Thứ Hai, 21 tháng 2, 2022

20220222. TÌNH HÌNH BẦU CHỌN GS, PGS NĂM 2021

 ĐIỂM BÁO MẠNG

HỘI ĐỒNG GIÁO SƯ NHÀ NƯỚC YÊU CẦU XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP 

BỊ TỐ CÁO

LÊ HUYỀN/ VNN 21-2-2022

PGS.TS Dương Nghĩa Bang, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã nhận được các thông tin phản ánh liên quan tới 5 ứng viên ngành Kinh tế, 1 ứng viên ngành Chính trị học và đã yêu cầu hai hội đồng này xác minh, làm rõ.

Trao đổi với VietNamNet về các ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2021 bị tố cáo, PGS.TS Dương Nghĩa Bang, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, cho hay những nội dung phản ánh của xã hội trong quá trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư có vai trò rất quan trọng về mặt thông tin, giúp Hội đồng Giáo sư các cấp có các thông tin đa chiều trong quá trình xét.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu xử lý các trường hợp bị tố cáo
Tỷ lệ ứng viên GS, PGS năm 2021 được các Hội đồng liên ngành thông qua và đề xuất Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận. 

Năm 2021, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã có Công văn số 09/HĐGSNN ngày 10/1/2022 nhấn mạnh việc xem xét các phản ánh này. 

Các thông tin phản ánh liên quan tới 5 ứng viên thuộc ngành Kinh tế, 1 ứng viên thuộc ngành Chính trị học, như báo chí đã nêu, và một số phản ánh khác là nguồn thông tin hữu ích, giúp cho Hội đồng Giáo sư các cấp có thêm thông tin để đánh giá về các ứng viên chính xác và hiệu quả hơn.

PGS Dương Nghĩa Bang cho biết, Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước đã có văn bản yêu cầu Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế, Hội đồng Giáo sư liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học xác minh làm rõ. 

Theo ông Bang, hiện đang trong giai đoạn tổng hợp kết quả thẩm tra, xác minh về các thông tin phản ánh của các Hội đồng ngành, liên ngành. Ông Bang cho rằng, các Hội đồng ngành, liên ngành, trong đó có Hội đồng ngành Kinh tế, Hội đồng liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học đã thực hiện nghiêm túc theo quy định của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 09/HĐGSNN ngày 10/01/2022 của Hội đồng Giáo sư nhà nước xem xét những vấn đề về chuyên môn, học thuật, liêm chính khoa học trong các công trình khoa học của các ứng viên, đặc biệt là các ứng viên có các thông tin phản ánh.

Sắp tới, cùng với việc hoàn thiện hồ sơ cho tất cả các ứng viên, Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước sẽ phối hợp với các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề xuất hướng xử lý đối với từng trường hợp có đơn thư phản ánh, báo cáo Thường trực Hội đồng Giáo sư nhà nước và sẽ trình Hội đồng Giáo sư nhà nước xem xét, quyết định.


Theo kế hoạch, Hội đồng sẽ tổ chức phiên họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2021 vào tuần cuối tháng 2/2022.

Dự kiến, thời gian công bố danh sách đạt chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2022 sẽ diễn ra như những năm trước.


Lê Huyền

ỨNG VIÊN GIÁO SƯ MÀ GỬI BỪA, KHÔNG BIẾT TẠP CHÍ MẠO DANH THÌ KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC

ÁNH GIAO/ GDVN 21-2-2022

GDVN- Hội đồng giáo sư ngành không thể cho qua những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo – tiêu chuẩn đầu tiên được nêu trong Quyết định 37/2018/QĐ-TTg.

Xoay quanh câu chuyện một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư có bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí đã bị loại ra khỏi danh sách Scopus (thời điểm tác giả đăng bài) hoặc tạp chí phi pháp, hay ứng viên thuộc khối khoa học xã hội kê khai bài báo quốc tế uy tín xuất bản trên tạp chí nghiên cứu lĩnh vực Toán học, Máy tính, một lần nữa, dư luận xã hội lại đặt ra vấn đề về đạo đức học thuật trong giới khoa học hiện nay.

Vi phạm liêm chính khoa học không đủ tiêu chuẩn GS, PGS

Bàn về những tranh cãi trong đợt xét duyệt ứng viên giáo sư, phó giáo sư thời gian qua, trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, một nhà khoa học (đề nghị không nêu tên) – đồng thời là thành viên trong Hội đồng giáo sư ngành năm 2021 nói rằng, trường hợp ứng viên nào đăng bài báo khoa học trên các tạp chí phi pháp, mạo danh,… là đã vi phạm liêm chính khoa học.

Theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định tiêu chuẩn chung được nêu ra đầu tiên của chức danh giáo sư, phó giáo sư là ‘không vị phạm đạo đức nhà giáo’. (Ảnh minh họa)

“Có trường hợp ứng viên đăng bài trên tạp chí mạo danh nhưng vẫn được tính điểm. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, vấn đề ở đây không phải chỉ là điểm số, quan trọng hơn là trường hợp này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức học thuật.

Trong Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư được nêu ra là "không vi phạm đạo đức nhà giáo".

Liên quan đến đạo đức nhà giáo có rất nhiều câu chuyện, nhưng với những trường hợp cố tình vi phạm thì không thể chấp nhận.

Ứng viên đăng bài đề tài ngành này trên một tạp chí ngành khác, đăng trên tạp chí giả mạo thì chắc chắn đã biết, không phải bị ai lừa gạt mà là cố tình vi phạm, biết sai mà vẫn làm, đó là hành vi vi phạm liêm chính khoa học và vi phạm đạo đức nhà giáo.

Vậy xử lý những trường hợp này như thế nào? Không thể vi phạm liêm chính khoa học nhưng vẫn được xét duyệt, không thể loại một bài báo vi phạm, còn lại cứ tính đủ điểm rồi vẫn được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Một khi đã vi phạm đạo đức nhà giáo tức là không đủ tiêu chuẩn làm giáo sư, phó giáo sư”, nhà khoa học này nêu quan điểm.

Cũng theo nhà khoa học này, đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Nếu để lọt những ứng viên vi phạm đạo đức học thuật thì sẽ tạo ra sự gian dối trong cộng đồng khoa học, để rồi những người này sẽ đào tạo thế hệ tiến sĩ mới. Bản thân họ đã coi chuyện gian dối là bình thường thì làm sao đào tạo nên những nhà khoa học liêm chính trong tương lai.

Cố tình vi phạm cần phải xử lý nghiêm

Về việc một ứng viên đưa bài báo lĩnh vực Chính trị - xã hội đăng trong một tạp chí chuyên về giáo dục Toán học và máy tính, sau đó vẫn đưa vào danh sách để xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, ứng viên này đã chia sẻ trên báo Tuổi trẻ rằng: "Không có quy định buộc phải đăng trên tạp chí nào cả. Đây cũng là lỗi của quy chế quy định, chỉ nói bài được đăng trên tạp chí, về những nội dung của mình, mà tôi viết chính trị xã hội.

Không quy định bắt đăng thế này thế kia. Ví dụ ở Việt Nam buộc đăng Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Lý luận chính trị..., những tạp chí được quy định vào danh mục tính điểm. Còn đối với Scopus (chỉ số bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế) không quy định thì cứ đăng tính được cũng tốt, không được thì thôi”.[1]

Về lý giải của ứng viên này, chuyên gia cho rằng, một nhà khoa học chắc chắn phải phân biệt được Tạp chí nào là giả mạo, phi pháp và cần phải tuân thủ đạo đức học thuật. Để lọt những ứng viên vi phạm sẽ dẫn tới tiếp tục những vòng tròn gian dối. Rồi đây, những người vi phạm liêm chính học thuật trở thành giáo sư, bước vào các hội đồng để xét duyệt những ứng viên khác thì hệ lụy rất nghiêm trọng. Điều này là không thể chấp nhận.

Từ những tranh cãi về việc kiểm soát chất lượng bài báo khoa học của ứng viên giáo sư, phó giáo sư, có nhiều ý kiến cho rằng, để minh bạch, rõ ràng hơn trong quy trình xét duyệt, cần có danh sách cụ thể những tạp chí được công nhận để đối sánh một cách chính xác.

Bàn về vấn đề này, nhà khoa học cho rằng rất khó để quy định cụ thể và đề ra danh sách những tạp chí được công nhận vì nó thay đổi liên tục.

Xảy ra những câu chuyện này không thể đổ trách nhiệm rằng, do không có một danh sách tạp chí để đối sánh, rà soát. Điều này là không đúng. Bởi lẽ việc thẩm định chất lượng bài báo khoa học là nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng giáo sư ngành. Hội đồng giáo sư ngành là cơ quan cao nhất thẩm định chuyên môn của các ứng viên để xét duyệt ứng viên đưa lên Hội đồng giáo sư nhà nước.

Hội đồng giáo sư ngành không thể cho qua những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo – tiêu chuẩn đầu tiên được nêu trong Quyết định 37. Vai trò thẩm định chuyên môn của Hội đồng giáo sư ngành là xem xét ứng viên có đủ tư cách với chức danh giáo sư, phó giáo sư hay không.

“Về lâu dài, muốn vấn đề xét duyệt ứng viên giáo sư, phó giáo sư được diễn ra minh bạch và thực hiện tốt yêu cầu về liêm chính khoa học, đạo đức nhà giáo, cần phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Cụ thể, các cơ quan chức năng, bắt đầu từ hội đồng chức danh phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liêm chính khoa học.

Hiện nay, có rất nhiều “chiêu trò” để đăng bài báo khoa học trên các tạp chí mạo danh, phi pháp, hoặc để tăng trích dẫn. Chúng ta cần nhìn vào thông lệ quốc tế để xử lý và ngăn chặn những trường hợp này. Ở các nước có nền khoa học phát triển, việc xử lý vấn đề này rất nghiêm minh.

Tôi cho rằng, đối với những trường hợp vi phạm, cần đưa ra thời hạn từ 2- 3 năm không được đăng ký hồ sơ xét công nhận chức giáo sư, phó giáo sư. Việc xử lý nghiêm minh sẽ giúp các ứng viên tự tuân thủ nguyên tắc, yêu cầu về liêm chính khoa học", chuyên gia khẳng định.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/lum-xum-bai-bao-quoc-te-mot-ung-vien-giao-su-xin-rut-khoi-danh-sach-dang-ky-2022021811385153.htm

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn – Chánh Văn phòng Hội đồng giáo sư nhà nước cho biết, các thành viên trong Hội đồng giáo sư được giao thẩm định hồ sơ phải làm nhiệm vụ kiểm soát chất lượng bài báo khoa học của các ứng viên. Bên Hội đồng giáo sư cũng không thống kê tổng số lượng bài báo khoa học không được công nhận. Hội đồng giáo sư thẩm định hồ sơ nào sẽ kết luận hồ sơ ấy.

Ánh Giao
XÁC MINH TỐ CÁO VỚI HÀNG LOẠT ỨNG VIÊN GS, PGS NGÀNH KINH TẾ
PHƯƠNG CHI, LÊ HUYỀN/ VNN 17-2-2022

Theo Quyết định 37, ứng viên Phó giáo sư (PGS) phải là tác giả chính của 3 bài báo khoa học, ứng viên Giáo sư (GS) phải là tác giả chính của 5 bài báo khoa học “công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín”.

Việc xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS hiện nay căn cứ theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo Quyết định 37, ứng viên PGS phải là tác giả chính của 3 bài báo khoa học, ứng viên GS phải là tác giả chính của 5 bài báo khoa học “được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín”.

Xác minh tố cáo với hàng loạt ứng viên GS, PGS ngành kinh tế
Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021 vào tuần cuối tháng 2 này

Nhằm bổ sung cho việc xác định tạp chí uy tín, Hội Đồng Giáo Sư Nhà nước đã ban hành danh mục các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới với những tên tuổi như Springer, Elsevier, Wiley-Blackwell… và các nhà xuất bản của top 100 các trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của Times Higher Education World University Rankings (THE) do tạp chí Times Higher Education (Anh) hợp tác với Thomson Reuters bình chọn hàng năm.

Ngoài ra, nhiều trường đại học đã ra các cảnh báo về các tạp chí kém chất lượng và tạp chí săn mồi (predator).

Tuy nhiên, trong đợt xét duyệt lần này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước vẫn nhận được đơn kiến nghị về một số trường hợp ứng viên GS, PGS được cho là vẫn tiếp tục đăng bài báo khoa học trên những tạp chí không uy tín nhằm đảm bảo đủ số bài theo tiêu chuẩn PGS và GS.

Trong đó, chỉ tính riêng với ngành Kinh tế, một nhóm các nhà khoa học đã có kiến nghị gửi tới Hội đồng Giáo sư Nhà nước, nêu tên một số ứng viên với những dẫn chứng kèm theo và cho rằng nếu loại bỏ các công trình không uy tín ra khỏi hồ sơ, nhiều ứng viên sẽ không còn đạt đủ điều kiện cơ bản để xin công nhận chức danh PGS và GS.

Cụ thể, một ứng viên PGS là tác giả chính của 5 bài báo khoa học quốc tế. Tuy nhiên, nhóm kiến nghị cho rằng trong số 5 bài này có 1 bài đăng trên tạp chí Academy of Accounting and Financial Studies Journal là tạp chí của nhà xuất bản "săn mồi" Allied Academies (còn có tên khác là Allied Business Academies), 1 bài báo đăng trên tạp chí Turkish Journal of Computer and Mathematics Education là một tạp chí chất lượng rất thấp, 1 bài báo đăng trên tạp chí đã bị loại khỏi danh mục Scopus từ năm 2018.

Hai bài báo còn lại đều đăng trên tạp chí Open Access (không thu phí người đọc, chỉ thu phí cao đối với người đăng. Bài đăng có thể được tải miễn phí dễ dàng). Trong đó 1 bài đăng trên tạp chí Turkish Journal of Computer and Mathematics Education thuộc scopus Q4, có H index bằng 3. Còn 1 bài được đăng trên tạp chí Open Access vừa mới vào ESCI.

Nhóm kiến nghị cho rằng toàn bộ các bài báo do ứng viên này làm tác giả chính không thể được tính là bài đăng trên “tạp chí uy tín”. Nếu loại bỏ các bài báo này đi, ứng viên nói trên không đủ tiêu chuẩn làm PGS, GS.

Một ứng viên PGS khác là tác giả chính của 5 bài báo khoa học quốc tế. Ứng viên này có 1 bài báo đăng trên tạp chí International Journal of Entrepreneurship là một tạp chí chất lượng rất thấp, 1 bài báo đăng tạp chí Decision Science Letters thuộc nhà xuất bản Growing Science và 1 bài báo đăng trên tạp chí Open Access hạng Q4. Ngoài ra, 1 bài báo đăng trên tạp chí International Journal of Entrepreneurship của nhà xuất bản Allied Academies. Bài báo còn lại là báo Open Access.

Bên cạnh đó, ứng viên có 1 bài báo đăng trên Tạp chí Journal of Asian Finance, Economics and Business - Đây là tạp chí đã bị nhiều trường đại học như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đưa vào danh mục cảnh báo và không hỗ trợ kinh phí đăng bài do quá dễ dãi trong việc đăng bài, đăng bài với số lượng lớn, chất lượng thấp, nộp tiền là đăng được.

Một ứng viên PGS là tác giả chính của 6 bài báo khoa học quốc tế. Trong số đó, có 1 bài báo đăng trên tạp chí Accounting thuộc nhà xuất bản Growing Science, 1 bài báo đăng trên tạp chí Academy of Strategic Management Journal của nhà xuất bản Allied Academies.

4 bài báo còn lại đăng trên Tạp chí Journal of Asian Finance, Economics and Business.

Nhóm các nhà khoa học đưa kiến nghị cũng đề cập tới ứng viên PGS là tác giả chính của 10 bài báo khoa học quốc tế. Trong số đó, có 4 bài báo thuộc tạp chí Uncertain Supply Chain Management của nhà xuất bản Growing Science, tạp chí International Journal of Advanced and Applied Sciences, tạp chí Decision Science Letters cũng thuộc nhà xuất bản Growing Science, tạp chí Journal of Management Information and Decision Sciences thuộc nhà xuất bản Allied Academies.

Ứng viên này cũng có 3 bài báo đăng trên tạp chí Journal of Asian Finance, Economics and Business.

Một ứng viên GS ngành Kinh tế là tác giả chính của 8 bài báo khoa học quốc tế. Tuy nhiên, trong đơn kiến nghị chỉ ra ứng viên này có 2 bài báo đăng trên tạp chí Management Science Letters  là tạp chí của nhà xuất bản Growing Science. Ngoài ra, 2 bài báo đăng trên  tạp chí Academy of Accounting and Financial Studies Journal của nhà xuất bản Allied Academies.

Ngoài ra, ứng viên còn có 1 bài báo đăng trên tạp chí Journal of Asian Finance, Economics and Business.

Theo một thành viên của nhóm các nhà khoa học đưa ra kiến nghị, những tạp chí nói trên đều không thuộc các nhà xuất bản có tên trong danh mục các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới do chính Hội đồng Giáo sư Nhà nước đưa ra.

Tuy nhiên, trong danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021, vẫn có tên đủ 5 ứng viên này.  

“Hội đồng còn quy định rõ nhà xuất bản nào gọi là uy tín nhưng không áp dụng, vậy đưa ra để làm gì?” - vị này đặt câu hỏi.

>>> Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế nói gì về những ứng viên bị tố cáo?

Không chỉ có ứng viên ngành Kinh tế, một số ứng viên các ngành khác cũng bị chỉ ra những điều kỳ lạ trong hồ sơ đăng ký.

Trong đó, một ứng viên GS ngành Chính trị học kê khai có 8 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí quốc tế. Trong đó 1 bài trên tạp chí chuyên về giáo dục toán học và máy tính của Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Journal of Computer and Mathematics Education - TURCOMAT), 1 bài trên tạp chí về khảo cổ học Ai Cập (PalArch’s Journal of Archaeology of Egypt/Egyptology). có 3 bài đăng trên tạp chí Journal of Contemporary Issues in Business and Government (ISSN 2204 1990), 2 bài đăng trên tạp chí Psychology and Education (ISSN: 0033 - 3077). 

Tạp chí Psychology and Education (ISSN: 0033 - 3077) đã ra khỏi hệ thống của Scopus năm 2019. Từ đó đến nay, tạp chí này vẫn giữ nguyên tên gọi nhưng đã đổi mã số thành ISN: 1553-6939. Trên website của tạp chí đăng tải đổi mã số vào ngày 20/4/2021 nhưng trên hệ thống của SCopus, tạp chí này đã không còn từ năm 2019. Nhưng hồ sơ ứng viên khai đăng bài năm 2021 vẫn lấy mã số cũ và tạp chí vẫn được xếp hạng Q4 của Scopus...

Vẫn đang rà soát hồ sơ do các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành gửi 

Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, cho biết: Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã nhận được các thông tin phản biện xã hội liên quan đến hồ sơ ứng viên GS, PGS năm 2021 qua e-mail, bản giấy (qua đường bưu điện), mạng xã hội...

Sau khi nhận được các thông tin phản ánh, Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã có văn bản gửi tới các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành để xác minh làm rõ.

“Tất cả những thông tin phản ánh liên quan đến chuyên môn Văn phòng Hội đồng giáo sư Nhà nước đều đề nghị yêu cầu Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành làm rõ và có văn bản trả lời. Trên cơ sở đó, Văn phòng tổng hợp và báo cáo Thường trực Hội đồng Giáo sư nhà nước xem xét, giải quyết” - ông Tuấn nói.

“Những thông tin phản ánh nêu trên là nguồn thông tin hữu ích, giúp cho hội đồng giáo sư các cấp có thêm thông tin để đánh giá hồ sơ ứng viên chính xác và hiệu quả hơn”.

Ông Tuấn cho biết thêm, hiện nay đang trong quá trình rà soát tài liệu, hồ sơ do các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành gửi tới Văn phòng.

Theo kế hoạch, Hội đồng Giáo sư nhà nước sẽ tổ chức phiên họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021 vào tuần cuối tháng 2/2022. Dự kiến, kế hoạch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2022 sẽ diễn ra như những năm trước.

Phương Chi - Lê Huyền


GSTS-GÀ SỐNG THIẾN SÓT
NGUYỄN ĐÌNH BỔN/ TD 19-2-2022

Cư dân mạng xã hội Facebook vừa nêu đích danh PGS Nguyễn Minh Tuấn có bài báo “Phòng chống những kẻ cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay“, đăng trong một tạp chí chuyên về giáo dục toán học và máy tính của Thổ Nhĩ Kỳ khi xét chức danh giáo sư năm 2021.

Nhưng tệ hại hơn đó là một tạp chí giả, cướp danh một tạp chí khác, và cái loại đồ giả ăn cướp này do mấy tay bất hảo Việt Nam làm.

Báo Thanh Niên cho biết: “GS Ngô Việt Trung nêu đích danh là ông Ng.M.T (báo này viết tắt tên Nguyễn Minh Tuấn), ứng viên GS Hội đồng liên ngành triết học – chính trị học – xã hội học. Theo GS Trung, ứng viên này đã công bố công trình của mình trên các tạp chí quốc tế mạo danh. Chẳng hạn, ông Ng.M.T có công trình “Preventing and Combating Political Opportunists in Vietnam Today” (Phòng chống những kẻ cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay) đăng trên tạp chí Turkish Journal of Computer and Mathematics Education (Giáo dục toán học và máy tính Thổ Nhĩ Kỳ) 12, no. 10 (2021), viết tắt là Turcomat. Kiểm tra sơ bộ cho thấy HĐ biên tập tạp chí này chỉ có 4 người, đứng đầu là TS Đinh Trần Ngọc Huy (tự xưng là GS về ngân hàng và tài chính ở TP.HCM), 3 người còn lại có chuyên môn kỹ thuật hoặc tài chính, không liên quan gì đến giáo dục toán học và máy tính, và tất cả đều không làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi nêu thêm một số yếu tố có tính chuyên môn khác nữa, GS Ngô Việt Trung khẳng định: ‘Rõ ràng đây là một tạp chí mạo danh’.

Hoặc với một công trình khác, ông Ng.M.T đăng trong tạp chí PalArch về khảo cổ học ở Ai Cập và Ai Cập học, một tạp chí có tổng biên tập và phó tổng biên tập đều là người Thái Lan, một người có chuyên môn về quản trị kinh doanh, người kia về hành chính công (và ghi địa chỉ làm việc ở Trường ĐH D.T). Toàn bộ các bài báo của số báo mà ứng viên Ng.M.T đăng bài không liên quan gì đến khảo cổ. Dựa vào các dữ liệu này, GS Ngô Việt Trung khẳng định đó là một tạp chí mạo danh. Ngoài ra, ứng viên Ng.M.T còn đăng bài trên một số tạp chí “quốc tế” có nguồn gốc không rõ ràng và không có ban biên tập“.

Trong khi đó trả lời trên báo Tuổi Trẻ, tay này trơ trẽn: “Tôi là ứng viên, khi lần đầu viết trên tạp chí quốc tế cũng lúng túng. Mình cũng không nặng nề, phấn đấu năm nay không được giáo sư thì sang năm phấn đấu“.

Đúng là một loại gà sống (trống) thiến sót (GSTS)!


***

Về sự kiện này, TS Chu Mộng Long bình luận rằng, đó là test kit của ngành giáo dục. Ông viết:

“Ta tự đưa ra chuẩn thật cao: giáo sư, tiến sỹ phải có bài báo quốc tế. Kết quả, không tạp chí quốc tế nào đăng bài cho thì ta tự tạo ra tạp chí quốc tế.

Có làm như vậy thì mới dễ kiếm tiền, móc ngân sách và móc túi lẫn nhau.

Điều này cũng giống như các Hội thảo khoa học quốc tế. Chỉ cần mời một thằng Lào vào dự cũng gọi là quốc tế. Có lẽ là họ học từ cái gọi là đá bóng quốc tế. Chỉ đá giao hữu với Lào đã có thế là trận đấu quốc tế. Trong khoa học và giáo dục, ta tự tạo sân quốc tế luôn.

Trong giáo dục thì hoạt động như vậy đã thành toàn tập. Cải cách giáo dục cho ngang tầm quốc tế bằng cách nâng chuẩn lên cao hơn các quốc gia nhiều bậc. Ở phổ thông thì ta cứ tạo ra chuẩn cao hơn thế giới 2, 3 lớp, nhồi nhét cả những thứ khó trẻ em không thế tiếp cận được để bán sách mẫu, dạy thêm học thêm. Học sinh không đạt được thì ta cứ mua bán điểm, cấy điểm, toàn khá và giỏi. Muốn cải cách căn bản và toàn diện thì ta nâng lên 5 phẩm chất, 10 năng lực cho mỗi em thành một Thượng đế toàn năng. Không có Thượng đế thật thì ta tạo ra Thượng đế giả.

Đối với giáo viên thì ta nâng chuẩn đại học rồi cao học. Rồi đòi hỏi chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ giữ hạng, nâng hạng. Ta đặt ra chuẩn không thế giới nào làm nổi rồi tự hào giáo dục ta chưa bao giờ rực rỡ như bây giờ. Và cứ thế mua bán, kiếm tiền và móc túi nhau đến muôn năm.

Ông cứ làm giả ăn thật đấy, đứa nào lên tiếng phản đối, ông không thấy nhục mà dày mặt ra kết tội phản động, chống phá!”

Nguyễn Đình Bổn

NHỮNG KẺ CƠ HỘI CHÍNH TRỊ VÀ MẤT LIÊM CHÍNH KHOA HỌC

NGÔ VIỆT TRUNG/ TD 19-2-2022


PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn. Nguồn: Tuyên Giáo

Ai quan tâm đến chủ đề này có thể tìm đọc công trình của PGS NMT “Phòng chống những kẻ cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay”, đăng trong Tạp chí Giáo dục Toán học và Máy tính Thổ Nhĩ Kỳ, nguyên bản tiếng Anh “Preventing and Combating Political Opportunists in Vietnam Today“, Turkish Journal of Computer and Mathematics Education 12, no. 10 (2021).

Lạ nhất là bài báo bàn về một chủ đề chính trị ở Việt Nam lại đăng trong một tạp chí chuyên về giáo dục toán học và máy tính của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều tra sơ bộ cho thấy hội đồng biên tập tạp chí này chỉ có 4 người, đứng đầu là GS Đinh Trần Ngọc Huy, chuyên môn Ngân hàng và Tài Chính. Những người còn lại có chuyên môn kỹ thuật hay tài chính, không liên quan gì đến giáo dục toán học và máy tính. Tất cả đều không làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ:

https://turcomat.org/index.php/turkbilmat/about/editorialTeam

Xem danh mục các bài báo đăng cùng số tạp chí này lại thấy tất cả các bài báo thuộc rất nhiều chuyên môn không liên quan gì đến giáo dục toán học và máy tính, ví dụ như bài báo “Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” vào công tác này ở Việt Nam hiện nay“, nguyên văn tiếng Anh “Applying Ho Chi Minh’s point of view on the work of cadres in the work Modifying the working style to this work in Vietnam today” của một tác giả Việt Nam khác. Rõ ràng đây là một tạp chí giả mạo.

PGS NMT còn có công trình “Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống cơ quan đảng ở Việt Nam hiện nay”, đăng trong tạp chí PalArch về khảo cổ học ở Ai Cập và Ai Cập học, nguyên bản tiếng Anh “Improving the quality of human resources in the current system of party organ in Vietnam”, PalArch’s Journal of Archaeology of Egypt/Egyptology 17, no. 12 (2020). Chết thật, bàn về cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong đảng lại đăng trong tạp chí khảo cổ học. Không hiểu tác giả có ý gì đây?

Ban biên tập tạp chí còn không thèm để ý đến tên bài báo nói đến đảng nào. Sự vô tâm này không có gì lạ vì Tổng biên tập là người Thái Lan, chuyên môn quản trị kinh doanh. Phó tổng biên tập duy nhất cũng người Thái Lan, chuyên môn hành chính công, ghi địa chỉ ở ĐH Duy Tân: https://archives.palarch.nl/index.php/jae/about/editorialTeam

Tra trên mạng, thấy ông này ghi địa chỉ lung tung, có cả ở bên Tàu. Hay nhất là toàn bộ các bài báo của số báo trên không liên quan gì đến khảo cổ cả. Lại thêm một tạp chí giả mạo!

Kỳ lạ nhất phải kể đến việc có PGS ở Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đem việc “Vận dụng dụng tư tưởng Hồ Chí Minh” đăng trong tạp chí “Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng” của Thổ Nhĩ Kỳ, nguyên bản tiếng Anh: “Ho Chi Minh’s thought on integration and application of Vietnam since the country’s reunification to before the Innovation period (1976-1985), Turkish Journal of Physiotherapy and Rehabilitation 32, no. 3 (2021).

***

Quay trở lại chủ đề những kẻ cơ hội chính trị, tôi tâm đắc nhất với câu viết sau đây của PGS NMT trong tóm tắt bài báo đăng ở tạp chí nhắc đến ban đầu: “Sự xuất hiện của các đối tượng cơ hội chính trị có xu hướng bùng phát và lây lan nhanh như hiện nay đòi hỏi phải nhận diện đúng và đưa ra các biện pháp răn đe hữu hiệu“.

PGS NMT còn có các bài báo “lạc chuồng” khác như “Phát triển cán bộ chiến lược ở Việt Nam ngày nay” đăng trên tạp chí “Giáo dục bậc sơ cấp” (Elementary Education) hay hai bài báo “Một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn trong xắp xếp và tổ chức hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay” và “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị ở Việt Nam” đăng trên tạp chí “Tâm lý học và Giáo dục” (Phychology and Education). Cả hai tạp chí này có nguồn gốc không rõ ràng và không có ban biên tập.

TB: Ông này đã được hội đồng ngành đề xuất phong giáo sư với lý do đạt chuẩn kể cả khi không tính mấy bài báo trên. Nhưng vấn đề ở đây là vi phạm liêm chính khoa học, nghiêm trọng hơn chuyện bán bài cho ĐH Tôn Đức Thắng và Duy Tân. Hội đồng chức danh nhà nước cần xem xét chuyện này giống như chuyện bán bài. Có như thế thì những chuyện như thế này mới chấm dứt trong những năm sau.

Ngô Việt Trung

BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM ỨNG VIÊN GS, PGS KHÔNG GIỐNG CHẤM ĐIỂM HỌC SINH, SINH VIÊN

NGỌC ÁNH/GDVN 22-2-2022

GDVN- Vì có những quy định nghiêm ngặt nên hiện tại đối với ngành Toán học, gần như không còn hiện tượng ứng viên công bố bài trên tạp chí giả mạo, kém chất lượng.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh về việc một số ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2021 nhưng trình tự xét duyệt tại Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành, cụ thể là quá trình bỏ phiếu tín nhiệm chưa được công khai, minh bạch.

Một ứng viên Giáo sư ngành Toán cho biết, hồ sơ của ông đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg. Tại phiên báo cáo khoa học tổng quan và trả lời chất vấn của hội đồng bằng tiếng Anh, ông đánh giá phần thể hiện của bản thân tương đối tốt. Tuy nhiên, ứng viên này không đạt 2/3 số phiếu từ các thành viên trong hội đồng và hiện tại vẫn chưa nhận được kết quả bỏ phiếu tín nhiệm cụ thể từ Hội đồng Giáo sư ngành Toán học.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán cho rằng, ứng viên chưa đọc kỹ Quyết định 37/2018/QĐ-TTg bởi phần công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành là do Hội đồng Giáo sư Nhà nước quyết định và thực hiện.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa (giữa) - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán cho biết, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành là do Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố. (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

"Sau khi kiểm định hồ sơ, Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Sau đó, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm cụ thể mới được công khai. Việc chúng tôi thông báo cho ứng viên biết tỉ lệ phiếu được thông qua là đã rất linh động", Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa nhấn mạnh.

Khi phóng viên đặt băn khoăn về tính khách quan trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán học nêu quan điểm: "Bỏ phiếu tín nhiệm không giống như chấm điểm cho học sinh, sinh viên, cũng không thể có thang đánh giá được soạn thảo sẵn để dựa vào đó đánh giá ứng viên. Chắc chắn phải có ý kiến chủ quan của người bỏ phiếu.

Tôi lấy ví dụ như bầu đại biểu Quốc hội có 5 ứng cử viên đạt tiêu chuẩn, việc cử tri bầu ai là theo ý kiến chủ quan của họ. Tương tự, khi bỏ phiếu tín nhiệm đối với từng hồ sơ của ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư, các thành viên trong hội đồng cũng được phép đánh giá, nhận xét dựa trên quan điểm cá nhân".

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa, hồ sơ của của ứng viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg nhưng chất lượng công trình khoa học còn thấp, chưa đạt yêu cầu thì đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều ứng viên Giáo sư ngành Toán cũng như các ngành khác không đủ số phiếu tín nhiệm.

Cùng với bỏ phiếu tín nhiệm, thành viên trong Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành sẽ có phần đánh giá và kết luận về hồ sơ của ứng viên. Sau khi hoàn tất thủ tục, phiếu đánh giá này được niêm phong và gửi lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Nhiều ứng viên đăng bài trên các tạp chí chỉ để đủ số lượng

Chia sẻ thêm về sự việc một số ứng viên được đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư nhưng giới khoa học cho là không xứng đáng vì đăng bài trên các tạp chí giả mạo, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa cho biết: "Những trường hợp đăng bài trên các tạp chí không liên quan đến vấn đề nghiên cứu, thậm chí là tạp chí giả mạo thì Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành phải có trách nhiệm trong việc xác minh và giải trình".

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán học, rất nhiều ứng viên không chỉ đăng bài trên tạp chí giả mạo mà còn đăng trên các tạp chí chất lượng thấp, cốt chỉ để đủ số lượng đưa vào hồ sơ xét duyệt.

Để xử lý các trường hợp trên, Hội đồng Giáo sư ngành Toán học quy định thời gian ứng viên công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí giả mạo là năm thứ n. Theo đó, từ năm thứ n, n+1, n+2 thì hồ sơ của ứng viên sẽ không được chấp nhận để xét tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Đến năm n+3, hồ sơ đó mới được chấp nhận.

"Có trường hợp đến năm thứ n+3 nộp hồ sơ nhưng khi chúng tôi kiểm tra thấy lịch sử đăng bài trên các tạp chí chất lượng thấp, tạp chí giả mạo của ứng viên đó quá nhiều nên hội đồng tiếp tục phạt thêm một năm và không xét hồ sơ.

Chúng tôi đã có chính sách "tiêu diệt" những hồ sơ có dấu hiệu vi phạm liêm chính khoa học cách đây 15 năm. Bởi vậy, để được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ngành Toán khó từ trước chứ không riêng gì năm nay.

Vì có những quy định nghiêm ngặt nên hiện tại đối với ngành Toán học, gần như không còn hiện tượng ứng viên công bố bài trên tạp chí giả mạo, kém chất lượng", Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa cho biết thêm.

Ngọc Ánh
CẦN HỦY VĨNH VIỄN HỒ SƠ ỨNG VIÊN GS, PGS ĐĂNG BÀI Ở TẠP CHÍ MẠO DANH
PHAN THẾ HOÀI/ GDVN  22-2-2022

Ngày 8/2/2022, Hội đồng Giáo sư Nhà nước (sau đây gọi là Hội đồng) công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2021. [1]

Ngay sau đó, những lùm xùm xung quanh việc xét ứng viên giáo sư, phó giáo sư được nhiều phương tiện truyền thông đăng tải, khiến dư luận bàn tán xôn xao.

Chẳng hạn, bài viết “Rộ thông tin ứng viên xét giáo sư, phó giáo sư 2021 đăng bài trên tạp chí giả mạo” ngày 18/2/2022 trên Báo Thanh Niên đưa tin, Giáo sư Ngô Việt Trung đề nghị Hội đồng cho rà soát lại việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư ở các Hội đồng ngành vì chất lượng công bố quốc tế của một số ứng viên “có vấn đề” và còn có biểu hiện vi phạm liêm chính khoa học. [2]

Cùng với đó, ông Phạm Văn Thịnh, cán bộ Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, số lượng bài báo đăng ở các tạp chí phi pháp, giả mạo ở nước ngoài trong hồ sơ ứng viên năm 2021 tăng phi mã so với hồ sơ ứng viên năm 2020, “lan tỏa” nhiều ngành như Tâm lý học, Luật học, Y dược, Kinh tế…, theo Báo Thanh Niên.

Hay bài báo “Một ứng viên phó giáo sư bị tố cáo vi phạm liêm chính khoa học” ngày 18/2/2022 được đăng tải trên Báo Tiền phong phản ánh, ứng viên phó giáo sư N.L.M (thuộc liên ngành Xây dựng – Kiến trúc) khai có 8 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín thế giới nhưng một số bài vi phạm đạo văn. [3]

Như thế để thấy rằng, hàng loạt ứng viên là giáo sư, phó giáo sư đã vi phạm liêm chính học thuật – làm hoen ố những phẩm chất tốt đẹp của con người như trung thực, ngay thẳng, trong sáng và có trách nhiệm với hành động của mình.

Phải hủy vĩnh viễn hồ sơ của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư gian lận. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Vi phạm liêm chính học thuật là điều không thể chấp nhận

Theo Phó Giáo sư Vũ Công Giao (Viện Chính sách công và Pháp luật), các biểu hiện phổ biến vi phạm liêm chính học thuật bao gồm: đạo văn (plagiarism), gian lận (cheating) và bịa đặt (fabrication). [4]

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ bàn đến hai hành vi liên quan đến liêm chính học thuật của những ứng viên giáo sư, phó giáo sư, đó là đạo văn và gian lận.

Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng giải thích thuật ngữ liêm chính học thuật là “sự ứng xử ngay thẳng và trong sạch trong các hoạt động học thuật”. [5]

Còn Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh định nghĩa đạo văn là “việc sử dụng có hoặc không có chủ ý của tác giả các sản phẩm học thuật về các câu văn, đoạn văn, bài viết, số liệu, hình ảnh, thông tin và ý tưởng của người khác vào các sản phẩm của mình mà không có những chỉ dẫn/thừa nhận tác giả của những nội dung đã sử dụng”. [6]

Đạo văn là một lỗi nghiêm trọng về tiêu chuẩn đạo đức khoa học, mà luật pháp (sở hữu trí tuệ) và các cơ sở đào tạo không thể bỏ qua. Vậy mà, ứng viên phó giáo sư N.L.M (thuộc liên ngành Xây dựng – Kiến trúc) vẫn vi phạm đạo văn, được thể hiện trong một số bài báo, nghĩa là mang tính hệ thống, theo Báo Tiền Phong.

Khó ai có thể tin rằng, bài báo mà ông M. đăng trên tạp chí quốc tế (số thứ tự số 40) có nội dung, hình ảnh hoàn toàn trùng lặp (100%) với bài báo tiếng Việt (thứ tự 7) được đăng trên Tạp chí Quy hoạch - Xây dựng số 101+102 (Bộ Xây Dựng).

Theo tôi, việc làm của ông M. đã vi phạm hành vi liêm chính học thuật, đó là tự đạo văn – sử dụng lại thông tin nghiên cứu của chính mình mà không có trích dẫn.

Trong khi đó, nhiều trường đại học quy định, các sản phẩm học thuật được xem là phạm lỗi đạo văn nếu vi phạm các lỗi như có từ 20% văn bản giống với các nguồn dữ liệu của các tác giả khác hoặc chỉ thay đổi tên đề tài, từ ngữ, số liệu nhưng giữ nguyên cấu trúc và nội dung tương tự các công trình khác.

Trên thế giới, nếu bị phát hiện đạo văn, nhà khoa học sẽ không được công bố công trình nữa. Đạo văn không chỉ ảnh hưởng đến danh dự một con người mà còn gây nguy hại đến uy tín của giới nghiên cứu khoa học.

Hơn nữa, các giáo sư, phó giáo sư thường giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, nếu thầy vi phạm đạo văn thì lấy tư cách gì để dạy trò? Ngoài ra, người có hành vi đạo văn còn làm xấu đi bộ mặt của cơ sở đào tạo trong mắt giới học thuật quốc tế.

Ngày 19/2/2022, Phó Giáo sư Hoàng Dũng, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ với người viết rằng, tờ Asia Sentinel ngày 24/1/2022 đã đăng bài nói về nghề viết thuê và đạo văn ở Việt Nam, trong đó nêu tên Giáo sư Nguyễn Đức Tồn (Hà Nội). [7]

Bài báo có đoạn viết: "In 2018, hundreds of students accused the head of the Academy of Linguistics, Nguyễn Đức Tồn, of committing plagiarism. They said he'd published a book made up of students' work as his own and had accused those same students of citing his work without giving him proper credit.

Even so, Tồn was promoted to the rank of full professor, not for his scholarship but for “humanitarian cause and altruism.” Although his peers urged a thorough investigation in a public letter to the Prime Minister, Tồn's only punishment was discontinuation of his contract with the Academy.”

Thầy Dũng dịch sang tiếng Việt: “Năm 2018, hàng trăm sinh viên tố cáo Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Nguyễn Đức Tồn đạo văn. Họ nói rằng ông lấy công trình của sinh viên làm của riêng, xuất bản thành một cuốn sách, lại còn buộc tội chính những sinh viên đó đã trích dẫn công trình của ông mà không ghi công xứng đáng cho ông.

Mặc dù vậy, ông Tồn vẫn được phong hàm giáo sư không phải vì thành tựu khoa học mà vì “nhân đạo và khoan dung”. Tuy các đồng nghiệp của ông đã viết thư ngỏ gửi Thủ tướng, yêu cầu mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng, hình phạt duy nhất đối với ông Tồn chỉ là ngừng hợp đồng với Viện”.

Tờ Asia Sentinel đăng bài nói về nghề viết thuê và đạo văn ở Việt Nam, dẫn chứng trường hợp Giáo sư Nguyễn Đức Tồn. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Tiếp đến là hành vi gian lận của những ứng viên giáo sư, phó giáo sư đăng bài trên tạp chí giả mạo cũng không thể nào chấp nhận được.

Theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, ứng viên phó giáo sư phải là tác giả chính của 3 bài báo khoa học, ứng viên giáo sư phải là tác giả chính của 5 bài báo khoa học “được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín”.

Theo tìm hiểu của tôi, Hội đồng đã ban hành danh mục các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới với những tên tuổi như Springer, Elsevier, Wiley-Blackwell… và các nhà xuất bản của top 100 các trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của Times Higher Education World University Rankings (THE) do tạp chí Times Higher Education (Anh) hợp tác với Thomson Reuters bình chọn hàng năm.

Ngoài ra, nhiều trường đại học đã ra các cảnh báo về các tạp chí kém chất lượng và tạp chí săn mồi (predator).

Tuy nhiên, trong đợt xét duyệt lần này, Hội đồng vẫn nhận được đơn kiến nghị về một số trường hợp ứng viên giáo sư, phó giáo sư được cho là vẫn tiếp tục đăng bài báo khoa học trên những tạp chí không uy tín nhằm đảm bảo đủ số bài theo quy định.

Bài viết “Xác minh tố cáo với hàng loạt ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành kinh tế” ngày 17/2/2022 trên VietNamNet dẫn chứng, một ứng viên phó giáo sư là tác giả chính của 5 bài báo khoa học quốc tế. [8]

Trong số 5 bài này có 1 bài đăng trên tạp chí Academy of Accounting and Financial Studies Journal là tạp chí của nhà xuất bản “săn mồi” Allied Academies (còn có tên khác là Allied Business Academies); 1 bài báo đăng trên tạp chí Turkish Journal of Computer and Mathematics Education là một tạp chí chất lượng rất thấp; 1 bài báo đăng trên tạp chí đã bị loại khỏi danh mục Scopus từ năm 2018.

Ngày 20/2/2022, một Tiến sĩ (xin không nêu tên) ở Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, tạp chí (uy tín) bao gồm nhiều tiêu chí như: chất lượng, nội dung, số lượt tải, chỉ số ảnh hưởng, số lượt trích dẫn… nhưng qua sàng lọc nếu không đạt thì tạp chí sẽ bị loại ra khỏi danh sách.

“Những ứng viên giáo sư, phó giáo sư có thể không biết nên gửi đăng bài trên các tạp chí mạo danh. Hoặc họ giới hạn về khả năng công bố bài báo khoa học nên mới tìm đến các tạp chí mở (đóng tiền để được đăng), thường gọi là những tạp chí “săn mồi”.

Cần hiểu thêm, tạp chí mở vẫn có một số tạp chí rất tốt, thường rơi vào các ngành khoa học tự nhiên như y, dược, kỹ thuật… còn các ngành xã hội thì có vẻ không ổn”, vị Tiến sĩ cho biết thêm.

Điều 4 Quyết định 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư như sau (trích):

“Không vi phạm đạo đức nhà giáo, không đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên hoặc thi hành án hình sự; trung thực, khách quan trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn khác”.

Vậy nên, theo tôi Hội đồng phải hủy vĩnh viễn hồ sơ của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư gian lận (đã được xác minh), chứ không cho rút hồ sơ rồi lại đăng ký năm sau thì mới đủ sức răn đe về liêm chính học thuật.

Tài liệu tham khảo:

[1] //hdgsnn.gov.vn/tin-tuc/danh-sach-ung-vien-duoc-hdgs-nganh-lien-nganh-de-nghi-xet-cong-nhan-dat-tieu-chuan-chuc-danh-gs-pgs-nam-2021_663

[2] //thanhnien.vn/ro-thong-tin-ung-vien-xet-gs-pgs-2021-dang-bai-tren-tap-chi-gia-mao-post1430453.html

[3] //tienphong.vn/mot-ung-vien-pho-giao-su-bi-to-cao-vi-pham-liem-chinh-khoa-hoc-post1417101.tpo

[4] //lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207018

[5] //cokhi.dut.udn.vn/wp-content/uploads/Van_ban_Bieu_mau/Khoa_hoc/2017_QD-DHBK_029_Liem_chinh_hoc_thuat.pdf?fbclid=IwAR2Y_k7wkU-72Ogz_ciNs65-3uoZKO8JwSR5dfWbvI_ihmGMO6MWkQgEw_A

[6] //sdh.ueh.edu.vn/dao-tao-tien-si-69137/quy-dinh-kiem-soat-va-xu-ly-dao-van-cac-san-pham-hoc-thuat.html

[7] //www.asiasentinel.com/p/surrogate-scholars-big-business-vietnam?utm_source=url (https://drive.google.com/file/d/16Far1uzUv4E0if5QngU3kW7K_pT1Xeff/view?fbclid=IwAR18gxgIkMEf95TCltF7eYPEkLL5SomjrKc5oVvtOXrIs2q3UE67WA2Ykwg)

[8] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nhung-dieu-la-lung-ve-bai-bao-khoa-hoc-cua-ung-vien-gs-pgs-nam-nay-815869.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài
KHÔNG PHẢI ỨNG VIÊN BIẾT TẠP CHÍ GIẢ MẠO MÀ VẪN GỬI ĐĂNG, KHÔNG AI DẠI DỘT THẾ !
ÁNH GIAO/ GDVN 23-2-2022
GDVN- Chủ tịch HĐGS ngành Giáo dục học cho rằng, ứng viên đăng bài trên những tạp chí không được công nhận là do không may, không đủ căn cứ quy kết vấn đề về đạo đức.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được phản ánh của một số nhà khoa học về chất lượng bài báo của một vài ứng viên trong đợt xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư 2021.

Theo thông tin phản ánh, ngành Giáo dục học có một số ứng viên kê khai bài báo khoa học đăng trên các tạp chí giả mạo. Cụ thể có ứng viên L.C.L có 4 bài báo bất hợp pháp, trong đó các bài số 44, 46, 51 đăng trên tạp chí giả mạo; riêng bài số 53 đăng trên tạp chí không có trong danh mục như tác giả kê khai.

Ứng viên P.P.T có bài số 34 đăng trên tạp chí giả mạo bởi tạp chí trong danh mục Scopus Multicultural Education do Caddo Gap Press xuất bản là tạp chí in, không có bản điện tử. Tạp chí có bài báo của tác giả xuất bản có giống tên gọi nhưng do tổ chức làm giả có tên là International Journal Documentation & Research Institute.

Để có thông tin đa chiều, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Giáo dục học.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Giáo dục học. (Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam)

Thưa Giáo sư, Hội đồng giáo sư ngành Giáo dục học có nắm được thông tin một số ứng viên trong ngành đang bị phản ánh về việc đăng bài trên tạp chí phi pháp, giả mạo không?

Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Ngay từ trước khi Hội đồng giáo sư ngành họp, các nhà khoa học trong hội đồng đã nhận được thông tin phản ánh về vấn đề này, kể cả qua email, qua công văn chính thức của văn phòng Hội đồng giáo sư nhà nước gửi cho Hội đồng ngành.

Chính vì có những thông tin như vậy nên Hội đồng giáo sư ngành lại càng phải bỏ nhiều công sức hơn để làm rõ những thông tin đó, đảm bảo không để lọt những những ứng viên không đủ tiêu chuẩn; đồng thời đảm bảo không xét duyệt sai và oan cho các ứng viên.

Ngành Giáo dục học có tất cả 6 ứng viên. Tất cả những bài báo đăng trên những tạp chí được đánh giá là không uy tín đều được hội đồng đánh giá khách quan. Vì vậy, những gì các ứng viên đạt được là xứng đáng, một số ứng viên có những bài báo không may rơi vào những tạp chí bị đã bị loại khỏi ISI/ Scopus thì sẽ không được tính bài báo uy tín, điều này ứng viên phải chấp nhận thôi.

Theo chia sẻ của bà, với một số ứng viên có bài báo khoa học đăng trên tạp chí phi pháp, giả mạo, hoặc những tạp chí đã bị loại khỏi danh sách Scopus, quá trình xét duyệt vẫn diễn ra bình thường?

Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Quá trình xét duyệt vẫn diễn ra bình thường, bởi vì ứng viên đâu chỉ có những bài báo đấy, họ còn những bài báo khác nữa. Không phải họ biết tạp chí là giả mạo rồi mà vẫn gửi đăng, không ai dại dột như thế.

Ví dụ có trường hợp, thời điểm ứng viên gửi bài thì tạp chí đó vẫn nằm trong danh sách ISI/Scopus nhưng khi bài được đăng lên thì tạp chí đã bị loại khỏi danh sách ISI/Scopus rồi.

Vậy Hội đồng giáo sư ngành trong quá trình xét duyệt có lưu tâm đến vấn đề đạo đức học thuật, liêm chính khoa học của các ứng viên không? Nếu có, thì đối với các ứng viên đang bị phản ánh, Hội đồng có thẩm định lại hồ sơ không, thưa bà?

Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Đạo đức của nhà khoa học là một trong những tiêu chuẩn đầu tiên để xem xét tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, sau đó mới đến xét các công trình nghiên cứu.

Đạo đức của nhà khoa học đầu tiên là uy tín của họ, họ đã qua xét duyệt của Hội đồng giáo sư cơ sở, sau khi hội đồng cơ sở đánh giá, thông tin cũng được công khai để ghi nhận thêm các ý kiến phản ánh. Dựa trên những phản hồi đó, hội đồng ngành mới có căn cứ đánh giá cá nhân con người đó có uy tín không, có đủ năng lực trong lĩnh vực đó hay không.

Vì vậy, đạo đức của nhà khoa học là tiêu chí phải được xem xét đầu tiên.

Còn việc một số ứng viên đăng bài vào tạp chí không được công nhận quả thật là do không may. Bởi lẽ, không một ai dại dột mà mang công trình tốn bao công sức nghiên cứu, hoàn thành một bài báo lại đi đăng vào một tạp chí không có giá trị.

Chưa kể trên thế giới bây giờ cũng có nhiều vấn đề trong đăng bài khiến chúng ta dễ bị lừa, đơn cử có khi một tạp chí giả mạo thêm 1 chữ “s” so với tạp chí chính thống, nếu không tinh tường là không nhận ra được.

Những chuyện đó mà quy kết vào đạo đức của ứng viên thì tôi nghĩ là không có căn cứ, không ai tự làm việc mà đem lại thua thiệt cho bản thân mình như thế.

Hội đồng giáo sư ngành phải làm việc rất vất vả, quan trọng là phải xem xét thực chất chất lượng bài báo như thế nào, sau đó mới xem đến tạp chí như thế nào.

Và phải đánh giá thực chất con người đó, họ đã qua nhiều công đoạn để đến được Hội đồng ngành xét duyệt, nếu họ không có đạo đức, uy tín thì đã bị loại rồi.

Nếu khẳng định những ứng viên đăng bài trên tạp chí giả mạo là vấn đề không may, liệu rằng nếu không có một cơ chế, quy định rõ thì sau này sẽ có những ứng viên viện dẫn lý do này để tiếp tục đăng bài như vậy không, thưa bà?

Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Họ cứ đăng thôi, nhưng họ đăng cũng không được tính điểm, bởi trong các hội đồng đã xét duyệt rất rõ rồi, tra ra tạp chí nào thuộc Scopus hay ISI.

Trên tất cả những hệ thống tạp chí ấy, hội đồng chuyên sâu, chuyên nghiệp đã tra cứu rồi, còn có cả mật khẩu để vào trong từng cá nhân và từng bài báo, nếu đã bị loại khỏi Scopus thì các hội đồng còn có mã để kiểm tra. Có nhiều kỹ thuật khác nhau để tra tìm ra một bài báo, đi vào từng tên tác giả cụ thể, bài báo cụ thể để đánh giá.

Những ứng viên, họ có nhiều công trình chứ đâu phải mỗi công trình đó, tất cả những bài báo khác của họ xứng đáng thì đều được tính điểm, còn không thì bị loại và không được tính điểm.

Đặt giả thiết có ứng viên cố tình đăng bài trên tạp chí giả mạo. Theo Giáo sư, hành vi này có vi phạm liêm chính khoa học hay không?

Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Không ai cố tình làm điều đó, biết một tạp chí không được tính điểm mà vẫn cố tình đăng vào để làm gì, vì mục đích đăng để được tính điểm.

Nếu đăng bài mà không được tính thì sẽ mất công sức nghiên cứu vì bài báo đăng ở tạp chí đó rồi không đăng được tạp chí khác nữa.

Để có được 1 bài báo không hề đơn giản, 1 công trình nghiên cứu phải mất biết bao nhiêu thời gian, công sức mới ra được nên đó là điều không may cho các tác giả.

Thưa bà, trong quá trình xét duyệt, hội đồng giáo sư ngành đã xây dựng những tiêu chí nào khi xem xét, đánh giá chất lượng bài báo khoa học của mỗi ứng viên?

Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Hội đồng ngành sẽ dựa vào Quyết định 37 là quy định quan trọng nhất, rồi đến quy định về đánh giá, xem xét các ứng viên, sau đó các bài báo khoa học sẽ có các chuyên gia đầu ngành đánh giá.

Trong mỗi một Hội đồng giáo sư ngành/ liên ngành, bao giờ cũng thẩm định hồ sơ theo chuyên môn. Các giáo sư ở trong hội đồng đều là những chuyên gia đầu ngành của một lĩnh vực cụ thể, ứng viên theo lĩnh vực nào thì chuyên gia đầu ngành đó thẩm định và đánh giá hồ sơ. Sẽ không ai làm tốt hơn nhà khoa học đầu ngành, vì họ nắm rất vững thông tin lĩnh vực, ngành đó.

Nhưng quan trọng nhất là đánh giá thực chất bài báo đó có chất lượng không, có xứng đáng đánh giá điểm không.

Hội đồng giáo sư ngành cũng chấm điểm rất chi tiết, chấm chi tiết đến từng 0.1 điểm, vì vậy, tùy chất lượng bài báo để đánh giá bao nhiêu điểm, chứ không phải bài báo nào cũng có điểm như nhau.

Trước những thông tin từ phía báo chí, theo bà, cần khắc phục những lỗ hổng nào trong xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư để tránh gây ồn ào mỗi mùa xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Các ý kiến của xã hội bao giờ cũng có, vì không phải ai cũng là người trong cuộc, người trong cuộc họ mới biết khó khăn như thế nào, quy trình cụ thể ra sao, còn người ở ngoài khó nắm bắt chính xác.

Nên theo tôi, các hội đồng phải đánh giá thực chất, xem xét bài báo có giá trị hay không.

Vừa rồi cũng có công bố số lượng lớn bài báo khoa học nằm trong hệ thống ISI/Scopus nhưng không có giá trị, ý nghĩa. Bởi vậy không phải lúc nào thuộc ISI/ Scopus cũng là có chất lượng.

Quan trọng là xem bài báo chất lượng không, vai trò tác giả của ứng viên trong công trình khoa học như thế nào, và ứng viên có phẩm chất đạo đức xứng đáng không.

Hội đồng giáo sư ngành làm việc trong thời gian ngắn nên cần phải dựa vào đánh giá của Hội đồng cơ sở, về những phản hồi với những thông tin ứng viên đã được công khai.

Phải đánh giá rõ ràng vì học hàm khác với học vị, học vị chỉ thuần túy về mặt khoa học thôi, còn học hàm thì ngoài vấn đề khoa học, bản thân ứng viên đó phải uy tín.

Với những phản ánh đơn thuần về chuyên môn thiết nghĩ cũng tốt, sẽ giúp cho các nhà khoa học trong các hội đồng giáo sư xem xét một cách kỹ lưỡng, đánh giá chuẩn xác các ứng viên.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Ánh Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét