Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

20180617. BÌNH LUẬN VỀ KẾT QUẢ THƯỢNG ĐỈNH MỸ-TRIỀU TẠI SINGAPORE

ĐIỂM BÁO MẠNG
ÔNG KIM JONG-UN MUỐN 'THOÁT TRUNG', DONALD TRUMP SẼ GIÚP

HỒNG THỦY/ GDVN 17-6-2018

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rất tự tin và đĩnh đạc trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: The Star, Kenya.
South China Morning Post ngày 16/6 dẫn ý kiến của một số nhà phân tích cho rằng, sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ cung cấp cho Bình Nhưỡng nhiều lợi ích kinh tế để ngăn chặn Triều Tiên "ngả vào vòng tay Mỹ".
Với cục diện bán đảo Triều Tiên hậu thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6 tại Singapore, Bắc Kinh có thể còn ít lựa chọn hơn.
Trong khi Trung Quốc ủng hộ cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Kinh cũng lo ngại sâu sắc khả năng Washington tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Bình Nhưỡng.
Mối lo của ông Tập Cận Bình
Thứ Ba tuần này, khi kết thúc cuộc họp với ông Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump đã nói, kẻ thù có thể trở thành bè bạn, và quá khứ không định hướng tương lai.
Bắc Kinh lo ngại kịch bản Bình Nhưỡng có thể bị Washington lợi dụng để chống lại họ, như những gì đã xảy ra trong thập niên 1970 khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh chống Liên Xô lên cao trào.
Đối với Trung Quốc, Triều Tiên đã, đang và vẫn sẽ là một lá bài hữu ích trong cuộc so găng lâu dài với người Mỹ, theo một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc giấu tên.
"Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ là thách thức thực sự của Bắc Kinh trong những năm tới, thậm chí trong nhiều thập kỷ tới, trong khi vấn đề Triều Tiên chỉ là một sự kiện, một vấn đề tạm thời trên tiến trình này.
Vấn đề Bắc Triều Tiên có thể được giải quyết theo cách này hay cách khác, mặc dù vẫn chưa rõ điều đó có xảy ra vào lúc này hay không", nguồn tin ngoại giao Trung Quốc nói với South China Morning Post.
Ngoài việc cung cấp sự hậu thuẫn chính trị cho Bình Nhưỡng trong các cuộc đàm phán sắp tới với người Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Triều Tiên thoát khỏi tình trạng bị cô lập kinh tế và gia hạn cam kết an ninh.
Trong khi quan hệ Trung - Triều xấu đi trong những năm gần đây, Bắc Kinh vẫn thấy Triều Tiên giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình.

Ông Kim Jong-un cũng rất tự tin và đĩnh đạc trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: BT.com.
Charles Armstrong, một nhà sử học, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên, Đại học Columbia nhận định:
"Tôi nghĩ Trung Quốc có thể lo ngại về việc mất đòn bẩy với Triều Tiên, và lo Bình Nhưỡng - Washington có thể liên minh chống lại Trung Quốc.
Có rất ít cảm tình và tin cậy giữa Triều Tiên với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh muốn tránh một quốc gia đối địch trên biên giới của họ, cho dù Triều Tiên thân Hàn Quốc hay Hoa Kỳ."
Taylor Fravel, một thành viên chương trình nghiên cứu an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts đồng ý với lập luận của Charles Armstrong, ông nói:
"Trung Quốc thích một bán đảo Triều Tiên chia rẽ với một Bắc Triều Tiên mạnh mẽ và thịnh vượng, hơn là với một Bắc Triều Tiên yếu và nghèo hay một bán đảo thống nhất duy trì liên minh với Hoa Kỳ.
Với lý do này, nếu Bắc Triều Tiên cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, kết quả có thể thực sự củng cố sự phân hóa bán đảo mà Trung Quốc thích."
Taylor Fravel tin rằng, thậm chí Bắc Kinh có thể gia hạn hiệp ước quốc phòng ký với Bình Nhưỡng khi nó hết hạn vào năm 2021 nếu quan hệ Trung - Triều không xấu đi đáng kể.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích Trung Quốc được South China Morning Post hỏi đều có quan điểm thận trọng về tương lai quan hệ Trung - Triều.
Cheng Xiaohe, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc bình luận:
"Trung Quốc và Mỹ đã có sự hợp tác dài hàng thập kỷ về Bắc Triều Tiên, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định quan hệ song phương.
Đúng là Trung Quốc luôn luôn sử dụng con bài Triều Tiên. Nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng, ảnh hưởng và đòn bẩy của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng khá hạn chế."
Zhang Liangui, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Trường Đảng trung ương ở Bắc Kinh, cảnh báo: 
Kim Jong-un là một chính trị gia khôn ngoan, ông ta biết cách thúc đẩy tham vọng hạt nhân của mình, biết cách làm cho Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh chống lại nhau.
Theo ông Sun Xingjie, một chuyên gia về Triều Tiên từ Đại học Cát Lâm, Trung Quốc cho hay:
"Là đồng minh lâu năm, Triều Tiên hiểu rất rõ về Trung Quốc, đồng thời hiểu rằng vũ khí hạt nhân về cơ bản có thể thay đổi cán cân quyền lực trong quan hệ quốc tế.
Nếu không có vũ khí hạt nhân, bạn có thể tưởng tượng các cường quốc có để mắt đến Triều Tiên hay không, thậm chí là hội nghị thượng đỉnh Donald Trump với Kim Jong-un có diễn ra hay không?" [1]
Học giả phương Tây bàn cơ hội "thoát Trung"
Richard McGregor, thành viên cao cấp Viện Lowy, Sydney, Australia nghiên cứu về Đông Á, ngày 14/6 bình luận trên Nikkei Asian Review:
Mối quan tâm chính của Bắc Kinh luôn luôn là, bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên đều có mục tiêu rộng hơn việc giảm căng thẳng trên bán đảo.
Cũng như Washington lo lắng về quan hệ Trung - Nhật tiến triển tốt, Bắc Kinh băn khoăn về việc Bình Nhưỡng tiến lại gần Washington. 
Nhiều người cho rằng Donald Trump đã nhượng bộ rất nhiều, trong khi cam kết từ phía Kim Jong-un lại khá ít.
Thực tế cách tiếp cận này có ý nghĩa trong dài hạn, khi Mỹ và Triều Tiên tận dụng mối quan hệ của họ để kiềm chế Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã bảo lãnh an ninh cho Hàn Quốc, tại sao lại không thể đóng vai trò tương tự cho Bắc Triều Tiên? Chắc chắn Trung Quốc lo ngại ý tưởng này.
Washington từng bảo vệ Seoul chống lại Bình Nhưỡng chứ không phải Trung Quốc. Nay nếu Mỹ bảo vệ Bình Nhưỡng chống lại Bắc Kinh sẽ là một thách thức quân sự lớn hơn nhiều.
Với Bắc Triều Tiên, sự hiện diện của Mỹ trên bán đảo (sau khi quan hệ Mỹ - Triều sang trang mới) sẽ là một đối trọng hữu ích với sự thống trị của Trung Quốc.
Kim Jong-un có thể sẵn sàng chấp nhận cải cách kinh tế hạn chế, nhưng ông vẫn lo lắng về khả năng bị Trung Quốc chi phối.
Bắc Kinh vẫn duy trì đòn bẩy kinh tế lớn với Bình Nhưỡng, họ đã chứng minh điều này cuối năm ngoái khi Trung Quốc tham gia các biện pháp trừng phạt quốc tế, trì hoãn cung cấp các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu cho Triều Tiên.
Nếu Kim Jong-un tự do hóa nền kinh tế Triều Tiên, thậm chí có bước đi phi hạt nhân hóa hạt nhân, ông sẽ cần phải đa dạng quan hệ đối tác. Hàn Quốc sẽ là lựa chọn quan trọng, thậm chí Nhật Bản cũng có thể được mời.
Tại sao không phải là người Mỹ? Nếu Kim Jong-un muốn "thoát Trung", thì Washington sẽ là bạn thân nhất của ông ấy. Đây là ý tưởng đang khiến ông Tập Cận Bình lo sợ hiện nay. [2]
Ông Kim Jong-un sẽ chọn hướng đi nào?
Cá nhân người viết cho rằng, về mặt tư tưởng, Triều Tiên chưa bao giờ lệ thuộc Trung Quốc kể từ khi lập quốc, cho dù bối cảnh chính trị quốc tế hậu Chiến tranh Thế giới thứ II đã buộc Triều Tiên phải dựa vào Trung Quốc về kinh tế lẫn quân sự, đặc biệt là trong và sau Chiến tranh Triều Tiên.
Thuyết Tư tưởng Chủ thể của ông Kim Nhật Thành là minh chứng điển hình cho sự tự chủ, tự lực tự cường của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, mặc dù kinh tế của họ phụ thuộc rất lớn vào Liên Xô, sau này là Trung Quốc.
Tuy nhiên, sở dĩ Richard McGregor đặt vấn đề "thoát Trung" với ông Kim Jong-un, là bởi thực tế có sự lệ thuộc về kinh tế rất lớn của Triều Tiên vào Trung Quốc.
Chính các học giả Trung Quốc cũng thừa nhận điều này, họ gọi là "đòn bẩy" của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc đã từng sử dụng các "đòn bẩy" này để hà hơi thổi ngạt cho nền kinh tế Triều Tiên và dùng vấn đề bán đảo để mặc cả với Mỹ, cò cưa với Washington trong tiến trình trỗi dậy với tham vọng thay thế vị trí siêu cường số 1 của Hoa Kỳ.
Trong thế giới ngày nay, không một quốc gia nào có thể đứng một mình không chơi với ai mà vẫn phát triển phồn vinh.
Đó là lý do và động lực chính để ông Kim Jong-un thúc đẩy tiến trình cải cách và mở cửa song song với củng cố khả năng phòng thủ, bảo đảm an ninh cho đất nước.
Hơn nữa, bản thân Trung Quốc được như hôm nay, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng là nhờ cải cách mở cửa, chơi với Mỹ, tận dụng nguồn vốn và công nghệ Mỹ.
Ngay cả nhóm 6 nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G-7) cũng không thể tách rời Hoa Kỳ và Tổng thống Donald Trump đã có những bước đi táo bạo để hiệu chỉnh chính sách với cả 6 quốc gia này.
Có lẽ ông Kim Jong-un cũng nhận thấy điều này.
Đó là lý do tại sao ông Kim Jong-un đã phải "hạ thủ công phu" bài binh bố trận để có được hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump hôm 12/6 vừa qua.
Cho nên theo cá nhân người viết, cải cách mở cửa nền kinh tế, bắt tay hợp tác với Hoa Kỳ sẽ là ưu tiên số 1 của ông Kim Jong-un để giúp Triều Tiên nhanh chóng phát triển và hội nhập.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Triều Tiên quay 180 độ trong quan hệ với Trung Quốc, trở thành con bài của Mỹ để chống Trung Quốc như học giả Richard McGregor mong muốn.
Bởi lẽ ông Kim Jong-un đủ thông minh để "tránh vỏ dưa lẫn vỏ dừa".
Triều Tiên cải cách mở cửa, phát triển phồn vinh và cường thịnh là đủ, đó chính là "thoát Trung", tức thoát khỏi cảnh bao vây cấm vận tứ bề, thoát khỏi cảnh phải dựa vào Trung Quốc về kinh tế, năng lượng.
Thậm chí lúc này ông Kim Jong-un có thể tối đa hóa lợi ích cho đất nước mình khi Trung Quốc, Nga, Nhật Bản đều không muốn mất phần ảnh hưởng của họ trên bán đảo Triều Tiên sau thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Và với Hoa Kỳ, khi Triều Tiên cải cách mở cửa, hội nhập, phát triển và phồn vinh cũng đồng nghĩa với một con bài trong tay Trung Quốc hay dùng để cò cưa với Mỹ, đã bị vô hiệu hóa.
Nếu nhìn theo "lợi ích chiến lược lâu dài" này, thiết nghĩ sự thiện chí và nhượng bộ của Tổng thống Donald Trump là cần thiết, hiệu quả.
Nguồn:
[1]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2151128/how-china-using-north-korea-its-long-game-against
[2]https://asia.nikkei.com/Opinion/China-s-private-concerns-about-Trump-Kim
Hồng Thủy
ÔNG KIM JONG-UN TRỞ THÀNH TẤM GƯƠNG CHO CÁC NƯỚC NHỎ TRƯỚC SỨC ÉP SIÊU CƯỜNG 
TS TRẦN CÔNG TRỤC/ GDVN 14-6-2018
Ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp Thượng đỉnh tại khách sạn Capella, Sentosa, Singapore. 
Cuộc gặp được coi là lịch sử, đã diễn ra khá suôn sẻ hơn những gì mong đợi, thậm chí kết quả của nó còn trái với nhiều nhận định khá bi quan của dư luận trước thềm hội nghị thượng đỉnh.
Sau 5 giờ trực tiếp trao đổi, thảo luận, một thỏa thuận chung đã được 2 nhà lãnh đạo tối cao Mỹ, Triều ký kết. Thỏa thuận bao gồm 4 điểm chính yếu sau đây:               
1.Triều Tiên và Mỹ cam kết thiết lập quan hệ Mỹ – Triều mới thể theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng.
2. Hai nước sẽ tham gia vào nỗ lực nhằm xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. 
3. Tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018, Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên.
4. Mỹ và Triều Tiên cam kết tìm lại và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA), gồm cả việc đưa những hài cốt đã được nhận dạng về nước ngay lập tức.

Cái bắt tay lịch sử giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Singapore, ảnh: Hindustan Times.

Để cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi, chia sẻ những thông tin có liên quan đến những phân tích, đánh giá về kết quả của cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ- Triều tại Singapore ngày 12/6/2018, xin được trình bày một số quan điểm của chúng tôi như sau: 
Thỏa thuận chung có “yếu” không? 
Nhiều ý kiến trong giới phân tích nhận định, thỏa thuận này yếu hơn các cam kết trước đó về phi hạt nhân hóa. 
Ông Adam Mount, học giả thuộc Hiệp hội các Nhà khoa học Mỹ, bình luận với CNN rằng thỏa thuận chung của hai nhà lãnh đạo Donald Trump - Kim Jong-un không hề đề cập tới một quá trình phi hạt nhân hóa “có thể kiểm chứng” hay “không thể đảo ngược”.
Đó chính là những gì chính quyền Tổng thống Donald Trump luôn nhấn mạnh trước thềm Thượng đỉnh Mỹ-Triều. 
Phóng viên Justin McCurrry của báo The Guardian (Anh) thì cho rằng, thỏa thuận chung của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều không có nhiều khác biệt rõ rệt so với thỏa thuận chung được kí kết trước đó giữa ông Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong Thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4. Nghĩa là không có gì mới cả, chỉ là những thỏa thuận nguyên tắc chung chung.
Nếu so với những lời lẽ được Tổng thống Donald Trump tuyên bố một cách mạnh mẽ trước thềm Thượng đỉnh Mỹ- Triều, chúng tôi có thể hiểu được những ý kiến cho rằng thỏa thuận chung này có vẻ “yếu” hơn các cam kết trước đó về “phi hạt nhân hóa”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tỏ ra rất đĩnh đạc, tự tin và cởi mở trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh hai nhà lãnh đạo đi dạo trong khuôn viên khách sạn sau bữa trưa, nguồn: ABC News.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế và khách quan, chúng tôi không hoàn toàn đồng tình với những nhận xét này. Bởi vì:
Thứ nhất: Hiện nay, tình hình chính trị đối nội, đối ngoại, tình hình kinh tế, quân sự, đặc biệt là sức mạnh vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo…của Triều Tiên khác rất nhiều so với 10 năm trước đây. 
Triều Tiên đã không những không bị gục ngã trước những sức ép, bao vây, phong tỏa, cô lập của Mỹ và các đồng minh, mà còn vẫn tồn tại trong xu thế vươn lên một cách mạnh mẽ, đặc biệt tập trung ưu tiên phát triển  một số lĩnh vực trọng yếu mà họ cho là có ý nghĩa sống còn của đất nước.
Đó là việc tập trung giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội; xây dựng niềm tin tuyệt đối vào Lãnh đạo tối cao Kim Jong-un và Đảng Lao động Triều Tiên; củng cố vững chắc khối đoàn kết dân tộc. 
Đó là việc thực hiện chủ trương “thắt lưng buộc bụng”, “đồng cam cộng khổ”, giành mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển khả năng sản xuất và sử dụng vũ khí hạt nhân, nhiệt hạch, tên lửa đạn đạo, được coi là con “át chủ bài” để giữ vững vị thế và sức mạnh của quốc gia trong tình hình thế giới vẫn tồn tại quan hệ bất bình đẳng giữa nước lớn và nước nhỏ.
Thiết nghĩ, vị lãnh đạo tối cao của nhân dân Triều Tiên, tuy tuổi trẻ, nhưng tài cao, chí lớn, đã có công chèo lái con thuyền Triều Tiên vượt qua bao thác ghềnh để tiến ra biển lớn.

Ông Kim Jong-un tuổi trẻ, tài cao, chí lớn và Tổng thống Donald Trump lão luyện trong thương trường lẫn chính trường, ảnh: Moneycontrol.

Đây chính là nhân tố có tác động quyết định đến thành công “không thể tốt hơn” của Thượng đỉnh Mỹ - Triều 12/6/2018. 
Thứ 2: Đề cao vai trò của vị lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un, chúng tôi không thể không kể đến vai trò rất quan trọng của Tổng thống Donald Trump. 
Chúng tôi cho rằng để có được cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều và ký được Thỏa thuận chung nói trên, ông Donald Trump đã áp dụng một chiến thuật đàm đàm phán linh hoạt, “biết người biết ta” và khá thực dụng, đúng với tính cách của một chính khách- thương gia. 
Cho nên, chỉ vỏn vẹn có 5 tiếng, trong lần gặp đầu tiên,hai bên đã ký ngay được Thỏa thuận chung, bao gồm 4 nội dung chủ yếu có liên quan đến sự quan tâm của cả hai bên. 
Vì vậy, chúng tôi không lấy làm ngạc nhiên khi nghe nội dung tuyên bố của Tổng thống Donald Trump ngay sau lễ ký Thỏa thuận chung Thượng đỉnh Mỹ -Triều, rằng: đây là một bản thỏa thuận “rất toàn diện” và sẽ “giải quyết những vấn đề rất lớn lao và nguy hiểm trên thế giới”.
Để hiểu hết ý nghĩa của tuyên bố này, thiết nghĩ chúng ta nên đặt trong bối cảnh quốc tế hiện nay, khi mà Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức trong quan hệ quốc tế. 
Trong đó, không thể không tính đến những tính toán, cũng như những hoạt động lấn lướt trên thực tế của Trung Quốc trong vấn đề “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên và mối liên hệ đến những diễn biến của tình trạng tranh chấp địa- chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương và Quốc tế. 
Biển Đông là một địa bàn trọng yếu mà cả Mỹ và Trung Quốc đều phải tính đến để thực hiện chiến lược của mình trong giai đoạn trước, trong và sau Thượng đỉnh Mỹ -Triều.
Thỏa thuận Thượng đỉnh Mỹ-Triều là thắng lợi chung của nhân loại?
Nhiều ý kiến nhận xét rằng, Thỏa thuận chung Thượng đỉnh Mỹ -Triều không chỉ là thắng lợi của Triều Tiên và Mỹ, mà còn là thắng lợi chung của cả nhân loại, trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, thậm chí có lúc phải đứng bên miệng hố của một cuộc chiến tranh hủy diệt. 

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã có những cử chỉ khá thân mật trong lần đầu gặp mặt, ảnh: Time.
Vì vậy, Thỏa thuận chung được ký kết vào thời điểm hiện nay đã đáp ứng được nguyện vọng chung của nhân loại yêu chuộng hòa bình và, đúng như đánh giá của Tổng thống Donald Trump, nó sẽ là cơ sở để “giải quyết những vấn đề rất lớn lao và nguy hiểm trên thế giới”.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn có những đánh giá trái chiều, thậm chí cho rằng kết quả này chỉ có lợi cho Triều Tiên, ông Kim Jong-un là người được hưởng lợi nhiều hơn.
Ví dụ Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce đã tuyên bố rằng: 
“Ông Kim Jong-un nhận được rất nhiều cho bước đi đầu tiên, trong đó bao gồm cam kết rõ ràng của Tổng thống Mỹ liên quan đến các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc”. 
Công bằng mà nói, dường như nhận định này có lẽ cũng có căn cứ nếu cứ nhìn tương quan lực lượng, đặc biệt là bằng con mắt "chiếu trên" của các siêu cường.
Tuy nhiên, kết quả của Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên như phân tích ở trên cũng đã phản ánh đúng với thực trạng về mối tương quan thế và lực, những thuận lợi, khó khăn của hai bên. 
Quan trọng hơn, kết quả này chính là đích đến của một quá trình đấu tranh tiến tới sự bình đẳng, công bằng giữa các thành viên dưới mái nhà chung Liên Hợp Quốc.
Bởi công bằng và bình đẳng không tự nhiên từ trên trời rơi xuống, mà luôn là kết quả của những nỗ lực vươn lên không mệt mỏi của các nước nhỏ.
Nó cho thấy, một nước nhỏ, nếu cương quyết, mạnh mẽ nhưng khôn khéo, linh hoạt trong ứng xử, thì không ai, dù giàu mạnh đến đâu, cũng không thể đe dọa, gây sức ép và đối xử bất công, bất bình đẳng với mình được. 
Theo chúng tôi, lợi ích mà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un nhận được qua cuộc gặp Thượng đỉnh là ông đã trở thành tấm gương cho các nước nhỏ, yếu noi theo về lập trường và phương cách ứng xử để tồn tại trước tình trạng bất công đang tồn tại trong quan hệ quốc tế./.
Tiến sĩ Trần Công Trục
GIẢI MÃ THƯỢNG ĐỈNH TRUMP-KIM 
BÙI QUANG VƠM/ BVN 16-6-2018
Thế là thượng đỉnh Mỹ-Triều đã xảy ra, và đã thành công.
Như vậy, điều mà cách đây hai tháng, người viết bài này từng đưa ra một phỏng định rằng, “Có một điều Tuyệt mật mà nếu Kim không chuyển được cho Trump và điều Tuyệt mật đó không được Trump hiểu và chấp nhận, thì Thượng đỉnh sẽ không xảy ra, nếu xảy ra thì chỉ là trò cười”. Thượng đỉnh đã xảy ra và đã thành công.
Có nghĩa là điều Tuyệt mật đó đã tới Mỹ, người trực tiếp nhận nó là đích thân Tổng thống Donald Trump, và điều Tuyệt mật đó đã được Trump chấp nhận một cách hãnh diện.
Điều Tuyệt mật đó đã được viết trong bức thư có kích thước khác thường do Tướng tình báo Kim Yong-chol trao tận tay Trump ngày 2/6/18 (kích thước khác thường, vì chứa đựng nội dung khác thường, để người nhận thư nhất thiết không thể bỏ qua do hiếu kỳ muốn biết điều khác thường là gì, theo thuyết của người Trung Hoa cổ).
Điều Tuyệt mật ấy là thứ mà Trump đang rất cần và rất thèm, nhưng lại là điều Trump không thể ngờ tới. Nó sẽ giúp Trump đạt tới tột đỉnh của sự vinh quang cùng một lúc với sự an toàn tuyệt đối cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Từ cái điều Tuyệt mật này, một mối quan hệ đảo ngược 180° với mối quan hệ đang có giữa hai nước có thể ra đời.
Mối quan hệ mới đó là gì?
Trump đã viết trên Twitter rằng chuyện dỡ bỏ trừng phạt và chấm dứt các cuộc tập trận Mỹ Hàn chỉ do «tin tưởng trực giác của mình rằng ông Kim sẽ giữ lời». Có thể có chuyện đơn giản thế không? Đương nhiên là không, ông ta nói dối. Nhưng, điều gì đem lại cho Trump niềm tin khác thường như vậy?
Đồng minh của Mỹ bị bất ngờ, nghi ngại trước một quyết định phiêu lưu như vậy, còn chính Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc thì nói: cần phải "tìm ra ý nghĩa hay ý định chính xác" sau những phát biểu của ông Trump về việc chấm dứt vô thời hạn các cuộc tập trận quân sự chung.
Vậy «ý nghĩa hay ý định chính xác» của nó có thể là gì?
Tập trận chung Mỹ Hàn vốn có mục đích trực tiếp là chống lại đe doạ chiến tranh từ phía Bắc Hàn. Bây giờ cuộc tập trận chung đó không còn cần thiết nữa, có nghĩa là không còn sự đe doạ từ phía Triều Tiên nữa. Nhưng chỉ do thiện chí, cam kết hứa hẹn bằng lời của Kim thôi hay sao? Không, phải có một căn cứ khác, phải có một căn cứ đủ để xác quyết rằng, bản thân quá trình thử nghiệm tên lửa hành trình và tên lửa hạt nhân, phát triển bom nhiệt hạch là có mục đích khác, và mục tiêu khác, không phải để gây chiến tranh chống Nam Hàn và Mỹ. Chiến tranh không bao giờ hướng tới Nam Hàn và Mỹ. Ngay cả khi Bắc Triều Tiên còn vũ khí hạt nhân, thì Nam Hàn và Mỹ không bao giờ bị đụng đến, thậm chí còn được bảo vệ bằng chính vũ khí hạt nhân đó. Hạt nhân mà Kim làm không để giết người Triều Tiên (Caoly).
Cuộc Tập trận chung Mỹ Hàn được Trump tuyên bố «bãi bỏ vô thời hạn». Điều này khẳng định rằng, trong tay Trump đã có một căn cứ đầy đủ để loại bỏ Kim, Triều Tiên ra khỏi danh sách kẻ thù và hạt nhân Kim làm có đích tới ở chỗ khác.
Theo mạch logic thì, tương lai, cuộc tập trận đó sẽ có thêm thành phần thứ ba cùng tham dự, đó là quân đội Bắc Triều, và đương nhiên, cuộc tập trận từ nay sẽ có mục tiêu hướng tới phòng vệ chung cho cả hai miền Triều Tiên, chống lại đe doạ đến từ một cường quốc khác. Mỹ và hai miền Triều Tiên sẽ trở thành đồng minh của nhau. Liên minh này đương nhiên có cả Nhật Bản. Đối tượng mà Liên minh này nhắm tới là ai, và không thể là ai?
Như vậy, quá trình thủ tiêu hạt nhân sẽ diễn ra, nhưng không phải như thế giới hình dung. Nó sẽ xảy ra sau khi hai miền Nam Bắc Triều Tiên thống nhất thành một quốc gia Liên bang theo thể chế dân chủ. Quốc gia này tiếp tục Hiệp định an ninh với Mỹ và tiếp tục là đồng minh quân sự với Mỹ. Khi đó Triều Tiên sẽ không còn cần hạt nhân, và khi đó, có khả năng tái lập lại việc chế tạo vũ khí hạt nhân nữa hay không, sẽ không còn quan trọng, sẽ chẳng có ai nhắc đến nữa, vì Liên bang Triều Tiên là một cường quốc Dân chủ, như Mỹ Anh Pháp... Đây chính là thứ có thể đang có trong đầu Kim?!
Điều Tuyệt mật có thể là gì?
Người ta chưa quên vụ Kim xử tử hình ông chú dượng Jang Song-thaek vào 12/12/2013. Jang Song-thaek vốn là nhân vật số hai của chế độ từ khi Kim Jong-un kế vị, là đặc phái viên duy nhất của Kim Jong-un trong quan hệ với Trung Quốc.
Nhưng Jang đã bị mua.
Một âm mưu thay thế chế độ, dùng lá bài Kim Jong-nam, do Jang Song-thaek tổ chức thực hiện theo chỉ đạo và trợ giúp của Bắc Kinh. Phương án thay thế chế độ này do chính quyền Hồ Cẩm Đào chủ trương và trực tiếp điều hành, nhưng được Tập Cận Bình tiếp tục.
Theo báo Đa chiều «Chính Chu Vĩnh Khang là người tiết lộ mật đàm giữa ông Hồ Cẩm Đào và Jang Song-thaek về việc lật đổ nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời Chu Vĩnh Khang cũng định đào tẩu sang Bắc Hàn. Vì việc tiết lộ bí mật quốc gia, Chu Vĩnh Khang ngay sau đó bị bắt giam».
“Triều Tiên nói Jang là “một tên cặn bã còn tệ hơn cả một con chó” và phản bội dòng họ Kim khi âm mưu tổ chức lật đổ cháu vợ”. Jang bị bắn banh xác bằng súng phòng không cùng với hai trợ lý. Báo Hồng Kông còn phóng đại lên thành chuyện phanh thây bởi 36 con chó.
Tiếp đến là vụ xử anh trai Kim Jong-nam bằng thuốc độc tại Kuala lumpur sáng ngày 13/02/2017.
Cả hai vụ án này cuối cùng chỉ nhắm tới một mục đích là dằn mặt Bắc Kinh.
Sau tất cả, điều Tuyệt mật mà Kim muốn chuyển tới Trump là gì, chả nhẽ Trump vẫn không thể hiểu?!
Tuy vậy, tất cả những phân tích này chỉ là sự phỏng đoán, nhưng là sự phỏng đoán theo trật tự phát triển của sự vật. Những gì đang xảy ra đang dần giải thích những phỏng đoán được đưa ra vài tháng trước. Và thông thường, người ta hay nói vui: với một hàm số xác định, một đường cong liên tục, nếu đúng với điểm k, thì đúng với k+1 và với k+n, nghĩa là nếu đúng với điểm khởi đầu thì đúng với điểm tiếp theo và điểm bất kỳ nào.
Có thể nói tóm tắt lại rằng Kim Jong-un, dù ít tuổi, đã nổi lên như một nhà Chiến lược gia đại tài, cầm cả quả Địa cầu trong tay, một nhà Ngoại giao vào hạng đứng đầu suốt lịch sử ngoại giao thế giới.
Từ nay, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có lẽ không còn dám tự vỗ ngực, kiểu «ta phải như thế nào, họ mới tiếp ta như vậy chứ», và cái thứ «Bốn tốt» và «16 chữ vàng” thì thật là nhục nhã.
Không một ai từng biết Trung Quốc mà thành bạn của Trung Quốc, trừ Đảng Cộng sản Việt Nam, và vào lúc này thì trong Bộ chính trị cũng chỉ có Nguyễn Phú Trọng và một vài người có lợi ích hoặc gắn với ông Trọng, hoặc với Trung Quốc.
15/06/2018
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN

TRUMP-KIM AI ĐƯỢC CÁI GÌ ?

NGÔ NHÂN DỤNG/ BVN 15-6-2018

Các hội nghị thượng đỉnh thường nặng về lễ nghi, trình diễn hơn là các quyết định chính sách. Cuộc họp “Trump-Kim Summit” vừa qua, phần trình diễn thành công nhất. Hai lãnh tụ, một cường quốc đứng đầu thế giới về kinh tế cũng như vũ lực, một nước nhỏ nghèo mạt nhưng có bom nguyên tử, trước đây mấy tháng còn “chửi nhau” tàn tệ và dọa đánh nhau bằng bom hạch tâm, nay đã bắt tay và đứng bên nhau như những người bạn tri âm. Riêng hình ảnh đó, cho cả thế giới chứng kiến, đã là một thành công.
Trong hai người Trump và Kim, ai cũng có một thứ gì đó để đem về nước mình.
Chủ tịch Kim Jong Un đem về được những gì? Được Tổng thống Donald Trump khen ngợi không tiếc lời. Ba ngày sau khi ông Trump mạt sát Thủ tướng Canada là “không lương thiện và yếu ớt”. Một ngày trước khi gặp Kim, ông Trump còn tiếp tục kể tội lãnh tụ tất cả các nước G-7 khác trên Twitter là họ lợi dụng kinh tế Mỹ.
Ông Kim cũng mang về được hình ảnh những lá cờ “Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên” bay phất phới bên cạnh là cờ Mỹ quốc. Hình ảnh ông Kim ngồi, đứng, ngang hàng với một Tổng thống Mỹ. Đó là điều mà hai đời ông nội và ông bố của ông Un ước mơ nhưng không được. Triều đại họ Kim ngày càng vững chắc hơn.
Ông Trump tuyên bố trước khi về nước: Chúng ta không nhượng bộ điều nào cả (we haven’t given up anything). Nhà bình luận Gerald F. Seib của nhật báo Wall Street Journal, tiếng nói uy tín nhất của Đảng Cộng hòa, viết: “That isn’t quite true, of course.” Nói vậy không đúng sự thật, tất nhiên.
Gerald F. Seib liệt kê các nhượng bộ: Ngay từ đầu, ông Trump đã vứt bỏ quân bài mạnh nhất của mình khi cho ông Kim một địa vị chính đáng và được quốc tế công nhận (giving Mr. Kim legitimacy and international recognition up front). Điều này không thể đẩy nó vào trong lọ được, như câu truyện Aladin trong “Ngàn lẻ một đêm”.
Tổng thống Trump tặng Chủ tịch Kim một món quà vô giá: Ông hứa sẽ tôn trọng an ninh của Bắc Hàn. Cụ thể, ông tuyên bố Mỹ sẽ ngưng các cuộc tập trận cùng với quân đội Nam Hàn. Nhà bình luận Seib còn nhắc đến một điều có thể hiểu ngầm: Mỹ sẽ không tính chuyện tấn công Bắc Hàn nữa. Tháng Tám năm ngoái, ông Trump còn dọa ông Kim những “lửa và cuồng nộ mà thế giới chưa bao giờ thấy” (fire and fury like the world has never seen).
Bây giờ coi xem Tổng thống Mỹ đã lượm hái được những gì.
Trước hết, thành công lớn nhất của ông Trump là ông Kim Jong Un hứa, trong bản tuyên cáo chung, sẽ giải giới toàn diện vũ khí hạch tâm của Bắc Hàn. Trong tiếng Anh, chỉ viết ngắn gọn “complete denuclearization”.
Nhưng thân phụ ông Un trước đây đã từng hứa như vậy nhiều lần với các vị Tổng thống Mỹ trước; và còn được nghe những lời lẽ cụ thể hơn. Năm 1992, Nam Bắc Hàn đã ký thỏa hiệp không thí nghiệm và sản xuất bom nguyên tử, không nhận và tàng trữ bom của các nước khác, không tinh luyện uranium để có thể chế bom. Năm 1995, Quốc hội Mỹ buộc Tổng thống Bill Clinton không được mở cửa kinh tế cho Bắc Hàn nếu họ không tôn trọng thỏa hiệp này. Nhưng không nói gì về việc giám sát, thanh tra. Hai bên gặp nhau lần cuối cùng vào năm 1993. Năm 2002, Nam Hàn, Nhật Bản và Mỹ kết luận rằng Bắc Hàn không thi hành hiệp ước!
Đời Tổng thống George W. Bush, năm 2002 và 2005, ông Kim Jong Il còn nhượng bộ nhiều hơn, cụ thể hơn, khi đồng ý cả việc thanh tra công việc xóa bỏ vũ khí nguyên tử, được ký kết với Mỹ, có Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn làm chứng. Chính phủ Bush nghĩ rằng họ Kim đã thay đổi, thấy phát triển kinh tế quan trọng hơn bom hạch tâm. Năm 2009, ông Kim Jong Il thử hỏa tiễn, và không chấp nhận thanh tra giám sát. Bản thỏa ước đó trở thành vô giá trị. Bắc Hàn lại thử bom nguyên tử và hỏa tiễn. Bản tuyên cáo Trump-Kim không nói gì đến những chữ “giám sát, thanh tra”.
Cựu Tổng thống Barack Obama bắt buộc Iran tiếp nhận các thanh tra Liên Hiệp Quốc tới giám sát việc xóa bỏ các trung tâm nghiên cứu và lò thí nghiệm hạch tâm; và cho tới nay các thanh tra xác nhận Iran tuân thủ đầy đủ.
Đối với ông Trump một lời hứa của ông Un là đủ chấp nhận. Vì ông tin vào “tình thân rất đặc biệt” (very special bond) mà ông đã tạo được giữa mình và ông Un, sau mấy tiếng đồng hồ gặp gỡ. Ông Trump nói: “Tôi tin rằng chúng tôi sẽ có một mối quan hệ tuyệt vời. Tôi không nghi ngờ gì cả” (I think we will have a terrific relationship. I have no doubt).
Ông Trump cũng nhận được một quà tặng nhỏ của ông Kim. Ông Kim đi thăm phố xá Singapore, và bước vào khu giải trí Marina Bay Sands Hotel, như đã được sắp xếp. Khách sạn này của ông vua sòng bài Sheldon G. Adelson, một người bạn thân đã nhiệt liệt ủng hộ Tổng thống Trump khi ông tranh cử. Sang năm, biết đâu Chủ tịch Kim Jong Un sẽ xin qua Mỹ thăm khu giải trí Mar-a-Lago ở Florida?
Nhìn lại những gì hai ông Kim và Trump đem về nước, chúng ta phải tự hỏi: Ông Tổng thống Mỹ có cần bay nửa vòng trái đất mới đạt được những chuyện đó hay không? Ông có thể “tuýt” qua “tuýt” lại với ông Kim là nói được đủ những điều trên!
Điều mà các nhà chính trị Mỹ lo ngại nhất là chế độ Bắc Hàn không bao giờ thay đổi chính sách ngoại giao cố hữu từ hơn nửa thế kỷ. Từ đời Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), qua Kim Chính Nhật (Kim Jong Il), triều đại này tồn tại vì luôn luôn đe dọa sẽ gây chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên. Kim Jong Un (Kim Chính Ân) còn đe dọa bắn hỏa tiễn nguyên tử qua Mỹ. Ông Un dọa được như vậy, vì chế độ đã bỏ ra bao nhiêu tỷ đô la chế bom và làm hỏa tiễn. Có ai tin rằng ông Un sẽ vứt bỏ lá bài quan trọng nhất của mình hay không?
Trước khi đi phó hội, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố ông không cần chuẩn bị chi nhiều, ông chỉ quan tâm đến “thái độ” của ông Kim, mà ông tin rằng gặp nhau phút chốc ông đã khám phá ra sự thật. Ông Kim Jong Un đã thành công, ông Trump tỏ ra ông hoàn toàn tin tưởng.
Và quả nhiên ông Trump không chuẩn bị chi nhiều thật. Cho nên ông không đòi hỏi ông Kim những chi tiết mà người khác phải hỏi. Một điều ai cũng nhắc nhở ông là chữ “giải giới hạch tâm toàn diện” (complete denuclearization) Trump hiểu một cách, Kim hiểu cách khác. Đối với ông Trump, có lẽ đó chỉ là một chi tiết không quan trọng.
Trong vài tuần lễ trước cuộc gặp gỡ, các nhà thương thuyết Mỹ và Bắc Hàn đã tranh luận gay go về chi tiết đó. Câu hỏi là: Bắc Hàn sẽ giải giới như thế nào? Nhưng hai bên không thể nào đồng ý với nhau được. Phái đoàn Mỹ muốn bên kia phải chấp nhận các điều kiện cụ thể. Bên kia nhất định lờ đi, không bàn. Họ đành chịu, vì Tòa Bạch Ốc không muốn họ cứng rắn quá. Lo rằng cuộc họp thượng đỉnh tan vỡ trước khi bắt đầu! Nhưng cuộc họp thượng đỉnh vừa rồi có đưa tới kết quả nào hay không, điều đó hoàn toàn tùy thuộc hai bên có thể hiểu chữ denuclearization giống nhau hay không.
Complete denuclearization, chữ này có nghĩa là ngưng nghiên cứu các võ khí mạnh hơn không? Có dính đến kho hỏa tiễn hay không? Có bao gồm những vũ khí hóa học và sinh học hay không?
Tổng thống Trump cũng không yêu cầu Chủ tịch Kim hứa phải tôn trọng nhân quyền, một điều mà tất cả các Tổng thống Mỹ trước đây đều nhấn mạnh khi nói với các chế độ độc tài. Ông Trump là người thực tế. Làm sao có thể yêu cầu một người tôn trọng nhân quyền khi hắn ta đang bỏ tù hàng trăm ngàn người không cần xét xử, hành hình những tướng lãnh bị nghi ngờ bằng “khuyển quyết” (cho chó cắn đến chết), từng đưa ông dượng ruột ra bắn (bằng súng cao xạ), và ra lệnh giết anh ruột mình bằng thuốc độc?
Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in nhận định rằng dù cuộc họp thượng đỉnh thế nào thì cũng chỉ là một bước mở đầu cho một diễn trình lâu dài. Việc giải giới vũ khí nguyên tử mà Bắc Hàn mất công chế tạo và tích lũy từ mấy chục năm sẽ cần thời gian. “Không biết bao lâu”, ông Moon thú nhận, “Một năm. Hai năm, hay lâu hơn”. Ông Trump cũng đồng ý, coi đây là một chuyện lâu dài.
Tổng thống Trump còn giữ một quân bài tẩy: Không nói gì đến việc nói lỏng cấm vận kinh tế. Ông còn có thể dùng đòn cấm vận để ép ông Kim Jong Un phải nói chuyện đứng đắn và nói gì phải làm theo đúng.
Nhưng thế giới đã thay đổi. Trong tình hình “hòa hoãn” chưa từng có trên bán đảo Triều Tiên, Nga và Trung Cộng có thể không cần phải thi hành lệnh cấm vận Bắc Hàn của Liên Hiệp Quốc như trước nữa. Trong thực tế, Trung Cộng đã nới lỏng. Giá nhà đất ở vùng biên giới Trung Quốc và Bắc Hàn tăng vọt vì người ta biết việc giao thương sẽ trở lại và mạnh hơn trước. Các nước Châu Âu và Canada, Nhật Bản, Nam Hàn thì sao? Họ còn muốn chiều ý Chính phủ Mỹ hay không? Hiện nay Nga, Trung Cộng và các nước Châu Âu vẫn tiếp tục giao thương với Iran mặc dù Mỹ quyết định tẩy chay.
Một ngộ nhận lớn nhất của các Chính phủ Mỹ là nghĩ rằng họ Kim sẵn sàng từ bỏ vũ khí nguyên tử để đổi lấy được phát triển kinh tế. Các lãnh tụ Cộng sản không suy nghĩ như vậy. Đối với họ Kim, dân đói cũng không sao. Điều này đã được thực chứng với hai triệu người chết đói. Họ chỉ muốn nắm vững quyền hành. Hơn 60 năm nay, họ vững quyền nhờ bạo lực. Vũ khí hạch tâm là chìa khóa bảo vệ chế độ. Bây giờ ông Kim Jong Un sắp lột xác hay chăng?
N.N.D.
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trump-kim-ai-duoc-cai-gi/
Đọc thêm

Thượng đỉnh Trump-Kim: mâm cỗ tự nhiên bày ra cho Trung Quốc (1)


Truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên mô tả cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim là 'thắng lợi lớn' cho nước này
Truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên mô tả cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim là 'thắng lợi lớn' cho nước này
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đúng như những gì mà Trung Quốc mong muốn nhất tại cuộc gặp Thượng đỉnh hôm 12/6 vừa qua ở Singapore, các báo Mỹ dẫn lời các nhà bình luận nhận định.
Sau cuộc họp với ông Kim, ông Trump bày tỏ ý muốn đình chỉ các cuộc tập trận Mỹ-Hàn đúng như những gì mà phía Bắc Kinh đòi hỏi trước đó. Ông cũng công bố công khai rằng ông muốn rút quân ra khỏi Hàn Quốc mà nếu điều này thành hiện thực thì đó là lợi ích to lớn mà Trung Quốc không thể ngờ đến. Ông cũng giúp cho chế độ của Triều Tiên tính chính danh – mở đầu một quá trình lâu dài mà Bắc Kinh sẽ là nước có vai trò chủ chốt với nhiều đòn bẩy lớn với cả hai miền Triều Tiên.
Hãng tin Bloomberg đưa dòng tít: “Trung Quốc đã có tất cả những gì họ muốn tại cuộc gặp của Trump với Kim”, còn tờ Washington Post thì giật tít: “Kẻ chiến thắng lớn nhất trong thượng đỉnh Trump-Kim là Trung Quốc”.
“Trong giấc mơ hoang đường nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có lẽ ông cũng không hình dung ra một kết quả tốt hơn nữa của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, ít nhất là trên các vấn đề liên quan đến lợi ích của Bắc Kinh”, tờ Washington Post viết.
“Ông Trump muốn dùng cách mô tả là kẻ thắng và người thua, và ông Tập Cận Bình dường như là người thắng lớn nhất sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lịch sử,” bà Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga châu Âu châu Á, được Washington Post dẫn lời nói.
Theo tờ báo này thì chỉ mới mấy tháng trước đây quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng còn trở ngại. Nhưng ông Tập và ông Kim đã hàn gắn những khác biệt, cùng phối hợp chiến lược và giờ đây, nhờ vào ông Trump, họ đã đạt được kết quả mong muốn từ cuộc gặp thượng đỉnh.
Trong khi đó, những nhượng bộ của ông Trump có nguy cơ đẩy đồng minh ra xa, phá hoại vị thế chiến lược của Mỹ ở Đông Á và làm theo khung chiến lược đối ngoại mong muốn của Trung Quốc.
Washington Post nhận định thỏa thuận mà Trump và Kim đạt được ở Singapore về thực chất là ‘đóng băng đổi lấy đóng băng’ mà Bắc Kinh đã đưa ra ngay từ đầu.
“Làm xói mòn lòng tin vào các liên minh của Mỹ là chiến thắng chiến lược của ông Tập Cận Bình”, bà Fallon nói. “Bắc Kinh mong muốn ‘đóng băng đổi lấy đóng băng’ và không có tập trận chung nữa, và điều đó đúng là những gì mà Trump đã tuyên bố mà gần như là không đổi lại lợi ích gì cho Mỹ”.
Ông Trump không chỉ muốn ngưng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn. Ông còn sử dụng đúng những ngôn từ của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã sử dụng để lên án các cuộc tập trận này mà Washington từng nói là cần thiết cho việc sẵn sàng chiến đấu và tính răn đe.
“Chúng ta sẽ dừng các trò chơi chiến tranh”, ông Trump nói tại cuộc họp báo hôm thứ Ba ngày 12/6. “Chúng ta sẽ tiết kiệm được một số tiền khổng lồ. Thêm nữa, các cuộc tập trận còn hết sức khiêu khích”, ông nói thêm.
Hãng tin Reuters nhận định rằng với việc gọi các cuộc tập trận chung của Mỹ với Hàn Quốc là ‘hết sức khiêu khích’, ông Trump đã khiến cho các đồng minh của ông ở Seoul và Tokyo vốn dựa vào liên minh quân sự với Mỹ để đảm bảo an ninh cho mình cảm thấy lo lắng.
Cũng tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh, ông Trump đã thừa nhận công khai rằng ông muốn rút toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi Hàn Quốc. Ông từng nói về điều này rất lâu trước đây. Nhưng giờ đây, ông nói rằng ông mong muốn sẽ đưa vấn đề giảm quân số Mỹ vào trong các cuộc thương thảo với Bình Nhưỡng.
“Tôi muốn đưa binh sỹ của chúng ta trở về nước. Hiện giờ chúng ta có 32.000 quân đóng ở Hàn Quốc”, ông nói. “Hiện giờ đó chưa phải là một phần trong vấn đề Triều Tiên. Vào một lúc nào đó, tôi hy vọng nó sẽ được đưa vào nghị trình”.
Ông Trump cũng cho Bắc Kinh một thắng lợi nữa trong nỗ lực của nước này muốn phá hoại chiến dịch ‘sức ép tối đa’ mà Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phối hợp lên Triều Tiên. Ông Trump nói rằng ông không chỉ hoãn lại việc áp đặt những lệnh cấm vận mới lên Triều Tiên mà còn thừa nhận rằng Bắc Kinh không nghiêm túc thực thi các lệnh cấm vận.
“Chủ tịch Tập của Trung Quốc đã thực sự đóng cửa biên giới, nhưng có lẽ là nới lỏng hơn một chút trong những tháng vừa qua, nhưng điều đó cũng không sao”, ông Trump nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 12/6 đã kêu gọi nới lỏng các lệnh cấm vận nhắm vào Triều Tiên để tạo thiện chí từ cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Bắc Kinh hài lòng đồng ý với Trump rằng cuộc gặp thượng đỉnh chỉ cần diễn ra là đã thành công.
“Việc nhà lãnh đạo hai nước có thể ngồi lại cùng với nhau và có cuộc nói chuyện bình đẳng đã có ý nghĩa rất lớn. Điều này tạo ra một chương mới trong lịch sử, và Bắc Kinh đương nhiên là hoan nghênh và ủng hộ kết quả đó bởi vì đó là mục tiêu mà chúng tôi đã hy vọng và hướng đến”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ra thông cáo cho biết.
Một thắng lợi nữa cho Trung Quốc là Tổng thống Trump đã khiến cho quan hệ đồng minh với Mỹ và Hàn Quốc trở nên rối loạn.
“Vào lúc này, ý nghĩa và dự định của những tuyên bố của Tổng thống Trump cần phải được hiểu rõ thêm”, phát ngôn nhân phủ Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố hôm 12/6.
Ông Trump nói ông dựa vào trực giác của mình và ông tin rằng ông Kim ‘nghiêm túc về vấn đề phi hạt nhân hóa’.
“Tôi nghĩ rằng ông ấy (Kim Jong-un) sẽ thực hiện những việc đó. Có thể tôi đã sai. Tôi có thể đứng trước quý vị trong sáu tháng tới và nói rằng tôi đã sai”, ông Trump nói. “Tôi không biết là liệu tôi sẽ thừa nhận như vậy hay không, nhưng tôi sẽ tìm một cách bào chữa nào đó”.
Bài xã luận của Washington Post cho rằng ‘đặt niềm tin mù quáng vào sự thành thật của Triều Tiên không phải là cơ sở chắc chắn để đánh mất vị thế chiến lược của Mỹ ở châu Á, đặt nghi vấn về các mối quan hệ đồng minh và dỡ bỏ áp lực đối với Bắc Triều Tiên.
“Nếu mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh là làm suy yếu vị thế của Mỹ trong khu vực thì ông Trump đã làm công việc đó cho họ một cách rất tốt”, tờ Washington Post nhận định.
Cùng chung nhận định với Washington Post, Bloomberg cho rằng ông Tập Cận Bình ‘không nghi ngờ gì nữa là người chiến thắng lớn nhất’ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều do những gì mà ông Trump đưa ra đích thị là những gì mà lâu nay Bắc Kinh vẫn đòi hỏi.
Do Bình Nhưỡng đã chấm dứt các thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, việc Mỹ ngừng tập trận với Hàn Quốc chính là mô hình ‘đóng băng đổi lấy đóng băng’ mà lâu nay Bắc Kinh vẫn kêu gọi.
“Ngoại giao của ông Trump đã gửi đi thông điệp sai lầm đến Trung Quốc, Triều Tiên và Nga”, ông Malcolm Davis, một nhà phân tích cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, được Bloomberg dẫn lời nói. “Nếu nước Mỹ sẵn sàng hứa hẹn với một nhà độc tài tàn bạo, thì liệu ông ấy đáng tin được như thế nào trong việc duy trì các cam kết đối với các đồng minh?”
Cả Chính phủ Mỹ lẫn Hàn Quốc đều không thể xác nhận là Chính quyền ông Trump đã cảnh báo cho Tổng thống Moon Jae-in trước về việc Mỹ sẽ ngừng tập trận.
Nhật Bản, đồng minh chính của Mỹ trong khu vực, chẳng đạt được gì cả. Ông Kim không hứa hẹn gì về vấn đề công dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc và ông ta cũng không đưa ra hạn chế nào đối với các chương trình tên lửa đạn đạo.
Ông Trump đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với ông Kim chỉ là khởi đầu của một quá trình và rằng Hoa Kỳ sẽ không nới lỏng sức ép đối với Triều Tiên cho đến khi họ đạt được mục tiêu về phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Nhưng điều đó lại không hề được đề cập trong tuyên bố chung do hai ông Trump và Kim ký kết và không có khung thời gian nào được đưa ra để Bình Nhưỡng cuối cùng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
“Nếu mục tiêu là bắt đầu tháo dỡ các liên minh Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn thì đây là cách bắt đầu quá trình”, Bloomberg dẫn lời ông Evans Revere, một nhà cựu ngoại giao Mỹ ở Hàn Quốc, nhận định. “Mỹ đã đưa ra những nhượng bộ lớn – trong đó có bản thân cuộc gặp thượng đỉnh và việc chấm dứt tập trận phòng vệ - để đổi lấy cái dường như là lời hứa mơ hồ và không xác định từ phía nhà lãnh đạo Triều Tiên”.
Triều Tiên cũng được cho là bên thắng lợi tại cuộc gặp thượng đỉnh này với việc ông Kim Jong-un nhận được lời hứa từ phía ông Donald Trump là sẽ tiến tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong khi các cam kết của ông về phi hạt nhân hóa lại thiếu những chi tiết cụ thể.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Brad Glosserman, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tama của Nhật, nói: “Ông Kim muốn có cơ hội chụp hình chung, ông ấy đã có, ông ấy cũng nhận được lời mời đến thăm Nhà Trắng. Ông ấy có cánh cửa mở ra để tiến đến việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Sẽ không có ai gây sức ép với Bình Nhưỡng nữa. Tất cả mọi thứ mà Bắc Triều Tiên mong muốn, tôi không thấy có bất lợi nào đối với họ cả”.
Trung Quốc cũng đã nhanh chóng kêu gọi điều chỉnh lại các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nếu như Bình Nhưỡng đã xử sự đàng hoàng.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng được Reuters dẫn lời nói tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nếu Triều Tiên tuân thủ và hành động trong khuôn khổ nghị quyết thì các biện pháp trừng phạt có thể được điều chỉnh, bao gồm tạm dừng hay dỡ bỏ.
Tờ Hoàn cầu Thời báo viết trong một bài xã luận rằng “đã đến lúc xem xét các biện pháp giảm trừng phạt Triều Tiên một cách phù hợp”.
Trong một bài bình luận trên tờ The Hill, ông Chuck Downs, cựu Phó giám đốc các vấn đề khu vực và quan hệ với quốc hội của Văn phòng chính sách Đông Á của Ngũ Giác Đài, nhận định rằng ông Kim Jong-un đã “đem về nhiều thắng lợi” sau cuộc gặp tại Singapore.
Ông Downs cho rằng ông Kim đã đưa ra cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lại những đảm bảo về an ninh. Ông Downs nhắc lại các lời hứa của Tổng thống Donald Trump như ‘ngừng tập trận, hướng đến giảm quân đội đóng ở Hàn Quốc và có thể thay đổi việc triển khai các máy bay ném bom ở đảo Guam’.
“Không có nhượng bộ nào trên đây là nhỏ cả”, ông Downs nói. Nhưng chưa hết, phía Mỹ còn cam kết những biện pháp dẫn đến việc thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên và giúp cho chế độ của họ thịnh vượng với một số các lện trừng phạt sẽ được tháo dỡ khi quá trình phi hạt nhân hóa diễn ra.
“Trong cuộc họp báo của Tổng thống Trump ở Singapore, ông ấy nói rằng quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên sẽ là một quá trình dài hơi. Triều Tiên lâu nay vẫn liên tục cho thấy họ lợi dụng thời gian (kéo dài) để thúc đẩy năng lực hạt nhân, tên lửa và năng lực mạng trong khi sự quan tâm của thế giới chuyển đến nơi khác”, ông Downs viết.
Ông Downs cũng nhận định ông Kim Jong-un biết rằng các cuộc thảo luận (với Mỹ) sẽ giúp tăng cường sức mạnh chính trị của ông ở trong nước vào lúc ông ấy đang yếu thế. “Các thỏa thuận ở Singapore sẽ khiến cho người dân Triều Tiên cảm nhận rằng ông Kim Jong-un không thể bị tổn thương gì ở trong nước và sẽ chuyển hướng chú ý ra khỏi các khó khăn kinh tế và chính trị trầm trọng của đất nước”.
“Đúng. Thỏa thuận ngày hôm nay chắc chắn là mang tính lịch sử, nhưng nó không thay đổi bản chất của chế độ Triều Tiên. Thay vào đó, nó lại giúp đảm bảo duy trì sự sống còn cho chế độ đó”.
Tuy nhiên, ông Trump bác bỏ việc Mỹ là bên thua trong cuộc gặp này. “Chúng tôi không từ bỏ cái gì cả”, ông nói. “Cuộc gặp hoàn toàn tốt cho Mỹ cũng như cho Triều Tiên”.
Vài giờ sau khi cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra, ông Trump đã lên Twitter để phản bác lại sự đả kích của truyền thông và bảo vệ những gì ông đạt được tại cuộc gặp với ông Kim Jong-un.
“Việc tôi đi gặp thượng đỉnh là một thất bại lớn đối với Mỹ, bọn thù ghét và bọn thua cuộc nói”, ông Trump viết trên dòng tweet.
“Chúng ta đã nhận về con tin của chúng ta, và các cuộc thử nghiệm, nghiên cứu và phóng hỏa tiễn đã chấm dứt, và những kẻ học giả này, những kẻ đã cho tôi là sai lầm ngay từ đầu, không còn có thể nói gì thêm! Chúng ta sẽ ổn thôi!”
Trong một bài phân tích trên trạng mạng news.com.au của Úc, tác giả Malcolm Farr nhận định rằng ‘không nên coi nhẹ thành tích của ông Trump trên hồ sơ Triều Tiên nhưng cũng không nên thổi phồng quá mức”.
“Ông ấy đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên ngồi vào bàn đàm phán với một nhà lãnh đạo Triều Tiên sau khi đã có một loạt những hành động mạnh mẽ về cấm vận kinh tế và trả đũa quân sự”, bài phân tích viết.
“Hơn nữa, ông ấy đã định hình lại mối quan hệ giữa Mỹ với Triều Tiên với sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc đằng sau hậu trường và với sự hậu thuẫn của Hàn Quốc”.
Về phần mình, Seoul cho rằng việc ngừng tập trận chung với Mỹ “có lẽ cần thiết để xúc tiến các cuộc đàm phán về việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên”, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn thông cáo báo chí của Phủ Tổng thống nước này cho biết.
Phản ứng sau cuộc gặp thượng đỉnh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoan nghênh việc ông Trump nói trong một cuộc họp báo rằng ông đã nêu vấn đề các công dân Nhật bị bắt cóc với nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng mặc dù trong văn kiện được ông Trump và ông Kim ký kết không hề có dòng nào nhắc đến vấn đề này, theo Reuters.
Trong một cuộc thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos tiến hành hôm thứ Tư ngày 13/6, trên một nửa người dân Mỹ (51%) cho biết họ tán thành cách ông Trump xử lý vấn đề Triều Tiên nhưng chỉ có một phần tư nghĩ rằng cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore sẽ dẫn đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Có 40% số người được hỏi cho biết họ không tin rằng các bên sẽ giữ đúng cam kết đưa ra tại cuộc gặp so với 26% tin là Triều Tiên và Mỹ sẽ giữ lời. Số còn lại phân vân.
Về nguy cơ cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai nước, 39% cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh đã giúp hạ nhiệt nguy cơ này trong khi 37% nói rằng họ không tin cuộc gặp này sẽ thay đổi gì cả.
Cuộc thăm dò đã vấn ý của hơn 1.000 người trưởng thành thuộc hai xu hướng chính trị là Dân chủ và Cộng hòa. Kết quả cho thấy các cử tri Dân chủ đánh giá thấp thành tích của ông chủ Nhà Trắng. Chỉ có 30% nói họ ủng hộ cách ông Trump xử lý vấn đề Triều Tiên.
(1)  Đầu đề do BVN sửa lại.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-trump-kim-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-l%E1%BB%A3i-nhi%E1%BB%81u-nh%E1%BA%A5t-/4438192.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét