Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

20180615. BÌNH LUẬN VỀ LUẬT AN NINH MẠNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
HẬU QUẢ TỨC THÌ

LÊ VĂN LUÂN/FB Luân Lê/ BVN 15-6-2018

Không có văn bản thay thế tự động nào.
Ảnh: “Dịch chuyển đám mây điện toán bằng cách dùng dây thừng lai dắt về nước”.
Thị trường chứng khoán lao dốc và bốc hơi đến gần 6 tỷ đô la chỉ trong vòng chưa đến một ngày ngắn ngủi bằng những phiên bán tháo với khối lượng lớn, trong đó đặc biệt là khối ngoại (nhà đầu tư nước ngoài). Đó là tình trạng xảy ra ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật An ninh mạng 2018. Và đó chính là dấu hiệu cho thấy dự luật này sẽ ảnh hưởng tiêu cực và gây tổn hại như thế nào cho đời sống kinh tế của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Doanh nghiệp lo lắng đến dữ liệu, thông tin của doanh nghiệp có bị hạn chế và xâm nhập trái phép hay không; họ có phải cung cấp bất kỳ thông tin, dữ liệu nào cho phía công an hay không; họ có bị ngăn cấm, hạn chế hay không được cung cấp dịch vụ mạng cho ai đó hay không; họ tính toán xem sẽ phải tốn thêm bao nhiêu chi phí để lắp đặt các thiết bị nhằm phục vụ cho các điều kiện của Luật An ninh mạng đòi hỏi họ phải đáp ứng hay không nếu muốn kinh doanh; họ xem rằng mình có thể được phản biện lại chính sách, luật pháp của nhà nước, đảng mà không bị trở thành tội phạm hoặc bị gây khó khăn hay không; họ sẽ phải cân nhắc về việc có bị kiểm tra đột xuất hoặc có văn bản yêu cầu của công an khi lực lượng này “xử lý hành vi phạm pháp luật” hay không?; họ sẽ phải xem xét mình có phải phản bội khách hàng trong nhiều trường hợp hay không; các quốc gia khác sẽ phải xem xét rằng họ có phải tốn hàng tỷ đô để xây dựng cơ sở lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam như luật an ninh nội địa nước này yêu cầu hay không; họ lo lắng rằng thị phần và khách hàng của họ sẽ ngày cảng giảm xuống và thu hẹp vì những rào cản và những sự xử lý từ phía công quyền đối với khách hàng của họ và đối với chính bản thân họ.
Thật là nguy hiểm với một dự luật mà một vị đại biểu là Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh có trách nhiệm chính để thuyết trình và thẩm tra dự luật trước Quốc hội, dù không biết một chút gì về lĩnh vực này và về dự luật này, lại vẫn nhận được sự đồng tình của 423 đại biểu trong sự hết sức bình thường của nó. Chính phủ soạn thảo dự luật này cũng không đánh giá hết được tác động xấu của nó đem lại, nhưng vẫn trình và đề nghị thông qua. Một nhà hoạch định chính sách phải có kế hoạch chi tiết, phải trực tiếp thảo luận và được đóng góp ý kiến của các chuyên gia về ngành và về luật pháp. Phải khảo sát và tính toán tính thực tiễn và khả năng thực thi của nó, nếu ban hành ra mà hậu quả nó gây ra lớn hơn lợi ích nó đem lại thì phải huỷ bỏ chứ không cần một đạo luật như thế hiện diện. Đằng này họ ban hành mà không cần tính toán đến cả yếu tố chuyên môn lẫn tính thực tiễn của nó. Trong khi nó không có mục đích gì khác là kiểm soát thông tin và dữ liệu người dùng để đảm bảo “không có tiếng nói được cho là xấu nào” từ xã hội dân sự đối với nhà nước, đảng, lãnh đạo và chính sách mà họ sẽ vạch ra trong quá trình điều quản.
Quốc hội cần phải xem xét lại dự thảo này một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn. Phải mở các hội thảo công khai để tiếp thu các ý kiến chuyên môn và chuyên ngành và về lập pháp. Để sửa đổi hoặc thay thế nhiều phần nội dung không thích hợp của nó.
Thông qua việc này, các doanh nghiệp nên mở mắt ra về việc bình chân như vại và thờ ơ trước các biến động của hiện tình đất nước và xã hội, coi những sự kiện thuộc về luật pháp và chính sách không có ảnh hưởng gì tới mình. Nếu nghĩ như thế thì không thể làm ăn, phát triển lớn mạnh và bền vững được, hoặc có phình to ra thì chắc hẳn là nhờ vào sự trục lợi dựa trên những bất ổn và tiêu cực của các hành vi quản lý và xây dựng chính sách này mang đến. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các hội nghề nghiệp liên quan cần phải lên tiếng đối với dự thảo luật này, khi vẫn còn cơ hội để thay đổi nó.
L.V.L.
Nguồn: FB Luân Lê

MỘT CÚ BẤM NÚT CÓ THỂ TIÊU TAN HÀNG TỶ ĐÔ LA...

LƯU TRỌNG VĂN /FB Lưu Trọng Văn/BVN 14-6-2018

Ngày 12/6 hôm qua đã chứng kiến một sự kiện lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam khi khép lại ngày này 3,6 tỷ đô la của thị trường này tiêu tan.
Vì sao hàng loạt chỉ số chứng khoán của các nhà đầu tư ở Việt Nam hừng hực đỏ lửa?
Lò nào đang đốt?
Thật lạ lùng sự xuống dốc thê thảm của thị trường chứng khoán Việt Nam lại diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu trong đó đặc biệt là thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc, lên hương.
Điều gì diễn ra trong ngày 12/6 ấy vậy trên thế giới và ở Việt Nam?
Thế giới, cái bắt tay hoà bình của Trump và Ủn.
Việt Nam, QH thông qua Luật An ninh mạng.
Gã cảm nhận cảnh báo của các chuyên gia kinh tế đã thành hiện thực.
Câu hỏi đặt ra, gã vui hay buồn?
Ngắn gọn vừa vui vừa buồn.
Buồn là thiệt hại kinh tế cho đất nước vốn đang phải chắt chiu từng đồng, và bác Tổng đang phải đốt lò để bắt bọn tham nhũng ói ra từng đồng thì chỉ trong một ngày tiêu tan 3,6 tỷ đô la.
Vui vì 423 ĐBQH bấm nút thông qua Luật An ninh mạng sẽ phải hiểu ra điều mà các vị quyền cao chức trọng ấy chưa từng hiểu mạng Internet là gì.
Dễ hiểu thế này nhá.
Mạng Internet thực chất là hệ thống giao thông trong nền kinh tế. Hệ thống ấy vì bất cứ lý do chính đáng gì thì khi xây hàng loạt trạm kiểm soát, thu phí bất hợp lý, hàng rào dù nhân danh an toàn, đều gây tắc nghẽn giao thông.
Các nhà đầu tư không ai không lo ngại sự tắc nghẽn này nên ngày hôm qua 12/6 khi 423 quý vị bấm nút lập tức họ bán tống bán tháo cổ phiếu của mình.
Đỏ rực lửa.
Gã từng viết rằng tự do Internet cũng chính là môi trường đầu tư. Ai nghe?
Gã vui còn vì đã đến lúc mọi người dân hiểu ra rằng : Đất nước thân yêu của chúng ta đã thực sự là một bộ phận của thế giới và Chỉ số chứng khoán chính là chỉ số của Niềm tin.
Câu nhắc lại không thừa.
Mất niềm tin là mất tất cả.
Lời cảnh báo không thừa:
Nếu cuối năm nay các quý vị ĐBQH bấm nút ủng hộ Luật Đặc khu giành cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong , Phú Quốc thì rất có khả năng thị trường chứng khoán nước nhà sẽ gặp bão tố.
Vì: Các nhà đầu tư hiện hữu cảm thấy có sự bất lợi cho mình về cạnh tranh và chính sách thuế so với các nhà đầu tư ở các đặc khu kia.
L.T.V.
Nguồn: FB Lưu Trọng Văn

VIỆT NAM: LUẬT AN NINH MẠNG KHIẾN 'AN TOÀN MẠNG' QUỐC GIA LÂM NGUY

Trọng Thành/BVN 15-6-2018

media
Nhiều người lo ngại luật An ninh mạng mới vừa thông qua không giúp cải thiện an toàn mạng, lại gia tăng bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận.Ảnh: Amnesty International
Trả lời RFI tiếng Việt ít giờ sau khi Luật An ninh mạng được thông qua, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết suy nghĩ của ông:
« … Điều mà tôi lo ngại nhất là người ta đánh tráo khái niệm… Cái An ninh mạng của Việt Nam hiểu theo nghĩa đúng, là làm sao để thông tin trong các mạng của chính phủ, của các tổ chức Việt Nam, các doanh nghiệp, các ngân hàng, đỡ bị tin tặc tấn công, đánh cắp dữ liệu, phá hoại….
Gọi là An ninh mạng, nhưng luật này thực sự là để bịt miệng người dân… Nó không làm lợi cho quốc gia này cái gì, mà lại làm lạc hướng đi, để cho vấn đề An ninh mạng thực sự của quốc gia có thể sẽ lâm vào tình trạng hết sức nguy hiểm.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A (Hà Nội)12/06/2018:   AUDIO
Nguy hiểm là bởi vì người ta hiểu lầm về An ninh mạng. Những chính trị gia, các đại biểu Quốc hội và bản thân hệ thống công an mà hiểu An ninh mạng là phải ngăn chặn những tiếng nói khác biệt, thì người ta không bao giờ để ý đến cái An ninh mạng thực sự nữa. Tức là việc bảo vệ an toàn, dữ liệu của chính phủ, dữ liệu của khách hàng trong ngân hàng, hay bảo vệ an toàn dữ liệu của Hàng không Việt Nam chẳng hạn.
Chúng ta đã chứng kiến Hàng không Việt Nam bị tấn công, các cơ quan chính phủ bị tấn công… Cái đấy mới thực sự là An ninh mạng.
Đó là sự hiểu nhầm từ gốc rễ về mặt khái niệm, xảo trá về ngôn từ, đánh tráo khái niệm, và tạo điều kiện cho lực lượng Công an có thể lạm quyền một cách vô lối, để can thiệp vào đời sống của người dân, nhân danh An ninh mạng».
Tương tự như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bản kiến nghị của hơn một chục hiệp hội ngành công nghệ thông tin và truyền thông gửi đến Quốc hội Việt Nam hôm qua, 11/06, bày tỏ lo ngại là bộ luật này «có thể tạo ra nhiều cản trở, bất lợi cho hoạt động kinh tế - xã hội trên không gian mạng của các tổ chức, người dùng Internet tại Việt Nam, trong khi việc đảm bảo an ninh quốc gia chưa được thấy rõ tác dụng qua các điều khoản».
Bản kiến nghị của nhóm 13 hiệp hội công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu ở Việt Nam cũng đồng thời nhấn mạnh đến bộ luật «quy định phạm vi và quyền hạn của cơ quan chuyên trách an ninh mạng quá rộng, tạo rủi ro lạm quyền», «có nguy cơ ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia… Cụ thể là các thiết chế thương mại đa phương và song phương như WTO, EVFTA, CPTPP (tức hiệp định TPP mới)» và «một số điều khoản… sẽ làm cho hoạt động… thông qua mạng Internet sẽ bị chậm đi hàng chục lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh, nhất là kinh doanh quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0».
Hơn một nửa trong số 93 triệu cư dân Việt Nam sử dụng internet, và Việt Nam đứng thứ 10 về tỉ lệ dân số sử dụng mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, về quyền tự do internet, Việt Nam vẫn bị xếp ở thứ hạng rất thấp (chỉ hơn Trung Quốc một bậc, theo bảng xếp hạng mới đây của Freedom House).
Nhiều chính trị gia, nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam cũng phê phán bộ luật mới do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì là hoàn toàn không cần thiết, vì điều chỉnh về an ninh quốc gia nói chung, hiện đã có Luật An ninh quốc gia (2004) và về an toàn cho người sử dụng đã có Luật An toàn thông tin mạng (2015) (ví dụ như ý kiến của chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng).
Trước đó, Hoa Kỳ và Canada kêu gọi Việt Nam hoãn lại việc bỏ phiếu dự luật, nhằm bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn thế giới. Nhiều tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch và Ân xá Quốc tế chỉ trích bộ luật bóp nghẹt tự do ngôn luận.
Cùng với dự luật về 3 Đặc khu kinh tế, luật về An ninh mạng gây phản đối rất mạnh trong xã hội dân sự Việt Nam trong và ngoài nước. Ngoài thông báo của nhóm các chuyên gia ngành tin học gửi Quốc hội, còn nhiều hình thức bày tỏ khác, như biểu tình, ký tên kiến nghị... Hàng chục nghìn người tham gia ký tên vào các kiến nghị trên mạng gửi đến Quốc hội, như change.org hay Bauxite Việt Nam.
Sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua luật này, người dân tiếp tục ký tên vào một Kiến nghị mới gửi đến Chủ tịch Nước Trần Đại Quang để yêu cầu không ban hành Luật An ninh mạng.
T.T.
Nguồn:
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180612-viet-nam-luat-an-ninh-mang-khien-an-toan-mang-quoc-gia-lam-nguy

TỪ TRƯỜNG HỢP VÕ TRỌNG VIỆT, KHẨN CẤP KHAI QUAN TRÍ 

HOÀNG DŨNG/ BVN 15-6-2018

Kết quả hình ảnh cho THƯỢNG TƯỚNG VÕ TRỌNG VIỆT
Thượng tướng Võ Trọng Việt (Ảnh An ninh thủ đô)
Nếu có ai nói với tôi rằng một ông quân hàm Thượng tướng, chức là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, lại tưởng điện toán đám mây cũng như mây bay trên trời, có thể dịch chuyển đi nơi này nơi nọ, thì nhất định tôi sẽ cho cái thằng vu vạ ấy một cái tát! Quốc hội toàn là tinh hoa, mà Chủ nhiệm của một Ủy ban quan trọng hàng đầu như Ủy ban Quốc phòng - An ninh, thì là tinh hoa của tinh hoa, làm sao có thể như thế được! Thậm chí bọn thế lực thù địch có giàu tưởng tượng và sùng sục ý đồ bôi bẩn cũng không thể nghĩ ra cái âm mưu thô thiển đó. Ai ngờ!
Nhưng tại sao một người có trình độ như thế, lại có thể được trao chức vụ cao đến như thế? Rõ ràng việc bổ nhiệm cán bộ có vấn đề.
Nói cho đúng, không ai hiểu được mọi chuyện. Không hiểu thì học. Mà khởi đầu học là hỏi. Ông Võ Trọng Việt không hỏi bất cứ chuyên gia nào về vấn đề tối quan trọng của đất nước mà ông có nhiệm vụ thẩm tra hay sao?
Có lẽ trường hợp ông Võ Trọng Việt không phải là cá biệt. Nhiều người cho rằng, trừ 15 đại biểu dũng cảm bỏ phiếu chống dự thảo Luật An ninh mạng, 28 đại biểu không bỏ phiếu, thì 423 đại biểu bấm nút tán thành chẳng qua là "theo lệnh đảng". Cũng có thể. Nhưng trường hợp ông Võ Trọng Việt cho thấy rất có thể có một tỷ lệ đáng kể trong số các đại biểu tán thành là do thiếu hiểu biết.
Quốc hội như thế – và không chỉ Quốc hội – thì dân ta trông mong gì? Xưa cụ Phan Châu Trinh hô hào "Khai dân trí". Nay dân trí ngày một cao, trong lúc quan trí xuống dốc không phanh.
Xin mau mau KHAI QUAN TRÍ!!!
PS. Gỡ băng phát biểu của ông Võ Trọng Việt, theo vietnamnet: "Theo báo cáo, hiện nay, Google và Facebook đang lưu trữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hong Kong và Singapore. Nếu quy định của luật này có hiệu lực thì các doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán (máy chủ ảo) về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi" (http://vietnamnet.vn/…/quoc-hoi-thong-qua-luat-an-ninh-mang…).
PS1: Xin nói thêm một chút về đoạn gỡ băng trên: (1) "Google và Facebook" được ông Võ Trọng Việt phát âm là "Gu-gờ và pê-pê-bốc"; (2) Ông Võ Trọng Việt không hề nói "máy chủ ảo", mà là "đám mây ảo" – có lẽ vietnamnet thấy kỳ quá, "biên tập" giúp cho ông Thượng tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh.
PS2: Chú ý trong suốt đoạn video trên, ông Võ Trọng Việt cắm đầu đọc, mà vẫn sai!
H.D.
Tác giả gửi BVN

TRUNG QUỐC SẼ LẤP VÀO CHỖ TRỐNG NẾU FACEBOOK VÀ GOOGLE RÚT KHỎI VIỆT NAM

KÍNH HÒA/RFA/ BVN 14-6-2018

Phiên họp ngày 12/6/2018 của Quốc hội Việt Nam tại Hà Nội, thông qua Luật an ninh mạng nhiều tranh cãi.
Phiên họp ngày 12/6/2018 của Quốc hội Việt Nam tại Hà Nội, thông qua Luật an ninh mạng nhiều tranh cãi.  AFP
Ngày 12/6/2018 luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua với đa số phiếu tán thành.
Bóp nghẹt bất đồng chính kiến
Theo phân tích của nhà báo Phạm Chí Dũng, đồng thời cũng là người có bằng Tiến sĩ về kinh tế thì có 3 nguyên nhân khiến cho Đảng Cộng sản Việt Nam bắt Quốc hội phải thông qua luật an ninh mạng. Đó là:
- Đây là ý tưởng từ Bộ Công an. Luật này sẽ làm các công ty phải xin cấp nhiều giấy phép hơn, điều sẽ tạo nên những điều kiện để tham nhũng, và điều này sẽ làm tăng vai trò của Bộ Công an.
- Các nhà lãnh đạo chóp bu Việt Nam muốn bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến.
- Điều cuối cùng là Chính phủ Việt Nam muốn thu thuế từ các công ty cung cấp dịch vụ Internet và mạng xã hội.
Tất cả những nhà hoạt động xã hội bất đồng chính kiến mà chúng tôi có dịp tiếp xúc sau khi đạo luật an ninh mạng được thông qua đều cho rằng đạo luật đó không ảnh hưởng gì đến tình trạng của họ hiện nay. Nhà báo Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn cho biết:
“Chúng tôi mỉm cười bởi vì có luật an ninh mạng hay không có luật an ninh mạng thì cũng thế. Đối với chúng tôi, những người bất đồng thì chúng tôi chịu áp chế quen rồi, sách nhiễu quen rồi, gò bó quen rồi, và trước khi có luật an ninh mạng, thì họ đã dùng những điều 88, 258, là tuyên truyền chống chế độ, hay là lợi dụng quyền tự do dân chủ, và họ đã truy tố và bỏ tù nhiều người bất đồng chính kiến, không cần có luật an ninh mạng”.
Các bloggers có tiếng trên không gian mạng Việt Nam như bà Trần Thị Nga, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay Mẹ Nấm,… đều đang bị ở tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước. Chính phủ Việt Nam cũng vừa tống xuất, nhưng không công bố, trường hợp Luật sư Nguyễn Văn Đài của Hội Anh em dân chủ sang Đức, ông Đài cũng đã từng bị ghép tội tuyên truyền chống nhà nước khi ông viết bài trên mạng xã hội.
Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo làm rõ thêm những hành vi có thể bị qui vào tội tuyên truyền chống nhà nước:
Đạo luật này làm cho giới trí thức lo lắng. Thực ra lo lắng là điều đúng, nhưng mà bình tĩnh lại thì với tất cả những hoạt động phản biện, với bao cái đạo luật khác, cũng đã bắt bớ, qui tội bỏ tù người ta được rồi. Như là bộ luật hình sự, tội tuyên truyền chống nhà nước đấy, viết trên mạng là tuyên truyền, viết báo là tuyên truyền, viết sách là tuyên truyền, nói mồm với nhau cũng là tuyên truyền”.
Bình luận về khả năng đàn áp giới bất đồng chính kiến, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ viết trong email gửi cho Đài RFA:
Việt Nam là nước có khoảng 55 triệu người, trên tổng dân số khoảng 95 triệu, thường sử dụng mạng. Do đó các cơ quan an ninh của chính quyền không thể nào kiểm soát hết được. Họ chỉ có thể dùng luật này để đàn áp một số cá nhân hay nhóm mà họ cho là “diễn biến hoà bình” hay có muốn lật đổ chế độ thôi. Nhưng việc này sẽ làm nhiều người căm phẫn và họ sẽ dùng các hình thức khác để phản kháng, trong đó có thể có các hình thức không ôn hoà như những trao đổi trên mạng”.
Trước khi đạo luật về an ninh mạng được thông qua, đã có những cáo buộc cho rằng Facebook hợp tác với Chính phủ Việt Nam để đàn áp giới bất đồng chính kiến. Nhà hoạt động dân sự Nguyễn Anh Tuấn, từ Đà Nẵng cho chúng tôi biết ý kiến rằng ông không tin vào chuyện hợp tác đó. Trước khi luật an ninh mạng được thông qua ông có nói với RFA:
“Facebook và Chính phủ Việt Nam đều hiểu là Facebook đóng vai trò quan trọng như thế nào đến đời sống xã hội của Việt Nam, nó đã giúp ích như thế nào cho nền kinh tế Việt Nam, cho sự phát triển của Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam không đủ quyết tâm để chặn triệt để Facebook. Facebook biết điều đó, Chính phủ Việt Nam biết điều đó, tôi không nghĩ là Chính phủ Việt Nam lại trên cơ được Facebook”.
Việc này (kiểm soát mạng xã hội) sẽ làm nhiều người căm phẩn và họ sẽ dùng các hình thức khác để phản kháng, trong đó có thể có các hình thức không ôn hoà như những trao đổi trên mạng - Giáo sư Ngô Vĩnh Long.
Theo những số liệu của nhà báo Phạm Chí Dũng, thì lợi nhuận hiện nay của Facebook ở thị trường Việt Nam là vào khoảng 3 đến 5 ngàn tỉ đồng, nhưng con số này không là bao nhiêu so với những thiệt hại mà Việt Nam sẽ hứng chịu khi Facebook rút ra khỏi Việt Nam với mức thiệt hại có thể lên đến từ 1,5 đến 2,5% tổng sản lượng quốc gia.
Hiểm họa Trung Quốc
Nhưng bên cạnh những tổn thất về kinh tế, còn có một tổn thất khác đáng sợ hơn nhiều, theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, đó là sự lấp vào chỗ trống của các công ty Trung Quốc. Từ Na Uy ông trả lời Đài RFA:
Thị trường Việt Nam sẽ xuất hiện các công ty Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc có công nghệ rất là cạnh tranh. Cái thứ hai là lợi thế của các công ty Trung Quốc so với các công ty của Mỹ nữa là Trung Quốc không bắt buộc bảo vệ thông tin của người dùng một cách triệt để như các công ty Âu Mỹ. Thậm chí Chính phủ Trung Quốc còn khuyến khích các công ty Trung Quốc sử dụng dữ liệu của người dùng để mà nghiên cứu trí tuệ thông minh nhân tạo”.
Ông Nguyễn Huy Vũ dẫn chứng trường hợp công ty Facebook vừa rồi phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vì đã để cho một công ty phân tích dữ liệu tùy tiện sử dụng thông tin cá nhân của người dùng Facebook để giúp cho Tổng thống Donald Trump thắng cử tại Hoa Kỳ. Và tại châu Âu, Cộng đồng châu Âu bắt đầu tuân thủ từ tháng 5/2018 một đạo luật bảo vệ thông tin người tiêu dùng rất nghiêm ngặt.
Nhưng ông Vũ cũng nói là nếu các công ty châu Âu và Mỹ tiết lộ thông tin người dùng trên lãnh thổ Việt Nam thì đó là một điều chưa có tiền lệ và các nhà luật học phải nghiên cứu khả năng người Việt Nam trong nước có thể kiện các công ty đó ra tòa tại Châu Âu hay tại Mỹ hay không.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nêu lên khả năng về một mô hình hoạt động của các công ty Trung Quốc như Baidu, Tencent, Weibo, nếu họ thay thế Facebook và Google tại Việt Nam:
Họ vừa hợp tác với chính phủ Việt Nam, vừa hợp tác với chính phủ Trung Quốc, chúng ta sẽ đối diện với một nguy cơ, một rủi ro rất cao, có thể là mất nước trong tương lai - Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

Họ có thể tránh sự phản đối trực tiếp của người Việt Nam bằng cách mua những công ty của người Việt Nam. Họ dùng công nghệ Trung Quốc đưa ra những ứng dụng tương tự như của các công ty Âu Mỹ mà chúng ta đang dùng. Từ đó họ có thể nắm thông tin của người Việt Nam, kiểm soát thông tin của người Việt Nam, họ định hướng mạng xã hội của Việt Nam. Họ vừa hợp tác với Chính phủ Việt Nam, vừa hợp tác với Chính phủ Trung Quốc, chúng ta sẽ đối diện với một nguy cơ, một rủi ro rất cao, có thể là mất nước trong tương lai”.
Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, đạo luật an ninh mạng mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua là một bản sao của đạo luật an ninh mạng của Trung Quốc. Vì đạo luật này mà Google và Facebook không thể hoạt động tại Hoa Lục. Nhưng Việt Nam, theo lời giáo sư Long, không thể tạo nên cho mình những công ty riêng, và vì thế sẽ lệ thuộc ngày càng nặng vào Trung Quốc.
K.H.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/binh-thuan-violence-the-water-drop-06112018125210.html/china-vietnam-cyber-fb-google-06122018130308.html

TÂT YẾU CỦA 'GU GỜ' VÀ 'BÊ...BÊ TÊ BỐC'
TRÂN VĂN/ Blog VOA 14-6-2018

Hình trên Tễu Blog.
Hình trên Tễu Blog.
 
Clip ghi lại một phần phát biểu của tướng Võ Trọng Việt, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, hiện đang là thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa 14 , thuyết minh lần cuối cho Đự luật về An ninh mạng, chỉ có 16 giây…
Trong 16 giây ấy, người ta thấy tướng Việt cặm cụi đọc một tờ giấy với nỗ lực phi thường và từ miệng của ông, từng chữ tuần tự bật ra: Hiện nay, gu gờ và pê… pê tê bốc đang lưu giữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông và Singapore. Nếu qui định của luật này có hiệu lực thì doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam để mở trung tâm dự liệu tại Việt Nam là hoàn toàn toàn khả thi
Tuy chỉ có 16 giây nhưng chừng đó chắc đủ để nhiều người Việt, trong đó có không ít chuyên gia kinh tế, chuyên gia khoa học kỹ thuật, các tổ chức của doanh giới, của những người cùng một nghề nghiệp – đặc biệt là những người đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông,… cảm thấy thương thân!
***
“Gu gờ” và “bê… bê tê bốc” cùng với khẳng định về… tính khả thi của việc… dịch chuyển “đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam” đủ để vô hiệu hóa tất cả những phân tích nhằm can ngăn, những cảnh báo nhằm thúc giục hệ thống công quyền Việt Nam hướng nỗ lực của họ vào việc bảo vệ an ninh máy tính và an toàn Internet.
Theo tính toán của các chuyên gia, năm 2016, tổn thất do tin tặc gây ra đối với máy tính và Internet tại Việt Nam vào khoảng 10.400 tỉ đồng. Sang năm 2017, mức độ tổn thất được ước đoán là 12.300 tỉ đồng, tương đương 540 triệu Mỹ kim. Đáng lưu ý là số lượng các cuộc tấn công vào hệ thống mạng máy tính và Internet tại Việt Nam càng ngày càng cao.VnCert ước đoán, năm ngoái, có ít nhất là 10.000 cuộc tấn công vào hệ thống máy tính và Internet của Việt Nam
Chẳng riêng các cơ quan, tổ chức chuyên về bảo vệ an ninh máy tính và an toàn Internet trong nước, các cơ quan, tổ chức tương tự của nhiều quốc gia cũng đã từng cảnh báo: Tin tặc Trung Quốc càng ngày càng táo tợn. Gần như toàn bộ các cuộc tấn công vào hệ thống mạng máy tính và Internet tại Việt Nam trong thập niên vừa qua đều do tin tặc Trung Quốc thực hiện. Những cuộc tấn công này không chỉ nhằm dằn mặt người sử dụng máy tính, Internet tại Việt Nam vì đã chỉ trích Trung Quốc mà còn xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, khống chế mạng máy tính, các website thuộc hệ thống công quyền tại Việt Nam.
Bởi an ninh máy tính, an toàn Internet liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia, chi phối tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, kể cả quốc phòng, trật tự - trị an nên giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cần một bộ luật để giải quyết vấn nạn nghiêm trọng này.
Tuy nhiên nội dung Dự luật về An ninh mạng làm nhiều giới, nhiều người chưng hửng.
Nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia khoa học kỹ thuật, các tổ chức của doanh giới, của những người cùng một nghề nghiệp – đặc biệt là những người đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông,… đã liên tục khuyến cáo rằng, nếu Dự luật về “An ninh mạng” trở thành luật, một số quy định sẽ khiến chi phí của các doanh nghiệp gia tăng, vừa làm giảm sự hấp dẫn của thị trường, vừa có thể khiến Việt Nam gặp thêm rắc rối do vi phạm các cam kết quốc tế. Chưa kể GDP của Việt Nam sẽ giảm khoảng 1,7% GDP và đầu tư nước ngoài sẽ giảm 3,1%.
Ngay cả những người mà quyền lợi gắn chặt với sự tồn vong của chính thể hiện hành như các ông: Đặng Hữu (cựu Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ), Chu Hảo (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ), Mai Liêm Trực (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, cựu Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông), Nguyễn Khánh Toàn (Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an) – những người được báo giới Việt Nam ví von là các “nguyên lão” của lĩnh vực công nghệ thông tin – viễn thông tại Việt Nam (tham gia thẩm định, chuẩn bị để đưa Internet vào Việt Nam hồi thập niên 1990) – cũng cảm thấy bất an. Tuần trước, cùng ký tên vào một thư ngỏ, gửi các đại biểu của Quốc hội và Thủ tướng Việt Nam, đề nghị loại bỏ năm điều: 24, 26, 38, 39, 40 ra khỏi Dự luật về “An ninh mạng”.
Theo họ, an ninh mạng là cuộc chiến kỹ thuật nhưng Dự luật về “An ninh mạng” chẳng những chẳng giúp gì cho việc bảo vệ an ninh máy tính, Internet mà còn có thể kéo lùi sự phát triển của Internet, của kinh tế số và xã hội thông tin tại Việt Nam. Cũng theo họ, Dự luật về “An ninh mạng” xâm hại quyền dân sự, chính trị của công dân, thu hẹp quyền tiếp cận, cơ hội sử dụng Internet để học hành, nghiên cứu, kinh doanh, trao đổi thông tin, hạn chế tự do Internet, đặt công dân trước rủi ro vi phạm pháp luật và bị kiểm tra, nhũng nhiễu bởi lực lượng chuyên trách an ninh mạng.
Do chuyện phòng thủ máy tính, bảo vệ an toàn Internet là “cuộc chiến thông minh, đòi hỏi am hiểu cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn pháp lý”, ông Hữu, ông Hảo, ông Liêm, ông Toàn đề nghị Quốc hội giao Dự luật về “An ninh mạng” cho Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường thẩm tra…
***
Thế nhưng ngày 12 tháng 6, Dự luật về “An ninh mạng” do Bộ Công an lãnh trách nhiệm chủ trì công việc soạn thảo và Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Việt Nam tiến hành thẩm tra vẫn được 86,86% đại biểu Quốc hội tán thành. Nói cách khác, có tới 86,86% đại biểu của Quốc hội Việt Nam nhất trí với quyết tâm… kéo “đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam”, dứt khoát không để “gu gờ”, “bê… bê tê bốc” lưu giữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu bên… ngoài Việt Nam!
Không rành tiếng Anh, phát âm sai những từ của một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ chẳng có gì là đáng xấu hổ và tất nhiên không nên chê trách. Mặt khác không thể đòi buộc tất cả mọi người phải có đủ kiến thức về công nghệ thông tin, viễn thông, thành thạo trong việc sử dụng máy tính, thiết bị số, Internet,… Tìm biết hay không là quyền của mỗi cá nhân. Không biết gì cả cũng chẳng có gì sai. Sở dĩ “gu gờ”, “bê… bê tê bốc” khiến người ta cảm thấy thương thân vì ông Việt là người đứng đầu nhóm…. thẩm tra Dự luật về An ninh mạng. Tương tự, người ta thấy tội nghiệp những người trăn trở cho tương lai, triển vọng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam không phải vì họ thất vọng bởi Dự luật về An ninh mạng đã thành luật mà vì có tới 423 cá nhân “nhất trí” với ý tưởng đầy tham vọng… “kéo “đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam” và 423 cá nhân ấy đều là… đại biểu cho dân chúng Việt Nam tại Quốc hội!
Việt Nam đã có luật về an ninh mạng. An ninh máy tính, an toàn Internet vẫn bị uy hiếp nghiêm trọng, các thiệt hại đủ dạng từ những cuộc tấn công của tin tặc Trung Quốc chắc sẽ tiếp tục gia tăng. Kinh tế chắc sẽ tiếp tục điêu đứng vì Luật An ninh mạng sẽ tạo thêm đủ loại chi phí và doanh giới càng lúc càng chật vật bởi khả năng, cơ hội cạnh tranh tiếp tục giảm.
Xem xong clip 16 giây, nhiều người buột miệng phán đoán, “gu gờ” mà tướng Việt đề cập hẳn là “google”, “bê… bê tê bốc” đích thị là… “facebook”. Phán đoán như thế là dại vì vi phạm pháp luật. Với Luật An ninh mạng, những phán đoán này có thể bị cáo buộc là “xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo”, thậm chí là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, “thực hiện chiến tranh tâm lý, kích động chống chính quyền nhân dân”…
“Gu gờ” là… “gu gờ”, “bê… bê tê bốc” là… “bê… bê tê bốc”, không hiểu thì phải hỏi tướng Việt hoặc hỏi 423 đại biểu đã tán thành việc biến Dự luật về An ninh mạng thành… luật! Đã có “cách mạng là tất yếu của lịch sử”, giờ có thêm “luật an ninh mạng là tất yếu của… gu gờ, bê… bê tê bốc” thì cũng… bình thường thôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét