Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

20180621. BÀN VỀ TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
TIẾP XÚC CỬ TRI

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 21-6-2018

http://media.doanhnghiepvn.vn/Images/buikha/2018/06/18/CNT_9589.JPG

Mấy hôm nay, sau khi kết thúc kỳ họp Quốc hội, các đại biểu tỏa ra 4 phương tiếp xúc cử tri. Đây là dịp để cho những đại biểu hùng hồn chứng minh sự sáng suốt của lãnh đạo, sự tận tụy và một lòng vì dân của cán bộ các ngành, là dịp tốt để cho một số người công khai ca ngợi Đảng và Quốc hội. Họ làm thế với mong ước lấy lại được lòng tin của đại đa số nhân dân.
Tôi nghe tường trình một số buổi như vậy, tâm trạng trộn lẫn vừa thương, vừa buồn cười và căm giận.
Chẳng là trước đây, khi còn là đảng viên, còn hoạt động tích cực và được tín nhiệm ở địa phương, tôi đã vài lần được chọn tham dự các buổi tiếp xúc cử tri của QH, của HĐND thành phố , đã biết được những kịch bản cùng mưu ma chước quỷ trong đó. Nói là tiếp xúc cử tri, nhưng cử tri đó là ai? Họ không được tập thể cử tri bầu chọn để thay mặt tập thể đó. Họ được đảng ủy tuyển lựa một cách cẩn thận. Trước khi đi dự họp họ phải tập hợp lại thành tổ chức, đảng ủy cử ra trưởng đoàn. Những ý kiến định chất vấn hoặc phát biểu phải được trao đổi và thông qua. Dân chủ đến thế là cùng!


Tôi thương cho một số cử tri được tiếp xúc. Họ được nuôi nấng, được tham gia diễn kịch, nhưng cứ tưởng rất được vinh dự, vì được gặp và nghe các lãnh đạo cao cấp, được trực tiếp đóng góp vào công việc đất nước. Tôi thương cho hàng triệu người dân theo dõi các buổi tiếp xúc ấy qua đài và báo chí khi họ tưởng nhầm đó là sự thật! Họ không có dịp thấy được kịch bản và mưu mô bên trong, họ sung sướng, họ tin tưởng.
Tôi buồn cười vì người ta vẫn giữ nguyên kiểu tuyên truyền lừa bịp của cộng sản ở thế kỷ 20 khi thế giới đã bước vào CM 4.0, khi mà mạng Internet đã về đến các thôn xóm, khi mà ở chợ quê, các bà nông dân bán rau muống trao đổi với nhau về luật đặc khu và luật an ninh mạng.
Tôi căm giận vì nghe được một số lời láo xược kết tội nhân dân, đổ lỗi cho nhân dân trong các cuộc biểu tình, nghe những lời lừa bịp bảo vệ cho các luật đặc khu và an ninh mạng. Họ cố tình lờ đi những hành động đàn áp vô pháp vô nhân của chính quyền, họ lờ đi thủ đoạn gian xảo của công an  trong việc tạo dựng nên những hành động quá khích.
Tôi đã viết bài mách ngài Chủ tịch nước, trước khi ký để công bố luật an ninh mạng nên cho họp hội nghị tư vấn để tham khảo, nhằm tránh sai lầm. Tôi thách những Phú Trọng, Kim Ngân, Xuân Phúc, Đại Quang, Văn Thưởng, Quốc Vượng, v.v., có tài giỏi, có tự tin thì tổ chức đối thoại công khai với đại diện những người phản biện, ví như với Nguyễn Quang A, Phạm Chi Lan, Nguyễn Huệ Chi, Mạc Văn Trang, Nguyên Ngọc, v.v. chứ chui vào trong các buổi tiếp xúc cử tri được lựa chọn và đóng kín để cao đàm khoát luận, để nói theo một chiều (rồi đem phổ biến lên đài, lên báo) thì chỉ thể hiện sự yếu kém của bọn độc quyền, chỉ có thể lừa bịp được một số được thuần hóa, chứ làm sao lấy lại được lòng tin đã mất của đại đa số nhân dân, làm sao lừa bịp được những người có hiểu biết, có suy nghĩ.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

CHỦ TỊCH NƯỚC NÓI VỀ LUẬT BIỂU TÌNH CŨNG BỊ KIỂM DUYỆT ?

VOA Tiếng Việt/ BVN 21-6-2018

Chủ tịch Trần Đại Quang gặp cử tri ở thành phố HCM, tháng 6/2018
Báo chí Việt Nam sửa lại tít và xóa các câu chữ đề cập đến việc Chủ tịch Trần Đại Quang nói “cần luật biểu tình”, chỉ một thời gian ngắn sau khi bài được đăng.
Các bản tin gốc, được đăng trên các trang web chính thức của các báo sáng 19/6, cho hay ông Quang “đồng ý rằng cần luật biểu tình”, khi ông gặp gỡ các cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh và nhận được kiến nghị của họ về sự cần thiết phải có luật này.
Chủ tịch nước nói thêm ông “sẽ báo cáo quốc hội về nội dung này”, theo nội dung ban đầu của các bài báo. Lời phát biểu của ông Quang đã được nhiều báo sử dụng làm tít bài. Nhiều người sử dụng mạng xã hội đã chia sẻ tin này.
Trên thực tế, phần thông tin về Chủ tịch Quang đề cập đến luật biểu tình chỉ gồm khoảng ba chục chữ trong các bài báo dài từ 400 đến trên 600 chữ.
Nội dung chính của các bài báo nói về cuộc trao đổi ý kiến của ông Quang với cử tri xoay quanh các vấn đề gồm Luật an ninh mạng, Luật đặc khu; các cuộc “tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự”, chống tham nhũng hay các sai phạm đất đai ở Tp.HCM.

Thông thường theo tôi biết, lực lượng bên tuyên giáo [của đảng] hay can thiệp sang cái đó, sang báo chí. Cái này tôi không ngạc nhiên vì cái này nói đến biểu tình.
Nhà báo Võ Văn Tạo
Tuy nhiên, không lâu sau khi đăng tin, các báo đã thay đổi tít và xóa các câu nói về luật biểu tình. Một số người sử dụng mạng xã hội đã bình luận mang tính châm biếm về diễn biến này, với những từ ngữ hàm ý rằng đến các phát ngôn của chủ tịch nước mà cũng bị kiểm duyệt, xóa bỏ.
Nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo nói với VOA rằng khó có thể biết rõ liệu ông Quang ‘tự kiểm duyệt’ hay có một người hoặc một tập thể ở cấp cao hơn đã kiểm duyệt.
Trong cơ cấu chính trị Việt Nam, Bộ Chính trị, với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đứng đầu, có quyền quyết định những vấn đề hệ trọng nhất của đất nước, kể cả về nhân sự lãnh đạo đảng và nhà nước.
Ông Tạo nhận định về thế lực nào đã ra tay trong sự việc sửa tít, xóa lời Chủ tịch nước vừa xảy ra:
“Thông thường theo tôi biết, lực lượng bên tuyên giáo [của đảng] hay can thiệp sang cái đó, sang báo chí. Cái này tôi không ngạc nhiên vì cái này nói đến biểu tình. Ở một chế độ độc tài, việc biểu tình có thể coi đấy là một chuyện nhạy cảm”.
Nhà báo vẫn thường lên tiếng ủng hộ tiến bộ xã hội ở Việt Nam giải thích thêm rằng đất nước do đảng cộng sản duy nhất cầm quyền không muốn người dân thực hiện các cuộc biểu tình để bày tỏ ý kiến ngược lại với chính quyền.
Quốc hội Việt Nam lần đầu đề cập đến việc soạn thảo luật biểu tình vào năm 2011. Từ đó đến nay, dù nhiều lần đại biểu quốc hội chất vấn chính phủ, chưa bao giờ một dự luật như vậy được giới thiệu và bàn thảo các điều khoản.
Trong thời gian hơn 7 năm qua, đã có nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở Việt Nam, thậm chí đã trở thành những cuộc bạo loạn, khi người dân phản đối Trung Quốc xâm phạm biển Việt Nam năm 2014 hay chống lại hai dự luật đặc khu và an ninh mạng mới đây, đầu tháng 6/2018.
Nhà chức trách và báo chí Việt Nam thường tránh dùng từ “biểu tình” khi nói về các sự kiện này. Thay vào đó, họ gọi là “tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng”.
Sau những diễn biến như vậy, luôn nổi lên tiếng nói từ người dân và đại biểu quốc hội đòi hỏi phải có luật biểu tình.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, đưa ra ý kiến với VOA:

“Cần có luật biểu tình để luật hóa cách thức tổ chức biểu tình, làm sao cho đảm bảo nguyện vọng người dân bày tỏ ý kiến, đồng thời cũng đảm bảo trật tự an ninh, tránh những trường hợp tự phát, có tính chất bạo động”.
... nếu giả sử không lấy ý kiến rộng rãi giống luật đặc khu, rất có thể nó sẽ không bảo đảm quyền bày tỏ ý kiến, quyền biểu tình của nhân dân, mà có thể nó chặt chẽ đến mức nó hạn chế các quyền đó
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao
Lưu ý đến thực tế giới công an, quân đội chiếm số ghế đông đảo trong Bộ Chính trị sau đại hội đảng lần thứ 12, nhà báo Võ Văn Tạo đánh giá rằng tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam không khả quan, và cũng ảnh hưởng tất yếu đến số phận của luật biểu tình. Ông dự báo:
“Giả sử như bị sức ép của đại biểu Quốc hội, áp lực trong xã hội, có thể người ta cũng vẫn phải làm luật biểu tình. Nhưng tôi e rằng người ta sẽ ra luật biểu tình mà không thể biểu tình được, ví dụ như muốn biểu tình phải đăng kí trước 3 tháng, rồi thì số lượng không quá 20 người. Quyền trong tay họ, họ ban hành kiểu gì chả được. Đã như thế thì coi như chẳng có biểu tình nữa”.
Từ góc nhìn của người bám sát công tác làm luật ở Việt Nam, tiến sĩ Giao nói về các khả năng có thể xảy ra:
“Nếu luật biểu tình làm đúng theo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật 2015, và lấy ý kiến rộng rãi của công chúng, cũng như các nhà nghiên cứu và chuyên gia, thì hy vọng nó sẽ tốt. Còn nếu giả sử không lấy ý kiến rộng rãi giống luật đặc khu, rất có thể nó sẽ không bảo đảm quyền bày tỏ ý kiến, quyền biểu tình của nhân dân, mà có thể nó chặt chẽ đến mức nó hạn chế các quyền đó”.
Trong khi các báo rút lại nội dung cho hay Chủ tịch Trần Đại Quang nói “cần luật biểu tình”, các tin khác của họ cùng ngày 19/6 cho biết một đoàn đại biểu Quốc hội khác cũng đã gặp cử tri ở Tp.HCM và nhắc đến luật biểu tình.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, người cũng là một luật sư, được báo chí trích lời khẳng định với cử tri: “Hiện nay chưa có dự luật biểu tình vì các kỳ họp vừa rồi bị ngưng lại. Bây giờ chúng tôi đề nghị đưa trở lại để làm trong nhiệm kỳ này”.

TRAO ĐỔI VỚI ÔNG TRẦN ĐẠI QUANG VỀ THI ĐUA

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 21-6-2018

Kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động thi đua, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài: “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực mạnh mẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc". Qua việc này chắc ông Quang muốn chứng tỏ trình độ cao  và phẩm chất tinh hoa của mình. Nhưng tiếc thay, tôi chưa nhận ra được điều đó.
Tôi đã tích cực tham gia thi đua từ khi phong trào mới ra đời năm 1948 cho đến những ngày tháng Xây dựng tổ đội lao động XHCN, mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba vì đồng bào Miền Nam ruột thịt, vì CNXH… Nhiều năm tôi đạt Lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua, tổ thi đua của chúng tôi được thưởng Huân chương Lao động. Sau khi nghỉ hưu tôi vẫn theo dõi phong trào.
Thi đua chủ yếu là động viên tinh thần và lấy việc khen thưởng để người ta làm việc tốt hơn, dùng việc bình bầu để chọn ra điển hình tiền tiến. Đó là một động lực tốt trong thời kỳ đầu của Cách mạng dân tộc, trong Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, khi mà điều kiện vật chất còn quá eo hẹp. Nhưng phong trào thi đua cũng đẻ ra một số tệ hại như chạy theo thành tích dổm, làm láo báo cáo hay. Khi xây dựng trong hòa bình, có những động lực khác tốt hơn, mạnh hơn. Đó là sự trả công, sự hưởng lợi theo thành quả lao động, là sự tôn vinh con người dựa vào đức độ, tài năng và sự đóng góp, là sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh tế thị trường, là nền kinh tế tri thức với cách mạng thông tin 4.0... Trong hoàn cảnh hiện tại thi đua không còn giữ được vai trò như trước đây, nó trở thành lợi ít hại nhiều, lãng phí, lắm lúc còn tạo ra sự dối trá.
Tôi không tán thành với ông Trần Đại Quang trong một số nhận định về thi đua thời gian vừa qua, như cho rằng sự hy sinh của nhiều liệt sĩ (10 cô gái Đồng Lộc, 12  chiến sĩ Truông Bồn, Bế văn Đàn, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi…) là điển hình tiêu biểu của thi đua; hoặc như cho rằng nhờ thi đua mà có được sáng tạo của một số cá nhân, mà cứu sống được 12 công nhân trong sự cố đường hầm thủy điện Đạ Dâng…
Sự hy sinh của các liệt sĩ là đáng tôn trọng, nhưng đó không phải là mục tiêu của thi đua. Sự lao động sáng tạo của một số cá nhân là do thôi thúc của nội tâm chứ cơ bản không phải do phong trào, sự cứu sống 12 công nhân bị nạn cũng không phải do thi đua mà do tinh thần yêu thương đồng đội.
Còn một vài điểm nữa tôi không tán thành, nhưng tạm cho qua. Viết bài này tôi không muốn phê phán gì ông Trần Đại Quang, chỉ nhân sự việc mà trình bày vài quan điểm về thi đua, một phong trào đã từng tạo ra nhiều thành tích rực rỡ trong quá khứ, nhưng ngày nay không còn thích hợp nữa, nó mang lại lợi ít hại nhiều. Ở thế kỷ 21 mà vẫn đinh ninh rằng “thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người” (như ông Quang đã viết) là một nhầm lẫn đáng thương, đáng buồn, đáng chê trách.
Thi đua nhằm động viên tinh thần, vậy phải chăng có thi đua sẽ tốt hơn không thi đua. Mới nghe qua tưởng như vậy, nhưng nghĩ kỹ ra và thực tế chứng tỏ không phải vậy.
Vì sao?
Trước hết hãy nhìn vào các nước tiên tiến trên thế giới. Tại sao những nước tiên tiến, có công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất cao, có đạo đức, văn hóa, giáo dục rất cao mà chẳng cần gì đến thi đua. Vậy họ dựa vào động lực gì để làm tốt công việc? Riêng tại VN, theo tổng kết và báo cáo thì nhờ thi đua mà đạt được nhiều thành tích rực rỡ. Điều này là đúng trong thời kỳ trước đây (1948-1975), còn hiện nay, liệu có thật đúng như thế không khi rất khó tin vào sự trung thực của các báo cáo, khi có sự trộn lẫn giữa hình thức của phong trào thi đua và thực chất của những động lực và biện pháp khác?
Lấy thí dụ, ông Quang biểu dương ông Phan Tấn Bện ở tỉnh Đồng Tháp đã chế tạo thành công máy gặt đập liên hợp và xe thu gom lúa. Thành tích đó được đem báo cáo ở hội nghị thi đua, vì vậy người ta tưởng nhầm đó là kết quả của thi đua. Nhưng hãy nghĩ kỹ xem, thành công này có bao nhiêu phần trăm do phong trào thi đua đem lại? Chẳng có phần trăm nào. Ông Bện chế tạo được máy chủ yếu là do tinh thần say mê khoa học kỹ thuật, tinh thần đó là từ trong phẩm chất của ông. Nếu không có phong trào thi đua thì ông Bện vẫn làm ra được các máy ấy.
Khi so sánh giữa có thi đua và không thi đua cần phải đặc biệt chú ý 2 vấn đề:
(1) Khi không thi đua thì mọi người tự động, tự giác làm việc cuả họ. Khi có thi đua thì phải lập ra ban này, bệ nọ để theo dõi, báo cáo, xét duyệt, phải phát động, bình bầu, tổ chức hội nghị…, tốn kém thêm khá nhiều công sức, thời gian tiền của.
(2) Những người thi đua có thể  đạt được một số thành tích nào đó. Cũng vẫn những con người ấy, nếu họ không tham gia phong trào thi đua, liệu họ có làm được việc gì không? Những người thi đua có động lực làm tốt công việc, vậy những người không thi đua có động lực nào khác để họ làm tốt công việc hơn không? Phải chăng những người không thi đua đều là loại người lười nhác? Câu khẩu hiệu “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua“ là hay, là đúng cho thời kỳ trước đây, còn bây giờ, phải chăng là một sự áp đặt rất vô lý?
Một xã hội, khi mọi người hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình, tự động, tự giác làm công việc, xã hội đó đạt được sự phát triển  bình thường. Nếu người ta phải chờ được động viên, được khen thưởng mới có tinh thần làm việc tốt thì xã hội đó đang trên đường lụn bại.


Thi đua có hậu quả xấu là làm cho con người quen được động viên và trông chờ khen thưởng. Khi người ta đã quá quen với thi đua, tôn sùng thi đua thì dễ bị lơ là với những động lực khác có tác dụng và hiệu quả cao hơn.
Tuy phong trào thi đua không còn thích hợp, nhưng tại sao vẫn được một số người đề cao?
Có thể vì 3 nguyên nhân sau:
(1) Vì lợi ích nhóm. Đối với toàn xã hội thì thi đua lợi ít hại nhiều, nhưng đối với một số người nào đó thì thi đua mang lại cho họ nhiều bổng lộc cá nhân. Họ cố gian dối để duy trì. Đó là các Ban thi đua và những người có liên quan, đó là bọn sống vì thành tích dổm và quen dối trá.
(2) Vì sự kém hiểu biết và bị lừa. Một số cứ tưởng nhầm rằng thi đua thật sự có tác dụng tốt, họ nhẹ dạ, cả tin vào những báo cáo tổng kết đầy thành tích.
(3) Vì sợ. Họ biết rõ thi đua chỉ là hình thức, là lợi ít, hại nhiều nhưng không dám phê phán, không dám loại bỏ vì như thế là đụng đến lãnh tụ, đụng đến sự lãnh đạo, họ đã quen sống theo chỉ đạo của cấp trên và luôn luôn lo sợ nói và làm trái ý của ai đó.
Có một số người sùng bái thi đua, họ thấy một thành tích tốt đẹp bất kỳ của ai cũng đều có thể quy về thành quả của thi đua, thậm chí những giải thưởng lớn về khoa học và nghệ thuật trên thế giới cũng là nhờ thi đua. Ở đây có một nhầm lẫn như sau: Thi đua nhằm cố gắng, nổ lực làm tốt công việc, nhưng khi một người cố gắng, nổ lực làm tốt công việc thì chưa chắc họ đã vì thi đua mà là vì những động lực tinh thần khác, như lòng yêu nước, yêu khoa học, mong muốn tiến bộ. Cũng rất cần phân biệt tinh thần của con người muốn làm tốt công việc (nếu xem đó là tinh thần thi đua) với phong trào thi đua. Đã là Phong trào thì phải có phát động, theo dõi, sơ kết, tổng kết, báo cáo, bình bầu, hội nghị, khen thưởng…, phải có ban này bệ nọ làm phình to bộ máy.


Nếu không có phong trào thi đua thì lấy gì động viên tinh thần để người ta làm tốt công việc?
Đó là câu hỏi của những người kém trí tuệ, chỉ quen với những lối mòn. Thế giới không có phong trào thi đua mà hàng năm nhiều nhà khoa học vẫn nhận giải Nobel, nhiều nghệ sĩ nhận giải Oscar, nhiều phát minh và khám phá vẫn được phát hiện.
Theo tôi phong trào thi đua đã làm xong nhiệm vụ, ngày nay hãy chỉ nên giữ lại kỷ niệm trong các viện bảo tàng, còn cứ cố kéo dài thì nó chỉ mang lại lợi ít hại nhiều. Nói rằng phong trào thi đua là động lực to lớn để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là cách nói thiếu suy nghĩ sâu sắc, chỉ là cách nói cho qua chuyện của những người quen lối sáo vẹt mà thôi.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN


LUẬT AN NINH MẠNG CÓ THẬT GIÚP 'BẢO VỆ CHẾ ĐỘ NÀY' ?

THẢO VY/ VNTB /BVN 21-6-2018

Các trang báo đưa tin trong tiếp xúc cử tri tại Hà Nội hôm Chủ nhật 17-06, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng “việc Quốc hội thông qua Luật an ninh mạng với tỉ lệ tán thành 86,86% là rất sáng suốt”. Vì “Chúng ta cần luật này bảo vệ chế độ này, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi”.
Nếu ‘cột được đám mây’, thì…
Trong tư cách là một đại biểu Quốc hội, một nghị sĩ có chức vụ cao nhất của Đảng cầm quyền, dường như sức nặng tuổi tác đã khiến ông Nguyễn Phú Trọng trở nên chậm chạp trong lắng nghe các ý kiến của cử tri, cũng như cập nhật hiện tình đất nước cho dự báo sẽ ra sao nếu như có Luật An ninh mạng.
Hôm 14-06 tại Hà Nội có diễn đàn Blockchain Forum 2018, với chủ đề “Xu hướng và Tầm nhìn phát triển”. Đây là diễn đàn đầu tiên về Blockchain với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách về kinh tế, pháp lý, khoa học và công nghệ cùng đại diện các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam.

Luật An ninh mạng có giúp bảo vệ chế độ?
Luật An ninh mạng mà các vị đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua và được ông Nguyễn Phú Trọng ca ngợi là “rất sáng suốt”, lại chứa đựng nhiều điều khoản đe dọa sự phát triển của Blockchain; nhất là với cách hiểu như lời tuyên bố chắc nịch của Thượng tướng Võ Trọng Việt, “doanh nghiệp phải dịch chuyển đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam để mở trung tâm dự liệu tại Việt Nam là hoàn toàn toàn khả thi…”.
Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Công nghệ này được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu, đặc biệt có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin.
Hôm 16-6, “tuyến cáp quang biển AAG trên nhánh S1H vừa mất lưu lượng không rõ nguyên nhân” mà báo chí đăng tải, cho thấy nếu kéo được đám mây điện toán về Việt Nam như lời của tướng Việt khi nhấn mạnh về tính khả thi của Luật An ninh mạng, thì chắc chắn những nhà quản lý Việt Nam cũng sẽ không ‘cột chặt’ được đám mây ấy, khi mà ngay cả việc tuyến cáp quang AAG liên tục được cho là bị mất lưu lượng cũng ‘không rõ lý do’ như suốt mấy năm qua. An ninh quốc gia trong trường hợp cụ thể đang diễn ra sẽ như thế nào nếu Việt Nam ‘cột được đám mây điện toán’?
Bộ Công an sẽ ‘nắm đầu’ Blockchain?
Trở lại với Blockchain Forum 2018. Mạng lưới thiết bị kết nối Internet (tiếng Anh: Internet of Things, viết tắt IoT), dự kiến sẽ là một thị trường 15 ngàn tỷ USD vào năm 2030, là một yếu tố quan trọng tác động đến cách mọi người làm việc và đổi mới trong tương lai. Nhược điểm của sự phát triển IoT hiện tại là do các lĩnh vực tăng trưởng nhanh, dẫn đến thông tin cá nhân lẫn các tổ chức dễ bị rò rỉ và xâm hại với tốc độ đáng kinh ngạc.
Trong khi đó, công nghệ blockchain cung cấp khả năng phân quyền quản lý thiết bị IoT. Với kỹ thuật phân phối và kiểm soát an toàn thông tin truyền tải trong các chuỗi độc lập, cá nhân và doanh nghiệp có thể dễ dàng kiểm soát thông tin mà không cần phụ thuộc vào các hệ thống tập trung. Blockchain được xem là công nghệ “chìa khóa” cho chuyển đổi số, và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Blockchain Forum 2018, dưới góc độ từ cơ quan quản lý, theo ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế - Bộ Tư pháp, “Ở góc độ quản lý Nhà nước phải tạo pháp lý để khuyến khích, ủng hộ doanh nghiệp phát triển Blockchain”. Theo ông Tú, bốn vấn đề cần giải quyết về mặt pháp lý bao gồm: “Thứ nhất, phải khuyến khích việc sử dụng, giao dịch, trao đổi tài sản dựa trên Blockchain. Thứ hai, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp áp dụng Blockchain. Thứ ba, cần tạo ra khung pháp lý an toàn, minh bạch, bảo vệ ba bên. Cuối cùng, các bộ ngành phải rà soát về luật, các quy định hạn chế sự phát triển của Blockchain cần loại bỏ, những điều giúp phát triển thì cần phải thêm”.
Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực thi hành, tuy nhiên giới kinh doanh tin rằng các nội dung của luật này sẽ đe dọa việc doanh nghiệp áp dụng Blockchain; bởi họ có thể bị rò rỉ thông tin khi bị can thiệp quá sâu vào bất kỳ lúc nào từ cơ quan công an từ việc nhân danh ‘bảo vệ chế độ này’ như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri Hà Nội hôm Chủ nhật 17-06.
T.V.
VNTB gửi BVN
Khủng bố nhân dân, công an Việt Nam đã hiện nguyên hình là ác ôn cộng sản

KHỦNG BỐ NHÂN DÂN, CÔNG AN VIỆT NAM ĐÃ HIỆN NGUYÊN HÌNH LÀ ÁC ÔN CỘNG SẢN

PHẠM ĐOAN TRANG/ BVN 20-6-2018

Đây là câu chuyện của một bạn trẻ bị bắt giữ tuỳ tiện và bị công an đánh hội đồng - thực chất là tra tấn - suốt từ 2h chiều đến 7-8h tối Chủ nhật, 17/6, ở sân vận động công viên Tao Đàn (quận 1, TP. HCM). Vì bạn còn rất trẻ, không phải người hoạt động dân chủ-nhân quyền, cũng không hề có nhu cầu được “nổi tiếng” theo cách nghĩ thường lệ của dư luận viên và an ninh, nên trong câu chuyện, bạn xin giấu mọi thông tin về nhân thân.
——
Khi em mở mắt ra thì thấy mình đã nằm trên giường bệnh. Xung quanh không còn bóng an ninh nào. Một cô bé y tá đi đến, em hỏi mới biết đây là phòng cấp cứu bệnh viện Bộ Công an, và lúc đó là khoảng 12h đêm. Thế nghĩa là chúng đã đánh em liên tục từ 2h chiều cho tới khi em bất tỉnh thì quẳng em vào đây và... chuồn mất để khỏi phải chịu trách nhiệm gì. Nhưng cũng rất có thể là chúng còn canh gác đâu đó phía dưới sảnh.
Bệnh viện đòi viện phí 2 triệu. Em sờ lại người thì may quá, chúng để lại cái bóp với hơn 100.000 đồng. Ngoài ra chẳng còn gì. Điện thoại đã bị lấy mất. Số liên lạc của gia đình nằm trong điện thoại. Đến đôi giày cũng mất tiêu - chúng đã lột giày em ra và dùng chính đôi giày ấy táng hàng trăm cái vào đầu, cũng như dùng dùi cui liên tục giã nát hai bàn chân em. Khắp người em đầy vết thâm tím, vết rách, chỉ cựa nhẹ cũng đã thấy đau.
Em nói em muốn về nhà. Bác sĩ không cho, bảo là cần phải xem em có bị tụ huyết trong não, chấn thương sọ não không (không biết vì ông sợ bệnh nhân gặp chuyện gì hay vì sợ mấy bạn công an có thể đâu đó ngoài kia). “Cậu về mà chết giữa đường là tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy”. Nhưng em cũng làm gì có đủ tiền mà nộp viện phí. Đầu em đau nhức, váng vất. “Em không sao đâu. Em chỉ muốn về nhà, muốn ngủ thôi, với lại cũng phải báo cho người thân yên tâm”. Em nói vậy. Nhìn bộ dạng em với khuôn mặt phù, mắt tím bầm như gấu trúc, môi rách và sưng phù lên như trái cà, cô bé y tá có lẽ cũng thương nên thì thào: “Thôi anh đi đi. Coi như anh trốn viện”. Cô ấy dẫn em qua một cửa nhỏ, theo một lối đi riêng, kín đáo ra khỏi bệnh viện.
Em lết từ taxi về tới cổng nhà rồi ngồi sụp luôn trước cửa. Lúc đó khoảng 1h sáng.
* * *
Cách đó nửa ngày, vào khoảng 1h chiều Chủ nhật 17/6, em rời nhà ra quận 1 chơi.
Khu trung tâm Sài Gòn chưa bao giờ đông công an và dân phòng như thế. Vỉa hè, quán cafe đầy nghẹt những tốp công an áo xanh, dân phòng đeo băng đỏ, và những thanh niên cao to, mặt mày hung dữ. Họ bắt người liên tục; gần như cứ thấy ai cầm điện thoại đi ngang là xông vào bắt. Thậm chí họ vào tận quán cafe để khám xét giấy tờ và lôi khách ra ngoài, bắt đem đi.
Không khí ngột ngạt, căng thẳng. Chưa bao giờ em thấy Sài Gòn căng thẳng như thế. Như thời chiến, với toàn xã hội là một trại lính, công an trộn lẫn với dân và có thể toàn quyền chặn bắt, khám xét giấy tờ, hốt về đồn bất kỳ ai.
Em ghé quán cafe mua một ly đem đi, rồi vào phố sách. Đường sách hôm nay hình như không hoạt động. Em đi được vài mét thì bị một nhóm công an chặn lại; có lẽ họ đã “tia” được em từ lúc nào không hay. Họ hỏi giấy tờ. Xui cho em là em chỉ tính đi cafe nên không mang giấy tờ gì theo. Họ quát bảo em gọi người thân mang giấy đến. Em cầm điện thoại gọi về nhà, chỉ vừa nói được câu “con bị bắt”, thì một người đã chộp lấy và giật tung điện thoại khỏi tay em. Em kêu lên, nhưng cả đám đẩy em vào xe, phóng đi.
Chúng đưa em vào một khu nhà tập ở sân Tao Đàn. Xung quanh la liệt người, già trẻ nam nữ, có cả mấy cô gái áo dài, chắc là hướng dẫn viên du lịch. Sau này em mới biết, hôm đó công an thành phố đã bắt tới 179 người, gom về Tao Đàn. Trong số đó, có cả khách du lịch, hướng dẫn viên, và những bác già đi tập thể dục. Tất cả đều bị bắt, và kinh khủng hơn, đều bị đánh.
Chúng đưa em vào một căn phòng, moi điện thoại em ra, hất hàm: “Mật khẩu”. Em đáp: “Sao các anh lấy điện thoại của tôi?”. “Bộp” - câu trả lời là một cú đấm thẳng vào mặt em. Sau đó là liên tiếp những cái tát.
Em vẫn không đưa mật khẩu. Chúng nắm tóc, dúi đầu em xuống mặt bàn, đấm tới tấp vào hai mang tai. Rồi chúng bảo nhau rằng thằng này bướng, mang nó qua phòng kia.
Thì ra cả phòng em chỉ có mình em không khai mật khẩu điện thoại cho chúng, nên chúng “sàng lọc”, đưa đối tượng cứng đầu sang phòng riêng để tiện bề tra khảo.
Ngay sau đó, khi đưa em sang một căn buồng khác, chỉ còn mình em, chúng xông vào ra đòn ngay. Hai chục thanh niên cao to, cả sắc phục và thường phục, vây lấy em, đánh hội đồng bằng dùi cui, gậy và tất nhiên, chân tay. Em ngồi bệt trên sàn, co người lại, hai tay ôm đầu. Hai thằng bèn bẻ tay em ra sau, để cho đám còn lại đấm như mưa vào mặt. “Đù má, lì hả mày” - chúng vừa đánh vừa chửi.
Chúng cho gọi mấy kỹ thuật viên vào phá password. Trong lúc kỹ thuật viên làm việc, khoảng 15-20 phút, chúng đánh em không ngơi tay. Có mấy an ninh nữ rất xinh gái cũng bạt tai em liên tục đến độ em chỉ còn thấy trước mắt một màu nhờ nhờ trắng. Một lão an ninh già, khoảng ngoài 60 tuổi, cũng vụt dùi cui rất dữ. Nghĩa là đánh em có đủ thành phần an ninh, nam phụ lão ấu.
Rồi kỹ thuật viên cũng phá được khoá máy, và đám an ninh hả hê: “Đù, mày tưởng ngon hả, tưởng tụi tao không mở được điện thoại mày hả?”. Chúng còng tay em lại, đánh em càng dữ hơn, vừa đánh vừa “điều tra” về từng người trong contacts của em. “Thằng này là thằng nào?”. “Là bạn Facebook của tôi”. “Mày gặp nó chưa? Làm gì?”. “Tôi gặp uống cafe”. “Gặp đâu, hồi nào?”. “Tôi không nhớ”. “Đù má, không nhớ này. Không nhớ này”.
Cứ mỗi từ “không nhớ” hay “không biết” mà em nói, chúng lại lấy gậy sắt dộng mạnh vào hai bàn chân em. Mu bàn chân em sưng phồng lên, mặt em chắc cũng vậy. Một thằng túm tóc kéo giật đầu em ra, và chúng phun nước miếng vào mặt em. “Tao ghét cái từ không biết hay không nhớ lắm nha. Mày còn nói mấy từ đó nữa, tao còn đánh”.
“Con này con nào?”. “Bạn tôi”. “Bồ mày hả? Mày chịch nó chưa? Bú l. nó chưa mày?”. Không còn một từ gì tục tĩu nhất mà chúng không dám phun ra miệng.
Chúng tháo giày em ra và cầm luôn đôi giày đó quật vào mặt em. “Dạng chân ra” - chúng quát. Em sợ bị đánh vào hạ bộ nên càng co người lại. Nhưng may thay chúng không đánh vào chỗ đó, chỉ lột áo quần em ra đấm đá vào bụng, ngực, và rít lên: “Mày có tin là bọn tao có thể treo mày lên mà đánh như đánh một con chó không?”.
Một lát, chúng nghỉ. Em bò lết lên tấm nệm mút đặt sẵn ở đó (trong phòng tập, cho vận động viên). Một thằng quát: “Đù. Mày đòi được nằm nệm ấy hả?”. Rồi chúng nắm chân em lôi xuống sàn, tiếp tục đánh hội đồng, giẫm đạp. Cứ như thế.
Rất lâu sau, có lẽ khi trời đã xế chiều, chúng vẫn chưa ngừng còn em thì đã không mở được mắt ra nữa. Khi trời tối hẳn thì em bắt đầu rơi vào trạng thái lơ mơ. Chúng nắm tóc, kéo tay, thảy em ra ngoài nằm chung giữa một đám người. Em chỉ nghe tiếng lao xao, và sau đó là tiếng la khóc. Rất nhiều người khóc, không hiểu khóc cái gì. Em cố mở mắt, và nhận ra là mọi người khóc vì em. Quanh em la liệt người, có lẽ ai cũng bị đánh vì nhiều người mặt sưng húp. Mấy bác già cũng bị đánh. Nhưng ai cũng nhìn em, khóc như mưa. Họ bảo nhau: “Lấy đồ che cho thằng bé đi”. Thế là một loạt áo được chuyền tới, đắp phủ lên mình em.
Sao mà giống cảnh tù Côn Đảo - như trong văn học và lịch sử “cách mạng” viết quá vậy? Nhưng khác hẳn ở một điểm, là ở đây, đám công an con cháu của thế hệ “cách mạng” chống “Mỹ ngụy” năm xưa giờ đã hiện nguyên hình là một lũ ác ôn, thẳng tay khủng bố dân để bảo vệ đảng độc tài phản quốc. Ác ôn cộng sản.
Có một cô lớn tuổi bước đến, gối đầu em lên đùi cô, xoa dầu lên trán em, nắm tay em và khóc rưng rức. Em không sao mở to nổi mắt để nhìn rõ mặt cô, chỉ thấy nhờ nhờ. Em cố mấp máy đôi môi đã sưng vều: “Cô. Cô đừng khóc nữa. Cô khóc con khóc theo đó”.
Nghe loáng thoáng mọi người nói: “Sao chúng nó đánh thằng nhỏ dữ vậy trời?”. Thấy không khí căng quá, ai cũng thương em, sợ mọi người “nổi loạn”, đám công an lại sầm sập chạy lại, kéo em ra. Cô lớn tuổi đang xoa dầu cho em khóc rất nhiều và la: “Mấy người còng tay tôi đi, tha cho thằng nhỏ, đánh nó chết rồi sao?”.
Em cố mở mắt ra để nhìn và nhớ gương mặt cô. Nhưng hoàn toàn không thể, lúc đó đầu óc em đã mụ mị rồi. Đám công an ném em lên xe, về sau em mới biết là chúng đưa em đi bệnh viện cấp cứu.
Mọi người giữ em lại, chúng giằng ra. Có mấy người che cho em để khỏi bị đánh tiếp. Mặc, chúng vẫn lôi em đi. Cô lớn tuổi kia chạy theo em ra xe, nhưng chúng bịt miệng, kéo cô ra ngoài. Cửa xe sập lại. Em nghe một thằng chửi vọng: “Đù má. Mày diễn hay lắm. Mày diễn cho cả đám tụi nó khóc hả?”.
Sau đó em không biết gì nữa. Khi tỉnh lại, em đã ở trong bệnh viện, nhưng cũng chưa được điều trị gì vì... chưa đóng viện phí.
* * *
Đêm đó em nằm li bì. Sáng sớm hôm sau em vào viện khám lần nữa. Quá may mắn, em chỉ bị công an đánh cho đến đa chấn thương thôi chứ chưa bị chấn thương sọ não. Và hai ngày nay, liên miên anh em, bạn bè đến thăm em. Ai cũng thương em, cho tiền, cho quà bánh rất nhiều.
Nhưng em vẫn nhớ những người đã ôm lấy em, che đòn cho em, và cởi áo phủ lên em vào ngày Chủ nhật ấy. Nhất là cô đã đặt em gối đầu lên chân cô - như đứa con với mẹ - và xoa dầu cho em, và cầm tay em, và khóc. Em muốn ghi nhớ nét mặt cô mà không nhìn được nên không nhớ nổi. Đến tên cô, em cũng chẳng biết. Em chẳng nhận ra được ai trong số những người bị đánh hôm đó, những người đã che chở, bảo vệ, động viên em trong những giờ phút kinh khủng nhất, cùng chia sẻ với nhau nỗi đau đớn của những người dân vô tội, bị công an giam giữ vô luật và đánh như đánh kẻ thù.


Trong lúc bị đòn hội đồng, em không nhớ nổi gương mặt ác quỷ nào, nhưng cũng kịp nhìn thấy một phù hiệu trên ngực áo của một công an, ghi tên NGUYỄN LƯƠNG MINH. Chúng không hề biết em là ai. Chỉ vì em không khai password điện thoại mà chúng còn đánh em như vậy; không hiểu những người bị chúng coi là “biểu tình viên”, “nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền”, “nhà bất đồng chính kiến”, thì nếu vào tay chúng, chúng còn hành hạ họ tới mức nào.
Và còn hàng trăm người bị bắt bừa bãi hôm đó nữa, cả những bác già, những sinh viên trẻ măng, tinh khôi, những hướng dẫn viên du lịch áo dài...
Qua đây em cũng muốn hỏi thông tin về cô - người phụ nữ đã khóc rất nhiều vì em hôm ấy. Lúc đó là khoảng 7-8h tối Chủ nhật 17/6, ở một căn phòng nào đó trên sân vận động công viên Tao Đàn.
P.Đ.T.
Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét