Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

20220212. NGHỆ SĨ ƯU TÚ TIẾN HỢI QUA ĐỜI

 ĐIỂM BÁO MẠNG


NSƯT TIẾN HỢI-NGƯỜI NHIỀU LẦN ĐÓNG VAI BÁC HỒ NHẤT QUA ĐỜI

QUỲNH AN-HM/ VNN 10-2-2022

Nghệ sĩ trang điểm Vương Đạm Thủy, vợ diễn viên Tiến Hợi thông tin với VietNamNet, chồng chị qua đời lúc 4h ngày 10/2 sau thời gian bị bệnh.

Diễn viên Tiến Hợi - nghệ sĩ 35 năm gắn bó với hình tượng Bác Hồ, qua đời ở tuổi 63 sau thời gian lâm bệnh khiến nhiều người xót xa. 

NSƯT Tiến Hợi, người nhiều lần đóng vai Bác Hồ nhất qua đời
Nghệ sĩ Vương Đạm Thủy hóa trang cho NSƯT Tiến Hợi giống hình tượng Bác Hồ.

NSƯT Tiến Hợi tên thật là Nguyễn Tiến Hợi sinh năm 1959. Ông có quê cha ở Nghệ An, quê mẹ ở Hà Nội. Trong cuộc đời mình, ông nổi tiếng là nghệ sĩ hóa thân nhiều nhất và cũng giống nhất hình ảnh Bác Hồ trên phim lẫn sân khấu kịch. 

Các bộ phim và vở kịch nổi bật ông từng tham gia là: Hà Nội - mùa đông 46; Hẹn gặp lại Sài Gòn; Hoa ban trắng; Hoa ban đỏ, Xin lĩnh án tử hình; Vùng lạnh; Sám hối; Vòng đời; Vị thánh trong mơ; Những người con Hà Nội…

NSƯT Tiến Hợi, người nhiều lần đóng vai Bác Hồ nhất qua đời

NSƯT Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ bên suối Lê Nin. 

NSƯT Tiến Hợi lần đầu thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch Đêm trắng (1987) khi mới 28 tuổi và đến nay đã hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch và phim điện ảnh hay phim truyền hình và hàng trăm lần vào vai Bác trong những sự kiện chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm.

NSƯT Tiến Hợi từng đoạt Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992 vở Xin lĩnh án tử hình nhờ vai Chủ tịch Hồ Chí Minh; Huy chương bạc vở Vùng lạnh tại Liên hoan sân khấu Toàn quốc năm 2018 vai ông Sinh.  

Năm 2013, sách Kỷ lục Guinness của Việt Nam đã xác nhận Tiến Hợi là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ nhiều thể loại nhất. 

VỢ NSƯT TIẾN HỢI: CHỒNG TÔI PHÁT HIỆN UNG THƯ PHỔI GIAI ĐOẠN CUỐI MÙNG 4 TẾT

PHẠM TRẦN-QUỲNH AN/ VNN 10-2-2022

"Tết Nhâm Dần anh Hợi vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường... Không ai nghĩ anh lại ra đi nhanh như thế", vợ diễn viên Tiến Hợi cho biết.

Vợ NSƯT Tiến Hợi: Chồng tôi phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối mùng 4 Tết
Ảnh cưới của NSƯT Tiến Hợi và nghệ sĩ Vương Đạm Thủy do gia đình cung cấp.

Nghệ sĩ trang điểm Vương Đạm Thủy - vợ diễn viên Tiến Hợi cho biết chồng bà qua đời lúc 4h ngày 10/2 tại Hà Nội ở tuổi 63 sau thời gian bị bệnh.

Trong nỗi đau thương vô hạn, vợ diễn viên Tiến Hợi kể với VietNamNet: "Tết Nhâm Dần anh Hợi vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường. Đến ngày mùng 4 Tết thì anh kêu chân có cảm giác tê bì, di chuyển thấy đau nên gia đình đưa anh vào bệnh viện Y học Quân đội khám. Tại đây bác sĩ cho biết anh bị ung thư phổi giai đoạn cuối, tiên lượng xấu, gia đình cho anh về nhà. Cậu con trai cả Nguyễn Vương Thành cũng đã bay từ TP.HCM ra Hà Nội. Không ai nghĩ anh lại ra đi nhanh như thế", chị Thuỷ cho biết.

Vợ NSƯT Tiến Hợi: Chồng tôi phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối mùng 4 Tết
NSƯT Tiến Hợi nhiều lần hóa thân hình tượng Bác Hồ trên sân khấu và phim ảnh.  

Nghe tin NSƯT Tiến Hợi qua đời, nhiều nghệ sĩ đã có những chia sẻ về cố nghệ sĩ trên trang cá nhân.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát - nguyên Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam viết: "Được tin NSƯT Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ của Điện ảnh Việt Nam mất. Tiến Hợi còn trẻ mà, sao cũng đã vội ra đi? NSƯT Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ trong nhiều phim (Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hà Nội mùa đông năm 46..,) là hai phim khá nặng ký và thành công của anh. Mỗi lần LHP giao lưu trò chuyện gặp gỡ khán giả - Tiến Hợi luôn được mọi người mến mộ. Tính tình ngoài đời vui vẻ hóm hỉnh nhưng vì vào vai Bác Hồ nên luôn phải giữ gìn vẻ nghiêm trang".

Vợ NSƯT Tiến Hợi: Chồng tôi phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối mùng 4 Tết
NSƯT Tiến Hợi và NSND Thu Hà.

NSND Thu Hà chia sẻ ký ức đẹp về người đồng nghiệp đáng kính. "Vĩnh biệt chú! Người đồng chí, đồng nghiệp, người chú thân yêu của cháu! Mùng 8 Tết cháu đi lễ tại đền thờ Bác Hồ trên đỉnh non thiêng Ba Vì, chẳng hiểu sao khi lễ hình ảnh chú về bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn cứ hiện ra. Như được tái hiện hình ảnh thời tuổi trẻ gian khó tìm đường cứu nước của Bác. Hai hàng nước mắt cứ rơi và 15 phút sau thì nhận được báo tin từ vợ chú. Sớm nay không thể tin, không muốn tin là chú đã mãi xa.

Vợ NSƯT Tiến Hợi: Chồng tôi phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối mùng 4 Tết
NSƯT Tiến Hợi vào vai Bác Hồ trong phim 'Hẹn gặp lại Sài Gòn'

Cháu sẽ không còn thấy một chú Hợi đẹp trai trong bộ quân phục ngày đầu đi tuyển cháu. Được làm đồng chí với chú trong những tháng năm phục vụ quân đội tại đoàn Nghệ thuật Quân khu, được làm đồng nghiệp cùng chú tại Nhà hát Kịch Hà Nội, được làm cháu trong gia đình thân yêu của chú.... Chú hiền hậu thanh cao. Chú không mất! Chú sẽ mãi trong lòng đồng chí đồng đội, sẽ mãi là người chú người anh trong ngôi nhà thân yêu Nhà hát Kịch Hà Nội".

Diễn viên Minh Tiệp viết: "Vĩnh biệt anh NSƯT Tiến Hợi (vai Bác Hồ)... Mãi nhớ anh với những kỷ niệm đẹp. Một nghệ sĩ có tài đức, một người anh đáng trân trọng về con người và nhân cách sống". 

Lễ tang NSƯT Tiến Hợi sẽ diễn ra vào 17h ngày 11/2 tại nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra hồi 18h30 phút cùng ngày, hoả táng tại đài hoá thân Hoàn Vũ (Văn Điển - Hà Nội). Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ đứng ra làm lễ tang cho NSƯT Tiến Hợi. 

Phạm Trần-Quỳnh An

DẤU MỐC SỰ NGHIỆP NSƯT TIẾN HỢI ĐỀU LIÊN QUAN ĐẾN VAI DIỄN

 BÁC HỒ

NGÂN AN/ VNN 10-2-2022

NSƯT Tiến Hợi, người 40 lần đóng Bác Hồ và thể hiện vai này thành công nhất, qua đời sáng 10/2 ở tuổi 63.

NSƯT Tiến Hợi từng tâm sự, bằng tấm lòng yêu quý Bác Hồ - vị cha già của dân tộc Việt Nam, trong mọi tác phẩm ông thể hiện (sân khấu, điện ảnh, truyền hình và phát thanh) ông đều cố gắng nuôi dưỡng cảm xúc nguyên vẹn với mỗi lần hóa thân hình tượng Bác.

Dấu mốc sự nghiệp NSƯT Tiến Hợi đều liên quan đến vai diễn Bác Hồ
NSƯT Tiến Hợi.

Năm 1987, khi còn là diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2, Tiến Hợi lần đầu vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch Đêm trắng. 28 tuổi, ông vào vai vị cha già dân tộc, lại là vở kịch đầu tiên đề cập đề tài chống tiêu cực, biển thủ công quỹ của nhà nước. Nhân vật xuất hiện rất nhiều từ đầu đến cuối, có những những phân đoạn gai góc, Bác Hồ thể hiện những lời nói mạnh, thể hiện sự bực tức mãnh liệt khiến Tiến Hợi lúc đó rất lo lắng. Nhưng bằng sự cố gắng, sau 2 tháng miệt mài nghe, tìm hiểu tư liệu về Bác, Tiến Hợi đã có vai khởi đầu ấn tượng với hình tượng Bác Hồ.

Năm 1988, ông về công tác tại Nhà hát kịch Hà Nội, vợ ông cũng đi theo. Cuộc sống khó khăn, nghệ sĩ trang điểm Vương Đạm Thủy chấp nhận thôi làm nghề diễn viên để ở nhà mở cửa hàng may có thêm thu nhập cho chồng yên tâm công tác. Ông bao giờ cũng là gương mặt đạo diễn lựa chọn đầu tiên khi giao đóng vai Bác Hồ. Và bao giờ người hóa trang cho ông không ai khác chính là vợ. Ở Nhà hát, ông tiếp tục đảm nhận vai Bác Hồ - Nguyễn Tất Thành trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn.

Đặc biệt, trong bộ phim Hà Nội mùa đông năm 1946, lấy bổi cảnh Bác Hồ trong giai đoạn lịch sử khi ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, sự thể hiện thành công của Tiến Hợi đã góp phần mang về cho bộ phimt giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam sau đó. 

Dấu mốc sự nghiệp NSƯT Tiến Hợi đều liên quan đến vai diễn Bác Hồ
NSƯT Tiến Hợi (bên trái) thể hiện vai Nguyễn Tất Thành trong phim
“Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

NSƯT Tiến Hợi từng tâm sự, vì "đóng đinh" với vai diễn Bác Hồ gần 40 năm nên phong cách sống của Bác cứ tự nhiên ngấm dần vào người ông và hình thành một phần tính cách con người Tiến Hợi. Đó là sự dung dị, mộc mạc và chính xác trong công việc. Nhiều người nhận xét hình như Tiến Hợi bị "nhiễm" vai diễn của Bác Hồ hay sao mà từ dáng đi, dáng tay, tác phong giống Bác như thế. Bản thân Tiến Hợi đôi khi đi tập, ngồi nói chuyện với các anh chị em trong đoàn tự nhiên giọng nói lại nảy lên chất giọng cũng rất giống Bác. "Đến bây giờ tôi vẫn luôn thấy, không chỉ sự nghiệp mà ngay cả với cuộc đời tôi, vai diễn Bác Hồ chính là một cái duyên!", NSƯT từng chia sẻ.

Dấu mốc sự nghiệp NSƯT Tiến Hợi đều liên quan đến vai diễn Bác Hồ
NSƯT Tiến Hợi và vợ.

Nghiệp diễn gắn liền với vai Bác Hồ, tính cách đã ảnh hưởng nhưng những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của NSƯT Tiến Hợi cũng gắn với sự kiện liên quan tới Bác.  

Ông có 2 người con trai. Năm 1989 khi đang đóng phim Hẹn gặp lại Sài Gòn thì vợ ông mang bầu cậu con trai đầu. Năm 1990 - kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ, cũng là năm vợ Tiến Hợi sinh con đầu lòng nên ông đặt tên con là Nguyễn Vương Thành. Tiến Hợi bảo đóng vai Nguyễn Tất Thành nên lấy họ của vợ và chồng ghép vào làm tên đệm cho con.

Năm 1996, Tiến Hợi tham gia phim Hà Nội mùa đông năm 1946 củađạo diễn Đặng Nhật Minh. Quay xong bộ phim thì vợ ông lại mang bầu. Đến năm 1997 vợ Tiến Hợi sinh con trai thứ hai và đặt tên là Nguyễn Vương Nam. Ông nói: "Hai cậu con trai gắn liền với 2 bộ phim truyện nhựa mà mình thể hiện. Đấy là hai mốc lịch sử của gia đình". 

Năm 2013, sách Kỷ lục Guinness của Việt Nam đã xác nhận Tiến Hợi là "Nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ trong nhiều thể loại nhất".  

Thành công với vai diễn về hình tượng Bác Hồ của NSƯT Tiến Hợi không thể không nhắc tới người vợ - Vương Đạm Thuỷ  - người mà bao nhiêu lần ông đóng vai Bác Hồ thì bấy nhiêu lần hoá trang cho ông. Nhờ công việc hóa trang cho diễn viên thành Bác Hồ, bà mới gặp, yêu và kết hôn với NSƯT Tiến Hợi.

Ngân An

CHUYỆN NGƯỜI VỢ HÓA TRANG NGHÌN LẦN CHO CHỒNG ĐÓNG VAI 

BÁC HỒ

KHÁNH LINH-THANH UYÊN- MINH TUYỀN/ VNN 19-5-2020

 - Nhiều năm làm công việc hóa trang, nghệ sĩ Vương Đạm Thủy được xem là người phụ nữ gắn bó với NSƯT Tiến Hợi - người đóng nhiều vai Bác Hồ thành công.

Vương Đạm Thủy là nghệ sĩ hóa trang, từ năm 1987 đến nay, cô chuyên hóa trang cho các diễn viên đóng vai Bác Hồ, đặc biệt là chồng mình - NSƯT Tiến Hợi.

Không chỉ làm công việc liên quan đến Bác, cuộc sống của người phụ nữ này cũng có mối liên hệ mật thiết với Hồ Chủ tịch. Cô sinh ngày 19/5, trùng ngày sinh với Bác. Điều bất ngờ hơn, quê gốc của cô cũng ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, cùng quê với Bác Hồ.

Nữ nghệ sĩ chia sẻ, nhờ công việc hóa trang cho diễn viên thành Bác Hồ, cô mới gặp, yêu và kết hôn với NSƯT Tiến Hợi, người diễn viên được cho là diễn vai Bác Hồ thành công nhất từ trước đến nay.

- Chồng là diễn viên diễn vai Bác (NSƯT Tiến Hợi), còn mình là người hóa trang cho chồng, chị có thể chia sẻ về điều này?

Thực sự, đây là một mối duyên giữa tôi và anh Tiến Hợi. Khi công tác ở đoàn nghệ thuật Trường Sơn, tôi may mắn được cử đi học hóa trang hình tượng Bác Hồ, người thầy của tôi là NSƯT Nhữ Đình Nguyên. Từ năm 1987 đến nay, tôi đã hóa trang cho anh Hợi khoảng hàng nghìn lần.

Mặc dù anh ấy là chồng tôi nhưng cứ mỗi lần hóa trang Bác Hồ xong, tôi mất hẳn cảm giác đó là chồng mình, thấy một cái gì đấy rất khó tả nhưng vẫn có sự trân trọng. Cứ mỗi lần xem anh ấy diễn, thật sự tôi vẫn có những cảm xúc rất mạnh.

Cách đây 1, 2 hôm, xem anh ấy diễn mà tôi vẫn khóc. Chỉ khi tẩy trang cho anh ấy xong mới lại trở về đời thường, tôi mới dám đùa và cư xử bình thường. Lần nào cũng vậy, cứ hóa trang, dán râu xong là tôi trở thành ''thanh niên già'' nghiêm túc, không dám đùa, lúc nào cũng tỉa tót cho anh ấy từng ly từng tí. Tôi không biết đến bao giờ bản thân mới mất đi được những cảm giác đấy.


Chuyện người vợ hóa trang nghìn lần cho chồng đóng vai Bác Hồ
Nghệ sĩ Vương Đạm Thủy ân cần hóa trang cho chồng vào vai Bác Hồ.

- Chị có nghĩ điều khiến chồng mình thành công với vai diễn này là khuôn mặt hao hao giống Bác nên dễ hóa trang?

Thật ra, hóa trang chỉ tạo nên hình tượng thôi, còn thành công hay không là do người nghệ sĩ thể hiện. Tôi cũng không biết mình có ưu ái cho chồng hay không nhưng thật sự khi xem anh ấy diễn, tôi thấy có thần thái và cái hồn.

Tôi nghĩ việc tất cả mọi người công nhận anh ấy, phần hình thể và hóa trang cũng chỉ chiếm 40 – 50%, nửa phần còn lại hoàn toàn là do diễn xuất.

- Chị và NSƯT Tiến Hợi gặp nhau trong quá trình làm việc cùng ở vai diễn Bác Hồ, mối lương duyên của hai người có liên quan đến nhân vật này có đúng không?

Tôi nghĩ điều này rất đúng. Có một chuyện khi tôi nói ra chắc mọi người sẽ nghĩ: “Ồ, đúng là số trời” bởi vì sinh nhật tôi là 19/5 và tôi quê gốc ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. 

Khi đoàn tìm người để hóa trang cho anh Hợi, có cử 3 anh họa sĩ của đoàn, nghĩa là những người có nghề, còn riêng tôi lúc đấy là học sinh, không có kinh nghiệm. Nhưng khi ra, không hiểu sao tôi lại được thầy nhận để dạy trang điểm cho đoàn.

Sau này tôi cứ thắc mắc tại sao không nhận họa sĩ mà lại nhận mình. Khi thân quen rồi mới hỏi: “Bố ơi bố, con hỏi thật bố, sao hồi đấy bố không nhận các anh họa sĩ mà lại nhận con?”, ông trả lời: “Hóa trang Bác Hồ phải thuận cả hai tay điều khiến bố nhận con là vì con thuận tay trái”.

Chuyện người vợ hóa trang nghìn lần cho chồng đóng vai Bác Hồ
Không những trong công việc, cả ngoài đời sống vợ chồng nghệ sĩ cũng gắn kết, san sẻ cùng nhau.


- Khi về nhà, chị và NSƯT Tiến Hợi có trao đổi hay góp ý cho nhau về những vai diễn không?

Điều đấy là thường xuyên. Mỗi khi anh Hợi nhận vai diễn, bao giờ phần hóa trang cũng là của tôi. Cái đầu tiên tôi yêu cầu là anh thể hiện Bác ở giai đoạn nào, năm Bác bao nhiêu tuổi và thời điểm ấy Bác đang ở đâu.

Bởi nếu Bác trong rừng, hình ảnh của Bác phải khác, Bác ở Phủ Chủ tịch sẽ khác hoặc Bác đi tiếp những đoàn phóng viên quốc tế, đón các cháu miền Nam sẽ khác. Ví dụ, khi Bác đi đón các cháu miền Nam, hình ảnh của Bác bao giờ cũng phải hiền từ, còn những khi Bác đi ngoại giao, nét mặt phải có sự nghiêm nghị.

Đến nay, tôi phải thầm cảm ơn anh Hợi vì khi hóa trang, nhiều người nói tôi là bàn tay vàng, nhưng thật ra, mỗi lần hóa trang đều phải có sự đóng góp của anh ấy. Những nét của tôi vẽ bao giờ cũng là những nét cơ bản, để cái nét ấy trở nên thật và có hồn lại là ở anh ấy. Ví dụ, khi tôi hóa trang xong, anh ấy sẽ bảo: Em cho anh mảng này như thế này, nếp nhăn này em vuốt thế này, nét này nên đưa xuống''. 

Anh Hợi là người nghiên cứu hình tượng Bác trong phim hoặc kịch bản nên sẽ là hiểu hơn tôi. Tôi chỉ có thể làm cái bề ngoài thôi, còn đi sâu anh thường xuyên phải góp ý. Tôi thường xuyên xóa chỗ nọ, vẽ chỗ kia, nhiều khi cũng cáu đấy vì chính mình là người hóa trang mà vừa xong lại bắt xóa. Nhưng thật ra, khi làm theo mới thấy anh ấy nói đúng.

Chuyện người vợ hóa trang nghìn lần cho chồng đóng vai Bác Hồ
Nghệ sĩ Vương Đạm Thủy.

- Đi cùng nhau một đoạn đường dài trong công việc lẫn đời sống gia đình, có kỷ niệm hay khó khăn nào khiến chị nhớ nhất?

Kỷ niệm rất nhiều mà khó khăn cũng không ít. Bởi khi người đàn ông trong gia đình là một nghệ sĩ tương đối nổi tiếng, đương nhiên anh ấy phải chịu áp lực rất lớn. Bản thân tôi là người vợ, người bạn đời, khi đồng hành cũng có nhiều áp lực. Kể cả chuyện sinh hoạt trong cuộc sống, mình làm gì cũng phải nghĩ sao cho có những hình ảnh đẹp.

Anh Hợi có thể là người rất nổi tiếng trong nghệ thuật nhưng khi về nhà, đôi lúc tôi vẫn bảo rằng: Anh chả có gì là nghệ sĩ nhỉ? Trông cứ như là chủ tịch xã ấy''. Nghĩa là khi về nhà, mọi việc anh đều làm, dành hết chăm chút cho gia đình. Thật sự, tôi rất may mắn khi có người chồng như vậy. 

Khánh Linh – Thanh Uyên – Minh Tuyền

THĂM NHÀ NSƯT TIẾN HỢI-NGƯỜI 34 NĂM ĐÓNG VAI BÁC HỒ

PHẠM HẢI/ VNN 19-5-2021

34 năm kể từ lần đầu tiên vào vai Bác Hồ kính yêu của dân tộc, đến nay NSƯT Tiến Hợi vẫn được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.

NSƯT Tiến Hợi đã có hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch và phim điện ảnh hay phim truyền hình và hàng trăm lần vào vai Bác trong những sự kiện chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm,

NSƯT Tiến Hợi cho biết lần đầu tiên được vinh dự thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là năm 1987 trong vở kịch Đêm trắng của Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2 (tác giả Lưu Quang Hà; đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang).

"Lúc đấy tôi còn trẻ, mới 28 tuổi. Đoàn đã có ý định mời một số người đi trước đã từng đóng vai Bác Hồ trong nhiều vở diễn khác để thể hiện vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở Đêm trắng. Tuy nhiên, đặc thù của đoàn là đi diễn ở các nơi vùng núi phía Bắc, phục vụ các chiến sĩ rất vất vả, nếu thuê cũng rất khó khăn.

Đạo diễn đã chọn ra hai người trong đoàn để thử hóa trang, trong đó có tôi. Khi chụp ảnh gửi về đoàn, không ngờ mọi người đánh giá cao, trông dáng dấp từ khuôn mặt, ánh mắt, phom dáng giống y hệt Bác, nên tôi đã được chọn'' - NSƯT Tiến Hợi nhớ lại.

NSƯT Tiến Hợi cho biết trong căn nhà 130 m vuông của vợ chồng ông mấy chục năm qua gìn giữ những hình ảnh về các vở diễn, bộ phim ông đóng vai Bác Hồ.  

Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
 NSƯT Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
NSƯT Tiến Hợi vào vai thanh niên Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, cảnh quay tại Huế năm 1989, (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
NSƯT Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ bên suối Lê - Nin
Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
NSƯT Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ phục vụ 1 cảnh quay của đài truyền hình Quân đội Nhân Dân gần đây nhất, cảnh quay tại Tuyên Quang.
Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
Năm 2013, sách "Kỷ lục Guinness" của Việt Nam đã xác nhận "Tiến Hợi là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ nhiều thể loại nhất". 
Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ

Năm 2015 Tiến Hợi được tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.

Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
Hiện tại gia đình NSƯT Tiến Hợi tại một căn hộ trong khu đô thị Văn Phú -
Hà Đông (Hà Nội)
Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ

Vợ NSƯT Tiến Hợi cho biết: Ảnh Bác Hồ được mua ở Nghệ An, sau đó dâng hương tại đền thờ quê nội Bác Hồ rồi mới mang ra Hà Nội để treo tại gia đình.

Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
Lúc rảnh, NSƯT Tiến Hợi vẫn phụ giúp vợ việc nhà.
Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
Căn hộ xinh xắn của vợ chồng nghệ sĩ Tiến Hợi lúc nào cũng gọn gàng.
Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
 NSƯT Tiến Hợi lần giờ lại những bức ảnh chụp các vai diễn về Bác Hồ
Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
NSƯT Tiến Hợi và vợ
Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
Món quà nhỏ được một người em yêu quý gửi tặng NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
 Ảnh cưới NSƯT Tiến Hợi (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thăm nhà NSƯT Tiến Hợi - người 34 năm đóng vai Bác Hồ
NSƯT Tiến Hợi và vợ Vương Đạm Thủy (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nghệ sĩ Tiến Hợi sinh năm 1959, quê cha ở Nghệ An, quê mẹ ở Hà Nội. Các vở kịch ông đã tham gia: Xin lĩnh án tử hình; Vùng lạnh; Chùm hài Oái oăm Đời!; Sám hối; Vòng đời; Vị thánh trong mơ; Những người con Hà Nội…

Các tác phẩm truyền hình, điện ảnh NSƯT Tiến Hợi đóng gồm: Hà Nội - mùa đông 46; Hẹn gặp lại Sài Gòn; Hoa ban trắng; Hoa ban đỏ; Dãy bàn 4 người; Cảnh sát hình sự; Người phán xử; Bi kịch chưa đặt tên…

Ông từng đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992 vở Xin lĩnh án tử hình vai Chủ tịch Hồ Chí Minh; Huy chương Bạc vở Vùng lạnh Liên hoan Sân khấu Toàn quốc năm 2018 vai ông Sinh. 

Bài và ảnh: Phạm Hải 

BÁC HỒ - TIẾN HỢI

NGUYỄN QUANG LẬP/ TD 10-2-2022

LGT: Nhân nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi – là người nhiều lần vào vai ông Hồ Chí Minh – qua đời sáng nay, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Lập về nhân vật này, trong phần “Bạn Văn 7“, trích trong Ký Ức Vụn.
Lâu ngày không đến Nhà hát kịch Hà Nội, hôm nay đến chẳng gặp ai, chỉ gặp mỗi Tiến Hợi.
Nó hỏi có vở mới không ông, mình nói không. Nó nói từ ngày tôi đóng vai nhà thơ trong kịch Sám hối của ông, quay đi quay lại cả chục năm rồi. Bao nhiêu lần ông có vở mới tôi chẳng có vai.
Mình nói đùa ông kinh doanh vai Bác Hồ đủ no rồi, cần gì vai khác. Nó bảo hồi này có ma nào thuê tôi đóng đâu. Mớí sực nhớ sau bộ phim Hà Nội mùa Đông năm 1946 của Đặng Nhật Minh, đúng là không ai thuê Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ nữa thật.
Chẳng phải nó không còn giống nữa, hay thủ vai kém, mà tự nhiên thế, cả kịch lẫn phim đều vắng bóng nhân vật Bác Hồ.
Ngày xưa thì nó nổi như cồn nhờ vai Bác Hồ. Nó trông ngoài giống y chàng Bác Hồ tại đại hội Tua, hoá trang thì Bác Hồ thời nào cũng giống. Nó còn học được giọng Bác, nhiều khi nghe y chang, khiến nhiều người xem rất cảm động.
Kịch, Phim bất kì đoàn nào có vai Bác không thể không mời Tiến Hợi. Rồi các kì lễ lạt, phong trào sân khấu hoá rầm rộ, hễ 30/4 hay 2/9 thì thế nào cũng có vai Bác Hồ xuất hiện trước đám đông, có khi nói đôi câu, có khi chỉ đứng trên ô tô đưa tay vẫy vẫy, chỉ thế thôi nhưng Tiến Hơi vớ được khẳm tiền.
Cả một mùa hè năm 1995, nó chạy xô từ Bắc vào Nam, thu tiền mệt nghỉ. Vào Nghệ an, chỉ đứng cho các cô gái múa vòng quanh chừng 5 phút cũng kiếm được bạc triệu. Để nguyên hoá trang bay vào Đà Nẵng, đứng trên ô tô vẫy vẫy, cười, rồi phát kẹo, cười, vẫy vẫy… nó kiếm gần chục triệu.
Vào Sài Gòn đứng trên khán đài đọc tuyên ngôn xong, bỏ túi cả chục triệu bay ra Hà Nội đến cung văn hóa nói với các em non sông Việt Nam có vẻ vang được hay không… hai triệu ngon ơ.
Thằng Tùng cứt nói Tiến Hợi có 10 ngày kiếm được cả 5 chục triệu. Buôn thuốc phịên cũng không trúng như thế
Thằng Hợi nói mọi người ơn Bác một, tao ơn Bác một trăm.
Trông ngoài thế thôi, tập luyện vất vả lắm. Thằng Hợi chăm nhưng hơi chậm, có cái bệnh mất tập trung, hay quên lời, nhiều khi thấy nó tập vất vả dễ sợ.
Mình nhớ hồi mình làm ở nhà hát, dựng vở gì đó của Phú Thăng, mình có chấp bút biên tập nhưng không nhớ tên vở, chỉ nhớ có vai Bác, mỗi lần làm thoại lời Bác đến khổ.
Thằng Hợi càng khổ hơn. Anh Tạo ( Hoàng Quân Tạo) nhiều lần tru lên đó là thằng Hợi nói chứ không phải Bác nói, ngu ơi! Nhiều lần điên lên, anh Tạo quát, Bác nói đ*o gì nói thế hả!
Được cái thằng Hợi không tự ái, nó hết sức lắng nghe mọi người góp ý, sửa đi sửa lại cả trăm lần nó cũng sửa cho kì được.
Khổ nhất mỗi khi Bác xuất hiện, thế nào cũng có đám đông quần chúng. Đứng thế nào cho ra vị thế Bác, lại không được để Bác xa rời quần chúng.
Lắm khi thấy thằng Hợi lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Anh Tạo quát: Bác! Mày đứng thế đấy hả?
Mọi người cười rũ.
Quốc Toàn góp ý cho anh Tạo không đựơc gọi Bác Hồ, chỉ gọi Tiến Hợi thôi, tránh phạm huý. Anh Tạo nghe liền.
Nhưng thói quen gọi tên nhân vật, buột miệng vô thức rất buồn cười. Nhiều khi quên, anh Tạo còn kêu lên ôi chà chà xem cái thằng Bác diễn ngu chưa kìa.
Nói xong thì giật mình, sợ bằng chết. Đến khi say nghề quên hết, lại buột miệng kêu lên Bác Hồ ơi, mày diễn cái đ*o gì đấy.
Chết cười.
Rồi cuối cùng mọi việc cũng êm thấm cả. Tiến Hợi lại nổi như cồn nhờ vai Bác.
Một đêm diễn xong, lãnh đạo thành phố lên tặng hoa bắt tay. Nó khom người kính cẩn bắt hai tay. Hoàng Dũng nói mày ngu thế. Nó bảo sao. Hoàng Dũng nói mày đang vào vai Bác, bắt tay kiểu đó, chẳng may có thằng nào chụp ảnh cái có chết không.
Đêm sau, nó nghe lời Hoàng Dũng, lãnh đạo thành phố lên tặng hoa bắt tay, nó diễn vai Bác, bắt tay âu yếm lãnh đạo, lại còn vỗ vỗ vai thân thiện kiểu Bác cháu.
Anh Tạo mắng, mày ngu thế. Nó bảo sao. Anh Tạo nói, người ta là lãnh đạo, mày là cái đ*o gì mà dám vỗ vai người ta? Nó bảo, em đang vào vai Bác mà. Anh Tạo nói, vào vào cái gì. Hết kịch là hết Bác nghe chưa!

Nó ra hậu đài thở dài nói Hoàng Dũng bảo một đằng, anh Tạo bảo một đằng, tao biết biết làm thế nào? Thằng Tùng cứt nói, mày làm Bác mà đ*o biết còn hỏi tụi tao.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét