Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

20180325. BÀN VỀ TỰ DIỄN BIẾN, TỰ CHUYỂN HÓA

ĐIỂM BÁO MẠNG
VỀ TÍNH GIAN DỐI VÀ SỰ LỢI DỤNG  CHỨC QUYỀN CỦA MỘT SỐ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THOÁI HÓA BIẾN CHẤT

NGUYỄN ĐỨC MẠNH/ TCCS 23-3-2018


Ảnh minh họa - Nguồn: plo.vn
Gian dối là một trong những thuật ngữ dùng để chỉ tính người 
Người có tính gian dối là người thường có thái độ, lời nói quanh co, úp mở, hư hư, thực thực, “nói một đằng, làm một nẻo”, nhằm che giấu ý đồ hay hành vi mờ ám, xấu xa nào đó. Tính gian dối của con người không phải là do “ông Trời” ban cho, mà là một thứ tính “lây nhiễm” và lan truyền trong các xã hội đói nghèo, lạc hậu, có sự bất công, bất bình đẳng trong quan hệ giữa người với người. Tính gian dối khi đã trở thành thói quen, được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong nhiều năm tháng thì nó là một bản tính khó dời, khó sửa. Người có tính gian dối cũng thường là người khéo ngụy trang, che đậy, cho nên những người xung quanh khó nhận biết về sự gian dối của họ. Song, có một điều dễ thấy, dễ hiểu ở những người có tính gian dối là họ không muốn nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật và bảo vệ sự thật. 
Gian dối là một tính xấu, thói xấu của con người, bởi vậy không nên nhìn nhận tính xấu, thói xấu đó như là một nhược điểm hay khuyết điểm. Ngay như những người thật thà cũng thường khó tránh khỏi có nhược điểm hay khuyết điểm trong công việc, nhưng có nhược điểm hay khuyết điểm đó là do họ có sự yếu kém về trình độ nhận thức, hạn chế về năng lực chuyên môn và kỹ năng thực hành, chứ không phải là do họ gian dối. 
Trái ngược với tính gian dối là tính thật thà. Người có tính thật thà là người có niềm tin, thái độ, lời nói, hành vi tự nhiên, không giả tạo, là người “nghĩ sao nói vậy”, “nói sao làm vậy”, là người dám nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật. Nhân gian có câu “Khôn ngoan chẳng lại thật thà”, hoặc “Thật thà là cha quỷ quái” là có ý nói rằng, thật thà là một phẩm chất trong sáng, thánh thiện của những con người có niềm tin và có sức mạnh nội tâm. Từ sự quan sát thực tế xã hội mà người ta thấy có những mẫu người có tính thật thà nổi trội, dễ thấy, như: 1- Những trẻ em đa phần ở lứa tuổi nhi đồng (Nhân gian có câu: “đi hỏi già về nhà hỏi trẻ” là vậy); 2- Những người đang ở vào giờ phút lâm chung, sắp sửa lìa đời, chẳng có gì để sợ, chẳng có gì để mất nên thường có những lời trăn trối, dặn dò rất thật; 3- Những người cả đời chỉ sống ở nơi “rừng xanh, núi thẳm”; với họ, “bụng nghĩ sao, miệng nói vậy”, chẳng cần gì để bon chen, tranh giành với ai; 4- Những tín đồ tôn giáo có niềm tin tuyệt đối vào những lời răn dạy của chúa hay của các thánh, thần,...; 5- Những danh nhân, vĩ nhân, những nhà khoa học chân chính, những anh hùng, nghĩa sĩ sẵn sàng xả thân để bảo vệ sự thật, lẽ phải và công lý. 
Xét ở một góc độ nào đó, xã hội là một sự tập hợp của “trăm dân bách tính”. Nói khác đi, xã hội là của các tầng lớp người khác nhau về giới tính, tuổi tác, tâm lý, thói quen, tính cách, tài năng, nghề nghiệp và bao gồm cả sự ảnh hưởng tốt hay xấu của các tầng lớp người khác nhau đó đối với xã hội. Nhưng nếu có sự so sánh thì một thường dân dù có tính thật thà đến mấy đi nữa cũng không thể tạo ra được phạm vi ảnh hưởng có lợi đối với xã hội bằng một cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có tính thật thà. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà ở một số nước phát triển người ta rất tôn vinh, trọng thị và có chế độ ưu đãi đối với đội ngũ công chức nhà nước. Nhưng khi một cán bộ, công chức, viên chức, nhất là công chức lãnh đạo có tính gian dối trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ thì sự tổn hại cho nhà nước và cho xã hội mà họ gây ra cũng sẽ nặng nề gấp nhiều lần so với một thường dân có tính gian dối. Cho nên cũng không phải ngẫu nhiên mà ở các nước đó người ta đều đã ban hành luật về đạo đức công chức và xử rất nặng đối với các công chức có hành vi hối lộ, tham nhũng, vi phạm pháp luật.
Tính gian dối của một số cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất có biểu hiện như thế nào?
Phàm là những cán bộ, công chức, viên chức có tính gian dối không sớm thì muộn cũng đều trượt ngã vào con đường thoái hóa, biến chất. Ngược lại, những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất cũng đều là những người có tính gian dối. 
Bản chất, mục đích hành vi của người cán bộ, công chức, viên chức gian dối là ở chỗ, làm cho “công tư lẫn lộn” để “lợi dụng việc công mưu lợi tư”. Một số biểu hiện thường thấy ở họ là: chỉnh sửa lý lịch, khai man tuổi tác; khai man thành tích; đạo chích văn chương; đánh tráo khái niệm; tung tin thất thiệt; che giấu sự thật, ỉm nhẹm vật chứng; tráo đổi hoặc làm thất lạc, lẫn lộn hồ sơ, giấy tờ; mua đồ giả khai thành đồ thật; tùy tiện bày đặt các quy định, thủ tục có tính chất nhiêu khê, phiền hà, sách nhiễu, đặc biệt là nhằm vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tư nhân;... Toàn bộ các thủ đoạn, thái độ, hành vi gian dối đó đều có con dấu, chữ ký nhân danh nhà nước, nhân danh pháp luật, hoặc mượn danh nghĩa “ông nọ, bà kia” để trục lợi cá nhân một cách bất chính. 
Thực tế hoạt động công vụ trong bộ máy nhà nước ta nhiều năm qua cho thấy, những cán bộ, công chức, viên chức có tính gian dối đều trực tiếp hoặc gián tiếp vi phạm chính sách, pháp luật, nhất là vi phạm những quy định pháp luật về quyền và lợi ích của công dân với các hình thức, mức độ, tính chất khác nhau. Ví như những vụ việc oan sai của người dân tuy có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có một nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ tính gian dối của người công chức trong quá trình điều tra, thụ lý hồ sơ và xử án. Xã hội cảm nhận rất rõ về điều này là vì những công chức gây ra những vụ việc oan sai đó nếu không phải vì “lợi dụng việc công để trả thù tư” thì cũng vì bênh che cho bạn bè, người thân, hoặc vì cẩu thả, dốt nát, vô trách nhiệm và tệ nhất là nhận hối lộ. Ở một phạm vi rộng lớn hơn, tính gian dối của một số cán bộ, công chức, viên chức còn là một trong những nguyên nhân quan trọng kìm hãm và làm sai lệch các nội dung, mục tiêu cải cách hành chính; đặc biệt là làm xói mòn niềm tin của người dân vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. 
Mọi hành vi gian dối của một số cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ và thực thi pháp luật, suy đến cùng, đều nhằm thỏa mãn dục vọng cá nhân dưới các hình thức, trong đó hình thức cao nhất, tệ hại nhất là tham nhũng (ăn cắp của dân, của nước). Có thể nói, hầu hết các cán bộ, công chức, viên chức mắc tội tham nhũng đều là những người có tính gian dối và có lối sống trưởng giả, lãng phí, xa hoa. 
Tính gian dối và sự lợi dụng chức quyền của một số cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất thường đi đôi với nhau
Những cán bộ, công chức, viên chức khi đã có biểu hiện thoái hóa, biến chất thì đều có thái độ, hành vi lợi dụng vị trí chức vụ, quyền hạn (có thể gọi tắt là “chức quyền”), vị trí cơ quan, vị trí chuyên môn, nghiệp vụ để phô trương thanh thế. Lợi dụng những vị trí này để phô trương thanh thế và phô trương thanh thế để trục lợi cá nhân - đó là hành vi có tính lô-gíc của những cán bộ, công chức, viên chức có tính gian dối. Ví dụ, có một số công chức của các bộ, ngành trung ương khi xuống địa phương công tác thường có thái độ khệnh khạng, trịch thượng, quan cách, làm ra vẻ “quan trọng hóa” công việc và bản thân. Cái cách phô trương thanh thế đó đã khiến cho các đơn vị sở, ban, ngành địa phương không chỉ đón tiếp, đãi đằng, quà cáp một cách nồng hậu, mà còn coi họ như là những “thủ trưởng con”. 
Nói về sự lợi dụng chức quyền của công chức lãnh đạo, người ta thấy nhiều nhất, rõ nhất là sự lợi dụng xe công, nhà công vụ và các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động công sở. Nhiều người đứng đầu cơ quan cấp cục, vụ, viện, sở,… trong hệ thống cơ quan nhà nước được bố trí chỗ ở và làm việc, cấp phát trang thiết bị, được đi xe công đến nơi làm việc hoặc khi đi công tác là hợp lý, hợp pháp. Nhưng không ít người trong số họ vẫn thường có thói quen sở hữu nhà công vụ, ngân quỹ cơ quan, xe công nhà nước và cả nhân viên lái xe như những thứ của riêng mình. Khi họ nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến nơi khác mà người kế nhiệm họ cũng lại có cách nghĩ, cách làm như vậy thì đó chính là một thực tế - một nguyên nhân giải thích vì sao ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước thường có đội ngũ phục vụ hưởng lương chiếm từ 25% đến 30% trong tổng số biên chế nhân sự. 
Lợi dụng thường gắn với lạm dụng. Người lợi dụng chức quyền thường là người lạm dụng chức quyền theo nghĩa là vượt quá quyền hạn do pháp luật quy định. Những công chức lãnh đạo có tư tưởng lợi dụng chức vụ và lạm dụng chức quyền phần lớn là những người có thái độ, hành vi công thần, chuyên quyền, độc đoán, hoặc ỷ thế “con ông cháu cha”. Lợi dụng và lạm dụng chức quyền, xét về bản chất, đó chính là thái độ, hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Quy chế Dân chủ, coi thường “kỷ cương phép nước” và ngạo mạn, không tự biết mình là ai. Thực tế nhiều năm qua ở nước ta cho thấy, những công chức lãnh đạo có tính gian dối và lợi dụng, lạm dụng chức quyền đều là những người thiếu công khai, minh bạch và tùy tiện trong hoạt động công vụ, đặc biệt là trong việc điều chuyển, bổ nhiệm, tuyển dụng nhân sự. Đây là một thực trạng đã tồn tại nhiều năm trong một số cơ quan nhà nước, nhất là ở một số cơ quan sở, ban, ngành địa phương và chính quyền cơ sở. Ở những nơi đó có hiện tượng người đứng đầu lợi dụng chức quyền để đưa anh em, con cháu, người nhà vào cơ quan làm việc, bất chấp dư luận, bất chấp các quy định pháp luật về tuyển dụng. Chính sự lợi dụng, lạm dụng chức quyền theo lối đó đã khiến cho biên chế dư thừa; công việc trùng chéo; trật tự, kỷ cương, văn hóa công sở bị coi thường, “trên bảo dưới không nghe”; năng suất lao động trong khu vực công sụt giảm; năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thấp kém; tài sản của nhà nước bị xâm hại, thất thoát và lãng phí nghiêm trọng. Không chỉ có vậy, những cán bộ, công chức, viên chức thật thà, trung thực, thẳng thắn làm việc dưới quyền các cán bộ lãnh đạo có thói quen gia trưởng, chuyên quyền, độc đoán và lạm dụng chức quyền thường bị thua thiệt, thậm chí còn bị trù úm, vô hiệu hóa. 
Một sự lợi dụng khác cũng tương đối phổ biến là lợi dụng khoảng thời gian sắp mãn hạn nhiệm kỳ lãnh đạo (có người còn gọi đó là “hoàng hôn nhiệm kỳ”) để trục lợi cá nhân. Cách kiếm chác theo kiểu lợi dụng này thường biểu hiện rõ nhất ở việc ký tá các văn bản tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, cử đi học tập hoặc thăm quan ở nước ngoài, cho tham gia đấu thầu, làm đề tài, dự án,… Dù có che đậy, biện minh thế nào đi chăng nữa thì cái cách ký tá đó chắc chắn không phải là nhân cách của những người cán bộ, công chức chân chính. Đó chỉ là cái cách “ăn vét”, “làm tiền” của những kẻ “giá áo túi cơm”, “tiểu nhân”, tầm thường.
Ở các thời phong kiến trước đây trên thế giới có không ít trường hợp quan lại có tính gian dối đã làm khuynh đảo triều chính, dẫn đến cảnh ngộ “huynh đệ tương tàn”, xã tắc nghiêng ngả, đất nước suy vong. Điều đó đúng như Chu Tử (ở Trung Quốc, thời cổ đại) nói: “Tàng gian tác bất lương”, nghĩa là khi con người ta tàng ẩn, tàng trữ cái tính gian dối trong tâm trí của họ thì hành vi, việc làm của họ nhất định sẽ bất nghĩa, bất nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay xấu. Đây vẫn là một quan điểm, một tư tưởng rất căn bản, rất quan trọng đối với Đảng và Nhà nước ta trong việc giáo dục, đào tạo, sử dụng, thuyên chuyển, đề bạt, bố trí cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ cách mạng hiện nay. Tất nhiên, để làm tốt điều đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải nhanh chóng và kiên quyết sa thải những cán bộ, công chức, viên chức có tính gian dối, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn ra khỏi bộ máy công quyền, bất kể họ là ai./.
ThS. Nguyễn Đức MạnhHọc viện Hành chính quốc giaNHỮNG CUỘC 'TỰ DIỄN BIẾN', 'TỰ CHUYỂN HÓA'NỐI TIẾPBÙI TÍN/ BVN 25-3-2018

Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra không biết bao nhiêu nghị quyết chống hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, ngăn chặn sự thức tỉnh của nhiều đảng viên, nhất là đảng viên cao cấp chuyển thành chiến sỹ dân chủ, nhân quyền đòi Đảng phải thay đổi tận gốc, thay đổi hẳn hệ thống, để trở thành đảng chân chính của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam.

Hiện tượng nói trên vẫn đang diễn ra với nhiều đảng viên cấp cao trở thành chiến sỹ dân chủ hàng đầu. Đó là tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, tướng Đặng Quốc Bảo, đại tá Nguyễn Đăng Quang, nguyên đại sứ Nguyễn Trung, đại tá Nguyễn Ngọc Toản vợ trung tướng Cao Văn Khánh đã mất, đại tá Phạm Đình Trọng, cựu đảng viên Bùi Minh Quốc, đảng viên lão thành Nguyễn Khắc Mai… và nhiều đảng viên đã công khai thoát Đảng cũng như vô số đảng viên đã lặng lẽ từ bỏ sinh hoạt Đảng, vô số đoàn viên Thanh niên cộng sản từ bỏ sinh hoạt Đoàn, để ông Trọng phải than rằng có “xu thế nhạt Đảng, nhạt Đoàn” rất nguy hiểm cho Đảng, đang trong thời suy thoái không sao kiềm chế nổi.

Gần đây phải chỉ ra một lọat hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” khác cũng không kém phần nguy cấp cho Đảng của ông Trọng.

Đó là trường hợp tự chuyển hóa của Đinh La Thăng từ một viên tư lệnh ngành giao thông vận tải, được coi là vị tướng đầy quyền uy, trảm tại trận hết tướng này đến tướng khác trong ngành, nay bị thất thế, bị trảm, bị đuổi khỏi Bộ Chính trị, đuổi khỏi Ban Chấp hành TƯ, khỏi Quốc hội, tự chuyển biến thành một tên tội phạm loại lớn nhất, sẽ phải ngồi tù 13 năm, mà vẫn chưa hết tội, còn phải ra tòa thêm trong tuần lễ tới…

Đó là trường hợp tự chuyển hóa của Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng 4T Thông tin Truyền thông, hét ra lửa một thời, trảm hết báo này đến báo khác, thu thẻ làm báo của hàng chục nhà báo ngay thật, sau khi được kiêm là Phó Ban Tuyên huấn TƯ càng thêm hung bạo với các bloger và tổ chức xã hội dân sự, là hung thần trảm tự do ngôn luận, nay tự diễn biến thành kẻ tội phạm đầu sỏ trong đại án MobiFone-AVG, tự cắt đứt hy vọng tràn đầy được vào Bộ Chính trị trong cuộc họp TW 7 tháng 4 sắp tới, có thể bị trảm, mất chức, còn lãnh án khá cao.

Đó là trường hợp tự chuyển hóa của tướng Nguyễn Văn Hóa từng trảm hàng trăm tội phạm dùng công nghệ cao đánh bạc, rửa tiền, đánh cược bóng đá trên mạng nay tự chuyển hóa thành kẻ tội phạm đầu sỏ dùng ngay công nghệ cao của bọn tội phạm nói trên để ăn cắp hàng nghìn tỷ đồng, xây biệt thự khủng giá vài chục tỷ ngay giữa Thủ đô, tội có thể nặng hơn tội của những tội phạm đã bị ông bắt giữ.

Sự chuyển hóa bi đát hơn là của trung tướng Phan Văn Vĩnh nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát uy quyền khủng khiếp, tuy đã về hưu vẫn không yên, bị hạch tội bao che, bảo kê cho tội ác nói trên, tự chuyển hóa thành một tội phạm lớn, chắc sẽ mất hết 2 ngôi sao tướng, huân chương huy chương và danh nghĩa đảng viên có nhiều thâm niên.

Cuộc tự chuyển hóa hiện nay chưa chấm dứt. Có nhiều phỏng đoán rằng cuối tháng 3, sang tháng 4 tới sẽ còn nhiều cuộc “trảm tướng” ly kỳ hơn, bi thảm và chấn động hơn, những hiện tượng “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” mới nữa sẽ diễn ra ngay trước và trong cuộc họp giữa nhiệm kỳ (thứ 7) sẽ rất sôi động của Ban Chấp hành TƯ khóa XII.

B.T.
Tác giả gửi BVN.

CUỘC TRUY TÌM LƯƠN LẸO

BÙI QUANG VƠM/ BVN  25-3-2018

Quyền cầm quyền được lý giải bằng tính chính danh được thừa nhận công khai và toàn thể, cùng với sự hợp thức của thể chế hay mô thức của chế độ chính trị, mô hình độc đảng cầm quyền.


Nói một cách ngắn gọn, cả ông Tập lẫn ông Trọng đều đang tìm mọi cách để chứng minh rằng, Đảng Cộng sản trong mỗi nước này đều có chính nghĩa và xứng đáng ở vị trí cầm quyền, và thể thức cầm quyền của Đảng Cộng sản theo mô hình độc đảng lãnh đạo là mô hình không có gì khác và trái với các thể thức cầm quyền khác trên thế giới.



Đảng Cộng sản, cũng như mọi đảng chính trị khác đều không thể trực tiếp cầm quyền, nghĩa là Đảng không thể tự lập ra Chính phủ, tự cho mình quyền cai trị, quyền quản lý, và nhất là quyền thu thuế để, trước hết, đảm bảo duy trì sự tồn tại của bộ máy cai trị, bộ máy Chính phủ. Tất cả những quyền đó nếu không được thừa nhận bởi mọi thành phần trong xã hội, bao gồm mọi công đồng dân tộc khác nhau, mọi cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, mọi xu hướng tư tưởng và đảng phái chính trị khác nhau, mọi tổ chức dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội thuộc mọi tầng lớp khác nhau v.v.. thì quyền lực đó không thể được gọi là quyền lực hoàn toàn, và vì vậy nó không có hiệu lự thực thi hoàn toàn. Trong một nhà nước độc đảng, luật pháp quốc gia trùng khớp với điều luật nội bộ của Đảng chỉ có thể có hiệu lực với những thành phần và các tổ chức của Đảng, với số lượng đảng viên thông thường chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp trong dân số quốc gia. Nó ít nhiều bị vô hiệu bởi toàn phần còn lại, thường chiếm tới 90% cơ cấu xã hội.



Quyền lực không được thừa nhận dẫn tới hiệu lực và hiệu quả của Chính sách. Đây chính là nguyên nhân gây nên sự phân rã của xã hội, một nguy cơ tiềm ẩn của ổn định, đe doạ vị trí cai trị của Đảng Cộng sản.



Các Đảng Cộng sản cầm quyền hiện nay trên thế giới đều nhận thức được điều đó. Vì vậy những Đảng Cộng sản này, một mặt, tìm mọi cách ẩn mình, che giấu tính cách không đại diện của mình trong tư cách thực thi quyền lực, một mặt khác, tìm mọi cách hợp thức hoá vị trí cầm quyền của mình, bằng cách chuyển từ uy lực trong Đảng sang uy lực của chính quyền, về mặt thực tiễn, đó là sự chuyển hoá từ uy lực của Chủ tịch Đảng sang uy lực của Chủ tịch nước, chuyển sự thừa nhận uy quyền của một bộ phận đảng viên sang sự thừa nhận của toàn thể rộng rãi mọi thành phần xã hội.



Đó là bản chất của việc thay đổi hiến pháp mà Tập Cận Bình vừa thực hiện sau Đại hội 19 và Quốc hội 13 ở Trung Quốc, bản chất của chủ trương nhất thể hoá hai hệ thống Đảng và Nhà nước mà ông Nguyễn Phú Trọng đặt thành nhiệm vụ tại Hội nghị TƯ 6/XII và đang âm thầm thực hiện ở Việt Nam.



Cuộc truy tìm rất công phu này, chắc chắn mất rất nhiều công sức nghiền ngẫm cả về mặt lý luận, tổ chức thực tiễn lẫn vận dụng mọi thủ đoạn chính trị, cho thấy mâu thuẫn không còn khả năng che đậy về tính chính danh quyền độc tôn cầm quyền của Đảng Cộng sản ở các quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền hiện nay.
Ở những quốc gia này có một đặc điểm chung là Đảng Cộng sản nắm giữ tuyệt đối hai công cụ bạo lực công là quân đội và cảnh sát. Quân đội chống đảo chính và răn đe sự phân rã, cát cứ của phe cánh. Cảnh sát trấn áp mọi xu thế khác biệt của mọi thành phần xã hội.



Chỉ cần có hai đảng chính trị độc lập, có quyền cạnh tranh công khai và bình đẳng với nhau, lập tức quân đội và cảnh sát trở thành lực lượng phi chính trị, không thể là của riêng ai và không có nghĩa vụ bênh vực hay bảo vị bất cứ đảng phái nào. Cho nên chỉ cần đo mức độ phi chính trị của quân đội và cảnh sát, có thể đo lường tính chất và mức độ dân chủ hoá của bất cứ chế độ chính trị nào.
Trong cuộc truy tìm này, rõ ràng Tập Cận Bình đã đi trước ông Nguyễn Phú Trọng, vì từ nay, sau khi đồng nhất Điều lệ Đảng với Hiến pháp, khi không bị giới hạn bởi nhiệm kỳ cho chức vụ Tổng Bí thư Đảng, ông Tập Cận Bình là ứng viên đương nhiên cho vị trí Chủ tịch nước, trong khi ở Việt Nam, ông Trọng trong vai Tổng Bí thư Đảng không thể tự “phân công” mình làm Chủ tịch nước. Lý do là ở Việt Nam, quy tắc từ lâu “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đã trở thành một thứ nguyên lý tiên đề không bàn cãi. “Đảng lãnh đạo Chính phủ, không làm thay Chính phủ” đã buộc ông Tổng Bí thư phải đứng ngoài, mặc dù đứng trên Chính phủ, đứng trên Nhà nước.



Nhưng nguyên thủ quốc gia là ai? Hiến pháp không thể quy định thủ lĩnh một Đảng chính trị là nguyên thủ quốc gia. Nhưng ở Việt Nam, vị nguyên thủ quốc gia này, tức là Chủ tịch nước, là một người do Bộ Chính trị phân công, thường chỉ là nhân vật có uy lực thứ ba hay thứ tư trong thứ tự thang bậc của Đảng, thậm chí là chỗ để giải quyết uy tín nôị bộ cho một uỷ viên quan trọng nhưng thất sủng, giống như một nơi “ngồi chơi” trước khi bị nghỉ hẳn.



Một nhân vật như vậy có thể mặc nhiên đại diện chủ quyền quốc gia trong đối ngoại?



Ông Tổng Bí thư Đảng trong thể chế đảng độc quyền, thực chất là người cao nhất trong thang bậc quyền lực, là nguyên thủ quốc gia theo nghĩa người quyết định cuối cùng. Nhưng hệ thống này không tương đồng với thể chế phổ cập trên thế giới, đặc biệt với thế giới dân chủ tự do đa đảng.



Trong nghi lễ ngoại giao với thế giới, ông Trọng không phải là nguyên thủ quốc gia, vì ông chỉ được đảng viên trong Đảng của ông bầu làm Tổng Bí thư, không biết gì về việc ông có được toàn bộ cử tri cả nước bỏ phiếu cho ông không, vì vậy, ông không dại diện, dù trên danh nghĩa, cho quyền lợi quốc gia.



Ở các quốc gia đa nguyên chính trị, ứng viên tranh cử tổng thống thông thường phải qua cuộc bầu chọn trong nội bộ đảng. Người thắng cử trong cuộc bầu chọn này đương nhiên là người cao nhất trong đảng. Khi trúng cử tổng thống, họ cùng lúc là Chủ tịch đảng của họ và tổng thống của toàn dân.



Nhưng khi phải đón tiếp ông Trọng trong một cuộc thăm viếng ngoại giao, ông Tổng thống này không thể nhân danh Chủ tịch đảng của ông để tiếp một ông Tổng Bí thư một đảng khác, nhưng lại cũng không thể lấy tư cách tổng thống một quốc gia để tiếp Tổng Bí thư của một đảng chính trị. Đó là sự khập khiễng trong nghi thức, làm đau đầu hệ thống quyền lực tại Việt Nam, làm lộ ra cái bản chất không chính danh của Đảng Cộng sản.



Nhất thể hoá đang dọn đường cho việc tạo ra một ứng viên đương nhiên của Tổng Bí thư đảng cho chức vụ Chủ tịch nước. Tập Cận Bình đã dọn đường trước cho nhiệm kỳ sau năm 2023, nhưng ở Việt Nam, ông Trọng có thể được Bộ Chính trị giới thiệu ra ứng cử Chủ tịch vào ngay lúc này.



Vấn đề là phải làm thế nào để ông Chủ tịch hiện nay, đột nhiên không thể đảm nhiệm được vị trí Chủ tịch nước nữa, vì lý do “sức khoẻ” chẳng hạn. Ông Quang dính đến rất nhiều bê bối trong suốt thời gian 5 năm Thứ trưởng, 5 năm Bộ trưởng Bộ Công an dưới triều đại tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng. Quốc Hội phải tổ chức Hội nghị bất thường để bầu.



Nếu không có một sự cố bất khả kháng như vậy xảy ra, thì phải đợi tới Quốc hội 15 để bỏ phiếu cho Tổng Bí thư trúng cử Chủ tịch nước.



Trong khi chỉ cần làm những gì thế giới làm, trả tự do về cho tự do, hai ông Tập và Trọng phải cất công tìm cách che chắn chuyện khuất tất. Quả thực là một cuộc truy tìm không dễ dàng và có vẻ đầy mưu ma chước quỷ.



Có thể nhất thể hoá dễ dàng mà không phải thủ đoạn quá lắt léo. Đó là bầu Chủ tịch nước trước bằng bầu cử tự do và phổ thông đầu phiếu. Người trúng cử Chủ tịch nước tự động là Tổng Bí thư Đảng không cần qua Đại hội Đảng, vì “Đảng từ nhân dân mà ra và Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích dủa dân tộc”.



Cầu trời để ông Nguyễn Phú Trọng đủ sức khoẻ ở tuổi 74 để không quá thiếu minh mẫn, khi dấn thân cho một nhiệm kỳ 5 năm nữa.



22/03/2018
B.Q.V.

Tác giả gửi BVN.

MỘT LẦN NỮA HÀ NỘI LẠI NHỤC NHÃ CÚI ĐẦU

PHƯƠNG THẢO/ BVN 25-3-2018

Theo nguồn tin của BBC, Việt Nam đã hủy bỏ một dự án dầu lớn tại Biển Đông lần thứ hai trong vòng một năm, do áp lực của Trung Quốc.


PetroVietnam - tập đoàn dầu khí thuộc sở hữu nhà nước yêu cầu Repsol - công ty năng lượng của Tây Ban Nha phải hoãn dự án ngoài khơi bờ biển phía đông nam. Điều đó có nghĩa là Repsol và đối tác có thể mất đến 200 triệu đô la đã được đầu tư lần này.



Tin tức này hết sức bất ngờ khi các công việc chuẩn bị cuối cùng cho việc khai thác thương mại đang được tiến hành.



Bản đồ cho thấy các khu vực có hoạt động thăm dò và sản xuất dầu của Repsol.Ảnh: repsol


Bill Hayton nhận định rằng “với Trung Quốc có thể coi đây là một thắng lợi đáng kể. Quyết định yêu cầu Repsol hoãn khoan dầu lần thứ hai của Việt Nam dường như chứng minh rằng việc Hoa Kỳ phô diễn sức mạnh vừa rồi đã không có tác dụng làm thay đổi các tính toán chiến lược của Việt Nam”.



Việt Nam đã và đang tìm thăm dò và khai thác mỏ khí Cá Rồng Đỏ từ năm 2009. Tháng 4 năm 2017, Chính phủ Việt nam đã chấp thuận dự án phát triển mỏ khí Cá Rồng Đỏ cách bờ biển Vũng tàu 440km. Được biết mỏ dầu sâu nhất này có với trữ lượng 45 triệu thùng dầu có thể cho phép khai thác 25.000 - 30.000 thùng dầu và 60 triệu m3 khí mỗi ngày.



Theo dự tính, hôm thứ Năm giàn khoan Ensco 8504 sẽ khởi hành từ Singapore đến khu vực Block 07/03 để tiến hành khai thác thương mại. Đây là một phần của dự án Cá Rồng Đỏ mà Hà Nội kỳ vọng sẽ mang lại 15% lợi ròng cho PVS nhằm bù đắp cho việc PVS đã và đang chịu sụt giảm doanh thu 3 năm liền do giá dầu sụt giảm. Nếu thông suốt thì dự án sẽ mang lại lợi nhuận ổn định từ quý một năm 2020 và có lợi nhuận sau thuế là 180 tỷ đồng.



Thông tin từ CTCK KIS Việt Nam cho biết giá trị hợp đồng của PVS với công ty Yinson Malaysia có giá trị ước tính khoảng 1,2 tỷ USD. Liên doanh PVS (51%) và Yinson (49%) cũng đã ký kết được hợp đồng cung ứng FPSO trị giá 800 triệu USD cho mỏ Cá Rồng Đỏ.



Tháng 7 năm 2017 Hà Nội đã lật đật cho Repsol rút lui ở khu vực Block 136/03 sau khi bị Trung Quốc đe doạ tấn công vào khu vực đảo Vành Khăn ở Biển Đông. Việc rút lui lần đầu tiên được cho là tránh đối đầu với Trung Quốc theo lệnh của Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đinh Xuân Lịch. Cuộc rút lui ấy được coi là sự cúi đầu nhục nhã của Hà Nội trước sức ép của Trung Quốc.



Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson vừa mới rời Việt nam hai tuần lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa mới kết thúc các chuyến công du đến Ấn Độ, New Zealand, Australia. Các ký kết song phương về đối tác chiến lược vẫn chưa kịp ráo mực với một kỳ vọng Việt nam với sự ủng hộ của bộ tứ - Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia, Nhật - sẽ dám đứng thẳng lưng, nhìn thẳng vào mắt đối đầu với Trung Quốc.
Nhưng không, một lần nữa, Hà Nội lại nhục nhã cúi đầu...



P.T.
VNTB gửi BVN.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét