Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

20220225. CĂNG THẲNG NGA-UKRAINA (2)

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TỔNG THỐNG NGA NÊU ĐIỀU KIỆN ĐỐI THỌAI VỚI UKRAINE

TUẤN TRẦN /VNN 25-2-2022

Hãng tin RT dẫn lời Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẵn sàng đối thoại với Ukraina để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

"Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện sẵn sàng giải quyết vấn đề này thông qua các cuộc đối thoại với người đồng cấp Ukraina. Ông ấy muốn Kiev trong tình trạng trung lập, cũng như không có thêm vũ khí triển khai trên lãnh thổ Ukraina, như một phần của những vấn đề được gọi là ‘ranh giới đỏ’", hãng RT dẫn lời ông Peskov nói.

Tổng thống Putin nêu điều kiện đối thoại với Ukraina
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Theo ông Peskov, những điều khoản này là lựa chọn đúng đắn duy nhất nhằm đạt được việc loại bỏ các lực lượng quân sự khỏi Ukraina cũng như giảm bớt sự leo thang hiện tại của cuộc khủng hoảng, vốn là mối đe dọa với an ninh quốc gia và người dân Nga.

“Ông Putin đang sắp xếp thời gian đàm phán, đồng thời nhấn mạnh Nga sẽ chỉ đàm phán khi người đồng cấp Ukraina sẵn sàng làm vậy”, ông Peskov nói thêm.

Trước đó vào hôm 24/2, ông Putin đã kích hoạt chiến dịch quân sự ở Ukraina, với mục đích "đảm bảo sự hòa bình" ở các nước cộng hòa Donetsk và Lugansk tự xưng thuộc khu vực Donbass, Ukraina.

Chiến dịch tấn công của Nga nhằm vào các mục tiêu quân như sân bay, căn cứ quân sự và thành phố của Ukraina, bao gồm cả thủ đô Kiev.

>>> Cập nhật chiến sự căng thẳng tại Ukraine hiện nay

Tuấn Trần

NGA 'ĐỘNG BINH' TẠI UKRAINE VÀ HỆ QUẢ VỚI AN NINH CHÂU ÂU

HOÀNG ANH TUẤN/ TVN 24-2-2022


TS Hoàng Anh Tuấn

Đại sứ, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN

Những ngày qua, Tổng thống Mỹ cùng các nhà lãnh đạo Ukraina, NATO và phương Tây nóng lòng "đếm ngược thời gian" chờ cuộc tấn công tổng lực của Nga. Tuy nhiên, ông Putin làm cả Mỹ và phương Tây "té ngửa".

Tổng thống Nga bất ngờ công nhận nền độc lập của 2 nước "cộng hòa tự xưng" là Luhansk và Donetsk ở khu vực Donbass thuộc Ukraina ngày 21/2, đồng thời lập tức đưa quân Nga sang thực hiện sứ mạng "gìn giữ hòa bình". Vậy động thái của ông Putin có tác động ra sao đến hòa bình, an ninh châu Âu, cũng như an ninh của thế giới? 

Tính toán của Nga 

Nếu theo dõi các diễn biến trước sự kiện ngày 21/2, chúng ta thấy kể từ khi xung đột bùng phát ở miền Đông Ukraina cách đây 8 năm, sự phối hợp giữa Nga và các thực thể vừa được Nga công nhận ở Donbass là CH Luhan và CH Donetsk diễn ra khá bài bản.

Nga 'động binh' và hệ quả với an ninh châu Âu
Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng ly khai của Ukraina ở Donbass. Ảnh: TASS

Cần nhớ rằng Luhansk và Donetsk chỉ là 2 trong số khoảng 10 tỉnh ở phía Đông của Ukraina (tính từ phía bờ Đông sông Dnieper) có đa số dân là người gốc Nga, nói tiếng Nga và theo đạo chính thống. Xung đột ở Donetsk và Luhansk nổ ra từ năm 2014, tức cùng lúc với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, khi các nhóm vũ trang thân Nga ở 2 tỉnh này đấu tranh vũ trang, đòi quyền tự trị lớn hơn với Kiev.  

Khi căng thẳng giữa Nga và Ukraina lên cao, Luhansk và Donetsk tuyên bố thành lập 2 nước cộng hòa, rồi tuyên bố độc lập. Trước lúc ông Putin ký sắc lệnh tổng thống công nhận 2 nước Cộng hòa này và gửi quân đội sang với sứ mệnh "gìn giữ hòa bình", thì ngày 15/2, Chủ tịch Duma (Quốc hội Nga) Vyacheslav Volodin thay mặt các nhà lập pháp ký một nghị quyết tương tự và gửi lên Tổng thống. 

Các bước đi này cũng hoàn toàn tương tự như cách đây 15 năm, khi Nga tham gia cuộc chiến với Gruzia để bảo vệ 2 thực thể nằm trong lãnh thổ nước này và cũng tuyên bố độc lập, đó là CH Abkhazia và CH Nam Ossetia. 

Như vậy, có thể thấy các bước đi này không phải là mới và chưa từng có tiền lệ. Hơn nữa, chẳng phải chờ đến khi có Tuyên bố chính thức từ Kremlin thì quân Nga mới có mặt ở Donbass, mà đã hiện diện ở đó từ trước.   

Nga 'động binh' và hệ quả với an ninh châu Âu
Xe tăng Nga triển khai gần biên giới Ukraina. Ảnh: AP

Tuy nhiên, tuyên bố chính thức được đưa ra từ người đứng đầu điện Kremlin đã tạo ra phản ứng ngay lập tức từ Tổng thống Mỹ, Tổng thư ký LHQ, Tổng thư ký NATO, lãnh đạo một loạt nước phương Tây, cùng các biện pháp cấm vận đi kèm. 

Tổng thư ký LHQ cho rằng quân đội Nga ở Donbass không phải để "gìn giữ hòa bình". Tổng thống Mỹ Biden thì gọi hành động của Nga là "xâm lược", đồng thời "trừng phạt" ngân hàng VEB và ngân hàng quân đội Nga, cũng như Cơ quan quản lý nợ quốc gia khiến họ không thể tiếp cận được các nguồn tài chính phương Tây. Đức cũng ngay lập tức tuyên bố hoãn vô thời hạn việc cấp phép đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2".  

Ngay cả Trung Quốc, một đồng minh thân cận của Nga, cũng không thể lên tiếng ủng hộ Nga. Phát biểu tại hội nghị An ninh Munich ngày 19/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “Chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào cũng phải được tôn trọng và bảo vệ” và “Ukraina cũng không phải ngoại lệ”. 

Tại sao biết trước sự trừng phạt và phản ứng của các nước trên thế giới như vậy nhưng ông Putin và lãnh đạo Nga vẫn "mạo hiểm" công nhận 2 nước Cộng hòa ở Donbass, cũng như đưa quân sang khu vực này? 

Thứ nhất, theo tính toán của Nga, việc đưa quân sang giúp họ duy trì sự có mặt quân sự tối thiểu, nhưng lại gây sức ép tối đa cho Kiev và phương Tây với nguy cơ chiến tranh tổng lực luôn thường trực và cận kề. 

Thứ hai, Nga muốn được đảm bảo chắc chắn Ukraina sẽ không bao giờ trở thành thành viên mới của NATO ở phía Đông. Moscow tính toán rằng sự có mặt tại Donbass sẽ giúp họ ở thế "thượng phong" trong cuộc đàm phán sắp tới về một cấu trúc an ninh ở châu Âu, trong đó họ cần có sự cam kết đảm bảo an ninh từ phía Mỹ và NATO. 

Thứ ba, các bước đi của Nga tại Donbass mới chỉ là những bước mới nhất chứ chưa phải là cuối cùng. Nga cũng gửi thông điệp với hàm ý, nếu các bên liên quan "không biết điều", tức không tính đến lợi ích của Nga một cách thỏa đáng thì khả năng một số thực thể khác hoặc toàn bộ miền Đông Ukraina, nơi cộng đồng người gốc Nga và nói tiếng Nga chiếm đa số, có thể tiếp bước Luhansk, Donetsk và có hành động tương tự đối với Kiev. 

Dự báo một số hệ quả 

Tuy việc Nga công nhận 2 nước Cộng hòa Luhansk và Donetsk lần này có nhiều điểm tương đồng với việc họ công nhận Nam Ossetia và Abkhazia thuộc Gruzia cách đây 15 năm, nhưng cũng có một số điểm khác biệt. 

Một là, so với Ukraina, Gruzia là một quốc gia quá nhỏ về diện tích và dân số nên tác động từ những bất ổn tại Gruzia đối với an ninh của NATO và EU gần như không đáng kể. Trái lại, xét về sức mạnh tổng thể, Ukraina là quốc gia lớn thứ hai sau Nga trong không gian hậu Xô Viết. Do đó, tác động đối với NATO và an ninh châu Âu từ các bất ổn tại Ukraina cũng lớn hơn nhiều. 

Hai là, khác với Gruzia, Ukraina là một quốc gia lớn, tiếp giáp với toàn bộ khu vực Đông Nam châu Âu và gần các quốc gia hùng mạnh trong NATO và EU như Đức, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ... Do đó, các bất ổn tại Ukraina đang tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến an ninh của toàn bộ "lục địa già". Điều này giải thích lý do các thị trường chứng khoán lớn ở châu Âu liên tục "đỏ lửa". Đây là điều chúng ta hoàn toàn không thấy khi Nga và Gruzia "lâm chiến" cách đây 15 năm. 

Nhìn rộng hơn, việc Nga công nhận nền độc lập của Luhansk và Donetsk đã tạo thêm rạn nứt mới trong cấu trúc an ninh châu Âu được xây dựng từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Nó cũng đi ngược lại các điều khoản của hiệp định Helsinki của hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu (CSCE) được ký kết năm 1975. Tất nhiên, về phía mình, Nga cũng viện dẫn các "tiền lệ xấu" khi Mỹ và phương Tây can thiệp, công nhận độc lập của Kosovo, "một quốc gia" được tách ra từ lãnh thổ Serbia - đồng minh thân cận của Nga. 

Những gì đang diễn ra ở Ukraina đã phá vỡ thoả thuận 3 bên Moscow, cũng như thỏa thuận 6 bên Budapest đều được ký năm 1994. Theo thỏa thuận Moscow, Nga và Mỹ sẽ đứng ra đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Ukraina để đổi lấy việc Ukraina từ bỏ sở hữu kho vũ khí hạt nhân của mình. Còn theo thỏa thuận Budapest, Anh, Nga và Mỹ cam kết đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Kazakhstan, Belarus và Ukraina, để đổi lại việc 3 nước này tham gia hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và không tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. 

Tuy nhiên, khi cam kết của các nước lớn không giúp đảm bảo an ninh, Ukraina buộc phải tự tìm bằng mọi cách để đảm bảo an ninh cho chính mình. Ngay sau hội nghị An ninh Munich, Ukraina đã bày tỏ ý định sẽ nghiên cứu khả năng phát triển vũ khí hạt nhân để không còn lệ thuộc vào sự đảm bảo an ninh của các nước lớn, cũng như các cấu trúc an ninh hiện hành ở châu Âu.  

Tuy mới chỉ là lời nói và chưa có hành động cụ thể nào kèm theo, nhưng nếu Ukraina quyết tâm tìm kiếm công nghệ hạt nhân thì điều này không chỉ tác động trực tiếp an ninh châu Âu, mà còn thúc đẩy các quốc gia khác đi theo con đường tương tự để đảm bảo an ninh cho mình.  

Trong khi đó, câu chuyện đàm phán để CHDCND Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh quốc gia càng trở nên thách thức và khó khăn hơn bao giờ hết. 

         >>> Cập nhật tình hình căng thẳng tại Ukraine trên VietNamNet

TS Hoàng Anh Tuấn

BIỂU TÌNH KHẮP THẾ GIỚI PHẢN ĐỐI NGA XÂM LƯỢC UKRAINE

TH.LONG/ BVN 25-2-2022

MOSCOW, Nga (NV) – Biểu tình xảy ra khắp thế giới hôm Thứ Năm, 24 Tháng Hai, phản đối Nga xâm lăng Ukraine.

Tại Nga, hàng ngàn người xuống đường ở nhiều chục thành phố khắp cả nước, bất chấp có lệnh cấm biểu tình và bất chấp Tổng Thống Vladimir Putin tuyên bố cuộc tấn công được công chúng Nga ủng hộ rộng rãi, theo The Guardian.

Cảnh sát bắt giữ người biểu tình ở Moscow, Nga, hôm Thứ Năm, 24 Tháng Hai, phản đối Nga xâm lăng Ukraine. (Hình: Kirill Kudryatsev/AFP via Getty Images)

Tính đến tối Thứ Năm, cảnh sát Nga bắt giữ ít nhất 1,702 người biểu tình ở 53 thành phố, theo OVD-Info, một tổ chức bảo vệ nhân quyền độc lập của Nga. Hầu hết những vụ bắt giữ xảy ra ở Moscow và St Petersburg, hai nơi đông người biểu tình nhất.

Người biểu tình hô lớn: “Phản đối chiến tranh!”

Tại Moscow, ông Alexander Belov nói ông nghĩ Tổng Thống Putin “bị mất trí.” Ông Belov đến quảng trường Pushkinskaya ở Moscow từ sớm và nhìn thấy xe cảnh sát bao vây nơi này.

“Tôi tưởng chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy chiến tranh như thế này ở thế kỷ 21,” ông Belov nói. “Hóa ra chúng ta đang sống ở thời Trung Cổ.”

Bầu không khí ở Moscow ảm đạm vài giờ sau khi ông Putin công bố sẽ mở chiến dịch quân sự lớn ở Ukraine.

“Tôi xấu hổ vì đất nước tôi. Thực sự, tôi không còn lời nào để nói. Chiến tranh lúc nào cũng đáng sợ. Chúng tôi không muốn như thế này,” thầy giáo Nikita Golubev, 30 tuổi, nói. “Tại sao chúng ta đang làm chuyện này?”

Nhiều dấu hiệu cho thấy người Nga đã không hài lòng với quyết định ban đầu của ông Putin là công nhân độc lập hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine.

Hôm Thứ Ba, ông Yuri Dudt, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trên truyền thông Nga, lên mạng xã hội cho hay ông “không bầu cho chính quyền này” cũng như nhu cầu thành lập đế chế của họ, và cảm thấy xấu hổ. Bản “post” của ông nhận được gần một triệu “like” trong 24 giờ.

Theo kết quả thăm dò mới của Trung Tâm Levada độc lập công bố hôm Thứ Năm, chỉ 45% người Nga ủng hộ công nhận độc lập hai khu vực ly khai nêu trên. Tổng Thống Putin công nhận độc lập hai khu vực này hôm Thứ Hai.

“Tôi nghĩ ông Putin sẽ không dám làm tới cùng. Làm sao chúng ta có thể ném bom Ukraine? Hai quốc gia chúng tôi có bất đồng, nhưng đây không phải là cách giải quyết,” cô Ksenia, cư dân Moscow, nói.

Người biểu tình phản đối Nga xâm lăng Ukraine tại Lafayette Park ở Washington, DC, hôm Thứ Năm, 24 Tháng Hai. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

Không chỉ Nga, tại Mỹ, người biểu tình cũng xuống đường ở nhiều thành phố lớn hôm Thứ Năm để phản đối Nga xâm lăng Ukraine, theo Reuters.

Bất chấp trời lạnh cóng, hàng trăm người biểu tình ở Manhattan, New York, tuần hành đến cơ quan ngoại giao của Nga ở Liên Hiệp Quốc, vài người trong số họ quấn cờ Ukraine và hô lớn “ngưng chiến tranh.” New York City là thành phố có đông người Ukraine sinh sống nhất nước Mỹ.

Cô Julia Makhalova, 34 tuổi, từ Nga chuyển đến sống ở New York năm 2017, cho biết cô lo sợ hành động của ông Putin sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới toàn diện.

“Tôi thấy rất đáng sợ,” cô Makhalova nói. “Ông tổng thống này đúng là điên khùng.”

Cuộc biểu tình sớm nhất hôm Thứ Năm diễn ra bên ngoài Tòa Đại Sứ Nga ở Washington, DC, khoảng 1 giờ sáng, giờ địa phương, không lâu sau khi tin tức loan báo Nga bắt đầu xâm lăng Ukraine.

Nhiều cuộc biểu tình khác được lên kế hoạch sau đó trong ngày Thứ Năm ở Washington, Los Angeles, Houston, và Denver, theo những bản “post” trên mạng xã hội. Những cuộc biểu tình tương tự diễn ra tại nhiều thành phố khắp thế giới hôm Thứ Năm.

Th.L.

Nguồn: nguoi-viet.com

'BẠO CHÚA PUTIN KHÔNG THỂ DẬP TẮT TỰ DO'

(TOÀN BỘ DIỄN VĂN CỦA TỔNG THỐNG BIDEN )

BBC/ BVN 25-2-2022

Tổng thống Biden phát biểu về Ukraine

Tổng thống Biden phát biểu về Ukraine. ẢNH: GETTY IMAGES

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Năm công bố các biện pháp trừng phạt mới khắc nghiệt đối với Nga vì cuộc xâm lược vào Ukraine.

Ông Biden nói: "Putin là kẻ xâm lược. Putin đã chọn cuộc chiến này. Và bây giờ ông ấy và đất nước của ông ấy sẽ gánh chịu hậu quả."

Sau đây là toàn bộ bài diễn văn của Tổng thống Joe Biden đọc hôm 24/2:

Tổng thống Joe Biden: Quân đội Nga đã bắt đầu một cuộc tấn công tàn bạo vào người dân Ukraine mà không cần khiêu khích, không cần biện minh, không cần thiết.

Đây là một cuộc tấn công được tính toán trước. Vladimir Putin đã lên kế hoạch cho việc này trong nhiều tháng, như tôi đã nói từ trước. Ông ta chuyển hơn 175.000 quân, thiết bị quân sự vào các vị trí dọc biên giới Ukraine.

Ông ta đã chuyển nguồn cung cấp máu vào vị trí và xây dựng một bệnh viện dã chiến, nghĩa là cho ta biết tất cả những gì cần biết về ý định của ông ta.

Ông từ chối mọi nỗ lực thiện chí mà Hoa Kỳ và các Đồng minh cũng như đối tác đã thực hiện nhằm giải quyết các mối quan ngại về an ninh chung thông qua đối thoại nhằm tránh xung đột không cần thiết và ngăn chặn sự đau khổ của con người.

Trong nhiều tuần - chúng tôi đã cảnh báo rằng điều này sẽ xảy ra. Và bây giờ nó đang diễn ra phần lớn như chúng tôi dự đoán.

Trong tuần qua, chúng ta đã thấy các cuộc pháo kích gia tăng ở Donbas, khu vực ở miền đông Ukraine do phe ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát.

Chính phủ Nga đã tiến hành các cuộc tấn công mạng chống lại Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bước vào hội trường trong cuộc gặp với các doanh nhân Nga tại Điện Kremlin ngày 24 tháng 2 năm 2022

Tổng thống Nga Vladimir Putin bước vào hội trường trong cuộc gặp với các doanh nhân Nga tại Điện Kremlin ngày 24 tháng 2 năm 2022. ẢNH: EPA

Chúng tôi đã thấy một sân khấu chính trị được dàn dựng ở Moscow - những tuyên bố kỳ quặc và vô căn cứ rằng Ukraine sắp xâm lược và phát động cuộc chiến chống lại Nga, rằng Ukraine đã chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học, rằng Ukraine đã phạm tội diệt chủng - mà không có bất kỳ bằng chứng nào.

Chúng tôi đã chứng kiến sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế khi cố gắng đơn phương tạo ra hai nước cộng hòa mới trên lãnh thổ Ukraine có chủ quyền.

Và ngay tại thời điểm Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang nhóm họp để bảo vệ chủ quyền của Ukraine nhằm ngăn chặn xâm lược, Putin đã tuyên chiến.

Trong khoảnh khắc, các cuộc tấn công tên lửa bắt đầu rơi xuống các thành phố lịch sử trên khắp Ukraine.

Sau đó là các cuộc không kích, tiếp theo là xe tăng và quân đội xông vào.

Chúng tôi đã minh bạch với thế giới. Chúng tôi đã chia sẻ bằng chứng đã được giải mật về các kế hoạch cũng như các cuộc tấn công mạng và tin đồn giả của Nga để không có sự nhầm lẫn hoặc che đậy về những gì Putin đang làm.

Putin là kẻ xâm lược. Putin đã chọn cuộc chiến này. Và bây giờ ông ta và đất nước sẽ gánh chịu hậu quả.

Hôm nay, tôi cho phép bổ sung các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và các giới hạn mới đối với những gì có thể xuất khẩu sang Nga.

Điều này sẽ đặt ra những chi phí nặng nề cho nền kinh tế Nga, ngay lập tức và theo thời gian.

Nga-Ukraine

Các mũi tiến quân có thể được Nga tiến hành, theo một đánh giá của BBC hôm 23/02, trước ngày Nga 'xâm lăng toàn diện 24/02'

Chúng tôi đã thiết kế có mục đích các biện pháp trừng phạt này để tối đa hóa tác động lâu dài đối với Nga và giảm thiểu tác động đối với Hoa Kỳ và các Đồng minh.

Và tôi muốn nói rõ: Hoa Kỳ không làm điều này một mình. Trong nhiều tháng, chúng tôi đã xây dựng một liên minh các đối tác đại diện cho hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu.

27 thành viên của Liên minh Châu Âu, bao gồm Pháp, Đức, Ý - cũng như Vương quốc Anh, Canada, Nhật Bản, Úc, New Zealand và nhiều nước khác - để tăng cường tác động chung của phản ứng của chúng tôi.

Tôi vừa nói chuyện với các nhà lãnh đạo G7 sáng nay, và chúng tôi có thỏa thuận hoàn toàn và toàn diện. Chúng tôi sẽ giới hạn khả năng kinh doanh bằng Đô la, Euro, Bảng Anh và Yên của Nga để trở thành một phần của nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi sẽ hạn chế khả năng của họ để làm điều đó. Chúng tôi sẽ hạn chế khả năng tài chính và phát triển của quân đội Nga.

Chúng tôi sẽ áp đặt và sẽ làm suy giảm khả năng cạnh tranh của họ trong nền kinh tế công nghệ cao của thế kỷ 21.

Chúng tôi đã thấy tác động của các hành động của chúng tôi đối với đồng tiền của Nga, đồng Rúp đầu ngày hôm nay đã sụt giảm nhất từ trước đến nay - chưa từng có trong lịch sử. Và thị trường chứng khoán Nga đã lao dốc trong ngày hôm nay. Lãi suất đi vay của chính phủ Nga tăng vọt hơn 15 phần trăm.

Trong các hành động của ngày hôm nay, chúng tôi đã trừng phạt các ngân hàng Nga có tổng tài sản trị giá khoảng 1 nghìn tỷ đô la.

Chúng tôi đã cắt bỏ ngân hàng lớn nhất của Nga - một ngân hàng nắm giữ hơn 1/3 tài sản ngân hàng của Nga - khỏi hệ thống tài chính của Hoa Kỳ.

Một phụ nữ bị thương sau khi một cuộc không kích làm hư hại một khu chung cư ở thành phố Chuhuiv, Kharkiv Oblast, Ukraine

Một phụ nữ bị thương sau khi một cuộc không kích làm hư hại một khu chung cư ở thành phố Chuhuiv, Kharkiv Oblast, Ukraine

Và hôm nay, chúng tôi cũng chặn thêm bốn ngân hàng lớn nữa. Điều đó có nghĩa là mọi tài sản họ có ở Mỹ sẽ bị đóng băng. Điều này bao gồm V.T.B., ngân hàng lớn thứ hai ở Nga, có tài sản 250 tỷ USD.

Như đã hứa, chúng tôi cũng sẽ thêm tên vào danh sách giới tinh hoa Nga và các thành viên gia đình bị chế tài.

Như tôi đã nói vào thứ Ba, đây là những người đạt được lợi ích cá nhân từ các chính sách của Điện Kremlin và họ nên chia sẻ nỗi đau. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ định chống lại các tỷ phú tham nhũng trong những ngày tới.

Vào thứ Ba, chúng tôi đã ngăn chính phủ Nga huy động tiền từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ hoặc châu Âu.

Bây giờ, chúng tôi sẽ áp dụng các hạn chế tương tự đối với các doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Nga - những công ty có tài sản vượt quá 1,4 nghìn tỷ đô la.

Một số tác động mạnh mẽ nhất của các hành động của chúng tôi sẽ xuất hiện theo thời gian khi chúng tôi siết chặt khả năng tiếp cận tài chính và công nghệ của Nga đối với các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế và làm suy giảm năng lực công nghiệp của nước này trong nhiều năm tới.

Cùng các hành động của chúng tôi và các hành động của Đồng minh và đối tác, chúng tôi ước tính rằng sẽ cắt giảm hơn một nửa số hàng nhập khẩu công nghệ cao của Nga.

Quả đạn pháo này rơi xuống một con phố ở Kyiv vài giờ sau khi Nga phát động cuộc tấn công

Quả đạn pháo này rơi xuống một con phố ở Kyiv vài giờ sau khi Nga phát động cuộc tấn công. ẢNH: GETTY IMAGES

Nó sẽ giáng một đòn mạnh vào khả năng tiếp tục hiện đại hóa quân đội của họ. Nó sẽ làm suy thoái ngành hàng không vũ trụ của họ, bao gồm cả chương trình không gian của họ. Nó sẽ làm tổn hại đến khả năng đóng tàu của họ, làm giảm khả năng cạnh tranh kinh tế của họ. Và nó sẽ là một tác động lớn đối với tham vọng chiến lược dài hạn của Putin.

Và chúng tôi đang chuẩn bị làm nhiều việc hơn thế. Ngoài các hình phạt kinh tế mà chúng tôi đang áp đặt, chúng tôi cũng đang thực hiện các bước để bảo vệ các Đồng minh NATO của mình, đặc biệt là ở phía đông.

Ngày mai, NATO sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh - chúng tôi sẽ có mặt - để quy tụ các nhà lãnh đạo của 30 quốc gia Đồng minh và các đối tác thân thiết nhằm khẳng định tình đoàn kết của chúng ta và vạch ra các bước tiếp theo sẽ thực hiện để tăng cường hơn nữa mọi khía cạnh của Liên minh NATO của chúng ta.

Các nhân viên cứu hỏa làm việc trên một tòa nhà sau vụ đánh bom vào thị trấn Chuguiv, miền đông Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Các nhân viên cứu hỏa làm việc trên một tòa nhà sau vụ đánh bom vào thị trấn Chuguiv, miền đông Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. ẢNH: AFP

Mặc dù chúng tôi đã cung cấp hơn 650 triệu đô la hỗ trợ phòng thủ cho Ukraine chỉ trong năm ngoái, lực lượng của chúng tôi không và sẽ không tham gia vào cuộc xung đột với Nga ở Ukraine. Lực lượng của chúng tôi không đến châu Âu để chiến đấu ở Ukraine mà để bảo vệ các Đồng minh NATO của chúng tôi và trấn an các Đồng minh đó ở phía đông.

Như tôi đã nói rõ, Hoa Kỳ sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO bằng toàn bộ sức mạnh của Hoa Kỳ. Và tin tốt là: NATO đoàn kết hơn và quyết tâm hơn bao giờ hết.

Không có nghi ngờ gì - chắc chắn rằng Hoa Kỳ và mọi Đồng minh NATO sẽ đáp ứng các cam kết Điều 5 của chúng tôi, trong đó nói rằng một cuộc tấn công vào một nước là một cuộc tấn công vào tất cả.

Trong vài tuần qua, tôi đã điều hàng nghìn lực lượng bổ sung tới Đức và Ba Lan như một phần trong cam kết của chúng tôi với NATO.

Hôm thứ Ba, để đối phó với hành động gây hấn của Nga, bao gồm sự hiện diện của quân đội ở Belarus và Biển Đen, tôi đã cho phép triển khai các lực lượng mặt đất và không quân đã đóng ở châu Âu tới các Đồng minh sườn đông của NATO: Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, và Romania.

Các điểm tấn công Kyiv

Đồng minh của chúng tôi cũng đang tăng cường, bổ sung lực lượng và khả năng của riêng họ để đảm bảo khả năng phòng thủ tập thể của chúng tôi.

Và hôm nay, trong vòng vài giờ sau khi Nga mở cuộc tấn công, NATO đã tập hợp lại và kích hoạt - một sự kích hoạt các kế hoạch ứng phó.

Điều này sẽ cho phép các lực lượng sẵn sàng cao của NATO triển khai để bảo vệ Đồng minh NATO trên các ranh giới phía đông của châu Âu.

Và bây giờ tôi đang ủy quyền cho các lực lượng Hoa Kỳ triển khai tới Đức như một phần trong phản ứng của NATO.

Tôi cũng đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, Tướng Milley, về việc chuẩn bị cho các động thái bổ sung nếu chúng trở nên cần thiết để bảo vệ Đồng minh NATO và hỗ trợ Liên minh quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới - NATO.

Chính quyền của tôi đang sử dụng các công cụ để bảo vệ các gia đình và doanh nghiệp Mỹ khỏi giá bơm xăng tăng cao.

Chúng tôi đang thực hiện các bước tích cực để giảm chi phí. Và các công ty dầu khí của Mỹ không nên lợi dụng thời điểm này để tăng giá nhằm tăng lợi nhuận.

Trong gói trừng phạt của mình, chúng tôi đã thiết kế đặc biệt để cho phép tiếp tục thanh toán năng lượng.

Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ nguồn cung cấp năng lượng để xem có bất kỳ sự gián đoạn nào. Chúng tôi đã và đang phối hợp với các quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu lớn vì lợi ích chung của chúng tôi để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu.

Chúng tôi đang tích cực làm việc với các quốc gia trên thế giới để nâng cấp Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của các quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng. Và Hoa Kỳ sẽ ra thêm các thùng dầu khi cần thiết.

Tôi biết điều này là khó và người Mỹ đã bị tổn thương. Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để hạn chế nỗi đau mà người dân Mỹ đang phải chịu khi bơm xăng. Điều này rất quan trọng đối với tôi.

Nhưng sự xâm lược này không thể không được đáp lại. Nếu im, hậu quả đối với nước Mỹ sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Nước Mỹ đứng lên chống lại những kẻ bắt nạt. Chúng tôi đứng lên vì tự do.

Tôi cũng xin nhắc lại cảnh báo mà tôi đã đưa ra vào tuần trước: Nếu Nga theo đuổi các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty của chúng tôi, cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả.

Trong nhiều tháng, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với khu vực tư nhân để tăng cường khả năng phòng thủ mạng của họ, cũng như nâng cao khả năng phản ứng của chúng tôi trước các cuộc tấn công mạng của Nga.

Tối qua tôi đã nói chuyện với Tổng thống Zelenskyy của Ukraine và tôi đảm bảo với ông ấy rằng Hoa Kỳ, cùng với các Đồng minh và các đối tác của chúng tôi ở châu Âu, sẽ hỗ trợ người dân Ukraine khi họ bảo vệ đất nước của họ. Chúng tôi sẽ cứu trợ nhân đạo để giảm bớt đau khổ cho họ.

Và trong những ngày đầu của cuộc xung đột này, các cơ quan tuyên truyền của Nga sẽ tiếp tục cố gắng che giấu sự thật và tuyên bố thành công cho hoạt động quân sự của mình.

Nhưng lịch sử đã hết lần này đến lần khác cho thấy việc giành được lãnh thổ nhanh chóng như thế nào cuối cùng lại nhường chỗ cho sự chiếm đóng khó khăn, các hành động bất tuân dân sự hàng loạt và bế tắc chiến lược.

Vài tuần và vài tháng tới sẽ rất khó khăn đối với người dân Ukraine. Putin đã gây ra một nỗi đau lớn cho họ. Nhưng người dân Ukraine đã biết đến 30 năm độc lập, và họ đã nhiều lần chứng tỏ rằng họ sẽ không khoan nhượng với bất kỳ ai cố gắng đưa đất nước của họ đi lùi.

Đây là một thời khắc nguy hiểm cho toàn châu Âu, cho tự do trên toàn thế giới. Putin đã thực hiện một cuộc tấn công vào chính các nguyên tắc duy trì hòa bình toàn cầu.

Nhưng giờ đây, cả thế giới đều thấy rõ ràng những gì Putin và Điện Kremlin đại diện. Họ không thật sự quan tâm về chuyện an ninh. Nó luôn luôn là liên quan sự xâm lược trần trụi, là khát vọng đế chế của Putin bằng bất kỳ cách nào cần thiết - bằng cách bắt nạt các nước láng giềng của Nga thông qua cưỡng bức và tham nhũng, bằng cách thay đổi biên giới bằng vũ lực, và cuối cùng, bằng cách lựa chọn một cuộc chiến tranh vô cớ.

Hành động của Putin cho thấy tầm nhìn độc ác của ông ta về tương lai của thế giới chúng ta - một nơi mà các quốc gia thực hiện những gì họ muốn bằng vũ lực.

Nhưng đó là viễn cảnh mà Hoa Kỳ và các quốc gia yêu tự do ở khắp mọi nơi sẽ phản đối bằng mọi công cụ có sức mạnh đáng kể của chúng ta.

Hoa Kỳ và các Đồng minh và các đối tác của chúng ta sẽ vươn lên từ điều này mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn, quyết tâm hơn và có mục đích hơn.

Và hành động gây hấn của Putin đối với Ukraine cuối cùng sẽ khiến Nga phải trả giá đắt - về mặt kinh tế và chiến lược. Chúng tôi sẽ đảm bảo điều đó. Putin sẽ cô lập trên trường quốc tế. Bất kỳ quốc gia nào ủng hộ sự xâm lược trần trụi của Nga đối với Ukraine sẽ bị vấy bẩn bởi sự ủng hộ đó.

Khi lịch sử của thời đại này được viết ra, sự lựa chọn của Putin thực hiện một cuộc chiến tranh hoàn toàn không chính đáng với Ukraine sẽ khiến nước Nga trở nên yếu hơn và phần còn lại của thế giới trở nên mạnh mẽ hơn.

Tự do, dân chủ, phẩm giá con người - đây là những lực lượng mạnh hơn nhiều so với sự sợ hãi và áp bức. Chúng không thể bị dập tắt bởi những bạo chúa như Putin và quân đội của ông ta. Không thể xóa bỏ chúng - khỏi trái tim và hy vọng của mọi người bằng bất kỳ hình thức bạo lực và đe dọa nào.

Và trong cuộc cạnh tranh giữa dân chủ và chuyên quyền, giữa chủ quyền và sự khuất phục, đừng nhầm lẫn: Tự do sẽ thắng thế.

Thượng đế phù hộ cho người dân của một Ukraine tự do và dân chủ. Và cầu Thượng đế bảo vệ quân đội của chúng ta.

J.B.

Nguồn:  bbc.com/vietnamese

SAI LẦM, NỬA SỰ THẬT VÀ SỰ DỐI TRÁ HOÀN TOÀN CỦA PUTIN

Anika ZellerMuriel Kalisch và Johannes Eltzschig/TD 24-2-2022

(Vũ Ngọc Chi dịch)

Bài phát biểu của Vladimir Putin tối 21-2, công nhận các “nước cộng hòa nhân dân” Luhansk và Donetsk, cho thấy, thế giới quan thô thiển của nhà cầm quyền Điện Kremlin. Nó đã gây ra nỗi kinh hoàng trên khắp thế giới – bởi vì nó chứa vô số thông tin sai lệch.

Tổng thống Nga, Putin tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau cuộc hội đàm của họ tại Điện Kremlin ở Moscow hôm thứ Ba, ngày 15/2/2022. Putin: “Ai nói dối một lần, người ta sẽ không tin hắn nữa”. Nguồn ảnh: AP

Từ nhiều tháng nay, Moscow và các đồng minh của Điện Kremlin đã tung ra những cáo buộc chống lại phương Tây và Ukraine. Họ có ý định tiếp tục làm nóng thêm cuộc xung đột ở Đông Âu và đưa ra những lời biện minh cho hành động gây hấn của Nga. Các cáo buộc bao gồm, từ cáo buộc lính biên phòng Ukraine bắn vào người tị nạn từ Belarus, lính đánh thuê Mỹ sản xuất vũ khí sinh hóa học tấn công ở Ukraine, cho đến cáo buộc “diệt chủng” ở Donbass. Thông tin này một phần được phát tán trên mạng, một phần do các hãng thông tấn nhà nước lan truyền. Trong bài phát biểu công nhận các nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa lan truyền thông tin sai lệch.

Trong khi Putin vẫn đang phát biểu tối thứ Hai, các bình luận trên mạng xã hội đã bắt đầu ập đến. Lời kêu gọi kiểm tra sự thật nhanh chóng nảy sinh. Đối với một số người, đề xuất này chưa đủ. Nhà khoa học chính trị Eugene Finkel viết trên Twitter: “Bài phát biểu này cần một phân tích tâm lý, không phải kiểm chứng sự thật”. Và Steven Seegel, một giáo sư tại Đại học Texas, tự hỏi: “Tôi thậm chí phải bắt đầu từ đâu?

Bài phát biểu của Putin chứa đựng nhiều thông tin sai lệch và bóp méo sự thật. Trong phần xác minh tính xác thực của SPIEGEL, chúng tôi kiểm tra các câu quan trọng nhất – bạn có thể đọc các đoạn trích từ bài phát biểu tại đây bằng bản dịch tiếng Đức.

Chủ đề: lịch sử

Tuyên bố: “Tôi sẽ bắt đầu với sự thật là Ukraine hiện đại được tạo ra hoàn toàn bởi Nga, cụ thể hơn là bởi Bolshevik, nước Nga cộng sản“.

Đánh giá: Điều này là sai. Putin sử dụng lịch sử để hợp pháp hóa các yêu sách lãnh thổ của mình.

Lý do: Một phần lớn bài phát biểu của Putin được dành cho các vấn đề lịch sử. Điều đó không có gì ngạc nhiên, kể từ mùa hè năm ngoái, ông đã xuất bản một bài bình luận giật gân, trong đó ông đề cập sâu sắc đến lịch sử Ukraine và Nga. Trong bài phát biểu của mình, lý luận của Putin dựa vào bài bình luận này. Trên thực tế, nhận xét của ông rút ra từ một tuyên bố cốt lõi: Ukraine không có quyền có nhà nước riêng cho mình, sự tồn tại duy nhất của Ukraine độc ​​lập là một sai lầm lịch sử.

Khi Putin nói Ukraine được tạo ra bởi Nga, ông ấy đang phớt lờ lịch sử và quá trình xây dựng đất nước của Ukraine.

Không thể bàn cãi rằng, Nga và Ukraine có nguồn gốc chung. Lịch sử của cả hai quốc gia bắt đầu từ cái gọi là Kievan Rus’, một đế chế thời trung cổ hình thành vào thế kỷ thứ 9. Tuy nhiên, từ thế kỷ 13, người Nga và người Ukraine đã đi theo con đường riêng của họ trong một thời gian dài.

Phần lớn Ukraine ngày nay đã từng nằm dưới sự cai trị của Đại công quốc Litva và Vương quốc Ba Lan. Giai đoạn phân kỳ này kéo dài đến thế kỷ 17. Do đó, phần lớn của Ukraine ngày nay nằm dưới ảnh hưởng của phương Tây trong vài thế kỷ. Kết quả là, ý tưởng quốc gia đã phát triển rất sớm ở Ukraine. Quá trình trở thành một quốc gia tiếp tục trong thế kỷ 19 và cuối cùng đạt đến đỉnh cao là việc tuyên bố độc lập “Cộng hòa Nhân dân Ukraine” vào cuối năm 1917 và “Cộng hòa Nhân dân Tây Ukraine” một năm sau đó.

Lịch sử tách biệt này của Ukraine với Nga, cũng như quá trình xây dựng đất nước của người Ukraine, bị Putin hoàn toàn phớt lờ. Thay vào đó, ông tuyên bố rằng, những người Bolshevik xung quanh Lenin mới tạo ra Ukraine vào năm 1917. Điều này sai.

Chủ đề: Tham nhũng ở Ukraine

Tuyên bố: “Tham nhũng, chắc chắn là một thách thức và là một vấn đề đối với nhiều quốc gia, bao gồm cả Nga, đã vượt quá mức thông thường ở Ukraine. […] Tham nhũng đang phát triển mạnh hơn bao giờ hết”.

Đánh giá: Tham nhũng là một vấn đề không thể bàn cãi ở Ukraine. Tuy nhiên, đánh giá của Putin về tầm quan trọng là sai lầm.

Lý do: Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Ukraine đứng thứ 122/180 trong bảng xếp hạng tham nhũng quốc tế (để so sánh: Đức đứng thứ 10). Điều đó là không tốt, nhưng tuyên bố rằng tham nhũng đã vượt quá “mức thông thường” vẫn chưa được chứng tỏ. Ngoài ra, đất nước đã được cải thiện đáng kể. Nhiều biện pháp được thực hiện để chống tham nhũng trong những năm gần đây đang có tác dụng. Cái gọi là giá trị chỉ số – trong đó áp dụng theo: càng cao, càng tốt – là 23 vào năm 2003, chín năm sau là 26 và bây giờ là 32.

Trong khi tham nhũng là một vấn đề ở Ukraine, nó đang giảm dần hàng năm. Tuyên bố của Putin rằng tham nhũng đang phát triển mạnh “hơn bao giờ hết” là sai. Đặc biệt xảo trá: Nga thậm chí còn kém hơn trong bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Tất nhiên, Putin không đề cập đến điều đó.

Chủ đề: Phòng thủ tên lửa toàn cầu

Tuyên bố: “Là một phần trong dự án của Hoa Kỳ nhằm tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, các vị trí cho tên lửa đánh chặn đang được xây dựng ở Romania và Ba Lan. Ai cũng biết rằng các bệ phóng đóng tại đó có thể được sử dụng bởi tên lửa hành trình Tomahawk – hệ thống tấn công hung hãn“.

Đánh giá: Nhận định không đúng.

Lý do: Đó là dự án NATO thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Một yếu tố của lá chắn tên lửa này là hệ thống trên đất liền của Mỹ “Aegis Ashore”, đã hoạt động ở Deveselu, Romania từ năm 2016 và sẽ sớm được kích hoạt tại Redzikowo, Ba Lan. Về nguyên tắc, các thiết bị phóng Mk-41 “cũng có thể bắn tên lửa hành trình Tomahawk“. Tuy nhiên, các bệ phóng đóng tại Romania (và được lên kế hoạch cho Ba Lan) được thiết kế để phóng tên lửa đánh chặn.

Lính Mỹ tại một căn cứ không quân ở Romania. Nguồn: Andreea Alexandru / dpa

Để phóng tên lửa hành trình, cần phải có thêm công nghệ và phần mềm, mà theo thông tin từ phía Mỹ, những thứ này không có ở đó. Sự khác biệt không thể nhìn thấy từ bên ngoài. Tuy nhiên, trước những yêu cầu của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, chính quyền Mỹ đề nghị thảo luận về các phương án kiểm soát các hệ thống ở Ba Lan và Romania.

Chủ đề: Vũ khí hạt nhân

Tuyên bố: “Như chúng ta đã biết, ngày hôm nay đã có thông báo rằng Ukraine có ý định phát triển vũ khí hạt nhân cho riêng mình, và đây không chỉ là sự khoe khoang”.

Đánh giá: Không có bằng chứng nào cho tuyên bố của Putin.

Lý do: Khi Liên Xô tan rã năm 1991, một phần lớn vũ khí hạt nhân (trước đây là Liên Xô) nằm trên lãnh thổ Ukraine. Ukraine bất ngờ trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới. Để Ukraine đồng ý giao lại các vũ khí hạt nhân này, Ukraine đã nhận được sự bảo đảm từ Mỹ, Anh và Nga trong Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, rằng chủ quyền và biên giới hiện có của họ sẽ được bảo vệ. Vào ngày 1 tháng 6 năm 1996, Ukraine trả lại đầu đạn hạt nhân cuối cùng, và một ngày sau đó, Tổng thống Ukraine khi đó, Leonid Kuchma, tuyên bố đất nước không có vũ khí hạt nhân.

Ngày nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine đang nỗ lực thay đổi tình trạng này. Trong một cuộc phỏng vấn gần một năm trước, Đại sứ Ukraine tại Đức, Andriy Melnyk, đã nghĩ đến “tình trạng hạt nhân” của Ukraine. Tuy nhiên, không có kế hoạch cụ thể hoặc thậm chí bằng chứng về một sự phát triển bí mật.

Tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại cuộc biểu tình Maidan. Ảnh: Evgeniy Maloletka / AP

Chủ đề: Dân chủ

Tuyên bố: “Maidan đã không đưa Ukraine đến gần hơn với dân chủ và tiến bộ”.

Đánh giá: Putin đã sai.

Lý do: Một số chỉ số được thiết lập để đo lường mức độ dân chủ trên toàn thế giới. Một trong những chỉ số được biết đến nhiều nhất là Chỉ số Dân chủ của The Economist, tiếp theo là Chỉ số của Freedom House. Cả hai đều đi đến một kết luận tương tự: Ukraine còn lâu mới có một “nền dân chủ đầy đủ”, nhưng kể từ cuộc cách mạng Maidan năm 2014, điểm số của nước này đã được cải thiện. Ngoài ra: Các giá trị của Nga còn kém xa Ukraine. Việc chính Putin cáo buộc Ukraine thiếu dân chủ là một trò hề.

Chủ đề: Lời hứa của NATO 1990

Tuyên bố: “Khi việc thống nhất nước Đức được thảo luận vào năm 1990, Hoa Kỳ đã hứa với lãnh đạo Liên Xô rằng, phạm vi hoặc sự hiện diện quân sự của NATO sẽ không được mở rộng thêm một inch về phía Đông và việc thống nhất nước Đức sẽ không dẫn đến việc NATO mở rộng quân sự về phía Đông”.

Đánh giá: Tuyên bố của Putin không đúng sự thật.

Lý do: Câu hỏi này đã được đặt ra trong nhiều năm: Liệu có lời hứa với Liên Xô vào năm 1990 là không mở rộng NATO về phía đông không? Trong một số trường hợp, Putin đã tuyên bố rằng có một lời hứa như vậy và cáo buộc phương Tây phản bội Nga. Có một điều chắc chắn là không có và không có hiệp định pháp lý quốc tế nào trong đó các đại diện của NATO hoặc Hoa Kỳ đưa ra lời hứa như vậy.

Câu hỏi duy nhất là liệu có sự bảo đảm bằng lời nói hay không. Và ngay cả câu hỏi này cũng không dễ trả lời, bởi vì, như Klaus Wiegrefe gần đây đã viết trên tờ SPIEGEL: “Ký ức của những người có liên quan không khớp nhau“. Người này nói thế này, người kia nói thế kia, đôi khi một người nói thế này và đôi khi thế kia (như Mikhail Gorbachev).

Tóm lại, người ta có thể nói: Có một số bằng chứng, bao gồm cả các tài liệu còn sót lại, cho thấy những người tham gia cuộc đàm phán vào thời điểm đó có thể đã đưa ra những lời hứa bằng lời nói – nhưng không có lời hứa bằng văn bản và ràng buộc nào được thực hiện. Năm 1997, cả hai bên đã ký “Đạo luật thành lập NATO – Nga”: Đạo luật này đặt ra các quy tắc ràng buộc cho mối quan hệ giữa NATO và Nga – bao gồm việc tất cả các quốc gia được phép thực hiện các biện pháp để bảo đảm an ninh của mình. Và rằng sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được bảo đảm – Nga đã vi phạm điều sau trong cuộc chiến năm 2008 ở Gruzia và năm 2014 với việc sáp nhập Crimea.

Lần mở rộng cuối cùng về phía đông của NATO diễn ra vào năm 2004.

Chủ đề: Toàn vẹn lãnh thổ

Tuyên bố: “Nga đã làm mọi thứ có thể để bảo tồn sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Đánh giá: Tuyên bố của Putin là một lời nói dối trắng trợn.

Lý do: Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, làm hoàn toàn ngược lại với những gì người ta có thể gọi là duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ. Ngay cả khi bỏ qua Crimea và chỉ nhìn vào thời gian kể từ hiệp định Minsk hồi tháng 2 năm 2015, lời khai của Putin là không có cơ sở. Nga đã cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự rất nhiều cho phe ly khai tại các “nước Cộng hòa Nhân dân” kể từ năm 2014. Mặc dù Moscow luôn phủ nhận điều này trong những năm gần đây, nhưng không có nghi ngờ gì nghiêm trọng về điều này. Bằng cách hỗ trợ phe ly khai, Nga đang làm mọi cách để gây bất ổn cho Ukraine và phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

Chủ đề: Diệt chủng

Tuyên bố: “Cái gọi là thế giới văn minh, trong đó các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi tự tuyên bố là đại diện duy nhất, không muốn nhìn thấy điều này, như thể sự kinh hoàng và diệt chủng mà gần bốn triệu người phải chịu, đã không tồn tại”.

Đánh giá: Sai.

Cơ sở lý luận: Công ước Liên Hiệp quốc định nghĩa thuật ngữ “diệt chủng” là “một hành động được thực hiện với ý định tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc nhóm tôn giáo”. Thuật ngữ này gợi lên ký ức về những vụ diệt chủng ở Rwanda hoặc Srebrenica. Nó có nghĩa là một việc diệt sạch một nhóm dân cư có mục tiêu, tàn bạo. Theo định nghĩa này, cáo buộc rằng một “cuộc diệt chủng” đang diễn ra ở miền đông Ukraine là hoàn toàn vô căn cứ.

Vâng, nhiều người đã chết ở miền đông Ukraine. Ở đó đã xảy ra chiến tranh từ năm 2014. Hai bên đang đối đầu với nhau trong cuộc chiến này: Một bên là quân đội Ukraine, được hỗ trợ bởi các hiệp hội tình nguyện, bên ki là lực lượng ly khai thân Nga, được hỗ trợ bởi Nga. Hơn 14.000 người đã chết trong cuộc chiến này kể từ năm 2014 – và ở cả hai bên.

Cả hai bên cũng đã nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn đã được ghi trong Thỏa thuận Minsk. Theo tổ chức nhân quyền Amnesty International, cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh. Thực tế đơn thuần là ở “Cộng hòa Nhân dân” Luhansk và Donetsk, người dân – bao gồm cả thường dân – đang chết do các hành động chiến tranh, không có cách nào để biện minh cho các cáo buộc diệt chủng.

QUỐC GIA NÀO BỊ LÃNH ĐẠO BỞI MỘT KẺ ĐỘC TÀI, LẠI NHIỀU HOANG TƯỞNG THÌ LUÔN KHỐN ĐỐN

SONG CHI/TD 24-2-2022

Hiện nay GDP của nước Nga chỉ đứng hàng thứ 12 trên thế giới. Nước Nga dưới thời Putin chỉ sống toàn bằng bán dầu, khí đốt, tài nguyên và bán vũ khí, nhưng trong nhiều năm liền Putin đã tồn tại nhờ bàn tay sắt, dập tắt, bóp chết mọi tiếng nói, mọi hành động phản kháng (theo đúng nghĩa đen trần trụi nhất) và nhờ tiêm vào đầu người dân Nga tinh thần dân tộc cực đoan, niềm hoài vọng về quá khứ từng có vị thế đáng ngại trên thế giới của Liên Xô và sự xa lạ, thậm chí thù địch đối với Hoa Kỳ và các nước phương Tây.

Trong nỗi tuyệt vọng muốn lấy lại thanh thế của Liên Xô, trước mắt là đối với những nước láng giềng lân cận, trong đó có Ukraine mà lịch sử vốn rất gắn bó với Nga, Putin đã chơi nước cờ liều. Hiện nay có vẻ như Putin luôn luôn là người đi nước cờ trước và thế giới sẽ có bước tiếp theo.

Nhưng ván cờ chỉ mới bắt đầu có vài nước mà đã thấy hậu quả trước mắt là cả châu Âu, các nước đồng minh khác cùng thống nhất một giọng với Hoa Kỳ để cấm vận kinh tế Nga. Đừng quên, khi cấm vận kinh tế Nga, các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng hơn và phải hy sinh hơn Hoa Kỳ nhiều. Như nước Đức chẳng hạn, phụ thuộc đến 40% khí đốt vào Nga.

Cấm vận kinh tế cũng có nghĩa là giá xăng dầu tăng, giá hàng hóa tăng theo, dân chúng than phiền, trách móc chính phủ. Nhưng việc cần làm thì phải làm. Bởi vì các nước đều biết, nếu để yên cho Putin muốn làm gì thì làm thì Putin sẽ còn lấn tới, các nước độc tài hung hăng khác, đặc biệt là Trung Cộng, sẽ theo đó mà áp dụng với Đài Loan, biển Đông và cả VN.

Cái hại thứ nhất là Putin đã làm cho châu Âu, NATO đoàn kết một giọng với Hoa Kỳ. Cái hại thứ hai là làm cho Ukraine mạnh mẽ hơn, không sợ hãi vì người dân Ukraine biết họ không đơn độc, họ sẽ luôn được hỗ trợ về mặt vũ khí, kinh tế từ Hoa Kỳ và các nước khác. Cái hại thứ ba là nếu bị cấm vận, nhất là nếu bị loại khỏi Hệ thống Liên Ngân hàng toàn cầu viết tắt là SWIFT, thì không chỉ kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề, mà càng khiến Nga phụ thuộc Trung Cộng hơn mà thôi.

Còn người dân Nga? Mình không hy vọng lắm là sự bất bình trong người Nga sẽ đủ mạnh để ảnh hưởng đến cái ghế “Tổng thống trọn đời” của Putin. Nhưng đời sống của người Nga sẽ càng khốn khổ bởi một kẻ độc tài, đang đi những nước cờ liều như Putin.

Nói thêm, Nga tấn công Ukraine, từ Nga, Ukraine, các nước châu Âu cho tới Hoa Kỳ đều bị thiệt hại ở mức độ khác nhau, trong đó tội nghiệp nhất là người dân Ukraine và người dân Nga, còn nước nào sẽ được lợi? Chính là Trung Cộng. Vì không chỉ Nga phải phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Cộng, mà trong khi các nước đều bị ảnh hưởng về kinh tế, thì kinh tế của Trung Cộng chả hề hấn gì và Tập Cận Bình cứ việc ngồi đó mà xem Putin đánh cờ với phương Tây để tính toán đường dài.

Song Chi

NGA CHÍNH THỨC XÂM LƯỢC UKRAINE

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 24-2-2022

Thế là Nga đã chính thức tấn công tổng lực vào các căn cứ quân sự của Ukraine trên khắp cả nước chứ không chỉ ở Donbass. Cuối cùng thì việc phương Tây “lu loa” khả năng Nga tấn công đã thành sự thật, không hiểu anh em cuồng Nga nghĩ sao về tình trạng hiện nay? Nên nhớ đây là cuộc tấn công quân sự vào tận Kiev chứ không chỉ hạn chế trong phạm vi “bảo vệ Nga kiều”. Đây chính xác là một cuộc tấn công xâm lược, không còn gì để biện bạch nữa.

Việc Ukraine gia nhập NATO không hề dễ dàng, do Đức và Pháp không ủng hộ, nhất là khi Ukraine đang có tranh chấp Crimea với Nga, cũng là vi phạm nguyên tắc kết nạp thành viên của NATO. Như vậy bản chất nguyên nhân cuộc chiến này chỉ do Nga thấy Ukraine dần tuột khỏi tay mình nên muốn “Dạy cho Ukraine một bài học”.

Kịch bản nào tiếp theo?

Động thái này mình cũng đã dự đoán. Khả năng lớn là Nga sẽ tấn công tổng lực vào các cơ quan đầu não về quân sự hòng làm tê liệt khả năng chiến đấu theo chiến tranh quy ước với Nga. Nga sẽ không chiếm đóng Ukraine nhưng không loại trừ việc kéo quân bộ sang để đánh triệt hạ hoàn toàn sức chiến đấu của Ukraine rồi nhanh chóng rút quân về củng cố vùng Donbass. Có thể phiến quân sẽ chiếm giữ toàn bộ Donbass (hiện chỉ chiếm được khoảng 1/3), dưới sự BẢO HỘ của Nga.

Khả năng Nga dựng được một Chính phủ thân Nga trên toàn nước Ukraine kiểu như Việt Nam đã làm ở Campuchia là rất thấp.

Người Ukraine sẽ không cô đơn, dân ba nước Baltic, Ba Lan thậm chí có thể cả một số nước Đông Âu khác có thể sẽ hỗ trợ nhân lực cho Ukraine. NATO sẽ bơm mạnh vũ khí. Cuộc chiến càng ác liệt thì Nga càng sa lầy và trở nên bị cô lập và Ukraine sẽ càng được sự ủng hộ quốc tế.

Khả năng NATO can thiệp trực tiếp là rất thấp vì lo ngại chiến tranh hạt nhân. Đối đầu tổng lực với Nga là điều dại dột, nhưng cuộc chiến du kích dài ngày chắc chắn sẽ làm Nga thất bại.

Dương Quốc Chính

BÊN BỜ VỰC CHIẾN TRANH

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 22-2-2022

Putin đã chính thức công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở Donbass, sau khi Duma Nga mới biểu quyết. Đây là động thái leo thang rất nguy hiểm của Putin, vì nó phá vỡ thỏa thuận Minsk và ngang nhiên vi phạm nguyên tắc bảo toàn lãnh thổ của quốc gia láng giềng Ukraine.

Từ động thái này, Nga dễ dàng tạo cớ để can thiệp quân sự, liên minh quân sự với hai quốc gia tự xưng. Thậm chí, Nga hoàn toàn có thể chơi tiếp bài cũ là sáp nhập vùng Donbas này vào Nga bằng một cuộc trưng cầu dân ý, y như đã làm với Crimea, nếu quốc tế không có nhưng động thái đáp trả đủ mạnh. Nếu việc sáp nhập thành công, Nga sẽ lại thành một đế quốc và Putin sẽ thành Putin đại đế.

Hiện tại, Nga chưa chính thức động binh, nhưng có lẽ điều đó sẽ không còn xa, nếu chiến sự ở Donbas tiếp tục leo thang.

Mấy ngày qua, anh em cuồng Nga vẫn cười cợt, dè bỉu việc phía phương Tây la lối, dự đoán việc Nga sẽ tấn công Ukraine, trong khi Nga vẫn chưa đánh. Thực ra việc la lối om còm đó là cách hành xử rất khôn ngoan để đối phó với Nga.

Khi phương Tây liên tục dự báo ngày tấn công của Nga đồng nghĩa với việc Nga không dám tấn công vào đúng những ngày đó, vì sự kiêu ngạo. Nếu Nga tấn công, thì sợ mang tiếng làm theo dự đoán của Mỹ. Vì thế, nếu không dám chịu nhục thì Nga sẽ chẳng có ngày nào để tấn công hết, do Mỹ cứ luôn mồm dự báo và điều chỉnh dự báo ngày tấn công!

Rõ ràng Mỹ dự báo sai thì cũng mang tiếng, nhưng không ảnh hưởng gì nhiều về kinh tế hay quân sự, còn phía Nga mới bị động, lại là bên điều binh, sẽ rất tốn kém khi kéo hàng trăm ngàn quân đi tập trận ì xèo khắp biên giới với Ukraine. Trong thế mèo vờn chuột này, Nga sẽ thiệt hơn phương Tây.

Việc liên tục dự đoán vậy cũng có cái lợi nữa cho Ukraine và đồng minh phương Tây là có thêm thời gian vận động dư luận quốc tế, hỗ trợ vũ khí và huấn luyện quân Ukraine. Vì quân Ukraine đang yếu sẵn nên thời gian qua họ sẽ được lợi về mặt phát triển trang thiết bị và huấn luyện quân sự. Còn quân Nga thì sẽ chẳng mạnh được hơn thêm, chỉ tốn tiền điều quân.

Mấy ngày qua mình đã viết nhiều về sự dại dột của anh em cuồng Nga người Việt, bao gồm cả báo chí chính thống. Hôm nay, TQ đã chính thức nêu quan điểm phản đối Nga. Công bằng mà nói, Việt Nam luôn là bản sao lỗi của TQ mà thôi.

TQ là 1 nước bá quyền hàng đầu thế giới, nhưng chính lãnh thổ của họ cũng đang rất nhạy cảm về chủ quyền, như các lãnh thổ Đài Loan, Hongkong, Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông…Nếu TQ ủng hộ Nga xâm lược Ukraine thì cũng là tự tay bóp d…, sẽ là bật đèn xanh cho Đài Loan độc lập trước tiên. TQ khôn ngoan hơn Việt Nam ở chỗ đó, dù thực tế Putin vừa gặp Tập Cận Bình để vận động ngoại giao. Rõ ràng ông Tập đang thấy TQ ở cửa trên, Putin cần ông ta chứ không phải ngược lại, nên TQ mới phát biểu như vậy.

Với vai trò khá tương đồng với Ukraine, mình đang hóng phía Việt Nam có quan điểm chính thức về vấn đề xung đột Nga – Ukraine. Bộ Ngoại giao cũng nên can thiệp sớm với Ban Tuyên giáo để khóa mõm bớt các anh cuồng Nga lên báo chí Cách mạng bi bô ủng hộ các hành động gây hấn của Putin đi. Báo chí Cách mạng chính là phát ngôn của đảng và Chính phủ Việt Nam đó. Nhất là ông VTV tem tém cái mồm lại.

Với phát ngôn của TQ, có lẽ Nga đã bị cô lập về ngoại giao trong vấn đề xung đột này. Chắc chỉ còn có mấy thằng em dại là ủng hộ mà thôi.

Dương Quốc Chính

CHUYỆN UKRAINE VÀ NGA

LÂM BÌNH DUY NHIÊN/ TD 23-2-2022

Cứ thứ hai và thứ sáu hàng tuần, mờ sáng tôi lại chở vợ đến chỗ làm, tại trường đại học, nơi tôi từng học và làm việc.

Thông thường, nơi tôi dừng xe để nàng xuống lại sát phòng làm việc cũ của một người bạn thân, rất thân của tôi.

Bạn tôi mang trong mình những ba dòng máu: Triều Tiên, Nga và Algérie. Ông ngoại của anh ta là người Nga, bị Staline đày biệt xứ, lang bạt đến tận vùng Trung Á, gặp bà ngoại, người Triều Tiên. Họ có với nhau vài đứa con, trong đó có người, sau này, phải một lần nữa, ly tán do chính sách lưu đày khắt nghiệt của Staline. Mẹ của bạn tôi, sau này quay về Moscow để học, đã phải lòng một chàng sinh viên người Algérie cao ráo, đẹp trai và học giỏi.

Bạn tôi, đứa con duy nhất của mối tình đẹp ấy, được sinh ra dưới thời Liên bang Xô Viết.

Mang trong mình ba dòng máu, bạn tôi giống người Trung Á hơn là người Nga hay người Ả Rập. Tuổi thơ, anh ta học tại Liên Xô. Lớn lên, anh theo cha về Algérie, học xong Tú tài rồi sang Thuỵ Sĩ học đại học. Anh san sẻ thời gian trong năm giữa Algérie và Nga. Anh nói tiếng Nga, tiếng Ả Rập và tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ. Anh thông thạo văn hoá Nga và Ả Rập. Dẫu mẹ là người gốc Triều Tiên nhưng xứ sở này lại không để lại một chút vết tích hay khơi dậy một chút tò mò nơi bạn tôi.

Anh học giỏi, thậm chí rất giỏi. Anh làm luận án tiến sĩ về Toán dưới sự hướng dẫn của một bà giáo sư nổi tiếng trên thế giới. Chúng tôi biết nhau từ thời sinh viên, ở chung ký túc xá. Sau này, anh làm nghiên cứu về Toán, tôi làm lĩnh vực khác nhưng cứ giờ trưa, chúng tôi lại dùng cơm với nhau tại trường. Tôi vẫn thường ghé phòng làm việc của anh ta để cà phê, cà pháo, bàn tán chuyện đời.

Thời độc thân, có lúc anh ta đi làm nghiên cứu tại nước khác, khi quay về, anh ở chung với tôi. Có nhiều đêm, tôi cứ hay chê bai, nguyền rủa chủ nghĩa cộng sản, rồi tôi chọc anh ta là thân cộng sản Nga, rằng anh thần tượng Nikita Khrouchtchev. Tôi cứ nói miết, đến độ anh ta nằm dưới đất, phải ngồi dậy, bật đèn, trách tôi đùa giỡn trên nỗi khổ của anh. Bạn tôi bảo, gia đình bị tan nát bởi cộng sản, bởi Staline nên anh ta không ủng hộ chủ nghĩa này nhưng theo anh thì chỉ có thời Xô Viết, người dân mới được tôn trọng và… bình đẳng.

Đối với anh, thời bây giờ (những năm 2000), nước Nga trở nên rối loạn và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Khi về thăm mẹ, anh không dám ra đường sau 21 giờ vì sợ bị bọn Tân Phát xít tấn công. Sự bất an bao trùm những thành phố lớn, điều không hề xảy ra dưới thời Xô Viết. Anh ủng hộ Poutine vì chỉ có ông ta mới trị được xã hội Nga hậu cộng sản và dằn mặt được bọn oligarchy tại đây.

Trong cách lập luận của bạn tôi, những đêm đó, tôi đã mường tượng được giấc mơ về một nước Nga vĩ đại nơi anh. Một nước Nga như thời Liên Xô với những giá trị không tưởng nhưng lại được thế giới kính nể.

Anh có một mối tình với một cô bạn sinh viên người Đức gốc… Ukraine. Hai người yêu nhau từ thuở sinh viên. Một mối tình đẹp và không kém phần lãng mạn. Tuy nhiên, cái gốc Ukraine của cô ta đã mang lại sự lạnh nhạt, thậm chí không được chấp nhận từ ba mẹ cô. Họ, nhân chứng của những vụ thảm sát kinh hoàng do Hồng quân Liên Xô gây ra đối với dân tộc Ukraine, khó lòng đồng ý khi con gái yêu thương một người Nga. Nhất là trong những cuộc gặp gỡ, ba của cô ta và bạn tôi đã có những cuộc tranh luận gay gắt về lịch sử giữa hai quốc gia. Tôi biết cái tính của bạn, một người theo chủ nghĩa dân tộc, sẽ không chịu “nhường nhịn” trước những cái nhìn khác với quan điểm của mình.

Sau cùng, mối tình của họ cũng vỡ tan. Có lần, anh ta buồn tâm sự: ông nói đúng, trong chuyện yêu đương, tiếng nói của cha mẹ, đôi khi rất quan trọng!

Tôi nhớ, có lần, tôi diện đồ, khoe với tụi bạn tại ký túc xá: tôi đi ăn tối ở nhà cô bạn gái người Việt. Tôi còn thòng thêm một câu, ba mẹ cô ta thích tôi lắm.

Khi đi xuống dưới sân, tôi thấy anh bạn tôi và những đứa khác, mở cửa sổ, từ trên cao, hét xuống, như cho hàng trăm bọn sinh viên khác nghe: Nhiên, cô gái mới là người anh muốn tán tỉnh chứ không phải cha mẹ của cô ta!

Rồi anh ta cười khoái trá.

Tôi có giải thích rằng đối với dân Việt thì ý kiến của cha mẹ quan trọng lắm. Chính phục được họ, coi như bỏ túi con gái của họ!

Và dĩ nhiên, tôi sai hoàn toàn vì cô bạn người Việt ấy có thèm để ý gì đến tôi đâu.

Nhưng bạn tôi, sau này, lại chua cay, nhắc đến chuyện xưa khi mối tình của anh không thành chỉ vì thành kiến của người lớn.

Những duyên nợ giữa người Nga và người Ukraine chưa bao giờ được giải toả một cách thoả đáng. Vết thương lịch sử đối với người Ukraine chưa bao giờ được hàn gắn trong khi giấc mơ bá quyền của người Nga dưới thời Poutine lại càng rõ ràng đối với những quốc gia từng nằm trong Liên bang Xô Viết.

Với thời gian, bạn tôi trở nên cực đoan và dân tuý hơn. Cái gì cũng Nga và Poutine. Mọi xấu xa đều do phương Tây và Mỹ. Tôi hiểu, vết thương nội tâm nơi bạn tôi, khi mà Nga không còn vị thế nào nữa trên thế giới, đã khiến bạn tôi thay đổi, theo chiều hướng tiêu cực và nguy hiểm.

Anh cũng như Poutine, chỉ muốn tìm về những ánh hào quang của thời Xô Viết, của Chiến tranh Lạnh. Ít ra, thế giới phải tôn nể Liên Xô. Đó là mong mỏi của không ít người Nga, vốn còn quyến luyến và hoài niệm về một chế độ, dẫu tàn bạo nhưng mang lại vị thế cho họ.

Có lần, anh bảo rằng phải chi, ngày xưa, Hồng Quân không can thiệp để châu Âu bị tàn sát bởi phát xít Đức thì giờ không còn phải bận tâm bởi thái độ vô ơn của phương Tây nữa.

Đó cũng là luận điệu quen thuộc của những phần tử cực đoan, quốc gia chủ nghĩa tại nước Nga. Họ muốn “xét lại” lịch sử để giải cứu một nỗi đau tận cùng trong tiềm thức: vị thế nhạt nhoà của nước Nga ngày nay!

Họ muốn một nước Nga vĩ đại, dưới sự dẫn dắt của Lãnh chúa, Hoàng đế Poutine. Chỉ có ông mới đem lại uy thế và danh vọng của một nước Nga, tưởng chừng đã bị đắm chìm trong lịch sử.

***

Sáng nay, chở vợ đi làm, tôi dừng xe, ngồi nhìn lên cái văn phòng làm việc của bạn tôi. Cũng đã hơn 15 năm trôi qua… Nơi đó, anh say mê thảo luận về Fiodor Dostoïevski, Tolstoï hay về Alexandre Soljenitsyne. Chẳng có cái gì chúng tôi không đụng đến từ chuyện nghiêm túc đến vớ vẩn. Có cái gì đó đã khiến bạn tôi, một người vui tính, tốt bụng, hoà nhã, một người làm Toán xuất sắc, am hiểu văn chương, triết học, xã hội học, lại bỗng chốc trở nên một tay cực đoan, dân tuý?

Câu trả lời, nếu đó không phải là cái tính dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi? Bằng mọi giá phải có uy quyền và thế lực. Bằng mọi giá phải tìm lại được cái quá khứ “hào hùng” trong lịch sử dẫu thừa biết rằng chính cái quá khứ ấy đẫm máu và tàn bạo vô cùng.

Sau này, về Nga, anh vẫn hay gọi điện thoại sang chỉ nói chuyện chính trị, mà phải là chuyện nước Nga. Có lần tôi hỏi vì sao anh lại điên cuồng bài phương Tây như thế? Anh im lặng, sau một chốc, anh trả lời: Nhiên, anh sinh ra tại một quốc gia “không đáng kể” (insignifiant), anh không thể nào hiểu được những gì người Nga chúng tôi cảm nhận đâu!

Cũng đã hơn 6 năm chúng tôi không còn liên lạc với nhau. Anh giờ đang dạy tại một đại học tại Saint-Pétersbourg và có lẽ vẫn tin chắc chắn rằng những gì Poutine đang làm là đúng và cần thiết trong quá trình gầy dựng lại một nước Nga vĩ đại, hùng vĩ, một Đế chế phải khiến thế giới, nhất là Mỹ và phương Tây phải kính nể và tôn trọng.

Đôi khi, sự ích kỷ và tự tôn của con người sẽ khiến cho thế giới rơi vào những thảm kịch. Nước Nga ngày nay của Poutine có lẽ đang rơi vào lối mòn lịch sử đáng trách ấy.

Tối qua, khi xem Poutine họp với Hội đồng Chính phủ, tôi cứ ngỡ đang xem một vị lãnh chúa đang ra lệnh cho các tướng lĩnh. Từ thái độ đến những phát biểu, tất cả cho thế giới thấy rằng, chính ông mới là ông chủ thật sự của nước Nga. Một ông chủ độc đoán và độc tài!

Đó là một nước Nga dân chủ? Ừ, “dân chủ kiểu Poutine”. Cũng đối lập, cũng tranh cử nhưng bị khủng bố, đàn áp và tù tội. Sau cùng, chỉ có ông, độc quyền, làm Tổng thống với bao nhiệm kỳ? Đến cuối đời? Với sứ mệnh, đem lại vị thế xứng đáng của nước Nga trên thế giới.

Xem ông miệt thị Ukraine, tôi nhớ đến bạn tôi. Họ có cùng tư tưởng. Cách đây hơn 10 năm, anh cũng đã từng cay nghiệt mắng Ukraine vô ơn, chư hầu của Mỹ. Tối qua, Poutine bóng gió rằng Ukraine chỉ là một phần lịch sử của Nga, sớm muộn sẽ phải trở về với Đất Mẹ, trong tham vọng chính trị không bờ của ông. Tất cả những quốc gia vệ tinh thời Liên Xô, sớm muộn sẽ phải rơi vào tầm kiểm soát của Poutine để phục vụ cho những nước cờ địa chính trị của người Nga.

Theo dõi những gì đang diễn ra, tôi tự hỏi vì sao một quốc gia hùng mạnh, mảnh đất của giao lưu văn hoá, nghệ thuật trong những thế kỷ trước lại không thể nào phát triển vượt bậc? Hết bị chủ nghĩa cộng sản kìm hãm sự tiến bộ nay lại đến một thể chế chính trị “độc tài dân chủ” đang kéo lùi cả một quốc gia về những trang sử đen tối của nhân loại. Trớ trêu thật. Cứ như thể, sự phát triển và nhân bản luôn cố tình thờ ơ với những hậu duệ của Soljenitsyne!

Khi chỉ biết dùng bạo lực của chiến tranh để giải quyết xung đột và tham vọng, nước Nga của bạn tôi đã cho thế giới văn minh thấy rõ bản chất hiếu chiến của một quốc gia độc tài, dưới sự lãnh đạo của một Lãnh chúa, không hơn, không kém.

Quân đội Nga có không ít người gốc Ukraine. Dân Ukraine cũng có nhiều người Nga lập nghiệp và từ 8 năm qua, họ cũng đã quá mỏi mệt với những cuộc chiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thậm chí, người Nga tại Ukraine còn cảm nhận được môi trường dân chủ tại đây vẫn tốt hơn những gì Poutine mang lại cho nước Nga.

Chiến tranh là điều tồi tệ và sự ngu xuẩn nhất của con người. Liệu có một giải pháp nào mang lại hoà bình cho Ukraine? Với những gì đang diễn ra, nhất là khi Poutine đang chơi trò “mèo vờn chuột” với phương Tây, e rằng Ukraine khó lòng tránh khỏi sự xâm lược của Nga.

Một cuộc chiến tranh ngay tại Cửa của châu Âu là điều khó tránh và suy cho cùng “phe nào thắng thì nhân dân đều bại” như lời của một nhà thơ Việt Nam!

Vì rõ rằng nếu Ukraine có bị xâm lược, phương Tây cũng sẽ không can thiệp. Chỉ có sự đáp trả về kinh tế và ngoại giao dành cho chính quyền của Poutine.

Viết đến đây, tôi buồn bã, chợt thấy số phận của Ukraine, ôi sao có không ít điểm tương đồng với Việt Nam của tôi!

Lâm Bình Duy Nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét