Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

20180328. QUANH VẬN HẠN CỦA FACEBOOK

ĐIỂM BÁO MẠNG
VẬN HẠN CỦA  FACEBOOK

THÁI BÌNH/ TBKTSG 25-3-2018




(TBKTSG) - Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đang phải chật vật chống chọi với những cáo buộc pháp lý và sự ngoảnh mặt của nhà đầu tư trên các sàn giao dịch chứng khoán.
Hôm Chủ nhật, 18-3, một số nhà lập pháp ở Anh và Mỹ đã đưa ra yêu cầu Chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg phải giải thích chuyện một công ty phân tích dữ liệu làm việc cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump năm 2016 đã thu thập và sử dụng dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook “để quảng cáo chính trị theo mục tiêu và thao túng cử tri” mà người dùng không hay biết.
Tại Mỹ, bộ trưởng tư pháp tiểu bang Massachusettes Maura Healey công bố mở cuộc điều tra về Facebook trong khi tại Anh, nghị sĩ Damian Collins thuộc đảng Bảo thủ đang phụ trách cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý về ở lại hay ra khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), hồi cuối tuần cho biết ông sẽ triệu tập Chủ tịch Mark Zuckerberg ra điều trần trước Quốc hội Anh.
Thị trường đã có phản ứng ngay lập tức: cổ phiếu của Facebook bị bán tháo trong phiên giao dịch ngày thứ Hai 19-3, kéo theo cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ khác; kết thúc phiên, giá cổ phiếu Facebook giảm 6,8%, còn 172,56 đô la Mỹ/cổ phiếu; tính chung trong phiên giao dịch đầu tuần, giá trị vốn hóa của Facebook đã mất đi 40 tỉ đô la Mỹ, riêng tài sản của Mark Zuckerberg giảm 4,9 tỉ đô la, còn 70,4 tỉ đô la. Tính từ thứ Sáu tuần trước đến hết phiên giao dịch thứ Ba 20-3, cổ phiếu Facebook đã mất 11% giá trị, tức khoảng 60 tỉ đô la Mỹ, tương đương với tổng giá trị vốn của tập đoàn xe hơi Tesla, theo Bloomberg.
Để theo dõi vụ việc, nên biết Facebook có tài sản lớn nhất là dữ liệu cá nhân của hơn 2 tỉ người dùng. Để tham gia Facebook người sử dụng phải khai báo những thông tin thiết yếu như họ tên, ngày sinh, nơi sinh sống, số điện thoại liên lạc, quá trình học tập và làm việc, hình ảnh sinh hoạt, danh sách bạn bè... Trong quá trình tương tác trên Facebook, người dùng còn biểu lộ những đặc điểm tính cách riêng như sở thích, quan điểm chính trị xã hội. Có thể nói, mỗi lần người dùng Facebook bấm nút “like”, “chia sẻ” thì mạng xã hội này lại có thêm một dữ kiện (data) để hiểu về cá nhân người dùng đó. Kho dữ liệu khổng lồ thu thập từ hàng tỉ người dùng này là một tài sản vô giá mà các công ty nghiên cứu xã hội, quảng cáo hàng hóa dịch vụ luôn tìm cách khai thác để phục vụ cho kế hoạch kinh doanh của mình. Facebook thậm chí còn khoe khoang rằng, họ hiểu rõ người dùng (Facebooker) còn hơn cha mẹ hoặc người tình của Facebooker đó!
Nay thì việc khai thác dữ liệu cá nhân không chỉ phục vụ cho mục đích quảng cáo mà đã lan sang lĩnh vực chính trị. Năm ngoái, Facebook từng lên bờ xuống ruộng với cáo buộc đã để cho các điệp viên Nga mở hàng trăm tài khoản (account) giả trên Facebook, từ đó tung ra hàng triệu bản tin giả (fake news) hoặc mua quảng cáo chính trị để tác động đến cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống.
Năm nay, các báo The Guardian (Anh), The New York Times (Mỹ) tiếp tục phanh phui vụ Công ty dữ liệu Cambridge Analytica sử dụng Dữ liệu của 50 triệu Facebooker người Mỹ để đưa các quảng cáo chính trị, gây nhiễu thông tin và thao túng lá phiếu của cử tri.
Cambridge Analytica được sự tài trợ của tỉ phú Robert Mercer - mạnh thường quân của đảng Cộng hòa - và được điều hành bởi Steve Bannon, cố vấn chiến lược của ứng cử viên và Tổng thống Donald Trump. Cambridge Analytica phân tích dữ liệu cử tri-người dùng thu thập từ Facebook, phân nhóm cử tri theo sở thích và xu hướng chính trị, dự báo lựa chọn lá phiếu của họ từ đó đưa tới trang cá nhân của họ các bản tin (news feed) và quảng cáo chính trị để tác động và thay đổi lựa chọn đó theo hướng có lợi cho ứng cử viên Trump.
Để làm công việc này, Cambridge Analytica sử dụng thuật toán do Đại học Cambridge (Anh) phát triển, gọi là mô hình đồ họa tâm lý (psychographic modeling) và sự cộng tác của Giáo sư Aleksandr Kogan của trường này. Ông Kogan là người Nga, nguyên là giáo sư của trường Đại học St. Petersburg (Nga); ông Kogan cũng chính là người đã khai thác dữ liệu cá nhân từ Facebook (với cớ giả là nghiên cứu khoa học) để đưa vào mô hình và vận hành nó theo yêu cầu của Cambridge Analytica dù công ty này phủ nhận giá trị dữ liệu của Facebook khi ra điều trần trước Quốc hội Anh tháng trước.
Facebook cho rằng họ không có lỗi, không bị tin tặc thâm nhập hệ thống, không bị rò rỉ dữ liệu người dùng; nhưng các nhà làm luật vẫn tin rằng, mạng Facebook đã không bảo vệ được dữ liệu nhân thân mà người sử dụng đã tin cậy giao phó cho họ, do đó Facebook phải chịu trách nhiệm.
Chưa biết Facebook sẽ đối phó thế nào với các cáo buộc pháp lý và phản ứng thị trường nhưng vụ việc này cho thấy dữ liệu cá nhân trên Facebook là thứ rất có giá trị và dễ bị lợi dụng cho các mục đích không trong sáng. 
FACEBOOK ĐÁNH MẤT NIỀM TIN CỦA NGƯỜI DÙNG
CHÁNH TÀI /TBKTSG 26-3-2018
(TBKTSG Online) – Các cuộc khảo sát mới nhất ở Đức và Mỹ cho thấy đa số người dùng mất dần niềm tin vào Facebook trong việc bảo vệ quyền riêng tư.
Facebook đăng lời xin lỗi trên mục quảng cáo của các tờ báo in hôm 25-3. Ảnh: PA
Hãng tin Reuters cho biết cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos công bố hôm 25-3 cho thấy chỉ có 41% người Mỹ được hỏi cho biết họ tin Facebook tuân thủ các luật bảo vệ thông tin của họ nhưng con số này ở Amazon.com, Google và Microsoft lần lượt là 66%,  62% và 60%.
Trong khi đó, cuộc khảo sát của tờ Bild am Sonntag (Đức) cho thấy có 60% người Đức được hỏi lo ngại Facebook và các mạng xã hội khác đang tác động tiêu cực đến tính dân chủ trong xã hội.
Uy tín của Facebook đang tổn thất sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới này bị cáo buộc đã cung cấp dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook cho công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica (Anh), làm việc cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump năm 2016 để quảng cáo chính trị mà người dùng không hề được biết.
Hôm 25-3, trong các thông báo đăng trên các trang quảng cáo của báo giấy bao gồm tờ The Observer(Anh) và The New York TimesThe Washington PostThe Wall Street Journal (Mỹ), người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã phải xin lỗi người dùng vì “bội tín”.
“Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ thông tin của các bạn. Nếu chúng tôi không thể làm được, chúng tôi không xứng đáng với trách nhiệm đó”, thông báo cho biết.
Facebook đang bị soi xét gắt gao ở châu Âu và Mỹ, và đang cố gắng vực dậy uy tín trong mắt người tiêu dùng, các nhà quảng cáo, các nhà làm luật và giới đầu tư.
Trò chuyện với hãng tin NBC, thượng nghị sĩ Mark Warner, thành viên cấp cao của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nói rằng Facebook vẫn chưa công bố đầy đủ về cách công ty Cambridge Analytica đã khai thác dữ liệu của người dùng như thế nào.
Warner kêu gọi Zuckerberg ra điều trần trước quốc hội vì cho rằng Facebook và các công ty internet khác vẫn chưa sẵn lòng đối đầu với “mặt tối” của mạng xã hội.
Tuy nhiên, nhà phân tích Debra Williamson ở công ty nghiên cứu thị trường eMarketer  cho rằng vẫn còn quá sớm để dự báo việc đánh mất lòng tin sẽ khiến người dùng rời bỏ Facebook.
Dữ liệu của công nghiên cứu thị trường kỹ thuật số SimilarWeb cho biết lượng sử dụng Facebook ở các thị trường lớn và trên thế giới vẫn ổn định trong tuần qua.
FACEBOOK VẪN CHƯA GIẢI THÍCH LÝ DO THU THẬP TIN NHẮN VÀ CUỘC GỌI NGƯỜI DÙNG
HN / VNN 28-3-2018
Bê bối thu thập thông tin cuộc gọi và tin nhắn người dùng của Facebook được cho là đã kéo dài trong nhiều năm. Nhưng sau 1 tuần bị phát hiện, Facebook vẫn chưa giải thích tại sao họ thu thập tin nhắn và cuộc gọi người dùng.
Phát hiện của một người dùng được tiết lộ vào tuần trước khi người đàn ông tại New Zealand tìm thấy tất cả các dữ liệu cuộc gọi và tin nhắn trong kho lưu trữ Facebook của mình.
Vụ việc này một lần nữa khiến người dùng phẫn nộ buộc Facebook phải đăng một bài trên blog cố gắng giải thích vấn đề. Nhưng bài blog thực chất là một lời giải thích vì sao Facebook đúng còn tất cả mọi người đều sai. Thay vì thừa nhận việc thu thập dữ liệu trên điện thoại Android của hàng triệu người dùng là một vấn đề thực sự.

ceo facebook



Có rất nhiều thứ trong bài Facebook viết trên blog, nhưng có một điều nổi bật hơn tất cả: Facebook không cho biết lý do tại sao họ thu thập lịch sử cuộc gọi và dữ liệu tin nhắn SMS trên điện thoại của người dùng. Trong bài đăng trên blog, Facebook cho biết: "Lịch sử cuộc gọi và tin nhắn.... giúp bạn tìm kiếm và kết nối với những người mà bạn quan tâm, cũng như cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt hơn trên Facebook".
Trong một thông báo gửi cho trang Ars Technica khi vụ việc vừa vỡ lở, phát ngôn viên của Facebook cho biết: "Phần quan trọng nhất của các ứng dụng và dịch vụ kết nối là khiến việc tìm kiếm những người mà bạn muốn kết nối trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy, lần đầu bạn đăng nhập vào một ứng dụng nhắn tin hay ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại, việc tải danh bạ lên điện thoại là một thực tế phổ biến".
Nếu Facebook thực sự chỉ lấy thông tin về tất cả những người bạn đã từng liên lạc để thử và kết nối với bạn trên Facebook (điều mà Facebook nói), thì cũng không có lý do nào để Facebook lưu giữ chi tiết về thời gian, địa điểm và thời lượng cuộc gọi, tin nhắn của từng người.

Thay vì trả lời câu hỏi quan trọng - tại sao Facebook cần biết điều này về tôi?! - công ty đang cố gắng thu xếp vụ bê bối theo cách để phần thắng nghiêng về họ. Cố gắng giải thích rằng, Facebook không bao giờ lưu giữ cuộc gọi và tin nhắn của người dùng mà không được sự cho phép của họ, và việc thu thập thông tin này là việc làm thường tình mà thôi.
Điều đó đã không để ý đến 2 mối bận tâm chính của người dùng:
Một là, Facebook yêu cầu cho phép thu thập dữ liệu rất đơn giản chỉ bằng một nút bấm giống như hàng loạt các công cụ khác, để khả năng người dùng không bấm chọn khó xảy ra.
Hai là, Facebook thậm chí không nên thu thập dữ liệu này.
Người dùng có thể từ bỏ quyền riêng tư của mình để đổi lấy lợi ích từ dịch vụ. Nhưng họ cần được biết rõ chính xác dữ liệu nào đang được sử dụng và lý do tại sao cuộc trao đổi dữ liệu - dịch vụ này là có thể chấp nhận được.
Facebook đã thất bại trong cả 2 bài kiểm tra đó. Rõ ràng là mọi người ngạc nhiên khi biết dữ liệu của mình đang bị thu thập trái phép, nghĩa là hệ thống của Facebook có vấn đề.
H.N.(tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét