Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

20180308. BÀN VỀ 'CƠ CHẾ ĐẶC THÙ' CỦA TP HỒ CHÍ MINH

ĐIỂM BÁO MẠNG

LÀM GÌ TRƯỚC 'CƠ CHẾ ĐẶC THÙ' ?

NGUYỄN VŨ/ TBKTSG 5-3-2018

Thu hút người giỏi bằng môi trường sáng tạo là một trong những bước nâng cao tính cạnh tranh cho thành phố. Ảnh: THÀNH HOA
LTS: Cuối năm 2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 “về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM”. Ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, TPHCM đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội. TBKTSG số này xin giới thiệu bài viết của các chuyên gia về những vấn đề cần lưu ý trong quá trình thực thi để có thể phát huy tối đa cơ hội phát triển cho thành phố mà “cơ chế đặc thù” mang lại, những định hướng chính sách liên quan đến cơ chế này, cũng như việc cần thiết phải tạo dựng những nền tảng căn bản khác về tầm nhìn phát triển, tầm nhìn lãnh đão, thể chế chung... để TPHCM có thể phát triển bền vững.
Câu hỏi “làm gì trước cơ chế đặc thù” có thể hiểu là làm gì để nâng cao khả năng cạnh tranh của TPHCM so với các địa phương khác. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi này, cần xác định rõ TPHCM muốn cạnh tranh ở khía cạnh nào, thu hút loại doanh nghiệp nào, nguồn nhân lực như thế nào về với thành phố. Dĩ nhiên TPHCM sẽ không muốn cạnh tranh để lôi kéo các dự án sản xuất thâm dụng lao động vì cơ sở hạ tầng đã quá tải. Thành phố cũng sẽ không muốn là nơi thu hút loại dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao. Thu hút dự án có khả năng tuyển dụng cả vài trăm ngàn công nhân, tức thành phố phải lo chỗ học cho con của vài trăm ngàn công nhân mới này, rồi cơ sở y tế đi kèm và hàng loạt vấn đề xã hội khác.
Với một địa phương, cách dễ nhất và nhanh nhất để thu hút doanh nghiệp đổ về đầu tư là giảm thuế. Tuy nhiên vì vấn đề chọn lọc nói trên, chuyện giảm thuế dễ trở thành con dao hai lưỡi. Hơn thế nữa, trong cơ chế đặc thù TPHCM nhận được, nổi bật lại là chuyện thành phố có quyền tăng một loại sắc thuế chứ không phải giảm thuế. Vì thế câu hỏi cần trả lời ngay là nên tăng thuế như thế nào để không chịu tác động ngược chiều của làn sóng đầu tư và tận dụng được sự “đặc thù” này.
Chẳng hạn, hiện nay với nhiều địa phương nhỏ, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào sản xuất bia là khoản thu ngân sách lớn nhất. Giả thử TPHCM muốn tăng nguồn thu cho địa phương nên tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu, thuốc lá lên đội mức 25% mà Quốc hội cho phép, chắc chắn các nhà sản xuất các mặt hàng này sẽ cân nhắc chuyện dời cơ sở sản xuất đi nơi khác, nhất là các doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán. Lúc đó chưa chắc đã nâng được mức thuế đang thu mà còn có nguy cơ thất thu thuế.
Nhìn ở góc độ cạnh tranh, chưa cần đến cơ chế đặc thù, TPHCM có sức cạnh tranh rất lớn so với nhiều thành phố khác bởi một số nguyên nhân khách quan. Thử nhìn lại mà xem, sinh viên ra trường từ Tây Nguyên hay từ miền Trung đổ về thành phố vì cơ hội tìm được việc làm là lớn, cơ hội xoay xở khởi nghiệp là có. Những doanh nghiệp ở địa bàn khác muốn phát triển mạnh đều phải nhắm đến thị trường TPHCM, thị trường lớn nhất nước. Đồng thời cũng vì sức hút này mà thành phố đang phải đối diện nhiều vấn đề nan giải như tắc nghẽn cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi nên làm trầm trọng hơn chuyện kẹt xe, ngập nước...
Như vậy cách tận dụng cơ chế đặc thù hay nhất là phát huy các thế mạnh cạnh tranh sẵn có. Một doanh nhân quyết định chọn thành phố làm nơi sinh sống và kinh doanh ắt phải tính tới các yếu tố phi kinh doanh như trường học cho con cái, nơi vui chơi giải trí cho gia đình, khả năng tiếp cận các luồng giao lưu quốc tế về âm nhạc, hội họa, điêu khắc... tùy sở thích của doanh nhân đó. Chính vì thế, chú ý khơi nguồn sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, tạo sân chơi cho giới nghệ sĩ, khuyến khích thể nghiệm... lại có tác động lên tính cạnh tranh của thành phố ở những góc độ ít ai ngờ nhất.
Thu hút người giỏi bằng môi trường sáng tạo, giải quyết các vấn đề đô thị làm nản lòng cư dân, chọn lọc loại hình doanh nghiệp để có chính sách thuế phù hợp, đẩy mạnh hiệu quả của quản lý đô thị bằng công nghệ... đó là những bước nâng cao tính cạnh tranh cho thành phố và tạo nên sự đặc thù, không chỉ bằng cơ chế mà bằng con người và cảnh quan.

NHỮNG THÁCH THỨC VỚI CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CỦA TP HỒ CHÍ MINH

HUỲNH THẾ DU/ TBKTSG 5-3-2018

Cần khai thác tốt công cụ khai thác giá trị từ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng. Ảnh: THÀNH HOA
(TBKTSG) - Được trung ương trao cho cơ chế đặc thù là một điều rất đáng khích lệ đối với TPHCM. Tuy nhiên, bây giờ thành phố đối mặt với áp lực phải tạo ra những kết quả tích cực mà hiểu một cách đơn giản là GRDP, nguồn thu ngân sách và việc làm chất lượng cao sẽ có tốc độ tăng cao hơn những năm gần đây. Để có được kết quả như mong đợi, thành phố cần cân nhắc áp dụng các chính sách hợp lý để tránh những kết quả không như kỳ vọng trong bốn vấn đề sau.
Thứ nhất, tránh tình trạng biến thành “gò cao” hay doanh nghiệp cùng với các hoạt động kinh doanh chuyển đi nơi khác.
Thành phố được trao quyền tự chủ trong việc quyết định mức thuế. Kỳ vọng là khi tăng thuế suất thì thành phố sẽ có thêm nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế mà thành phố được phép điều chỉnh thuế suất “có chân” nên nếu mức thuế cao hơn các địa phương khác thì khả năng các doanh nghiệp hay các hoạt động này sẽ dời đi là rất cao.
Thêm vào đó dịch vụ (một số dạng thành phố được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt) là một ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thành phố và xăng dầu (đối tượng thành phố được tăng thuế môi trường) chiếm một tỷ phần đáng kể trong chi phí kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân. Do vậy, khi tăng thuế thì gánh nặng chi phí kinh doanh sẽ tăng cao hơn và đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng.
Trái lại, với vị trí đầu tàu của mình, rất khó để thành phố có thể xem xét giảm thuế suất thấp hơn các địa phương khác nhằm hút các hoạt động kinh doanh từ nơi khác.
Thứ hai, tránh tình trạng đô thị phát triển ngổn ngang với mật độ thấp tạo ra gánh nặng cơ sở hạ tầng.
Thành phố có quyền tự chủ trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị sẽ tăng không gian ra quyết định. Tuy nhiên, thành phố cần tránh cám dỗ chuyển đổi nhiều đất, trong khi còn rất nhiều đất đã có hạ tầng vẫn chưa được đưa vào khai thác.
Kinh nghiệm phát triển của các đô thị châu Á thành công khác cho thấy việc phát triển tập trung với mật độ cao đi đôi với các hạ tầng đồng bộ đóng vai trò quyết định chứ không phải là phát triển phân tán với mật độ thấp trên diện rộng.
Trên thực tế đất có hạ tầng ở thành phố đang rất nhiều, nếu được đưa vào sử dụng sẽ tạo ra giá trị lớn. Trái lại, nếu đất này tiếp tục nằm yên và thành phố lại tiếp tục cho chuyển đổi đất đai thì những hệ lụy về sau là rất lớn vì khi đó thành phố sẽ phát triển manh mún với mật độ thấp tạo gánh nặng rất lớn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ đô thị.
Kinh nghiệm phát triển của các đô thị châu Á thành công khác cho thấy việc phát triển tập trung với mật độ cao đi đôi với các hạ tầng đồng bộ đóng vai trò quyết định chứ không phải là phát triển phân tán với mật độ thấp trên diện rộng.
Thứ ba, khó khăn trong việc tạo động cơ khuyến khích cho cán bộ công chức làm việc với hệ số lương 1,8 lần.
Việc có quyền được quyết định mức lương cho cán bộ công chức lên 1,8 lần so với cả nước là có thêm quyền tự chủ. Tuy nhiên làm thế nào để tạo động cơ cho cán bộ làm việc mẫn cán, hạn chế tiêu cực là điều không hề đơn giản vì vấn đề thường nằm ở những vị trí có thể đem lại những lợi ích rất lớn cho cán bộ công chức. Ở những vị trí này, mức lương chính thức dường như không đáng kể so với các “lợi ích” mà cán bộ thực thi có được. Do vậy, làm thế nào để tăng lương để tạo được động cơ làm việc tích cực hơn là điều không hề đơn giản.
Cũng có thể công cụ này giúp lãnh đạo thành phố tạo áp lực cho cán bộ và việc đổ lỗi cho lương thấp không còn nữa. Tuy nhiên, tác dụng cụ thể như thế nào thì cần phải xem chính sách và tác dụng trong thực tế.
Vấn đề nan giải nhất đối với công tác cán bộ, tạo động cơ làm việc cho cán bộ công chức hiện nay ở Việt Nam là cơ chế khuyến khích ngược. Người làm nhiều việc có lợi cho cái chung khi xảy ra sai sót thì phải gánh chịu hậu quả rất lớn, trong khi việc lợi dụng cơ chế ở vùng xám thì lại rất có lợi cho người thực thi nhưng gây tác động tiêu cực cho cái chung.
Thứ tư, tác động của các không gian chính sách khác có thể chỉ ở một mức độ nào đó.
Thành phố được quyền vay nợ đến 90% nguồn thu ngân sách địa phương nhưng nếu không có các cách thức hợp lý để tăng cường vay nợ thì còn rất lâu nữa thành phố mới đụng trần này vì hiện tại dư nợ mới chưa đến 30%.
Bốn vấn đề cần xem xét:
Để tận dụng không gian đã được trao, cùng với cơ chế đặc thù và những định hướng chính sách hiện hữu, thành phố có thể xem xét một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để trở thành “vùng trũng” thu hút doanh nghiệp, người giỏi, người khá giả đến kinh doanh, làm việc và sinh sống.
Hiện tại, thành phố đã chọn việc xây dựng thành phố thông minh làm trọng tâm. Đây là một cách tiếp cận phù hợp trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển như vũ bão và cách tiếp cận này có thể tạo ra cái nhìn lạc quan hướng về phía trước thay vì “tù túng” trong kẹt xe, ngập nước và ô nhiễm như đang xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi liên quan đến việc thực thi thành phố thông minh thành công là các vấn đề thể chế chứ không phải là các yếu tố kỹ thuật.
Thứ hai, có định hướng phát triển đô thị theo hướng dựa vào các trục giao thông công cộng và thành phố phát triển theo các hành lang này chứ không phải phát triển tràn lan lệ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân. Với định hướng này, việc phát triển mật độ cao ở những khu hiện hữu có tiềm năng và đưa đất đã có hạ tầng vào khai thác là hết sức quan trọng.
Thứ ba, khai thác tốt công cụ khai thác giá trị từ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng. Để có thể làm việc này, thành phố cần xem xét sử dụng các cơ chế linh hoạt của mô hình công ty phát triển đô thị gắn với mô hình đối tác công tư để triển khai mô hình có thu hồi đất. Nghiên cứu áp dụng một số hình thức khai thác giá trị từ đất mà không cần thu hồi như phí phát triển, thuế cải thiện... Thuế bất động sản là một công cụ cần xem xét trong tương lai.
Thứ tư, xem xét áp dụng các cơ chế để tạo động cơ khuyến khích cho cán bộ làm việc. Cần áp dụng các chính sách để tạo áp lực cho cán bộ công chức buộc phải làm việc bằng cách có thể bị “giành ghế” bất kỳ lúc nào. Trái lại cán bộ công chức cũng có thể “giành” được ghế tốt hơn khi có những thành tích tốt. Cơ chế cạnh tranh minh bạch là hết sức quan trọng. Nếu dựa vào cơ chế đặc thù và các điều kiện hiện hữu mà thành phố giải được bài toán này thì tác dụng sẽ rất lớn không chỉ cho thành phố mà là cả nước.

CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CŨNG CHỈ LÀ CÔNG CỤ

TRẦN TRỌNG THỨC /TBKTSG 7-3-2018

Trong quá trình đổi mới, Việt Nam đã có nhiều ý tưởng sáng tạo ở tầm chiến lược nhưng do thiếu giải pháp đồng bộ, thiếu con người thực hiện nên đã không đạt được mục tiêu đề ra. Ảnh: THÀNH HOA
(TBKTSG) - Hơn ba tháng trước, tức vào cuối năm 2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 “về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM” được giới phân tích cho rằng có tính cởi trói mọi nguồn lực, là cơ hội lớn cho thành phố phát triển.
Người thì nói từ nay đầu tàu kinh tế của cả nước sẽ thoát khỏi cơ chế xin cho, sau khi đã xin và được cho cơ chế đặc thù trong bốn nhóm vấn đề, bao trùm nhiều lĩnh vực trong đó nổi bật hơn cả là vấn đề quy hoạch và sử dụng các nguồn tài nguyên. Điều này thắp lên hy vọng với hành lang pháp lý thông thoáng, thành phố có điều kiện tìm hướng đi mới để có thể đứng ngang tầm với những Bangkok, Singapore... Đó là những ước mơ vừa thực tế vừa lãng mạn, mà ước mơ thì không mất tiền mua và ai cũng có quyền mơ ước.
Trong quá trình phát triển, TPHCM đã được trung ương giao nhiều nhiệm vụ quan trọng nhưng do không có cơ chế đặc thù nên đánh mất cơ hội hoàn thành. Tương tự như vậy, thành phố cũng đã bị vuột khỏi tầm tay nhiều dự án đầu tư lớn do bị ràng buộc bởi những quy định và thủ tục rườm rà. Ngược lại có nhiều thành quả đạt được không do cơ chế mà nhờ vào định hướng mang tính chiến lược.
Chẳng hạn, khu chế xuất Tân Thuận với chiến lược “thành phố tiến ra biển Đông” đã trở thành mô hình cho cả nước, thực chất là do địa phương sáng tạo và tranh thủ được chủ trương của trung ương chứ không hề có cơ chế đặc thù nào trước khi triển khai. Hay ngược lại, sự phá vỡ định hướng phát triển đã khiến nhiều dự án bị thu hẹp như trường hợp Phú Mỹ Hưng chỉ triển khai được một đô thị 300 héc ta trong số năm đô thị được quy hoạch vùng Nam Sài Gòn, chẳng qua là vì quỹ đất bị xẻ thịt và nâng giá vô tội vạ có lợi cho các nhóm lợi ích.
Có thể nói, trong quá trình phát triển kinh tế, định hướng chiến lược là vô cùng quan trọng, còn cơ chế đặc thù suy cho cùng chỉ là công cụ thực hiện. Có công cụ trong tay khi chưa xác định mục tiêu chiến lược thì cũng giống như chưa xây con đường mà đã xin được chiếc xe.
Có một chiến lược đúng đắn làm tiền đề cho sự phát triển là điều kiện ”cần”, nhưng điều kiện “đủ” là quy chế pháp lý làm nền tảng thực thi, là bộ máy con người có khả năng đề ra kế hoạch để chuyển hóa ý tưởng chiến lược thành hiện thực.
Thế cho nên cùng với sự phấn khởi về một cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua, người dân cần sớm được tiếp cận với một định hướng phát triển kinh tế xã hội nhiều thập niên do thành phố công khai qua đó giúp củng cố lòng tin, góp công sức vào sự nghiệp chung và nhất là không bị ru ngủ bởi sáo ngữ thường nghe như “cởi trói, cất cánh, bứt phá, thi đua nước rút...” trong khi hàng ngày đối diện với nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ngập lụt, thất nghiệp trong giới trẻ... Sự tiếp cận này còn tạo cơ hội cho người dân, nhất là giới chuyên gia, đóng góp công sức và chất xám vào sự nghiệp chung.
Có ý kiến cho rằng cơ chế đặc thù sẽ tạo cơ chế cho TPHCM phát triển, làm tăng thu cho thành phố, cho cả nước và không ảnh hưởng đến các địa phương khác.
Tại sao lại không ảnh hưởng đến các địa phương khác? Điều này cần được làm rõ hơn trong khi quyết định của Quốc hội không chỉ tăng quyền chủ động, tạo cơ chế thông thoáng cho TPHCM trực thuộc trung ương mà còn cho một thành phố lâu nay giữ vai trò đầu tàu thúc đẩy phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do có vị trí đặc biệt về địa lý, kinh tế-xã hội. Chiếm khoảng 50% GDP, 57% tổng sản lượng công nghiệp, 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và 47% ngân sách của cả nước, nếu theo hệ số lan tỏa mà các chuyên gia đã tính toán thì 1% GDP tăng thêm của vùng trọng điểm kinh tế này sẽ tác động tăng 0,3% GDP của cả nước.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, trong đó sự phát triển của thành phố đã được trung ương xác định có ý nghĩa to lớn. Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TPHCM đối với các địa phương thể hiện ở vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật với mức đóng góp 22% ngân sách nhà nước.
Ưu thế của TPHCM là một hệ thống mạng lưới cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật và xã hội đồng bộ dù chưa hoàn chỉnh, là nơi kết nối giao thông thuận lợi không chỉ giữa miền đông và miền Tây Nam bộ mà cả với khu vực Đông Nam Á, liên thông mạng lưới chung về giao thông với châu Á và thế giới, hạ tầng công nghệ thông tin đang được đầu tư mạnh với tham vọng là một thành phố thông minh, là nơi thu hút chất xám và nguồn lực đầu tư...
Với vị trí và vai trò trung tâm như vậy, định hướng kinh tế chiến lược của TPHCM ngoài những mục tiêu cụ thể cho mình không thể tách rời với mục tiêu phát triển của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và không nên giới hạn vì e ngại ảnh hưởng đến các địa phương khác. Có như vậy cơ chế đặc thù mới phát huy được chức năng công cụ cho sự phát triển của một thành phố lớn nhất nước không vì quy mô dân số mà vì còn nhiều tiềm năng chưa được đánh thức. Trao công cụ này cho một thành phố năng động ắt hẳn Quốc hội cũng có kỳ vọng như vậy, vấn đề là sử dụng công cụ đó như thế nào.
Có một chiến lược đúng đắn làm tiền đề cho sự phát triển là điều kiện “cần”, nhưng điều kiện “đủ” là quy chế pháp lý làm nền tảng thực thi, là bộ máy con người có khả năng đề ra kế hoạch để chuyển hóa ý tưởng chiến lược thành hiện thực. Trong quá trình đổi mới, Việt Nam đã có nhiều ý tưởng sáng tạo ở tầm chiến lược nhưng do thiếu giải pháp đồng bộ, thiếu con người thực hiện nên đã không đạt được mục tiêu đề ra.
Cụ thể như chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm xây dựng một nền công nghiệp xương sống (công nghiệp cơ khí, công nghiệp xe hơi, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp sinh học, công nghiệp phần mềm...) với thời hạn hoàn thành được đề ra vào năm 2020, nhưng đến nay vẫn chỉ là mơ ước. Đây cũng là vấn đề cần đặt ra một cách hết sức nghiêm túc khi TPHCM đứng trước thời cơ phát triển quá lớn với cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua.

CƠ CHẾ ĐẶC THÙ: CÓ KÉO NỔI ĐẦU TÀU TRẬT ĐƯỜNG RAY ?

TRẦN NGỌC THƠ /TBKTSG 10-3-2018
Nguồn lực ít ỏi mà tập trung quá nhiều vào các nhiệm vụ phát triển sẽ không bao giờ mang lại hiệu quả cao. Ảnh: THÀNH HOA

(TBKTSG) - Những đề xuất của lãnh đạo TPHCM về cơ chế đặc thù cho thành phố không đến từ bất kỳ cá nhân nào. Chúng đến từ ý tưởng của nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố, các chuyên gia và nhân dân thành phố từ hàng chục năm nay. Vì thế cho dù nhìn từ bất kỳ phương diện nào, tất cả đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống.
Thiếu con người đặc thù hay thiếu cơ chế đặc thù?
Thành phố đang phải đối diện với bao vấn đề, từ ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, cho đến chuyện môi trường đầu tư ngày càng kém sức cạnh tranh. Trong muôn vàn những khó khăn đó, ai lại không trăn trở khi nguồn thu ngân sách trung ương điều tiết cho thành phố lại sụt giảm quá mạnh và bất ngờ. Điều này càng làm cho mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát. Cơ chế đặc thù hóa giải các cú sốc này đáng lý phải được thực hiện từ rất lâu.
Nhưng nếu trước đây có cơ chế đặc thù, liệu thành phố có phát triển tốt hơn hiện tại? Thật khó có câu trả lời chính xác. Song cứ thử đặt vấn đề để nhìn nhận đâu là nguyên nhân sâu xa khiến thành phố ngày càng tụt hậu. Quy hoạch đô thị hỗn loạn, không loại trừ có hiện tượng “cao tầng không trong sáng”, bộ máy hành chính cồng kềnh thiếu hiệu năng, môi trường kinh doanh có xu hướng xấu đi. Những điều này do thành phố thiếu cơ chế đặc thù hay con người đặc thù? Đây là vấn đề rất đáng để suy nghĩ.
Đầu tàu kinh tế liệu đã chệch đường ray?
Với việc thành phố đóng góp khoảng 23% GDP, 28% thu ngân sách và 18% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, dễ có cảm nhận nếu được giao cơ chế đặc thù thích hợp, đầu tàu kinh tế sẽ kéo đoàn tàu cả nước đi lên.
Nhưng liệu có khả năng bao năm qua thành phố tụt hậu bởi đầu tàu đã bị đẩy trật đường ray? Nếu thế, để đầu tàu tăng tốc, vấn đề là phải chỉnh sửa nó trở lại đường ray. Cho vài cơ chế đặc thù, tức bơm thêm chút hứng khởi, không thể nào là giải pháp bền vững. Có những dấu hiệu cho thấy những quan ngại này là có cơ sở.
Trước hết, do những phát triển mất cân đối trong phạm vi cả nước nên để kiếm kế sinh nhai người dân mọi nơi dồn về các đô thị lớn kiếm sống, trong đó nặng nề nhất là thành phố. Áp lực về cường độ giao thông, cấp nước, chất thải của thành phố hiện gấp 15 lần bình quân cả nước. Chỉ riêng những chuyện này, bảo sao đầu tàu không bị quá tải và chệch khỏi đường ray!
quá mức, còn khu vực giao thương sầm uất như thành phố và các tỉnh phía Nam thì chỉ có vài tuyến đường kết nối. Các chiến lược phát triển của bất kỳ thành phố lớn nào trên thế giới cũng phải bị chệch hướng trong một không gian phát triển như thế.
Thứ hai, có thể do các chủ trương chính sách và nhất là các ý tưởng của thành phố đã dần không theo kịp những xu thế phát triển của thời đại. Các thế hệ lãnh đạo thành phố luôn tự hào đây là nơi có truyền thống sáng tạo ra các mô hình và các định chế mới. Nhưng cần lưu ý, ngày xưa các ý tưởng sáng tạo, phá rào đến từ lãnh đạo. Còn thời nay là thượng tôn pháp luật, trung tâm sáng tạo đã chuyển sang khu vực tư. Nếu chính quyền thành phố cứ mãi tập trung làm thay cho khu vực tư thì có bao nhiêu cơ chế đặc thù vẫn khó có thể phát triển như kỳ vọng.
Cơ chế đặc thù không thể trở thành chiếc phao cứu sinh. Không thể quy hết mọi thành công hay thất bại cho cơ chế đặc thù. Thành phố chỉ trở thành một thành phố thông minh, một đô thị sáng tạo hàng đầu khi nào tìm ra cơ chế chuyển mọi thứ về đầu não sáng tạo là những con người và thể chế kiệt xuất đến từ khu vực tư. Có như thế mới tận dụng được những thời cơ mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Thành phố cần phải là nơi đầu tiên của cả nước có kế hoạch cụ thể biến công nghiệp 4.0 thành một động lực phát triển thật sự cho một đầu não sáng tạo mới. Đừng để điều này trở thành một khái niệm mang tính thời thượng. Phải là đầu tàu kinh tế và đầu não sáng tạo. Như thế mới là trách nhiệm xứng tầm của lãnh đạo thành phố.
Thứ ba, về mặt thể chế, cả nước chứ không riêng thành phố như bị bủa vây bởi một rừng các thủ tục hành chính của các bộ, ngành quản lý ở trung ương. Điều này khiến cho đoàn tàu cả nước chứ không chỉ đầu tàu kinh tế thành phố bị đẩy chệch hướng. Nay nếu thành phố có xin thêm được một vài cơ chế đặc thù nào đó nhiều khi cũng mang tính đánh đố nhau. Tôi đố anh làm được, với các ràng buộc (tôi) đưa ra.
Trong bối cảnh đó, điều đáng quý là thành phố vẫn luôn nhận trách nhiệm trước sự phát triển chung của cả nước. Nếu là một lãnh đạo chỉ biết tìm chốn an nhàn cho xong một nhiệm kỳ, không ai lại khổ tâm tốn quá nhiều nguồn lực chạy lên xuống trung ương để xin cho một vài cơ chế. Người dân cũng kỳ vọng, cơ chế đặc thù tuy không thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề, chí ít cũng đừng làm cho tình hình nghiêm trọng hơn. Ngoại trừ các loại phí đánh mạnh vào các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường cần phải gấp rút triển khai, xin hãy đừng để câu chuyện thuế, phí ám ảnh quá mức làm tăng thêm gánh nặng với người nghèo và năng lực cạnh tranh của thành phố. Quản lý cần phải thông minh, quyết liệt hơn để tình trạng kẹt xe, ô nhiễm, ngập nước và các tệ nạn xã hội không thể xấu thêm.
Nguy cơ phát triển theo mô hình quả mít: cái gì cũng mũi nhọn, cũng đặc thù
Thành phố phải chắt chiu từng nguồn lực hiếm hoi trong thời gian thí điểm cơ chế đặc thù để tìm ra khu vực có sức tác động và lan tỏa mạnh nhất. Nguồn lực ít ỏi mà tập trung quá nhiều vào các nhiệm vụ phát triển sẽ không bao giờ mang lại hiệu quả cao. Thành phố đừng để sai lầm trong việc phát triển theo mô hình quả mít, cái gì cũng mũi nhọn, cũng đặc thù.
Thành phố kỳ vọng nguồn thu nhỏ tăng thêm từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và phát triển quỹ đất sẽ được dùng làm “vốn mồi” phát triển các dự án hợp tác công - tư. Nhưng e rằng khái niệm vốn mồi, một sáng tạo thành công của thành phố trước đây, không còn phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Nguồn vốn hạn hẹp này, nếu theo tư duy cũ, đầu tư “mồi” vào các dự án cơ sở hạ tầng với Nhà nước một phần nhỏ và phần còn lại của tư nhân liệu có đủ đáp ứng cho sự phát triển bùng nổ của một siêu đô thị? Có lẽ, những nguồn lực ít ỏi mà thành phố có được từ cơ chế đặc thù nên biến thành “vốn sáng tạo”. Đó phải là những nguồn đầu tư để tạo ra những phát kiến liên tục và mới nhất trong thời đại công nghiệp 4.0. Đó mới là thể hiện đúng tầm của những ai vinh dự nhận trọng trách lãnh đạo một trung tâm kinh tế hàng đầu.
Phải làm sao để những đổi mới sáng tạo thoát khỏi tư duy quản lý lỗi thời của các cơ quan quản lý. Lời giải cho bài toán này chỉ có một đáp án duy nhất. Chúng phải đến từ những hiến kế của khu vực tư. Cần phải có một hội nghị Diên Hồng lắng nghe những ý kiến độc đáo nhất đến từ những chuyên gia công nghệ hàng đầu, những nhà đầu tư và các nhà quản lý trong nước và nước ngoài.
Quan trọng nhất là phải có hành động biến các ý tưởng này trở thành hiện thực. Nguồn vốn sáng tạo phải được đầu tư sao cho thành phố trở thành một đô thị sáng tạo và thông minh bậc nhất. Toàn bộ tầm nhìn phát triển của thành phố phải bắt đầu từ đây. Nếu thành phố vẫn còn tư duy theo kiểu Nhà nước quản lý, Nhà nước can thiệp, Nhà nước tạo vốn mồi (ai mồi ai khi các nhà đầu tư bây giờ rất thông minh còn các nhà quản lý thì nhiều khi có động cơ tư lợi) thì có bao nhiêu cơ chế đặc thù, có lẽ là bấy nhiêu lãng phí cũng tăng theo.
Đầu tàu kinh tế thành phố có khả năng đã bị trật đường ray do tất cả những nguyên nhân khách quan từ thể chế quốc gia cho đến yếu tố con người. Thêm một vài cơ chế đặc thù trong vài ba năm khó có thể kéo đầu tàu trở lại đường ray. Có chăng cơ chế đặc thù chỉ kéo cả đoàn tàu ì ạch tiến về phía trước. Cũng tiến nhưng mục tiêu không biết bao giờ mới đến. Suy cho cùng nội lực và tầm lãnh đạo của chính quyền thành phố vẫn là yếu tố quan trọng nhất đưa thành phố tiến tới kỷ nguyên mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét