Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

20180330. BÀN VỀ XỬ LÝ TÀI SẢN BẤT MINH CỦA CÔNG CHỨC

ĐIỂM BÁO MẠNG
TÀI SẢN CHE GIẤU: ĐÁNH THUẾ HAY TỊCH THU ?

ĐINH VĂN MINH/ TVN 28-3-2018

Kê khai tài sản,Chống tham nhũng,Thuế thu nhập,Kỷ luật Đảng,Trốn thuế

Xử lý việc kê khai tài sản không đúng quy định không hề đơn giản. Ảnh minh họa

 - Việc thu thuế 45% đối với tài sản không kê khai chỉ là biện pháp tức thời, và không đồng nghĩa với việc “đóng dấu” để hợp thức hóa tài sản đã che giấu.
Thông tin Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi đưa ra phương án đánh thuế 45% với những tài sản của công chức bị phát hiện không kê khai theo quy định đang gây tranh cãi trong dư luận. Nhiều ý kiến không đồng tình và đề nghị cần phải tịch thu số tài sản đó với một suy luận đơn giản: tài sản che giấu hẳn là tài sản bất minhh, tài sản bất minh chắc chắn là có nguồn gốc bất hợp pháp và đã bất hợp pháp thì phải tịch thu!
Quá rõ ràng và đơn giản! Nhưng nếu đơn giản thế thì các nhà hoạch định chính sách đã không mất quá nhiều thời gian công sức để tìm tòi, lựa chọn. Nếu đơn giản vậy chắc Quốc hội đã không có lý do gì mà chưa tán thành việc hình sự hóa tội làm giàu bất chính, một biện pháp được quy định ngay chính trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), sau rất nhiều thảo luận và cân nhắc kỹ càng.
Một chuyên gia nào đó đã rất có lý khi cho rằng cái gì che giấu thì đều ít nhiều bậy bạ. Điều đó hoàn tàn đúng với hiện tượng kê khai không trung thực tài sản. Nhưng “bậy bạ” với ai, mức độ nào thì cần được cụ thể hóa và có biện pháp xử lý phù hợp, đó là yêu cầu đối với người làm luật.  

Pháp luật không thể chung chung mà phải minh định, rõ ràng, cụ thể chứ không thể “vơ đũa cả nắm”. Một nhà nước pháp quyền, dân chủ khi đã xử lý ai thì đều phải có lý có tình, khiến cho kẻ vi phạm phải tâm phục khẩu phục. Như vậy trừng phạt mới có ý nghĩa, chế tài mới đạt hiệu quả.
Việc xử lý không đơn giản
Trở lại vấn đề xử lý tài sản kê khai không trung thực hay không giải trình được nguồn gốc khi bị phát hiện, có thể hình dung ra những trường hợp cụ thể như sau:
Thứ nhất, hành vi kê khai không trung thực, hiểu một cách đơn giản nhất là đã kê khai không đầy đủ số tài sản hay giá trị tài sản mà mình có. Thường là giấu diếm, kê khai thấp hơn, cũng có khi kê khai nhiều hơn với ý nghĩ là sau nay “kiếm được” mà không phải giải trình. Đây rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải bị xử lý.
Trên thực tế, pháp luật đã quy định và vừa qua một số quan chức đã bị xử lý với những mức độ khác nhau về vi phạm này. Quy định mới đây (quy định 102) của Đảng còn đưa ra những hình thức kỷ luật rất nặng đối với hành vi không trung thực trong kê khai tài sản. Vấn đề này là quá rõ ràng, việc còn lại chỉ là bảo đảm thực hiện cho nghiêm mà thôi.
Thứ hai, xử lý tài sản bị che giấu, việc này phức tạp hơn nhiều so với việc xử lý người vi phạm. Vì có thể xảy ra nhiều trường hợp khác nhau trên thực tiễn mà những người làm luật cần dự liệu, phải trả lời câu hỏi người ta che giấu tài sản vì mục đích gì thì mới có giải pháp phù hợp.
Một là che giấu để trốn thuế: giả định rằng tài sản đó là hợp pháp (pháp luật luôn tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội) nhưng người có tài sản không muốn nộp thuế thu nhập nên đã không kê khai.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi ở Việt Nam sự gia tăng tài sản thu nhập đôi khi là “tình cờ và bất ngờ” không được kiểm soát. Chẳng hạn người ta có thể mua đi bán lại một miếng đất, một căn hộ tiền tỷ, “lướt sóng, chốt lời” trên thị trường chứng khoán và vô số cơ hội khác để kiếm lời mà không hề nộp thuế. Khoản lợi đó thu được biến thành tài sản mà công chức đã lờ đi để không phải nộp thuế thu nhập.
Hai là, tài sản không kê khai nhưng khi bị phát hiện thì vẫn giải trình hợp lý tài sản đó có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp, người kê khai không có mục đích trốn thuế nhưng lại “vô tình” trốn thuế!
Mục đích của người có tài sản che giấu đơn giản là không muốn người khác biết để tránh sự ganh tỵ, với suy nghĩ ở đời giàu thì bị ghét, nghèo bị khinh, thông minh thì gây… khó chịu! Hoặc tệ hơn là muốn giấu diếm người thân, kiểu như lập quỹ đen để phục vụ mục đích cá nhân “không trong sáng” (ăn chơi, nuôi bồ nhí, lập “phòng nhì”… và hàng trăm lý do khác nữa).
Tóm lại, trong trường hợp này tài sản được che giấu là tài sản hợp pháp, và như vậy không thể bị tịch thu. Nhưng người đó đã có vi phạm thì ngoài việc bị xử lý về hành vi không trung thực như nói ở điểm thứ nhất thì còn phải chịu nộp thuế thu nhập, chính xác hơn là truy thu thuế dù không có mục đích trốn thuế. Còn giấu diếm người thân thì để người thân của họ “xử lý”, nhà nước không can thiệp!
Cả hai tình huống nêu trên đều dẫn đến hệ quả là nhà nước truy thu thuế, và có thể phạt thêm về tội trốn thuế ngoài việc xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền theo quy định. Đây là giải pháp được đưa ra trong Dự thảo luật phòng, chống tham nhũng lần này với mức thuế là 45% và hiện gây nhiều tranh luận
Thứ ba, xử lý trường hợp tài sản kê khai không trung thực sau khi bị phát hiện đã không giải trình được hoặc giải trình không hợp lý số tài sản đã che giấu còn phức tạp hơn nữa. Ngoài việc xử lý kỷ luật thì câu hỏi khó khăn nhất là có thể tịch thu khối tài sản này không?
Để trả lời câu hỏi này cần minh định trong quan niệm rất rõ ràng trên những nguyên tắc pháp luât hiện hành. Việc tịch thu tài sản chỉ đặt ra khi chứng minh được nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản đó, ở đây là chứng minh tài sản đó có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng (một căn nhà, một chiếc ô tô, một số lượng tiền có được sau khi thực hiện hành vi tham ô, nhận hội lộ từ Dự án A, B nào đó)…
Trường hợp này thì tài sản bị tịch thu và người vi phạm chắc chắn bị xử lý hình sự. Tuy nhiên trách nhiệm chứng minh những hành vi vi phạm và nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản này thuộc về các cơ quan nhà nước. Đó là vấn đề mang tính nguyên tắc. Trong mọi trường hợp cơ quan có thẩm quyền đều phải chứng minh theo trình tự luật định nếu muốn kết tội một ai đó.
Ở đây cũng cần phân biệt giữa trách nhiệm giải trình một cách hợp lý về tài sản của người kê khai với nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc bất hợp pháp của cơ quan nhà nước. Trong trường hợp này thì trước hết nhà nước tiến hành truy thu thuế như đối với các trường hợp nêu trên. Ngoài ra việc không giải trình hoặc giải trình không hợp lý sẽ là căn cứ để các cơ quan chức năng đưa vụ việc và cá nhân người đó vào đối tượng tiếp tục làm rõ nhằm chứng minh nguồn gốc thật sự khối tài sản và có các hiện pháp thích hợp.
Như vậy việc thu thuế 45% đối với tài sản không kê khai chỉ là biện pháp tức thời, có thể áp dụng được ngay và điều này không đồng nghĩa với việc “đóng dấu” để hợp thức hóa tài sản đã che giấu. Tài sản đó vẫn có thể bị tịch thu khi các cơ quan có thẩm quyền chứng minh được nguồn gốc của nó từ hành vi tham nhũng và người có hành vi tham nhũng vẫn không thoát khỏi bị truy cứu trách nhiệm hình sự như một số người lo ngại.
Tóm lại, quá trình soạn thảo phương án xử lý tài sản kê khai không trung thực, nhiều phương án đã được đưa ra và cân nhắc cả về phương diện pháp luật và từ góc nhìn hết sức thực tiễn. Và việc lựa chọn giải pháp truy thu thuế (cùng với biện pháp kỷ luật người không trung thực), mặc dù có thể còn nhiều tranh cãi nhưng là biện pháp thực tế nhất để có thể nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong tình hình hiện nay.
TS. Đinh Văn MinhViện trưởng Viện Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ

BÀI LIÊN QUAN:

LÝ LẼ NÀO ĐÁNH THUẾ TÀI SẢN BẤT MINH ?

LÊ HỒNG SƠN/ ĐV 28-3-2018

LTS:-  Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi đang được trình lên Thường vụ Quốc hội xin ý kiến, trong đó có đề xuất đánh thuế 45% với tài sản bất minh. ,TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục  trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp cho rằng đây là một dự định sai lầm, không thể chấp nhận được. Để rộng đường dư luận, báo Đất Việt xin đăng tải nguyên văn bài phân tích của ông về vấn đề này.  

TS Le Hong Son: Ly nao danh thue tai san bat minh?
Phủ chúa ở Thanh Hóa
Tôi không hiểu vì sao?, lý lẽ gì để người ta đề xuất ra dự kiến đánh thuế 45% với tài sản bất minh, tài sản không chứng minh được nguồn gốc của quan chức trong Dự án Luật phòng, chống tham nhũng mà Chính phủ đã trình sang Thường vụ Quốc hội?.
Bởi vì sao? Ai cũng biết, việc đánh thuế, căn cứ vào thu nhập và tài sản hợp pháp của đương sự. Một khi đã không chứng minh được tính hợp pháp của khối tài sản này thì rõ ràng không thể có cơ sở để xác định mức thuế.
Mặt khác, ai cũng hiểu, một khi đã ấn định mức thuế 45% cho khối tài sản này thì có nghĩa là 55% còn lại được hợp thức hóa, được công nhận, được coi như là tài sản hợp pháp của đương sự.
Tôi cứ băn khoăn mãi không hiểu dựa vào căn cứ nào, lý lẽ nào để người ta ấn định ra thứ thuế này, mức thuế này cho tài sản bất minh của quan chức?. Phải chăng, như nhiều người nói, đây chính là sự "ngụy biện của cánh ta"?  
Về quan điểm cho rằng, vấn đề này cần phải "dựa vào quy trình tố tụng" để xử lý. Tức là đưa ra Tòa án để phán quyết thì tôi không phản đối nhưng lại băn khoăn ở một vấn đề rất lớn đó là, Tòa án phán quyết dựa trên nguyên tắc nào? Phải chăng là dựa trên nguyên tắc, cơ quan nhà nước phải chứng minh tính bất hợp pháp của khối tài sản này? Còn đương sự thì không buộc phải chứng minh, không buộc phải đưa ra căn cứ, lý lẽ để chứng minh tính hợp pháp đối với khối tài sản bất minh mà họ có được?. Đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng.
Trước đây, tôi đã nhiều lần nói rằng, người dân bình thường, người không có vị trí, vai vế nào trong bộ máy nhà nước thì khi cơ quan Tư pháp muốn tước đoạt tài sản của họ thì phải chứng minh được tính bất hợp pháp của những tài sản đó. Nói nôm na là tài sản do phạm pháp mà có. Hành vi phạm pháp phải được cơ quan nhà nước chứng minh một cách đầy đủ, hợp pháp, hợp lý thì mới có cơ sở để tước đoạt tài sản của người dân bình thường trong xã hội.
Ngược lại, là quan chức, người có chức, có quyền, có đủ quyền lực để tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của xã hội, của nhà nước về cho mình, thì việc áp dụng nguyên tắc này là không phù hợp.
Đối với những người có chức, có quyền, những quan chức trong bộ máy nhà nước thì trách nhiệm chứng minh tài sản của mình có nguồn gốc hợp pháp thì trước hết đó phải là trách nhiệm của chính người đó. Một khi anh không chứng minh được những tài sản mà mình có được có nguồn gốc hợp pháp thì nhà nước và xã hội có quyền tước đoạt tài sản bất minh đó của anh. Đây là nguyên tắc rất cơ bản để xác lập cơ chế phòng, chống tham nhũng.
Cũng giống như nhà nước không buộc người dân bình thường phải kê khai tài sản của mình và chứng minh tính hợp pháp của những tài sản đó. Còn quan chức nhà nước thì phải có trách nhiệm kê khai tài sản và chứng minh tính hợp pháp đối với tài sản mà họ có.
Nếu có sự lẫn lộn, không rõ ràng ở đây thì rõ ràng nguyên tắc phòng, chống tham nhũng trở lên vô nghĩa, không có giá trị thực tiễn. Trong những năm 80 của Thế kỷ trước, đã có thời điểm chúng ta áp dụng nguyên tắc mà tôi vừa nêu một cách sai lầm, đó là Nhà nước buộc người dân chứng minh khối tài sản mình có được là tài sản hợp pháp. Còn nếu không chứng minh được đó là tài sản hợp pháp thì đó là tài sản bất minh và bị Nhà nước tịch thu (trích Chủ trương đánh tài sản bất minh....)
Ngày nay, có khá nhiều người nhắc đến thời kỳ đánh tài sản bất minh đối với người dân trong xã hội như một kỷ niệm buồn, một sự sai lầm mà hiện nay không thể để lặp lại. Đối với người dân trong xã hội, Nhà nước muốn tước đoạt quyền sở hữu tài sản của họ thì Nhà nước phải chứng minh được tính "bất hợp pháp" và phải qua con đường tư pháp, qua Tòa án.
Đấy là nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Không thể khác được. Nếu nhìn nhận từ góc độ của quan chức, người có chức, có quyền trong bộ máy Nhà nước, nếu áp dụng nguyên tắc này thì rõ ràng có vấn đề không ổn. Rất cần phải xác định nguyên tắc ngược lại đó là, chính đương sự, người có chức, có quyền phải chứng minh tài sản của mình có nguồn gốc hợp pháp hay không?. Nếu không chứng minh được thì đó là "tài sản bất minh" của quan chức. Nhiều nước đã áp dụng cơ chế tịch thu.
Còn ở Việt Nam hiện nay thì rất lúng túng, bởi vì người ta nhầm lẫn một cách cơ bản giữa tài sản của công dân và tài sản của quan chức. Công dân bình thường trong xã hội không có nghĩa vụ phải chứng minh tính hợp pháp đối với khối tài sản của mình có được, còn quan chức thì phải áp dụng nguyên tắc ngược lại. Có như vậy thì chống tham nhũng mới mang lại kết quả thiết thực.
Nhân đây, tôi cũng muốn nói tới một vấn đề khác đó là, khi xử lý vấn đề tham nhũng, cơ quan có thẩm quyền trong điều tra, xét xử thường hay buộc người đã khai ra hành vi đưa hối lộ và chỉ đích danh người đã nhận hối lộ là phải có căn cứ để chứng minh việc đưa và nhận hối lộ. Câu hỏi thường được cơ quan có thẩm quyền đưa ra là: "anh đưa hối lộ có ai chứng kiến không và có giấy tờ biên nhận không?".
Trời ạ, chỉ có đứa trẻ con thì mới đặt câu hỏi như thế. Ai đời đưa hối lộ lại đòi hỏi phải có người chứng kiến và phải có giấy tờ biên nhận? Dư luận có quyền nghi ngờ đây chẳng qua chỉ là câu hỏi để bắt bí người tố cáo, người đưa hối lộ và đồng thời để bao che, để giải thoát trách nhiệm cho kẻ đã nhận hối lộ. Nếu áp dụng nguyên tắc bình thường là phải có người chứng kiến, có giấy tờ biên nhận thì rõ ràng đây là một việc áp dụng nguyên tắc sai lầm, hoàn toàn không phù hợp với thực tế đưa và nhận hối lộ trong xã hội ta.
Quay trở lại vấn đề tài sản bất minh, tôi xin nhắc lại, việc đưa ra cơ chế đánh thuế 45% đối với tài sản bất minh của quan chức là một dự định, một chủ trương hoàn toàn sai lầm, không thể chấp nhận được như trên tôi đã phân tích. Đồng thời cũng phải xem lại nguyên tắc xác định và xử lý đối với tài sản bất minh của quan chức thì mới đưa cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Trước đây tôi cũng đã nói tới vấn đề "quyền bí mật đời tư" khi buộc quan chức kê khai tài sản, buộc những người thân thích của quan chức như bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con của những quan chức này phải kê khai tài sản. Tại sao một quan chức lại áp dụng những nguyên tắc phổ biến, đời thường trong việc bảo vệ bí mật đời tư mà không áp dụng một cơ chế khác phù hợp với vị trí, vai trò của họ cũng như trách nhiệm của những người thân thích khi có người trong gia đình họ làm quan chức?.
Ví dụ, đưa nguyên tắc "bí mật đời tư" để không buộc những người thân thích, ruột thịt của quan chức, của người có chức, có quyền phải kê khai tài sản cũng là một tư duy, cách nghĩ ngụy biện, không thể chấp nhận được. Đây cũng là một kẽ hở mà công luận và nhiều người đã chỉ ra trong phòng, chống tham nhũng, để lọt người, lọt tội, làm cho cơ quan Nhà nước không có cơ sở, điều kiện để thu hồi tài sản mà kẻ tham nhũng đã chuyển cho bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con cái như một thủ đoạn để tẩu tán tài sản do tham nhũng mà có.

  • TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét