Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

20180302. QUANH SỰ KIỆN PHONG GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ 2017

ĐIỂM BÁO MẠNG
LUỘM THUỘM CHỨC DANH HỌC HÀM, HỌC VỊ

LÊ HẢI ĐĂNG/ TBKTSG 2-3-2018

Số lượng GS, PGS được công nhận chức danh qua các năm. Nguồn: Vietnamnet
(TBKTSG) - Đứng trước một phòng khám bệnh, đọc tấm biển ghi: Bác sĩ Nguyễn Văn A, Giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng khoa... Nguyên Phó chủ tịch..., người bệnh chắc sẽ không khỏi lưỡng lự, thậm chí hoang mang. Đáng nói là trong xã hội hiện tại, cuộc “khủng hoảng chức danh” đang lan rộng. Những “món đồ trang sức” ấy được phơi bày nhan nhản trên trang báo, len lỏi vào những tấm danh thiếp cá nhân. Thói háo danh phổ biến tới nỗi người ta không ngần ngại huy động thật nhiều chức danh, học hàm, học vị không liên quan tới lĩnh vực mà họ đang hoạt động.
Thông thường, trong bối cảnh thật giả lẫn lộn, thứ văn hóa chuộng nhãn mác rất dễ lên ngôi. Chưa kể ẩn giấu đằng sau thói chuộng danh, giả danh, háo danh là những điểm mờ về văn hóa, đạo đức. Khi con người trong xã hội dần đánh mất niềm tin, thiếu một hệ giá trị định hướng tích cực thì những “bao bì”, “nhãn mác” vốn dễ lừa phỉnh được con người, nhiều khi là nhằm để che đậy những yếu kém, đánh tráo thật giả với mục đích bồi đắp tài sản. Tuy vậy, ở một chiều hướng khác và với một bộ phận người khác trong xã hội, việc liệt kê nhiều “chỉ báo” nhận biết cá nhân ấy phản ánh mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng lòng tin. Một bác sĩ trưng ra quá nhiều học hàm học vị, chức danh có khi lại khiến bệnh nhân cảm thấy không yên tâm.
Thiết nghĩ trong từng trường hợp cụ thể, người ta chỉ nên chọn danh xưng thích hợp. Chẳng hạn khi một tác giả ca khúc trả lời phỏng vấn về tác phẩm âm nhạc thì chỉ cần xưng danh là nhạc sĩ chứ không cần phải nhắc thêm mình là tiến sĩ này, tiến sĩ nọ...
Thói khiêm cung là một đức tính rất cần trong mọi sinh hoạt, đạo đức cũng như học thuật. Trong văn hóa phương Đông, nhiều giá trị trường tồn qua thời gian, ổn định trong cấu trúc văn hóa, như danh xưng “thầy” đã bao trọn nội hàm tôn kính. Ở Đài Loan, một xã hội mà nhiều giá trị truyền thống vẫn tiếp tục chảy giữa lòng thời đại, người ta tôn kính học giả, kẻ sĩ bằng danh xưng “thầy”, vừa khiêm cung, vừa gần gũi, mặc dù nhiều người trong số đó làm quan, có học hàm, học vị nhưng người ta không nhất thiết trưng những “món đồ” ấy trên trang giấy hay thốt ra cửa miệng. Hay trong lĩnh vực nghệ thuật ở xứ ta chẳng hạn, danh xưng nghệ sĩ thiết nghĩ đã đủ, còn nghệ sĩ ấy có ưu tú, có xuất chúng hay không thì tùy vào sự phán xét của khán thính giả.
Nhiều năm qua đi, nhìn lại, người ta không khỏi ngỡ ngàng về tình trạng hám danh trong xã hội ta. Điều đáng nói đây không chỉ là căn bệnh của riêng ngành y tế hay ngành giáo dục mà gần như đã thành một thứ diện mạo của văn hóa đất nước. 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN PHỦ NHẬN CÓ GIAN LẬN  XÉT PHÓ GIÁO SƯ

PHƯƠNG LINH/ GDVN 2-3-2018

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên khẳng định, xét Phó Giáo sư cho ông Thanh là đúng quy định (ảnh: P.L)
Ngày 27/2, đại diện cho lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên Thành phố Hồ Chí Minh là ông Châu Văn Tạo, ông Trần Lê Quan – Phó Hiệu trưởng đã có buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, liên quan đến việc xét công nhận Phó Giáo sư của ông Trần Thiện Thanh – giảng viên tại khoa Vật lý, Vật lý kỹ thuật.
Theo ông Châu Văn Tạo - Phó Hiệu trưởng cho biết, đối với trường hợp giữa ông Trần Thiện Thanh và ông Huỳnh Trúc Phương là hoàn toàn không có gì chung hết, nên ông Huỳnh Trúc Phương có thể ngồi ghế phản biện 3, hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp cơ sở của ông Thanh bình thường.
Ông Châu Văn Tạo giải thích: giữa ông Trần Thiện Thanh và ông Huỳnh Trúc Phương không có gì chung, nếu xét về các bài báo, công trình nghiên cứu, hoạt động chuyên môn.
Dù chung một đơn vị chuyên môn là khoa Vật lý, Vật lý kỹ thuật, nhưng hướng nghiên cứu của 2 thầy hoàn toàn khác nhau. Thầy Thanh nghiên cứu về tia gama, thầy Phương nghiên cứu về tia neutron. 
Và sau đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản trả lời, hoàn toàn đồng ý với cách giải thích của nhà trường, liên quan đến việc của ông Trần Thiện Thanh và Huỳnh Trúc Phương.Đối với các kết luận về vụ việc này (kết luận 89 của Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên ký ngày 26/1/2018, kết luận 1875 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) vênh nhau, ông Trần Lê Quan – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên thành phố nói, nhà trường khi đó đã có văn bản khiếu nại, gửi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện cho lãnh đạo nhà trường, ông Trần Lê Quan giải thích tiếp: đúng là quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, người ngồi ghế phản biện là không được sinh hoạt cùng đơn vị chuyên môn với nghiên cứu sinh.
Thế nhưng, đơn vị chuyên môn được định nghĩa rất rộng, hướng nghiên cứu chuyên môn của các thầy khác nhau thì vẫn được.
Ngoài ra, theo ông Trần Lê Quan, cần xét đến tình huống, bối cảnh khi đó là việc tìm các chuyên gia giỏi, uy tín, ngồi ghế phản biện đề tài của nghiên cứu sinh trong trường hợp này là không có nhiều, nên phải mời người cùng bộ môn.
Dù rằng, xét theo đúng quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là chưa phù hợp lắm.
Nói đến đây, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đề nghị cả 2 thầy cung cấp văn bản của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý với khiếu nại của nhà trường.
Dù vậy, cả 2 thầy chưa cung cấp được ngay.
Phương Linh
THỨ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC LÝ GIẢI LƯỢNG GS, PGS TĂNG ĐỘT BIẾN
TRINH PHÚC/ GDVN 2-3-2018
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng (ảnh Trinh Phúc).
Trả lời báo chí tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2 của Chính phủ ngày 1/3 về vấn đề công nhận giáo sư, phó giáo sư, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng thông tin, việc xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư là công việc thường niên của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước.
Quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tiếp tục thực hiện theo Quyết định 174, Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Trong năm 2017 số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng nhiều so với những năm trước.
Thứ trưởng chỉ rõ nguyên nhân, thứ nhất thời gian nhận hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 kéo dài thêm 6 tháng so với năm 2016.
Trong 6 tháng đó số lượng ứng viên tích luỹ đủ tiêu chuẩn được tăng lên như số bài báo, hướng dẫn thêm nghiên cứu sinh, học viên cao học…
Thứ hai, số lượng ứng viên có khả năng đáp ứng đủ tiêu chuẩn hiện hành tăng lên do những năm trước đây Chính phủ có những đề án cho cán bộ giảng dạy trẻ đi học nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước như đề án 322, đề án 911 và những người này khi về nước, họ được đào tạo bài bản và trong một số năm đã tích luỹ đủ tiêu chuẩn về bài báo khoa học, công trình nghiên cứu, số giờ giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh…
Do đó, họ có đủ điều kiện trở thành ứng viên để xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Thứ ba, trong nhiều năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng viên nên số lượng cán bộ giảng dạy tại các trường đại học đã dần tích luỹ nhiều hơn những điều kiện để tham gia xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Liên quan đến chất lượng ứng viên năm nay, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, chất lượng năm 2017 nhìn chung tăng so với năm trước.
Theo Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, mặc dù quy chế hiện công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên tạp chí nước ngoài chưa bắt buộc nhưng thực tế nhiều ứng viên đã có bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế.
Dẫn chứng thực tế, ông Hùng cho biết, năm 2016 có 2.510 bài thì 2017 đã có 5.316 bài, như vậy số bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế tăng gấp 2,1 lần. Ngoài ra, năng lực ngoại ngữ của ứng viên cũng cải thiện nhiều, trong đó có ứng viên thành thạo 2-3 thứ tiếng.
Theo kết quả được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, tổng ứng viên đạt tiêu chuẩn là 1.226 người/1.537 ứng viên (tương đương khoảng 79,76%), trong khi năm 2016 đạt 75,51%, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng khẳng định, tỷ lệ này xấp xỉ các năm và không có gì đột biến.
Tuy nhiên, vừa qua dư luận có nhiều ý kiến về việc tăng đột biến ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Hội đồng ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rất nghiêm túc.
Nếu ứng viên nào không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định thì kiên quyết không công nhận.
Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã thành lập tổ công tác kiểm tra hồ sơ các ứng viên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 để bảo đảm khách quan trong quá trình rà soát bên cạnh hội đồng ngành, liên ngành.
“Đối với trường hợp có đơn thư khiếu nại tố cáo, thì xem xét giải quyết theo Luật Khiếu nại tố cáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết quả rà soát đã có báo Thủ tướng Chính phủ và trong thời gian tới Thủ tướng sẽ có ý kiến chính thức về vấn đề này”, ông Hùng nói.
Trinh Phúc
94 HỒ SƠ CÓ PHẢN ẢNH KHÔNG ĐẢM BẢO TIÊU CHÍ XÉT GS, PGS
TRINH PHÚC/ GDVN 1-3-2018
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ- ông Mai Tiến Dũng (ảnh Trinh Phúc).
Liên quan đến việc xét duyệt chức danh giáo sư và phó giáo sư, tại kỳ họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, ngày 1/3 báo chí đã đề cập đến nội dung báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về xét duyệt lại hồ sơ chức danh giáo sư và phó giáo sư.
Trả lời các câu hỏi của báo chí, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng cho biết: “Thủ tướng rất quan tâm đến chất lượng các nhà khoa học Việt Nam.
Ngay khi có ý kiến về đào tạo tiến sĩ Thủ tướng đã chỉ đạo chấn chỉnh nâng cao chất lượng đào tạo.
Đối với chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư chúng ta thấy đây là chức danh nghề nghiệp gắn với hoạt động khoa học, gắn với giảng dạy, đây là niềm tự hào của dân tộc chúng ta”.
Chia sẻ thêm liên quan đến việc xét duyệt giáo sư năm nay: “Vừa qua, sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách 1226 ứng viên có đủ điều kiện Thủ tướng đã chỉ đạo ngay.
Ngày 8/2/2018 yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước rà soát toàn bộ lại các ứng viên như công bố của Hội đồng. Hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức báo cáo Thủ tướng”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: “ 94 ứng viên có phản ánh về hồ sơ như chưa đủ đề tài, chưa đủ bài báo, chưa đủ giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học... trước mắt Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đang tiếp tục rà soát, đánh giá.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là làm rất nghiêm túc và đánh giá thực chất. Ngay cả những ứng viên nói đủ giờ giảng thì giảng ở đâu, giáo trình nào, hợp đồng giảng dạy ra sao, thỉnh giảng thế nào.
Hợp đồng kinh phí thế nào, có chi tiền hay không chi tiền. Không có chuyện giảng nhưng viết giấy ủng hộ nhà trường không thu tiền. Không có chuyện đó đâu”.
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ: “Thủ tướng biết hết, cần minh bạch, khả năng ngoại ngữ như thế nào, giao tiếp như thế nào của các ứng viên.
Các chức danh được phong hàm đạt trình độ nào có tiêu chuẩn hết rồi.
Từ đó tại phiên họp Chính phủ Thủ tướng nêu vấn đề này và giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Bộ trưởng - Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có báo cáo tuy nhiên tới đây tại phiên họp Chính phủ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải báo cáo rõ.
Với tinh thần làm rất rõ, ba-rem có những gì và đến nay các ứng viên có những gì và thiếu những gì”.
Cuối cùng, ông Mai Tiến Dũng cho biết: "Đối với lãnh đạo muốn được phong giáo sư và phó giáo sư thì chỉ cần đủ tiêu chuẩn là có thể tham gia xét duyệt".
Trước đó Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017, có nhiều thông tin (kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng) phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến so với các năm trước, cùng nhiều lo ngại về chất lượng (như không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, không có đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học...);
Một số thành viên Hội đồng có rất ít (thậm chí không có) công bố nghiên cứu khoa học quốc tế so với các ứng viên.
Không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một "đợt vét" trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư và có ứng viên phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/2/2018.
Trinh Phúc
XEM XÉT LẠI HỒ SƠ GIÁO SƯ CỦA BỘ TRƯỞNG NGUYỄN THỊ KIM TIẾN 
THÚY HẠNH/ VNN 28-2-2018
"Bỏ phiếu cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chúng tôi phải nghe cả 2 bên"
 - Sau buổi họp ngày 27/2, Hội đồng chức danh giáo sư (GS) Nhà nước đã tạm để lại một số hồ sơ GS, PGS của tất cả các ngành, trong đó có 29 hồ sơ (9 GS và 20 PGS) của ngành y tế. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nằm trong hồ sơ được xem xét lại này.

"Bỏ phiếu cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chúng tôi phải nghe cả 2 bên"

"Khi bỏ phiếu cho Bộ trưởng Tiến, không chỉ riêng tôi, mà cả hội đồng đều rất suy nghĩ. Chúng tôi phải nghe cả hai bên. Và phải đặt mình vào vị trí người ứng viên đó để xem xét cho thấu tình, đạt lý" 
Chiều ngày 28/2, các thành viên trong Hội đồng ngành y đã bày tỏ quan điểm về thông tin hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bị nằm trong danh sách "xem xét lại".
GS.TSKH Phùng Đắc Cam cho biết: “Kết quả rà soát cho thấy Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hoàn toàn đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra các thành viên hội đồng đánh giá rất cao những đóng góp của Bộ trưởng Bộ Y tế với ngành y tế nước nhà.”
GS Phùng Đắc Cam khẳng định hồ sơ của Bộ trưởng Bộ Y tế thừa điểm để xét duyệt hồ sơ. Cụ thể, về tiêu chí giảng dạy, bà Tiến đào tạo 3 tiến sỹ, 4 thạc sỹ lấy bằng và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh.
Bên cạnh đó, bà tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, kiêm chủ nhiệm 2 bộ môn, giảng dạy tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Bà Tiến có 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn...
Bà Tiến còn được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp, thỉnh giảng tại ĐH Oxford (Anh quốc) 2 nhiệm kỳ.
“Ở Việt Nam chưa có nhà khoa nào được mời thỉnh giảng 2 lần tại đại học danh tiếng như ĐH Oxford. Bản thân trường đại học này cũng xét duyệt hồ sơ rất kỹ của những nhà khoa học trước khi mời cá nhân tham gia giảng dạy” - ông Cam nhấn mạnh.
“Khi đứng trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, thay mặt ngành y của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói tiếng Anh như những nhà ngoại giao, trao đổi với giới chuyên môn trong ngành y của nhiều nước “tay bo” bằng tiếng Anh. Đó là những bằng chứng thêm nữa chứng tỏ năng lực của bà, tại sao bà phải ở danh sách thứ 2?" - GS Cam viện dẫn.
Theo GS Cam, trước kia đã từng có Bộ trưởng Bộ Y tế 2 lần là ứng viên xét phong hàm giáo sư nhưng đều không đạt. Trước khi trình lên Hội đồng nhà nước một hồ sơ giáo sư, phó giáo sư phải qua 6 người của Hội đồng giáo sư ngành y tế “soi”, nên không lọt được các điều kiện cần và đủ đối với chức danh giáo sư, phó giáo sư.
GS Cam cũng đề xuất nên xem xét lại tiêu chí quy định về giờ giảng đối với các hồ sơ giáo sư thuộc lĩnh vực nghiên cứu và những người làm công tác quản lý đối với ngành y. Bởi những người làm chuyên môn giỏi mới được xem xét và cân nhắc bổ nhiệm là quản lý. Khi làm quản lý họ vẫn tiếp tục làm chuyên môn và tham gia nghiên cứu.
Được biết, theo quy định về công nhận chức danh GS, PGS, ứng viên nếu không phải đang làm việc tại cơ sở giáo dục đại học thì phải có công trình khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc đã được công bố và đánh giá cao, được tặng giải thưởng lớn ở trong nước hoặc ở nước ngoài.
Trước đó, ngày 27/2, khi trao đổi với báo chí, GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành y tế cho biết bà Tiến có 91 bài báo khoa học, 14 bài đăng trong tạp chí quốc tế ISI, tổng điểm quy đổi cao (34,38). Trong khi đó, chức danh giáo sư chỉ yêu cầu 20 điểm.
 Thúy Hạnh

BỎ PHIẾU CHO BỘ TRƯỞNG KIM TIẾN, CHÚNG TÔI PHẢI NGHE CẢ HAI BÊN

NGUYỄN THẢO/ VNN 1-3-2018

 - Trước thông tin Hội đồng chức danh giáo sư ngành Y có 29 hồ sơ phải để lại để tiếp tục rà soát sau cuộc họp chiều ngày 27/2, GS. Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS ngành Y cho biết, đây chưa phải là con số chính thức, mà mới là ý kiến của HĐCDGSNN trình Thủ tướng Chính phủ để xin chỉ đạo cụ thể. 
GS. Phạm Gia Khánh cũng có những chia sẻ về trường hợp được dư luận rất quan tâm trong câu chuyện xét duyệt, công nhận chức danh GS, PGS năm nay. Đó là trường hợp của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến – được biết là một trong những hồ sơ nằm trong danh sách phải rà soát lại.
“Theo tôi, những trường hợp phải rà soát lại là những hồ sơ chưa đủ các thủ tục, còn vướng mắc. Nhóm đối tượng thứ 2 là các ứng viên có hồ sơ rất đẹp, nhưng bị kiện cáo, đã giải quyết rồi nhưng giải quyết chưa thỏa đáng, vẫn còn dư luận thì nên để lại để rà soát lại cho thật chắc chắn” – GS. Khánh cho hay.
- Chỉ đạo rà soát lại vào ngày 9/2 của Chủ tịch HĐCDGSNN đã yêu cầu các hội đồng ngành, liên ngành rà soát kỹ những trường hợp bị khiếu kiện, làm công tác quản lý.... Hội đồng ngành y đã thực hiện việc rà soát các đối tượng này như thế nào, thưa GS?
Chúng tôi giải quyết các đơn thư khiếu nại theo đúng quy định hiện hành như hỏi ý kiến các cơ quan quản lý các ứng viên, ý kiến của cả các nhà khoa học trong ngành...
Tôi lấy ví dụ có một đơn thư nặc danh kiện ứng viên có 3 bài báo không có tính chất khoa học ở điểm A, B, C.. , đồng thời nhận xét ứng viên không đủ tư cách. Vậy phải giải quyết ra sao? Chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại, 3 bài báo đó về đơn vị công tác xin ý kiến về đạo đức, chuyên môn của ứng viên. Tiếp theo, chúng tôi mời 2 chuyên gia về lĩnh vực đó nhận xét về khiếu nại với ứng viên. Khi nhận được công văn của đơn vị ứng viên công tác, 2 ý kiến của 2 giáo sư, chúng tôi báo cáo hội đồng, sau đó bỏ phiếu. Tinh thần là làm đúng quy trình và làm chắc chắn nhất để người kiện cáo tâm phục khẩu phục, kể cả đích danh hay nặc danh.
- Những hồ sơ bị ‘để lại’ để trình Thủ tướng được đưa ra dựa trên quy trình như thế nào, thưa GS?
Số lượng hồ sơ rất lớn nên rà soát toàn bộ thì rất khó, không đủ thời gian. Vì thế, Hội đồng ngành Y tập trung vào 3 đối tượng:
Một là hồ sơ có đơn thư khiếu nại, hai là những hồ sơ mà tổ công tác phát hiện còn thiếu sót. Thứ ba là các ứng viên thuộc diện cán bộ quản lý như Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cục trưởng, Vụ phó, Giám đốc Sở… 
Quá trình rà soát lần đầu thì chúng tôi thấy hồ sơ ứng viên đầy đủ cả, nên vẫn bảo lưu kết quả 19 hồ sơ đạt chuẩn GS.
- Cá nhân GS đánh giá thế nào về hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến?
Về mặt khoa học là rất tốt. Các tiêu chuẩn về đào tạo, nghiên cứu khoa học của bà Tiến đạt mức cao so với tiêu chuẩn chức danh GS hiện hành.
- Theo chia sẻ của GS, điểm số hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến rất cao, thành tích tốt. Vậy hồ sơ của Bộ trưởng Tiến được đưa vào danh sách phải rà soát lại là vì lý do gì?
Tôi nghĩ có lẽ là có 2 lý do. Một là bà Tiến là cán bộ quản lý thì phải xem xét kỹ hơn về tiêu chí thành tích xuất sắc. Thứ hai, trường hợp của Bộ trưởng Tiến cũng có những đơn khiếu nại. Với hai lý do đó, tôi nghĩ rằng, việc quyết định xem xét lại cũng là điều nên làm để cho rõ ràng hơn, minh bạch hơn.
- Hội đồng ngành Y nhận được khiếu kiện về hồ sơ của Bộ trưởng Tiến ở tiêu chí nào, thưa GS?
Dư luận cho rằng Bộ trưởng nhiều việc như vậy thì thời gian đâu mà nghiên cứu. Từ đó, người ta hoài nghi về công việc thực của Bộ trưởng. Có lẽ đó là cái được nhiều người quan tâm nhất.
- Hội đồng ngành Y và HĐCDGSNN sẽ làm như thế nào để xác minh được những tiêu chí đang bị hoài nghi đó?
Tiêu chí đó nằm trên hồ sơ. Về thành tích nghiên cứu, Bộ trưởng có 2 đề tài cấp Nhà nước. Từ trước đến nay, có rất ít người là chủ nhiệm 2 đề tài cấp Nhà nước. Một đề tài cấp NN cũng đã khó. Bà Tiến cũng chủ nhiệm 6-7 đề tài cấp Bộ, 15 đề tài cấp cơ sở. Cho nên, nếu nói Bộ trưởng không có nghiên cứu là không được. Án tại hồ sơ. Nếu so sánh với các hồ sơ khác, riêng thành tích nghiên cứu của bà Tiến đã là nổi bật.
Còn về đào tạo, Bộ trưởng đã hướng dẫn 3 NCS bảo vệ tiến sĩ, 4 thạc sĩ, và hiện tại bây giờ vẫn còn đang hướng dẫn NCS. Bà Tiến viết 2 cuốn sách chuyên khảo, nhiều sách giáo trình, sách tham khảo… Số sách của Bộ trưởng cũng thuộc loại cao so với các ứng viên khác.
Bộ trưởng có hợp đồng giảng dạy của ĐH Y dược TP.HCM, Viện Dinh dưỡng, có thanh lý hợp đồng. Riêng ĐH Y dược TP.HCM, bà Tiến là chủ nhiệm bộ môn. Chủ nhiệm bộ môn thì phải giảng dạy. Cho nên nói bà Tiến không giảng dạy hay không nghiên cứu thì không được.
Đừng nghĩ Bộ trưởng trăm công nghìn việc thì không có thời gian làm nghiên cứu hay giảng dạy. Người lãnh đạo tốt, điều hành tốt có thể làm được. Cái này thảo luận thì vô kể, thôi thì án tại hồ sơ.
Về mặt khoa học thì tôi nghĩ như vậy. Khoa học chỉ là một phần tiêu chí của chức danh GS, PGS. Ngoài phần cứng còn phần mềm, về con người ứng viên. Bà Tiến nhận được 2-3/21 phiếu không tán thành trong vòng bỏ phiếu kín, vẫn đạt chuẩn 2/3 số phiếu.
Ý kiến dư luận thì rất nhiều, khiến những người bỏ phiếu rất khó khăn. Nhưng dư luận không có bằng chứng thì rất khó. Tôi muốn chia sẻ để xã hội hiểu được trách nhiệm của những người trong hội đồng, làm thế nào để công bằng, minh bạch, rõ ràng, thuyết phục.
Khi bỏ phiếu cho Bộ trưởng Tiến, không chỉ riêng tôi, mà cả hội đồng đều rất suy nghĩ. Chúng tôi phải nghe cả hai bên. Và phải đặt mình vào vị trí người ứng viên đó để xem xét cho thấu tình đạt lý.
Dư luận rất quan tâm đến vấn đề này, và điều đó cũng là hợp lý. Nhưng phải nhìn cả hai phía, đánh giá một cách khách quan.
Có lẽ bây giờ dư luận quan tâm đến thực chất giờ giảng. Cái này về phía hội đồng thì thấy rất hợp lệ, vì đã có hợp đồng giảng dạy, có thanh lý hợp đồng. Thành tích cụ thể nhất có thể nhìn thấy là luận văn, luận án đào tào thạc sĩ, tiến sĩ; sách giảng dạy rất phong phú.
Năm nay, hội đồng Y học có số lượng ứng viên được công nhận đạt chuẩn GS là 19, chuẩn PGS là 173 và cũng là ngành có số lượng ứng viên được công nhận cao nhất trong 28 hội đồng ngành, liên ngành. Số lượng ứng viên được công nhận năm ngoái của hội đồng Y cũng thuộc tốp cao. GS có thể đưa ra một số lý do cho những con số này?
Năm nay, tổng số ứng viên của các hội đồng cơ sở đưa lên là 208 người. Sau khi qua hội đồng ngành và Nhà nước, 192 ứng viên được công nhận, đạt tỷ lệ khoảng 92,3%. Năm ngoái có 125 ứng viên được công nhận. Như vậy, năm nay tăng 1,53 lần so với năm ngoái.
Dư luận cho rằng số lượng GS, PGS của ngành Y nhiều quá, nhưng tôi cho rằng như thế là quá ít so với nhu cầu. Tỷ lệ sinh viên/ GS, PGS ở các cơ sở đào tạo ngành y của chúng ta là thấp so với thế giới. Trường ĐH Y Hà Nội chỉ có 16 GS, Trường ĐH Y dược TP.HCM có 12 GS, các trường y trực thuộc các tỉnh khác chỉ có một vài GS. Trong khi nhu cầu tối thiểu cơ sở đào tạo y khoa phải có 50 GS, tương ứng trên 50 bộ môn. Vì thế, tỷ lệ hiện tại của chúng ta là quá thấp. Ở các trường y nước ngoài, yêu cầu này còn lớn hơn rất nhiều, lên tới hàng trăm GS.
Thế nhưng, không nhiều người đang công tác tại các trường đào tạo y khoa đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện hành cho chức danh GS, PGS. Ví dụ như những tiêu chuẩn như: GS phải hướng dẫn chính ít nhất 2 NCS, có đề tài cấp Bộ, viết sách chuyên khảo…
- Không chỉ thời gian vừa qua, mà từ trước tới nay, giới khoa học đã trao đổi rất nhiều về cách thức xét duyệt chức danh GS, PGS. Theo GS, ta nên thay đổi cách thức xét duyệt GS, PGS như thế nào để đảm bảo thực chất và hiệu quả? GS đánh giá thế nào về đề xuất giao việc này về các trường?
Đây là một vấn đề rất lớn. Chúng ta vẫn nói phải đi theo chuẩn quốc tế, nói lý thuyết thì rất đúng, nhưng phải hiểu "chuẩn quốc tế" là cái gì.
Mỗi đất nước có một cách xét duyệt khác nhau và cách thức đó được thay đổi theo từng thời kỳ, giai đoạn. Ở Pháp, người trao bằng GS là Tổng thống, chứ không phải là trường. Vậy ta nên  theo mô hình nào? Để trả lời câu hỏi này rất khó.
Chúng ta muốn giao cho trường, nhưng Nhà nước, xã hội không tin vào trường thì giao thế nào được. Chứng nhận giảng dạy của nhà trường mà cơ quan chức năng và xã hội không tin. Tôi rất buồn.
Vấn đề này rất lớn, tôi chỉ nói một vài ý để thấy rằng tiêu chuẩn, cách thức rất khó khăn. 
- Theo GS, tiêu chí nên được coi trọng, nên được đánh giá cao nhất khi xét duyệt GS, PGS là gì?
Tiêu chí cao nhất là thành tích giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thiếu đào tạo và NCKH thì không làm được. Đó là về mặt khoa học bên cạnh phẩm chất đạo đức của ứng viên.
- Xin cảm ơn GS.
Nguyễn Thảo(thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét