Thứ Năm, 17 tháng 2, 2022

20220218. 43 NĂM CUỘC CHIẾN BIÊN GIỚI VIỆT-TRUNG

ĐIỂM BÁO MẠNG

CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI: NHÌN LẠI ĐỂ TRÂN QUÝ NỀN HÒA BÌNH 

HIỆN TẠI


PHẠM MINH THẾ, HUỲNH THANH MỘNG/ TVN 17-2-2022

Bài viết cung cấp cho độc giả cách nhìn nhận về nguyên nhân của cuộc chiến tranh từ tư liệu hồi ức của các cựu quân nhân Việt Nam.

Tuyên bố của Trung Quốc

Ông Đặng Tiểu Bình - lãnh đạo Trung Quốc đã có những phát biểu, tuyên bố trước về một cuộc chiến tranh đối với Việt Nam.

Trong chuyến đi thăm Mỹ vào cuối tháng 1, đầu tháng 2/1979, ông Đặng Tiểu Bình trao đổi với Tổng thống Jimmy Carter về một số chính sách của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh: “Trung Quốc vẫn phải dạy cho Việt Nam một bài học. Liên Xô có thể sử dụng Cuba, Việt Nam, và sau đó Afghanistan phát triển thành một nước ủy nhiệm. Trung Quốc đang tiếp cận vấn đề này từ một thế mạnh. Hành động sẽ rất hạn chế”.

Chiến tranh biên giới: Nhìn lại để trân quý nền hòa bình hiện tại
Ngày 17/2/1979, lính Trung Quốc tràn sang biên giới nước ta. Ảnh: Thường Thanh

Khi trao đổi với báo chí Mỹ, ông Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh: “Vai trò của người Việt Nam sẽ còn tồi tệ hơn người Cuba”. Và rằng: “Chúng tôi gọi người Việt Nam là những người Cuba của Phương Đông. Nếu bạn không dạy họ những bài học cần thiết, thì điều đó sẽ chẳng xảy ra”. 

Rời nước Mỹ, ông Đặng Tiểu Bình qua Nhật nhằm lôi kéo nước này vào “mặt trận” cô lập Việt Nam. Trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Masayoshi Ohira, ông nhắc lại quan điểm của Trung Quốc: Việt Nam phải bị “trừng phạt” vì Campuchia và cam kết: “Duy trì phát triển lâu dài của hòa bình và ổn định quốc tế… [nhân dân Trung Quốc] sẽ quyết định hoàn thành các nhiệm vụ của chúng ta, và sẽ không vô ngại những điều cần thiết”. 

Đó chính là những lời rào trước, đón sau hay nói cách khác là tuyên bố về việc sẽ tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa mà lãnh đạo Trung Quốc quyết ý thực hiện đối với Việt Nam. 

Ngày 17/2/1979, giới cầm quyền Trung Quốc huy động 60 vạn quân chủ lực tấn công quân sự đối với Việt Nam trên toàn tuyến phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) với chiều dài hơn 1.400km. 

Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, Trung Quốc đã đánh thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam (có những nơi quân đội Trung Quốc vào sâu từ 15 đến 20 km) ở nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, tiến hành các cuộc sát hại nhân dân, đốt phá và cướp bóc các thành phố, thị xã, làng mạc. Với hành động đó, Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, một quốc gia độc lập, có chủ quyền và được quốc tế công nhận. 

Đáp lại hành động của Trung Quốc, Đảng lãnh đạo quân dân Việt Nam thực hiện quyền tự vệ chính đáng, tiến hành cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược ở vùng biên giới phía Bắc. 

Chiến tranh biên giới: Nhìn lại để trân quý nền hòa bình hiện tại
Những người lính tuổi 18, 20 tham gia mặt trận Vị Xuyên. Ảnh tư liệu

Trước tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của quân dân Việt Nam, ngày 5/3/1979, giới cầm quyền Trung Quốc tuyên bố bắt đầu rút quân. Thể hiện thiện chí hòa bình, khi Trung Quốc rút quân, Đảng và Nhà nước Việt Nam tuyên bố không truy kích. 

Từ ngày 6/3/1979, phía Trung Quốc vừa rút quân, vừa đánh phá, gây thiệt hại về người và của đối với đồng bào các dân tộc ở một số vùng giáp biên giới.

Đến ngày 18/3, Trung Quốc mới rút hầu hết quân khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, một bộ phận quân chủ lực Trung Quốc “vẫn chiếm đóng trái phép một số nơi thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, có nơi sâu trong nội địa Việt Nam từ 200-600m; thường xuyên gây xung đột vũ trang, làm cho tình hình trên tuyến biên giới tiếp tục căng thẳng kéo dài”. 

Từ năm 1980, quân Trung Quốc tiếp tục sử dụng pháo, súng cối bắn phá trên toàn tuyến biên giới; đồng thời, tổ chức nhiều đợt tấn công lấn chiếm nhiều điểm trên khu vực biên giới thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc lựa chọn Hà Tuyên và lấy Vị Xuyên làm điểm tấn công lấn chiếm sau ngày 18/3/1979. “Từ một địa bàn được xác định là hướng thứ yếu, Vị Xuyên nhanh chóng trở thành một điểm nóng, một mặt trận điểm trong chính sách gặm nhấm, gây xung đột biên giới của nhà cầm quyền Bắc Kinh”. 

Cuối năm 1988, giới cầm quyền Trung Quốc cho quân dừng hoạt động pháo kích sang đất Việt Nam. Đầu năm 1989, quân Trung Quốc rút khỏi các điểm lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở Bắc Vị Xuyên và dừng hoạt động lấn chiếm trên toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.

Đến tháng 10/1989, Trung Quốc rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đến đây, cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung mới thật sự chấm dứt. 

Ý đồ gây chiến của Trung Quốc  

Bên cạnh việc khai thác các tư liệu hồi ký và phỏng vấn về hồi ức của các cán bộ, cựu quân nhân Việt Nam đã được công bố trên các sách báo, chúng tôi còn trực tiếp phỏng vấn 3 người từng tham gia chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược trên tuyến biên giới phía Bắc trong những năm 1979-1989. 

Một người là đại tá, nguyên Trung đoàn trưởng, tác chiến ở mặt trận Lạng Sơn năm 1979; một đại tá, nguyên chiến sĩ đồn công an vũ trang, tác chiến ở mặt trận Cao Bằng, từ năm 1979-1981; và một thượng sĩ, cựu binh trung đoàn, chiến đấu ở mặt trận Cao Bằng, từ năm 1986-1988. 

Các cựu binh Việt Nam cho rằng có 5 nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bùng nổ của cuộc chiến: 

Thứ nhất, xuất phát từ tham vọng bá quyền, bành trướng, xâm lược Việt Nam của giới cầm quyền Trung Quốc. Đại tá N.C.N. - nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 540, Sư đoàn 338, Quân đoàn 14, tác chiến ở mặt trận Lạng Sơn năm 1979, nói: “Họ muốn thôn tính mình. Họ muốn mua chuộc mình không nổi, nên họ xâm lược mình. Họ bắt buộc mình theo họ". 

Đại tá N.C.S. nguyên là chiến sĩ đồn công an vũ trang Bí Hà (nay là đồn biên phòng Thị Hoa, thuộc Hạ Lang), huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở mặt trận Cao Bằng cho rằng: “Trung Quốc có âm mưu đánh chiếm vào biên giới của ta. Xâm phạm chủ quyền biên giới. Mục đích của họ là đánh chiếm thị xã Cao Bằng. Theo Trung Quốc là 'chiến tranh tự vệ', nhưng họ đánh sâu vào lãnh thổ của ta như vậy thì rõ ràng là họ đã tiến hành một cuộc 'chiến tranh xâm lược'”. 

Nguyên nhân thứ hai của cuộc chiến được các cựu binh Việt Nam lý giải là Trung Quốc muốn đỡ đòn cho tập đoàn Khmer Đỏ trên chiến trường Campuchia nên đã tấn công Việt Nam ở vùng biên giới phía Bắc. 

Ông N.T.Đ. nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 427, Sư đoàn 392, Quân khu 1, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở mặt trận Cao Bằng nói: “Khi tôi tham gia trên chiến trường, mình vẫn nghe đài bên kia phát, là lũ 'tiểu bá' vô ơn, đánh các đồng chí Campuchia… Phải dạy cho Việt Nam một bài học… Từ 'tiểu bá' chính là ám chỉ Việt Nam đánh Campuchia. Về chính thức, Trung Quốc không nói đỡ đòn cho Campuchia. Còn thực tế là như vậy (Việt Nam buộc phải rút một bộ phận quân đội từ Campuchia về hỗ trợ)”. 

Thứ ba, theo các cựu binh Việt Nam, Trung Quốc phát động chiến tranh là để tranh thủ sự ủng hộ của các nước đang chống phá Việt Nam lúc đó, qua đó tập trung nguồn lực phục vụ cho việc thực hiện kế hoạch “4 hiện đại hóa” ở trong nước. 

Thứ tư, việc gây ra cuộc chiến còn là hành động trả đũa của Trung Quốc đối với các động thái ngoại giao của Việt Nam với Liên Xô. Đại tá N.C.N. cũng cho rằng: “Họ đánh mình để làm mình hoang mang, để mình không quan hệ với Liên Xô nữa. Trung Quốc ý đồ thế”. 

Và đây cũng là cách mà ông N.T.Đ. lý giải về nguyên nhân của cuộc chiến tranh. Ông nói: “Theo cá nhân tôi được biết, thế giới lúc bấy giờ, hệ thống chủ nghĩa xã hội có sự rạn nứt. Vị trí của Việt Nam rất quan trọng, nắm được Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn đến Đông Nam Á. Liên Xô có quân đội đóng tại cảng Cam Ranh của Việt Nam. 

Do đó, Việt Nam trở thành một mắt xích cực kỳ quan trọng. Trung Quốc chưa thuyết phục Việt Nam bằng nhiều thứ và chưa thuyết phục được ai bằng kinh tế. Trung Quốc chỉ còn cách sử dụng quân sự. 

Đặng Tiểu Bình nói “dạy cho Việt Nam một bài học” tức là đánh để Việt Nam biết ai là quan trọng. Đặng Tiểu Bình nói “Chổi ngắn không quét được nhện xa” là như thế.

Nguyên nhân thứ năm được các cựu binh Việt Nam nhắc đến là Trung Quốc muốn phá hoại tiềm lực của Việt Nam. 

Có thể thấy rằng mục tiêu kìm hãm sự phát triển, muốn Việt Nam bất ổn cả về kinh tế, chính trị, quân sự và đối ngoại, hòng tách và cô lập Việt Nam ra khỏi các liên minh đối ngoại, hợp tác để phát triển đất nước sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng là một trong nhiều lý do quan trọng để Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh. 

10 năm ròng rã đầy hy sinh

Sẽ còn có nhiều những lý giải khác nhau nữa về nguyên nhân của cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung (1979-1989), song qua khảo cứu tư liệu hồi ký và phỏng vấn một số cán bộ, quân nhân Việt Nam, có thể thấy hầu hết thông tin đều cho rằng người gây ra cuộc chiến này là Trung Quốc và đây là một cuộc chiến tranh phi nghĩa của Trung Quốc đối với Việt Nam. 

Chiến tranh biên giới: Nhìn lại để trân quý nền hòa bình hiện tại
Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên

Từ 5 nguyên nhân được các cựu binh Việt Nam đưa ra thì có thể thấy, đó đều là những nguyên nhân, lý do vô lý xuất phát từ lợi ích của Trung Quốc, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế. 

Đương nhiên, tư liệu hồi ký và phỏng vấn của quân nhân Việt Nam mà chúng tôi đã đề cập ở trên là chưa nhiều; những thông tin trong hồi ức về nguyên nhân bùng nổ cuộc chiến tranh còn ít, chưa phản ánh đầy đủ về nguyên nhân bùng nổ cuộc chiến tranh biên giới 1979-1989. Thêm vào đó, tư liệu hồi ký và phỏng vấn là những ghi chép lại bằng trí nhớ về những sự việc đã xảy ra đối với bản thân trong quá khứ, do đó mang đậm tính chủ quan và phụ thuộc độ lãng quên thông tin của tác giả cung cấp. 

Vì vậy, để nghiên cứu khách quan, toàn diện về cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, cần tiếp tục nghiên cứu và phải nghiên cứu nghiêm túc, đa chiều với nhiều phía, nhiều phương pháp tiếp cận, xóa bỏ những “e ngại” về chính trị - đối ngoại. 

Nghiên cứu về cuộc chiến tranh này không phải để khơi lại, gây chia rẽ thù hằn giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc, mà nhằm tôn vinh những quân nhân Việt Nam đã tham gia chiến đấu và trân quý nền hòa bình hiện tại. 

Tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên năm 2019, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã viết trong Sổ tưởng niệm: “Ngày 17/2/2019. Đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Đảng, Tổ quốc, nhân dân đời đời ghi nhớ công lao của các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ biên cương Tổ quốc trong giai đoạn tháng 2/1979 ở biên giới phía Bắc và kéo dài cả 10 năm ròng rã; đầy hy sinh nhưng cũng đầy khí phách Việt Nam! Kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các đồng chí!”.  

Tài liệu trích dẫn

Báo Nhân dân. 1979. “Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả lời phỏng vấn của đồng chí Mi-a-mô-tô Ta-rô, Đại diện Đảng Cộng sản Nhật Bản, Phân xã trưởng Báo A-ca-ha-ta tại Hà Nội”, số (9020), ra ngày 18/2, tr. 1-4.

Trường Chinh. 1982. “Nhân dân Việt-nam kiên quyết đánh bại mọi mưu mô xâm lược của chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa bá quyền Trung-quốc”, Tạp chí Cộng sản số 3, 1982, trong sách Chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc, Tạp chí Cộng sản xuất bản, Hà Nội - 1983, tr. 33-55.

Lê Tự Đồng. 1979. “Về chủ nghĩa quân phiệt của tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Trung Quốc”, Tạp chí Cộng sản số 3, 1979, trong sách Chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc (1983), Tạp chí Cộng sản xuất bản, Hà Nội, tr. 280 - 294.

Mai Thanh Hải. 2019. “40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 - 17.2.2019): Không thể quên!”, báo Thanh niên, 44 (8453), ngày 13/2, tr.22.

Lê Hiệp. 2019. “40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 - 17.2.2019): Chiến thắng của chính nghĩa”, báo Thanh niên, 48 (8457), ngày 17/2, tr.2.

Howard, Adam M. (General Editor). 2013. Foreign Relations of the United States, 1977 - 1980, Volume XIII - China, United States Government Printing Office, Washington, DC.

Kiều Minh, Nguyệt Hằng. 2019. “Chúng ta đã đánh bại ý đồ xâm lược”, trong cuốn sách: Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) - Góc nhìn báo chí, Đồng Xuân Thụ, Lê Quang Long đồng chủ biên, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

Nguyễn Đức Huy. 2019. Hồi ức Chiến tranh Vị Xuyên, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

Kissinger, Henry. 2001. On China, The Penguin Press, New York.

Lê Kim. 1984. Một bước thất bại của bọn bành trướng Bắc Kinh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.

Trần Ngọc Long. 2019. “Vị Xuyên "đi trước... về sau"”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 2 (514), tr. 53 - 59.

Việt Long. 2019. “Chiến tranh Việt - Trung 1979: diễn biến và hậu quả”. Bài đăng trên trang Nghiên cứu Quốc tế - Tư liệu học thuật chuyên ngành Nghiên cứu Quốc tế.

Phạm Thịnh, Minh Khang. 2019. “Đoạn kết đẹp lạ kỳ hành trình tìm người lính trong bức ảnh nổi tiếng cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược”, đăng trên VTCNews.

Trần Lưu, Đỗ Trung, Quốc Khánh. 2019. “Tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Vị Xuyên, Hà Giang”, báo Sài Gòn giải phóng, (14988), ngày 18/2, tr. 2.

Nxb. Sự thật. 1979. Sức mạnh đoàn kết ý chí quyết thắng, Hà Nội.

Tyler, Patrick. 1999. A great wall: six presidents and China: an investigative history, PublicAffairs, New York.

Beijing Review. 1979. “Vice-Premier Deng in Washington”, No. 6, February 9, pp. 8 - 14. 

TS Phạm Minh Thế - Huỳnh Thanh Mộng (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) 

HỒI ỨC THÁNG 2/1979 CỦA NHỮNG CHIẾN SĨ BẢO VỆ BIÊN GIỚI CAO BẰNG

VOV.vn / GDVN 17-2-2022

GDVN- Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, hàng vạn đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đồng lòng quyết tâm bảo vệ xóm làng, giữ từng tấc đất Tổ quốc.

Tháng 2/1979, nhiều khu vực của huyện Hòa An như thị trấn Nước Hai, các xã Đức Long, Hồng Việt, Bế Triều, Hoàng Tung… lên đến tận thị xã Cao Bằng đã trở thành chiến trường ác liệt. Ông Phùng Đức Vạn, một người dân xóm Nà Bưa, nay là xóm 8 Bế Triều, thị trấn Nước Hai nhớ lại, chỉ một ngày sau khi chiến sự nổ ra, xóm Nà Bưa của ông đã tự tập hợp được một trung đội dân quân với khoảng 50 tay súng.

Ông Phùng Đức Vạn, xóm 8 Bế Triều, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, Cao Bằng nhớ lại kỷ niệm về Trung đội dân quân Nà Bưa, xã Bế Triều, huyện Hòa An, Cao Bằng.

Trong đó, ông là một trong những người trẻ nhất khi mới 16-17 tuổi, người nhiều tuổi cũng đã gần 50. Ai còn sức khỏe đều tham gia trung đội để bảo vệ xóm làng, bảo vệ người dân vào núi tản cư. Trong cuộc chiến, trung đội dân quân Nà Bưa đã có 3 người anh dũng hy sinh.

“Dân quân xóm Nà Bưa lúc ấy đông lắm, thành một trung đội. Trung đội này do bà con tự thành lập, các cựu chiến binh chống Mỹ phục viên là nòng cốt, làm tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Nói chung lúc ấy, già trẻ ai cũng muốn đứng lên cầm súng đánh giặc, bảo vệ xóm làng”, ông Phùng Đức Vạn chia sẻ.

Đàn ông, trai tráng đủ điều kiện sức khỏe đều vào bộ đội hoặc dân quân, du kích. Những người phụ nữ ngoài lo cho gia đình di tản đều hăng hái tham gia nấu cơm, tiếp tế lương thực, cứu chữa thương binh; nhiều cô gái dân tộc Tày, Mông, Dao… cũng trực tiếp cầm súng đánh giặc bảo vệ xóm làng, bảo vệ chính người thân trong gia đình mình.

Một tổ chiến đấu của dân quân huyện Hòa An, Cao Bằng năm 1979. (Ảnh tư liệu của Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Nhà báo Trần Mạnh Thường)

Bà Đinh Thị Danh, xã Hồng Việt, huyện Hòa An nhớ lại: “Tháng 2/1979, mọi người đều tránh vào núi rừng. Những thanh niên, trai tráng, người còn khỏe thì vào dân quân, bảo vệ; người yếu, phụ nữ thì làm cơm, rau phục vụ. Noi gương truyền thống quê hương cách mạng, mọi người cùng nhau đứng ra bảo vệ xóm làng, bảo vệ người già, trẻ nhỏ. Tất cả cùng xuất phát từ truyền thống yêu nước của quê hương...”.

Những người dân xóm Nà Lung, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh vẫn tự hào kể câu chuyện 6 cha con ông Lục Văn Vình, dân tộc Tày cùng sát cánh bên nhau trên chốt chống giặc. Còn ở xã Danh Sỹ, nay là xã Lê Lợi, huyện Thạch An, lại có những câu chuyện như huyền thoại về các trận phục kích, tiêu diệt hàng chục tên giặc ngoại xâm... Khắp các bản làng nơi biên cương này đều có những câu chuyện, những chiến công đầy tự hào như vậy truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ông Đàm Văn Pớ, hiện sống tại thôn Nà Giảo, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) khi đó là bộ đội thời chống Mỹ phục viên đã tái ngũ, tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 106, thuộc huyện đội Hà Quảng. Trong ký ức của ông, cuộc chiến ngày đó không chỉ có những trận đánh giữ chốt trên vùng đất Lũng Nặm mà còn có sự đóng góp của người dân các xóm, xã biên giới sát cánh cùng bộ đội để bảo vệ từng tất đất quê hương Hà Quảng của mình.

Cựu chiến binh Đàm Văn Pớ, xóm Nà Giảo, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) tự hào về những đóng góp của đồng bào, nhân dân Cao Bằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979.

“Hồi đó có lẽ chỉ trừ người 80, 90 tuổi thôi, còn đều tham gia dân quân, tham gia chiến đấu hoặc tải đạn, lương thực nếu bộ đội cần. Tôi ấn tượng nhất là người dân trên xã biên giới Lũng Nặm (Hà Quảng) - nơi tôi đóng quân. Từ khi chúng tôi lên đóng quân chân ướt chân ráo đã được bà con đùm bọc, ủng hộ, chia sẻ từng cây rau đến cân gạo”, ông Đàm Văn Pớ xúc động kể lại.

Nhân dân các dân tộc biên giới Cao Bằng đã và đang một lòng giữ vững đất biên cương. Người dân nơi đây đã phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, bình yên trên các bản làng.

Theo Vov.vn

TỪ CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC 17/2/1979,  

NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

LÊ THÂN /BVN 17-2-2022

CLB Lê Hiếu Đằng

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động hai đại quân khu Quảng Tây và Vân Nam, gồm 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Lực lượng được huy động khoảng trên 60 vạn binh sĩ, 550 Xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải  và 948 máy bay  sẵn sàng phía sau (gồm 706 tiêm kích J-5, J-6, J-7; 120 tiêm kích bom J-6, Q-5 và 122 máy bay ném bom H-5, H-6).

Hải quân TQ cũng phái một lực lượng đặc nhiệm (gồm hai tàu mang tên lửa cùng ba đội tàu phóng lôi nhanh có hỏa tiễn) tới Quần đảo Hoàng Sa để phòng trường hợp Liên Xô can thiệp bằng hải quân. Không quân Trung Quốc không tham chiến trực tiếp (vì e ngại lực lượng phòng không và lực lượng không quân giàu kinh nghiệm của Việt Nam) nhưng đã có 8.500 chuyến bay trinh thám và 228 chuyến bay trực thăng vận tải.

Đây là đợt huy động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên.

Ngoài lực lượng quân chính quy, Trung Quốc còn huy động hàng chục vạn dân công và lực lượng dân binh ở các tỉnh biên giới để tải đồ tiếp tế, tải thương, hỗ trợ quân chính quy phục vụ cho chiến dịch, chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động.

Sau hơn 20 ngày tiến quân xâm lược VN, Trung Quốc đã thương vong 30.000 nhân mạng, mất nhiều xe tăng, pháo, phương tiện cơ giới, buộc phải rút quân.

Tuy nhiên cuộc xâm lược của TQ còn kéo dài cả trên bộ, trên biển với mục đích chiếm đất, chiếm đảo, làm suy yếu VN. Thực chất cuộc chiến tranh xâm lược đó đến nay còn đang diễn biến dưới nhiều hình thức.

Khi ĐCSVN trở thành một bộ phận của Quốc tế CS thì TQ chỉ đạo tiến hành “Cải cách ruộng đất” giết hại 183.000 người, thực chất là nhằm tiêu hao lực lượng người VN yêu nước. Khi VN chiến thắng Pháp ở Điện Biên Phủ buộc Pháp thua cuộc rút quân thì TQ bắt tay tự thỏa thuận với Pháp, bắt ép VN ký Hiệp định Genève chia đôi đất nước, biến Miền Bắc VN thành phên giậu phía Nam TQ và giữ VN luôn phụ thuộc TQ. Khi biết VN sẽ thắng trong cuộc chiến tranh với Mỹ thì TQ tăng cường viện trợ VN để “VN đánh Mỹ đến người VN cuối cùng”. Vừa đẩy Mỹ sa lầy vào chiến tranh VN để phá thế bao vây cấm vận của Mỹ, vừa nhận sự giúp đỡ của Mỹ để hiện đại hoá đất nước, cạnh tranh với Liên Xô lãnh đạo phong trào CS quốc tế. Thực tế năm 1972 Mỹ đã phải nhờ TQ giúp giải quyết cuộc chiến tranh VN và Mỹ đã phải đưa TQ trở thành 1 trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mặc dù trước đó TQ chưa là thành viên của LHQ. Nói chính xác, chiếc ghế thường trực HĐBA LHQ mà TQ nhận được để nâng cao vị thế chính trị trên trường quốc tế có sự góp phần bằng máu xương của mấy triệu người VN đã ngã xuống. Ngày 19/1/1974, TQ tiến công chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN. Sau 1975 TQ xúi giục Khơme Đỏ tấn công gây chiến tranh với VN ở biên giới Tây Nam với sự hỗ trợ quân sự của TQ, 1979 TQ đánh vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc VN để vừa hỗ trợ cho Khơme Đỏ vừa chứng tỏ với Mỹ “VN là kẻ thù của TQ” nhằm tiếp tục tìm sự giúp đỡ của Mỹ để hiện đại hóa đất nước và nâng cao vị thế TQ trên thế giới. 1988 TQ chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của VN và tiến hành thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo đó. Trước tình thế VN bị bao vây cấm vận, lại bị bào mòn sức lực bởi 2 cuộc chiến tranh do TQ thực hiện (cuộc chiến Campuchia và biên giới phía Bắc), trong khi khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu tan rã, VN buộc phải ký hiệp định Thành Đô kết thúc chiến tranh, phá thế bị bao vây cấm vận. Một hiệp định ghi dấu “thời kỳ lệ thuộc mới đã bắt đầu” (lời của Phó Thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch). Mặc dù đã ký hiệp định nhưng TQ không ngừng xâm lược gặm nhấm biển đảo, xây dựng và mở rộng các căn cứ quân sự trên các đảo của VN mà TQ đã cướp; liên tiếp gây khó khăn trong việc khai thác dầu khí của VN, đưa giàn khoan 981 vào lãnh hải VN và gây áp lực với các công ty nước ngoài để họ không tiếp tục hợp tác khai thác dầu khí với VN.

Nhận định:

  1. TQ không bao giờ từ bỏ mưu đồ Hán hóa VN để đi đến xóa sổ dân tộc và đất nước VN như đã Hán Hóa các nước xung quanh như Mông, Hồi, Mãn, Tạng.
  2. Trong khi chưa Hán hóa được thì lợi dụng xương máu của nhân dân VN dưới nhiều chiêu bài khác nhau để thực hiện việc nâng cao vị thế chính trị trên thế giới, hiện đại hóa TQ mọi mặt về kinh tế và quân sự trong mưu đồ bá chủ hoàn cầu.
  3. Luôn luôn tìm mọi cách chia rẽ nhân dân VN với thế giới, ngăn trở mọi sự hợp tác kinh tế giữa VN và cộng đồng thế giới, bằng nhiều phương thức khác nhau gặm nhắm lãnh thổ lãnh hải VN, buộc VN lệ thuộc về mặt kinh tế và chính trị .
  4. So với các nước trên thế giới thì TQ là đối tượng thâm độc nguy hiểm lâu dài đối với an nguy của đất nước VN.

Tình hình như trên có nguồn gốc từ tham vọng vươn lên thành cường quốc và bá quyền của giới cầm quyền TQ và có cả những sai lầm trong chính sách đối nội, đối ngoại của nhà nước VN hiện nay.

TQ là nước láng giềng, dù muốn hay không nhân dân VN cũng phải sống chung hòa bình hữu nghị với nhân dân TQ, tránh mọi cuộc xung đột với TQ nhưng đồng thời phải độc lập tự chủ không lệ thuộc. Con đường của VN hôm nay và sắp tới phải hoàn toàn khác với con đường đã qua, phải từ bỏ ý thức hệ lỗi thời lạc hậu, dân chủ hóa xã hội mọi mặt để đất nước phát triển. (Nạn tham nhũng làm đất nước suy vong. Việc chống tham nhũng vừa qua là một thất bại ai cũng thấy: càng chống, tham nhũng càng gia tăng, vì nguồn gốc tham nhũng ở VN là do thể chế chính trị). Phải dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội để có một chính quyền trong sạch vững mạnh, một nền kinh tế công khai minh bạch phát triển. Dân chủ hóa xã hội cũng đồng thời giải quyết một vấn đề cơ bản nhất của dân tộc, đó là “trồng lại người”. Thay vì chạy theo đồng tiền và quyền lực như tình trạng phổ biến hiện nay, người Việt Nam phải trở về đời sống của con người nhân bản, khai phóng, dân tộc. Giáo dục phải tạo thế hệ mới với những công dân văn minh, thân thiện, khiêm tốn trong xã hội phát triển. Cũng tránh kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tạo nền tảng sống chung hòa bình phát triển cùng với các dân tộc khác.

Dân chủ hóa xã hội VN là điều kiện tiên quyết đồng thời là quyết sách chiến lược để VN từng bước lấy lại những gì đã mất, bảo vệ biên cương, lãnh hải, lãnh thổ của tổ quốc, đồng thời cũng là để thúc đẩy TQ dân chủ hóa xã hội, để hai nước cùng sống chung hòa bình lâu dài.

Saigon, 17 tháng 2 năm 2022

L.T.

Tác giả gửi BVN


43 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU CHỐNG GIẶC TRUNG QUỐC: BÀI HỌC NÀO 

CHO HÀ NỘI HÔM NAY ?

NGUYỄN NAM/ BVN 17-2-2022

(VNTB) – Đặng Tiểu Bình lấy cớ cho rằng Hà Nội “vong ơn, bội nghĩa” tạo thêm sức ép cho quyết định tấn công Việt Nam…

17/2/1979 – 17/2/2022

Ngày này 43 năm trước, cuộc chiến tranh ngắn ngủi và đẫm máu đã diễn ra giữa hai nước từng được mệnh danh “hai người anh em cộng sản”, Việt Nam và Trung Quốc.

Trung Quốc tuyên bố muốn “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Ủ mưu từ ngàn đời này về một Việt Nam Bắc thuộc

Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975, Trung Quốc liên tục có những động thái làm xấu đi quan hệ giữa hai nước, như cắt giảm viện trợ, thúc đẩy Hoa Kiều Việt Nam hồi hương, hay giúp Khơ-me Đỏ Campuchia tiến hành chiến tranh biên giới phía

Tây Nam.

Rạng sáng ngày 17-2-1979, nhà cầm quyền Trung quốc đã huy động hơn 600.000 binh lính quân đội tràn xuống 6 tỉnh giới phía Bắc Việt Nam, thực hiện cuộc chiến tranh có quy mô lớn mà Bắc Kinh cho là “dằn mặt có báo trước”. Các tỉnh mà quân đội Trung Quốc dã tâm cho binh lính nã pháo đạn từ Quảng Ninh đến Lai Châu, trong đó Hà Giang và Lạng Sơn là hai tỉnh Trung quốc tập trung pháo đạn nã nhiều nhất.

Ngay sau khi  Trung Quốc xua quân ồ ạt đánh chiếm một điểm cao, tàn sát dân thường ở tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn từ 11 km ngày đầu tiên, chỉ sau 3 ngày đã dàn quân hơn 1.200 km dọc khắp tuyến biên giới. Hàng ngàn dân thường bị chém giết vô tội, hàng ngàn nóc nhà bị đốt cháy, hàng trăm cây cầu dân sinh bị đánh sập…

Như vậy, nguyên nhân sâu xa của việc tấn công Việt Nam ở biên giới phía Bắc đầu năm 1979 có phải là nhằm làm suy yếu một nước Việt Nam thống nhất?

Câu hỏi này tiếp tục cần phải được giải thích từ nhiều nguyên nhân, phân tích từ

nhiều góc nhìn.

Bắc Kinh từng lu loa họ phát động “cuộc chiến tranh phòng vệ” nhằm đem lại hòa bình cho khu vực biên giới, vốn đã trở nên hỗn loạn từ năm 1977, ảnh hưởng tới đời sống thường nhật của người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó, ngày càng có nhiều bằng chứng được các học giả nước ngoài công bố, cho thấy Bắc Kinh có những mục đích chiến lược xa xôi, ấp ủ từ lâu.

Cuộc chiến mà truyền thông bị dấu nhẹm

Trong suốt năm 1986, Trung Quốc duy trì sức ép với Việt Nam bằng việc tăng cường nã pháo. Đến giữa năm, gần 25.000 quả pháo đã được bắn sang lãnh thổ Việt Nam. Trước đó, năm 1985, Vị Xuyên hứng chịu cái gọi là “20 sự cố” bắn pháo riêng rẽ, liên quan đến hơn 800.000 quả pháo, trong tổng số khoảng 1 triệu quả được bắn sang Việt Nam.

Nhiều tài liệu của Việt Nam cho biết hơn 1 triệu quả đạn súng cối đã được bắn vào một khu vực rộng 10km2 của huyện Vị Xuyên riêng trong năm 1985 với 100 quả đồi chiến lược như 233, 300, 400, 468, 500, 673, 685, 812, 900, 1100, 1509, đồi Quan Sát, đồi Cô Ich, nhất là quanh khu vực giao lộ Thanh Thủy, đã trở thành mục tiêu của

liên tiếp các vụ bắn phá và tấn công trên bộ.

Trong giai đoạn từ ngày 27/5 – 13/6/1985, các lực lượng của Trung Quốc đã bắn 226.900 quả pháo xuống Vị Xuyên. Từ ngày 1 – 7/6/1985, các lực lượng của Trung Quốc đã tiến hành 6 vụ tấn công lên đồi 400 và 1509. Một báo cáo trong nửa đầu năm 1985 cho thấy Trung Quốc đã cử hơn 60 trung đội đến trung đoàn tiến hành các vụ

tấn công vào nhiều địa điểm ở Việt Nam.

Giữa năm 1986, tin tức quốc phòng của Việt Nam cho biết 4/5 đạn pháo của Trung Quốc đã được bắn và rơi vào Vị Xuyên. Ngày 14/10/1986, làng Thanh Thủy ở Vị

Xuyên đã “hứng” 35.000 quả pháo.

Vụ bắn phá lớn nhất xảy ra tháng 1/1987, khi trong một ngày, pháo binh Trung Quốc

bắn tới 60.000 quả pháo vào Vị Xuyên.

Các báo cáo cho thấy giao tranh trên bộ giảm dần từ tháng 7/1986. Tháng 10, tại vòng đàm phán Xô – Trung lần thứ 9, Trung Quốc cuối cùng đã được Liên Xô nhất trí thảo luận vấn đề Campuchia, vấn đề “nước thứ ba” vốn là một điều cấm kỵ từ trước tới nay.

Ngày 13/7/1986, Việt Nam đã thả 72 thuyền nhân Trung Quốc từng xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Ngày 1/8/1986, Hội Chữ thập Đỏ tại Lạng Sơn đã gửi “chia buồn” tới người dân tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sau một trận bão. Ngày 13/8/1986, Việt Nam thông báo nhân dịp Quốc khánh của Trung Quốc là Việt Nam sẽ thả 27 tù nhân Trung Quốc. Những trao đổi đã được tiến hành ngày 6/9/1986, khi Trung Quốc thả 34 người Việt Nam và Việt Nam thả 26 người Trung Quốc.

Ngày 3/10/1986, một đội bóng bàn của Việt Nam đã sang Trung Quốc tham dự giải bóng bàn châu Á lần thứ 8 ở tỉnh Quảng Đông. Và ở các cấp cao hơn, cụm từ “kẻ thù nguy hiểm và trực tiếp” khi nói về Trung Quốc đã không còn được nhắc lại.

Thế nhưng bất chấp các diễn biến tích cực trên, giao tranh vẫn tái diễn ở biên giới Việt – Trung. Ngày 14/10/1986, Việt Nam thông báo rằng Trung Quốc đã bắn 35.000 quả pháo sang Việt Nam và các lực lượng Trung Quốc đã nối lại “các chiến thuật

chiếm đất” ở đây.

Như vậy xem ra cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 do Bắc Kinh khơi mào còn nhằm thử phản ứng của Liên Xô, và qua đó đánh giá khả năng tác chiến của Quân Giải

phóng nhân dân Trung Hoa (PLA).

Cần sòng phẳng với lịch sử

Trong các cuộc phỏng vấn của báo chí nước ngoài sau khi chiến tranh biên giới tháng 2/1979 nổ ra, Đặng Tiểu Bình đã nêu rõ là ngoài lý do chiến lược, ông ta còn muốn trừng trị Việt Nam vì ghét thái độ. Rõ ràng việc Đặng Tiểu Bình sử dụng vũ lực để gửi thông điệp chính trị là vi phạm luật quốc tế và có tội đối với nhân dân cả hai nước mà đến nay lịch sử cần ghi nhận và đưa vào sách giáo khoa cho các thế hệ

hiểu rõ.

Còn việc họ xúi bẩy Hoa Kiều hồi hương như thế nào thì vẫn chưa thực sự rõ ràng. Phía Việt Nam đã đưa ra Sách Trắng năm 1979, cáo buộc nhà cầm quyền Trung Quốc đứng đằng sau một số cá nhân, tổ chức một số cá nhân, tổ chức đã hô hào xúi giục bà con người Hoa hàng loạt tháo chạy khỏi Việt Nam, nhằm chia rẽ nội bộ, gây náo loạn,

giảm uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Phía Trung Quốc thì ngược lại, cáo buộc Việt Nam đàn áp người Hoa và ép họ nhập

quốc tịch Việt Nam.

Vì lưu trữ cả hai bên vẫn chưa được bạch hóa, nên tìm hiểu lại câu chuyện xảy ra như

thế nào trong nạn Hoa Kiều này rất khó khăn.

Tính cho đến hôm nay, người ta vẫn ghi nhận là vào tháng 4/1978, Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, ít nhiều liên quan tới người Hoa là thương nhân, nhà sản xuất, tiểu thủ công nghiệp… Không rõ vì sao khi đó lại có phong trào đòi lấy quốc tịch Trung Quốc trong người Hoa ở Việt Nam nổi lên. Tiếp sau đó thì Trung Quốc loan tin trong cộng đồng người Việt gốc Hoa về cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi giữa hai nước, khiến cộng đồng người Hoa hoảng hốt.

Vậy là người Hoa ở Việt Nam ồ ạt kéo về Trung Quốc. Đến tháng 2/1979, đã có khoảng 160.000 Hoa kiều hồi hương từ Việt Nam bằng đường biển hoặc đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị. Trung Quốc lập các trạm đón tiếp dọc biên giới và đưa tàu sang đón người Hoa về. Ngày 12/7/1978, Trung Quốc đóng cửa biên giới với Việt Nam, làm cho hàng vạn người Hoa muốn về Trung Quốc bị kẹt tại biên giới.

Đặng Tiểu Bình lấy cớ cho rằng Hà Nội “vong ơn, bội nghĩa” tạo thêm sức ép cho

quyết định tấn công Việt Nam…

N.N.

VNTB gửi BVN

CHUYỆN BUỒN, NHÂN DỊP TƯỞNG NIỆM 43 NĂM CUỘC CHIẾN CHỐNG 

QUÂN XÂM LƯỢC

DƯƠNG TỰ LẬP/ TD 17-2-2022

Ba năm trước, tôi gửi bài viết đăng trên Tiếng Dân : “Thiên thu định luận” và người bạn sử học của cha”. Ngay hôm sau, báo mạng Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam vội gỡ bỏ trang ảnh giới thiệu ở mục cá nhân: Các Ủy viên Trung ương Đảng – Đồng chí Hoàng Văn Hoan.
Đồng chí Hoàng Văn Hoan.
Họ và tên: Hoàng Văn Hoan
Tên gọi khác: Hoàng Ngọc Ân
Ngày sinh: 1905
Quê quán: xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Ảnh chụp màn hình: Thông tin về ông Hoàng Văn Hoan đăng trên báo Đảng CSVN đã bị gỡ bỏ trước ngày 26-2-2019
Báo Đảng đăng lên như vậy chẳng khác nào tập đoàn Đảng Cộng sản Việt Nam giơ tay tát thẳng vào mặt ông cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và quẳng vào sọt rác bản án tử hình vắng mặt Hoàng Văn Hoan năm 1979 ngày đó của Lê Duẩn. Tự hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam ngầm báo cáo với “Thiên triều” Trung Nam Hải, rằng chúng tôi thề tuyệt đối trung thành cùng tập đoàn Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cho dù Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam.
Ngay một tuần sau, dì Hồ Thúy, vợ chú Hoàng Nhật Tân, nhà sử học, con trai cựu Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Văn Hoan tìm đến gia đình tôi làm ầm ĩ, đòi gặp để đập bể mặt tôi. Các em tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra, làm cho dì Thúy nóng giận đến vậy.
Dì có kể lại cho gia đình tôi rằng, con dì đọc được bài viết của tôi trên Tiếng Dân, nói hỗn ông nội chúng nó. Dẫu sao cũng chỗ họ hàng thân thiết, người làng với nhau phải biết bảo vệ nhau chứ. Anh con trưởng Hoàng Thái của dì thì nhất quyết không tha tội tôi, nếu gặp mặt.
Dì Hồ Thị Thúy, vợ chú Hoàng Nhật Tân, con dâu ông Hoàng Văn Hoan có tên thật ở làng Quỳnh Đôi là Hồ Thị Hiệng. Dì là người con thứ 6 trong số 14 người con của ông Hồ Như Tuân, còn gọi ông Cửu Tuân, ông Tuân dữ có tiếng trong làng. Muộn hơn một chút, năm 1955 ông Tuân bị quy oan địa chủ (ông bị bắt cho đủ số lượng cấp trên quy định) và bị đám dân quân làng xông tới đốt nhà rồi trói mang đi giam.
Gia đình kể rằng, nửa đêm thấy bọn chúng ngủ gà ngủ gật, ông còn quát lớn:
- Tụi bay ngủ quên để tau chạy thoát ra ngoài thì tau xẻo đứt c*c tụi bây. Vài ngày sau, ông Cửu Tuân bị chúng đem ra bắn ngoài rìa làng.
Mang máu hờn căm dữ tợn của người cha nên dì Thúy cũng gớm ghê đáo để có hạng. Khi lấy chú Hoàng Nhật Tân rồi ra Hà Nội, dì mới đổi tên Hồ Thị Thúy mà chúng tôi chỉ nghe quen chú Tân gọi tình cảm Hồ Thúy.
Sau cuộc chiến biên giới tháng 2 đầu năm 1979, cả dân tộc đánh bọn bành trướng Bắc Kinh cướp nước, đòi dạy Việt Nam một bài học. Ông Hoan bỏ nước chạy sang Bắc Kinh theo hẳn giặc Tàu.
Việc ông theo giặc khiến gia đình chú Tân liêu xiêu điêu đứng gần chục năm trời. Không khí trong nhà chú Tân ngày đó ở 29 phố Nguyễn Gia Thiều lúc nào cũng nặng nề u ám như đưa đám. Vợ chồng chú Tân - dì Thúy thường xuyên lủng củng, xảy ra xô xát, cãi vã lẫn nhau.
Nếu rơi vào hoàn cảnh đấy thì quả thực gia đình nào cũng vậy cả thôi, tránh sao khỏi, nhưng lại còn bị mang tiếng là gia đình theo giặc, suốt ngày công an chìm nổi dòm ngó, rình rập.
Cả nhà chú Tân – dì Thúy và ba người con là anh Hoàng Thái, chị Hoàng Thơ, anh con út Hoàng Thông, cũng bị thôi việc cơ quan, thất nghiệp ngồi nhà, xơ vơ xẩn vẩn. Nỗi dằn vặt, khổ tâm, không may của gia đình chú Tân lại rơi vào giai đoạn đói kém khốn khó nhất của đất nước thời bao cấp tem phiếu.
Phía sườn Tây thì phải đỡ thằng Campuchia quấy phá. Phía Bắc ra sức chống thằng giặc gian hiểm Trung Quốc cướp đất giết dân. Trên trường quốc tế bị cả thế giới cô lập, phong tỏa Việt Nam vì đưa quân đội vào trấn giữ Phnôm Pênh.
Người dân Việt Nam mất hết lòng tin vào sự tiên đoán xằng bậy, nhảm nhí của ông cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tuyên bố ở Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV năm 1976: "Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật Bản trong vòng 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng".
Sau bốn năm cầm súng đi đánh giặc bành trướng Bắc Kinh sống sót, tôi ra quân năm 1982. Những lần đến chơi, nghe dì Thúy kể lại chuyện đã qua mới kinh hãi sự gớm ghê, đáo để của dì, nhất là khi nóng giận, dì đỏ mặt, trợn mắt, phồng má:
- Mấy ngày sau khi ông Hoan bỏ sang Trung Quốc, tao phải bắt chú Tân mày đạp xe tới nhà ông Xuân Thủy, ở 36 Lý Thường Kiệt, hỏi cho ra nhẽ. Vì ông Thủy được bọn nó bố trí cho đi cùng chuyên cơ, thực chất để kèm ông Hoan tới Cộng hòa Dân chủ Đức chữa bệnh. Chúng không ngờ ông Hoan cao mưu hơn chúng.
Dì kể tiếp:
- Chú Tân mày về bảo, ông Thủy cáo mệt không tiếp! Mệt cứt gì, lão ta sợ liên lụy vào thân thì có. Ít lâu sau lại có bọn mang thang, xô thùng, chổi sơn, đòi vào nhà dì quét vôi tường, sơn cửa sổ, tu sửa định kỳ. Dì tống cổ chúng nó đi hết, dì nói thẳng mặt bọn chúng nó, tao có hai thằng con trai khỏe mạnh làm được việc này không cần nhờ tới chúng mày, bọn chúng cắp đít bỏ đi cả.
- Mấy chục năm ở Hà Nội có bao giờ chúng ngó ngàng tới mà giờ đến nhà bà đòi tu với sửa. Mả cha chúng nó, nó cứ tưởng dì không biết bọn chúng là ai? Bọn công an giả dạng thợ chuyên nghiệp để vào nhòm ngó săm soi, lục lọi, chụp ảnh, ghi âm, lấy cắp những gì chúng tưởng ông Hoan còn để lại ở nhà này. Cái nhà tầng hai đối diện bên kia đường nhà mình kia kìa, trước đây cửa sổ phía sau chủ nhà cũ lúc nào cũng mở. Nay gia đình thằng công an mới về thế vào, thì khép hờ hờ để đủ cái khe hở nhòm sang nhà tao. Nó nhòm tao ỉa đấy, tiên sư bố nhà nó chứ, quân mất dạy.
- Cháu biết không? Mấy năm nay ngôi biệt thự 68 Phan Đình Phùng của ông Hoan vẫn bỏ trống, phân cho đứa Trung ương nào vào đó ở chúng nó cũng từ chối vì sợ điềm xui, dớp ông Hoan để lại. Tao thề không bao giờ cho ba đứa con tao được đi theo nghiệp chính trị như ông nội chúng nó. Đi vào con đường này người ta dễ đổi lòng thay dạ, lật lọng tráo trở cắn nhau ác hơn hoang thú, nhẫn tâm lắm cháu ạ.
Tôi nghĩ bụng, dì nói thế mà không sợ động chạm tới ông bố chồng.
***
Tiếng cười và niềm vui hạnh phúc chỉ thực sự trở lại ngôi nhà 29 Nguyễn Gia Thiều của chú Tân - dì Thúy vào năm 1990. Khi cựu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mở đường đồng ý cho gia đình chú được phép sang Trung Quốc thăm cha đẻ Hoàng Văn Hoan của mình hơn mười năm cách biệt.
Bốn tháng sau khi ở chơi thăm cha trở về thì một tuần sau, ngày 16-8-1990, chính ông Nguyễn Văn Linh lại phải nhờ chú Hoàng Nhật Tân cầm thư tay đến Đại Sứ quán Trung Quốc ở 46 Hoàng Diệu, trao cho Đại Sứ đặc mệnh toàn quyền là Trương Đức Duy.
Chú Tân không bao giờ ngờ tới lá thư mà mình đang giữ trong tay của ông Linh kia chỉ ít ngày sau đó sẽ đưa cả vận mệnh dân tộc Việt ngoặt sang một ngã rẽ khác với quỷ oán ma hờn, thần nguyền thánh rủa. Bức thư ác hiểm bất lương ấy đã đem Đảng Cộng sản Việt Nam tới Trung Nam Hải dự Mật ước Thành Đô lưu manh gian trá. Nghiễm nhiên cả dân tộc từ đây nằm trong dây thòng lọng của Trung Hoa tàn độc.
Một sự thật trần trụi từ sau cuộc gặp để mặc cả, ngã giá ở Thành Đô, tới nay Đảng Cộng sản Việt nhũn như con chi chi, nhân dân Việt Nam dở mếu dở máo, điêu đứng như con gì với thằng bạn vàng khốn kiếp láng giềng “nước lạ” này.
Từ "lạ" cũng bắt đầu được dùng rất phổ biến sau Mật ước Thành Đô năm 1990. Nhìn ra biển người ta chỉ thấy “tàu lạ” đâm vào tàu Việt, “máy bay lạ” bay vào vùng trời Việt. Người “nước lạ” bắn giết người nước Việt.
Mấy thằng cha Chủ tịch nước, Ủy viên Trung ương chết không kịp ngáp cũng vì nguyên nhân lạ, bệnh lạ, vi rút lạ. Bọn phía Bắc tràn qua biên giới vào đất Việt, vào cửa Đà Nẵng, nhập cảng Sài Gòn bất hợp pháp, bị bắt cũng gọi “người nước lạ”. Trong Quốc hội mới chỉ thấy nêu có kẻ dùng hai Quốc tịch. Nếu khui ra thì nội các chóp bu Đảng chắc cũng khối kẻ gốc gác “nước lạ” không chừng.
Khi ông Hoan chạy theo “giặc lạ”, anh Hoàng Thái, con trai trưởng của chú Tân – dì Thúy đang là sĩ quan quân đội trong Nha Trang, buộc phải xuất ngũ. Trở về một thời gian dài, nằm nhà nhàm chán, anh luyện rèn thân thể, tập dượt khí công đạt tới thượng thặng.
Có lần đang tập thể thao ngoài hồ Ha-le (hồ Thiền Quang), nhóm thanh niên ngổ ngáo đánh nhau, anh chưa kịp can thì một thằng trong bọn giật đòn gánh của bà hàng rong phang thẳng vào đầu anh, anh né người gồng cánh tay đỡ nhưng mặt vẫn bình thản, cây đòn gánh trong tay thằng côn đồ văng xa mấy mét. Biết vấp phải cao thủ bọn chúng xanh mặt chạy mất dép. Nội công anh thâm hậu như vậy nếu gặp tôi mà vả mặt có lẽ cái mặt tôi nát bấy như bát cháo tiết.
Đang băn khoăn, tới đây nếu gặp dì Thúy và anh Thái không biết sự thể tính mạng mình sẽ ra sao, thì có tin cậu em họ ngoại Hoàng Duy Việt báo: Người làng Quỳnh Đôi theo dõi bài anh viết về các nhân vật của quê mình rất sát sao đấy anh ạ. Chị Dương Thị An, chị họ bên nội nhà anh và anh Hoàng Đình Ân, cháu gọi bà Hồ Thị Thúy, vợ ông Tân, bằng dì ruột cũng phải thừa nhận, anh viết đúng.
Tôi trả lời Việt:
- Anh không có tài viết hay, nhưng với anh viết hay chưa hay bằng viết đúng. Mình cứ viết cho đúng sự thật đã là hay lắm rồi.
Nói chuyện với Việt xong, tôi bùi ngùi nhớ tới nhà sử học Hoàng Nhật Tân. Những lúc vui với bạn bè, tôi thường đem chú Hoàng Nhật Tân, người bạn tâm giao của cha mẹ tôi và chú nhạc sỹ Phạm Tuyên, người hàng xóm nhà tôi ngoài Hà Nội sau này, ra trắc nghiệm.
Một người có cha Hoàng Văn Hoan, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam, theo giặc Trung Quốc, nhưng vẫn viết hồi ký "Thiên thu định luận" để bênh vực bảo vệ cho cha tới cùng, đó là chú Hoàng Nhật Tân.
Một người thì cha có công dựng xây Văn chương Quốc ngữ nước nhà, ông chủ bút báo Nam Phong – Phạm Quỳnh, nổi tiếng, lại bị Việt Minh sát hại, thủ tiêu tàn ác. Nhưng con đẻ Phạm Tuyên vẫn một lòng tôn thờ đi theo Đảng Cộng sản để viết nên những bài hát, lời ca cao vút: "Đảng cho ta một mùa xuân"; "Đảng đã cho ta sáng mắt, sáng lòng"; "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng"; "Màu cờ tôi yêu"... Trong hai người này chúng ta trọng ai? Chắc chắn lời khen được ngả về người con có hiếu Hoàng Nhật Tân.
Bình sinh, mẹ tôi thường ca ngợi lòng hiếu thảo của chú Tân với cha mẹ đẻ của mình. Ngày ông Hoan chạy sang Tàu cư trú, bà Phan Thị Uyển, vợ ông lâm bệnh, lúc tỉnh, khi mê, bỏ nhà ra vườn hoa Canh Nông tìm ông quanh tượng Lê Nin nhưng không thấy. Rồi bà bước đến Đại sứ quán Trung Quốc cạnh đó, nhổ nước bọt phì phì, đòi trả lại chồng.
Chú Tân đi tìm, thấy mẹ, phải cõng bà về, đâu có tiền để thuê xe xích lô. Ngày được sang Trung Quốc thăm ông cũng như trở về Việt Nam khi qua cửa khẩu Trung – Việt, chú lại cõng bà, trước sự giám sát chứng kiến của cảnh sát hai nước. Mọi người cúi đầu tỏ ý kính trọng đối với chú.
Phần đánh giá cho công bằng hai con người sử học Hoàng Nhật Tân và nhạc sĩ Phạm Tuyên, xin nhường độc giả. Tôi chỉ nhắc lại câu nói của cổ nhân: "Phụ thù bất cộng đái thiên". (Thù cha không đội trời chung).
Chị Dương Thị An, con bác họ tôi năm nay 77 tuổi. Chị sống tình cảm và rất thương bọn tôi hồi nhỏ đói khổ. Chị tốt nghiệp thạc sĩ tại nửa phần nước Đức Cộng sản năm 1973. Cha chị là ông Dương Văn Lan, khi xưa cũng thoát ly, đi hoạt động cùng ông ngoại tôi Hoàng Văn Hợp, các ông Hồ Tùng Mậu, Hoàng Văn Hoan, Hồ Viết Thắng...
Ta phải thừa nhận lớp người xa xưa ấy họ sống có ước mơ lý tưởng của cá nhân mình. Họ cuồng nhiệt, cuồng say đi theo cách mạng, hy sinh không tiếc thân. Khi ông ngoại tôi cầm đầu phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị tử hình năm 1931, bác họ tôi vào ngồi tù Lao Bảo, thì ông Hoan đã sang Xiêm (Thái Lan).
Trong Bộ Chính trị đồng trang lứa, riêng ông Hoan chưa một ngày biết ngồi tù của đế quốc thực dân. Hoàng Văn Hoan được cử làm Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Trung Quốc gần chục năm, từ năm 1950. Điều đó rất ảnh hưởng lối sống, cách sinh hoạt đặc Tàu của ông Hoan.
Rồi bác Lan tôi bị đày ra Côn Đảo sau các ông Phạm Hùng, Lê Văn Lương. Ngô Gia Tự, lúc đó vừa vượt Côn Đảo trở về đất liền, thì bị mất tích trên biển. Thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bác được sang điều trị ở Liên Xô cũ. Năm 1966, khi dạo chơi thành Moscow để hôm sau về nước, có người từ phía sau, chạy lên, đứng trước mặt, khoanh tay chào thầy, bác tôi nhận ra tướng Nguyễn Chí Thanh, cũng đang đi dạo cùng nhóm sĩ quan Việt Nam trên Quảng trường đỏ.
Năm 1970, bác nghỉ hưu với các chức vụ đã qua như: Bí thư Tỉnh ủy Quy Nhơn - Bình Định; Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương Hà Nội; Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Trung ương cho người đem Huân chương Độc lập hạng Ba đến trao tặng cá nhân bác, thì bác từ chối không nhận. Họ cầm về, ít lâu sau mang đến Huân chương Độc lập hạng nhất. Chuyện nghe vui như con trẻ nô đùa.
Khi bác mất, chị họ tôi cất bằng Huân chương này rất cẩn thận. Chị bảo, đến đời con thằng Quang, cái Thủy, mà thất cơ lỡ vận, đem bán cho hiệu đồ cổ, chắc may ra cũng mua được gói xôi vừng, xôi xéo chứ chẳng chơi.
Hồi biết tin ông Hoàng Văn Hoan chạy sang Trung Quốc, bác tôi giận dữ chửi:
- Thằng Hoan này có ra chó gì, chạy đâu không chạy, lại đâm đầu theo Tàu, nhục thật là nhục. Nhục cho cả làng Quỳnh Đôi. Cái thằng Tàu này vốn dĩ là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, nó vừa đánh mình trên biên giới, đổ máu xương đồng bào ta. Súc sinh gì đâu.
Bác là chuyên viên cao cấp, lão thành Cách mạng thứ thiệt, cùng một lò với Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, mà còn hằn trong đầu thù giặc Tàu truyền kiếp. Người đời cứ chửi Lê Duẩn cho sướng mồm sướng miệng, chứ kỳ thực bọn hậu sinh cắn cứt cho Duẩn không xong. Thằng khốn kiếp Tàu nào mà loạng quạng mò vào biển Đông, xông đất biên ải thì bác Ba Duẩn cứ là đánh cho đứt dái, teo chim, hết tìm đường về quê mẹ.
Năm vừa rồi, chị có nghe chuyện gia đình chú Hoàng Nhật Tân lên tiếng đe dọa tôi. Chị gọi điện động viên tôi, rồi thút thít:
- Hơn bốn mươi năm trước, lúc chị tiễn cậu đi đánh bọn giặc bành trướng Bắc Kinh. Không dám nói ra nhưng nhìn thân hình gầy gò nhỏ bé non nớt của cậu, chị cứ nghĩ dại... Ông bà nhà ta linh thiêng phù hộ để cậu trở về lành lặn. Xa xưa, đối mặt với giặc Tàu còn không sợ, thì nay sợ gì mấy cái tiểu tiết vụn vặt đó hả em. Chị nghĩ gia đình anh Tân – chị Thúy cũng là những người tử tế. Em cứ viết đúng như em đã viết. Chị đọc thấy thích, tức là dân làng Quỳnh Đôi thích. Chị sẽ gửi em tấm hình bố chị chụp chung cùng ông Hoàng Văn Hoan, Hồ Tùng Mậu, Hồ Viết Thắng, khi bố chị cùng các ông ấy đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 năm 1951”.
Chị hỏi:
- Thế giờ này đang bận gì mà em chưa ngủ?
- Em đang ngồi trước máy để học bài.
- Học gì vậy?
- Em ngồi chờ thằng Bành trướng Trung Quốc dạy cho Việt Nam một bài học qua on lai (online).
Bên kia tiếng chị cười trong nước mắt, giọng chùng xuống:
- Thằng em họ Dương của chị tính nết vẫn lất ngất ẩm ương như ngày nào, rõ chán.
____
Các lão thành Cách mạng làng Quỳnh Đôi (từ trái qua): Hồ Viết Thắng, Hoàng Văn Hoan, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chấn, Dương Văn Lan (áo đen, bìa phải). Nguồn ảnh: Bà Dương Thị An gửi cho tác giả Dương Tự Lập.
Hoàng Thông, đứng trong cùng, sát bia mộ ông nội Hoàng Văn Hoan tại Quỳnh Đôi. Nguồn: Hoàng Duy Việt
Thạc sĩ Dương Thị An, con ông Dương Văn Lan. Nguồn: Hoàng Duy Việt
Ông Hoàng Đình Ân cháu gọi bà Hồ Thị Thúy bằng dì ruột. Nguồn: Hoàng Duy Việt
Ông ngoại tôi Hoàng Văn Hợp có tên trong cuốn: "Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam". Nguồn: Hoàng Duy Việt

Bốn ảnh cuối của ông Hoàng Duy Việt, cháu họ ngoại ông Hoàng Văn Hoan, cung cấp cho tác giả.

CUỘC CHIẾN CHỐNG QUÂN TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC NGÀY 17-2-1979

NGUYỄN VĂN PHƯỚC/ TD 17-2-2022

Có những cuộc chiến, những cái chết không bao giờ được phép quên.
Tổ quốc tỉnh giấc bởi tiếng súng. Năm đó tôi học lớp 11, 17 tuổi.
Cuộc chiến tranh tấn công khốc liệt của Trung Quốc rạng sáng ngày 17-2-1979, giết chết hơn 60.000 người Việt Nam, làm tôi cùng rất nhiều người bạn cấp 3 đã đăng ký nhập ngũ. Cả Việt Nam trào dâng xúc động khi Tổ quốc bị kẻ thù phương Bắc bất ngờ xâm lược, bắn giết - khi cuộc chiến Biên giới Tây Nam đang diễn ra.
Những chuyến bay suốt đêm đến sáng chở những người lính phía Nam tay ghì chặt khẩu súng AK-47 không thể ngủ mong có mặt kịp tại trận chiến biên giới phía Bắc, cứu đồng bào nhân dân mình.
Và rất nhiều những người lính can trường yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đó đã không bao giờ còn có cơ hội trở về với gia đình mình.
Thế mà chỉ sau đó một thời gian, đến 1990, những chiến sĩ trẻ dũng cảm chiến đấu hy sinh chống quân Trung Quốc xâm lược như Hoàng Thị Hồng Chiêm, Nguyễn Bá Lại… cùng trận xâm lăng qui mô xe tăng bộ binh rất lớn không - thể - quên, cũng như trận Hải chiến Gạc Ma bi thương Biển Đông vào rạng sáng 1988 - đã không được nhắc đến một cách công khai suốt một thời gian dài…
Lịch sử chống giặc ngoại xâm cần được ghi chép trung thực, chính xác, đúng như những gì đã diễn ra, để các thế hệ Việt Nam sau này học tập, noi gương cha ông đã anh dũng bảo vệ tổ quốc như thế nào.
Từ trận hải chiến mất quần đảo Hoàng Sa 19-1-1974 vào tay Trung Quốc, Cuộc chiến Chống Quân Trung Quốc Xâm Lược 6 tỉnh Biên giới phía Bắc sáng ngày 17-2-1979 và âm thầm kéo dài gần 10 năm sau đó khắp các tỉnh biên giới (Đây hoàn toàn không phải là cuộc chiến tranh biên giới như nhiều báo đã đưa tin), cuộc tấn công thảm sát giết chết 64 người lính Việt Nam đánh chiếm đảo Gạc Ma - thuộc Trường Sa sáng sớm 14-3-1988 để sau đó bồi đắp xây dựng căn cứ quân sự hiện đại, sân bay Trung Quốc kiểm soát khống chế Biển Đông kiểm soát tàu thuyền Việt Nam hiện nay.
Đây cũng là nghĩa cử uống nước nhớ nguồn, tri ân, ghi nhớ sự hy sinh của những người con Đất Việt đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, biển đảo Tổ Quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Tư liệu quan trọng này cần sớm đưa vào giảng dạy sách giáo khoa.
- ‘Ngọn muốn vươn đến tột đỉnh của tương lai,
- Rễ phải bám chặt tận cùng của quá khứ’.
Đó là 2 câu trong ngôi đền cổ Vua Hùng truyền dạy lại chúng ta.

TRUNG QUỐC HUY ĐỘNG 3 TRIỆU NGƯỜI THAM GIA CUỘC CHIẾN BIÊN

GIỚI VIỆT-TRUNG NĂM 1979

ZHDATE/ TD 17-2-2022


Hiếu Bá Linh lược dịch
Một bài báo tiếng Trung có tựa đề "Tại sao nói cuộc phản công tự vệ năm 1979 chống lại Việt Nam là cuộc chiến tụt hậu (đi sau thời đại)?" được đăng trên trang Zhdate, ngày 6-1-2022, cho biết, trong cuộc chiến "dạy cho Việt Nam một bài học" hồi năm 1979, Đặng Tiểu Bình đã phải huy động một lực lượng lên tới 3 triệu người.
Và bài báo này cũng gián tiếp thừa nhận, Trung Quốc đã bị tổn thất nặng nề, nhất là về con số tử vong và thương vong, vì quân đội Trung Quốc lạc hậu trên nhiều phương diện. Sau đây là phần lược dịch bài báo:
***
Cuộc phản công tự vệ chống Việt Nam năm 1979 đã bộc lộ nhiều vấn đề của quân đội ta, từ việc thiếu trang bị cá nhân và phân bố lực lượng không hợp lý, đến chất lượng đạn không đạt và khả năng chỉ huy chiến đấu của chỉ huy cấp cơ sở. Quân đội ta đã bộc lộ những vấn đề gì trong cuộc phản công tự vệ chống Việt Nam năm 1979” được đề cập trong bài báo này.
Bây giờ, hãy phân tích về lý do tại sao nói rằng, vào năm 1979, chúng ta đã chiến đấu một cuộc chiến lạc hậu với 3 triệu người.
Tại sao lại có 3 triệu người?
Quân đội tham gia phản công tự vệ ở Vân Nam và Quảng Tây gồm có 27 sư đoàn từ 10 binh đoàn dã chiến, cộng với 2 sư đoàn độc lập, 6 trung đoàn phòng thủ biên giới và 4 tiểu đoàn phòng thủ biên giới độc lập từ các quân khu Quảng Tây và Vân Nam.
Ngoài ra còn có 2 sư đoàn pháo binh, 1 trung đoàn pháo binh, 3 sư đoàn pháo phòng không, một tiểu đoàn pháo phòng không độc lập khác, 2 sư đoàn đường sắt, 4 trung đoàn công binh, 2 trung đoàn thông tin liên lạc, 3 trung đoàn cầu thuyền, 2 trung đoàn phòng thủ hóa học, 3 quân đoàn công binh, 8 trạm quân sự, 22 bệnh viện dã chiến, 11 bệnh xá và ít nhất 15 trung đoàn ô tô thuộc quyền quản lý của Sư đoàn Hậu cần Quân khu 20 Quảng Châu và đơn vị cấp Sư đoàn Hậu cần Quân khu 23 Côn Minh.
Cùng với Lục quân, Không quân tham gia các nhiệm vụ tuần tra biên giới với Không đoàn 7 là chủ lực; Hải quân thành lập Đội 217 của Hạm đội Biển Hoa Nam (Biển Đông), trực thuộc các Sư đoàn 8 và 12 của Lực lượng Không quân Hải quân, để thực hiện các nhiệm vụ tuần tra ở Vịnh Bắc Bộ và vùng biển Tây Sa (Hoàng Sa).
Tổng cộng có 558.952 lính Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc - PLA (không bao gồm hải quân) đã tham gia vào cuộc chiến năm 1979 chống Việt Nam. Trong đó, có hơn 320.000 quân ở Mặt trận phía Đông và hơn 230.000 quân ở Mặt trận phía Tây. Cùng với 435.000 dân quân và cửu vạn được huy động ở Quảng Tây (215.000 người) và Vân Nam (220.000 người), tổng số binh lính và thường dân tham gia cuộc chiến là gần một triệu người (994.000 người).
Ở phía Nam, cả triệu binh lính và dân thường đã tiến công toàn diện vào miền Bắc Việt Nam, nhưng ít nhất là 8 tiếng đồng hồ trước ngày 17 tháng 2 năm 1979, ở phần phía Đông và phía Tây của biên giới Xô - Trung, tất cả các binh đoàn dã chiến của quân đội ta được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Quân khu Thẩm Dương, Đại quân khu Bắc Kinh, Quân khu Lan Châu và Quân khu Tân Cương, nơi giáp ranh với Liên Xô cũ và Mông Cổ, đã vào trận theo đúng mệnh lệnh. Hơn 2 triệu binh sĩ được huy động trong khu vực này, chủ yếu để ngăn chặn một cuộc tấn công bất ngờ của Liên Xô vào Trung Quốc.
Chừng nào lực lượng phía Bắc còn chiến đấu, lực lượng phía Nam sẽ ứng chiến càng lâu càng tốt. Năm 1979, tổng quân số cả nước Trung Quốc là 6,1 triệu người, hồi tháng 2 và 3 năm 1979, gần một nửa quân số này đã tham chiến hoặc trong tình trạng ứng chiến.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh hồi năm 1979 mà có tới 3 triệu người tham gia và ứng chiến, thực sự là một cuộc chiến tranh đi sau thời đại (tụt hậu).
Sự tụt hậu này chủ yếu thể hiện ở các khía cạnh sau:
1. Tổ chức lạc hậu
Sau giữa thập niên 1970, quân đội ta được tổ chức lại theo quy chế thành lập sư đoàn, chia thành sư đoàn A và B. Các sư đoàn loại A là đội quân được biên chế đầy đủ (quân số và thiết bị đầy đủ), trong khi sư đoàn loại B chỉ có nửa quân số với cơ sở vật chất bị cắt giảm.
Năm 1979, việc tăng quân số sau giai đoạn chuyển từ thời bình sang thời chiến là điều hiển nhiên, nhưng thiếu sức mạnh chiến đấu.
Lấy sư đoàn loại B phía Nam làm ví dụ, quân số khoảng 5.000 đến 6.000, gồm 3 trung đoàn bộ binh, trung đoàn pháo binh, tiểu đoàn pháo phòng không, tiểu đoàn thông tin liên lạc và tiểu đoàn công binh; ...
Sau khi triển khai chiến lược phản công tự vệ chống Việt Nam được ban hành, các bộ đội tham gia đã ngay lập tức tiến hành các bước chuẩn bị khác nhau, trong đó quan trọng nhất là nâng cấp các sư đoàn loại B lên sư đoàn loại A và hoàn thiện đội hình, nhân sự và thiết bị.
Về tổng thể, mở rộng trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 2 thành 5 đại đội trực thuộc; mở rộng tiểu đoàn bộ binh thành 3 đại đội bộ binh, đại đội súng máy và đại đội pháo binh; ... trung đoàn pháo binh được mở rộng thành 4 tiểu đoàn pháo binh, các đơn vị trực thuộc sư đoàn cũng được tổ chức lại phù hợp với yêu cầu mở rộng. Đồng thời, bổ sung, điều chỉnh đội ngũ cán bộ có liên quan, trang bị và làm phong phú thêm các loại quân nhu kỹ thuật, bổ sung, điều chỉnh vũ khí, trang bị, khí tài, phương tiện.
Sau khi nâng cấp theo cách này, các sư đoàn quân tham chiến từ 5.000 đến 6.000 sẽ tăng lên thành 11.000 - 12.000 binh sĩ, đều đạt tiêu chuẩn binh chủng loại A đủ biên chế, đáp ứng cơ bản nhu cầu chiến đấu.
Năm 1979, Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) huy động tổng cộng 29 sư đoàn lục quân, trong đó 21 sư đoàn ban đầu là sư đoàn loại B và cần được nâng cấp tạm thời. Lấy Sư đoàn 149 thuộc Binh đoàn 50 của Quân khu Thành Đô làm ví dụ, toàn bộ sư đoàn được mở rộng thành 1 sở chỉ huy tiểu đoàn và 36 đại đội, điều chỉnh nâng cấp 836 cán bộ, thăng cấp 1.350 đại đội phó, bổ sung 2.539 cựu chiến binh và 3.108 tân binh (tổng cộng bổ sung 5.647 người), đồng thời bổ sung, điều chỉnh số lượng lớn vũ khí trang bị, vật tư.
Bây giờ mọi người đều có thể nhìn ra vấn đề trong nháy mắt. Hơn 70% trong số 29 sư đoàn tham chiến là sư đoàn loại B. Nếu tất cả chúng được nâng cấp cho phù hợp với Binh đoàn 50 và sư đoàn 149, có nghĩa là 21 sư đoàn loại B sẽ phải bổ sung 50.000 cựu chiến binh và 60.000 tân binh, và nhiều sư đoàn có thể có tỷ lệ tân binh cao hơn.
Có quá nhiều tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng và tiểu đội trưởng trong một sư đoàn, một nửa số người trong một đại đội không biết nhau, và gần 30% là tân binh. Làm thế nào để đánh trận đây?
Lực lượng huy động chiến tranh tốt nhất thế giới hồi đó là Israel, quân số thường trực ít, quân dự bị được huấn luyện quân sự hoàn chỉnh còn đông hơn gấp nhiều lần, khi tập hợp lại thì có thể thành lập các đội quân và tham gia chiến đấu, và các binh sĩ đã quen thuộc với nhau.
Như Zhuge Liang đã nói, sau khi xem xét thực tế, chúng ta có thời gian chuẩn bị gần hai tháng (Quân ủy Trung ương đã phát lệnh phản công tự vệ chống Việt Nam vào ngày 8 tháng 12 năm 1978), nếu dùng thời gian này để gọi lại những cựu chiến binh đã được giải ngũ trong hai năm qua, thì thương vong của chúng ta sẽ giảm ít nhất hai phần ba. Bởi vì tỷ lệ thương vong đáng kể là những tân binh.
Vì vậy, vào chiều ngày 16 tháng 3, khi cuộc phản công tự vệ chống lại Việt Nam kết thúc, Đặng Tiểu Bình, lúc đó là Phó Chủ tịch Quân ủy kiêm Tổng tham mưu trưởng, đã chỉ ra vấn đề này trong bài phát biểu của mình:
"Một sư đoàn phải bổ sung vài ngàn người, nhưng một đội hình ban đầu chỉ gồm hai binh sĩ, nay cần bổ sung bảy hoặc tám người, và họ sẽ đi ra tiền tuyến mà không được huấn luyện gì cả. Họ nên được huấn luyện trong một tháng thì tốt hơn. Hệ thống này chưa tốt và vẫn còn nhiều vấn đề cần tổng kết".
Sư đoàn loại B được gọi là sư đoàn rút gọn. Rút gọn trong thời bình, và mở rộng trong thời chiến, nhưng không có hệ thống dự bị hoàn hảo tương ứng, chỉ có thể bổ sung tạm thời một số lượng lớn quân nhân mới nhập ngũ, thiếu huấn luyện, chưa biết trận mạc là gì và phải trả giá bằng xương máu trong thực chiến.
Sau này, quân đội ta đẩy mạnh tốc độ xây dựng hiện đại hóa và khởi công xây dựng quân dự bị động viên.
Lực lượng dân quân tải đạn dược. Nguồn: Zhdate
2. Hậu cần còn lạc hậu
Hậu cần còn lạc hậu, và phương thức tiếp tế của chiến dịch Hoài Hải vẫn được sử dụng.
Như đã nói ở trên, Quảng Tây và Vân Nam đã huy động tổng cộng 435.000 dân quân và cửu vạn, tổ chức tổng cộng 101 tiểu đoàn cáng dân quân (dùng cáng để vận chuyển) và 45 đội vận tải, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giao nhận và di tản.
Ví dụ phần giới thiệu này: “Tổng cộng 4.028 dân quân và cửu vạn được giao cho Sư đoàn 122. Họ đến từ 4 quận Debao, Tianyang, Jingxi và Napo ở Baise. Người lớn nhất 60 tuổi và người trẻ nhất 18 tuổi. Trong thực hiện nhiệm vụ, các đồng chí nêu cao tinh thần dũng cảm, ngoan cường, không sợ hy sinh, không sợ mệt, chiến đấu liên tục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tích cực bảo đảm thắng lợi toàn diện cho trận đánh, và phản ánh sức mạnh vô song của chiến tranh nhân dân. Theo thống kê, trong 28 ngày đêm, họ đã vận chuyển 16.930 hộp đạn, 40 tấn vật tư, 1.300 thương binh và 355 liệt sĩ. Trung bình mỗi ngày hành trình khứ hồi của mỗi người khoảng 30 cây số, trong quá trình làm nhiệm vụ đã có 51 đồng chí dân quân bị thương, 9 đồng chí hy sinh!"
Quân đội chính quy Việt Nam nằm rải rác, ẩn náu trong rừng núi phía Bắc, thường xuyên tấn công vào tuyến tiếp tế hậu cần của ta, cửu vạn bị thiệt hại rất nhiều.
Ở chiến trường Việt Nam nên sử dụng các phương thức tiếp tế hậu cần hiện đại để bảo đảm cho bộ đội tiền tuyến chiến đấu liên tục.
3. Tư duy trang bị còn lạc hậu
Nhìn vào những bức ảnh về cuộc phản công tự vệ chống Việt Nam năm 1979, có thể thấy, phần lớn thời gian đầu, các chiến sĩ Quân Giải phóng Nhân dân đều đội những chiếc mũ vải của quân phục kiểu 65 trên đầu. Tất nhiên, bộ đội Việt Nam cũng không khá hơn là bao. Những chiếc mũ lưỡi trai đội trên đầu có tác dụng che nắng tốt, không có tác dụng chống đạn và mảnh bom nhưng tốt hơn mũ vải.
Chúng ta không có mũ bảo hiểm bằng thép trong kho của chúng ta sao?
Có! Có 700.000 mũ thép Type 90 Nhật Bản, cũng như mũ thép của Mỹ bị quân đội quốc gia thu giữ, quá đủ để cung cấp cho các sĩ quan và binh lính tham gia chiến tranh. Tuy nhiên, vào thập niên 1970, quân đội chúng ta nhấn mạnh vào chính trị, nhấn mạnh rằng chiến sĩ Quân Giải phóng không sợ chết, không sợ gian khổ, đội mũ sắt là biểu hiện của sự sợ hãi cái chết.
Kết quả, thống kê sau chiến tranh, cho thấy 31% quân ta chết do chấn thương sọ não! Mũ thép không chống đạn nhưng có tác dụng tốt đối với mảnh bom, và tỷ lệ pháo trong chiến tranh hiện đại từ lâu đã vượt hơn đạn. Đội mũ thép có thể giảm thiểu rất nhiều thương vong mà lẽ ra có thể tránh được. Do đó, trong bài phát biểu ngày 16 tháng 3, Đặng Tiểu Bình nói:
"Chúng ta đã kết thúc trận chiến này, chúng ta phải làm gì? Việc đầu tiên gọi là tổng kết kinh nghiệm. Về vấn đề này có nhiều điều đáng tổng kết, chẳng hạn về quân đội, có một loạt vấn đề cần quan tâm, bao gồm hệ thống quân đội, đường lối xây dựng quân đội và cách huấn luyện quân đội".
Chỉ 4 ngày sau, ngày 20/3, Quân ủy Trung ương ra “Thông báo tổng kết kinh nghiệm phản công tự vệ trên biên giới Trung - Việt”.
Từ ngày 21 tháng 3 đến cuối tháng 5, Viện trưởng Song Shilun của Học viện Khoa học Quân sự dẫn đầu đoàn nghiên cứu gồm 310 thành viên của Ban Giáo dục và Đào tạo Quân ủy điều tra bộ đội tham gia ở Quảng Tây và Vân Nam để tham gia tổng kết kinh nghiệm chiến đấu.
Bây giờ nhìn lại, thật may là 2 triệu quân chuẩn bị chiến tranh ở 3 khu vực phía Bắc giáp biên giới Trung - Xô đã không đánh nhau với Liên Xô, hãy nhớ đoạn trên: Quân khu Thẩm Dương, Quân khu Bắc Kinh, Quân khu Lan Châu và Quân khu Tân Cương giáp ranh Liên Xô cũ và Mông Cổ được lệnh vào trận, các sư đoàn bộ binh loại B của 4 quân khu chủ lực được bổ sung nhân lực, trang bị và nâng cấp thành sư đoàn loại A thời chiến.
Sư đoàn B có bao nhiêu tân binh trong hai triệu đơn vị sẵn sàng chiến đấu cấp một? Họ đội mũ lưỡi trai giáp mặt với đoàn thiết giáp lớn nhất thế giới với hỏa lực gấp hơn chục lần quân đội Việt Nam, dù dũng cảm đến mấy thì tôi cũng sợ rằng họ sẽ phải trả một cái giá không nhỏ để đánh đuổi quân đội Liên Xô!
May mắn thay, chúng tôi đã đánh trận này vào năm 1979, tìm ra vấn đề với "giá phải trả" tương đối nhỏ và đúc kết kinh nghiệm cũng như bài học. Kể từ đó, chúng ta đội mũ sắt trên chiến trường, khẩu súng bán tự động được thay thế bằng súng trường tự động, sử dụng trực thăng để vận chuyển thương binh và thành lập một lực lượng quân dự bị.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI VIỆT-TRUNG 1979

LUẬT KHOA/ TD 17-2-2022


Nhìn lại một cuộc chiến mà cả hai bên chính quyền đều muốn lãng quên.
1. Thông tin sơ lược
Rạng sáng 17/2/1979, tức ngày 21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, Trung Quốc cho hàng trăm nghìn quân tấn công vào 6 tỉnh dọc biên giới phía Bắc Việt Nam, bao gồm Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Theo các dữ liệu phổ biến, số quân lính Trung Quốc lên đến hơn 600 nghìn, cùng với khoảng 400 xe tăng, xe bọc thép và hơn 1.500 khẩu pháo. [1] [10]
Cuộc chiến chính thức kéo dài 30 ngày. Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam (một số trang tiếng Anh ghi Trung Quốc rút quân vào ngày 16/3). Dù vậy, các cuộc tấn công quy mô nhỏ vẫn tiếp diễn đến tận 10 năm sau đó.
Kết quả: Cả hai phía đều tuyên bố chiến thắng. Các con số thương vong chính xác không được công bố, mỗi bên đều có xu hướng giảm con số phía bên mình và tăng con số phía đối phương. Theo một ước tính của giới nghiên cứu phương Tây được dẫn lại trên tờ Time, Trung Quốc mất ít nhất 20 nghìn người, trong khi số người tử vong tại Việt Nam là dưới 10 nghìn. [2]
2. Quyết tâm tàn phá của Trung Quốc
Quân Trung Quốc áp dụng chiến thuật “tiêu thổ” (scorched-earth policy), tức là đặt mục tiêu hủy hoại tất cả những gì mà họ cho là có lợi cho kẻ thù. Đây là sách lược mà Trung Quốc sử dụng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950. [1]
Đoàn quân đông đảo của Trung Quốc vì thế phá hủy mọi thứ họ gặp trên đường, chiếm đóng các khu dân cư, giết hại thường dân. Cuộc chiến dù ngắn, nhưng sự hủy hoại của nó lại khủng khiếp.
Phía Việt Nam tuyên bố có đến hàng chục nghìn thường dân đã bị giết hại. [3] Không thể kiểm chứng con số này, nhưng có nhiều lời kể của nhân chứng về việc trẻ em và phụ nữ mang thai đã bị quân Trung Quốc giết hại và ném xuống giếng. [4] Nhiều thị xã bị hủy diệt hoàn toàn.
3. Lý do của cuộc chiến
Lý do phổ biến nhất được đưa ra là Trung Quốc “muốn dạy cho Việt Nam một bài học”, trích dẫn câu nói của Đặng Tiểu Bình trong cuộc họp riêng của ông này với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter về vấn đề Việt Nam vào tháng 1/1979 tại Washington. [5]
Phía Trung Quốc muốn bắt tay với Mỹ để chống lại Liên Xô. Đặng Tiểu Bình gọi việc “Việt Nam xâm lược Campuchia” là tiếp tay cho chủ nghĩa bá quyền của Liên Xô. Ông bày tỏ ý định sẽ đưa quân vào để trừng phạt Việt Nam. [6]
Theo nhà ngoại giao Trần Quang Cơ, Việt Nam đã “không khôn ngoan” trong việc cân bằng quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc. Các động thái ngả về phía Liên Xô - kẻ thù lớn nhất của Trung Quốc lúc đó, cùng với chính sách hà khắc với người Hoa trong nước đã tạo thành cớ để Trung Quốc tấn công. Trong khi đó, việc dính líu sâu và lâu vào vấn đề Campuchia khiến Việt Nam mất đi sự ủng hộ của khu vực ASEAN, đồng thời để tuột mất cơ hội bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ. [6]
4. Ứng xử của Việt Nam
Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã tiếp tay cho các hành động của Pol Pot, xâm phạm tình hữu nghị của hai nước và dựng lên sự kiện nạn Kiều để làm cớ tấn công Việt Nam. Phía Việt Nam tuyên bố chiến thắng cuộc chiến năm 1979, bảo vệ thành công biên giới phía Bắc. [7]
Trong phần lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980, Việt Nam gọi Trung Quốc là “bọn bá quyền xâm lược”. Câu này được bỏ đi vào năm 1988, khi hai nước tiến đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao. [8]
Sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, Việt Nam tránh nhắc đến sự kiện này. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông dâng cao. Năm 2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trở thành chủ tịch nước đầu tiên công khai tưởng niệm cuộc chiến. Đến năm 2019, dịp kỷ niệm 40 năm, sách báo về cuộc chiến bắt đầu xuất hiện, cùng với lời kêu gọi sửa đổi sách giáo khoa để viết chi tiết hơn về cuộc chiến này. Các cựu chiến binh lên tiếng mạnh mẽ để đòi công bằng cho những người đã hy sinh trong cuộc chiến. [1] [7]
5. Quan điểm quốc tế
Ngày nay, Trung Quốc vẫn gọi cuộc chiến 1979 là động thái “tự vệ” trước Việt Nam. Bộ máy tuyên truyền của nước này thuyết phục công chúng rằng Trung Quốc là phe chính nghĩa, và đã bảo vệ thành công đất nước. [9]
Theo The Diplomat, giới nghiên cứu phương Tây đã đồng thuận rằng Trung Quốc mới là bên gây hấn, với bằng chứng rõ rệt rằng gần như toàn bộ khu vực chiến sự nằm ở phía lãnh thổ Việt Nam. [1]
Nhiều học giả cho rằng cuộc chiến là một thất bại của phía Trung Quốc ở ba phương diện: (1) không khiến Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, (2) không làm tổn hại nhiều đến quân lực chính của Việt Nam, vì lực lượng tham chiến phía Việt Nam phần lớn là dân quân tự vệ, và (3) không thuyết phục được Mỹ tham gia liên minh chống Liên Xô.
Đối với mục tiêu phá hoại miền Bắc Việt Nam, có thể nói Trung Quốc đã thành công, tuy nhiên, họ phải mất thời gian đến vài tuần, thay vì vài ngày như dự định.
6. Đọc thêm về cuộc chiến
- “Hồi ức và suy nghĩ”, hồi ký của nhà ngoại giao Trần Quang Cơ. Link tải.
- “Biên giới 1979 trước biển người phương Bắc” – Phóng sự đặc biệt của báo điện tử VnExpress.
- “Những mùa xuân con không về” – Tập bút ký về Chiến tranh Biên giới 1979, Nhiều tác giả, Nhà xuất bản Trẻ 2019
- “The bitter legacy of the 1979 China – Vietnam war”, Nguyễn Minh Quang, đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 23/2/2017.
- “Bên thắng cuộc - Quyển I: Giải phóng”, chương 4: Vụ Nạn kiều
- Bài viết tổng hợp các nguồn tư liệu về cuộc chiến trên Luật Khoa: “Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Đọc gì về một cuộc chiến bị lãng quên?”.
_____
*Ghi chú: Các nguồn ảnh: Getty Images, VnExpress, AP Photo, Bettmann/ CORBIS, Flickr. Đồ họa: Luật Khoa.
Tài liệu tham khảo:
[1] The Diplomat. (2017, February 24). The Bitter Legacy of the 1979 China-Vietnam War. https://thediplomat.com/.../the-bitter-legacy-of-the.../
[2] Time, China-Vietnam Border War, 30 years later http://content.time.com/.../0,29307,1879849_1846224,00.html
[3] VnExpress. (2014, February 13). 35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc. vnexpress.net. https://vnexpress.net/35-nam-cuoc-chien-bien-gioi-phia...
[4] VnExpress. (2017, February 17). Remembering Vietnam’s bloody border war with China - VnExpress International. https://e.vnexpress.net/.../remembering-vietnam-s-bloody...
[5] VnExpress. (2019, July 4). Biên giới 1979 trước “biển người” phương Bắc. vnexpress.net. https://vnexpress.net/bien-gioi-1979-truoc-bien-nguoi...
[6] Hồi ức và suy nghĩ, Trần Quang Cơ, 2001.
[7] VnExpress. (2019, February 15). Cuộc chiến biên giới phía Bắc sẽ có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa. Tin nhanh VnExpress. https://web.archive.org/.../cuoc-chien-bien-gioi-phia-bac...
[8] Hiến pháp 1980, Nghị quyết về việc sửa lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 28/6/1988.
[9] Lu, R. (2014, February 21). Comment: Beijing wants people to forget the Sino-Vietnamese War. SBS News. https://www.sbs.com.au/.../comment-beijing-wants-people...
[10] Báo Thanh Niên (2021, February 17). 42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 - 17.2.2021): Thắm màu cờ cực Bắc. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/42-nam-cuoc-chien-dau-bao-ve-bien...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét