Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

20180307. QUANH VỤ CÔ GIÁO BỊ PHỤ HUYNH HỌC SINH BẮT QUỲ GỐI

ĐIỂM BÁO MẠNG
CÔ GIÁO BỊ BUỘC QUỲ GỐI VÀ 'NỀN GIÁO DỤC KHÔNG QUỲ GỐI'

UÔNG NGỌC DẬU/ TVN 7-3-2018

Cô giáo quỳ,bạo lực học đường,bạo lực ngành y,đánh thày giáo,đánh bác sĩ
Trường tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra vụ việc.
 - Việc cô giáo ở một trường tiểu học thuộc tỉnh Long An bị buộc phải quỳ gối trước mặt phụ huynh học sinh xảy ra sau tết Mậu Tuất, là sự kiện đau lòng, chưa từng có...
Chưa từng có, nhưng giờ đã thành sự kiện buồn trong đời sống giới giáo chức nước nhà, ám ảnh tâm trí người thầy, bôi xấu hình ảnh giáo dục nước nhà.
Nó lại xảy ra trong khuôn viên nhà trường, trong môi trường giáo dục, nơi cần sự thanh lành, mô phạm, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo.
Nó tiếp nối, ở mức độ nguy hiểm hơn, trong chuỗi những hành vi bạo lực học đường, bạo lực bệnh viện, cái xấu cái ác ngang nhiên tấn công trực diện vào nền tảng đạo đức xã hội: Người thầy giáo và người thầy thuốc.
Đó là biểu hiện rõ nét về sự xuống cấp của đạo đức xã hội và sự xô lệch, đảo lộn thang bậc giá trị. Nhóm phụ huynh, đứng đầu là vị chức sắc trong giới luật sư địa phương đã cho mình là một thế lực, có thể làm những gì họ muốn, bất chấp quy ước đạo đức truyền thống cũng như hệ thống pháp luật hiện hành. Nó na ná cái lý sự “em xinh, em có quyền...”, “tôi có tiền tôi được phép...”
Nghiêm túc nhìn nhận, sự kiện đau lòng đó cũng là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh hình ảnh giáo dục và người thầy trở nên mờ nhạt và tầm thường, khi tình trạng mua bằng bán cấp, học giả bằng thật tràn lan; khi đồng lương người thầy còn bèo bọt; khi để tồn tại, người thầy phải làm những nghề, mà lẽ ra, không nên làm...
Trong cách xử lý tình huống, cô giáo trường tiểu học Bình Chánh đã mắc lỗi khi phạt học sinh bằng hình thức bắt quỳ, rất đáng trách. Nhưng đáng trách hơn, khi vì lỗi mình gây ra mà cô chấp nhận quỳ gối trước nhóm phụ huynh.
Hình như cách đào tạo người thầy trong trường sư phạm hiện nay đang có vấn đề?
Trước khi làm nhà báo, tôi là giáo viên. Những năm tháng trong trường đại học sư phạm, chúng tôi được tích lũy kiến thức, rèn kỹ năng sư phạm, kỹ năng xử lý tình huống và cách ứng xử của người thầy trong mọi mối quan hệ xã hội.
Từ những người thầy từng trải, yêu nghề, từ những đợt điền dã, kiến tập, thực tập, chúng tôi có thêm nhiều trải nghiệm. Sinh viên sư phạm ngày đó không thể thiếu Sổ tay sư phạm, trong đó ghi lại những câu chuyện về nghề “trồng người”, những danh ngôn, những bài thơ, bài hát về mái trường, người thầy, và đặc biệt, những câu chuyện về xử lý tình huống sư phạm.
Học ở khoa ngữ văn, nên chúng tôi, ít hay nhiều, đậm hay nhạt, ảnh hưởng tư tưởng ưu thời mẫn thế; xuất, xử tuỳ thời; phong cách đối nhân xử thế tích cực của các nhân vật, hình tượng văn học và các nhà thơ, nhà văn lớn trong nước và thế giới. Ra trường, chúng tôi đều tự tin và khẳng định mình. Với chúng tôi, khi gặp tình huống như cô giáo tiểu học ở Long An, sẽ không đơn độc xử lý tình huống, cũng không bao giờ, một là bắt học sinh quỳ; hai là quỳ trước phụ huynh.
Đại văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn từng tuyên ngôn: Trợn mắt xem khinh nghìn lực sỹ/ Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng (Hoành mi lãnh đối thiên phu chỉ/ Thủ phủ cam vi nhũ tử ngưu). Người ta có thể cúi đầu, quỳ gối làm trâu cho trẻ em cưỡi.
Cũng có thể quỳ gối chiêm bái thánh nhân và anh linh tổ tiên. Nhưng, trước cường quyền, cái xấu, cái ác, cái vô đạo, vô pháp, thì không, không bao giờ. Loại người phải quỳ gối, chỉ là những kẻ, hoặc là phi nghĩa, hèn nhát, tham sống sợ chết như mấy tên tướng giặc nhà Minh trước nghĩa quân Lam Sơn; hoặc là những kẻ mang nặng tư tưởng ngu muội, nô lệ, nịnh nọt kẻ có quyền lực để mưu cầu vinh thân phì gia; hoặc những người yếu thế, thân cô thế cô bị thế lực côn đồ, xã hội đen dồn ép, hạ nhục...
Có lỗi, biết nói lời xin lỗi và sửa lỗi, thậm chí có thể cúi đầu nhận lỗi, là cách ứng xử thông thường của những người có văn hoá. Quỳ gối hoặc buộc phải quỳ gối, lại là chuyện khác. Bị buộc quỳ gối trước nhóm phụ huynh, trong một khoảng thời gian gần bằng một tiết học, có sự chứng kiến của đồng nghiệp, học trò, cô giáo ở trường tiểu học thuộc tỉnh Long An đã bị hạ nhục, không còn là mình nữa. Cô thật khó trở lại với nghề, thật khó tiếp tục đứng trên bục giảng truyền dạy bài học làm người, “thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay”... cho lớp lớp học trò.
Trong câu chuyện cô giáo bị buộc quỳ gối này, nếu có khúc vĩ thanh thực sự có hậu, thì sẽ là chi tiết vị phụ huynh học sinh quá khích kia quỳ xuống, xin lỗi cô giáo. Dù có hành nghề luật sư chăng nữa, ông ta cũng khó biện minh cho hành vi làm nhục người khác, mà người đó lại đang thực hiện thiên chức dạy dỗ con ông ta.
Để xảy ra sự kiện “cô giáo quỳ gối”, có trách nhiệm của xã hội và của ngành giáo dục. Một giai đoạn quá dài, chúng ta lơ là, coi nhẹ những nguyên lý cơ bản của giáo dục, những nguyên lý mà nếu kiên trì đi đến cùng, chúng ta sẽ có nền giáo dục tử tế, bền vững, có thể gọi là “nền giáo dục không quỳ gối”. Đó là xây dựng một nền giáo dục vì CON NGƯỜI, theo hướng “trường ra trường, lớp ra lớp”; “thầy ra thầy, trò ra trò”; “dạy ra dạy, học ra học”. “Thầy thi đua dạy tốt, trò thi đua học tốt”. “Học đi đôi với hành”. “Nhà trường gắn liền với xã hội”.
“Không thầy đố mày làm nên”. Trong đó, then chốt vẫn là tạo dựng hình ảnh người thầy thực sự là những trí thức có nhân cách, để “thầy ra thầy”. Không chỉ ở Việt Nam, mà cả thế giới, ít nhất có 2 nghề THẦY, là thầy giáo và thầy thuốc, cần xem là cái nghề đặc biệt, từ khâu tuyển chọn, đào tạo đến sử dụng, đãi ngộ phải có sự khác biệt, hơn hẳn.
Khi “thầy đã ra thầy” thì “dạy sẽ ra dạy”, và trò không thể không “ra trò”. Khi ấy, các bậc phụ huynh khả kính, cho dù là ông to bà lớn, lắm tiền nhiều của, thế lực đổ thành nghiêng nước, hay là loại người này khác trong xã hội, hãy trở về đúng vị trí của mình: Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy!
Uông Ngọc Dậu

CÁC THẦY CÔ GIÁO ƠI, ĐỪNG HẠ THẤP NHÂN PHẨM CỦA MÌNH !

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 6-3-2018

Xin các thày cô giáo đừng hạ thấp nhân phẩm của mình! (Ảnh minh họa: ninhthuan.edu.vn).
Trước việc một số nữ giáo viên phản ánh sau liên hoan nghệ thuật, họ phải đi đến nhà hàng tiếp đón quan khách, ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh phát biểu với báo chí:
"Không có vấn đề gì, sợ nhất là đến phục vụ đại biểu ăn mà lại không được ăn". [1]
Còn vị tư lệnh ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ được báo chí tường thuật:
Chuyện điều động các giáo viên mầm non đi tiếp khách ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã làm nóng diễn đàn Quốc hội.
Thực sự, đó có phải chỉ là “cũng là vì vui vẻ thôi”, như giải thích vắn tắt của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ?”. [2]
Với ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Hồng Lĩnh - như lời của chính ông - quan trọng nhất là “ăn”, không được “ăn” mới là điều “sợ nhất”.
Thế nên nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hoàn toàn có lý khi nói về một vài cán bộ, công chức thời nay: “Ăn của dân không từ một cái gì”!
Còn ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sau khi lỡ lời đã cải chính, đã xin lỗi nhưng hình như không ít cán bộ vẫn cho rằng chuyện nhà giáo nữ phải góp phần làm cho cuộc liên hoan của quan chức thêm “vui vẻ” không phải là chuyện to tát, nó cũng bình thường như bao chuyện vẫn xảy ra ở … huyện!
Gần đây, vì trách phạt học sinh, bắt các học sinh vi phạm nội quy quỳ gối trong giờ học, một cô giáo đã phải lên tiếng xin lỗi phụ huynh nhưng không được chấp nhận, buộc cô phải quỳ trước những ông (bà) phụ huynh trước sự chứng kiến của đồng nghiệp.
Nhà giáo bị phụ huynh buộc phải quỳ xin lỗi phải chăng có thể gọi là một thảm họa giáo dục?
Trong bài viết “Giáo dục mở với công tác đào tạo cán bộ” đăng trên Giaoduc.net.vn, tác giả đã trích dẫn giáo huấn của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành Giáo dục tháng 6/1957:
Giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn.
Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.
Sáu mươi năm trước, Hồ Chủ tịch đã rất sáng suốt khi chỉ rõ, giáo dục không phải chỉ là nhiệm vụ của nhà trường còn gia đình và xã hội vô can.
Để đào tạo nên một công dân tốt, gia đình phải phối hợp cùng nhà trường, không thể "khoán trắng" cho trường và đội ngũ nhà giáo, không thể có chuyện mọi thói hư tật xấu của con cái đều là lỗi của nhà trường, cụ thể là của đội ngũ nhà giáo.
Nếu cha mẹ học sinh không hiểu điều đó, nếu họ coi con cái là vàng ngọc, là của quý bất khả xâm phạm thì không một nền giáo dục nào có thể giúp con cái họ nên người.
Ngược lại, nếu nhà giáo chỉ biết truyền thụ kiến thức như những cái máy, không quan tâm gì đến nhân cách học trò, không có phương pháp buộc học trò phải chăm chỉ học thì họ nên rời bỏ ngành, tìm công việc khác nuôi sống bản thân.
Việc cô giáo bắt học sinh phạm lỗi quỳ trong trường không phải hành động phù hợp với quy định của ngành Giáo dục cũng như Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Hành động này cần được phê bình uốn nắn để không xảy ra thêm nữa.
Từ kinh nghiệm hơn 40 năm giảng dạy, người viết không đồng tình với việc một số giáo viên không đủ phẩm chất, năng lực vẫn được đứng trên bục giảng, bằng những việc làm thiếu chín chắn, thậm chí là vi phạm đạo đức nhà giáo, họ đã làm đục thêm chiếc “ao làng giáo dục” vốn đang bị cả xã hội chì chiết.
Việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ xin lỗi chỉ là giọt nước tràn ly cho thấy một nền giáo dục trì trệ, hoang tưởng về thành tích và tụt hậu về mọi mặt.
Đã đến lúc cần phải có một cuộc sàng lọc loại bỏ những người yếu kém để mỗi ngày trẻ con đến trường là một ngày vui, để cha mẹ yên tâm gửi gắm con em cho các thày cô mà không phải sử dụng điện thoại thông minh theo dõi con em mình đang làm gì.
Tuy nhiên không thể không nêu câu hỏi: “Phải chăng một bộ phận người Việt ngày nay xem con em mình cao hơn thày cô giáo, phải chăng với họ, nhà giáo chỉ được phép “nói” kiến thức trên lớp chứ không được “dạy” người”?
Thử hỏi có bậc phụ huynh nào không bao giờ trách phạt con cái, không bắt con “đứng dựa tường” hay thậm chí là dùng roi vọt với con.
Nếu có phụ huynh bắt con quỳ ở nhà riêng vì phạm lỗi, những người thực thi pháp luật đến nhà yêu cầu họ phải quỳ xin lỗi “pháp luật” thì họ sẽ phản ứng ra sao?
Xã hội bất bình về chuyện học sinh đánh hội đồng bạn học, học sinh bỏ học chơi game thâu đêm và quy trách nhiệm cho nhà trường, nhưng lại phản đối hình thức giáo dục nghiêm khắc mà nhà giáo áp dụng.
Vậy xin hỏi “xã hội”, nhà giáo lấy gì làm công cụ uốn nắn học trò ngoài việc “khuyên nhủ, yêu thương” vốn không có chút tác dụng nào với không ít trò hư mà gia đình cũng bất lực?
Liệu đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ban hành một thông tư quy định trong toàn ngành những hình thức kỷ luật mà giáo viên được phép áp dụng với học sinh hư, học sinh vi phạm?
Nêu câu hỏi này bởi nhà giáo cũng là con người, một số giáo viên có vấn đề cả về đạo đức, lối sống lẫn trình độ chuyên môn, bên cạnh đó cũng có người đôi lúc không làm chủ được bản thân, cũng có lúc nóng giận với học trò chỉ với động cơ mong trò ngoan, học giỏi.
Nếu thày cô giáo cứ giảng dạy trong tâm thế không được phép trách phạt học trò thì chất lượng giáo dục sẽ ra sao?
Xin kể một trường hợp mà người viết từng chứng kiến.
Trong giờ lên lớp, hai sinh viên một nam một nữ ngồi gần cuối lớp không mang sách vở ghi bài, họ thản nhiên rỉ tai nói chuyện, vòng tay ôm eo nhau, nam sinh viên thỉnh thoảng giơ điện thoại di động chụp ảnh những gì thày giáo viết trên bảng, ánh đèn chớp lóe sáng khiến cả lớp bất bình.
Để không ảnh hưởng đến giờ giảng và việc tiếp thu của sinh viên, thày giáo buộc phải dừng giảng và mời hai sinh viên đó ra khỏi lớp, họ ngồi lỳ không chịu đứng lên.
Thày giáo nói với cả lớp hoặc là hai bạn đó rời phòng học hoặc là thày sẽ ra khỏi lớp và sẽ báo cáo với lãnh đạo nhà trường.
Lớp trưởng đã đứng lên xin lỗi thày và thay mặt cả lớp yêu cầu hai bạn đó ra khỏi giảng đường, trước áp lực tập thể họ lẳng lặng cầm tay nhau rời phòng học.
Trường hợp nêu trên là đối với sinh viên chính quy một đại học nổi tiếng, phải chăng họ chính là sản phẩm giáo dục từ phổ thông mà ở đó thày cô giáo bị tước bỏ quyền trách phạt học trò?
Đa số người Việt thán phục Singapore và Nhật Bản về quản lý đất nước, phát triển kinh tế nhưng ít ai biết rằng luật pháp Singapore cho phép dùng roi đánh người phạm lỗi.
Số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay trong năm 2012, Singapore đã tuyên án 2.203 trường hợp bị đòn roi, trong đó có 1.070 người nước ngoài vi phạm các quy định của quốc gia này. [3]
Cũng nên biết đã là quy định của nhà nước thì học trò trong trường cũng không thể không bị đánh đòn khi phạm lỗi.
Tại Nhật Bản, luật pháp không quy định đánh roi như Singapore nhưng truyền hình nước này năm 2013 đã phát bộ phim “Thày giáo mũ sắt” (Kamen Teacher).
Bộ phim nói về đội ngũ giáo viên được tuyển chọn đặc biệt cho nhiệm vụ giáo dục, cảm hóa học sinh hư trong trường học, các thày giáo này được phép dùng vũ lực với trò hư với điều kiện họ phải đội mũ sắt che mặt và giấu kín thân phận.
Kể ra như vậy để thấy có gì đó chưa ổn trong quan điểm lấy học sinh làm trung tâm trong nhà trường, phải chăng chính quan điểm ấy đã khiến cả bộ máy điều hành lẫn một bộ phận không nhỏ dân cư đều ngộ nhận?
Về phía điều hành, không coi trọng nhà giáo thể hiện ở việc tuyển chọn học viên các trường sư phạm suốt mấy chục năm đa phần thuộc diện “chuột chạy cùng sào”, về phía xã hội đã tạo nên một nhận thức sai lệch là phụ huynh có quyền lên mạng xã hội bêu xấu nhà trường, nhà giáo hoặc tồi tệ hơn là xông vào trường thị uy, đe dọa, đánh giáo viên (như tại Trường Tiểu học Đặng Cương, thành phố Hải Phòng).
Cần thiết phải nhắc khoản 4 điều 73 Luật Giáo dục 2005 quy định về “Quyền của nhà giáo”:
Nhà giáo có quyền “Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự”.
Một khi cả xã hội thống nhất quyền bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em, thống nhất kỷ luật hoặc phê phán các hành vi chưa chuẩn mực của nhà giáo thì không lý gì lại không chú ý đến quyền “Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự” của nhà giáo.
Việc buộc cô giáo phải quỳ xin lỗi chính là hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo và là hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu chưa đến mức phải truy tố thì cũng nên có những hình thức xử lý thích đáng đối với nhóm phụ huynh thực hiện hành vi này nhằm tránh sự ngộ nhận lan tràn sau này.
Xin trích dẫn ý kiến của độc giả Lê Phương, cũng là phụ huynh học sinh:
Việc con đi học không làm bài tập bị cô giáo phạt mà gia đình phản ứng gay gắt như vậy là không được.
Việc làm này như tiếp thêm sức mạnh cho con em mình tiếp tục vi phạm.
Không những thế sau này bất cứ thầy cô nào dạy lớp có các học sinh này chắc chắn họ sẽ dè chừng không dám nhắc nhở nhiều và cuối cùng người thiệt thòi sẽ là những học sinh này thôi.
Yêu thương con là một chuyện nhưng đừng bênh con quá mức”. [4]
Vẫn biết có nhiều thày cô luôn cảm thấy day dứt vì trò chưa ngoan, học kém nhưng đành bất lực;
Vẫn biết không ít giáo viên vì nghĩ tới nghề nuôi sống bản thân và gia đình mà phải cam chịu;
Song người đời chỉ biết chê nhiều hơn khen mà không tìm hiểu xem mỗi chúng ta sống trong một thời kỳ mà đạo đức xuống cấp, niềm tin bị giảm sút, không ít cán bộ thoái hóa, biến chất thì làm sao trong hàng triệu thày cô giáo lại không có một số chưa xứng đáng, làm sao cứ yêu cầu nhà giáo phải “nêu gương” trong khi người khác “ăn của họ không từ một thứ gì”?
Đọc trên các báo thấy vô số ý kiến phê phán hoặc thông cảm, song có một điều các vị phụ huynh nên nhớ:
Nếu hôm nay các vị có thể bắt buộc cô giáo dạy con mình phải quỳ gối thì có chắc con các vị sẽ không ghi nhớ sự kiện đó suốt đời, và liệu nó có hình thành một thói quen cho con các vị khi chúng lăn lộn với cuộc sống?
Lấy gì đảm bảo nếu con các vị theo thói cha (mẹ) mình bắt người khác phải quỳ gối mà không lãnh nhận hậu quả?
Người viết có đôi điều muốn tâm sự cũng các thày cô giáo trẻ, nếu hôm nay bạn sợ mất việc mà quỳ gối, liệu ngày mai bạn còn đủ nhiệt huyết để giảng bài?
Nếu bạn sợ đến mức phải tự hạ thấp nhân phẩm như vậy, bạn không làm nhà giáo được đâu.
Xin lỗi, nhận lỗi và nhận kỷ luật của cơ quan là đủ, không bao giờ nên quỳ gối nếu động cơ của bạn là trong sáng, nếu bạn không làm điều gì trái với lương tâm, đạo đức người thầy.
Không làm cô giáo, mất việc không phải là thảm họa, quỳ gối mới là thảm họa, thảm họa cho bạn, cho gia đình bạn, cho cả xã hội.
Tài liệu tham khảo:
Xuân Dương
SỰ TRẢ THÙ GIÁO DỤC
SƠN QUANG HUYẾN/ GDVN 7-3-2018
Hàng ngày, ta nghe đâu đó chuyện trò đánh thầy, nhưng vì bao dung và độ lượng, ta bỏ qua bởi các em còn trẻ con, còn trẻ người non dạ.
Nhiệm vụ của giáo dục là làm cho các em và những đứa trẻ khác không có hành động xấu tương tự khi còn đang ở tuổi học trò.
Hôm nay, nghe chuyện phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối trước mặt mình và đồng nghiệp thì lòng bao dung của mình đã chuyển thành những trạng thái khác, căm thù, đau xót, sợ hãi…
Mình lại mong rằng phụ huynh đó là người vô học hay là một bệnh nhân tâm thần như thanh niên đột nhập máy bay ở Vinh.
Nhưng không phải vậy, phụ huynh đó là người “có học”, “có hiểu biết về pháp luật”, “có địa vị xã hội” thì nỗi đau càng tê tái cho đồng nghiệp, bản thân và xã hội.
Hành vi bắt cô giáo quỳ trước mặt mình của “trí thức” này theo tôi nghĩ đó hành vi xuất phát từ tâm lý muốn trả thù và đây là trả thù giáo dục!
Phải chăng vị phụ huynh này đã trải qua “cuộc đời học sinh” đầy cay đắng!
Thời đi học đã chất chứa đầy bất công áp bức nhưng chưa được giải tỏa?
Những kiến thức, bằng cấp, địa vị đã phải trả giá đắt vì bất công và cường quyền?
Phải chăng hàng ngày vị phụ huynh này đã phải nghe con trẻ kể những chuyện “không phải của trẻ con”…, sáng con học trong sách giáo khoachiều học thêm chính khóa?
Những bất công và áp bức được dồn nén để có dịp bùng nổ, và để trả thù những bất công đó là hành động cụ thể vào một con người cụ thể và cô giáo không may là nạn nhân của vị “trí thức này”.
Cô giáo không may lại là tấm bia đỡ đạn cho ngành giáo dục!
Nếu vậy xin bạn đọc đừng lên án cô giáo cụ thể đó mà phải lên án cái “giáo dục” đã làm ra những bất công, dồn nén nén lên xã hội!
Nếu đó là sự trả thù giáo dục của một “trí thức” thì chúng ta cũng đừng mong không còn những “trí thức” khác sẽ trả thù bằng hành vi khác.
Chúng ta đang chuẩn bị hành trình cải cách giáo dục, mong đừng biến học sinh thành “chuột bạch”, mong các nhà giáo dục hãy lắng nghe các ý kiến phản biện mà tránh được vết xe đổ của VNEN… để mai này không còn cảnh “trí thức” bắt cô giáo quỳ nữa.
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm và cách hành văn của riêng tác giả.
Sơn Quang Huyến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét