Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

20171119. NHỮNG GÓC NHÌN KHÁC VỀ DONALD TRUMP TẠI APEC-ĐÀ NẴNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐÂU MỚI LÀ THẬT SỰ CỦA NGUYÊN THỦ MỘT CƯỜNG QUỐC ?

FB TRAN HUNG/ BVN 17-11-2017

Kết quả hình ảnh cho trump

Chắc hẳn đến hôm nay, những người mang tư tưởng ghét Trump vẫn nhìn ông bằng con mắt khinh thường, căm ghét vì "quá khứ dơ dáy" của ông được truyền thông bẩn, truyền thông cánh tả thổi phồng, dựng chuyện. Sự ác cảm thái quá kia đã gián tiếp xúc phạm danh dự đại đa số công dân Mỹ vì họ đã tin tưởng, bầu chọn Trump làm tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Hãy bỏ qua những ác cảm định hướng kia đi để làm một con người biết phân biệt trắng đen. Những hành động của Trunp và phát ngôn của ông khi đặt chân đến Đà Nẵng trong vai trò nước lớn đủ cho chúng ta thấy đâu là nhân cách thật sự của một nguyên thủ cường quốc.
Mở đầu cho CEO APEC Summit ngày 10-11-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ về những tổn thất mà người dân Việt Nam đang gánh chịu do cơn bão số 12 gây ra "Người dân Mỹ đang cầu nguyện cho các bạn và mong các bạn khôi phục trong những tháng tiếp theo. Trái tim chúng tôi hướng về những người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng của cơn bão khủng khiếp này" - ông thay mặt người Mỹ hướng về Việt Nam và cầu nguyện cho Việt Nam. Điều mà nước chủ nhà, nơi tang thương xảy ra mới toanh nhưng vẫn vô cảm thi mông, đọ dáng... và mọi hoạt động chính trị khác cũng không hề có lấy một lời chia sẻ, nguyện cầu.
Tại sao Trump không ca ngợi vua Hùng, ca ngợi các anh hùng dân tộc khác mà lại ca ngợi Hai Bà Trưng? Bởi vì ông thừa biết rằng khi ông ở đây, vợ ông đang tung tăng bên Trung Quốc và ngoài kia bao nhiêu giai nhân đang lượt là, vui tươi thì phía sau song sắt nhà tù cộng sản, những kẻ độc tài đang vùi dập các hậu duệ của Hai Bà Trưng như Cấn Thị Thêu, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga... bằng những bản án tận cùng của sự khốn nạn.
Tại sao ông nói: "Đà Nẵng trước đây là căn cứ quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ, nơi chứng kiến nhiều trận đánh thương đau. Nhưng giờ đây không còn nữa, thành phố này đang phát triển rất nhanh chóng và đạt được những tiến bộ đáng nể"? Bởi ông thừa hiểu rằng dù chiến tranh có người Mỹ tham chiến đã đi qua từ rất lâu, mọi sự đã trở về bình thường, tốt đẹp đáng nể nhưng cộng sản Việt Nam vẫn nuôi lòng căm thù, ngoài miệng giả nghĩa, giả nhân, giả lả rằng "khép lại quá khứ, mở ra tương lai, hòa hợp hòa giải" nhưng luôn đối xử tệ bạc với "quá khứ" bằng chủ nghĩa lí lịch, đàn áp người Công giáo, cắt cổ dân lành chỉ vì tấm vải màu vàng...
Tại sao ông nói: "Chúng tôi tìm kiếm tình hữu nghị chứ không mơ về sự thống trị"? Vì ông muốn đập tan luận điệu tuyên truyền dối trá của cộng sản Việt Nam rằng Mỹ là sen đầm, là đế quốc xâm lược trong khi kẻ xâm lược chính là cộng sản, kẻ bành trướng muốn thống trị thế giới chính là bạn vàng, đồng chí tốt Trung Quốc với "Giấc mơ Trung Hoa" chứ không phải Mỹ.
Kết thúc bài phát biểu, Trump đưa ra thông điệp "hãy chọn sự tự do và giàu có" và chia sẻ "đất nước Mỹ có được như ngày nay là do những di sản thừa hưởng được, đó chính là độc lập và tự do… Chúng ta hãy chung tay để chọn sự giàu có và tự do, chối bỏ sự nghèo nàn và lệ thuộc. Không đâu bằng nhà mình, hãy xây dựng quốc gia và bảo vệ Tổ quốc của chính các bạn" bởi vì ông biết rất rõ hiện có làn sóng tháo chạy khỏi Tổ quốc Việt Nam của con cái, người thân các đảng viên cộng sản (mỗi năm chúng vơ vét, tham ô để đổ vào nước Mỹ hơn 3 tỉ đô-la) và tình trạng xuất khẩu lao động ồ ạt từ Việt Nam ra thế giới.
Bài phát biểu của Trump tại CEO APEC Summit ngày 10-11-2017 đã cho chúng ta thấy đâu mới là nhân cách thật sự của nguyên thủ một cường quốc.

SUY NGHĨ VỀ NƯỚC MỸ

FB LAN TRAN/ BVN 17-11-2017

Có bạn lên STT nói rằng đừng bao giờ tin tưởng vào Trump với chủ trương "American first". Khi đặt nước Mỹ trước thì đừng hi vọng gì vào Trump. Ông ta chỉ vì nước Mỹ thôi chứ không vì người dân thế giới. Vậy nên đừng hi vọng Trump sẽ can thiệp gì về vấn đề biển Đông, vấn đề xâm lược mềm của Trung Quốc vào Việt Nam, vấn đề về môi trường...
Trước hết, khi đặt vấn đề như vậy, các bạn đã vô tình cho rằng nước Mỹ đã lãnh đạo cả thế giới này nên phải có trách nhiệm với tất cả. Kì thực vai trò của Mỹ cũng ngang bằng vai trò của 5 nước trong Hội đồng Bảo an - Liên hiệp quốc. Mỹ không thể trừng phạt một nước nào đó mà không thông qua các thành viên còn lại.
Tổng thống Obama khi đến Việt Nam đã nói rất rõ rằng vấn đề về thể chế chính trị là do bản thân mỗi nước, Mỹ không thể can thiệp và không có quyền can thiệp. Điều này có nghĩa là gì? Đó là ai làm vua ( dân hay Đảng Cộng sản) là do dân Việt Nam quyết. Mỹ không thể nhảy vào đưa thằng đảng xuống làm dân và đưa thằng dân lên làm vua. Các bạn không muốn trả giá thì sẽ không có pháp luật, không có tự do, no ấm, hạnh phúc, vì đảng nó ăn hết, không chừa phần cho bạn và con cái bạn.
Nước Mỹ có thể giúp bạn cái gì? Chỉ là giúp về đạo luật chế tài vi phạm nhân quyền. Điều này các bạn phải tự điều tra và làm đúng thủ tục truy tố những kẻ vi phạm nhân quyền để Quốc hội Mỹ xử lí. Vì Mỹ là nước pháp trị. Mỹ cũng có thể can thiệp để cộng sản Việt Nam thả một số tù nhân chính trị rồi cho sang tị nạn tại Mỹ. Nhưng cứu người này, chúng lại bắt người khác thì cứu cũng vô ích. Do đó, các bạn phải tạo ra một xã hội có tam quyền phân lập trước. Khi ấy, cộng sản không bắt người tùy tiện, Mỹ cứu mới có tác dụng.
Khi Mỹ chỉ là một quốc gia như bạn thì không thể làm gì được Trung Quốc nếu Trung Quốc xâm chiếm nhà cửa, cướp đất của bạn. Do đó, biển Đông là chuyện của bạn với Trung Quốc. Chỉ khi nào bạn là Việt Nam Cộng hòa, là Nhật, Hàn hay Phi Luật Tân, có liên minh quân sự với Mỹ thì họ mới can thiệp bằng quân sự nếu bạn bị Trung Quốc cướp chủ quyền và chủ quyền đó đã được tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết là của bạn.
Trump có thể gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc để đánh sập nền kinh tế nước này nhằm tạo ra quy luật "cùng tất biến", khiến dân Trung Quốc vùng dậy giải thể độc tài và cứu luôn cả Việt Nam. Nhưng nếu ông ta tính toán điều đó có thể làm bất lợi cho nền kinh tế Mỹ thì ông ta có quyền không làm. Ngược lại, Trump có thể chọn cách khác để đem lại quyền lợi cho nước Mỹ. Khi kinh tế nước Mỹ mạnh lên, dẫn đầu thế giới thì Mỹ mới có thể chế ngự Trung Quốc. Ông ta không chọn cách lao đầu vào một cuộc chiến để "chó chết, mèo le lưỡi", tạo điều kiện cho Triều Tiên, Iran hoặc Nga ngóc đầu dậy. Đó là cái khôn của ông ta.
Vì vậy không thể lấy câu "American first" của Trump ra để cho rằng nước Mỹ không còn trách nhiệm với thế giới này. Trách nhiệm lớn nhất của họ là phải bằng mọi cách giữ vững thế dẫn đầu. Đó là làm sao cho ngân sách quốc phòng của họ bỏ ra bằng 10 nước xếp sau cộng lại. Vì họ là một nền dân chủ nên chỉ có như vậy họ mới kiềm chế được độc tài và khiến thế giới này hòa bình, thịnh vượng hơn. Nếu họ không vì nước Mỹ trước, để tuột xuống hàng thứ hai, thứ ba thì thế giới này sẽ rơi vào tay độc tài như Trung Quốc hoặc Nga. Khi đó tình hình sẽ hỗn loạn hơn, không chừng sẽ có chiến tranh thế giới lần thứ ba với sự lên ngôi của chủ nghĩa phát-xít hay chủ nghĩa dân tộc chứ không phải người Mỹ.
Vì thế, có thể thể khẳng định câu "American first" cũng chính là nền dân chủ của cả thế giới này, trước hết là trong đường lối đối ngoại của Trump. Còn "độc tài" hay "dân chủ" ở Việt Nam là trách nhiệm của 93 triệu dân Việt Nam chứ không hề là của nước Mỹ.

TÓM TẮT  Ý CHÍNH TRONG DIỄN VĂN CỦA TT TRUMP TẠI APEC-ĐÀ NẴNG

PHẠM QUANG TUẤN/ BVN 17-11-2017

Thường một bài diễn văn dù dài cũng chỉ có một vài ý chính. Trên mạng mấy hôm nay toàn bàn về những ý phụ, “râu ria” vô bổ, nên xin mạn phép tóm tắt bài diễn văn ở đây. Bản dịch tiếng Việt chính thức của bài diễn văn đã được tòa Đại sứ Mỹ cung cấp (http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41958781), tuy nhiên bản này cũng có nhiều lỗi và có lẽ người dịch không rành tiếng Anh hoặc tiếng Việt lắm, hoặc đã tắc trách dùng Google Translate hơi nhiều! Nguyên văn tiếng Anh tại đây: https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2017/11/10/remarks-president-trump-apec-ceo-summit-da-nang-vietnam.
Bài diễn văn của ông Trump thực ra chỉ có MỘT ý chính thôi, và đó cũng là ý mà ông đã dùng suốt từ khi tranh cử, là luận cứ cốt lõi ông đã dùng để thuyết phục dân Mỹ bầu cho ông. Ý đó là:
TỪ LÂU CÁC NƯỚC QUÝ VỊ ĐÃ LỢI DỤNG NƯỚC MỸ, DÙNG THỦ ĐOẠN CẠNH TRANH BẤT CHÍNH ĐỂ LÀM GIÀU CHO NƯỚC QUÝ VỊ. TỪ GIỜ TRỞ ĐI CHÚNG TÔI SẼ KHÔNG ĐỂ QUÝ VỊ LÀM VẬY NỮA. AI BUÔN BÁN ĐÀNG HOÀNG THÌ CHÚNG TÔI SẼ BUÔN BÁN, CÒN KHÔNG THÌ THÔI.
“Quý vị” đây tức là tất cả các nước khác ngoài Mỹ; không phải chỉ Trung Cộng mà còn Nhật, Hàn, Việt Nam (những nước ông ta đã từng nêu tên) và các nước khác trên thế giới. Ý trên là cốt lõi của khẩu hiệu “America First” đã đưa Trump lên chức vị Tổng thống.
Một ý quan trọng, nhưng cũng từ ý chính mà ra, là từ giờ Mỹ sẽ chỉ ký các hiệp định thương mại song phương với từng nước chứ không ký đa phương (như TPP) nữa (“Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác VỚI TỪNG VỊ lãnh đạo trong khán phòng này ngày hôm nay để đạt thương mại có lợi cho đôi bên”).
Những thủ đoạn cạnh tranh bất chính (lạm dụng thương mại) là gì thì có nói khá dài trong bài diễn văn.
----------
Tất cả các ý khác đều là phụ, râu ria, ngôn ngữ vuốt ve ngoại giao nhằm làm dịu tính cách cứng rắn của thông điệp này, cùng những nhận xét tổng quát vô thưởng vô phạt. Hầu như chắc chắn chúng do các chuyên viên viết diễn văn thảo, chứ Tổng thống không có thì giờ làm việc đó, nhất là một Tổng thống nổi tiếng là lười biếng những chuyện chi tiết như Trump.
Một câu khá đặc biệt là khi nói về Hai Bà Trưng: ý này rõ ràng là muốn “đá giò lái” Trung Cộng. Dĩ nhiên, Trump không thể nghĩ ra ý này và có thể là một nhân viên ngoại giao gốc Việt, hoặc ít ra là rành văn hóa VN, nhét vào (Năm ngoái diễn văn của Obama ở Hà Nội cũng nói về Ly Thường Kiệt và bài thơ "Nam quốc sơn hà Nam Đế cư").
Một chữ mà mọi người mong đợi đã không xuất hiện trong diễn văn của ông Trump: nhân quyền. Chỉ có một lần ông dùng chữ "individual right" mà tòa Đại sứ Mỹ dịch là "quyền hạn cá nhân". Điều này dễ hiểu vì ai cũng biết rằng Trump hoàn toàn không quan tâm đến nhân quyền, ở Mỹ cũng như ở nước khác. Cũng nên biết rằng ở Mỹ chữ "individual right" thường được phe hữu dùng kèm với "to bear guns" để bảo vệ quyền cầm súng của người Mỹ.
Có một câu, thực ra không có gì quan trọng (chỉ là "kem thoa ngoại giao"), nhưng bị hiểu lầm và thổi phồng quá nhiều trên mạng nên xin bàn một chút. Đó là câu “I am always going to put America first the same way that I expect all of you in this room to put your countries first” mà nhiều người dịch là “tôi luôn luôn đặt nước Mỹ trên hết và mong đợi các bạn cũng đặt nước các bạn trên hết”, rồi bàn loạn rằng Trump muốn dạy bảo các lãnh đạo CSVN phải biết nghĩ đến đất nướcclip_image001! Ngay cả bản dịch của TĐS Mỹ cũng sai ở chỗ này. Thực ra, câu này có nghĩa là “tôi luôn luôn đặt nước Mỹ trên hết và TÔI CHẮC RẰNG tất cả các quý vị trong phòng này cũng đều đặt nước các quý vị trên hết”. Chữ expect đây có nghĩa là nghĩ rằng, chắc rằng, giống như “I expect some rain today”: tôi nghĩ rằng hôm nay sẽ có mưa (dù là bạn đang thèm đi biển và không “mong đợi” mưa chút nào). Nên nhớ là câu này hướng tới tất cả các nước APEC (“all of you in this room”) chứ không riêng cho VN!
P.Q.T.
Tác giả gửi BVN

CÁCH TỰ SÁT CỦA MỘT SIÊU CƯỜNG ?

Richard Javad Heydarian/ BVN 19-11-2017

Trong chuyến công du chính thức đầu tiên của Tổng thống Donald Trump tại châu Á, sự giảm sút nhanh chóng quyền bá chủ kéo dài nhiều thập niên của Hoa Kỳ ở khu vực này đã trở nên rõ ràng một cách đau đớn.
Đây có phần là một sản phẩm phụ mang tính cơ cấu từ sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc, quốc gia đã công khai kêu gọi một trật tự khu vực mới của thế kỷ 21 “châu Á của người châu Á”. Từ năm 2013, cường quốc châu Á này đã đưa ra một gói các sáng kiến phát triển hấp dẫn, có tiềm năng sẽ vẽ lại cảnh quan kinh tế của khu vực và xa hơn nữa. Khi Trung Quốc nổi lên thành một cỗ máy kinh tế của thế giới, nước này cũng chủ động đòi lại vị trí lịch sử của nó dưới ánh mặt trời.
Nhưng đây cũng là một phụ phẩm của tác động có tính chất phá hoại vị thế của Hoa Kỳ ở châu Á trong nhiệm kỳ Tổng thống đầy giông bão của ông Trump. Cả các đồng minh và đối thủ trong khu vực đều bị xáo động bởi chính sách đối ngoại “tân-biệt lập” (neo-isolationist), gọi là “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Hàng loạt những lời đả kích lúc nửa đêm trên mạng Twitter, những cuộc tấn công thường trực vào trật tự tự do quốc tế và sự hấp tấp rút khỏi hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – gộp chung lại đã làm cho Hoa Kỳ bị cô lập ngay cả với các đồng minh gần gũi nhất.
Hồi đầu năm nay, một quan chức từ một đối tác quan trọng của Mỹ nói với người viết bài này: ”Liệu có phải đây là cách một siêu cường tự sát hay không?” Câu trả lời dường như là “Phải”.
Trong khi Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì một lợi thế quân sự đáng kể so với các đối thủ bằng vai phải lứa của mình, nước Mỹ đang dần thất bại trong trận đánh chủ yếu xác định nên thế kỷ này: thương mại và đầu tư. Trong khi đó, Trung Quốc đang bận rộn định hình lại thế giới theo hình ảnh của chính họ, với sức mạnh và sự hăng hái. Trong một vòng xoáy siêu thực các biến cố, giờ đây đã xảy ra điều tưởng là không thể: một chế độ cộng sản lại nổi lên thành người bảo vệ công cuộc toàn cầu hóa và ngoại giao đa phương.
Thảm họa quyền lực mềm
Từ ngày ông Trump lên nắm quyền, vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới đã trải qua một tiến trình sụp đổ. Theo trung tâm nghiên cứu PEW, niềm tin quốc tế vào sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đã giảm sút đáng kể trong năm qua. Điều này được cảm nhận rõ ràng nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trọng tâm địa chính trị toàn cầu.
Trong số các đồng minh châu Á của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Nam Hàn và Nhật Bản, niềm tin vào khả năng của Tổng thống Mỹ trong việc đưa ra các phán đoán đúng đắn đã bị giảm 71% và 54%. Ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất, nó đã giảm tới 41%. Đây quả là một thảm họa cho quyền lực mềm của Mỹ.
Bất chấp những lời lẽ cứng rắn, ông Trump vẫn không giành được sự nhượng bộ quan trọng nào trong chuyến công du Trung Quốc; Bắc Kinh vẫn không mảy may lay động trong những lĩnh vực chủ yếu về kinh tế và địa chính trị mà hai bên có sự bất đồng, đặc biệt là về Bắc Triều Tiên và Biển Đông. Thất bại trong nỗ lực áp đặt ý chí của mình lên nước chủ nhà, ông Trump thậm chí còn kết thúc bằng việc trao cho Bắc Kinh “niềm tin sâu sắc” vào khả năng của nước này trong việc “lợi dụng một quốc gia khác vì lợi ích của các công dân của mình”. Ông Trump đã đổ cho các Chính phủ trước ông trách nhiệm gây ra mất cân bằng thương mại đang phình lên với Trung Quốc!
Hoa Kỳ rõ ràng bị cô lập tại hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam. Nước chủ nhà là một trong 11 quốc gia, gồm cả Nhật Bản, Australia và Singapore, cảm thấy bị phản bội bởi quyết định của ông Trump rút ra khỏi TPP. Các nước nhỏ ở Đông Nam Á xem hiệp định thương mại này là cơ hội để có được quyền tiếp cận tốt hơn với thị trường Hoa Kỳ, trong khi Nhật Bản và Australia coi nó là đối trọng hết sức thiết yếu để cân bằng ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở khu vực.
Các đồng minh của Hoa Kỳ đã điều chỉnh và đặt tên lại cho hiệp định thương mại này với hy vọng sẽ làm cho nó hồi sinh. Dù sao, nhiều Chính phủ châu Á đã chi tiêu rất nhiều vốn liếng chính trị để tán thành thỏa thuận TPP nguyên thủy, bất chấp sự phản đối của cánh bảo hộ thị trường trong nước. Tuy vậy, sự kiện này về cơ bản lại khiến cho Washington không còn sáng kiến kinh tế nào để đem ra bàn thảo.
Nói ngắn gọn, các đồng minh đã thể hiện sự sẵn sàng vượt qua mặt Hoa Kỳ và tích cực xây dựng một trật tự thế giới thời hậu-Hoa Kỳ (post-America), một phần để mở rộng thương mại khu vực cũng như để giữ cho ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc trong tầm kiểm soát.
Tôi đã nói chuyện với một nhà đàm phán thương mại lão làng của Hoa Kỳ và người này cho rằng có rất ít khả năng nước Mỹ thời hậu ông Trump (post-Trump America) sẽ đồng ý gia nhập hiệp định TPP với phiên bản đã được điều chỉnh nhằm thay đổi căn bản cấu hình kinh tế của các nước thành viên. Quốc hội Hoa Kỳ, theo luật và theo truyền thống chính trị, sẽ không bao giờ đồng ý phê chuẩn một hiệp định thương mại mà các nhà đàm phán Hoa Kỳ không giữ vai trò có tính chất bước ngoặt và liên tục trong việc hình thành hiệp định ấy. Điều đó có nghĩa là, các đồng minh hoặc sẽ phải quên đi sự tham gia của Hoa Kỳ vào cái gọi là “TPP 11” hoặc đóng băng tất cả các cuộc đàm phán cho đến khi Washington thay đổi quyết định. Thật là phí phạm thời gian và cơ hội chiến lược.
Nền hòa bình Trung Quốc (Pax Sinica)
Trái ngược với Hoa Kỳ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu tại APEC đã miêu tả toàn cầu hóa như “một xu thế lịch sử không thể đảo ngược”. Ông ta khuyến khích một “cơ chế và thực tiễn thương mại đa phương” nhằm giúp cho “các thành viên đang phát triển hưởng lợi nhiều hơn từ thương mại và đầu tư quốc tế”. Những lời phát biểu này là tiếng vọng của bài diễn văn nổi tiếng mà ông Tập đọc tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hồi đầu năm nay, trong đó ông chính thức đề cao Trung Quốc như là người đi tiên phong của trật tự kinh tế toàn cầu.
Hồi đó, ông Tập phê phán tất cả những ai “đổ trách nhiệm cho toàn cầu hóa kinh tế về những vấn đề của thế giới”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc còn coi toàn cầu hóa là “một đại dương lớn mà bạn không thể thoát ra khỏi được”, đồng thời phê phán chủ nghĩa bảo hộ như là “tự soi gương trong phòng tối”.
Đây không phải là những từ ngữ rỗng tuếch. Trung Quốc đang tiến về phía trước, lôi kéo về phía mình cả khu vực và thế giới với một ý thức sâu sắc về mục tiêu. Ông Tập đã giúp thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở tại Bắc Kinh và Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) đặt trụ sở tại Thượng Hải như là những định chế thay thế cho Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do Mỹ cầm trịch, lẫn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản điều hành.
Với hiệp định TPP trong trạng thái đình trệ, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đặt cược vào hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP) do Trung Quốc hậu thuẫn. Hiệp định RCEP được cho là một sự thay thế linh hoạt hơn, bao trùm hơn, không đặt ra nhiều yêu cầu gay gắt cho các nước thành viên tương lai mà tập trung chủ yếu vào việc giảm các rào cản thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực.
Vẫn chưa phải hết… (1)
Nói cho công bằng, còn lâu mới khẳng định được số phận của những sáng kiến kinh tế do Trung Quốc dẫn dắt, cũng như số phận của hiệp định RCEP. Cho đến nay, hồ sơ của Trung Quốc về đầu tư khắp khu vực gây ra những kết quả lẫn lộn. Hơn thế nữa, công cuộc quảng bá một mô hình chuyên chế về phát triển, cộng với sự can thiệp ngày càng trắng trợn vào công việc của các quốc gia láng giềng, có thể đe dọa các nền dân chủ mới đâm chồi nẩy lộc trong khu vực – chưa kể tới việc Trung Quốc trực tiếp thách thức luật pháp quốc tế và an ninh khu vực bằng hành động hung hăng chiếm đóng các vùng lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông, tuyến đường hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Rõ ràng, Bắc Kinh tìm cách mua chuộc sự phục tùng của các nước láng giềng nhỏ hơn thông qua việc phân bổ mang tính chiến lược các khoản hỗ trợ tài chính.
Nhưng, do Hoa Kỳ và các đồng minh không đưa ra được một phương án kinh tế cụ thể để thay thế, ngày càng nhiều Chính phủ trong khu vực sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận cuộc tấn công kinh tế của Bắc Kinh. Không chỉ quyền bá chủ của Mỹ mà cả quyền tự chủ của các nước nhỏ hơn cũng như sự sống còn của một trật tự dựa trên luật pháp ở châu Á đang rơi vào tình thế đầy may rủi!
R.J.H.

(1) Đề mục này do BVN thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét