Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

20171109. QUANH SỰ KIỆN DOANH NHÂN HOÀNG THỊ MINH HỒ QUA ĐỜI

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ VỢ THƯƠNG GIA HIẾN 5000 LƯỢNG VÀNG

MINH ANH/ VNN 7-11-2017

Kế nghiệp một gia đình tiếng tăm, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đã lao động không một ngày ngưng nghỉ, góp phần đưa sản nghiệp của nhà chồng lên đến một đỉnh cao hiếm có…
Hôn nhân sắp đặt nhưng hạnh phúc đong đầy
Doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ (SN 1914, ở 21 Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là con gái của Hoàng Đạo Phương, một thương gia, một nhà nho uyên bác.
Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet, ông Trịnh Cần Chính (con trai thứ 6 của vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ) chia sẻ, tuổi thanh xuân, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ cũng như nhiều thiếu nữ Hà Nội xưa thường vấn khăn, mặc áo dài, đi guốc mộc.
Cụ có nước da trắng, mũi cao và gương mặt thanh tú. Cụ có rất nhiều chàng trai để ý. Họ hầu hết đều là công tử của các gia đình bề thế ở Hà Nội.
Năm 18 tuổi, Hoàng Thị Minh Hồ kết hôn với Trịnh Văn Bô, được cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi.
Ông Trịnh Cần Chính kể: "Tiêu chí chọn con rể của ông bà ngoại tôi rất khắt khe. Ông bà muốn con rể có đức, có tài và môn đăng hộ đối. Cha tôi, Trịnh Văn Bô, là quý tử của họ Trịnh giàu có, sở hữu thương hiệu Phúc Lợi nổi tiếng. Nhà cha cũng ở ngay Hàng Ngang, cách nhà mẹ tôi ở Hàng Đào chỉ hơn 100m. Bố mẹ 2 bên cũng là bạn tâm giao từ lâu. Năm 1932, mẹ lên xe hoa về nhà chồng khi tròn 18 tuổi".
"Mẹ tôi kể lại, tuổi cập kê bà cũng phải lòng một chàng trai khác nhưng khi cha mẹ mối lái, sắp xếp để nên duyên với cha tôi, bà vẫn lặng lẽ gật đầu. Một cuộc hôn nhân sắp đặt vậy mà suốt những năm tháng họ chung sống, chưa một lần tôi thấy họ nặng lời với nhau" - ông Chính nói thêm.
“Đàn ông xưa năm thê bảy thiếp, cha tôi vừa đẹp trai, tri thức lại sinh ra trong gia đình giàu có nên không ít bóng hồng thầm thương trộm nhớ. Nhưng bấy nhiêu năm bên cạnh mẹ, có với nhau 7 người con, chưa một lần cha tôi làm gì có lỗi với bà" - ông Chính khẳng định.
Vẫn lời ông Chính, cha ông là quý tử trong gia đình giàu có, khi có vợ con rồi, cụ vẫn thỉnh thoảng ham mê các thú vui bên ngoài. Cụ rất thích chơi cá ngựa, mạt chược. Nhiều lần cha mê quá, mẹ ông cũng bực mình và giận. Bà không nói nặng lời, không chì chiết mà chỉ thực hiện "chiến tranh lạnh", không nói năng gì khiến cha ông vô cùng lo lắng.

Khối tài sản khổng lồ và cống hiến lớn cho đất nước
Sau khi được thừa kế thương hiệu vải Phúc Lợi ở số 7 Hàng Ngang với số vốn ban đầu là 30 ngàn đồng Đông Dương, bằng tài năng bẩm sinh của mình, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đã lao động không ngưng nghỉ để cùng chồng phát triển sự nghiệp
Cuộc sống hôn nhân êm ấm là vậy, nhưng điều khiến nhiều người ngưỡng mộ về vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ hơn đó là khả năng kinh doanh đưa sản nghiệp và thương hiệu tơ lụa Phúc Lợi đến một đỉnh cao hiếm có.
Ông Trịnh Cần Chính kể: "Bố mẹ tôi lao động rất vất vả. Sau một ngày mệt nhọc, xong bữa cơm người ta được nghỉ ngơi thì bố mẹ tôi vẫn mải miết lo các đơn hàng. Những ngày lễ Tết, người ta thảnh thơi nhưng một tháng Tết nhà tôi có tới 30 người làm cả đêm lẫn ngày.
Ban đầu từ các hợp đồng trong nước từ Yên Bái, Lào Cai..., cha mẹ tôi vươn ra thị trường nước ngoài. Họ làm ăn giao dịch với các nước Châu Á như Ấn Độ, các nước Châu Âu như Pháp, Anh. Mẹ tôi đảm đang, nhanh nhẹn phụ trách phần giao dịch, cha tôi học rộng biết nhiều tiếng (Anh, Pháp), ông làm thông ngôn (phiên dịch) cho bà".
Theo lời ông Chính, ở thời điểm bố mẹ ông kinh doanh, ở nhà ông, kho lụa chất cao như núi, gia nhân lúc nào cũng nườm nượp để phục vụ cho gia đình và công việc buôn bán lụa.
Họ giàu có đến mức: "Cha mẹ tôi đi đâu cũng có xe đưa rước. Trong nhà nườm nượp gia nhân, giúp việc. Mỗi người con trong gia đình đều có một vú em lo lắng bữa ăn, giấc ngủ" - ông Chính nói.

Dù có điều kiện để ăn ngon mặc đẹp, hưởng thụ lối sống xa hoa của xã hội đương thời nhưng hai vợ chồng doanh nhân luôn quan niệm: "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7 đồng, còn đâu giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức".
Nạn đói năm 1945, vợ chồng doanh nhân cũng kịp thời mang mang tiền đi cứu trợ người dân, mua 1.000 vé phát cháo, phát cho người đói, nhờ thế mà nhiều người thoát chết trong gang tấc.
Sau đó, hưởng ứng "Tuần lễ vàng" năm 1945 do Chính phủ phát động, gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, trong khi ngân khố quốc gia lúc đó chỉ còn 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, đa phần lại rách nát, không thể tiêu dùng được.
Ngoài ra, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động "Tuần lễ vàng", khích lệ giới công thương và nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.
Ông Trịnh Cần Chính còn nói: “Mẹ tôi từng kể, mùa đông năm 1956 trời rét cắt da cắt thịt, bà đi sang Đình Bảng - Chợ Giàu, thấy mình mặc áo len ấm áp mà trẻ con chỉ có manh áo mỏng, trần truồng, môi tím tái vì rét. Bà quyết định về may áo mang đi phát cho các cháu bé”.
Trong gia đình, vợ chồng doanh nhân giàu có cũng khiến các gia nhân phải nể phục và yêu quý. Nhiều gia đình giàu có cư xử với gia nhân rất khắt khe nhưng vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô chưa bao giờ to tiếng quở trách gia nhân một lời.
Gia đình gia nhân nào khó khăn, cuối năm ngoài tiền lương, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô còn thưởng thêm tiền để họ về ăn Tết với gia đình… Chính vì thế, trong cửa hiệu của gia đình giàu có này chưa bao giờ có chuyện gia nhân ăn bớt tiền hay ăn cắp vải mang đi bán.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình ông Trịnh Văn Bô (Hà Nội) ủng hộ 5.147 lượng vàng giúp chính phủ mới giải quyết khó khăn tài chính sau cách mạng tháng 8.
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ doanh nhân Trịnh Văn Bô, người hiến tặng Nhà nước 5.147 lượng vàng trong "Tuần lễ vàng" (năm 1945), qua đời hồi 23h20 đêm 5/11 tại nhà riêng phố Hoàng Diệu, Hà Nội, hưởng thọ 104 tuổi.
NỖI BUỒN NHÂN ĐÔI CỦA GIA ĐÌNH ÔNG BÀ TRỊNH VĂN BÔ
QUỐC PHONG/ TN 7-11-2017
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô vừa trút hơi thở cuối cùng vào đêm 5.11 tại Hà Nội trong sự tiếc thương và ngưỡng mộ của hàng triệu người Việt Nam yêu Tổ quốc. Không nhiều người biết, lúc cụ nhắm mắt, nỗi buồn sâu thẳm trong lòng vẫn chưa được khơi thông, thậm chí còn là nỗi buồn nhân đôi!
"Dân tộc bớt đổ máu là chúng tôi mừng rồi..."
Vợ chồng nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô là chủ hãng tơ lụa sợi nổi tiếng Trịnh Phúc Lợi ở Hà Nội trước năm 1945. Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô từng bí mật nhận lời với Cách mạng đón đoàn cán bộ (mà không hề biết có cả Chủ tịch Hồ Chí Minh) từ chiến khu về ở ngay tại tư gia mình, số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, ngay sau ít ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ T.Ư Đảng đã táo bạo ra quyết định về ngay giữa trung tâm Thủ đô để bám sát tình hình và lãnh đạo toàn dân giữ vững chính quyền khi còn non trẻ; đồng thời để soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 1945.
Có thể coi các cụ là một hình mẫu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, một lòng một dạ phụng sự nền độc lập, tự do của dân tộc, dám hi sinh quyền lợi bản thân mà bất chấp hiểm nguy, nếu như bị mật thám phát hiện, coi như cơ đồ của cách mạng tan trong phút chốc.
Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô đã từng hiến 5.147 lượng vàng cho cách mạng kể từ sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 và tiếp đó là trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến khi dân tộc ta giành thắng lợi. Ngoài số vàng ủng hộ chính quyền cách mạng, họ còn hiến cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang, trị giá hàng trăm tỉ đồng theo thời giá bây giờ, để làm Nhà lưu niệm, ghi dấu tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập đọc tại lễ Quốc khánh 2.9.1945.
Nỗi buồn nhân đôi của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - ảnh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếc thương nhà tư sản yêu nước dân tộc Trịnh Văn Bô qua đời ẢNH TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Năm 1990, để phục vụ viết bài nhân 45 năm đất nước giành độc lập trên báo Thanh Niên, người viết bài này đã được cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ cho biết, trong số trên 5.000 lượng vàng mà ông bà hiến cho Cách mạng, có 1.000 lượng vàng được đặc phái viên của Bác là ông Nguyễn Lương Bằng đem đi hối lộ cho 3 viên tướng Tàu là Hà Ứng Khâm (500 lượng), Lư Hán (300 lượng), Tiêu Văn (200 lượng) chỉ để mong hoà hoãn, khỏi đụng độ giữa hai lực lượng, quân Tưởng Giới Thạch và quân ta.
Tôi hỏi: “Sao bà không biết gì về Cộng sản trước đó mà lại tin tưởng Cách mạng đến mức giao cả một lượng tài sản lớn như thế giúp đất nước?”, cụ Hoàng Thị Minh Hồ bảo tôi rằng, cũng là do cụ Hồ đã có lời với vợ chồng bà, mà ông bà lại rất tin cụ Hồ với những gì ông bà biết về nhân vật Nguyễn Ái Quốc đôi chút trước lúc cụ đến nhà. Thứ nữa, nếu dân tộc mình mà tránh được tổn thất về con người như mong muốn của cụ Hồ thì dù tài sản ông bà có mất nữa cũng không nên tính toán. "Dân tộc bớt đổ máu là chúng tôi mừng rồi...", cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ giải thích.
Không đồng ý đặt tên đường phố vì không biết… Trịnh Văn Bô là ai
Năm 1988, cụ ông Trịnh Văn Bô qua đời. Cả hai cụ đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, huân chương cao quý của Nhà nước ta, như một ghi nhận xứng đáng mà những gì hai cụ đã đóng góp cho Tổ quốc Việt Nam. Theo quy định ngày đó, những người nổi tiếng là nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân cũng như các nhà lãnh đạo tiền bối,... sau 10 năm qua đời thì sẽ được xét đặt tên cho các đường phố mà họ từng gắn bó. Tiếc rằng, chuyện này đã không ai đặt ra mà gia đình thì không muốn đi xin xỏ.
Mãi gần đây, năm 2016, theo quy định hiện hành, Hội đồng Tư vấn đặt tên đường phố thành phố Hà Nội đã đề xuất đưa tên doanh nhân Trịnh Văn Bô vào danh sách hiệp thương để đặt tên đường phố. Theo quy trình, việc hiệp thương có nhiều đơn vị tham gia nhưng phải được sự đồng thuận từ cấp xã, phường dự kiến gắn biển tên. Tiếc rằng, văn bản hiệp thương của sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội đã không được chính quyền phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) đồng thuận (mặc dù phường giáp ranh có đoạn phố chạy qua là phường Dịch Vọng đã ủng hộ). Lý do thật khôi hài và cũng thật vô cảm: Dân phường Quan Hoa không đồng ý vì khi họp dân phố, nhân dân trên địa bàn cho rằng họ không biết nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô là ai!!
Năm ngoái, cụ bà Trịnh Văn Bô khi còn tinh tường đã nghe được câu chuyện buồn trên, sau khi Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội gửi công văn trả lời gia đình .
Hành trình gian nan đòi lại nhà cho mượn
Năm 1954, sau khi Cách mạng về tiếp quản Thủ đô, hai vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô khi đó đã cho Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái mượn ngôi biệt thự tại 34 Hoàng Diệu, Hà Nội có khuôn viên rộng 3.000 m2 trong 2 năm. Lý do tướng Thái muốn mượn là vì nó rất tiện cho công việc. Nhất là lúc này, đất nước vẫn còn chia cắt và cuộc chiến đấu giải phóng đất nước vẫn chưa trọn vẹn. Vị trí này rất tiện làm việc vì nó rất gần Bộ Quốc phòng. Theo như lời hứa của tướng Thái (sau này là đại tướng) thì "khi nào Bắc Nam thống nhất, quân đội sẽ trả anh chị"...
Nỗi buồn nhân đôi của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - ảnh 2
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười chia buồn với gia quyến ông Trịnh Văn Bô trong lễ tang năm 1988  ẢNH TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Thế nhưng, có ai ngờ, phải 21 năm sau đất nước mới thống nhất. Vậy là đến năm 1975, họ mới chính thức đệ đơn xin lại nhà. Lúc này, sự thể trở nên phức tạp.
Hàng chục chữ ký của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ qua các thời kỳ đều ủng hộ hai cụ. Nếu tính ra thì có đến hơn chục chữ ký ủng hộ trả nhà là của các uỷ viên Bộ Chính trị lão thành và đương chức qua các thời kỳ. Từ Chủ tịch nước Trường Chinh đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng,... rồi sau này, phải đến thời kì ông Đỗ Mười làm Tổng bí thư, ông Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, thì mới hoá giải được câu chuyện dài kỳ nói trên.
Trước đó, đích thân Tổng bí thư Đỗ Mười còn trực tiếp dẫn cụ bà Trịnh Văn Bô đi tìm nhà và vận động cụ nên chọn một trong số vài biệt thự ở các vị trí khác trong thành phố mà ông chỉ chỗ, đang thuộc Ban Tài chính quản trị T.Ư nắm, thay vì cứ phải nhận đúng nhà 34 Hoàng Diệu. Thế nhưng, cụ bà vẫn một mực chỉ xin lại nhà mình, với suy nghĩ giản đơn của một "nhà buôn": "Nhà đó không phải của tôi, ngộ nhỡ sau này người ta trở về đòi lại thì chúng tôi biết tính sao?".
Rồi chính ông Đỗ Mười còn thật lòng tâm sự với cụ bà rằng: "Hay là chị Bô còn chôn vàng ở biệt thự 34 Hoàng Diệu? Nếu có chuyện này thật thì tôi xin đứng ra bảo lãnh để chị đến đào rồi mang đi toàn bộ... Chị hãy tin tôi và thương tôi với!". Số là ông Đỗ Mười cũng có nghe cụ bà nói chuyện hai vợ chồng rời nhà 48 Hàng Ngang theo kháng chiến, năm 1954 trở về, đào lên dưới giếng vẫn còn nguyên 1,4 tấn bạc nén được gia nhân chôn giúp. Ông Đỗ Mười nghĩ vậy mà nói như thế.
NIỀM CAY ĐẮNG CỦA MỘT NỮ DOANH NHÂN YÊU NƯỚC
BÙI TÍN/ VOA/ BVN 7-11-2017
Hôm nay, từ Paris, tôi nhận được tin buồn. Bà Trịnh Văn Bô, nhà kinh doanh thành đạt đã trút hơi thở cuối cùng ở Hà Nội, đại thọ 103 tuổi.
Tôi buồn vì tôi coi bà là bà chị thân thiết có lòng nhân ái, yêu nước tuyệt vời.
Tôi buồn vì bà đã nhiều lần tâm sự với tôi về hoàn cảnh éo le của bà và nhờ tôi giúp đỡ từ những năm 1976-1980 nhưng tôi không sao làm bà vui lòng. Năm 1990 trước khi sang Pháp tôi đã đến chào bà như một niềm ân hận và thương cảm đối với một bà chị có tấm lòng nhân hậu và lòng yêu nước tột đỉnh đang ở trong tình trạng uất hận mà vẫn lạc quan, tươi cười.
Tôi xin kể tóm tắt nguồn cơn với các bạn, nhất là với các đảng viên cộng sản để có thể hiểu rõ thêm cái bản chất của đảng này và tự tìm ra kết luận.
Bà Trịnh Văn Bô, tên khai sinh là Hoàng Thị Minh Hồ, là bà chủ hiệu Tơ lụa Phúc Lợi, phố Hàng Ngang, khu phố cổ Hà Nội. Bà là doanh nhân thành đạt lớn. Bà tham gia phong trào Việt Minh bí mật năm 1944, nhiều lần góp những món tiền lớn cho phong trào, từ 1 vạn đến 8 vạn đồng bạc Đông Dương.
Tháng 8/1945 bà tình nguyện đón ông Hồ Chí Minh từ chiến khu miền Bắc về ở ngôi nhà mình ở 48 Hàng Ngang. Ông Hồ đã ở đây hơn 1 tháng, viết Tuyên ngôn Độc lập tại đây. Sau đó bà biếu tặng cả ngôi nhà này thành bảo tàng cấp Nhà nước cho đến nay. Trong Tuần lễ vàng, bà góp hàng nghìn lạng vàng, gần bằng ngân sách tiếp thu của chế độ cũ. Tổng cộng số vàng bà góp là trên 5 nghìn lạng. Tất cả áo quần mới tươm tất của ông Hồ, các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… mặc trong ngày 2/9/1945 đều do bà cung cấp. Hồi ấy nhiều người coi bà là “Bộ trưởng tài chính” của nước Việt Nam độc lập. Sau này bà sinh hoạt trong đảng Xã hội do Đảng Cộng sản lập ra để vận động các trí thức, nhà kinh doanh cũng như trong Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Điều không may đối với bà là năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ từ Việt Bắc trở về Hà Nội, Bộ Quốc phòng yêu cầu mượn tạm ngôi nhà rộng lớn của bà ở số nhà 34 phố Hoàng Diệu gần Cột Cờ, sát khu vực quân sự của Bộ Quốc phòng. Bản giao kèo cho mượn trong 2 năm (từ 1954 đến 1956) có chữ ký cam kết của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân. Chính gia đình ông Thái đến ở ngôi nhà ấy. Quá hạn, năm 1957, 1958 bà Trịnh Văn Bô ngỏ ý “xin lại” ngôi nhà cũ của mình nhưng ông Thái và bộ Quốc phòng không trả lời. Lúc này gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã có 7 người con, đều lập gia đình, có đúng 30 cháu và chắt, tất cả 40 người ở tại ngôi nhà cũ chật chội 24 phố Nguyễn Gia Thiều, gần hồ Ha Le, nơi tôi ghé thăm bà trước khi sang Pháp.
Điều làm cho ông bà Bô cay đắng rồi oán hận là vào năm 1978, Đại tướng Hoàng Văn Thái được cấp nơi ở mới trong ngôi nhà lớn xây riêng cho cấp tướng ở khu Liễu Giai, nhưng ông không trả lại nhà cho ông bà Bô. Ngôi biệt thự 34 phố Hoàng Diệu vẫn là nơi ở của cặp quý tử Võ Điện Biên, con đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vợ là con gái đầu của Đại tướng Hoàng Văn Thái.
Năm 1988, ông Bô ốm nặng, qua đời trong niềm ân hận trên đây. Trong buổi dự đám tang ông, bà Bô đã khóc khi gặp tôi và yêu cầu tôi giúp, sau khi ông bà đã gửi hơn 20 lá đơn cho mọi cửa. Tôi đã in thêm các đơn của bà, gửi cho vợ chồng tuớng Giáp, vợ chồng tướng Thái, cho Ban kiểm tra Trung ương Đảng, cho Đại tướng Chu Huy Mân ở Tổng cục Chính trị, nhưng đều vô hiệu.
Cho đến tháng 6/1989 bà Bô mới nhận được công văn do ông Đỗ Mười nhân danh Thủ tướng ký, yêu cầu Bộ Quốc phòng trả lại ngôi nhà trên cho bà Bô. Công văn này chờ hoài vẫn không hiệu quả.
Tháng 7 năm 1990 chính Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo ký công văn yêu cầu Bộ Quốc phòng sớm trả lại ngôi nhà trên, nhưng rồi cũng như nước đổ đầu vịt.
Cho đến năm 1993 Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu có cuộc họp liên tịch giữa Ủy ban Hành chính Thủ đô, Sở Nhà đất Hà Nội và Bộ Quốc phòng để giải quyết xong xuôi một vấn đề dân sự đã kéo quá dài này.
Cuộc họp có kết luận nhưng rồi không ai chấp hành, không có ai có thể cưỡng chế việc thi hành. Một thái độ ù lỳ, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo đức của kẻ có uy quyền đảng trị!
Cho đến tận tháng 10 năm 2003, gia đình, con cháu bà Bô mới quyết định làm liều khi đã bị dồn đến chân tường. Tận dụng khi gia đình người ở ngôi nhà đi vắng, chỉ có một bộ đội gác gần đó, con cháu bà Bô cõng bà - bà cụ 90 tuổi già yếu đã nghễnh ngãng liều đột nhập vào ngôi nhà, mang “Bằng khoán điền thổ” gốc, trưng ra, với một giải lụa mang dòng chữ: “Vui mừng trở về ngôi nhà cũ”. ký tên: Gia đình Trịnh Văn Bô. Tôi được tin này, đã lập tức gọi điện thoại về mừng bà chị và con cháu đã giành lại được ngôi nhà của mình, các cháu thuật lại cho bà bằng cách viết ra, vì tai bà đã điếc hẳn!
Sau này anh Trần Duy Nghĩa, con cố Thị trưởng Thủ đô, bác sĩ Trần Duy Hưng - là bạn cực thân của gia đình bà Bô - từ Pháp trở về Việt Nam, có dịp đến thăm bà cụ Bô kể cho tôi chuyện cơ mật của gia đình. Đó là khi tự mình trở về nhà, bà Bô đã dự liệu sẽ liều mình nếu như bà bị đuổi khỏi ngôi nhà thân yêu của chính mình. Bà đã bảo con bà mang theo một can đầy xăng để liều sống chết với lẽ phải, sống chết với nhà cửa, với con cháu ruột thịt của mình. Thế nhưng thật là may mắn và hạnh phúc, can xăng đã không cần dùng đến.
Bài báo này như một nén hương thắp trên mộ của bà Trịnh Văn Bô, bà chị của tôi đầy lòng nhân ái, yêu nước đến tột đỉnh, từng tự cho mình một phương châm sống, là “Trong buôn bán, nếu có lời chỉ nên giữ lại 7 phần mười làm vốn, để ra 3 phần mười làm từ thiện. Còn khi đất nước cần thì nên hiến hết không tính toán, chỉ giữ chút ít để sống và kinh doanh tiếp”. Bài học cho đảng viên tham nhũng ở khắp nơi hiện nay, cho các doanh nhân mới.
Một nhà kinh doanh yêu nước đến tột cùng, yêu nhân dân đến thế là cùng! Xin bà chị mỉm cười, yên nghỉ trên cõi vĩnh hằng.
B.T.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét