Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2018

20180610. QUAN NGẠI VỀ DỰ LUẬT AN NINH MẠNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
LUẬT AN NINH MẠNG ĐỂ TRỊ DÂN CHỨ KHÔNG PHÒNG GIẶC

TRÂN VĂN /Blog VOA 8-6-2018

So với nhiều quốc gia khác, thiệt hại vật chất mà tin tặc gây ra cho Việt Nam không phải là lớn song hiểm họa tiềm ẩn từ tin tặc đối với chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng thì lại đặc biệt đáng ngại. Hình minh họa.
Nếu không có gì thay đổi, cuối kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa này, các đại biểu sẽ bỏ phiếu, biến hai dự luật, một về “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” (trước giờ vẫn được gọi tắt là Luật Đặc khu) và một về “an ninh mạng” thành luật.
Sự vô lý, các yếu tố đáng ngờ và những hiểm họa tiềm ẩn trong dự luật về “Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” đã khiến nhiều người quên dự luật về “An ninh mạng” vốn đáng ngại và đáng bàn không kém (1)...
***
Từ khi máy vi tính và Internet trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt của cả cá nhân lẫn sinh hoạt xã hội, tin tặc trở thành một vấn nạn trầm kha, đe dọa từ chính trị, kinh tế, tới an ninh, quốc phòng của tất cả các quốc gia.
Theo tính toán của các chuyên gia về bảo mật - an ninh mạng máy tính và Internet, năm 2016, tổn thất do tin tặc gây ra đối với máy tính và Internet tại Việt Nam vào khoảng 10.400 tỉ đồng.
Sang năm 2017, mức độ tổn thất tăng thêm chừng 15% nữa so với năm 2016. Trong năm 2017, tổng thiệt hại do tin tặc gây ra đối với máy tính và Internet tại Việt Namđược ước đoán là 12.300 tỉ đồng, tương đương 540 triệu Mỹ kim (1).
So với nhiều quốc gia khác, thiệt hại vật chất mà tin tặc gây ra cho Việt Nam không phải là lớn song hiểm họa tiềm ẩn từ tin tặc đối với chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng thì lại đặc biệt đáng ngại.
Tháng 5 năm 2014, hàng ngàn website của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức bị tin tặc đánh sập. Tháng 11 cùng năm, hàng chục ngàn modem của những người sử dụng dịch vụ Internet do Công ty FPT cung cấp tại Bình Dương bị tin tặc xâm nhập, thay đổi cấu hình khiến họ không thể truy cập vào Internet.
Cũng trong năm 2014, ông Trần Quang Chiến, Giám đốc điều hành Security Daily, tiết lộ với báo giới rằng, có 30 trang web của các cơ quan thuộc chính phủ Việt Nam bị tin tặc đoạt quyền điều hành trong cả tháng.
Tin tặc đánh sập hàng ngàn website của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức bày tỏ sự bất bình trước sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thăm dò – khai thác dầu khí tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Modem của hàng chục ngàn người sử dụng dịch vụ Internet tại Bình Dương bị tin tặc xâm nhập, thay đổi cấu hình, khiến họ không thể truy cập Internet vì Bình Dương là nơi bùng phát đợt biểu tình chống Trung Quốc và chuyển thành bạo động.
Lúc đầu, ông Chiến chỉ tiết lộ rằng, các cuộc tấn công – đánh sập website của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, các vụ xâm nhập – phá hoại modem, chiếm đoạt quyền điều hành hàng loạt website của chính phủ Việt Nam là do “tin tặc nước ngoài” gây ra.
Sau đó, cực chẳng đã, Security Daily phát cảnh báo chính thức rằng, tin tặc Trung Quốc (nhóm 1937cn và nhóm Sky-Eye) đứng phía sau tất cả những vụ tấn công, đánh sập, phá hoại, chiếm đoạt quyền điều hành ấy.
Chẳng phải chỉ có Security Daily đề cập đến nguy cơ máy tính và Internet Việt Nam bị tin tặc Trung Quốc khống chế.
Tháng 5 năm 2015, tại một cuộc hội thảo ở Hà Nội, ông Wias Issa, Chuyên viên cao cấp của FireEye – chuyên về bảo mật, an ninh máy tính và Internet, cảnh báo: APT30 đã theo dõi, xâm nhập các website, mạng máy tính tại Việt Nam ít nhất là 10 năm.
Theo FireEye, APT30 có tổng hành dinh tại Trung Quốc, suốt 10 năm, hạ tầng kỹ thuật không đổi, tổ chức chặt chẽ, hoạt động theo ca, mục tiêu nhất quán (xâm nhập, thu thập các dữ liệu của nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm các máy tính của các chính phủ khác).
Không đủ bằng chứng để khẳng định APT30 của chính phủ Trung Quốc nhưng FireEye dựa vào các đặc điểm của APT30 như đã kể để nhấn mạnh phỏng đoán, APT30 được chính phủ nào đó tài trợ tài trợ đầy đủ để thực thi và hoàn thành nhiệm vụ.
2015 cũng là năm mà ThreatConnect và Defense Group (DGI) – hai hãng chuyên về bảo mật, an ninh máy tính Internet tại Hoa Kỳ, cho biết, tin tặc Trung Quốc đã gài mã độc vào những email, hình ảnh liên quan đến sự kiện Hải quân Thái Lan khống chế ngư dân Việt Nam để mở đường xâm nhập máy tính của nhiều người.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) đã dựa trên kết quả điều tra này để tiếp tục cảnh báo về 78020 – bí số của một đơn vị tình báo được đặt dưới sự chỉ huy của Quân khu Thành Đô, phạm vi trách nhiệm bao gồm cả Tây Tạng, khu vực giáp giới Việt Nam, Miến Điện, Ấn.
Mark Stokes, một chuyên gia của Hoa Kỳ, bảo với WSJ rằng, 78020 chỉ là một trong hơn 20 đơn vị của quân đội Trung Quốc chuyện phân tích và khai thác sơ hở của các hệ thống mạng máy tính...
Riêng với Việt Nam, chỉ trong hai tháng 7 và 8 của năm 2015, có hơn 1.000 máy chủ và khoảng 2.500 trang web bị tấn công, trong số này có khoảng 20 trang web của hệ thống công quyền, 50 trang web của hệ thống giáo dục.
Khi loan báo những số liệu vừa đề cập, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Vncert), thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam, xác nhận, thủ phạm gây ra tất cả những vụ tấn công vừa kể đều là tin tặc Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, Vncert công khai than rằng, cơ quan này đã gửi nhiều cảnh báo cho những nơi có liên quan, đặc biệt là các cơ quan công quyền nhưng tất cả đều rất thờ ơ, cho dù chủ đích những cuộc tấn công ấy rõ ràng là đánh cắp những thông tin quan trọng.
Thờ ơ chỉ mới là một khía cạnh…
Năm 2014, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam từng cảnh báo về một vấn nạn nan giải đối với an ninh máy tính và Internet tại Việt Nam: Gần như toàn bộ thiết bị mà các công ty viễn thông Việt Nam đang sử dụng là sản phẩm do hai công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất.
Theo Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam, có 6/7 công ty viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị và công nghệ do Huawei và ZTE cung cấp. Trên toàn Việt Nam, có khoảng 30.000 trạm thu phát sóng (BTS) đang sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE.
Trước nữa, chỉ tính riêng năm 2009, đã có hơn năm triệu thiết bị như: modem, router, USB do Huawei và ZTE sản xuất đã được bán trên thị trường Việt Nam. Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam xác nhận là chưa thống kê được số thiết bị do Huawei và ZTE sản xuất, đã được bán tại Việt Nam.
Huawei và ZTE là hai công ty chuyên cung cấp thiết bị, công nghệ trong lĩnh vực viễn thông, từng được Ủy ban Tình báo của Hạ viện Hoa Kỳ đánh dấu về khả năng cấy những tác nhân độc hại trước khi bán cho khách hàng, đe dọa an ninh đối với Hoa Kỳ.
Có tương quan nào giữa việc mua thiết bị, công nghệ của Trung Quốc với thực tế mà Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam lưu ý: Khoảng 400 máy chủ ở Việt Nam bị “kết nối thường trực” với “nước ngoài” để thu thập các thông tin quan trọng cần bảo mật?
Rõ ràng đã tới lúc, Việt Nam phải có một bộ luật để đặt định các giải pháp thiết yếu nhằm phòng vệ hữu hiệu cho an ninh máy tính và Internet bởi đó cũng là an ninh quốc gia. Thế nhưng Dự luật về “An ninh mạng” làm nhiều người vỡ mộng!
***
Tháng trước, sau khi tham khảo Dự luật về “An ninh mạng”, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cảnh báo, dự luật này giống như tạo thêm công cụ để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Không những thế, dự luật sẽ nguy hại cho kinh tế Việt Nam.
Chẳng riêng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cũng lên tiếng vì Dự luật về “An ninh mạng” có nhiều qui định “có thể gây rủi ro, xâm phạm các quyền chính trị, kinh tế cơ bản của công dân”. VDCA tính toán, nếu Dự luật về “An ninh mạng” trở thành luật, một số quy định sẽ khiến chi phí của các doanh nghiệp gia tăng, vừa làm giảm sự hấp dẫn của thị trường, vừa có thể khiến Việt Nam gặp thêm rắc rối do vi phạm các cam kết quốc tế. Chưa kể GDP của Việt Nam sẽ giảm khoảng 1,7% GDP và đầu tư nước ngoài sẽ giảm 3,1% (3).
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông số, phân tích để chứng minh, Dự luật về “An ninh mạng” sẽ tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích của ít nhất 3 nhóm doanh nghiệp (Sản xuất - kinh doanh thiết bị, giải pháp kỹ thuật, an ninh mạng. Kinh doanh dịch vụ tài chính công nghệ. Cung cấp giải pháp, dịch vụ nội dung số và giải pháp công nghệ nói chung) (4).
Tuy nhiên những cảnh báo chẳng khác gì “nước đổ đầu vịt”. Ngay cả khi một số đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn vì dường như các cảnh báo có vể hữu lý, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Việt Nam vẫn “xin giữ nguyên như dự thảo” (5).
Tới lúc đó thì các ông: Đặng Hữu (cựu Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ), Chu Hảo (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ), ông Mai Liêm Trực (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, cựu Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông), Nguyễn Khánh Toàn (Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an) quyết định phải nói chứ không… nín nữa.
Ông Hữu, ông Hảo, ông Liêm, ông Toàn vốn được xem là những “nguyên lão” của ngành ICT Việt Nam (tham gia thẩm định, chuẩn bị để đưa Internet vào Việt Nam hồi thập niên 1990) soạn một thư ngỏ, gửi các đại biểu của Quốc hội và Thủ tướng Việt Nam, đề nghị loại bỏ năm điều: 24, 26, 38, 39, 40 ra khỏi Dự luật về “An ninh mạng”.
Theo họ, an ninh mạng là cuộc chiến kỹ thuật nhưng Dự luật về “An ninh mạng” chẳng những chẳng giúp gì cho việc bảo vệ an ninh máy tính, Internet mà còn có thể kéo lùi sự phát triển của Internet, của kinh tế số và xã hội thông tin tại Việt Nam.
Cả bốn ông cho rằng, Dự luật về “An ninh mạng” xâm hại quyền dân sự, chính trị của công dân, thu hẹp quyền tiếp cận, cơ hội sử dụng Internet để học hành, nghiên cứu, kinh doanh, trao đổi thông tin, hạn chế tự do Internet, đặt công dân trước rủi ro vi phạm pháp luật và bị kiểm tra, nhũng nhiễu bởi lực lượng chuyên trách an ninh mạng.
Bởi cuộc chiến về bảo mật, bảo vệ an ninh máy tính, Internet là “cuộc chiến thông minh, đòi hỏi am hiểu cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn pháp lý”, ông Hữu, ông Hảo, ông Liêm, ông Toàn đề nghị Quốc hội giao Dự luật về “An ninh mạng” cho Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường thẩm tra.
Cần lưu ý là Dự luật về “An ninh mạng” do Bộ Công an chủ trì việc soạn thảo và việc thẩm tra vốn do Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Việt Nam thực hiện. Đứng đầu ủy ban hết sức tha thiết trong việc biến dự luật thành luật này là một ông từng mang ba sao và từng giữ vai trò Thứ trưởng Quốc phòng.
Cứ thử đọc Dự luật về “An ninh mạng” ắt sẽ bật ra thắc mắc, tại sao cả quân đội lẫn công an không hề bận tâm đến chuyện làm sao bảo vệ an ninh – an toàn cho máy tính, Internet tại Việt Nam trước sự xâm nhập, phá hoại càng ngày càng tăng của tin tặc, đặc biệt là tin tặc Trung Quốc (theo thống kê của VnCert, năm ngoái, có ít nhất là 10.000 cuộc tấn công vào hệ thống máy tính và Internet của Việt Nam) (5), mà chỉ chăm chăm bịt miệng, đổ móng - dặm nền để dễ dàng tống giam những công dân dùng Internet để bày tỏ suy nghĩ của họ hoặc dùng Internet để chia sẻ những thông tin mà họ cảm thấy thú vị?

Chú thích

MỐI QUAN NGẠI KHI VIỆT NAM ĐỊNH THÔNG QUA LUẬT AN NINH MẠNG

SOUMIK ROY/ BVN 9-6-2018
VŨ QUỐC NGỮ /VNTB dịch

Việt Nam, một quốc gia với khoảng 93 triệu người, trong đó 50 triệu người sử dụng Facebook và 64 triệu người truy cập Internet ít nhất một lần một tháng, đang tìm cách thông qua dự luật An ninh mạng mới.
Tại Quốc hội, dự luật sẽ được thảo luận và có khả năng được thông qua vào ngày 15 tháng 6.
“Các nhà chức trách tin rằng một luật mới là sự cần thiết để đối phó với các vấn đề an ninh công cộng, bao gồm cả dữ kiện Việt Nam là một trong những quốc gia nhạy cảm trên thế giới với các cuộc tấn công trên mạng, dựa trên nghiên cứu và thống kê,” theo Tú Ngọc Trinh và cộng sự Waewpen Piemwichai tại Tilleke & Gibbinstrong một bài đăng trên blog gần đây.
Tuy nhiên, một số đại biểu quốc hội và nhiều nhà phân tích cảm thấy rằng một số điều khoản của dự thảo luật là không cần thiết hoặc không phù hợp với Luật An toàn thông tin mạng và Luật Công nghệ thông tin hiện hành.

clip_image002
Một người dùng Ipad tại quán Cafe ở Hà Nội, 18.05.2018. Ảnh: Reuters
Một số quy định, ví dụ, cho phép chính phủ quyền kiểm soát lớn hơn đối với những công ty khổng lồ kỹ thuật số quốc tế như Google và Facebook.
Các dự thảo trước đó của dự luật yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet, chẳng hạn như các công ty được đề cập ở trên, phải duy trì các máy chủ của họ tại Việt Nam. May mắn thay, trong các bản thảo sau này, yêu cầu này đã bị bỏ, nhưng dự luật quy định rằng các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt văn phòng hoặc đại diện ở Việt Nam và phải lưu trữ dữ liệu về người dùng ở Việt Nam.
Quy định này cũng đã gây ra mối quan ngại cho các nhà lập pháp Mỹ, những người vận động hành lang và các nhà ngoại giao.
Đại diện thương mại Mỹ Jeremy Gerrish nói: “Mỹ lo ngại về dự luật an ninh mạng được đề xuất của Việt Nam, bao gồm tác động của các yêu cầu nội địa hóa và các hạn chế đối với các dịch vụ xuyên biên giới cho sự phát triển và tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam”.
Theo Hiệp hội truyền thông kỹ thuật số Việt Nam (VCDA), dự thảo mới nhất của dự luật an ninh mạng có thể làm giảm 1,7% GDP của Việt Nam và giảm 3,1% đầu tư nước ngoài nếu nó có hiệu lực.
Dự luật cũng cho phép chính phủ kiểm soát nhiều hơn đối với người dùng trong nước đăng nội dung tuyên truyền chống chính phủ, phỉ báng và vu khống.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nói với VnExpress phiên bản tiếng Anh rằng thật khó để quyết định điều gì là đúng hay sai trong thực tế. “Quy định này rất không rõ ràng. Do đó, luật nên chỉ định cơ quan chịu trách nhiệm quyết định xem một thông tin có vi phạm luật pháp của quốc gia hay không”.
Ví dụ ở Indonesia, công việc này đã được trao cho các tòa án.
Dự thảo luật cấm đăng tải nội dung xúc phạm hoặc vu khống, “tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam” và kích động các cuộc bạo loạn hoặc xáo trộn trật tự công cộng.
Nếu được thông qua, luật sẽ quy định rằng các công ty truyền thông xã hội phải xóa nội dung vi phạm khỏi nền tảng của họ trong vòng 24 giờ, khi Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Bộ Công an của Việt Nam yêu cầu.
S.R.
Nguồn: Asian Correspondent

ĐỪNG QUÁ SỢ DÂN

FB Truong Huy San/BVN 11-6-2018

Chiều nay, đừng ngạc nhiên khi trên truyền thông hay trong các phòng kín có ai đó thổi phồng vai trò của “các thế lực thù địch” đứng sau các cuộc biểu tình [tuy có thể cũng có những kẻ tát nước theo mưa]. Và cũng đừng ngạc nhiên khi mạng xã hội (MXH) cũng bị cho là thủ phạm [để thuyết phục các nhà lãnh đạo ủng hộ các biện pháp cứng rắn hơn].
Cho dù hàng vạn con người đã xuống đường, người dân không hề thách thức quyền lực. Người dân chỉ bày tỏ thái độ.
Bóng dáng các “nhà đầu tư chiến lược” đứng sau dự luật đặc khu không khỏi khiến dân chúng cảm thấy, lợi ích nhóm đang ảnh hưởng lên tiến trình ban hành chính sách. Tham vọng kiểm soát MXH bằng việc đưa ra dự luật an ninh mạng - trong bối cảnh dân chúng lên tiếng về luật đặc khu - lại khiến cho nhiều người tin, những phản biện ngay thẳng của họ rồi đây sẽ bị đặt tròng vòng kiểm soát, và việc dừng luật đặc khu có thể chỉ là một bước đi chiến thuật mà thôi.
Không ai có thể thuyết phục được dân chúng nghĩ khác để ngồi nhà, mặc "đảng và nhà nước lo”, trừ khi có một tiến trình ban hành chính sách minh bạch, nơi tiếng dân được lắng nghe; nơi, trong chính sách, ý dân là quan trọng nhất.
Tối nay, hy vọng quý vị, thay vì ngồi nghĩ mưu thắng dân, chỉ ngồi để lựa tìm những bước đi để có dân.
Quốc hội nên ngưng họp ít ngày để có được sự bình tĩnh khi đánh giá sự kiện này và chưa nên thông qua ngay các chính sách ảnh hưởng đến số đông dân chúng.
Một chính sách đưa ra mà vôi vã; chỉ cân đong lời lãi hay chú trọng quyền lực ngành… thay vì phải đánh giá đầy đủ các tác động của nó kể cả các tác động chính trị thì rất khó tránh được sự “phản biện” mạnh mẽ như những gì xảy ra hôm nay.
Xin nói tiếp luật đặc khu trong một dịp khác, tôi chỉ khẩn thiết đề nghị QH ngưng ngay việc thông qua Luật an ninh mạng.
Dự luật có nguy cơ sắp được QH thông qua này đã không còn dừng lại ở các giải pháp nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công từ mạng. Phạm vi điều chỉnh của nó đã mở ra nhiều lĩnh vực: ảnh hưởng tới cơ hội phát triển nền kinh tế số; ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế, đặc biệt là các cam kết về tự do thương mại. Đặc biệt, dự luật này còn có nguy cơ ảnh hưởng đến các mối quan hệ đối ngoại.
Chỉ riêng Uỷ ban Quốc phòng An ninh không thể đánh giá hết các tác động của nó. UB Thường vụ Quốc hội cần dành thời gian để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của Bộ TT & TT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao… Cần để cho các Uỷ ban khác của Quốc hội tham gia thẩm định, đánh giá đầy đủ tác động nhiều mặt. Hãy rút kinh nghiệm từ Bộ luật Hình sự để đừng vội vã.
Mong sao, các nhà cầm quyền đừng quá lo sợ trước những gì diễn ra hôm nay. Còn được chứng kiến dân chúng bày tỏ thái độ một cách ôn hoà có nghĩa là dân chúng chưa bỏ rơi mình. Quan sát cuộc biểu tình hôm nay, tôi thấy dân chúng không hề “có tham vọng quyền lực”. Họ chỉ cần được lắng nghe, được tôn trọng từ một chính quyền biết đặt lợi ích của quốc dân và quốc gia lên trên hết.
PS: Khi tôi viết note này, chưa nhận được các thông tin về các diễn tiến ở Bình Thuận, đó là điều đáng tiếc, nhưng tôi tin những hành động đó là đơn lẻ; hy vọng, đôi bên đều dành cho nhau lối ra.
Nguồn: https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/1645324035502771

QUỐC HỘI NÊN BIỂU QUYẾT DỰ LUẬT AN NINH MẠNG BẰNG "TƯ DUY 4.0"

HUY ĐỨC/ FB Truong Huy San/ BVN 10-6-2018

Tuy ảnh hưởng của Dự luật An Ninh Mạng lên sự phát triển của đất nước có thể còn sâu sắc hơn Dự luật Đặc khu, khả năng rất cao là nó vẫn được đưa ra bỏ phiếu trong ngày 12-6-2018. Nhưng, có lẽ vì nó quá chuyên ngành và mối đe doạ không dễ tạo ra “nhận thức chung” như đất đai, lãnh thổ. Nên, Dự luật này đã không sớm nhận được sự phản ứng đông đảo và không được các tổ chức có ảnh hưởng chính trị lớn như Hội Cựu Chiến binh lên tiếng.
 
Đặc biệt, nhiều nỗ lực góp ý cho Dự luật một cách xây dựng trên báo chí chính thống đều gần như bị dập tắt. Một số chuyên gia, nhà báo phải chịu đựng rất nhiều áp lực, kể cả người viết bài này.
Một số nhà lãnh đạo QH gần đây mới tiếp cận được các ý kiến tâm huyết, hiểu những thiếu sót của Dự luật, nhưng quy trình trì hoãn nó cần một tiếng nói từ Chính phủ, trong khi Bộ TT & TT thì đang “bối rối”, Thủ tướng thì đang ở Canada. Trách nhiệm lịch sử đang nằm trong tay các đại biểu. Mong các vị hiểu, không chỉ thông qua một luật tốt mà bác một dự luật có vấn đề cũng được cử tri coi là “thành tích lập pháp”.
Tôi hiểu tâm lý của nhiều đại biểu, đặc biệt, những đại biểu đồng thời đang là thành viên chính phủ hay lãnh đạo địa phương. Quý vị cũng không dễ chịu gì khi chỉ vì lỡ lời đã bị mạng xã hội (MXH) nặng nề chỉ trích. Nhưng, nếu lắng nghe và dần dần điều chỉnh, quý vị sẽ nhận thấy, chính MXH đã cung cấp cho quý vị một môi trường đủ khắc nghiệt để quý vị trở thành những chính trị gia.
Một chính sách không thể nào đi vào cuộc sống nếu nó không thuyết phục được dân chúng. Làm chính sách mà đe doạ các nỗ lực phản biệt của xã hội thì chính sách đó nếu không đưa đất nước quay về thời kỳ nghèo nàn lạc hậu cũng sẽ bị lịch sử đào thải.
Tôi rất ít khi trích dẫn tiền nhân nhưng tôi nghĩ những tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất có ý nghĩa với quý vị; ông từng nói, “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Nếu QH làm luật mà trên tinh thần ấy, chắc chắn sẽ không có những điều luật trong BLHS với cái gọi là “tuyên truyền chống nhà nước”.
Nhưng, người dân tuy đang phải chấp nhận những chế tài đó thì với luật pháp hiện hành, một người chỉ có thể coi là “tuyên truyền chống nhà nước” khi có một bản án có hiệu lực của toà. Dự thảo Luật này trao nhiều quyền cho các cán bộ công an. Một số vị trong QH có thể sử dụng quyền này để gây sức ép gỡ bỏ những bài viết chỉ trích mình nhưng điều đó chỉ làm cho quý vị thêm lộng quyền, dấn sâu, lâu dần thành “củi”. Về lâu dài, nó còn tác động lên người thân và chính bản thân quý vị [tin tôi đi, rồi có lúc quý vị muốn lên tiếng và chợt nhận ra “quyền được mở miệng” đã bị chính mình bịt lại].
Nếu Dự luật được thông qua, thì ngay trong lĩnh vực “tư tưởng văn hoá” sẽ phải đối diện với nguy cơ “công an trị” thay vì tuyên giáo. Chính Hồ Chí Minh – người khai sinh Chế độ - đã nói rằng, “Nước có độc lập mà dân không có tự do thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa”. Công cuộc Đổi Mới bắt đầu từ 1986 về bản chất là từng bước trao quyền tự do cho dân. Thoạt tiên là quyền tự kiếm lấy cơm ăn, quyền đi lại… và giờ đây là quyền được nói trên không gian mạng.
Có internet, chế độ bị chỉ trích rất nặng nề, nhưng như quý vị thấy đấy, Chính quyền chỉ ngày càng mạnh lên chứ không yếu đi. Vì, quan chức lạm quyền là bị dân kêu, tham nhũng có thể bị dân tố cáo. Tôi biết, nhiều người trong quý vị cũng có vấn đề nhưng tôi tin, đa số cũng mong những kẻ quá xấu xa bị vạch mặt chỉ tên (trên báo hay trên MXH).
Không chỉ trong lĩnh vực “tư tưởng văn hoá”, dự luật này trao quyền can thiệp của Công an gần như trong mọi hoạt động trên không gian mạng. Nếu nó được thông qua, theo các chuyên gia, còn “gây khó khăn cho cả việc phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử, công nghiệp nội dung số, làm mất cơ hội phát triển kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam”.
Để ngăn chặn các nguy cơ trên mạng không thể nào chỉ sử dụng bộ máy công an và không thể chỉ là những nỗ lực của từng quốc gia đơn lẻ. Và, anh không thể lựa chọn phương thức tự vệ hữu hiệu nhất - hợp tác quốc tế - một khi anh hạn chế người dân của anh tiếp cận với các giá trị phổ quát mà VN cam kết.
Dự luật này là sáng kiến của Bộ Công an từ thời đại tướng Trần Đại Quang. Tôi, với tư cách là cử tri tại đơn vị ông ứng cử, rất muốn thấy ông nghĩ đến các di sản chính trị của mình. Công đức không chỉ đặt ở các đình chùa mà chủ yếu phải đặt ở trong dân.
Nhiều nhà ngoại giao phương Tây có ấn tượng tốt khi gặp thượng tướng Tô Lâm. Họ tìm thấy ở ông tư chất của một chính khách hơn là một sỹ quan công an thuần tuý. Tuy khá “shock” sau vụ TXT nhưng đó vẫn là điều mà họ có thể giải thích. Nhiều người rất ngạc nhiên khi BCA tiếp tục thiết kế Dự luật như vậy. Trong con mắt của nhiều nhà ngoại giao châu Âu đang vận động cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do VN-EU, thì Dự luật này là bước lùi rất lớn về cải cách. Và nó có thể gây hiệu ứng tiêu cực không kém gì vụ TXT cho quan hệ ngoại giao với châu Âu.
An ninh mạng là một vấn đề cần thiết, nhưng giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là con người, công nghệ và hợp tác quốc tế. Nguy cơ tin giả xuất hiện trên MXH là có thật nhưng Chế độ đang có trong tay hơn một nghìn tờ báo. Tôi chia sẻ những lo ngại của quý vị về “tuyên truyền chống nhà nước” xuất hiện trên MXH. Nhưng BLHS đang có quá nhiều tội danh ngăn chặn các hành vi thậm chí mới chỉ ở mức thực thi quyền được nói.
Chủ quyền là sức mạnh của mọi quốc gia. Tuy nhiên chủ quyền của một quốc gia trong không gian mạng không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ. Kéo không gian mạng vào bên trong đường biên giới quốc gia là thất bại. Chủ quyền quốc gia trong thời đại ngày nay cũng không chỉ được xác lập bằng các cột bê tông mà còn là những giá trị mà người VN đóng góp. “Cách mạng 4.0” mà quý vị vẫn thường nói chỉ có thể thực hiện trên nền tảng tự do. Kinh tế số, cách mạng 4.0 không bao giờ có thể manh nha khi bóng dáng “còng số 8” cứ thấp thoáng trong máy tính.
Những người thực sự hiểu biết về an ninh mạng, kinh tế số trong Chính phủ, trong UBTV QH nên dành thời gian để cân nhắc thêm. QH vẫn còn những ngày trống do Luật Đặc khu đã hoãn. Nếu Dự luật An Ninh Mạng vẫn phải đưa ra biểu quyết, xin quý vị hãy bấm nút bằng “tư duy 4.0”. Tương lai con cháu đang ở trong tay quý vị. Đừng để các tuyên bố về tự do chỉ dừng lại trong những ngôn từ sáo rỗng.
 
H.Đ.
 
 
THƯ NGỎ GỬI QUỐC HỘI VỀ DỰ THẢO LUẬT AN NINH MẠNG
 
DƯƠNG NGỌC THÁI/ BVN 11-6-2018
 

Một bản tóm gọn của lá thư này đã đăng trên tờ Một Thế Giới.
Tôi xin lỗi vì thư dài. Tôi đã cố gắng viết ngắn lại, đã chỉnh sửa nhiều lần và đây là phiên bản vừa ý nhất. Hi vọng mọi người sẽ đọc hết, cho ý kiến và chia sẻ với nhiều người khác. Dự thảo Luật an ninh mạng, nếu được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6/2018, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả chúng ta, không chừa một ai, nên tôi hi vọng sẽ có nhiều người hơn hiểu các vấn đề Dự thảo này.
Ở Mỹ người dân có thể gọi điện thoại hoặc email cho dân biểu của họ để phản ánh vấn đề mà họ quan tâm. Ở Việt Nam mỗi thành phố hay tỉnh đều có Văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội. Nếu bạn đồng ý với những gì tôi viết trong thư, tôi đề nghị scan rồi gửi email, hoặc gửi fax, hoặc in ra và gửi thư đến văn phòng nơi bạn đang sinh sống.
Chân thành cảm ơn những người bạn không tiện nêu tên ở đây đã đọc và chỉnh sửa các bản nháp.
--
Kính thưa Quốc hội,
Tôi là Dương Ngọc Thái, kỹ sư an ninh mạng đang làm việc ở Mỹ. Tôi năm nay 34 tuổi, bắt đầu học và làm an ninh mạng từ năm 18 tuổi. Năm 20 tuổi tôi đã là trưởng phòng an ninh mạng của một ngân hàng ở Việt Nam. Năm 2011, tôi rời Việt Nam sang Silicon Valley làm việc. Tôi là một chuyên gia nghiên cứu về an ninh phần mềm. Các phát hiện của tôi có ảnh hưởng sâu rộng đến sự an toàn của Internet, được trích dẫn trong nhiều bài báo khoa học, được đưa vào giảng dạy ở các đại học danh tiếng và đăng tải trên các tờ báo lớn trên thế giới.
Tôi giới thiệu dài dòng như vầy với hi vọng Quốc hội hiểu rằng tôi là một kỹ sư an ninh mạng có kinh nghiệm thực tế và được thế giới biết đến.
Để soạn thảo và thông qua một bộ luật đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn như Luật an ninh mạng, Chính phủ và Quốc hội cần phải dựa vào sự tư vấn và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia. Tuy vậy cho đến ngày 31/5/2018, mục “Ý kiến chuyên gia” trên trang Dự thảo Online của Quốc hội không có ý kiến nào. Cá nhân tôi chỉ biết về Dự thảo khi báo chí đưa tin. Với trách nhiệm xã hội của một chuyên gia, tôi viết thư này để chia sẻ với Quốc hội và những ai quan tâm góc nhìn của một người đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về an ninh mạng. Ba vấn đề tôi đặt ra và phân tích với Quốc hội (1) liệu Dự thảo có đưa ra được các giải pháp chính sách thực sự để giải quyết vấn đề an ninh mạng? (2) tác động Dự thảo đến doanh nghiệp, đến phát triển kinh tế như thế nào; và (3) khuyến nghị của tôi cho Luật an ninh mạng và chính sách an ninh mạng Việt Nam.
Đây là ý kiến của cá nhân tôi, không thể hiện quan điểm hay ý kiến của nơi tôi làm việc hay bất kỳ ai khác.

Chống nói xấu Đảng không đảm bảo được an ninh mạng

Tôi đã học và làm việc chung với nhiều giáo sư và chuyên gia hàng đầu thế giới, nhưng tôi chưa bao giờ nghe ai giải thích về an ninh mạng như đại biểu Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã nói trên tờ VnExpress: “An ninh mạng nếu giải thích dễ hiểu nhất là không truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và làm sao để mỗi công dân có ý thức trong việc phòng chống tội phạm, bảo vệ bản thân và gia đình”. Hiểu an ninh mạng như vậy là sai bản chất và có thể dẫn đến nguy cơ vừa mất an ninh quốc gia vừa kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Đúng là Việt Nam đã và đang liên tục bị tấn công trên không gian mạng. Năm 2014, giữa lúc người Việt trong nước và hải ngoại đang sôi sục vì Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào Biển Đông, các chuyên gia đã phát hiện hệ thống máy tính của Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam bị xâm nhập. Tại sao lại là Bộ Tài nguyên Môi trường? Vì đây là cơ quan nhà nước sở hữu nhiều thông tin quan trọng về bản đồ, sơ đồ, hải trình, báo cáo… của các chuyến thăm dò dầu khí, khai thác ngư sản cũng như các hoạt động tuần tra bảo vệ của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoài Bộ Tài nguyên Môi trường, Tập đoàn Dầu khí, Thông tấn xã và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng bị xâm nhập. Có nhiều bằng chứng để tin rằng những đối tượng đứng đằng sau các vụ tấn công này đến từ Trung Quốc.
Gần đây hơn, nhiều sự cố an ninh mạng cũng liên tục xảy ra:
Tháng 5/2016, Ngân hàng Tiên Phong Bank bị hacker xâm nhập, đánh cắp 1,1 triệu đôla Mỹ (đại diện Tiên Phong Bank nói rằng họ phát hiện và chặn được tấn công đúng lúc).
Tháng 7/2016, mạng máy tính sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài và Vietnam Airlines bị hacker Trung Quốc phá hoại.
Tháng 5/2017, ngay trong lúc ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang sang thăm Mỹ, hệ thống máy chủ email của Bộ Ngoại giao lại bị hacker “lạ” xâm nhập.
Từ nhiều năm nay, các công ty công nghệ Việt Nam đã nằm trong tầm ngắm của những nhóm hacker “lạ”. Tháng 4/2018, kẻ tấn công đã tung lên mạng thông tin cá nhân bao gồm tên, ngày sinh, chứng minh nhân dân, số điện thoại, email và mật khẩu của gần 75 triệu tài khoản người dùng của VNG, công ty game và Internet lớn nhất Việt Nam.
Có lẽ không cần nói thêm, Quốc hội cũng hiểu rằng “chống truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước” không thể bảo vệ Việt Nam khỏi những vụ tấn công như trên.

Đảm bảo an ninh mạng không có nghĩa là phải hi sinh phát triển kinh tế và tự do của người dân

Trong lúc hệ thống mạng máy tính Việt Nam liên tục bị tấn công, chính phủ mất bí mật, doanh nghiệp bị mất tiền, người dân mất thông tin cá nhân, sẽ là một sai lầm chiến lược nếu Quốc hội thông qua Dự thảo Luật an ninh mạng. Dự thảo này không có nhiều sáng kiến cụ thể có thể giúp Việt Nam kiện toàn an ninh mạng mà còn có khả năng cản trở đà phát triển kinh tế, kìm hãm sự tự do sáng tạo và xâm hại riêng tư của người dân.
Một vệ sĩ giỏi là người biết lùi lại phía sau, âm thầm quan sát, đảm bảo an toàn cho yếu nhân mà không gây cản trở công việc của họ. Một chuyên gia lành nghề là người hiểu mục tiêu kinh doanh của công ty, từ đó sáng tạo các giải pháp có sự cân bằng giữa an ninh, chi phí và tiện dụng để sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu khách hàng, giúp công ty kinh doanh thuận lợi, với những rủi ro chấp nhận được. Tôi hay nói với đồng nghiệp công việc của chúng ta không phải là chỉ là đảm bảo an ninh, mà là đảm bảo an ninh để công ty vẫn có thể sáng tạo và phát triển. Trách nhiệm của chúng ta là phục vụ các nhóm làm sản phẩm, giúp họ đảm bảo an toàn thông tin mà vẫn có thể tự do sáng tạo, vẫn tiết kiệm được thời gian, công sức, chứ không thể bắt họ phục tùng. Nếu chính sách an ninh kìm hãm sự tự do sáng tạo, làm chậm tốc độ phát triển, thì chính sách đó chưa đạt yêu cầu. Kỹ sư an ninh mạng làm việc có tâm phải luôn trăn trở tìm cách để chính sách an ninh không những không gây cản trở, mà còn đem đến lợi thế cạnh tranh.
Tương tự như vậy, ở tầm quốc gia, một chiến lược an ninh mạng đúng đắn không thể bỏ qua phát triển kinh tế. Việt Nam cần đảm bảo an ninh mạng, nhưng an ninh mạng chỉ là phương tiện, không phải đích đến, để đạt đến các mục tiêu quan trọng nhất của đất nước là phát triển kinh tế, khai phóng con người, bảo vệ môi trường sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Muốn vậy, lực lượng chuyên trách an ninh mạng quốc gia cần đóng vai trò người hỗ trợ chứ không phải người kiểm soát. Nhưng tôi e rằng trao quyền cho cơ quan quản lý trực tiếp can thiệp vào cách doanh nghiệp điều hành và quản lý hệ thống thông tin của họ (như điều 26 và 24 dự luật) dễ dẫn đến lạm quyền, tạo điều kiện cho tham nhũng. Việc yêu cầu báo cáo, đánh giá - đi kèm với phê duyệt, chấp thuận - sẽ làm tăng chi phí; giảm sự sáng tạo; làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp (vì thời gian là ‘vàng’ trong kinh tế số và thị trường công nghệ vốn cạnh tranh khốc liệt).
Bài toán mà Quốc hội cần phải đặt ra cho Dự thảo Luật an ninh mạng là: làm thế nào để không bị tấn công mạng, nhưng vẫn giữ tốc độ phát triển kinh tế cao, đảm bảo tự do cho người dân, tăng khả năng cạnh tranh và uy tín của Việt Nam trên thế giới? Đặt đúng câu hỏi là đã giải quyết được một nửa vấn đề. Trong phần tiếp theo tôi đề xuất một số ý kiến về chính sách để giải quyết nửa còn lại.

Giải pháp nào cho an ninh mạng quốc gia?

Đối với Luật an ninh mạng nói riêng, chính sách và chiến lược an ninh mạng quốc gia nói chung, tôi đề xuất ba điểm.
Thứ nhất, thay vì ôm đồm rất nhiều nội dung, luật chỉ nên tập trung vào hệ thống thông tin trọng yếu, chủ thể trung tâm trong vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng. Hệ thống thông tin trọng yếu bao gồm hệ thống công, do Chính phủ quản lý và hệ thống tư, thuộc sự quản lý và là tài sản của các doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ chịu trách nhiệm và tùy nghi điều chỉnh hệ thống công, nhưng Chính phủ không được phép kiểm soát hệ thống tư, mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ, ngoại trừ có sự đồng ý của doanh nghiệp hoặc lệnh của tòa án.
Để giúp đỡ doanh nghiệp, Chính phủ có thể chủ động chia sẻ thông tin tình báo, thông tin sự cố an toàn thông tin, hoặc các nhóm hacker nước ngoài mà Chính phủ đã theo dõi và nắm bắt được. Chính phủ cũng có thể khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chia sẻ thông tin, nhưng bất kỳ sự chia sẻ nào cũng phải là tự nguyện và phải đảm bảo được sự riêng tư của khách hàng của các doanh nghiệp. Chính phủ không thể mặc nhiên yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tất cả thông tin mà Chính phủ muốn. Quá trình chia sẻ thông tin, nội dung chia sẻ giữa doanh nghiệp và Chính phủ phải được luật hóa cụ thể.
Chính phủ cũng có thể giúp doanh nghiệp bằng cách đặt ra các tiêu chuẩn về an toàn thông tin. Các tiêu chuẩn này chỉ áp dụng cho hệ thống mạng máy tính của Nhà nước. Tuy nhiên doanh nghiệp có thể dựa vào đó để tự xây dựng tiêu chuẩn cho hệ thống máy tính và sản phẩm của họ. Nhà nước chỉ mua các sản phẩm đạt chuẩn, tạo động lực để doanh nghiệp muốn bán sản phẩm cho Nhà nước xây dựng các sản phẩm đúng chuẩn.
Một việc có ích khác Chính phủ nên làm là dùng ngân sách để đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin chất lượng cao và nâng cao nhận thức an toàn thông tin cũng như quyền riêng tư của người dân. Bộ Thông tin Truyền thông đã trình Chính phủ những đề án cụ thể về hai vấn đề này, trách nhiệm của Quốc hội lúc này là giám sát việc thực thi các đề án này. Để đánh giá đề án thực thi có hiệu quả, có đúng với mục tiêu đặt ra, Quốc hội nên tham khảo ý kiến đánh giá độc lập của các chuyên gia.
Thứ hai, chính sách an ninh mạng quốc gia cần phải bảo vệ quyền riêng tư của người dân. Quyền riêng tư là một quyền hiến định và được Liên Hợp Quốc công nhận là quyền cơ bản của con người. Nhà nước không thể dựa vào lý do an ninh quốc gia để tùy tiện xâm phạm riêng tư của người dân.
Luật an toàn thông tin mạng có đề cập đến quyền riêng tư, nhưng tôi e rằng chưa đủ. Để bảo vệ riêng tư của người dân, tối thiểu Việt Nam cần có luật yêu cầu những tổ chức thu thập thông tin cá nhân của người dân phải thông báo đại chúng khi những nơi này bị xâm nhập và để lộ thông tin. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cân nhắc tạo luật yêu cầu những do tổ chức thu thập và xử lý thông tin cá nhân nhạy cảm như tài chính và y tế phải có cơ chế đảm bảo sự riêng tư của khách hàng. Luật này sẽ đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể, cách thức người dân có thể phản ánh khiếu nại và cách Nhà nước sẽ xử lý chế tài ra sao các doanh nghiệp hay tổ chức phạm luật.
Nhưng bảo vệ riêng tư không có nghĩa là phải lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam. Đa số người dân châu Âu sử dụng dịch vụ của các công ty Mỹ, nhưng Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) không yêu cầu các công ty Mỹ phải đặt máy chủ ở châu Âu. Do đó cách quy định như điều 26 của Dự thảo luật không có mấy ý nghĩa thực tế.
Dữ liệu là vấn đề pháp lý phức tạp, tôi cho rằng Quốc hội nên nghiên cứu kỹ lưỡng để có một đạo luật riêng về vấn đề này thay vì gộp chung vào Luật an ninh mạng như hiện nay.
Cuối cùng, tôi cho rằng, để chống lại tấn công mạng, điều cốt lõi là con người, chứ không phải là công cụ pháp lý. Tuy nhiên, những chuyên gia hàng đầu Việt Nam mà tôi đã có dịp trao đổi đều không làm việc cho Chính phủ vì khu vực doanh nghiệp trả lương cao hơn, đãi ngộ tốt hơn, cơ hội nghề nghiệp công bằng hơn. Nhưng với uy tín của Chính phủ, tôi tin rằng Chính phủ dễ dàng huy động được những chuyên gia tên tuổi tham gia vào các dự án giúp đỡ đất nước. Năm 2016 tôi có đề xuất Việt Nam nên thành lập một đội đặc nhiệm bao gồm những chuyên gia Việt Nam giỏi nhất mà Việt Nam hiện có (xem bài Có một Biển Đông trên không gian mạng). Nhóm chuyên gia này, tương tự như tổ tư vấn về chính sách kinh tế, làm việc theo cơ chế phi lợi nhuận, sẽ giúp Chính phủ về chính sách và công nghệ. Đội đặc nhiệm này có vai trò tương tự như “Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an” mà Dự thảo nêu ra, nhưng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, chứ không có quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Kết thư

Từ vài năm nay tôi đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về chiến lược an ninh mạng quốc gia cho Việt Nam. Những ý kiến của tôi ở đây đều là tổng kết của quá trình suy nghĩ lâu dài, không phải những suy nghĩ vội vàng.
Tôi thấy cần phải chỉnh sửa, thu hẹp phạm vi của Dự thảo Luật an ninh mạng, chỉ nên tập trung vào mục tiêu đảm bảo an ninh mạng cho hệ thống máy tính trọng yếu do nhà nước quản lý, loại bỏ những nội dung vi phạm quyền hiến định của người dân như quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư, cản trở tự do báo chí, tăng chi phí kinh doanh, giảm năng lực cạnh tranh, tạo cơ sở pháp lý cho một nhóm thiểu số nhũng nhiễu doanh nghiệp. Tôi không phải là một luật sư, nhưng với vốn kiến thức hạn hẹp tôi thấy rằng làm luật để kiểm soát người dân, kiểm soát doanh nghiệp là dùng pháp luật để cai trị dân chúng, chứ không phải dùng pháp luật để vận hành và phát triển đất nước. Dự thảo Luật an ninh mạng, do đó, nếu được thông qua, sẽ đẩy Việt Nam đi thụt lùi trên con đường trở thành một quốc gia pháp quyền.
Kính thưa Quốc hội,
Tôi đến Mỹ vì muốn tìm kiếm cơ hội chạy đua cùng thế giới, nhưng điều mà tôi tìm thấy lại quý giá hơn nhiều lần, đó là sự tự do. Nước Mỹ được như hôm nay là vì hiến pháp và văn hóa tôn trọng tự do của mỗi cá nhân. Ai cũng có quyền nói. Báo chí độc lập, là quyền lực thứ tư, giữ vai trò giám sát Nhà nước cho người dân. Internet không bị tường lửa ngăn chặn. Ở Trung Quốc thì ngược lại hoàn toàn. Vì vậy, mặc dù Trung Quốc đang giàu lên rất nhanh, nhưng người Trung Quốc vẫn muốn thành người Mỹ, chứ người Mỹ không muốn thành người Trung Quốc. Dự thảo Luật an ninh mạng có khả năng biến Việt Nam thành một bản sao xấu xí của Trung Quốc.
Tôi hi vọng Quốc hội sẽ có một lựa chọn sáng suốt để người dân Việt Nam, chí ít là cá nhân tôi, không phải mong muốn trở thành công dân một quốc gia khác.
Alsace, 31/5/2018
D.N.T.
Nguồn: https://vnhacker.blogspot.com/2018/05/thu-ngo-gui-quoc-hoi-ve-du-thao-luat.html?spref=fb

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét