trường rất quan trọng và cần thiết.

Đại diện chính quyền địa phương trong Hội đồng trường của chúng tôi hiện nay là đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường với tư cách là ủy viên, có cả thành phần trưởng ban cha mẹ học sinh, đồng thời có một học sinh trong trường, có đại diện giáo viên, các đoàn thể,… trong nhà trường tham gia với tư cách ủy viên”, Thạc sĩ Đinh Thị Phương Anh – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thạc sĩ Đinh Thị Phương Anh – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Phương Anh cho biết: “So với trước kia thì hiện nay có sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương trong Hội đồng trường đã giúp nhà trường rất nhiều. Có thể nói, những chiến lược phát triển giáo dục của nhà trường được báo cáo với chính quyền, được đưa ra trong các hội nghị của địa phương để các ban ngành cùng thảo luận, Phó chủ tịch phường cũng có ý kiến đóng góp, đưa vào đó những hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới sẽ có tác động tích cực thế nào tới hướng phát triển của nhà trường.

Tuy nhiên tôi chỉ băn khoăn việc chính quyền địa phương về mặt quản lí nhà nước, có liên quan đến việc quản lí nhà trường, nhưng khi tham gia chỉ là ủy viên, lại dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng trường, nhưng khi trường muốn xin ý kiến thì phải là ý kiến của địa phương. Đây là điều hơi bất cập trong chức năng nhiệm vụ.

Đại diện cha mẹ học sinh tham gia vào Hội đồng trường rất tốt bởi, họ sẽ có tiếng nói đóng góp vào sự phát triển chung của nhà trường, đồng thời cũng nắm bắt được chủ trương đường lối, phương hướng, chiến lược của nhà trường để triển khai tới đại diện các lớp, giúp mọi người nắm được toàn diện hơn.

Vai trò của học sinh cũng chỉ là một thành phần trong Hội đồng trường, các em chủ yếu cung cấp các ý kiến, quan điểm và tiếng nói của học sinh trong các cuộc họp của Hội đồng trường. Các em có quyền đưa ra ý kiến, tâm tư đến với các thầy cô, từ đó các thầy cô giáo trong nhà trường cũng nắm bắt được và đưa ra những phương án thay đổi, bổ sung kịp thời các chiến lược sao cho phù hợp nhất”.

Cô Phương Anh nhấn mạnh: “Hội đồng trường rất quan trọng đối với một nhà trường, bởi hiệu trưởng hay ban giám hiệu cũng không thể nào quyết định được hết tất cả các nội dung, mà cần phải qua Hội đồng trường. Các thành viên trong Hội đồng trường gồm tất cả thành viên đại diện cốt cán của các bộ phận trong nhà trường từ Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn, các Tổ trưởng chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn,…Nhiều thành phần như vậy nên sẽ có một cái nhìn tổng thể về hướng phát triển của nhà trường.

Nếu Hội đồng trường hoạt động có hiệu quả thì nhà trường sẽ phát triển tốt và điều này Chủ tịch đóng vai trò quan trọng. Để chọn Chủ tịch Hội đồng trường thì có thể là hiệu trưởng, cũng có thể là phó hiệu trưởng, hoặc có thể là thành phần khác trong bộ máy quản lí. Nhưng Chủ tịch Hội đồng trường phải là người đưa ra được quyết sách cuối cùng sau khi có những đóng góp của các thành viên, chủ tịch phải tập hợp tất cả những ý kiến đó, phân tích, rồi đưa ra những chiến lược để làm sao phù hợp nhất”.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) trong lễ kỉ niệm 45 năm ngày thành lập trường. Ảnh: NVCC.

Nhờ Hội đồng trường nên đã có sự phản biện tốt hơn

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: “Có thể nói, bản thân các thành phần trong Hội đồng trường rất đa dạng, mỗi thành viên có một cách nhìn nhận khách quan, và điểm mới nhất của Thông tư 32 là học sinh cũng có đại diện.

Một điều rõ nét nhất là những quyết sách lớn trong nhà trường trong một năm học, nhờ có Hội đồng trường nên đã có sự phản biện tốt hơn, giúp hiệu trưởng nhà trường rà soát, quyết tâm hơn khi lực lượng đóng góp ý kiến rất đa chiều về chiến lược ngắn hạn, dài hạn của nhà trường, đây cũng là một căn cứ rất rõ nét được quy định tại thông tư.

Tôi ví dụ: Đại diện chính quyền địa phương, có lẽ ở các vùng nông thôn sẽ thuận lợi hơn khi ở mỗi xã chỉ có 1 trường Trung học cơ sở, họ sinh hoạt thường xuyên cũng như nắm bắt tinh thần của địa phương dễ dàng hơn. Nhưng ở thành phố lớn, việc phát triển kinh tế xã hội thì đôi khi các trường học không nắm bắt được hết, bởi vậy khi có người đại diện chính quyền địa phương nắm vững được nghị quyết của Đảng ủy nhiệm kì đó về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương như vậy họ sẽ có hỗ trợ của địa phương trong chiến lược phát triển nhà trường sát hơn.

Đôi khi việc phát triển của trường có tính khả thi không cao, hoặc có thể có chiến lược tốt hơn thì những ý kiến của địa phương cũng là một trong những kênh thông tin rất quan trọng, những ý kiến đó giúp cho Hội đồng trường cũng có những kênh ghi nhận.

Ngoài ra, đại diện cha mẹ học sinh, cũng như của học sinh là những người thụ hưởng giáo dục tại mỗi cơ sở. Với cha mẹ học sinh đang là người trực tiếp đóng vai trò đại diện, họ đưa ra ý kiến, những sự hài lòng và những điểm mà nhà trường cần khắc phục, những cái họ mong muốn,…đương nhiên trên cơ sở đó Hội đồng trường sẽ có thảo luận, đưa ra được những quyết sách giúp cho lãnh đạo nhà trường có tầm nhìn đúng.

Vai trò đại diện của học sinh trong nhà trường, đương nhiên ở tầm nếu đóng góp về chiến lược thì không thể được như mọi người kì vọng, nhưng với thành phần là học sinh chúng ta có thể xin ý kiến những việc đơn giản phù hợp với tính chất lứa tuổi, và những câu hỏi đó nằm trong chiến lược của Hội đồng trường như các em mong muốn gì và đương nhiên là những mong muốn đó phải phù hợp với quyền trẻ em, phù hợp với quy định của học sinh với mục tiêu cấp học, chứ không phải muốn sao là nhà trường phải đáp ứng.

Trên cơ sở đó Hội đồng trường cũng sẽ có những thảo luận, và tất nhiên nếu phù hợp thì nhà trường cũng sẽ có những điều chỉnh nhất định, qua đó hội đồng sẽ vận hành, kiện toàn và điều đó rất quan trọng”.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: T.D.

Giáo dục đang thay đổi diện mạo nhờ Hội đồng trường

“Sau tất cả những việc đó thì theo tôi, Hội đồng trường có một ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi nhà trường, đương nhiên phải vận hành Hội đồng trường đó thực hiện đúng với chức năng nhiệm vụ đã được quy định tại Thông tư 32, chứ không phải thành lập cho có.

Trong khi hiện nay giáo dục đang thay đổi diện mạo, đang thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đối với 3 cấp học thì vai trò đổi mới giáo dục ở đây phải tạo ra được giá trị tốt đẹp cho người học, vì thế Hội đồng trường đóng một ý nghĩa rất quyết định.

Tuy nhiên khi vận hành Hội đồng trường, chúng ta cũng phải có tầm nhìn, phải kiện toàn hàng năm khi có sự thay đổi về nhân sự bởi chắc chắn sẽ có sự biến động liên quan đến các thành viên. Do đó, việc kiện toàn cần phải được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, có vậy việc vận hành mới có hiệu quả”, thầy Cường nhận định.

Có nhiều ý kiến lo ngại hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng trường sẽ dẫn đến chuyên quyền? Về vấn đề này, thầy Cường cho biết: “Nếu lãnh đạo nhà trường cho rằng Hội đồng trường chỉ là hình thức, theo tôi đây là sự thất bại rất lớn, bởi vai trò Hội đồng trường ở đây không phải là thực hiện ý chí của hiệu trưởng, mà rõ ràng có sự phản biện.

Hiệu trưởng là người đưa ra chiến lược, nhưng ở đây là ý kiến tập thể, chính quyền điều hành. Nếu lãnh đạo trường nhận thấy vai trò đúng của Hội đồng trường thì phải lắng nghe ý kiến phản biện của các thành viên. Ý chí tập thể là góc nhìn đa chiều của nhiều thành phần khác nhau cùng nhìn vào một chiến lược, vậy đương nhiên sẽ bao quát hơn rất nhiều.

Và thực tế cho thấy có nhiều nhà trường khi người hiệu trưởng đưa ra những ý tưởng, những người phản biện lại lập luận một cách có lý, có luận cứ rõ ràng thuyết phục, như vậy hiệu trưởng phải lắng nghe, bởi nếu không lắng nghe thì khi thực hiện sẽ không tạo được sự đồng thuận. Nếu trong Hội đồng trường không đồng thuận nhất trí cao thì việc biểu quyết những vấn đề lớn cũng không thể thành công được”.

Chính quyền địa phương khi tham gia chỉ là ủy viên, dưới sự chỉ đạo của hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng trường, về vấn đề này thầy Cường nêu quan điểm: “Quan trọng nhất là nhận thức của đại diện chính quyền địa phương, theo tôi họ cũng nhận thức rất rõ mình là một thành viên có trách nhiệm trong việc cùng với nhà trường, đóng góp ý kiến để xây dựng phát triển cho nhà trường, chứ không phải vai trò tôi là Phó chủ tịch phường, thì sang đây tôi phải chức này, chức kia.

Nhiều lúc mọi người cứ “hình thức hóa” quá về việc thành lập Hội đồng trường, còn chúng ta phải xác định sự đúng đắn của nó được thể hiện rõ trong Thông tư 32 thì mới thấy được ý nghĩa quan trọng thế nào, và người hiệu trưởng sẽ vững tin rất nhiều. Có thể hiệu trưởng cứ triển khai và thực hiện nếu như chưa có người phản biện thì tính thành công chưa được rõ, nhưng trước khi thực hiện, anh nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, phản biện của nhiều thành phần trong và ngoài nhà trường, của giáo viên của tổ chuyên môn,…sẽ khác hơn rất nhiều.

Đây là sự thuận lợi lớn nếu hiệu trưởng vận hành đúng quyết sách của Hội đồng trường thì chắc chắn sẽ thành công, nó hoàn toàn khác với Hội đồng giáo dục của nhà trường. Khi triển khai và thực hiện là chức năng của Hội đồng giáo dục chứ không phải lúc đó bàn chiến lược, ở đây là câu chuyện khác nhau hoàn toàn với chức năng Hội đồng trường chỉ đưa ra bàn những quyết sách lớn”.

Tùng Dương
HỘI ĐỒNG TRƯỜNG PHỔ THÔNG CÓ VAI TRÒ RẤT LỚN KẾT NỐI NHÀ TRƯỜNG-ĐỊA PHƯƠNG
TÙNG DƯƠNG/ GDVN 23-2-2022
GDVN- Khi chưa có hội đồng trường thì hiệu trưởng là người lên kế hoạch với ban giám hiệu, lúc này tính quyết sách không cao và chưa mang tính toàn diện và đa chiều.

“Theo đánh giá của tôi, từ khi thành lập Hội đồng trường thì hiệu quả hoạt động của nhà trường rõ rệt hơn. Trước đây khi chưa có Hội đồng trường thì Hiệu trưởng là người xây dựng kế hoạch, cũng như quyết một số vấn đề, bàn với ban giám hiệu, hoặc hội đồng giáo dục nhà trường,…lúc này tính quyết sách không cao và chưa mang tính toàn diện. Chưa có góc nhìn đa chiều bên ngoài nhà trường.

Ví dụ: Hiệu trưởng và các thành viên trong nhà trường tự nhận thấy việc A, việc B,…trong năm tới chỉ xây dựng ở mức này thôi, mà chưa có sự tư vấn ở bên ngoài như của chính quyền địa phương, hoặc của phụ huynh học sinh, nhưng bây giờ đã có các thành phần đó nên có cái nhìn toàn diện hơn. Trước đây khi chưa có thành phần của chính quyền địa phương tham gia, nhà trường sẽ phải làm việc độc lập với địa phương mà không phải trong các cuộc họp của Hội đồng trường.

Bây giờ khi có Hội đồng trường, và các thành phần tham gia có đại diện chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh, học sinh trong nhà trường, như vậy có thể nói hội đồng trường mang tính toàn diện hơn. Sự góp mặt của các thành viên bên ngoài giúp nhà trường có góc nhìn đa chiều, thậm chí đại diện địa phương là thành viên Hội đồng trường có vai trò rất lớn trong việc kết nối giữa nhà trường với địa phương”, đó là chia sẻ của nhà giáo Phùng Thị Cẩm Giang – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Phùng Thị Cẩm Giang – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.

Có phải hiệu trưởng sẽ quyết hết mọi vấn đề khi chưa có hội đồng trường, theo cô Giang: “Không phải mọi chuyện đều như vậy, nhưng nếu hiệu trưởng là người chuyên quyền, độc đoán sẽ không nghe góp ý của mọi người. Còn hội đồng trường là một tổ chức có quy định thành lập, có từ 9 đến 11 thành viên và đương nhiên trong một cuộc họp thì mọi chuyện sẽ khác hẳn so với việc chỉ có ban giám hiệu, hoặc chỉ một bộ phận lãnh đạo họp bàn với nhau”.

Cùng một nội dung định hướng phát triển các hoạt động giáo dục được đem ra bàn, nhất trí và thông qua tại hội đồng giáo dục nhà trường, và một lần nữa vẫn nội dung này được người hiệu trưởng cũng đồng thời là chủ tịch hội đồng trường mang ra bàn và thông qua tại cuộc họp của hội đồng trường, như vậy có phải là chồng chéo? Về vấn đề này, cô Giang nêu quan điểm:

“Theo tôi không thể gọi là chồng chéo bởi trách nhiệm của người hiệu trưởng bao giờ cũng là người xây dựng dự thảo, trên cơ sở ý kiến của một số thành viên trong nhà trường, chứ không phải là hội đồng trường.

Nhưng hội đồng trường lại có quyền góp ý, phê duyệt kế hoạch giáo dục ấy. Tất nhiên lãnh đạo nhà trường sẽ có sự bàn bạc trước với nhau để xây dựng kế hoạch nhà trường phát triển thế nào, việc này chỉ gói gọn trong sự hiểu biết của nhà trường, hoặc trong ban giám hiệu, và có thể sẽ không đánh giá được hết vấn đề.

Cũng việc đó, đưa ra hội đồng trường thì các thành viên có quyền tham gia, góp ý, phản biện, phân tích được việc xây dựng kế hoạch này có khả thi hay không. Tất nhiên sẽ có những ý kiến trái chiều,…Nhưng ít nhất 2/3 số thành viên trong hội đồng trường đồng ý thì kế hoạch đó sẽ được thực hiện, và hiệu trưởng sẽ có trách nhiệm thực hiện theo đúng những gì đã được hội đồng thông qua. Như vậy không thể gọi là chồng chéo chức năng”.

Khi phóng viên giả định một quyết định đã được ban giám hiệu nhà trường thông qua, nhưng khi bàn tại hội đồng trường lại không nhận được đa số sự đồng thuận thì cô Giang nêu quan điểm:

“Hội đồng trường có quyền phê duyệt, vậy nên kế hoạch được người hiệu trưởng xây dựng có những nội dung mà chưa được hội đồng trường đồng ý vào thời điểm này, thì hiệu trưởng vẫn có thể trình bày tại những cuộc họp sau, có thể đưa ra những quyết định trong giai đoạn sau phù hợp hơn. Chứ không nhất thiết là việc gì cũng phải thực hiện ngay.

Có thể hiệu trưởng muốn thực hiện việc A, việc B ngay, nhưng có thể giai đoạn 5 năm lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như con người, điều kiện kinh tế, điều kiện phát triển của địa phương, nguồn nhân lực,…Hoặc có thể chia nhỏ cho từng giai đoạn. Lúc này hội đồng trường sẽ có cái nhìn toàn diện hơn và không nhất thiết là phải thực hiện ngay như hiệu trưởng đang đề xuất, thậm chí có thể nghiên cứu thực hiện ở giai đoạn sau. Lúc này đương nhiên hiệu trưởng phải thực hiện theo nghị quyết của hội đồng trường, chứ không phải cứ tự ý làm”.

Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.

Các thành viên cũng cần có kế hoạch hoạt động

Hiệu trưởng là chủ tịch hội đồng trường, mọi quyết định đã họp bàn và biểu quyết hướng thực hiện. Vậy nếu xảy ra “sai sót” hoặc kết quả không được như mong muốn thì ai sẽ chịu trách nhiệm thì theo quan điểm của cô Giang: “Khi thực hiện kế hoạch, lúc này không phải là chủ tịch hội đồng trường, mà lúc này vai trò là người hiệu trưởng thực hiện, nếu xảy ra sai sót thì chắc chắn hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm”.

Đánh giá vai trò của đại diện chính quyền địa phương khi tham gia hội đồng trường, cô Giang nói: “Tại trường nơi tôi công tác thì đại diện của chính quyền địa phương tham gia Hội đồng trường là Phó chủ tịch phường, nếu tính về phía chính quyền hay Hội đồng trường họ cũng đều có tiếng nói góp ý, như vậy sẽ hiệu quả hơn.

Kể cả việc triển khai, đôn đốc và khi hiệu trưởng thực hiện nghị quyết có khó khăn gì thì cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ, và mặc dù họ chỉ là thành viên nhưng về phía chính quyền địa phương họ là phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

Hơn nữa, không chỉ đơn thuần là phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường mà còn nằm trong Đảng ủy phường, như vậy tôi đánh giá vai trò cao hơn nhiều so với trước đây khi chưa có Hội đồng trường”.

Chưa kể thành viên hội đồng trường còn có đại diện cha mẹ học sinh, đại diện học sinh tham gia. Theo cô Giang: “Về các thành phần như hiện nay là đạt, nhưng tất nhiên với số lượng khoảng 700 học sinh toàn trường và chỉ chọn 1 em đại diện thì đương nhiên cần phải cân nhắc rất kĩ trước, đặc biệt hiệu trưởng cũng phải cân nhắc kĩ để làm sao em học sinh đó có thể mạnh dạn, có tiếng nói đại diện cho quyền lợi của học sinh toàn trường, những vấn đề liên quan đến học sinh.

Còn về phía phụ huynh học sinh, đương nhiên cũng phải lựa chọn người nói được, làm được, xây dựng được và cũng có những ý kiến phản ánh đúng đắn để hội đồng trường thực hiện, tuy nhiên trong tất cả các mảng mà hội đồng đưa ra xin ý kiến thì không phải là mảng nào học sinh và phụ huynh cũng có thể đưa ra ý kiến một cách sâu sát nhất, mà chỉ những vấn đề liên quan đến mình thì phụ huynh mới tham gia góp ý, thể hiện tiếng nói.

Tất nhiên cũng có trường hợp một vài trường ở đâu đó họ lựa chọn những thành viên đó tham gia vào hội đồng trường nhưng chưa phát huy được thế mạnh, có thể những thành viên đó không có ý kiến gì, chỉ ngồi cho đủ thành phần và như vậy hoạt động của hội đồng trường sẽ không hiệu quả, không thực chất mà chỉ là hình thức”.

Cô Giang nhấn mạnh: “Để một hội đồng trường hoạt động có hiệu quả, phát huy hết khả năng, nghĩa là vai trò phải ở tất cả các thành viên. Chủ tịch hội đồng trường là người đứng đầu có vai trò định hướng, quyết sách. Nhưng để quyết định được một vấn đề gì đó lại cần 2/3 thành viên biểu quyết đồng ý, đương nhiên khi đã được biểu quyết tán thành thì mỗi thành viên đều phải xây dựng cho mình một kế hoạch hoạt động cùng với kế hoạch chung của hội đồng trường.

Còn nếu chỉ một mình chủ tịch hội đồng trường đứng lên hô hào, và mọi người đã biểu quyết nhưng nếu các thành viên kia mỗi người vẫn làm 1 việc, không liên hệ gì hay hợp tác với nhau, không xây dựng kế hoạch riêng của bản thân,…thì một mình chủ tịch hội đồng trường cũng không thể nào làm được”.

Đại hội liên Đội của các em học sinh Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.

Mọi ý kiến của các thành viên hội đồng trường đều vì sự phát triển của giáo dục

Cũng về việc thành lập Hội đồng trường, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Ánh Hoàng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: “Hiện tôi cũng đang tham gia với vai trò là thành viên hội đồng trường tại một trường trung học phổ thông. Với tư cách là đại diện cấp ủy địa phương tham gia, tôi sẽ phản biện và xem trường đó có định hướng phát triển theo đúng kì vọng của cấp huyện, đúng định hướng giáo dục hay không.

Dù đang giữ chức vụ nào đi nữa, nhưng khi đã là một thành viên trong hội đồng trường, mọi ý kiến đóng góp đều vì sự phát triển của giáo dục, chứ không phải tham gia trong vai Nhà nước để chỉ đạo. Mọi quyết định đều được các thành viên thông qua biểu quyết tán thành, và hội đồng giáo dục nhà trường sẽ là người trực tiếp thực hiện”.

Tùng Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét