Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

20180310. QUANH SỰ KIỆN VIỆT NAM VÀO CPTPP

ĐIỂM BÁO MẠNG
WB: CPTPP SẼ THÚC ĐẨY QUÁ TRÌNH CẢI CÁCH CỦA VIỆT NAM 

THÙY DUNG/ TBKTSG  9-3-2018

Đàm phán CPTPP - Ảnh: TL
(TBKTSG Online) - Hiệp định CPTPP sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường, quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau, theo một báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB).
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 9-3, sau khi Việt Nam và 10 quốc gia khác vừa ký kết hiệp định này.
The báo cáo Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của CPTPP, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.
“Ngay cả khi dựa trên những giả định khiêm tốn thì Hiệp định CPTPP dự kiến cũng sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP tính đến thời điểm 2030. Với thêm giả định tăng năng suất khiêm tốn, CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm 3,5%”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho biết.
Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập, nhưng những lao động có tay nghề cao và thuộc nhóm có thu nhập 60% từ trên xuống sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, dự kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài cũng sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau”, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế của WB tại Việt Nam nói. “Thực hiện các cam kết trong CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa và xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam”.
CPTPP dự kiến sẽ thúc đẩy cải cách trong các lĩnh vực như quản lý cạnh tranh, dịch vụ (dịch vụ tài chính, viễn thông, và gia nhập tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ), hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, pháp lý, thâm nhập thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, khắc phục thương mại...
Mời đọc thêm:

DOANH NGHIỆP KỲ VỌNG VÀO HIỆU ỨNG TÍCH CỰC CỦA CPTPP

TRÚC DIỄM-AN YÊN /TBKTSG 9-3-2018

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (phải) cùng đại diện 10 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP chụp ảnh chung tại hội nghị ở Santiago ngày 8-3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
(TBKTSG Online) - Khoảng hai phần ba (63%) các doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ, theo kết quả một cuộc khảo sát do hãng Kantar TNS thực hiện theo sự ủy quyền của HSBC.
Rạng sáng ngày 9-3 (giờ Việt Nam), 11 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đã đặt bút ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà trước đó được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Các quốc gia châu Á được hưởng lợi nhiều nhất
Lễ ký kết được tổ chức tại thủ đô Santiago, Chile vào 3 giờ chiều ngày 8-3 giờ địa phương. Theo BBC, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Heraldo Munoz cho biết: “Hiệp định là một chỉ dẫn mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ, tạo điều kiện cho một thế giới mở cửa với thương mại và không còn các biện pháp trừng phạt đơn phương hay nguy cơ chiến tranh thương mại”.
Mục tiêu chính của hiệp định là xoá bỏ thuế quan giữa các thành viên, đồng thời giảm các biện pháp phi thuế quan, có thể tạo rào cản thương mại thông qua các quy định pháp lý. Hiệp định cũng bao gồm cam kết về tiêu chuẩn môi trường và lao động tối thiểu.
Hơn nữa, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và doanh nghiệp gây nhiều tranh cãi trước đó cũng đã được đưa vào Hiệp định. Cơ chế này cho phép công ty kiện Chính phủ khi họ thấy có sự thay đổi trong luật pháp ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ.
11 quốc gia thành viên của CPTPP bao gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Trong đó, các quốc gia ở khu vực châu Á được hưởng lợi nhiều hơn bởi Hiệp định này.
Viện Kinh tế quốc tế Peterson ước tính, Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam tăng trưởng thêm 2% GDP tới năm 2030, còn New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Australia có mức tăng trưởng trên dưới 1%.
Thủ tướng Úc, Malcolm Turnbull cho biết, Hiệp định CPTPP này được xây dựng trên cơ chế cho phép các quốc gia thành viên mới tham dự, có thể là Mỹ. Tuy nhiên, bản hiệp định mới đã bỏ 20 điều khoản gốc mà phía Mỹ đã đưa vào đàm phán. Điều này cho thấy việc Mỹ tái gia nhập hiệp định sẽ cần quá trình đàm phán lại và sẽ khó có khả năng trở thành hiện thực.
Sau khi ký kết, CPTPP cần phải được thông qua tại ít nhất sáu trong số 11 nước thành viên thì mới chính thức có hiệu lực.
“Chúng tôi, giống như nhiều quốc gia khác, hy vọng CPTPP sẽ có hiệu lực cuối năm nay hoặc không lâu sau đó", Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo nói và được Reuters trích dẫn.
Được lợi hay không tùy thuộc vào quá trình thực thi
Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, trên trang web của bộ cho hay, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường
Hàng loạt lĩnh vực của Việt Nam, bao gồm truyền thống và phi truyền thống, đều có các cam kết. Ví dụ, sở hữu trí tuệ hay mua sắm công - lĩnh vực truyền thống, trong nội dung của CPTPP, nước ta có những cam kết mạnh mẽ cùng những quốc gia khác. Với lĩnh vực phi truyền thống như điều kiện lao động và môi trường của người lao động, hay nội dung liên quan tới công đoàn cũng đòi hỏi cam kết và cải cách mạnh mẽ. Khi thực thi những cam kết hội nhập này, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các ngành nghề, doanh nghiệp, sản phẩm được cải thiện và nâng cao hơn nữa.
Bên cạnh đó, với một môi trường liên tục được hoàn thiện bằng những cải cách về thể chế cũng như từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh, thì điều kiện để thu hút đầu tư thêm nguồn lực từ bên ngoài sẽ được cải thiện nhanh chóng.
Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ Hiệp định có thể kể đến như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… Một số ngành khác, không phải không có lợi ích, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị.
“Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế. Đó mới là những yếu tố quyết định”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Trước khi CPTPP được ký kết, đã có một số nền kinh tế ngỏ ý được tham gia như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí cả Anh.
Vì cho dù Mỹ, nền kinh tế lớn đã rút khỏi hiệp định này, là vì CPTPP với 11 thành viên vẫn chiếm tới 14% quy mô GDP và 1/6 thương mại toàn cầu, tạo ra thị trường 500 triệu người tiêu dùng, lớn hơn cả khối thị trường chung Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, CPTPP vẫn là một hiệp định có tiêu chuẩn cao, có lộ trình cắt giảm thuế nhanh và sâu. Cụ thể là có tới 95 - 98% số dòng thuế sẽ được cắt giảm về 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực, thay vì phải mất 5-7 năm như quy định tại hầu hết các hiệp định thương mại song phương.
Những ước tính gần đây từ Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) chỉ ra rằng dòng chảy thương mại giữa 11 nền kinh tế tham gia vào hiệp định sẽ tăng 6% đến năm 2030, và các nước thành viên đạt tổng mức thu nhập thực tế 157 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Trong số 1.150 doanh nghiệp có trụ sở tại các nước thành viên CPTPP tham gia cuộc khảo sát, gần một nửa (46%) kỳ vọng những lợi ích tích cực từ hiệp định. Trong số 11 quốc gia tham gia ký hiệp định CPTPP ngày 8-3 tại Chile, có sáu quốc gia có mặt trong khảo sát này: Úc, Canada, Malaysia, Mexico, Singapore và Việt Nam.
Ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cho biết:
“CPTPP là một thỏa thuận lớn và tham vọng đối với Việt Nam. Nó có ý nghĩa to lớn đối với tăng trưởng, việc làm và các mức sống trong tương lai. Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp và chính phủ cần tập trung vào việc thực hiện hiệp định này để có thể đạt được các lợi ích một cách toàn diện. Điều đáng khích lệ là rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kỳ vọng đạt được những lợi ích từ hiệp định".
Cuộc khảo sát được Kantar TNS thực hiện trên toàn cầu theo sự ủy quyền của HSBC, có sự tham gia của 6.033 doanh nghiệp; trong đó có gần một ngàn (997) doanh nghiệp thuộc các thị trường CPTPP, và 200 doanh nghiệp tại Việt Nam. Có 26 thị trường thuộc năm khu vực được chọn ra để khảo sát từ tháng 12-2017 đến tháng 1-2018. Trong đó, tại châu Á-Thái Bình Dương là Úc, Bangladesh, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam; tại Bắc Mỹ là Mỹ, Canada, Mexico; tại châu Âu là Pháp, Đức, Ireland, Hà Lan, Phần Lan, Anh, Cộng hòa Czech; tại Trung Đông và Bắc Mỹ là Ai Cập, Ả-rập Saudi, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và tại Nam Mỹ là Argentina.
Mời đọc thêm:
Kỳ vọng TPP-11

TS. TRẦN DU LỊCH: SO VỚI TPP, VIỆT NAM KÝ CPTPP CÒN TỐT HƠN NHIỀU

DUYÊN DUYÊN /CaFeF 9-3-2018

TS. Trần Du Lịch: So với TPP, Việt Nam ký CPTPP còn tốt hơn nhiều

"Càng áp lực thì doanh nghiệp Việt Nam càng nâng được sức cạnh tranh, còn nếu chúng ta càng bảo hộ thì sẽ càng thất bại"...

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết tại Chile vào rạng sáng 9/3 theo giờ Việt Nam.
Trao đổi với VnEconomy, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch cho rằng, nếu xét trên phương diện thị trường, Việt Nam tốt hơn nhiều khi tham gia CPTPP chứ không phải TPP.
"Việt Nam được lợi nhiều nhất"
Theo ông, khi Việt Nam gia nhập CPTPP mà không có Mỹ thì lợi ích của Việt Nam sẽ giảm đi như thế nào?
Nếu so với mục tiêu ban đầu thì quy mô CPTPP kém hơn nhiều so với TPP, bởi đã mất đi nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng 11 nước còn lại đã nỗ lực đàm phán để đi đến ký kết, và đây là một thành công, là tín hiệu đáng mừng, xuất phát từ hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm ngoái, là sự nỗ lực giữa các bên.
Mặt khác, so với TPP thì CPTPP đã bị cắt giảm 20 nội dung. Những nội dung bị cắt giảm phần nhiều liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo hộ và xây dựng sản phẩm… và những vấn đề này đều ít nhiều không liên quan đến Việt Nam.
Có thể nói, khi những nội dung này bị cắt giảm thì Việt Nam không bị thiệt gì cả, ngược lại còn dễ dàng hơn cho Việt Nam so với các nước khác. Chính vì vậy, nhiều quan điểm cho rằng, trong 11 nước tham gia CPTPP thì Việt Nam được lợi nhiều nhất.
Phải khẳng định CPTPP là một thị trường rất tiềm năng. Dù có Mỹ hay không có Mỹ tham gia thì quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ vẫn được đẩy mạnh, Mỹ vẫn là thị trường lớn của Việt Nam.
Tôi cho rằng xét về phương diện thị trường, nếu so sánh giữa TPP và CPTPP thì Việt Nam sẽ tốt hơn nhiều khi tham gia CPTPP chứ không hẳn là TPP.
Dĩ nhiên trước đây chúng ta kỳ vọng nhiều vào TPP, nhưng sau khi Mỹ rút đi thì chúng ta đã thất vọng. Nhiều người có thể bị "xìu đi", nhưng ngược lại sẽ tạo tâm lý làm ăn kinh doanh tốt hơn.
Tôi cho rằng đây là điều đáng hoan nghênh và là tín hiệu đáng mừng trong năm 2018 của nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài những lợi ích khi tham gia CPTPP, theo ông, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức gì?
Khi ký kết CPTPP sẽ tạo thêm động lực cải cách thể chế trong nước, sức ép về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp…
Tuy nhiên, những sức ép này không hẳn là do một mình CPTPP đem lại, mà chúng ta đã gặp phải từ nhiều hiệp định thương mại khác, nếu vượt qua được thì CPTPP sẽ không có vấn đề gì.
Đầu tiên là Hiệp định Thương mại tự do ASEAN chúng ta đang thực thi, thuế suất bằng 0. Thứ hai là ASEAN 1 ký kết với Trung Quốc, rồi hơn 10 hiệp định FTA ký với Hàn Quốc, Nhật Bản… Chúng ta cũng đang nỗ lực ký thêm FTA với EU.
Xét về hàng rào thuế, năng lực cạnh tranh thì những hiệp định tự do song phương này đang đặt ra thử thách rất lớn đối với Việt Nam, chứ không phải riêng CPTPP.
Song những áp lực này không đáng lo, thậm chí càng áp lực thì doanh nghiệp Việt Nam càng nâng được sức cạnh tranh, còn nếu chúng ta càng bảo hộ thì sẽ càng thất bại.
"Không bài bản là không tồn tại được"
Việt Nam đã chính thức ký kết gia nhập CPTPP, vậy ông có những lưu ý gì đối với doanh nghiệp Việt?
Tôi có ba lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ khi gia nhập CPTPP mà trong thời cuộc hội nhập nói chung.
Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt phải liên kết với nhau, không liên kết với nhau thì không tồn tại được. Liên kết để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam phải làm ăn bài bản hơn, không bài bản là không tồn tại được. Tôi nói bài bản là bao gồm không được làm những việc trái đạo đức, trái pháp luật…
Thứ ba, là phải biết lựa chọn, không làm bừa bãi được. Phải biết lựa chọn sản phẩm, lựa chọn thị trường. Nói nôm na là có tập trung, chứ không phải là gặp đâu làm đó.
Còn với Chính phủ, ông có những khuyến nghị gì, thưa ông?
Chính phủ hiện nay đang nỗ lực rất nhiều, dù có ký kết CPTPP hay không thì trong bối cảnh hội nhập, Chính phủ đã phải thực hiện rất nhiều chương trình, mà điều này được thể hiện trong Nghị quyết 01.
Tuy nhiên, tôi cho rằng quan trọng nhất hiện nay vẫn là vấn đề khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là yếu tố rất quan trọng, làm sao để luật, để các chính sách đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta có một cơ quan chỉ đạo vấn đề hợp tác quốc tế, cạnh tranh, vậy nên cần triển khai thành hành động cụ thể hơn nữa, sâu rộng hơn nữa.
Và cuối cùng, Chính phủ phải tập trung cải cách thể chế. Vệc này Chính phủ cũng đang làm, còn hiệu quả đến đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Theo Duyên Duyên
Vneconomy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét