Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

20171115. BÀN VỀ VIỆC CHẤT VẤN TẠI QUỐC HỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUỐC HỘI HÃY LÀM SAO ĐỂ DÂN TIN

TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 14-11-2017

clip_image002

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đang chất vấn trên diễn đàn Quốc hội (Ảnh trên mạng).
Quốc hội ở nước ta theo kiểu “Đảng cử dân bầu” nên chất lượng đầu vào còn nhiều hạn chế cũng là điều dễ hiểu. Thực tế trong đời sống chính trị của công chức, do quen nói một chiều, nghe và làm theo một chiều nên "không quen" hỏi! Người có câu hỏi hay, sâu sắc được lòng dân và ngay cả người trả lời hay trên diễn đàn Quốc hội xưa nay vẫn là của hiếm.
Ở các nước, người lãnh đạo phải tranh cử nên người ta phải động não đưa ra chương trình hành động, chính sách để lấy lòng dân có nghĩa là chính sách có trước con người.
Thực ra, về nguyên tắc, Quốc hội chất vấn Chính phủ mới thật đúng, còn việc chất vấn các bộ trưởng chỉ nên đối với những vấn đề tư cách cá nhân. Tuy nhiên, cần thống nhất rằng, việc chất vấn không né tránh bất cứ vấn đề gì thuộc trách nhiệm của Chính phủ, nhất là các vấn đề nhân dân đang quan tâm.
Cử tri mong các vị đại biểu Quốc hội không ham hỏi nhiều mà truy vấn đến tận cùng một vài vấn đề. Ví dụ nếu truy vấn đến cùng vụ án khởi tố Đồng Tâm thì tự nhiên hàng loạt vấn đề khác liên quan sẽ bung ra như (quyền sở hữu ruộng đất, đất quốc phòng, tham nhũng, hình sự, quan hệ dân- chính quyền) vv…
Xin lưu ý, cách hỏi và trả lời lâu nay trên diễn đàn Quốc hội thường dẫn đến dung túng cho người ta đối phó bằng cách câu giờ hay ngụy biện cho qua chuyện. Bởi thế trong dân có nhận xét Quốc hội mình hỏi thế nào cũng được, và trả lời thế nào cũng xong. Người điều khiển phiên chất vấn nhất là dưới thời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thường “đá lộn sân”, làm công việc không thuộc trách nhiệm của mình là "diễn đạt hộ" người chất vấn và "giải trình thay" người bị chất vấn. Nên có cách để các đại biểu Quốc hội đánh giá về việc hỏi và trả lời câu hỏi (ví dụ có nút bấm bên cạnh), để giảm bớt những câu hỏi và trả lời kém chất lượng không đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri.
Người hỏi phải nắm chắc vấn đề, có bản lĩnh và khi cần phải tranh luận lại để khẳng định tiếng nói của mình là đại diện cho cử tri, không sợ bị “chụp mũ”!. Thực tế thời nay, trên diễn đàn Quốc hội vẫn còn dân chủ và tiến bộ hơn nhiều so với trước.

Minh chứng, theo tôi tìm hiểu được biết ở Quốc hội khóa XI, dưới thời Chủ tịch Nguyễn Văn An, đại biểu Quốc hội, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã chất vấn Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh về việc công ty Phương Nam thuộc Bộ Công an có hành vi khai không đúng chủng loại hàng để trốn thuế.
Hôm đó, Gs Thuyết chất vấn đến lần thứ 2 thì Bộ trưởng thừa nhận là có những cái sai và sẽ xử lý. Khi ra giải lao, anh em báo chí xúm lại hỏi Gs Thuyết: "Sao anh không truy vấn tiếp?". Giáo sư trả lời: "Cũng giống như đi chấm luận án tiến sĩ, hỏi đủ để chấm điểm thì thôi chứ."
Báo Lao động (PV Đỗ Lê Tảo) hôm sau giật tít: "Là nhà giáo, tôi chỉ hỏi đủ để chấm điểm." Nghe nói Tổng bí thư Nông Đức Mạnh phật ý về chuyện có người dám chấm điểm Bộ trưởng, nói thế nào đó với Chủ tịch Nguyễn Văn An nên ngay cuối phiên chất vấn, lúc còn đang truyền hình trực tiếp, Chủ tịch chất vấn lại giáo sư Thuyết: "Chất vấn là để xây dựng, để thúc đẩy công việc. Tại sao đại biểu Nguyễn Minh Thuyết lại nói là để chấm điểm Bộ trưởng?"
GS Nguyễn Minh Thuyết giơ biển, đứng lên trả lời: "Thưa Chủ tich, nội dung chất vấn của tôi ở Hội trường, tất cả các đại biểu đã biết. Khi tôi ra giải lao, anh chị em phóng viên có hỏi vì sao không truy vấn tiếp thì tôi có trả lời như báo Lao động ghi. Theo tôi hiểu, mục đích của chất vấn là để xây dựng, để thúc đẩy công việc. Nhưng chất vấn là một hình thức giám sát, cũng là để qua đó nhân dân chấm điểm Bộ trưởng của mình."
Thấm thoát mới có hơn 10 năm mà những từ kiêng kị như "chấm điểm" bây giờ đã trở thành cửa miệng rồi. Thế mới biết sinh hoạt của Quốc hội ở nước ta cũng đã có những bước tiến triển, nên một số phát biểu của đại biểu Quốc hội khóa 14 được cử tri ghi nhận có nhiều ấn tượng như Dương Trung Quốc, Trương Trọng Nghĩa, Lưu Bình Nhưỡng vv…
Quốc hội kỳ họp thứ 4 khóa 14 này, tập trung phiên chất vấn vào 5 nhóm vấn đề, chúng tôi quan tâm nhất đến các câu hỏi sau đây:
1. Chất vấn Bộ trưởng Tài chính
- Vấn đề nợ công, nợ xấu của nền kinh tế Việt Nam đang ở tình trạng vượt ngưỡng cho phép là nguy cơ, thách thức đang hiện hữu và hậu quả của nó sẽ rất trầm trọng gây sụp đổ nền kinh tế và mất ổn định xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết phương pháp tính tin cậy con số nợ công, nợ xấu và những giải pháp để giải quyết căn cơ tình trạng nợ công và nợ xấu cao, mất cân đối ngân sách nhà nước?
- Nhiều doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ ngân hàng. Nếu ngân hàng, trong đó có ngân hàng nước ngoài, xiết nợ thì Chính phủ sẽ giải quyết như thế nào?
2. Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Trong nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ở nước ta lập ra ngân hàng thương mại hoặc công ty tài chính với tư cách công ty con của mình. Các công ty con huy động nguồn vốn trong dân, rồi cho công ty mẹ vay, dẫn đến đầu tư tràn lan, không hiệu quả, tạo ra “cục máu đông” và nguy cơ “vỡ trận” tài chính. Đề nghị Thống đốc cho biết Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm như thế nào về tình trạng này? Thống đốc đã có những biện pháp gì để thay đổi cách làm ngược nguyên tắc quản trị thông thường như trên?
3. Chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông
- Công tác truyền thông chính thống lâu nay để “mảng trống” cho mạng xã hội thao túng chứng tỏ không theo kịp yêu cầu của cuộc sống. Muốn thu phục lòng người và định hướng dư luận xã hội phải nâng cao năng lực quản lý, công khai minh bạch và thành thật với dân. Bộ trưởng có nghĩ như thế không?
- Đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng chịu trách nhiệm như thế nào trong việc sát nhập AVG và MobiFone làm ngân sách nhà nước chịu tổn thất không nhỏ.
4. Chất vấn Thủ tướng Chính phủ
- Đề nghị Thủ tướng cho biết: Công thức tính GDP của nước ta có gì khác các nước phát triển? GDP có phải là phép đo tin cậy về kinh tế không? Trong những năm tới, có nên thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng GDP bằng chỉ tiêu khác để phản ánh đúng tình hình phát triển kinh tế và thu nhập quốc dân của nước ta không?
- Tăng trưởng GDP "ngoạn mục" cuối năm nay so với lo lắng của Thủ tướng hồi đầu năm về tăng trưởng và "sụp đổ tài khóa" có cách nào lý giải rõ ràng hơn? Có liên hệ gì với năm 2008 khi "cả làng" bước vào suy thoái còn VN ta vẫn tăng trưởng "ngoạn mục" đến 6,31%?
- Việc thử nghiệm hai dự án bauxite trên Tây Nguyên (theo Thông báo số 245-TB/TW ngày 24/4/2009 của Bộ Chính trị về Kết luận của Bộ chính trị về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025) đến nay đã được 10 năm, vượt mốc 2015 được hai năm. Đề nghị Thủ tướng cho biết kết quả thử nghiệm như thế nào?. Chính phủ có tiếp tục cho thử nghiệm không và có dự kiến triển khai thêm các dự án khác không?
- Chính phủ khi diễn giải về chất lượng tăng trưởng đứng trên quan điểm nào (thuần túy về HDI) hay là coi trọng quan điểm và triết lý về cuộc sống?.
- Con đường tăng năng suất lao động quốc gia là phải nâng cao tay nghề, ứng dụng khoa học công nghệ tức là đẩy mạnh giáo dục và KHCN, nâng cao chất lượng y tế.... Và với toàn xã hội còn nâng cao chất lượng đô thị, môi trường... và thể chế & con người. Đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của Chính phủ như thế nào về vấn đề nói trên?
- Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết khi gửi thư đến 7 vị lãnh đạo ở Trung ương và Hà Nội về sự kiện Đồng Tâm chỉ có riêng Thủ tướng trả lời. Cử tri đánh giá cao trách nhiệm, sự cầu thị và văn hóa đối thoại của Thủ tướng. Chính phủ và Bộ Quốc phòng đánh giá thế nào về việc sử dụng "đất quốc phòng"? Cần làm gì để chống lạm dụng và tham nhũng "đất quốc phòng"?
- Chính phủ, Bộ Công an, Tòa án đánh giá thế nào về việc thực hiện Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự?. Có đảm bảo được việc Công an không dùng nhục hình tra tấn? Đã xử lý các vi phạm thế nào? Có hiệu quả không?
Lời kết
Nhìn lại các phiên chất vấn của Quốc hội nước ta lâu nay, người dân đánh giá cao một số vị đại biểu Quốc hội đã biết vượt lên chính mình để lại ấn tượng rất sâu sắc về khả năng diễn thuyết, những câu hỏi có chiều sâu, xây dựng, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Lịch sử sẽ không bao giờ quên những hình ảnh của họ trong giai đoạn phát triển còn đầy nhiễu nhương của đất nước.
T.V.T
(Tác giả gửi BVN)


MỘT NÉN HƯƠNG XA TIỄN BÁC!

VŨ THƯ HIÊN/ BVN 14-11-2017

Cháu ở xa, không được đưa bác đến nơi an nghỉ, đành thắp nén hương tưởng niệm, gạt nước mắt nhớ bác nay đã không còn.
Cũng như với bác, khi mẹ cháu qua đời, cháu chẳng được ở bên.
Tôi không có tham vọng viết thêm vào những thông tin đã tràn đầy mạng xã hội trong những ngày này về người yêu nước Hoàng Thị Minh Hồ. Tôi đặc biệt cảm ơn hai nhà báo Quốc Phong và Sơn Kiều Mai đã góp những tư liệu soi sáng về tiểu sử bà Hoàng Thị Minh Hồ liên quan lịch sử đáng buồn về một ngôi nhà bị chiếm đoạt.
Nếu có thể nói thêm điều gì đó thì tôi chỉ muốn nói rằng tôi thật buồn khi có những người viết rằng bà Hoàng Thị Minh Hồ là một nhà tư sản đã dại dột và xuẩn ngốc “đầu tư” nhầm chỗ.
Là người sống trong những ngày Tháng Tám, tôi xin làm chứng rằng trong những ngày mà nhân dân ta nhất tề đứng lên làm cuộc đổi đời để rũ bỏ thân phận nô lệ, không có ai “đầu tư” vào cách mạng để hi vọng một lợi nhuận về sau. Tôi đã chứng kiến những người nghèo khổ nhất đã tháo nhẫn, tháo hoa tai dành dụm cả cuộc đời cho Tuần Lễ Vàng. Không thể nào so sánh sự hi sinh cho cách mạng giữa những người ấy và sự đóng góp của những nhà tư sản lớn. Ngày ấy, người ta chỉ biết hi sinh cho một tương lai xán lạn. Không ai là người có tài tiên tri để biết sau này cái tương lai ấy sẽ như thế nào.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng sự miêu tả bà Hoàng Thị Minh Hồ như một người đi theo cách mạng, được vận động để đóng góp cho cách mạng là không đúng.
Trong thời kì tiền khởi nghĩa, người được Đảng Cộng sản phân công làm kinh tế cho đảng là ông Nguyễn Lương Bằng. Hai người hợp tác với ông trong việc này là bà Đỗ Đình Thiện (Trịnh Thị Điền) và mẹ tôi, Phạm Thị Tề. Ngay trong thời gian này, bà Hoàng Thị Minh Hồ đã có tham gia, không phải bằng việc buôn bán tơ lụa mà bằng vốn cho vay, biết rằng đồng vốn ấy dùng vào việc gì. Tôi không nhớ ở đâu đó, trong một hồi kí cách mạng, có ai đã viết rằng: “Trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa mà không có số tiền 5 vạn đồng anh Huỳnh (cha tôi, Vũ Đình Huỳnh) mang về thì không biết sẽ khó khăn đến thế nào”. Tôi xin nói rằng đó chẳng phải tiền của cha mẹ tôi đâu, mà là tiền của bà Hoàng Thị Minh Hồ đấy. Nói tóm lại, bác Bô đã tham gia công việc cách mạng từ trước khởi nghĩa, không phải là một doanh nhân “đi theo” cách mạng.
Về ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang cũng vậy. Chẳng cần ai giới thiệu, chẳng cần ai vận động mà nó đã được ông bà Trịnh Văn Bô dành cho cách mạng khi cần đến.
Cũng nhân tiện nói đến ngôi nhà này, tôi xin góp vào một chút tư liệu lịch sử. Năm 1963, khi ngồi cùng xe với ông Trần Huy Liệu lên thăm nhà tù Sơn La, tôi có hỏi ông: “Kỉ niệm sâu sắc nhất của bác trong những ngày Tháng Tám là gì?”. Ông trả lời: “à được phân công viết bản Tuyên ngôn Độc Lập”. Tôi hỏi: “Không phải bác Hồ?”. Ông nói: “Bác thảo, rồi bác ấy sửa sau cùng”. Đây chỉ là văn ngôn, không có văn bằng, tôi thuật lại đúng câu chuyện được nghe.
Bác Bô đã không còn. Bác cũng chẳng thiết nói về mình khi còn sống. Tôi là đứa cháu, biết gì về bác thì nói nấy để khỏi có những ngộ nhận.
Và đây cũng là lời cuối cháu nói thay lời chúc bác lên đường trong chuyến đi cuối cùng của đời người.
Cháu khóc bác mà lòng quặn đau.
13-11-2017
V.T.H
Nguồn: https://www.facebook.com/thuhienvu222222/posts/10214544434028389



9 CÂU NGỤY BIỆN ĐIỂN HÌNH CỦA NGƯỜI VIỆT

QUANG MINH/ BVN 14-11-2017

Có một thói quen rất nguy hiểm mà người Việt thường xuyên sử dụng trong giao tiếp, đó là ngụy biện. Thói quen này đã lây nhiễm một cách vô hình từ giao tiếp thường nhật, từ tâm lí thắng thua khi tranh cãi, và nhất là trong cộng đồng cư dân mạng.
Ngụy biện hay Fallacy là khái niệm để chỉ những cách lập luận tưởng là đúng nhưng thực chất lại sai lầm và phi logic trong tranh luận. Ngụy biện có thể biến một vấn đề từ sai thành đúng và từ đúng trở thành sai. Ngụy biện có thể dẫn đến những cái nhìn sai lệch và tư duy sai lầm mà chính người nói cũng không nhận ra được.
Những ai đã có kiến thức về ngụy biện đều hiểu một điều đáng buồn rằng: người Việt rất hay ngụy biện và tư duy ngụy biện. Chúng ta đều biết hai chữ “ngụy biện” nhưng liệu có thật sự hiểu về nó? Bạn có tin rằng tại Việt Nam, ngụy biện đã cướp đi mạng sống của con người?
Trên thế giới, ngụy biện đã trở thành một kiến thức được biết đến rộng rãi và các nhà nghiên cứu đã thống kê khoảng trên dưới 100 loại ngụy biện khác nhau. Đáng tiếc là tài liệu về ngụy biện tiếng Việt chỉ có một vài nguồn, đó là trang GS Nguyễn Văn Tuấn, trang Thư viện khoa học hay trang “Ngụy biện – Fallacy” của TS Phan Hữu Trọng Hiền. Dưới đây xin tổng hợp lại 9 câu ngụy biện điển hình của người Việt đã được nêu ra tại các nguồn tài liệu trên:
1- “Nhìn lại mình đi rồi hẵng nói người khác”
Mình làm sai thì là sai rồi, sao lại không nhận sai, không nói thẳng vào vấn đề mình sai mà lại quay qua tìm điểm yếu của người khác? Việc này cũng giống như khi nhận được góp ý “Viết sai chính tả rồi kìa” thì thay vì sửa sai lại bốp chát: “Thế mày chưa viết sai bao giờ à?”.
2- “Có làm được gì cho đất nước đâu mà to mồm”
Người ta có làm được gì hay không là điều mình chưa biết, hơn nữa bạn đã “lạc đề” rồi. Vấn đề người ta nêu ra thì bạn không trả lời, không đưa ra luận điểm logic mà lại đi đường vòng, chuyển qua công kích người khác.
3- “Nó ăn trộm chó thì cứ đánh cho nó chết”
Lập luận này đã khiến những kẻ trộm chó vốn không đáng phải chết bị giết chết bởi chính những người dân tưởng chừng “lương thiện”. Ăn trộm chó là sai nhưng giết người cũng sai. Hai sai thì không phải là một đúng mà là sai lại càng sai.
4- “Làm được như người ta đi rồi hãy nói”
Lại một hình thức lạc đề. Luận điểm mà người ta đưa ra thì bạn không xoay quanh mà bàn luận, lại cứ công kích cá nhân người khác thì mới vừa lòng sao?
5- “Nếu không hài lòng thì cút xéo ra nước ngoài mà sinh sống”
Lời nói này không chỉ đánh lạc hướng vấn đề mà còn rất bất lịch sự, chuyên dùng để làm người đối diện tức giận chứ chẳng có một chút logic nào trong đó cả.
6- “Chỉ người chân lấm tay bùn từ nhỏ mới cần cù, chăm chỉ xây dựng đất nước”
Câu khẩu hiệu này từng xuất hiện ở Việt Nam trong quá khứ. Người ta có câu “vơ đũa cả nắm” chính là để chỉ việc lập luận cảm tính, khái quát cảm tính mà không hề đưa ra logic hợp lí nào. Cũng như vậy, khi phân chia giai cấp và tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp, người ta đã mắc sai lầm ngụy biện, ví như chủ đất không nhất định là xấu, chủ doanh nghiệp cũng không nhất định là xấu và người làm công ăn lương hay nông dân chắc gì đã tốt, cần cù, chăm chỉ?
7- “Nước nào mà chẳng có tham nhũng”
Vì nước nào cũng có tham nhũng nên Việt Nam được phép có tham nhũng hay sao? Vì mọi người đều vượt đèn đỏ nên tất nhiên tôi cũng phải vượt đèn đỏ? Vì xã hội thiếu gì kẻ nghiện hút nên trong nhà có người hút chích cũng là bình thường?
8- “Nếu anh là họ mà anh làm được thì hẵng nói”
Đặt mình vào vị trí người khác là một tiêu chuẩn người xưa dùng để tu sửa bản thân, hướng vào bản thân tìm lỗi, là một nét văn hóa rất độc đáo của phương Đông. Tuy nhiên câu nói đó chỉ sử dụng khi một người tự răn mình chứ không nên dùng trong tranh luận. Việc sử dụng nó trong tranh luận không chỉ là bịt miệng người khác, không giải thích các luận điểm của người khác mà còn chứng tỏ chúng ta đang phá hoại và lãng quên văn hóa truyền thống.
9- “Tại sao anh dám nói chúng tôi sai? Anh là một tên phản bội dân tộc”
Kiểu lập luận chụp mũ này mặc nhiên coi mình là đúng, họ là sai và những người đồng quan điểm với họ cũng sai. Nó không hề đưa ra một thứ logic nào nhưng lại vạch ngang một giới tuyến và tùy tiện định tội người khác.
Tất nhiên đây mới chỉ là những câu ngụy biện cơ bản, thường thấy nhất. “Văn hóa ngụy biện” đã ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, muôn hình vạn trạng và luôn ẩn giấu trong tư duy của người Việt. Vậy nguyên nhân của thói quen này là từ đâu?
Trong phần nhiều các lỗi ngụy biện thường gặp của người Việt, có một tâm lí cơ bản hiện rõ ra khi tham gia thảo luận, đó là tâm lí tranh đấu, hiếu thắng và không hề tôn trọng người đối diện. Ngoài ra, chúng ta cũng hay bị ảnh hưởng bởi tâm lí đám đông, muốn lợi dụng tâm lí đám đông để che đi trách nhiệm của mình.
Muốn tránh cách tư duy ngụy biện, chúng ta không những phải sửa lối tư duy vòng vo, thiếu suy nghĩ mà còn phải sửa chính từ tâm thái của mình khi trao đổi và luận bàn mọi việc. Điều cơ bản nhất khi tham gia tranh luận là có trách nhiệm trong lời nói của mình và biết tôn trọng người đối diện.
Q.M
Nguồn: http://trithucvn.net/van-hoa/nguoi-viet-va-van-hoa-nguy-bien.html

ĐÔI LỜI VỚI CÁC VỊ

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 15-11/2017

Ngày 14-11 Boxitvn đăng một số bài, đọc xong tôi cứ muốn trao đổi vài ý kiến. Hẹp là với các tác giả, rộng ra là với mọi người.
Bài 1- Một nén hương xa tiễn bác, của Vũ Thư Hiên.
Bài viết về bà Hoàng Thị Minh Hồ với những ngày sục sôi khí thế cách mạng năm 1945. Vũ tiên sinh viết: “Ngày ấy, người ta chỉ biết hi sinh cho một tương lai xán lạn. Không ai là người có tài tiên tri để biết sau này cái tương lai ấy sẽ như thế nào“.
Hồi ấy tuy chưa đến 10 tuổi, nhưng tôi cũng đã biết rõ nhiều chuyện. Gia đình tôi cũng tương đối giàu có ở nông thôn và là cơ sở của Việt Minh. Bố tôi được cán bộ Việt Minh Nguyễn Văn Đồng (nay là trung tướng Đồng Sĩ Nguyên) giác ngộ làm cách mạng. Đúng là hồi ấy toàn dân hân hoan, phấn khởi, sẵn sàng hi sinh cho một tương lai xán lạn. Nhưng viết rằng “Không ai là người có tài tiên tri để biết sau này cái tương lai ấy sẽ như thế nào“ thì có lẽ hơi vội. Tôi có đủ bằng chứng để nói rằng: “Hồi ấy có một số người đã dự đoán được tương lai đen tối của dân tộc do cộng sản thống trị”. Đó là những trí thức như Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn và nhiều người khác (kể cả Huỳnh Thúc Kháng). Có thể họ không biết rõ về cải cách ruộng đất, về cải tạo tư sản, về nạn thuyền nhân… nhưng họ thấy được xã hội do cộng sản thống trị thì “cái ác sẽ luân hồi”. Lịch sử nhân loại đủ chứng cứ để chứng tỏ sự thống trị của vô sản chỉ đem lại tai họa. Đúng là hồi ấy một số đông chúng ta không biết chứ không phải mọi người đều không biết.
Xin kể câu chuyện. Hồi năm 1961, tôi đưa đồng hồ cho một anh ngồi ở vỉa hè phố Tràng Tiền – Hà Nội lau dầu. Biết tôi là cán bộ giảng dạy ở Trường đại học Bách khoa, từng là bạn học với một người bạn của anh ở Điện Biên Phủ (trung úy Trịnh Xuân Kim), anh tâm sự: “Hồi Điện Biên Phủ, tớ là cán bộ trung đoàn, cấp trên của Kim. Sau Điện Biên Phủ tớ phục viên về, lo làm kinh doanh cá thể. Chữa đồng hồ chỉ thỉnh thoảng làm cho vui mà thôi”.
Tôi hỏi: Anh là cán bộ cao, sao không chuyển ngành để có một cương vị trong cơ quan nhà nước mà lại phục viên, làm kinh tế cá thể?
Anh nói: Ngay từ 1945, trong lúc bọn tớ hăng hái theo cách mạng thì ba tớ đã nhận xét là rồi đây Việt Minh chắc chắn sẽ dẫn dân tộc vào ngõ cụt vì họ theo đường lối cộng sản, sẽ đẩy dân tộc vào con đường đấu tranh tàn sát lẫn nhau chứ chẳng vinh quang gì. Gặp thời loạn, các con không thể ngồi nhà, phải xông pha cùng chúng bạn, muốn đi đâu cứ đi, muốn làm gì cứ làm, ba không thể cấm, ba chỉ dự báo. Xin chớ tin theo một chiều tuyên truyền của họ, vì tuyên truyền bao giờ cũng chỉ nói quá lên cái hay cái tốt. Hãy để tâm mà quan sát, mà nhận xét, mà suy nghĩ. Tớ đã nhận xét, suy nghĩ và quyết định dừng lại.
Bài 2- Chín câu ngụy biện điển hình của người Việt, của Quang Minh.
Tác giả cho rằng: “Người Việt rất hay ngụy biện và tư duy ngụy biện“. Nhận xét không sai nhưng không hoàn toàn đúng. Hiện nay, trong lĩnh vực tư duy và lập luận, đúng là có nhiều người Việt hay ngụy biện. Đó là do họ đã kết hợp được nhược điểm của văn hóa dân tộc với thói xấu ngụy biện, dối trá của tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê-nin (CNML). Trước đây (tháng 8-2015), tôi công bố bài viết “Chống ngụy biện và nhầm lẫn về CNML”, trong đó có mục “Một số ngụy biện của tuyên giáo công sản Việt Nam”. Như vậy, ngụy biện của một số đông dân Việt là có thật nhưng phải tìm thấy nguyên nhân sâu xa từ trong CNML, chớ vội quy kết oan cho dân tộc. Chỉ có hiện nay, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, người Việt mới quen với dối trá và ngụy biện chứ trước đây và sau này tuy cũng có nhưng không phổ biến như hiện nay.
Bải 3 – Quốc hội hãy làm sao để dân tin, của Tô Văn Trường.
Tô tiên sinh bàn về chuyện các đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ. Các đại biểu phải có câu hỏi hay, sâu sắc, được lòng dân, phải truy vấn đến tận cùng một vấn đề. Tôi nhất trí với tác giả. Tôi chỉ muốn nêu một ý kiến nhỏ, may ra có thể bổ sung.
Đã vài lần tôi đưa ra sự phân biệt đảng và đảng viên, Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Vấn đề Tô tiên sinh nêu ra là “làm sao để dân tin”. Chủ ngữ của động từ “làm”, theo đầu đề là Quốc hội. Tôi nghĩ hơi khác, cho rằng chủ ngữ nên là đại biểu. Cả một Quốc hội do đảng cử dân bầu, chủ yếu là bù nhìn thì chẳng làm được việc gì để dân tin. Muốn làm được gì thì ít nhất những người trong thường vụ phải thoát ra được khỏi sự khống chế của Bộ Chính trị, có được một sự độc lập nào đó xứng với danh hiệu cơ quan quyền lực cao nhất. Thực ra Tô tiên sinh cũng đã nhận ra điều này khi kết luận: “Nhìn lại các phiên chất vấn của Quốc hội nước ta lâu nay, người dân đánh giá cao một số vị đại biểu Quốc hội đã biết vượt lên chính mình để lại ấn tượng rất sâu sắc về khả năng diễn thuyết, những câu hỏi có chiều sâu, xây dựng, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Lịch sử sẽ không bao giờ quên những hình ảnh của họ trong giai đoạn phát triển còn đầy nhiễu nhương của đất nước”.
Tuy Quốc hội chủ yếu là bù nhìn nhưng run rủi thế nào lại lọt được vào một số đại biểu có lương tri, tương đối có năng lực và trách nhiệm. Nhân dân trông chờ vào những đại biểu như vậy.
N.Đ.C
(Tác giả gửi BVN) Quốc hội do đảng cử dân bầu, chủ yếu là bù nhìn thì chẳng làm được việc gì để dân tin. Muốn làm được gì thì ít nhất những người trong thường vụ phải thoát ra được khỏi sự khống chế của Bộ Chính trị, có được một sự độc lập nào đó xứng với danh hiệu cơ quan quyền lực cao nhất. Thực ra Tô tiên sinh cũng đã nhận ra điều này khi kết luận: “Nhìn lại các phiên chất vấn của Quốc hội nước ta lâu nay, người dân đánh giá cao một số vị đại biểu Quốc hội đã biết vượt lên chính mình để lại ấn tượng rất sâu sắc về khả năng diễn thuyết, những câu hỏi có chiều sâu, xây dựng, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Lịch sử sẽ không bao giờ quên những hình ảnh của họ trong giai đoạn phát triển còn đầy nhiễu nhương của đất nước”.
Tuy Quốc hội chủ yếu là bù nhìn nhưng run rủi thế nào lại lọt được vào một số đại biểu có lương tri, tương đối có năng lực và trách nhiệm. Nhân dân trông chờ vào những đại biểu như vậy.
N.Đ.C


(Tác giả gửi BVN)

TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI VIẾT "ĐÔI LỜI VỚI CÁC VỊ''

Trao đổi với tác giả bài viết "Đôi lời với các vị"

 

Tô Văn Trường/ BVN 18-11-2017
Tôi đã đọc bài viết "Đôi lời với các vị" của GS Nguyễn Đình Cống đăng trên mạng Bauxit Việt Nam. Tác giả đã có những nhận xét ngắn gọn, xác đáng, nhìn chung bài viết có lí và có tình.
Theo tôi hiểu, trong mỗi con người đều có 5 bản năng gốc bao gồm sống (tồn tại), sinh sản (duy trì nòi giống), bầy đàn (đám đông), đầu đàn (quyền lực) và sáng tạo (tư duy). Riêng bản năng sáng tạo chỉ con người mới có và nhờ nó mà con người có văn hoá. Nên nhớ rằng văn hoá là tất cả những gì con người sáng tạo ra.
Thu vén, tham lam, tham ô… là hệ quả của bản năng sống. A dua, tôn giáo, đảng phái... là bản năng bầy đàn. Tham quyền cố vị, triệt hạ lẫn nhau, hám danh... là bản năng quyền lực. Ngoại tình, đam mê tình dục… là hệ quả của bản năng sinh sản. Cường độ và mức độ thể hiện của các bản năng đó khác nhau. Ví dụ bên Ấn Độ, Phi châu, bản năng tình dục phát triển nhiều còn ở Việt Nam, có lẽ sĩ diện cá nhân lại nổi trội. Hiểu được những đặc điểm đó ở mỗi cộng đồng, mỗi vùng là đã chiếm được nhiều ưu thế. Nhưng chọn thời điểm để tác động phải là một nghệ thuật.
Khái niệm bản năng gốc này là cội nguồn có ý nghĩa cơ sở để xem xét khách quan mọi vấn đề, của mỗi cá nhân và của toàn xã hội. Nó luôn là động lực cho sự tồn tại và phát triển của muôn loài, trong đó có loài người.
Bản năng gốc như 5 mô-men lực, nếu đồng pha thì phát triển, dị pha thì lụi tàn. Xã hội là tổng hoà các mô-men trung bình của từng nhóm lợi ích và mô-men nhóm là tổng hoà của mỗi thành viên.
Trở lại bài viết của GS Nguyễn Đình Cống góp ý với bài viết "Một nén hương xa tiễn bác" của Vũ Thư Hiên nói về bà Hoàng Thị Minh Hồ với những ngày sục sôi khí thế cách mạng năm 1945, trong đó có đoạn "Ngày ấy, người ta chỉ biết hi sinh cho một tương lai xán lạn. Không ai là người có tài tiên tri để biết sau này cái tương lai ấy sẽ như thế nào" thì có lẽ hơi vội .
Nhận xét của tác giả Nguyễn Đình Cống hoàn toàn chính xác vìkhông thể tuyệt đối hóa một nhận định về xã hội. Theo tôi biết, ông Đỗ Đình Thiện là một trong những người giúp việc thân cận cụ Hồ Chí Minh ở hội nghị Fontainebleau năm 1946 ở Pháp nhưng sau cải cách ruộng đất, mặc dù mới 50 tuổi, còn rất sung sức, ông đã chủ động, dứt khoát xin nghỉ việc, không làm cho Chính phủ bởi vì ông đã nhìn thấy trước các bất cập của chế độ trong khi các trí thức tên tuổi khác vẫn cung cúc phục vụ Chính phủ như các ông Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, Phan Anh…
Tuy nhiên, tác giả lại vướng vào điều này khi góp ý về bài 2 "Người Việt rất hay ngụy biện và tư duy ngụy biện" của Quang Minh cho rằng mọi thói ngụy biện đều do gắn với chủ nghĩa Mác Lê-nin. Ngụy biện ở nước ta có từ thời xa xưa nên mới có câu chuyện về văn hóa "Tấm - Cám" lấy oán trả oán nhưng lại được ca ngợi là cô Tấm thảo hiền.
Ngẫm suy, dối trá đã thành thói quen trong rất nhiều cá nhân, tổ chức hiện nay và như Lev Tolstoy nói, thói quen là bản chất thứ hai. Và không có sự dối trá nào tồn tại mãi được. Người ta có thể dối trá một người trong cả đời của họ hay dối trá cả một tập thể trong thời điểm nào đó nhưng không ai có thể dối trá một tập thể người trong cả cuộc đời của tập thể người ấy.
Tôi đọc kĩ đoạn tác giả Nguyễn Đình Cống bình luận về bài viết "Quốc hội hãy làm sao để dân tin" của Tô Văn Trường, nguyên văn như sau:
"Tô tiên sinh bàn về chuyện các đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ. Các đại biểu phải có câu hỏi hay, sâu sắc, được lòng dân, phải truy vấn đến tận cùng một vấn đề. Tôi nhất trí với tác giả. Tôi chỉ muốn nêu một ý kiến nhỏ, may ra có thể bổ sung.
Đã vài lần tôi đưa ra sự phân biệt đảng và đảng viên, Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Vấn đề Tô tiên sinh nêu ra là "làm sao để dân tin". Chủ ngữ của động từ "làm", theo đầu đề là Quốc hội. Tôi nghĩ hơi khác, cho rằng chủ ngữ nên là đại biểu. Cả một Quốc hội do đảng cử dân bầu, chủ yếu là bù nhìn thì chẳng làm được việc gì để dân tin. Muốn làm được gì thì ít nhất những người trong thường vụ phải thoát ra được khỏi sự khống chế của Bộ Chính trị, có được một sự độc lập nào đó xứng với danh hiệu cơ quan quyền lực cao nhất. Thực ra Tô tiên sinh cũng đã nhận ra điều này khi kết luận: "Nhìn lại các phiên chất vấn của Quốc hội nước ta lâu nay, người dân đánh giá cao một số vị đại biểu Quốc hội đã biết vượt lên chính mình để lại ấn tượng rất sâu sắc về khả năng diễn thuyết, những câu hỏi có chiều sâu, xây dựng, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Lịch sử sẽ không bao giờ quên những hình ảnh của họ trong giai đoạn phát triển còn đầy nhiễu nhương của đất nước".
Tuy Quốc hội chủ yếu là bù nhìn nhưng run rủi thế nào lại lọt được vào một số đại biểu có lương tri, tương đối có năng lực và trách nhiệm. Nhân dân trông chờ vào những đại biểu như vậy".
Ý kiến của tác giả Nguyễn Đình Cống nói trên cũng có lí nhưng nếu tuyệt đối hóa nhận định Quốc hội chỉ là bù nhìn, không có tích sự gì thì đánh giá như thế nào khi tiếng nói phản biện của dân và ý kiến của đại biểu dẫn tới Quốc hội có những nghị quyết đúng, được lòng dân, chẳng hạn nghị quyết dừng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nghị quyết dừng nhà máy điện hạt nhân…
Từ khi cầm bút làm công việc phản biện xã hội tôi, đã tự nhủ phản biện không phải là phản đối. Phản biện là trên cơ sở thực tế (rộng hơn, bao trùm thực tiễn), lí luận và khoa học về chủ đề của chính sách, pháp luật, quyết định, tác phẩm được phản biện mà tiến hành phân tích, xác định giá trị, những chỗ đúng, mới mẻ, sáng tạo, cần phát huy, những chỗ thiếu sót, cần bổ sung, những chỗ không chuẩn xác, cần sửa chữa trong chính sách, pháp luật, quyết định hoặc tác phẩm ấy.
Tùy trường hợp mà phản biện nặng về biểu dương thành tựu, hoặc nặng về vạch rõ khiếm khuyết, hoặc cân đối giữa hai phần khen và chê. Trong phản biện, điều quan trọng nhất không phải là "phản" mà là "biện". Biện là biện luận. Giá trị phản biện là giá trị biện luận, nhất là kĩ năng ngôn ngữ, nếu không sẽ thiếu thuyết phục hay dẫn đến hiểu lầm. Đời không có gì là toàn mĩ cả. Muốn chuyển từ độc tài toàn trị sang dân chủ một cách hoà bình, không bằng bạo lực thì phải tận dụng mọi khả năng tạo ra từng chuyển biến dù nhỏ. Điều quan trọng là không tự thỏa mãn với những chuyển biến nhỏ mà phải làm sao có các chuyển biến nhiều hơn, mạnh hơn, đi tới xoay chuyển được thể chế một cách căn bản.
T.V.T
(Tác giả gửi BVN)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét