Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

20180611. BÀN VỀ VĂN HÓA TỪ CHỨC

ĐIỂM BÁO MẠNG
PHẨM HÀM, CHỨC VỤ NHIỀU LỢI ÍCH NÊN VĂN HÓA TỪ CHỨC LÀ THỨ XA XỈ ?

TRẦN PHƯƠNG/GDVN 10-6-2018

Ngành đường sắt đang thiết lập kỷ lục buồn về tai nạn nhưng không ai từ chức để chịu trách nhiệm (Ảnh: TTXVN)
Những ngày qua dư luận chưa khỏi bàng hoàng sau vụ tai nạn giữa tàu hỏa và xe tải Howo vào lúc 0h30’ ngày 24/5, tại nút gác chắn giao đường sắt và đường bộ Km 234+050, thuộc địa phận xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Vụ tai nạn này đã khiến hai người tử vong là Nguyễn Xuân Đệ (Sinh năm 1985, Bắc Sơn, Ân Thi, Hưng Yên) và Nguyễn Thế Hùng (Sinh năm: 1976, Minh Tân, Hưng Hà, Thái Bình) và 11 người bị thương nặng.
Khi dư luận chưa hết bàng hoàng thì khoảng 17h ngày 26/5 hai tàu hàng lại đối đầu nhau tại huyện Núi Thành, Quảng Nam. Thời điểm này tàu hàng mang số hiệu SY2 lưu thông hướng Nam-Bắc bất ngờ tông vào tàu chở hàng khác số hiệu 2469 chạy hướng ngược lại.
Vụ tai nạn đã khiến thiệt hai toa tàu hư hỏng nặng. Một lần nữa đường sắt Bắc – Nam bị tê liệt.
Cùng vào thời điểm trên, một tàu hàng khác lại gặp sự cố trật bánh khỏi đường ray khiến 2 toa tàu bị đứt lật nghiêng khỏi đường ray. Mặc dù cũng không gây thiệt hại về người tuy nhiên một lần nữa sự cố này tiếp tục khiến nhiều chuyến tàu phải dừng lại.
Những vụ tai nạn đang được khắc phục thì ngày 13h05’ ngày 27/5, một chiếc xe tải cố vượt qua đường ngang dân sinh đoạn qua địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An thì bất ngờ bị tàu hàng mang số hiệu SH3 lao đến tông phải.
Cú va chạm kinh hoàng khiến chiếc xe tải bị thổi bay khỏi đường ray, hư hỏng nặng. Rất may tài xế chỉ bị thương nhẹ. Phần đầu tàu cũng bị hư hỏng khá nặng.
Liên tiếp chỉ trong vài ngày 4 vụ tai nạn thảm khốc của ngành đường sắt đã khiến dư luận bàng hoàng, an toàn đường sắt hiện hành đã bị đặt câu hỏi lớn?
Ngày 28/5, trong cuộc họp khẩn để xem xét trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn, với vai trò là người đứng đầu ngành Giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xin chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước, đồng thời gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân trong những vụ tai nạn đường sắt vừa qua.
Thế nhưng, đến nay, người dân vẫn chưa thấy những trách nhiệm cụ thể của những người đứng đầu ngành đường sắt. (1)
Trước vụ việc nghiêm trọng như vậy không thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm và từ chức.
Cũng trong những ngày gần đây, dư luận cả nước hồi hộp theo dõi phiên tòa xử bác sĩ Hoàng Công Lương, người được cho là sẽ phải nhận trách nhiệm trong vụ 9 nạn nhân chạy thận bị tử vong năm 2017.
Cuối cùng, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong.
Dư luận vẫn đang hi vọng vào công lý sẽ đến với bác sĩ Hoàng Công Lương.
Trong quá trình theo dõi phiên tòa, dư luận không thấy được trách nhiệm của Lãnh đạo bệnh viện tỉnh Hòa Bình, Lãnh đạo Sở y tế Hòa Bình ở đâu… tất cả chỉ như đứng ngoài trước vòng xoáy của lao lý, tội lỗi. (2)

Trách nhiệm của lãnh đạo Sở y tế tỉnh Hòa Bình ở đâu trong vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương? (Ảnh: TTXVN)
Lâu nay, nhân dân vẫn đặt câu hỏi về văn hóa từ chức ở ta. Cũng đã nhiều lần có sự bàn luận và trong nghị trường, Quốc hội cũng đã có những đại biểu đặt câu hỏi về vấn đề đó.
Tuy nhiên, mọi thứ chỉ dừng lại ở mức đề cập vấn đề chứ chưa ai thực hiện. Văn hóa từ chức ở Việt Nam vẫn còn là vấn đề xa xỉ với mọi phẩm hàm.
Trong giáo dục, chúng ta vẫn nói nhiều về trách nhiệm, lòng tự trọng… cho học sinh phổ thông tuy nhiên có vẻ như không ai làm điều đó khi trở thành quan chức.
Trách nhiệm của cán bộ là trách nhiệm chính trị, với cương vị lãnh đạo, người cán bộ phải có trách nhiệm với nhân dân, nhà nước, Đảng…
Khi người lãnh đạo đó không có trách nhiệm với nhiệm vụ và sự kỳ vọng của nhân dân giao phó thì bất luận với lý do gì, việc lựa chọn giải pháp từ chức để bảo toàn uy tín, danh dự, nhân phẩm bản thân, là biểu hiện thái độ ứng xử văn hóa của người lãnh đạo.
Xưa nay, nhiều nhân sĩ như Chu Văn An, Nguyễn Công Trứ… những vị đã lưu danh sử sách vì dám từ chức, dám từ bỏ lợi ích cá nhân vì cảm thấy mình không đáp ứng được sự kỳ vọng của bách tính.
Ngày nay, ở nhiều quốc gia, không ít nhà chính trị cũng đã từ chức khi kết quả làm việc của họ không được như ý, hoặc khi có sự cố nào đó xảy ra trong lĩnh vực, ngành mà họ phụ trách.
Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Giao thông Ai Cập đã từ chức sau tai nạn thảm khốc khiến 51 em nhỏ bị thiệt mạng.
Cũng trong năm này, Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Aghentina đã đệ đơn từ chức sau một tai nạn đường sắt khiến 51 người thiệt mạng.
Ở các nước như Anh, Nhật Bản... việc từ chức của các quan chức khi họ không đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân của cử tri, họ từ chức để bảo vệ danh dự, bảo vệ chính sự nghiệp chính trị của họ.
Thế nhưng những câu chuyện đó chỉ xảy ra trong chuyện xưa và chuyện thế giới bởi văn hóa từ chức ở Việt Nam ta hiện nay rất mờ nhạt.
Giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã từng cho biết: “Tôi biết có hai trường hợp vẫn được tín nhiệm nhưng xin từ chức đó là ông Nguyễn Kế Hào, Vụ trưởng vụ Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và ông Lê Huy Ngọ (Bộ trưởng Bộ Ngông nghiệp và phát triển nông thôn).
Ở trường hợp của ông Hào, Vụ trưởng vụ Tiểu học, ông đang làm việc rất tốt nhưng xin từ chức vì kiến nghị của ông không được nghe.
Như vậy là không chỉ thế giới mới có từ chức, Việt Nam cũng có nhưng hơi hiếm”. 

Từ chức có đồng nghĩa với về vườn (Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)

Gần đây cũng có sự tiến bộ hơn khi đã có những lời xin lỗi và mong chia sẻ từ phía nhân dân. Đó là lời xin lỗi của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - ông Nguyễn Văn Thể hay Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận trách nhiệm trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra. (3)
Những lời xin lỗi, nhận trách nhiệm đã được đưa ra nhưng nhân dân vẫn kỳ vọng nhiều hơn thế. Kỳ vọng vào những cá nhân chịu trách nhiệm và phải có hình thức xử lý.
Không có văn hóa từ chức đồng nghĩa với khí tiết của quan chức, cán bộ bị đặt câu hỏi lớn.
Văn hóa và đạo đức vốn là hai thành tố luôn gắn kết chặt chẽ không thể tách rời và khiếm khuyết về văn hóa cũng chính là biểu hiện khiếm khuyết về đạo đức.
Sự khiếm khuyết này cho thấy vấn đề đào tạo cán bộ của chúng ta còn thiếu những tiêu chí cơ bản lễ, nghĩa, liêm, sỉ.
Bởi vậy mới xuất hiện những cán bộ chây ỳ, chai lỳ trước phản ứng của dư luận, sự khiển trách, phê phán của cấp trên, bởi họ phải bấu víu lấy chức vụ và bổng lộc.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã từng phát biểu trên kênh ANTV rằng: “Ở ta thì chỉ có chức mới có quyền, và có quyền mới có lợi. Những điều đó dẫn đến những mặt trái của xã hội như mua quan, bán chức… cửa quyền, quan liêu.
Bản thân việc từ chức trở nên hiếm bởi vì nó là sinh kế. Bên cạnh đó, hệ giá trị của chúng ta vẫn coi chuyện từ chức như một cái gì đó xấu. Xã hội cũng vậy, đó là chưa nói việc đó sẽ mất đi rất nhiều quyền lợi. Chính vì vậy nó hiếm là vì thế”.
Còn bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã từng phát biểu rằng có nhiều cán bộ cấp cao tham nhũng "nhưng không thấy ngượng". (4)
Muốn có văn hóa từ chức, phải bắt đầu từ việc xây dựng một nền hành chính dịch vụ mà ở đó, người quản lý làm nhiệm vụ phục vụ người dân chứ không phải là sự quản lý cai trị.
Cần xây dựng hệ giá trị cho cán bộ Đảng viên, quan chức, trước hết là bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy phục vụ nhân dân.
Sau đó là trình độ học vấn, hiểu biết chuyên sâu… Sở dĩ, các lãnh đạo chính khách của phương Tây, họ sẵn sàng từ trức rút khỏi chính trường là họ có thể làm một việc khác bằng chính khả năng của mình.
Còn ở ta, việc từ chức, rút khỏi vị trí gần như đồng nghĩa với chấm dứt sự nghiệp và chỉ còn.. .về vườn.
Hai từ về vườn khiến nhiều người không dám từ chức dù áp lực từ dư luận là rất lớn.
* Tài liệu tham khảo:
1. https://vov.vn/xa-hoi/ky-luc-buon-cua-duong-sat-viet-nam-trong-4-ngay-xay-ra-5-vu-tai-nan-767678.vov
2. https://vov.vn/vu-an/xet-xu-vu-chay-than-o-hoa-binhtoa-tuyen-tra-ho-so-de-dieu-tra-bo-sung-770549.vov
3. https://laodong.vn/giao-duc/bo-truong-phung-xuan-nha-nhan-trach-nhiem-truoc-quoc-hoi-ve-viec-giao-vien-bao-hanh-hoc-sinh-611348.ldo
4. http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/co-lanh-dao-dau-tinh-qua-tro-toi-tung-noi-thang-3349320/
5. http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Lanh-dao-duong-sat-Viet-Nam-noi-gi-khi-nhan-duoc-de-nghi-tu-chuc-post186858.gd
Trần Phương

MẠN ĐÀM VỀ VĂN HÓA TỪ CHỨC VÀ CHỌN NGƯỜI LÃNH ĐẠO TỐT

TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 11-6-2018

Văn hóa từ chức

Tất cả chúng ta đều bị bản năng chi phối. Quyền lực, tước vị, danh vọng, quyền lợi (lợi ích) đều có nguồn gốc bản năng. Việc tự nguyện từ bỏ các lợi ích bản năng (từ chức) là điều không dễ đối với nhiều người tuỳ thuộc mức độ mạnh, yếu, nhiều, ít của bản năng trong từng cá thể chi phối.
Nói “văn hóa từ chức” thật ra là một cách nói sính dùng danh từ. Ở hầu hết các nước phát triển, đạo đức lớn nhất của con người là lòng tự trọng, với nghĩa coi trọng trách nhiệm của mình đối với mọi người chung quanh và đối với chính bản thân mình nên vấn đề từ chức trở thành văn hóa.
Có lòng tự trong như vậy, sẽ biết xấu hổ với những sai trái/yếu kém của mình. Lòng tự trọng như vậy, bao giờ cũng coi chức vụ mình được giao cho đảm nhiệm là một nhiệm vụ mà mình cam kết phải thực hiện. Khi thấy mình vì bất kể lý do gì không xứng đáng với nhiệm vụ được trao như thế, quyết định của người có lòng tự trọng là xin nhận lỗi và xin từ chức là điều bình thường.
Văn hoá từ chức là khái niệm phản ánh cách ứng xử theo thông lệ của đám đông về vấn đề này. Ngẫm suy, văn hóa của một cộng đồng hay một cá thể thường dùng để chỉ những đặc tính tích cực mang tính bền vững giúp hình thành nên giá trị cốt lõi của chủ thể. Nó giống như “gien di truyền xã hội” vậy. Và do đó, chủ thể nào có cái gien “tử tế” đó tự nhận mình đã trở thành một thành viên của đẳng cấp khác, cao hơn.
Ở Việt Nam, thiếu văn hóa từ chức bởi vì quan chức Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn còn là một cộng đồng đẳng cấp chưa cao về trình độ chuyên môn, nhân cách cả tâm và tầm. Ở ta có chức là có quyền lợi. Người ta cố “bám ghế” vì quyền lợi là chính. Trước hết là vì quyền lợi của mình. Sau nữa là để che chắn cho đệ tử. Nhưng xét cho cùng che chắn cho đệ tử cũng là vì mình thôi. Bên cạnh đó “bám ghế” cũng còn vì sĩ diện.
Khác với bị cách chức, từ chức là tự nguyện, không phải hình thức kỷ luật. Có người từ chức vì sức khỏe hoặc hoàn cảnh gia đình. Có người từ chức để vì không đồng tình hoặc không cộng tác được với cấp trên. Có người từ chức vì tự thấy năng lực không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Có người từ chức để chịu trách nhiệm về một việc nghiêm trọng xảy ra trong ngành hoặc ở địa phương, đơn vị do mình phụ trách. Có người từ chức để nhường chỗ cho người giỏi hơn hoặc trẻ hơn. Có người từ chức sớm để khỏi bị cách chức (như trường hợp Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Huy Ngọ về vụ Lã Thị Kim Oanh) vv… Trong mọi trường hợp, từ chức đều là một cách ứng xử. Có thể là ứng xử hợp lý, ứng xử đẹp hoặc ứng xử khôn ngoan. Trây ì, không chịu từ chức là không biết cách ứng xử. Cho nên có thể nói từ chức là một biểu hiện của văn hóa.
“Cái sự không chịu từ chức” cho thấy văn hóa của nhiều quan chức rất lùn, lại được “trăm quan có mắt như mờ” làm ngơ, che chắn nên họ chẳng cần ứng xử cho có văn hóa hơn làm gì.
Công luận thường đặt ra câu hỏi ngay cả những kẻ làm ăn thua lỗ cả nghìn tỉ đồng mà vẫn được khen thưởng, thậm chí thăng chức, điều đấy cho thấy việc quản lý cán bộ có vấn đề? Chắc chắn có nguyên nhân quản lý hời hợt, hình thức. Nhưng nguyên nhân chính là người quản lý với cán bộ đã thành một dây, một nhóm rồi. Các nguyên nhân này cũng lại là nguyên nhân của nhau: Tài hèn đức mỏng thì mới cần kết bè, kết nhóm thành nhóm lợi ích. Có nhóm lợi ích thì mới đề bạt những kẻ tài hèn đức mỏng. Thậm chí cả trường hợp quan chức được doanh nghiệp bỏ tiền mua chức cho thì họ cần bám lấy chức để làm lợi cho những “Mạnh Thường Quân vụ lợi” (thường là sân sau) của mình.
Ngay sự kiện thời sự nóng hổi đang diễn ra liên quan đến dự luật đặc khu kinh tế nếu là người tự trọng và liêm sỉ thì ông Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng phải công khai xin lỗi dân và xin từ chức vì phát biểu hồ đồ, yếu kém về nhận thức và trách nhiệm tham gia soạn thảo dự luật còn rất nhiều “lỗ hổng” gây làn sóng phản kháng phẫn nộ trong dân chúng.

Chọn người tài và thế nào là người lãnh đạo tốt

Từ xưa đến nay, yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng và phát triển của đất nước chính là con người. Con người sinh ra thể chế và thể chế lại tạo nên con người. Đây là mối quan hệ nhân quả. Đất nước ta, trước kia, bây giờ và mãi mãi sau này, “hiền tài” luôn là “nguyên khí” của quốc gia, là nguồn tài nguyên và động lực to lớn để đất nước đi lên.
Ở xã hội phát triển, người làm lãnh đạo chỉ coi đó như một trách nhiệm với xã hội, bộ máy lãnh đạo luôn được quy tụ từ các lĩnh vực khác nhau, họ luôn và góp tư duy mới, nhận thức đầy đủ hơn (từ những nhận thức và thành tựu mới trong các lĩnh vực của sự phát triển tự nhiên, xã hội) để bổ sung, điều chỉnh kịp thời cương lĩnh phát triển xã hội nên họ không phải bận tâm và đòi hỏi về sự vinh danh nào. Khi hết nhiệm kỳ họ trở về công việc nghề nghiệp của họ rất nhẹ nhàng, họ còn có khả năng đóng góp trí tuệ vào lĩnh vực cần họ để đem lại giá trị vật chất, cuộc sống đầy đủ, không có một sự ngăn cách nào giữa cuộc sống của họ với xã hội và thế giới bên ngoài.
Chọn người tài ở nước ta, theo kiểu “Đảng cử Dân bầu” thiếu tính khoa học đã và đang tạo ra bộ máy kém năng lực, thiếu tư chất và trách nhiệm. Bầu cử theo kiểu tiến cử thì việc chạy chọt, đấu đá là điều bình thường. Đây là hệ quả có tính quy luật của bản năng “quyền lực”.
Khái niệm “người tài” rất đa nghĩa và trừu tượng nên trong ngôn ngữ có tính lịch sử và văn học người ta thường dùng chữ “hiền tài” để chỉ người tài đem lại dấu ấn có nghĩa tích cực, tiến bộ cho xã hội.
Đối với lãnh đạo đất nước nói chung, trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam hiện nay theo phạm trù rộng là tìm một hệ “tư duy mới” hay nhận thức đầy đủ để đề ra cương lĩnh hành động vì sự phát triển mới là cốt lõi vấn đề. Còn nếu thiếu các yếu tố về tư duy và nhận thức đầy đủ thì người tài mấy cũng không giải quyết được.
Về nhận thức tài - đức: Trong lựa chọn lãnh đạo của ta hiện nay, tiêu chí “tài và đức” như người này, người kia rất mơ hồ. Động cơ của bất kỳ ai đều là ngày càng thỏa mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần cho cuộc sống, đương nhiên là chính đáng. Nhưng với người lãnh đạo còn đòi hỏi trách nhiệm phải làm cho nhu cầu đó luôn phát triển kịp với các cộng đồng hay các quốc gia khác.
Công tác tuyển chọn người làm việc nước ở ta xưa nay vẫn được đúc kết trong cụm từ “Quy hoạch cán bộ”! Mục đích của quy hoạch là tạo nguồn cán bộ nhưng vấn đề quan trọng nhất là ai quyết định việc chọn lựa đó. Nếu không cẩn thận, rất có thể nảy sinh hiện tượng lũng đoạn cán bộ, chỉ lựa chọn những người cùng cánh hẩu, dễ bảo để tăng vây cánh, nhiều người thực tài thì ra rìa ngay từ vòng đầu.
Chọn người tài là chọn người có bản năng sáng tạo là mạnh nhất, có thể giúp đất nước ra khỏi tình trạng trì trệ, bất cập, có khả năng đề ra các đối sách, có khả năng tổ chức nhân dân giác ngộ và phấn đấu thực hiện những mục tiêu đó. Người tài là người có khả năng tập hợp được lòng dân, đưa đất nước phát triển cập nhật với những giá trị văn minh: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn mấy tiêu chuẩn về đạo đức con người thiết nghĩ người bình thường nào cũng phải có. Người lãnh đạo tốt là người định hướng và lựa chọn đúng con đường và mô hình phát triển xã hội, thể chế chính trị, có tư tưởng cải cách, biết đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia lên trên lợi ích bản thân và bất kỳ lợi ích nhóm nào khác. Trong 05 bản năng gốc, thì bản năng “sáng tạo” phải mạnh nhất, để chi phối các bản năng còn lại. Trong 07 trí thông minh, thì thông minh ngôn ngữ, giao tiếp và tự xử phải nổi trội.

Lời kết

Người dân nước nào cũng mong muốn có người lãnh đạo tài giỏi. Ở VN mong muốn này càng cháy bỏng. Đã có rất nhiều người Việt khá thành công ở nước ngoài vì họ được nuôi dưỡng và phát triển trong một môi trường thực sự tốt và thuận lợi cho sự phát triển của hiền tài. Cải tổ thể chế và phát huy dân chủ là việc làm đầu tiên của Việt Nam nếu muốn có được hiền tài phục vụ sự phát triển bền vững của quốc gia.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét