Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

20171123. QUANH DỰ LUẬT AN NINH MẠNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
DOANH NGHIỆP LO NGẠI NHIỀU VẤN ĐỀ PHÁT SINH TỪ LUẬT AN NINH MẠNG

ANH LÊ/ VietTime 22-11-2017


Doanh nghiệp lo ngại nhiều vấn đề phát sinh từ Luật An ninh mạng - ảnh 1
Ông Nguyễn Minh Hồng -- Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT. Ảnh: Bùi Phú.
VietTimes -- Tại Luật An toàn thông tin mạng, quy định về chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy đã nêu rõ và giao đầu mối thực hiện là Bộ TT&TT; trong khi đó, Dự thảo Luật An ninh mạng lại đặt thêm nhiều yêu cầu và chỉ định đầu mối thực hiện là Bộ Công an. Điều này khiến các doanh nghiệp lo lắng về việc xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình làm thủ tục hành chính.
Đây là một trong những vấn đề được quan tâm tại Toạ đàm khoa học LANM và tác động đến các ngành công nghệ, truyền thông và nội dung số: Đánh giá và kiến nghị chính sách do Viện Chính sách và Phát triển truyền thông -- Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức, vừa diễn ra chiều qua (21/11)
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, dự thảo Luật An ninh mạng (LANM) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đang được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV vừa qua và dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp thứ 5, diễn ra vào tháng 5/2018 tới.
Gồm 8 chương với 55 điều, dự thảo 14 của LANM quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối tượng áp dụng của Luật này là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động trên không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đề nghị các đại biểu tham gia Toạ đàm làm rõ được khái niệm “an ninh mạng”, bởi có một số ý kiến còn cho rằng nội hàm khái niệm này trong LANM vẫn chồng lấn với một số khái niệm khá gần khác như an toàn thông tin, an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin, an toàn mạng; chỉ ra được những nội dung còn trùng lặp hoặc chồng chéo, mâu thuẫn với Luật An toàn thông tin mạng đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2015; đồng thời xem xét đến tính thực thi của các quy định trong dự thảo LANM, nhất là những quy định mới.
Trong tham luận về nghiên cứu “Khuôn khổ pháp lý an ninh mạng của Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Đồng - đại diện nhóm nghiên cứu Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho biết, dự thảo LANM vừa được trình Quốc hội phê duyệt đã thu hút sự quan tâm, tranh luận, phản biện của không chỉ giới chuyên gia, báo chí mà cả cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông, nội dung số cũng rất quan tâm đến những vấn đề được đề cập trong dự thảo.
Doanh nghiệp lo ngại nhiều vấn đề phát sinh từ Luật An ninh mạng - ảnh 2
Ông Nguyễn Quang Đồng công bố kết quả nghiên cứu Viện Chính sách và Phát triển truyền thông. Ảnh: Bùi Phú.
Dẫn lại những vấn đề thực tế mà Luật An toàn thông tin mạng (LATTTM) gặp phải khi vừa công bố hơn 2 năm trước và nay vừa có thêm dự thảo LANM, ông Đồng nhấn mạnh: "Cộng đồng doanh nghiệp, những người trực tiếp làm về công nghệ, truyền thông, nội dung số rất quan tâm việc có trùng lặp gì không giữa dự thảo LANM với LATTTM và sẽ tác động đến doanh nghiệp họ như thế nào”.
Vị đại diện nhóm nghiên cứu cũng cho biết, quá trình tiến hành khảo sát, đánh giá, ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp và thực hiện rà soát lại quy định của các luật, ông và đồng sự nhận thấy, Dự thảo LANM có thể sẽ gây một số khó khăn về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nội dung số, truyền thông, công nghệ.
Một trong những quy định khiến doanh nghiệp lo ngại nhiều, đó là Điều 16 dự thảo LANM quy định “Đánh giá hợp chuẩn, hợp quy về an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia”. Theo ông Đồng, doanh nghiệp lo ngại hiện trong LATTTM đã có những quy định về chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; giờ dự thảo LANM lại có thêm các yêu cầu về hợp chuẩn, hợp quy. Vậy doanh nghiệp sẽ phải theo quy định nào? Đầu mối thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy theo LATTTM được giao về cho Bộ TT&TT. Trong khi ở dự thảo LANM, đầu mối chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy về an ninh mạng là Bộ Công an. Các doanh nghiệp lo lắng rằng liệu họ sẽ gặp vấn đề gì trong quá trình làm thủ tục hành chính, họ sẽ phải liên hệ với đầu mối nào để được giải quyết. Và giả sử khi các đầu mối có những xung đột ý kiến với nhau thì sẽ theo hướng dẫn từ cơ quan, đơn vị nào.


Doanh nghiệp lo ngại nhiều vấn đề phát sinh từ Luật An ninh mạng - ảnh 3
Kết quả nghiên cứu của Viện Chính sách và Phát triển truyền thông thu hút sự quan tâm của các đại biểu có mặt tại buổi Toạ đàm. Ảnh: Bùi Phú
"Có một số trùng lặp giữa quy định tại dự thảo LANM với LATTTM đã được Quốc hội ban hành năm 2015, cũng như các đầu mối cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan; tính thiếu rõ ràng và rủi ro trong pháp quyền cả với doanh nghiệp và người dùng; một số các quy định tại dự thảo LANM theo doanh nghiệp phản ánh là gần như bất khả thi; và một số lỗ hổng an toàn thông tin cá nhân trong hệ thống luật hiện nay", ông Đồng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Đồng cũng điểm ra một số điểm trùng lặp khác giữa dự thảo LANM với Luật ATTTM theo kết quả rà soát, so sánh được nhóm nghiên cứu thực hiện như: định nghĩa, phạm vi điều chỉnh, điều kiện kinh doanh, ứng cứu sự cố toàn thông tin mạng…
Đồng tình với các lập luận và kết quả khảo sát của Viện Chính sách và Phát triển truyền thông, một đại biểu đại diện cho khối doanh nghiệp cho rằng, LANM không chỉ có nhiều điểm trùng lặp với LATTTM mà còn có phần chồng lấn với Luật Cơ yếu, Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Trẻ em,… Cùng với đó, có nhiều đại biểu đặt vấn đề đề xuất tích hợp 2 bộ luật này thành một bộ luật duy nhất cho nhất quán và dễ áp dụng.
Đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật, ông Lê Doãn Hợp -- Chủ tịch Danh dự của Hội Truyền thông số Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, thời nay, khoa học công nghệ đang tiến ngoạn mục, ngoài sức tưởng tượng của con người. Trước thực tế đó, luật phải bám sát cuộc sống. Nhà nước nào cũng vậy, đều cần ra luật để quản lý, nhưng đều cần phải tạo điều kiện cho sự phát triển chung của xã hội.
Ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh:
Ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: "LANM nên nghiêng về quản lý nội dung, chứ không nên nghiêng về quản lý công nghệ". Ảnh: Bùi Phú
Ông thẳng thắn đánh giá: "Dự thảo LANM quá dài, có tới 55 điều, 48 trang, trùng lặp cũng nhiều, dàn trải, dù những người làm luật hết sức công phu" và góp ý: "LANM nên nghiêng về quản lý nội dung, chứ không nên nghiêng về quản lý công nghệ".
Ông đề nghị tất cả phải vì sự phát triển, Ban soạn thảo nên nghe kỹ ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn của doanh nghiệp nếu Luật được thông qua và đi vào thực hiện. Có như vậy, luật mới bám sát cuộc sống.
"Làm luật để phát triển tốt hơn, chứ không nên làm luật để dễ quản lý hơn mà phát triển khó hơn", Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thẳng thắn.
Cùng có chung lo ngại về sự phát triển của xã hội nói chung nhưng từ góc nhìn phản biện, PGS. TS Võ Trí Hảo cho rằng: "Nên đổi tên Dự thảo thành "Luật An ninh quốc gia trên mạng" như một số tác giả đã từng đề xuất và Luật này tập trung bảo vệ lợi ích công (public interest) chống lại việc lọt lộ bí mật nhà nước, loại trừ các mối nguy an ninh quốc gia, ngăn chặn chặn các cuộc tấn công ác ý vào cơ sở hạ tầng thông tin của nhà nước, vào hệ thống thông tin lõi".
Cũng theo ông Võ Trí Hảo, các lợi ích tư khác, việc cung cấp các dịch vụ mạng mang tính chất thương mại khác cần tách riêng ban hành trong một văn bản khác, để tránh việc áp dụng lẫn lộn các nguyên tắc của luật công đối với các lĩnh vực tư, vốn có thể giải quyết hiệu quả hơn bằng sự tẩy chay của khách hàng, hiệu quả của bàn tay vô hình của nền kinh tế thị trường, bảo đảm sự tự do, năng động cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.


PHÁT NGÔN GOOGLE, FACEBOOK PHẢI ĐẶT MÁY CHỦ TẠI HƠN 200 QUỐC GIA: LỘ TƯ DUY 'ĐẦU CON TÉP' CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

MỘC LÂM / Red VN/ BVB 21-11-2017
Nhiều ngày qua, dự thảo về Luật an ninh mạng được đem ra mổ xẻ ở mọi khía cạnh, vấn đề được dư luận quan tâm nhất vẫn là “địa phương hóa dữ liệu”. Nhiều ý kiến cho rằng điều luật này không phù hợp thông lệ quốc tế, thậm chí là một số tờ báo tạo ra thông tin “Facebook và Google sẽ rời bỏ Việt Nam nếu luật ANM ra đời”. Những suy nghĩ này đã khiến người dân hiểu sai và tạo ra làn sóng phản đối. Tuy nhiên điều đáng nói là, một số vị đại biểu Quốc hội có kiến thức sâu rộng, đương nhiên hiểu được đạo Luật này đem lại lợi ích thiết thực cho người dân như thế nào, thì lại có nhiều phát ngôn thể hiện tư duy có vấn đề.
Trên thế giới có 7,5 tỷ người thì có đến 52% người dùng Internet và 42% trong số đó dùng mạng xã hội. Riêng tại Việt Nam là nước có dân số đông, đứng thứ 14 trên thế giới với xấp xỉ 93,6 triệu dân, thì lại có số người dùng Internet là 50.05 triệu người cao trên thế giới, và 46 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 3% tổng số người dùng toàn cầu.
Số lượng người dùng GG, FB ngày càng tăng, khiến sức mạnh của hai gã “khổng lồ” này lớn tới mức, vừa qua Thượng nghị sĩ John Kennedy của bang Lousiana – Mỹ đã phải thốt lên rằng: “Sức mạnh của Google và Facebook khiến tôi run sợ, vấn đề là họ biết quá nhiều về chúng tôi, trong khi chính chúng tôi lại biết quá ít về bản thân”. Bởi, GG, FB đang nắm trong tay thông tin của hàng tỷ người, hay nói cách khác, họ đang nắm quyền sinh, quyền sát bất cứ ai đang sử dụng. Như vậy chỉ cần một thông lọt ra bên ngoài bằng bất cứ hình thức nào thì người sử dụng cũng có thể đối mặt với rất nhiều nguy hiểm.
Người dùng thì luôn đối mặt với nỗi bất an, còn GG, FB thì ngồi thu lợi khủng. Nguồn thu nhập chính của Google và Facebook chủ yếu qua quảng cáo chiếm hơn 60% doanh thu toàn cầu. Cụ thể như Google, sẽ thu tiền từ mỗi click mà người sử dụng thực hiện mỗi lần truy cập vào một website; hoặc định giá quảng cáo cho một website với việc thầu từ khoá. Còn Facebook kiếm tiền từ việc quảng cáo trên news feed, tin nhắn nhận quà, quảng cáo cho ứng dụng của bên thứ 3…
Google bị lên án vì trốn thuế
Theo thống kê FB, thu nhập một giờ tương đương với 250 triệu USD, 4.166.667 USD một phút, 69.444 USD một giây. Một tháng Zuckerberg đã thu về 6 tỷ USD (thống kê năm 2016). Còn Google cũng có nguồn danh thu không kém, Nhà phân tích Mark Mahaney của RBC Capital ước tính doanh thu hàng năm của YouTube thuộc Google hiện đã đạt 10 tỷ USD và đang tăng trưởng hơn 40% một năm. Dự báo của công ty nghiên cứu thị trường eMarketer cho thấy GG có thể sẽ kiếm được 72,69 tỷ USD doanh thu quảng cáo, FB sẽ kiếm được 33,76 tỷ USD trong năm nay.
Riêng tại Việt Nam, theo một khảo sát của Công ty Vinalink thì năm 2015, Facebook đã thu về hơn 3.000 tỷ đồng từ quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam, còn Google là hơn 2.000 tỷ đồng. Phần còn lại sẽ chảy vào túi các doanh nghiệp Việt, mà đa số các doanh nghiệp này lại có vốn FDI hoặc 100% FDI. Vậy chúng ta được lợi gì?
Hoạt động và thu lợi trên 200 quốc gia, nhưng hầu như GG, FB không hề nộp thuế mà họ sử dụng thủ thuật “chuyển giá” – trốn thuế, bằng cách chuyển giao số thu nhập đến những quốc gia có mức thuế thấp, còn chi phí được chuyển sang các nước đánh thuế cao, nhằm trốn thuế hàng chục tỷ USD. Theo Bloomberg, số tiền 12 tỉ USD được GG chuyển tới một công ty ở Bermuda, qua một chi nhánh có tên Google Netherlands Holdings BV ở Hà Lan, bằng cách này giúp GG trốn 2,4 tỷ USD tiền thuế trên toàn cầu trong năm 2014. FB cũng đang tiếp bước GG chuyển phần lợi nhuận thu được từ Ireland đến Cayman Islands. Chính vì điều này, mà nhiều quốc gia trên thế giới đã cho ra đời đạo Luật ANM, để ngăn chặn hành vi “chuyển giá” trốn thuế của GG, FB.
Đi theo xu hướng của một số nước như Đức, Nhật, Úc, Trung Quốc,…. VN cũng cho ra đời đạo Luật ANM, buộc GG, FB “địa phương hóa dữ liệu” để khống chế con ngựa bất kham này. Thế nhưng người ta phát sốc trước phát biểu lo bò trắng răng của ông nghị Nguyễn Việt Dũng (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) về dự thảo này: “Facebook là dịch vụ toàn cầu hoá, kinh doanh ở 200 nước chẳng lẽ phải đặt máy chủ ở cả 200 nước hay sao, chi phí rất lớn?”.
Lại thêm một nhân vật khéo lo xa, ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng, lo cho GG, FB đặt máy chủ tại VN sẽ tốn kém chi phí. Không biết trước khi phát biểu, ông Dũng có suy nghĩ hay không? Chã lẽ, hơn các quốc gia mà ông nghị nói chưa yêu cầu GG, FB “địa phương hóa dữ liệu”, thì Việt Nam cũng phải làm theo ư? Sống mà không có ý chí kiên định, gió chiều nào ng theo chiều đó, thử hỏi ông Dũng có làm tròn trách nhiệm đại diện tiếng nói của người dân, hay chỉ thể hiện tiếng nói của nhóm lợi ích? Phát ngôn này cho ta thấy, mức độ hiểu biết còn hạn hẹp. Ông thử nhìn sang các nước Nga, Đức, Singapore…mà xem họ đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ như thế và họ thu được kết quả gì? Thiết nghĩ ông nên nhường lại vị trí cho lớp trẻ, để dân được nhờ. Chứ ông tồn tại chỉ tốn thêm ngân sách mà không giúp gì được cho dân cho đất nước, ông nghị ạ!
Thử hỏi, hơn 200 quốc gia này thất thu từ GG và FB là họ cố tình để mất nguồn thu ngân sách khủng hay không có đạo Luật đủ mạnh để buộc những gã khổng lồ này tuân thủ quy định. GG, FB hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì phải có trách nhiệm, nhiệm vụ theo tuân theo quy định pháp luật của nước sở tại. Sao chúng ta không để tầm nhìn của mình sang các quốc gia thu được gì từ việc buộc GG, FB dữ liệu hóa địa phương? Vì sao chúng ta chỉ quan tâm mỗi việc buộc GG, FB đặt máy chủ là họ sẽ rời bỏ chúng ta, mà không tự hỏi nước ta đã thất thu bao nhiêu, và GG, Fb đã bất hợp tác, tạo ra nhiều hệ lụy như thế nào?
Mộc Lâm/(Red VN)

MẠNG XÃ HỘI

HUY ĐỨC/ BVN 22-11-2017
Dữ liệu rất quan trọng cho công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách. Nhưng sử dụng các số liệu từ Đức, Hàn Quốc... thậm chí từ Trung Quốc để so sánh với Việt Nam cũng giống như so sánh hai số hạng không cùng đại lượng (mét so với kg).
Người Đức, người Mỹ... sử dụng mạng xã hội (MXH) đôi khi chỉ để đáp ứng những nhu cầu bạn bè trong từng group nhỏ. Người Việt Nam sử dụng MXH ngoài những nhu cầu thông thường, còn là để thực hiện các quyền Hiến định - quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến; quyền làm công tác từ thiện, giúp đỡ người yếu thế. Những quyền mà báo chí nhà nước và không gian chính trị của Việt Nam không có khả năng cung cấp.
Tự do biểu đạt chính kiến quan trọng đến nỗi, Tổng thống của một quốc gia tự do như D. Trump cũng phải sử dụng MXH để tuyên ngôn khi ông không còn tin báo chí. Đừng so với Trung Quốc, chỉ trong một quốc gia mà việc người dân chỉ trích lãnh đạo, chỉ trích chính quyền được coi là "văn hoá" thì quốc gia đó mới có cơ may được coi là văn minh, chính quyền của quốc gia đó mới được coi là chính quyền mạnh.
Với những Tiến sỹ rừng như ông Trương Minh Tuấn thì tôi không chấp, tôi rất tiếc khi nghe phát biểu của PTT Vũ Đức Đam. Ông có một trí nhớ tuyệt vời, một khả năng diễn thuyết rất thuyết phục, nhưng ông đã mơn trớn các đại biểu có chức có quyền trong Quốc hội thay vì giúp phần lớn trong họ nắm được MXH là môi trường sống của thế giới ngày nay. Nó chứa chấp đủ thứ dịch bệnh của loài người nhưng nó cũng giúp chính loài người từng bước loại bỏ các dịch bệnh đó và nuôi nấng từng mầm tích cực.
Chỉ từ khi có internet, Việt Nam mới tốt lên như vậy và chính quyền mới mạnh như vậy (dù bị chỉ trích nhiều hơn, dù nhiều người chỉ trích chính quyền không muốn thế).
Dân trí của Việt Nam như ông nói, chưa bằng Thái và tất nhiên là chưa bằng Đức. Nhưng vì sao. Chưa có một quốc gia nào (tôi không tính Trung Quốc và Bắc Hàn) mà Bộ Luật Hình sự chứa đựng nhiều điều luật để đe doạ người sử dụng MXH như Việt Nam. Tuy nhiên, các công cụ này chủ yếu nhắm vào những người sử dụng MXH để "nói xấu lãnh đạo và tuyên truyền chống chế độ". Danh dự, nhân phẩm và bí mật đời tư của thường dân, trong thi hành luật, chưa bao giờ được ưu tiên bảo vệ.
Đừng lẫn lộn các khái niệm trong an ninh mạng. Những gì thuộc về bí mật quốc gia phải thuộc trách nhiệm của những người được giao nắm giữ nó. Có thể vận động ý thức của công dân trừ những vụ việc nhân danh bí mật quốc gia để lén lút chia chác tài sản của dân. Trong thời đại ngày này, quốc gia nào cũng phải có ý thức lập nhiều tầng dữ liệu (cái gì local, cái gì international). Còn thông tin cá nhân thì kể từ khi ta mua vé máy bay, mua hàng trên Alibaba, xin visa... từng cá nhân đã chấp nhận tiết lộ bí mật đời tư của mình, đừng đổ hết cho MXH.
Cũng không nên dùng con số doanh thu quảng cáo 300 triệu USD (như anh Đam nói) hay 100 triệu (như anh Tuấn nói) để kích thích dạ dày Quốc hội. Facebook, Google không kinh doanh ở VN, họ kinh doanh toàn cầu. Ngay cả các cường quốc cũng vẫn còn đang phải tranh cãi việc đánh thuế như thế nào. Các nhà cung cấp dịch vụ internet phải tuân thủ luật thương mại điện tử nhưng các quốc gia cũng phải tuân thủ các cam kết "tránh đánh thuế hai lần".
Đành rằng, thu được đồng thuế nào từ con số 300 triệu đó đều tốt. Nhưng chỉ chăm bẵm vào những con số đó là đã để lá che mất rừng. Thử tính, nếu người dân Việt đã bỏ ra 300 triệu USD quảng cáo trên MXH toàn cầu thì doanh thu có đóng thuế cho ngân khố quốc gia phải tăng lên đến nhường nào.
Đành rằng, để MXH phát triển thì việc nhũng nhiễu dân sẽ không còn như chỗ không người nữa; việc đưa con đàn cháu đống vào bộ máy quyền lực sẽ bị săm soi; công trình nghìn tỷ đắp chiếu sẽ không thể che mắt dân cho đến khi mục nát... Nhưng, cầm quyền thì phải nhận ra rằng, MXH không chỉ đang chỉ trích chính quyền – giúp Chính phủ tu sửa để rồi vừa có quyền vừa có dân – mà còn đang chỉ trích những thói hư tật xấu trong xã hội, đang "khai dân trí và chấn dân khí" chứ không chỉ mắng nhiếc nhau. Hãy vì lợi ích bền lâu của Việt Nam, đừng vì những mục tiêu ngắn hạn.
PS: Những ai hay lấy Đức ra làm ví dụ thì nên đoc kỹ cái này: www.bmjv.de
H.Đ.

MÁY CHỦ CỦA FACEBOOK ĐẶT Ở ĐÂU ?
BBC 20-11-2017

Huyền thoại về Facebook nói ban đầu mạng xã hội này chỉ đặt trong phòng sinh viên của Mark Zuckerberg ở Harvard, và dùng một máy chủ duy nhất.


Facebook
Bản quyền hình ảnhJONATHAN NACKSTRAND
Image captionNgoài Prineville ở bang Oregon, Facebook hiện có bốn trung tâm dữ liệu khổng lồ ở Hoa Kỳ, hai ở châu Âu và hai ở châu Á
Nhưng đó là khi Facebook ra đời tháng 2/2004.
Còn nay, Facebook phải xử lý mỗi ngày hàng tỷ lần nhấn 'likes' và hàng nghìn tỷ tin nhắn, nên họ đã có những trung tâm dữ liệu khổng lồ.
Facebook nói gì về vụ VN 'chặn thông tin xấu'?
Facebook làm đối lập Campuchia thất vọng?
TP HCM: Kinh doanh trên Facebook 'phải nộp thuế'
Việt Nam và tham vọng 'có Facebook' nội địa
Theo BusinessInsider (tháng 4/2017) trung tâm dữ liệu chính của Facebook là ở Prineville, bang Oregon, Hoa Kỳ.
Tại đây, các máy chủ hiện đại nhất do Facebook tự thiết kế và xây dựng dùng số dây điện và dây cáp chuyên dụng dài tổng cộng 950 dặm.
Theo trang Cnet, Facebook nói nhờ thiết kế máy chủ riêng thay cho máy đi mua, từ 2010 hiệu năng của công tác truyền dữ liệu tăng 38%, cùng lúc chi phí giảm 25%.
Nhưng Facebook không đặt máy chủ ở quá nhiều nơi.
Cho đến nay, ngoài việc tăng diện tích và công suất của trung tâm Prineville, họ đã xây thêm các trạm xử lý dữ liệu tại Forest City (North Carolina), Fort Worth (Texas), Altoona (Iowa) và Los Lunas (New Mexico).
Như thế, các trung tâm máy chủ và kho dữ liệu chính của Facebook vẫn là ở Hoa Kỳ.
Châu Âu có hai trung tâm: Clonee (CH Ireland), và Lulea (Thụy Điển).

Facebook 'bỏ trứng vào đâu' ở châu Á?

Ở châu Á, cho đến nay, theo chính các thông tin do Facebook đưa ra, Singapore là nơi công ty này đặt trung tâm dữ liệu và máy chủ lớn nhất.


Singapore
Bản quyền hình ảnhROSLAN RAHMAN
Image captionSingpore là nước mà Facebook chọn làm nơi đặt trung tâm dữ liệu để nhắm vào Trung Quốc
Lý do là họ muốn "phục vụ thị trường châu Á, và vì Singapore là một trong hai cổng Internet nối với Trung Quốc".
Bên cạnh Singapore còn có Hong Kong.
Hãng công nghệ VN đầu tiên sẽ niêm yết ở Nasdaq?
Blogger Singapore được Mỹ cho tị nạn
Singapore đứng đầu xếp hạng giáo dục quốc tế
Như thế, Facebook cũng không đi ra ngoài truyền thống của các công ty dùng tiếng Anh trong kinh doanh là chọn Singapore và Hong Kong để bước vào châu Á.
Tin rằng Facebook sẽ đặt máy chủ ở Ấn Độ đã bị bác bỏ một cách lịch sự năm ngoái.
Nhưng với số người dùng Facebook ở châu Á lên trên 500 triệu, có tin Facebook đang nói chuyện với Đài Loan để đặt thêm một trung tâm máy chủ tại đây.
Với các nơi còn lại, Facebook cũng như các đại công ty mạng thực ra không cần phải đặt máy chủ mà luôn có thể thuê POP (Points of Presence).
Tháng 4/2016, trang TheHindu.com đăng tin chính phủ Ấn Độ yêu cầu ba 'nhà khổng lồ', Facebook, Twitter và Google đặt máy chủ ở nước này.


Tuy nhiên, theo phóng viên Vijaita Singh, lý do chống khủng bố mà chính phủ Ấn Độ nêu ra để buộc các công ty trên đặt máy chủ ở Ấn Độ đã không được đáp ứng.
Đơn giản là để đặt máy chủ ở Ấn Độ, các công ty kia phải đăng ký tư cách pháp nhân địa phương như một công ty Ấn Độ, điều họ không làm.
Còn về yêu cầu "chống khủng bố", mạng Twitter xác nhận họ đã xóa một số tài khoản mà chính phủ Ấn Độ nói là có liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Nhưng Twitter từ chối bình luận vì sao họ không đặt máy chủ tại Ấn Độ.
Không phải cứ đòi là được


Dublin
Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionMột hội nghị thượng đỉnh Internet ở Dublin, Ireland, nước nhỏ nhưng đi đầu về chính sách thuế và môi trường đầu tư cho các 'đại gia công nghệ cao'
Có vẻ như là việc xây trung tâm dữ liệu là quyết định kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia mà một chính phủ không thể ép buộc được.
Để mời gọi các công ty đặt máy chủ thì quốc gia chủ nhà cần có cơ sở pháp lý tốt về bảo mật, nền tảng công nghệ cao, chính sách ưu đãi đầu tư.
Facebook cảnh báo giả ở Bangkok
Phúc thẩm người 'chống nhà nước trên Facebook'
Tin 'phá hoại của Nga' đến tay 126 triệu người dùng FB Mỹ
Nước nhỏ như Ireland (4,7 triệu dân) không chỉ dùng tiếng Anh và luật theo hệ thống Anh Mỹ mà còn là cửa ngõ vào EU, đồng thời có chính sách thuế hấp dẫn.
Năm 2015, khi Facebook bỏ ra 200 triệu euro để xây thêm trung tâm dữ liệu tại Clonee, cách thủ đô Dublin có 30 phút chạy xe thì Microsoft cũng xin giấy phép xây thêm trung tâm dữ liệu thứ năm ở West Dublin.
Cùng lúc, Apple tuyên bố chi ra con số khổng lồ 850 triệu euro để xây một trung tâm dữ liệu tại Galloway, tỉnh Connacht, phía tây Ireland.
Từ lâu trước đó, Ireland đã được IBM chọn (năm 1996) làm nơi đặt trụ sở châu Âu của họ, cũng nhờ môi trường chính sách ưu tiên đầu tư công nghệ rất thoáng.
Còn tại Thụy Điển, việc Facebook chọn Lulea có ba lý do: khí hậu, nguồn điện và nhân công, mà cộng lại cũng là để giảm chi phí.


Lulea
Bản quyền hình ảnhAFP
Image captionTrung tâm dữ liệu của Facebook ở Lulea, Thụy Điển nằm gần Vòng Bắc Cực và có nhiệt độ thấp quanh năm
Theo báo The Guardian (09/2015), vùng Norrland trong nửa năm có nhiệt độ thấp, nhiều khi xuống tới âm 25 độ C, giúp giảm đi nhiều chi phí làm lạnh máy móc.
Vùng này còn có thủy điện dư thừa vì các cơ sở làm giấy và gang thép đã đóng cửa, khiến Facebook tha hồ dùng nguồn điện "bằng một nhà máy luyện kim lớn".
Ngoài ra, Facebook xác nhận Thụy Điển là "nước đi đầu trong công nghệ thông tin châu Âu" nên việc tuyển các chuyên gia ở Lulea thật dễ dàng.
Xem thêm về Mạng xã hội:
Thêm blogger bị bắt ở Việt Nam
Zuckerberg bác bỏ ý kiến của Trump
Đám cưới và sự khoe khoang thời đại Facebook
NHẮC PTT VŨ ĐỨC ĐAM: ANH CÒN NHỚ HAY ANH ĐÃ QUÊN ?

QUỲNH VI/ LK/ BVN 22-11-2017

clip_image002
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại một sự kiện công nghệ. Ảnh: Giáo dục Việt Nam.
Khi phát biểu trước Quốc hội ủng hộ việc chặn, lọc, và hạn chế Internet, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có thể không biết hoặc đã quên một chuyện mới xảy ra hơn một năm trước đây.
Khi đó, vào tháng 7/2016, với tư cách là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã đồng thuận với các thành viên khác cho thông qua một nghị quyết coi việc sử dụng Internet và biểu đạt trên Internet là một quyền con người.
Cụ thể, nghị quyết này coi “những quyền mà con người được hưởng offline cũng phải được bảo vệ trên môi trường online”.
Nghị quyết này nhấn mạnh quyền tự do biểu đạt trên mạng cũng được bảo vệ theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, bất kể con người ở nơi đâu trên thế giới và chọn sử dụng công cụ nào.
Nếu PTT Đam chưa thoả mãn với nội dung trên thì ông có thể đọc thêm nội dung thứ 10 của nghị quyết, theo đó, Hội đồng Nhân quyền “lên án một cách dứt khoát những biện pháp được cố ý dùng để ngăn chặn hoặc làm gián đoạn việc truy cập hay phổ biến thông tin trên mạng” và “kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên gỡ bỏ và không tiến hành các biện pháp đó”.
Không những thế, nghị quyết còn lên án tất cả những hành vi bắt giữ, sách nhiễu và trừng phạt một người vì những gì họ biểu đạt trên Internet.
Những gì PTT Đam nói, rất đáng tiếc cho ông, đi ngược lại hoàn toàn với những gì mà chính Việt Nam đã đồng ý thông qua tại diễn đàn nhân quyền quan trọng nhất toàn cầu – Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Tại thời điểm đó, Việt Nam hãy còn là “tân binh” ở Hội đồng Nhân quyền. Nhiệm kỳ của Việt Nam ở Hội đồng kéo dài từ đầu 2014 đến hết 2016. Nhiều người có thể thắc mắc tại sao một nước có thành tích nhân quyền kém cỏi như Việt Nam lại có chân trong Hội đồng 47 thành viên này, nhưng đó là câu chuyện chính trị quốc tế và có thể được bàn trong một bài viết khác.
Cũng cần phải nhắc PTT Đam về một phát biểu của ông hồi tháng Ba năm ngoái, khi ông tới dự một hội thảo của Ngân hàng Thế giới:
“Tôi chỉ muốn nói rằng, giờ không phải lúc bàn lợi ích của công nghệ số là thế nào mà phải khẳng định: Bản thân công nghệ số có những mặt trái, nhưng không phải do công nghệ mà do người sử dụng công nghệ. Vì thế, không có lý gì vì tác động mặt trái của nó mà kìm hãm nó, mà phải tìm mọi cách để nó phát triển”.
PTT Vũ Đức Đam được Thủ tướng Chính phủ giao phụ trách quản lý ngành thông tin - truyền thông. Ông cũng là người được cho là thân thiện với giới công nghệ khi từng công tác lâu năm ở Tổng cục Bưu điện và từng làm đến chức Thứ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông.
Mới tháng Hai đầu năm nay thôi, khi nói chuyện với sinh viên đại học FPT, ông Đam còn kể rằng, ông đã triệu tập những bộ óc hàng đầu Việt Nam để khái quát bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư trong một từ, thế mà không ai trả lời được.
Và chính ông đã tự mình nghĩ ra từ đó:
“Nếu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất gắn với ‘hơi nước’, cuộc cách mạng lần thứ hai là ‘điện’, lần thứ ba là ‘số hóa’ thì đa phần những người tích cực cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là ‘kết nối’”.
Ông còn nhấn mạnh thêm: “Đó là việc kết nối tám tỷ thiết bị, kết nối ở mọi tầng lớp, mọi giác độ, sự kết nối không chỉ ở một mái trường, một tỉnh, một đất nước mà là sự kết nối toàn cầu. Cuộc cách mạng ấy liên quan mật thiết đến công nghệ thông tin”.
Vậy thì cái gì làm cho ông Đam đi từ một người coi “kết nối” con người trên toàn cầu là bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đến một con người cổ xuý cho việc xây dựng một mạng biệt lập như Trung Quốc và đề xuất kiểm soát để người dân ít dùng mạng xã hội hơn?
Không những thế, ông còn muốn “dùng biện pháp kỹ thuật chặn, lọc làm chậm lại khi cần thiết”.
Đâu mới là quan điểm thật, con người thật của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam?
Nhẽ phải nhắc lại cho ông tất cả những điều này kẻo ông quên.
Q.V.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét