Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

20220223. QUYẾT ĐỊNH CHỈ ĐỊNH THẦU CAO TỐC BẮC-NAM

  ĐIỂM BÁO MẠNG

LÀM CAO TỐC BẮC-NAM PHÍA ĐÔNG THẬN TRỌNG VÀ TIẾT KIỆM NHẤT

HƯƠNG QUỲNH/ VNN 10-1-2022

Về tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng GTVT nói đã tính toán suất đầu tư từng cây cầu, từng km hầm, cái cống.

Chiều nay (10/1), Quốc hội thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về tổng mức đầu tư 146.000 tỷ đồng, tương đương suất đầu tư là 201 tỷ đồng/km bao gồm cả giải phóng mặt bằng. 

Làm cao tốc Bắc-Nam phía Đông thận trọng, tiết kiệm nhất
ĐB Hoàng Văn Cường. Ảnh: Quốc hội

Trong khi đó, so sánh với các tuyến cao tốc đã hoàn thành như Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì suất đầu tư chỉ 107,5 tỷ đồng/km; tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 122,6 tỷ đồng/km; tuyến Phan Thiết - Dầu Giây là 125,7 tỷ đồng/ km. 

“Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra rằng dự kiến nếu tính toán lại thì tổng mức đầu tư chỉ 130.000 tỷ đồng. Như vậy, suất đầu tư và tổng mức đầu tư rất cần phải cân nhắc lại”, ông Cường đồng tình với cơ chế chỉ định thầu nhưng cần phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện dự án.

Đối với việc sử dụng nguồn vốn, dự kiến sẽ sử dụng 72.000 tỷ đồng từ gói kích thích kinh tế - xã hội, nhưng theo tiến độ thì năm 2022-2023, tổng giải ngân của dự án này chỉ được 31.000 tỷ đồng, có nghĩa sẽ còn ít nhất 40.000 tỷ đồng không thể giải ngân. Dẫn tới, việc cơ cấu nguồn vốn đầu tư và giải ngân gói phục hồi kinh tế vào dự án này rất cần phải tính toán lại. 

Ông Cường cũng cho rằng, với 12 dự án thành phần triển khai theo phương thức đầu tư công, có 4 dự án vẫn có khả năng đầu tư PPP, với tỷ lệ đầu tư nhà nước có thể ở mức cao lên đến 54-65%. 

Đối với đề nghị tách riêng gói giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng giúp cho toàn bộ mức đầu tư sẽ giảm đi, nhà nước sẽ đầu tư mặt bằng, ông Cường cho rằng cơ chế này giúp phần đầu tư còn lại sẽ không còn nhiều, không còn tình trạng phần đầu tư nhà nước vượt hơn 50%. 

Đồng thời, việc tách phần riêng giải phóng mặt bằng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác, như việc huy động được các nguồn lực khi đấu giá nguồn lực như đất đai.

ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng, xây dựng cao tốc Bắc Nam có ý nghĩa về mặt chính trị, bởi tuyến đường này cũng giống như con đường thống nhất Bắc Nam thời kỳ mới.

Làm cao tốc Bắc-Nam phía Đông thận trọng, tiết kiệm nhất
ĐB Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, khi nêu quan điểm về lựa chọn phương án đầu tư công để triển khai dự án, ông Lộc nêu ý kiến đây là “cực chẳng đã” khi tư nhân không làm thì nhà nước phải làm. 

Song, cũng theo ông, với một dự án lớn có ý nghĩa về mặt chính trị, kinh tế xã hội, là biểu tượng của “ý Đảng, lòng dân”, nhưng lại không thu hút được vốn tư nhân tham gia thì cần phải nhìn nhận lại chính sách. 

ĐB Vũ Tiến Lộc cho hay, Đảng đã có chủ trương, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng có tới 2 lần Quốc hội phải điều chỉnh các dự án PPP sang phương thức đầu tư công. 

Ông nêu quan điểm, đây là sự không thành công trong chính sách, lỗi không phải do phương thức PPP mà do cơ chế chính sách thiết kế chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân, nên chưa thành công thu hút nhà đầu tư tư nhân.

Vì vậy, ông đề nghị cần sửa đổi quy định pháp luật chính sách để thu hút đầu tư tư nhân tham gia. Theo đó, Chính phủ nên thành lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư tư nhân vay để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thay vì nhà nước phải đầu tư. Như vậy sẽ chuyển một phần vốn từ đầu tư công sang hỗ trợ đầu tư tư nhân.

Không phải sơ sài chỉ định thầu

Giải trình làm rõ ý kiến của các ĐB, về tổng mức đầu tư, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, bộ đã tính toán suất đầu tư từng cây cầu, từng km hầm, cái cống, kể cả địa chất thủy văn, tính toán của tư vấn có căn cứ cơ sở.

Làm cao tốc Bắc-Nam phía Đông thận trọng, tiết kiệm nhất
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, để tiến tới đấu thầu hoặc chỉ định thầu còn phải thuê tư vấn, lập dự án, lúc đó sẽ xác định cụ thể hướng tuyến, xác định cụ thể các công trình. Sau khi phê duyệt thiết kế, dự toán thì mới chỉ định thầu hoặc đấu thầu.

“Trong quá trình làm chúng tôi sẽ hết sức thận trọng để làm sao đảm bảo đúng quy định và tiết kiệm nhất”, ông Thể đưa ra lời hứa.

Về giải phóng mặt bằng, tái định cư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch mà Chính phủ đã phê duyệt. Theo đó thu hồi một lần, làm hàng rào bảo vệ toàn bộ phần đất này… để đảm bảo theo tiêu chuẩn cao tốc. Như vậy không phải tổ chức giải phóng nhiều lần, không sợ người dân lấn chiếm phần đất đã thực hiện. 

Trong tái định cư, Bộ sẽ tính toán để làm sao phù hợp điều kiện thực tiễn, tránh tình trạng xây dựng tái định cư rộng, nhiều dẫn đến lãng phí và tăng suất đầu tư. 

Bộ trưởng cho biết, việc giải phóng mặt bằng thực hiện trong 1,5 năm, đến cuối năm 2023 phải xong hết toàn bộ. 

Bộ trưởng GTVT cũng cho rằng, các cơ chế đặc thù là rất cần thiết, nếu không có cơ chế đặc thù, nhất là chỉ định thầu tư vấn, chỉ định thầu xây lắp thì sẽ mất rất nhiều thời gian. 

Nếu Quốc hội ủng hộ, mỗi một bước đấu thầu là khoảng 2 tháng sẽ tiết kiệm ít nhất 6-9 tháng, như vậy tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ.

Về công khai, minh bạch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói sẽ rút kinh nghiệm bài học của giai đoạn 1, cơ quan chức năng như công an, thanh tra, kiểm toán sẽ tham gia từ đầu. 

“Vừa qua, giai đoạn 1, C01, C03 cũng tham gia rất tích cực ngay từ khâu lập dự án, tổ chức đấu thầu, nên rất công khai minh bạch. Sắp tới thêm kiểm toán thì rất tốt”, ông Thể nói.

Liên quan đến tiến độ giải ngân, Chính phủ đang chỉ đạo và Bộ GTVT sẽ ban hành quy chế quy định trách nhiệm địa phương, của Bộ GTVT và các bộ ngành, đặc biệt liên quan đến từng hạng mục công việc, trong đó có giải phóng mặt bằng thời điểm nào xong dự án, thời điểm nào xong thiết kế, thời điểm nào có nhà thầu và khởi công.

Đề cập việc chỉ định thầu, ông Thể cho hay thực hiện đúng luật, có hồ sơ yêu cầu, có năng lực và đầy đủ các tiêu chí, công bố công khai rộng rãi, các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp sẽ đăng ký thực hiện tham gia và việc tổ chức xét tuyển đàng hoàng, chứ không phải sơ sài chỉ định thầu. 

Chính phủ cũng dự kiến thành lập Hội đồng liên bộ để làm sao đảm bảo tính công khai, minh bạch. 

Về thu phí đã có Nghị quyết 52 của Quốc hội khóa trước. Hiện nay, bộ đề xuất tổ chức phương án thu phí, bán quyền thu phí theo 2 - 5 - 10 - 15 năm tùy theo điều kiện. Việc này Chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng để báo cáo với TVQH.

Hương Quỳnh

THỦ TƯỚNG QUYẾT ĐỊNH CHỈ ĐỊNH THẦU XÂY LẮP CAO TỐC BẮC-NAM

 PHÍA ĐÔNG

THÀNH NAM/VNN 11-2-2022

Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT và kết quả thẩm định của Bộ KH&ĐT.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ GTVT và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Thủ tướng quyết định chỉ định thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông
Thủ tướng nghe báo cáo tiến độ thi công dự án Phan Thiết - Dầu Giây mùng 5 Tết. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng GTVT và kết quả thẩm định của Bộ KH&ĐT.

Chính phủ giao Bộ GTVT rà soát, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến), cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6/2022 để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt.

UBND các tỉnh, thành phố đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý 2 năm 2023.

Các địa phương khẩn trương tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện các công việc khác có liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng.

Để tạo thuận lợi cho việc cung cấp vật liệu cho dự án, Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù như: nâng công suất khai thác không quá 50% với các mỏ cát, sỏi lòng sông đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ cho dự án; phải xác định đơn vị sử dụng khoáng sản là nhà thầu thi công dự án.

Nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu có vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác, trước khi khai thác nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản…

Sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý.

Bộ GTVT có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành dự án năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 30/6/2022, thực hiện các công việc tiếp theo đảm bảo khởi công trước ngày 31/12/2022; triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023.

Nghị quyết của Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành liên quan, UBND cấp tỉnh trong việc triển khai thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Thành Nam

CAO TỐC BẮC-NAM: NẾU KHÔNG ĐẢM BẢO TIẾN ĐỘ SẼ ĐIỀU CHUYỂN CÔNG TÁC

THU HẰNG/ VNN 18-2-2022

Chiều 18/2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,86km.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện còn thiếu hụt khoảng 12,59 triệu m3 đất đắp tại 6 dự án thành phần. Các địa phương đang tích cực tháo gỡ, dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vật liệu đắp nền đường trong tháng 3/2022.

Cao tốc Bắc - Nam: Nếu không đảm bảo tiến độ sẽ điều chuyển công tác
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp

Về tiến độ tổng thể, trong tổng số 11 dự án, có 7 dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ (trong đó có 1 dự án thành phần đã hoàn thành); 4 dự án thành phần còn lại chưa đáp ứng tiến độ so với kế hoạch ban đầu gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Tuy nhiên các dự án này cơ bản đáp ứng tiến độ theo kế hoạch điều chỉnh và đang dần bù lại tiến độ chậm trễ để đảm bảo hoàn thành theo thời gian quy định của hợp đồng.

Cam kết vốn không thiếu 1 đồng

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Đây là dự án quan trọng của quốc gia nên cam kết vốn không thiếu 1 đồng, làm nhanh thì giải ngân nhanh nên tiến độ phụ thuộc vào các nhà thầu và hỗ trợ của các địa phương”.

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu tất cả các lãnh đạo chủ chốt của các Ban Quản lý dự án phải cam kết tiến độ với bộ, nếu không đảm bảo sẽ điều chuyển công tác. Vấn đề thiếu mỏ đất, đá cũng là trách nhiệm các ban quản lý dự án, phải phối hợp các địa phương để có mỏ, đảm bảo đủ vật liệu xây dựng.

Ông Thể cũng khẳng định, nếu nhà thầu nào không đảm bảo tiến độ sẽ không cho dự thầu các dự án khác trong thời gian tới.

Cao tốc Bắc - Nam: Nếu không đảm bảo tiến độ sẽ điều chuyển công tác
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Đối với các dự án phải hoàn thành năm nay,  Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đoạn Cam Lộ - La Sơn là khả thi nhất về đúng tiến độ. Dự án Mai Sơn - QL45 có giá trị sản lượng thực hiện đạt 50%, đã cơ bản xong nền đường, nên các nhà thầu phải chủ động chuẩn bị đá, mẫu bê tông ngay từ bây giờ.

Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết vừa qua thiếu đất trầm trọng. Hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận đã tập trung, nỗ lực tháo gỡ và cần hoàn thành bố trí mỏ đất trong tháng 3 để đủ điều kiện đảm bảo tiến độ. Còn dự án Phan Thiết - Dầu Giây, đất đắp hiện nay đã đủ, nay cần tập trung về đá và bê tông.

Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hiện vẫn thiếu 3 triệu m3 vật liệu đắp đường. Địa phương đã cấp phép 5 mỏ dự kiến đưa vào khai thác trong tháng 2/2022 đáp ứng cơ bản khối lượng vật liệu đất đắp còn thiếu, khối lượng vật liệu thiếu còn lại (khoảng 0,7 triệu m3) sẽ sử dụng nguồn từ 2 mỏ đang thực hiện thủ tục cấp phép với trữ lượng 0,9 triệu m3, dự kiến xong trong tháng 3/2022.

Nếu không có đổi mới hoàn thành mục tiêu rất khó khăn

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh đây là công trình trọng điểm quốc gia, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, là mong mỏi của nhân dân cả nước.

“Hiện đã phê duyệt, bố trí đủ vốn cho dự án. Do đó, chúng ta làm đến đâu, giải ngân đến đó, đây là điều kiện thuận lợi để bảo đảm tiến độ dự án”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành họp giao ban hàng tháng với các địa phương để “ghé vai cùng các đồng chí giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và giải quyết có hiệu quả”. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản xong.

Cao tốc Bắc - Nam: Nếu không đảm bảo tiến độ sẽ điều chuyển công tác
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành

Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết về cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác, nâng công suất khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án. Các địa phương đã tổ chức thực hiện hiệu quả 2 nghị quyết này. Vấn đề quan trọng là thiếu hụt vật liệu xây dựng thì đến nay cũng đã cơ bản được giải quyết.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu từ nay đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường cao tốc, đưa vào khai thác, sử dụng. Cụ thể, các đoạn cao tốc đang thi công, yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2022 gồm: đoạn từ Mai Sơn (Ninh Bình) - Quốc lộ 45 (Thanh Hoá) dài 63,37km; Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế) dài 98,3km; Vĩnh Hảo (Bình Thuận) đến Dầu Giây (Đồng Nai) dài 199,8km.

Đồng thời, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành 149km trong năm 2023, gồm các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (dài 43,28km); Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50km); Nha Trang - Cam Lâm dài 49,1km và cầu Mỹ Thuận 2 dài 6,6km.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, các nhà thầu, đơn vị thi công quyết liệt hơn nữa, “nếu không có đổi mới, tăng cường thiết bị, bộ máy, không tháo gỡ kịp thời vướng mắc về vật liệu xây dựng thì đến cuối năm, hoàn thành mục tiêu rất khó khăn”.

Trên cơ sở công khai mục tiêu tiến độ đến từng tháng, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng  sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm nếu vi phạm tiến độ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT kịp thời giải ngân theo đúng tiến độ thi công trên công trường; phối hợp với Bộ Xây dựng thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra hiện trường, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng công trình.

Các địa phương Ninh Bình, Nghệ An, Thừa thiên Huế, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà có trách nhiệm thực hiện nghiêm cam kết giải quyết toàn bộ các vướng mắc về nguồn vật liệu trước ngày 15/3.

Đối với các Ban quản lý xây dựng, nhà thầu xây dựng, đơn vị tư vấn, giám sát, Phó Thủ tướng yêu cầu phải huy động tối đa phương tiện, nhân lực, chạy đua với thời gian, kiểm soát tiến độ chặt chẽ, đảm bảo chất lượng. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 sẽ là cơ sở quan trọng để quyết định giao nhiệm vụ thi công xây lắp giai đoạn 2 và các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia trong tương lai.

“Cần lên tiến độ chi tiết và kiểm soát chặt chẽ tiến độ chi tiết này, nếu có hạng mục nào chậm, phải có giải pháp bù tiến độ ngay. Dứt khoát không điều chỉnh tiến độ tổng thể”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Thu Hằng


CAO TỐC BẮC-NAM: CHỈ ĐỊNH THẦU CÔNG KHAI, CỤ THỂ HÓA 
TRÁCH NHIỆM

TRẦN VĂN TƯỜNG/ TVN 21-2-2022

Việc chỉ định thầu với 12 dự án cao tốc Bắc - Nam có quy mô lớn, vốn đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng cần bổ sung hàng loạt tiêu chí để đảm bảo trách nhiệm giải trình của các bên.

Chưa có tiền lệ

Trong nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cho phép Bộ trưởng GTVT và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Hình thức này được áp dụng trong hai năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Quyết định chỉ định thầu dựa trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng GTVT và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng, dài 729km, chia thành 12 dự án thành phần trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau. Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư hồi đầu tháng 11/2021.

Bộ GTVT cho rằng, chỉ định thầu sẽ rút ngắn thời gian triển khai được 3-4 tháng để hoàn thành dự án đúng tiến độ trong giai đoạn 2021-2025.

Cao tốc Bắc - Nam: Chỉ định thầu công khai, cụ thể hóa trách nhiệm
Năm 2025, cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp trên cơ sở bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế theo luật Đấu thầu 2013.

Như vậy, bản chất đấu thầu được thừa nhận như một sự cạnh tranh lành mạnh để chọn thực hiện dự án, công việc hay yêu cầu nào đó. Các thành phần tham dự sẽ tính toán kỹ lưỡng và tận dụng những lợi thế sẵn có như tổ chức quản lý sao cho hiệu quả, công nghệ, thiết bị, nhân công rồi đưa ra giá dự thầu thích hợp nhằm có cơ hội trúng thầu.

Ngoài ra, có thể đưa ra thêm các tiêu chí để được ưu tiên hơn như ngoài giá thành, đảm bảo chất lượng còn tăng thời gian bảo hành công trình, cam kết thi công vượt tiến độ.   

Trong khi đó, chỉ định thầu là hình thức lựa chọn trực tiếp nhà thầu, về lý thuyết cũng đáp ứng yêu cầu của gói thầu để thương thảo và ký kết hợp đồng nhưng hầu như không có sự cạnh tranh, nguy cơ có thể dẫn đến mức giá không hợp lý. Điều rất dễ thấy trong các giao dịch hay đầu tư, kinh doanh, mua bán sẽ không bao giờ có giá thị trường trong bất cứ trường hợp chỉ định thầu nào mà chỉ có duy nhất 1 đơn vị, doanh nghiệp được tham gia.

Luật Đấu thầu 2013 (điểm a, khoản 1, điều 22) cũng quy định chỉ định thầu trong trường hợp “cấp bách” có nêu cụ thể mục đích nội dung cũng như tình huống áp dụng là: (1) Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; (2) Gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; (3) Gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách... 

Như vậy, lấy lý do “cấp bách” để chỉ định thầu 12 dự án cao tốc Bắc - Nam cho thấy quyết tâm rất lớn là phải hoàn thành công trình này trong thời gian thực hiện dự án mà Quốc hội đã giao trong nghị quyết 44/2022/QH15.

Tuy nhiên, cần lưu ý việc chỉ định thầu về lý thuyết rút ngắn thời gian thực hiện dự án nhưng xem ra không đáng kể so với những rủi ro, thiệt hại nếu chọn phải nhà thầu yếu kém. Đối với dự án còn vướng giải phóng mặt bằng, dù có nhà thầu vẫn chưa thể triển khai thi công ngay.

Minh bạch, sàng lọc nhà thầu yếu kém

Theo dự thảo nghị quyết, Bộ GTVT bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương, cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6. Đây mới chỉ là công tác bắt đầu giải tỏa, trải qua nhiều công đoạn, phức tạp, mất thời gian khá lâu.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội xin ý kiến về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Kiểm toán Nhà nước cho biết theo tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án quy mô 4 làn xe là 146.990 tỉ đồng cho 729km - bình quân 175,4 tỉ đồng/km, không tính chi phí giải phóng mặt bằng.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, qua xem xét suất đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 2021-2025 là 130.605 tỉ đồng - giảm hơn 16.330 tỉ so với tờ trình của Chính phủ, tức bình quân 152,9 tỉ/km, không bao gồm giải phóng mặt bằng.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và các cơ quan liên quan rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư, tính khả thi của các dự án này.

Vì vậy, việc chỉ định thầu với 12 dự án cao tốc Bắc - Nam có quy mô lớn, vốn đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng cần bổ sung hàng loạt tiêu chí để đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên.

Dư luận thường lo ngại, các dự án được chỉ định thầu dễ dẫn đến cơ chế xin - cho, khó chọn được đối tác có năng lực tốt nhất nên đi kèm với nhiều bất cập, rủi ro khá cao. Dự án càng lớn, nhiều bộ ngành và thành phần cùng tham gia đánh giá chỉ định thầu nhưng khi xảy ra vấn đề thì thường quy trách nhiệm tập thể, khó cho công tác giám sát và hậu kiểm.

Để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, giá cả hợp lý... cơ quan quản lý cần đưa ra tiêu chí chỉ định cụ thể, công khai để người dân, các doanh nghiệp khác giám sát để sàng lọc nhà thầu yếu kém, thiếu năng lực. Công khai, minh bạch mới là cách lựa chọn nhà thầu có năng lực tốt nhất để đảm bảo tiến độ cũng như hiệu quả đầu tư, thành công cho dự án.

Cần xây dựng tiêu chí rõ ràng, tăng thời gian bảo hành sản phẩm, cụ thể hóa trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan. Chế tài nghiêm các vi phạm, tuyệt đối không tạo điều kiện phát sinh đội vốn dự án bất hợp lý.

Hãy tạo thuận lợi bằng cơ chế cho dự án có thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, quy trình cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu như đá, đất, cát phục vụ dự án. Cần một “nhạc trưởng” quản lý điều hành, phân công nhiệm vụ rõ ràng, khi xảy ra sự cố hay chậm trễ ở khâu nào, liền có người chịu trách nhiệm và phối hợp giải quyết.  

KS Trần Văn Tường

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ƯỚC LUỘNG GẦN ĐÚNG GIÁ KHI KHÔNG ĐẤU THẦU CAO TỐC BẮC NAM?

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 21-2-2022


1. AI SẼ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ PHẢI CHỈ ĐỊNH THẦU?
Chính phủ cho phép Bộ trưởng GTVT và người có thẩm quyền áp dụng hình thức chỉ định thầu cho 12 gói thầu dài 729km đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Đây là điều chưa có tiền lệ. Lý do không đấu thầu là vì đấu thầu sẽ kéo dài thời gian thêm 3,4 tháng. Quyết định của Chính phủ dựa trên đề xuất của Bộ trưởng GTVT.
Đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông có kế hoạch xây dựng đã cả chục năm, tại sao đến lúc này vẫn không kịp 3,4 tháng để đấu thầu? Nếu các công ty tư nhân như Vingroup mà làm việc theo kiểu Bộ GTVT thì làm sao có thể triển khai sản xuất xe thương mại Vinfast trong vòng chưa đầy 2 năm? Ai sẽ chịu trách nhiệm về phải chỉ định thầu? Vì chỉ định thầu theo cách hiện hành không thể tránh khỏi giá cao hơn giá thực.
2. NHANH HƠN 3,4 THÁNG ĐỂ MẤT ĐI 3,4 CHỤC NGÀN TỶ ĐỒNG THÌ CÓ NÊN LÀM KHÔNG?
12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trên các cung đường Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau dài 729km, 4 làn xe, có dự toán ban đầu (không kể chi phí giải phóng mặt bằng) do Chính phủ trình Quốc hội lên đến 146.990 tỷ đồng, bình quân 201,6 tỷ đồng/km. Theo Kiểm toán Nhà nước, sau khi rà soát giảm xuống còn 130.605 tỷ đồng (88,8%), tương ứng 179,1 tỷ đồng/km.
Giá thành 179,1 tỷ đồng/km (không kể chi phí giải phóng mặt bằng) là rất cao. Giá thành xây dựng đường giao thông của nước ta cao hơn nhiều so với các nước. Như đường sắt Cát Linh – Hà Đông lên đến 66,8 triệu USD/km, trong khi tuyến đường sắt Vientiane – Boten dài 414 km của Lào tốc có độ 150 km/h chở khách và 120 km/h chở hàng chỉ có giá thành 14,25 triệu USD/km (mà đây cũng là chưa phải giá xây dựng thực).
Nhân đây xin viện dẫn lại một trường hợp cụ thể trong quá khứ để rút ra cách hành xử trong xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam hiện nay.
Ngày 20/11/2013 ông Tạ Quyết Thắng, TGĐ Công ty TNHH Sơn Trường đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện. Trong đó chỉ ra cụ thể giá thành tính theo m2 của cầu bắc qua sông Bạch Đằng, cửa Nam Triệu:
“Phần cầu, phương án của Sơn Trường là 8 triệu đồng/m2 nếu bỏ thông thuyền và 30 triệu đồng/m2 nếu có 2 khoang thông thuyền giống như thiết kế của Bộ GTVT. Trong khi đó, của Bộ GTVT là 115 triệu đồng/m2. Thứ tự chênh lệch là 14 lần và 3,83 lần”.
“Phần trên bờ (gồm 3,35 km cầu dẫn và 10,2 km đường dẫn): Phương án của Bộ GTVT 22,6 triệu đồng/m2, phương án của Sơn Trường đưa ra là 7,2 triệu đồng/m2 đã có đường bộ vượt 2 đường sắt ở đây. Mức chênh lệch là 3 lần”.
Nhưng cuối cùng thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn quyết định theo phương án đắt đỏ gấp nhiều lần của Bộ GTVT. Cho dù ông Tạ Quyết Thắng đã cất lên những lời gan ruột: “Không phải chỉ cá nhân như chúng tôi mà dư luận và công chúng đều mong đợi Thủ tướng xem xét lại dự án Tân Vũ – Lạch Huyện để hạ tổng mức đầu tư vì đây là vốn vay quá tốn kém, con cháu chúng ta vừa phải trả nợ vừa oán trách thế hệ chúng ta”.
Bỏ đấu thầu, chưa chắc đã cắt ngắn thời gian xây dựng được 3,4 tháng như dự báo của Bộ GTVT, nhưng chịu đắt đỏ lên nhiều chục ngàn tỷ đồng (có thể đến 3,4 chục ngàn tỷ đồng) là điều chắc chắn. Để nhanh hơn 3,4 tháng mà mất đi 3,4 chục ngàn tỷ đồng thì có nên không?
3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỈ ĐỊNH THẦU SÁT GIÁ?
Chỉ định thầu như Nhà nước đã từng làm trong xây dựng đường giao thông không bao giờ sát giá. Bằng chứng cụ thể là Bộ KHĐT đã thẩm định giá 146 990 tỷ đồng để Chính phủ trình Quốc hội, nhưng Kiểm toán Nhà nước đã cắt đi 16 330 tỷ đồng, chỉ còn 130 605 tỷ đồng. Con số này vẫn còn quá cao. Nếu để các giám đốc các công ty xây dựng tư nhân đánh giá, tương tự như trường hợp công ty Sơn Trường trong dự án Tân Vũ – Lạch Huyện nêu trên, thì tổng chi phí dự báo sẽ không vượt quá 100 ngàn tỷ đồng.
Chính phủ đã quyết định chỉ định thầu. Vậy làm thế nào để chỉ định thầu sát giá?
ĐỀ XUẤT
Các cơ quan thẩm định giá của Nhà nước, như thực tiễn nhiều chục năm đã chứng minh, và nóng hổi nhất là giá thiết bị y tế phòng chống covid -19, luôn thẩm định giá cao hơn giá thực tế phải mua. Không có cách nào để sửa chữa khuyết tật này nếu chỉ dựa vào các cơ quan thẩm định giá của Nhà nước. Vì sao thì ai cũng rõ.
Bởi vậy, nên trả một khoản tiền, chẳng hạn 0,5% giá trị tổng thầu cho 12 nhóm chuyên gia tư nhân độc lập để xác định sát giá cho 12 gói thầu nêu trên. Vấn đề là chọn những chuyên gia tư nhân độc lập nào? Và làm thế nào để tin chắc rằng, không ai trong số các chuyên gia đó bị “tác động”?
Dầu sao, nhờ các nhóm chuyên gia tư nhân độc lập tư vấn, không xác định đúng 100 % giá thành mà cho biên độ 105% giá thành, thì cũng giảm được nhiều chục ngàn tỷ đồng.
Thiết nghĩ, mục tiêu hoàn thành 729km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đúng thời hạn năm 2025 không quan trọng bằng chi phí đúng giá. Không chỉ có một cách xác định gần đúng giá như vừa nêu trên. Còn có những cách khác nữa để xác định sát giá. Chỉ có điều là ai sẽ cầm chịch.
Đến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng bày tỏ trong phiên thảo luận chiều ngày 06/01/2022 của Quốc hội: “Việc làm cao tốc Bắc – Nam, kể cả những đoạn đang dở dang, đặc biệt là 746km còn lại là yêu cầu cần thiết cho phát triển đất nước. Mong rằng Quốc hội sẽ thông qua với các cơ chế giám sát một cách cụ thể. Chúng ta tạo điều kiện để có sự chủ động nhưng đồng thời phải tăng cường giám sát để chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình”.
Không biết mong muốn của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có thành hiện thực hay không trong sự chỉ định thầu này?

Không biết còn bao nhiêu lời gan ruột như ông TGĐ Công ty Sơn Trường bị lãng quên?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét