Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

20180622. BÀN VỀ THI ĐUA

ĐIỂM BÁO MẠNG
TRAO ĐỔI VỚI ÔNG TRẦN ĐẠI QUANG VỀ THI ĐUA

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 21-6-2018


Kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động thi đua, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài: “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực mạnh mẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc". Qua việc này chắc ông Quang muốn chứng tỏ trình độ cao  và phẩm chất tinh hoa của mình. Nhưng tiếc thay, tôi chưa nhận ra được điều đó.
Tôi đã tích cực tham gia thi đua từ khi phong trào mới ra đời năm 1948 cho đến những ngày tháng Xây dựng tổ đội lao động XHCN, mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba vì đồng bào Miền Nam ruột thịt, vì CNXH… Nhiều năm tôi đạt Lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua, tổ thi đua của chúng tôi được thưởng Huân chương Lao động. Sau khi nghỉ hưu tôi vẫn theo dõi phong trào.
Thi đua chủ yếu là động viên tinh thần và lấy việc khen thưởng để người ta làm việc tốt hơn, dùng việc bình bầu để chọn ra điển hình tiền tiến. Đó là một động lực tốt trong thời kỳ đầu của Cách mạng dân tộc, trong Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, khi mà điều kiện vật chất còn quá eo hẹp. Nhưng phong trào thi đua cũng đẻ ra một số tệ hại như chạy theo thành tích dổm, làm láo báo cáo hay. Khi xây dựng trong hòa bình, có những động lực khác tốt hơn, mạnh hơn. Đó là sự trả công, sự hưởng lợi theo thành quả lao động, là sự tôn vinh con người dựa vào đức độ, tài năng và sự đóng góp, là sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh tế thị trường, là nền kinh tế tri thức với cách mạng thông tin 4.0... Trong hoàn cảnh hiện tại thi đua không còn giữ được vai trò như trước đây, nó trở thành lợi ít hại nhiều, lãng phí, lắm lúc còn tạo ra sự dối trá.
Tôi không tán thành với ông Trần Đại Quang trong một số nhận định về thi đua thời gian vừa qua, như cho rằng sự hy sinh của nhiều liệt sĩ (10 cô gái Đồng Lộc, 12  chiến sĩ Truông Bồn, Bế văn Đàn, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi…) là điển hình tiêu biểu của thi đua; hoặc như cho rằng nhờ thi đua mà có được sáng tạo của một số cá nhân, mà cứu sống được 12 công nhân trong sự cố đường hầm thủy điện Đạ Dâng…
Sự hy sinh của các liệt sĩ là đáng tôn trọng, nhưng đó không phải là mục tiêu của thi đua. Sự lao động sáng tạo của một số cá nhân là do thôi thúc của nội tâm chứ cơ bản không phải do phong trào, sự cứu sống 12 công nhân bị nạn cũng không phải do thi đua mà do tinh thần yêu thương đồng đội.
Còn một vài điểm nữa tôi không tán thành, nhưng tạm cho qua. Viết bài này tôi không muốn phê phán gì ông Trần Đại Quang, chỉ nhân sự việc mà trình bày vài quan điểm về thi đua, một phong trào đã từng tạo ra nhiều thành tích rực rỡ trong quá khứ, nhưng ngày nay không còn thích hợp nữa, nó mang lại lợi ít hại nhiều. Ở thế kỷ 21 mà vẫn đinh ninh rằng “thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người” (như ông Quang đã viết) là một nhầm lẫn đáng thương, đáng buồn, đáng chê trách.
Thi đua nhằm động viên tinh thần, vậy phải chăng có thi đua sẽ tốt hơn không thi đua. Mới nghe qua tưởng như vậy, nhưng nghĩ kỹ ra và thực tế chứng tỏ không phải vậy.
Vì sao?
Trước hết hãy nhìn vào các nước tiên tiến trên thế giới. Tại sao những nước tiên tiến, có công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất cao, có đạo đức, văn hóa, giáo dục rất cao mà chẳng cần gì đến thi đua. Vậy họ dựa vào động lực gì để làm tốt công việc? Riêng tại VN, theo tổng kết và báo cáo thì nhờ thi đua mà đạt được nhiều thành tích rực rỡ. Điều này là đúng trong thời kỳ trước đây (1948-1975), còn hiện nay, liệu có thật đúng như thế không khi rất khó tin vào sự trung thực của các báo cáo, khi có sự trộn lẫn giữa hình thức của phong trào thi đua và thực chất của những động lực và biện pháp khác?
Lấy thí dụ, ông Quang biểu dương ông Phan Tấn Bện ở tỉnh Đồng Tháp đã chế tạo thành công máy gặt đập liên hợp và xe thu gom lúa. Thành tích đó được đem báo cáo ở hội nghị thi đua, vì vậy người ta tưởng nhầm đó là kết quả của thi đua. Nhưng hãy nghĩ kỹ xem, thành công này có bao nhiêu phần trăm do phong trào thi đua đem lại? Chẳng có phần trăm nào. Ông Bện chế tạo được máy chủ yếu là do tinh thần say mê khoa học kỹ thuật, tinh thần đó là từ trong phẩm chất của ông. Nếu không có phong trào thi đua thì ông Bện vẫn làm ra được các máy ấy.
Khi so sánh giữa có thi đua và không thi đua cần phải đặc biệt chú ý 2 vấn đề:
(1) Khi không thi đua thì mọi người tự động, tự giác làm việc cuả họ. Khi có thi đua thì phải lập ra ban này, bệ nọ để theo dõi, báo cáo, xét duyệt, phải phát động, bình bầu, tổ chức hội nghị…, tốn kém thêm khá nhiều công sức, thời gian tiền của.
(2) Những người thi đua có thể  đạt được một số thành tích nào đó. Cũng vẫn những con người ấy, nếu họ không tham gia phong trào thi đua, liệu họ có làm được việc gì không? Những người thi đua có động lực làm tốt công việc, vậy những người không thi đua có động lực nào khác để họ làm tốt công việc hơn không? Phải chăng những người không thi đua đều là loại người lười nhác? Câu khẩu hiệu “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua“ là hay, là đúng cho thời kỳ trước đây, còn bây giờ, phải chăng là một sự áp đặt rất vô lý?
Một xã hội, khi mọi người hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình, tự động, tự giác làm công việc, xã hội đó đạt được sự phát triển  bình thường. Nếu người ta phải chờ được động viên, được khen thưởng mới có tinh thần làm việc tốt thì xã hội đó đang trên đường lụn bại.
Thi đua có hậu quả xấu là làm cho con người quen được động viên và trông chờ khen thưởng. Khi người ta đã quá quen với thi đua, tôn sùng thi đua thì dễ bị lơ là với những động lực khác có tác dụng và hiệu quả cao hơn.
Tuy phong trào thi đua không còn thích hợp, nhưng tại sao vẫn được một số người đề cao?
Có thể vì 3 nguyên nhân sau:
(1) Vì lợi ích nhóm. Đối với toàn xã hội thì thi đua lợi ít hại nhiều, nhưng đối với một số người nào đó thì thi đua mang lại cho họ nhiều bổng lộc cá nhân. Họ cố gian dối để duy trì. Đó là các Ban thi đua và những người có liên quan, đó là bọn sống vì thành tích dổm và quen dối trá.
(2) Vì sự kém hiểu biết và bị lừa. Một số cứ tưởng nhầm rằng thi đua thật sự có tác dụng tốt, họ nhẹ dạ, cả tin vào những báo cáo tổng kết đầy thành tích.
(3) Vì sợ. Họ biết rõ thi đua chỉ là hình thức, là lợi ít, hại nhiều nhưng không dám phê phán, không dám loại bỏ vì như thế là đụng đến lãnh tụ, đụng đến sự lãnh đạo, họ đã quen sống theo chỉ đạo của cấp trên và luôn luôn lo sợ nói và làm trái ý của ai đó.
Có một số người sùng bái thi đua, họ thấy một thành tích tốt đẹp bất kỳ của ai cũng đều có thể quy về thành quả của thi đua, thậm chí những giải thưởng lớn về khoa học và nghệ thuật trên thế giới cũng là nhờ thi đua. Ở đây có một nhầm lẫn như sau: Thi đua nhằm cố gắng, nổ lực làm tốt công việc, nhưng khi một người cố gắng, nổ lực làm tốt công việc thì chưa chắc họ đã vì thi đua mà là vì những động lực tinh thần khác, như lòng yêu nước, yêu khoa học, mong muốn tiến bộ. Cũng rất cần phân biệt tinh thần của con người muốn làm tốt công việc (nếu xem đó là tinh thần thi đua) với phong trào thi đua. Đã là Phong trào thì phải có phát động, theo dõi, sơ kết, tổng kết, báo cáo, bình bầu, hội nghị, khen thưởng…, phải có ban này bệ nọ làm phình to bộ máy.
Nếu không có phong trào thi đua thì lấy gì động viên tinh thần để người ta làm tốt công việc?
Đó là câu hỏi của những người kém trí tuệ, chỉ quen với những lối mòn. Thế giới không có phong trào thi đua mà hàng năm nhiều nhà khoa học vẫn nhận giải Nobel, nhiều nghệ sĩ nhận giải Oscar, nhiều phát minh và khám phá vẫn được phát hiện.
Theo tôi phong trào thi đua đã làm xong nhiệm vụ, ngày nay hãy chỉ nên giữ lại kỷ niệm trong các viện bảo tàng, còn cứ cố kéo dài thì nó chỉ mang lại lợi ít hại nhiều. Nói rằng phong trào thi đua là động lực to lớn để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là cách nói thiếu suy nghĩ sâu sắc, chỉ là cách nói cho qua chuyện của những người quen lối sáo vẹt mà thôi.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

3 CHIÊU THỨC KIỂM DUYỆT INTERNET CỦA TRUNG QUỐC

VI YÊN/luatkhoa / BVN 21-6-2018

BỨC "VẠN LÝ TƯỜNG LỬA" CỦA TRUNG QUỐC DỰNG LÊN BIÊN GIỚI TRÊN MẠNG. HÌNH: DAILYDOT.
Năm 2006, nhà hoạt động Trung Quốc Lưu Hiểu Ba đã viết rằng “Internet là món quà của Đức Chúa Trời ban cho Trung Quốc”. Lưu ca ngợi triển vọng cho nhân quyền của Internet, rằng nó sẽ mở ra một diễn đàn xã hội dân sự đa dạng và thúc đẩy trách nhiệm giải trình của chính phủ.
Cái nhìn lạc quan của ông không phải là không có căn cứ.
Trong mười năm trở lại đây, lượng người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc lớn hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Ước tính, vào năm 2018, sẽ có hơn 600 triệu người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội tại Trung Quốc trong số hơn 730 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng ¼ người dùng toàn cầu. Mỗi người trong số đó lại dành ra khoảng ba tiếng mỗi ngày lướt điện thoại.
Nhìn thấy được sức lan tỏa của Internet, vào năm 2008, Lưu và hàng trăm nhà bất đồng chính kiến, học giả, nhà văn, luật sư và nhà báo đã công bố lên mạng một bản tuyên ngôn dân chủ và nhân quyền có tên gọi là “Hiến chương 08”, lấy cảm hứng từ “Hiến chương 77” do những người bất đồng chính kiến Tiệp Khắc xuất bản năm 1977. Bản hiến chương này, ngay khi vừa được tung lên mạng, đã thu hút hàng chục ngàn công dân Trung Quốc ký tên trực tuyến.
Chính quyền phản ứng dữ dội ngay tức thì. Lưu Hiểu Ba đã bị bắt trước khi Hiến chương được chính thức công bố. Trong lúc đó, chính quyền Trung Quốc đã khóa trang web nơi công bố bản Hiến chương, đồng thời cử một đội nhân lực cần mẫn xóa toàn bộ các bản sao trên mạng. Thậm chí, cảnh sát còn được cử đi chất vấn 303 người ký tên đầu tiên vào bản Hiến chương.
Một năm sau, vào tháng 12 năm 2009, Lưu Hiểu Ba bị kết án 11 năm tù vì “lật đổ chính quyền nhân dân”. Chưa mãn hạn tù thì ông đã qua đời năm 2017, vì mắc bệnh ung thư. Tin tức về cái chết của ông đã làm dấy lên nỗi đau buồn và phẫn nộ trên khắp thế giới, với vô số những đêm tưởng niệm tôn vinh vị học giả xuất sắc đã dành cả cuộc đời để đấu tranh bảo vệ nhân quyền.
Nhưng ở Trung Quốc không mấy ai hay biết gì về chuyện này. Tài liệu về Lưu bị kiểm duyệt toàn diện trên khắp các nền tảng truyền thông xã hội và internet – từ các bài thảo luận công khai cho tới những cuộc trò chuyện riêng tư.
Mười năm đã đi qua, thái độ của chính quyền Trung Quốc không có gì quá khác biệt. Có chăng, cái khác là, chính quyền Trung Quốc đã phát triển khả năng giám sát mạng xã hội tới mức họ đã có thể bóp chết những ai có tư tưởng kiểu Lưu Hiểu Ba ngay từ trong trứng nước.
Bài viết này sẽ liệt kê ba cách Trung Quốc nhốt vào lồng sắt cả một hệ thống mạng xã hội với hơn nửa tỷ người dùng, theo báo cáo mới ra tháng Ba vừa rồi của tổ chức PEN America.

Một tiệm Cafe Internet ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) vào năm 2010. Ảnh: REUTERS/Stringer.
1. Kiểm soát bằng công nghệ
Nếu như Donald Trump, một trong những người quyền lực nhất thế giới, có 48 triệu người theo dõi trên Twitter, thì nữ diễn viên Trung Quốc Nana, người dẫn chương trình Khoái lạc đại bản doanh, có tới 90 triệu người theo dõi trên Sina Weibo.
Weibo có nghĩa là “microblog”, là một nền tảng mạng xã hội cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc. Nó có đầy đủ các tính năng chia sẻ văn bản, ảnh, video, tag tên người khác, hashtag, v.v. không khác Twitter là mấy.
Song độ phủ sóng của Weibo cũng chưa bằng WeChat. Công ty Tencent của Trung Quốc ra mắt ứng dụng nhắn tin này vào năm 2011, và cho tới nay nó đã thu hút hơn 900 triệu người dùng. Nhờ vào mức độ phổ biến này mà WeChat trở thành nền tảng mua bán hàng hóa và dịch vụ sôi nổi cho các cộng đồng doanh nghiệp.
Trung Quốc không giới hạn mình trong việc phát triển các ứng dụng mạng xã hội. Qzone, ứng dụng trò chuyện phổ biến trong giới trẻ, có hơn 600 triệu người dùng, còn diễn đàn Baidu thu hút hàng chục triệu chủ đề thảo luận. Bên cạnh đó, ứng dụng Douban đóng vai trò như một “đài phát thanh” trên mạng. Giới sinh viên, trí thức, nhà văn, nghệ sỹ,… sử dụng mạng xã hội này để đánh giá âm nhạc, sách, phim, và các tài liệu nghệ thuật.
Chúng ta có Youtube thì người Trung Quốc có hơn 200 ứng dụng “live-stream” (phát trực tiếp video). Ngành công nghiệp này mang lại cho Trung Quốc hơn 3 tỷ đô-la một năm.
Các hệ thống phủ sóng dày đặc như vậy, không ít thì nhiều, đã cung cấp cho xã hội Trung Quốc một diễn đàn sôi động, sáng tạo, và phong phú. Năm ngoái, Qi Xiaoxia, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế tại Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã vỗ ngực tự hào mà phát biểu rằng “bạn đoán xem ở Trung Quốc có bao nhiêu trang web? Chúng tôi có đến năm triệu trang! Điều đó có nghĩa là quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt của người Trung Quốc hoàn toàn được đảm bảo.”
Nhưng, ta có thể diễn dịch chữ “tự do ngôn luận” như thế này: người Trung Quốc chỉ được đảm bảo tự do trước ngôn luận, còn sau đó thì… không.
Mà dẫu có thứ tưởng như là tự do ấy, thì hơn nửa tỷ người sử dụng mạng xã hội ở Trung Quốc cũng chưa bao giờ thực sự được tự do. Họ còn biết nói về thứ gì khác nữa, nếu không phải là đồ ăn, phim ảnh, ngôn tình, hoặc là đường lối Marx, chủ nghĩa Mao, tư tưởng Tập?
Chính quyền không nhất thiết phải nhọc sức thọc tay vào các ứng dụng và bóp chết những tư tưởng khác lạ. Họ chỉ cần rào hết đất sống của những mầm mống nổi loạn, bằng một bức tường dày cộp mang tên “Vạn Lý Tường Lửa” – “The Great Firewall”, nằm trong dự án Golden Shield.

Trung Quốc có đủ các dịch vụ mạng xã hội đáp ứng nhu cầu trong nước mà khỏi cần đến các dịch vụ nước ngoài. Ảnh: Dragon Social
Lá thư điện tử (email) đầu tiên từ Trung Quốc được gửi đi là vào tháng 9 năm 1987, chỉ hai năm trước khi phong trào dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn bị đàn áp đẫm máu. Lá thư này do một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc gửi tới một trường đại học ở Đức, với tiêu đề: “Băng qua Vạn Lý Trường Thành, đến mọi ngóc ngách của thế gian”. Họ, có lẽ, không biết rằng chỉ vài năm sau, viên gạch đầu tiên của Vạn Lý Tường Lửa đã được đặt xuống để mở màn cho một cuộc rào vây tư tưởng gắt gao.
Đó là tháng 8 năm 1996, khi chính quyền nhận thức được mối đe dọa từ Internet và bắt đầu chặn một số trang mạng truyền thông nước ngoài và các nhóm nhân quyền một cách có hệ thống.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng nổi lên như một nền tảng để công dân phơi bày những câu chuyện tham nhũng và quản lý kém của chính quyền. Lan truyền dữ dội nhất có lẽ là tin tức về trận động đất Tứ Xuyên đã cướp đi 90.000 mạng sống vào năm 2008. Mặc dù các phương tiện truyền thông nhà nước như Tân Hoa Xã hay đài CCTV không được phép đưa tin do các nghị định của chính phủ, song tin tức vẫn nhanh chóng len lỏi khắp các diễn đàn mạng xã hội. Người dân Trung Quốc chỉ trích phản ứng của chính quyền, tố cáo tham nhũng, lên án hành vi che đậy thảm họa.
Kể từ đó, truyền thông mạng xã hội ở Trung Quốc bước sang một bước ngoặt mới: trở thành một không gian thay thế cho công dân để lên tiếng về các sự vụ khẩn cấp, bên lề các báo cáo chính thức của chính phủ. Nhưng chính quyền Trung Quốc đủ thông minh để nhận ra điều này.
Vài tháng sau, cả Twitter và Facebook đều bị chặn, vào năm 2009. Một năm sau đó, Google tự đóng cửa và biến mất khỏi cõi mạng Trung Quốc, vì không đồng ý tuân theo các mệnh lệnh kiểm duyệt cũng như giám sát người dùng.
Một số trang web khác mà chính phủ cho là có thể nguy hiểm, như Wikipedia, Bloomberg, tờ New York Times, và các ấn phẩm quốc tế lớn khác cũng bị chặn hoàn toàn hoặc tạm thời cho vào danh sách đen. Nhiều từ khoá bị chặn tuyệt đối, chẳng hạn như về vụ thảm sát Thiên An Môn hoặc Phong trào Umbrella của Hong Kong.
Các tài liệu bị coi là đe dọa đối với sự ổn định chính trị cũng bị cấm. Các nhà kiểm duyệt luôn túc trực ngăn chặn bất kỳ sự cố nào liên quan đến Tây Tạng hoặc khu tự trị Tân Cương, nơi có nhóm thiểu số người Hồi giáo Uighur, và cả phong trào Pháp Luân Công.
Các phương pháp chính của “Tường lửa” là điều chỉnh băng thông, lọc từ khóa và chặn quyền truy cập vào các trang web nhất định, bằng cách sử dụng công nghệ kiểm tra sâu rộng để phát hiện từ khóa.
Trung Quốc, từ đây, đã phải móc hầu bao để phát triển các hệ thống các phương tiện xã hội của riêng mình, không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế mà còn để kiểm soát công dân. Đó chính là mảnh đất béo bở cho những Weibo, WeChat, Qzone.

Chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt cả Gấu Pooh vì… giống Tập Cận Bình. Ảnh: Daily Express
2. Thiên la địa võng các quy định pháp luật
Hiến pháp Trung Quốc, cũng như Việt Nam, ghi nhận quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của công dân.
Nhưng cả hai nước “bạn vàng” này có một điểm chung: mặc dù Hiến pháp đảm bảo, nhưng hệ thống luật pháp lại tấn công trực diện vào các quyền này với các biện pháp xử phạt cả hành chính lẫn hình sự.
Hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc vận hành nhờ mạng lưới phòng ban dày đặc, như Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước (SCIO), Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT), Tổng cục Báo chí – Xuất bản – Phát thanh – Điện ảnh – Truyền hình Nhà nước (SAPPRFT), tất cả các cơ quan này đều có thể ra lệnh kiểm duyệt đối với mọi tổ chức truyền thông cũ mới.
Năm 2011, Văn phòng Thông tin Internet Nhà nước (SIIO) đã được thành lập như một nhánh dưới của SCIO, với mục đích hướng dẫn và giám sát kiểm duyệt Internet.
Tới tháng 11 năm 2013, Trung ương Đảng Cộng sản tuyên bố thành lập một nhóm chiến lược cấp cao, gọi là Nhóm Lãnh đạo Trung tâm An ninh và Thông tin Internet, do Tập Cận Bình đứng đầu. Điều này cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Tập đối với việc giám sát Internet. Kể từ đây, SIIO đổi tên thành Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), bắt đầu báo cáo trực tiếp việc kiểm duyệt Internet cho nhóm lãnh đạo.
Trong khi CAC nổi lên như một cơ quan trung ương để kiểm duyệt trực tuyến, thì các nhà cung cấp dịch vụ internet vẫn bị ảnh hưởng bởi các quyết định pháp lý từ các cơ quan chính phủ khác, nhất là SAPPRFT và Bộ Văn hóa, khi hai cơ quan này có thể ra các văn bản trực tiếp điều chỉnh hành vi của nhà cung cấp mạng.
Ngoài ra, các công ty internet cũng phải tuân thủ các chỉ thị do Phòng Tuyên truyền Trung ương ban hành, một cơ quan trực thuộc đảng Cộng sản.
Nhà chức trách tuy nhận ra rằng các cơ quan quản lý internet đang chồng chéo quyền hạn lên nhau, song họ coi đây là cách để các cơ quan này phải dè chừng lẫn nhau và rồi phải tiến hành kiểm duyệt khắt khe hơn.
Với hàng chục luật liên quan đến việc kiểm soát internet, Trung Quốc đã tạo nên một khuôn khổ pháp lý vững chắc để phát huy tối đa việc kiểm duyệt bằng công nghệ.
Năm 2000, Hội đồng Nhà nước đã ban hành các Biện pháp Quản lý các Dịch vụ Thông tin Internet, theo đó sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các nhà cung cấp dịch vụ khi “sản xuất, hỗ trợ sản xuất, phát hành, hoặc phát sóng” những thông tin theo một danh sách mơ hồ. Có thể kể ra một vài thông tin xử phạt trong danh sách này, như “lật đổ chính quyền”, “gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của sự thống nhất đất nước”, “làm tổn hại đến danh dự hoặc lợi ích của quốc gia”, hay “làm gián đoạn tình đoàn kết của nhân dân”.

“Uh oh. Anh ta tìm kiếm từ khoá ‘nhân quyền’ quá nhiều lần”. Tranh: Nicholson
Vậy là, dưới áp lực từ các điều luật mơ hồ này, giới công ty internet ở Trung Quốc phải “tự kiểm duyệt”, theo dõi và rà soát người dùng của họ một cách chặt chẽ hơn bao giờ hết.
Trong vài năm qua, khung pháp lý này thậm chí còn liên tục được nâng cao, song song với tốc độ phát triển của công nghệ kiểm duyệt của nhà nước.
Điển hình, nhà hoạt động Zhang Guanghong đã bị bắt vào mùa thu năm ngoái khi chia sẻ một bài báo với một nhóm bạn bè trong và ngoài Trung Quốc chỉ trích Tập Cận Bình, thông qua ứng dụng Whatsapp. Rõ là đây là ứng dụng của Mỹ, thuộc sở hữu của Facebook mà hầu như không ai sử dụng ở Trung Quốc.
Không ai biết được chính quyền Trung Quốc tiếp cận thông tin này bằng cách nào, vì Facebook không có mặt tại Trung Quốc, còn Whatsapp thì tự nhận là có khả năng mã hóa tin nhắn một cách hết sức bảo mật.
Bộ luật Hình sự của Trung Quốc cũng bao hàm một loạt các tội mơ hồ như “phá hoại chủ quyền quốc gia” hay “lật đổ chính quyền nhân dân”, kéo theo hình phạt tù lên đến hàng chục năm. Trong thực tế, các điều luật này được đem ra áp dụng để chống lại những người bất đồng chính kiến và các nhóm thiểu số. Tội phỉ báng được quy định tại điều 246 của Bộ luật Hình sự cũng mơ hồ không kém, và nó còn áp dụng cho cả các phát biểu trên mạng. Ngoài ra, cáo buộc “cãi vã và gây rối” trong điều 293 của luật này cũng được chính quyền sử dụng để tấn công các phát ngôn chống đối trên internet.
Cụ thể, vào năm 2013, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã ra một phán quyết rằng “các tin nhắn hoặc bài viết trên mạng có thể bị coi là vi phạm pháp luật ‘nghiêm trọng’ nếu nội dung sai phạm được nhấp vào hơn 5.000 lần hoặc được chia sẻ hơn 500 lần”. Hình phạt cho tội này lên tới ba năm tù.
Khắt khe hơn, vào tháng 5 năm ngoái, CAC phát hành một bộ quy tắc quản lý, theo đó chỉ các cổng thông tin trực tuyến được chính phủ phê duyệt mới được phép xuất bản hợp pháp các báo cáo hoặc các bình luận. Đây không khác gì một lệnh cấm, rằng công dân không được sử dụng mạng xã hội để báo cáo hoặc phân tích các diễn biến chính trị, thiên tai, hoặc bất cứ sự kiện chính trị nào mà chính quyền có thể quy là nhạy cảm.
Không chỉ vậy, CAC còn ban hành Quy định quản lý dịch vụ Internet, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải cắt mạng của những ai không xác minh danh tính bằng số điện thoại, nhận dạng, chứng minh thư. Cùng với đó, người dùng sẽ được xếp hạng về mức độ tuân thủ các quy định của nhà nước, và chính quyền có quyền truy cập vào các xếp hạng này.
Từ năm 2012, Sina Weibo đã là ứng dụng đầu tiên cập nhật hệ thống xếp hạng. Người dùng sẽ có 80 điểm, và nếu bài đăng của họ vi phạm các nguyên tắc kiểm duyệt thì họ sẽ bị trừ điểm dần dần.
Những hệ thống này không chỉ nhằm kiểm soát hành vi con người, mà còn mang đầy tham vọng trong việc theo dõi tư tưởng công dân bằng điểm số, từ đó liên kết điểm số này với các phúc lợi xã hội mà công dân có thể nhận được. Chẳng hạn, nếu điểm thấp, một công dân có thể bị đóng tài khoản ngân hàng, không được kinh doanh thương mại, không được đi tàu lửa và mua vé máy bay, vân vân. Chính những nỗi lo sợ bị cô lập khỏi xã hội như vậy sẽ triệt tiêu mầm mống tự do trong mỗi công dân.

Người dùng Internet tại Trung Quốc bị chính phủ chấm điểm. Ảnh: Getty
3. “Chủ quyền không gian mạng”
Nhìn chung, luật pháp Trung Quốc được thiết kế để đảm bảo cái gọi là “chủ quyền không gian mạng” của quốc gia, tức là kiểm soát không gian mạng bên trong biên giới. Những cải cách quan liêu gần đây dưới chính quyền Tập Cận Bình đã cho phép chính quyền thúc đẩy mục tiêu này mạnh mẽ hơn, và nghiêm trọng hơn.
Trong khi cả thế giới đang ngày càng lo ngại về sự lây lan của thông tin sai lạc, về an ninh mạng, và về một hệ thống internet lành mạnh, thì Tập đã đưa ra diễn ngôn về chủ quyền không gian mạng như một giải pháp hợp lý và chu đáo. Đây chính là tầm nhìn từ chối chủ nghĩa toàn cầu của internet, với ý tưởng rằng mỗi quốc gia có quyền định hình và kiểm soát internet trong biên giới riêng của mình.
Ý thức hệ này được lồng ghép vào trong Luật An ninh mạng, đã đi vào hiệu lực từ tháng 6 năm 2017.
Trên danh nghĩa “chủ quyền”, các nhà chức trách đã coi luật này là một nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh thông tin và bảo vệ lợi ích quốc gia. Họ cũng lập luận rằng luật này giúp bảo vệ sự riêng tư của cá nhân bằng cách yêu cầu các công ty phải đưa ra các biện pháp bảo vệ dữ liệu.
Song thực sự, Luật An ninh mạng lại áp đặt nghĩa vụ kiểm duyệt lên các công ty mạng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Điều 12 của luật cấm các cá nhân sử dụng internet để thực hiện các hoạt động mơ hồ như “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, khi mà khoản cấm đoán này đã tồn tại trong Bộ luật Hình sự. Điều 47 lại buộc các nhà mạng phải ngăn chặn việc lan truyền các hành động bất hợp pháp đó, và công ty nào vi phạm có thể bị phạt tới 80.000 đô-la. Thậm chí, đối với những nhân viên công ty chịu sai phạm cá nhân, họ có thể bị phạt 15.000 đô-la, tương đương với mức lương cả năm của một người trung lưu ở Trung Quốc.
Chính quyền nước này không nói suông. Vào tháng 8 năm 2017, cả Tencent, Weibo, Baidu đều bị điều tra và phạt tiền.
Một khía cạnh khác đáng chú ý của Luật An ninh mạng là, nó buộc các công ty nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu của người dùng Trung Quốc trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc, và dĩ nhiên chính quyền có thể can thiệp vào hệ thống dữ liệu này. Đây là một phần quan trọng của ý tưởng “chủ quyền trên mạng”. Công ty nào không tuân thủ có thể bị phạt tới 150.000 đô-la và đối mặt với án phạt hình sự. Các công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc, theo đó, đang phải chịu áp lực rất lớn cả về pháp lý lẫn kinh doanh và đạo đức nghề nghiệp.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon cũng phải đặt một số lượng lớn máy chủ của mình ở Trung Quốc. Ảnh: Digital Commerce 360
***
Vượt tường lửa bất thành
Trước kia, Ultrasurf, Psiphon và Freegate là các chương trình phần mềm phổ biến cho phép người dùng Trung Quốc vượt tường lửa. Thế nhưng hàng loạt chương trình này đã bị đội ngũ có tay nghề của Trung Quốc bẻ gãy vào năm 2015.
Về sau, nếu các “dân cư mạng” Trung Quốc muốn đọc được tin tức từ nhiều báo nước ngoài hoặc truy cập vào các trang web bị chặn, thì cách hữu dụng nhất và cũng duy nhất chính là sử dụng mạng ảo VPN.
Song giờ đây, những nỗ lực vượt tường lửa đã bị ngăn chặn tức thời. Vào tháng 1 năm 2017, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin của Trung Quốc ra tuyên bố yêu cầu tất cả các nhà cung cấp VPN phải được chính phủ phê duyệt. Những nhà cung cấp VPN trái phép sẽ bị đóng cửa.
Trong suốt mùa hè năm ngoái, nhiều nhà cung cấp VPN nổi tiếng ở Trung Quốc như Green VPN và VPN Haibei đã tạm ngưng dịch vụ sau khi nhận được thông báo từ các phòng ban chính phủ.
Tới tháng 7 năm 2017, Bloomberg đưa tin rằng chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho ba công ty viễn thông lớn là China Mobile, China Unicom, và China Telecom chặn hoàn toàn quyền truy cập VPN, và lệnh này sẽ đi vào hiệu lực vào năm 2018. Cũng trong tháng 7, Apple tuyên bố xóa hàng trăm VPN từ App Store ở Trung Quốc.
Cuối năm ngoái, một người tên là Wu Xiangyang đến từ khu tự trị Quảng Tây đã bị kết án năm năm rưỡi tù giam vì bán VPN không có giấy phép. Song đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp tương tự.
Người Trung Quốc đang bị đặt vào một tình thế bức bách hơn bao giờ hết. Đáng nguy là, tình cảnh thê thảm này rất có thể chính là một tương lai mơ mịt cho chính cư dân mạng Việt Nam chúng ta, khi chính quyền Việt Nam lúc nào cũng chăm chăm học theo những trò xảo thuật của quốc gia phương Bắc.
V.Y.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2018/06/3-chieu-thuc-kiem-duyet-internet-cua-trung-quoc/
ĐẶC KHU VÂN ĐỒN VÀ BÀI BÁO CỦA TÂN HOA XÃ
NGUYỄN HUY VŨ/ baotiengdan/BVN 22-6-2018
Đọc một bài báo không chỉ là đọc nội dung bài báo. Mà nếu để ý chúng ta sẽ biết được nhiều điều đằng sau bài báo đó. Đơn giản là mỗi bài báo đều có một tiểu sử, một lịch sử riêng của nó.
Đọc bài báo chúng ta còn biết được người viết báo và toà soạn báo. Biết tác giả hiểu đề tài tới đâu, tại sao tác giả lại viết, và tại sao toà soạn lại chọn đăng đề tài đó và bài đó trong vô số đề tài khác nhau và có thể viết bằng các hướng khác nhau.
Đăng đề tài đó thì có lợi gì, và cho ai? Toà soạn báo càng uy tín thì càng nghiêm ngặt trong việc chọn đăng bài. Vì vậy mỗi bài báo họ đăng đều có một thông điệp đằng sau đó chứ không hẳn là chỉ đăng tin.

Mỗi bài báo cung cấp một góc nhìn khác nhau đối với một sự kiện, mà đôi khi để hiểu hết sự kiện đó chúng ta cần đọc nhiều bài báo khác nhau, đặt trong các bối cảnh, để từ đó mới có một góc nhìn đầy đủ. Và nếu chỉ có đọc một bài báo thì nếu suy xét chúng ta sẽ vấn vương với nhiều dấu hỏi. Vì vậy mà đọc một bài báo còn giúp người đọc đặt ra nhiều câu hỏi để hiểu hơn về sự việc.
Riêng với bài báo của Xinhua (Tân Hoa Xã) về đặc khu Vân Đồn, chúng ta trước hết đọc nội dung bài báo rồi sau đó sẽ là lời bình. Nội dung của bài báo Xinhua để trong phần Phụ lục dưới cùng (1).
Tại sao chúng ta lại để tâm tới Xinhua? Đơn giản là vì Xinhua là cơ quan truyền thông lớn nhất và ảnh hưởng nhất của Trung Quốc. Nó là một tờ báo và một cơ quan của đảng Cộng sản Trung Quốc. Chủ tịch của Cơ quan Thông tấn Xinhua là một Uỷ viên Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Xinhua là một cơ quan cấp bộ trực thuộc chính quyền trung ương của Trung Quốc. Xinhua có trang web chính là www.news.cn/english, và có ba cơ quan trực thuộc là Reference News (là tờ báo phổ biến chủ yếu trong nội địa), CNC World (là tờ báo tiếng Anh), và xinhuanet.com (là tờ báo đăng nội dung về đặc khu). Nói như vậy để thấy tin đăng trên xinhuanet là một tin được duyệt xét kỹ, tuân theo kỉ luật của đảng Cộng sản Trung Quốc, có uy tín, và chắc chắn là có một thông điệp nghiêm túc chứ không phải đơn thuần là thích thì đăng.
VỀ NỘI DUNG
Bài báo đăng ngày 9/12/2016, tức cách đây gần 2 năm, gồm có 6 đoạn và nội dung chính của 6 đoạn lần lượt như sau:
1. Cần tới 12 tỉ đô-la Mỹ để xây đặc khu Vân Đồn, phía bắc tỉnh Quảng Ninh, trước năm 2030, theo báo chí trong nước.
2. Quảng Ninh đã huy động được gần 1,8 tỉ đô-la Mỹ để đầu tư vào hạ tầng. Nguyễn Mạnh Tuấn, trưởng cơ quan quản lý đặc khu Quảng Ninh, được báo Tuổi Trẻ trích lời, nói.
3. Một sân bay quốc tế có tên Vân Đồn, được xây ở huyện Vân Đồn, cách thành phố Hạ Long khoảng 50 km, đang được xây với số vốn gần 314 triệu đô-la Mỹ, và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2018.
4. Một khu phức hợp, bao gồm một casino, và các đường trong đặc khu đang được xây dựng.
5. Quảng Ninh đang lên kế hoạch xây đường cao tốc nối Hạ Long với huyện Vân Đồn và thành phố Móng Cái, và với thành phố cảng Hải Phòng gần đó.
6. Chính quyền Việt Nam đã đồng ý về nguyên tắc rằng ba đặc khu sẽ được xây trên toàn quốc, bao gồm Vân Đồn – bắc Quảng Ninh, Vân Phong ở giữa tỉnh Khánh Hoà, và Phú Quốc ở nam Kiên Giang.
LỜI BÌNH
Đây là một bài báo hay, ngắn gọn và súc tích. Chỉ với 6 đoạn, mỗi đoạn chỉ một câu, nhưng dẫn đủ 6 ý. Tôi đã thử tìm đọc gần hết các bài báo về đặc khu trước ngày 9/12/2016 (ngày đăng của bài trên Xinhua) trên Google mà không thấy được một bài nào có nhiều nội dung hơn và ngắn gọn hơn bài này.
Nếu như thông tin về dự án đặc khu Vân Đồn cần tới 12 tỉ đô-la Mỹ để xây được đăng tải trên vài tờ báo của Việt Nam (xem ở (2) và (3)), thì các thông tin ở đoạn 2 và 3 trên thật không dễ tìm. Tôi đã tìm đọc một số bài đăng trước ngày 9/12/2016 nhưng chưa tìm thấy các thông tin trên báo khác về việc Quảng Ninh đã huy động được 1,8 tỉ đô-la Mỹ và việc Vân Đồn xây sân bay với số vốn 314 triệu đô-la.
Nói như vậy có nghĩa là gì? Nghĩa là các cơ quan thu thập tin tức của Trung Quốc khá quan tâm về dự án đặc khu của Việt Nam, ít nhất là tại Vân Đồn.
Xinhua là một cơ quan thu thập tin tức cấp bộ của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, vì vậy mà bản tin này tuy không nói ra nhưng nó cho thấy rằng cơ quan cấp cao nhất, ngay trong trung ương đảng Cộng sản của Trung Quốc, đã biết một cách khá chi tiết về đặc khu.
Từ đây, các câu hỏi đặt ra là, họ thu thập tin tức này để làm gì? Tại sao họ nên thu thập? Và họ thu thập từ những nguồn nào?
Bài báo không đề cập đến nhưng độc giả cần đặt câu hỏi rằng số tiền 1,8 tỉ đô-la Mỹ mà Quảng Ninh dùng để xây cơ sở hạ tầng có nguồn từ đâu? Huy động từ ai?
1,8 tỉ đô-la Mỹ là một khoản tiền lớn, nó gần bằng 1% GDP của Việt Nam. Và so với khoản thu ngân sách mà chính phủ Việt Nam thu được từ tất cả các nguồn trong năm 2016 là khoảng 55 tỉ đô-la Mỹ (chính xác là 1.101.377 tỉ đồng) thì nó tương đương với 3,3% ngân sách chính phủ (4).
Trung Quốc thông qua các ngân hàng phát triển chuyên tài trợ cho các dự án nhằm phục vụ cho chiến lược Một Vành Đai, Một Con Đường mà Vân Đồn và Hải Phòng là các cảng nằm trên Con Đường Tơ Lụa Trên Biển, vậy có phải Quảng Ninh đã huy động vốn từ các ngân hàng phát triển Trung Quốc để xây dựng đặc khu không? Và nếu họ đã vay thì với các điều khoản nào?
Năm 2014, Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay trị giá 20 tỉ đô-la Mỹ cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và năm 2016 cung cấp thêm 11,5 tỉ đô-la Mỹ nữa để đẩy mạnh phát triển hạ tầng nhằm phục vụ cho dự án Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc (5). Vậy Việt Nam đã vay chính thức là bao nhiêu từ Trung Quốc và đã dùng nó vào việc gì? Có phải dùng số tiền vay mượn này để đầu tư vào Vân Đồn không? Và nếu đã đầu tư vào Vân Đồn với các dự án kém khả thi về kinh tế thì lấy gì trả và nếu không trả được thì sao? Điều khoản vay là gì?
Đọc bản tin trên Xinhua độc giả cũng có thể liên hệ với một bản tin khác cung cấp thông tin Quảng Ninh với Bí thư tỉnh uỷ Phạm Minh Chính đã hợp tác với Giáo sư Đào Nhất Đào của Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thâm Quyến trong việc xây dựng đặc khu. Vậy câu hỏi tiếp theo sẽ là hợp tác theo kiểu gì, Phạm Minh Chính đã nhận được sự chỉ đạo gì trong việc xây dựng đặc khu Vân Đồn? Có thông tin nào thuộc diện bảo mật an ninh được tiết lộ qua giáo sư Đào Nhất Đào và đưa nó tới các cơ quan thu thập thông tin của chính quyền trung ương Trung Quốc? (6)
Và cuối cùng, dù không nói ra nhưng bản tin chính nó đã cho thấy các hoạt động xây dựng đặc khu đã rầm rộ diễn ra từ rất lâu trước khi chính quyền Việt Nam tung ra dự luật để dò ý dư luận trước khi thông qua. Việc hoãn thông qua dự luật chỉ là đòn nhằm hạ nhiệt dư luận để rồi cuối cùng sẽ lại thông qua.
LỜI KẾT
Bản tin trên dĩ nhiên là một miếng ghép nhỏ mà một độc giả bình thường sẽ thấy nó chỉ là một mẩu tin bình thường và dễ bỏ qua. Nhưng nếu bạn là một người tò mò, luôn đặt câu hỏi và muốn biết nhiều hơn về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong các dự án đặc khu, bạn cần nhiều miếng ghép như vậy mới hình dung hết bức tranh trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.
____
Tham khảo:
(1) Xinhua. 2016-12-09. 12 bln USD needed to build special economic zone in northern Vietnam. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: http://www.xinhuanet.com/english/2016-12/09/c_135892998.htm
(2) Vietnamnet. 2014-03-26. How to find $12 billion to build Van Don SEZ?. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: http://english.vietnamnet.vn/fms/business/98316/how-to-find–12-billion-to-build-van-don-sez-.html
(3) Báo Đầu Tư. 2014-03-25. 12 tỷ USD làm đặc khu Vân Đồn, huy động thế nào?. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: http://baodautu.vn/12-ty-usd-lam-dac-khu-van-don-huy-dong-the-nao-d2397.html
(4) Trading Economics. Vietnam Government Revenues. Truy cập ngày 21/06/2018. Nguồn: https://tradingeconomics.com/vietnam/government-revenues
(5) VOA News. 2016-03-23. China Offers $11.5B in Loans, Credit to Southeast Asia. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: https://www.voanews.com/a/ap-china-southeast-asian-leaders-seek-greater-cooperation/3250705.html
(6) Tạp chí Cộng sản. 2014-03-21. Phát triển đặc khu kinh tế – kinh nghiệm và cơ hội. Truy cập ngày: 21/06/2018. Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=26386&print=true
____
PHỤ LỤC
Bản tin của Xinhuanet.com
Nguồn: http://www.xinhuanet.com/english/2016-12/09/c_135892998.htm
12 bln USD needed to build special economic zone in northern Vietnam
HANOI, Dec. 9 (Xinhua) — Up to 12 billion U.S. dollars is needed to build Van Don special economic zone in Vietnam’s northern Quang Ninh province by 2030, local media reported Friday.
Quang Ninh has so far mobilized 40 trillion Vietnamese dong (nearly 1.8 billion U.S. dollars) to invest in the zone, mainly for infrastructure development, daily newspaper Tuoi Tre (Youth) quoted Nguyen Manh Tuan, head of the Quang Ninh Economic Zone Management Board, as saying.
An international airport named Van Don in Van Don district, some 50km from Ha Long City, home to the world heritage site of Ha Long Bay, is under construction with investment of 7 trillion Vietnamese dong (nearly 314 million U.S. dollars), and is scheduled to become operational in 2018.
A complex, including a casino, and road routes in the special economic zone are also under construction.
Quang Ninh is planning to build expressways linking Ha Long with Van Don District and Mong Cai City in the province, and with the neighboring port city of Hai Phong.
The Vietnamese government has just agreed in principle that three special economic zones will be built nationwide, including Van Don in northern Quang Ninh province, Van Phong in central Khanh Hoa province, and Phu Quoc in southern Kien Giang province.
N.H.V.
Nguồn: https://baotiengdan.com/2018/06/21/dac-khu-van-don-va-bai-bao-cua-tan-hoa-xa/

NỘI BỘ VIỆT NAM THỜI 'BIỂU TÌNH' VÀ 'CHỐNG BIỂU TÌNH'

PHẠM CHÍ DŨNG/ VOA 21-6-2018

Biểu tình chống 2 dự luật.
Biểu tình chống 2 dự luật.
Hơn một tuần sau cuộc tổng biểu tình phản đối hai dự luật khu và An ninh mạng vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018, chỉ hai hôm trước khi kỷ niệm ‘Ngày báo chí cách mạng 21 tháng Sáu’ cùng năm, vài phát ngôn chính trị của nhân vật chủ tịch nước Trần Đại Quang đã bị báo chí nhà nước thẳng thừng cắt xén, tạo ra một vụ việc ‘khóa miệng’ chưa từng có dành cho quan chức cao cấp này.
Từ Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn đến Trần Đại Quang
Ngày 19/6/2018, bài báo "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình" với nội dung ban đầu là "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này" - đăng trên báo Tuổi Trẻ - đã bị biến dạng chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi lên trang. Nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn nào của Trần Đại Quang liên quan luật Biểu tình, mà chỉ còn thấy ông Quang ‘chuyên chính vô sản’ về những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh là “do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo".
Vụ ‘khóa miệng’ trên là lần thứ ba trong vòng hơn một năm xảy đến đối với giới quan chức cao cấp ở Việt Nam - sau Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Vào cuối tháng Tư năm 2017 khi còn là bí thư thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng đã vội vã làm bản giải trình về trách nhiệm của ông ta khi còn là Chủ tịch hội đồng thanh viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sau đó chỉ đạo Văn phòng thành ủy gửi đến 200 ủy viên trung ương như một cách “minh bạch hóa thông tin” và phản bác kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương đối với những sai phạm bị xem là “rất nghiêm trọng” của ông Thăng. Nhưng ngay sau đó, Văn phòng trung ương đảng đã chỉ thị thu hồi toàn bộ bản giải trình của ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng. Thu thẳng tay từ những người còn chưa kịp bóc bao thư, không cần một sự tế nhị nào.
Gần một năm sau, ngay sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ ‘MobiFone mua AVG’ vào tháng Ba năm 2018, bản giải trình của Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn nhưng không ký tên mà chỉ in dấu treo của Bộ TT-TT cũng đã bị “thu hồi”. Nhưng còn nặng nề hơn trường hợp Đinh La Thăng, quyền tự do ngôn luận của “kẻ bịt miệng” báo chí nhà nước là Trương Minh Tuấn đã bị chính những đồng chí không đồng lòng của ông ta bịt miệng lại.
Vì sao chính quyền lại ‘cần luật Biểu tình’?
Kể từ Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 đến nay, đây là lần đầu tiên Trần Đại Quang hé ra thái độ ‘cần luật Biểu tình’, bất chấp việc vào thời còn là bộ trưởng công an, ông Quang đã được giao soạn thảo luật Biểu tình nhưng đã rất nhiều lần bộ này nại ra nhiều lý do ‘chủ quan và khách quan’ để xin lùi bộ luật quyền dân mà đảng cầm quyền và chính phủ đã nợ người dân suốt từ Hiến pháp năm 1992 đến nay.
Nhưng cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 phản đối luật Đặc khu và luật An ninh mạng đã khiến nỗi sợ hãi của giới quan chức chính quyền tăng tiến vượt bậc, đến nỗi nghị trường quốc hội đang ồn ào yêu cầu ‘cần sớm ban hành luật Biểu tình’. Một lần nữa trong nhiều lần kể từ cuối năm 2011 khi thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng giao cho cơ quan chuyên đàn áp biểu tình là Bộ Công an soạn thảo luật Biểu tình, Tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hùa theo ‘Chính phủ đang tích cực chuẩn bị luật Biểu tình’.
Khó mà nhớ được đây là lần thứ mấy quan chức Nguyễn Hạnh Phúc hứa hẹn ‘đang tích cực chuẩn bị’, trong vô số phát ngôn đậm đà đầu môi chót lưỡi của giới quan chức Việt Nam.
Vào tháng Năm năm 2016, sau những cuộc biểu tình “cá chết Formosa” lên đến gần chục ngàn người ở Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thành khác, chưa kể những cuộc biểu tình của giới Công giáo ở Nghệ An và Hà Tĩnh, có người đã thuật lại lời than của một quan chức trong một cuộc họp “sơ kết”: “Đã kêu là phải ra luật Biểu tình đi. Không có luật mà nó cứ kéo đi rần rần thế này thì lấy gì mà xử nó?”.
Còn vào lúc này, giới dư luận viên – vốn hung hăng nhất trong giọng điệu “ra luật để có cớ quậy à?” cùng những chiến dịch lên án và mạt sát dân oan khiếu kiện, người dân biểu tình chống Trung Quốc – lại đang vội vã đánh tiếng: “Cần lắm luật Biểu tình”.
Chính vì không có luật nên mới xảy ra bạo loạn, gây rối và ta lúng túng trong xử lý” – một luận điểm ngày càng chiếm đa số trong giới quan chức phải chường mặt ra đường trước đám đông phẫn uất. Có khả năng luận điểm này sẽ được đưa ra những cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới để “quyết”.
Chẳng khó để hình dung, những lý do để lôi luật Biểu tình ra sẽ lại được tô vẽ: quyền biểu tình của người dân nằm trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết từ năm 1982. Dù gì Việt Nam cũng đã trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ năm 2013. Việc ban hành luật Biểu tình không chỉ đáp ứng lòng dân mà còn thỏa mãn được yêu cầu của quốc tế về cải cách luật pháp, biết đâu nhờ đó Hoa Kỳ và phương Tây sẽ mở lại kênh cho vay vốn ODA và IDA với lãi suất ưu đãi, chưa kể nhiều lợi ích khác như CPTPP, EVFTA, vũ khí sát thương, quy chế kinh tế thị trường đầy đủ…
Nhưng với người dân Việt, cái bánh vẽ luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Từ năm 2011 và đặc biệt từ năm 2014 đến nay, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Vào tháng Năm năm 2016, bất chấp chính phủ có muốn ban hành luật Biểu tình hay không, người dân đã đổ ra đường biểu tình vì nạn cá chết miền Trung. Cũng như nguồn cơn của những cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhưng đồng thời khinh bỉ thói quỳ gối không biết mệt của chính quyền Hà Nội trước Bắc Kinh, tâm trạng và biểu cảm của dân còn muốn phản ứng và phản kháng với nhà cầm quyền vì cách hành xử quá chậm chạp và quá khuất tất mà không công bố được nguyên nhân cá chết trắng biển 4 tỉnh miền Trung.
Còn đến tháng Mười năm 2018, cuộc tổng biểu tình ở Việt Nam đã có nhân số gấp 10 lần cuộc biểu tình chống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào năm 2014, khi lên đến hàng trăm ngàn người và bùng nổ tại trên 50% tỉnh thành trong quốc gia.
Đã quá muộn để chính thể độc trị ‘tích cực soạn thảo và ban hành luật Biểu tình’.
‘Âm mưu biểu tình’ và ‘chống biểu tình’
Tầm mức xung đột nội bộ ngày càng leo thang. Nếu kẻ bị bịt miệng Trương Minh Tuấn mang cấp ủy viên trung ương đảng thì Đinh La Thăng vẫn còn là ủy viên bộ chính trị khi bị Ban Tuyên giáo trung ương ‘chặn họng’.
Còn giờ đây là Trần Đại Quang - nhân vật không chỉ là ủy viên bộ chính trị mà còn nằm trong ‘tứ trụ triều đình’ của chính thể độc đảng chuyên quyền ở Việt Nam. Xem ra số phận của ông Quang cũng bị các đồng chí của mình đối xử chẳng khác gì hai trường hợp Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Dấu hỏi rất lớn là vì sao phát ngôn về luật Biểu tình của Trần Đại Quang lại bị thẳng tay cắt xén?
Tại Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018, người ta vẫn thấy Trần Đại Quang ngồi cạnh Nguyễn Phú Trọng trên bàn chủ tịch đoàn, thậm chí ông Quang còn dược giao điều hành phiên hai mạc của hội nghị này. Sau hội nghị này, ông Trọng chợt im lìm hẳn.
Cũng còn một mẩu chuyện bí ẩn khác cần tham khảo: sau cuộc tổng biểu tình ngày 10 tháng Sáu và đặc biệt là cuộc biểu tình thành công ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn ‘mượn’ người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình ‘áo đỏ - áo vàng’ ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức… Tóm lại, chưa có gì gọi là ‘lấy dân làm gốc’ mà chỉ là trò lợi dụng dân để lật nhau.
Chính trường Việt Nam đang lao vào thời kỳ của sự xung đột quan điểm giữa các phe phái về ‘âm mưu biểu tình’ và ‘chống biểu tình’.
Có lẽ đó là nguồn cơn vì sao cuộc biểu tình ở Sài Gòn vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018 đã diễn ra suôn sẻ trong buổi sáng mà không bị công an đàn áp mạnh.
Và có thể đó cũng là nguồn cơn vì sao chỉ một tuần sau đó, cuộc biểu tình ngày Mười Bảy tháng Sáu đã bị Công an TP.HCM tái hiện cảnh đánh đập tra tấn người biểu tình như đã từng hành xử đối với cuộc biểu tình môi trường tháng Năm năm 2016, dã man đến mức nhiều người biểu tình bị hành hung đã lần đầu tiên phải thốt lên ‘Ác ôn cộng sản!’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét