Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

20180620. KỊCH BẢN CRIMEA VIỆT NAM?

ĐIỂM BÁO MẠNG
KỊCH BẢN CRIMEA VIỆT NAM ?

THIÊN ĐIỂU/VNTB/ BVN 19-6-2018


Một trong những bài học lớn về viễn cảnh mất nước của Việt Nam khi luật đặc khu được thông qua là bài học Crimea của Ukraine.
Hôm nay, đích thân Tổng bí thư của ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng trước mặt cử tri đã trả lời, nói rõ quyết tâm ra luật và thành lập đặc khu.
Về luật an ninh mạng đã được thông qua ngày 9/6 vừa qua. Ông Trọng cũng đã nói thẳng là nhằm ngăn chặn tiếng nói của người dân để bảo vệ chế độ, “không phải ai muốn nói gì thì nói”.
Như vậy, sau thời gian yên lặng để mặc cho bộ máy giúp việc, Quốc hội tung hứng để ra luật đặc khu và luật an ninh mạng, khi đã hoàn tất cơ sở pháp lý để trấn áp tiếng nói của người dân, ông TBT ung dung bước ra công khai tuyên chiến với dư luận với thông điệp cho thấy chắc chắn kỳ họp tới luật đặc khu sẽ được thông qua sau khi “đã điều chỉnh”. Bất chấp mọi cảnh báo về nguy cơ mất nước và phản ứng của người dân.
Một trong những bài học lớn về viễn cảnh mất nước của Việt Nam khi luật đặc khu được thông qua là bài học Crimea của Ukraine.
Năm 1997, Ukcraine và Nga ký kết một thỏa thuận cho phép Nga thuê quân cảng Sevastopol ở Crimea trong 20 năm. Theo thỏa thuận này, thời hạn thuê sẽ kết thúc vào năm 2017.
Năm 2010, để tìm kiếm một khoản viện trợ nhằm vượt qua cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu khi đó. Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã ký gia hạn hợp đồng thêm 25 năm. Đưa thời hạn thuê đến 2042 và kèm theo một số chính sách cho phép Nga đưa người vào sinh sống và làm việc tại Crimea.
Nắm trong tay cơ sở pháp lý này, Nga lập tức ồ ạt đưa người vào Crimea.
Theo điều tra của Liên Hợp Quốc vào năm 2014, người Nga ở Crimea chiếm tới 65,5%. Nga đã đưa Hạm đội Biển Đen và hàng loạt khí tài quân sự tới đây, biến Sevastopol thành một căn cứ quân sự với sự có mặt cả tàu ngầm hạt nhân đủ sức răn đe với NATO.
Năm 2012, một loạt bê bối tham nhũng và tranh cãi xung quanh chương trình lá chắn tên lửa của NATO ở sát biên giới Ucraine dẫn đến một số bất ổn chính trị ở Ucraine, Tổng thống Yanukovych đã kêu gọi quân Nga vào “giữ gìn trật tự”.
Ngày 17/2 năm 2014, một nhóm phiến quân bịt mặt tấn công và chiếm lĩnh Tòa thị chính Crimea, nơi có quân cảng Sevastopol do quân Nga đang đóng - cắm cờ Nga và tuyên bố thành lập chính quyền tách khỏi Ucraine.
Ngày 22/4/2014, Tổng thống Yanukvych bị Quốc hội Ucraine phế truất. Yanukovych đã ôm theo 32 tỷ dolar Mỹ chạy trốn sang Nga tị nạn. Chính quyền Ucraine dù được các nước trong khối NATO hỗ trợ nhưng mọi nỗ lực thu hồi Crimea bất thành. Bán đảo Crimea chính thức trở thành lãnh thổ của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3/2014 với kết quả lên tới 95,5% đồng ý sát nhập vào Nga và không có bất cứ qui chế tự trị riêng nào.
Diễn biến Crimea của Ucraine đem qui chiếu với tình hình Việt Nam hiện nay gần như không có sự khác biệt nếu luật đặc khu được ban hành. Tại ba nơi mà chính quyền dự kiến làm đặc khu với vị trí đặc biệt nhạy cảm về an ninh quốc phòng, người Trung quốc đã âm thầm mua gom đất đai và sinh sống khá đông. Khi luật đặc khu được ban hành, không có gì nghi ngờ về khả năng cả ba nơi này đều nằm gọn trong tay người Trung quốc.
Những bước đi của chính quyền Hà Nội thật sự đang tiến gần tới hiểm họa vô cùng nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước tương tự Crimea. Và do đó, cái gọi là tin đồn về nội dung Hội nghị Thành Đô với thỏa ước Việt Nam thành khu tự trị thuộc Trung quốc vào năm 2020 đang ngày càng dễ làm người dân tin hơn.
T.Đ.

VIỆT NAM: HÀNG NGÀN NGƯỜI DÂN HÀ TĨNH BIỂU TÌNH ÔN HÒA CHỐNG LUẬT ĐẶC KHU VÀ AN NINH MẠNG

Thụy My / RFI /BVN 19-6-2018

Giáo dân giáo hạt Văn Hạnh, thuộc giáo phận Vinh, Hà Tĩnh biểu tình ngày 17/06/2018 phản đối dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Facebook
Hàng ngàn người dân Hà Tĩnh, hôm nay Chủ nhật 17/06/2018 đã biểu tình ôn hòa chống lại dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, vài ngày sau khi xảy ra các vụ đụng độ tại Bình Thuận, cũng ở miền trung Việt Nam.
Reuters ghi nhận những người phản kháng lo sợ ba vùng đất chiến lược Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ bị lọt vào tay các nhà đầu tư của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc, với lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc trước đây. Người dân cũng phản đối việc Quốc Hội vừa thông qua Luật An ninh mạng, mà họ cho rằng sẽ hạn chế tự do ngôn luận.
An ninh hôm nay được siết chặt tại nhiều thành phố và tỉnh lớn của Việt Nam, với sự hiện diện cùng khắp của công an tại các địa điểm công cộng. Nhưng tại tỉnh Hà Tĩnh, hàng ngàn người đã xuống đường một cách ôn hòa chống lại dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Ba nhân chứng cho Reuters biết như trên, với các hình ảnh «livestream» được quay trực tiếp và đăng lên Facebook.
Những người biểu tình mang theo các biểu ngữ «Không cho Trung Cộng thuê đất dù chỉ một ngày», «Luật An ninh mạng giết chết tự do». Cuộc biểu tình ở Hà Tĩnh kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ trong buổi sáng hôm nay, mà không xảy ra xô xát với công an.
Hồi đầu tuần, chính quyền đe dọa sẽ trừng trị «những kẻ cực đoan» đã xúi giục bạo động, quăng gạch đá và các chai xăng vào cảnh sát cơ động, phá hoại trụ sở một số cơ quan nhà nước tại tỉnh Bình Thuận.
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân hôm thứ Sáu 15/6 nói rằng Quốc Hội lên án «hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân».
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội hôm nay kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, tin tưởng vào đảng Cộng Sản và chính phủ. Ông nói việc cho ra đời Luật Đặc khu là «cho đất nước, cho dân tộc chứ không vì mục đích nào khác». «Không ai dại dột giao đất cho người nước ngoài, rồi để họ vào tự do và làm mọi thứ rối tung lên».
T.M.
Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180617-viet-nam-hang-ngan-nguoi-dan-ha-tinh-bieu-tinh-on-hoa-chong-luat-dac-khu-va-an-nin

SỰ THẬT NGÀY 17/6, TÔI BỊ HỐT LÊN XE CHỈ VÌ... CHỤP HÌNH

Tôi biết mình cần phải viết. Viết để trả nợ lại ánh mắt của hàng chục con người hoang hoải, mệt mỏi và giận dữ giữa một trại tạm giữ dã chiến ngay trung tâm Sài Gòn.
Tôi biết mình cần phải viết cho lời cầu xin của một chú từ đâu ở dưới miền Tây lên, chú nói rằng, ước gì có nhà báo nào đó, chứng kiến và viết lại những sự thật từ hôm nay.
Tôi biết, mình cần phải viết để tạ tội với những con người đã dũng cảm không sợ hãi trong ngày hôm qua, còn mình thì vẫn còn hèn yếu lắm, hoang mang lắm.
Tôi viết để phơi bày một sự thật mà có thể ai đó ở ngoài cuộc sẽ bán tín bán nghi...
Trong khuôn khổ, bài viết , tôi chỉ trình bày lại những gì tôi đã chứng kiến, và không bày tỏ quan điểm gì...
Ở ĐÂY TÔI XIN KHẲNG ĐỊNH, TÔI CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ NGƯỜI ĐI KỂ LẠI SỰ THẬT... KHÔNG THÊM KHÔNG BỚT VÀ KHÔNG PHỤC VỤ CHO BẤT CỨ MỘT TỔ CHỨC NÀO.
Ngày 17/6, trong khi tôi đang cùng với ekip của mình chụp ảnh mẫu tại đường sách Nguyễn Văn Bình, thì chứng kiến được khá nhiều cảnh công an bố ráp khắp nơi, lực lượng CSCĐ dàn trận trên toàn tuyến đường. Trong lúc anh nhiếp ảnh gia đang chụp hình người mẫu ở bờ tường của quán MC Donal, tôi nhìn thấy cảnh một nhóm người đang bắt một người phụ nữ. Tôi giơ máy điện thoại của mình lên và chụp... Ngay lập tức, tôi thấy một anh thanh niên chỉ thẳng vào mặt tôi từ phía xa, và một anh khác ở gần đó chạy lại, họ hét lên:
- Chụp cái gì đấy. Đưa về đồn ngay.
Tôi phản ứng: Ủa, tôi có làm gì đâu?
Nhưng, ngay lập tức tôi bị đẩy lên xe cùng với một chị phụ nữ đang gào khóc.
Họ nhét tôi vào giữa xe. Trên xe chỉ có tôi, chị phụ nữ bị bắt, 2 anh thanh niên, và 1 chị phụ nữ khác ngồi ở trên. Rồi xe nhanh chóng lao đi. Tôi vội vàng định bấm máy điện thoại để nhắn tin cho người nhà biết, thì chàng thanh niên trẻ, giật phắt điện thoại trên tay tôi, rồi lướt lướt xem và tịch thu...
Thời điểm đó, tôi khá bình tĩnh, nhưng cũng không kém phần hoang mang. Tôi nhẹ nhàng hỏi:
- Sao vậy? Ta đi về đâu vậy em?
- Về rồi biết...
- Sao em phải nói nặng nề vậy?
Im lặng...
Tôi bị đưa về một trại tạm giữ nơi đó đã có khá đông người ngồi sẵn. Đó là một căn phòng rộng, được dựng tạm bên sân bóng của công viên Tao Đàn, đường Huyền Trân Công Chúa. Phía trên có lớp tôn và phía dưới trải tấm bạt. Rất đông người la lết nằm ngồi một góc ở phía đó.
Sau những phần tạm giữ, hỏi han, tôi xếp hàng để được lăn tay, chụp hình cùng với tấm bảng ghi rõ họ tên của mình. Điều mà tôi thường được thấy trên tivi dành cho những kẻ phạm tội. Điều an ủi duy nhất của tôi là anh công an lăn tay khá dễ thương, anh nói hết sức nhẹ nhàng: "Chút xíu nữa là xong rồi chị".
Công an, lực lượng dân phòng, cán bộ văn phòng được huy động làm việc một cách tích cực...
Lần đầu tiên, chứng kiến cảnh tượng cả đoàn người lê lết nằm ngồi, bị lăn tay, chụp hình với tôi là một kí ức khó quên. Tự nhiên, thấy mình bị ám ảnh bởi câu chuyện về "Nhật ký Anne Frank".
Ở giữa một nơi quá nhiều những công an, tách biệt với thế giới bên ngoài, và không ai biết chúng tôi ở đâu để đi tìm. Chúng tôi cô độc và đâu đó là những nỗi lo sợ. Tôi có năn nỉ chị nữ văn phòng nhìn khá thân thiện là cho tôi gọi 1 cuộc về cho chồng tôi kẻo anh lo lắng, và tôi còn 2 con nhỏ, nhưng chị từ chối. Tôi tự hỏi, nếu như không có ai đó nhìn thấy tôi thì làm sao người nhà tôi biết được tôi bị công an bắt? Họ có thể dáo dác đi tìm khắp nơi, và lo lắng biết bao nhiêu thứ.
Cùng hoàn cảnh với tôi, có một chị đứng gần tôi, chị nói chị đi lễ nhà thờ, đang quay cảnh người dân bị bắt thì bị lôi lên xe. Có anh kia vào can ngăn cho chị, cũng bị lôi lên xe. Gia đình và bạn bè của chị hầu như không ai biết chị ở đâu.
Tôi để ý thấy, những ai không bị nghi ngờ gì sẽ được ở phòng chúng tôi, còn ai bị nghi ngờ hoặc có dấu hiệu chống đối sẽ được đưa vào phòng bên cạnh. Bên đó có những tiếng đánh huỳnh huỵt, và tiếng la hét vang trời (Có lẽ vì tường bằng tôn nên cách âm không tốt). Đến lúc, có tiếng hét to quá, những người ở phòng chúng tôi đều đứng dậy phản đối, lực lượng công an kéo tới dàn quân khắp nơi yêu cầu ngồi xuống. Một anh bị đánh đến mức khi vợ dìu ra ngoài cửa thì ngã lăn xuống đất, và được xe tới đưa đi cấp cứu. Sáng nay, đọc tin tôi biết anh đang bị chấn thương sọ não và hôn mê. Lòng đau đến tê tái.
Chúng tôi bị giữ khoảng vài tiếng đồng hồ thì lần lượt từng người đi lấy lời khai. Anh công an lấy lời khai của tôi là Hồ Minh Hùng, người Vĩnh Linh, Quảng Trị, khá trẻ và khá non. Nhưng, cách nói chuyện của anh rất cố gắng để thể hiện mình là người có đủ sự hiểu biết. Anh nói với tôi khá nhiều về luật ANM, có cả những cái cười nhếch mép của anh khi nghe tôi trình bày sự việc.
Anh yêu cầu tôi mở ip bằng vân tay, và lần đọc toàn bộ tin nhắn ở tất cả các ứng dụng của tôi. Anh vừa đọc, thỉnh thoảng lại nhếch miệng cười. Những năm tháng học luật đủ để tôi biết, anh xâm phạm thư tín của tôi là không được phép. Tôi có nhỏ nhẹ trình bày với anh là tôi đã tốt nghiệp xong lớp luật sư, nhưng anh vẫn lờ đi...
Tôi cố giữ hòa khí hết mức, không tranh cãi, không to tiếng và bảo vệ quan điểm của mình. Anh cũng cố khép tội tôi, nhưng tôi cũng nhẹ nhàng từ chối. Tôi nói, tôi không thấy biển cấm chụp hình, tôi không hò hét, tôi cũng không tụ tập, tôi cũng không thấy họ mặc đồng phục công an, tôi không làm gì sai hết. Nhưng, anh liên tục gắt gỏng... Thi thoảng, anh cáu lên vì cho rằng, tôi dùng sai từ, tôi lại nhẹ nhàng xin lỗi anh.
Ngồi làm việc đâu được 30 phút với những tranh luận qua lại, tôi và chàng trai công an trẻ bị 2 chú ông an tới nạt nộ:
- Làm nhanh nhanh lên. Biết mấy giờ rồi không mà còn ngồi đó tâm tình. Xem có tin nhắn không, không có thì xử phạt hành chính. Còn có tin nhắn, facebook này nọ thì báo lại với chú.
Anh kia hoảng hốt:
- Dạ có, có đăng facebook, có nhắn tin...
Một anh mặt đồ dân thường tới cầm máy của tôi, yêu cầu mở vân tay và một lần nữa soi toàn bộ tin nhắn từ zalo, viber, facebook, email, trang cá nhân. Sau khi nhận thấy, không có dấu hiệu khả nghi gì, anh bỏ đi...
Riêng, chú công an tên Hùng kia vẫn ấm ức:
- Tôi biết chị không phải dạng vừa đâu. Nhưng bên an ninh đã không nói gì thì giờ tôi sẽ xử chị vi phạm hành chính rồi tha cho chị về thôi. Chỗ chị em miền Trung với nhau tôi không muốn làm khó chị. Chị hãy cư xử cho lịch sự như những người có học. Chúng ta đều là những người có học... Chị mà vào gặp tôi lần nữa, thì chúng ta không được ngồi thế này đâu. (Anh này có lẽ đang thử việc và muốn lập công chăng?).
Một anh khác tới lại yêu cầu tôi mở máy điện thoại, xem tới xem lui rồi lại bỏ đi.
Anh công an trẻ tên Hùng lại đọc tiếp và tò mò hỏi thêm: "Chị học thiền hả? Học ở đâu? Đông không?”
Một anh công an tới lại nói với anh công an trẻ:
- An ninh nó không nói gì thì lập biên bản nhanh lên. Có chứng minh nhân dân không? Có hả? Có thì xử lỗi tụ tập đông người... Hết giờ rồi đó. (Lẽ ra nên không mang theo CMND các bạn ạ, sẽ bị phạt tiền ít hơn).
Rất nhanh chóng, tôi đọc lại biên bản, biên bản ghi rất rõ, tôi đi một mình, có chụp hình lực lượng chức năng làm nhiệm vụ và bị bắt, nhưng lại xử tôi tụ tập đông người, gây mất trật tự...
TÔI kí.

Ai đó bảo đừng kí thì bởi vì người đó biết chắc rằng, phía ngoài kia sẽ có những hậu thuẫn, sẽ có những người đứng ra bảo vệ cho họ, có những người theo sát và biết họ ở đâu, làm gì. Còn hơn 70 người chúng tôi ở trong đó, phần đông đều là những kẽ cô đơn, cô độc. Khát khao lúc đó là được ra ngoài, được thoát ra khỏi cái chỗ mà không biết số phận của mình rồi sẽ định đoạt ra sao? Và có ai bảo vệ mình không? Có bảo vệ được không?...
Sự thực là chúng tôi, lúc đó đơn độc, cô đơn và hoang mang lắm... Những người mà tôi có dịp tiếp xúc, tôi biết chẳng có ai bảo vệ họ đâu và cũng chẳng có KHOẢN TIỀN QUÁI QUỈ nào dành cho họ cả. Họ chỉ đơn giản là thể hiện một chút chính kiến nhỏ bé của mình.
Vây xung quanh tôi là những gương mặt nông dân lao động, là những cô cậu bé sinh viên hoặc những người thanh niên muốn làm được một cái gì đó cho đất nước này...
Có em bé sinh năm 1997, em từ BD lên, em đi một mình cầm theo khẩu hiệu do em tự viết. Em cười, nói và thoải mái đi lấy lời khai với vẻ tự tin. Có chị gái bị yếu tim, vẻ mặt đầy lo sợ, chị nói: Biết thế, chị đừng cầm theo biểu ngữ, không biết chị có bị gì không? Người nhà chị không có ai biết, và cũng chẳng có bạn bè hay tổ chức nào ở bên ngoài. Có ông chú, mặt mũi khắc khổ, đen nhẻm, chú nói: Chú bị đánh mấy cái vào đầu rồi, giờ chị em phụ nữ có đứng dậy không bị đánh, chứ đàn ông thanh niên bọn chú là bị còng số 8 liền, nên đừng trách chú nhu nhược ở đây".
Lấy lời khai xong chúng tôi ngồi vào một góc nữa. Có người ngồi thiền, có người nằm ngủ. Có người mệt mỏi dựa đầu vào người kia. Tôi ngồi cạnh em bé 16 tuổi ở một chỗ phía sau. Có lúc nóng quá, tôi đứng dậy đi vòng vòng, muốn đến chỗ có cái quạt để ngồi, thì bị một anh công an quắt mắt lên, chỉ chỏ yêu cầu về góc đằng kia... Chúng tôi được cho nước uống khi xin, hình như có thêm một bao bánh mì, nhưng không ai đụng vào.
Cảm giác chờ đợi đến lượt để gọi tên mình ra thật mòn mỏi, vì đã gần đến 5h chiều mà mới chỉ có khoảng 7, 8 người được công an phường áp giải ra và về...
Tôi bị hốt lên xe lúc 9h05 phút và được "đặc cách" thả ra lúc khoảng 4h45 phút...
Phía sau, vẫn là hàng loạt những con người nằm ngồi la liệt...
17/6 Một ngày buồn của tôi...!
K.M.
Nguồn: https://www.facebook.com/khanh.mai.127/posts/1939538656056977

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét