Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

20180326. BÀN VỀ CHỐNG THAM NHŨNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐÁNH RẮN PHẢI ĐÁNH DẬP ĐẦU, TA ĐÁNH THAM NHŨNG ĐỪNG QUÊN KHÚC GIỮA

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 26-3-2018

Công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay, được nhiều người - lãnh đạo, nhà báo, người nghiên cứu và dân chúng - gọi là “Cuộc chiến chống giặc nội xâm”.
Là “cuộc chiến” nhưng lại có gì đó rất khác, không phải cuộc chiến giữa các lực lượng đối nghịch, giữa các thế lực, phe phái mà là “ta tự đánh vào ta” - như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuộc chiến chống tham nhũng đáp ứng nguyện vọng của dân và vì vậy được dân đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên sự tham gia của dân vào cuộc chiến không rõ nét như thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hay chống xâm lược trên biên giới phía Bắc, phía Tây Nam (vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước).
Có cảm giác lực lượng hùng hậu nhất ủng hộ chủ trương của Trung ương, ủng hộ quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân dân đang quan sát “cuộc chiến” hơn là tham gia trực tiếp như lực lượng đóng vai trò quyết định.
Luật Phòng chống tham nhũng. (Ảnh minh hoạ: anninhthudo.vn)
Sau bao nhiêu năm, tỷ lệ kê khai tài sản bị phát hiện (không trung thực?) luôn “ổn định” ở mức khoảng 5 phần triệu?
Thống kê của Ban Nội chính Trung ương đăng ngày 09/12/2017 cho thấy:
Qua 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, mới chỉ tiến hành xác minh đối với 4.859 trường hợp và chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật được 17 người kê khai tài sản không trung thực”. [1]
Như vậy bình quân, mỗi năm chỉ có 1,7 người - làm tròn là 2 người không trung thực trong kê khai tài sản?
Quyết định số 99-QĐ/TW (2017) “Ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” có quy định hình thức công khai tài sản cán bộ: “công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng”.

Thu hồi tài sản tham nhũng cần có thêm tội danh làm giàu bất hợp pháp

Đây là chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chủ trương này là nhiệm vụ của Chính phủ, vậy Chính phủ - cụ thể là Thanh tra Chính phủ - có nên công bố cho dân biết “địa chỉ” trang thông tin lưu trữ bản kê khai tài sản của cán bộ thay vì để tình trạng ngay cả những người rất giỏi tin học cũng chưa chắc đã tìm được?
Việc người dân khó có điều kiện tiếp cận bản kê khai tài sản của cán bộ có đồng nghĩa với việc chưa động viên đúng mức sự tham gia của người dân?
Cuộc chiến chống giặc nội xâm đang diễn biến thế nào?
Câu trả lời cho câu hỏi này có thể thấy qua ý kiến của nhiều vị lãnh đạo cũng như các chuyên gia, rằng cuộc chiến đang trong giai đoạn “trên nóng, dưới lạnh”.
Tường thuật phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương cuối năm 2017, báo Hanoimoi.com.vn viết: “Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi”. [2]
Có nên cho rằng “trên” và “dưới” ở đây chỉ bao gồm các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong bộ máy nhà nước mà không gồm nhân dân?
Nếu có cả nhân dân thì dân đang “nóng” hay “lạnh”?
Có điều lâu nay, dư luận chỉ chú đến “trên” và “dưới” mà ít quan tâm đến khúc “giữa”, vậy thế nào gọi là “giữa”?
Xin tạm phân định thế này, “trên” là nơi ban hành chủ trương, đường lối, “dưới” là nơi thực hiện, vậy “giữa” là bộ phận quản lý, là nơi biến chủ trương, đường lối thành văn bản pháp quy, hiện thực hóa chỉ đạo của “trên” và giám sát hoạt động của “dưới”.

Có bao nhiêu phương thức xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực?

Nếu chấp nhận sự phân định như trên thì phải chăng “trên” đang nóng, “dưới” đang lạnh còn “giữa” “không nóng, cũng không lạnh” tức là “mát”?
Đã gọi là sức nóng thì đương nhiên phải lan tỏa, nếu lan từ “trên” xuống “dưới” mà bị đoạn “mát” ở giữa thì xuống có còn đủ “nóng”?
Hãy cùng điểm qua vài vụ việc để xem mức độ “mát” của “giữa” như thế nào.
Đầu năm 2018, báo chí đưa tin nhiều nơi nông dân vứt bỏ củ cải, su hào vì giá rớt thảm hại, một số nhóm thiện nguyện đã đứng ra “giải cứu”, bán được hàng chục tấn giúp nông dân.
Lý giải chuyện này đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trồng trọt (Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng:
Trước khi phải đổ bỏ hay giải cứu, nhiều nông hộ đã thu được cả hàng trăm triệu đồng”. [3] 
Nói đến chuyện “giải cứu” nông sản, không thể không nhắc đến những vụ “giải cứu” lợn thịt, thanh long, muối, chuối, dưa hấu, bí đỏ… đã xảy ra những năm trước.
Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm gì trước thực trạng nhức nhối này?
Nói thẳng ra là, với chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn, bộ này chịu trách nhiệm đến đâu trước tình trạng tự phát, thiếu kế hoạch tổng thể đối với hai lĩnh vực chủ chốt của nông nghiệp là chăn nuôi và trồng trọt?
Xin trích ý kiến đăng trên Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam:
Vậy nên, hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam cần một cuộc giải cứu bao trùm là giải cứu tư duy quản trị và sản xuất nông nghiệp”. [3]

Quá nóng, quá lạnh đều mất ngủ, chỉ có heo may là yên giấc nồng!

Đã qua thời một vài người đi đâu cũng khuyên bà con nông dân nuôi, trồng cái này, cái kia.
Bây giờ không ít cán bộ quản lý cho rằng nông dân làm chủ ruộng đất của mình nên họ toàn quyền quyết định “trồng cây gì, nuôi con gì” và do đó họ phải gánh chịu mọi hậu quả?
Vậy nông dân cần “tư duy quản trị” ở tầm vĩ mô của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay bộ này cần nông dân để tồn tại?
Làm sao để “giải cứu tư duy quản trị” khi mà người cần giải cứu - tức là bộ ngành chủ quản - cứ theo nếp như bài viết trên trang thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Văn bản pháp luật vẫn đi ra từ "phòng máy lạnh" ”. [4]
Người ta ở "phòng máy lạnh" chỉ để “mát” theo kiểu thời tiết hay cũng còn “mát” để chống lại cái “nóng” từ trên dội xuống?
Câu chuyện hơn 500 giáo viên bị tuyển thừa ở huyện Krông Pak tỉnh Đắk Lắk lỗi là do chính quyền địa phương mà cụ thể là hai đời Chủ tịch huyện Krông Pak.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng:
“Nghị định 115/2010/NĐ-CP đã quy định rõ việc tuyển dụng giáo viên là phân quyền của các địa phương.
Cụ thể, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm bảo đảm đủ biên chế công chức cho phòng giáo dục và đào tạo, biên chế sự nghiệp cho các cơ sở giáo dục; chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;…
Theo quy định này, việc tuyển dụng hay chấm dứt hợp đồng thuộc quyền của Uỷ ban nhân dân huyện Krông Pắk”. [5]

“Tham nhũng 100 tỷ đồng - 45% thuế = yên tâm tham nhũng”

Ở câu chuyện này, ngịch lý là người sử dụng lao động thì không được quyết định tuyển. Người tuyển thì cứ làm theo ý họ, khổ thì chỉ thầy cô phải chịu
Hai ví dụ nêu trên có thể chưa đủ minh chứng cho tình trạng “giữa mát” nên xin nêu thêm ví dụ thứ ba.
Công an Phú Thọ đã khởi tố bắt tạm giam nguyên thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng cục phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Muốn “dưới” cũng “nóng" như “trên” mà cứ để khúc giữa “mát” thì chẳng lẽ phải tìm cách đi vòng quanh, bỏ qua khúc giữa?
Một điều khác cũng nên nhìn nhận thẳng thắn, một khi xác định chống tham nhũng là chống “giặc nội xâm”, là một “cuộc chiến” đúng nghĩa thì không nên tự an ủi rằng bên bị “đánh” không đủ năng lực và ý chí chống trả.
Sự việc cựu Chủ tịch tỉnh Gia Lai - ông Phạm Thế Dũng - công khai trả lời báo chí, rằng “tôi về hưu rồi, xử sao thì xử”, hay một cơ quan phản bác kết luận thanh tra của một cơ quan cùng cấp khác về sai phạm của mình cho thấy sự quyết liệt của cuộc chiến chống giặc nội xâm không hề thấp như người ta vẫn nghĩ.
Một trong những cách chống trả thầm lặng nhưng hậu quả khôn lường là tìm cách “chuyển hóa” hoặc “cài cắm” nhân sự vào “những ngành, cơ quan phòng chống tham nhũng”.
Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ rõ trong phiên họp ngày 22/01/2018:
Kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng, phải thanh lọc đội ngũ, trước hết là trong những ngành, cơ quan phòng chống tham nhũng”. [6]

“Tham nhũng làm hỏng cán bộ, tạo ra bức xúc, bất công trong xã hội”

Chỉ đạo của Tổng Bí thư xuất phát từ thực tế chứ không phải là chỉ là dự báo mang tính ngăn chặn.
Công an Phú Thọ đã khởi tố bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hóa, cựu thiếu tướng Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát, không những thế cựu Tổng cục trưởng tổng cục này, trung tướng Phan Văn Vĩnh cũng đã được mời làm việc với công an.
Trên mặt báo từng xuất hiện ý kiến: “Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin cho. Chúng tôi chống lại có khi “chết” trước”. [7]
Tham nhũng nằm vùng trong chính cơ quan phòng chống tham nhũng ở cấp khá cao khiến người được giao nhiệm vụ chống tham nhũng còn phải kiêng dè thì việc nhân dân chỉ “quan sát” cuộc chiến có phải là điều lạ?
Kết quả phòng chống tham nhũng còn hạn chế không hẳn là tại “dưới”, càng không thể tại “trên” vì “trên” đang “nóng”, vậy thì vướng ở cấp bậc nào nếu không phải là khúc “giữa”!
Vậy nên giải pháp “đánh” tham nhũng thời nay cần phải khác với chuyện “đánh rắn phải đánh dập đầu”, “đánh” tham nhũng phải “đánh” khúc giữa.
Tài liệu tham khảo:
             MOBIFONE MUA 95% AVG : ĐẮT HAY  RẺ ?
             NGUYÊN VŨ / TBKTSG 25-3-2018
Cái giá đắt nhất mà MobiFone phải trả về lâu về dài là thương vụ mua cổ phần AVG này ảnh hưởng lên dòng tiền của MobiFone và tác động  không thuận lợi lên quá trình cổ phần hóa MobiFone sau này. Ảnh: T.L
(TBKTSG) - Trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về thương vụ MobiFone mua lại 95% cổ phần Công ty Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) có những dư luận cho rằng giá mua, lên đến 8.889 tỉ đồng là không cao vì nhiều nơi từng định giá AVG cao hơn thế nhiều lần, chẳng hạn AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỉ đồng và MobiFone đã dùng kết quả thẩm định giá này để “đàm phán mua cổ phần”.
Định giá doanh nghiệp là một chuyện khó, nhất là đối với các công ty hoạt động trong những lĩnh vực mới liên quan đến công nghệ thông tin - viễn thông. Ở đây, chuyện lỗ nặng không nói lên điều gì vì chẳng hạn như Uber, từ lúc thành lập đến nay, lỗ tổng cộng hơn 10,7 tỉ đô la Mỹ nhưng vẫn được thị trường định giá chừng 48 tỉ đô la. Hãng xe Tesla nổi tiếng cũng đang lỗ, chỉ tính riêng năm 2017, lỗ 2,24 tỉ đô la nhưng giá thị trường giờ lên đến 55 tỉ đô la... Tuy nhiên, phải nhớ Uber có giá cao ngất ngưởng là nhờ có trong tay 7 triệu lái xe và 50 triệu khách hàng thường xuyên; còn Tesla có đến nửa triệu khách hàng đã đặt cọc, kiên nhẫn xếp hàng chờ được giao xe.
Các yếu tố khác như so sánh giá thị trường và vốn chủ sở hữu hay giá được định so với phần tài sản cố định... cũng không có nhiều ý nghĩa vì thế giới không thiếu các doanh nghiệp được định giá cao gấp nhiều lần so với vốn điều lệ, giá trị sổ sách hay tài sản cố định. Nhưng điểm chung của các doanh nghiệp được định giá như thế là tiềm năng phát triển được các nhà đầu tư nhìn thấy, thường là thông qua tốc độ phát triển, số lượng khách hàng, các phát kiến độc đáo sẽ đem lại lợi thế độc quyền... Chẳng lạ gì Facebook tìm đủ mọi cách để tăng lượng người dùng, càng nhanh càng tốt; Uber liên tục khuyến mãi dù lỗ để duy trì lượng khách đặt chỗ qua ứng dụng, Tesla hé lộ các kiểu xe ngày càng hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng...
Thông tin từ kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy AVG hoàn toàn thiếu vắng các yếu tố đó.
Nhìn ở góc độ số liệu thuần, nhiều người sẽ nói ngay giá mua 95% AVG đến 8.889 tỉ đồng là quá cao vì AVG từ lúc thành lập đến thời điểm thẩm định cứ lỗ liên tục, lũy kế lên đến 1.632 tỉ đồng, chiếm gần một nửa vốn điều lệ. Tổng tài sản chỉ có 3.260 tỉ đồng trong khi nợ phải trả đến 1.266 tỉ đồng và giá trị còn lại của tài sản cố định chỉ là 208 tỉ đồng. Nhưng như các ví dụ đã nói ở trên, thật ra các số liệu này, nêu trong kết luận thanh tra, chưa nói lên được chuyện đắt hay rẻ.
Chuyện đầu tiên cho thấy giá MobiFone mua 95% AVG là giá trên trời nằm ở chỗ, theo kết luận thanh tra, AVG dùng đến 73,3% (tức 2.659 tỉ đồng) để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Yếu tố thứ nhì là lượng khách hàng đã có và khách hàng tiềm năng. Trong tổng số 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền thì AVG lúc về tay MobiFone chỉ có 400.000 khách hàng.
Chuyện đầu tiên cho thấy giá MobiFone mua 95% AVG là giá trên trời nằm ở chỗ, theo kết luận thanh tra, AVG dùng đến 73,3% (tức 2.659 tỉ đồng) để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình, các doanh nghiệp viễn thông, một khi không còn khai thác được độc quyền thoại hay nhắn tin vì các dịch vụ Internet miễn phí cạnh tranh thì phải vươn ra lĩnh vực truyền hình như kiểu MobiFone mua truyền hình An Viên. Nhưng AVG lại bỏ đến hơn hai phần ba vốn đi làm các chuyện khác như mua cổ phần Công ty cổ phần Giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P! Theo thanh tra, AVG mua Mai Lĩnh là nhắm đến khu đất tại Hà Đông để làm bất động sản, mua An Viên B.P là nhắm vào giấy phép khai thác mỏ bauxite Thọ Sơn và mỏ Thống Nhất ở Bình Phước. Có thể lúc mua AVG trả giá cao vì tiềm năng đó nhưng thực tế đất thì vẫn là đất thuê của Nhà nước làm nông nghiệp, giấy phép khai thác bauxite cũng chẳng có. Và MobiFone ôm hai dự án này vào trong tay để làm gì trong khi chuyên môn của họ là viễn thông và đang ước muốn mở rộng ra truyền hình?
Dư luận trước đây cũng cho biết có nhiều đoàn đầu tư nước ngoài vào tìm hiểu để đàm phán mua AVG trước cả MobiFone. Cho dù có chuyện đó chăng nữa, một khi các đối tác này, chắc chắn muốn nhảy vào lĩnh vực truyền hình chứ họ cần gì bất động sản hay bauxite, nếu biết chuyện ắt đã lảng ra xa.
Yếu tố thứ nhì là lượng khách hàng đã có và khách hàng tiềm năng. Theo số liệu đăng trên các báo, trong tổng số 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền thì AVG lúc về tay MobiFone chỉ có 400.000 khách hàng. Một doanh nghiệp chỉ chiếm 4% thị phần mà được định giá như thế, cao hay không ắt chúng ta đã tự kết luận.
Trước đây, cũng có người nghĩ, điều làm nên giá cao của AVG là 4 kênh tần số mà AVG được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép sử dụng thí điểm (AMAX định giá 112 triệu đô la, tương đương 2.429 tỉ đồng). Đây cũng có thể là yếu tố thu hút sự quan tâm của một số đối tác nước ngoài cũng như là cái cớ để Bộ Thông tin và Truyền thông đóng dấu mật lên hồ sơ mua bán. Thế nhưng kết luận thanh tra cho biết lẽ ra bộ phải thu hồi để đấu giá 4 kênh tần số này chứ đây đâu phải là tài sản lâu dài của AVG. Được biết Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có kế hoạch chuyển đổi kênh tần số của AVG sang kênh tần số khác, lấy băng tần cho việc cung cấp dịch vụ viễn thông di động.
Cuối cùng, cái giá đắt nhất mà MobiFone phải trả về lâu về dài là thương vụ mua cổ phần AVG này ảnh hưởng lên dòng tiền của MobiFone và tác động không thuận lợi lên quá trình cổ phần hóa MobiFone sau này. Lúc đó các thiệt hại mà MobiFone đã gánh chịu sẽ bị nhân lên bội lần, ăn vào giá trị thị trường mà lẽ ra MobiFone được thừa nhận nếu không có thương vụ AVG!






   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét