Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

20180618. LẠI BÀN VỀ 'ĐỐI THOẠI'

ĐIỂM BÁO MẠNG
LẠI NÓI VỀ VẤN  ĐỀ "ĐỐI THOẠI"
(Nhân chuyện Thủ Thiêm và biểu tình của người dân về Dự luật Đặc khu những ngày qua)

NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ viet-studies / BVN 18/6/2018


Hình ảnh có liên quan

1. “Đối thoại” kiểu... Ban tuyên giáo
Còn nhớ, cách đây khoảng một năm, ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - có phát biểu và đặt vấn đề về sự “đối thoại” giữa Đảng, Chính quyền và dân chúng nói chung (đặc biệt là với những người bất đồng chính kiến) như sau:
“Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”.
Phát biểu trên của ông Thưởng được khá nhiều cơ quan báo chí chính thống dẫn lại và ngay sau đó đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn phi chính thống. Và cho đến nay, sau gần một năm nhìn lại có thể khẳng định rằng, tất cả những gì ông Thưởng nói năm xưa chỉ là sự bột phát trong lúc cao hứng và nông nổi nhất thời của bản thân ông mà thôi. Và nói cho cùng thực ra đây còn là một “kiểu đối thoại” rất “đặc trưng” của những người làm công tác tuyên giáo trong hệ thống Đảng và Chính quyền Nhà nước lâu nay. Nghĩa là miệng lúc nào liến thoắng như một con két nhưng tiếc thay nhìn vào thực tế thì hoàn toàn trái ngược, không phải vậy. Dân gian gọi đây là sự “nói một đằng nhưng làm một nẻo” hay chỉ giỏi nói, giỏi “chém gió” mà không làm. Đã vậy đến khi xảy ra những sự cố, biến cố ngoài ý muốn thì lại tiếp tục “bài ca con cá” rất quen thuộc: 1) “qua sự việc lần này chúng ta cần phải rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc...”; 2) “đây âm mưu và thủ đoạn của các “thế lực thù địch” nhằm bôi nhọ Đảng, Nhà nước ta và kích động dân chúng bạo loạn lật đổ...”
Câu chuyện ở Thủ Thiêm và đặc biệt là chuyện hàng ngàn người dân ở một số địa phương trên cả nước rầm rộ xuống đường biểu tình nhằm phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng ngày 10/6/2018 vừa qua là một minh chứng cụ thể nữa về vấn đề này.
Với câu chuyện Thủ Thiêm, một lần nữa cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích nhằm thao túng chính sách về thu hồi đất đai, đẩy người dân thấp cổ bé miệng vào bước đường cùng trên khắp cả nước. Và điều đáng nói là, cái sự thể rõ như ban ngày ấy lại không được Chính quyền Nhà nước tiếp thu để điều chỉnh dù rằng có không biết bao nhiêu chuyện tương tự đã xảy ra trước đó. Những khuôn mặt già nua, đen sạm, cùng những giọt nước mắt của những người dân tay lấm chân bùn trong khi gặp gỡ với đại diện chính quyền TP Hồ Chí Minh đã nói lên tất cả những oan khiên và uất nghẹn của người dân đối với chính quyền nơi đây. Vì đã hơn 20 năm rồi, họ vác đơn đi kiện khắp nơi nhưng đều không được giải quyết thỏa đáng chỉ vì một cái lý do hết sức ngớ ngẩn: “bản đồ quy hoạch” Thủ Thiêm bị thất lạc!? Đất đai cha ông bao đời khai phá để lại cho con cháu nhưng chỉ sau một đêm ngủ dậy tất cả phải tay trắng ra đường; sống lay lắt vật vờ vì Nhà nước làm quy hoạch!? Chính quyền“đối thoại” với người dân như vậy đó hỏi sao họ không bất mãn? Nhưng khi mọi sự đã vượt quá sức chịu đựng, nếu như họ đứng lên phản kháng thì lại bị quy là “phản động”, “chống lại Nhà nước”, “chống lại Chính quyền nhân dân”!?
Với câu chuyện về Luật Đặc khu và An ninh mạng, rõ ràng nếu mọi chuyện được minh bạch ngay từ đầu; hay như Luật Biểu tình sớm được thông qua thì có lẽ những kẻ quá khích ở Bình Thuận sẽ được kiểm soát một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn; những thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần cho cả hai phía người dân và Chính quyền chắc chắn cũng giảm thiểu đáng kể.
Sự việc này một lần nữa cho thấy giữa “ý đảng” và “lòng dân” giờ đây là một cái hố ngăn cách đang ngày một sâu và rộng thêm ra; nó là hệ lụy nối dài của biết bao lần người dân mất niềm tin vào Đảng và Chính quyền trong rất nhiều sự vụ trước đó (Như vụ giàn khoan HD 981 mà “người bạn vàng” của Đảng đã ngang ngược cắm xuống thềm lục địa nước nhà; vụ “Formosa thất thủ”, vụ người dân Đồng Tâm vây bắt và giam lỏng các chiến sĩ Công an; hay gần nhất là hàng loạt sự phản kháng của các tài xế liên quan đến các trạm BOT...).
Đất nước đã hòa bình thống nhất có hơn 40 năm vậy mà giờ đây ngay trên mảnh đất quê hương những người dân (già, trẻ, gái, trai) và “Chính quyền của nhân dân” lại trở thành đối thủ của nhau, sẵn sàng lao vào nhau, xem nhau như kẻ thù không đội trời chung? Thử hỏi có đau lòng không và tất cả những chuyện này là do ai? Những người quá khích đập phá tài sản và tấn công lực lượng cảnh sát là điều không thể chấp nhận. Nhưng giá như trước đó, những người có trách nhiệm của đất nước nếu nghiêm túc và thành tâm “đối thoại” với người dân (hay với những người bất đồng chính kiến) về tất cả những vấn đề có liên quan thì rất có thể vấn đề đã không tồi tệ đến thế.
2. Nói “nửa sự thật” và tuyên truyền một chiều chỉ đào sâu thêm hố ngăn cách
Trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin mà vẫn không có một nền báo chí tư nhân đã là một nghịch lý và sự thoái bộ so với ngay trong thế kỷ 20 - thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp đô hộ - chứ đừng nói chi so với các quốc gia phát triển và văn minh hiện nay. Đã vậy, giờ đây bộ Luật An ninh mạng lại được thông qua với những điều khoản mang nặng tính áp đặt như thể muốn tạo thêm hành lang để kiểm soát, kiểm duyệt và nhất là thủ tiêu quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do phản biện của người dân chỉ càng cho thấy rõ hơn bản chất “độc thoại” của Chính quyền Nhà nước mà thôi. Ai cũng biết và ai cũng thấy, các phương tiện truyền thông chính thống lâu nay về cơ bản chỉ là công cụ tuyên truyền, định hướng một chiều cho Đảng và Chính quyền. Cả nước có hàng mấy trăm tờ báo, tạp chí, thế nhưng chẳng những không phản ánh đầy đủ và trung thực suy nghĩ và tiếng nói của người dân mà còn quy chụp họ thế nọ thế kia thì gọi làm sao người dân tin tưởng và đồng thuận đây?
Hàng ngàn người trên khắp cả nước rầm rộ xuống đường phản đối dự Luật đặc khu vậy mà mấy trăm tờ báo lại “kiên định lập trường” cùng nhau đánh tráo khái niệm bằng cách lươn lẹo chữ nghĩa gọi đó là “tụ tập đông người” trái phép. “Tụ tập đông người” và “biểu tình” là hai khái niệm, hai phạm trù khác nhau hoàn toàn về bản chất. Tại sao và hà cớ gì lại sợ hai chữ “biểu tình” đến vậy trong khi đó là một quyền cơ bản của người dân đã được ghi trong Hiến pháp rất rõ ràng? Hiến pháp đã quy định nhưng lại trì hoãn không chịu ban hành luật đã là lỗi của chính quyền vậy mà giờ đây lại tiếp tục lươn lẹo chữ nghĩa thì hỏi sao dân chúng không nghi ngờ và mất niềm tin?
Một vấn đề nữa, đương nhiên, không ai chấp nhận những hành động quá khích và manh động của một số người dân ở Bình Thuận nhưng chính quyền cũng không nên định hướng báo chí tuyên truyền theo kiểu “cả vú lắp miệng em” như thế; hết lần này đến lần khác, mỗi khi có biến cố xảy ra là lại “vơ đũa cả nắm” rằng “người dân bị kích động, bị xúi giục, bị mua chuộc, bị lôi kéo bởi các phần tử phản động”... Tuyên truyền và đối thoại như thế chẳng khác gì đang châm dầu vào lửa, khoét sâu hơn cái hố ngăn cách giữa người dân với chính quyền.
Hơn nữa, thay vì lấy lý do ấy để tuyên truyền sao không chân thành và nghiêm túc tự nhìn lại và trả lời tại sao người dân hôm nay lại có những phản ứng như vậy? Tại sao mấy chục năm qua, Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước nhưng đã làm gì và ăn ở thế nào mà “các thế lực thù địch” lại ngày một đông hơn và cứ “điên cuồng chống phá” như vậy? Tại sao giờ đây người dân không còn tin, nghe và làm theo những gì Đảng nói trên các phương tiện truyền thông chính thống mà lại tin, nghe và làm theo lời “xúi giục” của các “thế lực thù địch” của Đảng trên mạng xã hội? Hay mấy chục năm qua, Đảng và chính quyền đã “vì dân” kiểu gì mà đến giờ nhân dân lại đói khổ đến nỗi phải nhận vài trăm ngàn của “các thế lực thù địch” để chống lại Đảng?
Đặc biệt, nếu chính quyền bảo rằng người dân nhận tiền của kẻ xấu để “bạo loạn” và “lật đổ” vậy nếu người dân nói từ lâu đã nghi ngờ Đảng và chính quyền “nhận tiền” (trên danh nghĩa “hợp tác toàn diện”) từ “người bạn vàng” để vô tình hay cố ý bán đứng dân tộc này bằng những chính sách và đạo luật thiếu minh bạch có được không? (Ví như dự Luật Đặc khu vừa qua là một minh chứng. Hay những dự án, những công trình béo bở trải dài khắp 3 miền đất nước tại sao cho đến nay phần nhiều người thắng thầu đều là “anh bạn vàng” kề bên?).
Muốn đại bộ phận nhân dân tin tưởng hoặc không có những phản ứng tiêu cực lẽ ra Đảng và chính quyền phải chủ động đối thoại với họ về tất cả những mối hoài nghi ấy một cách công khai minh, bạch thay vì cứ cố tình bưng bít, giấu diếm hoặc tránh né... Nếu chính quyền kết tội những người “chống Đảng, chống Nhà nước” vì đã “xuyên tạc sự thật” thì chính quyền cũng nên tự xem lại mình có “xuyên tạc sự thật” nhằm “chống lại nhân dân” không khi chỉ cho phép truyền thông chính thống nói một nửa sự thật về một sự vụ, sự kiện nào đó? Ai cũng biết sự thật trong cuộc sống chỉ có một, tuy nhiên, những người bị kết tội “chống Đảng” và Nhà nước thường có xu hướng “bôi đen” thêm và thổi phồng lên bằng cách “thêm mắm dặm muối” còn Đảng và chính quyền lại có xu hướng “tô hồng” và làm giảm nhẹ nó đi bằng cách đánh tráo và lươn lẹo chữ nghĩa. Suy cho cùng cả hai cáh làm trên đều là “xuyên tạc sự thật” vì một bên có xu hướng làm cho vấn đề trầm trọng và bi đát hơn còn một bên thì lại muốn giảm nhẹ và thậm chí không có gì. Vậy nên nên cuối cùng tất cả đều xấu như nhau, chẳng ai hơn ai.
3. Sự thất bại toàn diện và thảm hại về chiến lược xây dựng “Con Người Mới - XHCN”
Không ai phủ nhận, kể từ sau ngày 30/4/1975 đến nay, trên bình diện xây dựng và phát triển kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã có những bước phát triển cũng như những thành tựu đáng trân trọng. Đời sống vật chất của người dân về cơ bản đã khấm khá hơn. Tuy nhiên, tất cả điều này chỉ là tự ta so với chính ta trước đây, còn nếu mang ra so với bè bạn năm châu thì rõ ràng đó là sự phát triển không tương xứng với tiềm năng tiềm lực của mình nếu không muốn nói là một sự trì trệ và tụt hậu rất dài.
Đó là nói về phương diện kinh tế và đời sống vật chất; còn ở góc độ văn hóa thì sao? Có lẽ cũng nên dũng cảm mà thừa nhận rằng, đất nước Việt Nam hôm nay đã và đang phải nhận một sự thất bại toàn diện và thảm hại. Và sự thất bại lớn nhất ở đây chính là sự thất bại về việc xây dựng “Con Người Mới - Việt Nam XHCN” do Đảng đề ra suốt mấy mươi năm qua. Sự thất bại này đang hứa hẹn sẽ để lại một hậu quả rất nguy hiểm và khôn lường. Bởi đây là nguyên nhân cốt tử đưa đến sự lạc hậu và trì trệ của toàn xã hội; sự tồn vong không chỉ của chế độ mà còn cả dân tộc trong tương lai nếu như không kịp thời chỉnh sửa và khắc phục ngay từ bây giờ.
Không khó để nhận ra 3 biểu hiện căn bản, cụ thể và quyết định cho thấy sự thất bại này như sau:
Một là, sự giả dối và thiếu trung thực của con người khi nhìn nhận và đánh giá những vấn đề về xã hội và đất nước ở cả hai phía chính quyền lẫn người dân. Như đã nói ở trên, trước những vấn đề (đặc biệt là những vấn đề quan trọng) của xã hội và đất nước, chính quyền bao giờ cũng bưng bít, giấu diếm, tránh né, không dám nói hết những sự thật cho người dân biết. Còn về phía người dân thì có bộ phận vì sợ chính quyền nên đã a dua theo; bộ phận còn lại vì những uất ức và dồn nén nên có xu hướng thổi phồng thêm theo hướng tiêu cực. Hậu quả là cả xã hội từ quan cho đến dân đều quay cuồng trong sự giả dối, gặp nhau hàng ngày nhưng ai cũng phải đeo mặt nạ vào để trò chuyện với nhau...
Hai là, sự thui chột cái thiên lương, thiên tính thể hiện qua cách ứng xử, hành xử bốc đồng và man rợ từ lời nói cho đến hành vi trong các mối quan hệ hàng ngày giữa con người với nhau.
Ba là, sự lạc hậu, trì trệ và nhất là “tư duy nước đôi” và “ba phải” của tầng lớp vốn được xem là “trí thức” và “tinh hoa” trong xã hội. Có thể nói, một đất nước muốn phát triển thì vai trò của tầng lớp “trí thức, tinh hoa” trong xã hội là rất quan trọng. Thế nhưng, do đặc thù về thể chế chính trị (độc đảng cầm quyền) những “trí thức” đồng thời là Đảng viên đa phần đều nếu không bị chi phối và mắc kẹt trong hệ tư tưởng cũ kỹ thì cũng rơi vào cái bẫy về “ý thức hệ” do người “đồng chí 4 tốt” giăng ra. Vì vậy mà thành phần này mỗi ngày mỗi trì trệ, bảo thủ và giáo điều hơn. Không những vậy, đây là thành phần vốn được hưởng nhiều “đặc quyền, đặc lợi” nên rất dễ trở nên tha hóa biến chất vì không ai kiểm soát; đặt biệt là đang dần trở nên kiêu ngạo và ảo tưởng, không chỉ coi thường các tầng lớp khác mà còn “ăn không chừa một thứ gì” của họ.
Trong khi đó, tầng lớp được xem là “tinh hoa ngoài Đảng” cũng đã và đang chịu rất nhiều sự tác động và chi phối làm cho ngày một thêm phân tán và bệ rạc hơn. Một số thì đang trôi dạt muôn phương, vì nhiều lý do khác nhau thà chấp nhận “bán chất xám”, làm thuê cho các ông chủ nơi xứ người chứ không về làm việc tại “xứ mình”; phần còn lại trong nước thì vì miếng cơm manh áo và an nguy của gia đình và bản thân nên chấp nhận cuộc sống lay lất, vật vờ kiểu “ăn không dám ăn, nói không dám nói”; lại thêm thói háo danh và ba phải, vậy nên, trông rất thảm hại, vừa đáng thương nhưng cũng thật đáng trách...
Ở Việt Nam, ai cũng biết Ban Tuyên giáo Trung ương chính là cơ quan đầu não có nhiệm vụ tối quan trọng là tham mưu cho Đảng trong mọi vấn đề về tư tưởng, chính trị của không chỉ các Đảng viên mà mọi tầng lớp nhân dân; là cơ quan định hướng, tuyên truyền các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học, giáo dục, truyền thông, báo chí... nhằm xây dựng “Con Người Mới - Việt Nam XHCN”. Vậy nên, sự thất bại của Con người Việt Nam hôm nay (như phân tích ở trên) suy cho cùng trách nhiệm trước hết và lớn nhất là thuộc về cơ quan này.
4. Thay lời kết
Một đất nước muốn phát triển và ngày một văn minh, tiến bộ thì các quyền tự do, dân chủ cơ bản nhất của người dân nhất định phải được đảm bảo tuyệt đối. Và muốn có tự do, dân chủ thì không có cách nào khác ngoài sự chân thành đối thoại trước hết là giữa chính quyền với người dân với nhau. Có như thế mới không tạo ra những ngờ vực, nghi kỵ và hiểu lầm từ đó đưa đến những cách phản ứng và hành xử tiêu cực (và tiêu cực nhất là bạo lực và vấy máu lẫn nhau như cuộc biểu tình ở Bình Thuận vừa rồi).
Bên cạnh đó, đất nước muốn phát triển thì cần có sự đoàn kết, đồng thuận, chung sức, chung lòng của mọi tầng lớp dân chúng. Mỗi cá nhân trong xã hội trước hết cần phải làm đúng với chức phận và công việc của mình trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Sau nữa là làm bằng tất cả niềm đam mê và ý thức trách nhiệm để đạt được hiệu quả cao nhất.
Tóm lại, đất nước muốn phát triển thì các quyền tự do, dân chủ của người dân phải được chính quyền tuyệt đối tôn trọng trên tinh thần đối thoại, trao đổi trung thực, thẳng thắn và nhất là tôn trọng những ý kiến khác biệt, không quy chụp hoặc bắt nạt đe dọa về chính trị. Và đây cũng chính là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là sự thượng tôn pháp luật của tất cả mọi công dân (dù có Đảng hay không) trong đó Hiến pháp là bộ luật cao nhất. Làm được như thế thì dân tộc và đất nước tự khắc sẽ ngày một trở nên độc lập, tự cường. Một khi đã thực sự độc lập và tự cường rồi thì không còn phải e sợ hay lệ thuộc vào các thế lực ngoại bang xấu xa nào nữa. Và khi đó, sự ấm no và hạnh phúc của người dân mới có cơ may và điều kiện trở thành hiện thực. Còn như tất cả những gì đã và đang xảy ra thì mọi sự tuyên truyền về “độc lập, tự do, hạnh phúc” của đất nước và con người nếu không phải là một sự áp đặt và cố tình “độc thoại” thì cũng là sự ngụy biện và dối trá nhằm đánh lừa dân chúng mà thôi.
-----------------
Nguồn tham khảo:
1.  Tá Lâm – “Ông Võ Văn Thưởng: Không sợ đối thoại tranh luận”http://plo.vn/thoi-su/ong-vo-van-thuong-khong-so-doi-thoai-tranh-luan-702827.html
2. Nguyễn Trọng Bình – Đối thoại nhận thức và rào cản”. Xem tại:http://www.viet-studies.net/kinhte/NTrongBinh_DoiThoai.html
3. Nguyễn Quang Dy – “Văn hóa đối thoại và sự đồng thuận quốc gia”. Xem tại: http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_VanHoaDoiThoai.htm
CT, 16/6/2018
N.T.B.
Nguồn: http://www.viet-studies.net/kinhte/NTrongBinh_LaiNoiVeDoiThoai.html

BIỂU TÌNH: SỨC MẠNH QUẦN CHÚNG

LÂM THẾ NGUYÊN/ BVN 18-6-2018

Kết quả hình ảnh cho biểu tình cho thuê đất 99 năm
Chuỗi biểu tình phản đối “Dự luật Đặc khu” khởi đầu vào ngày 10/06/2018 ở hàng chục tỉnh thành Việt Nam phản ảnh sâu sắc sự bất mãn cùng cực của người dân đối với chế độ đương quyền. Khác hơn nhiều cuộc biểu tình lớn đã có, động lực xuống đường lần này không nhằm đòi hỏi quyền lợi riêng cho cá nhân hay tôn giáo, mà vì chủ quyền của đất nước và sự sống còn của cả dân tộc. Ý thức thiêng liêng đó trở thành sức hút quy tụ hàng chục ngàn người cùng dấn thân xuống đường biểu tình, bất kể sự nguy hiểm, tù đày có thể xảy đến. Ý chí đó đã hình thành nền tảng của một Sức mạnh quần chúng – yếu tố chính yếu và lớn nhất có thể hoá giải được các vấn nạn Việt Nam.
Cuộc xuống đường biểu tình chống “Dự luật Đặc khu” quy tụ được nhiều thành phần quần chúng khác nhau, trong đó đông đảo nhất là các tầng lớp trẻ. Song nội dung các biểu ngữ mang tính tự phát đều có một điểm chung là phản đối sự phi lý và nguy hiểm của một dự luật có thể đe dọa an ninh, quốc phòng và chủ quyền của đất nước trong một thời gian dài đến cả thế kỷ. Qua đó, chúng ta có thể nhìn thấy được một điểm quan trọng khác: Khi những người dân bình thường nhìn thấy được đâu là Lợi, đâu là Hại cho chủ quyền đất nước và tương lai dân tộc NHƯNG đảng cầm quyền lại không nhìn ra (hay nhìn ngược lại) thì rõ ràng là chế độ đương thời hoàn toàn không xứng đáng để tiếp tục cầm quyền.
Phản ứng của nhà cầm quyền (bao gồm Chính phủ và Quốc hội) qua việc HOÃN lại cuộc biểu quyết “Dự luật Đặc khu” và THÔNG QUA “Luật An ninh mạng” vô hình trung mặc nhiên khẳng định sự chính đáng và cần thiết nối tiếp của chuỗi biểu tình. Phản ứng này đồng thời còn tự khẳng định thêm sự bất xứng của Đảng CSVN trong vai trò lãnh đạo đất nước.
Chuỗi xuống đường biểu tình tự phát thể hiện một cách rõ ràng và cứng rắn rằng: Người dân Việt Nam không lãnh đạm, thờ ơ với vận mệnh đất nước và tương lai dân tộc. Ngược lại, sự dấn thân dũng mãnh của hàng chục ngàn người từ nhiều thành phần xã hội khác nhau chứng minh rằng: Khi chủ quyền đất nước bị đe doạ, dân tộc Việt Nam sẵn sàng gác lại những khác biệt đang có để cùng sát cánh quyết liệt đấu tranh chống ngoại xâm và những hành động mãi quốc cầu vinh.
Công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia chắc chắn còn nhiều khó khăn, thử thách song chúng ta có quyền tin tưởng rằng: Truyền thống của người Việt từ ngàn xưa là không bao giờ chấp nhận bị xâm lăng, đồng hoá; và khi Tổ quốc lâm nguy, người Việt luôn sẵn sàng dấn thân bất chấp hiểm hoạ để cứu nguy đất nước.
Dân tộc và Đất nước Việt Nam luôn có nhiều cơ hội tốt để vươn lên, nên không cần phải hy sinh chủ quyền để mưu cầu một số yếu tố phát triển kinh tế mơ hồ, đầy nguy hiểm. Ngược lại, để có thể bảo vệ chủ quyền một cách hiệu quả và phát triển đất nước một cách nhanh chóng, Việt Nam cần có một thể chế chính trị dân chủ và một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân.
Nếu Đảng CSVN muốn chứng minh Nhân Dân làm chủ đất nước, hãy lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của toàn dân, và nhanh chóng trả lại quyền lãnh đạo đất nước cho quốc dân… trước khi quá muộn.
Xin cùng nhau cầu nguyện cho sự bình an và thành công của những người dân đang dấn thân đấu tranh một cách dũng cảm vì quyền lợi tối thượng của Đất Nước và Dân Tộc Việt Nam.
L.T.N.
Tác giả gửi BVN

"TẠI SAO CHỊ ĐƯỢC QUYỀN HỎI TÔI VỀ VIỆC ẤY ?"

NGUYỄN TƯỜNG THỤY/ BVN 17-6-2018

Buổi trưa hôm nay 15/6/2018, trên mạng xã hội facebook có chương trình phát trực tiếp chất vấn các đại biểu Quốc hội đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Thực hiện chương trình là chị Nguyễn Thị Tâm, dân oan Dương Nội (quận Hà Đông) và cộng sự.

https://2.bp.blogspot.com/--7Gj4MvF0nY/WyUzzPYoMkI/AAAAAAAAEiw/PLtfSNlMujwkeuuiQnXkL0G6LowmFTtKQCLcBGAs/s640/AV.JPG

Đây là một chương trình rất đặc biệt, một hình thức thực hiện quyền giám sát của cử tri đối với các đại biểu Quốc hội rất độc đáo. Trong thời gian phát có tới 7000 người theo dõi. Cho đến lúc này, tức 7 giờ sau, chương trình đã có 7057 chia sẻ, 5000 like.
Câu hỏi đặt ra cho các đại biểu Quốc hội rất đơn giản: Ngày 12/6/2018, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng, đại biểu bấm nút chấp thuận hay phản đối?
Đơn giản vậy nhưng xem ra lại là câu hỏi rất khó đối với các đại biểu Quốc hội. Chương trình gọi điện thoại tới 20/30 đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội. Có 10 đại biểu chưa tìm ra số điện thoại.
Kết quả nhận được như sau:
1. Đại biểu Nguyễn Doãn Anh: máy bận. Cuối chương trình gọi lại thì trả lời muốn hỏi thì đến cơ quan tôi làm việc để tôi trả lời. Nhưng hỏi địa chỉ cơ quan ở đâu thì... tắt máy.
2. ĐB Dương Minh Ánh: Nghe xong câu hỏi thì tắt gọi lại không được.
3. ĐB Nguyễn Quốc Bình: không liên lạc được.
4. ĐB Nguyễn Chiến (Trưởng đoàn Luật sư Hà Nội): tìm được 2 số. Số máy thứ nhất không liên lạc được. Gọi số thứ 2 có bắt máy nhưng nghe câu hỏi thì tắt máy.
5. ĐB Nguyễn Hữu Chính (Chánh án Tòa án HN): Có chuông nhưng không bắt máy.
6. ĐB Nguyễn Văn Cường: nói không muốn trả lời qua điện thoại, mời đến gặp trực tiếp.
7. ĐB Nguyễn Văn Được: không liên lạc được.
8. ĐB Đỗ Đức Hồng Hà: sau khi nghe câu hỏi thì để nguyên máy. Chờ 2’30” không trả lời.
9. ĐB Đào Thanh Hải: không liên lạc được.
10. ĐB Ngọ Duy Hiếu: nói hôm 12/6 đi công tác.
11 ĐB Trần Thị Phương Hoa: vặn lại: “Tại sao chị được quyền hỏi hỏi tôi về việc ấy” rồi tắt máy.
Sau đó đại biểu này gọi lại, nói tôi theo số đông, khi bị hỏi riết thì thừa nhận bỏ phiếu thuận
(câu chuyện với đại biểu này có riêng 1 video, mời bạn đọc xem video thứ 2)
12. ĐB Trần Thị Quốc Khánh: trả lời lòng vòng. Khi chương trình yêu cầu trả lời thẳng vào câu hỏi thì nói tôi không thể trả lời câu hỏi này.
13. ĐB Nguyễn Thị Lan: nghe xong câu hỏi thì tắt máy.
14. ĐB Vũ Thị Lưu Mai: trả lời không đồng ý (tức bỏ phiếu chống).
15. ĐB Bùi Huyền Mai: nghe xong câu hỏi, nói tôi đang họp rồi tắt máy.
16. ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc: nghe xong câu hỏi đột ngột tắt máy.
17. ĐB Lê Quân không bắt máy. Cuối chương trình gọi lại vào số thứ 2, nói không tiện trả lời, tắt máy.
18. ĐB Nguyễn Văn Thắng: nói nhầm số.
19. ĐB Dương Quang Thành: không bắt máy.
20. ĐB Nguyễn Anh Chí: không bắt máy. Gọi lại thì nói giọng rất gay gắt
Như vậy, trừ đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói bỏ phiếu chống, 1 người vắng mặt hôm bỏ phiếu, 3 người không liên lạc được, 1 người nhầm số, còn lại 15 người (75%) hoặc là tỏ ra khó chịu, hoặc là lẩn tránh, thái độ coi thường cử tri.
Qua buổi chất vấn này, cho thấy các đại biểu Quốc hội không nhận thấy trách nhiệm của mình là đại diện cho dân, vào được Quốc hội rồi tự coi mình là tầng lớp khác, trên dân, coi thường dân.
Đã có nhiều nhận xét không thiện cảm về Quốc hội Việt nam, gọi những đại biểu QH Việt Nam là nghị gật.
Buổi phát trực tiếp này cho thấy, những lời nhận xét về Quốc hội VN chẳng còn là lời đồn, không ưa thì nói xấu nữa. Nó phản ảnh đúng tư cách, nhân cách, tri thức, trình độ văn hóa, tâm huyết của mỗi đại biểu. Đó là một sự thật cay đắng và đau xót cho cử tri VN. Đất nước rồi sẽ còn đi đến đâu khi vận mệnh được trao cho những đại biểu Quốc hội như thế này?
Chương trình trực tiếp hôm nay, nhiều người nhận xét là chương trình Live Stream hay nhất. Chương trình không chỉ đơn thuần là chuyện chất vấn 20 đại biểu Quốc hội xem ai bỏ phiếu thuận, ai bỏ phiếu chống một đạo luật. Ý nghĩa của nó là người dân, cử tri phải biết quyền của mình và sử dụng nó ra sao. Đại biểu Quốc hội hay những lãnh đạo không phải là cái gì cao siêu, cấu tạo khác thường mà người dân không dám động đến. Chỉ khi nào lãnh đạo, nghị sĩ biết sợ dân như ở các nước dân chủ thì lúc ấy xã hội mới bình thường. Khi đó, những lời rêu rao dân chủ, tự do, hạnh phúc là những điều mặc nhiên, chứ không cần trương lên trên các khẩu hiệu hay ra rả phát ở các đài phát thanh, nhan nhản trên báo chí.
N.T.T.
VNTB gửi BVN

VIỆT NAM: LUẬT AN NINH MẠNG "NHẰM NGĂN DÒNG CHẢY CUỘC SỐNG"

THỤY MY/ BVN 16-6-2018

clip_image002
Kết quả bỏ phiếu Luật An Ninh Mạng tại Quốc Hội Việt Nam ngày 12/06/2018.Vietnam News Agency / AFP
Luật An Ninh Mạng vừa được Quốc Hội Việt Nam thông qua ngày 12/06/2018 đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong và ngoài nước. Cư dân mạng đồng loạt thay đổi hình đại diện phản đối, Hoa Kỳ, Canada, RSF kêu gọi hủy bỏ đạo luật này. RFI Việt ngữ phỏng vấn Phó giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề đang gây xôn xao dư luận.
RFIKính chào Phó giáo sư Hoàng Dũng. Thưa ông, như ông cũng thấy, vừa qua có phong trào rầm rộ hầu như khắp nơi phản đối Luật An ninh mạng. Trên mạng có những người đã than “Hôm nay, chúng ta bước vào bóng tối”. Vì sao dân chúng, đặc biệt là trí thức, lại phản dữ dội như vậy?
PGS Hoàng Dũng: Ngay câu hỏi cũng đã cho thấy thành công của những người soạn thảo luật này. Đặt tên là Luật An ninh mạng, họ cài đặt trong đầu người đọc rằng quan tâm của luật là quyền lợi của người sử dụng, cũng như đề phòng và trừng trị trộm cướp vào nhà.
Thực ra, với mục đích như vậy, thì năm 2015 Quốc Hội đã ban hành Luật An toàn thông tin mạng. Cho nên, Luật An ninh mạng có mục đích khác: tạo ra một cái camera trong ngôi nhà mạng của bất cứ người dân nào, và một cái cửa để vào cướp tài sản mạng của họ, từ đó nếu muốn sẽ ra tay trừng trị.
Nói tóm, ta có viễn cảnh hãi hùng trong cuốn 1984 của Orwell: “Big-Brother is watching you”(Anh Cả đang quan sát mày đấy). Trong thế giới của Orwell, nhân danh quyền lợi quốc gia, mọi công dân đều bị giám sát bằng màn hình từ xa (telescreens). Thế giới ấy trở thành hiện thực với Luật An ninh mạng, cũng nhân danh quyền lợi quốc gia!
RFINhưng so sánh với 1984 của Orwell thì liệu có phóng đại quá không? Nhiều nước trên thế giới cũng có luật tương tự mà?
Khi nói tới 1984, là tôi muốn nói đến tinh thần của Luật An ninh mạng, chứ chưa bàn đến kết quả thực tế của nó.
Nói cho đúng, luật nói chỉ chế tài những người nào dùng không gian mạng để “xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Nhưng vấn đề là cơ quan nào phán quyết công dân phạm pháp?
Luật giao cho Công an, chứ không phải Tòa án: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mạng phải: “Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”.
Như thế, ngôi nhà mạng của bất kỳ ai cũng có thể bị xộc vào khám xét, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan an ninh. Ngôi nhà mạng rõ ràng kém an toàn hơn rất nhiều so với nhà ở: theo Luật Tố tụng Hình sự, việc khám xét nhà ở chỉ có thể tiến hành nếu được tòa án hay Viện Kiếm sát ra lệnh hay phê chuẩn.
Nói một cách hình ảnh, Luật An ninh mạng cho phép cơ quan an ninh lắp telescreens của Orwell trong nhà mạng của từng cư dân và việc bật công tắc để theo dõi hoàn toàn giao phó cho cơ quan này. Đây chính là điểm khác biệt chủ chốt giữa Luật An ninh mạng Việt Nam với luật của các quốc gia văn minh. Có người nói rằng có đến 18 quốc gia làm Luật An ninh mạng, nhưng thật ra họ làm luật về bản chất rất khác với Việt Nam, chủ yếu ở điều tôi vừa nói.
Việc Quốc Hội vội vã thông qua Luật An ninh mạng có lẽ một phần do tác động của các cuộc biểu tình với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, xét về địa bàn và số lượng người tham gia biểu tình. Người ta dễ quy nguyên nhân là do mạng xã hội.
Nhận định như thế là nguy hiểm vì nó đổ tội cho người dân và che giấu nguyên nhân đích thực: các cuộc biểu tình là do lòng yêu nước trước viễn cảnh nhượng địa, sự phẫn nộ trước sự dối trá thô bạo. Như ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói dự thảo Luật Đặc khu kinh tế không có một từ “Trung Quốc” nào, nhưng dân mạng nhanh chóng tìm ra luật đó đặc biệt ưu đãi cho “nước láng giềng có chung biên giới với Quảng Ninh”. Và cả những uất ức khác, như nạn ô nhiễm trầm trọng ở Bình Thuận v.v…
RFI: Như vậy thay vì nhắm vào tin tặc, Luật An ninh mạng nhằm đối phó với với dư luận phản kháng nhiều hơn phải không ạ. Nhưng thưa ông dù sao trong 466 đại biểu, cũng đã có 15 đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tán thành, 28 đại biểu không biểu quyết. Sự kiện này có lẽ phải có một ý nghĩa nào đó chứ?
Tất nhiên là có. Nhưng không ít người đã hy vọng số đại biểu không tán thành nhiều hơn, dầu họ vẫn nghĩ chắc chắn dự thảo sẽ được thông qua. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, vì thế, đã viết trong một status: “423/466 - Không thể tin nổi! Dù đoan chắc một tỉ lệ áp đảo nhưng khó có thể tin con số này. Kinh hoàng!”
Tôi cũng kinh hoàng nhưng là khi Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đọc Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông đọc Facebook thành Pê-tê-bóc, lại tưởng điện toán đám mây cũng như mây bay trên trời, có thể dịch chuyển đi nơi này nơi nọ.
Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra luật An ninh mạng, mà người đứng đầu lại như thế. Nói cho đúng, không ai hiểu được mọi chuyện. Không hiểu thì học. Mà khởi đầu học là hỏi. Chẳng lẽ ông Võ Trọng Việt không hỏi bất cứ chuyên gia nào về vấn đề tối quan trọng của đất nước mà ông có nhiệm vụ thẩm tra hay sao?
Còn kinh hoàng hơn nữa là tiết lộ của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết (trên Facebook của ông), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, là đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Ông nói rằng lỗi của ông Võ Trọng Việt chỉ là đọc sai tên Facebook. Còn những chuyện khác là lỗi tập thể: đây là ông Võ Trọng Việt đọc một báo cáo đã được duyệt qua nhiều cấp, nhiều lần!
Cho nên, chắc chắn có một tỉ lệ lớn các đại biểu Quốc hội không đủ năng lực bàn và quyết những vấn đề đại sự quốc gia. Một Quốc hội như thế thì không thể kỳ vọng gì nhiều.
RFINgười ta nói nhiều đến việc có sự giống nhau khó hiểu giữa Luật An ninh mạng Việt Nam với Luật An ninh mạng của Trung Quốc. Xin ông cho biết ý kiến về việc này.
Có một trang mạng đã đối chiếu dự luật của hai bên: có đến bảy điểm giống nhau giữa luật An ninh mạng của hai nước. Muốn hiểu điều đó cần phải đặt trong một bối cảnh rộng hơn.
Lãnh đạo đất nước là Đảng Cộng sản, chứ không còn cái tên Đảng Lao động xưa kia. Một khi đã khăng khăng giữ bằng được chủ nghĩa Cộng sản, thì mặc nhiên lãnh đạo Việt Nam đã gắn vận mệnh của đất nước với Trung Quốc. Phương châm cuối cùng trong bốn phương châm tổng cộng 16 chữ (Thập lục tự phương châm) do Hồ Cẩm Đào đề xướng và được Việt Nam vui mừng chấp nhận, khẳng định hai nước có chung một vận mệnh (vận mệnh tương quan). Đảng Cộng sản Trung Quốc đi đời thì Đảng Cộng Sản Việt Nam làm sao đứng vững?
Vì thế, chiến lược, sách lược của Việt Nam ở nhiều mặt rất giống Trung Quốc, thậm chí là hàng viện trợ của Trung Quốc là điều không có gì khó hiểu.
Không chỉ Luật An ninh mạng. Lực lượng 47 chuyên đấu tranh trên mạng gồm đến 10.000 người được thành lập trong quân đội dễ nghĩ tới mô hình “Ngũ mao đảng” (Đảng 50 xu, tổ chức của các dư luận viên).
Ngay lời lẽ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng có bóng dáng lãnh tụ Trung Quốc: ngày 22/1/2013, phát biểu trước Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đòi “nhốt quyền lực vào lồng chế độ” (Bả quyền lực quan tiến chế độ đích lung tử lý) thì ngày 14/4/2016, nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến chuyện “nhốt quyền lực vào trong cơ chế, thể chế”.
Cao hơn nữa, nghị quyết, văn kiện của Trung ương Đảng Cộng sản và Chính phủ nói đến "thế lực thù địch", “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Đó là sản phẩm dịch từ "Địch đối thế lực", “xã hội chủ nghĩa thị trường kinh tế” của Trung Quốc.
Đã “vận mệnh tương quan” thì tất yếu dẫn đến việc nhận viện trợ vũ khí tư tưởng từ Đảng “bạn”!
RFIDù sao luật này cũng đã được Quốc hội thông qua. Theo ông, hậu quả của việc này như thế nào?
Câu hỏi này thật ra rất khó. Tôi cho rằng để trả lời một cách tử tế, cần có nghiên cứu định lượng chứ không dừng ở định tính, tức là phải chỉ ra bằng những con số cụ thể.
Tôi không đủ hiểu biết để nói về tất cả hậu quả của Luật An ninh mạng, tuy tôi tin chắc là rất nghiêm trọng. Riêng về kinh tế, theo Hiệp hội Điện toán Đám mây Châu Á, việc hạn chế dòng dữ liệu xuyên biên giới có thể làm Việt Nam tổn thất 1,7% GDP, 3,1% đầu tư trong nước và tổn thất 1,5 tỉ đô la Mỹ giá trị phúc lợi tiêu dùng.
Ngay ngày 12/6, ngày Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng, thị trường chứng khoán phản ứng tức khắc: các sàn chứng khoán đỏ rực, lao dốc rất nhanh do các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu, thiệt hại đến 3,6 tỉ đô la Mỹ. Nhưng như thế có lẽ còn xa mới lay tỉnh được những đầu óc chủ trương Luật An ninh mạng.
Luật An ninh mạng chỉ như một cố gắng tuyệt vọng be bờ để ngăn dòng chảy cuộc sống. Tất nhiên, nước sẽ chậm lại. Nhưng cuối cùng cuộc sống vẫn cứ lừng lững, làm sao ngăn được!
RFIChúng tôi xin chân thành cảm ơn Phó giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.
Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180615-pgs-hoang-dung-luat-an-ninh-mang-mot-co-gang-tuyet-vong-nham-ngan-dong-chay-cuoc-s

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét