Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

20171111. GDP KINH TẾ VÀ 'GDP LÒNG TIN'

ĐIỂM BÁO MẠNG

GDP KINH TẾ VÀ 'GDP LÒNG TIN

TRÚC NGUYỄN/ DL/ BVN 11-11-2017

gdp

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số tăng trưởng 9 tháng của năm 2017, theo đó quý III năm nay chỉ số GDP tăng kỷ lục 7,46 % trong khi GDP quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28%(1). Một bài phân tích chi tiết đăng trên Vietnamfinance có tựa “GDP quý III và những bất thường số liệu tăng trưởng” chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành biểu tỏ nhiều cụm từ biểu cảm như: con số đẹp, rất lạ là, khó giải thích, bất thường, đột biến…(2)
Ngay sau đó, phát biểu trước Quốc hội đại biểu Dương Trung Quốc đề cập đến “những dấu hiệu suy thoái đạo đức”, ông dùng cụm từ “chỉ tiêu về lòng tin”: nếu chúng ta có thêm một chỉ tiêu có thể đánh giá được, định lượng được, đó là chỉ tiêu về lòng tin thì chắc chắn sẽ làm cho sự phát triển kinh tế bền vững…
Vị đại biểu dẫn chứng những việc làm làm giảm sút lòng tin của nhân dân như hành xử của cơ quan điều tra vụ tranh chấp đất ở xã Đồng Tâm, những tiêu cực nổi cộm trong đời sống xã hội như “nuôi lợn hai chuồng, trồng rau hai luống, sẵn sàng đưa độc hại cho đồng bào của mình”, vụ Khaisilk “treo lụa Việt bán lụa Tàu” và câu chuyện EU rút “thẻ vàng” đối với ngành xuất khẩu cá của VN…
Cho thấy cùng với sự tăng trưởng cao của chỉ số GDP thì “chỉ số về lòng tin” trong nhân dân đang bị thử thách. Vậy tại sao lại có sự lệch pha này? Theo thiển ý của tôi là do chúng ta quan tâm chưa đúng mức “chất lượng tăng trưởng”.

Chất lượng của tăng trưởng kinh tế

Nếu ví von nền kinh tế quốc gia là một “siêu công ty” thì mỗi người dân lao động là một cổ đông. Khác với những cổ đông thông thường, hơn 90 triệu “cổ đông nhân dân” Việt Nam không mong chờ một bản báo cáo tài chính màu hồng.
Trên dải đất hình chữ S này có quá khứ tổ tiên ông bà cha mẹ, có tương lai học hành và công ăn việc làm của con em… cho nên người dân kỳ vọng sự tăng trưởng về chất, sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước. Hơn nữa số tăng trưởng GDP chênh nhau phạm vi một điểm phần trăm cũng không trực cảm được sự tác động nào lên nồi cơm của người dân lao động.
Dư luận đang lo chảy máu chất xám chảy máu ngoại tệ: 12 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia thì 11 người đang sinh sống làm việc ở nước ngoài, hơn 3 tỉ USD là số tiền người Việt mua nhà đất ở Mỹ 2016, giới có tiền cấp tập cho con xuất ngoại du học hoặc âm thầm lo cho mình một tờ hộ chiếu mang quốc tịch nước ngoài, cộng với VN Pharma, TS Việt Nam, BOT, biệt phủ… làm suy giảm lòng tin của một bộ phận “cổ đông nhân dân” và họ đang “thoái vốn” khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Công bố thành tích chỉ số GDP “tăng kỷ lục” trong bối cảnh chất lượng đời sống xã hội còn hạn chế vô hình chung có tác dụng làm “pi-a” thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho dân kinh doanh “lướt sóng” trên đồng vốn của nhân dân của đất nước.

“Thượng tôn pháp luật” và vấn đề lòng tin

Đại biểu Dương Trung Quốc dằn vặt về việc cơ quan điều tra phát thông báo kêu gọi người dân xã Đồng Tâm ra “đầu thú”: “Chúng ta đã mất đi ngôn ngữ để đối thoại với dân rồi sao”? “Chúng ta khởi tố những người dân ở Đồng Tâm vi phạm, nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân không đúng quy định của luật pháp vẫn hoàn toàn đứng ngoài pháp luật”…(3)
Chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ của Quận 1 TP. HCM tuy còn tranh cải về cách làm nhưng đã nhận được sự ủng hộ của đa số người dân suốt một thời gian dài, là vì lực lượng thực thi mang tinh thần “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, bất kể xe biển số màu gì mà vi phạm luật giao thông đều bị xử phạt hoặc bị cẩu về trạm.
Nhà nước tốn bao nhiêu phút sóng truyền hình, mất bao nhiêu trang viết để tuyên truyền về xã hội pháp quyền, nhưng chỉ cần một chiếc xe ô tô biển đỏ biển xanh vi phạm luật giao thông trên phố mà không bị xử phạt thì mọi nỗ lực trở thành lãng phí.
Cho nên “thượng tôn pháp luật” không phải là một mỹ từ để làm truyền thông mà trong nội hàm của cụm từ này đã mang tính minh bạch và bình đẳng. Ngôn ngữ tư pháp có thuật ngữ “thượng tôn pháp luật” nhưng đồng thời cũng có cụm từ “pháp bất vị thân”, đừng khắc khe với dân mà qua loa với cán bộ.

Có lòng tin là có tất cả

Lịch sử ghi chép trong thời kỳ chiến tranh, dù gặp hoàn cảnh nguy khốn nào mà vua tôi đồng lòng thì mọi khó khăn đều vượt qua được. Ngày nay, nếu chỉ số GDP tăng trưởng thấp nhưng người dân có lòng tin với chính quyền thì họ cũng sẽ không bao giờ quay lưng.
Nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế Nhật Bản đang gặp khó khăn, GDP của Nhật tăng thấp có lúc bằng zero, nợ công 239%… nhưng Thủ tướng Shinzo Abe mới đây đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện, bước vào nhiệm kỳ thứ 3 trở thành vị Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử nước này, chỉ số chứng khoán Nhật cũng lập mức cao chưa từng có.
Lý giải điều này tờ CNN nhận định “là do niềm tin trong kinh doanh đang ở một mức cao nhất trong một thập kỷ” (business confidence is now at its highest level in a decade)(4). Nếu nhận xét này là đúng chứng tỏ sức mạnh của “chỉ số lòng tin” là vô cùng to lớn!
T.N.
__________

BÀI HỌC APEC: PHẢI TỰ CỨU LẤY MÌNH TRƯỚC!

BÙI TÍN/ VOA/ BVN 11-11-2017
clip_image002
Dọn dẹp phố cổ Hội An sau bão Damrey, 8 tháng 11.

Tuần lễ APEC đang được tiến hành ở Đà Nẵng - Hội An.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, báo chí và ban Tuyên giáo Đảng ở trong nước tỏ ra vui mừng, lạc quan về cuộc họp quốc tế hiếm có này.
Nào là cuộc họp này nâng cao vị trí, uy tín quốc tế của nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam, chứng tỏ Việt Nam đang hội nhập sâu sắc với khu vực và thế giới, mở rộng cửa giao lưu với bạn bè khắp nơi, mở ra cơ hội mới cho tự do, phát triển, Việt Nam sẽ tăng cường đáng kể các mối quan hệ nhiều mặt và sẽ nhận được những làn sóng viện trợ và đầu tư lớn hơn trước của thế giới.
Xin chớ vội hý hửng rồi vỡ mộng.
Quả thật ít khi Việt Nam có đông khách quốc tế như lần này, lại là những nguyên thủ lớn nhất. Tổng thống Hoa Kỳ D.Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga V.Putin, Thủ tướng Nhật Bản S.Abe, Thủ tướng Canada J.Trudeau, bà Aung Sau Syu Ky lãnh đạo Myanmar, Thủ tướng Úc M.Turbill, Tổng thống Chilê M.Bachelet, Thủ tướng Malaysia N.Razak, Tổng thống Mehicô P.Nido, nữ Thủ tướng New Zealand J.Ardern (37 tuổi, là nhà lãnh đạo trẻ nhất cuộc họp này; trong khi ông D. Trump là người cao tuổi nhất -72 tuổi, chưa kể ông Trọng chưa đến cuộc họp còn cao tuổi hơn - 73 tuổi).
Dự họp còn có vài trăm nhà kinh doanh nổi tiếng của thế giới và Việt Nam, trong đó có một số bản tham luận về nhiều đề tài liên quan đến kinh doanh và phát triển.
Đã có những báo hiệu chẳng lành. Ngày 7/11 - ngày kỷ niệm tròn 1 thế kỷ của cách mạng tháng Mười Nga - Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, công bố ngày này là ngày “Tưởng niệm Nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới”, ngay vào lúc Tổng thống Hoa Kỳ đến gần nước cộng sản Bắc Triều Tiên và đặt chân lên đất Trung Quốc và Việt Nam, 2 quốc gia cộng sản. Một sự ngẫu nhiên không vui vẻ với nước đang mở hội đón APEC 2017.
Báo Hoa Kỳ, Pháp, Đức… nhân ngày này cũng đăng ảnh V/I. Lenin, với chú thích gọn “Đây là kẻ sáng lập ra chủ thuyết toàn trị”. Trung Quốc và Việt Nam là hai nước được cả thế giới nhận diện là đang một mực theo chế độ độc Đảng toàn trị, hai chính quyền cộng sản độc đoán lẻ loi còn sống sót trơ trọi sau khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan biến do bản chất phản dân chủ, phản nhân dân.
Tôi đã chăm chú nghe các tham luận của các nhà lãnh đạo kinh tế và doanh nhân Việt Nam tại cuộc họp thượng đỉnh doanh nghiệp mấy ngày qua ở Hội trường lớn Đà Nẵng APEC, do truyền hình VTC1 truyền đi, quả là mất thì giờ!
Nào là phải vực nông nghiệp dậy, coi là một trọng điểm của nền kinh tế, xây dựng những đơn vị sản xuất nông nghiệp quy mô lớn năng xuất cao, tạo ra hàng xuất khẩu có số lượng và chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Nói thì hay vậy. Nhưng với cái xiềng xích “đất đai ruộng đồng là thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước (cộng sản) thay mặt quản lý”, biến đảng ủy các cấp thành chủ sở hữu trên thực tế, muốn thu hồi bao nhiêu lúc nào cũng được, với đền bù rẻ mạt, người nông dân vốn là chủ sở hữu bỗng trở thành bần cố nông làm công cho ông địa chủ lớn là đảng toàn trị, thì nông nghiệp làm sao mà khởi sắc nổi! Không một nhà kinh tế hay doanh nghiệp nào dám nói đến cái thảm cảnh của nông nghiệp, nông thôn và nông dân này. Chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân gắn bó với vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đã có lần nói lên bế tắc do quan hệ sản xuất quái đản trên đây đã kìm hãm sức sản xuất nông nghiệp ra sao.
Đã có một số tham luận nêu lên vai trò của các nhà kinh doanh trẻ, có sức nghĩ, sức làm, sức trẻ sẽ làm cho nền kinh tế tư nhân khởi sắc mạnh mẽ như Bill Gates, như Jack Ma. Nhưng có ai nói đến cái xiềng xích trói chặt tay các doanh nghiệp tư nhân khi Đảng một mực giữ phương châm lấy “sở hữu quốc doanh làm chủ đạo”, nêu bật sự không bình đẳng trong kinh doanh, coi quốc doanh là con đẻ, tư nhân là con ghẻ, ưu tiên mọi thứ cho quốc doanh, từ các dự án to lớn, béo bở, đến ưu tiên tuyệt đối về cấp vốn không hạn chế từ Ngân hàng Nhà nước với tiền lãi thấp nhất, với cả sự dễ dãi về xét duyệt dự án, sự ưu đãi ghi trong luật cho các tập đoàn quốc doanh cá mập. Chính do đó mà các nhà kinh doanh tư nhân thân cô thế cô bị bóp chết, phá sản hàng loạt, kể cả các nhà kinh doanh có ý chí, kinh nghiệm, tiền vốn khá, trong khi các tập đoàn quốc doanh chỉ phá của, lỗ lã hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng do tham nhũng tràn lan, ở mọi cấp, gắn liền với các phe cánh quan chức cao nhất. Số ít nhà kinh doanh tư nhân thành đạt phần lớn là sân sau của các phe nhóm quyền cao chức trọng, cũng được coi như các doanh nhân quốc doanh trá hình được ưu đãi, được chia ít lợi lộc không sạch sẽ.
Nhiều đại biểu nói đến một nền kinh tế Việt Nam dựa vào trí thức, trí tuệ, sản xuất các sản phẩm kỹ thuật tinh vi, mũi nhọn, nền sản xuất theo kỹ thuật số, mua bán qua hệ thống internet nhanh nhậy, đón đầu nhảy vọt vào giữa thế kỷ XXI, đuổi kịp các nền kinh tế tiền tiến nhất… nhưng đây chỉ là giấc mơ hão huyền.
Vì điều kiện trước hết cho mơ ước đó là cuộc cải cách giáo dục sâu rộng từ mẫu giáo đến đại học và sau đại học, sớm dạy toán, lý, hóa, kỹ thuật số cao cấp từ bậc trung học, dạy kỹ năng tự tìm tòi, thực nghiệm và sáng tạo. Muốn vậy phải đơn giản hóa một số bộ môn phụ, bỏ hẳn các môn Mác Lênin, lịch sử Đảng trong chương trình và trong các kỳ thi rất có hại, phí thời gian, chỉ nuôi dưỡng tư duy cứng nhắc, giáo điều, triệt tiêu óc sáng tạo, năng động khởi nghiệp.
Nói tóm lại muốn phát triển kinh tế, mời gọi hợp tác đầu tư quy mô lớn, không có con đường nào khác là đổi mới chế độ cai trị, thực hiện mô hình dân chủ - pháp quyền, xây dựng nếp sống bình đẳng, trả lại cho nông dân và mọi người lao động quyền sở hữu cá nhân về đất đai, tải sản do họ vốn có và sáng tạo ra, cải cách tận gốc nền giáo dục quá lạc hậu, giáo điều, nhồi sọ…, xây dựng một xã hội tự do, bình đẳng, cởi mở, kết bạn thân với các quốc gia dân chủ trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi.
Tuy các nguyên thủ chưa phát biểu, có thể dự đoán qua và sau cuộc họp, Trung Quốc vẫn được lãnh đạo Việt Nam tôn sùng; về kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ khống chế, vẫn xuất siêu cực lớn, rất có hại cho Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ hạn chế gắt gao thậm chí đánh thuế cao hơn hàng nhập từ Việt Nam như hàng may mặc, giày dép, nông phẩm, hạn chế xuất siêu từ Việt Nam, làm cho khó khăn về kinh tế tài chính tăng thêm gấp bội.
Có thể dự đoán, cuộc họp APEC sẽ qua, nước đăng cai sẽ chi phí tiếp khách, quà cáp, tặng rất phẩm lớn, hàng nghìn tỷ đồng nhưng thu về không đáng kể. Chỉ được một số lời khen xã giao, lời tự khoe mẽ bẽ bàng vì không thực chất. Chỉ thiệt cho người dân đang bị lũ lụt gây khốn khổ thêm, thiệt cho đất nước kinh tế đang khó khăn, tài chính đang kiệt quệ, thu không bù chi, nay lại phải chi rất lớn vào dịp cuối năm trong một không khí đất trời và tâm tư xã hội đều u ám, ảm đạm.
Câu châm ngôn “Hãy tự cứu mình trước, ông trời sẽ giúp sau” - Aide toi, le Ciel aidera. “Trời” đây là các nước quanh ta, là thế giới, lúc này có ý nghĩa rất sâu sắc vậy.
B.T.
Tác giả gửi BVN.

APEC VÀ MIẾNG DÁN MẦU LÒE LOẸT VIỆT NAM

ANH VĂN / BVN 11-11-2017

Mọi thứ có vẻ như sẵn sàng cho một APEC thành công và tốt đẹp. Và để minh chứng cho thế giới biết rằng, Việt Nam đang nổi lên như một mẫu hình của nền kinh tế.
Nhưng một đánh giá khác lại cho rằng, Việt Nam - ngoài vị trí địa lý ra, có vẻ không còn gì cả.
Một Hà Nội đang tìm cách ưu tiên cho sự bùng nổ bằng con số tăng trưởng GDP hơn là về phát triển một hệ thức mang tính chất lượng.
Khi APEC đang cận kề, Việt Nam đối phó với nạn mưa bão - lũ lụt triền miên ở cả miền Trung - Nam và Bắc. Mực nước dâng lên cao tại Hội An hay cơn bão quật ngã những pano quảng bá về APEC tại Đà Nẵng dường như là một hình ảnh của một Việt Nam vật lộn trong một môi trường thiếu bền vững, như cách Việt Nam đang cố gắng điểm tô Đà Nẵng hay Hội An trở thành một Singapore thu nhỏ - nhưng bản chất vẫn nằm trong hệ một nước có bẫy thu nhập trung bình.
GDP Việt Nam có thể đạt 6.7% trong năm nay, và đằng sau con số này là gì? Một hệ thống tài chính có khả năng đổ gãy sau 5 năm - tức sau mỗi thời kỳ thay đổi nhân sự cấp cao.
Ngay cả với con số 6.7%, một giả thuyết được đưa ra là, nếu GDP đã như vậy, lạm phát được cho ở mức 4%, xuất khẩu và đầu tư FDI đều tăng, tăng tín dụng 20% so với năm ngoài, thì tại sao Ngân hàng Trung ương lại cắt giảm lãi suất? Và đầu tiên là vào tháng 7 vừa rồi? Tại sao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đẩy lãi suất cho vay của các ngân hàng xuống mức thấp hơn để thúc đẩy hoạt động kinh doanh? Liệu xảy ra hiện tượng bao bóng?
Ai sẽ cho thấy một Việt Nam bền vững ngoài những lời tuyên truyền mang tính thường nhật ở mỗi chính trị gia, đúng hơn là ĐCSVN.
Về mặt chính trị, sự thay đổi dàn nhân sự cấp cao khiến người dân hân hoan thời gian đầu rồi về sau họ chợt nhận ra, sự thật không như cách mà báo chí tô vẽ.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, người được báo chí trong nước nâng lên thành một nhà cấp tiến, một nhà cải cách, người tưởng chừng như tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển lại là người “phát hành” hơn 5.000 giấy phép con trong thương mại, mà hệ quả bây giờ là nền kinh tế vẫn đang phải ngụp lặn với nó.
Ông Nguyễn Phú Trọng, người được cho tiến hành một cuộc tổng tiến công và nổi dậy chống tham nhũng thì đến nay vẫn chưa đem lại một kết quả rõ ràng, ngoài chỉ dấu đấu đá về mặt phe phái. Đến mức, trong phiên thảo luận về các báo cáo phòng chống tham nhũng, báo cáo phòng chống tội phạm của Chính phủ chiều 6/11 vừa qua, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đã đặt vấn đề: Những biệt thự, biệt phủ vẫn sừng sững và nhiều “củi tươi”, “củi khô” vẫn an toàn sau những ồn ào, gây bức xúc xã hội.
Trong khi đó, sự “bức xúc xã hội” tiếp tục diễn ra rộng không chỉ về mặt chống tham nhũng, mà cả ở mặt “kinh tế khói bụi”, một dân số đông nhưng lại cơ cấu già đi, và sự thô cứng của hệ thống chính trị khiến người dân ngày càng cảm thấy bức bối với các đợt bắt bớ.
Trong khi đó, hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ đã có những phút hân hoan tại Tử Cấm Thành, và ông Tập Cận Bình lên tiếng về một “Thái Bình Dương đủ lớn” cho cả hai quốc gia. Ông Trump đối lại bằng một tweet cảm ơn nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như một video về người cháu gái nói và hát bằng tiếng Trung Quốc.
Điểm A+ mà ông Tập Cận Bình cho người cháu gái ông Trump cũng là một điểm A+ cho mối quan hệ Trung-Mỹ. Nhưng lại là điểm F cho quan hệ Việt-Mỹ.
Sức nặng của thương mại Trung-Mỹ khiến cho việc chiều lòng vị Tổng thống Trump trở nên khó khăn hơn, và điều đó cũng ảnh hưởng đến sự can dự của Mỹ đến vấn đề tự do đi lại ở Biển Đông.
Việt Nam - đang tổ chức một đại tiệc kinh tế xa hoa, nhưng khi nó qua đi, nó chẳng để lại gì.
Tổng thống Duterte trong một bài phát biểu đáng chú ý tại một Hội nghị tiền APEC ở Hà Nội đã khẳng định: “Chúng tôi cần thị trường, không cần viện trợ nhân đạo”.
Việt Nam có lẽ nên bắt đầu đặt vấn đề về việc, cần một tiềm lực phát triển kinh tế hơn là tổ chức một đại tiệc sáng nở tối tàn như hiện nay.
A.V.
VNTB gửi BVN.

ĐANG NGẬP ĐẦU BỘI CHI 2017, LẠI TÍNH ĐẨY CAO BỘI CHI 2018 !

THIỀN LÂM/ BVN 8-11-2017
Vietnam-Cali Today news - Quốc hội Việt Nam vẫn trĩu nặng mái đầu trong cố tật gật gù quá khó bỏ trước các số liệu báo cáo của Chính phủ. “Thành tích” bội chi ngân sách năm 2017 “chỉ có 3,5% GDP” là một trong số cố tật đó.
Trong kỳ họp Quốc hội tháng 10-11 năm 2017, báo cáo tình hình dự toán Ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 cho biết nếu bội chi ngân sách năm 2017 dự tính 3,5% GDP, trong mục tiêu Quốc hội cho phép thì năm 2018 con số này sẽ tăng thêm 0,2%, lên mức 3,7% GDP.
Căn cứ vào “thành tích giảm đáng kể bội chi năm 2017”, Quốc hội thậm chí còn mạnh tay phóng con số chi ngân sách dự kiến năm 2018 lên 1,52 triệu tỷ đồng, tức cao hơn chi ngân sách 2017 đến gần 10%, trong đó phần lớn là chi thường xuyên (lương, tinh giản biên chế…) 434.000 tỷ.

clip_image002
Ảnh: Ba Sàm
Cũng có nghĩa là bất chấp mục chi thường xuyên đã tăng vọt từ dưới 50% vào năm 2001 lên đến 74% tổng chi ngân sách vào năm 2017 và đang bị dư luận lên án là dân chúng phải è cổ đóng thuế để nuôi bộ máy nhà nước cứ phình ra ngày càng khủng khiếp nhưng lại “hành là chính”, không chỉ các cơ quan hành chính mà cơ quan dân cử là Quốc hội vẫn thản nhiên vừa tìm cách moi móc những đồng tiền cuối cùng từ túi người dân, vừa thẳng tay chia chác tiền đóng thuế để chi xài cho các cơ quan này, và lẽ đương nhiên không thể thiếu mặt của khối Văn phòng Trung ương Đảng với 2 ngàn tỷ đồng/năm.
Nhưng tại sao tỷ lệ bội chi ngân sách thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại giảm “thần kỳ” đến thế?
Quả thật, nếu chỉ nhìn trên bề mặt số liệu, tỷ lệ bội chi ngân sách dự kiến của năm 2017 là quá “đẹp” so với mức bội chi khủng của những năm trước, đặc biệt là mức bội chi kỷ lục lên đến 6,6% GDP năm 2013 vào thời thủ tướng bị coi là “phá chưa từng có” là Nguyễn Tấn Dũng.
Ngoài nguyên nhân “ăn tàn phá hại” như ồ ạt vay mượn nước ngoài và trong nước, chi cho các công trình xây dựng cơ bản từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ dồng, mức bội chi ngân sách thời Nguyễn Tấn Dũng quá cao là do cơ quan thống kê vào thời đó đã tính cả nợ gốc lẫn lãi vào bội ch ngân sách. Tuy nhiên, đến thời Nguyễn Xuân Phúc, chính một cơ quan chuyên môn là Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã cho biết bội chi của 8 tháng đầu năm 2017 được báo cáo giảm là do không tính chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách nhà nước từ năm tài khóa 2016.
Cần nhắc lại, kế hoạch của Chính phủ chi trả nợ gốc và lãi năm 2017 là khoảng 260 ngàn tỷ đồng, trong đó phần nợ gốc có thể chiếm gần 2/3 trong số đó, tức khoảng 150 ngàn tỷ đồng.
Với dự toán bội chi ngân sách năm 2017 là khoảng 250 ngàn tỷ đồng, nếu tính cả phần chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách năm 2017, cộng với thực tế bội chi 10 tháng đầu năm 2017 “giảm hẳn” là do xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước, con số bội chi thực sự sẽ lên đến khoảng 400 ngàn tỷ đồng, chiếm đến gần 9% GDP, tức còn cao hơn hẳn mức bội chi kỷ lục “thời Nguyễn Tấn Dũng” vào năm 2013 là 6,6% GDP.
Cũng cần nhắc lại, mức bội chi bị xem là nguy hiểm theo quy định của Liên Hiệp Quốc là 5% GDP.
Hẳn đó là lý do tại sao từ năm tài khóa 2016, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quyết định “giấu” mà không đưa phần chi trả nợ gốc vào mục bội chi ngân sách, cố “ép” tỷ lệ bội chi/GDP giảm xuống để làm đẹp báo cáo.
Một dự báo của Chính phủ cho biết “đến năm 2020 nợ công sẽ vào khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, trả lãi vay hàng năm chiếm 7-8% tổng chi ngân sách và lên tới hơn 100.000 tỷ mỗi năm. Hiện, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư trả nợ, mà nguồn trả nợ sử dụng là từ vay mới. Như vậy là nợ chồng lên nợ, đến mức dự báo đến năm 2020 không khắc phục được, nguồn vay sẽ lên tới 252.000 tỷ đồng”.
Trong thực tế, tỷ lệ nợ công quốc gia đã lên đến 210% GDP, tương đương đến 431 tỷ USD nếu tính cả nợ của các tập doàn và doanh nghiệp nhà nước theo cách tính và cũng là yêu cầu của Liên Hiệp Quốc.
Trong bối cảnh nợ công ngập mặt và đe dọa quá nghiêm trọng đến các thế hệ dân chúng hiện nay và trong tương lai, việc khoe khoang thành thích “bội chi được kéo giảm đáng kể” để lấy cớ tiếp tục vay mượn vô tội vạ sẽ càng khiến nợ chồng nợ, ngân sách hết sạch kết dư mà chỉ biết cắm đầu đi vay để đảo nợ, và nợ công sẽ vô phương cứu chữa.
T.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét