Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

20180605. XẢO NGÔN LOẠN ĐỨC

ĐIỂM BÁO MẠNG
XẢO NGÔN LOẠN ĐỨC

PHƯƠNG THẢO/ VNTB/ viet-studies 3-6-2018


Kết quả hình ảnh cho xảo ngôn là gì

Ngôn ngữ của quan chức Việt nam liên tục được biến hoá một cách bất ngờ. Bất ngờ đến độ người nghe chỉ biết há hốc miệng ra mà không biết phải khóc hay phải cười. Cười một cách chua chát vì những lời xảo ngôn, trí trá để bao biện những hành vi, sự việc rõ ràng là sai; cười một cách đau xót vì trình độ sử dụng ngôn từ nhầm đánh tráo khái niệm để vặt lông vịt cho bằng hết.
Muốn khóc vì bất lực khi những kẻ mang danh là quan phụ mẫu, cầm cân nảy mực quyết định vận mệnh quốc gia, dân tộc lại có thể nhuần nhuyễn biến đen thành trắng trong ngôn ngữ. Lời nói trí trá của họ thể hiện việc đạo đức của người làm quan đã thật sự rối loạn.
Đánh tráo khái niệm
Trong tiếng Anh có những từ chỉ về phí, giá, chi phí rất rạch ròi. 
Fee là phí trả cho quyền sử dụng một dịch vụ ví dụ học phí – tuition fee, hay lệ phí ngân hàng – bank fee.
Cost là chi phí được dùng để sản xuất là một dịch vụ hàng hoá nào đó. Ví dụ như giá nhân công – labor cost, giá nguyên liệu –material cost ...
Giá hay price là giá trị của một dịch vụ, hàng hoá bao gồm chi phí và lợi nhuận cho nhà đầu tư. Và giá được tính toán để đảm bảo “bù đắp chi phí và có lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế trong từng thời kỳ.”
Như vậy khi cho sử dụng chữ “ giá” thì mặc nhiên họ đã có thể cho giá lên hay xuống tuỳ theo chi phí bỏ ra. Thật quả là tiện lợi.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể xứng đáng là “nhà ngôn ngữ của năm” khi đưa ra thuật ngữ vô nghĩa “ thu giá” đồng loạt cho các trạm BOT trên toàn quốc sau khi có các phản ứng mạnh về các trạm thu phí BOT mọc lên như nấm trên toàn quốc.
Ông Phùng Xuân Nhạ cũng hết sức biết thức thời cho ăn theo chữ “giá” đang rất nóng khi hùng hồn tuyên bố cho thay “học phí” bằng “ Giá dịch vụ đào tạo”.
Thu theo “Giá” thì giá dịch vụ đào tạo của ông Nhạ thì có thể sinh viên học sinh phải cõng luôn chi phí cho giáo viên, công chức vốn được nhà nước trả lương, chi phí điện nước, chi phí văn phòng phẩm, chi phí xây dựng cơ sở... Và giá cũng sẽ thay đổi theo từng năm, từng học kỳ, từng quý, hay từng tháng vì lạm phát, vì chi phí tăng.
Ai cứ cười ông Nhạ, ông thể ngô nghê về ngôn ngữ thôi là nhầm. Các ông quan thượng thư ấy khôn ra phết khi biết cách tận thu cho nhà nước.
Chuyện lớn hoá nhỏ bằng trí trá ngôn từ
Ngày 22 tháng 5, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm chống ngập TP) đã tuyên bố với báo chí rằng “ngoài 10 tuyến ngập sâu thì 22 tuyến đường trên chỉ…'tụ nước' ”. Từ tụ nước được chế ra để chỉ cho khu vực có mặt đường có nước tụ lại thấp hơn 10cm mà theo ông Long đã có trong văn bản số 338/BXD - KTQH của Bộ Xây dựng.
Thật nực cười từ ngữ mới lạ được đưa ra nhằm làm cho vấn đề bớt nghiêm trọng, giảm đi tính nghiêm trọng của việc ngập nước mỗi khi có một trận mưa lớn ở Sài gòn. Họ đã tự “dễ dãi hoá” và “đơn giản hoá” công việc mà dân chúng đang phải còng lưng đóng thuế trả lương cho họ.
Ông phó Chủ tịch UBND Thành phố đã nói “ ngập thì nói là ngập, không nói tụ nước.” Nên sau đó cũng may là quan chức ở sở này còn biết rút lại lời mà không giải thích vòng vo hơn nữa để làm trò cười cho thiên hạ khi như khi quan chức ngoài trung ương giải thích chữ giá.
Cục Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 26 tháng 5 cũng đã phát minh cụm từ “ bay chưa đúng giờ”. Cục phó Võ Huy Cường, cho biết nhằm hướng tới mục tiêu để các dịch vụ hậu cần kỹ thuật ngày càng phục vụ hành khách tốt hơn, hướng tới các chuyến bay đúng giờ (on-time performance), Cục không dùng cụm từ "chậm, huỷ chuyến" (delay, cancel) nữa.
Ông Cường biết rằng dù bản chất không thay đổi, và để cho phù hợp với xu thế của thế giới, cũng như bớt u ám nên mới phải thay đổi thuật ngữ. Chẳng hiểu xu hướng thế giới là gì trong khi từ Âu sang Á hay từ Phi tới Mỹ Latin họ vẫn chỉ dùng hai chữ Delay và Cancel cho các chuyến bay trễ hay bị huỷ không đúng như lịch trình.
Bay trễ vẫn là trễ, huỷ chuyến vẫn là huỷ chuyến vì bản chất không thay đổi được. Vậy mà tới giờ vẫn không có ông quan nào lên tiếng về việc thay đổi thuật ngữ nhằm mục đích giảm nhẹ bản chất và lừa dối tình trạng chuyến bay với người dân của hãng Hàng không quốc gia “ bay chưa đúng giờ”.
Xảo ngôn
Ngày 26 tháng 5, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khi nói về thuế tài sản trước Quốc Hội đã cho biết “sẽ nghiên cứu theo hướng tạo công bằng xã hội, trên cơ sở quản lý xã hội, định hướng thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch tài sản, đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng; mục tiêu tăng thu ngân sách là mục tiêu thứ yếu”.
Tới đây thì mức độ xảo ngôn đã đạt đến đỉnh. Muốn thu thuế từ người dân sở hữu căn nhà giá 700 triệu trở đi để chống tham nhũng hàng ngàn tỷ thì chống bằng cách nào khi ngân sách đang mục ruỗng, nợ công đã ở mức báo động, quỹ bảo hiểm cũng đã cháy. Thà cứ thẳng thắn là ngân sách cạn kiệt rồi vì tham nhũng nên cần có tiền để đảo nợ có khi lại còn dễ nghe hơn.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Ngân sách Quốc hội Đinh Văn Nhã trong ngày cuối cùng của tháng 5 khi được hỏi về tính minh bạch của hệ thống ngân sách đã trả lời rất hùng hồn: “Tôi cảm thấy là ngân sách của ta không còn gì là không minh bạch nữa rồi, đã là đỉnh cao của quốc tế, đỉnh cao về minh bạch. Truyền hình trực tiếp buổi thảo luận về dự toán ngân sách nhà nước thì không còn gì là không minh bạch nữa.” 
Minh bạch của Việt Nam đã ở đỉnh cao về minh bạch như thế thì làm gì có chuyện tham nhũng để mà chống? Nếu đúng là như thế, thì nhà to, xe kềnh, tài sản khủng chìm nổi đúng thật là do nuôi heo, làm chổi đót, chạy xe ôm mà có. Còn các dự án thất thoát hàng ngàn tỷ, vốn đội lên hàng ngàn lần, hay chỉ số minh bạch của Việt Nam đội sổ thế giới đúng là do lỗi cơ chế hoặc là do phản động nó đưa tin thôi.
Mở đầu cho việc cho nước ngoài thuê đất 99 năm đang được bàn luận trong những ngày cuối tháng 5, từ tháng 4 Thủ tướng kiến tạo đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố khi cho phép lập đặc khu rằng “ bảo đảm trật tự xã hội, không để “cò đất”, xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn.”
Thật quý hoá quá, thủ tướng đã lo chặn đầu việc cò đất - xã hội đen bất động sản từ khi chưa có đặc khu, còn nhóm lợi ích có thâu tóm đất đai thì sẽ không sao vì đâu có nằm trong nhóm có nguy cơ lộng hành.
Tại các phiên họp Quốc hội trong cuối tháng 5 và đầu tháng 6 bàn thảo Luật Đặc khu trong đó có điều khoản cho thuê đất 99 năm. Ba điểm trọng yếu từ Bắc tới Nam sẽ được giao cho ngoại bang sử dụng theo mô hình đặc khu của Thâm Quyến dù họ chỉ cho thuê đất có 20-30 năm. Việt Nam chơi sang hơn cho thuê luôn 99 năm.
Chỉ với một Formosa được thuê đất ở Hà tĩnh với giá bèo trong 70 năm mà chính quyền đã chẳng làm gì được khi họ xả thải, đã vì bênh Formosa mà mạnh tay đàn áp người dân biểu tình phản đối việc huỷ hoại môi trường của nhà đầu tư. Vậy thì khi cho thuê đất tới 99 năm để hình thành đặc khu với cơ quan hành chính riêng thì họ làm gì chính phủ đời thủ tướng nào cũng không thể can thiệp.
Từ ngữ chuyên môn của nhà nước thống nhất là cho thuê đất 99 năm, nên nếu muốn hiểu cho đúng thì phải hiểu đó là hình thức nhượng địa một cách tự nguyện trong thời gian một thế kỷ. Dân tình, nhân sỹ trí thức có phản đối gì thì đó đã là quyết định của chính phủ, chủ trương của Đảng … Đặc khu sẽ vẫn cứ được hình thành!
Có xót xa không khi chỉ biết chép miệng như Khổng tử : Xảo ngôn loạn đức”.


VÌ SAO CÁCH NÓI 'THU GIÁ' SẼ KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC CHẤP NHẬN ?

HẢI VĂN/ Viettimes 2-6-2018



VietTimes-- Mấy chữ “trạm thu giá”, “thu giá dịch vụ giáo dục” đã gây bão dư luận vì với tư cách là một cụm từ thông dụng, nó trái với ngữ pháp của tiếng Việt toàn dân; còn với tư cách là thuật ngữ của khoa học kinh tế-tài chính, nó cho thấy người đặt thuật ngữ, và những ai tham mưu đưa nó vào các văn bản quy phạm pháp luật, đã kịp quên hết những định nghĩa về giá trong kinh tế học đại cương, nhất là kinh tế học Marxist.

Trong tiếng Việt toàn dân “giá” không bao giờ là tên gọi của một cái gì cụ thể, hữu hình để con người có thể “thu” được
Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày cũng như trên sách báo, giấy tờ và biển hiệu của người Việt ta, xưa nay và ở đâu cũng vậy, giá hay giá cả bao giờ cũng chỉ có nghĩa là kích thước hay trị số hay độ lớn (amount, magnitude) của cái khoản tiền mà người mua phải trả cho người bán theo thỏa thuận, để được sở hữu hay tiêu dùng một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó. Ta chỉ có thể thu được một “khoản tiền” hay một “khoản tiền có độ lớn là hai triệu” chẳng hạn, chứ không thể nào thu được độ lớn của khoản tiền đó (cần lưu ý, khi ta nói “thu 2 triệu đồng” thì đó chỉ là cách nói tắt của “thu một khoản tiền 2 triệu đồng”, chứ nói một cách nghiêm ngặt thì “2 triệu đồng” là thứ không thể thu; tương tự ta chỉ có thể nói “nhấc một bao gạo 50kg” chứ không thể nói “nhấc 50kg” trống không).
“Giá” tức “Độ lớn” của khoản tiền phải trả khi mua một đơn vị hàng hóa hay dịch vụ, nói thật nghiêm ngặt, chỉ là một thứ vô hình, không màu, không mùi, không vị, không có cân nặng, và đương nhiên không chứa đựng một nguyên tử vật chất nào bên trong cho nên con người không bao giờ có thể thu được nó một cách trực tiếp để có thể nói hay viết ra những từ tổ kỳ dị như thu giá, trạm thu giá, làn thu giá tự động , thu giá dịch vụ giáo dục hay thu giá dịch vụ y tế.
Nói thu giá của một sản phẩm hay một dịch vụ nghe cũng “chướng tai” tương đương với nói nhốt chiều cao hay giam cân nặng của một anh Tèo nào đó. Giá hay chiều cao hay cân nặng đều chỉ là những sản phẩm trừu xuất của trí tuệ con người. Ta chỉ có thể nghĩ hay nói và viết về nó, nhận thức nó bằng suy nghĩ chứ không bao giờ có thể sờ mó, cầm nắm, tức không bao giờ có thể nhốt, giam hay “thu” nó được.

Vì sao cách nói “thu giá” sẽ không bao giờ được chấp nhận? - ảnh 1
 “Thu giá” là cách nói phi lý không thể chấp nhận trong tiếng Việt
Giá trong kinh tế học, nhất là kinh tế học của Karl Marx
Đó đây đang có người nói rằng không ai cấm chúng ta đặt ra những thuật ngữ mới  cho những khái niệm quen thuộc, miễn sao nội hàm của khái niệm phải được định nghĩa thật minh xác. Những người ấy quên rằng khi một thuật ngữ đã được dùng một cách vững chắc để chỉ một khái niệm nào đó quen thuộc thì không còn có thể đem dùng nó để đặt tên cho một khái niệm khác cùng thuộc một chuyên ngành hẹp mà lại có nội dung khác hẳn.
Nếu đã từng đọc Karl Marx ở mức nhập môn (và thực sự thuộc bài) thì hẳn phải nhớ khi cần đo lường giá trị của một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó con người có thể dùng nhiều loại thước đo khác nhau như thước đo bằng vàng, thước đo bằng trâu, thước đo bằng chim câu, v.v. Chẳng hạn:
X cái xe máy           = A con trâu
= B con chim câu
= C gram vàng
v.v.,
Ở đây, giá trị của 1 cái xe máy sẽ bằng phân số A/X nếu đo giá trị bằng trâu (đơn vị con), bằng B/X nếu đo giá trị bằng chim câu (đơn vị con), hay C/X nếu đo giá trị bằng vàng (đơn vị gram).
Nhưng cái thước đo giá trị phổ biến nhất, được chấp nhận rộng rãi nhất và được nhà nước bảo hộ chính là thước đo tiền tệ:
1 xe máy                 = 1,5 triệu VNĐ
Trong phép đo này, xe máy là thứ có giá trị cần đo lường, tiền VNĐ là thước đo, còn giá cả 1,5 triệu đồng là số đo (kết quả) thu được khi tiến hành phép đo giá trị của chiếc xe máy bằng cái thước đo tiền VNĐ.
Tương tự, khi nói giá của một quả táo là 5 ngàn VNĐ thì ở đây quả táo là vật cần đo giá trị, tiền Việt Nam đồng là thước đo, còn “5 ngàn đồng" chính là kết quả (số đo) của phép đo vậy.
Còn khi nói giá của việc sử dụng một đoạn cao tốc chẳng hạn Pháp Vân-Cầu Giẽ là 45 ngàn đồng cho xe hơi 5 chỗ, thì dịch vụ sử dụng cao tốc là thứ cần đo giá trị, tiền Việt Nam đồng là thước đo, và 45 ngàn đồng chính là kết quả (số đo) của phép đo.
Ta chỉ có thể cầm nắm, thụ đắc, sở hữu, sử dụng cái thứ được đem ra đo giá trị hay cầm nắm cái khoản tiền phải trả để mua dùng thứ đó, chứ không thể cầm nắm sờ mó hay thu về cái “số đo”, tức cái kết quả (thuần túy về mặt lượng) của phép đo.
Nói “thu giá”, nếu như có cách nói gây cười đó trên đời, chỉ có thể là nói đến việc thu cái số đo giá trị của một sản phẩm hay dịch vụ nào đó khi được đo bằng cái thước tiền mà thôi. Đó sẽ là việc thu về một con số mà người nộp sẽ nói ra bằng miệng, hoặc biên ra một tờ giấy; tức là thu về mấy chữ “30 ngàn đồng” chẳng hạn chứ không phải là thu về một khoản tiền 30 ngàn đồng. Thuật ngữ Thu giá”chỉ được chấp nhận nếu nó được dùng để chỉ cái hoạt động thu mấy con số A/X, B/X, C/X... như bên trên vừa phân tích.
Nếu đã từng học qua vài tháng kinh tế chính trị học Marxist (và vẫn chưa kịp quên đi tất cả), các tác giả thuật ngữ sẽ luôn nghe văng vẳng bên tai lời của Karl Marx khi ông phân tích về Tiền, hay lưu thông hàng hóa : “Trong chức năng làm thước đo giá trị thì tiền chỉ được dùng với tư cách là tiền trong trí tưởng tượng, hay tiền trên ý niệm mà thôi [tức không bao giờ có thể thu được]”.
Và người khổng lồ của thế kỷ XIX đã cảnh báo thêm “Tình hình này đã đẻ ra những học thuyết điên rồ nhất về tiền.” !
Không thể lẫn lộn giá với phí
Nói ngắn gọn thì phí là một khoản tiền cần nộp khi mua dùng một dịch vụ gì đó, còn giá là mức nộp. Ta chỉ có thể thu về một khoản tiền vì lý do ABC nào đó chứ không thể thu về cái “mức nộp” tức cái “độ lớn” của khoản nộp, như bên trên đã phân tích.
Từ những phân tích trên, có thể kết luận: “thu giá” là cách nói phi lý không thể chấp nhận trong tiếng Việt thường nhật cũng như tiếng Việt của những khoa học chuyên ngành./.

CÔNG CUỘC 'GIẢI THOÁT RÁC CHỮ' VÀ CHUYỆN BỘ TRƯỞNG 'XIN LỖI'

BÙI HOÀNG TÁM/ DT 5-6-2018
 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lần đầu đăng đàn đã nhận được hàng núi câu hỏi về các bất cập xảy ra của ngành Giao thông Vận tải thời gian qua như trạm BOT, tai nạn đường sắt, đường bộ…
Tuy nhiên, có một chuyện nhỏ, rất nhỏ từng xôn xao dư luận nhiều ngày qua cũng được nêu lại tại cuộc chất vấn này. Đó là xung quanh cụm từ “thu giá”.
Theo báo Vietnam Net ngày 4.6 cho biết: "Ngay vào phiên chất vấn, Bộ trưởng GTVT bày tỏ: "Tiếp thu ý kiến của cử tri, dư luận xã hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ đang có phương án trình Chính phủ thay đổi tên gọi trạm thu phí BOT bằng một tên mới phù hợp với pháp luật và các yêu cầu". Nghe vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân liền nói: "Tên cũ không có vấn đề gì thì nên chuyển tên trạm thu giá về tên cũ là được, không cần chờ trình Chính phủ, chờ trình lâu lắm!"".
“Trả lại tên cho em”. Câu chuyện đơn giản vậy thôi, song nó từng khiến dư luận xôn xao bàn tán và người viết bài này thì trăn trở với nhiều câu hỏi.
Thứ nhất là cái từ “thu phí” nó rõ ràng, dễ hiểu và đúng bản chất vấn đề như vậy thì không hiểu tại sao bộ GTVT lại thay nó bằng hai từ “thu giá” vừa vô nghĩa, vừ ngô nghê mà nói như Nhà báo Lương Phán là “xả rác chữ” làm ô nhiễm môi trường?
Rồi chẳng hiểu sao mà cái từ “giá” lại được tới hai vụ Tư lệnh ngành đều quan tâm sử dụng. Cùng với Bộ trưởng Thể, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng muốn thay học phí thành “giá dịch vụ đào tạo”?
Thứ hai, một việc đơn giản như thế nhưng nó chỉ chấm dứt khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn báo chí thì tốn rất nhiều giấy mực?
Thứ ba, Giao thông là huyết mạch quốc gia, giao thông phát triển thì đất nước mới phát triển. Nhiệm vụ quan trọng nhất của vị tư lệnh ngành là mở những con đường mới cho giao thông thông suốt, cho tai nạn bớt xảy ra, cho hoạt động BOT hiệu quả… còn việc tìm những từ mới thì nên dành cho ngành khác đúng chức năng hơn. Sao Bộ GTVT lại… “rỗi hơi” đi “khai mở chữ nghĩa” thế nhỉ?
Tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng Thể đã nhiều lần “xin lỗi”. Song, có lẽ cử tri không muốn thấy những lời xin lỗi bởi một khi phải “xin lỗi”, tức là sự việc đã diễn ra rồi.
Mong lắm những lần sau, cử tri không còn “phải” nhận từ Bộ trưởng những lời xin lỗi quen thuộc đến nhàm chán mà thay vào đó, là những yếu kém đã được khắc phục, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám

NHỮNG NỘI DUNG CẦN LƯU  Ý TRONG DỰ LUẬT  VỀ BA ĐẶC KHU

VĨNH LONG/TTVN/  BVN 4-6-2018
Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (tạm gọi là Dự luật về 3 đặc khu) bắt đầu được Quốc hội thảo luận vào ngày 23/5, dự kiến thông qua vào cuối kỳ họp.
Được đánh giá là một dự án luật quan trọng, ảnh hưởng lớn tới địa chính trị, kinh tế và đời sống xã hội Việt Nam, tuy nhiên, dự luật còn nhiều điểm chưa hợp lý. Trong đó bao gồm nhiều quy định ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược và phân quyền về hoạt động tư pháp ở đặc khu.
Về thời hạn sử dụng đất, Điều 32, Chủ tịch UBND đặc khu được quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu tối đa 70 năm. Đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài tới 99 năm, do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Quy định này vượt Luật Đất đai, cũng cho phép Thủ tướng có quyền vượt trên Luật Đất đai.

Điều 126 Luật Đất đai quy định thời hạn giao đất sử dụng tối đa là 50 năm. Trong trường hợp đặc biệt, “dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn”, thời hạn giao đất, cho thuê đất được kéo dài 70 năm.
Về đầu tư ngân sách nhà nước, Điều 33, Nhà nước chi ngân sách nhà nước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
Trường hợp ngân sách nhà nước không bố trí được kinh phí để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được ứng kinh phí để thực hiện. Khoản tiền ứng trước sẽ trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án đầu tư.
Nhà nước cũng chi ngân sách đầu tư các dự án đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu tái định cư và các công trình khác để thực hiện quy hoạch đặc khu. Trường hợp NN không bố trí được ngân sách, nhà đầu tư sẽ ứng kinh phí cho NN để thực hiện. Khoản ứng trước sẽ trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án, hoặc NN thanh toán bằng quỹ đất trong khu vực đặc khu.
Tuy nhiên, Điều 43 quy định nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp tại đặc khu: áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm kể từ khi có doanh thu, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Chỉ doanh nghiệp đầu tư bất động sản tại đặc khu (trừ đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội) mới áp thuế suất 17% trong 5 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế nhưng không quá năm 2030.
Ngoài ra, còn hàng loạt các khoản miễn thuế khác, như miễn thuế nhập khẩu hàng hóa đầu tư (Điều 41); miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm và giảm 50% sau đó (Điều 40); miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa cho cả thời hạn thuê đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế tại Phú Quốc.

Vậy ngân sách nhà nước lấy đâu ra tiền?

Về ngân sách đặc khu. Điều 39, “Ngân sách đặc khu được bội chi để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định bằng các nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vay trong nước khác“. Cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào?
Mức dư nợ vay (hạn mức vay để bội chi ngân sách) của ngân sách đặc khu không vượt quá 70% ngân sách thu. Tức nếu ngân sách thu 10 đồng, các đặc khu có hạn mức vay 7 đồng để chi tới 17 đồng. Nếu vỡ nợ ngân sách, ai chịu trách nhiệm?
Hiện, mức dư nợ vay lớn nhất do Luật Ngân sách nhà nước quy định là 60% ngân sách thu (đối với của Hà Nội và TP.HCM), các tỉnh địa phương từ 20-30%.
Chủ tịch UBND đặc khu được trao rất nhiều quyền, quyền lựa chọn nhà thầu (Điều 37), quyền miễn thuế thuê đất, thuê mặt nước tối đa 30 năm (Điều 45), được ký hợp đồng lao động, tuyển công chức, ra quy định về hỗ trợ về nhà ở cho cán bộ, công chức trong các cơ quan của chính quyền địa phương ở đặc khu (Điều 47).
Cũng Điều 47, cán bộ, công chức làm việc trong chính quyền địa phương ở đặc khu cam kết làm việc ít nhất 10 năm được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Chủ tịch UBND đặc khu. Công chức qua tuyển dụng làm việc 5 năm liên tục trở lên khi chuyển công tác sang các cơ quan, tổ chức khác của NN, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển.

Cơ chế nào để hạn chế tình trạng chạy thầu, miễn thuế, chạy chức, lách luật hưởng đặc quyền? Làm cách nào để vùng đặc khu không trở thành “rốn” tham nhũng chính sách?

Chủ tịch UBND tỉnh có quyền giới thiệu nhân sự Chủ tịch UBND đặc khu cho HĐND đặc khu bầu, cũng như đề nghị để HĐND đặc khu xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch UBND đặc khu (Điều 83).
Việc phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch UBND đặc khu do Thủ tướng quyết định (Điều 80).

Về nhân sự lao động, quy định cư trú:

Điều 46, người lao động nước ngoài là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành được làm việc dưới 90 ngày và cộng dồn 180 ngày một năm không cần giấy phép lao động.
Người lao động nước ngoài là lao động kỹ thuật được thời gian làm việc dưới 30 ngày và cộng dồn 90 ngày trong 1 năm không cần cấp giấy phép lao động.
Ngoài các quy định chung, Điều 54, 55, 56 quy định về cơ chế, chính sách đặc biệt khác tại lần lượt đặc khu Vân Đồn, đặc khu Bắc Vân Phong, đặc khu Phú Quốc.
Đáng chú ý, Điều 54, người nước ngoài hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa tại đặc khu Vân Đồn có thể được cấp thị thực có giá trị nhiều lần với thời hạn 12 tháng; trường hợp có giấy phép lao động thì thời hạn thị thực phù hợp thời hạn của giấy phép lao động.
Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực (visa) với thời hạn xác định; trường hợp có nhu cầu đến các địa điểm khác của tỉnh Quảng Ninh để du lịch thì làm thủ tục thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam.
Điều 55, Chủ tịch UBND đặc khu Bắc Vân Phong được quyền quyết định thành lập cơ quan quản lý cảng biển. Hàng hóa được phép trung chuyển qua cảng biển được vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam để xuất khẩu qua cửa khẩu khác hoặc xuất khẩu trực tiếp.
Điều 56, cá nhân có dự án đầu tư từ 110 tỷ đồng trở lên tại đặc khu Phú Quốc được cấp thẻ tạm trú 10 năm.
Theo Điều 38, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, thẻ tạm trú có thời hạn lâu nhất là 5 năm.
V.L.
HỌ ĐANG RẮP TÂM LÀM CHO BẰNG ĐƯỢC ?
FB MẠNH KIM / viet_studies 4-6-2018
Nếu các tập đoàn Trung Quốc đổ bộ vào ba đặc khu Việt Nam thì họ được quyền kinh doanh những gì? Có rất nhiều lĩnh vực “nhạy cảm” mà doanh nghiệp trong nước lâu nay vẫn bị làm khó thì đặc khu sẽ mở rộng toác cửa để “nhà đầu tư” Trung Quốc thâm nhập. Dựa vào “Phụ lục 4: Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu (Ban hành kèm theo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc)”, Trung Quốc có thể kinh doanh vài hoặc tất cả trong tổng cộng 131 danh mục sau:
  • Kinh doanh các loại pháo, trừ pháo nổ
  •  Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị
  •  Kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng
     (Chú thích của người viết: Vũ khí quân dụng sản xuất cho ai? Cho Trung Quốc, hay Việt Nam, hay có thể xuất khẩu đến nước khác? Việt Nam trở thành nơi mà Trung Quốc có thể sản xuất vũ khí dùng để bảo vệ Trung Quốc và dùng để tấn công Việt Nam nếu cần?)
  •  Kinh doanh dịch vụ đòi nợ
  •  Hành nghề luật sư
  • Hành nghề công chứng
  •  Hành nghề giám định tư pháp trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả
  •  Kinh doanh chứng khoán
  •  Kinh doanh bảo hiểm
  •  Kinh doanh xổ số
  •  Kinh doanh casino
  •  Kinh doanh dịch vụ đặt cược
Rồi:
  • Kinh doanh xăng dầu
  •  Kinh doanh khí
  •  Kinh doanh dịch vụ nổ mìn
Kể cả:
  • Hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại
  •  Kinh doanh vàng
  •  Kinh doanh rượu
  •  Kinh doanh sản phẩm thuốc lá
  •  Kinh doanh khoáng sản
  •  Kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp
  •  Hoạt động dầu khí
(Trung Quốc có thể khai thác dầu khí ở các mỏ dầu Việt Nam và các mỏ khoáng sản Việt Nam?)
Thậm chí:
  • Kinh doanh cảng hàng không, sân bay
  •  Kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
(Trung Quốc được quyền khai thác sân bay Việt Nam hay họ có quyền xây sân bay để phục vụ cho họ? Có nguy cơ nào dẫn đến việc những sân bay này trở thành sân bay quân sự của Trung Quốc?)
Còn nữa:
  • Kinh doanh dịch vụ bưu chính
  •  Kinh doanh dịch vụ viễn thông
  •  Hoạt động của nhà xuất bản
  •  Kinh doanh dịch vụ phát hành xuất bản phẩm
  •  Kinh doanh dịch vụ mạng xã hội
  •  Kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền
  •  Kinh doanh dịch vụ thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp
  •  Kinh doanh dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, mạng Internet
(Ai kiểm soát việc phát hành và kiểm duyệt nội dung sách báo in bằng tiếng Hoa của các tập đoàn truyền thông Trung Quốc? Việt Nam làm gì nếu sách báo do Trung Quốc in ấn và phát hành tại Việt Nam đề cập đến đường lưỡi bò? Ai kiểm duyệt nội dung các chương trình “phát thanh, truyền hình trả tiền”; nếu các chương trình này ra rả những show giải trí bôi nhọ Việt Nam hoặc kích động chủ nghĩa ái quốc Trung Quốc ngay trong lòng Việt Nam? Ai chịu trách nhiệm nếu một mạng xã hội Weibo phiên bản Việt Nam trở thành nơi mà ngày đêm người Trung Quốc kích động chủ quyền biển đảo theo “tinh thần” Bắc Kinh?...)
Chưa hết, tập đoàn Trung Quốc còn có thể:
  • Kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền ".vn"
  •  Kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động
  •  Kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
  •  Kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim (Những “Biển Đỏ” sẽ được chính thức phát hành tại Việt Nam, tại các đặc khu, và Việt Nam không thể làm gì à?)
  •  Kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường
  •  Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (Trung Quốc mặc sức đưa du khách sang Việt Nam sao?)
  •  Kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu (Sẽ có những chương trình nhảy múa ca tụng Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình phát sóng ngay tại Việt Nam?)
Và còn nữa, Trung Quốc còn được phép:
  • Mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (Rồi ai sẽ kiểm soát các cuộc chảy máu cổ vật?)
  •  Nhập khẩu phế liệu (Ai chịu trách nhiệm khi Việt Nam biến thành bãi phế liệu nhập từ Trung Quốc?)
Có thể những diễn dịch trên là “quá lo xa” nhưng có thể thấy rõ rằng toàn bộ nội dung “Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc” đã được soạn, để "trình Quốc hội”, bằng một thái độ hời hợt cực kỳ nguy hiểm. Những người cố vấn hoặc chủ trương soạn dự luật này, hoặc quá thiếu hiểu biết về nhiều mặt trong đó có pháp lý, hoặc họ bất chấp đến mức chẳng cần quan tâm đến chủ quyền. Họ cần tiền đến mức có thể bán rẻ quốc gia vậy sao? Hay họ đang rắp tâm làm điều gì đó khác thậm chí nguy hiểm hơn vạn lần?

CHO THUÊ ĐẤT 99 NĂM : 'ĐẠI BÀNG' BA ĐỜI XÂY Ổ

NGUYỄN KHẮC GIANG/ TVN 4-6-2018

TVN -Quy định thời hạn cho thuê đất kéo dài lên đến 99 năm, hoàn toàn có thể biến chủ thuê đất trở thành “lãnh chúa” trong địa hạt của mình.
Shannon là một sân bay cỡ vừa tại Ireland, là trạm trung chuyển và tiếp nhiên liệu cho nhiều chuyến bay xuyên Đại Tây Dương từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Thế nhưng với công suất máy bay ngày càng tăng, số chuyến trung chuyển ngày càng giảm dần, kéo theo sự suy tàn của khu vực này. Để cứu vãn tình hình, giám đốc Shannon đề xuất xây dựng khu vực sản xuất có ưu đãi thuế quanh sân bay. Năm 1959, khu kinh tế mở Shannon ra đời, là “Đặc khu kinh tế” (SEZ) đầu tiên trên thế giới và là hình mẫu cho các SEZ phát triển mạnh mẽ ở châu Á.
Nhưng đó là câu chuyện của 60 năm trước. Hiện nay, Quốc hội vẫn đang thảo luận rất gay gắt về dự luật Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, và dự kiến sẽ thông qua ngay trong kỳ họp này. Trong một bản dự thảo chi tiết gồm 85 điều, thứ đọng lại với người đọc vẫn chủ yếu là những ưu đãi, đặc biệt liên quan đến thuế má và đất đai.
Về thuế, ở đặc khu thuế doanh nghiệp chỉ còn 10% (so với mức 20% thông thường), miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 05 năm (không quá năm 2030), và giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong các năm tiếp theo, miễn tiền thuê đất vô thời hạn hoặc tối đa 30 năm…Đây là những ưu đãi vô cùng hấp dẫn nếu so sánh với cách chính sách hiện hành.
Thế nhưng ưu đãi về thuế và đất đai không phải là không có vấn đề. Cho phép đặc khu thực hiện ưu đãi vượt khung, liệu có công bằng với 63 tỉnh thành khác cũng đang rất nỗ lực để thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng không được phép tạo cơ chế như vậy?
Hơn nữa, thuế luôn là nguồn chính cho ngân sách địa phương. Một khi nguồn thu này ở đặc khu không còn hoặc rất không đáng kể, ngân sách trung ương chắc chắn sẽ phải bù đắp thiếu hụt. Trong khi đầu tư vào đặc khu là canh bạc vô cùng tốn kém. Bộ Tài chính ước tính ba đề án đặc khu cần tới 1,57 triệu tỷ đồng (khoảng 70 tỷ USD), Vân Đồn cần 270 nghìn tỷ (2018-2030), Bắc Vân Phong 400 nghìn tỷ đồng (2019-2025), và Phú Quốc 900 nghìn tỷ (2016-2030). Đây là con số khổng lồ, và nếu đặt trong bối cảnh ngân sách trung ương năm nào cũng thiếu hụt, tiền ở đâu để hiện thực hoá tham vọng này?
Chính vì thế, luật đặc khu không thể chỉ chăm chăm nhìn vào ưu đãi. Đặc khu phải thực sự đảm nhiệm đúng vai trò mà Quốc hội kì vọng: trở thành “vườn ươm thể chế”, nơi nhà nước có thể thử nghiệm cách thức quản trị và chính sách mới, khuyến khích đầu tư các công nghệ của tương lai, tạo bệ phóng tăng trưởng cho các miền mà nó đại diện (Vân Đồn phía Đông Bắc, Bắc Vân Phong ở Nam Trung Bộ, và Phú Quốc ở Nam Bộ). Muốn làm được như vậy, đặc khu phải thu hút được các doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên đặt trụ sở hoạt động ở đó. Nhưng cho đến nay, dường như chưa có doanh nghiệp công nghệ cao, logistics nào tỏ ý định đầu tư tại các đặc khu.
“Nồi nào vung nấy”, cách thức ưu đãi sẽ thu hút những đối tượng phù hợp. Tập trung ưu đãi về thuế và đất, sẽ chỉ thu hút được casino, khách sạn, nhà nghỉ…hay là trở thành thiên đường thuế như các hòn đảo vùng Trung Mỹ. Xây dựng đặc khu, suy cho cùng, vẫn là bài toán phát triển lợi ích kinh tế cho quốc gia trong dài hạn. Mong muốn của nhà nước tạo ra hiệu ứng lan toả từ đặc khu để làm đòn bẩy phát triển là chính đáng. Thế nhưng những gì chúng ta thấy ngay cả khi dự luật này chưa được thông qua chỉ là những cơn sốt đất. Một khi sốt đất đi qua, với diện tích hạn chế, chúng ta lấy đâu ra đất để phát triển công nghệ cao, logistics, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin…như kỳ vọng?
Một lo ngại nữa là quy định thời hạn cho thuê đất kéo dài lên đến 99 năm, hoàn toàn có thể biến chủ thuê đất trở thành “lãnh chúa” trong địa hạt của mình. Cần phải nhớ rằng với tiềm lực tài chính lớn, các tập đoàn đa quốc gia – thậm chí được hỗ trợ bởi chính phủ nước ngoài – có đủ khả năng tích góp một lượng lớn đất đai ở đặc khu, đủ để họ tạo ra “quyền lãnh thổ” trên thực tế, tạo ra những vấn đề rất khó xử lý về an ninh – quốc phòng.
Đây là câu chuyện đã diễn ra ở các nước châu Phi và chuỗi đảo dọc “con đường tơ lụa trên biển” như Sri Lanka và Maldives, khi các công ty Trung Quốc thu mua/thuê lại một lượng lớn đất đai. Đọc dự thảo Luật trình Quốc hội, tôi chưa thấy quy định nào có thể ngăn ngừa được rủi ro này. Chúng ta mở đặc khu với tâm thế cởi mở, tự do, hướng ra thế giới, nhưng rõ ràng cũng cần phòng ngừa những bất trắc có thể xẩy ra. Cùng thời điểm Quốc hội đang thảo luận về ba đặc khu, cách Vân Đồn chưa đầy 200 hải lý, Trung Quốc cũng đang nỗ lực biến đảo Hải Nam trở thành “đặc khu kinh tế”. Định vị vị trí của các đặc khu chúng ta như thế nào trong bối cảnh đó là một vấn đề cần xem xét kĩ.
Như vậy, điều cần tập trung trong Luật đặc khu không phải ưu đãi kiểu “quy ra thóc” như hiện tại, mà cần nhấn mạnh vào thay đổi những thể chế vốn kìm hãm phát triển kinh tế ở trong nước. Đó là cơ chế quản lý hành chính công rườm rà, kém hiệu quả, thiếu minh bạch; nền kinh tế thị trường chưa được tôn trọng với sự can thiệp quá sâu của nhà nước bằng chính sách và doanh nghiệp quốc doanh; hay môi trường kinh doanh chưa thông thoáng, chưa tạo điều kiện để doanh nghiệp phát huy tối đa năng lực của mình trong thời đại internet và toàn cầu hoá. Nhưng nói như một số đại biểu tại nghị trường, các quy định về thể chế trong dự luật dường như chưa tạo ra được bước đột phá cần thiết, khi phần lớn chỉ trích dẫn các luật hiện hành như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, hay Luật Quản lý công chức.
Kể từ khi SEZ Shannon ra đời, đã có hơn 3000 đặc khu kinh tế dưới hình hài khác nhau xuất hiện trên thế giới. Thế nhưng không phải mô hình nào cũng thành công, và dường như tỷ lệ thành công ngày càng thấp khi quá trình toàn cầu hoá kinh tế được đẩy mạnh, xoá nhoà những lợi thế từng là đặc thù của SEZ như mức thuế ưu đãi hay vị trí lý tưởng. Bởi thế, nhà nước không nên kì vọng quá nhiều về thành công về mặt kinh tế của các đặc khu, mà nhấn mạnh vào tính thử nghiệm thể chế của nó. Khi ít chịu áp lực thành công về kinh tế, nhà nước cũng không cần phải thu hút đầu tư bằng mọi giá và với mọi đối tượng tại các đặc khu. Tự thân các Vân Đồn, Bắc Vân Phong, và Phú Quốc đều là mỏ vàng, đừng để dự luật đặc khu lại hợp pháp hoá việc “bán rẻ như cho” những mỏ vàng đó.
Nguyễn Khắc Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét