Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

20180324. QUANH VỤ MOBIFONE MUA AVG

ĐIỂM BÁO MẠNG
LỖ HỔNG PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG NHÌN TỪ VỤ AVG

PHAN MINH NGỌC/ TBKTSG 24-3-2018


Sự minh bạch hóa của doanh nghiệp nhà nước, của các cơ quan quản lý là điểm rất yếu, yếu nhất trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay. Ảnh: Internet


(TBKTSG) - Vụ việc MobiFone mua 95% cổ phần của AVG với giá gần 9.000 tỉ đồng từ đầu năm 2016 đã bị Thanh tra Chính phủ phát hiện có nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng và bị đề nghị chuyển cơ quan công an khởi tố điều tra.
Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã làm rõ các sai phạm và sẽ còn tiếp tục được làm rõ hơn khi cơ quan công an điều tra nghiêm túc. Điều quan trọng không kém là bài học về công tác phòng chống tham nhũng rút ra từ vụ việc này.
Khi chất lượng “đúng quy trình” bị bỏ quên!
Một trong những lời biện minh các cá nhân và tập thể liên đới để chạy tội phổ biến nhất trong các vụ việc có hơi hướng tham nhũng là họ đã làm đúng quy trình. Câu thần chú này không hiếm khi có hiệu nghiệm. Bởi quả thật là các quy định hiện hành của pháp luật thường chỉ tập trung vào việc quy định (chi tiết) quy trình thực hiện một cái gì đó, trong khi chất lượng việc thực hiện quy trình này của các cán bộ liên quan ra sao thì lại thường bị bỏ ngỏ, ngoài những câu chữ định tính hết sức chung chung như “thực hiện nghiêm”, “thực hiện đúng”.
Trở lại vụ việc AVG. Ví dụ về vai trò và trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) trong việc phê duyệt dự án mua AVG. Theo đúng quy trình, bộ này cũng thành lập Tổ thẩm định dự án với Tổ trưởng là một Vụ trưởng. Tổ thẩm định cũng so sánh các mức giá đưa ra bởi các nguồn khác nhau, trong đó có tổ chức định giá độc lập (và lấy mức giá thấp nhất). Tổ này cũng tổ chức lấy ý kiến phản biện. Dự án chỉ được lãnh đạo bộ phê duyệt sau khi Tổ trưởng thẩm định đã có tờ trình quyết định phê duyệt dự án đầu tư…
Tuy nhiên, trên thực tế, như thông báo của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, Bộ TTTT đã cố ý làm trái nhiều vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của mình. Ví dụ Tổ thẩm định không xem xét, phân tích các thông tin, sử dụng thông tin về giá mà AVG “định bán” cho đối tác nước ngoài, không tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện…
Như vậy, mặc dù là đã thực hiện đúng quy trình nhưng rõ ràng là chất lượng thực hiện quy trình này là rất có vấn đề, và đã không được kịp thời phát hiện.
Khi minh bạch bị “yểm bùa”
Câu hỏi được đặt ra ở đây là, tại sao những sai phạm, cố ý làm trái rành rành, nghiêm trọng như vậy lại không được phát hiện kịp thời bởi những cấp, những cơ quan có thẩm quyền?
Giả sử nếu công luận ngay từ đầu biết được tình trạng thực của AVG, giá trị giao dịch, cách thức thực hiện giao dịch… thì chắc chắn giao dịch mua bán này sẽ gặp ngay áp lực phản đối lớn và rốt cuộc sẽ bị hủy bỏ (tại mức giá đề xuất). Nói cách khác, nếu mọi việc đều được minh bạch, ít nhất ở một mức nào đó, ví dụ như giá trị giao dịch, thì chắc chắn sẽ không có giao dịch (với mức giá gần 9.000 tỉ đồng) này.
Nhưng giao dịch vẫn diễn ra thành công. Và lý do là bởi sự minh bạch đã bị trấn yểm bằng lá bùa mang tên “Mật”!
Lá bùa này được vẽ nên bởi sự bắt tay tinh vi và rất đúng bài bản giữa những cá nhân liên đới trong Bộ TTTT và Bộ Công an. Phía Bộ TTTT thì gửi văn bản “đề nghị” Bộ Công an cho ý kiến đưa giao dịch mua AVG này vào danh mục Mật. Được tham vấn thì trả lời, Bộ Công an đã “thống nhất” với yêu cầu này của Bộ TTTT.
Được khoác danh “Mật” với thời hạn không xác định do Bộ Công an xác nhận thì dự án đầu tư này đương nhiên thoát được nghĩa vụ minh bạch hóa, dù MobiFone là doanh nghiệp nhà nước, dù Bộ TTTT là cơ quan đại diện chủ sở hữu và đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông nên phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành về công bố thông tin.
Bài học
Như vậy, cái thiếu vắng hiện nay trong phòng chống tham nhũng không phải là sự thiếu vắng, không hoàn chỉnh của hệ thống pháp luật hiện hành. Bởi vậy, nỗ lực phòng chống tham nhũng không nên, không chỉ tập trung vào “tiếp tục hoàn thiện” khuôn khổ pháp luật, tiếp tục đề ra và hoàn thiện các quy trình đầu tư, xét duyệt... như là một giải pháp hữu hiệu.
Thay vào đó, sự minh bạch hóa của doanh nghiệp nhà nước, của các cơ quan quản lý là điểm rất yếu, yếu nhất trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay. Dù đã được chế tài khá đầy đủ bằng hàng loạt quy định pháp luật liên quan nhưng các đối tượng có nghĩa vụ minh bạch thông tin vẫn “nhởn nhơ” không công bố hoặc công bố không đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Quan trọng hơn, sự vi phạm pháp luật trắng trợn này diễn ra đều đều, thường xuyên, nhưng hầu như chưa bao giờ bị xử lý (nghiêm túc, có tính răn đe mạnh), bất chấp những lời từ kiến nghị đến “quyết liệt” cảnh báo, răn đe, kể cả từ cấp cao trong Chính phủ.
Nguy hại hơn, vụ việc AVG có lẽ là lần đầu tiên còn cho thấy đã có dấu hiệu bắt tay và lũng đoạn có hệ thống không chỉ trong nội bộ của một cơ quan, doanh nghiệp, mà còn ở cấp độ “liên bộ” hoặc cao hơn, điều đó có nhiều khả năng vô hiệu hóa hiệu lực của hệ thống phòng chống tham nhũng. Nếu không có sự kiên quyết chỉ đạo của Ban Bí thư, có lẽ rồi vụ việc sẽ chìm vào im lặng bởi những lá bùa trấn yểm quá độc và những thế lực đằng sau đó quá lớn.
Bởi vậy, song song với thực hiện nghiêm minh việc minh bạch hóa thông tin, cơ quan phòng chống tham nhũng cần có người đứng đầu liêm chính, có bàn tay sắt và tinh thần chống tham nhũng tới cùng.
MẤU CHỐT THƯƠNG VỤ MOBIFONE-AVG: ĐỊNH GIÁ HAY ĐỊNH ĐỘNG CƠ TRỤC LỢI ?
HỒ QUỐC TUẤN */ TBKTSG 23-3-2018
(TBKTSG) - Kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm rất nghiêm trọng trong vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, và đề nghị chuyển cơ quan công an khởi tố điều tra. Vụ việc này diễn ra ở một trong những mảng màu xám của kinh doanh: mua sắm tài sản. Đó là nơi mà việc phân phát lợi ích dễ diễn ra nhất.
Thua lỗ do mua sắm tài sản: sai lầm trung thực hay là âm mưu trục lợi?
Trong thế giới kinh doanh, việc một công ty này mua một công ty khác là chuyện phổ biến mà gần đây Việt Nam ta quen thuộc với thuật ngữ thâu tóm và sáp nhập (M&A). Nói rộng hơn, nó còn bao gồm việc một công ty có thể mua một lượng cổ phần không chi phối trong một công ty khác như một khoản đầu tư chiến lược, hoặc công ty này mua lại thương hiệu, lợi thế kinh doanh, bí mật kinh doanh, bản quyền sáng chế... của công ty khác. Về cơ bản, tất cả những thứ này nằm trong hoạt động mua sắm tài sản của công ty.
Hoạt động mua sắm tài sản của công ty chủ yếu là phục vụ nhu cầu phát triển, tạo ra doanh thu mới, tạo ra giá trị cộng hưởng có tính chiến lược (synergy) cho công ty. Và tất cả những điều đó phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn về tương lai.
Ví dụ, khi Microsoft mua lại Nokia, rất khó đánh giá đây sẽ là một thương vụ thành công hay không, vì nó phụ thuộc nhiều vào tương lai bất định. Nó cũng giống như việc gần đây đội bóng Manchester Unitied mua cầu thủ Alexis Sanchez vậy. Những khoản mua sắm này thành công hay thất bại nhiều khi không phụ thuộc vào nội tại của doanh nghiệp mua sắm hay tài sản, doanh nghiệp được mua về mà do những thay đổi trong các yếu tố công nghệ, thị trường và nhu cầu tiêu dùng...
Cơ bản, nó là một quyết định kinh doanh mạo hiểm có tính toán của một doanh nghiệp tư nhân thuần túy, đúng thì thắng, sai thì chịu, ghi giảm giá trị tài sản, mất tiền (đôi khi mất trắng).
Vấn đề ở đây cho thấy đánh giá một thương vụ là lời hay lỗ luôn luôn khó khăn và có rất ít chuẩn mực để khẳng định một khoản định giá là quá cao hay quá thấp. Thậm chí một khoản định giá là cao ngày hôm nay cũng có thể trở thành rất rẻ vài năm sau và ngược lại khi thị trường và công nghệ thay đổi.Chuyện các công ty “mua hớ” một công ty khác tương đối phổ biến trên thế giới. Chẳng hạn năm 2013, Microsoft mua mảng di động của Nokia và gói các bằng sáng chế (patents) công ty này nắm giữ với giá khoảng hơn 7 tỉ đô la Mỹ để thực hiện tham vọng của Tổng giám đốc Steve Ballmer khi đó là hướng Microsoft trở thành một công ty về thiết bị và dịch vụ hỗ trợ. Đến năm 2015, Microsoft phải ghi giảm giá trị 7,6 tỉ đô la Mỹ do thất bại của dòng sản phẩm điện thoại thông minh Lumia và nhiều vấn đề khác. Một vài vụ việc tương tự là Google mua Motorola 12,5 tỉ đô la Mỹ, bán lại 2,9 tỉ đô la Mỹ và vẫn cho rằng mình đang có lời vì “mua rẻ” được gói bằng sáng chế của Motorola.
Giáo sư Baruch Lev, tác giả cuốn sách gây chú ý và tranh cãi trong cộng đồng kế toán và định giá “The End of Accounting and the Path Forward for Investors” cho rằng các thước đo giá trị công ty dựa trên các con số kế toán đang ngày càng mất đi ý nghĩa do sự tồn tại của những tài sản vô hình. Như một chuyên gia định giá hàng đầu thế giới Aswath Damodaran, đồng nghiệp của Baruch Lev ở Stern Business School thuộc New York University, nói trong một buổi diễn thuyết ở Google, ra giá mua bán công ty (pricing) và định giá (valuation) đang “đường ai nấy đi”. Đó là vì ngày càng có nhiều công ty dòng tiền âm, tiền mặt cũng ít, chỉ ôm có mỗi cái danh mục các bản quyền sáng tạo mà không ai biết phải định giá ra sao mới là hợp lý.
Điều đó khiến cho hoạt động mua sắm tài sản trở thành một mảng màu xám mà sự trục lợi có thể lên ngôi. Một thương vụ thất bại có thể là do sai lầm trung thực, hay thiếu may mắn. Trường hợp của Microsoft vừa nói ở trên hoặc trước đó là trường hợp New York Times mua lại Boston Globe rồi phải bán lại với giá gần như cho không (mua 1,1 tỉ đô la Mỹ, bán 70 triệu đô la Mỹ) có thể xem là những trường hợp thiếu may mắn vì công nghệ thay đổi ngoài dự kiến và thị hiếu tiêu dùng không đi theo dự đoán của công ty. Thương vụ của Google mua Motorola thì mọi người vẫn còn tranh luận là có lỗ hay không.
Nhưng nó cũng có thể là do tổng giám đốc công ty cố tình lừa hội đồng quản trị để trục lợi cho cá nhân (danh tiếng, tiền bạc, quan hệ), là do công ty bán che giấu thông tin (gần đây ở châu Âu có những thương vụ đổ bể ở phút cuối do công ty mua lại phát hiện công ty sắp được mua có nhiều khoản nợ hơn so với định giá ban đầu).
Làm sao phân biệt được sai lầm trung thực với âm mưu trục lợi là điểm mấu chốt để phán định trách nhiệm trong vụ việc này.
Chuyện MobiFone mua AVG: phân phát lợi ích ở các công ty “con ruột” Nhà nước có nhiều tiền?
Nói về chuyện MobiFone-AVG, vấn đề mấu chốt có lẽ không phải ở chuyện AVG được định giá mười mấy hay ba mươi ngàn tỉ đồng là sai hay đúng. Các chuyên gia định giá căn cứ vào đâu để định giá các sản phẩm truyền hình vô cùng về sở hữu và đặc biệt là quyền phát sóng không nằm trong tay AVG? Đó là chưa kể nếu trong tương lai quy định trong ngành truyền hình thay đổi thì việc giá trị vô hình của AVG cao hay thấp sẽ không ai có thể nói rõ được.
Vấn đề mấu chốt trong thương vụ này ở chỗ lựa chọn trả gần 9.000 tỉ đồng của MobiFone cho AVG là sai lầm trung thực hay là cố tình trục lợi. Các công ty định giá có thể định giá 30.000 tỉ đồng cũng được, nhưng nếu MobiFone biết là không có công ty nào chịu mua AVG trên 1.000 tỉ đồng chẳng hạn, thì chẳng việc gì MobiFone phải trả hơn 1.000 tỉ đồng cả. AVG không chịu bán thì thôi.
Trong định giá, người ta có thể áp dụng một tỷ lệ chiết khấu thích hợp cho trường hợp những công ty không dễ mua bán (discount for lack of marketability), thường áp dụng trong định giá cho các công ty không niêm yết. Công ty định giá nếu làm hết trách nhiệm cần xem xét đến điều này, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là ở MobiFone. Lựa chọn trung thực hay trục lợi trong quyết định mua hay không, giá bao nhiêu, nhiều khi chỉ là một lằn ranh mong manh, nhất là khi có đủ cơ hội - các báo cáo định giá đưa ra các con số khác nhau.
Ở một công ty tư nhân, khi đồng tiền đi liền khúc ruột của cổ đông mà vẫn có chuyện mua hớ tài sản, tổng giám đốc tìm cách trục lợi cho mình thì huống gì là doanh nghiệp nhà nước, tiền là “của chung”. Nói vậy để thấy, sự tồn tại của những ông lớn “con ruột” Nhà nước, có nhiều tiền, nhiều quan hệ, nhiều đặc lợi, tất yếu đi kèm với những đại án kinh tế. Đó là bởi vì sự tồn tại của cái mảng màu xám mua bán tài sản này.
Các trường hợp bán tài sản nhà nước quá rẻ, không định giá thương hiệu, lợi thế quyền sử dụng đất... hay vụ việc MobiFone-AVG lần này cho thấy đây là một mảnh đất màu mỡ để một số người có thể trục lợi và làm giàu, bất kể đó là liên quan đến bán tài sản của Nhà nước hay dùng tiền của Nhà nước mua sắm tài sản, công ty.
Nói cách khác, cái mảng màu xám trong kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân trở thành cái mảng tối trong doanh nghiệp nhà nước, nơi mà người ta có thể tận dụng để đi phân phát lợi ích. Và đừng nên hy vọng quản lý nhà nước có thể quản lý những vụ mua bán tài sản này hiệu quả hơn tư nhân, nơi mà những vụ mua hớ vài ngàn tỉ đô la Mỹ diễn ra mỗi năm.
Do đó, bán đi phần lớn quyền sở hữu của Nhà nước trong những công ty này, lấy tiền đầu tư vào dịch vụ công ích như y tế, giáo dục, hạ tầng cho các vùng xa, sẽ giúp giảm bớt đi những vụ việc tham ô, lãng phí ngàn tỉ đồng tài sản của dân.
Nếu không, người dân chỉ có thể mong chờ vào đạo đức và lòng tự trọng của những người nắm quyền ra quyết định ở những thương vụ này, những thứ dường như quá nhỏ so với những lợi ích kếch xù trên bàn đàm phán. Khi nắm cái quyền phân phát lợi ích quá lớn trong tay, dễ gì người ta không bị tha hóa?
Giảm bớt những doanh nghiệp nhà nước quá lớn như MobiFone và những siêu bộ đầy quyền lực là cách để giảm bớt những đại án gây tổn thất ngàn tỉ trong tương lai. 
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét