Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

20180601. CHƯA THỂ AN TÂM VỚI DỰ LUẬT ĐẶC KHU KINH TẾ !

ĐIỂM BÁO MẠNG
ƯU ĐÃI CHO ĐẶC KHU ĐÃ LỖI THỜI& VIỆT NAM CẦN CÔNG NGHỆ CAO CHỨ KHÔNG PHẢI SÒNG BẠC

Tổng hợp của BVN 1-6-2018

http://media.vinh24h.vn/thumb_x500x/2018/5/31/40/dackhu-0955252-1527732178.jpg
Theo ước tính, Việt Nam cần khoảng 1,5 triệu tỷ đồng để đầu tư cho ba đặc khu kinh tế. Ảnh: minh họa.

1. ƯU ĐÃI CHO ĐẶC KHU ĐÃ LỖI THỜI

Nam Anh
(NDH) Quan điểm lấy ưu đãi thuế và thời hạn cho thuê đất dài để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn đã lỗi thời trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khi vòng đời sản phẩm ngắn lại.
"Cho thuê đất tối đa 99 chỉ có lợi cho đại gia bất động sản", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phản biện trong buổi hội thảo "Chính sách ưu đãi thuế tại các đặc khu: kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị".
Theo bà Lan, với thời buổi công nghệ thay đổi nhanh chóng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, vòng đời của một sản phẩm rất nhanh. "Không nhà đầu tư nào đảm bảo sẽ làm ngành đó, nghề đó và lĩnh vực đó trong thời hạn 90 năm, kể cả 70. Đây là 3 - 4 vòng đời sản phẩm, gần hai thế hệ người Việt", bà Lan phân tích.
Vị chuyên gia cho rằng trong bối cảnh công nghệ liên tục thay đổi, vòng đời và tuổi thọ của các ngành còn chưa rõ, việc Việt Nam mở ra ưu đãi lớn và thời gian thuê đất dài là thừa thãi. Bà Lan đặt vấn đề với thời hạn thuê đất đến 99 năm, khi doanh nghiệp phá sản hoặc chuyển mục đích sử dụng, cơ quan quản lý sẽ xử lý như thế nào?
"Thời hạn cho thuê đất ở các đặc khu tối đa 99 năm là một chính sách rất tệ, không nên áp dụng", bà Lan khẳng định.
Bà cho rằng cơ quan soạn thảo lấy ưu đãi thuế để làm tiền đề thu hút nhà đầu tư và lấy thời hạn cho thuê đất tối đa 99 năm làm cơ sở để các doanh nghiệp lớn có thể "yên tâm" làm ăn là một quan điểm lỗi thời trong thời đại cách mạng công nghiệp này.
Tương tự như việc thu hút FDI những năm qua, chính sách ưu đãi thuế phí đã dồn gánh nặng lên các khu vực kinh tế khác như tư nhân, liên doanh.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết 85% các nhà đầu tư ở Việt Nam khi được hỏi khẳng định các chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết. Các nhà đầu tư quan tâm hơn đến cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và ổn định xã hội. Theo ông Hồ, nhà đầu tư không cần ưu đãi dễ dãi, họ quan tâm đến công bằng, thuận lợi hơn.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cũng cho rằng các chính sách ưu đãi được đề xuất trong dự thảo Luật đều là những ưu đãi dựa trên lợi nhuận mà nhiều quốc gia không còn sử dụng nữa.
Theo ông, dự thảo Luật Đặc khu cần được xem xét lại cẩn trọng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã bỏ các ưu đãi như thuế thu nhập doanh nghiêp, thuế tiêu thụ đặc biêt. Thay vào đó, các nước chuyển sang ưu đãi bằng sự thông thoáng trong tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường.
Sáng 23/5, trong cuộc thảo luận tại hội trường về dự án Luật này, các đại biểu cũng tranh luận gay gắt về các vấn đề liên quan đến ưu đãi và thể chế tại đặc khu. Cuộc thảo luận có hai luồng ý kiến chính, một là, tạm dừng để bàn lại về những thách thức, rủi ro có thể gặp phải. Hai là thông qua luôn và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt, các đại biểu đặt nhiều lo ngại về cơ chế ưu đãi thuê đất lên 99 năm và vị trí "nhạy cảm" của Vân Đồn có thể ảnh hưởng tới tình hình an ninh quốc gia.
N.A.
Nguồn: http://ndh.vn/ba-pham-chi-lan-uu-dai-cho-dac-khu-da-loi-thoi-201805240706134p145c151.news

2. VIỆT NAM CẦN CÔNG NGHỆ CAO CHỨ KHÔNG PHẢI SÒNG BẠC

“Nén bạc” mà các ông trùm sòng bạc sẵn có và sẵn lòng đưa ra có thể đâm toạc mọi… chính sách, mọi ước vọng cất cánh bằng công nghệ trong thời 4.0 này.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, thứ mà Việt Nam cần là công nghệ cao chứ không phải là các casino, do đó trong quy hoạch các đặc khu kinh tế cần phải hướng đến điều này.
"Tôi cho rằng dù ưu đãi tương tự như nhau, nhưng casino không phù hợp để đi cùng với khu công nghệ cao, vì mấy lẽ.
Trước hết, đối tượng phục vụ của hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.
Casino phục vụ vui chơi, giải trí, thậm chí kiếm tiền bằng đỏ đen. Khách hàng của casino đa dạng, phần lớn là nhàn rỗi, thích vui vẻ, náo nhiệt, ưa thử vận mạng bằng may rủi, ít nhất là trong thời gian họ vào chơi ở đó.
Công nghệ cao là việc của những người làm trong kinh tế trí thức, có trình độ, kỹ năng cao, đam mê nghiên cứu, thử nghiệm những cái mới trong các lĩnh vực khác nhau. Khách hàng của công nghệ cao quan tâm đến phát triển, trí tuệ, chất lượng công việc và cuộc sống, những giá trị tốt đẹp và cao hơn cho con người. Phần lớn thời gian người ta làm việc trong yên tĩnh, tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, tranh luận chuyên môn; tất nhiên cũng có những lúc nghỉ ngơi vui chơi nhưng không như khách casino.
Hai loại khách hàng như vậy rất khó có thể sống và làm việc cùng chỗ với nhau 24/24 được.
Hai là, không gian và môi trường hoạt động của hai lĩnh vực này rất khác nhau.
Casino có nhu cầu đặt ở nơi có rất nhiều các dịch vụ vui chơi giải trí khác đi cùng với nó, tạo không gian cho các dịch vụ này cùng nhau làm ăn và moi tiền của những khách hàng muốn được thỏa mãn nhiều thứ thú vui. Cũng có những nguy cơ về tệ nạn, tội phạm, rủi ro cho người làm và người chơi, nên các nước thường đặt casino trong khu vực riêng, có hàng rào bảo vệ tách với “người thường” không tham gia vào đó.

http://media.vinh24h.vn/thumb_x500x/2018/5/31/40/photo1527056279877-15270562798792044881074-5-2328511-1527732183.jpg
Dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 45.000 tỷ đồng.
Các lĩnh vực công nghệ cao lại cần những nơi có nhiều cơ sở dịch vụ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có môi trường tri thức hỗ trợ nhau phát triển. Công nghệ cao cũng cần phải kết nối được với những vùng có các ngành phụ trợ, có các lĩnh vực kinh tế mà nó hướng tới phục vụ như công nghiệp, nông nghiệp…
Do vậy công nghệ cao ở các nước thường được đặt ở trong hoặc sát bên các thành phố, đô thị lớn, nơi tập trung trí thức và lực lượng lao động được đào tạo có kỹ năng. Những trung tâm đó có nhiều các viện nghiên cứu, các trường đại học, tức là có môi trường làm việc giúp công nghệ cao có điều kiện để phát triển.
Hai loại không gian, môi trường đó thật khó tạo lập ở cùng một vùng đất không phải rộng lớn lắm. Thuận cho cái này có thể không thuận, thậm chí bất lợi cho cái kia.
Ba là, yêu cầu đầu tư và khả năng sinh lời của hai lĩnh vực này cũng khác nhau.
Casino có khả năng sinh lời cao nhờ máu đỏ đen của con người và tài kinh doanh của các ông chủ sòng bạc. Thậm chí bây giờ chẳng cần đầu tư mở casino hoành tráng, mà bằng công nghệ và nhờ bảo kê, các ông trùm đã có thể có hàng chục triệu người đánh bạc qua mạng, như vụ xảy ra ở nước ta vừa phát hiện vài tháng trước.
Trong khi đó, công nghệ cao đòi hỏi đầu tư tốn kém, rủi ro cao, suất sinh lời có thể là số không trong thời gian dài trước khi có sản phẩm thương mại hóa được. Vì vậy mới cần đến các quỹ đầu tư mạo hiểm, các hãng lớn, các chương trình quốc gia do chính phủ bảo trợ cho công nghệ cao, cho R & D ở hầu khắp các nước.
Với sự khác nhau như vậy thì khi cùng được ưu đãi, thậm chí với mức thấp hơn, casino vẫn rất dễ “đuổi cổ” công nghệ cao ra khỏi vùng lãnh thổ mà nó muốn chiếm. “Nén bạc” mà các ông trùm sòng bạc sẵn có và sẵn lòng đưa ra có thể đâm toạc mọi… chính sách, mọi ước vọng cất cánh bằng công nghệ trong thời 4.0 này.
Bốn là, kinh nghiệm các nước khác.
Nhìn sang các nước đi trước, ta dễ dàng thấy họ tách hai việc phát triển casino và phát triển công nghệ cao với nhau như thế nào.
Ở Mỹ, có Las Vegas dành cho đánh bạc, còn thủ phủ của công nghệ cao ở thung lũng Silicon hoàn toàn tách biệt, chứ không có nhà đầu tư nào bỏ Silicon để đi làm công nghệ cao ở Las Vegas cả.
Singapore thì đã phát triển các ngành công nghệ khá lâu rồi, và bây giờ đang tiến mạnh vào một số lĩnh vực công nghệ cao thời 4.0 một cách chọn lọc. Khi đã đạt trình độ quản lý rất cao, Singapore mới mở sòng bạc đầu tiên và duy nhất, được xây dựng biệt lập và kiểm soát hết sức chặt chẽ.
Vì bản thân quốc gia này chỉ có quy mô diện tích hạn chế và đã là một “đặc khu kinh tế” rất mở, nên họ có thể có công nghệ cao và casino trong cùng “đặc khu Singapore”, nhưng chớ nên nghĩ ta có thể làm như họ ở 3 đặc khu của mình. Những nước phát triển cao cũng phải kính nể Singapore về tầm nhìn, về trình độ quản trị, về tính khoa học, quy củ trong tổ chức sự phát triển các hoạt động khác nhau trên đất nước này.

http://media.vinh24h.vn/thumb_x500x/2018/5/31/40/daophuquoc27xcfo-6-2330594-1527732211.jpg
Casino được ưu tiên phát triển ở Phú Quốc.
Hiện nay, tất cả các nước phát triển cao cũng như hầu hết các nước phát triển thấp hơn trên thế giới đều tập trung cao độ mọi cố gắng và nguồn lực cho thúc đẩy phát triển công nghệ để có thể tận dụng những gì cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, cũng như khắc phục các thách thức từ cuộc cách mạng này. Đây cũng là lĩnh vực ưu tiên số 1 trong chiến lược và chính sách phát triển của gần như mọi quốc gia. Với các nước đang phát triển, đây là cơ hội hiếm hoi để hóa rồng, mà cũng là thách thức khắc nghiệt do có thể rơi vào cực chậm phát triển nếu không theo được cách mạng công nghiệp 4.0.
Ở nước ta cũng đã có các nghị quyết của Đảng và nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ cao được khẳng định là ưu tiên trong phát triển cũng như trong thu hút FDI và hợp tác quốc tế.
Không lẽ luật đặc khu lần này, với những ưu tiên vượt trội để góp phần tạo đột phá phát triển, lại không cân nhắc cẩn trọng để rồi công nghệ cao có thể bị casino đẩy ra, và rồi đất nước mình sẽ tạo sự khác biệt trong cạnh tranh với các nước khác bằng cách lấy casino, chứ không phải công nghệ cao, làm lĩnh vực đột phá?!"
Tác giả: Lưu Thúy
Nguồn tin: Báo VTC News
http://vinh24h.vn/chuyen-gia-kinh-te-pham-chi-lan-viet-nam-can-cong-nghe-cao-chu-khong-phai-song-bac-a110691.html

3. ĐẶC KHU KINH TẾ: CHO THUÊ ĐẤT 99 NĂM BẰNG 2 THẾ HỆ NGƯỜI VIỆT

Nguyễn Tuyền

Dân trí "Thời hạn cho thuê đất tại các đặc khu tối đa 99 năm là một chính sách rất tệ, không nên áp dụng. Tôi thử hỏi, với thời buổi công nghệ thay đổi nhanh chóng; Cách mạng 4.0 đang diễn ra, ai dám đảm bảo mình sẽ vẫn làm ngành đó, lĩnh vực đó trong 99 năm bằng gần 2 thế hệ người Việt, 3 - 4 vòng đời sản phẩm".

Tại một hội thảo về các đặc khu kinh tế chiều nay (23/5), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phản biện mạnh mẽ về vấn đề cho thuê đất thời hạn tối đa 99 năm tại Dự thảo Luật Đặc khu (Luật Đơn vị Hành chính kinh tế đặc biệt) do Bộ KH&ĐT soạn thảo, Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này.

huyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Ưu đãi thuế và cho thuê đất được xem là "chiếc đũa thần"
Theo bà Lan, dưới góc nhìn và tính toán, người ta thấy Dự thảo Luật đặc khu đang vướng 2 vấn đề là: lấy ưu đãi thuế để làm tiền để thu hút nhà đầu tư; lấy thời hạn cho thuê đất tối đa 99 năm làm cơ sở để các doanh nghiệp lớn có thể "yên tâm" làm ăn. Tuy nhiên, quan điểm này được xem là lỗi thời, không có tính kế thừa kinh nghiệm và bài học sau 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam.
Bà Lan cho hay: Cơ quan soạn thảo Luật đặc khu nói xây dựng đặc khu để là nơi cải thiện thể chế kinh tế. Tuy nhiên, nếu phải xây dựng cả 3 đặc khu, với số vốn ước khoảng 70 tỷ USD để chỉ là nơi thử nghiệm cải cách thể chế kinh tế thì nguồn lực ở đâu?
"Qua 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam được coi là thành công nhưng chúng ta còn hệ quả chưa đánh giá hết như ưu đãi chính sách khiến chuyển giá, trốn thuế, phân mảnh đầu tư, một quốc gia hai nền kinh tế (FDI và DN trong nước)...", chuyên gia kinh tế này nói.
Theo bà Chi Lan, Việt Nam là nước có kinh tế FDI vô địch trong xuất khẩu,vượt hẳn so với các nước khác về tỷ trọng đóng góp GDP, như Malaysia, Indonesia hay Trung Quốc. Tuy nhiên, FDI đóng thuế lại ngày càng giảm đi, thậm chí chúng ta không thu được thuế.
Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi cho FDI quá nhiều, trong khi đó ưu đãi chính sách cho khu vực trong nước lại giảm, thậm chí thắt chặt, khiến quy mô các DN trong nước bị giảm đi đáng kể, không cạnh tranh được.
Ưu đãi chính sách, thuế cho FDI nhiều do đó gánh nặng thuế, phí dồn cả lên vai các khu vực doanh nghiệp khác vốn nhỏ bé như liên doanh, tư nhân.
"Bên cạnh đó, FDI thời gian qua phát sinh chuyển giá, hơn 5 - 6 năm trước ngành thuế báo cáo có 70% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ nhưng họ vẫn xin mở rộng đầu tư, mở rộng phát triển. Sau này khi Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế vào cuộc thì mới kiểm soát lại được, mỗi năm truy thu hàng nghìn tỷ đồng đồng từ chuyển giá. Nếu tiếp tục lấy thuế làm ưu đãi, chúng ta quản lý được hay không?", chuyên gia này nêu câu hỏi.
Thuê đất 99 năm bằng gần 2 thế hệ, hơn 3 - 4 vòng đời sản phẩm
Cũng theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Các ưu đãi có nhiều nhưng không kiểm soát được tốt, chính sách thuế là điều tiết các ngành kinh tế, ngành nào cần phát triển thì ưu đãi nhiều hơn cho phát triển, đến khi phát triển rồi thì nâng thu dần lên.
Bà Lan nói: "Tôi không hiểu, Dự thảo Luật đặc khu xây dựng các ngành nghề ưu đãi thuế nhiều đến vậy, lúc ban đầu ưu đãi đến 134 ngành, sau đó rút xuống còn 120 ngành và hiện nay là hơn 100 ngành. Ưu đãi này quá dàn trải cho các ngành, liệu chúng ta có quản lý được không và có thu hút được không? và nước ngoài đánh giá ra sao?
Hơn nữa, ưu đãi thuế rất bất cập, các nước không làm như chúng ta. Nếu ưu đãi thuế hiện nay thì ngành cần khuyến khích bậc nhất phải là: Công nghệ cao, giáo dục.
"Cách mạng công nghệ (Cách mạng 4.0) sẽ khiến các vòng đời sản phẩm ngắn lại, và xoay tua nhanh chóng nên tầm nhìn phải đi trước rất nhiều năm. Khi tham gia vào TPP, các chuyên gia nói là lợi nhất của Việt Nam là ngành may mặc khi xuất sang Mỹ, các nước phát triển. Tuy nhiên, nghiên cứu của quốc tế chỉ ra ngành dệt may của Việt Nam không còn tương lai như vậy đâu. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ rõ có thể may mặc VN mất 86% giá trị khi Cách mạng 4.0 diễn ra", bà Lan nói.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh: "Khi máy móc thay thế con người ở những việc giản đơn như may mặc, lắp ráp điện tử sẽ xảy ra quá trình "hồi hương" về các nước phát triển. Nếu chúng ta không thấy rõ tuổi thọ của các ngành đến đâu trong thời đại mở hiện nay thì là việc đưa ra ưu đãi lớn, thời gian thuê đất quá lâu sẽ là thừa thãi".
Bà Lan cho biết: "Thời hạn cho thuê đất tại các đặc khu tối đa 99 năm là một chính sách rất tệ, không nên áp dụng. Tôi thử hỏi, với thời buổi công nghệ thay đổi nhanh chóng dường hàng ngày; Cách mạng 4.0 đang diễn ra, có ai dám đảm bảo mình sẽ vẫn làm ngành đó, nghề đó và lĩnh vực đó trong thời hạn 90 năm hay thậm chí 70 năm? Đây là 3 - 4 vòng đời sản phẩm, gần 2 thế hệ người Việt".
Vị chuyên gia nói thêm: Cho thuê đất 70 năm, đến 99 năm, nếu có rủi ro doanh nghiệp đó phá sản trong thời hạn 10 hoặc 20 năm, họ sẽ chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng. Vậy ai sẽ quản lý đây?
Theo chuyên gia Lan: Nói thẳng ra, cho thuê đất tối đa 99 như Dự thảo Luật Đặc khu chỉ có lợi cho đại gia bất động sản. Còn các lĩnh vực khác, không ai dám "mạnh miệng" cam kết sẽ làm lĩnh vực đó suốt 99 năm, thậm chí 50 năm cũng còn cân nhắc.
Thời hạn cho thuê đất 99 năm được đưa vào chính sách là có bóng dáng của doanh nghiệp bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, không đất nước nào giàu lên bằng bất động sản cả.
So sánh quốc tế, các nước chỉ cho thuê đất trong thời hạn tối đa 50 năm, phổ biến ở hàng loạt các nước khác nhau. Trung Quốc cũng vậy, có những nơi chỉ 20 năm ở 1 số lĩnh vực, 70 năm đã là quá dài rồi.
N.T.
Nguồn: http://dantri.com.vn/kinh-doanh/dac-khu-kinh-te-cho-thue-dat-99-nam-bang-2-the-he-nguoi-viet-20180523190019569.htm

ĐẶC KHU KINH TẾ- MỘT GÓC NHÌN


mage may contain: sky and outdoor

Trên thế giới có cả ngàn đặc khu kinh tế, kể cả các quốc gia giàu mạnh, văn minh. Thành công cũng có mà thất bại cũng nhiều. Cho tới nay, phát triển kinh tế theo kiểu đặc khu vẫn còn gây tranh cãi rất lớn trên các diễn đàn. Mô hình này có gì đặc biệt?
Ta dạo một vòng đặc khu Thâm Quyến - một đặc khu rất thành công của Trung Quốc xem thử họ ra sao?
Một làng chài nằm sát Hong Kong nghèo khổ và cơ cực, sau khi trở thành một đặc khu kinh tế vào năm 1979, nó đã thay da đổi thịt chóng vánh. Với diện tích gần bằng Hà Nội, với dân số xấp xỉ 13 triệu người, Thâm Quyến vươn lên đứng thứ 3 Trung Quốc (sau Bắc Kinh và Thượng Hải) về kinh tế. Tổng thu của Thâm Quyến vượt qua cả Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Nói Thâm Quyến ăn ké Hong Kong thì có vẻ hơi quá nhưng cũng không xa sự thật bao nhiêu. Thực chất người Trung Hoa đã vô cùng khôn khéo trong việc bắt nhịp này. Nắm được Hong Kong & Đài Loan trên đà phát triển đối mặt với quỹ đất vô cùng chật chội và ngày càng đắt đỏ, họ đã khuyến khích các tập đoàn sản xuất lớn của Hong Kong & Đài loan đặt nhà máy ở Thâm Quyến. Foxcom của Đài Loan (lắp ráp cho Apple) là một trong hàng nghìn ví dụ như thế.
Không những tập trung kéo các tập đoàn sản xuất lớn nước ngoài tạo tiền đề thúc đẩy công nghiệp, họ còn ưu đãi đối với riêng các công ty của Đại Lục về thuế, tín dụng và luật khi đặt nhà máy sản xuất tại đây. Thâm Quyến nhanh chóng vươn lên thành một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất Trung Hoa Đại Lục về mọi ngành nghề trong một thời gian ngắn.
Thâm Quyến đã trở thành văn phòng thứ hai vô cùng quan trọng của nhiều tập đoàn công nghiệp nổi tiếng có trụ sở tại Hong Kong, Macao và Đài Loan, tạo thành một vùng kinh tế tư bản giữa một Đại Lục đầy khó khăn, trở ngại và định hướng. Máy móc công nghiệp hiện tại Việt Nam và cả Đông Nam Á đang dùng cũng phần nhiều được xuất cảng tại đây, đối với những ngành hàng cần tới số lượng và không yêu cầu quá cao về chất lượng hay độ chính xác.
Vốn dĩ ôm khư khư mô hình kinh tế định hướng XHCN, quốc gia sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi không được sự hỗ trợ và chuyển giao về công nghệ của các cường quốc công nghiệp và đồng minh. Có những trường hợp đặc biệt, họ không bán máy móc cơ khí chính xác công nghệ cao (có thể chế tạo vũ khí) cho các quốc gia được họ liệt kê là độc tài và ít nhiều, nhân quyền bị giới hạn.
Chính vì lẽ đó, khi muốn mua mới hoặc phụ tùng thay thế, phải luồn lách mua qua trung gian và như vậy, giá thành sản phẩm vô cùng đắt đỏ, sản xuất không bao giờ có lãi. Đây là lý giải một phần cho việc tại sao ốc vít điện thoại nói riêng và các mặt hàng cơ khí chính xác nói chung, ta không thể cạnh tranh với nhiều quốc gia khác. Còn công nghiệp 4.0 mà lãnh đạo đang nói chỉ là ảo ảnh mơ hồ. Khi công nghiệp nền tảng không có, lấy đâu ra 4.0. Họ chỉ nói tào lao cho sướng miệng mà thôi. Trung Quốc với đặc khu công nghiệp Thâm Quyến, một cầu nối với thế giới tư bản, họ đã phần nào giải được bài toán hóc búa này.
Trở lại Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc, trên bản đồ, ta chưa thấy sự thuận lợi tuyệt đối về tuyến đường biển quốc tế qua đây. Bao giờ thì tất cả các đặc khu có đủ sức mạnh về kinh tế và là một Hub hàng hoá quan trọng như Singapore hay Hong Kong để tàu bè lớn trên tuyến đường biển đông đúc bậc nhất thế giới này có thể ghé qua? Chừng nào tàu bè lớn chưa muốn cập cảng thì chi phí hậu cần sẽ vô cùng đắt đỏ. Thâm Quyến còn có một HongKong giàu có kế bên. 3 đặc khu của ta đều đơn độc, hoàn toàn chẳng có thành phố phát triển nào tiếp giáp để tương trợ. Đấy là điều bất lợi vô cùng.
Phát triển đặc khu phải luôn nhờ vào các giá trị thặng dư về công nghệ, sản xuất của các quốc gia tư bản hoặc đồng minh của họ, thêm vào đó một chút du lịch, dịch vụ. Như vậy, ta mới có cơ hội thành công và có lợi về lâu về dài. Ngược lại, nếu chỉ nhìn đặc khu với một con mắt dịch vụ và tài nguyên thiên nhiên như hiện tại chúng ta đã và đang làm, đặc khu kinh tế sẽ là nơi trở nên hỗn mang và tạo điều kiện vô cùng lớn cho các nhóm lợi ích chia sẻ đất đai. Bởi nó là cái đầu tiên mà một người ít trình độ và tầm nhìn vẫn có thể kiếm tiền một cách ung dung, dễ dàng và nhàn hạ.
Nếu có quyền quyết định setup một nhà máy ở khu vực Đông Nam Á, bạn có chọn Vân Đồn, Vân Phong hay Phú Quốc không? Người làm chính sách phải tự đặt ra câu hỏi có góc nhìn ngoài biên giới quốc gia, mới có thể hoạch định được chính xác bức tranh toàn cảnh này. Với một Malaysia thuận lợi, rộng mở. Một Cambodia hay Thái Lan sẵn sàng đón chào kèm theo cơ chế ưu đãi còn hơn đặc khu kinh tế ở ta, liệu bạn có nhắm tới Việt Nam hay không? Cần phải có câu trả lời khách quan cho vấn đề này.
Nếu các tập đoàn công nghiệp trong và ngoài nước không phủ kín được 3 đặc khu này, mô hình kinh tế đặc khu ở ta sẽ là hoàn toàn phá sản. Lúc ấy, một đặc khu với nhiều quyền tự quyết sẽ sẵn sàng nới lỏng tài nguyên thiên nhiên cho các nhóm lợi ích thay nhau xâu xé.
Một nhà nước trong một nhà nước, thậm chí đa sắc tộc cũng chẳng có gì đáng lo. Quân đội của ta hiện nay cũng đang là một thứ từa tựa như thế. Cũng có toà án, VKS, nhà tù và các công ty kinh doanh độc lập. An ninh quốc phòng cũng không phải là điều đáng ngại bởi chủ quyền của ta là không thể phủ nhận. Điều đáng lo hơn cả là bộ óc quản lý, tầm nhìn chiến lược và sự liêm chính của lãnh đạo trung ương. Không có cái nhìn tổng quan dựa trên sự so sánh, nghiên cứu thực tế mà chỉ sao chép, copy một cách vội vàng, hệ luỵ cho con cháu sẽ là những điều tệ hại khôn lường. Thậm chí, hậu quả của nó để lại khó có cơ hội để sửa chữa.
Không dám nghĩ tới một điều rủi ro lớn hơn nhưng với 1 thế kỷ giao đất thì mọi thứ đều có thể xảy ra nếu không nằm trong sự tính toán. Nó đủ thời gian cho những gì bất lợi nhất về chủ quyền lớn mạnh.
N.A.T.
Nguồn: https://www.facebook.com/inbachkhoa/posts/1970534536325284

LUẬT SƯ NGUYỄN TIẾN LẬP: MÔ HÌNH ĐẶC KHU ĐÃ LỖI THỜI

pv TRÍ LÂM/MTG/ BVN 1-6-2018
http://images.motthegioi.vn:8080/media/trilam/24_02_2018/bHVhdC1naWEtbmd1eWVuLXRpZW4tbGFwLW1vLWhpbmgtZGFjLWtodS1kYS1sb2ktdGhvaQ==.jpg
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - Ảnh: Cafef
Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng thay vì đi con đường cũ là xây dựng đặc khu, Việt Nam cần cải cách tổng thể, nhằm trở thành một đất nước thực sự hấp dẫn cho đầu tư và sinh sống của bất cứ ai - chính là biến cả quốc gia thành một đặc khu của khu vực và thế giới.
Nhân dịp Quốc hội thảo luận về đặc khu kinh tế, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhằm cung cấp thêm góc nhìn về vấn đề này.
Đặc khu kinh tế đã lỗi thời
- Thưa ông, mô hình đặc khu kinh tế đã phát triển trên thế giới từ nhiều năm và bối cảnh kinh tế, chính trị cũng khác với sự hội nhập sâu rộng hiện nay rất nhiều, nhưng bây giờ Việt Nam mới thử nghiệm mô hình này thì liệu có cần thiết hay không?
Luật gia Nguyễn Tiến Lập: Trên thế giới có đặc khu kinh tế đầu tiên vào năm 1959 và tới nay có 4.300 đặc khu. Còn Việt Nam thực ra đã thử nghiệm chính sách đặc khu từ năm 1979 với Vũng Tàu - Côn Đảo và sau đó là Khu kinh tế mở Chu Lai.
Cả hai khu này rốt cuộc không mang lại điều gì đáng kể và bị quên lãng. Nay dự luật về đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc đang bị tranh cãi gắt gao, cơ bản là từ góc nhìn chính sách kinh tế và phát triển.
Cá nhân tôi đồng tình với nhiều quan điểm trên thế giới rằng chính sách đặc khu kinh tế hay thương mại đã trở nên lỗi thời.
Bởi thứ nhất, đặc khu là thiết lập không gian tự do trong một môi trường phi tự do. Tuy nhiên, các khuôn khổ pháp lý cho tự do hóa đầu tư và thương mại toàn cầu đã được thiết lập rồi và mỗi nước đều đang cải cách để đạt hội nhập vào cuộc chơi chung thì cần gì phải tạo ra các vùng tự do con con như vậy.
Thứ hai, cách tiếp cận theo hướng tạo thêm ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai, hạ thấp việc bảo vệ quyền của người lao động và tiêu chuẩn môi trường cũng không còn ý nghĩa bởi lợi nhuận từ đầu tư trung và dài hạn không còn đến từ kiểu trục lợi chính sách như vậy.
Thay vào đó là các yêu cầu về sự kết nối của hệ thống hạ tầng chung, chuỗi cung ứng và giá trị liên hoàn quốc gia, khu vực và toàn cầu, và cả sự tôn trọng các giá trị chung về nhân quyền, bảo vệ người tiêu dùng và môi trường toàn cầu nữa.
Tóm lại, điều Việt Nam nên làm hiện nay là hãy cải cách thể chế để hội nhập theo các tiêu chuẩn chung đã cam kết thông qua WTO, BTA và FTA đã ký, qua đó làm cho cả nền kinh tế trở nên hấp dẫn hơn là tạo ra vài cái đặc khu nhỏ bé và mang tính cục bộ.
- Nhưng nếu vẫn quyết làm đặc khu, việc lựa chọn Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc để làm đặc khu với hàng loạt ưu đãi có phù hợp không bởi những địa phương này không cần ưu đãi thì các nhà đầu tư cũng đã đua nhau đến đây rồi, thưa ông?
Có nhiều người đã đặt câu hỏi tương tự rằng nếu lựa chọn mục tiêu thu hút đầu tư cho phát triển thì phải thành lập đặc khu ở các địa phương khác, nơi còn nghèo và tụt hậu chứ không phải Vân Đồn hay Phú Quốc, là nơi đã tràn ngập tiền và phát triển sôi động rồi. Tôi đồng ý với quan điểm đó.
Tuy nhiên, phỏng đoán rằng có lẽ quyết định này dựa trên bài học thất bại của Chu Lai hay Vũng Tàu - Côn Đảo trước kia, nơi cũng dành cho những ưu đãi nhất định mà đầu tư vẫn không đến được. Tức là để bảo đảm chắc chắn cho sự thành công của quyết định, theo cách nói trần tục là chúng ta đang “té nước theo mưa”.
Tuy nhiên, cái tôi e ngại thật sự là đó có phải là đầu tư thực sự, đúng với lĩnh vực và mục tiêu cần đạt được của nền kinh tế hay không, cũng như có gắn với hiệu quả và tác động bền vững hay không?
Ưu đãi là cho tiền, vậy cái thu lại là gì?
- Dự thảo luật cũng đưa ra hàng loạt ưu đãi lớn về thuế, tiền thuê đất trong một khoảng thời gian rất dài. Ông có lo ngại việc ưu đãi này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài kiếm lời ngắn hạn, không thu hút được nhà đầu tư chất lượng dài hạn, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, làm phát sinh tiêu cực như lách luật, trốn thuế, chuyển giá?
Cần nói thẳng ra rằng ưu đãi tức là nhà nước cho tiền, bởi đáng lý thu thì nay không thu nữa. Với nhà đầu tư, đó là được tiền vì cắt giảm chi phí, còn đối với nhà nước là mất tiền vì sẽ không thu được trong tương lai, chưa nói còn là chi phí ứng trước đối với các khoản đáng lẽ thu được ngay từ đầu như tiền thuê đất.
Vậy thì đó phải là bài toán tài chính. Bỏ tiền ra thì sẽ thu được gì? Cá nhân tôi và cũng nhiều chuyên gia kinh tế khác đã không nhìn thấy nhà nước và thậm chí cả nền kinh tế sẽ thu được gì hay ít nhất là cái thu được có tương xứng không, so với các khoản chi và bỏ ra đó.
Còn về cái lý lẽ rằng muốn thu hút đầu tư thì cần có ưu đãi, thậm chí là “ưu đãi vượt trội”, xin thưa, ngoài lý do tôi đã nói thì còn cả cách nhìn nữa. Đó là chúng ta thu hút đầu tư để làm gì?
Với những khoản tiền đầu tư khổng lồ mang vào đâu đó, có thể sẽ làm cho các con số thống kê về thành tích tăng trưởng đẹp hơn một cách nhất thời, nhưng tôi lại thấy nỗi lo lớn bởi tiền đầu tư chảy vào một quốc gia chính là nợ, nếu nó không tạo ra các giá trị gia tăng mang tính hoàn trả và lợi ích phát triển bền vững sau đó.
Do đó, nếu gắn đầu tư với ưu đãi thì đó luôn luôn là đầu tư ngắn hạn và trục lợi, hay về bản chất chính là đầu cơ.
Ngoài ra, đầu tư là kinh doanh và gắn với các quy luật của thị trường, hiểu theo nghĩa môi trường tổng thể chứ không phải cục bộ. Nói một cách khác, để hưởng lợi chính sách, các nhà đầu tư sẽ tìm cách đặt trụ sở doanh nghiệp, tìm kiếm đất đai để đặt ít nhất một phần dự án của họ tại các đặc khu. Tuy nhiên, một cách tự nhiên sẽ có những hoạt động kinh doanh mở rộng và có tính liên kết ở khắp nơi.
Khi đó, không thể tránh khỏi các hoạt động quản trị có tính chất lách luật, chuyển giá, trốn thuế hay thậm chí rửa tiền, trong bối cảnh giảm thiểu sự kiểm soát của chính quyền thông qua hệ thống các cơ quan chức năng đang tồn tại. Thực tế này đã là một bài học được rút ra ở các nước.
- Có nhiều ý kiến lo ngại nhà đầu tư chiến lược sẽ chi phối đặc khu. Thậm chí khi ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược quá, sẽ biến đặc khu thành “con tin” của doanh nghiệp lớn. Quan điểm của ông ra sao?
Tôi cho rằng lo ngại này là có cơ sở. Nếu chúng ta quá chú trọng đến thu hút đầu tư theo kiểu bằng mọi giá thì cái giá phải trả cũng sẽ lớn. Đó là phải chạy theo các đòi hỏi của nhà đầu tư vì lợi ích cá nhân của họ mà giảm nhẹ hay bỏ qua các lợi ích của cả nền kinh tế, người dân và xã hội. Mâu thuẫn hay xung đột lợi ích này sẽ trở thành rủi ro cả về chính trị và pháp lý đối với Nhà nước Việt Nam.
Đặc biệt lưu ý trong trường hợp có các nhà đầu tư quốc tế, hay nhà đầu tư trong nước nhưng hoạt động dưới danh nghĩa pháp nhân nước ngoài. Khi đó, các cam kết của chính phủ Việt Nam, dù là cấp độ chính quyền đặc khu, thông qua các giấy phép và hợp đồng sẽ chịu sự điều chỉnh không chỉ của pháp luật Việt Nam mà cả pháp luật quốc tế.
Hệ quả là bất cứ sự thiếu tôn trọng và vi phạm nào của phía nhà nước, dù trực tiếp hay gián tiếp, dẫn đến gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì đều có thể bị khiếu nại, khởi kiện quốc tế và phải bồi thường. Rủi ro này là nhãn tiền và đã trở thành hiện thực trong mấy năm qua.
- Liệu các đặc khu có trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư khiến các địa phương khác ảnh hưởng, thưa ông?
Điều này theo tôi không đáng lo ngại, chưa nói đến các đặc khu dự kiến là Vân Đồn, Vân Phong hay Phú Quốc chỉ ở quy mô địa lý và hành chính cấp huyện.
Ngoài ra, tiềm năng chung về ngành nghề của các nơi nay cũng khá giới hạn. Xu hướng các nhà đầu tư đến Việt Nam với ý định nghiêm túc và dài hạn càng ngày càng ít quan tâm đến các chính sách ưu đãi của Chính phủ mà là môi trường chính sách vĩ mô tổng thể và một thị trường chung với một trăm triệu dân.
Để kinh doanh theo chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, nhà đầu tư luôn luôn cần sự kết nối với hệ thống hạ tầng, mạng lưới xã hội và doanh nghiệp đối tác, các tổ chức trung gian về tài chính, dịch vụ chuyên nghiệp và nguồn lao động, là những thứ không có ở các đặc khu nhỏ bé kia.
Tuy nhiên, sẽ có thể có một hệ quả khác là sự cạnh tranh tự nhiên về chính sách đầu tư ở cấp địa phương giữa các vùng miền, qua đó tạo ra sự bất ổn vĩ mô nhất định và điều này chưa chắc là tốt đối với tổng thể nền kinh tế.
Thuê đất 99 năm: Đầu cơ hơn là đầu tư
- Ông đánh giá thế nào về quy định các nhà đầu tư nước ngoài có thể thuê đất tới 99 năm? Nhiều người cho rằng quy định này có thể mở đường cho việc “di dân” và không có lợi ở nhiều khía cạnh khác, như an ninh quốc phòng. Quan điểm của ông thế nào về quy định này?
Trước hết vấn đề di dân là hệ quả của chính sách và kiểm soát về di trú và lao động được dự kiến sẽ nới lỏng ở các đặc khu, hơn là chính sách đất đai. Dự báo hệ quả này có lẽ đúng, nhưng theo khía cạnh riêng đáng lưu ý.
Đó là dòng chảy lao động có tay nghề thấp đến từ các nước láng riềng và chủ yếu từ Trung Quốc, nơi nguồn cung đang rất cao kết hợp với chính sách “xuất khẩu con người” của họ.
Đối với quyền thuê đất tới 99 năm, tôi muốn đánh giá từ góc độ kinh tế. Chính sách này e rằng sẽ khuyến khích đầu cơ hơn là đầu tư.
Bất cứ nhà đầu tư tư nhân lọc lõi nào cũng nhìn thấy khả năng thương mại hóa đất đai để vừa vốn hóa kết hợp với kinh doanh theo kiểu đầu cơ bất động sản.
Nếu có trong tay quyền sử dụng đất tới 99 năm, anh có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng và khi dự án của anh ít lời hay đổ bể, anh sẽ dễ dàng chuyển nhượng nó dưới hình thức này hay hình thức khác, mà vẫn có thể kiếm lời.
Tôi cũng thực sự ngạc nhiên và khó hiểu về sự khăng khăng với đề xuất này của một số cơ quan chức năng bởi về bản chất và là điều ai cũng biết, rằng kinh doanh ngày nay trong thời đại “cách mạng công nghiệp 4.0” không còn gắn với chủ quyền sử dụng đất dài như trước, dù chỉ là 30, 50 hay 70 năm, chưa nói tới cả một thế kỷ. Nhất là khi ta còn nói tới thu hút các ngành công nghệ cao.
- Nhiều đặc khu trên thế giới đã gặp thất bại, theo ông, Việt Nam cần rút ra bài học gì?
Tôi được nghe nhiều chuyên gia kinh tế và chính sách từng nói châm biếm và chơi chữ rằng “Chính sách khu kinh tế đặc biệt chẳng có gì đặc biệt”. Sau thời gian nở rộ, người ta đã kiểm điểm khá nhiều thất bại của các đặc khu này. Tựu trung do 3 nguyên nhân chính liên quan đến việc quá nới lỏng kiểm soát về đất đai, lao động và môi trường.
Các hậu quả tiêu cực và phức tạp cả về kinh tế, xã hội, thể chế và môi trường do các đặc khu để lại là khá lâu dài và khó khắc phục. Từ các bài học đó, chúng ta cần làm rõ mục tiêu của chính sách đặc khu là gì, đồng thời phân tích cái được và cái mất đi kèm với nó.
Cụ thể, đối với Vân Đồn và Phú Quốc, ai cũng biết hai nơi này chủ yếu có tiềm năng du lịch và chỉ mới bàn đến triển vọng thành đặc khu thì đã tấp nập đầu tư cùng với chiếm đất rồi, vậy có cần thành lập đặc khu nữa không hay chỉ nên kiểm soát quy hoạch và ban hành chính sách đặc thù thôi?
Còn với Vân Phong, không nhất thiết phải là đặc khu thì mới phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế và dịch vụ hậu cần được. Có thể có lập luận rằng cần thiết thành lập đặc khu phức hợp về hành chính - kinh tế để thử nghiệm mô hình cải cách về thể chế, nhưng nếu vậy thì các địa điểm dự kiến lại có quy mô quá nhỏ và không điển hình cho điều kiện mặt bằng chung của cả nước.
Cho nên, kết hợp với tư duy và nhãn quan mới về phát triển, tôi cho rằng thay vì đi tiếp con đường cũ là xây dựng đặc khu kinh tế, Việt Nam cần không trì hoãn việc cải cách tổng thể để giải quyết bài toán cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu trở thành một đất nước thực sự hấp dẫn cho đầu tư và sinh sống của bất cứ ai, chính là biến cả quốc gia thành một đặc khu của khu vực và thế giới.
- Xin cảm ơn ông!
Trí Lâm thực hiện
Nguồn: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/luat-su-nguyen-tien-lap-mo-hinh-dac-khu-da-loi-thoi-89267.html

CHO THUÊ ĐẤT ĐẶC KHU 99 NĂM CHỈ LỢI CHO ĐẠI GIA BẤT ĐỘNG SẢN

LAM THANH/ MTG/BVN 1-6-2018

Một Thế Giới – 'Nói thẳng ra, cho thuê đất tối đa 99 như dự thảo luật đặc khu chỉ có lợi cho đại gia bất động sản. Còn các lĩnh vực khác, không ai dám cam kết sẽ làm lĩnh vực đó suốt 99 năm, thậm chí 50 năm cũng còn cân nhắc', chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

https://baomoi-photo-1-td.zadn.vn/w700_r1/18/05/24/255/26153087/1_232109.jpg

Thời gian thuê đất 99 năm là bất hợp lý
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về quy định cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất lên tới 99 năm tại các đặc khu, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng đây là điều bất hợp lý. "99 năm là thời gian quá dài, bằng 4 thế hệ con người. Hơn nữa, hầu hết các quốc gia trên thế giới, thời gian cho thuê đất chỉ khoảng 50 năm, một số hiếm hoi lên tới 70 năm".
"Trong thực tế, tất cả vòng đời của một dự án đầu tư chỉ khoảng 20-25 năm chứ không nhà đầu tư nào dám cam đoan sẽ đầu tư một dự án lên tới 99 năm cả. Hết vòng đời của dự án thì họ nhượng lại dự án đó cho nhà đầu tư khác", ông Thịnh nói.
Theo chuyên gia này, giá đất thay đổi từng ngày. Một số đất tại đặc khu từ các đây 2 năm đã tăng lên khoảng 100 lần. Giá đất tăng thì tiền thuê đất cũng tăng nhưng Việt Nam đã “đóng khung” mức tiền thuê đất đó trong thời gian quá dài thì sẽ thiệt hại lớn cho ngân sách.
"Việc thời hạn thuê đất lên tới 99 năm chỉ có lợi cho doanh nghiệp bất động sản, nghỉ dưỡng. Họ mua đi bán lại các dự án đó trong tương lai vì họ sẽ nắm được quyền sử dụng đất trong thời gian rất lâu dài", ông Thịnh nhấn mạnh.
Tại buổi thảo luận về chính sách ưu đãi thuế tại các đặc khu kinh tế diễn ra chiều 23.5 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nên bỏ quy định cho thuê đất lên tới 99 năm.
Lý do là cách mạng công nghệ sẽ khiến các vòng đời sản phẩm ngắn lại. Khi máy móc thay thế con người ở những việc giản đơn như may mặc, lắp ráp điện tử sẽ "hồi hương" về các nước phát triển. “Nếu chúng ta không thấy rõ tuổi thọ của các ngành đến đâu trong thời đại mở hiện nay thì việc đưa ra ưu đãi lớn, thời gian thuê đất quá lâu sẽ là thừa thãi".
"Thời hạn cho thuê đất tại các đặc khu tối đa 99 năm là một chính sách rất tệ, không nên áp dụng. Tôi thử hỏi, với thời buổi công nghệ thay đổi nhanh chóng hàng ngày; Cách mạng 4.0 đang diễn ra, có ai dám đảm bảo mình sẽ vẫn làm ngành đó, nghề đó và lĩnh vực đó trong thời hạn 90 năm hay thậm chí 70 năm? Đây là 3 - 4 vòng đời sản phẩm, gần 2 thế hệ người Việt. Chưa kể, họ chỉ làm được chục năm không hiệu quả họ lại bán đi thì ai quản lý?”, bà Lan nói.
Bà Lan nhấn mạnh: “Nói thẳng ra, cho thuê đất tối đa 99 như dự thảo luật đặc khu chỉ có lợi cho đại gia bất động sản. Còn các lĩnh vực khác, không ai dám cam kết sẽ làm lĩnh vực đó suốt 99 năm, thậm chí 50 năm cũng còn cân nhắc. Thời hạn cho thuê đất 99 năm được đưa vào chính sách là có bóng dáng của doanh nghiệp bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, không đất nước nào giàu lên bằng bất động sản cả”.
Không cẩn thận sẽ là nơi "di dân"
Theo ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai), cần cân nhắc thêm về việc quy định thời hạn sử dụng đất 99 năm. “Theo thông lệ chung của thế giới, 99 năm là con số tượng trưng cho sự lâu dài vượt quá một đời người, có hàm ý pháp lý là sự tô nhượng hay trao quyền sở hữu đối với lãnh thổ”, bà Hà nói.
Theo đó, trong điều kiện các quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân nước ngoài được mở rộng theo các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia. Thực chất điều này sẽ tạo cho họ các quyền pháp lý độc lập mang tính sở hữu về đất đai và lãnh thổ hơn là tạo mặt bằng để đầu tư và kinh doanh đơn thuần.
Đại biểu này nhận định, để huy động vốn đầu tư thì các nhà đầu tư sẽ sử dụng chính các quyền sử dụng đất được cấp miễn phí nhưng có giá trị thương quyền lớn để thế chấp vay vốn. Khi đó từ góc độ tài chính một dự án đầu tư công nghiệp có thể bị sự hấp dẫn của các yếu tố kinh doanh bất động sản chi phối, làm cho biến dạng với mục tiêu cam kết ban đầu.
Cũng theo bà Hà, cần lưu ý thêm quyền thu hồi đất theo Luật Đất đai trên thực tế không dễ sử dụng bởi thường gắn với hệ lụy pháp lý rất phức tạp. Vấn đề quyền sử dụng đất nói chung và quyền sử dụng đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài nói riêng sẽ còn trở nên nhạy cảm hơn nữa trong trường hợp cụ thể của Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: “Chúng ta là những người đương đại, liệu có thể đại diện cho thế hệ chúng ta 100 năm nữa không? Đặc khu chúng ta đang thử nghiệm. Thử nghiệm có thể có thành công và thất bại. Không thể phiêu lưu được”.
Về địa chính trị, ông Quốc phân tích cả chuyện bất động sản, nếu không cẩn thận sẽ là nơi để di dân thôi. “99 năm thì tôi nghĩ là những nhà đầu tư công nghệ cao ở thời đại 4.0 này họ không cần đến thời gian. Chỉ có các nhà đầu tư bất động sản hoặc đầu cơ bất động sản thôi”.
“Mấy hôm nay trên đài truyền hình giới thiệu dự án này với tất cả con số dự kiến sẽ thu được bao nhiêu tiền từ thuế, đất, kể cả thu nhập bình quân. Đó là con số dự kiến thôi. Nhưng nếu có tính cộng lại, là một nguồn lực rất lớn đối với chúng ta nhưng rất nhỏ với thiên hạ. Chúng ta theo dõi tin tức thế giới, người ta sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp bội số đó để họ mua cảng, vùng đất. Tôi nhắc lại 99 năm chúng ta hết sức cẩn trọng”, ông Quốc nói.
Đại biểu này cũng đề nghị khi lấy biểu quyết, nên có một biểu quyết riêng và minh bạch ý kiến đại biểu, vì bấm nút này chỉ có con số chung chung. “Chúng ta phải chịu trách nhiệm với tương lai, với cử tri đã bầu ra mình. Tất cả chúng ta phải bày tỏ ý kiến của mình trên những vấn đề nhạy cảm và quan trọng”.
Nói trước Quốc hội, đại biểu của TP.HCM Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm, vì không có vòng đời của dự án đầu tư nào hiện nay cần đến 99 năm. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng sau khi khai thác xong, hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất.
“Theo tôi, thời hạn này ngang với 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những đất nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến”, ông Nghĩa nói.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng có lo lắng tương tự. "Hiện tại đã hình thành nên các khu phố của người ngoại quốc ở rất nhiều các tỉnh thành. Nếu cho thời hạn thuê lên 99 năm thì rất có thể tạo điều kiện cho việc “di dân” của một số quốc gia đến các đặc khu này. Đây là điều có ảnh hưởng rất lớn đến an ninh quốc gia và chính trị sau này".
Bộ trưởng KH-ĐT đề nghị giữ nguyên thời gian thuê đất 99 năm
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị cho phép giữ nguyên như dự thảo, vì đây cũng là một chính sách vượt trội. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng đồng tình là phải quy định rõ ràng đâu là điều kiện đặc biệt và đâu là điều kiện để được Thủ tướng phê duyệt và phải quy định thật rõ và thật thận trọng trong quá trình xem xét đối với những dự án gọi là đặc biệt và có thể hưởng quy định 99 năm.
“99 năm hiện nay đã có nhiều nước làm việc này rồi, như đảo British Virgin Islands, UAE, Malaysia, nhiều nước người ta cũng đã làm. Tuy nhiên, ta chỉ để mở nhưng vẫn đang ở điều kiện đặc biệt và phải được Thủ tướng ưu đãi. Như thế nào là đặc biệt và quy trình thủ tục như thế nào được xem xét sẽ thiết kế ở quy định sau cho rõ ràng và minh bạch, thận trọng”, Bộ trưởng nói.
L.T.
Nguồn: https://baomoi.com/cho-thue-dat-dac-khu-99-nam-chi-loi-cho-dai-gia-bat-dong-san/c/26153087.epi

ĐẶC KHU KINH TẾ: NHIỀU NƯỚC RƠI CẢNH 'ĐƯỢC ĂN CẢ, NGÃ VỀ KHÔNG'

Ngọc Linh (tổng hợp)/ BVN 1-6-2018
TP - Lợi ích của việc thành lập các đặc khu kinh tế đã thể hiện qua sự phát triển của hơn 3.000 đặc khu kinh tế trên khắp thế giới. Nhưng bên cạnh những thành công, nhiều nước “ngậm đắng nuốt cay” khi các đặc khu kinh tế thất bại như ở châu Phi.
Đặc khu kinh tế tạo ra hơn 500 tỷ USD
Mô hình khu kinh tế hiện đại đầu tiên được thành lập tại Puerto Rico (vùng quốc hải ở phía Đông Bắc biển Caribe thuộc chủ quyền của Mỹ) năm 1942. Từ cuối những năm 1960, các mô hình khu kinh tế tự do, đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, thành phố tự do phát triển mạnh ở nhiều quốc gia châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, UAE, Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan, Malaysia…
Số lượng các đặc khu kinh tế tăng nhanh qua từng thời kỳ. Sự phát triển của các đặc khu kinh tế góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu, tạo ra trên 70 triệu việc làm trực tiếp và hơn 500 tỷ USD doanh thu.
Theo Bộ KH&ĐT, 5 yếu tố tạo nên sự thành công của các đặc khu kinh tế gồm: vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược (gần cảng biển quốc tế, các tuyến giao thông quan trọng của đất nước, kết nối dễ dàng với khu vực và quốc tế); Chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng với ngành, nghề ưu tiên phát triển và có lợi thế so sánh vượt trội; Môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi; Có sự hỗ trợ ban đầu của Chính phủ để đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực; Bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả.
“Các khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đáp ứng các yếu tố quyết định thành công đặc khu kinh tế theo kinh nghiệm quốc tế”, Bộ KH&ĐT cho biết.
66% đặc khu ở Ấn Độ thất bại
Để tránh rơi vào “vết xe đổ”, Ban soạn thảo Dự thảo luật cũng nghiên cứu nguyên nhân thất bại của một số đặc khu kinh tế trên thế giới. Theo nghiên cứu Quốc tế của FIAS (2008), Pakistan, một số đặc khu kinh tế của Ấn Độ, một số quốc gia ở châu Phi (Senegal, Namibia, Liberia, Bờ Biển Ngà, Công gô, Nam Phi), Ukraine, Moldova thất bại khi xây dựng mô hình đặc khu kinh tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại như vị trí không thuận lợi khiến chi phí đầu tư lớn; Chính sách cạnh tranh chỉ dựa vào ưu đãi thuế, lao động cứng nhắc; Giá thuê và các dịch vụ mang tính bao cấp; Mô hình quản lý và tổ chức bộ máy cồng kềnh, có quá nhiều cơ quan tham gia vào việc quản lý đặc khu.
Từ năm 2000-2014, Ấn Độ đã cấp phép cho 564 đặc khu kinh tế, nhưng tính đến tháng 6/2014, chỉ có 192 khu là còn hoạt động, chiếm 34%. Bộ Thương mại Ấn Độ đã tìm ra nguyên nhân thất bại do Chính phủ Ấn Độ đã dành các ưu đãi cho các đối tượng nằm ngoài đặc khu kinh tế và rút bớt ưu đãi cho các đặc khu kinh tế khi ký các thỏa thuận mậu dịch tự do.
Nguồn: https://www.msn.com/vi-vn/money/topstories/%C4%91%E1%BA%B7c-khu-kinh-t%E1%BA%BF-nhi%E1%BB%81u-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-r%C6%A1i-c%E1%BA%A3nh-%E2%80%9C%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-%C4%83n-c%E1%BA%A3-ng%C3%A3-v%E1%BB%81-kh%C3%B4ng%E2%80%9D/ar-AAr0wqR

CHO THUÊ ĐẤT ĐẶC KHU 99 NĂM: SAI CHUẨN !

THÙY DƯƠNG/NLĐ/ BVN 1-6-2018

Việc cho thuê đất đặc khu thời hạn 99 năm là quá dài, chưa nói đến yếu tố an ninh, quốc phòng khi 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc án ngữ biển Đông của nước ta.

Bên hành lang Quốc hội ngày 24-5, một số đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về quy định cho thuê đất đặc khu đến 99 năm. Trước đó, dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được Quốc hội cho ý kiến vào sáng 23-5.
Lấy đâu ra nguồn thu!
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, phản đối quy định trên. Ông Ngân dẫn chứng Philippines quy định thời hạn giao đất 50-70 năm và xem xét gia hạn một lần khoảng 1/2 thời hạn cho thuê ban đầu. Ví dụ, cho thuê đất 50 năm thì gia hạn một lần không quá 25 năm. Trong thời gian cho thuê đầu tiên, họ sẽ đánh giá xem dự án đó có hiệu quả hay không rồi mới gia hạn tiếp. Như thế sẽ bảo đảm thời hạn thuê dài, có yếu tố cạnh tranh. "Vì sao chúng ta không quy định thời hạn cho thuê đất, giao đất là 70 năm và cho phép gia hạn một lần tối đa không quá 20-30 năm. Hết 70 năm, đánh giá lại dự án đó có thực sự hiệu quả hay không, có tính lan tỏa hay không, bảo đảm môi trường hay không? Lúc đó, Thủ tướng rất dễ quyết định" - ông Ngân gợi ý.
Ông Ngân còn cho rằng nếu giao đất tới 99 năm cho những trường hợp đặc biệt và quyền quyết định thuộc về Thủ tướng tức là "làm khổ Thủ tướng". Đó là chưa kể đến quy định như thế nào là "trường hợp đặc biệt" cũng không rõ; từ đó có thể dẫn đến việc nhà đầu tư "chạy qua bộ này, bộ kia để chứng minh mình thuộc trường hợp đặc biệt".
Về vấn đề lo ngại nhượng địa, di dân, ông Ngân cho rằng không cần tới 99 năm mới diễn ra việc này. Vấn đề là chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ an ninh tài chính, an ninh quốc gia, quốc phòng; cần rất thận trọng trong xem xét cấp giấy phép. "Minh chứng qua 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, chúng ta đã thu hút trên 332 tỉ USD và giải ngân 178 tỉ USD. Hiện nay, Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư. Họ tới vì nhiều lý do: thể chế chính trị ổn định, nền tảng kinh tế vĩ mô và tiềm năng phát triển kinh tế. Vì thế, không nên tập trung quá nhiều ưu đãi, mà hoàn thiện thể chế, môi trường thuận lợi... mới là điểm quan trọng, then chốt. Chúng ta đầu tư "không", cuối cùng không thu thuế, lại cho thuê đất dài hạn thì lấy đâu ra nguồn thu" - ông Ngân lưu ý thêm.

ho thuê đất đặc khu 99 năm: Sai chuẩn! - Ảnh 1.
Đề xuất cho thuê đất 99 năm ở Phú Quốc cùng với Vân Đồn, Bắc Vân Phong đang gây ra nhiều tranh luận, lo ngại. Ảnh: CÔNG TUẤN
70 năm cũng quá dài
Trong khi đó, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng thời hạn cho thuê đất 70 năm vẫn là quá dài, nếu xét theo những rủi ro có thể có về mặt an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội. "Chúng ta muốn kéo đến đây những ai? Đó là những nhà đầu tư thật sự. Điều kiện kéo dài thời gian thuê đất thì các nhà đầu tư chân chính không cần. Họ cần môi trường đầu tư tốt, chính sách thuế, hạ tầng, các quan hệ xã hội, giao dịch sòng phẳng, minh bạch hơn là việc được ở lâu" - ông Quốc phân tích.
Nhà sử học này cũng chỉ rõ chúng ta đã làm sai chuẩn khi vẫn lấy mô hình của những đặc khu được coi là thành công của 20-30 năm trước, áp dụng các ưu đãi đã lỗi thời như: ưu đãi thời gian sử dụng đất, nhân công rẻ mạt, casino. Đánh giá việc này là "lấy thành công của quá khứ thành lợi thế của tương lai", ông Dương Trung Quốc cảnh báo đó là cách nghĩ rất đáng lo ngại.
Ông Quốc khuyến cáo chúng ta luôn luôn phải tư duy về địa - chính trị, nhất là khi 3 đặc khu được coi là "mặt tiền" của đất nước án ngữ trước biển Đông. "Tôi xem truyền hình tuyên truyền ủng hộ cho dự án này bằng những con số rất cụ thể nhưng đấy chỉ là trên giấy. Nếu cộng tất cả lợi ích đó, tôi cho là con số rất nhỏ với túi tiền của thiên hạ. Người ta sẽ tung tiền để mua. Tôi rất muốn các đại biểu của các tỉnh có đặc khu như Quảng Ninh, Khánh Hòa... nói xem bao nhiêu nhà cửa người Trung Quốc mua rồi? Tệ hại ở chỗ, chính người Việt Nam tiếp tay cho họ lách luật" - ông Quốc lo lắng.
Nhiều nước chỉ cho thuê 30-50 năm
Theo quy định hiện hành của Indonesia, các công ty nước ngoài chỉ được thuê đất thời hạn 30 năm, gia hạn thêm 10 năm. Chính phủ nước này đang xem xét tăng thời hạn cho thuê nhưng cũng chỉ trong 50 năm và chỉ được gia hạn thuê sau 15 năm. Tương tự tại Campuchia, chính quyền nước này cũng chỉ cho gia hạn thuê đất ở đặc khu kinh tế lên đến 50 năm. Còn tại Trung Quốc, kể từ sau năm 1981, chính phủ cho phép các nhà đầu tư thuê đất đặc khu với thời hạn ban đầu từ 20-50 năm tùy theo lĩnh vực hoạt động và có khả năng gia hạn sử dụng đất.
Ở Myanmar, các nhà đầu tư nước ngoài được phép thuê các đặc khu kinh tế tại Myanmar thời hạn 50 năm, có thể gia hạn thêm 25 năm. Riêng ở Rwanda, theo chính sách cũ vào năm 2010, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép thuê đất trong khi các nhà đầu tư trong nước được ưu tiên mua chúng để sở hữu toàn diện. Trong cải cách mới, dù chính quyền Rwanda cho phép các nhà đầu tư thuê đất đặc khu dài hạn nhưng cũng không thể vượt quá 99 năm.
Tại Thái Lan, theo Bộ Luật Dân sự và Thương mại, thời hạn tối đa cho nhà đầu tư thuê đất chỉ là 30 năm, được gia hạn thuê thêm 30 năm. Từ năm 1999, Đạo luật Cho thuê đất của Thái Lan cho phép thuê đất đặc khu đến 50 năm, cho gia hạn thêm 50 năm nhưng quy định, thủ tục rất nghiêm ngặt. Mới đây, chính phủ Thái Lan đề xuất nâng thời hạn cho thuê các đặc khu kinh tế lên đến 99 năm và vấp phải ngay làn sóng phản đối của người dân. X.MAI
T.D.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/cho-thue-dat-dac-khu-99-nam-sai-chuan-20180524222746676.htm
ĐẶC KHU KINH TẾ+ THUÊ ĐẤT TRĂM NĂM = MỒI NGON CHO TRUNG CỘNG

Đặc khu là gì? Là khu đơn vị hành chánh - kinh tế đặc biệt. Khu này được thành lập để hưởng những ưu đãi riêng mà các khu khác không có. Có 2 loại, đặc khu hành chính và đặc khu kinh tế.
Đặc khu hành chính là một nơi có quy chế quản lí nhà nước riêng, khác biệt với phần chung của đất nước đó.
Hồng Kông là một ví dụ, năm 1997 Hồng Kông trở về với Trung Quốc và giữ nguyên mô hình quản lý nhà nước kiểu Anh trong vòng 50 năm. Vì thế nên mới có từ "một quốc gia hai chế độ". Hệ thống pháp luật hoạt động như thời thuộc Anh, hệ thống tòa án theo mô hình thông luật của Anh Quốc, đơn vị tiền tệ vẫn giữ nguyên như thời thuộc Anh thuộc... Chỉ có đặc khu trưởng là người của chính quyền Bắc Kinh.
Đặc khu kinh tế là nơi có những ưu đãi về những chính sách kinh tế khác với khung pháp luật áp dụng chung cho toàn quốc. Ở Việt Nam cũng đã có nhiều đặc khu như thế. Tại nơi đó, người ta cho những nhà đầu tư được hưởng những ưu đãi đặc biệt như: miễn thuế vài năm đầu, rồi nhiều năm tiếp theo được hưởng mức thuế suất thấp, được miễn thuế nhập thiết bị, được ký hợp đồng thuê đất ưu đãi vượt ra khỏi quy định chung của luật pháp... Mục đích là chính phủ muốn thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào bằng mọi giá, bất chấp những thiệt hại lâu dài.
Đặc khu kinh tế tốt hay xấu? Để biết tốt hay xấu thì nên đặt ngược câu hỏi, tại sao chính quyền không cho mọi thành phần kinh tế, bất kể nhà đầu tư trong ngước hay FDI đều hưởng những ưu đãi đó? Mà sao lại chỉ gói gọn lại một khu nào đó để cho một số đối tượng có đặc quyền đặc lợi riêng? Từ đó chúng ta thấy, đặc khu kinh tế là một loại cởi trói cho một nhóm nhà đầu tư trong khi hầu hết là bị trói. Tại những đặc khu, chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài đến và hưởng lợi. Mà nếu ưu đãi cho những doanh nghiệp nước ngoài hơn trong nước thì đấy là giết chết con ruột ưu đãi người dưng. Một chính sách cần phải loại bỏ vì nó bất công.
Hiện nay nhà đầu tư Trung Cộng vào đây với cường độ ngày càng mạnh như những cuộc xâm lăng thầm lặng. Nếu đặc khu có nhiều nhà đầu tư Âu, Mỹ, Nhật, Hàn thì không nguy hiểm, nhưng nếu Trung Cộng chiếm lĩnh những đặc khu đó thì sao?
Hiện nay nhà đầu tư Mỹ, Nhật trên đất Việt chịu lép vế trước những nhà đầu tư Trung Cộng. Formosa vỏ Đài ruột Trung Cộng đã chiếm lĩnh nguyên một khu của riêng nó như là một khu tự trị trong lòng Việt Nam. Phái đoàn cấp bộ của Bộ TNMT không được phép vào, và mọi thứ hoạt động bên trong chính quyền không thể kiểm soát. Nhiều những đặc khu như thế này thì chắc chắn đấy là những nơi mà Trung Cộng nhắm đến để chiếm lĩnh và xây dựng lãnh địa riêng ngay trên đất nước này.
Với một nền chính trị kém minh bạch, những hợp đồng riêng dành cho phía Trung Cộng là những bí mật quốc gia, cộng vào đó là phía nhà đầu tư Trung Cộng được "thuê" đến 99 năm ngang bằng với thời gian Anh Quốc sở hữu Hồng Kông thì điều gì xảy ra? Trung Quốc nhờ sự hùng mạnh của mình, đồng thời nhờ sự tử tế của nước Anh mà Hồng Kông về lại Trung Cộng. Nhưng Việt Nam - Trung Quốc khác Anh Quốc - Trung Quốc. 100 năm sau, ai sẽ thu hồi lại trong khi những hợp đồng ký tá dân không hề biết?
Đặc khu kinh tế là những cửa mở cho phía Trung Cộng vào chiếm lĩnh. Họ rải khắp bờ cõi và sở hữu những đặc khu với ưu đãi trăm năm. Đất nước đã rất bất an. Kẽ hở đó dân còn nhìn thấy thì không lý gì Bắc Kinh không nhìn ra cả. Với GDP 11.000 tỷ USD lớn hơn 50 lần GDP Việt Nam, Trung Cộng đầu tư sang Việt Nam không thèm kiếm lời cũng được, mục đích là chiếm lĩnh với thời hạn 100 năm bằng mọi giá. Kinh tế phụ thuộc Trung Cộng, mở cửa cho Trung Cộng hết cỡ thì đất nước này sẽ ra sao?
Mấy ngày nay, Quốc hội bàn cho ra quy chế đặc khu và thêm vào đó là luật cho thuê đất 99 năm. Ai cũng biết chỉ thị này từ ĐCS, nhưng cái gốc của điều này không phải ở ĐCSVN, nó ở xa hơn. Hãy đặt câu hỏi ai có lợi nhất khi 2 điều luật này thông qua thì biết. Ai cũng thấy 2 điều luật này là 2 điều luật dọn đường. Quốc hội vỗ ngực tự xưng là đại diện cho dân nhưng đang bán đứng dân tộc. Rõ ràng là như vậy.
Đ.N.
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1423505334416830&id=100002721323393

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét