Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

20171107. QUANH DỰ LUẬT AN NINH MẠNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
DỰ THẢO LUẬT AN NINH MẠNG: KHÔNG THỂ BỖNG DƯNG CHẶN DỊCH VỤ INTERNET

CHÍ THỊNH/ TBKTSG 6-11-2017

Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật An ninh mạng do VCCI phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức. Ảnh: VCCI cung cấp.
(TBKTSG Online) - Giả sử các công ty cung cấp dịch vụ internet như Google, Facebook, Amazon… không đồng ý đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hành xử như thế nào?
Cuộc chơi xuyên biên giới
Theo nhận định của một số doanh nghiệp trong nước, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ không thể đưa ra quyết định chặn dịch vụ internet nếu như các nhà cung cấp dịch vụ (như Google, Facebook, Skype…) không đồng ý đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Nếu dựa theo khoản 4, Điều 34 dự thảo Luật An ninh mạng, bắt buộc các công ty phải đặt máy chủ ở Việt Nam mới được quyền cung cấp dịch vụ thì sẽ gây khó khăn cho hoạt động cung cấp dịch vụ trên môi trường internet, vốn không có biên giới.
Hiện nay, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ internet như Google, Facebook, Amazon, Uber… đã triển khai dịch vụ trên phạm vi toàn cầu. Họ là những công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Từ Mỹ, nhà cung cấp dịch vụ gọi xe Uber vẫn có thể điều hành toàn bộ hệ thống cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở Việt Nam, Thái Lan, Singapore, châu Âu, Trung Đông…
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho rằng các quốc gia có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đường truyền internet hoặc mạng di động thiết lập văn phòng đại diện cũng như đặt máy chủ tại địa phương. Nhưng đối với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google hoặc Facebook thì yêu cầu đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu sẽ không hợp lý. "Với mô hình kinh doanh, cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới thì họ vẫn có thể điều hành dịch vụ đó một cách bình thường cho dù đặt máy chủ ở đâu", ông Thắng nói.
Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam (đang sử dụng dịch vụ của Google, Facebook) cũng chẳng cần biết máy chủ của Google, Facebook đặt ở đâu mà chỉ cần biết nếu xảy ra sự cố thì đội ngũ chăm sóc khách hàng Google, Facebook sẽ ứng phó, hỗ trợ họ như thế nào…
Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin giải trí trực tuyến trong nước cho biết thực tế thì một số công ty nước ngoài đã đặt máy chủ ở Việt Nam nhằm đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ của họ đạt chất lượng tốt hơn. Khi đó, kết nối từ người dùng internet ở Việt Nam sẽ “mượt mà” hơn do không phải thông qua đường truyền internet quốc tế (kết nối trực tiếp qua đường truyền trong nước).
Một số công ty dịch vụ internet nước ngoài đã bố trí cụm máy chủ dự phòng ở Việt Nam, giúp kết nối giữa người dùng và dịch vụ lưu trữ dữ liệu, cung cấp nội dung trên internet… tốt hơn. Họ đặt máy chủ ở Việt Nam với mục đích tăng cường chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của người dùng.
Đồng thời, cũng có một số doanh nghiệp lớn trong nước vẫn đang thuê dịch vụ lưu trữ dữ liệu, thu thập và xử lý dữ liệu khách hàng từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Các dữ liệu này được lưu trữ ở các máy chủ nằm ở nước ngoài, kết nối với trung tâm xử lý dữ liệu của các công ty này. Vì thế, không thể vì yêu cầu về đảm bảo an ninh mạng của Việt Nam mà bắt các công ty này mở riêng máy chủ lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam.
Dịch vụ đám mây đâu thể "địa phương hóa"
Không chỉ Google, Facebook, Skype, Viber… mà còn rất nhiều dịch vụ lưu trữ trên đám mây đang cung cấp cho khách hàng Việt Nam như Dropbox, Amazon, OneDrive, iCloud… sẽ bị ảnh hưởng bởi yêu cầu đặt máy chủ ở Việt Nam. Mô hình điện toán đám mây có ưu điểm là dù dữ liệu lưu trữ ở đâu, người dùng vẫn có thể truy cập được bình thường. Không thể làm ngược xu hướng công nghệ khi bắt các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây phải đặt máy chủ ở từng quốc gia.
Góp ý cho dự thảo Luật An ninh mạng, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham), cho rằng những yêu cầu về địa phương hóa dữ liệu sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế và người tiêu dùng Việt Nam. Theo ông, dự thảo luật yêu cầu thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng chỉ được lưu giữ bên trong lãnh thổ Việt Nam. Yêu cầu địa phương hóa dữ liệu này sẽ hạn chế khả năng tiếp cận những công nghệ và dịch vụ dựa trên việc truyền tải dữ liệu quốc tế của người dùng, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ Việt Nam, ví dụ như dịch vụ đám mây.
Một số doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước cũng đồng tình với ý kiến của ông Adam Sitkoff. Họ cho rằng, ở thời đại kết nối internet, sử dụng điện toán đám mây… mà bắt nhà cung cấp dịch vụ phải đặt máy chủ ở từng địa phương thì không thể tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Bản thân doanh nghiệp sẽ lựa chọn việc đặt trung tâm dữ liệu (Data Center) ở quốc gia nào mà họ thấy có lợi nhất (về chính sách ưu đãi đầu tư, tối ưu hệ thống vận hành…).
Nếu chỉ vì ở Việt Nam có nhiều người dùng dịch vụ nhắn tin, gọi điện qua internet (như Viber, Skype, FaceTime…) mà buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam là điều không khả thi. Các trung tâm dữ liệu quản lý thông tin cá nhân, dữ liệu người dùng dịch vụ thường đặt ở nhiều khu vực khác nhau để tối ưu hóa hệ thống, không lệ thuộc bởi quy định an ninh mạng của địa phương.
Các công ty công nghệ thông tin Việt Nam sẽ phải tham gia cuộc chơi toàn cầu, hướng tới mô hình kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới. Do đó, Việt Nam cần phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh, khai thác thế mạnh của các công ty công nghệ, đi theo xu hướng kết nối toàn cầu.
Đã có những công ty công nghệ thông tin, nhà phát triển ứng dụng, game trong nước… đang cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở nước ngoài. Nếu như các công ty này cũng bị chính phủ các nước khác buộc phải đặt máy chủ ở nước họ mới được tiếp tục cung cấp dịch vụ internet (dịch vụ nhắn tin qua internet, game online…) thì sẽ ra sao?
Mời đọc thêm

LO LẮNG FACEBOOK, GOOGLE RÚT KHỎI VIỆT NAM

LẠI CƯỜNG/ GDVN 6-11-2017

Người dùng mạng xã hội có thật sự đáng lo khi Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam được thông qua. (Ảnh minh hoa internet chưa rõ nguồn)
Mới đây, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đã có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, trong đó phản ứng phản ứng về "Khoản 4 Điều 34 trong Dự thảo Luật An ninh mạng" yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam.
Trong văn bản góp ý, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, điều kiện này hiện trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Nếu quy định này là bắt buộc thì doanh nghiệp sẽ phải đầu tư hệ thống máy chủ khổng lồ tại Việt Nam mới có thể được kinh doanh.
Chứng minh cho góp ý này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã trích dẫn quy định quy định tại Khoản 4 Điều 34 của Dự thảo Luật An ninh mạng: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam; có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…”.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng nếu dự thảo được thông qua, viễn cảnh về việc Google, Facebook, những ông lớn về internet sẽ rút khỏi Việt Nam.
Đây cũng là lo ngại của không ít người dùng Việt khi số lượng người dùng mạng xã hội, internet tại Việt Nam ngày càng gia tăng.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về câu chuyện quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng, Tiến sĩ-luật sư Vũ Văn Tính - Giám đốc Công Ty Luật Trách nhiệm Hữu hạn LT& Cộng sự cho rằng lo ngại như vậy là quá thừa.
Ông Tính đặt ra vấn đề: Trên thực tế, tới thời điểm này, Google và Facebook cũng đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam đâu mà “rút”?
Và chưa cần mở văn phòng đại diện, mà họ đã hoạt động “rần rần” bởi loại dịch vụ họ cung cấp là xuyên biên giới trên nền Internet. Do đó, nói họ sẽ rút khỏi Việt Nam là rất thừa.
Bên cạnh đó, nói về Khoản 4 Điều 34 của Dự thảo Luật An ninh mạng mà Phòng thương Mại và Công nghiệp Việt Nam đề cập, với tư cách là tiến sĩ nghiên cứu tại Pháp, ông Tính cho rằng điều luật này là rất cần thiết để hoạt động trên mạng xã hội được đúng hướng hơn.
Theo ông Tính: “Việc an toàn thông tin, an ninh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu, do đó điều luật này là hoàn toàn phù hợp trong tình hình phát triển.
Không thể nói mạng xã hội là thế giới thích làm gì thì làm được.
Việc Facebook và Google hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam là hoàn toàn chính xác.
"Nếu việc dùng mạng xã hội một cách thiếu kiểm soát, rất dễ biến thành công cụ lợi dụng bôi nhọ người khác.
Những thông tin bịa đặt, lừa đảo, văn hóa phẩm đồi trụy tràn lan đầy trên các mạng xã hội như vậy không thể không kiểm soát được”, ông Tính nói.
Vị luật sư này khẳng định: “Các nước phương Tây đã áp dụng những biện pháp như vậy đối với các mạng xã hội lâu rồi. Việt Nam mới áp dụng như vậy là muộn so với họ.
Trước kia, Đức đã từng phạt facebook vì vi phạm pháp luật của họ hay Google đã phải nộp phạt mức trần vì vi phạm luật pháp nước này".

Tiến sĩ, luật sư Vũ Văn Tính (Ảnh NVCC)
Sau những sự việc như vậy, các ông lớn này buộc phải điều chỉnh để phù hợp với luật pháp nước sở tại. Không thể nói vì họ quá lớn mà họ rút khỏi Việt Nam là chúng ta phải chỉnh luật phù hợp với họ được.
Bên cạnh đó, ông Tính cho rằng việc nếu những ông lớn này kinh doanh cung cấp nền tảng tại Việt Nam thì việc bắt họ phải đặt máy chủ ở Việt Nam là cần thiết vì nếu họ vi phạm pháp luật Việt Nam thì mới có thể điều chỉnh được.
“Họ đặt máy chủ tại Mỹ mà vi phạm pháp luật Việt Nam thì ta điều chỉnh thế nào?”, ông Tính đặt câu hỏi.
Theo khảo sát của Công ty Vinalink, năm 2015, Facebook dẫn đầu về doanh thu quảng cáo trực tuyến tại thị trường Việt Nam với 3.000 tỉ đồng, Google thu 2.200 tỉ đồng; phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp Việt với khoảng 1.900 tỉ đồng nhưng trong đó có những doanh nghiệp có vốn FDI, hoặc 100% vốn FDI.
Với “chiếc bánh” họ luôn chiếm tỉ lệ từ trên 70% đến trên 80% doanh thu, mà không phải đầu tư mất gì nhiều, cũng như không phải thực hiện nghĩa vụ thuế (trừ thuế nhà thầu 10% do các đại lí đóng thay), thì liệu Google hay Facebook có dễ dàng từ bỏ “phần bánh” béo bở của mình?
Lại Cường
DỰ LUẬT AN NINH MẠNG: HÀNG VIỆT NAM 'MADE IN CHINA' ?
TRỊNH HỮU LONG/ BVN 6-11-2017
clip_image002
7 điểm giống nhau đáng kinh ngạc giữa dự luật An ninh mạng Việt Nam và Luật An ninh mạng năm 2016 của Trung Quốc. Ảnh: Asia Times.
Vào đúng những ngày đầu tháng 11 này năm ngoái, Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật An ninh mạng, ấn định ngày nó bắt đầu có hiệu lực là 1/6/2017.
Năm ngày sau khi đạo luật trên có hiệu lực, Bộ Công an Việt Nam gửi tờ trình lên Chính phủ, chính thức đề xuất dự thảo Luật An ninh mạng của Việt Nam. Đây là kết quả của một quá trình lập pháp kéo dài từ tháng 7/2016, khi Quốc hội đưa luật này vào nghị trình của mình và Bộ Công an cũng thành lập Ban soạn thảo và Tổ Biên tập dự án Luật An ninh mạng cuối tháng 3 năm nay.
Trải qua quá trình lấy ý kiến và 4 lần dự thảo, dự luật này đang nằm trên bàn Quốc hội. Nó sẽ được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp cuối năm 2017 này và dự kiến sẽ thông qua trong kỳ họp tiếp theo vào giữa năm tới.
Dự luật An ninh mạng của Việt Nam, không biết do vô tình hay cố ý, giống Luật An ninh mạng của Trung Quốc một cách đáng kinh ngạc.
Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công an cũng nói rõ họ có tham khảo các đạo luật an ninh mạng của Trung Quốc, Nhật, Cộng hoà Séc, Hàn Quốc, và Mỹ.
Cần phải làm rõ rằng tôi không có bằng chứng nào về việc chính phủ Việt Nam sao chép luật của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc hai quốc gia có chế độ chính trị như nhau sử dụng những công cụ lập pháp giống nhau là điều dễ hiểu, nhất là khi Bộ Công an đã thừa nhận họ có tham khảo luật Trung Quốc như đã nói ở trên.
Bên cạnh đó, việc sao chép, học hỏi kinh nghiệm lập pháp của nước ngoài không phải khi nào cũng mang lại hệ quả xấu.
Ta hãy cùng so sánh dự thảo lần thứ 4 của Luật An ninh mạng đang được trình Quốc hội và bản dịch tiếng Anh của Luật An ninh mạng Trung Quốc để xem chúng giống nhau như thế nào và có thể mang lại hệ quả xấu hay không.
1. Hai văn bản, một thuật ngữ
Có một thuật ngữ mà chúng ta cần để ý trong dự luật của Việt Nam, đó là “hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia”, quy định tại Điều 9.
Trong Luật An ninh mạng của Trung Quốc cũng có một thuật ngữ tương tự: “cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng” (critical information infastructure), quy định tại Điều 31.
Đây là một trong những thuật ngữ trung tâm của hai luật này, và định nghĩa của hai luật cũng rất giống nhau: chúng đều chỉ những thông tin mà nếu bị xâm hại thì sẽ làm nguy hại đến an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội.
Các thông tin đó trong cả hai luật đều bao gồm các lĩnh vực: năng lượng, tài chính, giao thông, báo chí – xuất bản, và chính phủ điện tử.
Dự luật của Việt Nam quy định thêm thông tin quốc phòng – an ninh, bí mật nhà nước, ngân hàng, tài nguyên môi trường, hoá chất, y tế, và các công trình an ninh quốc gia.
Dự luật không nói rõ phạm vi bao quát của khái niệm “hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia” có bao gồm các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài hay không. Xét về câu chữ, những đối tượng được nói đến ở đây hoàn toàn có thể bao gồm cả các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Chính phủ và những người thừa hành cũng hoàn toàn có thể giải thích theo hướng mở rộng khái niệm hết mức có thể.
Hãng luật Baker & McKenzie, khi phân tích Luật An ninh mạng của Trung Quốc, cảnh báo rằng bất kỳ công ty nào có quan hệ với các chủ thể nêu trên đều có thể nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật.
Các cơ quan và doanh nghiệp nằm trong phạm vi điều chỉnh này sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật do nhà nước ban hành, chịu kiểm tra và giám sát của Bộ Công an, phải xin các giấy phép triển khai và vận hành thiết bị, và phải hợp tác với chính quyền trong việc theo dõi thông tin người dùng.
Các quy định này giữa Việt Nam và Trung Quốc giống nhau như hai giọt nước.
2. Nhắm trực diện đến thông tin nguy hiểm cho chế độ
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Việt Nam và Trung Quốc cùng rất quan tâm đến vấn đề này.
Dự luật An ninh mạng của Việt Nam tập trung nhấn mạnh việc “phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động”, như tờ trình của Bộ Công an nêu rõ.
Điều 22 của dự luật nói rõ nhà nước sẽ áp dụng những biện pháp kỹ thuật cần thiết để xử lý các thông tin này.
Điều 12 của luật Trung Quốc có một điều khoản tương tự, khi cấm người dùng mạng “tham gia vào các hoạt động gây nguy hại đến an ninh quốc gia, danh dự và lợi ích quốc gia, kích động lật đổ chủ quyền quốc gia, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, kích động chủ nghĩa ly khai, phá hoại khối đoàn kết quốc gia, cổ xuý cho chủ nghĩa khủng bố hoặc chủ nghĩa cực đoan, kích động thù hằn sắc tộc và kỳ thị sắc tộc, lan truyền thông tin bạo lực, khiêu dâm hoặc kích dục, tạo ra và lan truyền thông tin sai sự thật để làm gián đoạn trật tự kinh tế hoặc xã hội, cũng như xâm phạm đến uy ín, quyền riêng tư, quyền sở hữu trí tuệ và những quyền và lợi ích hợp pháp khác của người khác”.
3. Ép người dùng Internet cung cấp thông tin cá nhân thực
Điều 47 của dự luật An ninh mạng của Việt Nam nói rõ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet phải “yêu cầu chủ thể sử dụng cung cấp thông tin xác thực. Nếu chủ thể sử dụng không cung cấp thông tin xác thực, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có trách nhiệm từ chối cung cấp các dịch vụ liên quan cho chủ thể sử dụng đó”.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải có cơ chế xác thực các thông tin đăng ký của người dùng để đảm bảo tính trung thực của các thông tin này, theo quy định tại Điều 33.
Điều 24 của Luật An ninh mạng Trung Quốc có nội dung hoàn toàn trùng khớp với Điều 47 nêu trên.
Khi danh tính thực của người dùng lọt vào tay doanh nghiệp và nhà nước, không có gì đảm bảo họ không sử dụng những thông tin này vào những mục đích trái phép, thậm chí gây hại cho người dùng.
4. Đặt máy chủ trong nước và truyền dữ liệu ra nước ngoài
Đây là điều đã gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, khi Điều 34 của dự luật Việt Nam yêu cầu “doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải (…) có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Điều 48 của dự luật cũng nói rõ các thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng về an ninh quốc gia phải được lưu trữ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, nếu muốn chuyển dữ liệu này ra nước ngoài thì phải đánh giá mức độ an ninh theo quy định của các cơ quan nhà nước có liên quan.
Đây là những quy định mà nhiều người lo ngại rằng sẽ khiến Google, Facebook và các dịch vụ thư điện tử, mạng xã hội, dịch vụ lưu trữ khác phải cuốn gói rời khỏi thị trường Việt Nam.
Thật đáng ngạc nhiên, Điều 37 của Luật An ninh mạng Trung Quốc có cả hai nội dung tương tự như vậy.
Mới đây nhất, vào tháng 6 vừa rồi, gã khổng lồ công nghệ Apple đã phải phối hợp với một công ty Trung Quốc để đầu tư mở một trung tâm dữ liệu theo quy định này. Microsoft, IBM và Amazon cũng đã phải làm điều tương tự.
5. Ép người dùng và doanh nghiệp thành chỉ điểm
Nếu bản dự luật An ninh mạng này được thông qua, người dùng Internet và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet sẽ phải hợp tác với chính quyền một cách khá toàn diện.
Điều 45 bắt buộc người tham gia không gian mạng phải làm theo hướng dẫn về an ninh mạng của chính quyền, cũng như tạo điều kiện cho chính quyền tiến hành các biện pháp an ninh.
Không những thế, các nhà cung cấp dịch vụ mạng còn phải làm việc với chính quyền để xác định danh tính người sử dụng Internet; đồng thời tiến hành ngăn chặn các thông tin bất lợi cho chính quyền, theo Điều 46 và 47.
Ta có thể thấy những quy định tương tự tại Điều 28 của Luật An ninh mạng Trung Quốc, khi yêu cầu các nhà khai thác mạng phải hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thông tin cho các cơ quan an ninh trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và điều tra tội phạm.
6. Ép doanh nghiệp công nghệ tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật do nhà nước ban hành
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị số và cung cấp dịch vụ mạng sẽ phải tuân thủ các “điều kiện đảm bảo chất lượng” trước khi tung sản phẩm ra thị trường “theo quy định của pháp luật”, theo Điều 46.
Nhà nước cũng sẽ ban hành các tiêu chuẩn đối với các thiết bị phần cứng và phần mềm này, buộc các chủ thể phải tuân theo.
Đây là cơ sở để chính phủ có thể ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết các tiêu chuẩn kỹ thuật và áp các tiêu chuẩn này lên thị trường.
Kinh nghiệm ở Trung Quốc cho thấy, chính quyền đã yêu cầu cài phần mềm kiểm duyệt tự động Green Dam lên tất cả các máy tính mới và ép các doanh nghiệp, kể cả Google, phải cài phần mềm này trên các máy tính của họ.
Việc nhà nước can thiệp vào các tiêu chuẩn kỹ thuật trên thị trường công nghệ đương nhiên là mở toang một cánh cửa tham nhũng và lạm quyền cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, và các cơ quan nhà nước có liên quan.
7. Ép đơn vị liên quan đến “thông tin quan trọng” khi mua phần cứng và phần mềm phải qua thẩm định của chính quyền
Điều 11, Điều 16, Điều 48 của dự luật An ninh mạng trao quyền cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số cơ quan nhà nước khác được kiểm tra các thiết bị, ứng dụng mạng liên quan đến hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trước khi đưa vào vận hành hay nâng cấp.
Điều 35 của Luật An ninh mạng Trung Quốc cũng có quy định tương tự.
Quy định này có nghĩa là các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có hệ thống thông tin liên quan đến năng lượng, tài chính quốc gia, ngân hàng, giao thông vận tải, hóa chất, y tế, tài nguyên môi trường, phát thanh, truyền hình, báo chí và xuất bản sẽ phải qua cửa Bộ Công an và/hoặc Bộ Quốc phòng khi mua các phần cứng, phần mềm, dịch vụ mạng phục vụ công tác của mình.
Trong khi quy định này là dễ hiểu với các cơ quan nhà nước, việc nó “bao sân” sang các lĩnh vực như ngân hàng, y tế, báo chí, xuất bản lại đặt ra rất nhiều dấu hỏi về tham vọng kiểm soát thông tin của họ.
Các quy định này sẽ trao chìa khoá tiếp cận các hệ thống phần cứng và phần mềm cho công an và quân đội, là cơ hội để họ gây sức ép lên các cơ quan, doanh nghiệp, và cũng là nguy cơ dẫn đến tham nhũng và lạm quyền.
Trên đây chỉ là bảy điểm giống nhau nổi bật của hai văn bản về an ninh mạng của Việt Nam và Trung Quốc. Nếu mổ xẻ hai văn bản này, bạn đọc có thể tìm thấy nhiều quy định nhỏ hơn cũng rất giống nhau.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2017/11/du-luat-ninh-mang-hang-viet-nam-made-china/

NẾU FACEBOOK, GOOGLE RA ĐI, SỰ THỤT LÙI SẼ Ở LẠI

LÊ NGỌC SƠN/ LS BLOG   7-11-2017
(Dân Việt) Việc Facebook, Google có thể rời khỏi Việt Nam nếu dự thảo Luật an ninh mạng được thông qua, chưa biết thiệt hại của hãng này sẽ như thế nào, nhưng sự tụt hậu mà đất nước gánh phải do thiếu nó sẽ là điều chúng ta phải đối mặt.
Có lẽ dự luật An ninh mạng với yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt “máy chủ quản lý dữ liệu” trên lãnh thổ Việt Nam thể hiện tầm nhìn hạn chế của các nhà làm chính sách về quản lý công nghệ trong kỷ nguyên số. Điều đó, nếu được thông qua, sẽ làm cho giấc mơ “cách mạng công nghiệp 4.0” của Việt Nam trở nên xa vời.
Chẳng hiểu sao câu chuyện trên làm tôi nhớ lại câu chuyện đồn đoán trong giới dạy học tại Hà Nội.
Một vị giáo sư về truyền thông một hôm được mời đến dạy ở một trường đại học với cơ sở khang trang. Mới vào đến lớp, ông đập bàn mắng té tát: Sao cái trường hiện đại thế này mà không có wifi? Lớp trưởng mặt tái mét đứng dậy thưa là phòng học có wifi để sinh viên có thể tra cứu thông tin trên mạng.
Vị giáo sư liền mắng xối xả: -“Tại sao bảo có wifi mà không thấy ổ cắm ở đâu?”.
Tất cả hơn 100 sinh viên trong lớp mắt chữ “o” mồm chữ “a” nhìn nhau ngơ ngác.
Còn câu chuyện ông Cục trưởng Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu ông không dùng mạng xã hội hay các ứng dụng miễn phí nhắn tin vì thấy… phức tạp cũng rất đáng suy nghĩ.
Những câu chuyện dở khóc dở cười trên đây và câu chuyện dự luật An ninh mạng có điểm chung: Dường như những người cần có trách nhiệm trong lĩnh vực của mình thiếu am hiểu đúng bản chất và sự phát triển của công nghệ.
Một khi những người được giao trọng trách không am hiểu lĩnh vực của mình, quyền lợi của một quốc gia sẽ bị đánh mất.
Những chính sách công kiểu này sẽ làm đất nước mất đi những động lực phát triển, thay vì khơi thông các nguồn lực đang ứ trệ trong xã hội.
Bản chất Google, Facebook, Instagram, iOS, Android… là những công cụ hay nền tảng sử dụng nhiều công nghệ tích hợp, tiên tiến.
Chúng là “mảnh đất” để nảy nở thêm nhiều công nghệ hay ứng dụng mới.
Chúng không đơn thuần là các trang tìm kiếm hay mạng xã hội thông thường, mà còn là những hệ sinh thái công nghệ sử dụng trí thông tin nhân tạo (AI) – những tiến bộ vượt bậc trong sự phát triển công nghệ của loài người. Những công nghệ này trực tiếp hoặc gián tiếp tạo nên của cải cho xã hội.
Bên cạnh việc đặt ra các yêu cầu oái oăm về đặt máy chủ có thể vi phạm các quy định quốc tế mà chúng ta đã ký kết, thì việc này trên thực tế là bất khả thi.
Lấy “gã khổng lồ công nghệ” Google làm ví dụ: Hiện trên toàn cõi châu Âu, Google mới chỉ có 4 trung tâm dữ liệu, và chỉ có 2 trung tâm dữ liệu trên toàn châu Á. Vậy nên khó khả thi nếu ta yêu cầu Google phải đặt máy chủ ở trên lãnh thổ của ta.
Có thể gọi những (nền tảng) công nghệ “mẹ” mang tính căn cơ, dựa trên những bí quyết hoặc phát minh xuất sắc, mà nhờ nó có thể thúc đẩy việc tạo ra nhiều tiến bộ công nghệ khác, tiếc rằng chúng lại không nằm trong tay chúng ta.
Với năng lực công nghệ của ta hiện nay, việc đặt ra các hàng rào kỹ thuật để hạn chế sự xuất hiện của các hãng công nghệ lớn, không thể giúp các công ty công nghệ trong nước phát triển, mà ngược lại gây những tác động tiêu cực.
Lúc đó, không chỉ người dân tụt hậu về mặt tiếp nhận thông tin do không được hưởng thụ các thành quả mà những công cụ này mang lại, mà các công ty bản địa của chúng ta còn tụt hậu trong việc học hỏi và chạy đua sáng tạo công nghệ.
Nó cũng tạo cơ hội cho những hãng công nghệ dễ dàng chấp nhận các điều kiện trên, nhưng lại mang đến những thách thức tiềm tàng cho quốc gia, khi tất cả các dữ liệu thông tin của công dân (đi qua hệ máy chủ này) sẽ bị lọt vào tay của những quốc gia khác một cách có chủ ý. Điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm với an ninh quốc gia.
Suy cho cùng sự “ngồi nhầm chỗ, ngồi nhầm mâm” kiểu như mấy vị giáo sư truyền thông nghĩ dùng wifi phải có ổ cắm, mấy nhà hoạch định chính sách về an toàn mạng mà chưa hiểu về bản chất và ứng dụng của công nghệ,… là các trở ngại trước tiên cho phát triển đất nước, cần có chính sách can thiệp kịp thời, trước khi có những chính sách cho các vấn đề lớn khác của xã hội.
Khi những sự trì trệ trong bộ máy được khơi thông, không có những quan chức hay nhà làm chính sách ngồi nhầm chỗ, xã hội tự khắc sẽ có những chính sách thông minh phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Thực sự tôi chưa hiểu mục đích cuối cùng mà các nhà làm luật muốn hướng đến là gì trong việc yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ internet và viễn thông phải đặt máy chủ ở Việt Nam (nếu muốn hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam).
Nếu là để hạn chế “tin giả”, “tin thất thiệt”,… thì lại cần những chế tài và hàng rào kỹ thuật khác.
Và để sáng tạo ra những chính sách này, cần có sự vào cuộc của nhiều chuyên gia và cố vấn thực thụ trong ngành, có hiểu biết sâu về công nghệ, pháp lý và kỹ thuật quản trị công.
Lê Ngọc Sơn
(Đăng báo điện tử Dân Việt (Nông thôn Ngày nay), Thứ Ba, ngày 07/11/2017 07:01 AM (GMT+7)
Bài từng đăng trong mục Kính Đa Tròng, ở địa chỉ này: http://danviet.vn/kinh-da-trong/neu-facebook-google-ra-di-su-thut-lui-se-o-lai-820060.html. Nhưng đã bị gỡ ngay sau đó vài giờ.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét