Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

20180331. CÓ NÊN TỪ BỎ FACEBOOK ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
CÓ NÊN TỪ BỎ FACEBOOK ?

THÁI BÌNH/ TBKTSG 30-3-2018

Kết quả hình ảnh cho facebook


(TBKTSG) - Vận đen vẫn tiếp tục đeo bám tập đoàn quản lý mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook và càng lúc càng trầm trọng. Đầu tuần này, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) xác nhận cơ quan đầy quyền lực này đang điều tra cách thức mà Facebook bảo vệ dữ liệu cá nhân của người sử dụng. Ngay sau đó, giá cổ phiếu của Facebook lao dốc mạnh, mất thêm 6,5% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai 26-3, chỉ gượng lên một chút vào cuối phiên.
Trong cộng đồng người sử dụng Facebook đã bắt đầu một trào lưu tẩy chay mạng xã hội này; nhiều người kêu gọi xóa tài khoản (#deletefacebook) hoặc ngừng truy cập Facebook. Trong số này có cả những nhân vật nổi tiếng như nữ ca sĩ Cher, tỉ phú Elon Musk - nhà sáng lập các tập đoàn SpaceX và xe hơi Tesla. Brian Action - người sáng lập WhatsApp và trở thành tỉ phú sau khi bán ứng dụng này cho Facebook với giá 19 tỉ đô la Mỹ năm 2014, kêu gọi: “Đã đến lúc #deletefacebook!”.
Ngay cả những nhân vật chủ chốt của Facebook cũng lên tiếng tố giác những mặt trái của mạng xã hội. Justin Rosenstein, tác giả của nút “like” trên Facebook, đã xóa ứng dụng trên điện thoại và công khai lên án việc thao túng tâm lý người dùng vào mục đích quảng cáo. Còn Sandy Parakilas, một cựu giám đốc khác của Facebook viết trên báo The Washington Post rằng Tổng giám đốc Mark Zuckerberg “phải bị truy cứu trách nhiệm về tội bất cẩn của công ty”.
Phản ứng của mọi tầng lớp xã hội đối với Facebook là dễ hiểu từ khi thông tin về việc dữ liệu cá nhân của 50 triệu người dùng Facebook bị lén lút lạm dụng để phục vụ cho cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ của ông Donald Trump năm 2016. Nhưng từ bỏ Facebook có phải là lựa chọn tối ưu?
Trước tiên nên lưu ý rằng, không chỉ Facebook mà rất nhiều công ty công nghệ cung ứng các dịch vụ và giải pháp chúng ta sử dụng hàng ngày đều thu thập dữ liệu cá nhân người dùng. Khi dùng Google để tìm đường, tra cứu thông tin, lưu trữ danh bạ và hình ảnh, gửi và nhận thư điện tử... chúng ta gần như đã cung cấp cho ông lớn này mọi dữ liệu chi tiết về cá nhân. Cũng có thể nói như vậy về nhiều mạng công nghệ khác như Amazon, Apple, Twitter, Instagram... Và thực ra, ngay từ khi mở một chiếc thẻ tín dụng, mua một cái SIM điện thoại, chúng ta đã phải cung cấp chi tiết về nhân thân của mình. Hơn 2,2 tỉ người sử dụng Facebook trên toàn cầu đã cung cấp cho mạng xã hội này một kho dữ liệu khổng lồ, có giá trị cực kỳ lớn.
Bạn không phải mất tiền khi dùng Facebook, Google... nhưng các công ty này sử dụng kho dữ liệu khổng lồ, trong đó có bạn, để bán quảng cáo, để thiết kế quảng cáo hướng đến đúng đối tượng hoặc để nghiên cứu và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như khả năng nhận diện gương mặt.
Đi xa hơn, một số chính phủ sử dụng kho dữ liệu cá nhân của công dân vào mục đích an ninh, như Mỹ có hệ thống theo dõi các thành phần nghi khủng bố, Trung Quốc theo dõi hành vi của công dân trên mạng để “chấm điểm” tư cách công dân, từ đó quyết định có nên cho họ vay vốn, đi nước ngoài, thậm chí được mua vé máy bay hay không. Trong thế giới hiện đại, ai kiểm soát được dữ liệu sẽ làm chủ được xã hội, cho nên có vô số tổ chức cá nhân đang tìm mọi cách thu thập thông tin về người.
Nói ngắn gọn, khi đã “dấn thân” vào thế giới mạng thì ít nhiều thông tin về cá nhân bạn cũng đã được theo dõi, thu thập và lưu trữ ở một hoặc nhiều nơi nào đấy. Từ bỏ Facebook không giải quyết được vấn đề, trừ khi bạn quay lại với lối sống xưa cũ, viết thư tay trên giấy, không dùng điện thoại và dịch vụ ngân hàng, lãng quên Google và mọi mạng thông tin khác!
Hiện ở một số nước phát triển Facebook đã bão hòa, lượng người dùng không tăng thêm, nhưng ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, Facebook còn rất nhiều dư địa để phát triển. Dự tính mạng xã hội này sẽ có 3 tỉ người dùng vào năm 2020. Vài triệu, thậm chí vài trăm triệu người sử dụng đồng loạt “deletefacebook” không thay đổi được xu thế này.
Thêm vào đó, Facebook cũng như Google là những bước tiến công nghệ, đem lại nhiều tiện ích cho cuộc sống con người. Rồi đây các nhà làm luật và chính phủ nhiều nước sẽ phải đưa ra nhiều khuôn khổ pháp lý mà các mạng xã hội phải tuân thủ trong việc bảo vệ dữ liệu người dùng khỏi sự lạm dụng vì mục đích xấu. Nếu thận trọng và suy nghĩ thấu đáo mỗi khi tương tác trên mạng, người sử dụng cũng có thể tự bảo vệ dữ liệu của mình, hạn chế những mặt trái của Facebook và tận hưởng những tiện ích lớn lao mà công nghệ này mang lại. 
XÂY NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN BẰNG VỐN TRUNG QUỐC: SAO CÒN CHƯA TỈNH ?
HOÀI AN/ ĐV 30-3-2018

(Doanh nghiệp) - Vì sao đã có rất nhiều bài học đau đớn từ việc vay vốn, hợp tác với nhà thầu Trung Quốc mà vẫn chưa tỉnh?

Về đề xuất vay vốn Trung Quốc xây nhiệt điện, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ngạc nhiên vì sau bao nhiêu sự cố, bao nhiêu bài học có liên quan tới việc hợp tác xây dựng với nhà thầu Trung Quốc đã xảy ra mà tới nay vẫn có những đề xuất tương tự.
Xay nha may nhiet dien bang von Trung Quoc: Sao chua tinh?
Dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1. Ảnh: Dân trí
PGS Tuấn cho biết, liên danh Tập đoàn Geleximco - Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) muốn làm nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 2 nhưng lại đưa phương án vay tới 80% vốn từ các ngân hàng Trung Quốc, như vậy sẽ phụ thuộc hoàn toàn về vốn, công nghệ, nhân công và cả nhà thầu của nước này.
"Khi vay vốn ODA của nước nào sẽ phải dùng nhà thầu, công nghệ, và cả đội ngũ chuyên gia, thậm chí là lao động của nước đó.
Điều tôi ngạc nhiên là, Trung Quốc đã có quyết định hạn chế phát triển nhà máy nhiệt điện than. Có rất nhiều nhà máy đã bị đóng cửa và đang phải tháo dỡ thiết bị, công nghệ. Nếu đề xuất này thành công thì khả năng cao những thiết bị công nghệ lạc hậu, cũ kỹ đang bị tháo bỏ kia sẽ được nhập ngược lại cho Việt Nam. Điều này rất đáng lo ngại", ông Tuấn lo ngại.
Theo vị chuyên gia, từ nhiều năm trước, ông đã phản đối mạnh mẽ việc phát triển nhà máy nhiệt điện chạy than vì nguy cơ ô nhiễm rất lớn. Nhất là trong trường hợp sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu thì mức độ nguy hại từ các nhà máy này có thể cao hơn gấp nhiều lần.
Ông cho rằng, dù Việt Nam còn nghèo cũng phải có một tỷ trọng nhất định. Trong khi các nước đang chú trọng đầu tư năng lực tái tạo thì Việt Nam lại lội ngược vũng bùn mà thế giới đang phải từ bỏ.
"Trung Quốc chính là bài học ngay trước mắt, khi thành phố Bắc Kinh liên tục đứng Top đầu thế giới về ô nhiễm môi trường do bị ảnh hưởng từ các nhà máy nhiệt điện than.
Trong khi, ở Việt Nam hầu hết các nhà máy nhiệt điện than đều có bóng dáng của nhà đầu tư Trung Quốc, và ở đó, đều sử dụng công nghệ lạc hậu, không hiệu quả của nước này", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết thêm, trong năm 2017, Tập đoàn điện lực (EVN) và UBND tỉnh Long An định xin chủ trương đầu tư trung tâm điện lực ở Cần Giuộc, nhưng ông đã kịch liệt phản đối.
Vì khu vực đó là đầu hướng gió, nếu đầu tư dự án này, TP.HCM sẽ phải hứng chịu toàn bộ nguy cơ phát thải của nhà máy này.
Chính vì những lo ngại trên, PGS Nguyễn Đinh Tuấn kiến nghị Bộ Công thương phải thận trọng cân nhắc, không nên dễ dàng tin vào những lời hoa mỹ các nhà đầu tư vẽ ra.
"Tôi còn nhớ, khi ông Vũ (ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen) xin đầu tư dự án nhà máy thép Cà Ná, ông ấy có mạnh miệng tuyên bố: Nếu có sự cố xảy ra ông sẽ đền bù.
Tôi đồng ý, có thể ông Vũ không nói đùa và có thể ông Vũ sẽ đứng ra đền bù nếu có sự cố thật. Thế nhưng, nếu bán toàn bộ tài sản ông Vũ đang có liệu có khắc phục được hậu quả không? Nhà đầu tư khi muốn đầu tư bao giờ họ cũng tô vẽ cho dự án thật đẹp, thật tốt nhưng là cơ quan quản lý Nhà nước thì phải tỉnh táo, không  nên thụ động, chạy theo nhà đầu tư", ông Tuấn đặt câu hỏi.
Vì sao chưa tỉnh?
Từ góc độ quản lý, PGS.TS Đặng Đình Đào (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, chỉ nhìn qua đã thấy dự án không hiệu quả.
Theo vị PGS, số lượng các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam đã rất nhiều, trong khi đó, đặc điểm chung của lĩnh vực này là chủ yếu sử dụng than, đây là vấn đề lớn.
Than của Việt Nam hiện nay đang thiếu, không thể đủ phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện than. Nếu tiếp tục phát triển ồ ạt lĩnh vực này sẽ đe dọa nghiêm trọng tới an ninh năng lượng quốc gia.
Về việc vay vốn, Việt Nam đã có nhiều bài học và phải trả giá đắt như: đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy bột giấy Phương Nam... không nên lặp lại sai lầm cũ.

Bên cạnh đó, vấn đề công nghệ, lao động cũng là điểm đáng ngại. Đã từng có chuyện ở đâu có dự án nhà thầu Trung Quốc thi công là ở đó có cả phố người Trung sinh sống, gây mất ổn định về văn hóa, xã hội.


Về đề xuất hợp tác theo hình thức PPP của Geleximco, theo vị chuyên gia, đây là hiểm họa.
Công tác quản lý, giám sát của Việt Nam tại các công trình Trung Quốc thi công vẫn luôn gặp vấn đề. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, nhà thầu giao gì chúng ta nhận lấy nghĩa là chúng ta đã phải nhận tất cả những nguy cơ rủi ro có thể gây thiệt hại rất lớn. Vị chuyên gia lấy ví dụ điển hình từ nhà mấy bột giấy Phương Nam, việc đánh tráo công nghệ đã khiến nhà máy này rơi vào bế tắc, không hoạt động được, đầu tư hàng nghìn tỉ rồi đắp chiếu bỏ đấy.
"Lâu nay dư luận vẫn nói Trung Quốc hiểu văn hóa Việt Nam, giỏi "đi đêm", đây là lý do hầu hết các dự án quan trọng đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Liệu đây có phải lý do, dù đã có rất nhiều bài học đau đớn nhưng vẫn có những đề xuất muốn được hợp tác với nhà thầu Trung Quốc không? Đồng ý, vay vốn, đầu tư, phát triển là cần thiết nhưng đầu tư, hợp tác với ai cũng phải tính tới yếu tố hiệu quả là hàng đầu.
Nếu còn đầu tư những dự án nghìn tỷ song lại đắp chiếu để đấy thì mối lo ngại về nợ công sẽ ngày càng nghiêm trọng", PGS Đặng Đình Đào cảnh báo.
Hoài An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét